1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mẹ tôi - Lời xin lỗi muộn màng

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi hoangvan09, 04/08/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Mẹ tôi - Lời xin lỗi muộn màng

    Kết quả cuộc thi viết ngắn Mẹ tôi
    Hơn 90% bà mẹ trong 1.199 bài tham dự cuộc thi viết ngắn ?oMẹ tôi? là những bà mẹ nghèo. Phần lớn trong số đó ở nông thôn. Phần lớn nay đã mất.
    Phần không nhỏ nữa, đó là những bà mẹ vô cùng vất vả, cực khổ gồng gánh nuôi con, lặng lẽ và âm thầm nhận hết phần thiệt thòi về mình, dù có thể ?ochưa bao giờ có được một miếng ăn ngon, một tấm áo đẹp? nhưng luôn luôn tìm mọi cách để con được học hành, nên người...
    Chân dung người phụ nữ VN, qua các bài dự thi, đẹp một cách nao lòng. Hầu như bà mẹ nào cũng xứng đáng với danh hiệu ?oBà mẹ VN anh hùng?, dù bản thân chưa từng cầm súng hoặc chưa từng có con ra trận.
    Cuộc chiến chống lại đói nghèo, dốt nát? đã được tiến hành từ những bà mẹ quê chân lấm tay bùn như vậy. Đất nước dần đi lên cũng từ chính những bà mẹ hết lòng thương con và sẵn sàng vượt qua mọi nghịch cảnh vì sự sống của con như vậy.
    Cũng là hơn 90% nội dung các bài viết ít nhiều chứa đựng một nỗi hối tiếc muộn màng của người con. Chỉ đến khi mẹ đã nằm xuống mới nhận ra lòng mẹ bao la, tình mẹ rộng lớn và mẹ là người vĩ đại như thế nào! Mới hiểu được ?omất mẹ chính là sự mất mát lớn nhất của con người?. Và cái đau khổ nhất chính là mình sẽ không bao giờ báo đáp được tình mẹ, và cho dù mình báo đáp đến mấy đi nữa thì cũng chẳng thấm tháp gì với công lao trời biển của mẹ.
    Những nỗi đau khổ đó đã làm nên sự chân thành hiếm có cho cuộc thi, với rất nhiều chi tiết đẹp, đa dạng mà hiếm nhà văn nào có thể nghĩ ra. Cũng vì vậy mà hầu như không bài viết nào có thể chê trách được về mặt nội dung (người mẹ nào cũng đẹp cả!), vấn đề quyết định chỉ là chất lượng thể hiện.
    Ban giám khảo đã khá vất vả khi đọc và bình chọn để cuối cùng thống nhất một bảng giải tương đối, và việc nâng từ 10 giải khuyến khích lên 15 giải cũng chỉ là một cố gắng đáp ứng lại một cuộc thi quá đẹp.
    21 bài trúng giải cùng nhiều bài vào chung khảo khác sẽ được Báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ chọn in trong một cuốn sách về mẹ. Mong đó sẽ là một món quà quý không chỉ dành tặng mẹ mà chính là cho các người con được đọc để biết thương mẹ mình hơn. Thương hơn, thương hơn, và thương ngay từ bây giờ trước khi quá muộn!
    NGUYỄN ĐÔNG THỨC


    Kết quả cuộc thi viết ngắn ?oMẹ tôi?
    Cuộc thi viết ngắn ?oMẹ tôi? (từ tháng 12-2003 đến tháng 7-2004) đã được sự tham gia của 1.199 bạn đọc - số lượng kỷ lục trong các cuộc thi viết ngắn do Báo Tuổi Trẻ tổ chức từ trước đến nay.
    Ngày 28-7, Ban giám khảo cuộc thi (nhà thơ Lê Giang, nhà báo Dương Thành Truyền và nhà văn Nguyễn Đông Thức) đã họp để bình chọn các tác phẩm được trao giải thưởng. Kết quả như sau:
    * 1 giải nhất: Cây cau của mẹ (Nguyễn Ngọc Ký)
    * 2 giải nhì: - Người đã sống cùng tôi trong ***g (Đức Kha)
    - Vết sẹo (Lê Thúy Bảo Nhi)
    * 3 giải ba: - Má đã cô đơn biết chừng nào! (Lý Thành Dũng)
    - Niềm vui lớn của mẹ (Phạm Đình Trọng)
    - Nghĩ lúc mẹ ra đi (Nguyễn Khương Trung)
    * 15 giải khuyến khích (thay vì 10 giải):
    - Những điều vô lý về mẹ (Hoàng Oanh)
    - Bà Bé ở ngõ sau (Tú Trinh)
    - MTC (Trần Văn Tám)
    - Nỗi đau (Đỗ Huỳnh Hoa)
    - Mẹ và dư luận (Trần Kim Khôi)
    - Giọng hò của mạ (Từ Nguyên Thạch)
    - Cõng chữ cho con (Phan Hãn Hữu)
    - Người mẹ thứ hai (Đắc Hoa)
    - Mẹ thiêng liêng (Từ Thế Mộng)
    - Ngày về (Lê Thành Chơn)
    - Mẹ và dòng sông (Mai Phương)
    - Người duy nhất (Lê Vũ Tuệ Nương)
    - Đau đáu sông quê (Nguyễn Thanh)
    - Cây chổi tàu cau (A. Châu)
    - Người mong làm má (Thúy Kiều)
    Buổi lễ trao giải sẽ được tổ chức vào dịp lễ Vu lan năm nay (ngày giờ và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo sau), kết hợp với buổi phát hành đầu tiên cuốn sách Mẹ tôi (NXB Trẻ & Báo Tuổi Trẻ).
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Cây cau của mẹ
    NGUYỄN NGỌC KÝ (Sài Gòn, mùa nhớ 2004)
    Mẹ tôi không phải dân nghiện trầu. Chỉ những ngày có đình đám ma chay, tết lễ mẹ mới ăn vài miếng cho đỏ môi, ấm bụng cùng mấy bà bạn già hàng xóm cho vui.
    Ấy vậy mà hai cây cau lắm buồng sai trái nổi tiếng khắp làng cao tắp ngay trước sân nhà đã được bố mẹ tôi trồng ngay đúng dịp hai thân làm lễ cưới.
    Khi tôi được sinh ra thì hai cây cau đã cao chót vót. Những đêm hè ***g lộng gió nồm nam, khi vầng trăng lấp ló lũy tre làng mẹ thường buộc võng vào hai thân cau để ru tôi. Hương hoa cau ngan ngát cùng giọng hát à ơi của mẹ cứ thế đưa tôi vào giấc ngủ.
    Tuổi thơ tôi lớn lên bên gốc cau với đầy kỷ niệm. Những hoa cau trắng xanh như những hạt gạo tám xoan thơm nức rụng đầy mặt đất mẹ thường quét gom lại mỗi sớm cho tôi cùng lũ bạn chơi trò bán hàng, nấu cơm. Mỗi cái mèo cau mẹ trẩy xuống là mỗi con thuyền ngoạn mục cho tôi cùng lũ bạn chơi trò chở ?ogạo?, chở ?okhách? sang ngang trên chiếc ao nhà.
    Tôi càng được mẹ cưng hơn sau những ngày bị sốt nặng, đôi tay tự dưng buông thõng như hai sợi dây đeo bên vai, khi vừa bốn tuổi. Miếng cơm đưa vào miệng ngày ngày mẹ cũng phải bón cho tôi. Để dỗ dành tôi ăn cho nhiều, cứ chiều chiều mẹ lại cho tôi ngồi vào chiếc tàu cau mới rụng kéo đi quanh sân. Tôi thích thú cười như nắc nẻ. Và cứ thế cả chén cơm lớn mẹ đã cho tôi ăn hết veo lúc nào chẳng hay.
    Những ngày hanh heo cuối đông, bố thường trẩy xuống những buồng cau sai trĩu quả, mẹ ngồi tỉ mỉ bổ ra phơi khô. Vừa làm mẹ vừa lẩm nhẩm: ?oYêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười?. Và cứ thế những miếng cau bổ ra được mẹ xếp đều tăm tắp trên chiếc mẹt theo hình vòng tròn đồng tâm. Vừa chăm chú ngồi xem mẹ làm tôi vừa ngó ngoáy ?obí mật? dùng chân xếp thử mấy miếng xem sao. Mẹ quay lại bắt gặp. Tôi sợ quá rụt chân lại. Mẹ cười: ?oỜ, con làm bằng chân cũng được đấy chứ! Giúp được mẹ thế thì còn gì bằng?.
    Được mẹ ưng thuận, động viên, tôi càng làm càng say sưa thích thú. Khi mẹt cau xếp đã gần xong thì bất ngờ cái bàn chân trái của tôi không biết vụng về luống cuống thế nào đã đụng vào khiến cả mẹt cau xếp công phu là vậy bỗng bị xô nghiêng ngả không còn ra hình thể gì. Tôi sợ hết hồn, đứng vội dậy định bỏ trốn. Vừa lúc mẹ quay lại nhận ra, vội ôm tôi vào lòng âu yếm xoa đầu: ?oCó gì đâu con. Vạn sự khởi đầu nan mà. Người ta làm bằng tay còn khó huống hồ con làm bằng chân. Có làm, có hỏng, có sửa mới có biết. Làm cái gì cũng phải kiên trì mới thành con ạ!?.
    Không ngờ cái trò chơi xếp cau cùng lời an ủi ấy của mẹ đã mở cho tôi một trời hi vọng. Nó thật sự là kỷ niệm ngọt ngào ghi dấu mốc mở đường cho những tháng ngày sau đó tôi dùng đôi chân thay đôi tay với bao nhọc nhằn, gian khó từng bước viết lên cuộc đời mình cho đến hôm nay.
    Nhớ những ngày tôi mon men đến lớp vỡ lòng xem lũ bạn học, mẹ tìm đến dẫn về trên tay không quên cầm chiếc quạt mo che nắng cho tôi. Khi tôi được nhận vào lớp, người mừng nhất là mẹ. Những ngày tôi miệt mài dùng chân kẹp cục gạch tập viết những nét chữ đầu tiên trên khoảng sân nhà; mỗi khi mồ hôi nhễ nhại là mỗi khi thấy mẹ ngồi bên cạnh phe phẩy chiếc quạt mo.
    Lúc bắt đầu tập viết được trên vở, để quyển vở khỏi dịch chuyển và khỏi lem bẩn mẹ lại cắt vuông rất khéo chiếc quạt mo thành chiếc bìa cứng cho tôi lót chân mỗi lần viết. Những buổi học chiều, nhà không có đồng hồ, để tôi khỏi lo đi học muộn mẹ canh chừng rồi dùng vôi đánh dấu một cái vạch trên sân, cứ khi cây cau đổ bóng đến đó là đúng lúc mẹ âu yếm vui vẻ đeo túi sách lên vai cho tôi đến trường.
    Khi học lên các lớp trên, những đêm học khuya bên chiếc đèn dầu tù mù, vì viết bằng chân nên mắt tôi phải nhìn xa rất khó khăn. Thấu hiểu điều đó mẹ đã có sáng kiến cắt mo cau rồi khâu đính lại và dùng vôi quét mặt trong cho trắng làm thành cái chụp đèn rất tiện ích để tôi học đêm. Có những ngày phải học cả hai buổi, thương tôi đi về đường xa vất vả mẹ cẩn thận nắm cơm vào chiếc mo cau đã được lột mỏng rất mềm để tôi mang đến lớp ăn trưa.
    Mùa đông xứ Bắc rét như cắt da thịt, áo lạnh lại hiếm, tôi nhớ mãi chiếc áo bằng mo cau lột mỏng được mẹ khâu rất công phu và mặc chen vào giữa hai lần áo cho tôi mỗi sớm đến trường. Thời chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhiều đêm đi học sơ tán về khuya, giữa đường gặp mưa lớn là thể nào tôi cũng được mẹ đón. Ngoài áo tơi, nón lá bao giờ mẹ cũng xách trên tay chiếc đèn chai được bao quanh thêm cho gió khỏi làm tắt bằng một chiếc mo cau được cuộn lại có một cửa sổ đủ cho ánh sáng soi về phía trước để nhận đường.
    Nhớ những ngày tôi mải mê ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi môn toán lớp 7 (lớp 9 hiện nay) toàn miền Bắc, cả những ngày ôn thi tốt nghiệp cấp III, đêm đêm dù khuya mấy bao giờ quay lại tôi cũng giật mình nhận ra phía sau: mẹ đang lặng lẽ ngồi cầm quạt mo phe phẩy xua nóng và muỗi cho tôi tự lúc nào.
    Ngày tiễn tôi đi học đại học mẹ không quên bỏ vào túi hành trang của tôi hai chiếc quạt mo được ?ogia công? thêm cái tay cầm trông rất ngộ. Mẹ bảo: ?oCon phải dùng chân nên mẹ phải làm vậy để con quạt cho dễ. Chỗ trường con học sơ tán nghe đâu là nơi rừng rú nên rét cũng ghê mà nóng cũng sợ lắm đấy! Mẹ chẳng gần để giúp con được. Con ráng tự khắc phục vậy?.
    Tốt nghiệp đại học tôi được về quê dạy học và lập gia đình khi mẹ đã ở tuổi gần 70. Tuổi cao sức yếu, mẹ lâm bệnh nặng. Cứ rời trường về đến nhà là tôi hối hả đến ngay giường mẹ. Vẫn chiếc quạt mo ngày nào tôi lặng lẽ dùng chân quạt cho mẹ. Rồi đến một ngày, mẹ cố mở mắt nhìn tôi. Tôi nghẹn ngào nhận ra nơi khóe mắt mẹ ứa ra hai vệt nước trước khi mẹ trút hơi thở cuối cùng.
    Cũng năm đó một trong hai cây cau nhà tôi tự dưng chết đứng. Bố liền ngả xuống bổ đôi nạo ruột dùng làm máng hứng nước mưa. Những dòng nước mát ngọt ngào từ nơi chiếc máng ấy như vẫn còn chảy mãi trong tôi cho đến tận bây giờ.
  3. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Người đã sống cùng tôi trong ***g
    ĐỨC KHA
    Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình khá giả, lại là con trai độc nhất nên từ nhỏ đã được nâng niu cưng chiều như một báu vật. Mọi sinh hoạt của tôi từ ăn uống đến học hành đều có người phục vụ. Vì đã quen được cưng chiều, cung phụng nên càng lớn tôi càng ỷ lại, chỉ lo ăn chơi lêu lổng mà chẳng chịu học hành.
    Năm vào cấp III, tôi bị xếp vào dạng học sinh cá biệt, nhiều lần bị nhà trường cảnh cáo và mời gia đình lên làm việc vì những trò quậy phá. Nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, gần cuối năm lớp 11 tôi bị đuổi học.
    Từ đó tôi càng hư hỏng, suốt ngày tụ tập lêu lổng với những đứa chẳng ra gì, không biết tự lúc nào tôi đã vướng vào ma túy - thứ bột trắng ma quỉ ấy. Lúc đầu chỉ vì những lời khích bác của bạn bè và thỏa mãn tính hiếu kỳ, dần dần tôi đâm ra nghiện. Tiền bạc bao nhiêu cũng không đủ thỏa mãn những cơn ghiền của tôi, đợi mọi người trong nhà sơ hở là tôi chôm đồ đem đi bán, từ những món có giá trị nhỏ đến lớn.
    Chôm đồ nhà không đủ tôi chôm cả đồ của hàng xóm, nhiều người nóng giận đến nhà chửi rủa. Mẹ tôi vừa phải năn nỉ người ta vừa phải bồi thường tiền. Từ hàng khá giả, gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất vì tài sản trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi theo tôi.
    Những lúc tỉnh táo nhìn mẹ đau khổ, ba tức giận, tôi hối hận lắm, nhưng khi lên cơn đói thuốc tôi mất hết nhân tính và bằng mọi cách để có được tiền. Tôi như con thiêu thân trót say ánh đèn. Không biết bao nhiêu lần tôi ra vào trại cai nghiện, cứ về nhà được vài tháng là tôi lại tái nghiện. Riết rồi mọi người bỏ mặc tôi, đi đến đâu ai nấy đều xa lánh, cảnh giác và nghi ngờ, chỉ có mẹ là vẫn kiên trì gần gũi, khuyên bảo tôi.
    Lần cuối cùng trong đợt truy quét tệ nạn xã hội, tôi bị công an phường bắt định đưa vào trại cải tạo. Mẹ chạy ngược chạy xuôi làm giấy bảo lãnh cho tôi về cai nghiện tại nhà. Ba tôi và các chị đều phản đối kịch liệt quyết định của mẹ vì cho rằng ?onó đã hết thuốc chữa?. Lúc tôi về nhà, mẹ đi đặt ngay một... cái ***g sắt để tôi sống trong đó suốt thời gian cai nghiện. Mẹ nói trong nước mắt với tôi: ?oLần này mẹ sẽ ở bên cạnh để giúp con. Mẹ tin tưởng con nhất định sẽ vượt qua?.
    Nói là làm, mẹ chui luôn vào cái ***g sắt đó ở với tôi, nhờ ba bên ngoài khóa ống khóa lại. Mọi sinh hoạt ăn uống, tiểu tiện đều trong phạm vi tù túng đó. Những ngày đầu tôi vật vã với những cơn đói thuốc, mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh tôi xoa bóp, an ủi.
    Khó khăn rồi cũng trôi qua, ngày tôi hoàn toàn cắt được cơn và ra khỏi ***g sắt thì mẹ cũng bơ phờ, hốc hác. Nhìn mẹ xác xơ, ý chí đoạn tuyệt với ma túy trong tôi càng mạnh mẽ, tôi quyết định chặt một lóng tay trỏ để tự thề nguyện sẽ không bao giờ tái nghiện.
    Thỉnh thoảng bị bạn xấu rủ rê tôi muốn xiêu lòng, nhưng khi nhìn vào bàn tay thiếu mất một lóng, nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ, tôi lại thức tỉnh. Sợ tôi có thời gian rảnh sẽ sinh ra chuyện này chuyện nọ nên mẹ đóng tiền cho tôi học lớp sửa ôtô.
    Công việc đã giúp tôi lấy lại thăng bằng cuộc sống, tôi bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời. Một tiệm sửa xe nho nhỏ, một mái ấm gia đình giản đơn, tất cả đến với tôi như một giấc mơ. Trớ trêu thay khi tôi có chút danh phận, sự nghiệp thì mẹ đã bỏ tôi ra đi vĩnh viễn sau một căn bệnh ngặt nghèo.
    Giờ đây mỗi năm đến ngày giỗ, thắp nén hương cho mẹ tôi lại nhớ đến người da diết. Dù mẹ không còn hiện diện trên cõi đời này nhưng trong trái tim tôi người vẫn sống mãi, để mỗi khi lầm đường lạc lối, chán nản thì hình ảnh của mẹ như một động lực giúp tôi vượt qua. Mẹ ơi! Con thật sự may mắn có được một người mẹ như vậy, lòng mẹ cao như trời, bao la như biển cả mà suốt cuộc đời này con không thể nào quên được!
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Vết sẹo
    LÊ THÚY BẢO NHI
    Mẹ ruột chúng tôi mất sau khi sinh em trai út của tôi. Chị Như, chị hai tôi, lúc đó mới lên mười. Tôi, đứa con gái thứ hai, lên tám ốm quặt quẹo. Sau nữa, thằng Thành, năm tuổi, tròn như củ khoai ngơ ngác đi tìm mẹ suốt ngày.
    Hai năm sau cha tôi tục huyền với người phụ nữ con nhà gia thế, một phụ nữ đẹp mới 27 tuổi. Chúng tôi gọi người này là ?omá?. Cha đi làm từ sáng đến tối, giao phó toàn bộ việc chăm nom con cái cho má tôi. Má làm trăm thứ việc không mấy khi ngơi tay. Chị em tôi no đủ, sạch sẽ, nhà cửa chúng tôi gọn gàng, bữa cơm dọn lên lúc nào cũng nóng sốt.
    Cha tôi chung sống với má sau được ba năm thì đau nặng rồi mất. Lúc sắp ra đi, cha không còn nói được chỉ nhìn má tôi rồi khóc. Má lúc đó trẻ quá, đẹp quá lại chẳng phải má ruột của chúng tôi...
    Cha vừa nằm xuống được mươi ngày đã có người đến đòi xiết nhà, xiết đồ. Gia đình nhà má khăng khăng bắt má về gả chồng. Rồi một ngày kia má kêu bán nhà, trả hết nợ rồi lặng lẽ dắt díu chúng tôi đi. Đó là năm 1978. Chúng tôi ở đậu nhà người chị họ xa của má, gọi là dì tư Tím. Dì làm nghề ướp cá, bán cá, dì góa bụa và nghèo khó. Căn nhà của dì không khác hơn cái chòi canh dưa là mấy, vậy mà còn chứa thêm má và bốn đứa chúng tôi. Dì tư Tím đem biếu ba con gà mái dầu cho một người quen để xin cho má một chân hộ lý trong bệnh viện đa khoa.
    Hằng ngày, má dậy từ 3g30 sáng, vào bệnh viện nấu nước, châm nước cho những bệnh nhân dậy sớm rửa mặt, pha sữa, pha trà để kiếm thêm chút tiền còm mua sách vở cho chị em tôi đi học. Sáu giờ má tất tả về nhà lo cho chúng tôi ăn sáng và đến trường. Bảy giờ má trở lại bệnh viện lau cầu thang, lau sàn, cọ rửa nhà vệ sinh, thay trải giường cho người bệnh, gom rác đem đi đốt? Sau năm giờ chiều, má còn nhận giặt thuê quần áo cho những bệnh nhân khá giả. Đến tám giờ tối má mới về đến nhà, mệt rã rời.
    Hôm nào mưa gió má về sớm hơn. Má mua về cho chị em tôi mỗi đứa một trái bắp nướng hay một túi đậu nành rang thơm giòn. Mấy chị em nằm bên má trên một manh chiếu rách, nghe má kể chuyện đời xưa. Thằng út Tài sợ lạnh cứ ôm chặt má mà khen sao má ấm quá. Thằng Thành nhõng nhẽo đòi má gãi lưng. Cũng có khi má dạy chúng tôi những bài hò, bài vè để cả nhà thành một ?odàn đồng ca? rất ăn ý, rất vui nhộn, mặc ngoài kia gió thổi mưa tuôn?
    Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ tôi, má làm một mâm cơm tươm tất. Rồi má thắp mấy nén nhang thơm, gọi hết bốn chị em tôi lại bên bàn thờ mà nói: ?oĐây là mẹ ruột của các con, người đã sinh ra và nuôi nấng các con. Tuy mẹ các con mất rồi nhưng ở trên trời mẹ các con vẫn luôn phù hộ cho các con mạnh khỏe?. Vào ngày giỗ ba, má cũng làm như vậy. Ngày ấy cũng như mãi tới bây giờ cũng vậy, tôi vẫn tin ba mẹ tôi ở trên trời nhìn thấy chúng tôi.
    Có một sáng người ta đưa má về. Chân má bị phỏng nước sôi do một bệnh nhân chạy vấp vào má. Vết phỏng rất lớn. Do ăn uống thiếu thốn, sức đề kháng yếu nên chỗ phỏng trên chân má rất lâu không lành, cứ sưng lên đau nhức. Má mất ngủ nhiều, ốm rạc như con cò. Chị hai khóc, năn nỉ má cho đi đổ nước thay má mà má không cho đi. Rồi má nén đau, cố lê chân đi làm trở lại. Về sau vết bỏng ở chân má làm sẹo, một sẹo lồi nhăn nhúm chạy từ cổ chân đến hết mu bàn chân trái. Dáng má đi không còn tự nhiên nữa.
    Dì tư Tím mua được một căn nhà ở gần chợ, bán rẻ căn nhà lá cho má con tôi. Năm đó chị hai tôi thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Thương má cực nhọc, chị định bỏ học đi làm thuê. Má cương quyết không cho. Chưa bao giờ má cương quyết như vậy. Thắp nén nhang trên bàn thờ ba, má khấn (cốt cho chị hai nghe): ?oCon gái lớn của mình định bỏ học. Khi về nơi chín suối, em biết nhìn anh sao đây??.
    Chị hai khóc, xin lỗi má rồi chấp nhận đi học. Hai năm sau tôi cũng vào đại học và cũng được má sắp soạn vali quần áo cho tôi rồi đưa đi. Mở cái vali ra nhìn mà thương má đứt ruột: ngoài quần áo, má còn bỏ vào kim chỉ, dầu gió, tem thư, bông băng thuốc đỏ, thuốc cảm?
    Dường như má có thể gói trọn sự thương yêu của má vào trong từng thứ một. Bốn năm, chị em tôi ra trường lênh đênh tìm việc thì cũng là lúc thằng Thành vào Đại học Luật TP.HCM và năm sau nữa là thằng Tài vào Đại học Y Cần Thơ. Làm sao đong được sự vất vả, cực nhọc của má lúc ấy. Lưng má còng đi, tóc đã lốm đốm bạc, da tay chai sần.
    Nhiều năm trôi qua má lần lượt dựng vợ gả chồng cho ba đứa con lớn. Thằng Tài vẫn ở với má và chưa có gia đình riêng. Giờ nó là bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện mà xưa má làm hộ lý. Nó tâm sự rằng hễ đi trực đêm mà nghe tiếng rao ?onước sôi đây? là giật mình thảng thốt tưởng như tiếng má, nghẹn thắt cả ***g ngực.
    Những ngày rảnh rỗi, chị em tôi dẫn lũ con về với má cho má vui. Đám trẻ quấn quít với má không rời nửa bước. Đứa nhổ tóc sâu, đứa bóp tay, đứa bóp chân cho bà. Một lần bé Du con tôi xoa vào vết sẹo trên chân má mà nói: ?oBà ngoại ơi, con bị phỏng tay có một chút đã đau ghê. Ngoại phỏng nhiều vậy chắc là khiếp lắm?? Má tôi cười: ?oLâu quá, ngoại quên mất rồi?.
    Một chiều mưa tôi về thăm má, nằm bên má tâm sự chuyện chồng con. Mưa ầm ào, mưa tầm tã, tôi kêu lạnh má liền kéo mềm đắp cho tôi, tôi thì lại đắp cho má y như lúc tôi còn nhỏ ngủ chung với má vậy. Chân tôi lạnh tôi tìm hơi ấm nơi chân má. Tôi chạm vào vết sẹo trên cổ chân má, cái vết sẹo đã thành thân thuộc với tôi vậy mà tự nhiên tôi rơi nước mắt.
    Nghĩ lại, tôi có chồng có con, vợ chồng tôi luôn quấn quít đầm ấm? Còn má, má chỉ được hạnh phúc làm vợ trong ba năm lẻ. Trong những năm tháng dằng dặc sau này, chắc cũng có lúc má khát khao một hạnh phúc riêng tư, cũng có lúc má cô đơn, mệt mỏi mà không có ai chia sẻ. Má ơi, sự lựa chọn của má sao nghiệt ngã quá vậy!
    Đã bao lần má kể cho các con tôi nghe những câu chuyện cổ tích về công chúa, về hoàng tử, về các cô tiên xinh đẹp? Một ngày kia con tôi lớn lên, tôi sẽ kể cho các con tôi nghe về ?oBà Tiên? của chị em tôi, bà tiên tóc bạc, dáng đi hơi khập khiễng vì một vết sẹo dài? Truyện cổ tích má viết cho chúng tôi bằng cả sự nhọc nhằn, sự đau đớn, bằng nước mắt, mồ hôi và bằng cả cuộc đời của má.
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Má đã cô đơn biết chừng nào!
    LÝ THÀNH DŨNG
    TT - Tôi bần thần nhìn hàng khói nghi ngút đang lan tỏa, vẫn là mùi hương trầm quen thuộc xưa nay má hay thắp trên bàn thờ. Nhưng lần này thì khác, tôi đang thắp nén nhang tiễn đưa má. Tiếng gõ mõ tụng kinh đều đều của vị sư vừa quen vừa lạ.
    Hồi còn sống má thường tụng kinh mỗi tối. Trước kia má không mấy tin, nhưng từ sau khi bị tai biến mạch máu não, má như đã về gần thế giới bên kia hơn. Má ngồi hàng giờ trước bàn thờ, lau chùi mấy tấm ảnh cũ, sắp xếp lại bình hoa... Tôi đâu có ngờ má soạn chỗ cho mình sớm thế. Cảnh thì còn đây mà người đâu chẳng thấy!
    Trên bàn, vỉ Alaxan đang uống dở còn vài viên, chai dầu nóng chưa đậy nắp lại chắc là má vừa mới xức. Ngón tay trỏ của má vẫn còn băng chưa lành. Mới sáng má còn tươi cười mở cổng cho tôi đi làm, chiều về má đã chết trên giường, thanh thản như đang nằm ngủ, cái tivi trắng đen vẫn phát chương trình cải lương mà má thích. Nhà có tivi màu nhưng má chẳng bao giờ dùng đến, chỉ xài mỗi cái tivi cũ này thôi.
    Khi đi làm có đồng ra đồng vô, không để thua kém những gia đình hàng xóm, tôi cũng mua một cái tivi màu mới cáu. Nghĩ tiếc cái tivi cũ còn tốt, má mang để dưới bếp. Lúc đầu má cũng thích cái tivi mới, nhất là khi xem Tây du ký, cảnh bảy con yêu nhền nhện mang bảy sắc áo khác nhau xanh đỏ tím vàng rực rỡ. Má cùng xem với con cháu, khen cảnh này hay, cảnh kia đẹp.
    Nhưng không như ngày xưa chương trình truyền hình chỉ có một kênh duy nhất, tối tối cả nhà quây quần cùng nhau xem. Nay tôi thì thích đá banh mà thằng cu Tí cũng không chịu thua, lúc nào cũng giành coi phim hoạt hình. Đi thì thôi, cứ về đến nhà là cha con lại cãi nhau. Những lúc như thế tôi thường quát bảo con đi học để tôi coi thời sự khiến thằng nhỏ cứ thút thít khóc. Thế là má lại vỗ về cháu nội, bảo xuống bếp coi tivi đen trắng với má.
    Có hôm thằng cu Tí nghịch, giấu cái remote khiến tôi cáu đánh cho một trận. Má vừa can con trai, vừa dỗ cháu nội. Tôi không thích má chiều cháu quá, sợ hư. Nhưng tôi cũng chẳng bao giờ la con khi nó yêu sách này nọ với má.
    Cũng chỉ là những chuyện cỏn con như thế, tôi không biết được một ngày 24 giờ má tôi làm gì, sống ra sao? Tôi cũng không bao giờ nghe má than van về những căn bệnh của người già luôn hành hạ má. Nhìn những viên thuốc uống dở còn lại trên bàn, tôi ứa nước mắt. Không biết má tôi đã khám bệnh ở đâu, ai đưa đi hay là má xem quảng cáo rồi tự mua thuốc uống?
    Trước đây tôi cũng không để ý rằng càng ngày má tôi càng trở nên lỗi thời trong chính căn nhà của mình. Má không dám đụng vào bếp gas vì sợ nổ. Má cũng rất ớn dàn máy hát với bao nhiêu là dây điện nút xanh, nút đỏ. Chỉ có mỗi cái tivi cũ là chịu phép má, khi mất hình, má vỗ mạnh vào nó là hình lại có ngay mà chẳng sợ hư hao gì. Càng nhìn cái tivi cũ, hình đã nhòe, tiếng không còn rõ, tôi càng thấy thương má.
    Nhà có bao nhiêu đồ đạc tiện nghi hiện đại nhưng má chỉ xài toàn đồ cũ. Vậy mà bao nhiêu lần tôi cau có bảo má mở nhỏ tivi để khỏi ảnh hưởng đến chương trình của tôi. Những hôm tôi đi làm về muộn, má cặm cụi cả ngày bên bếp dầu cũ để cả nhà vẫn có cơm canh nóng sốt, vậy mà tôi chẳng đụng đũa đến, bảo ăn ở cơ quan rồi.
    Giờ tôi mới nhận ra má tôi cô đơn biết chừng nào trong những năm qua dù đang sống bên con cháu
  6. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Niềm vui lớn của mẹ
    PHẠM ĐÌNH TRỌNG
    Cao chưa đến mét rưỡi, nặng chỉ 40 cân, thế mà nguồn sức mạnh nào đã cho mẹ đi qua hai cuộc chiến tranh dằng dặc suốt 30 năm với đôi vai hạc mảnh mai gồng gánh cả gia đình?
    Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở thành phố Hải Phòng, nơi có gia đình bé nhỏ của mẹ với người chồng nghèo và ba đứa con nhỏ. Nhưng bọn quan cai trị Pháp vừa phải ra đi thì đội quân xâm lược Pháp lại hùng hổ đổ bộ vào đất cảng.
    Trong dòng người tản cư tránh bom đạn, mẹ đưa gia đình về quê nội, làng Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên. Từ đây cuộc sống cả gia đình chỉ còn trông vào mẹ. Mẹ qua đò sông Luộc, đến các chợ quê đất lúa Thái Bình đong thóc.
    Mỗi ngày mẹ gánh năm, sáu chục cân đi ba, bốn chục cây số. Xay thóc bằng cối đất, giã gạo bằng cối đá. Tay mẹ kéo cối xay, chân mẹ đạp cối giã. Gánh gạo trắng trĩu trên vai mẹ đến chợ huyện, chợ tỉnh. Đòn gánh gãy lại tháp. Chân trần đạp trên sỏi đá, gai nhọn. Mũi gai gãy sâu trong lòng bàn chân lâu ngày thành những hạt mắt cá cứng, mỗi bước đi mỗi buốt nhói! Chân đất vai gầy thân cò lặn lội suốt gần chục năm trời. Sáng con thức dậy, mẹ đã đi từ lâu, tối muộn mới về.
    Cho đến bây giờ nhớ lại ngày đó con chỉ nhớ dáng mẹ cặm cụi đêm đêm. Đêm khuya, làm xong gánh gạo cho buổi chợ mai và có đủ gạo nhà cho những ngày đi chợ xa, mẹ mới ngồi bên ngọn đèn dầu lấy dao sắc cắt hạt mắt cá ở gan bàn chân để đỡ đau nhói bước đi. Đi trong bom đạn. Đi qua đồn giặc. Đi từ vùng giặc tạm chiếm ra vùng kháng chiến. Có bữa gặp trận giặc càn, mẹ bị kẹt đường cả tuần. Cha vụng, con nhỏ dại, ăn hết chỗ gạo mẹ để lại, mấy cha con ở nhà chỉ còn biết hái rau diếp ngoài vườn ăn trừ bữa!
    Nền nhà cũ vẫn còn ba bậc thềm đá uy nghi, dấu tích ngôi nhà ngói nguy nga của một gia đình giàu có, quyền uy. Nhưng dòng dõi quyền uy, giàu có của ông nội đã chấm dứt sau cái chết trẻ của bà nội. Ruộng thẳng cánh cò bay, nhà ngói, cột gỗ lim, bậc tam cấp đá phiến lớn đã lặng lẽ ra đi sau những ván đỏ đen của người vợ kế trẻ của ông nội. Cũng vì bà dì ghẻ này mà 13 tuổi cha phải bỏ nhà lần hồi ra Hải Phòng làm bếp cho người Pháp kiếm sống vừa tích cóp tiền bạc chuộc lại nhà đất, giữ lấy nơi thờ tự. Người chuộc nhà vừa đi khỏi quê, người ở quê lại dỡ nhà, cạy cả nền gạch Bát Tràng gán nợ! Chỉ còn lại ba bậc thềm đá xanh khối lớn không cạy nổi. Từ Hải Phòng tản cư về, mẹ dựng lại nếp nhà tranh trên nền đất cũ đó.
    Một lần giặc Pháp đi càn, chúng bắn chết cha khi mẹ mới 32 tuổi! Mẹ thành bà già ở tuổi 32 góa bụa, chỉ biết lo kiếm sống nuôi lũ con. Chiến tranh lan rộng, bom đạn dày đặc, mẹ gửi đứa con trai duy nhất về quê ngoại ở thành phố Nam Định đang bị giặc tạm chiếm cho bà ngoại nuôi để con được yên ổn đi học. Mẹ và hai con gái ở lại quê, ban ngày giặc càn, ban đêm pháo dập! May mắn làm sao một quả đại bác rơi trúng giữa nhà lúc ba mẹ con không có nhà nên thoát chết. Nền nhà thành ao sâu, những phiến đá xanh dài cả mét cũng bay mất! Tai họa dồn dập, gian nan chồng chất trên đôi vai mẹ.
    Nếu không có tình yêu bao la dành cho chúng con, mẹ không thể chịu đựng nổi cuộc sống cơ cực tột cùng đó, không thể vượt qua những năm tháng nặng nề đó.
    Giặc Pháp cuốn gói. Cả gia đình bà ngoại lại trở về Hải Phòng. Mẹ cũng đưa con cái ra sống với bà ngoại, còn mẹ làm công nhân cầu đường khôi phục quốc lộ số 10 trở thành nhân viên kiểm nhận hàng nông sản xuất khẩu. Nhưng cuộc sống yên hàn chẳng được bao lâu thì giặc Mỹ xuất hiện. Đứa con trai duy nhất của mẹ phải xa gia đình, xa đèn sách vào bộ đội và ra mặt trận. Cửa biển Hải Phòng cũng thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Gia đình con gái của mẹ phải theo nhà máy sơ tán đi xa, riêng mẹ vẫn phải bám bến cảng xuất hàng ra nước ngoài, cóp nhặt từng đồng tiền mạnh cho đất nước. Mẹ ở lại Hải Phòng với căn nhà trống vắng!
    Từ nơi bom đạn và thủy lôi phong tỏa, mẹ lại đi vào nơi bom đạn dày đặc hơn. Vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An nằm trong tầm đạn pháo hạm đội Mỹ ngoài biển, cũng là túi chứa bom từ máy bay Mỹ trút xuống nhưng lại là nơi có nông trường nuôi vịt lấy trứng xuất khẩu. Mẹ được cử vào đó hướng dẫn muối trứng vịt và kiểm nhận trứng vịt muối đưa về Hải Phòng xuất khẩu. Tám năm liền mẹ bám bãi bom nhặt từng quả trứng vịt xuất khẩu. Tám năm liền mẹ là chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đất nước vừa sạch bóng giặc cũng là lúc mẹ về nghỉ hưu.
    Khi con trai ra mặt trận, mẹ đêm ngày khắc khoải lo âu. Ở mặt trận gian khổ, căng thẳng một thì ở phía sau mẹ lo lắng gấp trăm lần. Chính vì thế được về nhà vài ngày trước khi ra trận đúng vào dịp mẹ vừa ở túi bom ra, con không dám nói với mẹ về chuyến đi của con. Vào đến mặt trận Tây nguyên con mới lấy tờ giấy trắng thơm, chiếc phong bì đẹp đã chuẩn bị sẵn, viết thư cho mẹ, nét chữ cố nắn nót thật đẹp để mẹ thấy cuộc sống của con vẫn ung dung, thoải mái. Nhưng sau này con mới biết bức thư đó không đến được với mẹ. Và mẹ cứ khắc khoải lo âu suốt những ngày vắng tin con!
    Ghi nhận đóng góp của mẹ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà nước tặng mẹ Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Nhưng con biết đối với mẹ còn có phần thưởng lớn hơn, mẹ còn có niềm vui sâu sắc và to lớn hơn là chúng con đều nên người, biết quí trọng lao động, biết say mê làm việc đóng góp cho đời, không sống lười nhác, vô vị, không làm điều xấu điều ác.
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nghĩ lúc mẹ ra đi
    NGUYỄN KHƯƠNG TRUNG
    TTCN - Tôi câm lặng nhìn mẹ. Những đốt xương tay mẹ nhích dần lên, lẩy bẩy trong khoảng không. Mẹ không còn đủ sức đưa thẳng cánh tay nữa rồi! Hai bàn tay mẹ run rẩy úp lên trán, những ngón tay lần ngược xuống, quờ quạng tìm mắt, lập cập, lập cập kéo mi mắt lên. ?oMẹ muốn nhìn!? - em gái tôi tức tưởi gục đầu xuống gối mẹ, người run lên từng đợt.
    Mẹ đang đi nốt phần cuối đời mình!
    Những bà mẹ son sắt trong quan niệm ?olấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng? của làng Khương Trung xưa như mẹ tôi rồi còn lại được mấy người? Cuốn tiểu thuyết Đất Đình Gừng dâng mẹ chưa kịp in. Tôi xót xa...
    Chín anh em tôi quây lại, ngơ ngác bên mẹ. Một bàn tay cứ siết mãi trên vai tôi. Chợt nhận ra người anh cả năm nay đã 63 tuổi, chắc cũng trong tâm trạng giống tôi. Tôi siết chặt tay anh. ?oChín anh em mình lần lượt nằm trong bụng mẹ, không thể tin được!?. Đấy là lời than thở của cô em út.
    Nhìn lũ chúng tôi và nhìn mẹ, quả là không thể tin được! Một bộ xương bọc da màu nâu tái nằm thiêm thiếp. Mũi mẹ đã co lại, hơi vẹo sang một bên. Hàm trên của mẹ còn duy nhất một chiếc răng cửa đã chìa ra, ấn một vệt lõm xuống môi dưới. Tôi cố tìm những nét của cô Trâm thời trẻ trong Đất Đình Gừng trên gương mặt mẹ, nhưng chịu. Bất giác tôi lại nhớ đến cô Ngát diệu vợi đã biến thành cụ Hàn Tiếu trong truyện ngắn Cõi người ta của tôi. Không thể khác được, qui luật là qui luật!
    Thế hệ của mẹ đã đồng hành cùng đất nước luôn phải đứng trước những thử thách, phải lựa chọn, phải quyết định để khẳng định mình. 20 năm ấy đã bao lần mẹ trắng tay, mất cửa nhà vì bom đạn. 20 năm mẹ sống trong nỗi phấp phỏng lo sợ mất chồng, mất con. Hòa bình, mẹ vẫn một gánh hoa quả trên vai, lầm lũi kiếm từng đồng để dấm dúi cho gia đình các ?oông thầy giáo?, ?oông kỹ sư? con của mẹ làm không đủ ăn suốt thời bao cấp?
    Mẹ tôi không biết chữ. Mẹ thuộc Kiều là do nghe ông ngoại hay ngâm. Mẹ thích, ngâm theo rồi thuộc lúc nào không hay. Còn ca dao tục ngữ vận vào cuộc sống hằng ngày thì người làng Khương Trung ai chả thế - mẹ bảo vậy. Nhìn cô em sắp thành ?obà tiến sĩ?, vừa bay từ Philippines về, đang ngồi gục đầu bên mẹ, tôi cứ tự hỏi: ?oNó đang nghĩ gì??. Tội nghiệp em tôi! Nó vẫn chưa kịp thực hiện ước mơ có một căn nhà nhỏ ở Khương Trung để đón mẹ về sống với vợ chồng nó.
    Không biết em tôi có còn nhớ cái đêm đông ấy, một đêm đông trong xóm Trại, làng Song Lãng. Đấy là nơi mẹ vừa gồng gánh đưa lũ con đến ở nhờ nhà bà Nhi để tránh bom đạn. Mẹ tôi lại trắng tay. Đó không biết là lần thứ bao nhiêu mẹ trắng tay vì chiến tranh. Ngôi nhà tôi trên phố vừa bị bom Mỹ san phẳng. Mẹ một nách tám đứa con nhỏ, còn ba tôi đang ốm liệt giường. Sau những trận đòn thù hồi là tự vệ thành Hà Nội, ba tôi yếu lắm, cứ nắng lên là ông đau đầu. Ở nhà người ta mà chồng ốm, con đông, kế sinh nhai thì đột ngột bị cắt đứt, mẹ tôi bị dồn vào chân tường.
    Đêm ấy, tôi chợt tỉnh vì nghe tiếng khóc nho nhỏ từ bếp vọng lên. Lúc lâu, tôi nhận ra tiếng mẹ. Tôi lần xuống bếp. Mẹ đang vừa khóc, vừa quấy nồi bánh đúc để bán vào phiên chợ Giai sáng hôm sau. Thấy tôi, mẹ bỏ đôi đũa cả ôm tôi vào lòng, nức nở: ?oMẹ biết làm gì để nuôi các con ăn học đây?. Tôi khóc theo mẹ. Em gái tôi ngồi phía trong khóc gào lên. Mẹ bỏ tôi ra, ôm nó. Cái ánh lửa bập bùng đêm đông ấy tôi làm sao quên được. Bây giờ em tôi có còn nhớ?
    Không biết chữ nhưng mẹ tôi cương quyết cho các con học đến nơi đến chốn. Những người già trong phố bây giờ vẫn kể về mẹ và đàn con ngoan của mẹ với lòng kính phục. Mẹ tôi nghĩ gì mà chịu khổ dường ấy? Quả thật tôi cũng chưa thể hiểu nổi những suy nghĩ của mẹ. Có điều chắc chắn tôi biết mẹ muốn chúng tôi đều trở thành những con người có nhân cách, như tấm gương của thầy giáo Giao gần nhà mà mẹ thường nhắc đến.
    Mẹ đã chọn hướng đi cho các con và dẫu phải chìm nổi mẹ vẫn kiên quyết thực hiện. Phải chăng đây chính là hạnh phúc đời mẹ? Làm sao tôi quên được những lần mẹ đến xin khất thầy giáo, cô giáo vì các con chậm tiền học phí, chậm đóng tre cho nhà trường làm hầm hào, chưa có tiền mua túi thuốc phòng không cho con? để thầy, cô đừng đuổi học các con mình.
    Mẹ lại lặn lội, lo toan. Các con mẹ vẫn được cắp sách tới trường. Ba tôi ốm đau quanh năm nhưng tôi chưa bao giờ nghe mẹ than thân trách phận. Mẹ vẫn một lòng yêu thương, thuốc thang chăm ba. Nhà túng thiếu nhưng bao giờ mẹ cũng dành một số tiền nho nhỏ đưa ba giữ để ba yên tâm. Trong anh em tôi, liệu có ai đối xử với người thân yêu của mình được như mẹ không?
    Gốc phi lao trên con đê vùng, lối rẽ vào chùa Ngàn ngày ấy, là nơi mẹ từng khóc anh tôi khi nghe tin anh đã hi sinh trên chiến trường Quảng Trị. Sau mỗi ngày bươn chải kiếm sống, mẹ đặt gánh ngồi khóc anh trước khi về nhà. Một lần, tôi tha thẩn chơi đã gặp mẹ đang khóc ở đấy. Và bao nhiêu lần sau tôi đã cùng mẹ ngồi đây khi trời gần tắt nắng. Mẹ chỉ khóc anh dưới cây phi lao này thôi. Về nhà mẹ tuyệt đối cứng rắn trước sự đau đớn của ba.
    Khi người anh lớn tôi không được vào đại học vì gánh bún phở của mẹ vi phạm chế độ lương thực của nhà nước, một lần nữa mẹ lại đứng trước sự lựa chọn giữa tương lai của con và cách kiếm tiền nuôi gia đình. Mẹ lao đao chuyển sang bán nước chè, hoa quả tươi. Ôi, mẹ tôi! Ấy thế mà tôi còn làm trái ý mẹ. Tôi là thằng không biết nghe lời nhất trong những đứa con mẹ. Tôi cứ dứt khoát đi làm chứ không chịu thi đại học vì sợ mẹ rồi sẽ thêm phần vất vả. Mẹ khổ sở vì tôi lắm.
    Tôi có biết đâu rằng vì không nghe lời mẹ, tôi đã trở thành đứa con mà suốt đời mẹ phải lo lắng. Mẹ cứ đăm đắm dõi theo tôi, đăm đắm buồn phiền. Trong những ngày cuối cùng của mẹ, một lần chợt tỉnh nhận ra tôi, mẹ thảng thốt: ?oTrung về đấy à con; làm có đủ ăn không con?? rồi mẹ lại chìm đi...
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Những điều vô lý về mẹ
    Mẹ tôi là một tổng hòa của những điều vô lý. Có điều gì đó dường như không bình thường lắm khi một đứa con lại nói về mẹ của mình như vậy...
    Mẹ đen, ốm, lùn, khuôn mặt nhỏ, mũi thấp, đó là điều vô lý thứ nhất. Ông bà ngoại đều to cao, trắng trẻo, mũi cao, mặt chữ điền, các dì và cậu cũng vậy. Mẹ nhỏ bé trong gia đình và cũng nhỏ bé giữa cuộc đời. Điều vô lý này về sau lại trở thành cái có lý, đã 50 rồi mà mẹ còn mi-nhon lắm, ai cũng bảo mẹ trẻ lâu, trong khi các cô bạn cùng thời của mẹ đã phải lo đi thẩm mỹ viện để tân trang, tu sửa...
    Ấy vậy mà trong thân hình bé nhỏ hạt tiêu ấy lại ẩn chứa một tính cách mạnh mẽ dữ dội đến lạ kỳ - điều vô lý thứ hai. Tôi nghe các dì kể hồi nhỏ mẹ vốn nổi tiếng là ?oBông lì?, không sợ bất cứ con gì và cũng không tin bất cứ điều gì. Tính mẹ thẳng thắn, đôi khi trở nên nóng nảy, yêu ai thì nói, ghét ai thì chửi, mẹ không bao giờ chịu thua kém ai, chả ai ăn hiếp được mẹ. Còn nhớ hồi bán đồ chơi ở chợ Đầm, bà Thảo, bà Hồng giành khách đã bị mẹ làm cho một trận nhớ đời!
    Mẹ nóng tính là vậy, ngoại hình chỉ ở mức trung bình, vậy mà ba vẫn ?ođổ? và mãi đến giờ vẫn không muốn đứng dậy! - điều vô lý thứ ba. Theo lời mẹ kể thì hồi đó ba học giỏi nhất lớp, làm cán sự môn vật lý, lại đẹp trai và hiền nên lúc nào cũng có nhiều vệ tinh vây xung quanh. Còn mẹ thì ?olẹt đẹt? với những con số, vật vã lắm mới vượt qua được kỳ thi tú tài với kết quả... toòng teng. Vì vậy mẹ nhìn ba rất chi là ngưỡng mộ và... để đó, chỉ vậy thôi. Ấy thế mà bẵng đi năm năm sau, ba đột ngột trở về trong màu áo bộ đội và... cưới. Một năm sau có tôi. Một năm sau nữa, có em gái tôi. Mười hai năm sau nữa, em trai tôi chào đời. Quả là một sự vô lý có hậu!
    Những năm sóng gió ba bị mất việc, gia đình tôi từ chỗ giàu nhất xóm rớt xuống thành nghèo nhất xóm, một tay mẹ vất vả nuôi cả nhà. Tính mẹ vốn cứng cỏi như đàn ông, vậy mà mẹ lại có những nghề tay trái rất ư là nữ tính - đó là điều vô lý thứ tư. Mẹ vẽ tranh, làm bánh kem, may quần áo, thiết kế những đồ lưu niệm xinh xinh. Mẹ có thể bỏ ra hàng giờ để bắt muỗi theo phương pháp mới sáng tạo. Mẹ cực kỳ nhạy cảm với vấn đề sức khỏe và đời sống, mẹ có hàng lô tạp chí thuốc cất kỹ trong tủ sắt. Những câu chuyện của mẹ chúng tôi đã thuộc đến từng chi tiết, vậy mà mẹ vẫn kể đi kể lại, vẫn say sưa và hứng thú như lần đầu. Mẹ bản lĩnh là thế nhưng lại khóc tu tu khi con chó Bi qua đời.
    Đối với chị em tôi thì tình thương của mẹ thật khó có thể cảm nhận được bằng các giác quan trực tiếp. Như là mẹ nhỏ bạn thân tôi vẫn làm: những nụ hôn, những cái bẹo má, những khi chải đầu tết tóc cho con gái cưng... Mẹ thì không như thế - và chúng tôi đã từng cho rằng đó là cả một trời vô lý! Cái tuổi dậy thì ngớ ngẩn đã biến tôi thành một đứa ngỗ ngược, không ít lần làm mẹ buồn. Thậm chí, nói ra thật xấu hổ, khi mẹ xa nhà một thời gian, tôi đã từng muốn mẹ... đừng về nữa. Sinh ra tôi, có lẽ cũng là một sự vô lý của mẹ!
    Mấy năm gần đây, khi chúng tôi lần lượt vào đại học, mẹ càng thêm vất vả. Ba vào Sài Gòn chạy xe ôm nuôi chị em tôi ăn học, ở nhà chỉ còn một mình mẹ bươn chải nuôi thằng út. Em gái tôi học mỹ thuật, mẹ bắt nó phải vẽ đúng thực tế căn phòng trọ của ba cha con - để mẹ tưởng tượng. Rồi mẹ gửi đồ tiếp tế luôn, toàn là những món khoái khẩu của chị em tôi, ăn vào như nuốt được cả vị đắng của những giọt mồ hôi nhọc nhằn. Mẹ chẳng than phiền gì, lúc nào cũng động viên ba cha con cố gắng, thật ra người phải cố gắng là mẹ mới đúng - âu đó cũng là một điều vô lý.
    Hơn nửa đời người mẹ vẫn chưa thôi lo nghĩ, vẫn chưa thôi căng mình trước cuộc đời, vẫn chưa thôi diễn vai chính trong gian nan và vai phụ giữa hạnh phúc. Ngày xưa tôi thần tượng những Jang Dong Gun, Lam Trường, Nicole Kidman, nhưng giờ đây không ai khác ngoài mẹ. Mẹ tôi là một tổng hòa của những điều vô lý. Nhưng cả ba, tôi và các em đều yêu cái sự vô lý ấy và đó lại trở thành điều có lý nhất trên đời...
    HOÀNG OANH
  9. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Bà Bé ở ngõ sau
    Tôi lớn lên đã thấy cuối bếp nhà mình có cái ngõ sau thông ra một con hẻm phố Tây của Sài Gòn, nơi đó có một người đàn bà gầy gầy, dong dỏng cao hay la mắng tôi nhưng liền sau đó lại nói nhẹ nhàng như chưa có chuyện gì xảy ra. Thỉnh thoảng buổi xế chiều, bà hay dắt tay tôi ra cái chợ chồm hổm thông với ngõ sau nhà, kéo ghế ấn tôi ngồi xuống, gọi cho tôi một tô phở, lúc tôi xì xụp thì bà đã trả tiền cho tôi và đi về trước.
    Từ lúc sinh ra đến ba tuổi, bạn chưa kịp có ký ức nhưng tôi tin chắc đó là giai đoạn thú vị nhất trong cuộc đời mỗi người, thời gian ấy bạn được "để mắt" tới nhiều nhất và nó để lại những vết hằn đầu tiên trong não bộ, cho bạn một chỗ dựa vững chắc để sống những năm tháng tiếp theo. Mẹ ruột tôi kể, tôi sinh thiếu ký nên yếu lắm, mẹ phải đi làm từ sáng tới tối mịt mới về khi tôi mới hai tháng tuổi, vậy là tôi được giao cho bà Bé - chị ruột của mẹ tôi - chăm.
    Xa hơi mẹ mà tôi không khóc, ngược lại còn cười toe toét khi được bà Bé ẵm bồng. Chỉ khi trong tầm nhìn non nớt của tôi không có hình dáng bà (dĩ nhiên trừ lúc ngủ), tôi sẽ khóc ré lên, rất bền và rất? phong cách, cứ e? e? e? Bà Bé đặt tôi cái tên Kèn E từ thanh âm đó.
    Bất kể bà làm gì, hoặc là bà phải ẵm tôi trên tay hoặc là tôi phải ngồi trong một cái ghế bành êm êm có thanh chắn của trẻ con cách chỗ bà đang làm việc? nửa mét, miễn tôi nhìn thấy bà. Ngày đầu tiên đi nhà trẻ, bà giao tôi cho cô giáo còn bà nấp sau cánh cửa. Một tiếng đồng hồ trôi qua, mặc cô giáo làm đủ mọi cách dỗ dành, tôi cũng không nín, tôi khóc dai dẳng đến nấc cụt mà vẫn lì. Xót cháu, bà ẵm tôi về. Chia tay nhà trẻ nhé!
    Ngay cả chuyện ăn uống, bú mớm, đi đứng của tôi cũng hành bà Bé. Bận rộn với cả núi việc nhà và chăm ba đứa nhỏ, tôi và hai đứa con ruột của bà (lớn hơn tôi chừng chục tuổi) nhưng cả năm ròng trưa nào bà cũng lội bộ hai cây số đi về ẵm tôi lên cơ quan mẹ tôi đúng vào giờ nghỉ trưa, để tôi được bú. Cộng với tất cả những gì tốt đẹp nhất về thức ăn bà dành cho tôi, bà tin sữa mẹ sẽ làm tôi bớt ốm yếu hơn. Mười sáu tháng, tôi vẫn chưa chịu đi, chỉ lết, lết và lết. Ba mẹ hỏi thăm tùm lum bác sĩ, sợ tôi bị liệt nhưng có lẽ người hoảng nhất là bà Bé. Bà thắp nhang tụng kinh trước bàn thờ bà ngoại mỗi đêm. Sau này mẹ hay so sánh, bà Bé tụng kinh để cầu nguyện cho tôi bền ngang với mức độ? Kèn E khóc. May, bốn tháng sau tôi biết đi và đi nhanh như chạy, tôi không còn lết theo níu ống quần nữa mà chuyển sang chạy lon ton làm vướng chân bà Bé.
    Bốn tuổi, tôi bắt đầu có ký ức. Bà Bé ở ngõ sau là một vết hằn trong não tôi, như thể nó đã ở đó từ? kiếp trước. Bất kể lúc nào nếu ai hỏi tôi: bà Bé đâu rồi, tôi sẽ trả lời liền: bà Bé ở ngõ sau. Bà Bé là người phụ nữ của việc nhà nên ngõ sau gắn liền với bà là điều dễ hiểu và cũng vì một lý do nữa: bà luôn đi ra khỏi nhà bằng ngõ sau.
    Suốt ngày trong bếp núc, nhưng khi bà ?ora phòng khách? cũng? lợi hại lắm, tuổi thơ tôi nhiều lần trố mắt nhìn bà (vì hổng hiểu gì hết trơn) nói chuyện bằng tiếng Anh ro ro với mấy ông Tây balô đi lạc vô ngõ sau. Bà Bé nóng tính kinh khủng, hay la mắng con cháu trong nhà nhưng năm phút sau là? quên ngay và cho... ăn ngay. Chịu ảnh hưởng cái văn - hóa - yêu - thương của miền Nam rất nặng, với những người bà thương bà cho ăn suốt ngày - cái bánh, viên kẹo, trái ổi? Lúc ấy nhà nghèo khổ, cơm với canh rau muống rau đay, nhưng hễ có thịt cá là bà dành hết cho lũ nhỏ trong nhà, có dư được ít xíu tiền chợ là bà dắt tôi ra ngõ sau ăn phở: trong quan niệm của bà, sau sữa mẹ phở là thức ăn bổ dưỡng nhất.
    Tôi đã lớn lên nhờ "quen hơi" của bà (tôi đeo bà chặt như sam ấy) cùng những câu la mắng, bằng cơm, canh, bánh, kẹo? và phở ở ngõ sau. Bà Bé không đi họp phụ huynh cho tôi, không là người bắt nằm xuống đánh đòn mỗi khi tôi phạm lỗi, bà cũng không là người dạy tôi phải sống thế này, thế nọ, lại càng không can thiệp vào sự lựa chọn tương lai của tôi? Bà quan niệm việc ấy đã có ba mẹ tôi làm. Bà yêu thương tôi theo cách của riêng bà, đơn giản lắm - lúc nhỏ chăm tôi và khi tôi lớn lên, bà dõi theo từng bước tôi đi vào cuộc sống từ cái? ngõ sau của bà.
    Vậy đấy, mới tuần trước, bà gọi mẹ ruột tôi lại hỏi một cách hoàn toàn nghiêm túc: tôi có bị "ô-môi" không? Xin các bạn đừng cười! Bà có lý do của bà, tôi vốn nghịch ngợm, tính khí lỳ và phá như con trai, không quan tâm đến chuyện làm đẹp, tôi lại toàn dẫn con gái về nhà, đi chơi thì ngồi sau yên xe con gái chở? Tôi dở khóc dở cười, vừa thấy? "bi thảm" cho mình, vừa thương bà Bé của tôi quá đỗi! Trong mắt ba mẹ tôi, trong mắt bà Bé, tôi lúc nào cũng bé bỏng, làm sao tôi dám? Vài hôm nữa, thế nào tôi cũng phải dắt "chàng" về nhà cho bà Bé yên cái bụng.
    Tôi chưa bao giờ gọi bà Bé là mẹ, léo nhéo hơn hai chục năm nay một "bà Bé", hai cũng "bà Bé". Bà Bé của tôi không ấn tượng như những bà mẹ khắc khổ buôn gánh bán bưng hay tảo tần hi sinh? Bà Bé của tôi là một người phụ nữ bình thường trong cuộc sống hôm nay. Nhưng trong tôi, não đã hằn sẵn đẳng thức: bà Bé = mẹ = tình yêu rất to. Bà chăm tôi những năm tháng còn quấn tã, từ cái "chiều chiều ra đứng? ngõ sau" mà suốt đời bà gắn bó, bà nâng tôi đi qua những "cổng chính" của cuộc đời. Mỗi lần mỏi mệt, tôi lại tìm về cái ngõ sau nhà mình, tôi biết chắc bà Bé của tôi đang ở đó, yêu thương của tôi ở đó?
    TÚ TRINH
  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    MTC
    Khi tôi lên 7, 8 tuổi, vào hừng đông mỗi ngày tôi lại bắt gặp hình ảnh mẹ dậy lui cui nấu nước uống trà hay bắc nồi cơm. Nhìn hình bóng của mẹ được ánh lửa hồng phản chiếu in to trên vách đất, tôi cứ tưởng tượng đó là hình bóng của một bà tiên vừa đi ra từ quả thị trong giấc chiêm bao của mình.
    Tôi ráng ngủ nán thêm một chút để hình bóng bà tiên luôn đầy giấc mơ, cho đến khi tiếng chén đũa khua tôi biết mẹ đã chuẩn bị xong bữa ăn sáng tươm tất cho gia đình. Mẹ có tài làm đồ ăn ngon nên bữa sáng bao giờ cũng làm tôi vững bụng để cắp sách đến trường, còn ba tôi ăn để ?ođắp? hai đầu gối cho cứng chuẩn bị đi làm đồng.
    Thỉnh thoảng ngày chủ nhật, cả gia đình tôi cùng về ruộng. Ngồi trên chiếc xe bò cọc cạch do ba tôi đánh, tôi và mẹ mặc sức chuyện trò ríu rít cho quên đoạn đường dài gập ghềnh, khúc khuỷu. Về đến ruộng, ba mẹ tôi lao ngay xuống chăm sóc lúa, lúc nhổ cỏ lúc rải phân, còn tôi chịu trách nhiệm đưa hai con bò đi ăn cỏ. Có hôm vì mải mê theo tiếng dế trống gáy, hai con bò đã đi ăn xa. Tôi cũng thích dầm mình dưới mưa để đuổi bắt mấy con chim chiền chiện tập bay bị ướt cánh.
    Lớn lên học cấp II, tôi hiểu vì ba mẹ tôi ít học nên đã cố gắng cả đời lam lũ nuôi sáu anh em tôi ăn học. Đến bây giờ anh chị em tôi ai cũng có nghề nhất định trong xã hội. Riêng ba mẹ tôi vẫn một đời chân lấm tay bùn, chưa thật sự sung sướng một ngày trọn vẹn.
    Mẹ tôi luôn quan tâm đến việc học hành của tôi. Ở nhà mẹ thường bảo tôi mở sách ra đọc khi rảnh, còn lúc nào học được điểm mười về khoe mẹ thế nào cũng được mẹ thưởng cho cái bánh tráng mè nướng thật thơm.
    Biết tính tôi thích kẹo đậu phộng nên mẹ làm cất sẵn trong hũ keo lớn, hằng ngày tôi đi học mẹ gói theo vài miếng để ra chơi tôi có cái ăn với bạn bè. Có lần mẹ bắc chảo đường tán sôi chảy ra, chỉ chờ đổ đậu phộng vào trở vài bận rồi chan vào cái mâm là món kẹo hoàn thành.
    Lúc đó không biết tôi táy máy như thế nào mà nguyên chảo đường nóng đổ ụp xuống mu bàn chân trái. Tôi khóc thét lên. Mẹ hốt hoảng vớt mấy con giấm đắp vào chỗ phỏng cho mát, và hơn cả tháng sau ngày nào tôi cũng được mẹ cõng cả cây số đến trạm xá thay băng, uống thuốc.
    Trước khi tôi xa nhà đi học, mẹ tôi căn dặn đủ điều: nào là về Sài Gòn nhớ tránh chơi chung với bạn xấu dễ bị tiêm nhiễm thói ăn chơi đua đòi, nào là ráng học cho giỏi cho tốt để sau này giúp ích cho đời, cho xã hội, gia đình mình cũng nở mặt nở mày với bà con xóm giềng...
    Trong hành trang tôi mang đi, mẹ còn cẩn thận gói ghém thêm chiếc mền vải mà mẹ may ghép từ những mâu vải vụn đủ màu sắc, kích cỡ. Mẹ tôi vốn là thợ may khéo tay nên chiếc mền trông cũng xinh xắn lắm. Giữa mền mẹ lại nắn nót may thêm hình con thỏ, dưới có ba chữ in hoa MTC. Tôi suy nghĩ về ba chữ ấy mà không rõ viết tắt từ cụm từ nào.
    Mãi sau này khi ra trường đi dạy học, lựa dịp vui tôi mới hỏi thì mẹ cười bảo: ?oCái thằng lớn xác đã đi dạy học rồi mà không nghĩ ra từ gì. MTC là: mẹ thương con!?. Tôi nghe mẹ nói sao mà ngọt ngào, đầy ắp tình nghĩa. Chữ chân phương, ý mộc mạc mà tình cảm của mẹ lai láng biết chừng nào!
    Giờ ngôi ôn nhớ lại kỷ niệm về mẹ, viết ra ít dòng cảm xúc ngắn ngủi này thì mẹ tôi đã mất tám năm. Chiếc mền vải ấy giờ vẫn còn, thỉnh thoảng tôi mang ra giặt giũ, rồi nâng niu rờ rẫm mấy con chữ, mà mường tượng ra hình bóng mẹ. Kỷ niệm xưa ùa tràn về để rồi ứa nước mắt thương tiếc mẹ. Mẹ ơi! Con nguyện luôn là đứa con ngây thơ của mẹ, xứng với ba chữ MTC mẹ tặng cho.
    TRẦN VĂN TÁM

Chia sẻ trang này