1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Luận bàn về Ý và Khí trong Võ thuật

Chủ đề trong 'Võ thuật' bởi LyHaiTuyen, 03/06/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. LyHaiTuyen

    LyHaiTuyen Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/06/2002
    Bài viết:
    20
    Đã được thích:
    0
    Luận bàn về Ý và Khí trong Võ thuật

    Bài này tôi copy được ở một forum khác, các đồng chí cho ý kiến nhé:
    ---------------------------------------------------
    ---------------------------------------------------
    Giới thiệu : Bài này được viết vào năm 1990, sau khi tôi rời khỏi gia đình được một năm theo tiếng gọi của giang hồ, một mình một túi quần áo, một va li sách, một cặp côn nhị khúc và một cây đàn guitare, lang thang trên khắp các nẻo đường đất nước, từ dãy Hoàng Liên sơn, Hà Tuyên, Lạng sơn đến vùng châu thổ sông Cửu long, Đồng Tháp Mười và khắp miền Tây Nam bộ.
    --------------------------------------------------
    Từ ngàn xưa, trên các nước Ấn độ, Trung Hoa và Nhật bản đã lưu truyền các truyền thuyết về các yogi (pháp sư yoga) và các võ sư đã làm nên những công phu đặc dị. Ngay trong thế giới hiện nay, chúng ta cũng được chứng kiến những kỳ công của con người như võ sư Hohen Soken thuộc môn phái Karate Bạch hạc của đảo Okinawa có thể khinh công đi quyền trên một tấm ván mỏng thả nổi trên mặt nước. Những người tập yoga có thể chôn dưới đất hàng tháng trời vẫn khỏe mạnh bình thường. Ngay tại Việt nam, chắc phần lớn các bạn yêu thích võ thuật đều nghe danh võ sư Hà Châu, người đã dùng tay nắm hai chiếc xe đò đầy khách làm chúng không chạy được. Ông còn chịu được sức nặng của chiếc xe lu 12 tấn lăn qua người.
    Vậy đâu là sức mạnh để tạo nên những kỳ công phi thường đó ? Mọi chuyện thoạt nhìn có vẻ huyền bí, nhưng thực ra có thể giải thích khá đơn giản : Đó là sức mạnh của Ý và Khí.
    Để hiểu được vấn đề này, chúng ta phải tìm về căn nguyên tối cổ của triết học Cực Đông : Lý thuyết nhất nguyên phân cực của thuyết Âm-Dương. Lý thuyết này có một động lực hữu cơ, mà nếu chúng ta dùng cách phân tích để suy tầm nó, sẽ không thể nào thấy được.
    Triết học Cực Đông quan niệm rằng vũ trụ là sự chấn động của hai hoạt động Âm và Dương và những sự tuần hoàn của nó. Cái sinh ra và tổng hợp nên vũ trụ được người Trung Hoa gọi là Thái cực, người Aán độ gọi là Cũnyatâ, người Nhật gọi là Kù (Aiki), dịch nghĩa không phải bằng mặt chữ, mà bằng nghĩa của Triết học là "bản chất" hay "vũ trụ tinh khí tiền phân cực", khi nó phân cực phát sinh ra vũ trụ và vạn vật. Người ta chỉ có thể hiểu được Thái cực bằng trực giác, chứ không ngôn ngữ nào có thể miêu tả được, vì ngôn ngữ là quy ước của con người, còn Thái cực là nguồn gốc phát sinh và bao trùm lên tất cả. Đại khái có thể diễn tả Thái cực như một thể thống nhất, vô cùng, vô tận, vô thủy, vô chung. Trong Thái cực không có khái niệm nóng-lạnh, không có độ xa-gần không gian, không có sự lâu-mau thời gian, không có đứng yên, không có chuyển động? Thái cực là một uy lực uyên nguyên tự tại, thường hằng, vĩnh cửu. Chỉ sau khi phân cực tạo thành vũ trụ, các khái niệm nhị nguyên nóng-lạnh, xa-gần, đứng yên-chuyển động mới hình thành.
    Trong bài viết này, chúng ta không quan tâm đến khía cạnh triết học, mà chỉ luận bàn về Thái cực với vai trò là nguồn gốc sức mạnh phi thường và công phu đặc dị trong võ học. Thái cực là sự phát sinh, là nguồn gốc của tất cả nên sức mạnh của Thái cực là vô cùng. Mỗi con người chúng ta đều là một phần của Thái cực, đều mang trong mình sức mạnh của Thái cực. Đó là sức mạnh chân chính và siêu đẳng. Nhưng khi sống trong cuộc đời, mối liên hệ giữa Thái cực và con người bị bản năng, nhận thức, vật chất và vô vàn những điều khác đè nén, chồng chất, làm cho bị chìm lấp dưới lớp bụi thời gian. Do đó, giữa vũ trụ bao la rộng lớn, con người cảm thấy mình nhỏ bé và yếu ớt. Thật ra họ chưa sử dụng hết khả năng của mình. Con người cần phải tìm lại mối liên hệ của mình với Thái cực, để sử dụng được sức mạnh đích thực của mình.
    Vậy chìa khóa để mở ra sức mạnh Thái cực của con người là gì ? Và tìm nó ở đâu ? Đã bao thế kỷ nay, từ thời kỳ tiền sử xa xôi, mông muội, trên các mảnh đất Đông phương, có không biết bao nhiêu nhà tu hành, đạo sĩ, pháp sư và các cao thủ võ lâm tìm kiếm cách trả lời các câu hỏi này. Cuối cùng, dù bằng cách này hay cách khác, theo con đường này hay con đường khác, từ các pháp môn yoga tối cổ đến môn hatha yoga hiện đại, từ các môn kungfu, Thái cực quyền, Nga mi của Trung Hoa đến jiujitsu, judo, aikido của Nhật bản, tất cả đều chung một câu trả lời thống nhất : ý và Khí.
    Ý thì có lẽ chúng ta đều hiểu. ( Thực ra vì khuôn khổ của bài viết dành cho độc giả của một tạp chí, nên tác giả đã bỏ qua phần luận bàn, rất quan trọng về mặt triết học cũng như võ học, về mối tương quan giữa nhận thức và trực giác, ý thức và tiềm thức) Chỉ cần nói thêm là để sử dụng được Ý và Khí một cách tự do, cần phải có sự thống nhất hoàn toàn giữa ý thức và tiềm thức, phải có một tinh thần trong sáng và ý chí cực kỳ mạnh mẽ, cứng rắn, một tâm hồn bình tĩnh, phẳng lặng. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua luyện tập lâu dài và bền bỉ.
    Khí ở đây không có nghĩa như khí hóa học, mà nó mang một ý nghĩa trừu tượng, rộng lớn. Người Ấn độ gọi khí là PRANA, người Nhật gọi là KI, dịch sát nghĩa tức là "Khí lực của vũ trụ". Đây chính là sự biểu hiện ra thành vật chất sức mạnh của Thái cực. Một cao thủ sử dụng được sức mạnh này sẽ là vô địch. Người sáng lập ra môn aikido, võ sư Morihei Uyeshiba có nói : "Kẻ nào giao đấu với tôi, tức là giao đấu với toàn vũ trụ."
    Khi luyện tập thành công về Ý và Khí, sức mạnh của cơ bắp không còn ý nghĩa gì so với khí lực của vũ trụ. Những gì mà thể xác con người không làm nổi, vũ trụ lại làm được dễ dàng. Do đó những việc chúng ta quan niệm là phi thường hoàn toàn có thể đạt được thông qua một quá trình luyện tập nghiêm túc, lâu dài và gian khổ. Các cao thủ võ lâm chân chính, xứng đáng được nhận danh hiệu võ sư, đều phải có một hiểu biết nhất định về ý và Khí, và phải có đủ công phu bản lĩnh để huấn luyện về vấn đề này cho các môn đồ cao cấp của mình.
    Tất nhiên việc luyện tập không phải không nguy hiểm, vì cái gì đem lại sức mạnh cũng có thể đem lại sự tàn phá. Nếu tập luyện thiếu nghiêm túc, không tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của các bậc tiền bối, sự tích tụ năng lực sẽ hủy hoại cơ thể người luyện tập, có thể dẫn đến tử vong. Do đó để đạt được thành công trong công phu, cần phải có một người thầy chân chính, và người luyện phải có một tinh thần nghiêm túc, trong sáng, có thiên tư về võ thuật.
    Để luyện Ý và Khí có nhiều phương pháp. Các yogi Ấn Độ chủ trương luyện thông qua 7 huyệt đạo cơ bản trong cơ thể, gọi là 7 luân xa. Khi khai mở được 7 luân xa này (chu kỳ 6 năm, 12 năm, 24 năm ?) một yogi chân chính có thể đạt được mọi kỳ tích phi thường nhất : khi đề khí, thân pháp nhẹ như hơi thở, đi trên cát không để lại dấu chân; khi trầm khí, thân pháp nặng ngàn cân, muôn người khôn chuyển, chịu được mọi tác động khắc nghiệt của thiên nhiên và con người. Người Trung Hoa chủ trương luyện bằng cách dùng Ý dẫn Khí qua huyệt Bách hội ở đỉnh đầu, dọc theo các huyệt đạo ở cột sống, qua đốt xương cùng, tích tụ tại đan điền, sau đó qua các huyệt tchongkoann, tsiukoann, tsiu-oe phóng ra ngoài. Đòn đánh của các cao thủ Trung Hoa có kèm theo nội lực đã trở thành huyền thoại, được võ sư John F. Gilbey (8 đẳng Judo, 6 đẳng karatedo, 4 đẳng kiếm đạo, võ sư Thiếu lâm) ghi nhận trong cuốn Những môn võ bí truyền trên Thế giới của ông. Chỉ một cử chỉ mơn trớn nhẹ nhàng, đối phương hầu như không nhận thấy, khí lực truyền đi rất êm đềm, có thể gây ra tử vong ngay tức khắc hoặc sau một khoảng thời gian nhất định do người đánh định trước. Người Nhật chủ trương luyện Ý và Khí bằng cách tập trung năng lực vào Seika-tanden (tương đương với huyệt đan điền của Trung Hoa). Môn aikido còn đưa ra một khái niệm mới là seika-no-itten, là nơi để tập trung tinh thần. Kỳ công của các samourai trên đất nước Hoa anh đào đã lừng danh khắp thế giới. Niềm tự hào của họ là tiếng thét bí truyền "Kiai". Một cao thủ với tiếng thét đúng độ có thể khiến cho địch thủ bất tỉnh hoặc bỏ mạng, cũng tiếng thét "Kiai" với một âm sắc khác có thể làm cho một người đang chết giấc hồi tỉnh.
    Nói tóm lại, nhờ sức mạnh của Ý và Khí, sức mạnh và khả năng của con người trở nên vô cùng vô tận, giúp cho con người có thể lập nên mọi kỳ tích phi thường nhất.
    Dù bằng phương pháp này hay phương pháp khác, theo chủ trương cương hay nhu, tất cả các trường phái Ấn độ, Trung Hoa, Nhật bản đều thống nhất giữa tinh thần và thể xác, giữa ý thức và tiềm thức, giữa con người và vũ trụ, đưa con người về với căn nguyên bản thể của mình, để hấp thụ được sức mạnh đích thực và chân chính của sự phát sinh ra vạn vật : Thái cực.

    Sài gòn 1990

    Không có việc gì khó
    Chỉ sợ mình không liều.
  2. TGNN

    TGNN Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    28/01/2002
    Bài viết:
    302
    Đã được thích:
    1
    Bài rất hay. Nhưng chỉ ý và khí thì chưa đủ để tạo thành võ thuật. Một đòn đánh gồm bốn phần là: ý - khí - lực - kình. Theo tôi thì cứ học một môn võ cho thật thông (với điều kiện phải có thầy giỏi) thì từ từ sẽ ngộ ra những điều đó thôi. Chân lý bao giờ cũng đơn giản mà.
    TGNN

Chia sẻ trang này