1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lịch sử Văn học Nga

Chủ đề trong 'Nga (Russian Club)' bởi MeogiaBC, 22/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. MeogiaBC

    MeogiaBC Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    07/02/2002
    Bài viết:
    61
    Đã được thích:
    0
    Giucôpxki và Bachiuscôp là người sáng lập ra chủ nghĩa lãng mạn nhưng cũng là đại biểu cho khuynh hướng lãng mạn tiêu cực.
    Giucôpxki (1783-1852) là học trò tài năng của Caramdin nhưng ông đã lãng mạn hóa chủ nghĩa tình cảm và trở thành nhà thơ lớn đương thời. Hai tuyển tập thơ Giucôpxki ra đời năm 1815 và 1818 là hai sự kiện quan trọng đánh dấu thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn Nga. Về sau, những sáng tác của Giucôpxki thoát li thực tế, đắm đuối trong những suy tưởng huyền bí . Tuy vậy Bêlinxki đã viết Không có Giucôpxki có lẽ chúng ta không có Puskin , chính Puskin là người đã phát huy những mặt mạnh của Giucôpxki và đưa văn học Nga vào một quỹ đạo.
    Cùng với Giucôpxki , Bachiuscôp (1787- 1855) nổi lên rực rỡ với loại thơ nhẹ . Thơ ông ca ngợi tuổi trẻ , tình yêu , niềm tin vào tương lai tổ quốc. Tập những thể nghiệm thơ và văn xuôi của ông ra đời 1817 là một sự kiện văn học đương thời . Về sau Bachiuscôp trở nên bi quan, mắc bệnh tâm thần . Ông đã gieo những vần thơ bi quan, tuyệt vọng:
    Người ta sinh ra là nô lệ,
    Nằm xuống mồ vẫn là nô lê
    Từ trong khuynh hướng lãng mạn nảy sinh dòng văn học lãng mạn mới, tích cực, khác với dòng lãng mạn của Giucôpxki và Bachiuscôp. Ðó là dòng văn học lãng mạn tích cực. Ðại diện cho dòng văn học này là nhà thơ Puskin và các nhà thơ tháng Chạp như Rưlêep, Kiukhenbeke, Raeppxki, Bextugiep, Ôđôepxki. Bên cạnh đó còn có các nhà thơ như Viademxki, Iadưcôp, Ðavưđôp, Ðenvich, Baratưxki.
    Raepxki (1795 - 1872) là hội viên hội Ðồng minh hạnh phúc và Nam xã, bạn thân với Puskin. Ông bị Nga hoàng bắt giam 6 năm, sau đày đi Xibia. Trong tù, ông sáng tác thơ chống lại bọn vua quan, địa chủ.
    Kiukhenbeke (1797 - 1846) là hội viên Bắc xã, bạn học cùng trường với Puskin. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa 14.12.1825 và bị kết án tử hình, sau bị đày đi Xibia. Ông vừa là nhà thơ, nhà phê bình, nhà soạn kịch. Ông đánh giá rất cao những sáng tác của Puskin, Lecmôntôp, Gôgôn...
    Bextugiep (1797 - 1837) phụ trách tạp trí niên giám Sao bắt cực cùng với Rưlêep. Ông vừa là nhà thơ vừa là nhà phê bình. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa 14 tháng 12 năm 1825 và bị bắt giam, sau bị đày làm lính và hy sinh trong chiến đấu.
    Ðavưđôp (1784 - 1839) là một anh hùng nổi tiểng trong chiến tranh vệ quốc và là hội viên hội Acdamat. Thơ văn của ông đã nói lên tinh thần anh hùng, lòng yêu nước chân chính của nhân dân Nga.
    Viademxki (1792 - 1878) là hội viên hội Acdamat. Lúc đầu thơ ông hướng về lí tưởng tự do, nhưng về sau ông chuyển sang lập trường *********.
    Trong những năm 1815 - 1825, nổ ra những cuộc tranh luận chung quanh vấn đề tính nhân dân trong văn học, vấn đề thơ balát của Catênin, vấn đề trường ca của Puskin và nhiều vấn đề khác. Thực chất của những cuộc tranh luận này là sự đấu tranh giữa chủ nghiã lãng mạng tích cực với các trào lưu lạc hậu khác, giữa khuynh hướng cách mạng và bảo thủ.
    Sự kiện nổi bật về văn học trong thời kỳ này là sự xuất hiện bản trường ca Ruxlan và Liutmila (1820) và những bản trường ca phương Nam như Người tù Capcadơ, Lệ đài Bakhơsixarai, Ðoàn người Sưgan của nhà thơ Puskin. Có thể thấy, những sáng tác của Puskin trong thời kỳ này không những đánh dấu sự toàn thắng của chủ nghĩa lãng mạn trước chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa cổ điển nói chung, mà nó còn đấnh dấu sự thắng lợi của dòng văn học lãng mạn tích cực trước dòng văn học lãng mạn tiêu cực, bảo thủ.
    Sau khi cuộc khởi nghĩa tháng Chạp thất bại, nước Nga rơi vào một thời kì cực đen tối. Những nhà thơ có liên quan đến phong trào tháng Chạp bị đàn áp dã man. Văn học lúc này gắn bó với thực tại hơn và bắt đầu phê phán thực tại. Phương pháp sáng tác hiện thực bắt đầu hình thành với những sáng tác của Puskin và Gôgôn.
    - Chủ nghĩa hiện thực trở thành dòng văn học chính
    Chủ nghĩa hiện thực là thành tựu cao nhất của văn học Nga thế kỷ XIX. Nó xuất hiện trên cơ sở kế thừa, phát huy những truyền thống văn học trước nó và đấu tranh lẩn nhau giữa các trào lưu trong việc phản ánh những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể.
    Thế kỉ XVIII là thế kỉ đã chuẩn bị cho chủ nghĩa hiện thực ra đời và trong 25 năm đầu thế kỉ XIX công việc được tiến hành khẩn trương hơn với dòng văn học châm biếm; trong khi đó chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa lảng mạn song song tồn tại ở những mức độ khác nhau.
    Dòng văn học châm biếm phát triển mạnh mẽ trong 25 năm đầu thể kỉ XIX với hàng loạt bài thơ ngụ ngôn, những vở kịch hiện thực của Crưlôp. Chính Crưlôp đã vượt qua các nhà văn cổ điển lỗi thời, vượt qua các nhà văn tình cảm thoát li hiện thực, vượt qua Giucôpxki và Bachiuscôp đang lúng túng, bất lực trước những yêu cầu mới. Ông đã chuẩn bị trực tiếp cho chủ nghĩa hiện thực Nga thế kỉ XIX .
    Năm 1825 có một số tác phẩm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực Nga tác phẩm đầu tiên phải kể đến là tiểu thuyết thơ Êpghênhi Ônhêghi. Tháng 2 năm 1825, chương đầu tiên của tác phẩm này được in thành sách. Bêlinxki đã gọi tác phẩm này là Cuốn sách bách khoa về đời sống Nga.Puskin đã miêu tả chân thực, điển hình lớp thanh niên quý tộc trước cách mạng tháng Chạp. Những nhân vật trong tác phẩm không còn là những nhân vật tượng trưng, ước lệ mà trở thành những nhân vật vừa điển hình vừa sinh động, cụ thể. Cũng trong năm 1825 Puskin viết vở kịch lịch sử Bôrix Gôđunôp. Cuối năm 1825 ông viết truyện thơ Bá tước Nulin. Tập thơ trữ tình của Puskin cũng được in vào cuối năm 1825.
    Bằng những tác phẩm trên, Puskin đã mở ra con đường mới cho văn học Nga. Chủ nghĩa hiện thực từ đây được hình thành và các nhà văn đã lấy thực tại cuộc sống thời đại làm đối tượng khám phá, sáng tạo. Từ đây, chủ nghĩa hiện thực trở thành một phương pháp sáng tác, kết thúc quá trình hình thành, mở đầu cho quá trình phát triển rực rỡ về sau.
    Bên cạnh những tác phẩm của Puskin xuất hiện 1825, chủ nghĩa hiện thực còn được khẳng định bởi vở kịch Khổ vì trí tuệ của ngôi sao sớm tắt Gribôeđôp. Nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Satski đại diện cho người chiến sĩ tháng Chạp. Ðó là một tính cách điển hình, đa dạng, có tính lịch sử cụ thể, vừa có tính khái quát vừa có tính cá biệt, cụ thể .
    Năm 1825, trong khi những tác phẩm hiện thực của Puskin, Gribôeđôp ra đời thì đồng thời cũng xuất hiện những tác phẩm lãng mạn của Rưlêep, Côdơlôp. Ðặt biệt có cả những nhà thơ vừa sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn, vừa sáng tác theo khuynh hướng hiện thực như Puskin .
    Cuộc khởi nghĩa tháng Chạp đã thất bại, hoàn cảnh sau cách mạng đã đổi thay, nhưng Puskin vẩn tiếp tục tinh thần tháng Chạp trong hoàn cảnh mới. Nhà thơ công dân tiếp tục đưa những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn tích cực lên đỉnh cao, đồng thời xây dựng chủ nghĩa hiện thực thêm vững chắc.
    Cùng lúc với sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực, các lực lượng ********* ra sức công phá phương pháp sáng tác mới. Phòng Ba, Burigarin, Grets, Xencôpxki tìm mọi cách chống phá phong trào cách mạng, chống chủ nghĩa hiện thực, công kích Puskin, Gôgôn. Bọn chúng chê bai Epghênhi Ônhênghin, hạ thấp giá trị Quan thanh tra và Những linh hồn chết.
    Cùng với Puskin, Gôgôn, Lecmôntôp và Bêlinxki đã đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa hiện thực cả hai phương diện lý luận, phê bình và sáng tác.
    Lecmôntôp (1814 - 1841) vừa là nhà thơ lãng mạn vừa là nhà văn hiện thực. Năm 1840 cuốn tiêủ thuyết Nhân vật của thời đại chúng ta của Lecmôntôp ra đời đánh dấu một thắng lợi mới của chủ nghĩa hiện thực. Trong tác phẩm, nhà văn đã phát triển khuynh hướng tâm lý, đi sâu vào nội tâm nhân vật, chuẩn bị cho những nghệ sĩ tâm lý bậc thầy sau này như : Ðôxtôiepxki, Tônxtôi, Sêkhôp.
    Gôgôn (1809 - 1852) là người khẳng định sự thắng lợi dứt khoát của chủ nghĩa hiện thực Nga qua tác phẩm Những linh hồn chết (1842). Trong tác phẩm này chúng ta bắt gặp hàng loạt những nạn dân của chế độ nông nô, những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội, nhũng mảnh đời bất hạnh triền miên; những kẻ thù của nhân dân, những tính cách ích kỷ, thấp hèn,nhỏ mọn của bọn địa chủ qúy tộc.
    Thành tựu văn xuôi của Gôgôn có ý nghĩa rất lớn, Gôgôn đã tập hợp xung quanh mình rất nhiều nhà văn trẻ như Ghecxen, Ðôxtôiepxki, Tuôcghênhep, Gônsarôp. Chính họ đã tạo nên trường phái Gôgôn trong những năm 40 của thế kỉ XIX. Những tác phẩm của họ như Những người cùng khổ (1846), Bút ký người đi săn(1847), Ai có tội(1846 - 1847), Ôblômôp (1849 --1859) đãí khẳng định sự thắng lợi toàn diện của chủ nghĩa hiện thực.
    Trên mặt trận liï lụân, phê bình, Bêlinxki (1811 - 1848) là người chủ xướng, người giương cao ngọn cờ liï luận, phê bình chống lại những kẻ thù của chủ nghĩa hiện thực. Những bài viết của ông có tính cách phát hiện những tài năng văn học mới, những bước phát triển mới của văn học Nga. Chính ông đã khẳng định vai trò to lớn của Puskin trong việc mở đầu một khuynh hướng sáng tác mới; khẳng định Lecmôntôp, Gôgôn trong việc đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực Nga.
    Tóm lại, đến nửa sau thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực Nga đã có đầy đủ thực tiễn sáng tác và cơ sở lí luận để phát triển vững chắc và liên tục. Từ đây, dòng văn học hiện thực trở thành dòng văn học chủ yếu và bắt đầu đạt được những thành tựu rực rỡ. Văn học Nga từ đây thực sự hướng về đời sống nhân dân và phong trào cách mạng đang ngày càng phát triển sâu rộng .
  2. MeogiaBC

    MeogiaBC Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    07/02/2002
    Bài viết:
    61
    Đã được thích:
    0
    2. Văn học Nga nửa sau thế ky XIX2.1. Bối cảnh và sự phát triển tư tưởng xã hội
    Sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Crưm (1854 - 1856) nước Nga càng lúc càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng không thể cứu vãn. Những khó khăn do các cuộc khởi nghĩa của nông dân, do sự suy sụp về kinh tế, do những thất bại về quân sự... đã buộc Nga hoàng phải tiến hành cải cách từ trên xuống. Ngày 19 - 2 - 1861 Nga hoàng ra sắc lệnh bãi bỏ chế độ nông nô, giải phóng hàng chục triệu người.
    Tuy nhiên, thực chất đây là một cuộc cải cách không triệt để. Chính giai cấp phong kiến thống trị đã cấu kết với giai cấp tư sản nhằm lẩn tránh các cuộc bạo động của quần chúng. Sau cuộc cải cách số phận của hàng chục triệu nông dân vẫn không hề được cải thiện. Ðiều này đã dẫn đến sự bùng nổ của hàng chục ngàn cuộc bạo động của nông dân trên khắp 90% các tỉnh nước Nga.
    Tuy có những hạn chế như vậy, nhưng việc bãi bỏ chế độ nông nô vẫn là một bước ngoặc trong quá trình phát triển xã hội Nga. Nó đã tạo cơ sở tốt cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng, đồng thời đưa nước Nga từ một nước quân chủ phong kiến trở thành một nước quân chủ tư sản.
    Nước Nga sau cuộc cải cách nông nô bộc lộ hai đặc điểm nổi bật của nền kinh tế tư bản. Ðó là quyền lực đồng tiền và sự phân hóa nông dân. Nông dân lúc này phân hóa thành hai bộ phận: Giai cấp tư sản có số lượng ít nhưng lại vững mạnh do địa vị kinh tế của nó và giai cấp vô sản nông thôn.
    Cùng với hai đặc điểm nổi bật, lúc này nền đại sản xuất công nghiệp cũng ra đời kéo theo sự xuất hiện và lớn dần của giai cấp vô sản công nghiệp. Ðây là một hiện tượng tiến bộ. Song giai cấp tư sản Nga không phải là giai cấp cách mạng như ở các nước phương Tây, mà nó cấu kết với giai cấp địa chủ, quý tộc nhằm tiến hành bóc lột nông dân.
    Như vậy, nước Nga nửa sau thế kỷ XIX vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu ở châu Âu. Nông dân vẫn chiếm đến 90% dân số, vẫn chìm trong đêm dài nô lệ, vẫn chịu sự bóc lột tàn nhẫn của bọn địa chủ - tư sản, quan lại - nhà thờ. Nước Nga trong nửa đầu thế kỷ XIX đã rơi vào khủng hoảng đến bây giờ càng rơi vào bế tắc, không còn lối thoát.
    Trong suốt nửa sau thế kỷ XIX, nước Nga đã diễn ra mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp thống trị và quần chúng bị trị. Mâu thuẫn này đã tạo nên cơn khủng hoảng gay gắt trầm trọng chỉ cần cơ hội là bùng nổ dữ dội. Lúc này, vấn đề giải quyết ruộng đất cho nông dân trở thành vấn đề trung tâm của thời đại và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tư tưởng xã hội và văn học nghệ thuật.
    Cuộc cải cách nông nô 19 - 2 - 1861 đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nước Nga. Thời đại đã sản sinh ra hai trào lưu tư tưởng lớn: một bên là phái tự do chủ nghĩa nổi bật vào những năm 1860 - 1870, một bên là phái dân chủ cách mạng. Hai phái này được xem là những người đại diện cho hai xu hướng lịch sử quyết định trong cuộc đấu tranh giải phóng của nông dân Nga.
    Phái tự do chủ nghĩa muốn giải phóng nước Nga ra khỏi tình trạng bế tắc, khủng hoảng nhưng họ không muốn hủy bỏ chế độ nông nô mà chỉ nhượng bộ theo tinh thần của thời đại. Thực chất đây là phái của những nhà tư tưởng thuộc giai cấp tư sản. Họ không chấp nhận chế độ nông nô nhưng lại sợ cách mạng và phong trào của quần chúng lật đổ chế độ quân chủ. Ðại biểu cho khuynh hướng này trong văn học là Tuôcghênhep, Ôxtrôpxki, Gônsarôp.
    Phái dân chủ cách mạng phần lớn thuộc trí thức bình dân. Họ chủ trương tiêu diệt chế độ nông nô Nga hoàng bằng vũ lực, đưa xã hội Nga tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua công xã nông thôn. Mặc dù họ chỉ dừng lại ở chủ nghĩa xã hội không tưởng nhưng họ cũng đã góp phần thức tỉnh, giáo dục tư tưởng cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ. Ðại biểu cho khuynh hướng này trong văn học là: Bêlinxki, Secnưsepxki, Nhêcraxôp, Ðôbrôliubôp, Xantưcôp, Xêđrin.
    Song song với hai khuynh hướng trên, vào những năm 80 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa Mác được truyền vào Nga bên cạnh sự lớn mạnh của giai cấp công nhân. Sang những năm 90, Lênin bắt đầu hướng đến việc thành lập một chính Ðảng kiểu mới. Lúc này, trong văn học xuất hiện những con người lao động mới - những người vô sản. Một thời đại mới sắp bắt đầu.
  3. MeogiaBC

    MeogiaBC Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    07/02/2002
    Bài viết:
    61
    Đã được thích:
    0
    2.2. Tình hình văn học:
    Ðến nửa sau thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực nước Nga bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ với những tên tuổi vĩ đại như: Secnưsepxki, Tuôcghênhep, Ðôxtôiepxki, Tônxtôi, Sêkhôp... Lúc này nền văn học Nga gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng và càng lúc càng phản ánh đầy đủ hơn những mâu thuẩn xã hội và tinh thần của thời đại. Ðiều này được thể hiện ở tất cả các bình diện của văn học như: nhà văn, chủ đề, nội dung, quan điểm mĩ học, phương pháp, ngôn ngữ, thể loại...
    Ðến nửa sau thế kỷ XIX các nhà văn Nga càng lúc càng gắn bó với nhân dân và phong trào cách mạng. Người ta phân họ thành ba nhóm sau:
    Nhóm thứ nhất gồm những nhà phê bình lý luận. Họ vừa là người dẫn đường cho văn học vừa những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng đương thời. Nhóm này gồm những tên tuổi tiêu biểu như Bêlinxki, Secnưsepxki, Ðôbrôliubôp, Pixarep, Nhêcraxôp.
    Nhóm thứ hai bao gồm những người không trực tiếp hoạt động cách mạng nhưng họ lại giương cao ngọn cờ liï tưởng tự do bằng cách phát ngôn cỗ vũ cho những tư tưởng tiên tiến qua các tác phẩm của mình. Ðại diện cho nhóm này là: Xantưcôp, Xêđrin, Glep Uxpenxki, Kôrôlenkô.
    Nhóm thứ ba bao gồm những nhà văn như Lep Tônxtôi, Ðôxtôiepxki, Tuôcghênhep, Ôxtrôpxki, Nhêcraxôp, Sêkhôp.. Những nhà văn này không tìm được phương hướng giải quyết, không nhìn thấy tương lai nước Nga nhưng với lòng nhân đạo cao cả họ đã miêu tả chân thật nổi khổ triền miên của nhân dân, đặt ra những câu hỏi cấp bách cho thời đại, nói lên những khát vọng mơ ước cháy bỏng của nhân dân lao động.
    Càng về cuối thế kỷ, văn học nghệ thuật càng trở thành một diễn đàn văn học mà những nhà văn phải là những người công dân đấu tranh cho sự nghiệp thiêng liêng. Kể từ đây hàng loạt các nhà văn đã bị Nga Hoàng bắt giam, lưu đày, sát hại. Secnưsepxki phải chịu 20 năm khổ sai; Ðôxtôiepxki, Sêkhôp, Kôrôlenkô bị lưu đày hàng chục năm ở Xibiri ; Ghecxen, Tuôcghênhep phải bỏ ra nước ngoài; Glep Uxpenxki bị điên loạn vì quá uất ức trước đau khổ của nhân dân.
    Tuy nhiên, nhìn chung các nhà văn trí thức tiến bộ trong thời kỳ này còn quá xa rời nhân dân. Họ chỉ dừng lại ở niềm say mê nhiệt thành mà chưa chịu thâm nhập vào phong trào cách mạng của quần chúng lao động.
    Bên cạnh sự phát triển của đội ngũ nhà văn, chủ đề của chủ nghĩa hiện thực Nga nửa sau thế kỷ XIX cũng thể hiện một bước phát triển của văn học hiện thực trong việc phản ánh hiện thực. Lúc này tên và nội dung của những tác phẩm như: Những người cùng khổ, Ai có tội? Ai sống sung sướng trên đất Nga? Làm gì? không những là những câu hỏi quyết liệt, gay gắt; những vấn đề nóng hổi của thời đại mà đất nước và nhân dân Nga đòi hỏi phải trả lời, mà nó còn là những chủ đề quán xuyến, xuyên suốt toàn bộ nền văn học hiện thực mà các nhà văn Nga luôn trung thành thể hiện trong các tác phẩm của mình.
    Trên bình diện quan điểm mĩ học, thời kì này các nhà cách mạng dân chủ mà nhất là Secnưsepxki đã kế thừa quan điểm mĩ học của Bêlinxki và đã xây dựng được một hệ thống mĩ học hoàn chỉnh. Bản luận văn nổi tiếng Những quan hệ thẩm mĩ giữa nghệ thuật và hiện thực ra đời 1855 đã mở ra một bước ngoặc lịch sử trên quá trình phát triển mĩ học Nga và nhân loại. Kể từ bây giờ, các nhà văn phải nhận thức được rằng cái đẹp là cuộc sống, mỗi tác phẩm của mình phải là một cuốn sách giáo khoa về cuộc sống. Các nhà văn không chỉ có nhiệm vụ giương cao ngọn cờ lí tưởng yêu nước, nhân đạo, dân chủ, tự do mà còn phải lên án mọi bất công và tất cả những gì chà đạp lên quyền sống của con người.
    Bên cạnh việc hoàn thiện quan điểm mĩ học, văn học thời kỳ này còn có những thành tựu to lớn trong việc thâm nhập vào thế giới tâm hồn muôn hình muôn vẻ của nhân vật. Ði sâu vào tâm lý, tâm hồn nhân vật không những là một thủ pháp, nguyên tắc nghệ thuật phổ biến, mà nó còn là một phương thức nghiên cứu bắt buộc nhằm tìm hiểu tính cách con người thời đại và các quan hệ xã hội phức tạp đương thời.
    Thành tựu quan trọng nhất khẳng định sự toàn thắng của chủ nghĩa hiện thực Nga thời kỳ này là việc khẳng định được vị trí của con người nhỏ bé trong xã hội, nhìn thấy được vẻ đẹp bên trong của lớp người đó cùng với việc bóc trần mọi thứ xấu xa của xã hội, đồng thời tố cáo mạnh mẽ thế lực của đồng tiền đã chà đạp lên luân thường đạo đức. Lúc này, các nhà văn như Tônxtôi, Ðôxtôiepxki đã tái hiện những thân phận hèn mọn bị sỉ nhục, bị lăng mạ của đông đảo quần chúng lao động, đồng thời miêu tả họ với những vẻ đẹp, với hình tượng của nhân dân kỳ diệu, quần chúng lao động. Song song với việc miêu tả con người nhỏ bé bằng tấm lòng nhân đạo cao cả, các nhà văn còn tố cáo gay gắt xã hội, tố cáo chủ nghĩa tư bản Nga đang mưu sắp xếp lại xã hội, điều khiển xã hội bằng quyền lực và sức mạnh của đồng tiền. Những vấn đề này, nhất là vấn đề thế lực và sức mạnh đồng tiền được các nhà văn Ðôxtôiepxki, Ôxtrôpxki hình tượng hóa vào các tác phẩm của mình một cách chân thật và sinh động.
    Văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX nổi bật lên với vấn đề xây dựng nhân vật tích cực. Ðây là một thành tựu quan trọng của chủ nghĩa hiện thực Nga trong việc gắn liền văn học với phong trào cách mạng. Nó thể hiện sự tiến bộ của văn học. Lúc này, các nhà văn dân chủ cách mạng đã dũng cảm xây dựng những nhân vật tích cực sinh động hoàn chỉnh mà lịch sử văn học nhân loại hàng ngàn năm về trước chưa hề đạt tới. Ðó là hình ảnh : những con người mới từ hiện thực cuộc sống đấu tranh đã bước vào văn học với tư thế hiên ngang dũng cảm như loài chim báo bão báo hiệu một cơn bão thời đại sắp diễn ra dữ dội. Hình ảnh những con người mới này tập trung ở hai nhân vật tiêu biểu, đó là Rakhmêtôp và Badarôp.
    Trên bình diện thể loại, thời kỳ này do văn học phải phản ánh toàn diện những vấn đề cấp bách và phức tạp của thời đại cho nên văn học có sự thay đổi khá lớn về thể loại. Thời kỳ này thơ ca vẫn phát triển đa dạng nhưng đặc biệt văn xuôi phát triển mạnh mẽ và đạt đến tính mẫu mực, hoàn chỉnh. Nó trở thành thể loại chủ yếu trong việc thể hiện và đăng tải các nội dung xã hội trong nửa sau thế kỷ XIX. Có thể thấy, các thể loại văn xuôi như tiểu thuyết anh hùng ca, truyện vừa vào lúc này phát triển rất mạnh và giữ địa vị thống trị so với các thể loại khác.Tiêu biểu cho thể loại này là các sáng tác của Ðôxtôiepxki, Tônxtôi.
    Song song với sự phát triển của thể loại tiểu thuyết, kịch vào lúc này cũng phát triển mạnh mẽ. Nhà viết kịch Ôxtrôpxki và Sêkhôp đã sáng tác và dịch hàng trăm vở kịch với nhiều thể loại khác nhau. Ðặc biệt là Ôxtrôpxki, ông đã viết và dịch gần 80 vở kịch gồm các thể loại khác nhau về hàng loạt đề tài mới, nội dung mới, nhân vật mới thuộc lớp bình dân. Ông được xem là người cha của nền kịch Nga, sánh ngang với Sêcxpia của nước Anh. Môlie của Pháp, Sile của Ðức và Gônđani của nước Ý.
    Thời kỳ này còn có sự phát triển rực rỡ của truyện ngắn và ký sự. Tập truyện ký Bút ký người đi săn của Tuôcghênhep đã mở ra một chân trời rộng lớn cho thể loại này phát triển. Truyện ngắn Chiếc áo khoác của Gôgôn cũng là một sự khẳng định thể loại truyện ngắn. Ðến Sêkhôp, truyện ngắn đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện.
    Cùng với sự phát triển của truyện - ký văn học, ký chính luận báo chí là một thể loại báo chí được phát triển mạnh mẽ với tên tuổi của Ghecxen. Ðương thời và mãi về sau ông được coi là nhà văn hoạt động kì diệu ưu tú nhất của văn học Nga.
    Sự phát triển của ngôn ngữ văn học Nga cũng là một đặc điểm nổi bật trong thời kỳ này. Nếu như ở giai đoạn trước Puskin là người có công xây dựng và khẳng định được nền văn học và ngôn ngữ văn học dân tộc thì đến nửa sau thế kỷ XIX, công lao phát triển ngôn ngữ thuộc về đội ngũ đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ ngôn từ đã cống hiến hết mình vì nền văn học dân tộc.
    Tóm lại, văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX đã phát triển đến đỉnh cao nhất của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Công lao ấy ngoài những tên tuổi tiêu biểu như Secnưsepxki, Nhêcraxôp, Tuôcghênhep, Ðôxtôiepxki, Tônxtôi, Sêkhôp còn có sự góp sức của hàng loạt những tên tuổi khác. Họ đã cùng vai sát cánh tạo nên một nền văn học tiên tiến và bất hủ cho nhân loại.

Chia sẻ trang này