1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lương thấp, đa phần học sinh giỏi không vào sư phạm

Chủ đề trong 'Giáo dục Giới tính' bởi meocon2014, 03/09/2016.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. meocon2014

    meocon2014 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    24/02/2016
    Bài viết:
    245
    Đã được thích:
    1
    "Rất dễ thống kê được cả chục trường sư phạm hiện nay lấy điểm chuẩn chỉ 15. Anh học sư phạm Toán nhưng chưa chắc điểm thi Toán đạt ngưỡng 5 thì ra trường dạy thế nào, trong khi giáo dục là quốc sách hàng đầu?", thầy giáo Mạnh Kỳ ở TP HCM đặt vấn đề.
    Việc TP HCM ban hành lệnh cấm dạy thêm, học thêm đã gây ra nhiều ý kiến và làn sóng tranh cãi trong xã hội, nhất là sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra quan điểm đuổi việc giáo viên vi phạm lệnh cấm. Như vậy, có thể thấy việc dạy thêm học thêm ngày càng trở nên phức tạp trong quan điểm lẫn cách xử lý của các sở, ban, ngành. Không phải cứ không quản lý được thì cấm và liệu chúng ta cấm có đúng? Dưới đây là một vài ý kiến của cá nhân tôi xung quanh việc dạy thêm, học thêm hiện nay:

    Thứ nhất, đứng trên cương vị một giáo viên đang giảng dạy tại một địa bàn ngoại thành TP HCM, tôi khẳng định hiện nay giáo dục nước nhà đang có nhiều vấn đề không chỉ có dạy thêm và học thêm, đó chỉ là một khía cạnh của nền giáo dục. Trước hết xét về nguyên nhân dạy thêm học thêm. Đầu tiên là chương trình học còn quá nặng, có nhiều vấn đề chưa thực sự cụ thể và không gắn với thực tiễn.

    Tiếp đó là hiện nay chúng ta xây dựng mô hình trường học hòa nhập. Như vậy sẽ có nhiều học sinh có cơ hội được học tập nhưng trong số này sẽ có em chậm tiếp thu. Thế nên mỗi tiết học 45 phút không thể giúp cho những học sinh này tiếp thu. Chúng ta thường nói không có học sinh học yếu kém mà chỉ có thầy cô chưa có phương pháp dạy học phù hợp? Nhưng đó chỉ là lời nói còn thực tế thì chỉ những ai là giáo viên đang đứng lớp mới hiểu được.

    Ngoài học sinh hòa nhập thì bất kỳ lớp học nào cũng có em cá biệt và khi soạn giáo án không giáo viên nào không để ý để những em này. Nhưng đa phần kết quả học tập của những em này đều không thực sự tốt. Trong quá trình giảng dạy bản thân tôi tuy không phải là giáo viên dạy môn chính như Toán, Lý, Hóa nên không thể dạy thêm, nhưng một số phụ huynh vẫn tìm đến tôi và nhờ giúp đỡ thậm chí là tự nguyện yêu cầu tôi dạy thêm cho con họ kiến thức liên quan đến Toán, Lý, Hóa. Vậy thì chúng ta có thể khẳng định không thể nào loại bỏ quy luật cung - cầu giữa người học và người dạy.

    Tôi còn nhận thấy một điều rằng đa phần gia đình cho con học thêm có điều kiện hoặc con em cán bộ, công nhân viên chức. Họ tự ý thức hay nói cách khác tự ti khi con mình học thua kém những em khác. Một bộ phận khác do không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con nên thường khoán con em mình cho nhà trường, xem ngôi trường dạy học như là nơi trông giữ con em họ tốt nhất.

    Ngoài ra, phần lớn phụ huynh cho rằng kiến thức chương trình học quá nặng vậy thì một giáo viên với 45 phút trên lớp làm được gì hơn nếu học sinh không xây dựng được tinh thần tự học? Chỉ giảng dạy và chỉ bài cho những học sinh chậm hiểu họ đã hết vèo thời gian dạy. Đã vậy, mỗi lớp học đâu chỉ có vài ba chục học sinh mà có thể lên tới năm sáu chục, như vậy có kiểm tra đánh giá học sinh kỹ được không? Trong khi nội dung thi đại học, Bộ Giáo dục luôn cho rằng đã bám sát sách giáo khoa nhưng nếu quý phụ huynh cũng như quý bạn đọc theo dõi những đề thi sẽ thấy nó hoàn toàn khác. Thời gian tiết học đã hết thì lấy đâu thời gian để giáo viên hướng dẫn kiến thức khó? Vậy thì học sinh đi thi thế nào?

    Phụ huynh chúng ta luôn muốn cái tốt nhưng đâu nghĩ đến cái khó của giáo viên? Phần lớn đều nghĩ giáo viên dạy thêm là vì tiền chứ không vì học sinh, vì chất lượng giáo dục. Còn nếu bảo họ bỏ thời gian để kèm cho học sinh yếu thì thử hỏi quý phụ huynh và bạn đọc có ai muốn mình làm người kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”? Trong khi đời sống của họ còn bấp bênh, bản thân tôi là giáo viên mới ra trường lương thực lãnh hàng tháng chỉ có 3 triệu đồng vậy thử hỏi có ai không muốn tăng thu nhập? Quý bạn đọc thường cho rằng chỉ có những người dạy môn chính mới dạy thêm và tăng thu nhập còn giáo viên dạy môn phụ không dạy thêm vẫn sống được mà không kêu ca là hoàn toàn không phải vì họ biết rằng có than trời, kêu đất cũng chẳng được gì, đành im lặng thôi.

    Cũng với chế độ đãi ngộ thấp nên đa phần học sinh có học lực giỏi hiếm người theo đuổi con đường sư phạm, vậy nên nhân tài phục vụ cho giáo dục càng ít đi. Hiện nay, ngoài hai trường điểm là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM còn giữ được truyền thống về thu hút học sinh thì những trường còn lại chỉ cố vét cho đủ chỉ tiêu. Chúng ta rất dễ thống kê được có cả hàng chục trường sư phạm hiện nay tuyển sinh lấy điểm chuẩn chỉ có khoảng 15. Anh học sư phạm Toán nhưng chưa chắc có điểm tuyển sinh môn Toán đạt ngưỡng 5 vậy thì kết quả ra trường giảng dạy thế nào? Trong khi đó lại luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu? Không thu hút được nhân tài thì liệu chất lượng giáo dục có được nâng cao?

    Thứ hai, đứng trên quan điểm là phụ huynh học sinh tôi có những ý kiến sau đây. Trước tình trạng một bộ phận giáo viên suy đồi về phẩm chất đạo đức trong đó có cả cán bộ ngành giáo dục đã không ngừng làm cho phụ huynh mất lòng tin. Việc giáo viên ép buộc, định hướng học sinh học thêm là có. Cũng chính bộ phận này làm cho việc học thêm bị biến tướng nên nhận được nhiều phản ứng gay gắt từ phụ huynh. Vì thường những phụ huynh này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện cho con học thêm nhưng bị ép học.

    Thứ ba, đứng về phương diện là người quản lý, trước hết tôi muốn hỏi sau khi có lệnh cấm dạy thêm ai sẽ là người đi kiểm tra? Kiểm tra rồi xử lý thế nào? Nếu đuổi việc thì ai sẽ dạy? Vì đa phần sinh viên chọn theo sư phạm Toán, Lý, Hóa chẳng qua họ hiểu rằng khi ra trường sẽ được tăng thu nhập từ việc dạy thêm. Nếu đuổi việc thì họ thà không vào biên chế mà chỉ cần đăng ký vào trung tâm để dạy thôi là đủ. Vì thu nhập ở trung tâm tính theo giờ làm việc. Hai tiếng ở trung tâm họ có thể kiếm tiền triệu nhưng hai tiếng ở trường chỉ có vài ba trăm?

    Còn nếu không cho dạy trong nhà trường thì học sinh sẽ phải đến trung tâm. Vậy nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như trung tâm không đủ đáp ứng về cơ sở vật chất, không ai kiểm soát chất lượng, kẹt xe... Và một số giáo viên lại vào trung tâm và họ vẫn có thể định hướng cho học sinh vào học ở đây để ăn chi hoa hồng? Còn giáo viên nhiệt tình, tâm huyết khi vào trung tâm thì lại bị chặn đứng một phần công sức lao động do phải chi phần trăm. Như vậy người thiệt vẫn là học sinh và giáo viên tâm huyết. Hơn nữa chi phí học ở trung tâm luôn cao là gánh nặng cho nhiều phụ huynh khi cho con theo học và càng không công bằng cho những học sinh ngoại thành vì không có các trung tâm để đăng ký học.

    Trên đây là quan điểm của tôi về dạy thêm học thêm để quý bạn đọc cùng suy ngẫm và bình luận.

Chia sẻ trang này