Lịch sử Đồng Nai Qua hàng loạt các địa điểm di chỉ, khảo cổ: Dầu Giây, An Lộc, Hàng Gòn, Cam Tiêm, Bình Lộc, Núi Đất, Phú Quý ... trên đất Đồng Nai đã phát hiện những công cụ lao động của người cổ thời kỳ đồ đá cũ. Các hiện vật đa dạng phong phú được phát hiện như: cuốc đá, rìu đá, dao đá ... và cả đồ gốm ở các di chỉ Cầu Sắt, Bình Đa, Gò Me ... cho thấy nền nông nghiệp phát triển khá sớm của người cổ Đồng Nai. Những di chỉ Cái Vạn, Bình Đa, Phước Tân, Bến Đò, Gò Mít, Đồi Xoài, Trảng Bom, Sông Tây, Cù Lao Rừa, Núi Gốm ... qua điều tra khảo cứu, kiểm chứng chúng đã chứng minh cách đây 3000 - 4000 năm người cổ Đồng Nai đã định hình cụm dân cư - làng cư trú ven sông, ven đồi và ven biển. Cư dân cổ Đồng Nai đã trải qua quá trình phát triển như bao cư dân khác trên đất nước Việt Nam đó là các thời đại đá cũ, đá mới, thời đại văn hóa kim khí (đồng, thau và sắt). Công cụ lao động bằng sắt, binh khí bằng sắt đã tác động đến đời sống của người cổ trong khai khẩn chinh phục thiên nhiên, bảo tồn nòi giống và mở mang vùng đất. Những di chỉ di vật đàn đá Bình Đa, qua đồng Long Giao, mộ cự thạch Hàng Gòn đã nói lên sự phát triển cư dân cổ Đồng Nai về các mặt văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật trong các tộc người cổ ở Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng ... Qua khảo cổ học cho chúng ta thấy Đồng Nai là vùng đất con người tồn tại và phát triển liên tục từ thời tiền sử đến khi người Việt vào khai phá. Trong hơn 10 thế kỷ sau Công nguyên, cư dân ở Đồng Nai với văn hóa Óc Eo làm nền tảng và tiếp thu những nền văn hóa khác tạo nên một nét văn hóa mang tính nội địa. Cư dân Đồng Nai qua nghiên cứu nhân chủng học thì chính là các tộc ít người hiện nay: Xtiêng, Châu Ro, Châu Mạ, Kơ Ho, họ chính là cư dân bản địa, hậu duệ của chủ nhân vùng đất Đồng Nai xưa. Xã hội được tổ chức theo bộ tộc, mỗi bộ tộc có một tộc trưởng đứng đầu, sống theo chế độ "mẫu hệ" mà ngày nay vẫn còn trong các sinh hoạt cúng tế. Cuối thế kỷ XI vùng đất Đồng Nai bước vào thời kỳ văn hóa Đại Việt phát triển về phía Nam. Trên vùng trung lưu sông Đồng Nai, hình thành một trung tâm văn hóa mới và phát triển trên nền của truyền thống văn hóa bản địa được ghi là "văn hóa đại làng" ảnh hưởng phát triển lan rộng xuống vùng hạ lưu. Đấy là nền văn hóa đặc trưng của dân tộc bản địa ở Nam Tây Nguyên góp phần cùng văn hóa Đại Việt tạo nên phức hợp văn hóa Đồng Nai cách đây ba thế kỷ. Nếu như vào cuối thế kỷ XVI, vùng đất miền Đông Nam bộ nói chung và vùng đất Đồng Nai nói riêng về cơ bản là một vùng đất hoang chưa được khai phá và hầu như hoang vắng thì đến cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII đã trở nên sôi động với sự xuất hiện của lớp cư dân mới mà chủ yếu là người Việt từ vùng Thuận Quảng di cư vào. Nguyên nhân của hiện tượng xã hội này là cuộc chiến tranh tương tàn của 2 giòng họ phong kiến: họ Trịnh ở Đàng Ngoài và họ Nguyễn ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVI. Đến cuối thế kỷ XVII, thế lực của chúa Nguyễn ở vùng Đồng Nai - Gia Định tăng lên mạnh mẽ, điều đó đã khuyến khích làn sóng di cư của người Việt trên vùng đất mới. Từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XVIII các vùng dọc ven sông Phước Long (Đồng Nai) từ Nhơn Trạch cho đến Vĩnh Cửu lần lượt người Việt đến khai khẩn lập ruộng vườn. Đặc biệt những địa điểm thuận lợi như Cù Lao Phố thì số lượng người Việt đến khẩn hoang lập ấp trong những thập niên đầu thế kỷ XVII là rất lớn. Thành quả khai khẩn của lưu dân Việt non một thế kỷ đã từng bước biến đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng Đồng Nai. Từ chỗ là rừng hoang nên địa trong thế kỷ XVII đã trở thành vựa lúa gạo dư thừa so với nhu cầu lương thực tại chỗ, vì vậy việc vận chuyển buôn bán ra các phủ ở xứ Đàng Trong đã diễn ra quy mô ngày một lớn. Những thành tựu đạt được về mặt khẩn hoang và khai thác nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn đầu đã đặt nền móng vũng chắc cho công cuộc khai khẩn và phát triển kinh tế vùng đất Đồng Nai - Gia Định ở các thời kỳ kế tiếp, nhất là sau năm 1698 với các đợt nhập cư có quy mô lớn của lưu dân Việt, dưới sự bảo trợ của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) vào kinh lý vùng đất hoang hóa phương Nam. Ông đặt miền đất mới - nay là Nam bộ thành phủ Gia Định. Phủ Gia Định có hai huyện Phước Long (Biên Hòa - Đồng Nai) và Tân Bình (Sài Gòn - Gia Định). Qua nhiều năm chia, lập, năm 1808 Trấn Biên Hòa ra đời. Năm 1832, trấn đổi thành tỉnh - trấn Biên Hòa cũng đổi thành tỉnh Biên Hòa gồm một phủ Phước Long và 4 huyện. Sách Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức giới thiệu khái quát tỉnh Biên Hòa: "Từ Đông đến Tây cách 542 dặm rưỡi, từ Bắc đến Nam cách 587 dặm rưỡi, phía Đông giáp núi Thần Mẫu lập trạm Thuận Biên, chạy dài ra phía Bắc đều là sách động của sơn Man, phía Nam giáp Trấn Phiên An trên từ suối Băng Bột, qua Đức Giang đến Binh Giang bẻ quanh về ngã ba Nhà Bè, thẳng xuống vùng biển Cần Giờ qua Vũng Tàu qua Thái Sơn lấy một dải sông dài làm giới hạn. Phần đất ở bờ phía bắc sông là địa giới trấn Biên Hòa, phía đông giáp biển, phía tây đến sơn Man". Tỉnh Biên Hòa hồi bấy giờ gồm 1 phủ 4 huyện, 8 tổng, 307 thôn, xã, phường. Đó là các huyện Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An. Ngày 18-12-1861 liên quân Pháp - Tây Ban Nha hạ thành Biên Hòa. Tỉnh Biên Hòa vẫn được thực dân Pháp giữ tên cho đến 1945. Số làng xã tăng lên nhanh từ khi thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa vào những năm đầu của thế kỷ XX từ 151 làng thuộc 14 tổng năm 1901 đến năm 1924 đã có 172 làng thuộc 17 tổng; như vậy số làng xã tăng 13,9%, số tổng tăng 21% trong vòng 1/4 thế kỷ. Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa được thành lập. Về địa lý hành chính gồm các huyện, xã cơ bản được tổ chức như trước cách mạng, nhưng khác ở chỗ ta không có cấp tổng. Sau hiệp định Genève (Giơ-ne-vơ), từ năm 1957 chính quyền Sài Gòn chia nhỏ các tỉnh miền Nam. Tỉnh Biên Hòa chia thành 3 tỉnh mới: Biên Hòa, Long Khánh và Phước Thành (1959). Trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Biên Hòa nhiều lần tách nhập cùng tỉnh Thủ Dầu Một, Bà Rịa ... để hình thành các đơn vị chiến trường mới như Bà Biên, Thủ Biên, phân khu 4, phân khu Thủ Biên, U1 ... Sau ngày 30-4-1975, địa bàn Đồng Nai bao gồm ba tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú. Tháng 1-1976 ba tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai. Năm 1976 tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố, 1 thị xã, 9 huyện, 1 quần đảo (Trường Sa), 154 xã, phường, thị trấn. Năm 1979 tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố, 8 huyện, 1 quần đảo, 141 phường, xã, thị trấn. Năm 1985 tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố, 1 thị xã (Vĩnh An), 7 huyện, 147 phường, xã, thị trấn. Năm 1990 tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện, 155 xã, phường, thị trấn. Năm 1992 tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện, 119 xã, phường, thị trấn. Năm 1995 tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố, 8 huyện, 163 xã, phường, thị trấn. Sự thay đổi địa giới cấp huyện diễn ra trong các năm 1978 đến nay là: - Ngày 29-12-1978 cắt huyện Duyên Hải nhập về TP.HCM. - Ngày 30-5-1979 lập đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo. - Ngày 9-12-1982 thành lập huyện Trường Sa tách khỏi huyện Long Đất và ngày 28-12-1982 sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa). - Ngày 23-12-1985 thành lập thị xã Vĩnh An. - Ngày 10-4-1991 chia huyện Xuân Lộc thành hai huyện Long Khánh và Xuân Lộc. Chia huyện Tân Phú thành hai huyện Tân Phú và Định Quán. - Ngày 12-8-1991 cắt 3 huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai nhập về đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo để thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. - Ngày 26-3-1994 chia huyện Long Thành thành hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch. - Ngày 29-8-1994 lập lại huyện Vĩnh Cửu từ thị xã Vĩnh An.
Người mở nước phía NamNguyễn Hữu Châu (1650-1700) là viên tướng trẻ thời chúa Nguyễn. Cha của ông là Nguyễn Hữu Dật từng góp công lớn cho chúa Nguyễn lúc gìn giữ đất Quảng Bình, đối đầu có hiệu quả với chúa Trịnh. Ông chào đời lúc cuộc chiến nói trên đang xảy ra, từng lập công nhưng chưa có gì xuất sắc cho lắm. Cuộc chiến chấm dứt ông hơn 20 tuổi. Thành tích lớn của ông là góp phần tích cực, lập công đầu trong việc mở nước về phía Nam. Được lãnh trách nhiệm trấn thủ Bình Khang (Nha Trang), ông góp phần ổn định vùng Phan Rang, Phan Thiết. Nhờ ông mà vùng Bình Thuận trở thành lãnh thổ Việt Nam, trong thời gian ngắn. Việc mở nước về phía Nam, vượt đèo Ngang đã xảy ra hồi đời nhà Lý thể kỷ thứ XI, đời Trần. Ta nhớ đến chuyện Huyền Trân Công chúa. Lê Thánh Tôn đã mở cuộc hành quân đến đèo Cả, núi Đá Bia hồi cuối thế kỷ XV, vùng này là Phú Yên. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra, đời chúa Hiền và trước đó, nhiều nông dân chán ghét chiến tranh đã kéo vào Nam Bộ, phong trào tự phát. Đáng chú ý năm 1679, những di thần 'bài Mãn phục Minh" kéo đến, trình diễn với Hiền Vương và được chúa cho phép vào định cư ở vùng Biên Hoà, Mỹ Tho, tức là vùng phì nhiêu của sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Lần hồi, cảng Cù lao Phố (thành phố Biên Hoà) thành hình, đón thương gia nước ngoài. Vùng Sài Gòn cũng phát triển và trở thành căn cứ quân sự quan trọng của Nam Bộ. Dân cư đã làm ruộng có hiệu quả tận Long An, Mỹ Tho, rải rác. ở Quảng Nam vùng Hội An rất phồn thịnh, trở thành một hải cảng lớn. Nhờ chiến tranh chấm dứt, chúa Nguyễn Phúc Chu chấn chỉnh trung tâm Huế, chỉnh đốn chùa Thiên Mụ. Nguyễn Hữu Cảnh trấn đóng ở ải địa đầu Diên Khánh (Nha Trang, còn gọi vùng Bình Khang) trong bối cảnh nói trên. Năm 1698 - năm mà ta lấy mốc để kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh chúa Minh Vương vào kinh lược phía Nam. Cuộc hành quân diễn ra, vào mua xuân năm Mậu Dần, tính đến nay đã 5 lần Mậu Dần, mỗi lần 60 năm (đáo tuế), tròn 300 năm. Chức vụ kinh lược quan trọng, thay thế cho chúa để quyết định những vấn đề lớn. Theo đường biển, đạo quân của Nguyễn Hữu Cảnh gồm quân sĩ của xứ Quảng Nam và Bình Khang đi ngược dòng Đồng Nai đến Biên Hoà, trú đóng tại cù lao Phố, nơi đã có hải cảng sầm uất. Ông đi thanh tra vùng Sài Gòn rồi đặt ra hai đơn vị hành chính của Nam Bộ, lần đầu tiên: - Huyện Phước Long với ranh giới là vùng Biên Hoà bao la, kể luôn vùng Bà rịa - Vũng Tàu. - Huyện Tân Bình gồm vùng Sài Gòn ăn xuống Long An, kể luôn vùng Mỹ tho. Hai huyện này đặt dưới quyền của phủ Gia Định, lần đầu tiên hai chữ Gia Định xuất hiện. Phủ Gia Định có viên cai hạ, lo việc thu thuế, cấp lương bổng, lại có viên ký lục lo về tư pháp. Một chính sách phóng khoáng được đặt ra. Dân phải đăng ký ruộng đất để đóng thuế. Phần đất chịu thuế thì được hợp thức hoá. Phần đất không đăng ký thì không có chủ quyền. Nghĩa là tuỳ ý người nông dân, đóng thuế phần đất tốt, phần đất xấu thì lậu thuế, chờ xem... Dân đinh phải đóng thuế thân, hễ đóng thuế thì được khẩn đất. Ai không đóng thuế thì tuỳ ý, không được nhận là dân, tha hồ sống bềnh bồng! Người dân rất vui mừng vì được chủ quyền đất, được xem như người đứng đắn, không còn mang tiếng xấu là "trốn xâu lậu thuế', rồi được cử là hương chức hội tề, là cai tổng, có thể diện. Chúa Nguyễn thu thuế, người dân mất chút ít quyền lợi nhỏ nhưng được quyền lợi lớn hơn: được bảo vệ khi có ngoại xâm, quân đội chúa Nguyễn khá hùng mạnh sẽ đủ sức ổn định bờ cõi. Do đó, dân từ Quảng Bình trở vào Bình Định phấn khởi vào Nam. Xong công việc, Nguyễn Hữu Cảnh trở về Bình Khang (Nha Trang). Năm sau, được tin phía biên giới sắp biến động. Lập tức, ông mở cuộc hành quân lớn với quân sĩ của Quảng Nam, Bình Khang và của Biên Hoà. Quân sĩ theo đường thuỷ, ngược sông Tiền (Cửu Long), lấy thêm quân ở cù lao Giêng, đến Tân Châu rồi tiếng lên Nam Vang (Nông Pênh). Sử chép rõ: Nguyễn Hữu Cảnh đứng trước mũi chiến thuyền, mặc áo giáp, tay cầm gươm, súng đại bác nổ vang. Đối phương đầu hàng ngay, không một ai bị giết. Rồi ông kéo quân về, đến vùng Ông Chưởng thì bệnh nặng nên dừng lại làm lễ ăn thắng trận. Bệnh không thuyên giảm, phải về, đến Rạch Gàm (Mỹ Tho) là mất, đưa về quàn tại cù lao Phố, nơi quàn ấy ngày nay hãy còn ngôi mộ thờ vọng. Rồi đưa về an táng tại Quảng Bình. Thoại Ngọc Hầu, đời Minh Mạng đã nhớ ơn Nguyễn Hữu Cảnh, cho lập đền thờ ở tại chợ Châu Đốc. Cơ ngơi này trang nghiêm, hàng năm tế lễ với quy mô lớn không kém ngôi đền nào khác ở vùng đồng bằng. Phóng khoáng, bồi dưỡng sức dân, phát triển với văn minh biển, văn minh sông nước, không giẫm chân tại chỗ, lạc quan. Theo ý tôi, đó là bài học lớn của Nguyễn Hữu Cảnh để lại. Chỉ có lòng yêu nước tích cực. Thụ động, không lo phát triển là tụt hậu. Có tích cực mới thấy lạc quan, trong cuộc sống. (Tư liệu sưu tầm trên Internet )