1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lũ lụt, hay là diễn biến của một tai hoạ được báo trước

Chủ đề trong 'Điện - Điện tử - Viễn thông' bởi despi, 24/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Lũ lụt, hay là diễn biến của một tai hoạ được báo trước

    Văn Ngọc
    Lũ lụt là một trong những thiên tai gây thiệt hại to lớn nhất và thường xuyên nhất cho con người (1). Hiện tượng không chỉ xảy ra ở những vùng nhiệt đới gió mùa, thường hay có áp thấp, bão, lốc, và lượng mưa nhiều, mặc dầu ở những nơi này cường độ của mưa, bão, có lớn hơn, song càng ngày người ta càng thấy hiện tượng lũ lụt hoành hành ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả ở những vùng khí hậu ôn đới, kể cả ở những nước công nghiệp phát triển, như Hoa Kỳ và một số nước Âu châu, những quốc gia có những phương tiện, thiết bị kỹ thuật tối tân nhất để phòng chống thiên tai này.
    Tuy nhiên, lũ lụt không phải là một hiện tượng tự nhiên xảy đến một cách bất ngờ, khiến con người không thể biết trước được. Đó là cả một quá trình diễn biến tuân theo những qui luật nhất định. Lô gích của tai biến không chỉ ngự trị ở trong bản thân sự cấu tạo và vận hành của hiện tượng, mà còn tồn tại trong tất cả những hoạt động của con người liên quan đến việc ứng phó với nó.

    Diễn biến của của một trận lũ lụt, với các nguyên nhân, hậu quả, cũng như các yếu tố cấu thành của nó, trong điều kiện khoa học phát triển ngày nay, đều có thể dự báo được : những điều kiện khí tượng thuỷ văn, lượng nước mưa rơi xuống ở mỗi vùng ; vị trí và những biến động của lòng sông, của dòng chảy, lưu lượng của từng con sông, con suối ; độ dốc, độ trũng của các vùng đất đai ; mức độ che phủ của rừng cây ; thời điểm có thể xảy ra mưa, bão, lũ lụt ; địa hình, địa lý, đặc điểm khí hậu của từng vùng, v.v. Tất cả những tham số này đều có thể đo lường, thống kê được một cách tương đối chính xác. Giữa chúng có những mối tương quan tác động lẫn nhau khá phức tạp, do đó hiện tượng lũ lụt, cũng như những biện pháp ứng phó, đều cần được nghiên cứu một cách tổng hợp.

    Ngày nay, khoa học về trái đất và môi trường còn cho ta biết thêm rằng : lượng khí các-bon CO2(chủ yếu do các chất đốt trong công nghiệp, như : than đá, khí đốt, dầu lửa, v.v.) phát thải vào trong khí quyển gây nên hiệu ứng nhà kính, và lượng khí nhà kính càng gia tăng bao nhiêu, thì hiệu ứng nhà kính càng tăng lên bấy nhiêu, kéo theo sự nóng lên của mặt trái đất, và của khí hậu, làm cho lượng nước mưa và cường độ mưa ở một số vùng ngày một tăng thêm, và mực nước các đại dương cũng ngày một dâng cao, do sự dãn nở của nước biển và sự tan băng, v.v. (Người ta dự báo đến thế kỷ sau, mực nước biển sẽ tăng lên khoảng từ 15 cm đến 1m. Nếu tăng lên tới 1m, thì phải di dời 10 triệu dân ở các đồng bằng thấp của Bangladesh, Ai Cập và Trung Quốc ; Bangladesh sẽ mất đi 18% diện tích đất đai và nhiều hải đảo sẽ bị ngập chìm dưới biển).

    Ở nước ta, những vùng bị đe doạ bởi sự thay đổi khí hậu là các vùng đất thấp ven biển. Đồng bằng sông Hồng có đến trên 72% diện tích có cao trình dưới 3m. Trong mùa lũ, mực nước sông thường là trên 9m. Vài ba chục năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình tăng lên từ 0,08° đến 0,1° / mỗi thập niên. Bão cũng có xu thế tăng lên. Lượng mưa ngày lớn nhất thường vượt 300mm và nhiều nơi vượt 500 mm. Đồng bằng sông Cửu Long có phần lớn diện tích ở cao trình thấp dưới 2 m, rất dễ bị ngập lụt, úng và mặn xâm nhập sâu. Khí hậu trái đất nóng lên, dòng chảy hàng năm của các sông ngòi có thể giảm 10%, ngược lại sẽ có sự tăng lên của dòng chảy lũ lớn nhất (GS. Nguyễn Viết Phổ, Nóng lên toàn cầu, Tạp chí Hoạt Động Khoa Học, số 4/1998)

    Con người, trước hiện tượng lũ lụt, đã làm gì để tự vệ, và trong tương lai sẽ phải làm gì để tránh tai hoạ này ?

    Ngay từ những thời xa xưa, mặc dầu mới chỉ biết dựa vào kinh nghiệm thôi, song con người đã tìm ra được những giải pháp phòng ngừa lũ lụt một cách hiệu quả : đó là những ngôi nhà sàn ở các vùng thượng du, cao nguyên, trên sườn đồi, sườn núi, ở những vùng ven hồ, ven biển, hay ở những vùng ngập trũng thường xuyên ; đó còn là những chiếc nhà bè nằm ngay trên sông nước ; hoặc những hang động nằm trên những vách núi cheo leo, nhưng cao ráo. Sau này, ở một trình độ văn minh hơn, họ đã biết sáng tạo ra hệ thống đê điều, cống, đập, kênh, mương, ngăn lũ và tiêu thoát lũ ở đồng bằng. Truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, kết cục bằng thắng lợi của Sơn Tinh, có một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc : Sơn Tinh chính là biểu tượng của bản năng sinh tồn của người nông dân Việt Nam, đời đời kiếp kiếp phải đương đầu với thuỷ tai, song cuối cùng cũng vẫn vượt qua khỏi được tai biến và không để cho lũ lụt chiến thắng !

    Trên trống đồng Ngọc Lũ và trên những chiếc chuông đá, khánh đá của người Nhật cổ đại, đều có khắc hình nhà sàn, mà kiến trúc giống hệt như những ngôi nhà sàn truyền thống hiện vẫn còn ở Torraja (Bornéo, Inđônêsia), ở Nouvelle Guinée (Đại dương châu), ở Nhật Bản, hay ở Tây Nguyên, Việt Nam.

    Trong cấu trúc ngôi đình làng Việt Nam ở nông thôn, người ta cũng có thể nhận ra dấu tích của ngôi nhà sàn cổ truyền : ở đây sàn chỉ còn cách mặt đất khoảng 50, 60 cm (thí dụ rõ nhất là đình làng Đình Bảng, Bắc Ninh). Ở Hội An, đô thị-cảng cổ của người Chăm, có từ trước thế kỷ 17, nằm trên cửa sông Hội An và sông Thu Bồn, nhiều dấu vết của nhà sàn đã được ghi lại trên các bức hoạ cổ của người Nhật Bản đương thời (2). Nói rộng ra, ở khắp các vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, ven sông, ven hồ, hoặc có khả năng bị ngập nước, hoặc bị lũ, dù là ở Đông Nam Á, Đại Dương châu, Nhật Bản, hay Nam Mỹ, đều có truyền thống làm nhà sàn, nhà bè, hoặc nhà ở nơi cao ráo, để phòng ngừa lũ lụt và thú dữ.

    Song, ngôi nhà sàn đã mất dần chức năng nguyên thuỷ của nó, khi xã hội loài người từ bỏ nền kinh tế săn bắn và hái lượm để đi lên nền kinh tế nông nghiệp, lúa nước. Xuống tới những vùng đồng bằng phì nhiêu do phù sa của các con sông bồi đắp nên, ngôi nhà sàn dần dần đã phải nhường chỗ cho ngôi nhà tranh, với nền đất được đắp cao lên khỏi sân phơi chừng 50, 60 cm (vẫn với mục đích chống ẩm ướt) : ngôi nhà này thuận tiện hơn cho việc ăn ở, đi lại và sản xuất nông nghiệp. Đó là ngôi nhà đặc trưng của nông dân đồng bằng sông Hồng, nói chung. Đó cũng là ngôi nhà của nông dân miền Trung và ở một số vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Có thể nói rằng cuộc sống định canh định cư của con người trên các bãi sông mầu mỡ bắt đầu từ đấy, song tai hoạ cũng bắt đầu từ đấy ! Những xóm làng, và ngay cả những đô thị, đều tập trung ở những vùng đồng bằng, ven sông, có đất bồi phì nhiêu để trồng trọt, có nước để tưới tiêu, lại có giao thông thuận tiện bằng đường thuỷ và đường bộ. Thậm chí, vì những lý do kinh tế hiển nhiên, con người đã phải bám vào những vùng ven sông, ven biển để sinh sống, khai thác ngay chính cái qui luật xói lở và bồi tụ của các con sông, mặc dầu vẫn biết rằng đây vừa là một nguồn cung cấp đất phù sa mầu mỡ, song lại vừa là một nguồn tai hoạ. Chính cái tập quán canh tác và định cư trên các bãi sông đã làm tăng tác hại của lũ lụt về người và của, đồng thời làm suy giảm khả năng thoát lũ của các con sông : từ sông Hồng, sông Thái Bình, ở miền Bắc, đến các sông Thu Bồn, Trà Khúc, Hương, Đà Rằng, ở miền Trung, sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, ở miền Nam.

    Cũng vì những lý do kinh tế, mà nhiều đô thị, thậm chí cả những kinh đô, đã được tạo dựng ở ngay những vùng có nguy cơ bị ngập lụt : Hội An, Đà Nẵng, Huế ; Hà Nội, kinh đô Thăng Long xưa, trên thực tế không phải nằm ở một vị trí lý tưởng về mặt địa hình, địa lý, như người xưa tưởng, bởi vì La Thành của Cao Biền, hay Thăng Long của nhà Lý, không phải nằm ở một địa thế cao ráo : núi Nùng thực ra chỉ là một nấm đất, chỉ có cái tên trên bản đồ mà thôi, sông Nhị mới thực là một hiểm hoạ : thành phố Hà Nội ngày nay nằm dưới mực nước lớn của sông Hồng tới 7m !

    Về những tác hại do lũ lụt gây nên ở những vùng nông dân định cư sinh sống và canh tác trên các bãi bồi của các con sông, người ta đã thấy được tầm quan trọng của chúng trong đợt lũ lụt năm 1999 ở các vùng Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng : tổn thất không kể hết về người, vật, và của cải đã xảy đến cho 7 tỉnh duyên hải miền Trung, hàng vạn ngôi nhà bị cuốn theo nước lũ, cùng với đất đai, hoa mầu, v.v. Các năm trước đó, 1997 và 1998 cũng đều có lũ lụt to. Nói chung, ở vùng đất miền Trung này lũ lụt xảy ra gần như hàng năm. Trận lụt lịch sử năm Thìn 1964, riêng ở tỉnh Quảng Nam đã làm hàng ngàn người chết. Có những làng mất hẳn tên trên bản đồ do nước dìm xuống lòng sông. Có những làng mất hẳn tên trong sổ hộ tịch hộ khẩu vì không một ai sống sót. Nước dâng lên cao vây bốn bề. Dân phần lớn trèo lên nóc nhà rồi cuối cùng cũng cùng mái nhà theo nước trôi cả làng ra biển Đông. [...] Các ngôi nhà mới xây đều làm mọi cách để tôn cao nền nhà đến mức có thể. Mỗi nhà đều có một chiếc xuồng treo trên chái sau, mỗi năm chỉ dùng một lần... (TTCN, 14-11-1999).

    Ở đồng bằng sông Cửu Long, vào đầu tháng 9-2000, khi lũ ở thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu dâng cao, đe doạ tính mạng của hàng chục ngàn hộ dân ở vùng sâu Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, một số địa phương đã cho di dời hàng nghìn hộ trong vùng sạt lở ở đầu nguồn sông Tiền và nhiều hộ ở đồng sâu ra các điểm dân cư, hoặc ven quốc lộ che lều ở tạm... Nhưng rồi họ sẽ phải làm gì đây để kiếm sống qua ngày ? (TTCH, 3-9-2000)

    Ở đồng bằng Bắc bộ, lại còn có hiện tượng phải hy sinh một số vùng (vùng các huyện Nho Quan, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), để phân lũ, nhằm bảo vệ cho một vùng rộng lớn hơn. Trong một năm, đất đai, nhà cửa ở đây bị ngập nước từ 1 đến 3 tháng.

    Từ một số năm nay, người dân ở những vùng bị lũ lụt thường hay có câu nói cửa miệng : "sống chung với lũ lụt ", như một sự thoả hiệp, mà cũng như một sự thách thức. Đó cũng là một cách nhìn thực tế, khi chưa có một giải pháp nào cụ thể và hữu hiệu.

    Trên thực tế, lũ lụt tuy là một thiên tai ghê gớm, nhưng vẫn có thể tránh được, nếu áp dụng kịp thời những biện pháp phòng ngừa. Sở dĩ, ngay cả những nước có nhiều phương tiện tài chính, và kỹ thuật nhất, cũng vẫn không tránh khỏi tai hoạ này, vì nhiều lý do, song những lý do chính thuộc trách nhiệm của con người, vẫn nằm trong hai lãnh vực : qui hoạch và xây dựng, trong đó bao gồm cả những công trình thuỷ lợi. Đương nhiên, những vấn đề của qui hoạch và xây dựng luôn luôn phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế, xã hội, ở mức quốc gia, hay địa phương.

    Sự qui tụ dân cư thành xóm làng, đô thị, đòi hỏi phải tạo ra những luật lệ, qui phạm, thiết lập những bản đồ chỉ dẫn và kiểm tra việc qui hoạch, xây dựng, nhằm tạo một môi trường sống đáp ứng những nhu cầu của xã hội và con người. Tại các nước phát triển, những luật lệ về qui hoạch và xây dựng áp dụng cho các vùng ven sông, ven biển, và các vùng có nguy cơ bị ngập lụt, đều tương đối rõ ràng, và chính xác. Các luật lệ và sơ đồ này được lập ra không chỉ để bảo vệ an toàn trực tiếp cho cư dân trong một vùng, mà còn để bảo đảm cho việc thoát lũ, và tránh cho môi trường khỏi bị ô nhiễm. Chúng được thiết lập trên cơ sở những điều tra, thống kê, nghiên cứu, của nhiều ngành chuyên môn, trong nhiều lãnh vực : khí tượng, thuỷ văn, khí hậu, địa hình, địa lý, địa chất, khoa học xã hội, kinh tế, luật pháp, v.v.

    Tuy nhiên, trong một bối cảnh kinh tế-xã hội nào đó, luật pháp cũng bị vô hiệu hoá, hoặc không quyết định được tất cả. Ở những thời xa xưa, khi chưa có luật pháp, chưa có các ngành khoa học về môi trường, khí hậu, cũng như về kinh tế, qui hoạch và xây dựng, con người hoặc đã phạm phải những sai lầm trong việc phân bố dân cư, chọn địa điểm để định cư, canh tác (lập làng xóm ở trên các bãi bồi, ven sông, ven biển, v.v.), hoặc khi có luật pháp rồi, đã không tuân thủ những luật pháp được đặt ra trong các lãnh vực này, vì những lý do kinh tế, như đã nêu ở trên.

    Đi tìm những biện pháp phòng ngừa lũ lụt, trước hết là đi tìm những nguyên nhân của lũ lụt, đứng về mặt hiện tượng thiên nhiên ; sau đó, là những nguyên nhân do chính con người gây nên trong cách ứng xử với lũ lụt, đã khiến cho tai hoạ này gây tác hại ở những nơi mà lẽ ra họ có thể tránh được. Trên cơ sở một sự phân tích nghiêm chỉnh về nguyên nhân và bản chất của tai hoạ, mới có thể tìm ra được những biện pháp phòng ngừa.

    Những nguyên nhân chính của lũ lụt, xét về mặt hiện tượng thiên nhiên, đã được nêu lên tóm tắt ở phần trên, mặc dầu trên thực tế, sự vận động của hiện tượng này hết sức là phức tạp và đòi hỏi những tri thức tổng hợp của nhiều ngành khoa học. Điều mà người ta có thể tin tưởng được một cách chắc chắn là, với trình độ khoa học kỹ thuật ngày một tiến triển, hiện tượng này hoàn toàn có thể được dự báo một cách chính xác, với độ tin cậy ngày một cao. Tuy nhiên, với những hành động vô trách nhiệm của con người, như phá hoại rừng nguyên sinh, xây dựng tràn lan trên các bãi sông, cửa sông, kênh, rạch, và nhất là phát thải bừa bãi khí CO2 vào khí quyển, gây nên hiệu ứng nhà kính, phải chờ đợi là sẽ có những biến đổi quan trọng về khí hậu, về lượng nước mưa, cường độ mưa và lũ lụt ở một số nơi trên thế giới.

    Hiện nay, quốc gia dẫn đầu xa nhất trong việc phát thải khí các-bon vào khí quyển vẫn là Hoa Kỳ (5410 triệu tấn), theo sau là Trung Quốc (2853 triệu tấn), Pháp đứng gần cuối trong các nước công nghiệp phát triển (376 triệu tấn).

    Cách đây hai năm, các nhà khoa học đã chứng minh rằng từ 400.000 năm nay, chưa bao giờ trữ lượng khí nhà kính trong khí quyển đã đạt tới mức hiện nay, do ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn cầu. Nếu cứ cái đà này, thì từ nay đến nửa thế kỷ XXI, trữ lượng đó sẽ nhân lên gấp hai, và sang đến năm 2100, sẽ nhân lên gấp ba.

    Xem như vậy, con người có một phần trách nhiệm quan trọng ngay từ ngọn nguồn của các nguyên nhân sinh ra tai biến.

    Sau thất bại của Hội nghị La Haye, tháng11 năm ngoái, không biết đến bao giờ các quốc gia mới đi tới được một qui ước quốc tế giới hạn việc phát thải các khí nhà kính vào khí quyển, nhằm giữ cho môi trường khỏi bị quá ô nhiễm, và tránh cho nhân loại những hậu quả to lớn không thể lường được về thiên tai ?

    Mặt khác, trong việc ứng xử với lũ lụt, trách nhiệm của con người cũng không phải là nhỏ.

    Bản thân hiện tượng, cũng như những hậu quả, tác hại, của nó, đều là những vấn đề đòi hỏi sự điều tra, nghiên cứu, phối hợp, của nhiều ngành chuyên môn, có nhiệm vụ cung cấp những dữ liệu chính xác trong một số lãnh vực : khí tượng, thuỷ văn, khí hậu, địa hình, địa lý ; lập bản đồ các vùng có nguy cơ bị lũ lụt, ngập úng, với mức độ ngập lụt trong thời gian ; lập bản đồ về môi trường sinh thái, về hệ thống sông ngòi, kênh rạch, cống đập, đê điều ; về độ che phủ của rừng ; về đất đai dành cho nông nghiệp, cho qui hoạch đô thị, nông thôn v.v. Ngoài ra, còn cần những dữ liệu về hướng phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, về phân vùng kinh tế, về dân số, v.v. Trên cơ sở những dữ liệu đó, mới có thể phân tích các nguyên nhân và hậu quả của tai biến, từ đó mới có thể đề ra những biện pháp phòng ngừa thích ứng.

    Riêng trong hai lãnh vực qui hoạch và xây dựng, từ những kinh nghiệm phòng tránh lũ lụt của tổ tiên ta ngày trước (truyền thống ở nhà sàn, nhà bè, và ở những nơi cao ráo ; truyền thống đắp đê điều, kênh, mương, cống, đập ; truyền thống trồng rừng, v.v.), cũng như từ những kinh nghiệm trị thuỷ và ngăn biển của nhiều dân tộc trên thế giới (như người Hà Lan, với kỹ thuật đắp đê ngăn biển Bắc hải với hồ nhân tạo Zuyderzee trong vịnh Hà Lan, và đắp polders lấn biển trên hồ này), chúng ta có thể rút ra một số bài học, áp dụng cho việc tìm kiếm những biện pháp phòng ngừa lũ lụt ở Việt Nam.

    Nhìn chung, về mặt qui hoạch, chỉ có hai hướng chọn lựa, một là chấp nhận "sống với lũ lụt", hai là tránh lũ lụt.

    Tránh lũ lụt một cách triệt để, là tránh không ở những vùng có nguy cơ lũ lụt, không bố trí ở những nơi này những hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, v.v. . Đó chủ yếu là trách nhiệm của các khâu qui hoạch lãnh thổ, phân vùng kinh tế, phân bố dân cư, quản lý qui hoạch và xây dựng, v.v. Các khâu này phụ thuộc vào chính sách phát triển kinh tế của một nước. Các luật lệ về qui hoạch được đặt ra, do ngành qui hoạch quản lý, người dân phải tôn trọng những luật lệ này, vì sự an toàn của chính mình, nhưng cũng vì lợi ích chung của xã hội.

    Còn "sống với lũ lụt", đối với những người có trách nhiệm tạo tác môi trường sống của người dân, cụ thể là những người trách nhiệm về qui hoạch, là chấp nhận việc phân bố các khu dân cư ngay cả ở trong những vùng có nguy cơ bị lũ lụt, và như vậy là phải có những biện pháp phòng ngừa lũ lụt, hoặc bằng những công trình trị thuỷ, như đê điều, cống, đập, hồ chứa nước, để ngăn và thoát lũ, v.v., hoặc bằng những giải pháp kiến trúc, với điều kiện là những giải pháp này không trở thành những trở ngại cho việc thoát lũ, không làm ô nhiễm môi trường, và không làm hư hại đến cảnh quan. Mặt khác, những giải pháp kiến trúc đó phải phù hợp với từng vùng, tuỳ theo đó là vùng nông thôn hay thành thị ; vùng lũ lụt định kỳ, ngập sâu dài hạn, hay ngắn hạn ; ở ven sông, ven biển, hay trong đồng sâu ngập trũng. Ngoài ra, giải pháp nào thì cũng phải nhìn đến khía cạnh kinh tế, khía cạnh giá thành xây dựng, đối với khả năng đầu tư của nhà nước, cũng như khả năng đóng thuế, hay trả góp của người dân.

    Nói chung, về mặt kinh tế, kỹ thuật, cũng như về mặt sử dụng, nếu là biện pháp nhà sàn, thì dù trong trường hợp nào, cũng không nên coi đó là những công trình biệt lập, bởi trong điều kiện lũ lụt, thì giao thông, đi lại, bằng thuyền bè, rất là diệu vợi, nguy hiểm ; ngược lại, nên quan niệm đó là những tổng thể công trình nằm quây quần lại với nhau thành những xóm, làng.

    Về mặt cấu trúc, những tổng thể này, cơ bản là một khung kết cấu, gồm một hệ thống cừ (pieux), sàn, cột chống, và dầm, kèo, bằng vật liệu kiên cố và đúc sẵn (bê-tông cốt thép). Tường ngoài cũng phải kiên cố, có thể xây bằng tấm bê-tông lắp ghép, hay bằng gạch xi-măng. Vách trong có thể làm bằng những vật liệu nhẹ hơn. Mái cũng phải bảo đảm chống thấm và đủ kiên cố, để chịu được sức gió. Sàn chính để sinh hoạt, đi lại, buôn bán, và làm nhà kho, v.v. được thiết kế trên mực nước cao nhất của lũ. Một hệ thống hành lang cố định, hoặc cầu phao, nối liền các ngôi nhà với nhau. Với những kỹ thuật xây dựng hiện đại, nhà có thể xây cao 2, 3 tầng, hay hơn nữa, tuỳ theo nhu cầu. Không gian nằm bên dưới sàn chính, có thể được sử dụng với những chức năng thích hợp, trong thời gian không có lũ lụt. Những tổng thể cấu trúc này được bố trí theo một bố cục mặt bằng thích ứng với những chức năng đặc thù của chúng.

    Nhìn rộng hơn nữa, có thể quan niệm những làng, xã, thậm chí những thành phố, được xây cao hơn mực nước cao nhất của lũ, với một khung kết cấu, gồm những cấu kiện đúc sẵn kiên cố, như : cừ, cột, dầm, sàn, tường, mái ; vách có thể được bổ sung dần dần ; một hệ thống hành lang cho phép đi lại, giao dịch, như đã mô tả ở trên. Các hệ thống thiết bị kỹ thuật như : điện, nước, chất đốt, vệ sinh, v.v. đều có thể thực hiện được bằng những kỹ thuật cổ điển thông thường. Để đảm bảo giao thông và chuyên chở, trên vùng ngập nước, có thể sử dụng thuyền như một phương tiện giao thông tư nhân, hay tập thể.

    Ở những vùng đất yếu, nếu vì giá thành của kỹ thuật đóng cừ quá cao, có thể nghĩ đến những biện pháp xây móng bằng kết cấu đáy (radier) bằng bê-tông. Không gian nằm bên dưới sàn chính, vẫn là để sử dụng cho một số công việc ngoài mùa lũ. Khi lũ đến, hay khi lũ tháo đi, kết cấu của phần công trình này phải đủ thông thoáng để cho nước lũ chảy qua dễ dàng.

    Ở một số vùng ngập sâu nhiều tháng trong một năm, mà diện tích canh tác quá rộng, dân cư thưa thớt, không ở tập trung, như một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, biện pháp nhà nổi có thể là một biện pháp kinh tế và hữu hiệu. Tuy nhiên, biện pháp này có những mặt hạn chế của nó : về mặt kỹ thuật, nó không cho phép xây nặng và xây cao ; về mặt tiện nghi, ở trong một ngôi nhà nổi, cũng như ở trong một chiếc nhà bè, không tiện nghi bằng ở nhà sàn (cảm giác như ở trên thuyền, v.v.). Ngoài ra, các vấn đề thiết bị cấp nước, thoát nước, vệ sinh, cũng khó giải quyết hơn. Dẫu sao thì giải pháp nhà nổi cũng cần được quan niệm, không phải như một, hai công trình biệt lập, mà như một cụm nhà, đơn vị của một tổng thể kiến trúc có qui mô lớn hơn, có kiến trúc hài hoà với cảnh quan và môi trường, có khả năng làm nơi cư trú ổn định cho một cộng đồng dân cư, mà trong cuộc sống ở những vùng nông thôn ngập úng, và ít nhiều bị cô lập này, không thể nào thiếu được những thiết bị tối thiểu về trường học, nhà trẻ, trạm y tế, v.v., và các thiết bị văn hoá khác.

    Các giải pháp kiến trúc dành cho những vùng có nguy cơ bị lũ lụt thường kỳ, chỉ thực sự có hiệu quả xã hội và kinh tế, khi chúng được thực hiện trên một qui mô rộng lớn, cho phép người dân, có thể định cư, ăn ở, đi lại, sinh hoạt, một cách an toàn, ngoài tầm tác động của lũ lụt.

    Nói chung, tất cả những bài toán tương đối phức tạp của qui hoạch và xây dựng đều cần những giải pháp có tính hệ thống, từ những giải pháp trị thuỷ, phòng ngừa lũ lụt, cho đến những giải pháp kiến trúc, xây dựng làng nổi, hay cải tạo một thành phố, một khu phố.

    Trên thực tế, ngay từ xưa, để bảo vệ cho con người, cho đất đai, mùa màng, cho làng mạc, thành phố, con người vẫn phải từ đời này qua đời khác, vừa xây dựng, vừa bổ sung, hoàn chỉnh, tạo nên những hệ thống đê điều, cống, đập, bao quanh những vùng mình ở. Đó là những biện pháp đòi hỏi một qui mô lớn, và một tầm nhìn xa.

    Đối với các đô thị ở ven biển, ven sông, thường xuyên bị lũ lụt ở nước ta, trong số đó có hai đô thị cổ cần được đặc biệt chú trọng, là Hội An và Huế, tôi cho rằng, phải mạnh dạn nghĩ đến những biện pháp bảo vệ những đô thị này bằng một hệ thống đê bao kiên cố, trong một phạm vi rộng lớn, kết hợp với việc khơi thêm dòng chảy, đào thêm hồ thoát nước và bổ sung hệ thống cống, đập, để ngăn nước triều và điều chỉnh các dòng chảy ngay từ thượng nguồn các con sông.

    Văn Ngọc

    --------------------------------------------------------------------------------

    (1) Xem DĐ, các số 91,100 ( tin tức về lũ lụt và bài của kts Nguyễn Đạt : Vài ý kiến tản mạn về bão lụt ở VN.
    (2)Văn Ngọc, Từ trong lũ lụt, nghĩ về tương lai đô thị cổ Hội An, DĐ số 92, 1/2000 ).
    Tài liệu tham khảo :

    - Tạp chí Hoạt Động Khoa Học, các số 4/1998 ; 4,12/1999; 1, 2, 3, 5,6, 11/2000.
    - Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Lao Động, tháng 11, 12/1999. Tuôỉ Trẻ Chủ Nhật, ngày 3 và 10/ 9/2000.
    - Le Monde và Libération, các số từ ngày 13 đến ngày 28/11/2000.


    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​

Chia sẻ trang này