1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lịch sử sư đoàn không quân 371 (1967 - 2007)

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi selene0802, 09/07/2009.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Đồng chí Nguyễn Văn Tiên, Tư lệnh phó Quân chủng được cử sang đã truyền đạt mệnh lệnh hành quân trở về Tổ quốc cho Trung đoàn 921 trong phiên họp bất thường của Đảng uỷ và ban chỉ huy trung đoàn. Các biện pháp chuẩn bị, triển khai được trao đổi, bàn bạc kỹ càng. Mục tiêu và yêu cầu đề ra là phải đưa được toàn bộ trung đoàn về nước bí mật, an toàn. Nhiệm vụ còn đặt ra, về đến sân bay căn cứ, trung đoàn có thể vào trực ban chiến đấu được ngay.
    Một ngày sau khi địch đánh phá miền Bắc, ngày 6 tháng 8 năm 1964, Trung đoàn không quân 921 được lệnh trở về Tổ quốc.
    Sân bay Nội Bài là sân bay quân sự đầu tiên của quân đội được khảo sát, thiết kế, thi công một cách bài bản. Đây là công trình cấp Nhà nước do Trung Quốc giúp ta xây dựng từ đầu những năm sáu mươi. Các đơn vị công binh quân đội, tiểu đoàn công binh 28 phòng không - không quân và nhiều đơn vị, cơ quan, lực lượng của Nhà nước, quân đội và nhân dân hai huyện Kim Anh và Đa Phúc đã sát cánh cùng lực lượng của Trung Quốc xây dựng căn cứ không quân chiến đấu này. Công trình gồm khu vực sân bay như đường băng, đường lăn, sân đỗ và cơ sở bảo đảm sân bay, xưởng bảo dưỡng kỹ thuật, hệ thống hầm ụ, khu vực sơ tán máy bay; doanh trại các đơn vị bay, thợ máy, hậu cần, thông tin, ra-đa dẫn đường và hệ thống sở chỉ huy các cấp. Cho tới thời điểm này sân bay Nội Bài đã được nghiệm thu, sẵn sàng đón máy bay của ta về và vào trực ban chiến đấu, tăng cường huấn luyện để nâng cao trình độ bay.
    Đón trung đoàn bay tiêm kích phản lực đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam trở về là một sự kiện trọng đại không chỉ riêng của Quân chủng Phòng không ?" Không quân mà còn của cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và một số cán bộ cơ quan Bộ có mặt ở sân bay Nội Bài từ rất sớm. Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh và đại tá Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng đã đến trước để kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, điều hành công việc chuẩn bị và tổ chức lễ đón trung đoàn bay trở về.
    Tại sân bay Mông Tự ở Vân Nam Trung Quốc, sáng ngày 6 tháng 8 năm 1964, bên cạnh niềm vui sướng của những người sắp được trở về Tổ quốc sau những năm tháng đi xa là sự lưu luyến của một cuộc chia tay. Cuộc chia tay giữa thầy trò và giữa những người đồng nghiệp, những người đồng chí. Dù mọi người đã ngóng đợi từng phút, từng giây giờ phút lịch sử này song vẫn không tránh được có chút nghẹn ngào trong cái bắt tay tiễn biệt.
    Nhũng biên đội MIG- 17 chuẩn bị cất cánh trở về Tổ quốc đã ở vị trí sẵn sàng. Các máy bay được thợ máy chuẩn bị và kiểm tra rất kỹ. Nhiên liệu được nạp đầy. Mỗi khẩu súng trên máy bay đều đủ cơ số đạn. Phi công gọn gàng trong bộ đồ bay, chờ đợi. Công tác chuẩn bị mọi mặt đã kỹ càng, chỉ chờ có lệnh là từng biên đội lần lượt cất cánh bay về Tổ quốc.
    Điện tiếp thu từ sân bay Nội Bài phát sang. Theo mệnh lệnh, các phi công vào khoang lái, ít phút sau được lệnh cất cánh, từng máy bay trong biên đội nổ máy, nối nhau ra vị trí xuất phát sau đó lần lượt cất cánh.
    Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện dẫn đầu đội hình trung đoàn, bay ở biên đội thứ nhất, là tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh năm xưa được tuyển chọn đi học lái máy bay ném bom, sau chuyển sang học máy bay tiêm kích, nay là trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên, tuổi đã ngoài ba mươi vẫn trực tiếp bay dẫn cả trung đoàn trở về Tổ quốc sau 8 năm học tập rèn luyện trên đất Trung Quốc. Phi công Phạm Ngọc Lan bay số 2, Tào Minh bay số 3 và Lâm Văn Lích bay số 4. Các biên đội sau lần lượt cất cánh theo giãn cách thời gian quy định và cùng hướng bay trở về Tổ quốc. Từ mặt đất, nhân dân các địa phương nơi có máy bay của ta bay qua không khỏi ngỡ ngàng, khi lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc máy bay phản lực vút qua.
    Về đến sân bay Nội Bài, được phép vào hạ cánh, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện dẫn biên đội bay thông qua sân bay rồi lệnh cho biên đội giải tán đội hình, lần lượt vào hạ cánh. Phạm Ngọc Lan, phi công bay số 2 được vinh dự cho máy bay tiếp đất đầu tiên. Các biên đội tiếp theo lần lượt trở về hạ cánh an toàn. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện hạ cánh xong, chạy lên đài chỉ huy xúc động báo cáo với Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng và Tư lệnh cùng Chính uỷ Quân chủng: Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đã hoàn thành nhiệm vụ học tập và trở về, có mặt đầy đủ sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tổng tham mưu trưởng cảm động, ôm chặt người cán bộ nguyên là cấp dưới của mình trước đây, nay là Trung đoàn trưởng trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Đồng chí rời khỏi đài chỉ huy đến trước hàng quân, thân mật bắt tay, thăm hỏi từng phi công, vui vẻ hỏi chuyện và khen ngợi các chiến sĩ lái máy bay - những người con ưu tú đầu tiên của trung đoàn đã về đến sân bay căn cứ đầy đủ, an toàn, đúng kế hoạch. Sau đó, Tổng tham mưu trưởng thay mặt Bộ Quốc phòng chính thức giao nhiệm vụ cho trung đoàn: Tranh thủ thời gian tích cực huấn luyện, nhanh chóng nâng cao trình độ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nếu có lệnh có thể cất cánh được ngay, phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã ra quân là chiến thắng và phải quyết tâm đánh thắng từ trận đầu.
  2. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Sáu tháng sau ngày chính thức thành lập, Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đã trở về, sát cánh cùng các lực lượng pháo cao xạ, ra-đa canh giữ bầu trời của Tổ quốc. Sau Trung đoàn không quân vận tải 919, Trường Hàng không (e910), Không quân nhân dân Việt Nam có thêm một trung đoàn chiến đấu phản lực hiện đại hơn trong đội hình của mình. Sau khi chuyển sân xong, Đảng uỷ và ban chỉ huy Trung đoàn 921 đã nhanh chóng lựa chọn và giao nhiệm vụ trực ban chiến đấu cho các biên đội. Biên đội thứ nhất gồm Phạm Ngọc Lan, số 1; Lâm Văn Lích, số 2. Biên đội thứ hai gồm Trần Hanh, số 1; Nguyễn Nhật Chiêu, số 2. Và cũng từ buổi chiều ngày 6 tháng 8 năm 1964, ngoài việc tổ chức lực lượng trực ban chiến đấu, Trung đoàn 921 bắt đầu bay huấn luyện đề cao và ứng dụng chiến đấu cho phi công.
    Là đơn vị không quân chiến đấu đầu tiên nên công tác chỉ huy, chỉ đạo, bảo đảm có rất nhiều khó khăn, phức tạp, bỡ ngỡ đối với các cấp các ngành, vì vậy trước mắt Bộ Tư lệnh Quân chủng phải trực tiếp chỉ huy lãnh đạo mọi mặt hoạt động của trung đoàn.
    Nhiệm vụ đánh thắng trận đầu đặt ra nhiều vấn đề cần thống nhất như thời điểm xuất kích, sử dụng lực lượng, cách đánh là những vấn đề trọng tâm gay cấn được thảo luận trong nhiều cuộc họp, nhiều lần quân sự dân chủ. Phải thực hiện bằng được quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu. Phải tận dụng yếu tố bí mật bất ngờ và cả sự chủ quan coi thường của không quân Mỹ với không quân Việt Nam. Chúng coi MIG-17 của không quân Việt Nam "chỉ như là muỗi mắt".
    Lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng và Đảng uỷ, chỉ huy trung đoàn đã nghiên cứu phân tích: Không quân tiêm kích của ta mới ra đời, số lượng phi công ít (36 người kể cả cán bộ trung đoàn), cán bộ chỉ huy tham mưu - kỹ thuật chưa có kinh nghiệm chỉ huy và bảo đảm chiến đấu. Trong cả hai đại đội bay của Trung đoàn 921 khi về nước, mới chỉ có ba biên đội là có thể tham gia chiến đấu được. Vả lại, số lượng máy bay chiến đấu còn ít (32 chiếc), tính năng kỹ thuật không bằng của địch. Nguồn bổ sung lực lượng gặp nhiều khó khăn, nhất là về phi công. Đối tượng tác chiến của ta lại là không quân đế quốc Mỹ, có tiềm lực mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Không quân Mỹ được trang bị những loại máy bay hiện đại, số lượng lớn, thường xuyên có từ 700 đến 800 chiếc, nhiều chủng loại, tính năng chiến đấu đều hơn hẳn MIG- 17 của ta. Phi công Mỹ được đào tạo cơ bản, có tích luỹ giờ bay lớn. Không quân Mỹ lại có kinh nghiệm về tác chiến không quân qua cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc chiến tranh Triều. Tiên. Rõ ràng đây là cuộc chiến đấu không cân sức, do đó, ta phải tìm ra điểm yếu của kẻ thù và nhìn rõ, phát huy được thế mạnh của mình. Có như vậy ta mới chiến thắng được kẻ địch trong cuộc chiến đấu không cân sức và kéo dài này. Máy bay MIG-17 vẫn là phương tiện cơ động và hiện đại nhất của không quân ta. Trên máy bay có pháo 37 li và 23 li, như 2 khẩu đội pháo cao xạ cơ động trên không. Tuy không đánh được từ cự li xa và thua kém hoả lực tên lửa đối không của địch nhưng nếu buộc địch đánh gần thì MIG-17 vẫn có cơ hội bắn rơi máy bay Mỹ.
    Những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đã được rút ra từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và có thể vận dụng sáng tạo để đánh địch trên không như: Lấy ít đánh nhiều, phát huy yếu tố bí mật bất ngờ, biết chọn thời cơ có lợi, đánh có chuẩn bị, đánh chắc thắng, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, tiến công dũng mãnh tiêu diệt địch, giữ gìn được lực lượng của ta. Ngoài ra chúng ta còn có ưu thế là đánh địch trên vùng trời của mình, được sự giúp đỡ và hiệp đồng chiến đấu của lực lượng phòng không, ra-đa. Đội ngũ phi công của ta tuy còn ít về số lượng, trình độ bay chưa giỏi, kinh nghiệm chiến đấu chưa có nhưng có quyết tâm chiến đấu và ý chí quyết chiến quyết thắng rất cao. Trung đoàn 921 lại được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội trực tiếp là Bộ Tổng tham mưu cùng các cơ quan Bộ và Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp lãnh đạo chỉ huy. Các cơ quan, các ngành, các địa phương đều ưu ái nhiệt tình giúp đỡ.
    Được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, Bộ tư lệnh Quân chủng, Đảng uỷ và ban chỉ huy Trung đoàn 921 đã tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu. Toàn trung đoàn sôi nổi thi đua "Tất cả cho chiến đấu?, "Quyết tâm đánh thắng trận đầu?. Ngoài các biên đội trực ban chiến đấu, các phi công còn lại đều tranh thủ thời gian luyện tập. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện mặc dù là một phi công lớn tuổi, nhưng cường độ bay tập và kỹ thuật bay không thua các chiến sĩ trẻ. Cán bộ trung đoàn, đại đội phần lớn là phi công. Vì vậy, việc chỉ huy điều hành các hoạt động, nhất là huấn luyện khá thuận lợi.
    Các bài tập chiến đấu phức tạp, tập đánh gần là trọng tâm của nội dung huấn luyện. Sau mỗi ban bay, các phi công lại trao đổi, rút kinh nghiệm, uốn nắn cho nhau từng động tác. Chưa đầy 4 tháng từ ngày về nước, số giờ bay huấn luyện của toàn Trung đoàn 921 đã nhiều hơn số giờ bay cả một năm khi còn học ở trường.
    Không những chỉ thực hành ở những bài bay, các phi công còn được tổ chức nhiều buổi quân sự dân chủ xung quanh một số vấn đề quan trọng về tổ chức, sử dụng lực lượng và cách đánh, nhằm vận dụng các nguyên tắc tác chiến của lực lượng vũ trang vào hoàn cảnh cụ thể của không quân. Làm thế nào để bắn trúng máy bay địch từ loạt đạn đầu, từ lần công kích đầu, từ trận xuất kích đầu? Thế nào là đánh có yểm hộ? Khi phát hiện địch phóng tên lửa phải xử lý như thế nào? Làm thế nào để thực hiện lấy ít thắng nhiều?... Đó là những câu hỏi được thảo luận rất sôi nổi, thu hút không chỉ cán bộ chỉ huy, phi công mà cả cán bộ, nhân viên kỹ thuật.
  3. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Phi công Lê Trọng Long vốn trước là một chiến sĩ đặc công đề xuất ý kiến: Có thể vận dụng cách đánh của đặc công dùng lực lượng nhỏ, bất ngờ tiếp cận địch, tìm cách đánh thọc sâu vào đội hình của chúng, nhằm những mục tiêu quan trọng trong đội hình địch tiêu diệt rồi rút thật nhanh. Đây là một hướng suy nghĩ độc đáo, một cách đánh táo bạo gây tranh luận rất hào hứng. Nhiều phi công đã đưa ra những đề xuất, cách xử lý của mình trước những tình huống khó khăn như khi địch phóng tên lửa, địch "bám đuôi". Từ tất cả những vấn đề trên, vấn đề lựa chọn thời cơ, địa điểm đánh trận đầu, phương án, kế hoạch chiến đấu trận đầu và hoàn chỉnh công tác chuẩn bị chiến đấu cho trung đoàn đã được bàn bạc kĩ.
    Những ý kiến đưa ra trong các cuộc thảo luận về cách đánh đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về quan điểm, tư tưởng chiến thuật của không quân, góp phần nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, củng cố thêm mềm tin cho không quân trẻ tuổi Việt Nam có thể và nhất định sẽ đánh thắng không quân hiện đại Mỹ. Cơ quan tham mưu Quân chủng cũng đã giúp đỡ các phi công trung đoàn nghiên cứu cách đánh rất kịp thời. Thông tin qua khai thác được từ phi công tù binh Mỹ đã giúp ta tìm hiểu các vấn đề có liên quan trực tiếp đến hoạt động chiến đấu như tốc độ, độ cao, đội hình, cách đánh, hướng bay, hướng công kích mục tiêu.. . mà không quân địch thường hay sử dụng. Phòng Quân báo Quân chủng cung cấp cho trung đoàn những tấm ảnh chụp các loại máy bay Mỹ, tính năng kỹ thuật từng loại, cùng trung đoàn làm mô hình một số loại máy bay địch đã sử dụng đánh phá miền Bắc để các phi công tập nhận dạng. Phương án tác chiến của không quân tiêm kích từng bước được xây dựng.
    Được sự chỉ đạo của trên, Đảng uỷ và ban chỉ huy trung đoàn đã nghiên cứu sắp xếp các biên đội chiến đấu. Đây là vấn đề được lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đặc biệt quan tâm nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Mỗi biên đội chỉ có hai hoặc bốn phi công, bố trí như thế nào để khi vào trận các phi công bổ sung cho nhau tạo thành sức mạnh tập thể, phát huy được khả năng của mỗi người, vừa tiến công kiên quyết, dũng cảm, táo bạo, có hiệu quả, vừa bảo vệ cảnh giới và yểm hộ tốt cho nhau. Trong số những biên đội được sắp xếp, hai biên đội được chọn làm điểm. Một biên đội do đồng chí Trần Hanh làm biên đội trưởng. Một biên đội do đồng chí Phạm Ngọc Lan làm biên đội trưởng. Các phi công trong hai biên đội đều có trình độ bay tương đối vững và có khả năng tham gia chiến đấu. Đây cũng là những biên đội dự kiến sẽ được xuất kích đánh trận đầu của lực lượng không quân tiêm kích.
    Ba tháng sau ngày về nước, một niềm vui lớn đến với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 nói riêng và không quân nói chung: ngày 9 tháng 11 năm 1964, trung đoàn được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm. Cùng đi với Bác có đồng chí Lê Quẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bác đã đến tận các máy bay đang làm nhiệm vụ trực chiến, thăm hỏi động viên các chiến sĩ lái máy bay tại sân bay, nơi cán bộ, chiến sĩ trung đoàn tập trung đón và chờ nghe Bác nói chuyện. Bác và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã dành gần trọn một buổi chiều gặp gỡ, động viên các chiến sĩ không quân trước giờ ra trận.
    Trong không khí thân mật, gần gũi, Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ trung đoàn rất vui vẻ, thân tình. Qua những câu nói giản dị, nhưng những vấn đề Bác đặt ra cho không quân thật sâu sắc. Sau khi khen ngợi quân dân miền Bắc lập công ngày 5 tháng 8 năm 1964, quân dân miền Nam thắng lớn trong trận tiến công sân bay Biên Hoà đêm 31 tháng 10 năm 1964, Bác căn dặn: Nghệ thuật đánh địch của Việt Nam rất độc đáo, vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành hiệu suất cao. Phải phát huy cách đánh truyền thống của ta, không ngại quân địch hiện đại. Hãy bắt chước các chiến sĩ và đồng bào miền Nam, nắm thắt lưng địch mà đánh. Đặc biệt, Bác đã giao nhiệm vụ cho Không quân nhân dân Việt Nam phải "mở mặt trận trên không thắng lợi". Bác nói: Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện thay mặt cán bộ, chiến sĩ trung đoàn hứa với Bác, với Đảng, với nhân dân sẽ thực hiện tốt những lời Bác dạy, quyết tâm bắn rơi máy bay Mỹ từ lần công kích đầu, từ trận chiến đấu đầu tiên để xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo ân cần của Bác, của Đảng, của nhân dân quyết tâm "mở mặt trận trên không thắng lợi" theo lời dạy của Bác. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề mà các chiến sĩ lái máy bay tiêm kích Việt Nam được giao phó phải làm bằng được.
  4. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Mở mặt trận trên không, trận đầu ra quân thắng lợi
    Từ ngày về nước, mặc dù điều kiện đảm bảo hạn chế hơn so với ở sân bay bên nước bạn, trung đoàn đã nhanh chóng ổn định và tập trung vào huấn luyện. Các bài bay ứng dụng chiến đấu, các phương án đánh địch được triển khai tập luyện. Qua hơn nửa năm, các phi công của trung đoàn đã vững vàng. thuần thục các khoa mục chiến đấu trên không trong đội hình biên đội hai chiếc, bốn chiếc. Đảng uỷ và ban chỉ huy trung đoàn, nhất là những đồng chí là phi công sau khi nghiên cứu, cân nhắc kỹ khả năng của từng phi công đã thống nhất nhận định: Với trình độ của mỗi người hiện tại, các phi công của trung đoàn đã có đủ khả năng chiến đấu và đảm bảo chiến đấu thắng lợi với không quân đế quốc Mỹ. Cấp trên cũng đã nắm chắc được điều đó. Thời cơ xuất kích của không quân tiêm kích theo dự đoán của từng phi công trong trung đoàn chắc chắn không còn xa nữa.
    Ngày 7 tháng 2 năm 1965, tổng thống Mỹ Giôn-xơn ra lệnh mở chiến dịch tiến công bằng không quân mang tên ?oMũi lao lửa" đánh phá miền Bắc Việt Nam. Lúc này, tại Viện quân y 108, Khoa không quân A6 tổ chức khám tuyển lớn tại các trường đại học, các trường cấp III và các trường sĩ quan quân đội, đã tuyển chọn được trên 300 học viên học lái máy bay và trên 500 học viên học kỹ thuật làm thợ máy. Số học viên này sau khi Thủ tướng Liên Xô Kô-xư-ghin và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang thăm và kí kết các nghị định hợp tác, chi viện cho Việt Nam đánh Mỹ, đã được gửi đi đào tạo tại Liên Xô và Trung Quốc.
    Ngày 2 tháng 4 năm 1965, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân chủng kiểm tra một lần nữa các mặt công tác chuẩn bị chiến đấu của không quân. Sau khi nắm tỉ mỉ tình hình chung, đặc biệt là tình hình thực tế ở Trung đoàn không quân tiêm kích 921, một số vấn đề cụ thể được Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định chính thức. Lực lượng sử dụng chính thức trong trận đầu được thông qua. Các cán bộ cơ quan Quân chủng nghiên cứu kỹ thời cơ cất cánh, báo cáo thủ trưởng Bộ tư lệnh và tổ chức hiệp đồng với các lực lượng phòng không. Căn cứ vào các điều kiện và các mặt bảo đảm, Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định cho Trung đoàn không quân tiêm kích 921 xuất kích trận đầu. Trước 5 giờ 30 phút ngày 3 tháng 4 năm 1965 nhiệm vụ chiến đấu đã được phổ biến đến các cán bộ, chiến sĩ trung đoàn.
    Phương án tác chiến đã được cấp trên duyệt, được trung đoàn tổ chức cho phi công thực hiện, luyện tập kỹ càng và triển khai. Hai biên đội tham gia trận đầu tiên, trong đó biên đội trực tiếp chiến đấu gồm Phạm Ngọc Lan số 1- chỉ huy biên đội, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh Phương số 4. Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh kiềm chế máy bay tiêm kích địch do Trần Hanh làm biên đội trưởng - bay số 1 và Phạm Giấy bay số 2. Các máy bay của biên đội trực chiến đã ở vị trí sẵn sàng.
    Ngày 3 tháng 4 năm 1965, vào lúc 7 giờ, các đài ra-đa của ta phát hiện một tốp máy bay địch vào trinh sát khí tượng và trinh sát mục tiêu. Sở chỉ huy Quân chủng nhận định: có khả năng địch sẽ huy động lực lượng lớn đánh phá cầu Hàm Rồng. Tại sở chỉ huy Quân chủng, đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh và đại tá Đặng Tính, chính uỷ đều có mặt theo dõi trận ra quân đầu tiên của lực lượng không quân tiêm kích. Đồng chí Hoàng Ngọc Diêu được Bộ tư lệnh giao. trực tiếp chỉ huy trận đánh.
    9 giờ 40 phút, 60 lần chiếc máy bay cường kích của hải quân địch cùng lúc bay vào đánh phá cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. 9 giờ 45 phút, sở chỉ huy lệnh cho hai biên đội trực chiến vào cấp 1. Lúc 9 giờ 47 phút, biên đội làm nhiệm vụ nghi binh và yểm hộ được lệnh cất cánh, bay về hướng tây nam thuộc vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hoá. Một phút sau biên đội tiến công cất cánh hướng 210 độ tiến về vùng trời Thanh Hoá theo đội hình sục sạo. Khu vực chiến đấu là vùng trời Hàm Rồng. Được trung uý Trần Quang Kính, sĩ quan dẫn đường đã có kinh nghiệm sau khi dẫn máy bay T -28 của Trung đoàn không quân vận tải 919 đánh địch thắng lợi trước đây dẫn vào đánh, lúc 10 giờ 8 phút biên đội tiến công chỉ còn cách địch 45km, trên hướng có lợi cho việc phát hiện mục tiêu. Sau đó 1 phút, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội chuyển từ đội hình cảnh giới sang đội hình công kích và phân làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm số 1 và số 2, tốp thứ hai gồm số 3 và số 4. Từng tốp tạo thế có lợi tiếp cận, bám sát địch. Địch chưa phát hiện được máy bay ta, chúng vẫn bay theo đội hình hàng dọc vào đánh mục tiêu. Sau khi phát hiện mục tiêu, theo lệnh biên đội trưởng, từng tốp chọn mục tiêu lao vào tiến công. Số 1 và số 2 đã bám được một tốp hai máy bay địch. Địch vẫn không ngờ có máy bay MIG chặn đánh. Vì lần đầu đi chiến đấu, chưa có kinh nghiệm, Phan Văn Túc bay số 2 nhằm một mục tiêu bắn một loạt đạn khoảng cách còn khá xa, nên không trúng mục tiêu. Phạm Ngọc Lan lệnh cho số 2 bình tĩnh, giữ đúng vị trí yểm hộ rồi cho máy bay vào tới cự ly bắn có hiệu quả và siết cò súng. Chiếc F-8U bị trúng đạn bốc cháy lao thẳng xuống đất. Đây là chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Phạm Ngọc Lan là phi công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam đã lập chiến công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ.
    Bọn địch hoàn toàn bất ngờ trước sự xuất hiện của MIG và hoảng hốt khi đồng bọn bị bắn rơi, không còn tập trung vào nhiệm vụ đánh phá, chúng buộc phải cơ động tìm cách đối phó. Cùng trong thời điểm đó, tốp thứ hai của biên đội cũng bám được một tốp khác của địch. Được Trần Minh Phương (số 4) yểm hộ, Hồ Văn Quỳ (số 3) lao vào công kích chiếc máy bay sau của tốp địch. Loạt đạn bắn ở cự ly quá xa, không trúng, máy bay địch tăng tốc chạy thoát. Bọn địch bắt đầu quay lại chống trả. Bốn chiếc MIG vẫn tiếp tục quần nhau với tốp F-8 với số lượng đông hơn nhiều lần. Lúc 10 giờ 15 phút, phát hiện thấy bên phải có một máy bay địch ở gần, số 2 báo cáo biên đội trưởng và xin phép vào công kích. Tới cự ly có lợi, Phan Văn Túc bắn liền ba loạt. Chiếc F-8U lạng đi rồi bùng cháy, rơi xuống. Biên đội được lệnh thoát ly chiến đấu về hạ cánh, lúc đó là 10 giờ 17 phút. Biên đội yểm hộ cũng được lệnh trở về.
  5. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Năm chiếc máy bay của hai biên đội hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. Máy bay của biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan về gần đến sân bay thì hết dầu. Được phép nhảy dù nhưng phát hiện thấy một bãi cát phẳng chạy dài bên sông Đuống, Phạm Ngọc Lan xin phép hạ cánh bắt buộc để giữ máy bay. Với sự bình tĩnh, tự tin và khéo léo, Phạm Ngọc Lan đã điều khiển máy bay tiếp đất an toàn.
    Hai chiếc F-8U của địch bị không quân ta bắn rơi trong trận đầu xuất kích. Những thước phim gắn trên máy bay của các phi công đi chiến đấu đem về đã chứng minh rõ ràng điều đó. Không quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện được quyết tâm đánh thắng trận đầu. Chiến công này có ý nghĩa lớn, không chỉ với Trung đoàn không quân tiêm kích 921, với bộ đội không quân, mà còn góp phần cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân, dân cả nước. Đây là chiến thắng mở đầu cho một trang sử mới của không quân nhân dân góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của quân đội ta và của cả dân tộc.
    Ngày 3 tháng 4 năm 1965 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.
    Trung đoàn tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh ngay trong buổi tối ngày 3 tháng 4. Nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm của trận đánh đã được trao đổi phân tích kỹ, đặc biệt là sự chuẩn bị công phu, giữ được yếu tố bất ngờ tới lúc nổ súng, máy bay cất cánh và công kích đúng thời cơ được đánh giá cao. Bên cạnh đó, các phi công thể hiện quyết tâm rất cao trong chiến đấu, vận dụng tốt nguyên tắc chiến thuật tiêu diệt địch, giữ gìn lực lượng, thực hiện đánh gần có công kích, có yểm hộ, đánh tập trung, phối hợp hiệp đồng tốt giữa các số trong biên đội, chủ động, cơ động, linh hoạt trong xử trí tình huống. Cả hai biên đội chiến đấu và nghi binh đều hoàn thành nhiệm vụ. Trong buổi rút kinh nghiệm, một số mặt còn yếu được các cán bộ lãnh đạo chỉ huy, cả các phi công tham gia chiến đấu trở về chỉ ra, một cách rất nghiêm khắc, cụ thể, trong đó đặc biệt chú ý về mặt kỹ thuật, chiến thuật như nổ súng ở cự ly xa, đạn tiêu thụ quá nhiều.
    Sau khi rút kinh nghiệm, trung đoàn gấp rút chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Trong khi Trung đoàn 921 tổ chức rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo, tại sở chỉ huy Quân chủng, các đồng chí lãnh đạo và cơ quan tham mưu cũng tập trung nghiên cứu, nhận định tình hình. Các ý kiến đều thống nhất nhận định: Địch sẽ còn tập trung đánh lớn khi chưa phá sập được cầu Hàm Rồng, nhưng chúng sẽ thay đổi thủ đoạn. Sau khi phát hiện ta có không quân tiêm kích tham chiến nhất định địch sẽ đề phòng và tìm cách đối phó. Tuy vậy, Bộ tư lệnh vẫn quyết tâm cho không quân tiếp tục vào trận nếu máy bay Mỹ còn vào đánh cầu Hàm Rồng, bởi những nhận định cho rằng, dù tiềm lực mạnh đến mấy, địch cũng không thể có những thay đổi đột biến về các thủ đoạn chiến thuật, địch vẫn sẽ có những sơ hở mà chúng ta có thể lợi dụng để đánh chúng. Vả lại, các chiến sĩ không quân ta chiến đấu ngay trên bầu trời quê hương mình, được sự hỗ trợ, hiệp đồng bảo vệ của các lực lượng phòng không, được sự chỉ huy, dẫn dắt trực tiếp, liên tục, kịp thời, hiệu quả của sở chỉ huy Quân chủng, của sở chỉ huy trung đoàn. Và dưới mặt đất là cả một sức mạnh to lớn của nhân dân hỗ trợ, nếu địch vào, pháo phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng sẽ đánh trước, không quân sẽ xuất kích đánh đợt hai để giành thêm yếu tố bất ngờ. Lực lượng không quân tham gia đánh ngày 4 tháng 4 gồm 3 biên đội, trong đó có một biên đội dự bị. Phương án chiến đấu và các số trong từng biên đội đã được thông qua.
    Đúng như dự kiến, sáng ngày 4 tháng 4 năm 1965 địch lại ồ ạt kéo vào. 50 lần chiếc máy bay của không quân Mỹ tập trung đánh phá hai mục tiêu cầu Hàm Rồng và nhà máy điện Thanh Hoá. Lực lượng phòng không bảo vệ mục tiêu nổ súng đánh trả quyết liệt. Bộ tư lệnh Quân chủng cho không quân xuất kích theo phương án.
    10 giờ 20 phút, những biên đội trực chiến được lệnh cất cánh. Biên đội nghi binh cất cánh trước gồm Lê Trọng Long số 1 biên đội trưởng, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh phương số 4. Sau khi cất cánh, toàn biên đội được dẫn về khu vực Vụ Bản, Phủ Lý (Nam Hà) làm nhiệm vụ thu hút tiêm kích địch, sẵn sàng yểm hộ biên đội công kích. Hai phút sau biên đội tiến công gồm biên đội trưởng Trần Hanh số 1, Phạm Giấy số 2, Lê Minh Huân số 3 và Trần Nguyên Năm số 4 được lệnh cất cánh. Biên đội được dẫn bay thấp ra hướng đông rồi bất ngờ vào hướng đông -nam. Đến khu vực chiến đấu, toàn biên đội được lệnh kéo lên chiếm độ cao.
    Tại sở chỉ huy Quân chủng, thượng tá Nguyễn Văn Tiên, Tư lệnh phó được phân công chỉ huy trận đánh của không quân, trung uý Đào Ngọc Ngư làm nhiệm vụ dẫn đường và toàn bộ kíp trực vẫn đang tập trung theo dõi sát những diễn biến của tình hình.
    10 giờ 30 phút, cùng một lúc các phi công trong biên đội đều báo cáo phát hiện máy bay địch. Một tốp 4 chiếc F -105D đang kéo lên sau khi bổ nhào cắt bom, độ cao và tốc độ ở thế bất lợi. Phát hiện được điều đó, biên đội trưởng lệnh cho số 2 yểm hộ rồi lao tới bám chiếc đi đầu. Đến cự ly cách địch còn khoảng 400m, Trần Hanh siết cò, cả ba khẩu pháo cùng nhả đạn. Chiếc "Thần sấm" trúng đạn, lật nghiêng rơi thẳng xuống.
    Sau khi địch phát hiện máy bay ta, tiêm kích quay lại, lợi dụng ưu thế về số lượng, tốc độ và hoả lực tập trung chặn đánh. Tình huống đã được dự kiến nhưng diễn biến quá nhanh và phức tạp. Biên đội buộc phải phân làm hai tốp. Số 1 và số 2 ở phía nam Hàm Rồng, số 3 và số 4 ở phía bắc Hàm Rồng, ít phút sau, được số 4 yểm hộ, Lê Minh Huân số 3 bắn rơi chiếc F- 105 thứ hai. Bị đòn đau, bọn địch kéo tới đông hơn. Trận không chiến diễn ra ác liệt. Tên lửa không đối không của chúng phóng tới từ nhiều phía. Phi công Trần Nguyên Năm đã anh dũng hi sinh. Trần Hanh đã vượt được ra ngoài vòng vây máy bay địch sau nhiều động tác xử lý phức tạp, để tránh những quả tên lửa của địch nên bị mất phương hướng, không xác định được vị trí đang bay. Liên lạc với sở chỉ huy cũng không được trong khi đó lượng dầu trên máy bay lại sắp cạn. Trần Hanh quyết định không nhảy dù và tìm địa điểm hạ cánh bắt buộc. Vốn có bản lĩnh vững vàng cùng sự bình tĩnh, khéo léo Trần Hanh đã hạ cánh an toàn xuống một thửa ruộng trong thung lũng thuộc bản Ké Tằm, phía tây tỉnh Nghệ An. Sau phút nhầm lẫn ban đầu, nhân dân địa phương vô cùng xúc động, ân cần chăm sóc rồi đưa anh về cơ quan huyện đội.
    ( Phi công Trần Hanh là hình mẫu của nhân vật Đông trong tiểu thuyết vùng trời của nhà văn Hữu Mai )
  6. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    Có vài cái hìh xem thì đỡ ngán hơn!
  7. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Lâu mới thấy bác vào hehe

    Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương
    [​IMG]
    Đây là bác Trần Hanh, Phạm Dây, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm
    [​IMG]
    Đây là chú F105D, nạn nhân của bác Hanh
    Nguồn ảnh: quansuvn.net
    Được selene0802 sửa chữa / chuyển vào 07:24 ngày 13/07/2009
  8. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Tình huống trong trận chiến đấu thứ hai của không quân khá phức tạp vì không còn yếu tố bất ngờ. Phải đương đầu với 24 máy bay của không quân Mỹ, tuy bắn rơi của chúng được 2 chiếc nhưng ta cũng bị tổn thất. Ba trong số bốn phi công của biên đội tham gia trận đánh hi sinh. Ba máy bay rơi, chiếc còn lại phái hạ cánh bắt buộc. Mặc dù vậy ý nghĩa của trận đánh vẫn rất lớn. Nó khẳng định, nếu chúng ta dám đánh, quyết đánh thì sẽ đánh thắng kẻ thù cho dù chúng có loại vũ khí tối tân đến đâu. Nó còn nói lên tinh thần anh dũng của các chiến sĩ không quân dám hi sinh cho nền độc lập của dân tộc, vì cuộc sống của nhân dân. Qua trận đánh đã đúc rút được những bài học rất quý cho công tác chỉ huy từ cấp Quân chủng đến trung đoàn, biên đội, trong các trận chiến đấu trên không và công tác nắm địch, chỉ huy, dẫn dắt, hiệp đồng trong biên đội, giữa các biên đội với lực lượng phòng không mặt đất. Tuy vậy, những tổn thất trong trận chiến đấu đối với trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên mới được thành lập là khá nặng nề khiến mọi người phải suy nghĩ, càng phải củng cố quyết tâm và nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật hơn nữa để tiếp tục giành thắng lợi trong những trận chiến đấu tiếp theo.
    Chiến thắng trong hai trận đánh đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam vào ngày 3 và ngày 4 tháng 4 năm 1965 là những chiến thắng vang dội, làm xôn xao dù luận quốc tế, đặc biệt là ở nước Mỹ. Ngày 4 tháng 4, trong cuộc họp báo ở Sài Gòn về trận ngày 3 tháng 4, tướng Moorer- Tư lệnh tập đoàn không quân số 7 Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương trực tiếp chỉ huy lực lượng không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, đã thừa nhận: "Các máy bay MIG mang phù hiệu không lực Bắc Việt đã dùng súng ca-nông để hạ những máy bay phản lực siêu âm của Mỹ. Chúng tôi không bắn rơi chiếc MIG nào...". Về trận - không chiến ngày 4 tháng 4 năm 1965, hãng tin Pháp AFP ngày 5 tháng 4 năm 1965 đưa tin: "Máy bay phóng pháo F- 105 là loại máy bay hiện đại nhất của không quân Mỹ. Thế mà hôm qua rõ ràng bị thua máy bay MIG lạc hậu hơn". Hãng tin Mỹ UPI ngày 5 tháng 4 bình luận: "Việc máy bay MIG hạ những máy bay phản lực khổng lồ bay nhanh gấp hai lần tiếng động làm cho Toà Bạch Cung phiền lòng, Ngũ Giác Đài đang tìm cách thay đổi chiến thuật trong cuộc oanh tạc Bắc Việt Nam" (Chú thích: Tin tham kháo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã các ngày 5,6 tháng 4 năm 1965.).
    Ngày 5 tháng 4 năm 1965, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xuống Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nghe báo cáo trực tiếp về hai trận chiến đấu đầu tiên của không quân. Tại sở chỉ huy Quân chủng, đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh báo cáo tóm tắt diễn biến hai trận chiến đấu của Quân chủng trong hai ngày 3 và 4 tháng 4, trong đó đã nêu lên một số vấn đề chủ yếu đó là công tác tổ chức và chỉ huy tốt. Hiệp đồng giữa không quân và các lực lượng phòng không, ra-đa chặt chẽ. Các mặt bảo đảm chiến đấu đáp ứng yêu cầu. Đây là những trận chiến đấu đầu tiên của không quân tiêm kích non trẻ, còn nhiều bỡ ngỡ, còn nhiều sơ hở, do vậy tuy có thắng lợi nhưng vẫn không tránh được tổn thất.
    Đại tướng đánh giá cao thành tích chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam. Hai trận thắng có nhiều ý nghĩa, vừa có tác dụng rèn luyện bộ đội nhiều mặt vừa là tiền đề cho những chiến thắng sau này. Đại tướng đã trân trọng chuyển lời khen của Quân uỷ Trung ương và Bộ tổng tư lệnh đến các phi công, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 và toàn thể bộ đội không quân.
    Cùng ngày 5 tháng 4 năm 1965, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng xuống trung đoàn nghe báo cáo cụ thể diễn biến hai trận đánh của trung đoàn vừa qua. Trung tá Đào Đình Luyện, trung đoàn trưởng đã báo cáo cụ thể, tỉ mỉ với Tổng tham mưu trưởng. Trong khi báo cáo đồng chí đã phân tích kỹ về tinh thần dũng cảm, mưu trí của phi công, về công tác tổ chức, chỉ huy, về vấn đề hiệp đồng. Trung đoàn trưởng cũng tự đánh giá, đây là những trận chiến đấu đầu tiên nên các phi công còn nhiều bỡ ngỡ, sơ hở, còn có những lúng túng trong xử trí tình huống. Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng đã chỉ thị cho trung đoàn và bộ đội không quân nhiều vấn đề cụ thể về xây dựng lực lượng và chiến đấu.
    Cũng trong ngày 5 tháng 4 năm 1965, một niềm vinh dự lớn và xúc động đến với cán bộ, chiến sĩ trung đoàn: Bác Hồ viết thư khen bộ đội không quân sau ngày đánh thắng. Bác viết:
    Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu ?oĐã đánh là thắng". Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta, Bác gửi lời khen ngợi các chú và nhắc các chú phải luôn luôn:
    - Nâng cao tinh thần "quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" thắng không kiêu, khó không nản.
    - Ra sức rèn luyện để tiến bộ mãi mãi.
    - Đoàn kết chặt chẽ với các đơn vị bạn và với nhân dân.
    Chúc các chú lập nhiều chiến công hơn nữa.
    Chào thân ái và quyết thắng.
    Ngày 5 tháng 4 năm 1965
    Bác Hồ
    (Chú thích: Hồ Chí Minh, Toàn tập. tập 10. Nxb Sự thật. Hà Nội, 1989, trang 78.)
  9. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Với hai trận đánh thắng không quân Mỹ ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 trên bầu trời Hàm Rồng Thanh Hoá. Không quân nhân dân Việt Nam non trẻ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ thay mặt cho cả dân tộc, nhân dân giao cho "Mở mặt trận trên không thắng lợi" nay lại nhận được thư động viên của Bác, lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, học tập thư Bác và cũng đồng thời chỉnh đốn lại tư tưởng, tâm lý, ý chí sau những trận thắng mở màn của mặt trận trên không nhưng có tổn thất lớn, nặng nề đầu tiên của đơn vị.
    Để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước. trung đoàn vừa tập trung xây dựng đơn vị ổn định tổ chức, vừa đẩy mạnh huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng đợi lệnh xuất kích. Ngày 20 tháng 9 năm 1965. Bộ tư lệnh quân chủng tiếp tục cho trung đoàn vào trận. Biên đội 4 chiếc MIG- 17 gồm Phạm Ngọc Lan số 1, Nguyễn Nhật Chiêu số 2, Trần Văn Trì số 3 và Nguyễn Ngọc Độ số 4 cất cánh chiến đấu. Qua một số trận đánh, các phi công ta đã quen dần với đối tượng F-4, phát hiện ra một số nhược điểm của chúng mà MIG- 17 có thể lợi dụng trong các cuộc không chiến. Trận này ta chủ động đánh máy bay tiêm kích địch.
    Sau nhiều lần vòng lượn, ngoặt gấp vẫn không thoát được thế bị bám đuôi, bọn F-4 tự phá vỡ đội hình tháo chạy theo nhiều hướng. Thấy một chiếc máy bay địch hơi nghiêng cánh về trái lẫn vào đám mây trước mặt, đang ở thế công kích có lợi, số 2 của ta lao theo cắt đường phía ngoài đám mây đón đầu. Bằng hai loạt đạn, Nguyễn Nhật Chiêu đã bắn rơi tại chỗ một F-4 của địch, biên đội về hạ cánh an toàn.
    Không được tiêm kích tiếp tục bay hộ tống, các máy bay cường kích địch sa vào lưới lửa của mặt trận phòng không mặt đất. Ngay sau khi không quân vừa thoát ly chiến đấu, bộ đội tên lửa đã bắn rơi một chiếc AD-6 và lực lượng phòng không thuộc tỉnh đội Hà Bắc bắn rơi một chiếc A-4E.
    Đây là trận đánh đầu tiên hiệp đồng với lực lượng phòng không mặt đất của bộ đội không quân. Trận đánh tuy không bắn rơi nhiều máy bay địch song là một thắng lợi có ý nghĩa, khẳng định một điều: Nếu hiệp đồng tốt giữa các lực lượng phòng không mặt đất, chúng ta sẽ đánh thắng và đập tan được mọi thủ đoạn của địch. Dù chúng bay ở độ cao nào cũng đều sẽ gặp lưới lửa phòng không đón chúng. Bay lên cao sẽ gặp tên lửa, lao xuống thấp đã có MIG đón đánh, có hoả lực pháo phòng không, xuống thấp nữa có các tay súng của lực lượng dân quân tự vệ. Trận đánh cũng mở ra hướng mới cho các cấp lãnh đạo chỉ huy, đó là phải tổ chức nhiều trận đánh hiệp đồng giữa các lực lượng phòng không. Hơn nữa, vừa để phát huy hiệu suất chiến đấu của các lực lượng, vừa để rèn luyện năng lực chỉ huy của các cán bộ các cấp.
    Ngày 6 tháng 11 năm 1965 biên đội Hanh ?" Nhung ?" Lan - Phương bắn rơi một trực thăng địch ở vùng Chợ Bến, Hoà Bình. Thêm một loại máy bay Mỹ nữa bị không quân ta bắn rơi trên vùng trời miền Bắc.
    Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất với 72 vạn quân, có 18 vạn lính Mỹ, 2 vạn lính Nam Triều Tiên cùng lính ngụy và 2.000 máy bay các loại trong đó có 600 máy bay phản lực chiến đấu. Mục tiêu của chúng là bẻ gãy xương sống *********. Song vấp phải sự đánh trả anh dũng kiên cường của ta, chúng bị thất bại và thiệt hại nặng nề buộc phải chấm dứt đợt phản công. Ngày 24 tháng 12 năm 1965, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc.
    Cuối năm 1965, không quân ta được trang bị thêm một số máy lay MIG-17 mới đã được cải tiến hệ thống tăng lực (MIG-17F). Đây là loại MIG-17 được lắp thêm ra-đa phát hiện mục tiêu, dùng để chiến đấu ban đêm. Số MIG- 17 đánh đêm được điều về cho đại đội bay đêm của Trung đoàn 921. Cùng thời gian này, lớp phi công MIG-21 đầu tiên đào tạo ở Liên Xô về nước. Máy bay MIG-21 bạn viện trợ cho ta cũng được chuyển về cảng Hải Phòng rồi vận chuyển theo đường sắt về sân bay Nội Bài, được các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô và lực lượng thợ máy của ta khẩn trương tiến hành lắp ráp. Theo chỉ thị của trên, các máy bay MIG-21 được trang bị cho Trung đoàn 921. Trung đoàn 921 được lệnh phối hợp cùng các cơ quan chỉ đạo tuyển chọn một số phi công MIG- 17 chuyển loại sang bay MIG- 21.
    Những phi công chuyển loại đợt đầu đều là những phi công bay khá của trung đoàn và đều đã tham gia chiến đấu như Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Nhật Chiêu nhanh chóng làm quen với máy bay mới. Đây là loại máy bay đánh chặn hiện đại có tốc độ hơn 2 lần tiếng động, bán kính hoạt động gấp đôi so với MIG-17. Ngoài súng 23 ly, trên máy bay còn được trang bị tên lửa không đối không. So với những loại máy bay Mỹ đang sử dụng đánh phá miền Bắc, tính năng kỹ chiến thuật của MIG-21 tuy không bằng nhưng cũng được đánh giá là "một chín một mười". Những phi công bay khá và lý thuyết giỏi được chọn làm giáo viên. Lớp phi công mới tiếp tục huấn luyện và lớp phi công chuyển loại được bố trí bay xen kẽ để giúp nhau nâng cao trình độ bay, rút ngắn thời gian huấn luyện. Sau mỗi chuyến bay lại tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục các điểm yếu, giúp nhau mau chóng làm chủ được phương tiện chiến đấu mới. Các cán bộ trung đoàn cũng tranh thủ thời gian để bay tập chuyển loại cùng với các phi công.
  10. selene0802

    selene0802 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/05/2006
    Bài viết:
    688
    Đã được thích:
    0
    Mặc dù chưa có máy bay huấn luyện (UMIG-21) 2 chỗ ngồi của MIG-21, nhưng trung đoàn đã dùng máy bay huấn luyện MIG-15 (UMIG-15) để tổ chức bay huấn luyện và chuyển loại. Trong những ngày này, cường độ bay huấn luyện của Trung đoàn 921 rất lớn, các loại máy bay MIG-17 (cả loại cũ và loại mới được cải tiến), MIG-21, IL-28, UMIG-15 tranh thủ thời tiết tốt tăng cường huấn luyện. Các phi công đều cố gắng để được bay hai hay ba chuyến trong ngày. Chỉ sau một thời gian luyện tập ngắn, đầu năm 1966 phần lớn các phi công trung đoàn đã hoàn thành chương trình huấn luyện chuyển loại, bắt đầu chuyển sang tập các khoa mục chiến đấu phức tạp. Đặc biệt, lớp phi công MIG-21 từ ngày về nước đã trưởng thành rất nhanh, trình độ bay được nâng lên rất nhiều. Theo đề nghị của Đảng uỷ và ban chỉ huy Trung đoàn 921, nhận thấy khả năng cũng như trình độ của phi công có thể đáp ứng và hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định cho MIG-21 vào trực ban chiến đấu. Đến thời điểm này lực lượng phòng không lại được tăng cường thêm một loại vũ khí hiện đại nữa cùng bảo vệ vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh pháo phòng không các loại, súng phòng không của dân quân tự vệ, hoả lực phòng không của hải quân, tên lửa SAM, máy bay MIG-17 cùng với những chiếc MIG-21 đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ canh giữ bầu trời đầy tự tin. Từ nay ở tầm cao, không quân ta lại càng có điều kiện để phát huy sức mạnh và ưu thế đặc biệt của mình trong thế trận chiến tranh nhân dân. Đưa MIG-21 vào trực ban chiến đấu, tầm vươn của không quân cao hơn, xa hơn rất nhiều.
    Được chính thức làm nhiệm vụ trực chiến nhưng MIG-21 vẫn đang thời kỳ tăng cường huấn luyện. Không quân ta đã sử dụng quen với MIG-17, mới tìm ra được cách đánh cho MIG- 17. còn MIG-21 cách đánh chưa được hình thành một cách cụ thể, cơ bản. Những bài tập ứng dụng chiến đấu, cách tiếp cận mục tiêu chủ yếu vẫn dựa trên cơ sở vận dụng cách đánh của MiG -17. Trong nghị quyết của Đảng uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân về nhiệm vụ năm 1966, đối với lực lượng không quân, đã chỉ rõ: Bộ đội không quân phải tập trung mọi cố gắng, nâng cao chất lượng và sức mạnh chiến đấu, góp phần cùng các đơn vị bạn phát huy vai trò nòng cốt của Quân chủng trong cuộc chiến đấu với không quân địch bảo vệ miền Bắc. Nhiệm vụ trước mắt của không quân là cùng các lực lượng phòng không chiến đấu bảo vệ giao thông và những khu vực quan trọng.
    Sau một thời gian ngắn tạm ngừng đánh phá miền Bắc nhằm trấn an và lừa bịp dư luận, nhất là tại nước Mỹ, ngày 1 tháng 2 năm 1966, tập đoàn Giôn-xơn lại tiến hành chiến tranh leo thang trở lại với phạm vi đánh phá rộng hơn. Ngoài các đợt đánh phá vào mục tiêu ban ngày, chúng tăng cường các trận ném bom ban đêm. Đại đội bay đêm của Trung đoàn 921, sau mấy tháng huấn luyện, các phi công đã có khả năng làm nhiệm vụ chiến đấu ban đêm. Máy bay MIG-17 đánh đêm được đưa vào trực chiến đấu và bắn rơi máy bay Mỹ ngay trận xuất kích ban đêm đầu tiên.
    Quán triệt phương châm tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân chủng, trong những tháng đầu năm 1966, bộ đội không quân vừa đẩy mạnh các mặt xây dựng, vừa tổ chức một số trận đánh bằng các loại máy bay mới được trang bị để rút kinh nghiệm. Đêm ngày 5 tháng 2 năm 196C), phi công Lâm Văn Lích lái máy bay MIG-17 bắn rơi 2 chiếc AD-6 trên vùng trời chợ Bến (Hoà Bình). Đây là trận đánh đêm đầu tiên tiêu diệt máy bay địch của bộ đội không quân nói chung và của lực lượng phi công tiêm kích Việt Nam nói riêng.
    Để các phi công có được thực tế chiến đấu, đúc rút kinh nghiệm và hình thành được cách đánh phù hợp với MIG-21 , Trung đoàn 921 dự định sẽ đưa MIG-21 đánh thử một vài trận. Được cấp trên đồng ý, Bộ tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho ban chỉ huy Trung đoàn 921 nên thận trọng khi đưa MIG-21 vào đánh máy bay tiêm kích Mỹ. Phải chọn đối thủ trong trận đầu của MIG-21. Tốt nhất, trong trận đầu tiên cho MIG-21 đánh vào các máy bay cường kích hoặc máy bay trinh sát.
    Thời cơ cho MIG-21 xuất kích trận đầu đã đến. Vào lúc 14 giờ ngày 4 tháng 3 năm 1966, đơn vị ra-đa cảnh giới phát hiện được tín hiệu máy bay trinh sát không người lái địch hoạt động ở vùng đông - bắc. Đây là chiếc không người lái hoạt động ở tầng cao, MIG-21 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước quyết tâm của trung đoàn cho MIG-21 lên đánh, Bộ tư lệnh Quân chủng đồng ý cho xuất kích. Phi công Nguyễn Hồng Nhị được lệnh cất cánh và được dẫn tới vùng máy bay địch đang hoạt động.
    Sau 19 phút bay ở độ cao 16 km, Nguyễn Hồng Nhị báo cáo đã phát hiện mục tiêu cách 15 km, độ cao 18 km. Được phép tăng tốc độ, Nguyễn Hồng Nhị đã nhanh chóng bám sát mục tiêu và đưa chiếc không người lái vào vòng ngắm. Đến cự ly bắn hiệu quả, để chắc ăn, anh ấn nút phóng liền hai quả tên lửa. Chiếc máy bay không người lái trúng đạn, rơi tại chỗ.
    Bắn rơi được máy bay trinh sát của địch trong trận đánh đầu tiên của máy bay MIG-21 là trận thắng của loại máy bay mới, bằng vũ khí mới là tên lửa không đối không. Đây cũng là trận thắng đầu tiên của không quân tiêm kích Việt Nam tiêu diệt kẻ thù ở tầng cao (18 km). Qua trận này, cán bộ chỉ huy và các phi công Mig-21 đã có được kinh nghiệm làm cơ sở cho những trận đụng đầu với máy bay Mỹ sau này. Những vấn đề đã từng đặt ra như các động tác điều khiển máy bay khi tiếp cận mục tiêu, giữ máy bay ổn định khi phóng tên lửa, giờ đây bước đầu được kiểm nghiệm qua thực tế, tới trận này, thêm một loại máy bay nữa của Mỹ bị không quân ta bắn rơi.
    Ngày 12 tháng 4 năm 1966, lần đầu tiên không quân Mỹ sử, dụng máy bay chiến lược B-52 đánh ra miền Bắc, tại đèo Mụ Giạ. Ngày 19 tháng 4 năm 1966, Quân chủng ra lệnh cho không quân sử dụng MIG-21 đánh máy bay địch ở độ cao trung bình và cao, tiếp tục đánh máy bay trinh sát ở tầng cao, phối hợp với MIG- 17 đánh máy bay địch ở độ cao trung bình.
    Ngày 29 tháng 6 năm 1966, lần đầu tiên không quân Mỹ dùng 24 chiếc F -105 tập trung đánh vào khu vực nội ngoại thành Hà Nội, làm cháy lớn ở kho xăng Đức Giang và kho xăng Thượng Lý, Hải Phòng.

Chia sẻ trang này