1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mạc Can-Tấm ván phóng dao

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi hoangvan09, 10/10/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Một Truyện ngắn của Mạc Can gửi mọi người:
    Cuộc hành lễ buổi sáng
    Kính thưa quí độc giả, tôi là... cái bàn quèn. Tôi có ba chân bằng nhau, một chân cà thọt, cụt hơn mấy người anh em kia khoảng lóng tay. Có tật có tài. Tôi có tài ?obà Tám? nhiều chuyện.
    Trong quán phở một ngày biết bao người tới, tôi nghe biết bao nhiêu là chuyện. Tôi rất bận bịu, như quý khách thấy, hiện giờ trên mặt tôi đầy những dĩa rau, những chai tương, chén ớt. Và tôi đang liếc nhìn một ông khách. Sáng nào ông ta cũng từ con hẻm nhỏ đi tới cửa quán. Vẻ nôn nóng. Hôm nay nhìn thấy tôi quá bận, vì khách ăn phở hôm nay đông hơn mọi ngày, nên ông ta lui ra, ngồi đâu ở mấy cái bàn ngoài vách. Nhưng một lúc sau ông đi vào nhà, tới ngồi kế bên tôi. Giận dữ, ông lấy tay gạt đi nhiều thứ trên mặt tôi rồi ngồi cúi nhìn xuống đất, im re một lúc khá lâu. Bỗng ông ngước mặt nhìn lên trần nhà la lớn, làm cho tôi giật thót... bàn; còn các vị khách thì giật mình:
    - Ăn hết ngon!
    Tôi nghĩ là quí khách nghe chuyện khẽ hừ một cái, và có thể khẽ cười. Tôi phải ngưng chuyện của tôi một chút để tường thuật sốt dẻo về ông khách mặt rỗ hoa, màu da tai tái như con gà mái này. Môi ông khẽ nhếch lên, phô vài cái răng trắng nhởn. Ông ta to con, vì vậy mà... hao xăng, tốn nhiên liệu, tánh xấu đói. Người đàn bà nấu phở vội vã nói với chồng:
    - Anh hỏi coi ảnh ăn gì.
    Ông kia cằn nhằn:
    - Hỏi mẹ gì nữa, nấu vàng ăn cũng hết ngon.
    Người chồng của bà nấu phở tới đứng cạnh tôi, không nhìn ông khách cũng không hỏi ông ăn gì. Ông kia hằn học nói lớn:
    - Tô khô như cũ, nước lèo, đầu gà để riêng.
    Người chồng của bà nấu phở quay đi. Khi trở lại, trên tay ông là một tô phở nóng, khô queo không có nước lèo, cố ý dằn mạnh trên mặt tôi, trước mặt ông kia. Ông khách cay cú nhìn tô phở, vừa cằn nhằn, vừa nghiến răng, vừa bẻ, vừa lặt đủ thứ rau, rồi lườm lườm múc tương ớt, tương đen; bực bội bỏ giá sống (giá sống phải trụng để riêng trong cái chén cho ổng) trộn vào phở. Ông cự nự... nặn chanh. Ông lầm bầm... bỏ ớt vào tô phở ?oxe lửa? bự chảng. Ông hầm hừ thò đũa cuộn tròn một mớ phở, như người Tây ăn mì Ý, cho cuộn phở vô miệng, nút một phát, sợi phở chạy rột tuốt vào miệng. Sau đó hai tay ông trân trọng cầm cái tô nước lèo, tái nạm, sụn gân, tủy đuôi, nước béo, thêm mấy cái đầu gà luộc, mỏ gà vêu lên, mắt gà nhắm híp. Nâng tô nước lèo lên môi, ông uống một ngụm, khuôn mặt biến chuyển lạ kỳ. Từ lo lắng bây giờ mới giãn ra, vẻ khoái trá.
    Thường thì người ta chỉ ăn mì khô hay hủ tíu Nam Vang khô kiểu nầy. Phở, tái nước hột gà ăn thêm thì có. Phở, áp chảo sốt vang cũng có. Còn phở... khô thì tôi mới thấy mỗi một mình cha này ăn một cách kỳ cục.
    - Hành trần. Củ cải.
    Mồ hôi nhỏ giọt trên trán, cái miệng láng mỡ. Trong lúc chờ ông ta cau có nhìn quanh, nói lớn:
    - Nhìn cái gì. Tui bị lên máu biết không. Đói là hạ đường huyết, tay run vầy nè biết không. Sáng mà không ăn kịp là có khi chầu trời. Tôi vô trước kêu trước (phải, tôi thấy ông ta ngồi bên cái bàn ngoài vách) mà cả tiếng đồng hồ ngồi chờ. Chờ ngóng cổ dài râu mà... đ.m. nó, nó cứ bưng tô phở đi ngang mình rồi đưa cho người khác. Tức không. Ăn hết ngon.
    Ông này dữ tánh lại háu ăn hơn người. Phục vụ trong quán phở chỉ có hai ngoe. Người đàn bà có cái mông lớn, đứng nấu phở coi cũng dữ tướng, đôi môi nhỏ màu son nâu tím Hàn Quốc lúc nào cũng mím chặt. Bà rầy ông chồng cũng to con, da màu nâu sẫm trời cho, chân mày xếch ngược lên cái trán thấp, mắt lộ trắng dã, ria mép trên cái môi dày chọc vào miệng, râu quai nón kín hàm lởm chởm ngả màu đỏ, khuôn mặt gây sự, chân đi chấm phẩy.
    Bà vợ nói:
    - Biết vậy thì anh bưng trước cho ổng đi, khổ quá!
    Ông chồng nghiến răng:
    - Tao thấy nó vô tao chết liền.
    Câu nói ?ochết liền? mới nảy sinh trong dân gian mấy lúc gần đây; trong trường hợp nào tôi không biết nhưng ở hoàn cảnh nầy nghe suông tai.
    Ông Trương Phi râu đỏ đứng cạnh vợ, phụ bỏ hành, múc nước lèo trong cái thùng bốc khói đổ vào tô. Mà coi ngộ ghê chưa, ông ta cũng vừa nghiến răng, vừa múc. Vừa chửi thề, vừa nhón tay nhúng cọng hành trần vô nước nóng. Vừa cự nự vừa vớt cọng hành lên. Vừa lầm bầm chửi vừa như muốn liệng mẹ cái muỗng lớn ra ngoài đường. Giận. Tôi lại nghĩ rằng quí độc giả hừ lên một tiếng nữa. Và cũng có thể cười nụ.
    Bàn tay to lớn, mấy ngón tay như trái chuối sứ của ông Trương Phi run run, cái miệng dữ dằn rít nhỏ:
    - Mày... mày mà gặp tao mấy năm trước là rửa cẳng lên bàn thờ ngồi nghe con.
    Ông ta thở mạnh, cho thấy răng đang cắn chặt, nổi lên từng thớ thịt trên cái quai hàm bạnh ra. Ông cà nhắc đi tới, tay cầm cái chén hành trần với vài củ cải trắng dằn mạnh trên mặt tôi, trước mặt ông kia. Rồi lại rít nhỏ hơn qua kẽ răng:
    - Mày biết bản tánh khốn nạn của tao mà. Tao giận là tao run, tao run là lên máu, tao lên máu là chém, nghe chưa.
    Ông chồng thở hổn hển, cà nhắc trở lại đứng bên vợ, tay cầm con dao phở chặt vào cái thớt mòn. Bà vợ giật con dao lại, mím môi thở ra kẽ răng mấy tiếng:
    - Buôn bán mà làm cái gì như ăn cướp vậy, mất khách chết đói cả đám.
    Vậy là mình có hai ông bạn hiếm thấy. Một ông đói thì giận. Một ông bưng tô ?onhạy cảm? thì cũng giận. Hai ông đều có bệnh giống nhau. Run tay lên máu quạu quọ. Lạ kỳ trong cái chuyện đời nhiêu khê này. Thường thường những ông sống nhờ vợ lại có tướng mạo oai phong, tánh tình quạu quọ. Trong lúc ông này bực bội, nực nội, nóng hơ bỏ ra cửa quán, tay cầm ly trà đá, tay cầm một vạt áo phe phẩy cho nguội thì ông kia cũng tự ái giận hờn, ngồi nghiến răng.
    Điều lạ với người mới biết chuyện là như vầy. Ăn phở khô thì ông ta sảng khoái thấy rõ nhưng ngần ngại. Nhìn cái đầu gà luộc to tướng mà chính ông gọi, ông lo lắng moi cái óc gà nhỏ xíu bỏ vào miệng, nhắm mắt khổ sở nuốt mắt gà đục ngầu. Xong một cái lại ngần ngại cố ngậm trong miệng cái đầu con gà khác. Bóc cái mào cứng của nó, bỏ vào miệng trệu trạo nhai và nuốt trọn. Nhìn ông dùng đầu gà một cách thành kính như một lễ cúng ai cũng lạ mắt và hơi tức cười. Chân ông ta ở dưới bàn co giật, đụng mạnh vào cái chân cà thọt của tôi đang kê trên một nút khoén. Chân tôi sụp thì mặt tôi chông chênh nghiêng. Tô nước lèo sóng sánh đổ tràn ra. Ông ta vẫn cố ngậm cái đầu gà ở khoảng cái cổ dài của nó. Thành ra khi ông cúi xuống bàn nhìn cái chân thiếu thước tấc của tôi, tôi thấy bốn con mắt giống nhau; hai con mắt của ông và hai con mắt của cái đầu gà. Hình như nó chớp chớp mi mắt.
    Hình như cái đầu gà còn sống và nó muốn gáy. Một chân của ông ta, ngón cái và ngón kế bên khéo léo gắp cái quai dép cũng của ổng, đẩy nhẹ chiếc dép kê vào cái chỗ hở giữa đất và chân tôi. Ông ta rùng mình trợn trắng cho tới khi cất cái đầu lên. Miệng ông đang nút cái mỏ gà, cái mỏ gà hình như cũng đang nghiến răng, nhắm mắt chịu trận. Nếu như con gà có răng... Thủ cấp con gà nòi đã chết, luộc tái. Cái mặt gà đỏ rần hung dữ gây hấn lúc còn sống bây giờ trắng nhợt nín thinh. Qua một nụ hôn môi sặc mùi hành.
    ***
    Trở lại chuyện tôi. Tôi là cái bàn xấu xí đứng khập khễnh cuối vách tường bám đầy khói bếp và bồ hóng. Chỉ có một cái ghế khá cao, cũng sứt tai gãy gọng, suốt ngày đứng cạnh tôi. Luôn luôn đứng cạnh tôi. Vì nó cao mà mấy bàn phở kia thì thấp, không ai chuộng nó. Chuộng nó, tức là ngồi lên nó, người ăn phở phải còng lưng cúi cái mỏ xuống cho gần miệng tô, quá khó khăn khi ăn sợi phở dài. Có những điều bất tiện như vậy trong đời sống hằng ngày nhưng vẫn không thay đổi, kéo dài triền miên. Duy chỉ có Ba Gà Mổ, người khách tôi vừa kể ăn phở khô, là hay ngồi cái ghế cao và ngồi cạnh tôi cũng rất thấp, dù ông ta cũng phải còng lưng cúi sát xuống miệng tô. Tôi nghiệm ra ông ta ăn phở như cái đám giỗ nhỏ, chén dĩa đầy bàn. Nên nếu không có gì trở ngại, nghĩa là nếu tôi không quá bận bịu thì ông mặt tái luôn chọn cái góc này. Để được ngồi làm cái lễ kỳ lạ với những cái đầu gà chăng? Việc gì cũng phải có nguyên nhân của nó.
    Tôi làm trong cái quán phở bèo của vợ chồng cha nội Hai Thọt khá lâu. Ông chủ của tôi cũng chân cao chân thấp. Như hồi nãy tôi có nói, người ta hay gọi loại chân kiểu nầy là chân chấm phẩy. Hai đứa tôi, tức ông Hai Thọt và cái bàn, không hề bẩm sinh mà bị què. Một hôm có vụ ẩu đả trong quán phở giữa buổi chiêu đãi của các tay đá gà độ, trong đó có Ba Gà Mổ, ông Hai trượt chân xuống bậc thềm đầy mỡ. Tức cười là mấy ngày sau, khuỷu chân nơi mắt cá của ông Hai sưng lên. Đi bó con gà ác với rượu thuốc cả tháng vẫn cứ sưng, nhức nhối chịu không thấu. Bà Hai chở ông đi Tây y chấn thương chỉnh hình, bác sĩ nói:
    - Ông bị nứt xương chảy tủy ra rồi. Bệnh nầy phải mổ thôi. Mà nói trước, mổ cũng chưa chắc hết chảy tủy.
    Một năm sau, chân Hai Thọt vẫn chảy tủy, sưng vù, hoại thư, phải cưa bỏ bàn chân. Người ta cười khẩy. Ông Hai ?onhạy cảm? một hôm nổi hứng đá chiếc trực thăng đang bay trên cao. Sự tích châm biếm lạ lùng đó cộng thêm nét dữ tướng, thêm cái chân thọt kiểu hải tặc coi ông càng ngầu hầm. Cái cảnh một hảo hán kiểu Lương Sơn Bạc vừa cự nự vừa bưng từng tô phở chiều khách, coi buồn cười. Tôi là bạn đồng... tật với Hai Thọt nhưng tôi vẫn cứ nghĩ đây là một đòn trừng phạt khéo léo của ông Trời. Trời cao có mắt, trừng phạt khổ sai nhọc nhằn về mặt tâm lý một kẻ chuyên xài chiêu bạo lực. Giờ thì bắt buộc phải nhũn như con chi chi. Khách ăn phở tủm tỉm kín đáo cười nhìn Hai Thọt nghiến răng bưng tô nước lèo, hành trần cho Ba Gà Mổ. Sau đó lần nào Hai Thọt cũng uống trà đá.
    Sự tích cái chân Hai Thọt thì vậy. Còn chân tôi thì đơn giản, như là chuyện giỡn. Tất cả đều do ông thợ mộc quên. Ông quên tề bớt ba chân kia cho bằng với chân tôi nên tôi mới què. Sự đời nhiều khi đơn giản như vậy mới chết chứ. Nói ngay vô chuyện là Hai Thọt. Con quỉ một giò này cũng là dân giang hồ có số. Lúc sau này dân anh chị bị chiến dịch truy quét hốt vô khám hơi bị nhiều, Hai Thọt cũng chung số phận. Trong khám ông ta cố gắng sống tử tế. Gỡ mấy cuốn lịch rồi khi về nhà với cái giấy tạm tha giắt trong lưng. Vậy mà sự ?onhạy cảm? cũng như cũ.
    Song nói thật lòng, nhờ cái giấy tạm tha, kiểu như vòng kim cô của Tam Tạng gây nhức nhối trên trán ông khỉ đột Tề Thiên, cho nên mỗi lần nổi cơn ?onhạy cảm? Hai Thọt cũng chỉ dám nghiến răng, hít thở... uống trà đá. Không biết ai chỉ Hai Thọt cái chiêu này: khi nào thấy trong lòng trào dâng bức bối nóng giận, nên tự làm một ly trà đá, chịu khó uống từng ngụm nhỏ. Uống trân trọng theo kiểu trà đạo, nhưng uống ly cối và có nhiều nước đá. Rồi ra ngoài gió, phe phẩy hai vạt áo thì trong người nguội bớt nhiệt độ, bớt... ?onhạy cảm?.
    ***
    Ba Gà Mổ là dân chơi cầu ba cẳng. Cố tật cãi cha cãi mẹ, bản chất đâm bị thóc, thọc bị gạo, ngồi đầu cầu thổi ống tiêu, đâm cha thuốc chú hãm chị dâu. Huýt gió kích động,đá cá lăn dưa đã quen. Cái môi cố tật cứ nhúc nhích rồi nhếch lên khinh bạc làm cho người ta cứ tưởng ông ta cười mỉa. Nhưng bây giờ trông ông ta không khác con gà chọi trúng thương, buồn hiu, khắc khoải. Ba Gà có nghề nuôi gà nòi, nên sân nhà của Ba tự nhiên thành trường gà mini.
    Ngày chủ nhật, ông công an khu vực chạy xe ngang sân nhà Ba Gà, nhìn sơ một chút rồi thôi. Lập tức từ giờ cao điểm đó cho tới chiều tối, tiếng chửi thề vang lên cùng với tiếng gà xổ cánh, chân gà quấn cựa sắt quần thảo không dứt. Tất nhiên những con gà xấu số ngã quị trên nền đất đẫm máu trong trường gà này hằng ngày phải mười mấy trự. Ba Gà Mổ vừa bán băng keo dùng quấn cựa gà, vừa lấy xâu tiền vô nước gà. Ông thầu luôn phần thịt gà nòi mà thường các chủ gà đá thua chửi thề bỏ đi.
    Hai Thọt và Ba Gà Mổ có quen nhau trong khám Chí Hòa. Và không ưa nhau cho lắm. Binh giáp rã rời sau mấy trận bị truy lùng tận số, giờ thì anh chị cách mấy cũng xụi râu về với đời thường. Ba Gà Mổ hợp đồng với Hai Thọt, cung cấp gà nòi chết cho Hai Thọt nấu cà ri bán buổi chiều. Cũng bán ngay quán phở buổi sáng của vợ y. Đổi lại, trong hợp đồng miệng này Ba Gà có nói hai ba lần, đầu gà nòi bỏ vô thùng nước phở dành riêng cho Ba dùng ?olàm thuốc? mỗi buổi sáng. Ai mà chịu bỏ đầu gà vô thùng nước phở của mình nhưng Hai Thọt năn nỉ vợ thông qua cũng vì món lợi xác gà nòi mà Ba cung cấp. Nói nào ngay, gà nòi da dai thịt cứng mà hầm nấu cà ri là trên cả tuyệt vời. Nhiều vị khách sành điệu cà ri gà tới ăn. Mặc dù không khí căng thẳng nhưng vợ chồng Hai Thọt sống được quán phở sáng
    và cà ri chiều.
    Chuyện cung cấp thịt gà đó cũng có sự tích. Một hôm Ba Gà Mổ đi coi... tướng. Ông thầy coi tướng mặt mày lạnh lẽo nhìn là ớn lạnh. Ông thầy cư ngụ trong cái miễu hoang giữa vườn chuối vùng ngoại ô. Vừa nhác thấy Ba Gà dựng chiếc xe Honda cánh én trước thềm, ông liền nói vói ra cửa; tiếng cha thầy tướng này sao cũng the thé như gà mái:
    - Ông Ba nuôi gà nòi đá, mỗi ngày phạm giới sát sanh, làm chết không biết bao nhiêu mạng gà. Năm nay là năm con gà; cơ hội cho nhiều gà lãnh hộ chiếu xuất cảnh đầu thai. Nhưng nguyên tắc mới: gà không có đầu thì diêm vương không in dấu triện. Do vậy mà chính ông phải chịu hình phạt, mỗi buổi sáng phải gặm, ăn óc, nút mỏ ít nhất là ba bốn cái đầu gà. Được vậy thì may ra ông mới hết oan gia nghiệp báo. Còn nếu như cự cãi thì trước sau cũng bịnh nặng. Ngáp gió, kêu cục tác như con gà mái đẻ. Và câu lưu trở lại Chí Hòa uống trà đá, ăn bánh ình.
    Chuyện như là giỡn chơi. Không hiểu sao ông thầy coi tướng mặt tủ lạnh lại biết tỏng Ba Gà chứa gà đá. Chỉ có tôi biết, là do một hôm có tay nuôi gà địch thủ của Ba Gà vô tình ngồi ăn phở đúng ngay cái bàn tôi. Anh ta nói ông thầy coi tướng Ba Gà chẳng ai xa lạ, cũng là Độc Thủ Cầu Bại móc túi, đổi giỏ trên chốn giang hồ. Ông này có gặp Ba Gà Mổ và cả Hai Thọt trong khám. Hai Thọt biết nhưng thâm không hề tiết lộ. Ba Gà Mổ không hề biết. Tội nghiệp cho kẻ gian tà, trời hại đúng thằng gian. Gặp ngay cố nhân nói rất đanh thép ngay chuyện mà ông Ba lo nhất cho hậu sự của ông.
    Cho nên mỗi sáng ông ta nôn nóng tới quán phở, cố gặm cho hết ba bốn cái đầu gà nòi. Ông trời có mắt biến tấu trừng phạt. Phạt Ba Gà Mổ về cái tội đá gà độ, cờ bạc, gian manh nhiều thứ. Ba Gà Mổ coi tướng dữ dằn vậy mà nhát, thường thì cái tướng cái tánh hung dữ bất lương hay đần độn ngu si. Ông ta còn dị đoan, tin chắc chuyện gặm đầu gà sẽ cứu ông ta khỏi trở vô nhà đá.
    Cho nên nói đi rồi cũng nói lại. Mỗi sáng ông Ba phải làm cái lễ. Vừa hậm hực, vừa cằn nhằn, cau có chửi rủa Hai Thọt, vừa nhẫn nại lo lắng gặm đầu gà nòi chết. Vậy đó. Và cũng đúng với câu mà con gà trống nào cũng vỗ cánh gáy mỗi buổi sáng:
    - Đời... chỉ... có... thế... mà... thôi...
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Cuộc hành lễ buổi sáng-Tập Truyện ngắn của Mạc Can
    TTCN - Trên bìa sách, họa sĩ Trần Đại Thắng sử dụng hình một con dao phóng ra, không lao đi mà chậm rãi bay lượn cùng những cái bong bóng, hay là những quả bóng ảo thuật. Ông hề Mạc Can thì nhắm mắt như chìm trong một giấc mơ... Họa sĩ dường như đã bắt trúng thần thái của Mạc Can trong những tác phẩm văn học của mình.
    Mơ mộng và tài hoa. Hướng trí tưởng tượng về một xứ sở xa lắc, vẽ chân dung những con người lạ lùng, hư cấu cả ra một ngôn ngữ kỳ cục cho đảo quốc ấy, Mạc Can đã làm người đọc đôi lúc tủm tỉm cười. Cười cái chuyện ông lạm bàn ngôn ngữ học bằng trực cảm, bằng kinh nghiệm và bất ngờ chứng tỏ sự tài hoa. Bản tường trình (số 1) từ Đảo Xanh là câu chuyện hoang đường giữa một thế gian trần trụi hiện thực.
    Cũng như thế, tôi muốn mời độc giả bắt đầu đọc tập sách này từ truyện Khách sạn Cánh Đồng Diều. Hiện thực và kỳ ảo hòa quyện. Cốt truyện được đẩy xuống hàng thứ, nhường chỗ cho văn. Văn cần được nhâm nhi như thưởng thức ly cà phê từng ngụm nhỏ. Một khách sạn lạ lùng nhưng quen quen đâu đó trên khắp đất nước này. Những nhân vật cũng thuộc loại phổ biến của thời thế này.
    Nhưng Mạc Can đã khéo làm cho tất cả trở nên huyền hoặc, vừa như ác mộng vừa như một giấc mơ bảng lảng sương khói. Đoạn viết về lũ trộm trà trộn làm khách vào lễ hội giả trang, không còn phân biệt được đâu là trộm đâu là khách; đoạn những món quà quan khách mang đến bỏ lăn lóc trong nhà kho bất ngờ mở ?ohội thảo? buôn chuyện với nhau... gây ấn tượng về khả năng vươn tới cái huyền hoặc lạ kỳ của Mạc Can. Truyện đáng chú ý bậc nhất trong tập này lại là truyện không dễ đọc, nó thử thách những độc giả chỉ đi tìm cốt truyện mà không quan tâm nhiều đến văn.
    Nhưng bù lại, độc giả có thể thú vị với những cốt truyện ly kỳ huyền ảo như Sài lang, Con Kapka, những truyện hiện thực phảng phất buồn như Hội chợ buồn hiu, Con chuột trên dây điện, những truyện thế sự hóm hỉnh như Cuộc hành lễ buổi sáng.
    Phần ?omới nhất? của Mạc Can trong tập này là chín truyện (khoảng 300 trang trong tổng số 328 trang sách). Ông đã viết liền chín truyện này trong cái tết 2005 cho Công ty Đông A kịp ấn hành. Một chi tiết ngoài lề: kỹ năng khởi sự viết bằng máy tính của Mạc Can là viết hết một câu, ông đập cách rồi mới đánh dấu chấm. Những dấu chấm dấu phẩy nằm xa cách lửng lơ làm họa sĩ Trần Đại Thắng mất một tháng trời dồn lại cho đúng. Thắng kêu: ?oChú ơi, lần sau chú viết tay để cháu đánh máy, nhanh hơn?
    Biên tập viên kỳ cựu Lê Minh Khuê thì mất hơn 40 ngày cho bản thảo, những dấu chấm giữa câu như nhát chém ngang lưng là thử thách, nhưng hào hứng. Tài năng văn chương trong con chữ, trong chi tiết, trong không khí truyện, trong nhân vật... tiếp cảm hứng cho nhà biên tập. Mệt, nhưng biên tập xong thấy mình làm được một công việc thật đáng làm. Nghề biên tập hay gặp những bản thảo hoàn toàn sạch sẽ, không phải sửa một câu một chữ, không phải sửa đến một cái dấu, nhưng là những văn bản vô hồn và không một lóe chớp tài năng. Trường hợp của Mạc Can thì ngược lại.
    HỒ ANH THÁI
    (*) Tập truyện của Mạc Can, NXB Hội Nhà Văn, 2005
  3. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Lời tự vấn về kiếp người
    TTCN - ...Trong loay hoay lầm lạc có le lói mối tình tưởng là cứu rỗi. Trong nỗi buồn thấm thía có cả sự cảm thông rộng lượng. Trong văn chương mộc mạc có bộc lộ một tay nghề tài hoa khi xử lý câu chữ và khai triển vấn đề. Cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao chắc là sẽ tìm được sự chia sẻ của độc giả yêu văn chương.
    Cái truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu in trên TTCN số 15-2002 thật thú vị. Tên tác giả Mạc Can còn lạ. Chưa liên lạc được với tác giả tôi đã mạn phép đưa cho ban tuyển chọn truyện ngắn hay của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cùng đọc. Truyện được tấm tắc khen, được đưa vào tập tuyển năm 2002.
    Lâu lâu sau, một hôm nhà văn Lê Minh Khuê kể tác giả Mạc Can đi đóng phim ở Hà Nội, ghé lại nhà xuất bản cảm ơn ban tuyển chọn. Được chị Lê Minh Khuê động viên, Mạc Can gửi tiếp bản thảo tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Hay, chị Khuê khen. Tôi mượn về đọc, đúng là hay.
    Tôi chưa gặp tác giả Mạc Can, nhưng cứ hình dung ông giống như nhân vật chàng thiếu niên xưng tôi kể chuyện trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao: anh chàng làm hề xiếc, vẽ một cái mũi tròn to, một cái miệng cười đến tận mang tai, làm hề cho thiên hạ cười, ngoài mặt thì thế mà trong lòng run rẩy với từng mũi dao phóng về phía em gái mình.
    Một miệng cười mà trong lòng đang khóc. Đang giận người cha vô tâm bày trò phóng dao cho gánh xiếc, giận người anh tự tay phóng dao mà có vẻ vô tình xao nhãng. Giận cả khán giả trả đồng tiền còm mua lấy tiếng cười trên một sinh mạng bé nhỏ.
    Giận người rồi lại giận mình. Sao mình phải chứng kiến? Sao mình ngày ngày tự nguyện cõng trên lưng tấm ván phóng dao như vị chúa tuẫn nạn cõng cây thánh giá khổ hình? Hằng ngày vị chúa bé nhỏ trong hồn người lại phải đập đầu vào tấm ván phóng dao mà khóc mà tự vấn. Rốt cuộc vì sao mình phải sinh ra?
    Đọc thế, độc giả đã hình dung ra một gánh xiếc gia đình. Trôi nổi trên những dòng sông con kênh, những xóm làng Nam bộ. Những trang viết thật gợi, gọi được ra hồn cốt Nam bộ một thời. Những con người chân chất trọng nghĩa khí, nhưng rồi tất cả cứ loay hoay thế nào đó trong một tấm lưới vô hình của kiếp người. Không thoát ra được khỏi thói thường tình. Không tìm ra được một mảnh hạnh phúc mà lẽ ra phải có.
    Mạc Can sử dụng có hiệu quả thủ pháp gián cách. Mọi sự kiện, mọi biến động của đời sống bên ngoài vừa được tái hiện trực tiếp lập tức được đẩy ra xa, đưa qua màng lọc của chàng thiếu niên, khắc in lại trong đó những đường đồ thị run rẩy.
    Chuyện thế sự khi ấy chỉ còn là cái cớ để cho những rung cảm của một con người được dịp trào ra ngân lên. Sự kiện ngay phút chốc được xóa mờ đi, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những rung động, những cung bậc tình cảm tinh tế nhiều vẻ.
    Nhiều trang viết đạt đến độ hiếm hoi về nỗi buồn thấm thía của kiếp làm người... ?oLúc nào cũng vậy, khi tôi nhắm mắt, ban đầu thường có những đốm sáng lập lòe, đó là ánh lửa trong chiếc đèn bão thời thơ ấu của tôi, rồi là chữ, chỉ có chữ, tôi khát chữ tới độ điên cuồng, ở kiếp nào đó, ở một thế giới nào đó... tôi là một nhà thông thái. Tôi biết quá nhiều điều nhưng rồi tôi đã làm sai một điều gì đó khiến cho tôi bị xóa đi, cả tôi và cả những điều tôi học, giờ đây tôi biến thành kẻ lưu đày u tối, trong tiềm thức, tâm linh tôi như sương khói...?.
    Truyện ngắn Người nói tiếng bồ câu của Mạc Can được nhiều người thích. Gần gũi, hồn hậu, lại vừa xa lung linh những yếu tố kỳ ảo. Truyện Tờ 100 đôla âm phủ lại miên man dường như lỏng tay cấu trúc nhưng khép lại thật gọn gàng như một miếng ảo thuật ngoạn mục.
    Bây giờ đến tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Những ưu điểm ở hai truyện ngắn kể trên đã được huy động vào đây. Trong loay hoay lầm lạc có le lói mối tình tưởng là cứu rỗi. Trong nỗi buồn thấm thía có cả sự cảm thông rộng lượng. Trong văn chương mộc mạc có bộc lộ một tay nghề tài hoa khi xử lý câu chữ và khai triển vấn đề. Cuốn tiểu thuyết chắc là sẽ tìm được sự chia sẻ của độc giả yêu văn chương.
    HỒ ANH THÁI
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Trích tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của Mạc Can:
    Thời thơ ấu hung bạo
    Cứ mỗi chiều, trong lúc nền trời còn sáng xanh thì dưới những tán lá rậm của không biết bao nhiêu là khu vườn cây ăn trái, chạy dài theo trục lộ từ miệt trên chợ Búng xuôi về Lái Thiêu, tiếng ve hát vang.
    Cây sầu riêng cao thẳng đứng, lá ngả màu hổ phách, cây bòn bon trái tròn, cây dâu xanh với chùm trái dính trên những sợi tua tủa ngộ nghĩnh, cây măng cụt nhánh là đà sát mặt đất - dễ thương là trái măng còn non, vỏ xanh khác thường, mủ măng sống chát nhưng lõi trắng như sữa, giòn ngọt.
    Đêm trong vườn cây nhiều ngôi mộ thắp sáng lân tinh lập lòe, con đường xuyên qua các khu vườn cây không biên giới, chỉ có những cái mương đào xuôi ngược, còn con đường độc đạo từ huyện này qua xã khác chỉ lọt đủ chiếc xe bò. Ánh trăng treo lơ lửng trên bầu trời, cái đèn dầu buồn buồn lắc lư theo nhịp chân bò, nhiều chủ xe bò chở mía hay trái cây, lu khạp chén đĩa về miệt chợ, treo võng nằm đong đưa dưới lườn xe.
    Có khi một hàng dài mấy chục chiếc xe bò rủ nhau bước chậm trên con đường khuya, hai bên cỏ tranh chen lấn mọc dài theo cái trảng sâu dựa nhiều sườn đồi đất cao cao, mưa lất phất, đất lở tuôn xuống đường ẩm ướt lầy lội, đất đỏ dẻo quánh dưới chân; những con bò quen đường tới nỗi chủ nó ngủ khò mà nó vẫn... bò tới chợ. Tuy nhiên chủ xe mía hay trái cây vẫn lo khi tới nhiều khúc quanh trên đường, gần tới cầu Ngang vào khu An Sơn, nơi hiểm địa này họ hay gặp ?oông cướp?- ông này nếu gặp còn khó chịu hơn là gặp ?oông Ba Mươi?.
    Bỗng nhiên lũ bò rống lên thảm thiết, chúng cứ cố lùi lại mặc dù vướng víu gông xiềng; trong gió thoảng mùi khen khét khó chịu còn trên con đường, chỗ trảng tranh đàng xa kia có sự hoảng loạn, bóng một người áo đen phi ngựa bên trái, bên phải, ngoặt ngang, mất hút dưới dốc rồi lại xuất hiện trên cao.
    Bầy thỏ rừng vượt ngang con đường như chớp mắt, để lại nhiều vệt trăng trắng, hai đốÔm sáng ở ngay tim đường sửng sốt, đó là cặp mắt sợ sệt của con nai gạc: có cái gì di động trên đám cỏ tranh dày bên mạn sườn đồi trái, lũ bò bấn loạn kéo những cỗ xe năỳng dạt hẳn qua bên mặt, sau đó trong cỏ tranh có một tiếng gầm thật chói tai, vang xa và lay động cả trời đất.
    ?oÔng Ba Mươi? này mất một chân, chính ổng cắn bỏ chân mình trong cái bẫy sắt rồi sau đó cả ban ngày người ta cũng thấy dấu chân cà thọt của ông trên con đường lầy lội; có khi quanh quẩn bên các lò chén hay cạnh bãi tha ma bên đình thần dưới chợ; có khi bất thần từ trong trảng tranh, ông nhảy ra cắn cổ con bò đang kéo xe.
    Hàng chục chiếc xe bò chở mía, trái cây, khạp lu dừng lại ẩn vào bên bờ đồi đất đỏ, tắt hết đèn, chủ xe dáo dác ngước nhìn lên đồi đất, trên ngọn tranh mọc cao khỏi đầu người, dưới bầu trời xanh thấp thoáng ánh trăng, có một bóng người thanh mảnh chạy như bay. Lẩn quẩn đâu dưới gốc tranh chật chọại có tiếng gầm gừ, một khoảng tranh rộng bị cày nát, con cọp ba chân phóng nhanh như tìm đường thoát, trên đầu nó lúc nào cũng có bóng người theo sát, người đó di chuyển cực khéo trên một cây tre dài, cành cây tre cong oằn làm đòn bẩy cho các bước nhún nhảy xa và cao.
    Mây che gần trọn mảnh trăng, trong trảng tranh dày đang diễn ra một cuộc quần thảo quyết liệt. Lũ bò cứ rống lên từng tiếng lo sợ, trăng lại thoát ra khỏi mây và lại bị mây che khuất, cho tới khi ở chân trời ánh lên một viền đỏ thấp thoáng, mọi sự chợt im lặng nặng nề. Từ trong trảng tranh bước ra một người đàn ông trung niên, bận quần lãnh mỹ a màu đen, áo xá xẩu nút bằng vải hở ngực cho thấy nhiều hình xăm mực xanh đậm, mái tóc đen dài xõa bên vai, trên tay cầm cây mác dài, một thân tre dài bằng khoảng ba người trên vai, cổ quấn cái khăn đen.
    Ông ta cắm cây mác cán bằng gỗ trắc đen giữa tim đường, cây tre dựng bờ đất rồi ngồi bên vệ đường quấn điếu thuốc rê, ánh lửa ở đầu điếu thuốc cháy bùng lên trong sương sớm, cho thấy một khuôn mặt trắng xanh quắc thước lạnh băng. Trên con đường qua trảng tranh lầy lội dấu chân và những dấu bánh xe bò, cây mác dài vẫn cắm giữa đường, nó có nghĩa là mãi lộ, cũng có nghĩa là tiền công đánh đuổi cọp.
    Sau gần chục ngày đường, những chuyến xe bò chậm chạp đã hiện trên một con dốc thoai thoải xuống khu chợ, tiếng lục lạc treo trên cổ bò va chạm reo vui khi chúng ngang qua các khu phố thấp, mái liền nhau đỏ au cùng với rêu xanh và cỏ dại. Đường xuống bến sông chợ cũng qua nhiều con dốc, đồi đất, bên cạnh con suối róc rách với những chiếc gàu múc nước xoay tròn theo cái guồng, kéo nước cho lò chén, rất nhiều lò chén.
    Chợ nằm túm tụm ở bến sông, ghe xuồng tấp nập, cây cầu cũ kỹ, bên này cầu là rạp hát nằm giữa những thân cây sao cao lớn, rậm lá che mát một khoảng sân rộng, chỗ con nít chạy chơi, leo lên cây. Mỗi khi có gánh hát cải lương về hay những ngày cúng đình, chỗ này như một khu hội chợ, đủ trò lô tô bài cào xóc đĩa, bông vụ bầu cua hốt me; tập trung những tay cờ bạc anh chị và cũng tập trung thương lái với bãi xe thổ mộ và xe bò, nơi thả ngựa dê trâu bò nhẩn nha nhơi cỏ. Sau rạp hát ngôi đình thần âm u; sau đình thần là một bãi tha ma hoang vu kéo dài tận chân trời.
    Tảng sáng, trên dốc xuất hiện bóng ngựa. Con ngựa ô đen tuyền của ông Bảy Quờn ***g lên tung hai chân trước, đứng hai chân sau như chào, rồi nó phóng xuống dốc, mất hút sau khu lò chén và bỗng xuất hiện sau đình thần. Ông Bảy ngồi trên yên ngựa, tướng người dong dỏng cao; ông sống bằng nghề chứa bài, sống nhờ sòng bài mà chết cũng vì lá bài, gọi là nghề cơm gạo, dưới tay có nhiều em út canh giữ sòng bài, thạo nghề đâm thuê chém mướn.
    Một bữa chà chốp tới sòng bài gây sự, kiếm tiền, một thân một mình ông Bảy tới nói chuyện với nó. Ông Bảy đi thẳng tới trước mặt chà chốp, nó ngồi uống cà phê trong một cái quán cóc, chưa kịp nói một tiếng bị ông Bảy chém ngay. Chà chốp thấy ông Bảy đi tay không, không ngờ ông Bảy đã giấu sẵn cây mác dài trên máng xối của quán cà phê, chỉ với tay là cầm ngay cán mác, nên chà chốp chưa kịp rút súng đã ngã dài trước sân quán.
    Cả chợ xôn xao tin chà chốp bị Bảy Quờn chém. Ông Bảy tự trói tay mình chờ đám lính tới, trong số họ có người nể ông, không dám đánh đập xô đẩy; ông bị giải lên Sài Gòn ở tù khám lớn, sau đó ra ?oCôn Nôn?. Từ khi ông Bảy Quờn bị bắt thì những chuyến xe bò chở mía hay lu chén không còn thấy cây mác màu đen cắm giữa đường ăn tiền mãi lộ.
    Ông Bảy Quờn biệt tăm không trở lại Lái Thiêu, bỏ lại vợ con trong căn nhà nhỏ cạnh đình thần nhìn ra bãi tha ma. Đứa con trai của ông Bảy lớn lên giống ông như khuôn đúc, tướng mảnh khảnh, da mặt trắng xanh, mái tóc đen dài. Chú tên là Chạy, hiền hậu, đờn ca tài tử rất hay, đáng lý là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không gặp thời nên suốt đời chú chỉ ca hát quanh quẩn nơi mình sinh ra. Sau khi bà Bảy qua đời, người con trai của bà sống thui thủi trong bãi tha ma bên cạnh chai rượu - một cuộc đời vô danh buồn rầu.
    o0o
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    (TIEP THEO)
    Không ai nhìn chú Tư Trắng mà quên nổi bộ tướng của chú, chú gần như một người lùn nhưng thật ra chỉ thấp đậm, vai ngang phè nên trông càng thấp hơn - một khối bêtông chắc chắn như cây cột nhà. Gọi là Trắng nhưng nước da chú ?obánh ít?, mỗi khi chú Tư cười, lóe sáng hàm răng vàng cẩn hình trái tim xanh xanh đỏ đỏ vui mắt. Là nghệ sĩ phóng dao sau đó chuyển qua đi dây hép chùng, chú Tư Trắng nói mình có bị Tây đày ra ?oCôn Nôn? nhưng không nói bị tội gì. Chú kể:
    - Bị cái tướng tao ít ai có cho nên hay bị bắt lầm. Nhờ vậy mà tao mới biết ?oCôn Nôn? là nơi một đi không trở lại. Nhưng đó là đối với ai kìa, còn với ông Bảy Quờn thì ?onơ pa?. Tù hình sự nha, nhưng tụi cặp rằng sợ ổng té đái trong quần, tụi Tây kêu ổng bằng tù du côn khó trị. Ông Bảy kết bè vượt ngục, về tới Bạc Liêu cải danh, có một người vợ khác, đẻ ra hai đứa con một trai một gái. Người con trai của ông Bảy với bà vợ sau cũng nóng tánh y chang như ổng, cũng thoi một thằng Tây làm cho má nó nhìn nó không ra, phải đi nhà thương. Ảnh bỏ xứ lưu lạc giang hồ qua tới bên Xiêm, bên Miến Điện, nhờ đi mà học lóm được nhiều nghề; ảnh tên là Quới, Ba Quới, nhưng ai cũng kêu bằng Hai Trần.
    Tướng cướp áo đen, đánh cọp với cây mác dài cắm giữa đường đòi tiền mãi lộ, tay anh chị chém chà chốp là ông nội của tôi. Tôi có gặp chú Chạy một vài lần, chú kêu cha tôi bằng anh Hai. Có một lúc nào đó đã quá xa mờ trong ký ức sương khói của tôi, tôi nhớ mình có sống một nơi mà trên đường về nhà mình tôi đi qua những hàng cây bồ quân trái chín đỏ đậm, bên cạnh một lò đúc đồng, đúc những cái ống ngoáy ăn trầu ngộ nghĩnh.
    Mỗi chiều ông nội tôi ?ođồng đồng? tôi trên vai ông, tôi ngồi bỏ hai chân xuống ngực ông đong đưa, từ trên vai ông tôi nhìn xuống đất chóng mặt vì nó quá... xa. Ông thích cái tánh lì đòn của tôi, tôi nhớ ông hay bận bộ bà ba may bằng lụa Hà Đông màu mỡ gà, đội nón nỉ rộng vành. Tới đây tôi đã biết tung tích của cha tôi, vì sao tên ông vỏn vẹn chỉ một chữ Trần vừa là họ vừa là tên. Ông tôi đã là người cải danh trốn tránh, cho tới đời cha tôi cũng không khác. Mẹ tôi luôn có nỗi lo lắng tuy bà không nói ra; mỗi khi nhìn anh em tôi bà thường thở dài nói ?ocái nòi này có huông?.
    Sau này, khi có dịp đọc cuốn tiểu thuyết **** vượt ngục về, tác giả người Pháp cũng là nhân vật chính có thật, mô tả những nhà tù Pháp trên các hòn đảo thuộc địa và chuyện tù hình sự vượt ngục; tôi hình dung ông nội tôi cũng không khác chi nhân vật trong tiểu thuyết, duy có một điều buộc tôi phải suy nghĩ: người Pháp vốn được mọi người đều nói rất lịch sự , văn minh, sao lại có quá nhiều nhà tù khắc nghiệt dùng để nhốt chính đồng bào của mình, và lại có nhiều nhà tù không phải trên đất họ để nhốt và hành hạ người bản xứ. Ông tôi nói: ?oA lê tụi Tây này là thực dân?.
    Tôi nhớ ngôi nhà của ông nội tôi ở trong khu xóm chật hẹp trước cổng nhà thờ, mỗi sáng sớm tiếng chuông đổ từng hồi, ông tôi không biết vì sao lại có đạo (thật bất ngờ với tính khí ngổ ngáo như ông) cũng hay đi lễ nhà thờ. Tôi được học vài năm trong trường bà xơ, thật là tiếc cho những ngày êm đềm bên Chúa nhưng tôi lại là con chiên không ngoan đạo. Có lần mẹ tôi ngao ngán nhìn tôi, nói tôi là quỉ ?oLuysiphe?. Trong một buỗi lễ misa, khi đó tôi làm học trò giúp lễ cho ông cha xứ người Pháp, tôi lén uống gần cạn chai rượu chát của ổng rồi ngủ gục sau bàn lễ. Ông nội tôi xách lỗ tai tôi đi khắp xóm đạo, không cho tôi đi học trường nhà thờ. Khi cha tôi bị ông tôi đuổi ra khỏi nhà, cha lập một gánh hát, tôi lại theo cha tôi, còn Chúa cũng không còn nhớ làm gì cái thằng nhỏ uống trộm rượu của Người.
    Ông nội tôi hay ở trần quấn xà rông, nhờ vậy tôi được dịp chiêm ngưỡng một bức tranh đầy màu sắc thần thoại trên khắp người của ông, bức tranh mỹ thuật khó có trên da người. Hai đầu gối thật là thích hợp cho việc xăm hai đầu voi kể cả tai và vòi, dài cho tới tận bàn chân; ông thường để tôi ngồi... ôm voi, rồi ông đong đưa cái vòi. Trên ngực ông diễn ra thường trực trận chiến khốc liệt giữa Tề Thiên Đại Thánh với Na Tra đi trên hai bánh xe lửa, Ngưu Ma Vương với Sa Tăng đáng lý đánh nhau sau lưng ông tôi nhưng vì thiếu chỗ nên họ chạy lung tung từ nửa phần lưng ra tới ngực. Hai cánh tay của ông xăm quá nhiều bùa Miên, còn trên lưng ông là đủ loại thú dữ, cũng không thể thiếu con rồng, binh tôm tướng cá cùng những vết sẹo đâm chém ngang dọc và những vết roi vết phỏng. Lại có ba dấu lạ ẩn sâu như đồng tiền gần bả vai ông, ông nói đó là vết đâm của cây đinh ba.
    Ông tôi ngủ không yên với trận hỗn chiến trên da. Ông là một tay anh chị thời kỳ khai hoang, ngộ nhận về những người anh hùng cá nhân kiểu Lương Sơn Bạc. Tôi rất kính trọng thương yêu ông tôi nhưng hoàn toàn khó mà hãnh diện về điều này, bởi cuộc đời ông là bạo lực, bạo lực mà ông đem tới cho người khác, đồng thời họ cũng đáp lại bằng bạo lực đủ cách, đủ trò với ông.
    Rồi một buổi chiều như mọi buổi chiều thông thường chán ngán khác, khi chuông nhà thờ vang lên báo tử, tôi không hề nghĩ ông tôi phải chết, mà tôi cũng chưa biết chết là gì. Mẹ tôi khóc nói với tôi: ?oÔng nội con về nước Thiên đàng rồi?. Cha tôi không khóc, có lẽ cha tôi nghĩ: ông nội tôi bay lên trời với hình dáng xanh xanh đỏ đỏ như con tắc kè bông như vậy chắc cũng làm cho ông thánh Phêrô nghi ngại.
    Ông nội tôi nằm yên lặng trên chiếc giường, hai bàn tay chắp trên ngực, cha xứ vẩy nước thánh trên người ông, xua đuổi ma quỉ. Lẽ ra mỗi chiều vào giờ này ông hay đồng đồng tôi trên vai đi chơi khắp trong xóm, nói chuyện Nga - Tây - Anh - Mỹ đại chiến ?otrục tam cường? Đức - Ý - Nhật với người thợ đúc ống ngoáy trầu. Bây giờ tôi cứ nhìn ông, không hiểu vì sao ông cứ nằm đó, cứ nhắm mắt, chưa biết ông đã chết.
    Rồi ông nội được đem đi xa khỏi thành phố tới một nơi gọi là Gò Dưa. Năm tháng trôi qua, một vài lần cha mẹ tôi với mấy anh em tôi còn chịu khó tới thắp nhang trên nấm đất sần sùi mà ông nằm ngủ bên dưới nhưng về sau thì thưa dần và dứt hẳn, không một lý do nào khác hơn là mọi người hầu như đã quên ông. Cha tôi bán ngôi nhà trước cổng nhà thờ để trở lại nghề gánh hát. Khu nghĩa địa Gò Dưa xa xăm đó về sau bị san bằng để lấy đất cất nhà cho những người còn thức, ông tôi ngủ quên mất cả hồn lẫn xác.
    Dường như không còn ai nhớ tới ông tôi ngoài tôi; tôi nhớ một người ruột thịt quá đỗi thương yêu tôi mà tội nghiệp ông tôi với những vết sẹo quá đáng ông mang trên thân người. Ông sống một cuộc đời nhọc nhằn, không bình yên, sau khi ngủ cũng khó yên giấc; lũ quỉ dữ mà mẹ tôi gọi là ?oLuysiphe? sẽ tiếp tục gây cho ông nhiều vết thương khác - những con quỉ tai dơi đuôi chuột cống mà tôi thấy trong bức tranh u ám ?oGiờ lâm chung? của quyển Kinh Thánh.
    Khi ông tôi còn sống ông cũng cưng anh tôi theo cách khác hơn với tôi. Ông thường làm những con diều bằng giấy bạch, loại giấy nhẹ và rất dai cho anh tôi. Ông cũng cưa cắt gỗ, làm cho anh những cái ná thun. Nhưng ông tôi đối xử hoàn toàn khác với con trai của ông; ông với cha tôi xung khắc mặc dù cả hai giống nhau như hai ngọn núi lửa.
    Lạ thay, càng lớn lên tôi càng thấy mình giống những người sinh ra mình: tôi cũng là một ngọn núi lửa tuy tôi nhu nhược và có vẻ ngoài chịu đựng; trong lòng tôi là một khối ưu tư, bất mãn, nóng nảy kinh người. Tôi là cái cộng lại của hai ngọn núi lửa nhưng nó cuộn vào trong. Trên khuôn mặt nguội ngắt trơ như đá của tôi chỉ có đôi mắt là sáng và có vẻ hài hước; nhưng trong những cơn điên vì giận tôi thường cụng cái đầu hớt trọc đã quá nhiều sẹo của tôi vào tường và vào bất cứ đâu, miễn làm cho tôi nguôi ngoai dù mẹ tôi không vui:
    - Thằng này nó giống ai mà mang chứng bịnh điên?
    Có lẽ không ai biết rõ mình hơn là chính con người đó. Tôi biết mình hay có những cơn điên bất chợt. Khi bị ai chế giễu hai lỗ tai tôi nặng như đeo chì và lạnh tới nỗi tôi không còn cảm thấy nó còn trên đầu, còn người tôi lên cơn sốt; may mà tôi lại là kẻ nhút nhát nên thường thì tôi bườm vào một chỗ vắng nào đó, để còn mỗi một mình rồi ngồi khóc. Bình thường tôi cũng đã yêu sự cô độc, cơn giận càng làm cho tôi trốn tránh mọi người; tôi chờ khi lửa giận tắt lịm trong tôi, tuy vậy cũng có khi nó cũng nhen nhóm việc trả thù, bởi trong tôi di truyền dòng máu thảo khấu nên tôi lo sợ rồi một ngày nào đó tôi cũng phải giết một người...
    Ông nội tôi có nuôi một bầy bồ câu trong cái chuồng cao ngang cháng ba của một cây trứng cá mà ông trồng, nơi tôi thường leo lên ngồi suốt buổi nhìn những con bồ câu. Thiệt ra chúng không hiền lành, những con bồ câu hung bạo giành ổ, đánh nhau dữ dội. Ông tôi cũng nuôi một con cá bông dữ dằn dưới đáy giếng sâu trước sân nhà, cạnh chuồng bồ câu; ông thường cõng tôi đi bắn những con thằn lằn cho cá ăn, khi nghe tiếng ông tôi chắt lưỡi từ trên miệng giếng, con cá bông quẫy đuôi trồi lên mặt nước, trông nó như con thủy quái với hai hàm răng nhọn trắng dã, đớp không trật những con thằn lằn tội nghiệp nhiều khi còn sống.
    Một đêm trước nhà ông tôi, cạnh con đường lớn có đường ray xe lửa, tiếng còi báo động rú lên ầm ĩ, những vệt sáng quét ngang quét dọc trên nền trời đen làm lộ ra những chiếc máy bay, lũ lính lê dương gạch mặt chặn hai vợ chồng một người đi đường, chúng hiếp người vợ và bắn chết người chồng...
    Chung quanh thời thơ ấu của tôi hung dữ và đầy bạo lực, kể cả những con bồ câu.
    MẠC CAN
  6. trietanhhuy

    trietanhhuy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/12/2004
    Bài viết:
    22
    Đã được thích:
    0
    Bạn nào có truyện ngắn "Tấm ván phóng dao " của Mạc Can thi post lên cho mọi người đọc với. Cảm ơn các bạn nhiều.
  7. bunnie

    bunnie Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/08/2005
    Bài viết:
    1.068
    Đã được thích:
    0
    Tấm ván phóng dao của Mạc Can không phải là truyện ngắn, cuốn tiểu thuyết dày khoảng hai trăm trang.
    Tôi đã rất yêu thích tác phẩm này, xuyên suốt câu chuyện là những mảng ký ức u buồn...
    Không có gì làm cho tôi sợ hơn là cơn mưa lúc nửa đêm, vì với riêng tôi, nhìn giọt mưa rơi long lanh, nghe tiếng mưa rì rào, tí tách, chẳng khác nào những lời thì thầm bên tai, nhắc nhở lại quá nhiều nỗi buồn, của cuộc đời đã qua. Ai có tới một chợ quê, trong cảnh tha phương cầu thực với cách gánh hát nghèo mới biết, mưa cầm chân người mua vui ở nhà, mưa làm cho sân khấu phông màn buông rũ buồn hiu. Con hát đói lạnh, không biết ngày mai sẽ ra sao, mà vốn liếng vào có gì cho cam, ngoài một giọng hát, hay một trò xiệc, trên hai bàn tay trắng.
    Mưa rơi lộp độp trên mái nhà ***g chợ vắng tanh, chợ không người, sâu khấu không ánh đèn, không khán giả, buồn ai oán, chugn quanh mờ mịt gió nước, tiếng ếch nhái ồm ộp, một lúc vang vang, một lúc lặng thinh. Tiếng mưa rơi hoài, não ruột suốt canh thâu, tôi thao thức mòn mỏi cho tới khi thiếp đi, bàn tay lạnh vô tình đưa lên khuôn mặt không thể nào gột sạch dấu phấn trắng, chì đen, son đỏ. Đôi mắt sâu thăm thẳm lấy đếm làm ngày, trng mưa, từ cõi nào vẳng lại tiếng cầu kinh hoang moang, dàn đồng ca của kiếp côn trùng nơi bùn lầy nước đọng không khác gì cuộc đời của những người hát rong.
    Tôi chợt thức dậy ngu ngơ, phải một lúc mới nhớ mình đang ở đâu, tôi đang ngồi trên cái giường của tôi, một tấm ván đầy vết dao, những vết thương không bao giờ lành, đau đớn, ẩm ướt. Ngoài kia, một khoảng không gian u ám, bỗng có vài ánh đèn dầu tù mù, tiếng người thì thầm, chợ quê nhóm lúc nào, người ta gọi là chợ ma, trời chưa sáng chợ đã vội tan, còn một mình tôi trơ trọi ngơ ngác, mộng du nửa thức nửa ngủ, tôi đi, mơ hồ giữa trời đêm, đứng nhìn về phía nhà ***g chợ, nơi gánh hát rong của gia đình tôi mới tới chiều nay. Cơn mưa làm cho tấm bảng quảng cáo hình nhân nhạt nhòa, loang lổ, mưa cũng làm cho tấm bảng hiệu Nghệ Tinh, tên gánh hát nghèo của cha tôi hoen úa đi, mà cũng mưa khiến cho cả nhà đói meo như vầy đây, cha mẹ tôi cứ mãi lang thang, chúng tôi không có tương lai, sống rày đây mai đó, biết khi nào có một mái nhà, được về nhà. Cuối trời một màu mây biếc, màu tím pha chút xanh lam lạnh nhạt, lúc sau ửng hồng một ngày mới, trên những chiếc lá non còn long lanh giọt nước mưa khuya, còn ngày hôm qua ư, đã chết đi rồi.
    Tôi rất thích những buổi sáng tinh sương, mọi vật như ngưng lại, hay là chưa bắt dầu cho những xôn xao, tâm hồn con ng ta cũng chợt bâng khuâng yêu mến cuộc sốn ghơn, yêu người và mọi vật chung quanh hơn. Buổi sáng nào, ở đâu, nơi tôi ngang qua cũng đượm buồn, còn hơn là vì vậy vì nơi đây vắng người. Tôi chợt thấy cha tôi, tướng ông nhỏ thó thấp lùn, cái lưng tôi cũng gù gù cực nhọc như ông, ông chầm chậm bước ra khỏi nhà ***g chợ, điếu thuốc đen trên môi ông cháy đỏ lập lòe. Ông dứng trước chợ, buổi sáng hôm đó, nhìn gánh hát rong tội nghiệp của ông, có lẽ từ đầu hôm đến giờ, hay là suốt nhiều đêm dài trong cuộc đời cha tôi. Ông khó ngủ yên, cha tôi không có gì trong tay ngoài vài trò ảo thuật, và một gánh hát tả tơi. Ông đứng bất động một lúc khá lâu. Đó là một người cha hết lòng thương yêu vợ con, một nghệ sỹ tận tuỵ với nghề, đứng nhìn cơ nghiệp mong manh của mình, rã rời sau cơn mưa lúc nửa đêm.
    Ông xoay người lại và nhìn thấy con của ông, cho tới khi nào tôi lìa khỏi cõi đời này, tôi không bao giờ dám quên giây phút đó. Cha tôi bước trên con đường thật vắng, mờ mờ sáng. Ông tới gần tôi, tôi chợt thấy tóc ông đã nhuốm bạc, chúng tôi cùng bước đi bên nhau, từ khi tôi chào đời cho tới khi tôi lớn lên, lần đầu tiên Cha tôi ở gần tôi, vuốt tóc tôi. Ông không nói gì với tôi, điếu thuốc lá đen vẫn ở trên môi ông, cho tới khi trời rạng, hai cha con trở về nhà ***g chợ. Hơn ba chục năm sau, trong một gánh hát khác, tôi có dịp trở lại chợ Sài Đôi, một sáng tôi bước trên con đừơng này, khung cảnh khác xưa bếit là bao, sung túc hơn, nhà ***g chợ khang trang hơn, có một nhà hát bề thế hơn, tôi nhớ Cha Mẹ tôi bằng tất cả tấm lòng của người con, nhờ Cha mà con có một nghề để sống, làm vui cho nhiều người, như Cha.

    [nick] [/]
    Được bunnie sửa chữa / chuyển vào 22:44 ngày 07/12/2005
  8. bunnie

    bunnie Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/08/2005
    Bài viết:
    1.068
    Đã được thích:
    0
    Tôi sinh ra trên một dòng sông, mái nhà của gia đình tôi là mui một chiếc ghe nhỏ. Cha tôi một người hát rong, sống lưu linh lưu địa, ông có tánh hào phóng vô lo, lại khá nóng nảy. Nói như ông tôi thì... nếu trong lu của Cha tôi chiều nay còn chút gạo, ngày mai hẵng tính, gạo chợ nước sông, trên bến dưới thuyền, cá mắm tôm cua vùng lục tỉnh Nam Bộ bên cạnh con người. Còn Mẹ tôi là một người đàn bà bình dân, vui tánh, bà kg biết một chữ cái, đổi lại nhiều trí tưởng tượng, bà hay kể về tôi:
    - Thằng này ngộ lắm, mới đẻ nó ra, chút xíu nó đã cười rồi, chắc mụ bà móc miếng dạy nó làm hề?
    Mẹ tôi thích câu nói hài hước này, bởi mỗi lần bà nói xong, ai cũng nhìn tôi lấy làm... lạ, như tôi đây là người từ cung trăng rớt xuống. Tôi quen dần với những nụ cười chugn quanh tôi, từ thời thơ ấu cho tới lúc già, tôi sống khác thường với khuôn mặt buồn hiu. Và tôi cũng quen đi với nhiều ngộ nhận, vô cùng bất tiện khi quan hệ với cuộc sống, thói thuờng vốn vô tâm. Tôi trộm nghĩ: đầu tiên, sau khi tôi là một phôi thai, tôi là một trái tim nhỏ, lo lắng, hồi hộp, tự thân tôi không thể nghe được nhịp đập của tôi, mà là Mẹ tôi, lần hồi trong một thời gian khá dài tôi mới cảm biết được rằng tôi đang sống trong một thế giới nào đó, chật hẹp. Rồi,,, một hôm tôi lắng nghe tiếng thì thầm, tiếng người ở một thể giới khác sinh động hơn, nhưng tôi không hiểu họ nói gì, cho tới một buổi chiều, tôi thoát ra khỏi nơi đó, ngay lập tức tôi khóc, vì một vết cắt đau nhói nơi nào đó trong thân thể tôi, tôi liền mang một vết sẹo để đời, có thể gọi là xấu, mà tôi lại vô tội!
  9. trietanhhuy

    trietanhhuy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/12/2004
    Bài viết:
    22
    Đã được thích:
    0
    bạn bunnie ơi, sao bạn không post tiếp nữa? Ngày nào cũng vào coi bạn có post tiếp không .Cảm ơn bạn nhiều nhé . Mong được đọc truyện tiếp lắm lắm ...
  10. Thu_6

    Thu_6 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/12/2003
    Bài viết:
    8.454
    Đã được thích:
    0
    Tớ đọc cuốn này rồi, sao lại không có cảm nhận như mọi người nhỉ? Đọc truyện, tớ cứ bị hỗn loạn giữa hiện tại và quá khứ đan xen... Đọc truyện, mà tớ thấy mệt... Đôi lúc, bắt được câu văn hay thì cũng không đủ sức nghiền ngẫm nó nữa...

Chia sẻ trang này