1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lịch Sử nước Mỹ

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi thosan, 18/06/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Lịch Sử nước Mỹ

    Những phát hiện đầu tiên


    Hoa Kỳ là một quốc gia mới do người Châu Âu lập nên. Quá trình lịch sử của nó còn rất mới mẻ so với nhiều quốc gia khác. Châu Mỹ coi như mới được thủy thủ người Ý- Ông Christopher Columbus, tìm ra vào năm 1492. Về thời đó, người ta biết rất lờ mờ về hình thể trái đất. Christopher Columbus lý luận rằng ông có thể đi tới Ấn Ðộ bằng cách giương buồm vượt biển đi theo hướng Tây hay hướng Ðông đều được, vì rằng trái đất tròn.Ý kiến của ông được các nhà cầm quyền và Nữ hoàng Tây Ban Nha ủng hộ. Columbus đã khởi hành với 3 chiếc tàu và khoảng 30 thủy thủ, ròng rã 3 tháng trời đầy sóng gió và thất vọng, họ đã vượt qua Ðại Tây Dương và đổ bộ lên hòn đảo Bahama thuộc Bắc Mỹ ngày 12-10-1492. Nhưng Columbus vẫn cho rằng ông đã tới Ấn Ðộ nên gọi những người dân bản xứ ở đó là người Ấn, cái tên mà bang đó vẫn còn mang là Indiana.

    Cho mãi đến thế kỷ 16, người Châu Âu mới bắt đầu di cư sang Hoa Kỳ ngày một nhiều. Trước hết là những nhà thám hiểm, những thủy thủ có óc phiêu lưu muốn tìm vàng. Những cuộc thám hiểm đó không ngờ đã đem lại biết bao kết quả vô cùng tốt đẹp như chúng ta thấy ngày nay.

    Sau đó ít lâu thì người Tây Ban Nha, Ðức, Hoà Lan, Pháp và nhất là người Anh, kéo tới rất đông. Thành phố đầu tiên mà người Anh dựng lên là thành phố Jamestown (để tôn vinh vua James đệ nhất đã ban cho họ một đặc ân). Ða số những người di dân sang Hoa Kỳ là những người nghèo khổ hoặc là những kẻ muốn thoát khỏi những khắt khe về tôn giáo và muốn được tự do tín ngưỡng. Những người này đa số là những nhà tu dòng Thanh giáo (Puritan) và dòng Quakers. Một lý do chính yếu khác nữa khiến người Anh di cư sang Hoa Kỳ là tại chế độ phong kiến tàn nhẫn của Nữ hoàng đã gây rất nhiều lộn xộn và bất mãn cho người dân.

    Suốt trong những năm đầu tiên ở đất nước mới mẻ này, người ta đã không thể có đủ lương thực để sinh sống. Cuộc sống hết sức khó khăn, đau ốm, chết chóc. Thoạt đầu, người ta đinh cư dọc theo ven biển và mở rộng vào nội địa khi dân số đã tăng. Cứ mỗi lần đinh cư trên bờ biển, họ thường khai hoang một khu đất nhỏ trong rừng rậm và thường bắt đầu mở nông trại. Toàn thể lục địa đều được chinh phục theo cung cách này. Cứ mỗi khi nghe tin nơi nào có đất tốt, có vàng, có dầu thì người ta tràn tới và hòa hợp cùng nhau tại địa điểm phồn thịnh đó.

    Khi những người nói tiếng Anh mới tới xứ này, họ định cư dọc theo duyên hải phía Ðông. Sau đó, họ thành lập 13 thuộc địa. Người Hòa Lan cũng định cư ở những chỗ ngày nay như Nữu Ước (New York). Người Pháp từ Canada kéo xuống dọc theo miền Ðại hồ tới các đồng bằng miền Trung. Người Tây Ban Nha thì định cư ở Florida năm 1565 và những chỗ ngày nay là Tân Mễ Tây Cơ (New Mexico) từ năm 1598. Sau đó, vào năm 1700, họ bất đầu di chuyển về phía Tây Bắc để vào miền Nam Califonia. Thông qua chiến tranh và những cuộc mua bán những miền đất bao la này đã trở thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ( The United States of America).
  2. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Những cuộc cách mạng và nền độc lập
    Chính phủ Anh đã thành lập một bộ thuộc địa gọi là Uỷ ban doanh thương và Ðồn điền (Board of Trade and Plantation) để tổ chức và duy trì trật tự cho dân di cư. Ban đầu, cuộc giao dịch này không có tính cách chính trị. Người Anh ở nước Anh hay ở Mỹ đều giao dịch với nhau trên căn bản bình đẳng. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 18, Anh hoàng đã dùng biện pháp và chính sách cứng rắn để kiểm soát gắt gao việc cai trị dân thuộc địa. Quốc hội Anh đã đặt ra những thể lệ thuế quan khắt khe đối với dân di cư. Dần dần, bầu không khí phẫn uất nổi lên mỗi ngày một trầm trọng. Dân di cư lập bản tuyên cáo về những quyền lợi của họ và cung cách mà họ bị ngược đãi. Cuối cùng, cuộc xung đột về quyền lợi đã dẫn tới chiến tranh. Cuộc chiến tranh Cách mạng khởi đầu vào tháng 4 năm 1775 dưới sự lãnh đạo cương quyết của George Washington, kéo dài từ năm 1775 tới năm 1781.
    Ngày Ðộc lập: 4 tháng 7 năm 1776, Quốc hội phê chuẩn bản Tuyên ngôn Ðộc lập của một Ủy ban soạn thảo do Thomas Jefferson đứng đầu. Năm 1783, Anh công nhận nền độc lập của các nước thuộc địa. Cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ không những chỉ tạo lập một quốc gia mà còn tạo ra một trong những xứ dân chủ, không có vua chúa đầu tiên ở toàn cầu. Hơn nữa, kết quả đó đã khuyến khích rất nhiều cho cuộc Cách mạng Pháp ra đời sau đó.
    Mặc dù nền độc lập đã chấm dứt 7 năm trời gian khổ và hy sinh, nhưng nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt được những lủng củng nội bộ. Lúc bấy giờ, tướng Washington đã hồi hưu, nhưng càng ngày ông càng nhận thức rằng cần phải có một chính phủ trung ương mạnh mẽ để chấm dứt cuộc tranh giành nội bộ và nguy cơ nội chiến đang đe dọa sự sinh tồn của nước Cộng hòa sơ sinh. Do vậy, ông cùng với các đại biểu của 13 tiểu bang nhóm họp tại Philadelphia tháng 5-1787, ông soạn thảo hiến pháp Hoa Kỳ để tạo dựng một khối cộng đồng hoàn hảo hơn, xây dựng công lý, đảm bảo an ninh quốc nội, nâng cao đời sống của toàn dân và gìn gĩư những quyền tự do thiêng liêng. Hiến pháp sẽ không thể ?ođược thừa nhận" (adopted) nếu không có sự tranh luận (controversy). Sau này, người ta cảm thấy rằng Hiến pháp đã dành quá nhiều quyền hành cho chính phủ liên bang nên đã thêm vào đó 10 tu chính án (amendments) để hạn chế bớt quyền lực của chính phủ liên bang. Những tu chính án này được coi là bản Tuyên ngôn Dân quyền (Bill of Rights) thiết lập tự do tôn giáo, ngôn luận và vạch ra những quyền lợi căn bản một công dân trong một nước dân chủ. Năm 1788, hiến pháp đã có hiệu lực để thi hành, thế là các bang đồng lòng bầu ông George Washington lên làm vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
    Vào khoảng giữa thế kỷ 19, Hoa Kỳ gồm có 31 bang. Miền Bắc phần lớn chuyên về kỹ nghệ, miền Nam và miền Trung Tây chuyên về canh nông, nhất là nghề trồng bông, một nghề đòi hỏi nhiều nhân công. Ðể giải quyết vấn đề khan hiếm nhân công trong các khu đồn điền bao la, người Châu Âu đã mang rất nhiều dân Châu Phi đến nước Mỹ. Năm 1860, có khoảng chừng 3,5 triệu người da đen sống ở các bang miền Nam làm dân nô lệ. Trái hẳn lại, những người Mỹ ở miền Bắc cho rằng sự ngược đãi với người da đen là vô nhân đạo. Họ cương quyết yêu cầu Quốc hội xóa bỏ chế độ nô lệ. Tuy nhiên những người dân ở miền Nam phản đối kịch liệt chính sách của người miền Bắc vì rằng chế độ nô lệ đã mang lại sự thịnh vượng và sung sướng cho họ. Tình hình ngày càng tồi tệ, và năm 1861 một cuộc nội chiến đã bùng nổ giữa 23 bang miền Bắc và 11 bang miền Nam. Lúc đó, Abraham Lincoln là lãnh tụ của miền Bắc và Jefferson Davis là lãnh tụ miền Nam. Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm và được chấm dứt bằng sự đầu hàng của các lực lượng miền Nam dưới quyền chỉ huy của tướng Robert Lee vào tháng 4-1865. Chế độ nô lệ được hủy bỏ từ đó trước pháp luật Hoa Kỳ. Mặc dù dân da đen đã được giải phóng nhưng họ vẫn thường bị kỳ thị và đối xử phân biệt ở các bang miền Nam. Năm ngày sau cuộc đầu hàng của tướng Robert Lee (14-4-1865) Tổng thống Abraham Lincoln đã bị tên John Wildes Booth ám sát trong khi xem hát tại một rạp ở Washington.
    Hiệp chủng quốc (The United States) là khối liên hiệp của nhiều bang Hoa Kỳ (50 bang) lập nên do Hiến pháp năm 1789. Thủ đô Hoa Kỳ là Washington D.C (viết tắt District of Columbia quận thủ phủ Columbia) không phải là một bang hay là một phần của bang nào mà là một khu vực đặc biệt dành riêng cho chính phủ quốc gia. Mỗi bang có chính phủ riêng, thủ phủ riêng và trong mỗi bang lại có nhiều cơ quan chính quyền địa phương nhỏ hơn nữa như : quận, hạt, tỉnh; thị trấn (thành phố) và xã.
    Mỗi bộ phận chính trị nhỏ này đều được tự trị theo những khu vực đã được phân định rõ rệt. Hiến pháp của Hiệp Chủng Quốc chỉ định rõ những công việc giao phó cho chính phủ liên bang. Mọi quyền hành khác đều dành cho các bang và dân chúng, chính phủ liên bang không được xen vào công việc thuộc những thẩm quyền riêng này. Theo nguyên tắc hiến pháp của từng bang thì các bộ phận chính trị trong mỗi bang đều có quyền độc lập.
    Ngành lập pháp là Quốc hội Hoa Kỳ gồm có hai viện là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện.
    Thượng nghị viện viện: gồm có 102 nghị sĩ, tức là hai nghị sĩ cho mỗi bang. Các vị này đều do dân bầu lên trong một nhiệm kỳ là 4 năm. Một thượng nghị sĩ phải trên 30 tuổi tính đến ngày tuyển cử và phải là công dân Hoa Kỳ được 9 năm.
    Hạ nghị viện : có 435 nghị sĩ, mỗi nhiệm kỳ là 2 năm : số nghị viên tuyển lựa trong mỗi bang được ấn định theo dân số của bang. Một Hạ nghị sĩ (dân biểu) phải ít nhất 25 tuổi khi được tuyển cử và phải là công dân Mỹ được 7 năm.
    Hai viện có quyền ngang nhau trong công việc lập pháp. Viện nào cũng có thể đưa ra sáng kiến lập pháp, ngoại trừ luật tăng thuế lợi tức thì phải do Hạ nghi viện đưa ra. Tuy nhiên, chỉ có Thượng nghị viện mới có thể phê chuẩn hay bác bỏ những hiệp ước với các quốc gia khác do Tổng thống đề nghị, hay bác bỏ các cuộc bổ nhiệm của Tổng thống như bổ nhiệm Tối cao pháp viện, các tướng lãnh, các thành viên trong nội các (các Bộ trưởng) các Ðại sứ và các Giám đốc các cơ quan chính quyền.
    Trước khi những dự án luật (Proposed Legislation) thành pháp luật, dự án luật đó phải được cả hai nghị viện chấp thuận và được Tổng thống ký. Nếu Tổng thống bác bỏ thì ông có thể dùng quyền phủ quyết, nhưng nếu luật đó lại một lần nữa được cả hai nghị viện thông qua với 2/3 số thăm thì dự luật đó trở thành luật pháp mà không cần chữ ký của Tổng thống.
    Tổng thống không có quyền kiểm soát Quốc hội, dẫu rằng đảng của ông chiếm đa số trong cả hai nghị viện. Người có quyền lãnh đạo chính trị lớn nhất trong Hạ nghị viện là Chủ tịch Hạ nghị viện và Lãnh tụ khối đa số. Hai người đó có quyền hơn là phe đối lập trong thượng nghị viện.
    Chức Tổng thống Mỹ là chức vụ có nhiều quyền lực nhất trên thế giới. Tuy vậy, quyền lực của tổng thống là một sức mạnh của dân tộc chứ không phải là uy quyền của một cá nhân. Những quyền lực của ông phải được Quốc hội chấp thuận mới có thể thi hành được, chứ không phải là những quyền độc đoán. Ngay cả đến quyền phủ quyết của ồng cũng có thể bị bãi bỏ nếu 2/3 quốc hội chống lại. Tuy nhiên, Quốc hội không thể lật đổ Tổng thống, trừ khi có những lỗi rất nghiêm trọng. Tổng thống là người đứng đầu ngành hành pháp. Cả hai vị Tổng thống và phó Tổng thống (luôn luôn là những đảng viên của cùng một chính đảng), được bầu lên trong nhiệm kỳ là 4 năm. Các ông phải thi hành những chính sách do Quốc hội đưa ra, dù rằng chính sách đó trái với ý chí của Tổng thống. Tổng thống phải là một công dân sinh tại bản xứ, ít nhất là 35 tuổi, phải ở đất Mỹ liên tục 14 năm. Nhiệm vụ của ông là duy trì hiến pháp. thi hành luật pháp do Quốc hội ban bố, bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong chính phủ, chính thức giao dịch với ngoại quốc và làm Tổng tư lệnh quân đội (mặc dù vậy chỉ có Quốc hội chứ không phải Tổng thống tuyên chiến). Ðể phụ tá Tổng thống, Quốc hội đã đặt ra nhiều Bộ, đứng đầu những Bộ đó thường là các Bộ trưởng. Các Bộ lập thành hội đồng nội các. Các Bộ trưởng này do Tổng thống bổ nhiệm và có thể bị Tổng thống bãi nhiệm bất cứ lúc nào.
    Chính phủ liên bang đảm nhiệm những công việc liên quan đến toàn thể quốc gia, như chính sách đối ngoại, quốc phòng, ấn hành tiền tệ, công việc bưu chính, thương mại với ngoại quốc và trong các bang, điều hành quyền công dân và công việc nhập tịch.
  3. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Chính quyền liên bang được chia làm 3 ngành :
    Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp, mỗi ngành có trách nhiệm quyền hạn riêng và điều hành công bằng đến mức không ngành nào có thể chiếm ảnh hưởng hay vượt quyền chính phủ.
    Các chính quyền bang cũng tổ chức cùng khuôn mẫu như chính phủ liên bang : một người hành pháp tức Thống đốc, hai viện của ngành lập pháp và một ngành tư pháp.
    Có hai chính đảng trong nền chính trị Hoa Kỳ : Ðảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Xét bề ngoài chỉ thấy khác nhau đôi chút giữa hai đảng. Có hai khuynh hướng tự do và bảo thủ trong mỗi đảng. Phần lớn các thái độ chính trị theo truyền thống thì thấy có khác biệt rõ rệt, đảng Cộng hòa thường bênh vực chủ trương thuế khóa cao đôí với các hàng nhập cảng và không muốn dính líu tới công việc ngoại bang, trong khi Ðảng dân chủ chủ trương ủng hộ chính sách thương mại và mậu dịch tự do.
    Quốc hội, các ngành lập pháp của bang, các thống đốc của bang, các cơ quan lập pháp của thành phố và các viên chức đều bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Về bầu cử Tổng thống, các công dân bầu cho các đại cử tri trong cử tri đoàn, rồi cử tri đoàn này nhóm đại hội và bầu Tổng thống. Mỗi bang bầu một số đại cử tri ngang số Thượng và Hạ nghị sĩ của Quốc hội. Nhưng các Thượng hay Hạ nghĩ sĩ nào đang tại chức thì không được bầu làm đại cử tri. Kế đến, các đại cử tri thuộc mỗi chính đảng họp đại hội toàn quốc. Mỗi phe chỉ định ứng cử viên của mình. Cuối cùng, sau khi các ứng cử viên Tổng thống đã đi khắp đất nước trong nhiều tuần lễ để vận động giành số cử tri, cuộc tuyển cử diễn ra vào thứ ba tuần đầu tháng 11. Nhưng chỉ có các đại cử tri bỏ phiếu mà thôi. Người được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành Tổng thống.
    Mỗi công dân Hoa Kỳ, nếu không mất quyền công dân, đều có thể đi bầu bằng phiếu kín trong các cuộc bầu cử quốc gia, bang hay địa phương. Khi đã kiểm phiếu rồi, ứng cử viên có đa số phiếu thì được tuyên bố là người thắng cử và đồng thời nhận chức. Người ta thường nói rằng Hoa Kỳ là nước đầu tiên áp dụng lối phổ thông đầu phiếu, nước đầu tiên thi hành quyền tự do báo chí và phân tách giáo hội ra khỏi chính phủ.

Chia sẻ trang này