1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Một số bài viết hay về Hà Nội ( sưu tập)

Chủ đề trong 'Public Hà Nội' bởi JavaCaFe, 18/12/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. JavaCaFe

    JavaCaFe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/06/2004
    Bài viết:
    318
    Đã được thích:
    0
    Một số bài viết hay về Hà Nội ( sưu tập)

    Tất cả những bài viết dưới đây là lấy trong " Những nẻo đường Hà Nội" của tác giả Băng Sơn...

    Chữ "Hàng" Gợi cảm


    Hà Nội ba mươi sáu phố phường, mỗi phố là một phường hay mỗi phường là một phố? Không hẳn thế. Bởi mỗi nghề còn giữ lại trên tên phố Hà Nội nay đã qua bao thay đổi, còn đến hơn sáu mươi phố bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Đào, Hàng Tre, Hàng Sắt, Hàng Mành, Hàng Bún, Hàng Bè... trong hơn ba trăm sáu mươi phố của Hà Nội hiện nay. Hà Nội lớn lên không ngừng. Gương mặt từng phố ngày mỗi đổi thay và hẳn trong lòng nó, trong lòng mỗi phố, trong lòng mỗi căn nhà và mỗi con người Hà Nội. Cuộc đời là một dòng sông chảy đi bất tận, mang lớp lớp phù sa mới bồi đắp vào cuộc đời mình. Có những phố nguyên có chữ Hàng nhưng đã được mang tên mới như Hàng Cỏ (Trần Hưng Đạo), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Giò (Bà Triệu phía trên), Hàng Lọng (Đường Nam Bộ rồi Lê Duẩn), Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn, (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng) v.v...
    Trong ký ức của những người Hà Nội, một căn nhà, một góc phố, một gốc cây, có khi chỉ là một âm thanh, một làn hương, một màu sắc... cũng hiện lên bao hình ảnh thân yêu, gợi cảm. Đương nhiên cái mới phải sinh ra, phải vươn lên, cái cũ phải nhường chỗ. Măng thay tre. Con sông tiếp nhận những dòng suối. Nhưng cây măng chớ quên bụi tre đã ôm ấp che chở mình. Dòng sông hình thành sao được nếu không có những con suối cần cù năm tháng trong rừng sâu im vắng? Người Hà Nội hôm nay đi quanh Hồ Gươm, đi vòng Hồ Tây, đi thuyền trên hồ Thống Nhất, thả hồn trên đường Thanh Niên có hoa phượng hoa ban tím (còn gọi là cây móng bò), vào bảo tàng Hồ Chí Minh, ngắm vườn hồng đường Bắc Sơn, ra Điện Biên nhìn lại Cột Cờ cổ kính, vòng về chợ Đồng Xuân, rẽ ra bờ sông Cái có cầu Chương Dương, bước lên con đê xanh... có bao giờ quên được những tên phố thân thương, gợi nhớ cả một thời xa xưa oanh liệt và trữ tình. Hà Nội có những nghề cổ truyền, có đám, có phường, có những món ăn thanh lịch, những cảnh trí thơ mộng và cả những niềm vui mộc mạc giản dị của một vùng quê Bắc Bộ. Hàng Bài không còn là bài lá, tam cúc, tổ tôm có những cây xe hồng, tịnh vàng xuất hiện trên ổ rơm những ngày tết ấm cúng trong bao gia đình, những cây bát sách, cửu vạn mà câu ca dao đã phải thốt lên: "Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều" là ba cái thú, ba sự lịch lãm một thời; những quân bài đã thành kỷ niệm in trong ký ức bao thế hệ. Nay ở đây có trường Trưng Vương, nhà triển lãm, hiệu bán sách khoa học, bán băng nhạc, có cửa hàng bách hóa lớn nhất Thủ đô. Hàng Bạc không còn những cô gái kiêu kỳ kiểu công chúa cấm cung, ăn cái giá đỗ cũng phải ngắt làm đôi, cái phố từng sản xuất những vòng, xuyến, kiềng vàng cho lớp giàu sang, sản xuất những đôi khuyên vàng và tích bạc cho cô dâu về nhà chồng, cho những vùng xa về kinh kỳ kẻ chợ sắm cưới; chỉ còn rạp Tố Như cũ (rạp Chuông Vàng-Văn Lang) nơi sinh ra Trung đoàn Thủ đô bất tử trong những ngày kháng chiến oanh liệt của Liên khu Một năm 1946.
    Nhà cô Bé Tý đã thay đổi hoàn toàn, không còn ai nhớ đến nữa, đình Hàng Bạc cũng hoang tàn, những người thợ bạc Châu Khê (Cẩm Bình Hải Hưng) có đình thờ riêng, nay lang bạt đi đâu, hiệu thuốc cam có Con Hươu, còn đấy, nhưng em bé nào còn ăn thứ thuốc cam ấy (có đến bốn năm hiệu cùng có Con Hươu, cũng hơi phiền). Hàng Chuối từng có những bãi chuối bạt ngàn để chăn đàn voi cho nhà vua phủ chúa, nay là một phố dài cây xanh rợp bóng, những biệt thự yên lặng như vầng trán trầm tư trong tịch mịch. Cái màu xanh đất bãi ấy mất đi chăng? Không, nó lại hồi sinh trong màu lá hai bên đường cây, để xuân về, óng ả, tơ non, tạo ra cái mái nhà xanh của thủ đô rất Hà Nội. Trụ sở Hội Phụ nữ lúc nào cũng có bóng cây dịu mát, cái dịu mát của cây hay của người phụ nữ Việt Nam? Bàn tay nào khéo léo, tâm hồn nào giàu rung động, để đã từ một ống tre, một quả bầu khô, một miếng da rắn... tạo ra cây nhị cây hồ nhất là cây đàn bầu bất hủ. Hàng Đàn hẳn một thời náo nhiệt những giai nhân tài tử, nghệ sĩ đến so dây, nắn phím. Những trái tim ấy đã ra đi nhưng tài hoa còn lại với đất nước nghìn năm văn vật. Hẳn họ cũng đã quá bước tạt sang Hàng Quạt bên cạnh để thửa cái quạt thước, chiếc quạt tím trang kim, chiếc quạt gỗ đàn hương thoảng gió thơm, chiếc quạt gỗ trầm ngào ngạt, khiến yêu cái quạt yêu cả người cầm quạt, nói như nữ sĩ Xuân Hương: "Mười bẩy hay là mười tám đây Cho ta yêu dấu chẳng rời tay...
    ... Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày..." Quạt tạo ra gió mát, quạt còn che nửa mặt hoa cho khỏi rám má hồng trưa nắng, làm duyên cho tao nhân... Hàng Nón sao lại không từng tặng liền anh liền chị đất Kinh Bắc những chiếc nón thúng quai thao để: "Yêu nhau gửi nón cho nhau Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay..." Những chiếc nón ấy đã ở lại mãi mãi với câu ca say đắm lòng người, trường tồn với dân tộc tài hoa và tha thiết. Hàng Khay có những người thợ khảm trứ danh. Từ mảnh gỗ đơn sơ, từ chiếc vỏ con trai chẳng giá trị gì, họ đã tạo ra những tác phẩm thực sự, óng ánh, bảy sắc cầu vồng; những đường nét, phong cảnh, tưởng như đang hiển hiện trước mắt mà ta đang bước vào đó trên đoạn đường ta đang đi dạo. Bến sông Nhị Hà xưa còn ăn sâu vào đất liền hơn bây giờ nhiều. Từ rừng núi, theo những con ngựa thồ, những chiếc xe thô sơ và cả những con thuyền lớn... những củ nâu xù xì nhưng bền bỉ sắc màu dân dã quê hương đã về đây để nhuộm cho mẹ cho chị những tấm áo che một nắng mấy sương. Dọc Hàng Nâu xuống Hàng Chĩnh, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Tre. Nước Mắm Nghệ, muối chợ Cồn Văn Lý, ang chĩnh Thổ Hà, tre vầu rừng Bắc... đã theo những mảnh buồm, những bè nổi lênh đênh về với kinh kỳ. ôi những con thuyền đã rong ruổi bao dặm trường sóng nước, neo vào bến Cầu Đất, gửi cho Hà Nội những món quà bền chắc, nồng mặn đậm đà, để mà nhớ nhau mãi mãi như câu ca dao: "Gừng cay muối mặn xin đừng..."
    Người Hà Nội tài hoa, tao nhã, hiếu học, Hàng Giấy, Hàng Bút còn đó. Những khoa thi nào, anh khóa, cậu tú, bác cử đi chọn giấy bút để tung hoành trên trường văn trận bút. Cái "công danh xa mã" ấy từng đã làm khổ bao người, những anh đồ dài lưng tốn vải, những người phụ nữ ước mơ võng anh đi trước võng nàng theo sau, lụi cụi cả một đời cho tuổi trẻ trôi qua lúc nào không biết. Tuy nhiên chúng ta cũng tự hào còn lưu lại được nhiều áng thơ văn thiên cổ kỳ tài, những tuổi tên còn khắc đầy trên hơn tám chục tấm bia đá nơi Văn Miếu kia. Còn cuộc đời thường của người dân lao động với những nhu cầu không thể thiếu được thì đã có Hàng Gạo, Hàng Cá, Hàng Đường, Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Dầu, Hàng Bột (Tôn Đức Thắng). Muốn sắm sửa thì lên Hàng Bát Đàn, Bát Sứ, Hàng Đũa (Ngô Sĩ Liên). Cha già mẹ héo cần một cỗ áo thì đã có Hàng Sũ gần kia. Tháng chín tháng mười giở trời, đau cả xương cốt, món rươi của vùng Hải Đông (Hải Dương Hải Phòng ngày nay) đổ về kinh kỳ không ít. Khen ai là người đầu tiên đã biết chọn vỏ quýt làm gia vị cho món chả rươi, quả là tài tình, quả là nghệ thuật. Cái lưỡi con người tinh tế đến thế là cùng. Hàng Rươi cũng là nơi họp chợ hoa ngày tết. Cô gái đi mua hoa, cành đào hay cành mận, nhánh hải đường hay bông vạn thọ, cô có thể sắm thêm gương lược mà điểm trang cho thêm nhan sắc, cho đẹp cả mùa xuân, có Hàng Lược đó. Hà Nội có một cái dốc khá cao. Đó là Hàng Than. Cái thời chưa có điện, chưa có than đá, than quả bàng, hẳn ở đây luôn luôn bận rộn những hàng bán than hoa để thơm lừng vị chả nướng, để ấm nồng những ***g ấp, để thanh tao những chén trà của các cụ đồ trong sương sớm. Sau này, Hàng Than còn nổi tiếng với món bánh cốm ngon lạ thường, một món quà đặc biệt, chỉ Hà Nội mới có tài làm ngon đến thế. Cốm xanh biếc, nhân đỗ xanh vàng hươm, cùi dừa trắng tinh, điểm vài viên hạt sen nhừ tơi; được gói trong lá chuối tươi, lại một màu xanh óng chuốt của quê hương đồng bãi, buộc chặt bằng chiếc lạt đỏ cánh sen, gợi mùa cưới chan chứa ân tình. "Nằm đất với chị hàng hương"...
    Hàng Hương cô hàng, người thơm tho gỗ hoàng đàn, thoảng mùi xạ, phảng phất hương trầm... Tết, ngày giỗ mà không có hương sao còn gọi là tết, là giỗ? Ngôi chùa cổ Việt Nam, ngôi đình làng trang nghiêm sao có thể thiếu được những nén hương đen, những cuộn hương vòng, những cây hương sào thắp một ngày chưa hết, phố Hàng Hương tuy nhỏ nhưng thực sự là một phố mang lại cái cần thiết cho Hà Nội, cho cả vùng về đây mà mua mà cất, một cái duyên riêng vậy. Màu sắc óng ánh trong chiếc thắt lưng hoa lý, hoa đào, hồ thủy, thiên thanh, dải yếm đỏ, áo đổi vai nâu non... cứ phấp phới lên trên phố Hàng Đào, nhất là những ngày phiên chợ tơ. Các thứ lụa tơ từ Ba La Trinh Tiết của tỉnh Đơ, của Đồng Tỉnh Huê Cầu của tỉnh Bắc... mang đến. Còn Hàng Vải thâm là nơi đi về của người dân áo vải. Cô gái Đình Bảng, Cầu Lim mặc váy cửa võng cạp điều mang vải về đây nhuộm hoặc trả cho khách hẳn từng làm xao xuyến bao chàng trai kinh thành. Trung thu, tiếng trống ếch rộn ràng. Trường học nào cần bưng lại mặt trống da trâu để kịp khai trường, đình làng nào cần một chiếc trống đẽi để vào đám giêng hai, Hàng Trống sẵn sàng chờ đón. Phố này đến nay vẫn còn mấy nhà có nghề làm trống cổ truyền, dựng tang trống, thuộc da, lên mặt trống... đều bằng phương pháp thủ công nhưng chiếc trống hàng chục năm vẫn kêu vang, không hỏng. Hà Nội đã sống gần ngàn năm dưới chế độ vua quan. Có bao cái đẹp và cũng có bao cái phải mất đi nhường cho cái mới. Hàng Lọng (phố Lê Duẩn) có ga Hàng Cỏ tấp nập ngày đêm, đón và đưa những con tàu Nam Bắc, ra cảng Hải Phòng, lên tỉnh có chè ngon nổi tiếng Thái Nguyên... Với trên sáu mươi phố mang chữ Hàng, vẻ xa xưa chưa hết, Hàng Mành vẫn làm mành. Hàng Hòm vẫn đóng hòm, va li gỗ, Hàng Thiếc làm thùng tôn, ống máng, cắt kính, làm đồ chơi trung thu cho trẻ, chỉ tiếc đồ chơi ít thay đổi, không theo kịp sự phát triển của xã hội và lớn nhanh của tâm lý thiếu nhi. Hàng Mã vẫn làm đèn ***g hoa giấy. Hàng Bông vẫn còn nhiều nhà làm cốt chăn bông. Bên cạnh đó nhiều phố mang tên cũ nhưng không còn một ai làm nghề cũ ấy nữa: Hàng Gà, Hàng Cá, Hàng Gai, Hàng Bún, Hàng Cót, Hàng Bồ... Vẫn cảm động khi bước chân đến những khu nhà khấp khểnh như tranh Bùi Xuân Phái: Hàng Cân, Hàng Chỉ, Hàng Chai, Hàng Hành, Hàng Bè, Hàng Giấy, Hàng Vôi, Hàng Cháo...
    Thế kỷ hăm mốt sắp đến, chưa hình dung nổi những đổi thay. Những con người vừa sinh ra trong thập kỷ cuối này sẽ làm chủ đất nước, làm chủ Hà Nội. Họ thật là hạnh phúc. Họ sẽ sung sướng hơn chúng ta, vừa ý đẹp lòng hơn chúng ta cũng như chúng ta sung sướng hơn cha ông chúng ta xưa. Qua những chữ Hàng, ta càng yêu Hà Nội hơn, yêu như yêu máu thịt mẹ cha cho, bởi chính đó là một trong những khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam từ bốn nghìn năm.
  2. lullaby

    lullaby Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/11/2004
    Bài viết:
    59
    Đã được thích:
    0
    Không ngờ có tâm hồn nhạy cảm...
  3. JavaCaFe

    JavaCaFe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/06/2004
    Bài viết:
    318
    Đã được thích:
    0

    Bài thơ áo dài​
    Đã có không ít người nước ngoài ngạc nhiên đến sững sờ trước vẻ đẹp kỳ diệu của tấm áo dài Việt Nam, mặc dù ở nước họ, người phụ nữ cũng có những bộ áo váy dân tộc thêu rua với nhiều vẻ đẹp. Một nét duyên dáng như mây thu mơ hồ hay cái đẹp lộng lẫy của ngày hè chói chang hoa phượng có gió lộng xào xạc ngọn đề. Khó mà nói được niềm bay nhè nhẹ của tà áo tím bên hồ hay vẻ lâng lâng của màu áo trắng như tung đùa trong sắc xanh cây lá.
    Ngay giữa cái ồn ào tấp nập đua chen, tà áo dài như hoa cũng mang lại sự thanh thản như sau một tiếng thở dài. Dám đoán chắc không một cô gái Việt Nam nào lại không sung sướng được mặc tấm áo dài trong ngày hội, ngày lễ, ngày tết và nhất là ngày bước xuống chuyến đò hạnh phúc, khẽ cúi xuống nhìn tà áo dài mà mỉm cười e lệ và sung sướng hồi hộp bên người yêu đã thành chú rể ngượng ngùng. Và cũng dám đoán chắc rằng không một người đàn ông nào dù cực tả hay cực hữu, dù đang yêu hay trái tim đã rạn vỡ bao lần, lại không ưa thích tà áo dài, không ngắm cái đẹp đang chập chờn phía trước như cánh **** trong giấc mộng Trang Chu, để về đến nhà bên người vợ thủy chung vẫn còn bảng lảng bóng hình của câu thơ bất chợt ấy làm xao xuyến.
    Tấm áo dài Việt Nam không hẳn hôm nay mới có. Chẳng qua nó bị bỏ quên, bị đánh rơi trong dĩ vãng. Song thực ra nó được sinh ra từ dĩ vãng đầy văn hiến của dân tộc ta đến ngàn đời, kể cả những thế kỷ có kẻ muốn đồng hóa dân ta bằng những tấm "áo khách". Cụ chúng ta, bà chúng ta, mẹ chúng ta từng chẳng mặc áo dài đó ư? Cái áo năm thân, tứ thân buông tà hay thắt vạt, cái áo mớ ba, mớ bảy đổi vai hoặc không đổi vai đi cùng với váy sồi hoặc quần lĩnh tía... đã vào ca dao, thành câu ví, nên hình ảnh của nét ăn dáng mặc thanh nhã, hào hoa, nền nã. Có thứ huân chương nào tặng cho tác giả cái áo đổi vai. Nối vai nhưng lại so le, một đường gấp khúc, tạo mảnh hình không đăng đối nhưng ưa nhìn, giống như cái răng khểnh trên khuôn mặt trái xoan, hoặc một bên lúm đồng tiền của cô gái dậy thì.

    Đâu có phải vì nghèo, vì áo rách vai sờn mà phải đổi vai, giữ lại phần lành thay đi phần rách, mà chính là một kiểu khoe khéo, cái khéo tay về đường kim mũi chỉ, về cách chọn màu, về sự cách điệu và đó chính là tài hoa, là sáng tạo vậy. Thời gian dù bao thế kỷ cũng không bào mòn được tinh hoa dân tộc. Nó cứ sừng sững thách thức cùng biến thiên. Tấm áo dài vải rồng, một thứ vải mỏng như sa, như the, sản phẩm của xứ Sơn Nam, rồi được nhuộm màu nâu ở cửa ô Đồng Lầm đất Thăng Long, nên nó thành vải Đồng Lầm, chiếc áo dài Đồng Lầm đã tồn tại bao thế hệ.
    Từng hình thành nếp sống đi ra đường, đi ra khỏi nhà là không thể không mặc áo dài, dù trắng hay đen, hồ thủy hay thiên thanh, nâu non hay cụ già, dù sang hay hèn, già hay trẻ... Đất Thăng Long -Hà Nội, ngay cả cô bán bún chả rong, chị cắp thúng bán rao quả bưởi, bác đội chăn bông đi đổi, bà hàng xôi cháo bán trưa, chị thuyền chài tạm rời con thuyền nan lên bộ bán mớ cá mới đánh được...
    Cũng phải có tấm áo dài trên thân, thong thả thì buông chùng, vội vàng thì thắt vạt trước, mà hối hả hơn thì thắt vạt sau lưng mà chạy gằn cho tiện. Nắng hay mưa cũng vậy. Đầu năm hay sắp tết cũng thế. Những năm ba mươi của thế kỷ này, tấm áo dài được cách điệu đi, không thắt vạt, không đổi vai mà thành áo tân thời. Chữ tân thời đã mang một nghĩa mới, cũng như chữ cải lương trong hát cải lương. áo nhung, áo gấm, áo mình khô hoa ướt, áo lơ-muya, áo cổ thấp rồi cổ cao, tay thụng hay tay bó, tay dài hay tay lửng... đã nhiều thay đổi, nhiều "mốt" tùy thích. Riêng chỉ hai cái tà như hai cánh ****, như hai dải liễu bay, như hai lá thư tình, như hai nỗi ám ảnh tâm hồn nam giới, như linh hồn của chiếc áo và của người mặc... là vẫn được trân trọng giữ nguyên. Nó vẫn giữ chiều dài gần sát gót để có đà tung bay, có khi nhấp nhô như sóng lượn, để có đà vẫy gọi những con mắt dõi theo. áo dài nhung đỏ đi với kiềng vàng, áo dài nhung đen có chuỗi hạt trai sáng lấp lánh, áo dài trắng có mái tóc đen huyền thả buông lửng sau lưng áo, áo tím hàng Vân có chiếc nón bài thơ ngà trắng... đó là sự tuyệt đỉnh hài hòa hay lộng lẫy khôn cùng, cũng tựa như tấm áo Đồng Lầm có thắt lưng hồ thủy hay hoa đào cũng vậy. Những ai nay còn sót lại của thế hệ nữ sinh trường Đồng Khánh Trưng Vương, chiều hồ Gươm khoan thai nhịp bước, cắp cặp trước ngực, tóc đung đưa sau lưng, còn hai tà áo dài cứ như trêu cợt, như đùa nô, như vô tình mà nghi ngờ, mà nhắn nhủ mà xa xôi... với bao màu sắc từ đậm đến nhạt, như cung bậc cây đàn từ thấp đến cao, gần xa buông bắt. Tà áo dài gần chấm gót những ngày ấy đủ sức chuyện trò cùng gió. Mềm mại, uyển chuyển, run rẩy, lung linh... hình như đã lan truyền sang cả sóng hồ nên hồ cứ lăn tăn, lan truyền cả vào tầng lá nên cây lá cứ rì rầm, lay động.
    Có phải lúc này là lúc hồn Hà Nội đã mơ màng như bát rượu nếp sáng mùng năm tháng năm đối với cô thiếu nữ chưa quen men rượu, là lúc cung đàn đã tấu lên với trái tim nhạc sĩ, "toan" đã căng trên giá vẽ trước nhà tạo hình, nàng thơ đã ốp một cách bí hiểm vào nhà thơ, và mùa màng chín rộ làm rạo rực người gieo cấy... Ai gỗ đá để có thể dửng dưng được trước nét thanh tân đầy ma lực của tà áo dài cứ lả lướt như sóng cạn mà bắt mất hồn người ấy, bởi nó vừa ngập ngừng lại vừa thách thức. Mươi năm trở lại đây, tà áo dài Hà Nội bị ngắn đi, chỉ còn trên đầu gối. Nó không còn đủ sức bay, có lúc chết cứng trên nửa thân người, như con **** bị chặt cụt bộ cánh rực rỡ. Thật tiếc.
    Tà áo dài với chiều dài cần thiết, là sự truyền cảm của đường kim khâu tay, của nét eo thắt đáy, của sự mở rộng của hai tà xòe ra bốn phía. Rút ngắn phần bay lượn xòe rộng ấy khác nào cắt đi cái tưởng tượng và ảo tưởng của nhà thơ. Phụ nữ mặc áo dài chỉ đẹp thêm. Nam giới cũng được thơm lây. Cuộc đời rực rỡ là điều hẳn ai cũng mong muốn, có phải không hỡi bài thơ áo dài?
  4. lullaby

    lullaby Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/11/2004
    Bài viết:
    59
    Đã được thích:
    0
    Tiếp đi tiếp đi
    Sao im thế????Chờ mãi
  5. golia13

    golia13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/02/2005
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0
    HOÀI NIỆM CỦA MỘT THỜI CHƯA XA
    Bây giờ thì đã có khá nhiều địa danh đã thuộc về các quận nội thành (chủ yếu là quận Hai Bà Trưng), nhưng trước đây, toàn bộ vùng đất nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, ở phần cuối thấp dần theo chiều tây bắc - đông nam của Hà Nội đều thuộc địa giới huyện Thanh Trì. Sông Hồng ở phía đông, sông Nhuệ ở phía tây, sông Kim Ngưu ở phía bắc, ở giữa có sông Tô, sông Sét, sông Lừ - vùng đất gọi là Thanh Trì thuở ấy tạo thành một "tứ giác nước" của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Có lẽ vì vùng đất ấy có ưu thế về nước - vốn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp - nên ở Thanh Trì, những giống cây trồng, vật nuôi được chọn lọc qua nhiều đời, hợp với thuỷ thổ nơi đây tạo nên phong vị riêng, là nguyên liệu để tạo nên những nét đặc sắc trong truyền thống văn hoá ẩm thực:
    Lủ Trung gạo trắng nước trong
    Ai về Kẻ Lủ thong dong con người
    Muốn ăn chiêm quýt, mùa ri (2 loại gạo ngon)
    Ðem con mà gả nhân nghì Huỳnh Cung(thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp)
    Rau muống Ðồng Lầm, cá rô Ðầm Sét
    Thanh Trì có bánh cuốn ngon, có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng
    Ớt cay là ớt Định Công
    Nhãn ngon là loại nhãn ***g làng Quang (Thanh Liệt)
    Người "sành" ẩm thực chắc khó có thể quên được những món đặc sản nổi tiếng gắn liền với những địa danh của vùng đất này: làng Thanh Trì làm bánh cuốn; làng Mai Ðộng làm đậu phụ; làng yên Ngưu nấu rượu; làng Tứ Kỳ làm bún; làng Lủ (Kim Lũ) làm kẹo; làng Tương Mai nấu xôi lúa; làng Pháp Vân nấu bún ốc; làng Tó (Tả Thanh Oai) làm miến, bánh đa; làng Quỳnh Lôi có mướp hương; làng Hoàng Mai có cà pháo; làng Bằng, làng Quang (Thanh Liệt) có vải, nhãn, dưa; làng Ðịnh Công có ớt; cửa ô Ðông Lầm (Kim Liên ngày nay) có rau muống; Ðầm Sét (Thịnh Liệt), Yên Sở (Yên Duyên-Mui và Sở Thượng-Lờ) có cá rô, cá chép...
    Các món ăn nổi tiếng của Thanh Trì đều được sản xuất và chế biến theo cái gu ẩm thực của người Hà Nội - vốn nổi tiếng là "sành" ăn. Sự tinh tế và công phu trong bản sắc văn hoá ẩm thực được thể hiện từ các món ăn dân dã nhất như quả cà, con cá rô hay món quà bánh ở chợ làng, chợ huyện cho đến "rượu hũ làng Ngâu" nổi tiếng được làm nên từ loại "lúa đồng Ngâu" (làng Yên Ngưu thơm ngon). Ðể có được sự "tín nhiệm" đó, điều quan trọng là dần cả một bề dày kinh nghiệm và cả sự am tường khẩu vị, tâm lý khách hàng. Ví như nhiều nơi biết làm bánh cuốn nhưng không đâu ngon bằng Thanh Trì. Gạo ngon, xay nhỏ mịn, lá bánh cuốn mỏng tang và dẻo dai không rách như một lớp lúa mịn màng. Mỗi lá chỉ cần thoa thêm chút mỡ, rắc chút hành khô phi thơm và nổi vị, với bát nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm cùng vị cà cuống đặc trưng đã làm nên phong vị đặc sắc của bánh cuốn Thanh Trì. Một món giản dị khác mà người Kinh Kỳ - Kẻ Chợ khá ưa chộng là bánh đúc Ðơ Bùi (làng Yên Xá). Gạo tẻ ngon xay thật mịn, thêm chút lạc rang giã dập ba dập tư, quấy đều tay trên ngọn lửa vừa đủ, sau đó đúc lên mặt lá chuối. Người ăn có thể chấm với một chút mắm tôm cũng đủ "Bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quệt ngược cả nhà anh xiêu".
    Tuy nhiên, một bí quyết tạo nên sự thành công của các món ăn Thanh Trì là sự pha chế, gia giảm đạt đến trình độ nghệ thuật. Nhiều khi chỉ một yếu tố rất nhỏ cũng lại quyết định sự ngon của món ăn: nước mắm Vạn Vân chấm với cá rô Ðầm Sét; bánh đúc Ðơ Bùi phải chấm với tương Cự Ðà hay tương Bần, nếu đã ăn với đậu phụ thì nhất thiết phải là đậu Mơ rán nóng phồng rộp mới nổi vị; nước chấm cho bánh cuốn Thanh Trì không thể thiếu hương vị cà cuống thơm cay...
    Thế gian canh cải, vật đổi sao dời, giờ Hoàng Mai không còn trồng cà pháo, làng Lủ thôi làm kẹo bỏng, chè lam, rượu Kẻ Mơ, cá rô Ðầm Sét cũng mai một dần... Nhưng xứ "ẩm thực" Thanh Trì một thời vang bóng vẫn còn in đậm dấu ấn trong lòng thực khách chốn kinh kỳ như một hoài niệm của thời chưa xa
    Nguyễn Du Tử (Gia đình - Xã hội)
  6. golia13

    golia13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/02/2005
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0

    HOA SỮA
    Hoa sữa không biết được du nhập vào Hà Nội từ bao giờ, cây cao, dáng đẹp, thân mốc thếch, cao tới gần 20m, cành đan xen khúc khuỷu. Khác với nhiều loại cây, lá cây hoa sữa phát triển từng đốt, mỗi đốt thường xoè ra từ 6-7 lá, giống như lá cây ngũ gia bì nhưng to hơn. Từ những đốt cành nảy ra những nhánh nhỏ vươn về mọi phía, làm cho tán cây luôn xanh mướt, bấm vào cành non thấy chảy ra chất nhựa có màu trắng như sữa, phải chăng vì thế mà dân gian gọi là cây sữa. Cùng với hoa dạ lan, nhài, trà mi, nguyệt quế... hương hoa sữa chỉ thơm về đêm.
    Cây hoa sữa không có mùa trút lá, chỉ lác đác rụng lá vàng, nên suốt năm cây luôn xanh tốt. Hoa sữa nở vào độ cuối thu đầu đông, những cụm hoa nhỏ xíu chen chúc từng đám mầu trắng phớt. Ðộ hoa nở, những ngày lặng gió, không gian xung quanh như được ướp bằng mùi hương hắc thơm ngào ngạt, một mùi hương như mơ như thực, bởi hoa nở trên cao không nhìn thấy, còn cái mùi hương nồng nàn quyến rũ ấy cứ lan xa, dưới gốc cây rơi rắc những chấm hoa nho nhỏ, như tấm voan mỏng mịn màng còn phảng phất mùi hương.
    Nhưng không hiểu sao, hễ nói về hoa sữa, người ta vẫn nhớ về con đường Nguyễn Du, nơi ấy có không gian tĩnh lặng, có hồ nước lung linh khiêm nhường mà thơ mộng. Những đêm đầu đông, trong sương giăng lành lạnh, ngồi bên bồ Thiền Quang dù ở bờ bên kia, vẫn ngửi thấy mùi hoa sữa. Nhiều lứa đôi thường đến đây dạo bước dưới hàng cây sữa, phải chăng bởi hoa sữa thơ mộng dễ khắc vào nỗi nhớ kỷ niệm tình yêu?
    Ngược đường Thuỵ Khê theo tàu điện về chợ Bưởi ngày xưa cũng có nhiều cây hoa sữa. Mới cách đây gần 30 năm, ngồi trên toa xe điện vào những đêm đông, suốt đoạn đường vẫn ngửi thấy hương sữa, giờ đây đoạn đường này chỉ còn lại 5 cây, dọc đường hầu hết được trồng dâu da xoan. Kể ra, cây dâu da xoan cũng đẹp, rất dễ trồng, lá xanh mướt, mùa xuân, mùa hè hoa nở trắng có mùi thơm dịu nhẹ, dưới nắng vàng những chùm quả cũng lung linh đỏ rực. Nhưng cây rất thấp, không thể nào sánh được với hoa sữa. Vì sao cây hoa sữa ở đoạn này lại ít đi? Tìm hiểu thì được biết một số người thiếu ý thức thấy cây sữa mọc trước nhà, hoa toả hương họ chê là hắc, nên tìm cách hạ đi.
    Mấy năm gần đây, chừng như người ta cũng bắt đầu thấy được giá trị của hình tượng hương hoa sữa với phố phường Hà Nội, nên một số phố được trồng thêm rất nhiều cây sữa.
    Hoa sữa trên đường phố Hà Nội từ lâu đã đi vào kỷ niệm của người Thủ đô và những khách xa về thăm Hà Nội. Hoa sữa cũng đi vào nhạc, vào thơ, đã làm xốn xang bao tâm hồn trẻ, ai không khỏi bâng khuâng khi nghe câu hát "Em ơi Hà Nội phó, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa"... Hương hoa sữa ở đây như gắn với tình yêu và phố phường Hà Nội. Rồi "hoa sữa thôi rơi, em bên tôi những chiều tan lớp" như nỗi niềm luyến tiếc mùa hoa sữa đã qua gợi bao kỷ niệm. Và nhiều lắm, có biết bao bài văn, bài thơ viết về hoa sữa, cây hoa sữa đã tôn thêm biết bao thơ mộng cho Hà Nội những mùa đông.
    Tôi yêu Hà Nội, tôi yêu những đêm đầu đông không gian lành lạnh sực nức mùi hoa sữa, tôi ước mong có nhiều đường phố Hà Nội được trồng thêm nhiều cây sữa, một loại hoa không đẹp nhưng ngát hương, và chẳng thể nào quên với những người đi xa. Hoa sữa quả là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, Thủ đô yêu dấu của chúng ta
    Nguyễn Văn Lục (Hà Nội Mới)
  7. golia13

    golia13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/02/2005
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0
    NÉT ÐẸP VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI HÀ NỘI THANH LỊCH
    Hà Nội, thủ đô một đất nước có bốn ngàn năm văn hiến. Nơi hội tụ những tài năng, những trí tuệ tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, đã được nhân dân cả nước ca ngợi: "Ngàn năm văn vật đất Thăng Long" hoặc "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"...
    Những câu mến yêu đó nhằm nói về những nét đẹp văn hoá trong cử chỉ, lời ăn tiếng nói và hành động của người Thăng Long, người kinh kỳ, kẻ chợ, người Hà Nội, người thủ đô.
    Xin được lược kê đôi nét về cử chỉ:
    Hào hoa mà không kênh kiệu, khoe vẻ giàu sang.
    Phong nhã mà không lề mề, chậm chạp, lù dù.
    Linh hoạt mà không xấc xược, láu lỉnh, kệch cỡm.
    Vui tươi duyên dáng mà không suồng sã, lẳng lơ.
    Vừa thông minh, lịch thiệp mà không ba hoa, hời hợt.
    Vừa chững chạc, khiêm nhường, vừa ân cần, tế nhị... khiến cho ai đó mỗi khi gặp gỡ, giao thiệp đều cảm thấy hài lòng, quý trọng và cảm kích những giây phút hội ngộ đầy thoải mái. Khi ra về vẫn luyến tiếc và mong sao có dịp tái ngộ, hàn huyên.
    Khi gặp người quen thì tươi cười chào hỏi, dù người đó ít tuổi hơn, vai vế trong họ hàng và xã hội có kém hơn... Lại càng chủ động hỏi han ân cần để kẻ dưới khỏi tủi thân hoặc chê trách.
    Trái lại, đối với người có chức, quyền cao hoặc giàu sang thì người Hà Nội thanh lịch có ý lảng tránh... để khỏi mắc tiếng "Thấy người sang bắt quàng làm họ". Bởi họ biết rõ đó là của phù vân, là quyền chức "nhất thời".
    Nhưng, đối với các vị đáng bậc cha chú, người Hà Nội thanh lịch phải ngả mũ chào, tỏ lòng tôn kính với mong muốn được phụ giúp việc gì đó có ích để các bậc trên được hài lòng về con cháu.
    Trong mối quan hệ bạn bè nam nữ, thanh niên Hà Nội làm quen với phái nữ bằng những cử chỉ và lời nói lịch sự tế nhị biểu lộ một chiều sâu tâm hồn trong sáng, một trí tuệ thông minh... Chinh phục ai đó bằng hành động cao thượng, bằng sự cảm mến, quý trọng, tận hưởng.
    Còn các thanh nữ thủ đô thuỳ mị, duyên dáng kín đáo. Yêu ai, ghét ai cũng để trong lòng. Nhưng cô ấy khinh bỉ ra mặt những kẻ ăn nói thô lỗ, bỉ ổi, sỗ sàng, ăn nói huênh hoang "trưởng giả học làm sang".
    Phụ nữ Hà Nội thanh lịch được tiếp xúc rộng rãi biết phân biệt người có tài, có đức với kẻ ba hoa con ông cháu cha, áo quần bảnh bao, ăn tiêu xa hoa khoe của. Các nàng chỉ cười bằng ánh mắt. Lấy nón che nghiêng hoặc khăn che miệng khi tủm tỉm cười. Họ rất sợ đi với bạn quen lối cười hô hố, cười toe toét rũ rượi, ảnh hưởng lây tới tư cách mình.
    Lời nói và giọng nói thanh thiếu nữ Hà Nội đến là dễ nghe, bởi chất dịu dàng, duyên dáng, kèm theo chữ ạ rất nhỏ cuối mỗi câu, nghe sao mà xao xuyên. Ví dụ:
    - "Thưa ông, mẹ cháu xin gửi lại ông tờ báo ạ!".
    - "Thưa thầy, thầy giảng giúp cho em bài này ạ!"
    - "Chị ơi! Ðây có phải nhà bác A không ạ?"
    Nghe vậy ai nỡ nào trả lời cộc lốc, hững hờ được.
    Những bữa cỗ đông người dự, người Hà Nội thanh lịch bao giờ cũng gắp những miếng ngon nhất mời các vị cao tuổi với lời lẽ trân trọng: "Xin mời cụ nếm thử ạ!". Sau cùng, mới nhận miếng nhỏ nhất cho mình.
    Ðến dự lễ cưới với thái độ vui tươi, nhưng không lợi dụng sự mừng vui ấy mà rượu chè say khướt và nói năng bừa bãi, khôi hài bằng những câu dung tục, rẻ tiền.
    Còn đi dự lễ tang, dù thân hay sơ, người Hà Nội có văn hoá không phì phèo thuốc lá, trò chuyện oang oang, cười nói nhởn nhơ, mà phải có cử chỉ, nét mặt u buồn tỏ ý chia sẻ nỗi đau thương. Khi đi đường gặp đám tang, người Hà Nội đều ngả mũ chào linh hồn người quá cố.
    Ðến bệnh viên thăm bệnh nhân, thăm hỏi ân cần, nhẹ nhàng... Khỏi phiền người khác đang đau mệt cần yên tĩnh.
    Những nét đẹp "văn hoá" không chỉ dành riêng cho thanh niên hoặc người nhiều tuổi. Nó thấm sâu, lan rộng tới các em thiếu niên, nhi đồng.
    Tôi xin kể mẩu chuyện này:
    Năm 1975 một buổi tối tôi đi tàu điện từ chợ Hôm lên Bờ Hồ lo không kịp chuyến tàu cuối vào Ngã Tư Sở. Cho nên tàu mới đến Bờ Hồ từ trên toa tôi đã hỏi rất to một cách bâng quơ: "Tàu nào vào Ngã Tư Sở đó các bác ơi?".
    Có nhiều tiếng đáp của các em nhỏ: "Ðây, đây, lại đây ông ơi!". Mừng quá, tôi đi về phía các em. Tôi được nghe những lời nói chân tình: "Chúng cháu cũng về chuyến này, ông ạ!". Rồi các em chìa tay dìu tôi lên và hỏi ríu rít: "Ông về đâu ạ?". "Ông xuống đoạn nào ạ?". Những tiếng ạ luôn vang lên tai tôi đã nói lên đầy đủ nếp sống văn hoá. Khi lấy lại tiền vé thừa cho tôi, các em ân cần đưa tận tay, nói rành rõ: "Ðây là tờ 5 hào, đây là tờ 2 hào, ông ạ!". Ngồi trên toa, tôi lắng nghe các em nói chuyện, đôi khi tranh cãi sôi nổi với những lý lẽ sắc bén về bố cục, về đường vét về màu sắc một bức tranh nào đó của danh hoạ Picasso, Levitan, Tô Ngọc Vân... khiến tôi tin là các em vừa được học ở một lớp học vẽ nào đó.
    Gần đến gò Ðống Ða, trước khi xuống, các em chào từ biệt tôi kèm theo lời dặn dò: "Chúng cháu xuống đây. Ông chuẩn bị đến chỗ đỗ sắp tới là Ngã Tư Sở đó ạ!". Dứt khoát đó không phải là sự bột phát, ngẫu nhiên mà có nguồn gốc từ xa xưa. Bất giác, tôi liên tưởng tới trí tuệ thông minh của người Âu Việt, Lạc Việt mà tiêu biểu nền văn minh đó là kỹ thuật đúc trống đồng. Dù phải trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, rồi gần trăm năm hết Pháp, Nhật, đến Mỹ xâm chiếm, nhưng ngoài trí tuệ thông minh và lòng dũng cảm, nhân dân ta còn biết chắt lọc, lược bỏ đi những gì là cổ hủ, lạc hậu. Và tiếp thu những tinh hoa của các nền văn minh lớn của nhân loại: "Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Nhật, Mỹ... để tạo nên một sắc thái độc đáo vừa tài hoa, vừa thanh lịch Việt Nam mà kết tinh là ở thủ đô Hà Nội".
    Người Hà Nội thanh lịch biết tuỳ nghi sử dụng các kiểu quần khăn mũ, hài hoà màu sắc, phù hợp với hoàn cảnh công việc hoặc nghi lễ... khác hẳn lối tuỳ tiện Âu Mỹ, dự quốc lễ vẫn ăn mặc hở hang như dạo mát trên bãi biển. Hoặc ăn uống xô bồ không cần để ý tới ai, cứ nhồm nhoàm nhai, mút tay mỡ chùn chụt... dù đó là giữa hội nghị văn học quốc tế (xem "Một thời lầm lỗi" của Lê Lựu sang thăm Mỹ 1989). Người Hà Nội rất hay "xin lỗi" dù họ chẳng có lỗi. Có một hôm tôi đang ngồi nói chuyện với ông anh họ, bác gái ở trong nhà đi ra, khẽ né mình rồi nói nhẹ.
    Người Hà Nội cũng hay nói "cảm ơn". Mua sách báo xong cũng "cảm ơn". Cắt tóc, bơm xe xong, dù trả tiền rồi, vẫn "cảm ơn". Sự cảm ơn lẫn nhau tạo nên một không khí ấm áp tình người, làm cho ta tạm quên giây phút những vất vả cuộc đời.
    Những dẫn chứng trên, dẫu sao vẫn chỉ là sơ lược những nét duyên dáng thanh lịch của người Hà Nội
    Mai Khánh (Người Hà Nội)
  8. golia13

    golia13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/02/2005
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0

    VĂN HIẾN THĂNG LONG
    Từ lâu, đã có một thành ngữ quen thuộc với mọi người khi nói về đặc tính của Thăng Long - Hà Nội: Ngàn năm văn hiến. Vậy văn hiến là gì? Nếu như hai khái niệm văn hoá và văn minh hiện được dùng phổ biến có nguồn gốc từ phương Tây thì khái niệm văn hiến là hoàn toàn gốc từ phương Ðông. Phương Tây không có khái niệm này. Chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc, khái niệm văn hiến mới được dùng phổ biến.
    Ở Việt Nam, từ văn hiến xuất hiện trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1428) rồi sau đó được tiếp tục sử dụng trong ngôn ngữ Việt Nam.
    Như nước Ðại Việt ta từ trước
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
    Nền văn hiến mà Nguyễn Trãi nói đó mang một nội dung khá rộng. Nó thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam không chỉ ở "núi sông bờ cõi đã chia" mà còn ở "phong tục Bắc, Nam cũng khác". Bản sắc ấy không chỉ ở truyền thống văn hoá Việt Nam qua các thời kỳ mạnh yếu khác nhau mà còn ở sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ anh hùng hào kiệt trong lịch sử Việt Nam.
    Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
    Nhưng hào kiệt đời nào cũng có
    Ở Nguyễn Trãi, con người hào kiệt và văn hoá là những nhân tố cấu thành của nền văn hiến Việt Nam. Nói tới văn hiến Việt Nam, Nguyễn Trãi đã khái quát những truyền thống tốt đẹp đã tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam. Văn hiến Thăng Long chính là sự thu nhỏ lại của văn hiến dân tộc và là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến ấy.
    Kỷ niệm 990 năm và chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cũng là kỷ niệm những thành tựu của cả nước được hội nhập ở Thăng Long và lại từ Thăng Long toả sáng trên mọi miền của đất nước.
    Văn hiến Thăng Long không phải là của riêng vùng đất Thăng Long mà là tự hào chung của cả dân tộc Việt Nam.
    Cũng ở thế kỷ 15, bia tiến sĩ Văn Miếu năm Quang Thuận thứ 4 (1463) do Tiến sĩ Ðào Cử soạn, có ghi: "Học trò may được khắc trên bia đá này, phải theo danh nghĩa sửa đức hạnh, bắt chước tính giữ gìn văn hiến".
    Thế kỷ 19 trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: "Khi nhà Lê dựng nước, văn hoá lại thịnh dần, hơn 300 nắm tác đầy đủ kỹ càng, văn hiến đứng đầu trung châu điển chương rạng cả triều đại" (Văn tịch chí, bản dịch, quyển 4, trang 41).
    Vậy nội dung văn hiến là gì?
    Chu Hy (đời Tống, Trung Quốc) giải thích: "Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã". Có thể hiểu văn tức là văn hoá chỉ khuôn phép, trước tác, sách vở, hiến chỉ người hiền tài của đất nước.
    Như vậy, có thể khẳng định rằng khái niệm văn hiến bao hàm không chỉ nội dung của khái niệm văn hoá, văn minh mà còn nhấn mạnh một yếu tố quan trọng nữa, đó là những hiền tài của đất nước. Nền văn hiến của một dân tộc bao gồm cả trình độ văn hoá và số lượng hiền tài của dân tộc ấy.
    Cách viết như trên chính là cách hiểu ở Việt Nam, kể từ Nguyễn Trãi.
    Tóm lại, văn hiến là trạng thái phát triển nhất định của mỗi dân tộc. Nó nói lên xu hướng luôn luôn khắc phục tình trạng nguyên sơ lạc hậu và thấp kém để vươn tới cuộc sống ngày một phát triển hơn, tiến bộ hơn, cao đẹp hơn, với sự phong phú của đời sống vật chất và tinh thần, với sự xuất hiện ngày một nhiều những hiền tài của đất nước. Nó đánh dấu trình độ của một dân tộc đã đạt được trong quá trình sử dụng thiên nhiên, hoàn thiện đời sống xã hội và không ngừng đào tạo ra những con người ưu tú cả về trí tuệ phẩm chất và tài năng.
    Với quan niệm trên đây, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được văn hiến Thăng Long từ nguồn gốc ra đời đến những biểu hiện phong phú của nó trên các lĩnh vực của đời sống và qua các thời kỳ lịch sử.
    - Sự ra đời của văn hiến Thăng Long có thể bắt đầu từ Chi?u d?i do <danhnhan/danhnhan.html>, từ ngày kinh đô Thăng Long ra đời (1010). Tuy nhiên, văn hiến Thăng Long không phải đã được hình thành từ con số không. Hàng ngàn năm lịch sử trước đây đã chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của nó. Văn hiến Thăng là sự tiếp nối và nâng cao của những phẩm chất bất diệt của con người Việt Nam đã được rèn đúc suốt bao nhiêu thế kỷ chiến đấu để tồn tại và phát triển. Không thể hiểu được văn hiến Thăng Long nếu như bỏ qua những giá trị vật chất và tinh thần mà tổ tiên đã tạo dựng từ trước Thăng Long và để lại cho Thăng Long.
    Sự dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long không phải là sự thay đổi địa điểm một cách bình thường như bao nhiêu cuộc thay đổi Thủ đô đã từng diễn ra trong lịch sử Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới. Sự dời đô của Việt Nam năm 1010 mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước cho đến ngày năm đó.
    Sự dời đô của Việt Nam và sự ra đời của Thăng Long thể hiện đỉnh cao của tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam, thể hiện đầu óc tự cường của dân tộc, thể hiện khí phách anh hùng của cả lãnh tụ và toàn thể nhân dân Việt Nam.
    Việc dời đô này là sự tuyên bố vang dội bốn phương về chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước Việt Nam, về sức mạnh bất khả chiến thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường độc lập và phát triển.
    Thăng Long lại là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Cho nên văn hiến Thăng Long không phải là sản phẩm riêng của những con người sinh sống trên mảnh đất gọi là Thăng Long này. Nó là sự hội tụ, sự chắt lọc và nâng cao những tinh hoa trí tuệ và tâm hồn của cả nước và từ đây lại lan toả mọi miền, trở thành di sản tinh thần và niềm tự hào chung của cả đất nước.
    Văn hiến Thăng Long phản ánh tinh hoa đời sống tinh thần của dân tộc. Ðặc điểm của nền văn hiến ấy thể hiện từ cung cách tư duy đến sinh hoạt hàng ngày, từ sự bảo vệ một cách ngoan cường bản sắc dân tộc đến sự tiếp thu nhạy bén và sáng tạo những tinh hoa của nhân loại, từ sự phát minh khoa học đến sự sáng tạo văn học nghệ thuật. Chính vì thế mà văn hiến Thăng Long là đỉnh cao của văn hiến dân tộc.
    Văn hiến Thăng Long cũng thể hiện ở trình độ thẩm mỹ sâu sắc và tế nhị trong hoạt động nghệ thuật cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Nó khiến cho Thủ đô luôn luôn đi đầu, luôn luôn là mẫu mực về một cuộc sống thanh lịch trong ăn, mặc, ở, trong mọi ứng xử hàng ngày.
    Người Hà Nội ngày nay đã và đang phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến đó để xây dựng thành phố của mình đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát huy truyền thống kết hợp với hội nhập thế giới văn minh, cùng cả nước vững vàng và hào hùng tiến vào thiên niên kỷ thứ ba.
  9. golia13

    golia13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/02/2005
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0
    HÀ NỘI - PHỐ(trích)
    Phan Vũ
    Gửi những người Hà Nội đi xa ...
    Chương một
    1.
    Em ơi ! Hà Nội - phố !
    Ta còn em mùi hoàng lan
    Còn em hoa sữa.
    Tiếng giày gọi đường khuya
    Thang gác cọt kẹt thời gian
    Thân gỗ ...
    Ta còn em màu xanh thật đêm
    Ngôi sao lẻ
    Xào xạc chùm cây gió
    Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
    Lá thư quên địa chỉ.
    Quay về ...
    2.
    Ta còn em một gốc cây
    Một cột đèn
    Ai đó chờ ai ?
    Tóc cắt ngang
    Xõa xõa bờ vai ...
    Ta còn em ngã ba nào ?
    Chiếc khăn quàng tím đỏ,
    Khuôn mặt chưa quen
    Bỗng xôn xao nỗi khổ !
    Góc phố ấy mở đầu
    Trang tình sử ! ...
    3.
    Ta còn em con đường vắng
    Rì rào cơn lốc nhỏ
    Gót chân ai qua mùa lá đổ ?
    Nhà thờ Cửa Bắc,
    Chiều tan lễ,
    Chuông nguyện còn mãi ngân nga ...
    Chương hai
    6.
    Ta còn em khúc tự tình ca
    Đôi chim khuyên gọi nhau
    Trong bụi cỏ
    Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá,
    Tiếng ve ra rả mùa hè ...
    Còn em đường cũ Cổ Ngư
    La đà,
    Cành phượng vĩ.
    Hoàng hôn xa đến tự bao giờ,
    Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
    Những bước chân tìm nhau
    Rất vội,
    Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối,
    Cuộc tình hờ
    Bỗng chốc
    Nghiêm trang ...
    Chương ba
    9.
    Ta còn em đường lượn mái cong
    Ngôi chùa cũ,
    Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
    Ai đó ngồi bên gốc đại,
    Chợt quên ai kia
    Đứng đợi bên đường.
    Chương bốn
    10.
    Em ơi ! Hà Nội - phố !
    Ta còn em đám mây in bóng rồng bay
    Cổng đền Quan Thánh
    Cờ đuôi nheo ngũ sắc
    Còn em dãy bia đá
    Nhân hình hội tụ
    Rêu phong gìn giữ nét tài hoa ...
    (...)
    Ta còn em tiếng trống tan trường
    Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
    Đôi guốc cao mài mòn đại lộ,
    Một ngả nào lưu dấu gót tài hoa.
    Còn em mãi mãi dáng kiêu sa
    Lặng lẽ theo em về phố ...
    11.
    Ta còn em những ánh sao sa,
    Tia hồi quang
    Chớp chớp trên đường
    Toa xe điện cuối ngày,
    Áo bành tô cũ nát ...
    Lanh canh ! Lanh canh !
    Tiếng hàng ngày hay hồi âm
    Thuở chiềng khua ? ...
    Ta còn em ngọn đèn khuya
    Vùng sáng nhỏ
    Bà quán mải mê câu chuyện
    Nàng Kiều
    Rượu làng Vân lung linh men ngọt
    Mắt cô nàng lúng liếng, đong đưa
    Những chàng trai say suốt mùa ...
    Chương năm
    13.
    Ta còn em cánh cửa sắt
    Lâu ngày không mở.
    Nhà ai ?
    Qua đó.
    Bâng khuâng nhớ tuổi học trò
    Còn em giàn thiên lý chết khô,
    Cỏ mọc hoang trong vườn nắng,
    Còn em tiếng ghi-ta
    Bập bùng
    Tự sự
    Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
    Xập xòa
    Kỷ niệm.
    Đêm Kinh Kỳ thuở ấy,
    Xanh lơ ...
    17.
    Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
    Nhuộm đỏ
    Cô gái gặp nắng hanh.
    Chợt hồng đôi má
    Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
    Một chút xanh hơn
    Trời Hà nội hôm qua ...
    Ta còn em cô hàng hoa
    Gánh mùa thu
    Qua cổng chợ
    Những chùm hoa tím
    Ngát
    Mùa thu ...
    Chương sáu
    18.
    Em ơi ! Hà Nội - phố !
    Ta còn em một màu xanh thời gian
    Chợt nhòe,
    Chợt hiện
    Chợt lung linh ngọn nến,
    Chợt mong manh
    Một dáng
    Một hình
    20. Ta còn em một phút mê cuồng
    Người nghệ sĩ lang thang hè phố
    Bơ vơ
    Không nhớ nổi con đường.
    Ngay trước cổng nhà mẹ cha
    Còn em một bóng chiều sa
    Những câu thơ, những bức tranh
    Đời đời
    Lỡ dở ...
    Chương bảy
    21.
    Em ơi ! Hà Nội - phố !
    Ta còn em những giọt sương
    Nhòa nhòa bóng điện
    Mặt nước Hồ Gươm
    Một đêm trở lạnh.
    Cánh nhạn chao nghiêng
    Chiều cuối,
    Giã từ...
    23.
    Em ơi ! Hà Nội - phố !
    Ta còn em cánh tay trần
    Mở cửa
    Mùa Xuân trong khung :
    Giò phong lan
    Điệp vàng rực rỡ
    Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng
    Đường phố dài
    Chi chít chồi sinh
    Màu ước vọng in hình
    Xanh nõn lá ...
    Ta còn em,
    Hà Nội - phố, em ơi !
    Ta còn em,
    Em ơi ! Hà Nội, phố ...
    Tháng Chạp, 1972
    PHAN VŨ
  10. golia13

    golia13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/02/2005
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0

    GIAO THỪA HỒ GƯƠM
    Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, người Hà Nội lại bâng khuâng, náo nức trước nhịp quay của thời gian, sự chuyển vần, giao hoà của trời đất. Thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người đều hướng về chốn linh thiêng của đất Thăng Long nghìn năm, đó là hồ Hoàn Kiếm hay thường gọi là hồ Gươm. Không chỉ người Hà Nội mà người ở mọi miền của Tổ quốc đang ở bốn phương ngoài biên giới đều chung nỗi khắc khoải hướng về Hồ Gươm, về Hà Nội...
    Sự phân định của thiên nhiên, địa lý cho miền Bắc cái rét về mùa đông với những cánh đào thắm; cái nắng nồng ở phương Nam với mai vàng khoe sắc. Cũng thiên tạo mà giao thừa ở Hà Nội, giao thừa ở Hồ Gươm mang một sắc thái, phong vị rất riêng không giống bất cứ nơi đâu.
    Hồ Gươm - nơi trả kiếm (hoàn kiếm) cho thần Kim Quy (Rùa vàng) của người anh hùng dân tộc - vua Lê Lợi, sau chiến thắng giặc Minh đã trở thành một hồ huyền thoại, linh thiêng với đầy ắp sắc màu của huyền tích, lịch sử, văn hoá... Hồ Gươm ngày nay qua thăng trầm của lịch sử, biến thiên của trời đất, con người còn lại rất nhỏ so với thời vua Lê trả kiếm (chu vi hiện nay khoảng gần 2km). Cũng không biết tự bao giờ Hồ Gươm thành trung tâm, trái tim của Hà Nội, là một vùng không gian mở để vào khu phố cổ Hà Nội. Cũng bởi là trung tâm của trung tâm mà mọi ngả đường của đất nước, của Hà Nội cũng đều đổ về đây và từ đây toả đi bốn phương. Người Pháp thời trước và ngày nay chúng ta đều lấy mốc cây số 0 bắt đầu từ Hồ Gươm mà tính. Mọi ngả phố của Hà Nội cũng được đánh số nhà bắt đầu từ Hồ Gươm mà lớn dần, vươn xa... Ngày nay, bao quanh Hồ Gươm có gần 20 đường phố đổ về và từ đây toả đi, với những phố: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bài, Bà Triệu, Lê Thạch, Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Hàng Dầu, Lò Sũ, Ðinh Tiên Hoàng, Ðinh Lễ, Hàng Ðào, Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Khay, Bảo Khánh, Hàng Trống, Lê Thái Tổ...
    Cũng bởi vậy, đêm giao thừa ở Hồ Gươm mang một ý nghĩa rất thiêng liêng, nhuốm màu tâm linh, lễ hội với mọi người dân Hà Nội. Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa đồng nghĩa với đến Hồ Gươm.
    Những ngày trước Tết, Hồ Gươm đã được trang hoàng lộng lẫy. Các hàng cây ven hồ được khoác tấm áo muôn sắc bởi các sắc đèn toả sáng. Khi tấm voan sương mùa đông bắt đầu buông bóng, cả không gian Hồ Gươm hiện lên rực rỡ, lung linh, huyền ảo đến ngỡ ngàng. Tháp Rùa lộng lẫy mà tao nhã bồng bềnh như trong mơ, xa xa hướng Bắc rực rỡ mà trang nghiêm hiện lên một quầng ánh sáng là đảo Ngọc Sơn với đình Trấn Ba và đền Ngọc Sơn. Vắt như dải lụa cong, như vành trăng khuyết, như chiếc lược mềm chải vào mái tóc - nước hồ là dáng đỏ đến thổn thức, lay động của cầu Thê Húc... cả một không gian huyền ảo như mơ mà có thực mà náo nức vẫy gọi người Hà Nội đến với giao thừa Hồ Gươm.
    Cái giá rét của mùa đông không làm vợi đi lòng người đến với Hồ Gươm vào thời khắc trời đất giao hoà, trái lại như một chút men say khiến lòng người thêm rộn rã, lâng lâng... Sau bữa cơm Tất Niên chiều tối 30 của đại gia đình với nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu... Sau mọi lo toan của công việc làm ăn trong năm với những tất bật mua sắm những ngày giáp Tết, người Hà Nội thảnh thơi, ung dung đi đón giao thừa, chơi giao thừa. Cái rét xứ Bắc mang theo cả mùa xuân ẩm ướt vào dịp chớm xuân khiến thời khắc của đêm giao thừa Hồ Gươm mỗi năm mỗi khác: năm thì khô ráo, se se lạnh; năm vừa mưa phùn vừa rét đậm đến cắt da cắt thịt... Nhưng cho dù thời tiết thế nào, người Hà Nội đã trở thành một phong tục văn hoá đều đổ về Hồ Gươm đón giao thừa. Khoảng 8-9 giờ tối, người Hà Nội với những trang phục đẹp, lịch sự, sang trọng nhất từ mọi nơi, mọi nẻo phố như những dòng sông người chảy về Hồ Gươm. Ðông nhất trong dòng người vẫn là lớp trai gái trẻ tuổi, nhiều gia đình cả vợ chồng con cái trên chiếc xe máy trôi về Hồ Gươm. Trên các vỉa hè không thiếu các cụ ông, cụ bà ăn vận sang trọng lững thững đi bách bộ đến với Hồ Gươm đêm giao thừa để "ôn cố tri tân", để được sống trong không khí lễ hội mà thiêng liêng mỗi năm chỉ có một lần... Khoảng 10 giờ (22 giờ), xung quanh Hồ Gươm, người đã đông như nêm đủ mọi lứa tuổi, thành phần, không phân biệt sang hèn... gương mặt ai cũng rạng rỡ, hồ hởi và phơi phới nét xuân. Người Hà Nội ung dung thả bộ ngắm nhìn, hít thở thật sâu, cảm nhận thật đầy đủ cái không khí, cái hơi thở của đất trời, của lòng người ở chốn linh thiêng tích tụ hồn khí núi sông... Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa mỗi năm lịch sự hơn, tao nhã hơn; không mấy còn những cảnh thiếu văn hoá, quậy phá của lớp người mới bước vào đời...
    Năm nào Hà Nội cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội xung quanh Hồ Gươm trong đêm giao thừa và những ngày Tết. Mấy năm nay, mỗi độ giao thừa, Hồ Gươm là biểu tượng, là đầu cầu truyền hình về thủ đô đón giao thừa. Năm nay, cùng nhân loại chào đón thế kỷ mới, giao thừa Hồ Gươm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khởi đầu thời khắc của thế kỷ 21, từ Hồ Gươm tiếng trống của dàn trống Thăng Long, tiếng đàn của dàn nhạc giao hưởng và những lời ca điệu múa, những lời chúc đất nước vào xuân sang thiên niên kỷ mới của *************... cùng lòng người Hà Nội cất lên trong bản hoà tấu thiêng liêng mùa xuân...
    Kim đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện thành phố đang nhích dần, năm mới đang đến. Nhiều đôi trai gái hối hả giục nhau mà trong lòng đầy nuối tiếc phải về nhà trước giao thừa (theo tập tục cũ). Không giờ đã điểm. Cả không gian Hồ Gươm tĩnh lặng đi giây lát rồi bừng lên sống động hơn, nhộn nhịp hơn, náo nức hơn... Ai cũng muốn hít thật sâu và thả tâm hồn vào cái không khí hữu tình và vô hình đầy huyền hoặc cuả giao thừa Hồ Gươm. Mưa, nếu có, mặc mưa; rét mặc rét! Sức ấm từ con người, từ chiều sâu lịch sử - văn hoá - văn hiến, từ không khí hoà nhập cộng đồng được toả lan và trào lên sức xuân một năm mới...
    Hồ Gươm đêm giao thừa, nếu chưa một lần được tận hưởng e rằng trong cõi tâm linh, tâm hồn vẫn còn trống, thiếu.
    _ Ko nhớ tác giả_

Chia sẻ trang này