1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Một câu chuyện Tết ở New Orleans

Chủ đề trong 'Văn học' bởi despi, 13/01/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Một câu chuyện Tết ở New Orleans

    Nguyễn Tường Phong

    Kể từ hôm bà Thịnh ghé thăm, ngày nào ông Bỉn cũng trông chờ mong ngóng. Ông vừa ngóng Tết mà cũng vừa ngóng cả bà Thịnh, kẻ sẽ giải thoát ông khỏi nỗi ám ảnh của đời sống và cái tiệm Bin?Ts Store.

    Bất kỳ ở nhà hay ra tiệm, ông không dám rời cái điện thoại đến nửa bước. Ông mong mỏi điện thoại của bà Thịnh còn hơn trẻ con mong mẹ về chợ. Gớm, thời gian sao mà chậm thế. Mà suy nghĩ bàn bạc chó gì lại lâu làm vậy. Chờ, chờ chờ mãi có mà chết. Càng nghĩ ngợi, mong ngóng, ông càng bẳn gắt, cau có. Mặt mày lúc nào cũng bì bì ra như người đau khổ kinh niên. Ngay đến bà Bỉn cũng còn tức lây. Chính hôm bà Thịnh ghé, buổi tối hai vợ chồng ông đã cãi nhau một trận kịch liệt. Chẳng là ông về hớn hở thông báo tin mừng cho vợ thì bà Bỉn cũng mừng rỡ không kém hỏi dồn:

    -Thế ai đấy, người ở đâu, bao giờ giao ?

    Ông Bỉn ỡm ờ:

    -Chưa, bu mày cứ từ từ hẵng nào. Rồi ông ra cái điều quan trọng cứ dây dưa gọi con :

    -Gái ơi khui cho ba lon bia.

    Con bé 12 tuổi đi ra với ba lon Budweiser mở sẵn trên cái khay.

    Cả hai ông bà đang vui vẻ nên ông chỉ mắng yêu con:

    -Sư bố nhà mày, bảo mang ra cho lon bia thì lại mang ba lon. Thôi để tao uống cố.

    Ông Bỉn cầm lấy lon bia ực một hơi dài rồi úp mở:

    -Người ở đâu thì tôi không biết nhưng ăn giá xong cả rồi.

    Bà Bỉn vồ vập ngay:

    -Thế bao nhiêu hở ông ? Này Gái ơi! Mang cho ba mấy khoanh giò thủ bu cắt sẵn trong tủ lạnh lên đây.

    -Gượm đã nào, bu mày cứ nhắng lên. Có gì cũng phải sau cái Tết.

    Ông Bỉn như còn thích thú vì cái hy vọng sang tiệm, muốn níu kéo sự chiều đãi của vợ con. Ông biết vợ mình đang nóng lòng lắm nên càng nhẩn nha. Ông cầm khoanh giò bỏ vào mồm, đỡ lon bia thứ hai làm một hơi dài rồi mới ê a:

    -Bao nhiêu bu mày thử đoán xem ?

    -Ít ra cũng phải ba chục, lấy tiền về còn giả nợ người ta nữa.

    Ông Bỉn đâm chột bụng vì cái số tiền mà vợ ông đang ngắm nghía. Ông đổi ngay đề tài sang chuyện lộn xộn ở tiệm lúc sáng. Bà Bỉn ngồi ngây ra cho đến lúc ông nói xong mới thốt lên:

    -Giê su ma, thế có việc gì không?

    -Không sao cả, nhưng khách khứa cũng mất biệt. Đắt rẻ thì cũng sang phứt đi cho rảnh nợ. Tôi chán nản mệt mỏi lắm rồi.

    Bà Bỉn ngắt lời chồng:

    -Thế người ta giả cái chỗ ấy bao nhiêu?

    -Họ ướm mười lăm nghìn đấy.

    Bà Bỉn chồm dậy, tay vịn vào cạnh bàn sung sướng:

    -Được, chỗ mười lăm nghìn, thế còn hàng họ, quầy kệ?

    Ông Bỉn dù đã rào đón trước, đã báo động về những cái dây dưa bực bội xa"y ra thường ngày ở cái tiệm chết tiệt. Thế nhưng vợ ông lại chẳng nghĩ đến điều ấy, bà Bỉn chỉ nghĩ đến số tiền mình đã bỏ ra và phải lấy lại cho đủ. Thế này mới lắm chuyện, ông Bỉn nghĩ thế rồi nói mạnh:

    -Quầy kệ hàng họ gì. Mười lăm nghìn tất cả. Ra người không.

    Nghe đến đấy, bà Bỉn dẫy lên như đỉa phải vôi:

    -Thế nào, mười lăm nghìn cả cái tiệm. Sao có người đâu lại khôn làm vậy ?

    Ông Bỉn bị vợ mắng khéo thì cũng tức mình quát ngay lại:

    -Bà bảo ai, bà bảo ai khôn ai ngu hả ? Hả ?

    Rồi tiện tay, ông quơ lon bia chưa uống quăng vào tường đến bốp. Bia bắn vãi tung toé. Bà Bỉn chưa được bực mình cho đủ độ vì cái số tiền sang tiệm. Thấy ông Bỉn cáu lên thì cũng nổi cơn thịnh nộ:

    -Chả khôn lắm đấy, khôn đến nỗi để chúng nó lừa cho cái tiệm chết tiệt. Khôn mà mua ba mươi lăm bán mười lăm. Tưởng khôn thế nào, khôn thế cái gái nhà này cũng khôn được.

    Thế là ầm ĩ lên, bát đĩa bay, giò thủ cũng bay. Khóc mếu, la hét vang nhà. Ông Bỉn đùng đùng bỏ ra ngoài khu thương mại, vừa đi mồm vừa lẩm bẩm:

    -Mẹ, để qua Tết xem có trắng mắt ra không! Giời chẳng chịu đất thì đất phải chịu giời...

    Thế rồi chẳng phải chỉ mình ông Bỉn là mong Tết. Nhiều người nữa. Cha Nhã thì mong sau ngày 30, ông bà Văn sẽ hết quay cuồng bận rộn để cha nói chuyện về việc gởi gấm Mỹ Lan. Ông Đậu cũng lăm le chờ sáng mùng một vì ông đã thủ sẵn bánh pháo Hồng Kông dài gấp hai bánh pháo của ông Văn đang treo lủng lẳng trước hiên tiệm. Cậu Từ mong đến ngày mùng một để bắt đầu những trận đánh lớn cho mùa cờ bạc vì nguồn tài chính football đã ngưng từ giữa tháng một tây. Cậu đã sai đàn em chuẩn bị những chiếc hộp lắc bầu cua rất ư là hoa mỹ. Cả hai bàn bầu cua bề thế nhưng kỹ thuật rất cao, có thể gấp lại vừa cái Samsonite của cậu.

    Riêng bà Chuất với bà Thịnh thì còn mong Tết hơn ai khác. Thứ nhất là kế hoạch sang tiệm ông Bỉn sau ngày Tết. Một đằng bà Thịnh mua được tiệm giá rẻ thối ra mà lại chỉ trả có năm nghìn tiền tươi. Số còn lại mười nghìn thì gán ngay vào phần nợ của bà Chuất. Mà cái chỗ này thì lợi lớn, bà đẩy ngay ra mười nghìn tiền giấy cho bà Chuất là xong việc.

    Thế còn bà Chuất ? Bà mừng như bắt được của trên trời rơi xuống. Tiền cho nhà Bỉn vay xem như mất toi mà bây giờ lại thâu về dễ như trở bàn tay thì làm gì không trông mong ngóng đợi? Tiền giấy thì giấy có hề gì, đúng tay nghề buôn tiền bán bạc thì tiền nào chả có mãi lực kia chứ.

    Ấy, từng ấy điều cũng chưa hẳn là lý do tại sao hai bà mong ngóng tết nhất. Ngoài việc trông mong tài lộc thì hai bà còn hy vọng không khí ngày Tết và cái tài lộc đầu năm ấy có thể đánh động vào sức khoẻ suy yếu và tâm thần ngơ ngẩn của hai ông Chuất và Thịnh. Nói thì bảo nói quá chứ kể từ hôm bà Chuất ở Việt Nam về thì ông Chuất cứ nằm rũ ra như mèo gặp mưa. Trông lúc nào cũng bần thần rũ rượi. Già thì già chứ vợ con đi xa cả tháng về mà ông chẳng nhìn ngó gì thì lạ lùng thật.

    Bà Thịnh cũng ngạc nhiên chẳng kém. Từ đêm đi họp về với ông Chuất thì ông Thịnh cũng lẩn thà lẩn thẩn trông rạc cả người ra. Bà Thịnh thì cứ nghĩ là chồng phải lo lắng về trách nhiệm to tát nên lơ là với bà. Chứ không tự nhiên lại như diều đứt dây thế kia. Nhưng sắp Tết đến nơi rồi, mùa xuân hoa lá hữu tình, vạn vật cỏ cây đều hương sắc thắm tươi thì thế nào bà chẳng được chút hương ái ân của mùa xuân mới.

    Với tâm tình ấy, người người đều chờ mong cái Tết...

    u u u

    Sáng mùng một trời còn tinh sương. Vạn vật cỏ cây chưa kịp thức giấc thì tiếng pháo đầu xuân đã vang rền khu thương mại đâu làng. Dây pháo bên tiệm Hương Quê treo từ ban công cà phê khói tình đến chấm đất nổ chát chúa có đến vài ba phút. Ông Đậu thì khác, năm giờ sáng đã nhổm dậy rình xem bánh pháo ba thước của ông Văn có dài...thêm tí nào không để ông còn phải tính...Yên chí là không có gì thay đổi giữa đêm giao thừa tối như mực, ông Đậu bèn lôi ra bánh pháo năm thước rưỡi để ?onổ? lại cho biết tay. Giời ơi, bánh pháo của ông Đậu nổ đã to thì chớ, lại còn lâu đến gấp...rưỡi bánh pháo của ông Văn.

    Ông bà Đậu hả hê ra mặt. Tay chắp sau đít đứng nhìn xác pháo bắn tung lên. Khuôn mặt cằn cỗi khó khăn thường ngày của ông ánh lên sự thoả mãn khoan khoái của kẻ vừa hưởng được cái thú ?ogiỏi hơn người,? nhất là hơn được địch thủ không đội trời chung của mình. Ông nhủ thầm ?oCó thế chứ lị! Tưởng mọi người lép vế cả đấy. Pháo tao nổ như thế thì biết ai lép ai hơn.?

    Rồi tiếp nối là đến tiếng pháo dòn tan của các tiệm chung quanh nữa. Nói dại nếu không có bóng dáng những vị cảnh sát Mỹ lưng đeo dùi cui lủng lẳng qua lại để săn sóc trật tự cho bà con mình hưởng cái tết dân tộc thì đúng là những tiếng súng mở màn trận tết Mậu Thân năm nọ. Vui ơi là vui. Ôi! Chẳng vui bằng thì cũng phải...hơn đứt Tết ở Việt Nam. Xác pháo tung trời, ngập dưới sân, mùi thuốc khét lẹt cả khu chợ Tết. Thánh lễ đầu năm vừa tan là người các nơi bắt đầu dồn về. Cũng quần áo mới, giầy dép mới. Lại cả xe cũng toàn mới. Thanh niên, thiếu nữ ăn diện tân thời. Vét tông, cà vạt, đầm xoè, đầm túm, đầm xẻ, lẫn giữa những tà áo dài nhung ?obordeaux,? quần sa tanh trắng tinh, hài cườm. Vàng y bây giờ mới xuất hiện, mà phải hương hoa phấn sáp gì cho cam, của đeo rõ là chất lượng. Kiềng cổ, vòng tay, lắc, hoa tai, dây chuyền nặng chĩu. Mùi thơm của phấn son, nước hoa hoà lẫn hương trong lành buổi sáng đên ngây ngất. Tiếng gọi nhau, chúc tụng ơi ới. Các gian hàng chợ Tết dã chiến cũng vừa bắt đầu nhốn nháo. Gỏi cuốn, nem nướng, bánh mì xíu mại, bánh mất lẫn lộn giữa những hàng bánh chưng dây xanh đỏ đến là vui mắt. Người ta ăn uống, chúc tụng, mua bán ầm ĩ. Mà người đâu lại đông làm vậy. Trai thanh tân, gái đương thì nhởn nhơ ờ ỡm. Mắt đưa tình, miệng cười duyên tươi tắn. Có chàng cầm bánh bao đưa lên mồm vừa ngồm ngoàm thưởng thức vừa hau háu dán mắt vào những bộ ngực cứ cố tình giả vờ hớ hênh khoe của.

    Hàng ăn uống kín người, mời chào rao bán náo nhiệt. Hàng pháo phục vụ quý vị nhi đồng đến lứa ?otuổi mười ba? cũng nhộn lên. Chỉ có mỗi gian hàng phục vụ văn hoá dân tộc là lơ thơ tơ liễu. Các tấm sơn mài mai lan cúc trúc, chùa chiền đền miếu hình như có hơi lạc điệu. Muôn vật tươi cười mà sao văn hóa phẩm dân tộc có vẻ héo hon tàn úa. Sách báo khảo cứu, truyện dài, tiểu thuyết của các nhà văn... sắp hay cũng chẳng gỡ được thể diện văn chương vào lúc này. Bà chủ gian hàng văn nghệ son phấn cũng ra gì mà không sao cứu vãn nổi tình hình văn hoá khởi sắc đối với những bàn bầu cua rất suy đồi xen kẽ.

    Cứ từng tụm một bu kín nhau, vòng trong thì ngồi xổm, vòng thứ nhì thì chân quỳ, chân xoãi, vòng ngoài cùng thì đứng khom khom. Và những cái lưng khom ấy cứ đồng loạt lại cúi hẳn xuống rồi lại thẳng hẳn lên theo những tiêng la ó, reo hò. Rồi tiền lại tung ra, hớt vào. Bà chủ quán văn nghệ phẩm liệu tình hình rồi vơ sắc tay đứng dậy bảo chồng:

    -Anh trông hàng em qua chiếu cậu Từ thử thời vận năm mới tí.

    Nói xong, bà xách bóp đầm đi len lỏi vào các chiếu bạc. Mắt bà hoa lên. Giời ơi, tiền đâu mà lắm thế. Toàn tiền tươi. Giấy trăm nằm vãi ra, giấy năm chục, hai chục đụn ngộn lên trên chiếu bạc. Cậu Từ ngồi xổm, mắt đăm đăm vào những mặt tiền lớn. Đàn em cậu say mê nắn nót cái đĩa nhựa úp kín mít bên trên. Sòng cậu Từ là sòng của những tay bạc lớn. Đánh cò con thì sang các bàn bên cạnh. Chả thế mà cậu Từ xử dụng cả hai tay lẫn hai chân cho nghiệp vụ. Hai chân cậu kẹp cứng cái thùng tiền, còn hai tay thì vơ vét mặt thua, chung vào mặt được. Mồm cậu đếm lia lịa. Cậu điều hành chiếu bạc trong cách thế nghề nghiệp. Như một chuyên viên có chứng chỉ tốt nghiệp tại Las Vegas. Cái hộp tròn bằng giấy vừa dở lên là thiên hạ nhao lên như ong vỡ tổ:

    -Hai cua, một gà!

    -Lại hai cua!

    Kẻ thì ngẩn ngơ:

    -Bầu đâu mà hiếm thế, cả làng khát nước con bầu!

    Rồi tiếng lắc mê hồn lục cục lại khua đều. Lại nai, lại cá, lại tả ngang, tả dọc. Cậu Từ mặt mày nghiêm trọng, cố làm ra vẻ bình thường nhưng khoé môi lại dựt dựt theo số bạc tung trên mặt chiếu. Bà chủ gian hàng văn hoá phẩm dân tộc thấy làng dồn hết về mặt bầu cũng cố theo đuôi, hai tờ giấy một trăm, đáng giá hơn chục quyển sách nặng kí lúc này đối với bà nhẹ tênh. Bà tạt theo mặt bầu. Cả làng hồi hộp chờ lệnh tướng quân Từ. Bấy giờ Cậu Từ mới nghiêm nghị hô:

    -Dở tay, dở tay.

    Vẫn còn nhao nhao, mặt bầu đã phủ kín bằng giấy trăm chồng chất lấn sang cả ba mặt bên. Nói dại mà chơi chứ có đến cả chục nghìn đô la.

    Đến phút này cậu Từ rõ là xúc động. Giọng cậu khan khan:

    -Nhà cái dở đây, yêu cầu trật tự... Dở!

    Cả làng nín thở chờ đợi. Mặt cậu Từ nghệt ra, khoé môi máy liền mấy cái chứng tỏ tâm tư chấn động trước canh bạc lớn. Đàn em cậu trịnh trọng nâng nhẹ chiếc hộp rồi nhanh như cắt dở hẳn lên. Mặt cậu Từ tái xanh trước hai con bầu đỏ tươi trên dĩa. Cả chục cái mồm hét lớn:

    -Hai bầu, hai bầu làng nước ơi !

    Rồi ai cũng xấn sổ như sợ mất phần. Đám đông xô đẩy, chen chúc tranh nhau nhận tiền. Đến lúc này cậu Từ mới tỏ chí khí của một tay bạc lớn:

    -*** mẹ có nhẩn nha không ông *** chung.

    Chỉ một câu mà cậu làm chủ tình hình. Đâu vào đấy, không một ai dám lộn xộn. Lăng nhăng là mất toi cả vốn lẫn hai lãi. Dĩ nhiên, cậu Từ lòng đau như cắt cứ thế mà đếm cho đủ. Từng xấp một cậu thanh toán chiến trường đen đỏ.

    Bà chủ hàng văn nghệ phẩm dân tộc vui vẻ nhét sáu tờ một trăm vào sắc rồi nhẹ nhàng rút lui. Bà về quầy hàng nhìn chồng đang ngồi ngơ ngác nhổ râu cằm. Bà lắc đầu thương hại rồi ghé tai chồng nói khẽ:

    -Thôi, liệu mà dẹp bố nó đi cho khỏi mệt. Tết nhất người ta lo ăn uống vui chơi chứ ai lại mua mấy cái của khỉ này. Em được bầu cua đủ vốn lẫn lời rồi, những bốn trăm hơn có bán cả ba ngày tết cũng chả bằng...

    Phần cậu Từ thì vẫn tiếp tục, không nao núng. Đỏ đen phải có vận. Sau cú đánh hội đồng con bầu thì cả làng lại đánh đủ sáu cửa thăm dò. Cậu lại tiếp tục thu về những tờ bạc cậu vừa thả ra. Nghề của cậu mà run là hỏng kiểu. Kinh nghiệm trong nghề phải học bằng máu chứ ai cho không. Phương châm hành động của cậu Từ là ?oCứ nhẩn nha?. Nóng nẩy là hỏng ăn. Với lại nhà cái có bị đánh dồn cục thế thì chiếu bạc mới hấp dẫn. Khách hàng mới vui vẻ, ầm ĩ. Làm gì chẳng phải quảng cáo. Hễ cứ đông khách rồi thì ?ocứ nhẩn nha? mà lo liệu. Tết đâu phải một ngày, mà... dư âm của Tết thì một tháng còn là ít. Chả thế mà thùng tiền của cậu vừa vơi đi giờ lại đầy ắp lên. Lại buộc lòng phải rút bớt ra nhét vào túi quần. Ấy, muốn rút bớt ra thì cũng phải có nghệ thuật. Phải đợi lúc thiên hạ đang phân tâm vì cái vụ tả ngang tả dọc thì mới vờ đưa tay ra sau gãi đít để mà nhẹ nhàng ấn xấp tiền lớn vào.

    Trông cậu bận rộn đến say mê. Mái tóc cánh phượng trễ lơ là trước trán. Thật là bõ công vất vả. Ở đời, kiếm được một nguồn để thu tiền cũng mướt mồ hôi trên mồ hôi dưới. Đằng này cậu Từ thu những sáu cửa. Bầu cua, tôm cá, nai gà chả sáu thì mấy? Cậu mải mê làm việc, lương kỹ sư tốt nghiệp cao học tính ra một tháng năm nghìn đồng bạc đã là hiếm hoi. Cậu Từ kém ở cái chỗ nào? Chẳng nói ngoa chứ nếu ở đất Mỹ này đồng tiền là thước đo khả năng thì các đại học đã thiếu mất khoa ?ođen đỏ.? Tại sao một chuyên viên ngành y học thì lấy bằng bác sĩ, một chuyên viên kỹ thuật chung chung đời gán ngay cho cái mác kỹ sư mà một chuyên viên đen đỏ như cậu Từ thì lại thiếu mất cái degree và một cái tên gọi xứng đáng? Các cụ nhà ta vốn nặng từ chương cứ bi thảm hoá ngành cờ bạc để doạ nạt con cháu kiểu: Cờ bạc là bác thằng bần. Thử hỏi cậu Từ nhà ta bần ở cái chỗ nào? Bần là những kẻ không biết sửa xe mà đòi làm mechanic hoặc giả không biết đánh cá mà đòi sắm tầu tôm. Bần đến bán nhà bán cửa vì không có năng khiếu đỏ đen mà cứ đòi đánh bạc thì làm sao mà dám so sánh với chuyên viên cờ bạc Trần Hiền Từ. Một người thân lập thân lên đến chót vót của đỉnh cao nghề nghiệp vì thành quả gặt hái chẳng thua bất cứ một loại chuyên gia nào tại vùng New Orleans nổi tiếng.

    Dĩ nhiên, với tay nghề vững chãi thế thì khách đông là phải. Mới xế trưa mà chiếu bầu cua của cậu đã đánh thành một vòng rộng gấp hai buổi sáng. Cái vòng người vẫn giữ nguyên nề nếp nghĩa là ngồi, quỳ và đứng khom lưng. Mà đâu chỉ có thế. Cái sự ngồi quỳ đứng ấy còn có những âm thanh làm điên đảo đến chóng mày chóng mặt. Nghệ thuật quảng cáo cao siêu nhất cũng không kích động thị giác, thính giác cùng sự ham muốn của con người như hoạt cảnh ngày Tết dân tộc có phụ diễn cờ bạc.

    Chính vì khung cảnh thưởng xuân, mừng Tết hấp dẫn như vậy nên ông Bỉn nhà ta cũng chẳng cầm lòng được. Ông vui vẻ vì cái Tết đã đến và hy vọng được giải thoát khỏi cái tiệm chết tiệt ngày càng gần hơn. Tâm hồn ông thoải mái, đầu tóc bảnh bao, bộ com lê xám làm ông trẻ hẳn ra. Thay vì chương trình ghé tiệm Hương Quê chúc Tết ông bà Văn rồi tạt qua khu chợ Tết một tí gọi là... thì ông Bỉn, không hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào lại xà ngay vào thăm hỏi cậu Từ trước tiên. Ông đến đúng vào lúc cả làng đang đánh hội đồng con bầu của nhà cái Từ đến te tua thì làm sao mà không bị rúng động. Hai nghìn bạc trong túi thì một nửa là của tiền ?oxã hội? cho căn tiệm, nửa còn lại thì thuộc phần ?oxã hội? của gia đình. Lúc này ông không cần biết gì nữa. Xã hội thì xã hội. Hai con bầu thắt nơ đỏ chói uốn éo nằm thách đố thế kia thì chẳng có gì để ông phải thắc mắc ngoài việc cố bắt lấy một đôi bầu về ăn Tết.

    Ông Bỉn thì muốn ăn Tết với cặp bầu mà bây giờ thằng khốn nạn đàn em cậu Từ cứ lắc ra tôm với gà. Mới đầu ông thua cứ từng hai chục một, rồi bắt đầu năm chục một. Thỉnh thoảng mới gỡ được một bàn. Đến khi nóng máu lên thì ông cứ thẩy ra từng trăm một. Bầu chưa ra ông càng khát nước. Không hiểu ở bên trong hình ảnh con bầu ấy là thứ nước tiên nước thánh gì mà ông Bỉn theo đến hụt hơi mà vẫn chưa được nhấp một ngụm cho đỡ thèm. Mặt ông đã bắt đầu đỏ rần lên, trán đã rịn chút mồ hôi.

    Tiếng lắc lại vang lên lục cục. Trên tay ông vỏn vẹn năm tờ giấy một trăm. Ông run run để xuống hết nơi mặt bầu rồi lim rim mắt khấn vái: ?oLạy giời ba con bầu để con gỡ đủ vốn rồi thôi, nhất định là thôi.?

    -Dở tay, dở tay... Dơ"!

    Tiếng hô của cậu Từ đã dứt mà ông vẫn chưa dám mở mắt. Nói dại nhỡ mà thua thì chết, thì cứ gọi là nát thây... ông Bỉn không muốn thấy cảnh các cụ vẫn nhắn nhủ: ?oCửa nhà bán hết cho chân vào cùm.? Ông dùng thính giác để ước lượng tình hình. Bỏ mẹ rồi, bầu thì cả làng đã hét lên đồng loạt. Ông chỉ nghe tiếng thiên hạ lào xào rời rạc:

    -Cua, tôm, cá.

    Ông Bỉn chết lịm người đi. Thôi thế là hết, thế là đến đường cùng của cuộc đời. Ông lững thững quay trở ra đi một mạch về hướng nhà. Ông không còn đủ nghị lực để ghé chúc Tết ông bà Văn. Bước chân ông nặng chĩu. Ông cũng chẳng còn chút hơi thừa để hát lên một câu hát ưng ý, như ông vẫn thường làm mỗi lần cảm khái điều bất hạnh. Nhưng hình như cuộc đời chưa tha ông Bỉn. Khi những bước chân lững thững chán chường của ông đến đầu cầu con rạch làng ta, nơi bọn thanh niên ngồi vắt vẻo đầy trên thành cầu ngắm nhìn thiên hạ ăn Tết. Một giọng hát nghêu ngao vang lên trong tiết điệu đau thương của những cuộc tình tan vỡ mà Minh Hiếu vẫn thường diễn tả:

    -Đường vào bầu cua có trăm lần thua... Chỉ một lần huề...


    Despair is not Hopeless!​

Chia sẻ trang này