1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lượm lặt

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi lyhap, 28/09/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Nghệ thuật là một.Không có gì phân biệt giữa một bức tranh đẹp với một tứ thơ hay một bài tình ca. "ТолOко ,(Phanhoamay dịch)[/I]
    "Chất" nhất là 2 câu "Đôi khi con đường trên mặt đất.Vẫn có thể đổi thay"
  2. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Mấy bữa trước là Haiku.Hôm nay là Tanka nhé.Thơ tình thích phải biết.
    Làm 10 bài nhé

    1.
    Bão tuyết như đêm nay
    Giữa núi
    Ở Ioxinu,ở đây...
    Không lẽ cả đêm nay
    Lại vẫn một mình đi ngủ?
    2.
    Như con đường
    Dưới bóng hoa quất đỏ
    Nắng cắt dọc,chia ngang loang lỗ
    Một mình buồn,xa em
    Ý nghĩ anh về em cũng vậy.
    3.
    Ven sườn núi
    Dọc đường tôi đi
    Lá tre chạm vào nhau rất khẽ...
    Xa người thương
    Lòng tôi không nhẹ.
    4.
    Đầy tình yêu,
    Em ngồi chờ anh bên cửa sổ...
    Chiếc mành tre
    Mỗi lần có gió
    Lại đung đưa...
    5.
    Chiếc hộp quý đóng rồi lại mở.
    Sáng nay,ra khỏi đây,
    Anh vẫn ung dung đáng kính như mọi ngày,
    Chỉ riêng em,
    Em bị mọi người khinh bỉ.
    6.
    Người ta đồn nghe đâu
    Như anh là hiệp sĩ
    Thế mà anh không tế nhị,
    Không cho tôi ở lại đêm nay
    Sao có thể gọi anh là hiệp sĩ?
    7.
    Nếu trời xấu và đêm đen,
    Em sẽ hiểu vì sao anh không đến.
    Nhưng đêm nay
    Hoa mận nở thế này,
    Và trăng lên...Lẽ nào anh không đến?
    8.
    Trong mỗi cánh hoa
    Tặng em,
    Quá nhiều những lời kia chưa nói,
    Anh lo cánh hoa không chịu nổi
    Sức nặng tình anh.
    9.
    Hagi ra bông
    Trên đồng
    Nơi con hươu gọi đàn ngơ ngác,
    Bây giờ sương phủ bạc,
    Hoa rơi...
    10.
    Khi người yêu tôi
    Mặc áo trắng đi ngang đồi
    Vương vào lá,
    Chắc áo sẽ ngả vàng
    Vì đang là mùa thu.
    Thái Bá Tân dịch
    (trích trong quyển "Thơ cổ Phương Đông")

  3. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Đọc lại Tanka thấy thích rồi.Vậy mà,khi sang đến thể loại Xitgio thì càng không thể ko post.Phê quá.
    1.
    Dưới chân tôi là suối chảy,
    Trên đầu tôi là núi xanh.
    Nơi đây cát bụi đô thành
    Không bay tới được.
    Giữa quê hương,trăng trên trời,trăng dưới nước
    Lòng tôi yên tĩnh mênh mông.
    2.
    Nước hồ rất trong,
    Có thể nhìn cá bơi dưới đấy.
    Một...hai..ba-nhiều không
    Kìa,cá quẫy,
    Nào thử đếm xem
    Một...hai...ba...Ồ,đếm lại!
    3.
    Suốt đêm gió thổi
    Hoa đào rơi...
    Sáng nay thằng bé nhà tôi
    Cầm chổi ra sân định quét.
    Ồ không,con,chớ quét
    Hoa rơi trên đất vẫn là hoa!
    -thích câu này thật-
    4.
    Như có bòng ai trước cửa,
    Tưởng người yêu,tôi ra ngay.
    Thì ra là bóng mây
    Gặp trăng,trên trời rơi xuống.
    Xung quanh là lặng im...không ai
    Thấy tôi thẹn thùng lúc ấy.
    5.
    Đêm thu.Trên sông.
    Sóng như mây,bập bồng.
    Tôi quăng câu ngồi kiên nhẫn,
    Nhưng cá không chịu cắn.
    và ra về,thuyền không
    Chở đầy ánh trăng vàng thanh thản.
    6.
    Không hiểu ai vén rèm
    Để trăng rơi vào bình rượu...
    Ồ,phải uống ngay
    Bình rượu này.
    Nếu uống được trăng lúc ấy
    Trái tim sẽ sáng lên,chắc vậy.
    7.
    Này,đưa tôi mang giùm,
    Ông già mang nặng.
    Ông xem,tôi thanh niên lưng thẳng.
    Bấy nhiêu ăn thua gì!
    Trên lưng mình khó nhọc ông đi,
    Chỉ riêng mang tuổi già đã nặng!
    8.
    Một tay cầm chiếc gậy dài,
    Tay kia-cành lá đầy gai
    Cánh lá-để xua tuổi tác
    Gậy dài-đánh lui tóc bạc
    Nhưng ích gì đâu,hóa ra
    Tự tôi tìm đến tuổi già.
    9.
    Xưa tôi còn rượu,còn vàng.
    Ai cũng anh em,họ hàng.
    Nhưng nay rượu không,tiền hết,
    Tôi chỉ là thằng đáng ghét.
    Than ôi,tráo trở là đời!
    Than ôi,đốn mạt là người!
    10.
    Chẳng sao-nếu nhà là lều.
    Chẳng sao-mái xiêu cột xiêu.
    Nhưng chỗ để ngồi không thiếu
    Đủ rông cho hai chiếc chiếu.
    Và trăng,và mỗi lá sồi
    Đêm nay là bạn của tôi...
    11.
    Này con,mang áo ra đây,
    Mang cả chiếc mũ rơm dày.
    Lưỡi câu thay bằng viên đá,
    Cứ thế ta đi câu cá.
    Đừng sợ ta câu,cá ơi,
    Ta câu là câu để chơi.
    (Thái Bá Tân dịch)

  4. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Trở lại với Haiku-thể thơ mà tui rất thích.Đó cũng là lí do hôm nay tiếp tục với nó(dẫu rằng đã trích nhiều bài trước đây rồi)
    Xuất bản năm 1958,cuốn "An introduction to Haiku" của H.G.Henderson là một quyển sách hay.Nhà xuất bản Trẻ năm 2000 đã đưa ra bản dịch của nó với tên "Hài cú nhập môn" (người dịch Lê Thiện Dũng).
    Như lời giới thiệu của sách,nó là quyển sách được dùng cho khoa Nhật ngữ của 2 Đại học Harvard và Cambrigde.
    Có nhiều thứ gây ấn tượng với tui và đáng để share với mọi người
    Tác giả viết theo lịch sử của Haiku.Rõ ràng như thế rất dễ hiểu và hình dung.
    Trên cơ sở là người đọc,tui thấy chỉ nên trích dẫn những đoạn hay trong sách bằng cảm tưởng của mình.Số còn lại tui ko quan tâm(nghiệp dư mà)
    1/Hài cú buổi đầu:
    Người Nhật sử dụng rất sớm các thể loại câu 5 và 7 âm tiết trong thi ca.Hình thức thơ ban sơ rất phổ biến ban đầu là Tanka(5-7-5-7-7).Ban đầu nó thường được sử dụng đối đáp "liên hoàn" ở cung đình.Một người sẽ xướng 3 dòng đầu của một Tanka,người còn lại sẽ xướng 2 dòng cuối.Và cứ thế nối tiếp là một Tanka khác.Một cách dễ nhận ra rằng 3 dòng đầu tiên là sơ khởi của thể Haiku nguyên thuỷ.Tất nhiên lúc này chỉ có Tanka(31 âm tiết) chứ không có Haiku(5-7-5: 17 âm tiết) độc lập.
    Những bài thơ Haiku đầu tiên xuất hiện ở thế kỉ 13.Tất nhiên nó là dạng sơ khởi,nhưng dù sao cũng bắt đầu định hình(mà rõ ràng nhất là nó có dạng 5-7-5 riêng rẽ).Có thể dẫn ra một bài thơ tiêu biểu:
    Lả tả
    lũ hoa đào
    và dông tố theo sau.
    (Sadaiye)
    Niềm xúc cảm về cõi tồn sinh của nhà thơ.Có lẽ ông mường tượng về những thể nữ trong hoàng cung.Tuy nhiên nó vẫn chưa được coi là Haiku trọn vẹn.
    Đầu thế kỷ 16 xuất hiện hai cái tên lỗi lạc Moritake và Sòkan trên thi đàn.Thể thơ 17 chữ dần định hình:
    Hoa đào rời rụng
    trở lại cành xanh
    ồ cánh **** lung linh
    (Moritake)
    Thơ của Moritake bắt ngưồn từ tín ngưỡng.Có cảm giác như những bài kệ.Bài thơ trên lấy cảm hứng từ dòng Kinh "Một cái hoa rụng có thể trở lên cành của nó hay không?"
    Thơ của Sòkan cũng thế,không được coi là Haiku thực sự-cốt yếu bởi vì nó không biểu đạt hay khơi gợi bất kỳ mối cảm xúc có thực nào.Tuy nhiên không ai có thể không trầm trồ trước những vần thơ đẹp thế này:
    Nếu vầng trăng tra cán
    a rạng ngời
    cây quạt.
    (Sòkan)
    100 năm kế tiếp thể thơ 17 chữ bắt đầu phổ biến và trở nên dần tầm thường.Nó trở thành một cái thú tiêu khiển cho những tác giả hoang phí thời giờ cho những gì chân thật đã bị biến dạng.
    Tiêu biểu trong giai đoạn này là Teitoku.
    Sáng nay mấy cột băng tan
    lòng dòng giọt nhiễu
    nước dãi năm Sửu
    Trong nguyên tác,bài thơ còn khéo hơn như nó đã vang lên trong bản dịch,vì "taruru tsutara"(các trụ băng rỏ giọt) là những từ tượng thanh và "taruru" còn có nghĩa là "lòng thòng".Nhưng đây là sản phẩm có tính "ngón nghề" hơn.Và người ta hiểu tại sao nhà thơ hoà nhã Bashò đã nhắc đến thể loại thơ này như là "nước dãi của Teitoku".
    Tuy nhiên môn đệ của ông dường như xuất xắc hơn ông.Một bài của Tei****su khi ông thăm một triền hoa đào trở về được coi như một tặng phẩm hoàn hảo nhất có thể có:
    Chao ôi
    ngút ngợp hoa miền đồi
    Yoshino
    Nhưg nó vẫn còn gây cho một chút cảm giác tiếc nuối và hụt hẫng,chưa đạt đến độ chín cần thiết.Rõ ràng so với một bài thơ của Sòin-người sáng lập trường phái Danrin sau này thì thơ của Danrin đã ở một cõi bờ khác hẳn-một kỳ bích:
    Rớt ngàn sương
    xuống
    vô định phương.
    (Sòin)
    Bài thơ của Tei****su là đẹp nhưng có nhiều người có thể viết được như thế.Tuy nhiên trong vũ trụ có những vẻ đẹp mà chính sự vô ngôn mới làm nó thoả đáng.Bài thơ của Sòin không chỉ là bức tranh về sương rơi mà nó còn là trầm tư về kiếp người bào ảnh.Bằng tất cả mọi cố gắng đế diễn dịch nó bằng lời,người ta nhận ra rằng không sao thực hiện nổi.Đó là Haiku.
    2/Bashò:
    Có quá nhiều bài viết về Bashò-thiên tài về Haiku thực sự- và quyển "Hài cú nhập môn" cũng không ngoại lệ.Nhưng tui chỉ trich một vài bài thơ trong số những tuyệt tác của ông.Tuyệt tác đầu tiên xuất hiện vào năm 1679 đến từ một "Con quạ":
    Trên tiều tụy cành
    bóng quạ
    rũ chiều thu
    Có quá nhiều thứ để nó trở thành mẫu mực.2 trọng điểm kỹ thuật trong số đó là "Một tả tâm cảnh bằng một miêu tả dung dị-một trình bày đơn sơ về sự vật đã hoàn thành bức tranh".Có thể gọi đây là "nguyên lý đối chiếu nội tại" trong đó những biệt dị cũng hệ trọng không kém những tương đồng (lời người dịch).
    Vào thời kỳ này Bashò đang tìm kiếm một cách có ý thức cái đẹp của Thi ca phải được tìm thấy trong những gì tự thân không đặc biệt đẹp.Và ông nghiên cứu về Thiền.Kể từ đó đến cuối đời mọi bài thơ hay nhất của ông đã được viết ra.
    Đầu năm 1686 Bashò viết "Ao hoang".
    Ao hoang
    ếch nhảy âm
    tiếng nước
    Có thể hình dung thế này: Bashò đang ngồi với các môn đệ và bằng hữu ở ngôi nhà nhỏ của ông ở Edo thì,chắc hẳn sau một quãng dài trầm mặc chợt vang lên một tiếng động.Lập tức Bashò viết:
    Kawazu tobikomu mizu no oto
    (Ếch-nhảy-vào-trong-tiếng-nước)
    Nó là 2 câu cuối của bài "Ao hoang".Và ai cũng hiểu nó sẽ là phần kết của một hài cú.Từ nhiều gợi ý của bằng hữu và môn đệ,Bashò điền nốt chữ đầu cho bức tranh : Ao hoang.
    Những người Nhật có kinh nghiệm đều giải thích rằng Bashò đã thấm nhuần "tinh thần Thiền" đến mức tất cả những gì ông viết đều phải thể hiện tinh thần này....
    Vào năm 1694,Bashò tạ thế.Và đúng như ước vọng,ông ra đi trên nửa đường của một chuyến vân du đẹp nhất-giữa bằng hữu và môn đệ.
    Trong trận đau cuối cùng,ông không thôi đàm luận về Đạo,triết lý và thi ca(mà với ông nó là 1).Khi biết rõ Bashò đang hấp hối mọi người yêu cầu ông cho họ một bài "tử thi".Nhưng ông từ chối vì thơ ông trong 10 năm cuối đời,khởi đầu từ "Ao hoang" đã là những bài thơ cốt tử rồi.Tuy nhiên sáng hôm sau ông gọi mọi người đến và trối rằng trong đêm hôm trước ông đã mơ,để bất chợt một hài cú đến với ông.Không còn nghi ngờ gì nữa,đó là lời trần hoàn thiện mà chưa một thi sĩ nào có thể gửi lại nhân gian:
    Giữa đường ngã bệnh
    mộng còn ngao du
    đồng không mông quạnh
    Những bài thơ hay khác của Bashò(mà thật sự hay nếu chỉ nghiền ngẫm từ từ từng bài -chứ làm một lượt thế này thật chán):
    Gạo bầu khi đã cạn
    hoa trinh
    một nhành cắm
    Cho **** bãi chim ngàn
    nở đoá hoa man dại
    trời thu vợi vợi
    Từ trong u uẩn nhụy
    chia biệt đoá mẫu đơn
    ong bay vướng lụy
    Thảng hoặc mây về
    cho người vọng nguyệt
    ngơi nghỉ trận mải mê
    Heo rừng heo rừng
    ào ào rung cây đổ lá
    thu phong trận trận cuồng dã
    Giữa truông ngàn xa biệt
    kêu khôn xiết
    con chim chiền chiện
    Hỡi **** ngủ trọ
    hãy thức giấc hồ
    bầu bạn cùng ta cuộc lữ
    Trẻ con nhà khó
    gạo xay đã bắt đầu
    đau đáu trăng thâu
    Thôi thì hãy lên đường
    ngã quỵ giữa xứ miền
    tuyết rơi mặc nhiên
    ( !)
    Ồ hương thơm ngát
    toả từ hoa cây nào
    không biết
    Biển cả với lúa đồng
    rập rờn xanh một sắc
    thu khởi sự mênh mông
    Hãy rung lên hỡi mộ phần
    ta than van khóc lóc
    rền rĩ thu phong
    Không hoa với không nguyệt
    rượu mải miết
    uống đơn biệt
    Tiếng châu chấu lanh lảnh
    xuyên thấu thạch
    tịch mịch
    (bài này post rồi)
    Biển động
    Sado triều bủa rộng
    thiên hà
    Trong quán trọ nhân gian
    gái giang hồ thiêm thiếp
    cỏi bụi với trăng suống
    Tự mấy miền phiêu lạc
    bất chợt tả tơi hoa
    trên triều nước Biwa
    Con đường mặt trời đi
    tháng Năm mưa đẫm
    hướng dương mấy đoá thục quỳ
    Hiện thân giữa Kyò
    Kyò còn mê vọng
    thời gian vụt bóng
    (Kyò-->Kyoto kinh đô cũ)
    Hototogisu
    tre già rừng âm u
    trăng già hôm thẩm thấu
    (Hototohisu là loài chim cu nhỏ,đẹp và sầu muộn,hiện thân của kiếp sau)
    Rượu sẽ vừa ngây ngất
    trên đá nằm giấc thiếp
    cẩm chướng lợp hồng
    Ngọn cỏ lá cây rờn rợn mãi
    móc sương một giọt
    ngưng tụ
    Loài quạ đen đáng ghét
    sáng nay
    rỡ ràng trên tuyết
    Hoa mận và trăng đã biện bày
    và xuân nữa
    cũng phôi thai
    Lìa cành hoang
    trên nấm dại
    chiếc lá gửi thân
    Sao chẳng về thăm miền cô quạnh
    ngô đồng lá chiếc
    rụng
    Một nhành mận trắng trên lưng gương soi
    mùa xuân đến
    không ai hay
    Lưng đèo mận trắng
    khiết hương
    trời đông dậy hường
    Bài nào cũng phê hết
    (còn tiếp)

  5. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Môn đệ của Bashò
    Người ta nói về 300 môn đệ đặc biệt đưa tiễn Bashò khi ông qua đời.Nhưng chỉ 10 ngưòi trong số đó là tiếp tục kế thừa phương pháp của ông trong suốt đầu thế kỷ 18.Họ được biết đến với tên gọi "Thập Hiền".Nếu so ra họ được xem là hiền giả hơn là nhà thơ.
    Đó là: Etsujin,Hokushi,Jòsò,Kikaku,Kyorai,Kyoroku,Ransetsu,Shikò, Sanpù,Yaha.
    Nếu theo tính chuẩn mực cao nhất trong Haiku của người thầy Bashò đặt ra thì khó có ai trong số họ đạt được.Nhưng xét trên tất cả mọi khía cạnh thì Thập Hiền vẫn là những nhà thơ Haiku lớn.Nổi bật nhất là Ransetsu(1653-1708) và Kikaku(1661-1707)
    Nếu có một ám thị rất vi diệu trong
    Rớt ngàn sương
    xuống
    vô định phương
    (Sòin)
    thì so sánh móc sương với kiếp người bào ảnh trong
    Qua từng lá cỏ xanh
    hỡi sương ngọc
    chơi tiếp cuộc quẩn quanh
    (Ransetsu)
    cũng tinh tế không kém.
    Tuy nhiên đó không phải là tinh hoa nhất của Ransetsu.Mà tinh hoa phải là ở đây:
    Hoa hạnh nở đóa đóa
    hực hồng
    cánh cánh tỏa
    Nó không chỉ là dấu hiệu của một buổi tận đông.Ai đã từng trải qua cái lạnh khó chịu của mùa đông Nhật mà thấy những đóa hạnh đầu tiên nở tất sẽ bắt được một cách tự nhiên ý tưởng của nó.Ngay cả trong nội tại của nó-của bông hoa hạnh,tự nó đã là một kích thích.Một kích thích cho những đóa hạnh khác nở theo.Tầng tầng lớp lớp,sức sống của mùa xuân,của tình xuân.
    Người thứ hai mà tác giả đề cập đến ở đây rất đáng được quan tâm.Đó là một enfant terrible(một con người ngang ngạnh,một đứa trẻ mất dạy-ND).Kikaku.Một thằng nhóc hư hỏng có tuổi trẻ bồng bột và thích phô trương tài năng.Đến nỗi đôi lần Bashò lúc còn tại thế dẫu rất hiền từ cũng phải quở trách nhẹ nhàng.
    Mặt khác thằng nhóc hư hỏng có thể viết được những câu thơ này:
    Đất trời làm y phục
    tháng hè
    kẻ hành khất
    Nhưng có một khiếm khuyết dễ nhận thấy là Kikaku ko quan tâm nhiều đến Phật tính trong thơ.Ông chỉ cốt lấy cái biệt tính của vạn vật mà thôi.Nó là phản ánh rõ rệt nhất chất nam tính của Kikaku so với sự dịu dàng hầu như là nữ tính của thầy ông.Đọc thơ Kikaku người đọc khó thấy được sự cảm thông gần gũi.
    Theo lời thuật lại của Kyorai,Bashò đã có lần nói là Kikaku có thể "biểu hiện rất đẹp những vật tầm thường".
    Tất nhiên lời khen ở đây không có nghĩa là Kikaku chỉ biết mô tả bề mặt của sự vật.Một haiku:
    Chuồn chuồn
    ngất tạnh trận mê cuồng
    le lói trăng non
    tất nhiên không phải chỉ để về lũ chuồn chuồn dưới tà dương.
    Hay một ý tưởng "Hoà âm hồng" này:
    Hoa đào nụ sơ khai
    gà gáy
    diệu hồng ban mai
    Có lúc ông hoàn toàn như một thằng nhóc hư hỏng vì cố ý tỏ ra khác biệt với các bậc huynh trưởng.Một bài thơ rất hay của ông là một ví dụ:
    Chiêm bao mẹ hiển hiện
    hototogisu
    hối mẹ về âm u
    Tui thật sự thích bài này.Nó gợi một không khí thật u mặc và không khỏi gây cảm giác sợ hãi,cô đơn,đầy buồn bã về kiếp người.Tất cả các từ dùng ở đây đều tuyệt vời chuẩn xác.Nhưng trớ trêu thay,mặc dù rất thích nhưng rõ là nó vẫn không giúp tui loại bỏ ý nghĩ Kikaku viết bài này không xuất phát từ tình yêu thương mẹ của mình.Dường như ông muốn ca ngợi vẻ đẹp của tiếng kêu từ loài chim của thế giới bên kia hơn.
    Kikaku đã nguyên chú về đời thơ của mình thật đơn giản:
    Bám trên tàu ba tiêu
    đu đưa lắt lẻo
    loài chàng hiu
    Một sự thú nhận về khả thơ phú của một đời mình và cả sự trân trọng tôn vinh người thầy Bashò(Bashò-Ba tiêu có nghĩa là cây chuối).Dù vậy viết như thế đã là một tài năng thiên bẩm.
    Dành nhiều chỗ cho Kikaku và Ransetsu nhưng không có nghĩa là các nhà thơ khác trong Thập Hiền không có nhiều ý thơ hay.Đơn giản chỉ vì người viết thích 2 ông.Tuy vậy có thể trích ra vài haiku cũng tuyệt vời không kém của những nhà thơ còn lại:
    Chiều trở tối
    để tôi thắp đèn
    bất chợt ai đến hỏi
    Etsujin(1656-1739)
    Ri rỉ côn trùng
    có lẽ đêm sâu
    trăng thâu
    Etsujin
    Năm cũ lìa khuất
    ôi song thân
    ta giấu tóc hoa râm
    Etsujin
    Núi cả với bình nguyên
    chẳng còn lại gì
    tuyết vô biên
    Josò(1661-1704)
    Vút dựng chim chiền chiện
    hototogisu vệt chăng dài
    thanh âm chữ thập trên bầu trời
    Kyorai(1651-1704)
    Kinh nguyện ban mai
    bìm bìm hoa tía
    mãn khai
    Kyoroku(1656-1715)
    Xô đổ hình nộm
    bất thần
    gió thu xõa lộng
    Kyoroku
    Mắc ngọn cành thông
    hay gỡ thoát
    một niềm si vọng trăng
    Hokushi(1665-1718)
    Đẹp
    như niềm khao khát
    lá đỏ trút
    Shikò(1664-1731)
    Lưỡi cuốc vung
    lấp lóa
    cánh đồng mua xuân
    Sanpù(1647-1732)
    Hoa đào với chim cu
    với trăng với tuyết
    năm hồ tuyệt
    Sanpù
    Ô giương một chiếc qua
    chiều sa
    tuyết pha
    Yaha(1662-1740)
    Những môn đệ khác của Bashò ngoài Thập Hiền chỉ đề cập đến một cách ngẫu nhiên.Một cách tổng quát có nhiều bài như như là pha của thơ Bashò với nước lã.Một ví dụ:
    Tạnh ngắt gió
    ngô đồng rớt

    một suy hoá của bức thư Bashò gửi Ransetsu mà tui đã đề cập ở trên:
    Sao chẳng về thăm miền cô quạnh
    ngô đồng lá chiếc
    rụng
    Một bài khác:
    Bầu bạn với gió cuồng
    lờ lững
    một con trăng
    có vẻ như truyền cảm từ một bài thơ khác của Bashò:
    Biển động
    Sado triều bủa lộng
    thiên hà
    (chú thích ở đây là tui bật cười khi đọc bài thơ về biển của Bashò này-nó có nhiều nét giống với một bài thơ khác tôi đã viết trong topic "Thơ riêng"-nên hơi ngại)
    Bonchò-Người làm 2 bài thơ ta nói ở trên tuyệt nhiên không thể coi là tầm thường.Ta không thể chê trách ông vì Bashò đã đổ một cái bóng quá lớn xuống học trò và cả những người theo trường phái của ông.Nhưng trong tất cả những bài thơ tinh túy nhất của Haiku ông vẫn cứ đặc biệt bởi:
    Dao cạo
    một đêm kia gỉ han
    ồ mưa tháng Năm
    Không phải ai cũng có thể miêu tả được cơn mưa tháng Năm sắc nét thế,nhất là cái âm thanh mòn ruỗng của một lưỡi dạo cạo đang dần gỉ.
    Một bài thơ khác tui cũng rất thích của Bonchò là một âm sắc ám ảnh siêu nhiên:
    Động
    âm
    ngã vật hình nhân
    "ngã vật ra thật chứ chẳng chơi".Một niềm khoái lạc chen lẫn sợ hãi khi đọc nó.Sự ám thị quá tuyệt hảo về những ẩn lực mạnh liệt xung quanh ta.
    Ngoài ra ta có thể chọn thêm một vài bài thơ hay khác của những môn đệ khác của Bashò.Đơn cử:
    Trên hàng lúa mạch
    giập giờn
    **** khâu kết
    Sora(1648-1710)
    Hừng đông
    giếng khơi gàu múc
    trà hoa một vầng
    Kakei(1648-1716)
    Hototogisu
    hôm nay
    không một ai
    Shòhaku(1649-1722)
    Ễnh uơng oàm oạp
    trên lá nõn mưa
    lộp bộp
    Rogetsu(1666-1751)
    (còn tiếp)

    Được lyhap sửa chữa / chuyển vào 03:04 ngày 04/10/2007
  6. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Những nhà thơ khác ở đầu thế kỷ 18
    1/Onisura:
    Tất nhiên nhắc đến Haiku không chỉ nhắc đến Bashò.Mà trong thời kỳ này ngoại trừ ông và các môn đệ của mình ra còn xuất hiện nhiều trường phái thơ Haiku khác.Có thể nói đến Sòin và các môn đệ với trường phái Danrin,ngay cà thơ theo phong cách của Teitoku cũng được sáng tác rất nhiều.
    Nhưng ở đây chỉ đề cập đến các nhóm khác nhỏ hơn.Trường phái Itami chẳng hạn.Lá cờ đầu của trường phái này là Onitsura(1660-1738).
    Là học trò của Sòin từ khi 15 tuổi nhưng ông không làm thơ theo trường phái Darrin mà tự lập một trường phái riêng Itami.Chúng ta nói về ông bởi vì cũng như Bashò,ông tận hiến cả đời mình cho thi ca dù rằng công danh địa vị đang lúc rực rỡ.Một phát biểu nổ tiếng của ông về thiên chức người thi sĩ:
    "Makoto no haka ni haikai hashi"
    (có nghĩa gần đúng là:"Không có thơ bên ngoài sự chân thực")
    Điển hình nhất của Onitsura là một haiku:
    Khứu giác
    với tâm khảm
    là khởi đầu thức biệt hạnh hoa.
    Khi ông đến thăm thiền sư Kudò,lúc được chủ nhân thỉnh cầu được khai thị về bản chất của nhãn thức thi ca,ông viết:
    Kìa trắng xoá
    trong vườn
    cội hoa trà đang độ
    Hẳn là rất đẹp nhưng thi sĩ Haiku nào cũng có thể viết được như thế.Mặt khác chỉ mỗi Onitsura mới hân hoan được như thế này:
    Anh đào anh đào
    tràn lan
    a ha ngựa bốn vó chim hai chân
    Thật đáng ngưỡng mộ.Tôi thích nó."Đúng là kinh nghiệm chung cho tất cả chúng ta"(ND).Điều đơn giản như thế ai cũng thấy nhưng không ai viết được trong sáng,cô đọng và tròn vẹn như ông.
    Thơ của Onitsura quá sáng,sáng đến nỗi đôi lúc ông không ngăn được nó nặng về triết lý.Một bài thơ có phần như thế:
    Thuận hưởng
    cả hoa vô âm
    thấu thâm tâm
    Nguyên lý chủ đạo trong thơ Onitsura là "người ta phải trả một cái giá thật đắt cho những gì mình sở hữu-mà thực đáng giá".Haiku về Trăng Trung Thu là một điển hình:
    Ôi núi ôi đồng bằng
    hồ như đã ban trưa
    thực vậy cổ đau
    Sinh thời Onitsura không dấu diếm vẻ ngưỡng mộ Bashò.Ông rất khôn ngoan khi dằn lại không mô phỏng phong cách của Bashò nhưng đôi lúc điều đó ngoài tầm với.Một haiku sáng tác nhân kỷ niệm 13 năm Bashò tạ thế là một ví dụ:
    Vất vưởng mộng
    qua ruộng đồng khô khốc
    gió thảm thốc
    Không khó để nhận ra nó dựa vào chính bài thơ sau cùng của Bashò:
    Giữ đường ngã bệnh
    mộng còn ngao du
    đồng không mông quạnh
    Quá tuổi hoa giáp 3 năm Onitsura lánh xa thế tục.Ông thế phát quy y.Suốt 5 năm cuối đời ông không làm thơ nữa.Haiku sau cùng được sáng tác khi ông xuống tóc.Một hành động từ bỏ:
    Cúc khô xác
    mười bảy xưa xa
    cung tiến hoa
    Ở đây "mười bảy" là một ước lệ chỉ "thanh xuân".Nó đã là dĩ vãng mà hoa cúc kia vẫn được cung tiến trước bàn thờ Phật.
    Sẽ là thiếu sót nếu ta không trích dẫn một số bài thơ hay của ông:
    Xuống đây hãy xuống đây
    mặc ta hẹn hứa
    đom đóm bỏ bay
    (bài đầu tiên lúc Onitsura 8 tuổi)
    Trong khóm hạn con chim chích
    đậu
    từ vạn cổ
    Dậy mùa hoa
    đăm đăm mắt
    phấn gieo và
    Hoa mùa quá vãng
    bên đền Mii
    hoạ âm tịch mặc
    Bình minh hé hừng
    trên lộc chồi lúa mạch
    sương muối kết tinh xuân
    Ngăn ngắt lục diệp
    rũ rượi liễu dương
    suối ngàn tràn tuôn
    Đêm đen
    hototogisu
    âm hưởng đêm trăng.
    2/Chiyo:
    Chưa bao giờ những nhà nghiên cứu ở Nhật xếp Chiyo vào hàng đại thụ trong Haiku.Thậm chí có người còn cho rằng Chiyo không hiểu biết bất kỳ điều gì về Haiku.Nói như thế một phần vì Chiyo là đàn bà một phần khác là vì thơ của bà không có nhiều bội âm(có lẽ do nó quá tinh khiết).Nhưng như thế không có nghĩa thơ bà không hay,mà ngược lại tràn đầy cảm xúc.
    Một người Châu Âu ngưỡng mộ Chiyo đã cay đắng nhận xét là thơ của bà đã không đủ mơ hồ để hoá ra Haiku.đó hoàn toàn không sai.Ngay cả trong thơ Bashò,vốn cũng rất tinh tế và đầy tính nữ cũng không đủ mềm mại như những bài thơ của một người phụ nữ đích thực.
    Khi đứa con trai nhỏ của Chiyo qua đời,bà đã viết một vần thơ đẹp nhất:
    Đến bây giờ tận cõi nào
    hỡi người nho nhỏ theo sau
    chuồn chuồn
    Curits Hidden Page đã dịch bài thơ này rất hay:
    I wonder in what fields today;
    He chases dragonflies in play;
    My little boy-who ran away.
    (Rồi hôm nay trên ruộng đồng nào nữa
    Lũ chuồn chuồn con theo đuổi mà chơi
    Con chạy trốn rồi-thằng nhỏ nhỏ của mẹ ơi)
    Đây chắc chắn là một cảm xúc thương tâm,giả định "không Haiku".Có lẽ bản dịch của Page gây một cảm xúc động lòng trắc ẩn:Chiyo với sự nhạy cảm cao độ của người mẹ không thể tự thốt nổi hai tiếng "đã chết".Chỉ có thể là "chạy trốn" trong khi đuổi bắt chuồn chuồn thôi.Nhưng Page đã làm mất cung bậc ý nghĩa nhất của bài thơ.Một hiệu quả của "made"
    Tombo-tsuri/kỳo/wa/doko/made/itta/yara
    (chuồn chuồn-người đi kiếm/hôm nay/như-với mục đích là/cho đến/đã đi/?/[Mẹ tự hỏi])
    Ám thị của "made" là "đứa trẻ đã đi hút tận cõi nào trong hành trình kiếp sau?".Ngườ Nhật tin hành trình ấy rất gian nan với trẻ con,trừ phi chúng được vị thần hộ mệnh Jito Bosatsu che chở
    Đó mới là thương tâm nhất của một người mẹ.Khi con còn sống đã không thể bảo vệ con mình,lúc con mất đi cũng không thể bên cạnh để bảo vệ,đành phó mặc vào thần thánh.Bài thơ là một Haiku đích thực.
    Nói Chiyo làm thơ đa phần không phải Haiku đích thực là có lý do.So sánh:
    Cho người bẻ nhánh
    ngát lựng hương
    nở chùm hoa hạnh
    Với một bài thơ của Rosen(1654-1733):
    Hé nhụy hạnh
    cũng ăn năn
    niềm oán nộ nhân gian
    Với đề tài tương tự,không nghi ngờ gì bài thơ của Chiyo hồn nhiên hơn hẳn.Nhưng thơ của Rosen lại ngân vang nhiều bội âm hơn.Bài thơ ko chỉ nói rõ:với hoa sơ khai đang báo hiệu mùa đông chuẩn bị kết thúc thì niềm ăn năn về nỗi oán giận con người cũng vừa được cảm thức."Hoa nở" và "niềm ăn năn" đối chiếu nội tại với nhau;từ đó có ý gợi:niềm ăn năn cũng hé mở như hoa chớm nở;vẻ tươi đẹp và chất ngọt ngào của hoa;giá băng oán giận đang tan chảy khi triển vọng ấm áp đã cận kề.Mặt khác,có ý tưởng theo đó có thể hoa hạnh là biểu hiện ăn năn của Tự nhiên về cơn lãnh đạm dài,về oán nộ của nó với con người.Và thơ của Rosen đã nhập cõi Haiku.
    Tuy nhiên việc Chiyo có viết Haiku hay không có lẽ vẫn là một vấn đề hơi trừu tượng.Nhưng mặc,bất kể bà có "yểu điệu" thế nào thì thơ bà tự thân đã rất quyến rũ:
    Nếu bằn bặt tiếng
    là đã diệc bầy khuất biệt
    sáng nay tuyết
    Xiêm y nào
    cũng đẹp
    khi vọng nguyệt
    Và không thể không trích dẫn một bài thơ tác giả đặc biệt yêu thích(tui cũng thích)
    Con sông
    triều đêm dâng
    đom đóm
    Được lyhap sửa chữa / chuyển vào 03:25 ngày 14/10/2007
  7. welcome2q

    welcome2q Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2005
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    Càng đọc càng hâm mộ cái sự uyên bác thơ của bác lyhap. Xin pót thêm nhiều bài nữa để đàn em được thỉnh giáo...
  8. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Taniguchi Buson(1715-1783)
    Một cách dễ dãi khi tôi cho rằng trong bộ tứ Bashò,Buson,Issa và Shiki thì Bashò là "người mở đường" còn Buson là "người tiếp lửa".Phải 100 năm sau thời kỳ Bashò,Haiku mới có một đại diện xứng đáng như thế.Nhưng thật lạ là cuộc đời của Buson không được chúng ta biết đến nhiều;chủ yếu là từ thơ của ông.
    Các nhà nghiên cứu gọi Bashò và Buson là "hài cú nhị trụ"-bổ sung lẫn nhau.
    Chắc chắn hai ông là hai thái cực riêng rẽ.Bashò thì hiền hoà,minh triết,huyền ẩn và cận nhân tình còn Buson thì thông minh,đa diện,không hề huyền ẩn mà lại nhất mực tài tình.
    Cũng chính vì Buson thì đa dạng nên nếu muốn xét một phẩm chất nào đó trong thơ ông có lẽ nên đối chiếu nó với chính thơ ông vậy.
    Về hoa hạnh là một ví dụ
    Nếu:
    Có phải từ cội hạnh
    thức hoa hương
    ngát một quầng trăng
    chỉ là một bức mĩ hoạ không hơn thì chắc chắn
    Hạnh hoa nở tràn
    gái bình khang
    đang trả giá khăn san
    lại nhắc ta về yùjo,chủ yếu là gái "hạng sang" thời ấy;bị ràng buộc hợp đồng trong các xóm yên hoa như Yoshiwara.Trên thực tế cuộc đời họ đã gắn chặt với nơi ấy,của cải họ kiếm được làm tăng trọng niềm thương cảm.
    Đôi kế tiếp là hoa cải.Mà phải chú thích một cách "hưng phấn" là đôi Haiku tôi cực kì khoái:
    Rực vàng hoa cải
    phía đông giăng soi
    phía tây nắng dại
    Hoa cải-một loài hoa nhỏ bé nhưng cánh đồng hoa cải của Buson thì khác.Tầng tầng lớp lớp,mênh mang không kể kích thước.Không thể nào đẹp hơn một Haiku như thế.Hiệu quả tôi nhận được trong bài haiku này tương tự như bài "Hình nhân" của Bonchò.Có khác chăng nó là cái "rùng mình trong nắng ấm" chứ không phải trong "giá lạnh" của "ngã vật hình nhân".Buson vẽ chứ không đơn thuần là làm thơ nữa rồi.
    Rực vàng hoa cải
    thiền thất không ghé lại
    đi mãi
    Phải đọc tiếng Nhật mới thấy cái hay của nó.Cơn bất quyết của nhà thơ trong một sát na được ám thị rất vi tế bằng chỗ dãn nhịp sau wa:
    Nano-hana/ya/hòshi-ga/yado/wa/towade/sugi
    (cải-hoa/:/của thầy tăng/nhà/như-với mục đích là/không ghé thăm/đi tiếp)
    Có rất nhiều haiku của Buson thực sự truyền đi một cảm xúc kỳ diệu và u huyền của tự nhiên nhưng nó lại bị thất lạc trong các bản dịch vì thiếu bội âm.Đó thật sự là rất tai hại với những người yêu thơ mà mù tịt văn hóa,hội họa Nhật như chúng ta
    Anh đào tàn huyệt
    lẫn cội cành không
    chùa cổ hoá thân
    trong nguyên tác thì "to nari" ám thị ngôi chùa đang hiện bóng qua những cành trơ trụi chỉ là một thể của hoa
    Hana/chirite/ko-no-ma-no/tera/to/nari-ni-keri
    (hoa/đang rụng/cậy-khoảng cách/chùa/đã hoá thành-keri)
    Có thể có trong bài thơ đặc biệt này có ảnh hưởng nào đó trong Phật giáo nhưng thi tính của nó trong rẻo vào của Buson dường như vẫn nhiều hơn đạo vị.
    Trong cuộc hành trình với Haiku Buson luôn làm chủ được kĩ thuật lẫn niềm hoan lạc chứa chan khi sử dụng chất liệu thơ của mình.Đồng thời cũng là một hoạ sĩ,nên không lạ gì khi Buson sử dụng màu âm và từ tượng thanh,tượng hình trong thơ đạt đến một cảnh giới vượt qua mọi giới hạn của các nhà thơ Haiku trước đó.Đó cũng là tại sao hầu hết mọi Haiku hay nhất của ông đều không thể dịch nổi:
    Ban ngày tối ngày
    đang đêm sáng đêm
    tiếng ếch dội âm
    là một trong những haiku tượng thanh mạnh mẽ nhất
    Hãy đọc to những chữ phiên âm của nó và đừng quên đọc nuốt những chữ "u" ở cuối từ:
    Hi/wa/hi/kure/yo/yo/wa/yo/ake/yo/to/naku-kawazu
    (Ngày/như-với mục đích là/ngày/tối lại/!/đêm/như-với mục đích là/đêm/sáng ra/!/như thế/đang kêu ộp ộp-ếch)
    Ta đã là một con ếch
    Mà đâu phải chỉ có bài thơ trên mới là tuyệt tác.Một tuyệt tác khác:
    Haru-no-umi/hinemosu/notari/notari/kana
    (Mùa xuân-biển/suốt ngày dài/nhấp nhô/nhấp nhô/kana)
    Trong một nỗ lực giữ lại tiết tấu của bài thơ,người dịch đã viết:
    Xuân thì biển
    một ngày dài hổn ha hổn hển
    hổn hà hổn hển
    Nếu là trong môn cờ vua,tôi đã đánh 3 dấu chấm than trong bản dịch này nhưng vẫn có gì đó về âm của "hinemosu notari notari" trong nguyên tác mới gây cảm giác lập lại liên tục cho đến tưởng chừng bị kích thích
    Và cũng Buson mới có sức sáng tạo mạnh đến dường này:
    Gekkò/nishi-ni/watareba/hana-kage/higashi-ni/ayumu/kana
    (Trăng-rỡ ràng/Tây-về hướng/khi-vượt/hoa-bóng/Đông- về hướng/tản bộ-chậm rãi/kana)
    11+8+5=24: là số âm tiết.Lẽ nào Buson lại nhầm?Với ai đó thì có thể nhưng Buson thì không thế.
    Một con nguyệt rạng vượt sang Tây thiên
    bao nhiêu bóng hoa tản về Đông độ
    Một kiểu biền ngẫu trong song cú Trung Quốc nhưng Buson vẫn chưa hài lòng với hiệu quả ấy.Câu đầu dày đặc như một khái niệm của thời gian chậm chạp trôi và cả hiệu quả từ một đối xứng "gekkò"(minh nguyệt) rất Trung Quốc với "hana-kage"(hoa âm,bóng hoa anh đào) rất Nhật.
    Mặt khác cũng Buson mới tiết kiệm đến mức keo kiệt giới hạn từ trong Haiku:
    Cá hồi đưa tặng
    chẳng vào thăm đi mất
    cổng khuya khoắt
    Rất tối nghĩa.Tất nhiên với nhiều người đọc cần phải có lời giải thích:
    "Trước hết,vào lúc nửa đêm,chúng ta nghe tiếng nói trước cổng nhà, của một người nào đó.Rồi chủ nhà thức dậy và nhận ra một người bạn mới đến với một ít cá hồi mới câu được trong đêm muốn chia sẻ với ông.Cuối cùng dù đã được mời vào trong nhà nhưng vị khách từ chối vì lí do đã khuya-hay một lí do nào đó tương tự-rồi tiếp tục đi"
    Khi đọc haiku thì chúng ta ít nhiều cũng nên biết câu này:
    "Trong Haiku,phải trông đợi sự bỏ sót từ!"
    Chúng ta còn lại gì.Trời khuya tất lạnh,một người bạn đến,tình thân mật,tình bằng hữu viết nên thơ.Và chúng ta lấy làm tiếc khi chia tay một bằng hữu giữa lúc chân trời đang tỏ,bóng tối đang loãng dần.Có cái ấm áp của tình bạn,cũng có cái cô đơn khi ông bỏ ta dứng lại ngoài cổng khuya.
    Không phải chỉ một lần Buson dùng kĩ thuật này,mà rất nhiều lần trong những haiku có ý thuật sự.Và nó luôn đạt hiệu quả rất cao:
    Một chỗ lánh đêm
    kiếm tuốt
    tuyết cuốn
    Mặc ai đó suy nghĩ nhé.Nghĩ kiểu gì thì nghĩ.Nhưng ít ra cũng ta cũng có thể chỉ được 3 chức năng của "tuyết (bị gió) cuốn":
    tuyết vờn một phông cảnh về mùa đông;tuyết ùa vào theo người đàn ông lạ mặt(chắc là một samurai nào đó đẩy cửa vào);tuyết được so sánh với nhân vật(một kiếm khách) và ngược lại.
    Thật là thiếu sót nếu ta bỏ qua 2 trong số những bức hoạ đẹp nhất trong thi-hoạ Nhật:
    Ichi-gỳo-no/kari/ya/hagama-ni/tsuki/wo/in-su
    (Của một-dòng/ngỗng hoang/đồi thấp dưới chân núi-tại/trăng/[đối cách]/đóng-triện)
    Dòng chim hồng rẽ xuống
    chập trùng đồi
    áp triện một vầng trăng
    Từ "gỳo" ở đây dịch là "dòng".Nó gây liên tưởng đến một câu hay một đoạn văn ngắn viết theo lối trực giao trong Nhật ngữ thông thường.Ở một bức tranh,nó thường là phần trên.Điều này chứng tỏ đàn chim đang bay theo hướng chân trời rồi ngoặt xuống cho dù vẫn còn bay trên những rặng đồi lúp xúp và mặt trăng bên duới.Ta còn biết đây là mùa thu;khi mà những đàn chim hồng từ phương Bắc di cư về Nam.Đó là những điều mà hầu hết họa sĩ Nhật có thể tưởng tượng được một cách dễ dàng trọn vẹn với những ngọn đồi thấp ven chân núi.
    Tuy nhiên Buson đã khơi dòng lạc khoản với tranh vẽ để có thể hình dung bằng nhiều cách.Dù sao thì con "nguyệt triện" vẫn ấn vào vị trí mà nó phụ thuộc,tức là gần phần dưới của bức liễn được thả kéo dài xuống.Sau khi có bức tranh,thời gian đã đủ để nhận ra Buson không nói rõ ai đã dùng con trăng thay cho con triện.Còn lại với người đọc là đi ngủ cùng những nghi vấn kia
    Haiku cuối cùng của Buson mà người viết muốn gởi đến người đọc với một ít chú giải là một thứ tinh chất hoàn hảo nhất có thể có của thi ca Nhật,của hội hoạ Nhật:
    Trên vệt đuôi chim rừng
    bước giẫm
    tịch tà nắng xuân
    Phải hân hoan mà nói rằng đọc được bài thơ này là một niềm khoái cảm chen lẫn bối rối.Bài thơ được tranh luận rất nhiều và ý kiến cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.Ai đã thực hiện "bước giẫm" ấy?Là nắng?Hay con chim rừng(mà ở đây ta đoan chắc là loài gà lôi đỏ)?Và cái sát na ấy diễn ra như thế nào?
    Cơ sở lập luận vững chắc duy nhất mà ai cũng thấy là loài gà lôi đỏ thì có cái đuôi vô cùng sặc sỡ.Chỉ có thế thôi.
    Hãy mường tượng đi,gà lôi đang giẫm bóng nắng hay cái đuôi của nó quét qua vệt nắng.Thế cái đuôi nó không thể là nắng ư?Vậy còn vệt nắng cuối ngày trong rừng có giống cái đuôi con gà lôi không?
    Nghe thì mọi thứ rất hoà hợp với nhau nhưng hoá ra lại rất mơ hồ.Rõ là chúng ta đang "giẫm" lên đúng chỗ cảm giác rất thật của Buson khi ấy.Chắc chắn ông chỉ thử nghiệm thôi(cũng như bao thử nghiệm khác) nhưng hiệu quả của nó thì thật diệu kỳ.
    Một chút chia sẻ với mọi người về Buson.Có thể bạn ít nhiều hiểu tại sao tôi gọi ông-người tiếp lửa là "một trí tuệ".
    Ta đã có:
    "Một hình hài
    có trí tuệ"
    Vậy thì ta còn:
    "trái tim rộng mở
    để nói lời yêu thương"
    nữa.
    Lần tới nhé.Trái tim cho Issa
    Một vài bài thơ nữa của Buson thay cho lời kết:
    Trên chuông đại đồng
    thiêm thiếp
    một cánh ****
    Hôm qua mãi miết
    hôm nay ráo riết
    đêm này chốn đây bầy chim hồng biền biệt
    Nở trên hạt long lanh
    thiếu phụ
    đọc thư dưới trăng
    Hoa đào vương vãi
    có hoá sinh rác rưởi
    ồ chổi tre
    Gai hoa
    trổ
    ngược đường cố thổ
    Cho ta lên đường
    để người ở lại
    mùa thu song trùng
    Giả dụ gió tây cuốn
    thì bên đông
    ứ dồn lá bứt
    Giáp trụ xưa mượn mặc
    vừa vặn
    lạnh ngắt

    Được lyhap sửa chữa / chuyển vào 10:11 ngày 12/11/2007
  9. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Trái tim của Issa
    Không tiên tri như Bashò,không điêu luyện,lỗi lạc như Buson,Issa(1760-1828) chỉ là một con người rất con người.
    Chúng ta có thể không hiểu được Bashò,chúng ta có thể không có thiện cảm với Buson,nhưng chắc rằng với Issa thì lại khác.Issa đã trải lòng mình ra với chúng ta bằng thơ của ông.Vì thế chúng ta yêu ông.
    Tính hết mọi lẽ,đời Issa là một cuộc đã sầu thảm quá.Mẹ mất sớm từ khi ông còn rất bé,lại sống cùng bà dì ghẻ đa đoan khó tính làm cho tuổi thơ ông cay đắng thêm.Chắc là một buổi hội làng nào đó năm 9 tuổi,cậu bé Issa với áo quần sờn rách đã không được những đứa trẻ khác trong làng chơi chung.Ngồi co ro nhìn chú sẻ non mới ra ràng,hẳn là ông đã nức nở:
    Đến chơi cùng tôi
    hỡi
    chim sẻ mồ côi
    Không thể tin rằng ông viết bài thơ này khi ông chín tuổi.Có thể là nhiều năm sau ông mới viết.Nhưng cái tinh chất của thứ xúc cảm ấy đã ở lại cùng giai đoạn ấu thơ ấy.
    Có thể hiểu rằng tại sao người cha ông đã khuyên ông tốt hơn hết là ra khỏi gia đình ở tuổi mười bốn.Và ông đi.
    Trong 20 năm đi xa,trừ một lần ngắn ngủi thăm nhà,Issa thường cư ngụ tại Edo,có khi vui có khi buồn,nhưng bao giờ cũng nghèo và thất bại.Rồi 7 năm sau,khi sự nghiệp bắt đầu thành công,người cha mất.Ông lại về gia đình.
    Hẳn là có một cuộc tranh chấp lớn xảy ra giữa ông và người mẹ kế cùng cậu con trai cùng cha khác mẹ về món thừa kế.Một trong những chuyến hồi hương ấy Haiku "gai" nổi tiếng ra đời:
    Chỗ chôn nhau cắt rốn
    lảng vảng lân la
    xúc giác gai hoa
    So sánh nó với Haiku "gai" của Buson,ta hiểu tại sao ông được yêu còn Buson thì không.Issa đang trình bày nỗi đau thực sự trong thâm tâm của mình còn Buson thì đã tuyên bố như mộ người không thể chê vào đâu nỗi.
    Sau khi giành lại được tài sản của gia đình,ông ở hẳn quê nhà.Ngày Nguyên đán đầu tiên ở nhà,ông viết:
    Chưa quen chưa quen
    trong ngôi nhà của mẹ
    sáng nay mùa xuân
    Cùng năm ông cưới Kiku,một thôn nữ chỉ bằng nửa tuổi ông và sống với bà trong suốt mười năm ở đấy cho đến khi bà qua đời.
    Hẳn là ông rất yêu bà,nhưng lẽ đời lại không như ý.Không chỉ người vợ yêu quý mất sớm,mà năm người con bà sinh cho ông-tất cả đều yểu mệnh.
    Tôi đọc 2 bài thơ "Sương" của ông về 2 người con đã mất mà nghe chấn động cả tâm can:
    Sương giọt phai mờ
    trong cõi uế độ
    không một chỗ
    Riêng bài thứ hai là tuyệt tác nhất trong tất cả các bài thơ về Sương của Haiku.
    Ôi Cõi Sương
    dù hãy còn đương
    một cõi dương
    Bài thơ không có một bản dịch tương xứng,mọi cố gắng ở trên chỉ đơn thuần là truyền tải nghĩa chữ.
    Dòng đầu là trích từ một câu Kinh so sánh tính phù du của kiếp người đương gian với sự chóng phai mờ của hơi sương.Issa không phát biểu tổng quát;ông đang chịu nỗi đau mất con.Cảm xúc rõ ràng là mãnh liệt hơn cả bài thơ Sương ở trên
    "Cõi Sương" dù có,cũng không một cõi cho sương.Sương sẽ ra khỏi cõi-và,nỗ lực đến mức ấy,ông cũng không thể khuây khoả trong kinh kệ.
    Issa rõ ràng không có tính thờ ơ như Buson,cũng không đủ sức hội nhập tính nhẫn trọn vẹn như Bashò.Nói vui như tôi thường nói với bạn của mình:"Thơ Issa như đường kiếm của một người bình thường,không chút năng khiếu.Nếu đường kiếm của Buson thêu hoa dệt gấm,linh động biến hoá;đường kiếm của Basho là trầm tịnh mà sâu thâm thì Issa sử kiếm hoàn toàn theo theo bản năng,theo tình cảm và cả sự nổi loạn"
    Thái độ nổi loạn của ông bộc lộ rõ nhất trong "bài thơ chết":
    Từ chậu sành
    đến chậu sành
    một biệt ngữ hành trình
    Ám thị về sự sống và cái chết rất rõ,ông gieo vào thơ cả hồn mình,cả những xao xuyến bồng bột nội tại,những u mặc gượng gạo và tất cả những thứ cảm xúc tình cảm có thể có trong cuộc đời.
    Cả đời của Issa chỉ được ông tóm gọn đúng 1 câu-tiếc thay không phải là Haiku-: "Suốt đời tôi đã không làm gì-ngoài viết bậy".
    Ông chỉ viết cho những gì yếu ớt nhất:hài nhi,súc sinh,và loài nhu động bằng tất cả phần tối thiện trong con người mình.Không khó để nhận ra Issa luôn đồng nhất chúng với bản thân mình.Một Haiku quen thuộc về "con ếch gầy"
    Hỡi ếch gầy
    đừng để ngã quỵ
    là Issa đây

    Chao ôi đừng đập ruồi
    tay ruồi đang bẻ vặn
    tuyệt vọng
    Cũng thật thú vị khi ông chế giễu:
    Từng con ruồi một
    đập nát giập
    tán thán mô Phật
    Không lạ gì khi đề tài "nhi đồng" được ông viết rất nhiều mà qua đó hình thành phong cách riêng trong thơ ông:"thơ hai chiều"(tương phản với "Haiku ba chiều" của Bashò và "thơ một chiều" của Chiyo)
    Đỏ rựng trăng
    là của ai
    hỡi nhi đồng
    hay
    Tặng vật mùa xuân
    bé còn ẵm ngữa
    cũng giơ bàn tay nhỏ
    hoặc 3 câu Haiku rất thú vị này:
    Tuyết tan
    làng quê ngập tràn
    trẻ con
    (Tôi rất thích bài thơ này,thật sự thi vị và ngộ nghĩnh.Không phải ai cũng có kiểu viết "đánh lừa" như thế)
    Một Haiku khác về Hoa đào cũng theo phong cách trên:
    Tạ ơn hoa
    nấp bóng hoa toàn kẻ lạ
    Câu đầu phải giải thích dài dòng.Theo nghĩa chữ,đó là "bòng hoa" đang làm bừng thức một ngày nắng ấm.Nhưng theo cách sử dụng thông thường thì nó còn ngụ nghĩa "dưới sự che chở của hoa","tạ ơn hoa".
    Trong nguyên tác,dãn nhịp sau "wa" cho chúng ta đủ thời gian hình dung ra "những kẻ xa lạ",đến nỗi bị bất ngờ:
    không một ai cả
    Issa có khuynh hướng phóng rọi bản thân và ngã ái của bản thân vào những gì ông viết,nhưng cách dùng từ lại không luôn luôn biểu lộ điều đó.Chắc ông cũng nhận ra điều này,nên thường viết thếm "-và Issa cũng vậy" sau mỗi haiga(Haiga:tranh vẽ kèm thơ Haiku)
    Một Haiku rất hay khác về trẻ con mà hẳn khi viết nó ông rất vui.Nhưng nếu không có hình vẽ túp lều và lời chú "Căn nhà-và Issa cũng vậy " bên dưới thì khó có thể hiểu được ông đang nói về đứa con của mình:
    Trong vườn cánh ****
    hài nhi trườn **** bay
    em trườn **** bay.
    Kiku mất.Issa hoàn toàn suy sụp.Trong nhật ký của Issa ta đọc thấy dòng Haiku này:
    Hỡi côn trùng thôi khóc than
    cũng chia biệt tình nhân
    trên long lanh sông Ngân
    Một lần nữa Issa làm rách toạc trái tim của ông trước mắt chúng ta.
    Nhưng bài thơ hay nhất của ông viết về Kiku lại là một đoạn Haiku rất thiếu mạch lạc
    Hài nhi
    cười hé nụ
    đêm thu chùng rũ
    Chính ông sau này cũng cảm thấy bài thơ trên tệ như thế nào nên đã chú thích thêm: "Về một đứa trẻ không mẹ đang học bò"
    Nhưng chúng ta,người đọc,vẫn thấy nó hay như thế nào,sầu thảm như thế nào.Mọi điều đều khiến ông nghĩ đến Kiku nhưng tiếng cười của người vợ yêu từ môi miệng của đứa bé đang học bò là quá sức chịu đựng
    Ông tục huyền sau đó-rõ là muốn có người thừa tự.Và ông cũng đạt được ý nguyện.Nhưng nỗi đau mất Kiku không bao giờ nguôi.Issa sống lâu hơn người vợ cũ chỉ 4 năm,thậm chí còn không biết mặc người con trai chào đời sau này.
    Người viết không thích chấm dứt bài viết về Issa một cách sầu thảm quá nên trích dẫn một bài thơ thú vị đặc biệt với những ai yêu hội hoạ Nhật:
    Và bây giờ đây
    trân trọng ra mắt quý ngài
    là cóc ở bụi cây
    Với tư thế "chồm hỗm",người Nhật chào hỏi nhau một cách chính thức và Issa đánh đồng nó với cùng tư thế ấy trong một buổi tự giới thiệu của các diễn viên trong kaomise( buổi trình diện) trang trọng.Mà ta rõ ràng là không thể không liên tưởng đến tư thế "cóc" ấy trong cả việc vẽ vời của các vị "viết chữ" nhà ta
    Tạm biệt Issa.
    Năm mới khởi nguyên
    mái nhà xiêu vẹo
    đứng đó mặc nhiên
    Tránh chỗ tránh chỗ
    sẻ non
    ngựa đến chân bon
    Cánh ****
    chim ***g
    ánh mắt thèm thuồng
    Đột ngột mưa quất
    loã thân
    cưỡi ngựa trần
    Một con người
    một con ruồi
    một phòng không đợi
    Chậm chạp
    ốc sên
    lên Phú Sĩ sơn
    Mắt ngọc chuồn chuồn
    soi thăm thẳm
    núi trùng trùng
    Miếng trăng non
    cũng quằn vênh
    vì một trời giá đêm
    Mùa thu xa mùa thu xa
    phơ phất cỏ bông bạc
    giã biệt giã biệt
    Tất nhiên không thể thiếu:
    Mẹ yêu ơi
    mỗi khi nhìn thấy biển
    khi nhìn thấy biển khơi

    Được lyhap sửa chữa / chuyển vào 15:11 ngày 13/12/2007
  10. huongnhu4

    huongnhu4 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    31/10/2007
    Bài viết:
    3.988
    Đã được thích:
    61
    Thể loại haiku cô đọng,xúc tích!Đọc phải có sự đầu tư.Đầu tư thời gian,đầu tư trí tuệ.Nhiều bài anh post huongnhu đã có đọc qua .Nhưng thực tình,đọc thì nhiều mà hiểu thì ít!Có lẽ do năng lực có hạn.Đây là loại thơ rất kén người đọc!

Chia sẻ trang này