1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Một chút gì rất Huế, Nghe em!

Chủ đề trong 'Huế' bởi cocvangkhe01, 25/05/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. loncon18

    loncon18 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/02/2002
    Bài viết:
    1.242
    Đã được thích:
    0
    Bài "Bà Bún" của Phương Lê là trích từ cuốn "Chuyện khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn.
    Còn đây là đường link:
    http://www.trankiemdoan.net/van/taptruyen/chuyenkhao/chuyenkhaovehue.html
  2. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Phương Lê thành thật xin lỗi các bạn vì lâu nay bận bịu quá. Lát nữa Phương lại đi về ĐÀ LẠT viết bài 1,5 tháng về kiến trúc Pháp tại đây. Nếu như không có gì thay đổi thì sau khoảng thời gian này, Phương sẽ ra Huế thực hiện đề tài về văn hoá ẩm thực. Hi vọng gặp được các bạn. Còn hình ảnh về các món ăn cũng như những bài tư liệu tiếp theo thì có lẽ, để vài ngày nữa đã. Phải nửa tháng nay, bây giờ mới lên mạng. Thấy có nhiều bạn quan tâm đến topic này, hạnh phúc lắm. Gĩư chút gì rất Huế nha các bạn. Văn hoá Huế rất hay, rất đẹp, nên gìn giữ nó cho đời sau. Chúc cả nhà vui vẻ.
  3. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    http://suutap.com/hue/
  4. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Phần II
    NHỮNG NÉT ĐẸP RẤT RIÊNG
    1.Định nghĩa Cúng, Khấn, Vái, và Lạy
    a. Cúng

    Khi có giỗ Tết, gia chủ bày hoa (bông) quả, nước, rượu, cỗ bàn, chén bát, đũa, muỗng (thìa) lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến (đèn cầy), khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn, và cầu phước lành. Đây là nghĩa rộng của cúng. Trong nghĩa bình thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy, và vái.

    b. Khấn
    Khấn là lời cầu khẩn lầm rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên quan đến các chi tiết về ngày tháng năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.
    Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn vái trong câu ?oLầm rầm khấn vái nhỏ to,/ Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.? (câu 95-96)
    c. Vái
    Vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái.
    d. Lạy
    Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với người trên hay người quá cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều có mang ý nghĩa khác nhau.
    - Thế lạy của đàn ông
    Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và giơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
    Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa học và vững vàng. Sở dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn bị đứng lên cũng vậy. Sở dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.
    Thế lạy phủ phục của mấy nhà sư rất khó. Các Thầy phất tay áo cà sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng thời quì hai đầu gối xuống luôn. Khi đứng dậy các Thầy đẩy hai bàn tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tỳ lên đầu gối. Sở dĩ được như thế là nhờ các Thầy đã tập luyện hằng ngày mỗi khi cúng Phật. Nếu thỉnh thoảng quí cụ mới đi lễ chùa, phải cẩn thận vì không lạy quen mà lại bắt chước thế lạy của mấy Thầy thì rất có thể mất thăng bằng.
    - Thế Lạy Của Đàn Bà



    Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết. Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
    Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.
    Thế lạy của đàn ông có vẻ hung dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà có tính cách uyển chuyển tha thướt, tượng trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất tiện là khi mặc âu phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao niên còn áp dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.
    Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền thống rất có ý nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành khẩn vừa trang nghiêm trong lúc cúng tổ tiên. Nếu muốn giữ phong tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh niên phải có lòng tự nguyện. Muốn áp dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập dượt lâu mới nhuần nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.
    2 . Ý nghĩa của Lạy và Vái
    Số lần lạy và vái đều mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Sau đây chúng tôi xin trình bày về ý nghĩa của vái và lạy. Đây là phong tục đặc biệt của Việt Nam ta mà người Tàu không có tục lệ này. Khi cúng, người Tàu chỉ lạy 3 lạy hay vái 3 vái mà thôi.
    a. Ý nghĩa của 2 Lạy và 2 Vái
    Hai lạy dùng để áp dụng cho người sống như trong trường hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng điếu, nếu là vai dưới của người quá cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em, v.v., ta nên lạy 2 lạy.
    Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên là lời chào kính cẩn, chứ không có ý nghĩa nào khác. Nhưng trong trường hợp người quá cố còn để trong quan tài tại nhà quàn, các người đến phúng điếu, nếu là vai trên của người quá cố như các bậc cao niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì, v. v., của người quá cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan tài đã được hạ huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.
    Theo nguyên lý âm dương, khi chưa chôn, người quá cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng trưng cho âm dương nhị khí hòa hợp trên dương thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy.
    b. Ý nghĩa của 3 Lạy và 3 Vái
    Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, và Tăng. Phật ở đây là giác, tức là giác ngộ, sáng suốt, và thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chánh đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong sạch, thanh tịnh, không bợn nhơ. Đây là nói về nguyên tắc phải theo. Tuy nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.
    Trong trường hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ âu phục, nếu cảm thấy khó khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.
    c. Ý nghĩa của 4 Lạy và 4 Vái
    Bốn lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ tượng (Thái Dương,Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Nói chung, bốn lạy bao gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú ngụ.
    Bốn vái dùng để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp dụng thế lạy.
    d.Ý nghĩa của 5 Lạy và 5 Vái
    Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, và thổ), vua tượng trưng cho trung cung tức là hành thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý kiến cho rằng 5 lạy tượng trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung ương, nơi nhà vua ngự. Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương, quí vị trong ban tế lễ thường lạy 5 lạy vì Tổ Hùng Vương là vị vua khai sáng giống nòi Việt.
    Năm vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thì giờ để mỗi người lạy 5 lạy
  5. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Những huyền thoại quanh tô Bún Bò Huế
    Tuổi già của Huế thích lui về sống ẩn dật với quê hương, gần gũi với bà con làng xóm và mồ mã tổ tiên, nhưng tuổi trẻ lại thích bay xa tới những phương trời mơ ước. Niềm ước mơ của một đứa trẻ lớn lên sau lũy tre làng như tôi là làm sao được lên Huế học. Thành phố Huế cách làng tôi chưa đầy một giờ đi xe đạp nhưng đối với tôi thời nhỏ nó vừa thực vừa mộng như một vùng đất hứa. Có những buổi chiều đứng đầu ngõ nhìn những người lên Huế sắm hàng với các món đồ gói trong giấy, trong hộp đầy màu sắc gọi là ?ođi Dinh mới về?, tôi ước chi mình sẽ được lên Din h
    Tuy không có quy định thành văn nhưng con đường duy nhất để được lên Dinh ăn học đối với tuổi trẻ ở làng như tôi là phải thi đậu ?oCàng Cua? (concours) trước đã, đó là kỳ thi tuyển học sinh vào lớp đệ thất trường công mà trong toàn tỉnh Thừa Thiên chỉ có thành phố Huế mới có. Mẹ tôi thường nhắn gởi: ?o Chuyến ni mà con thi đậu ỏcàng cuaõ, cực mấy mạ cũng gắng lo cho con lên Dinh học?.
    Mẹ tôi dắt tôi lên Huế hai ngày trước khi thi ?ocàng cua?, đi qua đi lại trước trường Hàm Nghi (ngày xưa là Quốc Tử Giám) nhiều lần cho quen đường đi nước bước. Tôi ở lại nhà chị Quyến tôi nơi đường Ô Hồ. Buổi sáng ngủ dậy, chị kêu gánh bún vào ăn điểm tâm. Gánh bún õng ẹo trên đôi vai o gánh bún, có khói và hơi bốc nhè nhẹ xung quanh như một đầu máy xe lửa xuống đèo. Nghe chị đặt hàng, tôi có cảm giác hơi là lạ:
    - O múc cho tô ?otrung?, bún vừa, nước xắp xắp thôi. Cho giò nạc búp, thêm cái ngoéo. Đổi huyết lấy bò bắp xắt vô. Khoát bớt ớt màu, bỏ hành rau răm rươi rươi thôi, ớt tương nước mắm bỏ riêng...
    Người bán bún chừng như đã quá quen thuộc với lối đặt hàng rắc rối đó nên làm thinh múc bún. Nồi bún nóng thân tròn, miệng uốn trông như chiếc lư đồng cổ không nắp không chân, đặt trên lò lửa riu riu đỏ. Tay o cầm cái vá cán dài, quây một vòng trong nồi bún với dáng tay nhẹ nhàng và điệu nghệ như cô vũ nữ Thái múa điệu cánh sen. Cái vá dừng ở đâu trong nồi nước bún là ?obắt? được ngay miếng thịt, miếng giò đang cần, chính xác như ra-đa tìm thủy lôi.
    Một lát sau o mới hỏi:
    - Ai ăn rứa?
    Chị tôi trả lời một cách hãnh diện:
    - Thằng em tôi dưới làng lên ở lại thi ?ocàng cua?.
    Tự nhiên o bán bún coi bộ quan tâm:
    - Nì, nói chuyện vô duyên chơ học trò đi thi không nên ăn giò búp: búp hoài không nở thì mần ăn chi nữa. Để tui múc cho một cặp giò ngoéo: ngoéo trước, ngoéo sau thì rớt đi mô được, thi đậu chắc nụi!
    Chị tôi coi bộ cảm động ra mặt vì gặp được ?oThầy?... bún, nên nhiệt liệt ủng hộ ngay:
    - May có o nhắc chớ không thì khổ em tui rồi. Rứa! Múc ngoéo vô đi o!
    Thật tôi không ngờ bún Huế ?olinh? như vậy, nên hôm đó ăn tô bún Huế mà cảm thấy trân trọng và ngất ngây như uống rượu thánh.


    Bún bò Huế giờ cũng công nghiệp hoá (!)
    Về làng, tôi thường ăn bún với nước mắm ớt. Mẹ tôi có mấy lu ruốc bự bành ky để ở nhà dưới, nước mắm nhĩ trong vắt nằm một lớp trên mặt. Đem lúa đổi lấy bún vắt hay bún lá, rồi múc nước mắm nhĩ từ trong lu ruốc, ra vườn hái ớt xé vào. Bún tươi chấm với nước mắm nhĩ pha thêm ớt trái mùa Xuân ăn ngon ?onhức răng?. Thêm vào đó, một năm đôi ba lần được ăn bún với nước xáo lòng gà, thịt bò nên chú bé quê trong tôi cũng đã bằng lòng lắm với cuộc đời đầy đãi ngộ nầy rồi. Nay được ăn tô bún Huế với những thịt thà thơm phức, với cách nấu bún công phu, cách múc bún điệu nghệ... làm cho tôi cảm thấy được ?olây? cái văn minh sang cả của người thành phố.
    Ngày đi thi, tôi dậy sớm trước khi gà gáy lại, hồi hộp chờ trời sáng để tới trường thi, nhưng trong lòng cũng cảm thấy thinh thích khi nghĩ đến tô bún Huế với cặp giò ngoéo có lớp da mềm mềm bao quanh những thớ gân dòn tan như ăn ổi đỏ ở làng. Hình như mới có hai buổi sáng trôi qua mà tôi nghe như đã bị phố phường cám dỗ. Buổi sớm tôi nghe mẹ tôi bàn bạc to nhỏ với chị tôi, rồi tiếp theo đó có người gánh gánh xôi vào trước hiên. Nhìn dĩa xôi đậu xanh chấm muối mè bày ra trước mặt, tôi bắt đầu hoang mang. Mẹ tôi hối:
    - Ráng ăn xôi đậu muối mè đi con!
    Khi tôi ngao ngán ngáp dài kêu mệt quá và muốn ăn bún chứ xôi đậu, muối mè khô khan quá nuốt không vô, mẹ tôi dịu dàng an ủi:
    - Con thi xong rồi, ưng ăn bún cả gánh mạ cũng cho. Con di thi ?ocàng cua? mà ăn bún vô trơn, nói trời không nghe lỗ miệng, chớ nó truột di thì thi hỏng mất! Lúc trước mấy cậu con thi chi hỏng nấy là vì không nghe lời mệ ngoại, cứ dè ngày thi cử mà ăn bún không kiêng cử nên thi trợt tuốt luốt, phải xếp sách vở về quê đi cày. Chừ con gắng ăn xôi đậu, xôi muối mè dính mô chắc nấy, trời mới cho con đậu.
    Tôi rướn cổ nuốt cho hết dĩa xôi mè vì thương mẹ hơn là sợ thi trượt. Tới ngày treo bảng, nghe loa đọc tên nhưng tôi không tin là mình đậu ?ocàng cua? thứ nhì trường Hàm Nghi trong số hơn một nghìn thi sinh dự tuyển và có hai trăm trúng tuyển năm đó.
    Suốt một đời, tôi không làm sao quên được hình ảnh mẹ tôi với hai hàng nước mắt sung sướng chảy dài trên đôi má phong trần vì lặn lội gieo neo nuôi con. Mẹ tôi nói như đã nắm được bí mật cuộc đời:
    - Chộ chưa! Con nghe lời mạ, ăn xôi đậu nên mới thi đậu. Còn thằng Tý xóm Bàu, thằng Rô xóm Cụt, Thằng Lúi lò rèn to béo xắp hai con, nghe nói mỗi đứa ăn hai tô bún để đi thi nên trượt tuốt luốt.
    Tôi muốn nói cho mẹ tôi biết bọn thằng Tý, thằng Rô, thằng Lúi... suốt cả mùa Xuân trốn học, thu sách vở trong bụi tre lá ngà đầu làng đi chơi; trong khi tôi học thuộc cháo sách Sử Ký của Trần Đinh, giải hết 1000 bài toán đố của Một Nhóm Giáo Viên, đọc nhuyễn 50 Bài Luận Mẫu và Tâm Hồn Cao Thượng của Hà Mai Anh... Thế nhưng nghỉ sao tôi lại thôi, vì mẹ cũng có một khung trời riêng của mẹ mà tôi chỉ dám núp sau áo mẹ để lặng im chiêm ngưỡng chứ không dám thả cánh chim lý luận làm huyên náo khung trời đó và làm mẹ buồn lòng.
    Từ đó về sau nầy, tôi thường cố ?ocữ? ăn bún mỗi lần có thi cử. Ngay cả hơn 30 năm sau, khi tóc đã điểm bạc trên bước đường lưu lạc ở quê người, có những lần đi thi chuyên môn, đi phỏng vấn việc làm, đi thi tốt nghiệp trong trường đại học Mỹ, tôi vẫn ?okiêng? ăn bún nhưng chỉ tìm cách né tránh âm thầm chứ không dám nói ra vì sợ bị chọc quê. Thật ra, mỗi lần đụng đến thi cử là tôi lại nhớ mẹ đến quặn lòng, nên tôi cử ăn bún để được cái cảm giác ấm áp thiêng liêng như hôm đó mình đang có mẹ thật gần
    Đến khi lên Huế học, những huyền thoại về bún bò Huế càng có vẻ mọc cành mọc lá sum sê hơn. Thế giới học trò cũng nhỏ bé và xinh xinh như thành phố. Phía sau trường Hàm Nghi của tôi là Viện Bảo Tàng và nhà thờ Nguyễn Phước Tộc hay là Tôn Nhân Phủ. Bên kia đường là cửa Hiển Nhơn vào Đại Nội. Kế đó, có hai trường văn nghệ nhất Huế, đó là trường Quốc Gia Âm Nhạc và Cao Đẳng Mỹ Thuật mà lũ học sinh nghịch ngợm của chúng tôi thường chọc mấy anh chị sinh viên bằng cách gọi là ?oTrường Kèn? và ?oTrường Cọ?. Sinh viên hai trường Kèn Cọ thường la cà ở quán cà phê Tôn, nơi đó, thật ra chỉ là một chiếc xe kiểu xe sinh tố đặt mé trái trước Tôn Nhân Phủ do vợ chồng bác Tôn đứng bán bún bò và cà phê. Giới nghệ sĩ lang thang thường bàn luận một cách công khai rằng, ngày nào vợ chồng bác Tôn không cãi nhau là ngày đó bún bò không ngon vì thiếu đi cái ?otinh thần hào sảng? của cặp vợ chồng bác Tôn khi nấu bún.
    Giới văn nghệ sĩ cà phê Tôn còn đi xa hơn khi kháo nhau rằng nếu lỡ một mai kia, lịch sử thành thơ đưa họ lên làm lãnh tụ, thì họ sẽ đặt tên con đưòng từ Vỹ Dạ lên Ga Huế là "Đường Cơm Hến" và đường từ cầu An Cựu lên cầu Trường Tiền là "Đại Lộ Bún Bò" vì mỗi buổi sáng tinh sương, dọc trên con đường nầy có cả đoàn bún gánh phát xuất từ An Cựu tỏa ra khắp thành phố Huế. Khói xanh đun nồi bún bay phơ phất trên đường như một sự mời gọi êm đềm: Bún bò An Cựu, cơm hến Đò Cồn, trứng lộn Chợ Dinh, bánh canh Nam Phổ... Cũng may hay cũng buồn, lịch sử không phải là thơ nên tuy Huế có những con đường tình cảm mang tên kỷ niệm và giai nhân bất thành văn như đường Hàng Me, đường Áo Trắng, nhưng vẫn chưa có tên đại lộ Bún Bò.
    Bản thân tôi từ một vùng quê ruộng đồng lên tỉnh học, sau mấy năm học đòi văn hóa Huế, cũng bị nhiễm bún bò rất nặng. Tôi đã ưu tư nhiều về sự hiện diện của bún bò giò heo kể từ khi làm quen với một cô hàng xóm nhân dịp cô đi xe đạp, vạt áo dài tung bay phất phới và cuốn theo chiều gió mà quấn vào trong giây "sên", trong "ổ líp". Tôi bèn ra tay cứu khổn phò nguy gỡ áo em ra và không quên bôi thêm dầu sên lên tay lên mặt cho ra vẻ lẫm liệt, can trường. Tên cô là Mộng Hoàng, tất nhiên có cái họ đi trước rất chi là thế gia vọng tộc. Chỉ mới cái tên thôi cũng đủ biến tôi thành Trương Chi bên cạnh Mỵ Nương đi xe đạp mất rồi. ễ làng, tôi đi từ xóm trong ra xóm ngoài để sưu tầm những tên giai nhân đẹp nhất thì cũng chỉ có những Nguyễn Thị Gái, Trần Thị Chắt, Lê Thị Dẹp... đào đâu ra có Mộng, có Hoàng.
    Những buổi sáng, tôi và Hoàng vẫn đạp xe đạp song song chung đường từ Thành Nội, qua cầu Trường Tiền, rồi Hoàng vào Đồng Khánh và tôi vào Quốc Học. Đôi ba lần Hoàng quay sang phía tôi cười, một phiến ớt màu bún bò tí ti đỏ chói nằm trong góc chiếc răng khểnh trắng nõn nà của Hoàng. Tự nhiên tôi cảm thấy hơi mất đi cái cảm giác thanh thoát khi nhìn sự hiện diện vô duyên của ớt màu nằm trên chiếc răng khểnh duyên dáng đã làm tôi xao xuyến bao lần. Tôi lên tiếng, nhẹ nhàng như nắng, sợ làm vỡ những giọt sương tình cảm long lanh. Rồi cả hai đứa dừng lại, đứng khuất sau gốc cây long não, tôi xé mảnh giấy trắng nhất trong tập vở học trò, vo lại thành cây tăm và nín thở khêu chút ớt màu bún bò vô tình nằm chênh vênh không đúng chỗ. Hai đứa nói nhỏ như ngại hàng long não đứng nghe. Hoàng vùng vằng sợ tôi nhìn sâu hơn đáy mắt :
    - Ngó dữ chưa tề, dị chết!
    Tôi thanh minh như Vương Tử Trực:
    - Coi tề, không ngó chộ mô mà khêu!
    Khi lên xe đạp đi tiếp, Hoàng phàn nàn, cái phàn nàn mà tôi cho rằng đáng lẽ ra là một sự biết ơn:
    - Me phiền dễ sợ! Sáng mô cũng bắt Hoàng ăn bún bò ớn phát sợ luôn.
    Cái "ớn phát sợ" của Hoàng lại là cái ước mơ ngoài tầm tay của đám học trò nghèo như tôi. Cứ tưởng tượng mỗi buổi sáng, khi trời Huế còn lành lạnh mà được ăn một tô bún bò giò heo, có váng mỡ vàng mơ ngã hồng trên mặt, nêm thêm một "múi đũa" ớt tương màu huyết dụ chắc sẽ sáng mắt sáng lòng mà học một nhớ mười. So với một chén cháo gạo với muối trắng của tôi hay một chén cơm chan chút nước mắm ớt của tụi bạn cùng hoàn cảnh ăn điểm tâm trước khi đi học, tự nhiên một cảm giác hơi buồn buồn pha chút tủi thân lặng lẽ dâng lên trong lòng. Bún bò tự nó không có giai cấp, nhưng giai cấp tự nó có bún bò: Phận nghèo bấm bụng nằm co. Giàu thời nem chả, bún bò giò heo!

  6. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Tuổi trẻ của Huế êm đềm và dễ hòa diệu sống như giòng sông Hương. Tôi đã quên rất nhanh hình ảnh tô bún bò của Hoàng và chén cháo gạo của tôi. Hai đứa chưa bao giờ dám nói thương nhau mà chỉ lửng lơ nói chuyện đã cùng "thương con đường đi học". Mỗi cô gái Huế đều có một bà chúa trong hồn và mỗi cậu con trai Huế đều có một ông hoàng trong bụng. Bà chúa thì thích sang mà ông hoàng thì thích ngọt, cho nên tôi đã nhẹ dạ nghe Hoàng dỗ ngọt mà hẹn hò lần đầu lên chùa Thiên Mụ và về ăn bún bò Kim Long. Chúng tôi đã phạm vào hai điều tối kỵ làm tan vỡ bao nhiêu mối tình đầu đẹp như mơ của Huế: Đó là hẹn hò lần đầu không được lên chùa Thiên Mụ và không được ăn bún. Đồi Linh Mụ là đất thần kinh, nơi để chiêm bái chứ không phải là nơi tính chuyện ân tình hò hẹn. Tình cảm trai gái chớm mầm trên đất thánh thì sẽ không bén rễ trong tim người. Còn ăn bún là trơn tru, không níu kéo như gừng cay muối mặn, nên cuộc tình rồi cũng theo bún mà trôi đi! Rất có thể bà Linh Mụ đã nhìn thấy tôi và Hoàng hò hẹn, cho nên mới "xui" về Kim Long ăn bún. Bởi vậy, nên tới Hè, Hoàng giã từ Đồng Khánh, chuyển qua Jeanne d''Arc để chuẩn bị đi Tây.
    Kỷ niệm chia tay cũng êm đềm mà nhức buốt như những cơn mưa phùn tháng Giêng của Huế. Hoàng gởi cho tôi cuốn sổ lưu bút có giấy pơ-luya màu xanh, màu trắng, màu hồng; có thắt nơ tím với câu thơ tiếng Tây quá quen thuộc với tuổi học trò của Huế ghi nắn nót ở trang đầu: "Partir, c''est mourir un peu!... Ra đi là chết trong lòng một ít. Biết nói sao bây giờ?!". Tôi là học trò ban B (Toán - Lý Hóa toàn ròn) nên trong đầu lúc nào cũng lùng bùng ròng những đạo hàm và ẩn số của thầy Trần Tuệ và thầy Hồng Giũ Lưu. Huế lại là vùng đất ưa hò vay trả. Đào đâu cho ra chút văn chương man mác nòi tình mà đáp lại cho Hoàng đây. Tôi bỏ cả việc đi trại Hè để cố đào cho ra dăm câu thơ nếu không ?oác liệt? thì ít ra cũng có vẻ môn đăng hộ đối với Hoàng. Bên tê dẫn thơ Tây thì bên ni phải trích thơ Mỹ. Tôi vô thư viện, tìm mục thơ tình lãng mạn để kiếm vài câu làm thuốc. Thơ tình chết tiệt rủ nhau trốn đâu mất cả. Bí quá, bỗng vớ được vài câu thơ đề tựa cuốn sách của Helen Steiner Rice, tôi thấy như mở cờ trong bụng: ?oSomebody loves you than you know. And will always be with you wherever you go!? (Ai nào thấu hết tình ai. Chân mây góc biển thương hoài ngàn năm). Và, để phụ đề Việt ngữ tôi chọn hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, đọc đi đọc lại đắc ý nổi da gà: ?oNgười đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!?.
    Kèm với thơ thẩn là cái lược bằng gỗ trầm hương, vật kỷ niệm của mẹ, tôi xin và tặng lại cho Hoàng mà bỗng tự cảm thấy mình sâu sắc như một người tình trong chuyện thần thoại;Năm 1992 về lại con đường cũ, đọc thơ Xuân Hoàng mà nhớ bâng khuâng đốm ớt bún bò và nét cười răng khểnh:
    Tôi đi trên đường Lê Lợi dọc sông Hương
    Nắng trong suốt lọc qua hai hàng long não
    Đất nước đổi thay qua bao mùa giông bão
    Con đường xưa vẫn dáng dấp diệu kỳ...

    Hơn mười năm, tôi mới có dịp trở lại chen chân trên đường phố Huế vào một buổi chiều 29 Tết. Đi trong nắng cuối Đông dìu dịu thương quen của Huế mà cứ ngỡ như mình mới xa Huế hôm qua. Nghĩ đến mai xa Huế tự nhiên tôi có cảm gíác như mình là kẻ phụ tình với Huế. Huế vẫn lặng lẽ chờ đợi như người tình trăm năm mà tôi thì cứ dứt áo ra đi lang bạt kỳ hồ.
    Rồi quả đất cũng tròn và thế giới nầy cũng nhỏ nên ?onhững kẻ phụ tình với Huế? vẫn có lúc gặp nhau ở quê người như một sự tình cờ của định mệnh. Hơn 30 năm sau, rất tình cờ, tôi gặp lại Mộng Hoàng ở Little Sàigòn, Quận Cam Ca-li. Tôi nhận ra Hoàng, bà chủ tiệm ăn có tên vừa Tây vừa Huế, nhờ chiếc răng khểnh "thương bắt chết" vẫn tô điểm cho nụ cười duyên dáng ngày xưa. Tất nhiên, tôi từ phương xa ghé vào đây cũng vì món "bún bò Huế chính gốc". Nhắc chuyện cũ, cả hai đứa cùng cười ngặt nghẽo. Giọng Hoàng tuy phảng phất một chút âm vang trời Tây nhưng vẫn chưa phai màu Huế:
    - Thời nớ, răng tụi mình dễ thương dễ sợ hí!
    Tôi cười cười nhắc lại:
    -Sau nớ, còn ai khêu ớt trên răng cho Hoàng nữa không?
    Mắt Hoàng bỗng thoáng một chút trầm tư "nhắc làm chi sương khói thuở xa xăm" và ánh lên màu kỷ niệm:
    - Lạ chưa tề. Nhắc chi nữa, dị chết!
    Tôi nhìn Hoàng. Mắt bâng quơ đậu trên vài ba sợi tóc loà xòa điểm bạc. Hoàng biết và ngúng nguẩy che đi. Hoàng nói thật bất ngờ, giọng trang đài như đọc câu thơ tình thời cổ:
    - Chải lược trầm hương nên sớm thành tóc bạc!
    Tôi hiểu Hoàng nói gì nhưng phản ứng như anh học trò cả ngố:
    - Thơ của ai rứa Hoàng?
    Hoàng trả lời ?omần đày?:
    -Thơ ai? Thơ ông cai bến đò!
    Đàn bà Huế mà đã ?omần đày? thì Tần Thủy Hoàng cũng phải biết rằng mình đã lỡ vô tình, cần lẳng lặng chui vào ổ rơm nằm ngủ qua đêm.
    Rứa đó! Dân Huế suốt đời vẫn là những đứa trẻ thơ mỗi lần nhớ Huế, nhớ những kỷ niệm đã thiu thiu ngủ trong ký ức và trên quê mẹ của mình.
    Xa quê, rủ nhau ăn một tô bún bò Huế nấu bằng heo Mỹ, bò Anh, ruốc Tàu, bún Nhật... Miếng ăn có thể khác nhau vì ngon hay dở, nhưng nỗi nhớ quê nhà thì vẫn hiu hắt giống nhau trong cùng thẳm của mỗi tấm lòng. Bún bò Huế đã vượt sông Mỹ Chánh ra Bắc, vượt đèo Hải Vân vô Nam, vượt trùng dương sang Âu tới Mỹ. Giữa những phố phường xa lạ quê người, đọc trên một tấm biển của một tiệm ăn nào đó có ghi ?oBún Bò Huế?, người Việt tha hương nào mà khỏi thấy lòng mình ấm lại. Bún Bò Huế không còn là riêng của Huế mà hương sả nồng, vị ớt cay, mùi ruốc mặn đã thấm vào mạch đất quê hương và lòng dân tộc Việt đầy yêu thương nhưng cũng lắm đoạn trường chưa có ngày sum họp.
    Trần Kiêm Đoàn
  7. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Một chút tản mạn về ẩm thực xứ Huế
    Từ xưa đến nay, người phụ nữ Huế, từ các bà mệnh phụ cho đến các người vợ trong các gia đình đã được hấp thụ một nền giáo dục truyền thống, có được các đức tính trung hậu, đảm đang, khéo tay hay làm, nấu ăn bằng tất cả sự khéo léo như gửi cả tâm hồn mình để làm bữa ăn hàng ngày cho chồng con hoặc để phục vụ trong lễ kỵ giỗ tổ tiên, hoặc để trổ tài nữ công gia chánh trong các dịp gia đình tiếp đãi khách khứa.
    Các món ăn ở Huế được chia làm hai loại: Món ăn Cung đình và món ăn Dân gian. Các món ăn Cung đình như: Yến xào, nem công, gân nai nấu nước gà hầm, hải sâm nấu tôm hùm, bào ngư hầm ngũ vị, cửu khổng hầm... đến những món đặc sản nổi tiếng, nhất là cơm hến, bún bò, bánh khoái, bánh bèo, nậm lọc, bánh ướt thịt nước... Ngoài ra có hàng chục loại mắm và cũng ngần ấy loại muối. Về mắm có: mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm chua, mắm gạch cua, mắm cá ngừ, mắm cá nục, mắm cá cơm, mắm cá rò. Về muối có: muối sống, muối rang, muối hầm, muối ớt, muối tiêu, muối tiêu chanh, muối xả, muối đậu, muối dầu lá...

    Bánh Bèo Huế
    Thức ăn ở Huế rất rẻ, một tô cơm hến chỉ có 2.000 đồng, bún bò từ 3.000 đến 5.000 đồng, bánh bèo, bánh lọc, bánh ướt, một đĩa giá 3.000 đồng (6 cái), bánh khoái 2.000 đến 3.000 đồng một cái, bánh chưng 2.000 đồng một cặp... Du khách đến Huế có thể thưởng thức các món ăn dân dã ở những nơi như: Bún bò có quán bà Bê (đường Lý Thường Kiệt), bánh bèo, nậm, lọc có quán bà Đỏ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bánh khoái Thượng Tứ, bánh chưng có quán bà Thêm đường Nhật Lệ, cơm hến Vĩ Dạ, bánh canh Nam Phổ, mè xửng Thiên Hương, tôm chua cô Ry ở chợ Đông Ba... Ngoài việc thưởng thức ẩm thực theo đúng nghĩa, món ăn Huế còn chứa đựng nhiều vị thuốc trong y học cổ truyền của dân tộc, mùa nào thức nấy, giữ được sự cân bằng cho cơ thể con người.

    Bánh chưng Nhật Lệ- Huế
    Nhờ có truyền thống văn hóa lâu đời, nhờ nguyên liệu dồi dào của địa phương và nhờ bàn tay khéo léo của con người chế biến, các món ăn Huế chẳng những ngon miệng, đẹp mắt, giàu chất dinh dưỡng mà còn thể hiện một cách ứng xử của con người trong xã hội. Là một địa danh nổi tiếng về văn hóa ẩm thực nên cho dù Huế có hàng trăm món ăn thì mỗi món ăn Huế đều có phong vị riêng, gây ấn tượng cho nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Bạn cứ đến vùng đất Cố đô là sẽ hiểu và thấy được những nét văn hoá đặc sắc này./.
    Theo VOV News

  8. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Chợt nhớ những mùa sim
    Ngô Cang
    Những đồi sim nở hoa tím hai bên đường lên "Huyền Không Sơn Thượng", làm tôi bỗng nhớ đến bài thơ của thi sĩ Hữu Loan. Một thời cắp sách tới Trường Quốc Học, không biết bằng cách chi mà chúng tôi có được bài thơ ấy, trước 1970 chuyền tay nhau đọc và chép vào lưu bút. Ơi màu hoa hoa phơn phớt tím chung thủy và son sắt! Đứa con trai mới lớn là tôi, thường hái hoa sim, chọn những cành có hoa đẹp nhất, để tặng một người con gái, nữ sinh Đồng Khánh, như một cầm bằng làm tin. Màu hoa tím ngây thơ nói hộ trái tim mình một lời yêu dấu....
    Đứng suốt một buổi chiều cuối hạ, lặng lẽ ngắm sắc hoa sim biêng biếc tím trên đường lên Từ Hiếu, lòng lại man mác buồn nhớ buổi chia tay em, những đam mê run rẩy, lá tả tơi từng cánh tím xuống chân hai đứa, khi hoàng hôn phủ sương choàng vai vạt cỏ mềm lấp lánh sim mua miền Sơn Cước. Em ở đâu? Hỡi vầng trăng mười tám! Phố núi bây chừ, ta đứng lơ ngơ, nghe tiếng chim gì kêu mà lẽ bạn. Ta tuôn ra những lời nói thầm thì với vạt đồi ướt đẫm sương ngày cũ. Cũng cái chỗ này đây, xưa hai đứa, bây chừ đã vắng một người. Cứ đứng nhìn mông lung ở tận cuối con đường có dáng ai như bóng em, tóc dài áo trắng, cầm sắc hoa, nghe nhói một lời lỗi hẹn. Hoa tím trên lá xanh kia, một thời với biết bao dự cảm cho những điều chưa nói hết....
    Hoa sim tím đối với tôi, thật sự là cây hoa sim của tình yêu, không phải vì mê thơ Hữu Loan mà nói rứa! Nhưng đồi sim dại giữa chiều hoang biền biệt không ai tưới tắm, chăm non, vẫn sống, vẫn lớn lên, nở hoa, hiền lành và dung dị như bao cuộc tình dịu dàng nào đó, không thể thiếu được trong cuộc đời này.
    Bao nhiêu năm đã qua, dăm ba cuộc tình không tên tuổi cũng đã ra đi, để lại trong tôi những ký ức nhạt nhòa. Chỉ còn có em, với giấc mơ có hoa sim dại. Nhớ ngày nào, em vẫn ngồi đây, hồn nhiên kể chuyện trường, chuyện lớp. Chuyện mấy đứa bạn cứ "cặp đôi" và cái O Thiệt lau chau lắm chuyện, làm mạ biết hết trơn...chuyện chúng mình.
    Chuyện chúng mình, mới đó mà đã mấy chục năm. Những mùa sim đi qua đời người, những chiếc lá xanh, những cánh hoa tim tím, còn lại trong tâm tưởng. Nắng đã phai bao lần, mưa đã ướt bao chiều, màu sim tím ấy vẫn thăng hoa trong trái tim người. Khi tôi đã làm chồng, em làm vợ người khác. Hoa sim tím chứng kiến cuộc chia tay. Có một câu nói cứ ngập ngừng nơi cửa miệng, ngập ngừng, cho đến khi chiếc xe hoa chở em chạy vút đi, bỏ lại sau lưng một trời hoa sim tím. Hoa mát lành mà chẳng thể bình yên. Khi trở về, tôi biết mình sẽ khó lòng gặp lại.
    Thời gian thật sự không chờ đợi ai, dù là người vô tâm hay kẻ có lòng. Mới đó mà, tóc mình đã bạc. Thi sĩ Hữu Loan trở về không gặp em. Bao năm rồi, tôi biền biệt xa ngọn đồi có hoa sim dại, tôi đã đánh rơi mối tình ở đó. Khoảng trời xanh mây trắng và giấc mơ ướt đẫm những sim mua.
    Tôi trở về, ngồi quán cà phê nằm trên đồi sim. Quán trồng đầy hoa sim tím trước ngõ. Có một khung cửa sổ bằng gỗ nhìn ra sân hoa và một dòng suối trong hơn, non giả bộ sơn, nước cứ róc rách chảy. Với ly cà phê trước mặt, tôi trở về ký ức xưa. Nhà tôi nghèo lắm, những đứa con xứ Huế như tôi vì hoàn cảnh, dẫm phải gai, bàn chân đau "việt vị" ngõ nhà em. Thương nhớ núi Ngự sông Hương đã đành, còn thương nhớ cây cỏ, hoa lá, chim muông, ong **** và đặc biệt là nhớ những mùa sim. Những mùa sim đi qua, còn để lại giấc mơ có hoa sim nở tím, ơi màu hoa nở tím mà dở dang cả một đời người....

    Thương nhớ thanh trà
    Ngô Phù Văn
    Cơn gió đầu thu xứ Huế hơi lành lạnh, đã rủ rê tôi trở lại Long Thọ, Nguyệt Biều. Đi qua con đường Bùi Thị Xuân thơ mộng, hai bên nhà cửa núp dưới những tán vườn xanh um màu lá mới. Chợt nhớ bạn viết Nguyên Hương, "Nhận ra mùa thu Huế có trái thanh trà chín rộ".
    Vâng, thanh trà chín rộ của một thời áo trắng. Nhà em nép mình bên ngọn đồi dưới những tán bưởi, tán thanh trà cổ thụ, chỉ có hoa trái, cỏ và trăng đêm Nguyệt Biều chứng kiến một mối tình mới lớn. Tháng bảy nước nhảy lên bờ, năm một ngàn chín trăm bảy hai, vừa thi xong đại học, đang đợi chờ ngày kết quả. Cả bọn rủ nhau lên nhà em chơi. Những bưởi, những thanh trà, những ổi xá lỵ chín đầy cây. Chỉ cần đưa tay là hái thấu. Khu vườn nhà em ngập tràn tiếng hát học trò.Giọng ca "liêu trai" Công-Tằng-Tôn-Nữ-Thanh-Trà làm dịu êm một khoảng trời, tạm quên bớt những mệt mỏi và nhàm chán trên ghế học đường.... cây đàn ghita gỗ được Trần Kiêm Đoàn bập bùng đánh. Còn tôi, một người chỉ ngồi lặng lẽ, để uống từng giai điệu trong đêm Nguyệt Biều chảy tràn vào trái tim, hoà cùng màn trăng lọc qua cây lá. Có nhiều lắm những trái thanh trà chín rộ, được em bóc lớp vỏ lụa, sắp đầy mâm đồng sáng loáng. Tôi ăn từng múi nhỏ, ngậm mà nghe hương tình yêu chín tới!
    Tôn Nữ Thanh Trà ơi! Mới đó mà đã mấy chục năm. Em chừ ở xa lắc xa lơ làm răng tôi nhắn tới! Thôi đành trìu mến mà gọi thầm tên em. Tôi đi dạo từ ngã ba chợ rồi đến nhà em xưa; Cái nhớ trong quên lãng lại bồng bềnh như thoát ra từ hơi thở của mùa gió lạnh. Thanh trà vẫn chín rộ đó đây thôn miệt vườn, mà sao bước chân tôi bịn rịn, quấn quít nơi góc ngõ nhà em. Tôi ăn miếng thanh trà mà nghe thấm vào gan ruột, ăn đến mô, biết đến nấy! Áo em, mắt em cũng như lòng em đều toát lên một cái gì trong trắng, thánh thiện giống như từng múi thanh trà, khiến hơn một lần tôi đã biết "nịnh đầm"...
    Mấy chục mùa thu qua, là mấy mươi lần tôi ăn múi thanh trà ngọt thanh nơi đầu lưỡi, mà tê tê lòng. Đang ngẩn ngơ đi xuống bến sông quê, bỗng gặp một Tây balô, đeo lủng lẳng một chùm thanh trà đã bóc vỏ ngoài, nở miệng cười chào tôi, rồi bắt chuyện. Cuộc trao đổi cũng thú vị: "Thanh trà Huế ngon ngọt và thanh dịu hơn cả bưởi Đoan Hùng, Hà Nội". Anh ta vừa nói vừa chỉ tay với phía mấy cô gái Nguyệt Biều đang bận rộn với những thúng thanh trà vừa hái xuống. Lại khen "gái Huế không mô đẹp bằng". Hèn chi, Tây Tàu đến Huế mỗi ngày mỗi đông! Lại nhớ Nguyễn Hữu Hồng Minh, trong một bút ký có viết rằng: "Đất này, vua đã đến, và "mê" người, thì những ông ngoại kiều kia tiếp tục "si" người đẹp, nghĩ cũng không có gì lạ". Thì cũng như tôi, đã mê em, đã vội vàng, bàn chân đau "việt vị", để ai kia đem hương thanh trà đi "thơm" ở một nơi nào khác?
    Nguyệt Biều một chiều đầu thu gió nhẹ, Thanh Trà chín rộ một mùa vui. Vẫn còn ngọt ngào quanh đây chút hương vị trần gian mà một thời tôi đã hưởng! Vẫn còn đâu đây giọng Huế của em ríu rít, nũng nịu:"Vẫn là của Văn đấy thôi!".
    Tôi đang ngồi nơi khu vườn kỷ niệm, nhớ lại trong nhóm bạn học ngày nào, có người đi xa, có đứa đã khuất. Tôi trở về, làm thơ, như một cứu cánh thể hiện tâm hồn. Những rung động tưởng bình thường mà yêu đến cạn cõi lòng, bằng một tình yêu thanh trà, của một đêm đau thương tuyệt vời, khi tôi đã vụng về muốn bứt ra một múi, cho riêng mình...
  9. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Huyền thoại ngô đồng​
    Văn Cầm Hải - Bảo Hân
    Với Huế, ngô đồng không chỉ là loài cây thơ ca còn được sánh vai cùng 28 loài thân mộc khoác trên cửu đỉnh, biểu trưng cho cỏ cây nước Việt. Loài cây di tích này giờ trở nên hiếm hoi, những cây trồng từ thời vua Minh Mạng không còn nữa. Trong khuôn viên Đại Nội chỉ còn chưa tới 10 cây. Cây được xem là đẹp nhất hiện nằm ở Tả Vu cao khoảng 18m, đường kính 0,7m. Ngoài ra, chúng còn được trồng rải rác ở các lăng Minh Mạng, Tự Đức, ở công viên Thương Bạc, Phú Văn Lâu, công viên Tứ Tượng....
    Cây ngô đồng cao quý như vậy nên theo Đại Nam Nhất Thống Chí, gần hai trăm năm trước khi cây được đưa về từ Quảng Đông về trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh của hoàng thành Huế, vua Minh Mạng lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp; tìm được rồi đem về trồng ở các góc điện. Cầm lá lên núi tìm cây ngô đồng về xuôi, khác nào mang cây ngô đồng trong huyền sử, trong thi ca về trồng trên đất Thần Kinh.
    Giữa những tàng cây xanh thắm hai bên dòng Hương, mỗi khi hè chớm xuân tàn, chừng trung tuần tháng 2-3 âm lịch hằng năm, hoa ngô đồng lại nở. Trên thân cây cao, màu hoa xao xuyến tím khi mới nở, đến lúc viên mãn chuyển màu tím sẫm, từng cánh nhỏ như cánh cườm kết thành chùm nhưng không rối cành, và ở bất kỳ góc nhìn nào, hoa ngô đồng cũng tạo ra một nét thiền giữa không gian bởi phong thái dịu dàng thanh tao như một giấc mơ bâng khuâng lơ lửng giữa đất trời. Nhất là khi gió đổi mùa qua sông Hương, sắc hoa ngô đồng càng hư ảo hơn và có thể đó những mầm tím đã khơi lên một chiều tím loang vỉa hè trong gió heo may về như Trịnh Công Sơn từng hát lên với Huế.
    Hình như khi hạ sơn về Huế, từ chỗ khác lạ thành quen ăn vui ở lâu ngày với đất đai với khí hậu núi Ngự sông Hương nên cây ngô đồng cũng thu nhận và phát triển ra cái tính cách "chướng" của Huế, bởi trong khi ngô đồng ở Trung Quốc hay Nhật Bản trổ hoa vào mùa thu, bắt đầu từ tiết Cốc Vũ thì ngô đồng Huế lại nở vào lúc cuối xuân chuyển hè, bất chấp cái nắng hạ khắc nghiệt miền Trung vốn làm khiếp đảm bao loài hoa khác.
    Hoa ngô đồng đẹp là vậy nhưng trong chốn dân gian không phải ai cũng biết đến, thậm chí cả người Huế vẫn hay nhầm ngô đồng với vông đồng hoặc vông nem (cây bã đậu)! Thực ra, giữa hai loài cây ấy rất khác nhau, hoa vông đồng đỏ chói, lá non đem hấp cơm ăn để chữa bệnh mất ngủ còn hoa ngô đồng tím nhỏ nở như buồn vương trên cao, càng nở lá càng rụng nhiều tầng mảnh như vàng rơi, vàng rơi của Bích Khê.
    Tiếng rơi mỏng của lá ngô đồng ngoài hiên vắng cũng đã làm rung động nhà vua- thi sĩ Thiệu Trị, nên trên bi lăng vị hoàng đế đã khuất vẫn còn vang tiếng ngô đồng rụng, cùng âm thanh với cúc ngoài đồng ba luống (Ly biên tam kính cúc / Dạ bán nhất thanh ngô).
    Sau cơn bão lớn 1985, cây ngô đồng cao lớn nhất ở công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương bị đổ, để lại một khoảng trống trong không gian và trong lòng người Huế, đặc biệt là đối với nhiều thế hệ sinh viên. Bởi nơi đây mỗi khi mùa hoa về, buổi tan trường hoặc giữa chừng buổi học, tôi và các bạn lại trốn lớp ra ngắm và nhặt hoa rơi. Hoa ngô đồng đẹp nhất là lúc ban mai, sương chưa kịp tan nắng chưa kịp vàng, bấy giờ hoa ngô đồng lung linh và huyền ảo hơn. Tôi vẫn tin rằng, trong ký ức của nhiều người màu hoa ngô đồng năm xưa vẫn nở đầy tay.
    Và để nhiều thế hệ mai sau không mất mát màu hoa ngô đồng, những công nhân của Công ty công viên cây xanh Huế đã lặng lẽ nhân giống 150 cây ngô đồng với hy vọng không gian Huế rồi sẽ lại ngợp sắc hoa huyền thọai này.
  10. phuong_le

    phuong_le Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2005
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Đêm Huế​
    Nguyễn Xuân Hoàng
    Ở Huế lâu rồi mới thấy rằng đêm tối có những mê hoặc của nó. Những ngõ phố hoang vắng trong đêm, ngôi nhà cổ và những chiếc ô cửa sổ, con đường dài những hàng cây đứng yên lặng lẽ trong tăm tối và gương mặt bóng đêm trên dòng sông u uẩn trong tàn phai.
    Đêm Huế gần như đã dài kể từ ánh ngày cuối cùng tắt vội ở Ngã Ba Sình cho đến khi tiếng chuông Thiên Mụ gióng lên êm ả những dòng âm thanh cuối cùng. Đêm vẫn còn dài trong tiếng gà thôn Vỹ gáy muộn, gieo xuống mù sương chút thanh âm an lành của một ngày mới bắt đầu. Rồi đêm dài hơn với tiếng dép lê của mẹ gánh bún Huế bán rong khắp nẻo thị thành. Từ hoàng hôn đến bình minh, đêm Huế nhiều khi dài như một đời người. Ấy là khi mùa đông về, gió và mưa lạnh cứ lang thang trên những hàng cây xanh xao. Mưa gõ đôi bàn tay u sầu xuống nhân gian và trong thanh vắng chợt có tiếng ho khàn của một gã nhà thơ nghèo, lóng ngóng nhen ngọn lửa thơ ca như muốn xua đi bóng đêm vốn đã dày hơn trong những cơn mưa lạnh.
    Sống nhiều những đêm dài xứ Huế, tôi là người mê muội bóng đêm. Một sự bí ẩn đầy ám ảnh đã được nhen lên trong màu u huyền những hàng cây nhiều tăm tối. Gần như là đối diện với bóng tối, con người đã bất chợt nhận ra mình, nhận ra những khoảng sáng đã chiếu rọi lên tâm hồn một nhận thức của vẻ đẹp mơ hồ.
    Sau hoa quỳnh mà tôi yêu say đắm và không còn muốn nhắc đến như một nỗi đau, có nhiều
    loài hoa chỉ chực nở trong bóng đêm và gần như một sự chối bỏ nỗi buồn của hiện tại. Trong đêm, những đoá hoa kia chỉ nở có một màu trắng mà thôi. Chút nhỏ nhoi trắng trong của dạ lý hương là lời khải bạch xoá tan đêm dày. Màu hoa trắng trong đêm, như một chân lý muộn mằn. Tại sao chỉ có những loài hoa trắng nở trong đêm? Điều này chỉ có thể lý giải bằng sự tồn tại của những quy luật sinh học, nhưng có lẽ là những đoá hoa ấy muốn chứng minh trước tồn tại một sự tồn tại khác bí ẩn hơn, ấy là cái đẹp cuộc đời. Như những đoá ánh sáng chỉ được nhận thức bằng đời sống tâm linh, đêm tối Huế đã rực rỡ hơn với những màu hoa trắng vô danh. Hoa điểm trong bóng đêm làm những ngôi sao nhỏ đẹp mê hồn hư một đoá tinh vân. Ấy là khi bất chợt nẻo khuất của lối đi nhỏ, xuất hiện một đoá hoa mạc ly trắng muốt. Màu trắng trôi trong lòng đêm như một ánh hồ quang. Cánh hoa nhỏ như rùng mình theo tiếng gót chân ai vang vọng giữa mơ hồ.
    Không có gì hạnh phúc hơn khi được ngồi lặng lẽ một mình, ngắm dòng sông Hương chảy thẫn thờ trong bóng đêm. Khi màu nước và màu trời đặc sánh như nhung mịn và êm dịu như một nụ hôn thầm. Bóng tối loang ra như những vết dầu sôi rồi dành thành từng sợi nhỏ hoang đường như tóc ai đêm ngày mê muội cứ mun đen như bóng tối chập chùng.
    Có đêm, bầu trời Huế tối như một tách cà phê đặc, không còn nhìn thấy nữa gương mặt sông Hương chảy lặng lẽ giữa đôi bờ. Và lúc này, ánh lửa trên thuyền chài ở bến Thương Bạc là ngôi sao duy nhất sáng loà trên mặt sông đêm. Khi đã không còn rộng nữa với sông Hương, đêm Huế hun hút sâu với những con đường nhỏ và gầy trong khu vực Nội thành. Ở đây trong bóng đêm có màu xanh dịu của rêu phong và chút sắc đỏ sậm của những bức thành cổ già nua. Đêm nội thành Huế với tôi là sự huyền bí chỉ có trong cổ tích. Có thể tưởng chừng như bất cứ lúc nào chiếc cổng xưa, tiếng nhạc ngựa gõ đều trong đêm và bên khung cửa sáng loà ánh đèn ***g, là gương mặt của một mỹ nhân. Nàng cười nuột nà như một đóa hoa trắng trong đêm mà chút ngà ngọc còn sót lại đủ làm ngẩn ngơ bao kẻ phong trần. Cho đến khi tiếng ngựa xa dần và mờ khuất ở cuối con đường mọc đầy một loài hoa phượng xanh đen.
    Đêm Huế đầy những tiếng xưa. Thành âm của ngày cũ chìm trong ngàn tiếng lá, đổ tơi bời như lời trong một ca khúc Dương Thiệu Tước ngày nào "hoàng hôn là rơi bên thềm... hoàng hôn tơi bời lá thu"... Như là đêm Huế đã bắt đầu từ đó, từ nỗi buồn vĩnh cửu của con người sau khi đã qua một ngày dài, chợt một mình cô độc trước đêm thâu. Không phải là trong ánh ngày mà là trong trong đêm tối, con người cơ may là trong đêm tối, con người có cơ may để nhận thức được chính mình. Diện mạo của đời sống tâm hồn đã tự bày ra một hình hài cụ thể của nhận thức được nhiều lý tính. Sao, khi ngắm bóng đêm từ ô cửa nhỏ ngôi nhà khả kính của người thầy cũ trong nội thành, nhìn chút ánh sáng bàng bạc hắt ra từ những tàu lá chuối trong vườn, tôi vẫn hằng tin rằng với đêm tối, con người sẽ nhận ra một cuộc sống dịu êm, thanh thản, có thể nghe rõ hơn mạch đập vội đang tìm chút bình yên đầy yêu thương của trái tim mình.
    Cảm ơn cuộc đời rằng cuộc đời có ngày có đêm. Có chút huyền hoặc dưới bóng đêm để con người được thanh thản, được buồn, được vui, được chính mình như ngày mẹ cho tiếng khóc chào đời. Và xin cảm ơn em, cảm ơn đêm đen như mái tóc em, anh vẫn phủ tràn trên mặt yên uỷ lòng anh trong những lúc cô đơn nhất của cuộc đời mình....

Chia sẻ trang này