1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mấy vấn đề về: NGHIÊN CỨU & PHÁT TRIỂN THƯ PHÁP.

Chủ đề trong 'Nghệ Thuật Thư Pháp' bởi Quan_Di_Ngo, 19/05/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    Mấy vấn đề về: NGHIÊN CỨU & PHÁT TRIỂN THƯ PHÁP.

    1. Trong mấy năm gần đây, Thư Pháp nói chung ( chũ Hán và chữ Quốc Ngữ), phát triển một cách rất mạnh mẽ. Khắp ba miền đất nước, nơi nào cũng có người tập, người chơi và xem Thư Pháp như một thú vui tao nhã. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Nha Trang... thì phong trào chơi và tập luyện bộ môn này càng phát triển. Tuy nhiên, điểm lại một số hoạt động trong công tác Nghiên Cứu & Phát Triển Thư Pháp ở Việt Nam, thấy rằng công tác này còn yếu và chưa đi vào quỹ đạo. Những công tác Nghiên Cứu còn theo lối tự phát, cá nhân. Không có sự chỉ đạo nghiêm túc từ các ban ngành liên quan, thành ra, hầu hết các sách, tài liệu in ấn đều do các tác giả tâm huyết tự bỏ tiền ra in, tự phát hành. Do đó, vấn đề truyền bá vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cả về hình thức lẫn nội dung.

    Sự ra đời của các Câu Lạc Bộ Thư Pháp trong cả nước là những bước đi đáng mừng, tuy nhiên, nếu chúng ta dừng lại ở những hình thức hoạt động đó, vô tình chúng ta đang chặn lối cho con đường phát triển của Thư Pháp ( cả Việt lẫn Hán). Những hình thức hoạt động CLB, theo tôi nhận thấy là, hoạt động theo phương châm lấy Thư Pháp nuôi Thư Pháp, có chăng sự tài trợ là không nhiều. Vì thế, những người có tâm huyết gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng loại hình này đến các tầng lờp trong xã hội. Cần phải có kế hoạch đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm và ứng dụng, thì mới mong những bước đi tiếp theo sáng lạn hơn.

    2. Với những thống kê mới nhất cho biết về số lượng người tham gia luyện tập bộ môn Thư Pháp chữ Việt cũng như chữ Hán trong cả nước, ở các CLB, các trường lớp, các hội nhóm...là rất đáng kể. Tuy chưa có con số cụ thể, nhưng ước chừng trong cả nước con số lên đến hàng triệu. Chúng ta có quyền vui mừng về điều này, tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại rằng, công tác phát triển Thư Pháp trong phạm vi rộng ( cả nước) rất khiêm tốn. Chủ yếu những người chơi và tham gia là những người có điều kiện, và sống tập chung ở các khu đô thị. Điều khác hẳn và trái ngược với thời xưa. Không vì điều trái ngược đó, vì chúng ta đều hiểu được vấn đề là xã hội ngày nay buộc tình hình phải như thế. Vấn đề tôi muốn bàn luận ở đây là vấn đề truyền bá Thư Pháp. Làm thế nào để đưa bộ môn này phát triển rộng hơn trong các tầng lớp xã hội? Ai là những người tâm huyết trong việc này? Tổ chức nào đứng ra trong công tác truyền bá? Các CLB mới chỉ làm được cái việc phát triển uy tín và chất lượng trong tầm với của cấp CLB, và xa hơn là họ nuôi sống được CLB của họ đã là điều đáng mừng. Cho nên, nếu nhờ đến họ trong việc này, e rằng không khả quan cho lắm.

    Nếu thực sự đã xếp Thư Pháp vào hàng những phân môn hay bộ môn nghệ thuật, cần phải đưa vào giảng dạy ở một số trường đào tạo chuyên môn về KHXH&NV, có như thế thì mới xứng tầm cho nó và công tác Phát Triển mới thực sự đi vào hoạt động.

    Mong rằng, những cố gắng không mệt mỏi của một số người đã đang và sẽ tiếp tục làm trong công việc Nghiên Cứu & Phát Triển Thư Pháp ở Việt Nam sẽ được cổ vũ bởi những hướng đi mới, thiết thực hơn, cụ thể hơn từ những quyết định của Bộ Văn Hoá Thông Tin hay Bộ Giáo Dục - Đào Tạo. Cũng xin cầu chúc cho Thư Pháp nước nhà sớm có một chỗ đứng khiêm tốn trong các tiết dạy trên giảng đường các trường Đại học, Cao Đẳng...

    ( Trích: Giáo án giảng dạy Thư Pháp Nhập Môn, Trịnh Tuấn, Nhà Thiếu Nhi Quận 5, TP.HCM )
  2. songxua

    songxua Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/05/2004
    Bài viết:
    54
    Đã được thích:
    0
    VÀI LỜI VỀ CHUYỆN THƯ PHÁP CHỮ VIỆT
    Chữ Hán vốn có vị trí quan trong trong đời sống của một số quốc gia trong đó có Việt Nam. Càng về sau do tính chất độc lập của mỗi dân tộc, chữ viết đã phát triển riêng biệt. Nước "Đại Việt ta từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu" dân tộc Việt vốn có một "nền triết học riêng biệt" đáng chú ý là thuyết "âm dương ngũ hành" của nền văn minh Văn Lang phát triển rực rỡ lúc đất nước Trung Hoa còn trong tình trạng "man di". Khi sức mạnh của nền " văn minh du mục" phát triển, các dân tộc phương Bắc tràn về bờ Nam sông Hoàng Hà thì nền văn minh Văn Lang chuyển giao lại. Đây là vấn đề lớn không thuộc phạm vi diễn đàn này, nên không bàn rộng ở đây, điều muốn nói ở đây là vấn đề chữ viết. Với một dân tộc có một triết lý sống và nền văn minh riêng biệt hẳn phải có chữ viết riêng biệt. Dân tộc Việt đã có loại chữ viết của riêng mình trước khi chữ Hán du nhập và xoá sổ nó bằng "sức mạnh du mục". Chữ viết cổ của người Việt được thể hiện ngoằn ngoèo nên các nhà nghiên cứu gọi là chữ "nòng nọc". Bức tranh Đông Hồ có tên là "thầy đồ cóc" có liên quan đến vấn đề này. Vì sao chọn con cóc làm thầy đồ mà không chọn con vật khác, ngày nay bức tranh này vẫn còn tồn tại, nó là minh chứng cho chữ viết nòng nọc nói ở trên!
    Bởi tính chất "có một triết lý riêng biệt" nên dân tộc này đã không bị đồng hoá sau ngàn năm nô lệ, đó là điều không phải dân tộc nào cũng có được. Sự ra đời của chữ quốc ngữ, mượn những đường nét của La Tinh là một cuộc cách mạng lớn nhất của dân tộc để xoá bỏ cái "mà những kẻ xâm lăng đã tốn công hàng ngàn năm". Tôi nhấn mạnh chữ đường nét là để các bạn thấy rõ rằng chữ Việt ngày nay hoàn toàn không còn là chuyện "la tinh" mà nó chỉ là "hệ thống ký hiệu" riêng biệt, không liên quan gì đến "la tinh"
    Từ sự phát triển ấy cho thấy thư pháp (nghệ thuật viết chữ) hoàn toàn có thể tạo ra tính chất riêng biệt mà chẳng cần gì đến Trung Hoa. Tất nhiên các bạn sẽ phản bác: Nếu không cần thì sao dùng đến bút lông?" Xin thưa cây bút lông cũng chẳng phải tài sản độc quyền của người Trung Hoa. Có thể đó là phát minh của dân tộc khác, do quá trình xâm lăng người Trung Hoa đã nhận nhưng tinh tuý của dân tộc khác về mình, giống như chuyện đôi đũa của người Việt đã bị người Trung Hoa nhận là của họ vậy. (Trong một dịp khác nếu có thời gian tôi sẽ đưa ra chứng minh về chuyện đôi đũa).
    Vì những lý do trên việc phát triển bộ môn thư pháp chữ Việt với phong cách riêng cần có sự dũng cảm của các bạn trẻ vượt qua được mặc cảm "nhược tiểu" và cũng không cần mang thư pháp chữ Hán ra để định giá thư pháp chữ Việt.
  3. rosered

    rosered Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/06/2003
    Bài viết:
    1.320
    Đã được thích:
    1
    Bạn songxua nói như vậy thì không phải:
    Tôi không nhắc đến sai lầm của bạn khi khẳng định " nền văn minh Âu Lạc - Văn Lang phát triển rực rỡ trong khi Trung Quốc vẫn ở tình trạng man di.....thuyết âm dương ngũ hành....",trong phạm vi box này tôi xin bàn luận về chữ. Thuỷ kinh chú đã nhắc về chữ hoả đầu của người Việt viết như nòng nọc nhưng bạn nên nhớ, cho tới nay chưa tìm thấy một cứ liệu lịch sử cụ thể cho loại chữ viết này (trong khi Trung quốc đã đào được loại chữ viết cổ nhất của họ tại Ân Khư - kinh thành nhà Thương xưa. Ở đây cũng nên chú thích thêm, nền văn minh Âu Lạc Văn Lang chỉ tương đương với nhà Chu thôi và đánh dấu bởi sự kiện huyền sử: nước Việt Thường ở phương nam cống chim trĩ trắng 1134 TCN). Sự cách biệt lâu đời như vậy thì chẳng có sự liên hệ nào với tranh Đông Hồ tuổi đời vài trăm năm cả.
    Bạn Songxua đã vô tình hay cố ý bỏ qua chữ Nôm để phục vụ cho ý đồ khu biệt hệ chữ la tin của Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa. Xin thưa với bạn, chúng ta xoá bỏ được những cái mà "kẻ xâm lăng đã tốn ngàn năm" nhưng lại học cái mà "kẻ xâm lăng đã tốn tám mươi năm". Chữ La tin Việt hoá vốn quy công đầu cho giáo sĩ Alexander Rohx. Bạn đã từng đọc quyển từ điển Việt Bồ Latinh của ông chưa? Những bài giảng đạo bằng chữ Việt của ông ta bạn đã đọc chưa? Chúng ta chỉ có công trong việc quy chuẩn hoá chữ Quốc ngữ về văn phạm và chính tả mà thôi.
    Bên cạnh đó việc bạn không nhắc đến chữ Hán và quá trình ra đời của chữ Nôm, đó là sự phủ nhận quá khứ cũng là sự phủ nhận nền văn hiến của dân tộc ra. Những lý luận như vậy, vô hình chung đã làm chúng ta - những người của thế kỷ 20, 21 bị cắt đứt với những gì cha ông để lại. Truyện Kiều, Quốc âm thi tập....... bạn đã đọc chưa hay cho rằng Nguyễn Du, Nguyễn Trãi viết thơ đó bằng chữ Quốc ngữ.
    Đồng ý rằng, chữ Quốc ngữ hiện nay chẳng liên hệ gì với chữ biểu ý của Trung Quốc nhưng bạn nên nhớ hơn 70% ngôn ngữ Việt Nam chính là âm Hán Việt đấy ( thực ra đó chính là Đường âm được dạy tại các trường Giao Chỉ ở cuối đời Đường, được bảo lưu tới giờ).
    Tái bút: Bút lông không phải tài sản độc quyền của Trung Quốc? Chữ " có thể" của bạn đơn giản quá, bạn nên căn cứ vào những gì đã có để phán đoán. Sử liệu cũ viết rằng Mông Điềm, tướng của Tần Thuỷ Hoàng đã làm ra bút lông thay cho bút khắc lên thẻ tre, nhưng gần đây người ra đã phát hiện trong một ngôi mộ thời Tiên Tần có bút lông. Vì vậy phải nói người trong thời kỳ Chiến Quốc đã phát minh ra bút lông và Mông Điềm chỉ có công phổ biến bút lông thôi.
  4. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    Kính thưa quý bác,
    Hình như quý bác tham gia trong topic này đều đang đi lạc vấn đề được đưa ra là: Mấy vấn đề về: NGHIÊN CỨU & PHÁT TRIỂN THƯ PHÁP. Tôi xin lỗi được nói thẳng, đọc mấy bài reply của quý bác, chẳng thấy bài nào có tính chất của việc Nghiên Cứu hay Phát Triển cả. Nếu cần, xin quý bác hãy mở một topic khác để bàn luận tiếp.
    Tôi nhận thấy chúng ta đang cố đưa ra những lí lẽ để biện hộ cho ý kiến của mình, và chưa đi đến một thống nhất chung nào cả. Tôi xin được nói thẳng, hiện nay ở Việt Nam chưa có một văn bản chính thức nào trong việc công nhận hay thừa nhận tất cả những gì chúng ta đang bàn trong topic này. ( Về Thư Pháp, không phải vấn đề về ngôn ngữ hay chữ viết.) Tôi giám khẳng định điều đó. Tuy nhiên, không vin vào lí do đó mà chúng ta im lặng, cũng không vì như thế mà chúng ta cố tạo ra những ý kiến ngược nhau không thống nhất. Cái đích cuối cùng phải là cái chung nhất, được tích lọc từ những cái riêng của trí tuệ bao người. Có như thế thì mới có thể tự tin mà nghĩ đến thế hệ sau chúng ta, con cháu còn cầm đến cây bút lông ( cọ) để mà ngồi luyện chữ. Xin lỗi quý bác, chúng ta cứ nói cho hay, chứ thực sự đã mấy người đem cái hay của mình truyền thụ cho người khác. Kiểu hay " sống để bụng chết mang đi ", và xem nó như cái mình hơn đời để quá tự hào và vỗ ngực thì keo sỉn lắm! Hãy làm một việc gì đó cho có nghĩa trước khi ngồi xuống bàn tán những chuyện trên trời dưới đất. ( Xin lỗi quý bác nào cảm thấy mình như thế )
    Vấn đề diễn tiến của topic này, tôi sẽ tiếp tục bằng các bài cảm nhận của các học viên vừa kết thúc khoá học Thư Pháp Nhập Môn tại Nhà Thiếu Nhi Quận 5 - TP.HCM, lứa tuổi từ 8 - 54 tuổi. Xin mời quý bác đón đọc. Xin cảm ơn và kính quý bác!
    Được Quan_Di_Ngo sửa chữa / chuyển vào 00:41 ngày 23/05/2004
  5. songxua

    songxua Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/05/2004
    Bài viết:
    54
    Đã được thích:
    0

    Xin lỗi các bạn và bác Quản là trong bài viết trước tôi đã đưa vào vấn đề không phù hợp với diễn đàn này để các bạn phải mất công "giải thích lại" và cũng làm cho một bạn mất công "khen tặng" cho dấu phẩy sau tên của nhà triết học Kim Định mà tôi đã sử dụng tư tưởng của ông trong bài viết. Việc sử dụng một "giọt nước" trong "đại dương tư tưởng" của bậc tiền bối mà bạn chỉ cho thêm một dấu phẩy thì quá vinh hạnh cho tôi. Tuy nhiên vần đề này là chuyện không phải tranh cải chốn này.
    Điều mong muốn của tôi cũng như của những người yêu thích thư pháp trong diễn đàn này (còn những người không thích thì không cần vào diễn đàn này làm gi) là có được sự phát triển "nghệ thuật viết chữ Việt" bằng bút lông trở thành phổ biến trong tương lai, là điều đáng quý với người đã tâm huyết và bỏ công sức tạo ra diễn đàn này.
    Chúng ta ai cũng biết chữ Hán là loại chữ dùng cho "nền giáo dục 5% dân số còn chữ Việt hiện nay dùng cho nền giáo dục 100% dân số." Vì vậy thư pháp Việt cũng cần chú ý đến điều này. Chữ Việt là ký hiệu để ghi âm nó hoàn toàn không "tượng hình" như chữ Hán. Chữ Việt có nhiều nghĩa khác nhau tuy theo ngữ cảnh chứa nó. Nói vây để thấy một cái sai hiện nay trong thư pháp Việt là có một số người cố tình uốn éo kéo chữ cho thành cái hình nào đó là không nên. Ngoài ra một đặc tính qua trọng nhất của thư pháp là tính "đơn giản" và người viết thư pháp không phải là thợ vẽ, viết chữ hoàn toàn không phải là chuyện "tô chữ" như bạn nào đó đã châm biếm trên diễn đàn này (không nhớ ở mục nào)
    Mong rằng "các viết chữ Việt đẹp" bằng bút lông sẽ trở thành phổ cập và mang sác thái Việt trong tương lai nhờ sự đóng góp của mọi người yêu thích bộ môn này.
    thân ái
  6. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    THƯ PHÁP VIỆT VÀ MỘT VÀI SUY NGHĨ...
    Thư Pháp Việt với những giá trị nhất định đã đạt được trong mấy năm gần đây, có thể nói đó là một thành tựu đáng kể. Khắp các tỉnh thành trong toàn quốc, đâu đâu cũng có người chơi, người thưởng thức và tập luyện, điều đó chứng tỏ tính quần chúng trong Thư Pháp Việt đã định hình và phát triển. Trên khắp các nhà sách, siêu thị, quầy báo..., đều có sự hiện diện của những bức Thư Pháp Việt với những nội dung trong đó vô cùng phong phú. Những điều vừa nói, cho phép chúng ta có quyền nghĩ đến một tương lai sáng lạn hơn về loại hình nghệ thuật mới nhưng mang tính phổ cập đại chúng này.
    Thư Pháp Việt hay nói đơn giản hơn như nhà báo Nguyễn Một, phóng viên báo Tiền Phong là, cách viết chữ Việt đẹp bằng bút lông, đã thực sự đi vào đời sống xã hội, tiếp cận các tầng lớp dân chúng thông qua con đường gần nhất: Thể hiện nội dung mang tính quần chúng, đa dạng nhưng bình dân, dễ đọc, dễ hiểu. Người lớn tuổi, am hiểu nhiều về kinh nghiệm cuộc sống hiểu một cách, người ít tuổi, đường đời trải nghiệm ít hơn hiểu theo cách khác, lớp trẻ lại có những nhận thức khác nữa..., mọi người đều đọc được, hiểu được, vì đơn giản nội dung được viết bởi chữ Quốc Ngữ - loại chữ của người Việt đang sử dụng.
    Có chứng kiến lớp học của nhóm Thảo Đàn do cô Lãng Nhân phụ trách tại công viên Tao Đàn, quận I, Tp.HCM, thì mới thấy giá trị to lớn của loại hình nghệ thuật này. Nghe cô tâm sự và nghe những đứa trẻ lang thang đường phố í ới gọi nhau trong lớp Thư Pháp Nhập Môn, càng hiểu hơn và tâm huyết hơn với cái việc mình đang theo đuổi. Cô nói:
    - Hồi đầu thật rất khó khăn, các em không phải là những thiếu nhi được giáo dục đàng hoàng, mà hầu hết là trẻ lang thang cơ nhỡ. Tập hợp được các em đã là một điều khó, dạy học cho các em lại khó hơn, mà truyền đạt kiến thức và phương pháp tập luyện Thư Pháp cho các em thì quả là vô cùng khó.
    Thế nhưng, khi nghe câu chuyện về một em bé khi mới vào lớp học, còn cầm dép ném vào lưng cô khi cô đang viết bảng... Sáu tháng sau, chính em đó đã viết được Thư Pháp Việt, cùng với các bạn của mình viết chữ tặng cho khách tham quan Hội chợ thương mại Việt Nam chất lượng cao. Và cảm động hơn là cũng chính em đó đã viết bức Thư Pháp với hai chữ Tri Ân tặng cho chú công an phường trước đây đã bắt em khi em có hành vi phạm pháp...
    Những câu chuyện, những tấm lòng...như những bức thông điệp chứa những hứa hẹn tốt đẹp cho một sự phát triển mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn của Thư Pháp Việt. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm tốt được công tác phát triển này. Muốn phát triển, thì phải chuyên sâu nghiên cứu học hỏi, tăng cường giao lưu và tiếp thu những tinh hoa của Thư Pháp Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên,...và Thư Pháp phương Tây ( Calligraphy ), để hoàn thiện cho Thư Pháp Việt những khoảng trống, những mờ nhạt trên con đường sáng tạo. Không phải cầm bút lông, nhúng mực Tàu, viết đẹp chữ Việt thì gọi đó là Thư Pháp. Một bức Thư Pháp hiển nhiên là một bức tranh chữ đẹp, nhưng vấn đề ngược lại thì chưa hẳn. Vì thế, người tập luyện cũng như người viết lẫn người thưởng thức cần phải có cách nhìn đúng đắn cho vấn đề vừa nói. Không quá khắt khe, nhưng cũng không buông thả. Không quá ảnh hưởng Thư Pháp nhân loại, nhưng cũng không cố tạo vẻ huyền bí, rối rắm trong cách thức diễn đạt Thư Pháp Việt. Đó, phải chăng chính là những định hình khởi đầu cho tất cả những ai đam mê phân môn nghệ thuật này?
    Trong bài viết này, xin được nói rộng ra đến vấn đề cảm nhận về Thư Pháp Việt. Như chúng ta vẫn thường đọc cho nhau nghe câu danh ngôn: " Cái đẹp không nằm ở đôi má hồng người phụ nữ, mà nằm trong mắt của kẻ si tình." Nên chăng lấy tư duy ấy cho việc nhìn nhận về cái đẹp nói chung? Thiết nghĩ nên như thế. Bởi có như vậy ta mới khách quan cho vấn đề đang bàn. Việc bạn thích, tôi thích không hoàn toàn giống nhau, khía cạnh cảm thụ cũng hoàn toàn khác, cái duy nhất chúng ta giống nhau e là chỉ có Sự Đam Mê. Vì thế, việc quá ca tụng hay phỉ báng đều là sai lầm và ấu trĩ. Cứ để cho nó tồn tại và phát triển, nếu đến một chừng mực nào đó, nó ngư lại và không còn được chấp nhận trong tư duy hay cảm thụ của con người, thì tự nó phế nó, chứ chúng ta không ai đủ quyền hay đủ sức mạnh để truất nó ra khỏi sự đam mê của người khác. Vì đó vừa nói là lẽ tất yếu.
    Con đường phía trước của Thư Pháp Việt là con đường rộng mở, nhưng cũng chứa muôn vàn những khó khăn và thử thách. Những ai có sở thích và đam mê thực sự cần phải ý thức rõ hơn về điều đó, và không chỉ đóng góp bằng lời nói không thôi, mà phải hành động. Hành động bằng tất cả những nỗ lực có thể...
    ( Trích: Trao Đổi Học Thuật Thư Pháp, Trịnh Tuấn, tháng 3/2004 )
    @Quan_Di_Ngo
    Được Quan_Di_Ngo sửa chữa / chuyển vào 09:59 ngày 26/05/2004
  7. Quan_Di_Ngo

    Quan_Di_Ngo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    1.528
    Đã được thích:
    4
    VĂN HÓA ỨNG XỬ
    CỦA NGƯỜI CHƠI THƯ PHÁP

    Nói đến Văn Hóa Ứng Xử trong cuộc sống xã hội nói chung, thì có cả mấy chục đầu sách đã xuất bản của các tác giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên vấn đề đọc và lĩnh hội nội dung của nó để hình thành trong mỗi người một phép ứng xử lịch sự, hay được xem là có văn hóa thì không phải ai cũng làm được. Nếu như một tác giả nào đó đã từng nói, văn hóa ứng xử thông thường là một trong những vấn đề tối quan trọng đối với đời sống con người, thì tôi cho rằng, những người chơi Thư Pháp, biết thưởng thức cái hay cái đẹp của Thư Pháp, theo học và tập luyện cũng như đã rành rõ về Thư Pháp... càng nên rèn luyện cho mình một phong cách với những tác phong đi đứng, ăn nói giao tiếp một cách có văn hóa.
    Vấn đề đạt ra ở đây là: Thế nào là ứng xử có văn hóa? Hình như thói quen của người Việt chúng ta thường chỉ nêu ra những định nghĩa mà không giải thích nó, hoặc thừa nhận một cái gì đó như quy luật và ứng dụng một cách chung chung. Cho nên vấn đề chuẩn mực hình như không đề cập. Tuy nhiên trong nội dung bài viết này, cái gọi là chuẩn mực cũng chỉ là cái tương đối. Có chăng nó cũng chỉ được xây dựng dựa trên những căn bản của những giá trị Đạo Đức Xã Hội, đã và đang áp dụng phổ thông dưới mái trường XHCN.
    Những quan điểm của Nho giáo, Phật giáo và những thói quen trong phong tục tập quán người dân Việt Nam, hình thành nên những lối sống và suy nghĩ có chiều kích ảnh hưởng cổ điển. Về mặt này có những cái tốt, nhưng bên cạnh đó cũng có những cái không tốt. Như việc không nhận thức sâu sắc bản chất xã hội, dẫn đến việc nhầm lẫn giữa hiện tượng với bản chất của một người nào đó, sinh ra những tình cảm thuận nghịch trong con người. Từ đó nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có. Và tất nhiên như thế thì sẽ không có những phép ứng xử tốt đẹp cho được.
    Người chơi Thư Pháp nói chung, bao hàm cả người thưởng thức lẫn người sáng tạo, thiết yếu phải có những thái độ đúng đắn trong nhận thức và sống nhân bản hơn trong đời sống, lấy tính nhân nhân văn cao đẹp làm động cơ thúc đẩy cho việc rèn luyện nhân cách đạo đức. Đơn cử một ví dụ đáng tiếc mà người viết bài này đã từng chứng kiến như sau;
    Ông Nguyễn Văn A là một người viết Thư Pháp có tiếng trong thành phố, ông được nhiều người mến mộ bởi tài năng và sự phá cách độc đáo trong nét chữ... Nhưng, tiếc thay, trong cuộc sống sinh hoạt của ông có rất nhiều thứ không hay, như việc chửi thề, nói tục và nhiều thú vui quá phàm tục một cách lộ liễu.
    Hoặc chị Phạm Thị B là một người rất đam mê Thư Pháp, chị đã mở riêng một Tre Xanh Quán tại Thị xã Cao Lãnh - Đồng Tháp đẻ treo các bức Thư Pháp mua hay sưu tầm được. Thế mà chị lại không biết cách nói chuyện cho lịch sự một chút, khiến mọi người đến xem phải thẹn đỏ cả mặt trước khi ra về....
    Thiết nghĩ, chuyện ứng xử hằng ngày là chuyện rất nhỏ, nhưng nó phản ánh rất nhiều cái bên trong của người tham gia giao tiếp. Nói như một triết gia phương Tây từng nói: Trong giao tiếp, người nào trình độ học vấn và kinh nghiệm cuộc sống nhiều hơn, người đó sẽ làm chủ giao tiếp. Chúng ta không mong sẽ làm chủ giao tiếp trong tất cả các cuộc giao tiếp trong đời sống chúng ta, tuy nhiên, nếu biết ứng xử đúng mực, cao đẹp, thì càng tôn thêm cho nhân cách chúng ta. Người chơi Thư Pháp càng nên hiểu rõ hơn điều đó, để không khỏi hổ thẹn với Chữ, với Đạo Làm Người. Mong lắm thay!
    ( Trích: Trò chuyện với sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế - Đối Ngoại, Trịnh Tuấn, TP.HCM, 20/ 11/2003. )
    @Quan_Di_Ngo
    Được Quan_Di_Ngo sửa chữa / chuyển vào 13:52 ngày 27/05/2004

Chia sẻ trang này