1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mẹ tôi - Lời xin lỗi muộn màng

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi hoangvan09, 04/08/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nỗi đau
    Lâu lắm rồi chị mới bước chân trở lại siêu thị. Vẫn là những dãy kệ chất đầy hàng hóa, vẫn là không khí mát lạnh và sàn gạch sạch bóng, vẫn những người bảo vệ nghiêm nghị và các cô gái tiếp thị cười tươi tắn đứng cạnh quầy đặt sản phẩm của mình.
    Kéo lấy chiếc xe nhỏ và đẩy theo một lộ trình đã quen thuộc, chị cầm mấy chai xá xị lớn bỏ vào xe. Khi về nhà, một số sẽ đặt vào tủ lạnh để má chị phân phát khi các cháu nội, cháu ngoại về chơi. Một số sẽ đặt trên cái ghế dựa kê sát giường má để má uống dần. Bước vài bước, chị chợt ngỡ ngàng: má đã mất rồi còn đâu!
    Đến chỗ đặt trái cây, mùi sầu riêng thoang thoảng làm mắt chị cay cay. Ngày trước má vẫn thích sầu riêng nhất trong các loại trái cây. Nhà chỉ có hai mẹ con nhưng mùa nào chị cũng mua thường xuyên. Có lần chị mua gần chục ký về đặt trên bàn thờ ba để má ăn dần, chỉ ba ngày là má chị đã ăn hết. Người chị thứ bảy mỗi tháng về cũng đều mua vài trái để mẹ con bà cháu tụm lại ăn vui vẻ. Chị nhìn những trái sầu riêng đầy gai rồi thở dài: má đã mất rồi còn đâu!
    Đi ngang những món má chị vẫn thích: mắm lóc, khô cá sặt, chà là Ấn Độ, hồng khô... chị thấy nhớ má quay quắt. Chị có thói quen mua những món đó về và cứ chất lên bàn trong phòng má chị dù bà cụ bảo không ăn. Thế nhưng chỉ cần quay lưng đi, lát sau quay lại cửa sổ lén trông vào chị không khỏi tủm tỉm cười nhìn má đang nhai bỏm bẻm. Vậy mà bây giờ... má đã mất rồi còn đâu!
    Má chị vẫn thích món thịt chị kho tiêu vì hợp khẩu vị của bà: vừa mặn vừa cay! Có gì lạ đâu vì từ nhỏ đến lớn chị vẫn quen được má kho thịt cá cho ăn với khẩu vị đó. Má chị vẫn ưa ly cà phê sữa thật đậm buổi sáng chị pha dù những năm sau này bà không dám uống vì sợ mất ngủ. Chỉ đến vài tuần trước khi mất bà bỗng đòi uống trở lại, bằng cái phin cà phê của bà từ cách nay hơn 30 năm chị vẫn dùng. Vậy mà chị lại không đoán trước được bà sắp đi xa...
    Chị xách chiếc túi nhẹ bổng về nhà. Những chú chó nhỏ vẫn túa ra mừng đón chị nhưng chùm lông trên đầu chúng không còn được má chị cột thành cái đuôi gà như ngày nào!
    Có những sự thật mà đến giờ chị vẫn không thể nào tin được! Trong đời con người có bao nhiêu là nỗi đau, nhưng mất mẹ chính là nỗi đau duy nhất chị khó lòng chịu được, và nhất là kéo theo sau mất mát đó là bắt đầu những mất mát khác - thật nhiều!
    ĐỖ HUỲNH HOA
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Mẹ và dư luận
    Lên đại học, học môn tâm lý tôi mới hiểu một phần về sức mạnh dư luận. Nó có thể ví như ngọn gió: hoặc khiến người ta có cảm giác dễ chịu, khoan khoái, hoặc khiến người ta lao đao, khổ sở. Và ngọn gió thứ hai ấy đã đi qua đời mẹ tôi kể từ một ngày?
    Thế là hết, mẹ tôi mất chồng khi tôi vào mẫu giáo và đứa em gái kế tiếp lên hai. Bố tôi ra đi trong một vụ tai nạn đường sông. Hạnh phúc bảy năm chung sống của mẹ lúc ấy như mảnh gương vỡ. Thế là hết, bao nhiêu lo toan, vất vả thời kỳ đầu đất nước mở cửa của gia đình tôi không còn san đều cho hai người mà đã trút hết vào vai mẹ - một người bị bệnh thấp khớp, tay chân lúc nào cũng đau nhức. Thế là hết, biển Đông bây giờ chỉ còn mình mẹ? tát cạn.
    Vẫn còn đó trong nỗi nhớ của tôi bóng dáng mẹ tất tả gánh từng gánh dâu nuôi những mí tằm. Người ta nói ?onuôi lợn ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng?. Tối đến mẹ vừa thái dâu vừa bóp thuốc cho tay đỡ đau, đỡ mỏi. Thương mẹ, tôi chỉ biết vâng lời mẹ... đi ngủ sớm. Mẹ vẫn thức tới khuya, hi vọng ngày mai tằm sẽ nhả tơ! Vẫn còn đó hình ảnh đứa em khóc thét khi đòi vú mẹ. Nóng quá nó không bú được. Tội nghiệp em tôi, nhưng có bao giờ mẹ về trước 12 giờ trưa đâu. Vẫn còn đó ánh lửa chập chờn bóng mẹ mỗi sớm: nồi cơm một bên, nồi cám lợn một bên để cải thiện cuộc sống. Mẹ ngồi xuống, đứng lên một cách chậm chạp. Đứa em thứ ba của tôi sắp ra đời. Sao mẹ lại khóc? Mẹ xoa đầu tôi rồi nhìn vào xa xăm: con chưa hiểu gì đâu. Thế nhưng bây giờ tôi đã hiểu: dư luận từ đó, bão táp từ đó?
    Thật là nghiệt ngã khi đứa em thứ ba của tôi ra đời. Nó sẽ không bao giờ được nhìn thấy và sẽ không được gọi tiếng ?obố? thân thương cho đến khi nó nói được, hiểu được đã đành; nhưng còn mẹ tôi - sống ở nông thôn, nơi tư tưởng phong kiến và cực đoan trong cách phán đoán vẫn còn ăn sâu vào tâm thức của nhiều người thì lời giải thích nào là thỏa đáng khi thời gian bố mất đến lúc em bé ra đời lại rất trùng khớp. Nằm ở giường sinh mà mẹ chỉ có một mình. Họ ngoại thì quá xa, họ nội thì nặng lời cay nghiệt: không thể chấp nhận kẻ đánh rơi chữ hạnh. Câu nói ấy nặng hơn ngàn búa bổ. Họ đến rồi đi ngay với vài món quà để lại. Đó là sự thương tình với mấy đứa cháu mồ côi. Phận làm dâu của mẹ họ coi như không còn. May thay vẫn có bà cụ neo đơn cùng xóm, thân với nhà tôi từ lúc bố còn sống, đến để chia sẻ nước mắt cùng mẹ.
    Ba tháng sau ngày sinh con, mẹ lại ra đồng. Khớp tay mẹ vẫn còn đau nhưng không đau hơn cái nhìn miệt thị như dao cắt của mọi người xung quanh. Theo họ, tội của mẹ là cỏ mộ chồng chưa xanh mà đã... Mẹ cắn răng chịu đựng, ?oông Trời có mắt mà con!?. Sau này tôi thắc mắc thì mẹ chỉ nói thế nhưng tôi biết lúc ấy là cả một sự hi sinh lớn lao.
    Và nỗi đau của mẹ như chất chồng khi không thể chia sẻ cùng ai. Nhưng có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử. Dường như mẹ bất chấp tất cả, suốt ngày làm việc để đánh đố với nỗi day dứt trong lòng. Mẹ gửi hai đứa em tôi cho bà cụ. Tiếng khóc trẻ thơ xua tan nỗi cô quạnh của tuổi già nên bà cụ rất thương chúng nó, trông nom, chăm sóc mà không một đồng thù lao. Sáu tháng, một năm rồi hai năm, cuộc sống của mẹ hướng dần về phía mặt trời mọc.
    Đứa em út lớn lên, con bé giống bố như tạc. Mũi cao, mắt đen, sâu là những gì người ta bảo nó ?oăn cắp? từ bố. Thế là rõ, mẹ tôi ?ovô tội? mà không cần một lời thanh minh. Thật ra mẹ cũng bất ngờ về cái thai ấy. Mẹ kể và dự đoán, hóa ra lần cuối cùng mẹ gần bố đã nảy nở một mầm sống. ?oSống phải chịu sự đàm tiếu của dư luận nhưng không phụ thuộc vào dư luận?. Đó là mẹ tôi. Còn tôi luôn coi lời dạy ấy như một bài học trong cách làm việc sau này. Nói vậy nhưng không dễ chút nào nếu tình thương con và niềm tin của mẹ không vượt lên tất cả.
    Kinh tế gia đình tôi từ đó cũng khá lên nhờ mẹ liên tiếp trúng những mí tằm. Một phần là sự giúp đỡ của các cô trong hội phụ nữ xã. ?oNhờ họ mà mẹ con mình bớt khổ?. Mẹ nói với tất cả lòng biết ơn và một chút duy tâm: ?oBố phù hộ các con?.
    Có được một ít vốn, mẹ vào Nam với ngoại. Tôi được gửi cho người dì ruột ở quê để đi học. Thế là mọi người tiếp tục nghi ngờ nhưng với thái độ dễ chịu hơn: chuẩn bị có bố mới rồi nhé, năm năm nay không được gọi bố rồi còn gì... Có lẽ đó là lời ám chỉ mẹ, tôi loáng thoáng hiểu ra nhưng bỏ ngoài tai. Nhớ mẹ, tôi chỉ mong mẹ về thật sớm và họ nói sai. Và cuối cùng, tất cả mọi lời ám chỉ đều sai. Lần đó mẹ chỉ đi chữa bệnh khớp xương hai năm rồi về. Và 15 năm nay, kể từ ngày bố mất, mẹ vẫn ở vậy để nuôi chúng tôi khôn lớn.
    Mẹ không cần chứng minh mà mọi người phải công nhận. Mẹ đã vượt qua ngọn gió thứ hai bằng sức mạnh của tình thương con và niềm tin vào chính mình.
    TRẦN MINH KHÔI
  3. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Giọng hò của mạ
    ?oHò ơ? con chi không có chân mà đi năm rừng bảy rú. Con chi không có vú mà nuôi tám chín người con?? - chú Năm em tôi (nhà thơ Đoàn Vị Thượng) hò đố. Không ai biết trả lời làm sao. Thấy thế mạ tủm tỉm cười hò đáp: ?oHò ơ? Con rắn không có chưn mà đi năm rừng bảy rú. Con gà mái không vú mà nuôi tám chín đứa con??. Các con vỗ tay mừng vì đã ?odụ? được mạ hò. Bởi vì các con biết mạ hò rất hay và có cả một bụng ca dao hò vè. Không phải mười anh em chúng tôi lớn lên trong lời hát ru nôi hiền hòa của mạ đó sao?
    Ba tôi mất đã hơn ba năm nhưng ngày nào mạ cũng cúng cơm, ngày nào bàn thờ ba cũng nghi ngút khói hương. Tôi đi xa về, nhìn lên bàn thờ ba thấy lòng ấm lại, và đôi khi cứ ngỡ còn sống trong hạnh phúc như những ngày còn ba. Mạ nói chừng nào mạ còn sống thì mạ còn cúng cơm cho ba hằng ngày.
    ?oÔng ơi về ăn cơm? - mạ thường khấn khe khẽ như thế khi thắp nhang cho ba như thể ba tôi còn sống và đi chơi đâu đó về muộn. Lúc ấy, trên gương mặt mẹ tôi đọc được lòng thành kính, thương yêu của người dành cho ba. Vâng, đối với mạ ba còn sống mãi bên người.
    Ba tôi được thờ trong chùa Diệu Giác, một ngôi chùa nhỏ khuất trong xóm lao động nghèo đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Bệ thờ của ba được lót gạch men trắng lúc nào cũng sạch sẽ, trong mùi trầm hương phảng phất mùi thơm kín đáo của bông huệ trắng mạ thay hằng ngày.
    Lúc còn trẻ ba mạ tôi có cuộc sống kinh tế khá dễ chịu. Đến lúc về già ba mạ gần như trắng tay vì nuôi mười đứa con chỉ biết ăn học, đến núi cũng lở. Những đứa con của mạ, cũng kỹ sư, nhà giáo, cũng giám đốc, trưởng phòng như ai nhưng cuộc sống đạm bạc, thậm chí có phần khó khăn.
    Anh Hai Trinh, kỹ sư nông nghiệp, nhận xét về mấy anh em tôi: ?oAnh em mình bị ảnh hưởng ông già chất kẻ sĩ. Đói cho sạch, rách cho thơm?. Bởi vậy, đã ngoài 70 nhưng mạ tôi ngày nào cũng xách giỏ ra ngồi ngoài chợ Tân Định mua đi bán lại những quần áo cũ kiếm tiền mua gạo qua ngày. Mạ tôi về nhà giỏ gạo luôn kè kè một bên vai.
    Một chiều, đi làm về sớm, tôi ngồi nơi bậc cửa nhìn ra đầu hẻm đợi mạ đi chùa về. Bóng mạ từ xa đi tới, đôi vai của mạ bị lệch về bên trái, nơi ngày nào mạ cũng kè kè một giỏ gạo. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Bây giờ giỏ gạo không còn nhưng gánh nặng của thời gian làm cho vai người cứ lệch đi.
    Gánh nặng thời gian kia làm sao tính hết? Anh em chúng tôi có những lúc vô tâm không thấy sự hi sinh thầm lặng của người. Cuộc sống như cơn lốc cứ cuốn lấy chúng tôi, vì miếng cơm manh áo chúng tôi thật hiếm khi đến ngồi bên mạ để tâm sự, sẻ chia những vui buồn của cuộc sống thường ngày. Ôi, mạ của chúng con!
    Ngày giỗ ba, sư Nhân - một nhà sư đã hoàn tục, nay chạy xe ôm - đọc bài thơ mừng thọ ba tôi. Bài thơ này anh viết cách đây ba năm, có ý định tặng ba tôi nhưng bài thơ chưa xong thì ba tôi đã ra người thiên cổ. Bây giờ sư Nhân vừa đọc vừa khóc thút thít: ?oTấm lòng ba rộng mở chân trời. Bóng hình ba bóng mát muôn nơi??. Nghe xong mạ tôi ngồi khóc ngon lành, còn chúng tôi lảng đi chỗ khác để kịp giấu những đôi mắt đỏ hoe.
    Gần mười năm trước, nhà ba mạ tôi ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Nhà nhỏ, bạn bè của con cái lại đông, vậy mà ba mạ tôi mở vòng tay đón hết. Dân miền Trung hiếu học nhưng nghèo khó, cơ nhỡ cũng nhiều, thường ghé nhà ba mạ tôi tá túc, ăn học. Tính từ năm 1975 đến gần những năm 1990 cũng có cả trăm người trọ chứ ít gì. Ba tôi sáng sớm cắp cái bàn gỗ đi bộ ra tận đường Võ Thị Sáu ngồi bán vé số. Mạ tôi xách giỏ cuốc bộ ra chợ Tân Định ngồi mua bán áo quần cũ. Mười anh em tôi đứa đi dạy, đứa đi học, đứa bán thuốc lá, con gái thì may hoặc đan lá buông hợp tác xã.
    Dạo đó toàn thành phố ăn bo bo, riêng nhà tôi bo bo cũng không có mà ăn, phải ăn khoai mì trừ bữa. Đói đến vàng mắt. Dẫu vậy, ba mạ tôi đều coi bạn bè của con như con cháu trong nhà, gặp bữa có gì ăn đó, mỗi người nhín một chút mà vui. Sau này, những người bạn của các con đã lớn khôn, trưởng thành, mỗi người mỗi công việc, mỗi dịp tết đến thường ghé nhà thăm ba mạ tôi kèm theo món quà nho nhỏ, khi thì chai rượu khi thì gói trà?
    Có những hôm vui, mạ và các con ngồi chuyện trò. Các con nói mạ hò đi mạ. Mạ cất giọng hò. Tiếng mạ vẫn còn hay. Mạ có thể ngồi hò cả buổi mà không hết ?ocả bụng? ca dao hò vè. Mạ kể: hồi nhỏ, ông ngoại kêu mấy chị em ra sân tập hò vào những đêm trăng sáng. Ai hò dở hoặc không thuộc thì bị roi mây vào đít. Mạ là người hò khá nhất trong mấy chị em.
    Một hôm, làng mở hội thi hò nam nữ đối đáp. Dân làng tụ tập trước sân đình lớp trong lớp ngoài. Mấy chị em muốn đi coi nhưng ông ngoại bắt nằm ngủ vì? còn con nít. Năm đó mạ mới 12 tuổi. Mạ nằm trằn trọc không ngủ được vì những tiếng hò theo gió từ sân đình vọng về. Ông ngoại kêu dậy hỏi có thích đi nghe hò không. Mạ nói thích. Ông ngoại ra điều kiện: tới đó thì phải hò mới cho đi. Mạ gật đầu đại.
    Tới sân đình gặp lúc người làng Lệ Thủy quê mạ hò thua làng Bố Trạch, ông ngoại tức khí kêu mạ ra hò. Mạ còn? con nít, ông ngoại phải đỡ lên ngồi trên vai để mọi người thấy. Tiếng mạ thanh mà lanh lảnh, nhưng điều quan trọng nhất là tài ứng khẩu đối đáp ngay với bên kia, nếu chậm thì coi như thua. Những hội thi hò như thế thường kéo dài đến quá nửa đêm và phần thắng luôn nghiêng về phía làng Lệ Thủy. Thế rồi, trong những chàng trai mến mộ giọng hò của mạ có ba tôi...
    TỪ NGUYÊN THẠCH (Viết nhân ngày giỗ ba 14-6-2003)
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Cõng chữ cho con
    Ngày còn nhỏ, mẹ chở con đến trường mẫu giáo trên chiếc xe đạp cọc cạch của mẹ. Trường ở xa cơ quan nên hằng ngày hai mẹ con phải thức sớm, bố ra đồng còn hai mẹ con đi về phía chợ. Con vẫn nhớ chiếc xe mẹ lăn bánh đến trường và những giọt nước mắt của con cũng lăn theo vòng xe vì phải bỏ lỡ những trò nghịch phá với lũ trẻ trong xóm.
    Mẹ phải chỉ những bảng hiệu hai bên đường màu sắc sặc sỡ để con nín khóc, quay sang hỏi đủ chuyện về những cái tên bảng hiệu ấy. Mẹ rành tính con mẹ quá, con trai mà tò mò đủ thứ chuyện. Riết rồi những chữ cái to đùng đầy màu ấy cứ gom nhặt vào đầu con, chất đầy lên từ bao giờ chẳng biết.
    Một ngày, mẹ ngạc nhiên và thích thú khi nghe con bi bô khoe đã nhớ được ngần ấy cái tên, rồi mẹ mua cho con bộ xếp hình chữ cái, ôi những miếng nhựa đầy hình thù kỳ lạ lại kích thích sự tò mò của một thằng con trai nghịch ngợm. Cứ thế, hai mẹ con mình gom từng chữ...
    Đến khi cô giáo ?ohớn hở? khoe với mẹ, con ?odám? lấy sách của cô đọc thơ Trần Đăng Khoa cho mấy bạn ?osơn ca? nghe, mẹ cười hãnh diện. Con về nhà ?ongâm? lại bài thơ ấy: Trăng tròn như nón mẹ, nhấp nhô trên đồng xa...
    Rồi con lớn hơn một tí, một tí thôi nhưng đã biết cầm báo của bố đọc. Tờ báo to ơi là to, còn con thì vẫn bé đến tội! Vậy là hằng tuần, cứ mỗi thứ sáu mẹ lại nhín tí tiền chợ mua cho con tờ báo Nhi Đồng.
    Những tờ báo tí ti đầy màu sắc sặc sỡ, mở ra trong đầu con biết bao điều mới lạ, con biết ơn mẹ công cha, con biết cỏ cây hoa lá, con biết thế nào là truyện ngắn, là thơ ca? Và con đã không còn ?onăng nhặt chặt bị? những chữ cái nữa, con mẹ giờ đã biết ?ogom chữ thành thơ?. Những câu thơ đầu đời kiểu ?onước chảy băng băng, nước qua ruộng đồng...? được cả gia đình mình tán dương nhiệt liệt.
    Những sáng dậy sớm, mẹ lặng lẽ pha trà cho bố, rang cơm cho con... Hai bố con thảnh thơi ?obình thơ?, thằng nhóc con đã có những câu chữ non nớt để bố phụ họa... Và con nhớ lắm mùa lũ năm ấy, nước ngập những đường đi quanh nhà, nước chảy tràn trên đường phố, vậy mà mẹ vẫn ra chợ mua cho con tờ báo Nhi Đồng có đăng bài thơ đầu tiên của con. Cả xóm biết con mẹ là ?othi sĩ?, nhưng mẹ ơi, ý thơ thì của con còn chữ là của mẹ. Những con chữ mẹ chảy bao sức người để gồng gánh cho con.
    Rồi con cũng chẳng còn mè nheo như trước, đã biết ôm cái cặp to tướng tự đi học được rồi. Mẹ cho con đến lớp Anh văn buổi tối, cả một lớp đầy nhóc là nhóc. Chỉ có duy nhất một cô đã lớn, ngồi cùng thằng bé vẫn tí hon. Cô đó không ai khác hơn là mẹ của con!
    Mẹ đã bỏ bao mặc cảm của một người lớn tuổi, mẹ bỏ ca đêm, ?obỏ bố? bơ vơ ở nhà cốt chỉ mong con mình vững tâm học hành, học để biết thêm những con chữ mới lạ mà đầy bổ ích. Mẹ tự hào nói rằng con mẹ dường như có năng khiếu về ngoại ngữ, những thứ tiếng nước ngoài cứ thoát ra từ đôi môi trẻ thơ xinh xắn nghe hạnh phúc và sung sướng quá chừng! Cứ thế, con mẹ đi lên từ từ, còn mẹ thì vẫn vậy, đôi môi đã lớn tuổi uốn từng chữ khó nhọc.
    Đến một ngày mẹ chẳng thể nào theo con đến các lớp ngoại ngữ được nữa, vậy là mẹ mua thật nhiều sách, những cuốn sách ngoại ngữ đắt tiền, trang bìa bao giờ cũng là ?oCho Nhí của mẹ?. Rồi con mẹ có bằng A, bằng B, bằng C. Mẹ khóc, vâng, con nhớ mẹ đã khóc khi con được thủ khoa bằng C dù là thí sinh nhỏ tuổi nhất. Ôi, giọt nước mắt lăn trên má mẹ mà con cứ thấy lung linh những con chữ ngày nào mẹ cõng cho con.
    18 năm khôn lớn - chữ nghĩa, sách đèn, những đêm khuya thức học thi, mẹ một góc, con một góc, cùng tra chữ... để bây giờ con mẹ vào đại học, một trường đại học danh tiếng, mẹ không còn tỏ vẻ tự hào nữa vì biết con đã lớn, lớn đủ để hiểu lòng mẹ rộn rã xiết bao. Mẹ biết đường đời dài trước mắt nhưng con mẹ đã có thể vững vàng đi, đã có thể tự kiếm chữ cho mình.
    Mẹ biết những con chữ chảy tràn trong đầu con mẹ bây giờ không đơn giản là con chữ ngày xưa. Nhưng mãi mãi mẹ vẫn tự hào vì con chữ ngày xưa mẹ cõng về, bởi trong con chữ đó không đơn thuần chỉ toàn là abc, chữ có cả tình người, cả cách làm người, cả nghị lực và đức hi sinh của một con người, phải không mẹ!
    PHAN HÃN HỮU
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Người mẹ thứ hai
    Tôi sinh ngày 15-7-1957. Mẹ tôi mất ngày 21-7-1957. Như vậy tôi chỉ được gần mẹ vẻn vẹn đúng một tuần. Mẹ tôi mất do bệnh sản hậu, nhưng vì quê tôi thời đó vừa nghèo vừa nặng tệ mê tín dị đoan, nên mẹ bệnh nhưng gia đình, chòm xóm chẳng chịu đưa mẹ đến thầy thuốc chữa bệnh mà để ở nhà cúng bái, xông hơi.
    Thế là mẹ kiệt sức dần và mãi mãi đi xa. Cha tôi lúc đó là bí thư Đảng Lao động xã Hòa Đồng, huyện Tuy Hòa được tổ chức phân công ở lại địa phương (không tập kết miền Bắc) để công tác ở hành lang 240 giữa Khánh Hòa - Phú Yên, nên khi mẹ tôi mất cha tôi có ở nhà và nghe lời trăng trối cuối cùng của mẹ: ?oEm chỉ sinh được một mình nó, giờ để lại cho anh. Anh ráng nuôi dạy nó nên người?.
    Nhưng cha tôi cũng chỉ gần gũi, chăm sóc tôi được mấy ngày thì bị địch bắt bỏ tù. Đời tôi kể từ đó nhờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ thứ hai là bà nội của tôi. Nội tôi lúc đó đã gần 70 tuổi, miệng móm, lưng còng, cũng chẳng còn sữa để tôi bú thép. Còn tôi thì đỏ hỏn, liên tục oe oe đòi sữa mẹ. Những lúc như vậy nội ôm tôi vào lòng và nhỏ những giọt nước mắt đau thắt tận đáy lòng.
    Hàng xóm đến thăm, cám cảnh rủ lòng thương và hết người này đến người khác thay phiên nhau cho tôi những giọt sữa quí giá trong những ngày mẹ tôi mới mất. Khi được một hai tháng, những lúc khát sữa tôi khóc la inh ỏi, nội lại lọm cọm bồng tôi đến những gia đình hàng xóm có những bà mẹ đang kỳ cho con bú để xin cho tôi bú ké qua ngày.
    Quê tôi là làng Vinh Ba nơi xuất xứ của câu ca dao:
    Vinh Ba đan cót, đan gàu
    Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong.
    Vì vậy người dân quê tôi lúc đó ngoài công việc ruộng đồng còn tranh thủ thời gian đan cót, đan gàu quên cả ngày đêm. Để cho tôi có được những giọt sữa từ những bà mẹ có tấm lòng nhân hậu, thương đứa trẻ côi cút không cha không mẹ, nội tôi phải làm thay những việc họ đang làm như chằm nón, đan bồ, vớt rong, giã gạo, xay lúa... để họ rảnh tay cho tôi bú.
    Thế nhưng, dù có tốt mấy đi nữa người mẹ vẫn phải dành phần nhiều sữa cho con mình, nên thường là tôi còn đòi bú nhưng không được bú nữa, nội đành bế tôi về, trên đường đi cả tôi và nội cùng khóc.
    Và có biết bao điều phiền lòng khi ngày ngày nội bế tôi đi xin sữa từ nhà này đến nhà khác, từ làng trên đến xóm dưới, nhưng nội im lặng chịu đựng, chỉ mong sao tôi được nhiều người rủ lòng thương để họ cho bú ngày được đôi lần. Khi tôi được bốn, năm tháng, nội tập tôi ăn cơm sú. Vì nội đã rụng hết răng và toàn bộ thời gian nội dành để bế bồng, chăm sóc tôi nên chỉ tranh thủ nấu được om cơm (cơm nấu trong nồi om bằng đất nung).
    Nội tập tôi ăn cơm bằng cách lấy một vài thìa cơm bỏ vào cối giã trầu của nội để nghiền thành bột, rồi nội ngậm sú vào miệng tôi, giống hệt như chim mẹ sú mồi cho con. Vì nội ăn trầu nên miếng cơm nội ngậm trong miệng để sú cho tôi lúc bấy giờ có màu đỏ tươi giống như những giọt máu của nội san sẻ cho đứa cháu bất hạnh.
    Khi tôi ăn được, ngủ được, ngày càng khôn lớn, nội vui mừng lộ rõ trên mặt và thường ca cẩm: ?oCái thằng đúng là trời nuôi, khi nhỏ ai đưa vú cũng mút, chẳng chê người nào. Khi lớn cơm sú trộn lẫn vôi, trầu cay xé họng nhưng vẫn ăn ngon lành?.
    Trong kháng chiến chống Mỹ, quê tôi là vùng tranh tối tranh sáng nên thường bị mưa bom bão đạn, trường học chẳng có. Vì vậy để biết đọc, biết viết, nội gửi tôi học mấy ông thầy dạy tư trong làng. Khi tôi học cấp I phải đi xa nhà trên 5km và học cấp II-III xa nhà trên 10km. Đi học trong thời gian này quả là vô cùng khó khăn.
    Nhà nghèo nên thiếu thốn đủ thứ. Thậm chí có ngày cơm ăn không đủ no nhưng phải đạp xe đi về trên 20 cây số trong mưa phùn gió bấc rét run. Nội tôi thì một chữ bẻ đôi không biết, nhưng khi thấy tôi chểnh mảng việc học hành thì nội thường dạy: ?oCố gắng học kiếm cái chữ để sau này không khổ như nội nghen con?.
    Thú thật trong 12 năm học phổ thông vì khó khăn, gian khổ quá nên nhiều lần tôi đã bỏ học, nhưng mỗi lần như vậy nội lại động viên năn nỉ. Vì thương nội quá nên tôi đi học trở lại chứ chẳng nghĩ đến bản thân sau này sướng khổ thế nào.
    Ngày 26-7-1977 nội tôi mất. Lúc đó tôi đã tham gia cách mạng và đi học xa nên không được nghe lời trăng trối cuối cùng của nội. Sau này tôi về bà con kể lại, trước lúc đi xa nội thường lẩm bẩm: ?oCháu sống được đến ngày hôm nay là nhờ tình thương của bà con, chòm xóm. Không được quên ơn của họ nghe cháu?. Nghe vậy tôi khóc và ngước mặt nhìn về hướng tây:
    Xa xa én liệng vu vơ
    Mây mù che phủ bao giờ hở mây!
    Biển kia nước có vơi đầy
    Non kia đá có đổi thay theo thời
    Cháu xin tạc dạ nhớ lời
    Nội trăng trối lại ở nơi quê nghèo.
    ĐẮC HOA
  6. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Mẹ thiêng liêng
    Tôi viết về mẹ tôi như viết về một nguồn sáng thiêng liêng nhất trong đời - mà đã thiêng liêng thì làm sao nói hết được.
    Mẹ theo ba trôi giạt từ Huế vào Phan Thiết, ở chỗ này một ít chỗ kia một ít, không có nơi nào là nhà của riêng mình. Ba tôi cho việc đó không quan trọng; nhà nào cũng là nhà, sống ở đâu trên đời này mà chẳng được. Chỉ tội cho mẹ tôi. Kiếm tiền, nuôi dạy con cái, mẹ cáng đáng hết, không một lời trách móc. Việc gì mẹ cũng làm quá sức mình. Bây giờ nghĩ lại tôi không biết mẹ lấy sức đâu ra mà nuôi con từng ấy năm. Lại dạy con, nhất là tôi, sống sao cho ra hồn người!
    Hồi tôi bảy, tám tuổi, gia đình chạy loạn tới xã Vĩnh Hòa dưới chân núi Tà Dôn, cách Phan Thiết mười mấy cây số. Tết đến, dẫu cuộc sống vô cùng cực khổ mẹ cũng nấu cho được vài đòn bánh tét, một nồi măng, một tra thịt, trước cúng ông bà, sau có cái cho con ăn đỡ tủi. Lại còn sai anh tôi và tôi đi mua một chai rượu nhỉ đang cất trên lò dành cho chồng.
    Hai anh em đang hí hửng cầm chai về thì máy bay ào tới. Thấy người hốt hoảng chạy, mình cũng chạy; thấy người đâm nháo nhào vào đám bông vải bên đường, mình cũng đâm luôn vào đó; ai cũng rụt đầu, rụt cổ, cố co mình lại, không dám thở mạnh để giặc khỏi thấy, khỏi nghe. Vậy mà có một người đàn bà quáng quàng chạy gào to giữa trời: ?oLợi ơi! Tư ơi! Lợi ơi! Tư ơi!?. Mẹ tôi đó!
    Chúng tôi chạy ào ra, ôm chầm lấy mẹ. Mẹ nắm hai tay chúng tôi, vừa chạy vừa nhìn tưởng như vừa sinh hai thằng con mới.
    Tết đó chúng tôi trốn chui trốn nhủi trong rừng. Pháp thả bom ầm ào, xe tăng chạy rậm rịch, chúng tôi cứu được cái mạng không là may rồi. Bao nhiêu món ăn bỏ lại hết. Em tôi chép miệng, anh tôi vạch đất, tôi nhìn mây qua kẽ lá mặc sức tưởng tượng. Nhìn cảnh đó mẹ tôi chịu sao nổi. Khuya, mẹ mò về làng một mình. Lòng yêu thương con dìm hết mọi nỗi sợ hãi đang rình rập theo từng bước chân đêm rón rén của mẹ. Mẹ về, một gánh cho con! Nhai miếng bánh tét trong miệng, thấm vị béo vị bùi; ăn miếng măng kho thấy mềm thấy ngọt; ngậm miếng thịt rim hành tiêu tỏi ớt, cảm cái thơm cái đậm cái nồng, mới thấy có một điều vô thủy vô chung là tình thương của mẹ.
    Tản cư về lại ở nhờ dưới mái tranh xưa, mẹ đi củi rừng dương kiếm sống. Anh tôi và tôi theo giúp mẹ. Ba tôi xách đồ nghề đi hớt tóc dạo. Không xong, chuyển qua làm thợ mộc, cũng không khá hơn là bao. Một hôm, đêm chưa khuya đèn còn ngọn sáng, nghe căn nhà dì Bảy Khanh bên kia đường có tiếng xí xô xí xào của lũ Tây đen rạch mặt. Trời ơi! Dì Bảy Khanh góa chồng có đứa con trai là Ly; tuổi dì mới ngoài 30, sắc xuân còn đang nồng. Dì có sao không trời? Bỗng có tiếng súng, tiếng thét. Xóm nhỏ quằn trong đêm kinh hoàng.
    Mẹ tôi phóng mình chạy. Ba tôi giữ chặt mẹ tôi lại. Mẹ vùng vẫy dữ dội. Người trong nhà nhào tới giúp ba. Mẹ muốn bứt tung những cánh tay người, mẹ muốn bứt tung cả ruột gan mình, phóng tới: anh tôi đang ở bên đó học bài cùng Ly. Dì Bảy Khanh chỉ còn là một xác chết không gì che thân, khắp mình máu đổ. Sau đó vài hôm, anh tôi và Ly cùng biến mất. Mẹ tôi như người mất hồn. Không ăn, không ngủ. Giật mình, nói mê từng chặp ?oLợi, con ơi!?, nghe cả tiếng gan bào. Lần lần, mẹ hồi tỉnh lại. Đâu phải chỉ mình con mẹ ra đi. Anh Tài, cháu gọi ba tôi là chú ruột, cũng ra đi từ hai năm trước. Và hàng vạn, hàng triệu đứa con của những bà mẹ khác cũng đã lớp lớp ra đi quyết bẻ tan xích xiềng nô lệ.
    Vắng anh Lợi, mẹ càng phải làm việc gấp hai, gấp ba. Mẹ bán cháo vịt, mẹ nấu cơm tháng, mồ hôi lúc nào cũng đẫm đầy mặt, đầy lưng. Mẹ không than thở với ai, gánh hết mọi khổ cực ở đời. Rồi mẹ tôi ngã bệnh. Bắp vế phải sưng to, ngày càng đỏ, càng cứng. Mẹ đau đớn quằn quại. Bệnh mạch lươn đã quật ngã mẹ. Thuốc ư ? Có, nhưng phải là thuốc đặc trị của Pháp, hiếm và cực kỳ đắt. Tôi chưa từng thấy nó bao giờ. Tiền đâu? Mẹ chỉ còn biết cầu nguyện Phật trời. Chúng tôi chỉ còn biết giương mắt ra ngó. Sức khỏe mẹ cạn kiệt, chân không lết nổi nữa.
    Vậy mà mẹ vẫn quyết cho tôi đi học xa. Tôi đậu trung học đệ nhất cấp thì Phan Thiết hết cấp. Muốn học tiếp tôi phải ra Nha Trang ở nhờ nhà người quen, dạy kèm con chủ nhà. Tôi tự xoay xở được, nhưng còn mẹ? Tôi nỡ nào để mẹ một mình với căn bệnh không bao giờ chữa khỏi. Tôi viết thư cho mẹ đòi bỏ học, đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ. Phan Thiết - Nha Trang mấy trăm cây số chỉ dài như một giấc chiêm bao. Tôi mở mắt ra đã thấy mẹ đứng đó vịn vai em tôi, khắp người như có hào quang chiếu rọi (chiếc khăn quàng xanh thẫm rơi xuống làm mẹ lộ ra cái đầu trọc). Mẹ tôi đó.
    Bà phải nằm lăn trên sàn xe lửa, cạnh rác rưởi, gà vịt, không tiền, không vé... để người soát vé thương tình cho đi nhờ. Nửa người như liệt, mẹ bay đi, bay đi để kịp ngăn thằng con rồ dại là tôi!
    Học một năm Trường Võ Tánh, tôi chuyển qua thi sư phạm cấp tốc, mong mau mau ra trường về với mẹ hiền tôi. Nhưng không còn kịp, mẹ đã thành tiên bay về trời!
    Trước khi nhắm mắt, mẹ cầm tay anh tôi và tôi, run rẩy dặn: ?oCác con phải thương nhau và nuôi em con học hành cho tốt? . Mẹ vuốt tóc em và ra đi. Chúng tôi một lòng vâng theo lời mẹ dạy. Em tôi thành đạt. Chúng tôi, ba đứa con trai của mẹ, đùm bọc nhau, nương nhau mà sống như có mẹ kề bên. Bây giờ cả ba đều đã già, mỗi lần gặp nhau đều bên nhau không rời.
    Xưa, có điều gì mong cầu hoặc gặp điều gì bất trắc, mẹ chắp tay cầu nguyện Phật trời. Nay, chúng tôi chắp tay cầu nguyện mẹ: Mẹ thương yêu thành mẹ thiêng liêng.
    TỪ THẾ MỘNG
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Mẹ và dòng sông
    Kính tưởng niệm má tôi N.T.N.
    Chúng tôi bốn anh em thuộc gia đình nhà nông cần cù lam lũ, quanh năm đầu tắt mặt tối mới có đủ cọng rau con cá trên mâm cơm thanh đạm. Cha tôi có chút ít học vấn, nửa chợ nửa quê, theo đòi phong cách phiêu bồng, ông thường bỏ nhà đi biền biệt! Má tôi, người đàn bà nông thôn giữ vững nếp nhà, tròn câu tứ đức. Song bà bất hạnh cô đơn, lẻ loi thui thủi, trĩu nặng cay đắng tủi hờn khi trong gian nhà vắng bóng cha tôi! Bà chỉ còn ôm chặt lũ con thơ để làm lẽ sống. Mộc mạc thầm lặng và nồng nàn.
    Tôi bùi ngùi xót xa bởi những đêm khuya im vắng, trong ánh sáng hắt hiu của ngọn đèn dầu, bên cánh võng đong đưa, má tôi dỗ em tôi bằng điệu hát ru buồn. Bóng mẹ bế con rung rinh in trên vách lá, tôi tưởng chừng như đấy là thiếu phụ Nam Xương! Ảo não lạnh lùng...
    Ở thôn quê ngày trước, nhà thưa xóm vắng. Những đêm gió rít mưa gào, tiếng chim cú ma quái vọng lên từng hồi từ phía mấy cây dừa lão um tùm sau nhà gieo cho lũ trẻ con chúng tôi nỗi sợ hãi tím mật. Đêm ngủ, chị em tôi cứ trùm mền kín đầu, co chân rút cổ không dám bước khỏi giường. Chỉ có em bé được ngủ bên má. Được ôm chặt lấy bầu vú mẹ, vừa no vừa ấm, nên thỉnh thoảng em reo cười rúc rích, có khi khoái chí còn khẽ hát ư e...
    Một đêm tối, tôi đang trùm mền ngon giấc, nằm bên đứa em kế sáu tuổi, khi ngoài trời mưa rơi tí tách trên mái lá, tôi chợt giật mình vì nghe tiếng em bé gào khóc ầm lên. Tôi tốc mền bật dậy vì không nghe tiếng má dỗ em! Tôi hơi ớn lạnh xương sống - trong nhà tối thui, đèn cạn dầu tắt tự hồi nào. Tôi hướng sang giường em bé, gọi giật: ?oMá ơi! Má ở đâu??. Vẫn lặng im. Em bé càng gào to, tôi càng thêm quýnh. Bặm môi, co chân tôi nhảy sang giường má quờ quạng bế xốc em lên dỗ dành. Nhưng dỗ hết hơi em vẫn không nín, cứ quơ tay khóc thét, gọi má ơi, má hỡi om sòm. Vừa sợ vừa tức em, vừa giận má, tôi quát em. Nó càng khóc dữ. Tôi mếu máo, bế xốc em xô cửa chạy ào vào đêm tối.
    Ngoài trời mưa vẫn lâm râm, gió lạnh thấu xương. Ánh trăng non chỉ còn chiếu đôi chút ánh nhạt nhòa, vụn vỡ. Tôi bế em lao trong mưa tiến sát vườn trầu, nơi má tôi thường ra đây gánh nước tưới vào những đêm khuya khi con sông nước lớn đầy. Vẫn không có tiếng động nào! Trời vẫn tối om...
    Hình ảnh ma quái len vào đầu tôi rờn rợn. Má không có ở đây vì đêm nay mưa. Tôi run lập cập rồi khóc to lên hòa với tiếng khóc của thằng út vang vang làm cho con chó mực ở trong nhà bật sủa ầm ĩ. Tôi bế em vượt nhanh ra phía bờ sông. Tôi biết má ở đâu rồi... Đứng trên bờ đất nhão mềm trơn ướt, ngóng cổ về phía bờ sông, tôi gọi giật:
    - Má ơi... má! Má về cho em bú... Em khát sữa khóc quá trời nè, má ơi...
    Một bóng đen lom khom nổi lên giữa dòng sông cạn. Qua ánh sáng lờ mờ tôi nhận ra ngay hình dáng gầy gò của má tôi. Nghe tiếng tôi gọi, má lóp ngóp bì bõm vội đi lên bờ, tay xách rổ, tay xách giỏ, mình mẩy ướt đẫm. Má đi xúc tép, mò cá vào giữa khuya, khi con nước ròng cạn. Má run rẩy vì ướt lạnh. Vậy mà tôi ngu ngốc, dại dột đã không biết chia sẻ nhọc nhằn với má, còn phụng phịu đay nghiến má:
    - Thôi đi má ơi! Đêm nào má cũng đi mò xúc cá tép bỏ em khát sữa, bỏ tụi con sợ ma phát điên! Má không thương tụi con chút nào?!
    Rồi tôi nấc lên tức tưởi như con khùng! Em bé được thể càng hét to hơn. Hai chị em hè nhau phá tan bầu không khí vắng lặng giữa đêm tối... Má tôi dịu giọng vỗ về: ?oNín đi con. Con lớn mà khóc om lên vậy làm cho em sợ khóc theo kìa!?. Mình mẩy ướt đẫm, má run run xách giỏ cá vào nhà. Thay áo vội, má đón thằng út vào lòng hôn như mưa bấc lên đầu lên mặt em tôi, vạch áo đưa bầu vú tóp teo vào miệng nó. Tội nghiệp thằng út. Vì quá đói, vì quá khát khao hơi ấm của mẹ, em ôm chặt bầu vú nuốt ừng ực.
    Tôi vẫn còn tức chưa ?otha? cho má tôi, dẫu thằng út đã no sữa lim dim ngủ trong ***g ngực héo hon của má: ?oMá cứ bỏ tụi con hoài trong đêm tối, có ngày ma nó ăn thịt tụi con chết luôn!?. Tôi ấm ức càu nhàu tiếp, trong khi con mực ngoan hơn tôi (?), nó đến ve vẩy liếm tay má tôi, mừng rỡ thân thiện như an ủi má...
    Má tôi xoay sang tôi, cúi xuống giọng đượm buồn: ?oMá có vui gì khi bỏ các con ở nhà trong đêm đâu? Con coi, ban ngày má ở suốt ngoài đồng, tối về đợi con nước cạn tới khuya, chờ em ngủ mới lội xuống sông bắt cá để mai các con có mà ăn?. Giọng nói của má cay xót uất nghẹn. Tôi bỗng hối hận thương má vô cùng. Tôi áp mặt vào ngực má. Da thịt của má lạnh teo, mà hơi thở của má vẫn ấm áp, phà lên tóc tôi. Tôi ngây ngô nói lên điều này với má. Nước mắt của má đang ứ lại chực tuôn trào.
    Má vuốt tóc tôi, thì thầm: ?oDa thịt dẫu có bị ngâm trong mưa lạnh, bão lũ, nhưng hơi thở, dòng máu trong tim trong phổi của má dành cho các con bao giờ cũng nóng ấm, trừ khi... má chết đi rồi!?. Tim tôi giật thót như bị bứt xé. Tôi thấm nỗi đau của má, tôi hối hận. Siết chặt tấm thân giá lạnh của má, tôi nghẹn ngào: ?oMá ơi! Con quá tệ! Con đáng tội. Xin má lượng thứ cho con, đừng giận con nghe má...?. Gạt nước mắt, má tôi mỉm cười hồn hậu bao dung. Tôi càng thêm hối hận vô cùng.
    Rồi chúng tôi lớn lên, hòa nhịp với bà con trong làng cùng bao làng lân cận hăng hái lên đường cứu nước. Cha tôi cũng đã trở về và cùng lao vào cuộc chiến chống xâm lăng, bảo vệ xóm thôn đồng ruộng. Má tôi vẫn ở lại quê nhà bền chặt với dòng sông, với ngọn rau tấc đất, với mồ mả ông bà. Bà còn thầm lặng kín đáo góp công vào việc nước non ở thời khói lửa, thời làng xóm bị giặc bao vây.
    Cho tới ngày đất nước yên bình, chúng tôi trở lại, má đã già còm cõi. Trong niềm vui rộng lớn chan hòa, má đã câm nín nuốt nỗi đau vì mất con! Người anh cả thương yêu của chúng tôi đã nằm xuống nơi chiến trường...
    Giờ đây má tôi đã ngủ yên trên phần đất quê hương bên phần mộ tổ tiên, cách không xa bờ con sông đã từng gắn bó ruột thịt - con sông vẫn như mẹ hiền, vẫn triền miên âm thầm trôi chảy, vẫn kiên trì, cần mẫn mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, như má chúng tôi suốt đời chỉ biết khổ nhọc hi sinh cho đàn con yêu dấu.
    MAI PHƯƠNG
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Người duy nhất
    Người mẹ trong bài viết này không phải thần tượng của con bà. Cô con gái bướng bỉnh của bà không (hoặc chưa?) tôn ai làm thần tượng.
    Đó là một phụ nữ đã bươn chải trong những năm tháng thanh xuân của mình khi các con còn thơ dại. Bà làm việc 20 giờ mỗi ngày trong nhiều năm liền. Nhiều người ngợi khen lòng chung thủy của bà khi gia đình bà sa cơ thất thế và người chồng phải đi xa.
    Đó là một người quản gia tận tụy khi các con đã trưởng thành. Lăn xả vào việc nhà, đôi khi bà quên huyết áp của mình thường bị tăng vọt. Lặng lẽ cả ngày ở nhà, giây phút hạnh phúc nhất trong ngày của bà là khi các con đi làm về, mỉm cười hoặc biểu lộ một dấu hiệu nào đó để mẹ biết rằng mọi việc đều ổn thỏa trong ngày làm việc của mình.
    Đó là một góa phụ vô tình trước tấm lòng của một người đàn ông hiểu và quan tâm đến bà còn sâu sắc hơn các con bà.
    Đó là một người bệnh thường tự dằn vặt mình đã, đang và sẽ tiêu tiền vào thuốc men hằng tuần và cho đến hết đời. Dù con bà thường nói rằng việc gì phải chấp nhận thì cần vui vẻ chấp nhận, rằng tiền thuốc hoàn toàn nằm trong ngân sách. Bà tự giận mình là một gánh nặng cho các con mỗi khi bệnh trở nặng. Bà nén tiếng thở dài khi con bà tỏ thái độ đưa bà đi bác sĩ cho xong nghĩa vụ.
    Đó là một người bạn đáng tin cậy mà các con bà có thể bộc lộ hết mọi trạng thái tình cảm, hoàn toàn không kiềm chế.
    Đó là một người mẹ đã vài lần nén những giọt nước mắt khi con bà tỏ ý trách rằng bà tiêu tiền vào những khoản không cần thiết cho việc chợ búa. Con bà thừa hiểu rằng bà không phải người tiêu xài hoang phí. Câu trách quá lời đó xuất phát từ bản tính tằn tiện nhất mực, hay từ một phút nhất thời căng thẳng trước áp lực của công ăn việc làm?
    Bà đã viết vào nhật ký: ?oMột lần nữa, hôm nay cô con gái yêu quý của mình, người lao động chính trong gia đình, lại nhăn nhó hỏi rằng mẹ lại đi chợ nữa đấy à. Đi chợ mua thêm thức ăn tươi, chăm sóc bữa ăn cho gia đình, cũng là một điều sai trái hay sao?
    Vậy nếu tự sắm cho mình những bộ quần áo mới mà mình thường thích thú nhìn ngắm mỗi khi đi ngang cửa hàng, những bộ quần áo mà các con chẳng buồn để ý rằng mình đã không mua thêm từ mấy năm nay, thì đó sẽ là một hành vi sai trái đến mức nào? Giá như có ông nhà giàu nào chịu lấy bà góa này thì tôi đồng ý quách! Thà sống với sự vô tâm của ông ta còn hơn chịu đựng sự vô tâm của những đứa con mà mình hết mực yêu thương?.
    Nhưng viết rồi bà lại xé. Bà không muốn các con đọc được những dòng chữ như thế sau khi bà qua đời. Bà không muốn gây thêm nỗi buồn cho các con.
    Người mẹ được miêu tả trên đây là người còn nhiều thiếu sót trong mắt cô con gái hay xét đoán của bà. Người con ấy xét đoán rằng bà quá hời hợt trong quan hệ với mọi người, ngoại trừ với con mình, rằng bà chưa tốt với người đàn ông luôn hết lòng với bà...
    Nhưng không ai thay thế được vai trò của bà trong lòng các con, vai trò của một người quản gia chu đáo, một người bạn đáng tin tưởng tuyệt đối, một người mẹ nghĩ đến sự bình an và hạnh phúc của các con trước khi nghĩ đến bản thân mình.
    LÊ VŨ TUÊ NƯƠNG
  9. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Đau đáu sông quê
    Có xa xôi gì cho cam, nhưng mãi cho tới sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mấy anh chị em tôi mới có dịp về thăm quê ngoại ở Rạch Voi, làng Thiện Mỹ, Trà Ôn, Vĩnh Long.
    Đứng dưới tàn cây khế, cây xoài già lụ khụ, chị Hai khăn rằn quấn cổ, mặt xương xương, ngăm ngăm giống má, nhắc rành rành: kia là cây cầu ao bằng hai thân gỗ ghép lại mô vồng, một đầu chúi mất dưới đám lá mái dầm xanh um - nơi má ngày xưa thường lên xuống xách nước...
    Chị Ba lớn tác, ít nói giống ba, ra vẻ dửng dưng nhưng khi nhắc đến má đã sụt sịt khóc: ?oThành à, má thời con gái tới mùa phải đi cấy vần công, cấy mướn lấy tiền về đưa ngoại đong gạo. Má cấy lúa đứng, thẳng lối, thẳng hàng nổi tiếng cả vùng. Suốt đời má chỉ biết khổ... ?.
    Những năm bốn mươi, giặc Pháp đánh chiếm Trà Ôn, Tam Bình. Bưng Sen, bưng Vông bị giặc Pháp ruồng bố, đốt phá tan hoang. Tất cả thành viên trong gia đình tôi chẵn chín (lúc ấy chưa có tôi, còn chị Hai trong cơn loạn lạc chạy ngược sang Đồng Tháp) dồn hết xuống chiếc ghe lườn men theo sông rạch xuống tới chợ Cà Mau, lại dừng. Tôi được sinh ra tại chợ Cà Mau lạ huơ lạ hoắc này - chợ hồi ấy lèo tèo vài dãy phố được dựng lên một nửa trên bờ, nửa dưới nước, gối đầu tại một ngã ba sông.
    Ba bốn năm sau, giặc Pháp chưa tan, giặc Nhật xăm xăm nhảy vào. Lại phải tản cư. Vẫn chẵn con số chín người trong gia đình tuy có thêm tôi nhưng mất anh Thạch mới mười tám tuổi bị cảm lạnh giữa đêm chèo ghe phụ tiếp với má trong mấy năm tìm kế sinh nhai nơi đất lạ. Thêm một lần nữa tản cư, ghe xuôi hướng tây... Ghe chui vào được một vàm rạch nhỏ - rạch Cui - ba tôi uể oải cắm sào: ?oTa dừng thôi! Đi tới nữa ắt gặp biển... ?.
    Từ nhà tôi ở thả ra vàm rạch phải qua cái miễu Ông Tà dưới tàng cây mắm, cây cui, gặp ngay con sông Ông Đốc rộng rinh cư dân thường gọi thành danh sông Cái. Sông Cái nước ròng không bỏ bãi. Vực sông sâu hoắm được dựng lên hai bờ lá dừa nước bịt khù, sừng sững.
    Mùa sa mưa, nước đầy tràn từ rừng U Minh Hạ đổ ra thay màu sông xanh biếc thành màu đỏ bầm, ngầu đục. Sông bổ nhào ngàn con sóng lưỡi búa, trắng dã. Ngược lại mùa khô hạn, sông nhẩn nha, vướng vất làn sương mỏng tanh, thơ mộng lúc chiều tàn.
    Ngồi xuồng ba lá với má đi đốn lá, đốn chổi, tôi thu người, tim đập thình thịch mỗi lần qua miễu Ông Tà, thở hắt ra khoan khoái khi bắt gặp dòng sông Cái mênh mang. Những chiếc chong chóng thắt bằng lá dừa nước bắt gió sông xoay vù vù.
    Tôi thả hồn bay bổng lên tới những tầng mây trắng, tai nghe tiếng chèo khua nước dàn dạt, tiếng chim cu hót gù gù trên biền lá. Càng thích thú mỗi lần má dừng xuồng hái những chiếc lá vừng non đỏ chót về cặp với bánh xèo nhân tép đất, tiện thể tôi nhón chân tước vài bèn lá nhờ má thắt hộ cho mấy chiếc loa kèn.
    Những ngày định cư gian khổ, yên ả trôi qua... Năm tôi được miễn thi tiểu học, tiếp đến thi đỗ vào trung học, ba má hết cách kiếm tiền cho tôi ra chợ tiếp tục học hành. Một buổi chiều đi làm đồng trở vào nhà, má gọi tôi tới, nói nghiêm: ?oThành, con chuẩn bị đi nhập học, má đưa con ra tới chợ?. Tôi mừng quýnh. Anh chị tôi ngơ ngác nhìn nhau.
    Tính má miệng nói, tay làm khác xa thuở vỡ đất hoang sinh cơ lập nghiệp. Đưa tôi ra chợ nhập học đâu vào đấy, má về quê giục người nhà cất một quán cóc chồm lên mặt đập ngăn mặn, chỉ dẫn mấy chị tôi buôn bán hàng tạp hóa lẫn giải khát. Phần má nhảy độp xuống chiếc xuồng be mười kèm, một mình chèo chống rong ruổi mua dừa, chuối xứ vườn chuyển ngược lên đất rẫy Biển Bạch, kênh Chín Rưỡi..., đường xa thăm thẳm. Bán hết mấy mặt hàng xứ vườn, má day qua mua khóm mua dưa đất rẫy về lại xứ vườn...
    Cho đến ngày Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời, má ra chợ rỉ tai tôi chuyện vì sao đúng lúc tôi phải thôi học về vùng giải phóng. Nghe lời má, tôi về bưng biền nhưng vẫn xa má, xa nhà. Chiến tranh. Má chịu đựng và vượt qua biết bao nhiêu lần bom đạn. Tôi bận rộn, hăm hở vào sinh ra tử dọc đường đánh Mỹ, cộng những năm bao cấp sau giải phóng lần lữa trôi qua nhưng vẫn chưa làm được việc gì giúp má thảnh thơi, sung sướng lúc tuổi về già. Điều đó khiến tôi luôn day dứt...
    Sau giải phóng bốn năm, một hôm má từ quê ra chợ tới nhà thăm tôi. Chuyến ra chợ lần nầy của má đúng lúc tôi bận túi bụi: vừa dọn về gian nhà mới do tỉnh cấp, vừa sắp soạn đi làm phóng viên chiến trường bên Campuchia. Lúc tôi đang loay hoay quét dọn bụi bặm trên gác xép, má tới. Má ngồi buồn hiu ngoài gốc mận trước sân nhà tránh bụi, chờ tôi. Khi tôi bước ra tới sân, má tay đã cắp chiếc nón lá đi những đâu đâu đến chiều không trở lại. Tôi đạp xe tìm hết mấy chỗ má quen, cuối cùng nhận được tin má đã về quê trên chuyến đò cuối trong ngày...
    Tôi không ngờ rằng kể từ ấy má xa tôi vĩnh viễn! Nỗi đau lớn nhất trên đời đến với tôi vào một buổi chiều mưa dông như muốn hất đổ một cảng biển sầm uất Kompôngxom xuống biển, khi nhận được tin sét đánh qua đường dây nóng từ Tỉnh đội Cà Mau bay sang: ?oBà Trần Thị Lụa, người ấp 4, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời bị ngã sông, từ trần vào lúc 15 giờ ngày 12-8-1979... ?.
    Tôi quá giang đủ loại xe tàu về nước; đi một mạch tới quê, mọi việc đã an bài! Thì ra má chèo xuồng ba lá đi sông Cái một mình, chở theo rổ ổi cho mấy đứa cháu ngoại ở xóm Cái Giữa ẩn sau biền lá ven sông. Trên đường về nhà, một cơn dông mưa lớn đột nhiên ập tới...
    Đã muộn mất rồi! Tôi đứng lặng người, đầu ong ong và tim tôi tan nát trước con sông sau cơn mưa dông thất thường trở nên yên tĩnh, chậm rãi, thiu thiu buồn. Vẫn con sông Cái cưu mang cả quãng đời thơ ấu của tôi với hai bờ lá dừa nước xanh ngăn ngắt, vượt cao trên thảm lá xanh còn rất nhiều đọt vừng non đỏ thẫm hao hao những thân đèn cầy cắm lên giữa trời chờ tôi về thắp lửa!
    NGUYỄN THANH
  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Cây chổi tàu cau
    Cứ trông thấy cây cau là tôi nhớ đến mẹ tôi, nhớ đến những cây chổi tàu cau của mẹ tôi những năm tháng tôi còn thơ ấu.
    Mảnh vườn con nhà tôi chưa đầy nửa mẫu. Nhà vườn hồi ấy chưa biết chuyên canh. Vườn tạp đúng nghĩa. Được cái là tuyển toàn giống ngon, mùa nào thức ấy. Giáp ranh đất là bờ tre. Ven sông là hàng dừa. Hai bên bờ mương liếp cứ trồng cau cho rễ bện khỏi lở đất. Xen lẫn khoảng trống của những cây quít, cam, bưởi, xoài... là những thân cau thẳng tắp.
    Cha mẹ tôi lập gia đình, được bà Hai - chị của bà nội tôi, một chủ điền nức tiếng giàu có - cắt cho khoảnh đất này để ra riêng. Mọi việc sinh hoạt, tính toán làm ăn của cặp vợ chồng trẻ - là cha mẹ tôi - đều phải nhất nhất tuân theo ý kiến chỉ đạo của ông bà này. Lời căn dặn thường xuyên được bảo ban là ráng tiện tặn, dành dụm cho mai sau.
    Công đi làm của cha tôi, thu hoạch mùa quít, mùa cam, mùa xoài... cha mẹ tôi đều đem tiền gửi ở nhà băng không cầu chứng của ông bà này. Một nhà băng không hề có lãi suất mà cả vốn liếng cũng bặt tăm. Lâu lâu vui miệng, khề khà bên chén trà nóng, ông bà mới ra ân công bố số tiền gửi đã được bao nhiêu, để biết chứ không phải để sử dụng.
    Con số quên - nhớ, đúng - sai, cha mẹ tôi không dám cãi. Mẹ tôi làm dâu trong hệ gia đình phong kiến ấy, duy trì ngân sách thu chi với hàng lô giỗ quải trong năm bằng thu nhập ?ongoài vùng phủ sóng?: góp nhặt vài chục quả trứng gà, mấy chục buồng cau dày, mấy bó chổi tàu cau mỗi kỳ dăm bữa nửa tháng chèo xuồng ra chợ tỉnh.
    Sáng sáng, trong tiếng chim trao trảo râm ran đây đó, trong làn hương cau thoang thoảng, mẹ tôi dạo quanh một vòng khu vườn, gom từng tàu cau vừa từ giã thân cây tối hôm qua. Tôi tung tăng chạy theo, vác chỉ mỗi một chiếc tàu cau è ạch. Mẹ tôi ngồi ở hàng ba tước lá cau khỏi tàu lá rồi lấy con dao bầu chuốt lấy gốc theo đàng gốc, ngọn theo đàng ngọn, trải trước thềm nhà cho ánh nắng vàng ươm cứng từng cọng cau.
    Thân tàu cau mẹ tôi chẻ đôi, tề vừa kích cỡ làm thân chổi. Dây buộc là lạt dừa nước, tước từ đọt cà bắp của đám lá dưới mé sông. Ngọn chổi của mẹ tôi có dáng cong cong thanh thoát, vừa đẹp vừa quét sạch, cầm quét êm tay, không xốc. Bó xong, mẹ tôi chất lên giàn bếp hong khói cho đến ngày ?oxuất xưởng?, khi có chuyến đi chợ. Các chủ mối hàng chưa bao giờ chê những bó chổi của mẹ tôi, khéo và bền, quét đến cùn chứ không sút xổ.
    Tàu dừa hồi ấy ít khi làm chổi vì nó đắc dụng ở việc khác: nhóm lửa, làm đuốc trong cái thời nông thôn đêm đen đom đóm lập lòe. Ngược lại, bây giờ người ta xài chổi tàu dừa, chổi tàu cau hầu như vắng bóng. Nhưng bàn tay mẹ tôi vẫn hằn hoài những vết chai từ những cái siết dây bó chổi tàu cau!
    Còn những cái mo cau trắng muốt sực nức hương cau không biết bao nhiêu lần tôi nằm gọn trong đó hít thở mải mê rồi thiếp ngủ với giọng ru ầu ơ của mẹ tôi. Có lúc tôi vòi vĩnh đòi mẹ tôi kéo đi long nhong quanh sân nhà.
    Mẹ tôi đâu thể dừng công việc bó chổi, cứ thoăn thoắt làm và dẫn dắt tôi vào những câu chuyện đời xưa, chuyện làng chuyện xóm rồi chuyện lai lịch dòng họ, ông này bà kia, triền miên không dứt. Những chữ, những vần đầu tiên mẹ tôi dạy tôi bên những chiếc mo cau. Tôi đã biết đọc, biết viết trước khi đến trường. Và tôi dần xa mẹ từ khi đi học.
    Tôi lớn lên bên mẹ tôi, bên cây cau và bên những cái chổi tàu cau, những năm tháng thần tiên.
    A.CHÂU

Chia sẻ trang này