Một buổi giảng thơ của Xuân Diệu Hồi ấy tôi được giao phụ trách một lớp sinh viên đặc biệt, thí điểm học năm năm (các lớp khác chỉ học bốn năm). Tôi đến mời nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện cho những sinh viên này. Tôi yêu cầu ông giảng về thơ của ông, những bài có trong chương trình phổ thông trung học cải cách. Thấy ông có một người khách, tôi định chỉ nói mấy câu rồi cáo lui. Nhưng Xuân Diệu giữ lại: "Không, mình đang đợi Mạnh đến, đang mong gặp Mạnh". Ông vào buồng tìm một cái gì đó, sau đó, kéo tôi ra ngồi riêng với ông ở căn phòng ngoài. Ông nói vòng vo về chuyện tri âm tri kỷ trên đời, về việc ngày xưa Diệp Văn Kỳ biếu Tản Đà một nghìn bạc Đông Dương, Tản Đà nhận mà không cảm ơn. Tôi chắc có ý rào đón để chuẩn bị tặng tôi một cái gì đó, vì tôi thấy ông đặt trên bàn trước mặt tôi một cái hộp nhỏ, vuông, có nắp bằng nhựa. Đó là cái đồng hồ đeo tay Liên Xô. Ông tặng tôi cái đồng hồ và nói đại khái, ông quý tôi, không phải vì tôi viết về ông (bài Xuân Diệu và niềm khát khao giao cảm với đời): "Mình giữ những cái này thì đến lúc chết đi người ta sẽ bảo mình là thằng ngu, cần phải gửi làm vật kỷ niệm ở những người thân". Về cuộc nói chuyện thơ với sinh viên, tôi đề nghị làm ngay tại nhà ông. Vì sinh viên chỉ có 14 người. Ông nhận lời và giục làm luôn tuần tới. Ông nói đến cái chết đột ngột của Nguyễn Duy Bình (do tai nạn giao thông): "Y như cái cây tươi bị chặt ngang thân. Vô lý quá! Số phận chúng ta thật như con ruồi, nhỏ bé quá, vô nghĩa. Mình gợi cái chết để thúc Mạnh làm việc gấp và phải khai thác mình khẩn trương hơn". Tiễn tôi ra về, ông dặn tôi giữ sức khỏe. Tập thể dục. Ông nói: "Gần đây ở cổ cứ thấy lạo xạo, khi quay cổ như có cát, khó chịu. Một bác sĩ nói là hiện tượng sablonnement. Đâm ra mình yên tâm. Vì như thế người ta đã có tổng kết. Nghĩa là nhiều người mắc rồi. Mình tập cổ, nay không thấy lạo xạo khó chịu nữa". Ông lại khuyên tôi không nên thức khuya: "Trước 12 giờ đêm là âm, sau 12 giờ là dương. Phải ngủ trước 12 giờ cho có một ít âm. Quá 12 giờ là dương, là ngày hôm sau, có ngủ bù lâu cũng không tốt. Vấn đề không phải là số lượng giờ ngủ mà phải có âm có dương". Cuộc giảng thơ của Xuân Diệu được tổ chức vào một buổi sáng tại nơi ở của ông: 24 đường Điện Biên. Khi chúng tôi đến thì trong căn phòng của ông đã bày sẵn ghế như một lớp học nho nhỏ vậy. Ông đã bố trí đâu vào đấy. Sinh viên thì ngồi những ghế nhỏ, thấp, chắc mượn ở một lớp mẫu giáo gần đấy. Tôi là thầy giáo, ông cho ngồi ghế tựa cạnh ông, nhìn xuống học trò. Còn ông thì đứng giảng bên cạnh cái bàn viết, trên có để một lọ hoa nhỏ bằng thủy tinh mầu xanh thẫm. Trong lọ hoa thấy cắm hoa tường vi và một thứ hoa gì đó trông như hoa dong riềng. Xem ra ông chuẩn bị rất cẩn thận: Trên bàn bày mấy tác phẩm của ông, một số tặng phẩm người ta mới tặng ông, trong số đó, có mấy viên gạch men chắp lại vẽ chân dung ông. Ông bắt đầu giảng. Ông nói: "Người Tây dạy tôi" "il faut savoir admirer" (phải biết cảm phục). Hồi trước làm thơ, tôi chỉ biết làm sao cho hay, không đọc, không phân tích thơ người khác. Sau này thấy phải tìm đọc, phân tích thơ người khác, có ý thức admirer người khác. Con người phê bình văn học trong tôi ngày xưa còn kém lắm. Làm thơ hay hay dở tự mình không đánh giá được đúng đâu. Những bài đầu tiên của tôi được đăng báo là các bài Rạo rực, Xa cách, Đây mùa thu tới... Năm 1937, Thế Lữ giới thiệu tôi trên báo. Cảm động quá, không sao ngủ được. Nửa đêm ở dortoir (phòng ngủ của sinh viên nội trú) dậy đi tiểu, nghe có người bạn trong màn chưa ngủ, đọc thơ mình. Cảm động vô cùng. Chế Lan Viên ít tuổi, đàn em của tôi, xưng em với Xuân Diệu. Nhưng tập Điêu tàn lại ra đời trước tập Thơ thơ. Bài đầu ông giảng là bài Rạo rực. Ông đọc bài thơ. Đến câu cuối cùng, ông đọc nhấn mạnh, nhưng hạ giọng và cúi đầu xuống cho chúng tôi biết mà vỗ tay. Ông giảng: "Tôi đi ra đường tưởng gặp một nàng hoa khôi yêu mình. Hóa ra tất cả cây cỏ chim muông có đôi hết, đi đôi hết, riêng mình chẳng có ai yêu cả: Tơ liễu dong gần tơ liễu êm **** bay lại sánh **** bay kèm Nghìn đôi chim hót, chàng trai ấy Không có người yêu để gọi "em"... ... Có lẽ chàng trai đến tuổi rồi Ra đường ngỡ gặp bóng hoa khôi Uổng cho áo mới mừng xuân rộn! Ai đợi chàng đâu? Chỉ nắng cười. Thơ Xuân Diệu thường thẳng băng không che đậy. "Anh nhớ bóng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh...". "Tính tôi nó thế, cho nên tôi ngại đi họp. Đến họp cứ nói tuột ra, toạc ra, sau đó sinh chuyện". Ông chuyển sang giảng bài Nguyệt cầm. Ông cố gắng nói cho xứng với một bài rất hay của ông. Xem chừng ông đã chuẩn bị kỹ lắm, nhưng vẫn không đạt. Tôi vẫn cho loại "siêu thơ" giảng cực khó, đúng ra, không giảng được. - "Nguyệt cầm là đàn nguyệt, lại là trăng, hồn trăng nhập vào cây đàn. "Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh". Cây đàn có linh hồn của ánh trăng là hình tượng nhân vật của bài thơ". Ông nói, hồi xưa ông rất mê nhạc, mê hát, mê cải lương, mê cả hát tây. Hay nói biển và nói trăng. Làm nhiều về thơ về biển và trăng. Mê truyện tình sử của Trung Quốc. Truyện Trung Quốc xưa có nàng trẫm mình trên sông. Tiếng đàn có linh hồn nó "rung mình" - "Linh lung bóng sáng bỗng rung mình" - "rung" chứ không phải "rùng", khi nghe đến chỗ nương tử trẫm mình chết một đêm trăng trong nước xanh... "Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời". Thu lạnh. Nguyệt sáng. Càng sáng càng thấy lạnh. Nói nguyệt tỏ ngời là nói lạnh. Hai câu lạnh, rất lạnh. "Long lanh tiếng sỏi" là có ý nói giọt đàn rơi như viên sỏi, tiếng sỏi, ánh trăng chiếu vào "long lanh". Bốn câu cuối là không khí trời đất lắng nghe tiếng nhạc. Kết thúc bài giảng, ông đọc lại bài thơ theo giọng Huế. Ông chuyển sang bài Đây mùa thu tới: "Tôi học được ở thơ Pháp cái thủ pháp gọi là allitération, tức là láy âm. Bài Đây mùa thu tới đã vận dụng thành công thủ pháp này. Để minh họa, ông đứng thẳng người, đầu cúi, tóc rũ xuống, hai tay buông thõng: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng... Ông đọc, cứ đến mỗi âm láy: "hiu", "chịu", "buồn", "buông" .v.v. lại rũ thêm, thõng thêm người và hai tay xuống. Nghĩa là ông không giảng bằng lời mà bằng cử chỉ, bẳng cả cơ thể mình. Có lẽ chính ông cũng thấy khó giảng thơ của mình nên quay ra nói về thơ nói chung: "Thơ không thể định nghĩa được, chỉ nói được phần nào thôi, nói chung quanh nó thôi. Cứ đọc thơ hay của Việt Nam và của thế giới, như thơ Neruda, Hikmet, thơ Pháp, thơ Đường .v.v. thì sẽ hiểu thơ là gì. Thơ phải thời đại, thời sự, song tất cả phải trở thành tâm hồn, nội tâm. Nội tâm, nội tâm, nội tâm. Hồi 1948, tôi có lần nói thơ không kể chuyện, thơ không miêu tả, thơ không luận lý. Bây giờ thấy mình nghĩ chưa đúng lắm, còn hẹp hòi. Thơ có thể kể chuyện chứ, như Truyện Kiều. Đúng là thơ không tả cảnh, nhưng gợi cảnh. Còn thơ không luận lý thì đúng như thế. Thơ Saint John Perse bây giờ khác lắm. Thơ không nói cái nên thơ sẵn có của khách quan mà phát hiện ra thơ ở cái tầm thường không có vẻ gì thơ cả. Baudelaire làm thơ về một cái xác chết, một con chó, có dòi bọ". Ngừng một lát rồi ông chuyển sang giảng bài Chén nước. Ông khoe bài này được khen ở Bulgaria. Chị Dimitrova khen: "Tìm thơ ở cái không thơ". Vai trò sáng tạo của nhà thơ bây giờ được đề cao ghê lắm. ý thơ: Em vô tình thôi. Nhưng anh vẫn sở hữu em bằng tình yêu của anh, anh tạo ra tình yêu cho anh, cho em. Tứ thơ: Em rót cho anh chén nước lạnh bình thường. Vậy mà anh tạo ra thành rượu nho được. Tình yêu của anh đã làm được như thế. Tạo bằng cách nào? Bằng "Cái men trong mắt em Anh để vào chén nước Hương hơi thở của mình Đã hóa thành rượu chuốc". Và: "Anh thêm vào chén nước Rượu cất của hồn anh...". Lần này ông giảng thành công, vì thơ hay, lại có ý rõ. Để kết thúc, ông bình một bài khá hay nói về một mối tình thoáng qua mà nhớ mãi. ấy là một cô gái nào đó gặp ở Bỉ. Bài thơ hay, song tôi chưa hiểu hết ý thơ tuy rất cảm động. Ông cũng không nói gì rõ thêm, lại chuyển sang nói chuyện đời, đặc biệt là những chuyện tiêu cực trong xã hội. - "Xã hội ta còn khổ quá, còn lắm cái vô lý quá! Họp, họp mãi để đẻ ra sự nghèo khổ. Không dám nói cái tiêu cực". Ông nói ào ào sôi nổi như cãi nhau. - "Người ta phải lo sống, tôi cũng phải lo sống. Nhưng lo cho chu đáo để rồi có điều kiện chăm sóc cái vườn hoa riêng của tâm hồn mình. Mỗi người phải có cái vườn hoa riêng của tâm hồn, đó là thơ đấy. Nhà thơ dạy cho ta biết ngắm nhìn trời đất, cỏ cây, tình yêu". Từ chuyện đời, ông lại trở về với chuyện mình. Ông kể mấy mẩu chuyện đã được nghe nhiều lần. Chắc hẳn đó là những kỷ niệm vô cùng cảm động đối với ông. Chuyện một người nào đó đã nhường chỗ cho ông trên một chuyến tàu hỏa Quy Nhơn - Tuy Hòa, vì biết ông trong một cuộc bình thơ. Chuyện một anh hàng nước mía ở Tuy Hòa đãi ông một cốc nước mía bốn đồng vì biết ông là Xuân Diệu: "Thi sĩ cỡ như chúng tôi có thể được tổng thống mời cơm ấy chứ. Nhưng được một anh nước mía chiêu đãi, khó lắm!". Anh em sinh viên mời ông một chai bia. Ông hỏi giá, lè lưỡi, kêu đắt quá. Nhưng ông vui vẻ uống. Đúng 12 giờ, cuộc giảng thơ kết thúc. Ông khàn tiếng. Mệt. Nhưng cảm động, có vẻ như là hơi say say. Ông bắt tay tôi và nói: "Cảm ơn". Hôm ấy là 10-10-1985. Không thể ngờ được chỉ hai tháng sau, ông qua đời (18-12-1985). Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh