1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mỗi tuần một bài viết (Cảo thơm lần giở trước đèn)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi pittypat, 17/07/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Mỗi tuần một bài viết (Cảo thơm lần giở trước đèn)

    Cứ lập đi lập lại những topic "hợp tuyển", tập hợp lại những bài viết hay "ngày xưa" của Văn học quả không phải là một chuyện lý thú gì cho lắm với những người hay ghé qua Văn học. Nhưng nếu cứ để những bài viết hay đó trôi đi mãi thì cũng không phải...

    Thôi thì cứ cố kéo lại, để những người "mới" biết mà đọc, còn những người cũ nhìn lại và mỉm cười... : "Ừ, đã có thời mình như thế!".


    @@@

    PS: Ngoài ra, theo ý kiến của một số thành viên tâm huyết, Pitty nghĩ cũng nên dành chỗ trong topic này cho các bạn "Đọc văn nhau". Nghĩa là khi bạn đọc một bài viết hay trong box, thấy có cảm hứng viết lách, bình luận... có thể quote lại bài viết đó vào topic này + bài viết của mình. Như thế phần nào sẽ giúp tránh chuyển hướng hoặc làm loãng chủ đề chính (như một số bạn đã trình bày)
  2. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0

    Reading is a unrealizable game?
    Tequila
    Đối với Tequila, TTVNonline có nghĩa là box Văn học và những box khác. Bởi vì, tôi cảm thấy ở đây tôi có nhiều anh em bạn bè. Ở đây có những người bạn yêu tự do, có những người bạn khao khát được sống nhiều hơn vốn sống của mình. Hôm nay tôi muốn trình bày lằng ngoằng một chút. Mọi người thông cảm và đừng nghĩ rằng tôi ra vẻ này nọ.
    Reading is a unrealizable game?
    Có những kẻ tự cho rằng mình thực tế, và phê phán sách vở là một mớ lý thuyết suông, cuộc đời thật cần những cái khác. Nếu trong cuộc rượu có một con người thực tế kiểu như vậy, Tequila sẽ đứng dậy cung kính kiếu từ. Thương thay những con người không hiểu rằng mình bị nô lệ và tù đày, bởi một tên cai ngục bị gọi sai tên là ?osự thực tế?.
    Đọc sách đối với tôi, có thể gọi là một trò tiêu khiển, không sai. Tôi không thể phân tích một tác phẩm hay đánh giá một tác giả một cách xác đáng. Tôi chẳng thể nêu bật được lên điều gì, ngoài những điều chủ quan tự nhận thấy. Tôi cũng không dám đi sâu vào những trường phái văn học, những quan điểm chủ đạo, hay đại khái là những điều mang tính học thuật. Tôi chỉ đọc như một kẻ mù nhạc lý nghe nhạc, như một kẻ không biết đấm bốc ngồi trước TV xem M.Tyson đấm nhau. Đọc xong một tiểu thuyết hay, tôi cũng phê như thấy Tyson hạ nốc ao đối thủ! Có bác nào cùng chung lối đọc amateur như tôi không? Nếu có thì xin nâng một ly.
    Tôi là một nguời sâu sắc? Dĩ nhiên, không sâu sắc hơn kẻ khác nhưng chắc chắn là sâu sắc hơn bản thân tôi nếu không đọc sách. Người ta hay tưởng tượng ra một con mọt sách là phải như thế này: u buồn rầu rĩ, lơ đãng với cuộc đời, lúc nào cũng bay trên cung trăng với hàng tá những dòng tư duy và cảm xúc. Sai lầm! Những con mọt sách thực sự bao giờ cũng thèm được sống một cách cuồng nhiệt, để trải nghiệm những điều thu được từ sách vở.
    Các bác có bao giờ thất vọng vì cuộc sống khác với sách vở? Tôi tin là không. Một tiếu thuyết có giá trị, lẽ nào lại có thể do một em bé ngây thơ viết ra? Thường là chúng ta đọc sách do các bố râu dài đến rốn viết. Thỉnh thoảng tôi lại khoái trá vì được cho không một vài điều quý giá, do một ông tác giả dùng cả cuộc đời mình mới tìm ra. Chẳng hạn như Tequila, một thằng ranh mới dò dẫm mò vào cuộc đời, mà cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi nghe bác Egoist kêu ca phản đối ?ocuộc sống tươi đẹp?.
    Một người bạn của tôi, chỉ gặp tôi để tán dóc về văn học nghệ thuật, chẳng hình dung ra tôi như thế nào ở những lúc khác, những nơi khác. Một người bạn khác chỉ biết tôi trong những lúc khác, nơi khác ấy, thì lấy làm ngạc nhiên khi một lần bắt gặp tôi đang đọc sách của Tolstoi. Vì thế tôi cho rằng, các bác cũng không phải là những tay hủ nho chỉ đọc và ngẫm nghĩ, các bác thế nào cũng chả sống đầy nhiệt tâm và đầy nông nổi. Có phải không?
    Tôi cho rằng giá trị một cuốn sách, cũng giống như lượng cồn ít ỏi trộn lẫn trong cả một can bia hơi to tổ chảng. Uống cả đống bia thì cũng chỉ tây tây vì một chút cồn ấy. Đọc cả một cuốn sách dày cộp đôi khi cũng chỉ để lọc ra một điều hay ho có thể viết ra trong một dòng. Những cốt truyện, nút thắt nút mở, hay thậm chí là văn phong hay ngôn từ, cũng chỉ là chất dung môi. Một câu danh ngôn đôi khi còn chứa đựng nhiều điều hơn 500 trang kém kém khúc triết. Nhưng mà tôi lại ghét đọc danh ngôn. Uống bia mới thú chứ uống vài CC cồn thì thú vị cái gì?
    Có lần tôi thử thống kê những gì có giá trị mình đã đọc, viết những cái tên ấy trên giấy. Và lấy làm vênh váo vì số lượng của nó (số lượng ấy chắc chắn còn ít hơn nhiều bác ở đây). Sau đó đột nhiên tôi thấy lo lắng. Mình đọc và nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng của người khác. Vậy thì mình có bị loạn xạ hay không, và đâu là tư tưởng của chính bản thân mình?
    Nghĩ lại thì hoá ra không phải như vậy. Tư tưởng chính của tôi hồi mười tuổi như thế nào thì bây giờ vẫn thế, chỉ có điều là sâu hơn thôi. Trong một đống các tư tưởng đối chọi chan chát của các bố tác giả minh triết, cuối cùng chỉ đọng lại những gì hợp với mình. Cuối cùng thì nhờ đọc các bố ấy mà tầm nhìn của mình như dài ra vì các bố ấy nhìn giúp cho, chứ con mắt của mình vẫn thế. Như thể được đeo vào một cái ống nhòm có thể điều chỉnh tiêu cự.
    Quote từ [topic]54002[/topic]
  3. sinense

    sinense Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/07/2004
    Bài viết:
    180
    Đã được thích:
    0
    quote-xuongrong viết lúc 00:06 ngày 26/03/2004:
    Tháng tư
    Tháng tư mùa hạ xanh mướt
    Em ước được nắm tay người
    Trái tim con gái hồng lắm
    Như màu môi thoáng nét cười?
    Tháng tư đầu hạ mưa lắm
    Em ước tựa vào vai người
    Cuộc đời sẽ không buồn tẻ
    Gió sẽ thôi ngừng rong chơi?
    Tháng tư vui buồn gì đấy
    Người có thì thầm gọi tên?
    Nếu mà lòng người bão tố
    Em sẽ là bến bình yên.
    (HN 25/3/04)
    [/QUOTE]
    Mỗi lần đọc thơ chị là mỗi lần thấy se sắt nỗi buồn quanh cuộc sống , những mong ước , những quyến rũ đời .
    Vào Box ta nhiều mà chẳng mấy khi dám nói gì , nhất là gặp những cảm xúc đầy chân thực và tình cảm của chị . Một tấm lòng đầy bao dung , đầy vị tha của chị liệu có chở che và làm dịu nhẹ lòng người đầy bão tố như thế ?
    Chị vẫn buồn nỗi buồn của ngày nào , cái ngày nào mà hàng đêm thức đều online , để dãi lòng , để tâm trạng ...
    Hình ảnh chị tựa vai vào người ấy khi mưa thật đẹp , dù chắc chỉ là lời ước nhưng mong nó sẽ thành hiện thực cho chị .Và gió nữa , gió không rong chơi để đưa đến lời gửi gắm từ đâu đến cho chị phải không ? một thoáng qua đấy kỳ lạ thật , kỳ lạ quá đi chứ , dù chị không chuyển tải nhiều đến thế nhưng vẫn cứ thích luận ra , luận ra để thích một mình thế thôi .
    Thích đọc thơ chị và cũng thích hoạ lại thơ chị , nhưng sợ lắm lại tổn thương đến tâm hồn kia dễ vỡ . Cứ thế này lại ước , giá mà chị đã có chỗ nào đấy làm bến đậu cho mình chứ không phải ngồi chờ người khác tới như chị bây giờ .
    Khoảng khắc từ tháng tư đấy sẽ còn mãi và nhiều lời ước , lời buồn và chị ạ , ước mong chỉ là điều thôi thúc con người khám phá thế giới , nhưng hiếm lắm khi ta vừa ý điều gì .
  4. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Một chút về văn học mĩ...(tiếp)
    Pagoda
    1/William Faulkner, người đã tái sinh hiện thực nước Mĩ trong bản giao hưởng dữ dội của mớ âm thanh hỗn độn, những tiếng ầm ì, những câu văn dài hàng trang giấy không chấm câu, những câu chuyện lẫn lộn ngày tháng. Vốn dĩ, cuộc đời này , chắc ông nghĩ vậy, rất có thể sẽ chỉ được mô tả bằng câu thơ của W.Shakespeare : "Đó là một câu chuyện do một thằng khùng kể, huyên náo và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì cả" (It (life) is a tale told by an idiot, full of sound and fury, signifying nothing - Macbeth, cảnh 5 , hồi 5). Đây cũng là gợi ý cho nhan đề tác phẩm vĩ đại nhất của ông : "âm thanh và cuồng nộ " ( The Sound and the Fury). Và ông sẽ nói với độc giả rằng, không phải vậy, không phải là không có ý nghĩa gì. Bởi vì nếu như vậy thì cuộc đời này quả là một thất bại lớn. Rằng nếu chỉ có vậy thì con người sẽ diệt vọng. "Tôi khước từ chấp nhận sự diệt vong của loài người." (I decline to accept the end of man)- tên của bài diễn từ nhận giải Nobel cũng là tuyên ngôn của William Faulkner. Vượt lên trên tất cả những kĩ thuật cầu kì, những ma thuật đầy mãnh lực mà ông đã áp đặt lên các con chữ của mình và bắt chúng đẩy nghệ thuật tiểu thuyết của thế kỉ 20 vượt ra khỏi những bế tắc bằng những bước nhảy mà chỉ có những thiên tài mới có thể tạo ra, vượt lên trên những câu văn dài hàng trang giấy không có dấu chấm câu và cái lối khiến độc giả phát điên bằng những câu chuyện mà kết quả được kể trước nguyên nhân, tác phẩm của ông vẫn toả ra thứ ánh sáng đầy nghiêm khắc và nhẫn nại của lòng yêu thương, đức hi sinh, tinh thần xả kỉ... Đó là những bản tụng ca về lòng tốt của con người. Hãy xem cách ông nâng niu nhân vật Caddy của mình. Chính ông, trong lời chú thích cho bản dịch tiếng Pháp đã từng thú nhận rằng, đáng nhẽ ông cho nhân vật nữ này chết ngay từ đầu truyện. Thế nhưng cái cô gái (mà sự đôn hậu và dịu dàng từ cô toả thành mùi cây đối với gã khùng em mình) đã quyến rũ cha đẻ (Faulkner) của mình đến mức ông không thể chịu được nếu để cho cô chết ngay từ đầu truyện mà đã cho cô tiếp tục sống và truyền lại cái tên Caddy cho con gái của mình, đến nỗi trong bản chú thích, không kìm được lòng mình Faulkner đã viết thêm cả một đoạn văn dài nữa về số phận sau này của cô ( cũng là hi hữu trong lịch sử văn chương thế giới). Hãy xem cái cách ông xây dựng Dilsey, một nhân vật kì lạ, nhịp trống chắc khoẻ trong bản giao hưởng hỗn mang và gầm gào của "The Sound and the Fury". Bản chú thích (nt) về bà chỉ vỏn vẹn ba chữ "Họ nhẫn nại". Thế nhưng theo cái cách ông nói về nó ( sự nhẫn nại) thì ta phải tin rằng đó là tất cả, tất cả những gì trân trọng và kính phục nhất , ông đã đặt lên ngưòi phụ nữ da đen này. Ta có thể gặp lại motip này( nhân vật chính diện ẩn đi như tiếng trống giữ nhịp không thế thiếu trong giàn nhạc) trong "Nắng tháng Tám"( Light in August). Có một sự chơi chữ tinh tế trong cách đặt tên truyện mà nếu không đọc kĩ truyện ta không thể phát hiện ra - vẫn là Nắng tháng Tám nhưng tại sao lại là "Light in August" ít thông dụng hơn nhiều so với "August Light". Điều này dính dáng đến một nhân vật nữ : Lena Grove. Đứng cao lên hẳn bên trên cái cuộc tình man rợ và nhơ nhuốc Christmat-Burden cùng cái không khí u ám của chuyện là Lena Grove, người đàn bà bụng mang dạ chửa đi tìm tên sở khanh Burch. Và cái nắng tháng Tám chói chang nghiệt ngã kia không hẳn chỉ tập trung chiếu vào Joe Christmat mà ở đây còn hàm chứa một ý khác. "Light in August" còn có nghĩa nữa là "nhẹ trong tháng Tám" - hẳn là để chỉ Lena Grove vừa qua kì sinh nở. Nên câu chuyện kết thúc với Lena Grove , vẫn tiếp tục rong ruổi trên đưòng nhưng đã "nhẹ nhõm" với đứa con bồng trên tay và Byron Bunch đầy tin cậy. Một lần nữa khi xây dựng Lena Grove , Faulkner lại ca ngợi đức nhẫn nại và bình thản đón nhận. Ta sẽ rât thưòng xuyên gặp những hình tượng nhân vật nữ như vậy trong các tác phẩm của Faulkner ( Drucila trong The Unvanquished- Kẻ bất khả chiến bại hay Eular Varner trong Xóm nhỏ - The Hamlet) .
  5. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Cô gái tháng tư
    Fri13th

    Khanh nói với tôi rằng rồi Khanh sẽ giới thiệu tôi với cô gái ấy, cô gái có đôi mắt rất trong, và long lanh.
    Lần lần tiên Khanh nhìn thấy cô ấy là khi Khanh chuyển đồ về đây. Khanh thuê được căn phòng nhỏ trên gác hai, đối diện với nhà cô. Khanh thấy cô ngồi trong vườn, ngồi im gần như bất động. Khu vườn tươi tốt nhưng lộ rõ một vẻ hoang dại. Giữa cái thành phố khói bụi và ồn ào này, người ta thi nhau dựng lên những hàng rào sắt và thép gai, riêng khu vườn vẫn giữ một rào ô rô xanh rì, một khu vườn có rào ô rô giữa lòng thành phố! Mang tiếng là giữa lòng thành phố, nhưng thực ra nó nằm trong lòng một con ngõ nhỏ, nhỏ tới mức chỉ đủ để hai người đi sóng đôi mà nếu Khanh dắt thêm chiếc xe của mình thì sẽ chẳng còn đủ chỗ. Tuy vậy nó rất hợp với Khanh, cũng chẳng cần sóng đôi với ai lúc này. Khanh lên đây để học.
    Nhưng không hiểu sao cô gái ấy đã thu hút Khanh. Có thể bởi dáng vẻ im lặng của cô, có thể bởi đôi mắt trong veo và sâu hun hút. Nó có một vẻ quyến rũ bí ẩn đối với Khanh, nhưng dù vậy, Khanh chưa bao giờ cố gắng đánh bạo làm quen. Nhưng một lần, cô em gái của cô đã nói chuyện với Khanh. Cô em cũng xinh đẹp và mảnh dẻ như cô chị, nhưng đôi mắt cô bé thẳm sâu một nỗi buồn mênh mang. Cô chào Khanh qua hàng rào ô rô khi Khanh đang đứng trong con ngõ nhỏ xíu, ngó sang khu vườn. Cô hỏi xem Khanh có muốn vào chơi khu vườn đó không? Đây là một đề nghị gây ngạc nhiên. Bởi ở thành phố, người ta ít biết hàng xóm của mình là ai. Dường như sau rào ô rô xanh rì ấy, mọi thứ vẫn vẹn nguyên như cả từ thế kỷ nay, thời gian đọng lại, và không trôi nữa, sau rào ô rô ấy. Và Khanh nhận lời.
    Cô em mở chiếc cửa gỗ có những tai nấm xinh xinh - kết quả của ba ngày mưa rả rích - bên cạnh cửa. Khanh bước vào khu vườn có một lối đi rải sỏi và hai bên là thảm lá mục ẩm ướt. Cô em để Khanh lại ngắm những thứ đó, biến mất sau chiếc cửa gỗ của căn nhà và trở ra với cốc nước và một chiếc ghế con. Cô dặn Khanh hãy ngồi chơi uống nước và nói chuyện với chị cô, nếu cần gì cứ gõ cửa cô sẽ ra. Cô em chào Khanh, rồi biến mất rất nhanh, hệt như lúc đầu, làm Khanh có cảm tưởng cô đang lướt chứ không phải đang đi. Còn mình Khanh ngồi lại giữa khu vườn rộng, và một cô gái. Khu vườn trồng đầy cây ăn quả. Những quả chín không ai ăn rụng xuống thảm rồi mục ra như lá. Một vài quả còn sót lại trên cành trông cũng còi cọc và xấu xí lắm. Nắng ở đây có màu trắng xanh chứ không phải màu vàng. Và cô gái, cũng trắng xanh, ngồi yên lặng dưới một gốc cây. Những quả chín rụng đầy dưới chân cô, xung quanh, những con chim lích chích nhảy nhót mổ quả. Mọi thứ đều mới lạ đối với Khanh. Khanh yên lặng, mất một lúc để quan sát những thứ ấy rồi mới cất được một câu chào. Cô gái không đáp lại. Cô quay về phía Khanh, mỉm cười. Khi cô cười, mắt cô sáng hơn một chút, nỗi buồn trong đôi mắt ấy trong hơn một chút, và má cô có nét gì đó như là hơi phơn phớt hồng. Khanh ngỡ ngàng trước dáng vẻ đó, đánh bạo hỏi chuyện cô. Nhưng cô không trả lời. Cô vẫn mỉm cười. Khanh nhắc lại câu hỏi đến khi toan tức giận nghĩ sau cái dáng vẻ đẹp đẽ ấy có thể là một sự kiêu kỳ khó chịu đến vậy, thì Khanh chợt nhận ra nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tất cả đều dịu dàng và không chút diễu cợt. Lòng Khanh dịu lại. Nhưng ngay sau đó, có một nỗi sợ hãi xâm chiếm Khanh thấy sợ cái không gian im lặng và tĩnh mịch của khu vườn. Sợ sợi nắng màu trắng xanh trên đôi má đã cố hồng lên mà vẫn còn nhợt nhạt của cô gái ngồi bất động. Khanh vội bước về phía cửa. Vừa lúc ấy cô em đi ra, với con mắt bình thản và nỗi buồn đọng sâu nơi đáy mắt. Cô nói chị cô không thể nhìn, và cũng không nói được. Nhưng chị cô có thể nghe và cô xin Khanh hãy ở lại nói chuyện vì đã lâu lắm không có người lạ nào vào đây, nói chuyện với chị cô. Cô nói hơi dài, rồi đứng im, nhìn thẳng vào Khanh như chờ đợi. Và Khanh ở lại ngồi trên chiếc ghế, gần như run lên giữa tiếng chim lích chích và nhìn không chớp cô gái đang ngồi bất động dưới gốc cây, má cô đã thôi ửng hồng vì nụ cười không còn nữa và mắt cô đựng cả một trời những nỗi buồn trong veo.
    Đêm hôm ấy Khanh đã ngủ rất sâu, và hôm sau, khi đã bình tâm lại, khu vườn ấy vẫn không thôi ám ảnh. Có một điều gì đó thôi thúc Khanh bước vào nơi ấy một lần nữa. Khanh chờ đợi suốt một ngày dài, một buổi sáng, một buổi trưa, một buổi chiều, đến khi trời tối mịt. Chiều hôm sau mới thấy cô em xuất hiện gần rào ô rô và thật may vì Khanh đã không phải cất lời trước. Khanh lại ngồi trong khu vườn có những đốm nắng màu trắng xanh, với cô gái mỉm cười dưới gốc khế có những quả chín rụng đầy dưới chân mà trên đầu cô hoa khế vẫn li ti tím trắng. Khanh ngắm khu vườn hoang sơ, ngắm cô gái có đôi mắt mang màu nắng, đôi mắt không thể nhìn thấy được. Không một người khiếm thị nào có đôi mắt đẹp như thế, đôi mắt đẹp hơn tất thảy những đôi mắt mà Khanh từng gặp. Mắt cô ánh lên màu trong veo và ấm áp của nắng đầu hạ. Khanh không biết tên cô gái, và Khanh cũng không bao giờ hỏi, bởi Khanh đã gọi cô là Cô Gái Tháng Tư - cô gái có màu nắng tháng tư trong đôi mắt.
    Chiều hôm đó Khanh đã thấy khu vườn ấm áp hơn. Nắng vẫn xanh và cô vẫn ngồi yên lặng, nỗi sợ hãi đã vơi đi một nửa và niềm dễ chịu tăng lên gấp đôi. Cô em vẫn lặng lẽ đem cho Khanh chiếc ghế cùng cốc nước, trao đổi những câu ngắn gọn hệt như lần trước. Nhưng hôm sau thì Khanh đã làm cô nán lại thêm một chút, và nhờ đó Khanh biết được trước đây chị cô cũng có một đôi mắt đẹp biết nhìn, một chiếc miệng xinh có giọng nói nhẹ nhàng và dịu dàng như cô. Nhưng sau một trận ốm, khi gia đình đã chuẩn bị quần áo, chờ nấu một bát cơm úp cùng quả trứng luộc và đôi đũa tỉa hoa cho cô, thì cô từ từ bình phục, nhưng giọng nói và ánh mắt của cô đã ra đi. Mọi người đều ngỡ ngàng. Cô cứ xanh rớt như tàu lá, ngoan ngoãn như một con mèo con, sáng sáng ra ngồi dưới khu vườn. Suốt bao nhiêu năm đã như thế. Cô em bảo chị ngồi nghe những lời ca của lá và câu chuyện của chim. Khanh biết hai cô có một bà mẹ, bố các cô đã mất từ lâu, nhưng bà mẹ đang sống cùng, Khanh chưa bao giờ nhìn thấy.
    Khanh vẫn sang khu vườn đó với Cô Gái Tháng Tư, đã quen với nụ cười đáp trả của cô. Khanh kể với cô những chuyện vặt vãnh và vì cô không thể trả lời được nên cô mỉm cười. Khanh lại có cảm giác thân thuộc và êm ái như trước đây, khi Khanh vẫn ngồi với con mèo yêu quý của mình, con mèo đã lắng nghe biết bao nhiêu câu chuyện vẩn vơ của Khanh, những chuyện mà Khanh không thể nói với một ai. Nhưng con mèo đã mất. Khanh viết bản sonat dài năm trang như một lời tiễn biệt người bạn yêu quý của mình. Và Khanh rời nhà lên đây học.
    Khanh ngồi với cô mỗi buổi chiều, để nói về những chuyện người ta không thể nói với ai khác. Và khi chuyện đã hết thì Khanh đàn cho cô nghe. Cây ghita Khanh đã chơi từ rất lâu không phải một cây đàn chuẩn về âm thanh nhưng Khanh tin nếu như Cô Gái Tháng Tư nghe và cảm thông được những câu chuyện của Khanh thì cô cũng sẽ cảm thông được tiếng đàn. Và vì thế ngoài những tiếng chim lích chích, đôi khi khu vườn còn có thêm tiếng ghita bập bùng, chậm chạp nhưng nhịp nhàng như khi ghé sát tai vào ***g ngực, ta nghe tiếng trái tim cũng chậm chạp và nhịp nhàng như vậy. Khanh đã ngồi với cô biết bao nhiêu chiều nắng và chiều gió, bao nhiêu chiều mây xám xịt bầu trời khi những tia nắng trắng xanh cũng không xuống nổi khu vườn. Chỉ lúc trời mưa tầm tã, Khanh mới ngồi lại trên căn gác của mình, nhìn qua song cửa thấy rào ô rô mướt lên trong gió. Và Khanh chơi những bản nhạc của Khanh, những bản nhạc Khanh viết chẳng riêng cho ai hết. Khanh tin rằng bản thân mỗi giọt mưa cũng tạo nên một âm thanh riêng biệt và khi tiếng đàn của Khanh hoà lẫn trong bản giao hưởng của vạn vạn hạt mưa đó, Cô Gái Tháng Tư sẽ nghe nó rõ hơn và thấy nó hay hơn. Vì thế, Khanh chơi đàn vào những chiều mưa và ngồi bên cô suốt những chiều còn lại, tất cả các buổi chiều.
    Nhưng một hôm Khanh không thấy cô gái đâu nữa, hôm sau và hôm sau nữa. Cả cô em và cô chị như tan vào lòng đất. Ngôi nhà im lặng. Khu vườn im lặng. Khanh thấy những quả khế sắp tan ra giữa thảm lá mục mà những con chim thì đã bay đi đâu mất. Đã bao nhiêu lần Khanh muốn gõ cửa hỏi thăm cô gái rồi lại thôi. Đến khi lòng kiên nhẫn đã gần như không giữ nổi Khanh nữa thì lần đầu tiên, Khanh thấy ngôi nhà mở cửa, khu vườn mở cổng và những người khác bước vào. Tất cả đều lặng lẽ. Những người khách thưa thớt, mặc áo đen, làm những cuộc viếng thăm im lặng và buồn tẻ. Một vài người hàng xóm ghé sang. Cô Gái Tháng Tư tan vào lòng đất, còn cô em dáng vẻ của cô chị, với nỗi buồn thẳm hơn trước và vầng khăn trắng trên đầu. Khanh nhận ra bà mẹ vì bà là người ở lại giữa những người khách lặng lẽ đến và đi. Khu vườn có thêm những vòng hoa trắng. Khanh nghỉ học ba ngày chỉ để nhìn sang khu vườn đó, ngồi im, qua chấn song cửa sổ, thấy rào ô rô vẫn xanh rì, cây khế nở hoa tím ngắt, thảm lá ẩm ướt có thêm một vài tai nấm mới và những vòng hoa thì cứ trắng lên xa xót.
    Bà chủ nhà nói với Khanh ngôi ấy bị ma ám. Cả gia đình ấy bị ma ám và vì thế hàng xóm không ai dám lại gần đó cả. Bà bảo Khanh hãy tránh xa khu vườn đó ra và nói thêm rằng cô gái mất đi có khi lại tốt cho con ngõ này.
    Khanh thấy người ta cắt trụi rào ô rô, đốn những cây ăn quả tán sum sê khu vườn ngập nắng và những tai nấm vì không quen với ánh sáng ấy, héo rũ và khô quắt lại. Gia đình cô gái chuyển đi đâu chẳng rõ. Khanh nhìn qua chấn song, thì bắt gặp một chấn song khác, cũng bằng sắt và kiên cố như phòng trọ của Khanh, sơn màu vàng chứ không xanh rì rậm rạp như rào ô rô cũ.
    Khanh chưa kịp giới thiệu cô gái ấy với tôi, cũng không viết nổi bản sonat nào tặng cô. Nhưng Khanh quả quyết rằng người ta không thể chôn cô, bởi hôm người ta đưa quan tài cô đi, Khanh đã thấy cô ngồi dưới gốc khế, mỉm cười, rồi từ từ đứng dậy và bay lên trời cao, nơi những tia nắng rất hồng và không xanh một màu xanh trắng, nhợt nhạt như qua khe lá.
    Trích từ [topic]151723[/topic]

Chia sẻ trang này