1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Một số điều về thầy Koichi Tohei và các sensei của Aikidoka

Chủ đề trong 'Võ thuật' bởi Tristian_the_fall, 09/04/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tristian_the_fall

    Tristian_the_fall Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/04/2004
    Bài viết:
    903
    Đã được thích:
    0
    Đây là cuốn "Hiệp khí đạo trong đời sống hàng ngày" của thầy Tohei. Nếu đại ca muốn có thể bảo cái đồng chí mà anh nói "đầu óc lộn xộn" không chịu nổi "quá 2 câu" cho mượn. Đồng chí đó đang cầm 2 cuốn sách của thầy Koichi Tohei.
  2. KIMQUIUFC

    KIMQUIUFC Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/08/2005
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    CHƯƠNG SÁU
    --------------------------------------------------------------------------------
    NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN VỀ KHÍ
    Tuy từ ngày xưa ở Á-đông, tiếng khí đã được nhiều người dùng để nói tới nhiều thứ, từ cái khí hạo nhiên cho tới mọi sự vật hằng ngày chung quanh ta, nhưng nhiều người dùng tiếng đó không hiểu cái khí hằng ngày có liên hệ thế nào với cái khí hạo nhiên, và đôi khi cũng chẳng hiểu ngay cả hai cái đó có liên hệ với nhau nữa.
    Hiệp Khí Ðạo, hiểu theo nghĩa từng chữ, là con đường (đạo) đưa tới sự hợp nhất (hiệp) với khí, đặc biệt với cáikhí của vũ trụ, hay khí hạo nhiên. Ðó là con đường đưa tới sự hòa đồng với vũ trụ. Tất cả mục đích của những kỹ thuật ta tập luyện hàng ngày là tinh luyện cái khí của ta. Vì thế, chúng tôi thường nói là ta « phóng khí ra », « dẫn khí », « đổ khí vào » hoặc « chế phục đối thủ ta bằng khí », v.v. Ngoài khí ra, thì Hiệp Khí Ðạo không thể có được. Tuy nhiên có nhiều người lại không thể giải thích nổi cái tương quan giữa khí hạo nhiên và cáikhí mà ta xử dụng trong đời sống hằng ngày, hay, hơn nữa không thể cắt nghĩa được thế nào là khí. Bởi lẽ khi ta biểu diễn Hiệp Khí Ðạo mà ta không biết gì về những thứ đó thì ta sẽ không thực sự tin tưởng, cho nên tôi xin mạn phép cắt nghĩa cái bản chất căn bản của khí đối với đời sống hằng ngày của chúng ta, cũng như đối với những kỹ thuật trong Hiệp Khí Ðạo.
    I. BẢN CHẤT CƠ BẢN CỦA KHÍ
    Nhờ năm giác quan của ta mà ta biết được rằng vũ trụ mà hiện ta đang sống ở trong có màu sắc và hình thể. Nhưng đâu là cái bản chất thực sự của vũ trụ đó ?
    Bất cứ cái gì có hình thể là phải có một sự bắt đầu. Thí dụ nói là hiện nay mặt trời đang cháy sáng, nhưng lửa lại phải có một sự bắt đầu. Cũng phải có một cái « trước », trước khi bắt đầu có lửa.
    Nếu ta tìm tới nguyên lai của mọi vật, thì ta sẽ tới một điểm mà ở đó là hư vô. Mặt khác, hư vôlại không thể tạo được một vật gì cả. Ðạo Thiền (Zen) dùng tiếng vô (mu), nó có nghĩa là hư vô, nhưng không phải là một hư vô hoàn toàn nghĩa là cáivô trong đạo Thiền có nghĩa một trạng thái mà trong đó, mặc dù là hư vô, nhưng vẫn còn có một cái gì.
    Ở Á-đông ta dùng tiếng khí để nói về một trạng thái mà chính nó cũng là cái bản chất thực sự của vũ trụ. Theo đuổi cái điều kiện đó xa hơn nữa, ta sẽ tới một điểm ở đó mặt trời, các tinh tú,trái đất, loài người, loài vật, cây cỏ, nước, khí, trời, mọi vật là một.
    Do bởi khí, cái bản chất thực sự của vũ trụ, mà ta có động và tĩnh, hợp và tan, co và dãn, và nhiều động tác hỗ tương khác nhờ đó mà vũ trụ hiện nay có được cái hình thể của nó. Khí không có bắt đầu, cũng không có chấm dứt. Cáitrị số tuyệt đối của nó không tăng lên mà cũng chẳng giảm xuống. Chúng ta với vũ trụ là một, và đời sống chúng ta là một phần của đời sống vũ trụ. Từ trước khi bắt đầu có vũ trụ, và ngay đến bây giờ, trị số tuyệt đối của nó là một sự kiện vững chắc mà trong đó sinh, lão và tử luôn luôn tiếp tục xảy ra.
    Giáo hội Thiên Chúa gọi các bản thể của vũ trụ là Thượng Ðế, và tác động của vũ trụ là Tạo Hóa của Thượng Ðế. Nói khác đi, Thượng Ðế có mặt trong thế giới này và sự Tạo Hóa của Thượng đế là một diễn trình không bao giờ dứt.
    Trong Hiệp Khí Ðạo, ta phân biệt cái khí ta xử dụng hằng ngày và cái khí vũ trụ, cái bản tính thực sự của vũ trụ, và ta gọi sự vận chuyển của vũ trụ là nhưng qui luật của vũ trụ.
    Ta sinh ra từ khí, và một ngày kia ta sẽ quay về với khí. Nhìn qua đôi mắt của thể xác, thìđời chúng ta dường như biến mất đi nơi sự chết, nhưng từ quan điểm của tinh thần, thì không có gì biến mất đi hết. Khí trước chúng ta đã có rồi, và ta sẽ tiếp tục tồn tại mãi sau này. Nhìn một sự vật nào bằng đôi mắt của tinh thần có nghĩa là quan sát sự vật đó từ cái quan điểm của bản thể đích thực. Từ cái quan điểm của bản thể đích thực của vũ trụ, thì tất cả chúng ta, toàn thể thế giới, tất cả loài người, đều ở trong cùng một bào thai với mọi loài cỏ cây, mọi thứ, cho đến cả những đám mây và sương mù.
    Như vậy thì còn có lý do nào khiến ta phải oán thù hay tranh đấu không ? Bạn sẽ là người đầu tiên hiểu được cái tinh thần yêu thương và bảo vệ muôn loài trong Hiệp Khí Ðạo và sự cấm không được hiếu chiến trong Hiệp Khí Ðạo nếu bạn xét vấn đề từ cái quan điểm bản thể đích thực của vũ trụ.
    Cuộc đời chúng giống như một vốc nước ta đã múc lên từ biển sâu và giữ trong hái tay ta. Chúng tôi gọi đó là cái« tôi ». Vâng, cũng như là gọi nước là nước của ta bởi vì ta đã giữ nó trong hai tay ta. Mặt khác, từ cái quan điểm của nước, thì đó lại là một phần của đại dương. Mặc dù nếu ta mở tay ra thì nước sẽ lại rớt xuống biển, cho dù nếu nó còn ở trong tay ta nó vẫn đoàn tụ với biển khơi vậy. Nếu ta không để cho nước chảy với dòng của nó, thì nó sẽ trở nên đục.
    Cuộc đời chúng ta là một phần của cái khí hạo nhiên đã được gắn liền với da thịt của ta. Mặc dù chúng tôi bảo rằng đây là « cái tôi », nhưng nhìn với đôi mắt của thể xác, thì nó lại chính là cái khí của vũ trụ. Tuy rằng cái khí đó được gói trong da thịt ta, nó vẫn đoàn tụ với, và là một phần của vũ trụ.
    Cũng như khi ta hô hấp, là ta hô hấp cái khí hạo nhiên vào khắp cơ thể ta. Khi cái khí của ta đoàn tụ với cái khí của vũ trụ, thì ta khỏe mạnh và vui vẻ. Khi chúng không đoàn tụ được với nhau thì ta trở nên hững hờ, lãnh đạm, thờ ơ, và khi hai dòng khí đó không chảy cùng với nhau nữa, thì ta chết.
    Trong Hiệp Khí Ðạo, ta luôn luôn tập cách phóng khí ra, bởi vì khi làm như thế, thì cái khí của vũ trụ có thể thấm vào cơ thể ta và làm cho hai dòng khí cùng chảy xuôi được với nhau. Nếu ta không để khí phóng ra, thì khí mới không thể vào đặng, và hai dòng khí khó chảy xuôi được với nhau. Vì lẽ này, Hiệp Khí Ðạo nhấn mạnh sự phóng khí ra đó không những chỉ nhắm cải thiện những kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo mà thôi, mà còn làm cho hai dòng khí xuôi chảy đều được với nhau nữa. Ðây là một cách tốt nhất để tăng cường sức mạnh của đời ta đến tột độ.
    Ðã hằng thế kỷ rồi dân Nhật bản thường nói ràng « chết đi là đi về nhà », nhưng nếu không có lòng tin tưởng vững chắc thì ta sẽ không bao giờ nắm vững được cái thái độ ấy ! Chúng ta với khí hạo nhiên là một, và chết đi chỉ là quay trở về với cái khí hạo nhiên đó. Ta phải xử dụng tất cả năng lực của ta lúc ta còn sống và tất cả năng lực của ta sau khi chết. Lòng tin bất diệt đó thật là cần cho mọi thành công.
    II. KHÍ ÂM VÀ KHÍ DƯƠNG
    Ðể cái bản thể cơ bản của vũ trụ tức là khí đó tiến tới được cái trạng thái hiện thời của vũ trụ, nó đã phải trải qua một số những quá trình mâu thuẫn.
    Những quá trình đó vẫn còn đang tiếp diễn ngày nay và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Ở Á đông sự nhị nguyên (dualisme) đó gọi là thuyết về âm và dương. Dương là ánh sáng và âm là bóng tối. Khi có ánh sáng, thì tất phải có bóng tối ; khi có sự sống, thì tất phải có sự chết, và ở đâu có cao tất phải có thấp, có mạnh tất phải có yếu. Vũ trụ thì tuyệt đối trong trạng thái độc nhất của nó, nhưng nó được biểu lộ ra trong thế giới bằng tính cách nhị nguyên.
    Kẻ phát minh nổi tiếng về điện là Thomas A. Edison. Edison đã nói rằng vũ trụ được làm bằng điện lực, và nó đã tiến hóa từ sự mâu thuẫn giữa những yếu tố âm và dương. Trong Hiệp Khí Ðạo, ta gọi hai cái cực của quá trình đó là« khí âm» và « khí dương ».
    Nói cách khác, thì ánh sáng và sinh thành là dương, và bóng tối và hủy diệt là âm. Phóng khí ra là một diễn trình dương, còn hút khí vào là âm.
    Khí của chúng ta là một phần của vũ trụ, và cơ thể của chúng ta là những cái thuyền dùng để bảo vệ cái khí đó. Tinh thần là cái do vũ trụ mà có và ta phải bảo vệ và nuôi dưỡng con thuyền thể xác, và nó là cái mà ta phải nhắc nhở và kiểm soát sự trao đổi khí của ta với khí của vũ trụ. Có lẽ ta có thể so sánh những diễn trình trong sự phátđiện và những diễn trình trong dòng của khí. Ở trong máy phát điện, cái bản thể cơ bản của điện trở thành điện và phóng ra để làm đủ các loại máy chuyển động. Vũ trụ chứa đầy khí mà óc ta, giống như máy phát điện, thường tạo ra tinh thần, và tinh thần đó lại trở thành cái khí của ta, cái khí nó chuyển động thể xác ta. Khi chúng tôi giảng nghĩa cái cánh tay không thể bẻ gập được, chúng tôi đã nói rằng ta phải tưởng tượng là sức mạnh của ta đang phóng ra ngàn dặm trước mặt. Nói thế có nghĩa là sự phóng sức mạnh của khí ra đó là kết quả của cánh tay không thể bẻ gập được. Vì lý do này mà chúng tôi gọi cái hành vi tưởng tượng là ta đang phóng tinh thần ra đó là « sự phóng khí ra ». Trong những trường hợp khác như « dẫn khí », « thu khí vào », và « cầm khí lại », nếu ta nghĩ với tinh thần ta, thì sức mạnh của khí tự nó phát hiện ra ngoài.
    Nếu tâm hồn ta không trong sạch, thì ta không thể bảo vệ nổi sức khỏe của thể xác ta hoặc không thể trao đổi cái khí của chính ta với cái khí của vũ trụ. Người nào muốn làm cho kỹ thuật của mình bóng láng, thì hắn phải làm cho tinh thần hắn bóng láng trước đã. Phút khởi đầu đã không trong sạch, thì phút chấm dứt sẽ cũng khòng trong sạch. Một trái tim dơ bẩn sẽ chỉ đưa tới sự trống rỗng hoàn toàn. Nói như thế có nghĩa là cái khí của vũ trụ có thể dùng trong cả trường hợp xấu lẫn trường hợp tốt. Nếu có một khí dương, thì tất phải có một khí âm. Mỗi người phải chọn cái khí nào mình muốn xử dụng. Nếu hắn muốn đi trong ánh sáng và có một cuộc đời hoạt động, thì hắn phải phát triển cái khí dương. Hắn phải xử dụng tinh thần hắn một cách tích cực và có một thái độ tích cực. Nếu hắn muốn đi trong bóng tối và có một cuộc sống buồn bã, thì hắn phải xử dụng tinh thần hắn một cách tiêu cực. Lựa chọn thái độ nào đó là toàn quyền của ta.
    Dù rằng người nào cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc và hoạt động, nhưng những kẻ luôn luôn xử dụng tinh thần mình một cách tiêu cực có thể sẽ khòng hy vọng có một cuộc đời tích cực. Một cuộc sống tích cực tùy thuộc vào một thái độ tích cực. Bạn hãy bắt đầu luyện cho được một khí dương, và bạn sẽ thành công.
    Nếu bỗng nhiên trời trở lạnh và bạn nghĩ thầm, « trong thời tiết này sẽ rất dễ bị cảm lạnh », thì trong một nháy mắt cái khí của bạn đã trở thành âm, và rồi bạn sẽ bị cảm thực. Người nào nghĩ rằng, cảm lạnh là cái gì cơ chứ ? Nó chẳng làm được ta lo ngại, thì hắn sẽ khỏi cảm lẹ như là lúc bị cảm.
    Nếu đứng trước một việc nào đó, bạn có thái độ « chắc mình sẽ không làm nổi đâu », thì hẵn sẽ không làm nổi thực. Trái lại, nếu bạn xử dụng toàn thể sức mạnh của bạn và tin tưởng, thì bạn sẽ làm nổi.
    Rất nhiều người bắt đầu bằng một thái độ tích cực nhưng rồi về sau một thái độ tiêu cực bắt đầu lại nổi lên và quật họ ngã. Những kỹ thuật và chuyển động trong Hiệp Khí Ðạo mà ta thường xử dụng để tập luyện cách phóng khí của ta ra làm cho ta dễ có một thái độ tích cực. Nếu đôi khi ta sa ngã vào một tình trạng tiêu cực và có người bỗng đến bảo ta là : « Nào bạn, hãy luôn luôn nhờ đến việc phóng khí bạn ra chứ », hoặc bảo : « Hãy giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới », thì ta sẽ có thể quay sang khí dương của ta ngay tức khắc.
    Năm nào cũng thế, trong ba ngày Tết, tôi thường tụ hợp các họcviên Hiệp Khí Ðạo trong làng tôi lại với nhau và chúng tôi đi tới một dòng sông gần đó để tập luyện. Nhiệt độ bên ngoài nhiều khi có thể xuống tới tám hay chín độ dưới không độ, và nước chảy từ những ngọn núi phủ đầy tuyết thì lạnh buốt đến tận tủy. Lạnh đến nỗi nếu bạn nhúng một ngón tay xuống nước, bạn sẽ cảm thấy hầu như da thịt bạn đóng băng lại. Khi mặt trời vừa lên ở phía đông, cả bọn chúng tôi thay sang quần áo tắm và theo người trưởng toán xuống nước, đứng ngập tới hông. Chúng tôi làm thành một vòng tròn chung quanh người trưởng toán, và khi người này ra lệnh « xuống ! » chúng tôi cùng cúi xuống cho tới khi nước tới tận vai chúng tôi. Rồi người trưởng toán ra lệnh « hô ! » Mọi người đều hô thật to. Chừng độ ba phút sau chúng tôi ngẩng lên. Ðôi khi chúng tôi làm như thế chừng ba lần cho đến khi người trưởng toán bảo « lên bờ », và mọi người cùng đi lên bờ.
    Sau đó chúng tôi cùng lau người cho khô, thay sang đồ tập rồi cùng tập hô hấp. Ðó là lối mà chúng tôi bắt đầu một năm tập luyện Hiệp Khí Ðạo.
    Ðôi khi có học viên đâm ra lo lắng và hỏi xem có thể bị cảm được không. Tôi thường trả lời : « Nếu anh muốn bị cảm, thì anh sẽ bị cảm. Nếu anh không muốn, anh sẽ không bị ». Tất nhiên, nếu không ai xuống sông mà bị cảm lạnh, thì cũng có thể không có người đau. Ðiều quan trọng là luôn luôn giữ vũng cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí luôn luôn phóng ra ngoài.
  3. KIMQUIUFC

    KIMQUIUFC Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/08/2005
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    Ðôi khi có người thường ngày không tập Hiệp Khí Ðạo muốn xin được tham gia vào môn học này. Thường thường thói quen của tôi là tôi từ chối trong những trường hợp đó, nhưng một khi người ấy đã rất có nhiệt tình, và sau khi đã giải thích cho hắn cáiđiểm duy nhất nơi bụng dưới và cái thuyết về khí, thì tôi bảo người ấy có thể gia nhập được. Trong lúc hắn đang ở dưới nước, thì hắn hết sức chăm chú làm như lời tôi nói, và mọi việc đều như ý muốn. Nhưng khi hắn lên bờ rồi, thì hắn trở nên quá ư tự tin và đâm ra làm mất cái điểm duy nhất đã nói. Và rồi thì hắn run lên cầm cập. Mọi học viên khác đứng chung quanh, rất tự nhiên và da thịt không hề thấy một chấm nổi da gà, đều cười ầm lên chế nhạo hắn, và chính cái cười đó đã làm hắn bình phục lại và làm hắn tìm lại được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và thôi không run nữa.
    Người tập Hiệp Khí Ðạo thường xuyên thì không làm mất cái điểm duy nhất, tuy rằng hắn ít khi để ý tới điều đó.
    Ðây không phải chỉ là một bài tập về khả năng chịu đựng lạnh. Trước hết, đó là một bài trắc nghiệm dùng thể xác bạn để xem xem bạn tới được một trình độ mạnh mẽ nào khi bạn duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí phóng ra. Thứ hai, bạn tập bài tập đó ngay trong ngày đầu tiên trong năm để cho suốt năm ấy bạn sẽ có đầy khí và trong một điều kiện tích cực. Thứ ba, xuống nước như thế là để tắm cho sạch đi mọi ý nghĩ và kinh nghiệm xấu xa trong năm trước và để bắt đầu lại như một hài nhi tái sinh. Xuống sông như thế cũng là để phát triển một tháiđộ tích cực làm cho suốt năm khỏi bị cảm lạnh. Khi trời trở lạnh, chúng tôi chỉ việc nghĩ lại cái hôm mùa đông đó mà chúng tôi đã xuống dòng sông nước lạnh như băng.
    Cho đến bây giờ, mặc dù lạnh đến mấy, có quần áo chúng tôi không cảm khó chịu gì hết. Cho dù ta có bị cảm, nhưng với một thái độ tích cực, ta sẽ qua khỏi cơn cảm ngay tức khắc.
    Cả hai phương pháp suy nghĩ tích cực vàtiêu cực đều có thể áp dụng vào mọi sự việc. Thí dụ, một người thấy mấy người bạn mình đang nói chuyện với nhau. Người có một thái độ tích cực sẽ không coi đó vào đâu hết. Nhưng người có một thái độ tiêu cực sẽ nghĩ ngay rằng có thể mấy người đó đang nói điều gì xấu về mình. Càng nghĩ như thế, thì cái thái độ tiêu cực của người đó lại càng trở nên tiêu cực hơn. Cùng một câu nói mà một người có thể hiểu nó là xấu và tốt cùng một lúc. Hơn nữa, một câu nói có thể có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo trong lúc hắn nghe câu đó hắn đang có khí âm hay khí dương.
    Nếu một người bạn của bạn bảo bạn là một thằng ngu, và nếu bạn đang ở trong một tình trạng tích cực thì bạn sẽ không coi câu đó vào đâu bởi lẽ bạn biết rằng người đó là bạn của bạn. Trái lại nếu bạn đang ở trong một tình trạng tiêu cực và người đó lại gọi bạn như thế, thì bạn sẽ dễ nghi ngờ rằng tình bạn đó chỉ là giả bộ, và bạn có thể tin là người đó nói thật như vậy về bạn. Hãy nhớ rằng dương thì hấp dẫn dương, và âm thì hấp dẫn âm. Nếu bạn đang ở trong một tình trạng tiêu cực (âm) thì tư tưởng bạn sẽ tiêu cực, hành động bạn sẽ tiêu cực và mọi thứ chung quanh bạn cũng sẽ là tiêu cực. Bởi vì âm luôn luôn kéo theo âm, cho nên nếu một việc gì không hay, thì mọi việc khác cũng có vẻ như không hay. Nếu bạn cãi lộn với vợ bạn lúc bạn đi làm buổi sáng, thì cả ngày hôm đó bạn sẽ chẳng làm xong được việc gì cả. Cứ để cho một người đang cáu giận nhập vào một bọn bốn hay năm người đang nói chuyện vui vẻ với nhau, thì lập tức mọi người sẽ im bặt và trở nên buồn bã, bởi lẽ cái tiêu cực của một người cũng đủ mạnh để làm cho mọi người, mọi vật chung quanh hắn trở thành tiêu cực. Nếu một người trong một gia đình hạnh phúc mà có tháiđộ tiêu cực, thì cả gia đình cũng sẽ bị tiêu cực lây.
    Trái lại, nếu cái khí của bạn là dương, thì mọi tư tưởng, hành động của bạn, và mọi thứ chung quanh bạn cũng sẽ là dương. Hạnh phúc tới với ta qua một cửa đầy tiếng cười, bởi lẽ dương luôn luôn kéo theo dương. Một người có một bản chất tích cực sẽ làm một nhóm bốn hay năm người vui vẻ lên ngay. Bởi lẽ cái tích cực của hắn có thể thay đổi mọi thứ chung quanh hắn. Một ông tướng can đảm thì không thể có lính nhút nhát được, bởi lẽ cái tích cực mạnh mẽ của ổng đã làm cho thuộc hạ của ổng trở nên gan dạ. Trái lại, một ông tướng nhút nhát sẽ làm ngay cả những kẻ thuộc hạ gan dạ của ổng trở thành nhút nhát. Nếu ta muốn làm cho tất cả thế giới và tất cả xã hội sáng sủa hơn, chứ không phải chỉ riêng ta mà thôi, thì ta phải tự ta phát triển những đặc tính tích cực của ta và rồi cố gắng làm cho mọi thứ chung quanh ta trở thành tích cực.
    Một người đi rao hàng cho một hãng buôn nào đó, nếu trước khi mà đã nghĩ thầm rằng hắn sẽ không bán được cho ai hết, thì quả là tiêu cực. Hắn chưa biết sự thực hắn sẽ có bán được hàng không, nhưng trước hết đã có một thái độ tiêu cực thì hắn sẽ chuyện cái tiêu cực đó sang khách hàng. Hắn phải có đủ tích cực mới làm cho người mua phản ứng một cách tích cực được. Cho dù không bán được hàng, hắn cũng phải an ủi rằng lần đó hắn đã không bán được gì. Vẫn tiếp tục mang một thái độ tích cực như vậy, thì hắn sẽ có kết quả tốt trong lần đi rao hàng tiếp theo.
    Một người khách đến thăm bệnh nhân nói : « Ông X, Y, Z, đã chết vì bệnh này đấy, bác nên cẩn thận nhé ! », thì quả giống như bám vào chân một người đang treo cổ mà kéo xuống vậy : có ích gì đâu ! Ðến thăm một người bệnh, thì điều tốt hơn hết là nói : « Không sao đâu, thế nào bác cũng khỏi bệnh. Vui lên ! »
    Khi một người nào ở cấp trên bạn trong sở, hoặc khi một thầy giáo bạn quở mắng bạn, thì bạn có hai cách để suy nghĩ về sự quở mắng đó : hoặc là âm, hoặc dương. Bạn nên nhớ rằng bạn bị quở là vì bạn đã làm một lỗi lầm. Nếu bạn nhận lấy lời mắng đó với thiện chí và nhất định sẽ không mắc phải lỗi đó nữa, thì bạn sẽ quên được sự trách mắng ấy. Về sau, nếu thầy giáo hoặc người cấp trên của bạn quở bạn nữa, bạn có thể dùng cái khí dương của bạn và nhận lấy sự quở mắng đó. Bạn chẳng nên mếch lòng ; chẳng có gì đáng buồn cả.Cái người quở mắng bạn sẽ thấy cái lối bạn nhận lãnh lời quở, và chính cái khí của người đó sẽ trở thành dương mà không hay biết. Và thế là người đó sẽ mất hết lý do để cáu giận, và khi người đó đáng lý quở mắng bạn mười lần, thì sẽ chỉ quở hai hay ba lần mà thôi.
    Nếu, trái lại, bạn trở thành thù nghịch và oán giận khi có người quở bạn, nếu bạn sụt sệt như là sắp sửa òa lên khóc, thì cái thái độ tiêu cực đó của bạn sẽ chuyển sang cái người đang mắng bạn và người đó sẽ trở nên càng giận hơn nữa và sẽ quở mắng bạn hơn nữa.
    Nếu có người nào chỉnh bạn về một việc gì đó mà bạn đã không làm, thì đó là lỗi người đó, chứ đâu có phải lỗi bạn. Ðừng để chuyện ấy làm bạn phiền muộn. Chính bạn bạn sẽ tự hiểu xem là tình cảnh có đòi hỏi bạn nên nói ý kiến bạn ra không, hay là bạn chỉ nên im lặng nghe và để câu chuyện đó qua đi mà thôi. Nếu bạn quyết định là chỉ nên yên lặng mà nghe, thì bạn sẽ cần đến một cái khí dương thật là cứng rắn. Nhưng dù sao chăng nữa, khi nào bạn bị trách mắng, bạn nên luôn luôn giữ lấy khí dương của bạn, và đừng chịu thua người mắng bạn.
    Bởi lẽ trong Hiệp Khí Ðạo ta luôn luôn tập luyện cách phóng khí ra, cho nên phòng tập luôn luôn chứa đầy khí dương. Người nào không khỏe mạnh, hoặc quá đau yếu để có thể tập Hiệp Khí Ðạo, thì có thể đổi cái khí âm của mình sang khí dương bằng cách tới phòng tập để xem và nhận lấy một phần khí dương đang tràn lan trong đó. Người nào không học và khí của mình đang âm, thì thấy rất khó lòng đổi nó sang dương, nhưng người ấy sẽ có thể đổi sang được nếu được cái khí dương của một số đông người giúp đỡ.
    Khi bạn tan sở làm, và ra về mệt nhọc, bạn hãy ghé qua phòng tập và tập độ một lát. Toàn thể thân mình bạn sẽ thấy thoải mái, khí của bạn sẽ trở thành dương, và bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn lên ngay. Về đến nhà, bạn sẽ ngủ được rất ngon, và sáng hôm sau ngủ dậy bạn sẽ có được một thái độ tích cực đối với công việc của bạn. Trái lại, nếu bạn cứ về thẳng nhà và than thở với gia đình là bạn mệt mỏi, thì cho dù qua một đêm ngủ bạn vẫn không thấy khỏe khoắn. Và sáng hôm sau bạn thức dậy vẫn thấy người mệt mỏi như hôm trước.
    Nếu có điều gì khó chịu xảy đến cho bạn, thì thay vì mang nó về nhà, bạn hãy ghé qua phòng tập và đổi cái khí của bạn sang khí dương. Và như thế nhà của bạn bao giờ cũng sẽ là một tổ ấm tươi sáng.
    Những người ở xa phòng tập quá thì nên luyện cách giữ cái điểm duy nhất nơi bụng dưới một mình, và phải hết sức cố gắng giữ cho cái khí của mình bao giờ cũng ở trong một điều kiện tích cực.
    Khi mọi việc đều theo như ý ta muốn, thì ai cũng có thể giữ cho mình một thái độ tích cực, nhưng ta phải biết cách chuyển từ âm sang dương nếu hoàn cảnh trái với ý ta. Bởi vì dương sẽ kéo theo dương, cho nên một thái độ tích cực sẽ có thể dẫn tới một số phận tích cực.
    Khí của ta chảy xuôi cùng với khí vũ trụ. Nếu ta phóng khí ta ra càng nhiều bao nhiêu, thì ta lại càng có thể cải thiện sự hòa hợp đó. Ta có thể phóng tất cả khí của ta ra, bao nhiêu cũng được, bởi nguồn cung ứng khí thì vô tận. Một khi ta đã làm cho khí ta dương rồi, thì ta không nên tự mãn mà ngừng lại ở đó. Ðời ta sáng sủa hay tối tăm là hoàn toàn tùy thuộc vào cái thái độ tích cực hay tiêu cực của ta.
    Tay trong tay, tất cả chúng ta phải làm cho cái cuộc đời quí báu nhận lãnh được từ vũ trụ đó thành một cái gì sáng sủa. Nếu mỗi người chúng ta đều đốt lên những ánh sáng của riêng cá nhân ta, thì ta có thể soi sáng được toàn thể thế giới.
  4. KIMQUIUFC

    KIMQUIUFC Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/08/2005
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0

    CHƯƠNG BẢY
    --------------------------------------------------------------------------------
    TINH THẦN THÁNH THIỆN
    Chúng tôi đã nói rằng cuộc đời chúng ta là một phần của vũ trụ, rằng cái bản thể cơ bản của ta là cái khí hạo nhiên, rằng đời sống và thân xác chúng ta đều do cái khí hạo nhiên mà ra, và rồi chúng sẽ phải quay trở về đó. Nếu cái bản thể cơ bản của thân xác là khí, thì cái bản thể cơ bản của tinh thần cũng là khí. Tinh thần là một tập hợp những nguyên tử nhỏ nhất. Thể xác là một tập hợp những phân tử lớn hơn. Những cả hai đều do cái khí hạo nhiên mà ra.
    Hiệp Khí Ðạo là một phương pháp giúp ta hợp nhất được tinh thần và thể xác và hòa làm một với cái khí hạo nhiên. Nói khác đi, Hiệp Khí Ðạo là con đường đưa tới sự hợp nhất với khí. Tuy nhiên, tại sao lại cần phải hợp nhất những cái đã là một?
    Ta có được tinh thần và thể xác đặng tiếp tục cuộc đời trong thế giới này. Tinh thần tách biệt ra khỏi thể xác và làm cản trở sự hợp thành làm một với nó. Vì lẽ đó, một khi ta học cách điều khiển tinh thần, thì ta bị cô lập ra khỏi vũ trụ. Khi chúng tôi nói « tinh thần », chúng tôi muốn cho nó một ý nghĩa rộng hơn thường lệ.
    Ðể có thể có mặt trên thế giới này, thì mọi sự vật, trong nghĩa rộng, được cấp cho một thể xác và một tinh thần. Viên đá có hồn của viên đá bảo vệ cái hình thể của nó. Không khí có cái hồn của không khí bảo vệ cái vô hình thể của nó, bảo vệ những chuyển động của nó, và hoàn thành cái sứ mạng của nó. Ðạo Phật giảng nghĩa hiện tượng này nói rằng mọi vật đều có Phật tánh. Cái linh hồn của vật chất chính là cái mà ta gọi là cái đặc tính của vật chất. Ðặc tính chính nó là linh hồn trong cái nghĩa rộng đó vậy.
    Con người, ngoài cái mà ta thường gọi là « tinh thần », còn có cái mà ta gọi là phần hồn của mỗi vật. Móng tay có phần hồn của móng tay, sợi tóc có phần hồn của sợi tóc, và mỗi thứ hoàn tất sứ mạng của nó mà ta không hề biết đến. Tất cả những thứ đó ta gọi là « thể xác». Cái thể xác này, theo nghĩa rộng, là tinh thần.
    Cây cỏ lấy thực phẩm qua rễ của chúng và hô hấp qua lá của chúng. Cây cỏ có đời sống và linh hồn giúp cho đời sống tiếp nối. Thường thường ta chỉ nghĩ rằng cái hồn thảo mộc đó là sự diễn tiến của cuộc đời thảo mộc mà thôi. Tuy nhiên, trong thân thể chúng ta, hoàn toàn tách biệt khỏi ý thức của ta, thực phẩm đi qua miệng ta, và cơ thể ta mang nó tới chỗ để tiêu hóa, biến nó thành huyết tương (plasma), và mang nó đi nuôi tất cả mọi thành phần cấu tạo cơ thể. Ðây là cái « hồn thảo mộc » của ta vậy.
    Loài vật ăn khi đói và la lên khi chúng muốn la lên. Chúng hành động theo những đòi hỏi của sự diễn tiến đời sống chúng. Ta gọi đó là hồn động vật, hoặc nếu ở loài người thì đó là những bản năng cơ bản. Ai cũng biết là con người có những bản năng động vặt cơ bản đó. Con người kết hợp tất cả những linh hồn của sự vật, cây cỏ, động vật, và yếu tố cao siêu hơn thành cái mà ta thường gọi là tinh thần, hay là linh hồn.
    Mặc dù mọi loài vật đều có ngần ấy linh hồn, nhưng một người nào mà linh hồn của hắn không đi xa hơn linh hồn loài vật đó, thì ta gọi đó là phi nhân. Ta bảo rằng người ấy thiếu những đặc tính của loài người.
    Một người điên khùng thì trở nên một vật, bởi vì trong hắn chỉ có cái vật chất và những hồn cây cỏ là hoạt động mà thôi. Hề ngoài hắn vẫn có cái hình dáng của con người, nhưng bên trong thì hắn đã mất đi những đặc tính của nhân loại. Nhiều thanh thiếu niên ngày nay, chẳng quan tâm gì tới những điều phiền hà chúng gây ra cho người khác hoặc cho trật tự xã hội, đã chỉ cố tình làm thỏa mãn những sở thích của chúng theo cái lối của chúng mà thôi. Trong những người này, chỉ có cái vật chất, phần hồn thảo mộc và phần hồn động vật là hoạt động mà thôi. Nói khác đi,chúng là những con người thú không cao gì hơn nhưng loài vật khác.
    Con người tạo ra xã hội, người tạo ra trật tự xã hội. Hắn biết phân biệt thế nào là tốt, là xấu, và hắn biết là không được làm kẻ khác những điều gì mà hắn không muốn người khác cũng làm mình.
    Con người có khả năng suy xét ; và chính cái khả năng này đã tách biệt hắn khỏi những loài vật khác.
    Chúng ta gọi cái khả năng đó là tinh thần phán đoán. Một vài loài vật có chút ít khả năng phán đoán. Loài chó thường không bao giờ quên người đối xử tốt với nó và loài kiến duy trì được một trật tự xã hội khá mở mang, nhưng chúng không có cái khả năng phán đoán tất cảmọi sự vật của loài người.
    Một người thiếu cái tinh thần phán đoán đó, thiếu cái đặc tính của nhân loại đó, thì chẳng hơn gì loài vật.
    Cái khả năng suy luận của con người càng phát triển khi con người lớn lên, và nó tiến tới một bình diện cao hơn nữa khi ta được hấp thụ một nền giáo dục. Mới đầu thì cha mẹ ta dạy dỗ ta, rồi thì hoàn cảnh xã hội, và rồi sau đó nhà trường, cho đến khi dần dần ta trở thành những con người đích thực.
    Cái khả năng suy luận một người ở lì trong cái trạng thái hoang sơ lúc mới ra đời sẽ chẳng bao giờ phát triển được cao hơn. Thí dụ, có trường hợp một đứa trẻ sinh ra trên núi, và cả cha lẫn mẹ nó đều qua đời. Loài khỉ trên núi cho đứa trẻ bú và nuôi cho nó lớn lên. Lẽ dĩ nhiên nó không hiểu được tiếng nói loài người. Hai cẳng đứa trẻ trở nên cong cong như cẳng loài khỉ, và nó có thể leo cây nhẹ nhàng như hệt loài khỉ vậy. Nó trông thấy dân làng thì nó sợ hãi, và trông giống hệt một con khỉ.
    Người ta bảo rằng cái khả năng suy luận và phán đoán của nó gần như là không có gì. Chừng nào mà những bậc cha mẹ ngày nay còn thả lỏng con cái của họ, chừng nào mà xã hội còn không quan tâm đến cái hoàn cảnh chung quanh của thiếu niên, và chừng nào mà nhà trường còn tiếp tục chỉ lưu ý đến việc truyền bá kiến thức mà thôi, thì chừng đó con trẻ sẽ lớn lên giống hệt như loài vật, hành động hoàn toàn theo bản năng của chúng. Hiện tượng thiếu niên phạm pháp (juvenile delinquency), một trong những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới hiện nay đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có ý thức về con cái của họ, đòi hỏi xã hội phải cải thiện hoàn cảnh của thanh thiếu nhi, và đòi hỏi nhà trường phải sửa đổi lại hệ thống giáo dục và nhận thức được cái nhu cầu giảng dạy đạo đức luân lý cho con trẻ. Ta chỉ có thể tạo được một xã hội thực sự nếu ta ghi sâu cái tinh thần suy luận vào trí não trẻ con của chúng ta, và dậy dỗ chúng trở thành những người biết tuân theo tinh thần suy luận.
    Tuy nhiên, có một vấn đề sẽ được đặt ra nếu chúng ta nghĩ rằng một khi mà óc phán đoán của chúng đã mở mang rồi thì mọi sự sẽ đâu vào đó.
    Nếu còn nhiều bậc giáo dục, những bậc được coi là có khả năng phán đoán cao, và những người ngồi ở địa vị cao trong xã hội mà phạm những lỗi nặng và những hành vi đi ngược hẳn với óc phán đoán, suy sét của họ, thì ta chẳng thể nào trách cứ được những thanh thiếu niên phạm phải những điều tệ hơn nữa, mặc dù trong thâm tâm chúng cũng biết làm như vậy là trái với lý thuyết.
    Ðôi khi lý trí lại phải nhường bước cho dục vọng ; nghĩa là cái tinh thần loài vật đã cai quản tinh thần lý trí. Dù sao chăng nữa thì lý trí chẳng thế nào hoàn toàn chế ngự được bản năng. Nếu đôi khi lý trí thắng bản năng, thì sớm muộn bản năng cũng sẽ thắng lý trí. Hai yếu tố đó luôn luôn tranh đấu với nhau, và khi thì lý trí thắng, khi thì bản năng thắng. Chính bởi lẽ con người có lý trí mà hắn cảm thấy đau khổ trước sự tranh đấu thường xuyên giữa hai yếu tố đó, một niềm đau khổ mà loài vật vô lương tri không hề biết tới. Tuy có kẻ buồn sầu, ủ rũ, than van rằng được là loài vật thì sướng biết mấy, muốn làm gì thì làm, hoặc được là loài chim hoặc là con ốc dưới đáy biển, nhưng cũng có những người dám can đảm chinh phục được bản năng bằng lý trí và dám làm những điều họ muốn.
    Tuy vậy phải nhận là lý trí chẳng thể lúc nào cũng chinh phục được bản năng. Lý trí là một thứ được đào luyện sau khi ra đời ; bản năng đã có từ lúc ta mới ra đời. Ta không hy vọng hoàn toàn lấy một đặc tánh tiêm nhiễm được để điều khiển một đặc tính bẩm sinh. Nếu con người sinh ra đời chỉ để đau khổ vì sự tranh chấp giữa lý trí và bản năng, thì quả đây là một thế giới đau thương hết sức.
    Tuy nhiên chẳng có gì đáng để ta phiền muộn, bởi lẽ con người được phú bẩm một tinh thần còn tinh tế hơn cả lý trí, một tinh thần bẩm sinh và cơ bản. Ta sinh ra từ cái khí của vũ trụ và khí đó với ta là một. Ta có một liên hệ trực tiếp với tinh thần của vũ trụ, và chính cái tinh thần đó nó đã soi sáng cho ta biết rằng ta với vũ trụ là một. Ðây không phải là vấn đề phán đoán bằng lý trí ; đây là một sự lãnh hội bằng toàn thể thân xác và linh hồn ta.
    Cái quan năng cho phép ta lãnh hội được như thế, ta gọi là linh hồn thần linh. Bởi vì linh hồn trực tiếp liên hệ đến vũ trụ, cho nên nó có năng lực điều khiển cả lý trí lẫn những bản năng động vật bẩm sinh. Một khi cái linh hồn thần linh đó đã hiện ra, thì mọi nhầm lẫn của lý trí sẽ thôi không còn nữa, và mọi bản năng cũng sẽ thôi không hỗn loạn nữa.
    Ðôi khi có trường hợp một kẻ vô lại tàn ác nhất bỗng trở nên hoàn toàn thiện hảo, đó là bởi vì linh hồn thần linh đã mở mắt cho hắn, và kẻ đó sẽ thôi không còn nghĩ tới, chứ đừng nói là phạm phải, một hành vi gian ác nữa.
    Những người có một đức tin sâu xa thường có một tinh thần vị tha và từ thiện kinh khủng đến độ họ sẵn sàng quên họ đi và hiến dâng thể xác và con tim họ vào một việc tốt lành cho kẻ khác hoặc cho xã hội. Ðối với những người thường, thì đó có vẻ như một sự đau đớn, một cái gì đòi hỏi một cố gắng vượt bực để tự thắng mình, nhưng thực ra đó chỉ là một biểu lộ của linh hồn thần linh trong một kẻ tin tưởng thực sự. Người có đức tin thì hành động theo những mệnh lệnh của linh hồn thần linh đó. Thay vì là một sự đau đớn hay một nỗi lo âu phiền muộn, đó là một niềm vui không bờ bến.
    Một nhà sư đạo Thiền có lần nói rằng cứ mỗi sáng ngủ dậy thì người lại tự hỏi : « Chủ nhà ngươi đã dậy chưa » Vị sư đó lại tự trả lời rằng : « Ðã dậy rồi ! » Vị sư đó trong ngày thỉnh thoảng lại lặp lại câu trả lời đó. Trong đạo Thiền, thường thường ta kêu ta bằng tiểu ngã (shoga), hay là cái tôi nhỏ và kêu cái bản thể căn bản của ta bằng đại ngã (daiga), hay là cái tôi lớn. Ðạo Thiền cũng dạy rằng gạt bỏ tiểu ngã đi tức là tạo sinh được đại ngã.
    Ðiều này cũng như là khuyên ta đừng nên làm nô lệ cho cái tôi nhỏ của ta, nhưng phải mở mắt ra mà đón nhận cái bản thể căn bản nó hòa làm một với vũ trụ. Cái tinh thần nó thoát ra từ cái tôi lớn đó chính là cái linh hồn thần linh. Khi tự hỏi mình rằng chủ đã dậy chưa, nhà sư Thiền đó đã tự hỏi mình xem cái linh hồn thần linh của người, cái tôi lớn của người, có hoạt động không. Hỏi như thế để biết chắc là linh hồn thần linh luôn luôn được biểu lộ ra.
    Nếu vị sư đó cảm thấy linh hồn đó hầu như đang bị một đám mây mù che phủ, thì người có thể kêu gọi nó về bằng cách hỏi rằng : « Chủ nhà ngươi đã dậy chưa ? »
    Mục đích tối hậu của sự tập luyện hô hấp và ngồi tham thiền nhập định trong đạo Thiền và đạo Yoga là để lãnh hội cái bản thể căn bản của ta, nó với vũ trụ là một, và để phát biểu cái linh hồn thần linh. Dù ta có ý thức được nó hay không, thường thường một sự kết hợp của tinh thần động vật, chất thể và lý trí chuyển động qua chúng ta như những đợt sóng bị gió làm lay động trên mặt hồ. Cũng như là khi ánh trăng tròn bị những đợt sóng làm tan tành thành trăm ngàn tia sáng vụn trên mặt nước không thể cho ta thấy được cái hình ảnh thật sự của mặt trăng, nếu tinh thần ta bị khuấy động thì nó cũng không thể phản ảnh được vũ trụ thật sự. Sự khuấy động chỉ có thể đưa đến kết quả cuối cùng là ta không còn biết thế nào là phải, là trái nữa, và rồi ta lại bị bản năng chế ngự.
    Ta phải hợp nhất thể xác và tinh thần ta, phải làm cho những đợt sóng tinh thần được yên tĩnh, và phải làm cho chính ta trở thành một tấm gương sáng trong đó cái phản ảnh đích thực của vũ trụ có thể làm cho sự suy xét của ta minh mẫn và làm cho ta khỏi nhầm lẫn thiện với ác. Khi ta làm một điều gì ác, tiếng nói của cái ta thường gọi là lương tâm sẽ bảo ta rằng ta không được làm như thế ! Lương tâm đó là do linh hồn thần linh mà ra, nhưng khi tinh thần bị khuấy động, thì tiếng gọi của hướng tâm sẽ mất đi trong tiếng náo động những đợt sóng. Khi tinh thần ta bình yên, tuy nhiên, thì tiếng gọi của lương tâm ta sẽ vang rền lên như sấm, với một uy quyền tuyệt đối. Con người chỉ là vị lãnh chúa của tạo hóa khi nào hắn biểu lộ được cái linh hồn thần linh của hắn.
    Trong Hiệp Khí Ðạo, ta luôn luôn tập luyện cả trong lúc yên tĩnh lẫn trong lúc khuấy động để hợp nhất thể xác và tinh thần, để hòa làm một với cái khí hạo nhiên, và để giữ cho tinh thần ta sáng láng và óng mướt như một tấm gương. Vì lẽ đó ta luôn luôn phải ở trong một trạng thái có thể phát lộ được cái linh hồn thần linh của ta, và phải luôn luôn có nghị lực để tự phán xét xem cái gì ở trên thế giới này là thiện và cái gì là ác.
    Người nào tập luyện và tiến tới trong những kỹ thuật và trở nên có sức mạnh mà không nắm được cái khả năng phán xét cái thiện và cái ác, thì không phải là một đệ tử thực sự của Hiệp Khí Ðạo. Một kẻ có sức mạnh, có võ thuật, mà lại có một ác tính trong con người hắn thì lại càng làm ác, chứ không thiện, trong thế giới. Muốn học tập và thực hành Hiệp Khí Ðạo cho đúng đường đòi hỏi phải biểu lộ được linh hồn thần linh. Tinh thần Hiệp Khí Ðạo là một biểu lộ của cái linh hồn đó. Cái ý nghĩa đích thực của Hiệp khí Ðạo nằm trong sự trở thành một con người đích thực, có thể phán xét mọi sự vật chung quanh mình mà không hề sai lầm. Muốn đạt tới môn Hiệp Khí Ðạo tuyệt vời và vĩ đại đó, ta phải luôn luôn tiếp tục làm chủ được từng qui luật, từng trật tự một.

  5. KIMQUIUFC

    KIMQUIUFC Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/08/2005
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    CHƯƠNG TÁM
    --------------------------------------------------------------------------------
    TINH THẦN YÊU THƯƠNG VÀ BẢO VỆ MUÔN LOÀI
    Mọi sự vật đổi thay tùy theo cái lối ngắm nhìn chúng. Vũ trụ thì thường xuyên trưởng thành và phát triển, và cái diễn trình hủy và diệt luôn luôn tiếp diễn.
    Tuy rằng đạo Cơ đốc dạy rằng Chúa là Tình Yêu, và đạo Phật dạy rằng vũ trụ là tình thương, nhưng có rất nhiều người lại cho rằng vũ trụ thì vô tâm. Nếu ta ngắm nhìn cái khía cạnh sinh và thành của vũ trụ, thì nó có vẻ như là tình yêu, nhưng trái lại nếu ta nhìn nó ở khía cạnh hủy và diệt, thì ta lại tin rằng vũ trụ quả thực là vô tâm. Vũ trụ chính nó thì chẳng nói gì hết, và phó mặc cho ai muốn nghĩ thế nào cũng được. Nếu ta muốn tạo ra một thế giới hỗn loạn và một cuộc đời đau khổ, ta chỉ cần có một khí âm, rồi ngắm nhìn mọi sự qua cái khí đó, và cho vũ trụ là vô tâm. Khi tinh thần bạn tiêu cực, thì cho dù trong hoàn cảnh tươi sáng hoặc tối đen, bạn sẽ vẫn luôn luôn cảm thấy bị ma quỷ ám ảnh. Mọi điều bạn nghe thấy hoặc trông thấy đều chẳng làm cho bạn thích thú, và rồi bạn không còn cố gắng để tìm hiểu tình yêu của vũ trụ.

    Ngược lại, nếu tinh thần bạn tích cực, thì cho dù trong hoàn cảnh đen tối hoặc tươi sáng, bạn sẽ luôn luôn trông thấy chúng có màu xanh, và mọi điều bạn trông thấy hay nghe thấy sẽ làm bạn thích thú. Dù rằng trong thế giới này có hủy và có diệt thực đó, nhưng một người có tinh thần tích cực sẽ coi ngay đến sự chết như là một cái gì vô giá. Nếu có diệt (sự chết), thì sinh (sinh sống) phải có giá trị và tràn trề. Có lần tôi được nghe kể một câu truyện về sự việc xảy ra thế nào giả thử không có sự chết, giả thử mọi người sống mãi mãi.

    Một người vô cùng sợ chết bỗng được một cuộc đời vĩnh cửu. Thoạt đầu, hắn sung sướng lắm, nhưng về sau hắn đâm ra chán đời và tìm cách tự vẫn bằng cách nhảy từ một mỏm núi cao xuống đất. Hắn vẫn không chết. Hắn lại đi tìm độc dược để uống, rồi tìm giây treo cổ mình lên, nhưng về sau hắn phải thú nhận rằng hắn không làm cách nào để chết được cả. Và rồi hắn học được một bài học rằng cuộc đời vĩnh cửu chẳng thú vị chút nào cả, rằng như vậy chỉ là một nỗi buồn nản vô cùng vô cực.

    Trong đời ta, ta làm cố gắng, ta đi tìm giá trị, bởi vì có sự chết. Cố nhiên câu truyện kể ở trên chỉ là một câu truyện, nhưng cũng có phần đúng. Sự chết là một hình thức của tình yêu do vũ trụ mang đến cho ta.

    Khi ta đói ta thấy thực phẩm là điều tốt, và khi ta bị đau ốm, ta mới thấy sức khỏe thực là cần thiết. Khi mà vị giác của ta mất đi, thì yến tiệc linh đình cũng chỉ là đồ bỏ, chẳng nghĩa lý gì. Khi mà lòng biết ơn và sự hưởng hạnh phúc bị lãng quên đi, thì chẳng có gì trên thế giới này mang lại nỗi vui sướng cho ta. Sự thiếu thốn và nhu cầu đến với ta dưới hình thức của tình yêu từ vũ trụ . Nghĩ được như thế, thì bạn sẽ cảm thấy có hạnh phúc ngay trong lúc bị thiếu thốn, quẫn bách. Khi bạn bị đau ốm, bạn phải coi đó là một cơ hội để an nghỉ do Thượng đế ban cho, và bạn hãy dùng cơ hội đó để luyện tập tinh thần bạn. Khi bạn khỏi bệnh rồi, bạn sẽ hưởng thụ cái cảm giác của một người khỏe mạnh. Trên thế giới này chẳng có gì gọi là khó chịu cả.

    Nếu tinh thần bạn tích cực và bạn biết ơn cái tình yêu nó nhận lãnh được từ vũ trụ, thì dương sẽ kéo dương, và những thần số mạng may mắn sẽ mỉm cười với bạn. Nếu mọi người trên thế giới này có thể cảm nghĩ như thế, thì chẳng bao lâu thế giới này sẽ biến thành cõi thiên đàng.

    Hiệp Khí Đạo luyện tập cái khí dương. Một khi ta với vũ trụ đã hòa làm một, thì cái phản ảnh của vũ trụ trên linh hồn thánh thiện bao giờ cũng trong hình thức tình yêu. Đó là một phát biểu của tinh thần, nhắn nhủ ta rằng ta phải yêu thương, che chở và nuôi dưỡng mọi vật. Tập luyện Hiệp Khí Đạo là tinh luyện tình yêu thương trong tâm hồn ta thành cái tinh thần của vũ trụ. Trong Hiệp Khí Đạo ta đấu võ với đối thủ của ta không phải để thắng hoặc bại. Cả hai người cùng sửa cho nhau những nhược điểm, cùng mài dũa cho nhau, và cùng phản chiếu cho nhau những hoạt động của mình. Qua tinh thần hỗ tương kính trọng nhau và hỗ tương quí mến nhau, ta huấn luyện thể xác và tinh thần ta cho tới khi ta tới được một trạng thái tinh khiết và yêu thương.

    Hiệp Khí Đạo là tinh thần yêu thương và bảo vệ muôn loài ; đó là tinh thần hòa bình vậy.
  6. KIMQUIUFC

    KIMQUIUFC Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/08/2005
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    PHẦN II
    LỐI SỐNG HIỆP KHÍ ĐẠO
    CHƯƠNG CHÍN
    --------------------------------------------------------------------------------
    THỨC DẬY

    Bất cứ bạn quyết định làm một việc gì, bạn cần phải có một ý chí mạnh mẽ. Cho dù cái điều bạn nghiên cứu có giá trị đến mấy, nếu bạn không đi đến hết, nó sẽ chẳng có ích gì cả. Một người có một ý chí yếu, cho dù hắn tưởng hắn đi đúng đường, sẽ không thể tiếp tục con đường hắn đã khởi sự và rồi cuối cùng sẽ chẳng đi tới đâu.
    Tuy có nhiều người tôi dạy cho biết cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và khí dương đã thực hành những điều họ học, đã bắt mình vào qui củ, đã có thành quả, nhưng con số những người mới khởi sự tập được chừng hai hoặc ba ngày đã xin thôi thì không nhỏ. Quá ít cố gắng sẽ không thể đưa tới sự thành đạt hoàn toàn. Bạn chỉ có thể thành công trong công trình hợp nhất tinh thần và thể xác và phát lộ linh hồn thánh thiện nếu bạn cố gắng không ngừng. Người nào mà tập được vài ngày rồi thì chán nản, than phiền và chỉ trích Hiệp Khí Đạo, thì chỉ phô lộ ra cái tinh thần nông cạn của họ mà thôi. Bất cứ bạn bắt đầu làm một việc gì, bạn phải phóng cái khí dương của bạn ra, duy trì một ý chí vững chắc, và đi cho tới đích.

    Cũng như một năm chỉ có một ngày Tết, một ngày cũng chỉ có được một giây phút lúc bạn thức dậy. Nếu bạn thức dậy với một cảm giác bực bội khó chịu, mặc dù chính bạn không hay biết, thì cái cảm giác đó sẽ bám riết lấy bạn, tạo thành khí âm, và làm cho suốt ngày hôm đó khó chịu. Bạn sẽ tự nghĩ rằng : « Sáng nay mình thức dậy tâm hồn nặng nề như thế, thì chắc cả ngày sẽ chẳng làm được việc gì cả ».

    Hiệp Khí Đạo là cách học để luôn luôn phóng khí dương ra ngoài, nhất là vào buổi sáng, khi bạn vừa thức dậy. Bạn phải có thói quen tỉnh ngủ hẳn, tung chăn ra, và nhỏm dậy ngay lúc bạn vừa thức dậy. Có người thức dậy rồi mà còn nằm dài ở giường, không chịu dậy, chính bởi lẽ họ không có một ý chí mạnh. Trước hết, lúc mới thức dậy, không một sự gì rõ ràng tới với óc bạn, tri thức của bạn còn lờ mờ, lý trí của bạn còn chưa sắc bén, và bạn đang ở trong một tình trạng làm nô lệ cho bản thân bạn. Nằm lơ mơ trên giường như vậy chỉ khiến bạn có thói quen để cho bản năng chế ngự lý trí mà thôi. Bởi lẽ giấc ngủ là lúc mà khí vũ trụ thấm nhập cơ thể bạn, cho nên bạn phải ngủ thật say, nhưng khi đã thức dậy rồi bạn còn nằm lì ở giường thì bạn sẽ thấy mệt hơn. Bạn phải nhỏm dậy ngay khỏi giường, bởi vì như thế bạn sẽ có được khí dương làm cho ngày của bạn có được một cuộc khởi sự tích cực. Chỉ làm được như thế bạn cũng khiến cho bạn có được một tri lực mạnh mẽ. Thanh thiếu niên nào muốn đi được tới xa thì đặc biệt cần phải tiêm nhiễm cái thói quen tốt đó.

    Lần đầu tiên trong số năm lần luyện tập Hiệp Khí Đạo tại trung tâm Hiệp Khí Đạo của chúng tôi bắt đầu từ sáu giờ sáng, và kéo dài một giờ. Những người ở gần phòng tập thì không sao, còn những người ở xa phải thức dậy từ năm giờ để kịp giờ học. Thế mà có rất nhiều người, trai cũng như gái, già cũng như trẻ, vẫn đến đúng giờ, và ngày nào cũng vậy. Một giờ tập Hiệp Khí Đạo vào buổi sáng cũng đủ cung ứng cho bạn đầy đủ khí dương cho một ngày làm việc. Hơn nữa, chỉ cần tung chăn và nhỏm dậy ngay khỏi giường khi vừa thức dậy lúc năm giờ và đi thẳng ra phòng tập là bạn cũng đã làm được một việc gì hay rồi. Bạn sẽ thấy rằng bạn trở nên một con người thẳng thắn, có nghị lực mạnh. Bạn sẽ thấy rằng phần lớn mọi người tập hằng ngày trong năm là những người tập vào buổi sáng.

    Hồi còn trẻ tuổi, tôi rất là yếu đuối, cả tinh thần lẫn thể xác. Bởi vì tôi rất khó ngủ ban đêm, cho nên cứ sáng ra là tôi buồn ngủ và rất khó tỉnh dậy. Rồi bất cứ việc gì tôi bắt đầu làm tôi cũng đâm ra chán nản, và nửa chừng thì tôi bỏ cuộc. Hồi đó tôi tưởng đó là lỗi của cơ thể yếu đuối của tôi.

    Năm 16 tuổi tôi phải nằm nhà thương mất một năm để chữa bệnh sưng màng phổi, nhưng bệnh tình tôi càng ngày càng trở nên trầm trọng. Bây giờ, khi nghĩ lại, tôi thấy là vì tôi đã có một thái độ tiêu cực đối với bệnh tình của tôi nên tôi đã lâu khỏi. Suốt thời gian đó tôi lo rằng cho dù tôi có khỏi bệnh, tôi chắc sẽ không bao giờ khỏi hẳn, và vì thế tôi chẳng khỏe hơn gì mấy.
    Trong một năm trị bệnh đó, trái lại, tôi lại có dịp để ngẫm nghĩ và nhận thức ra rằng tôi không thể tiếp tục có thái độ tiêu cực như vậy được nữa. Tôi đọc rất nhiều sách nói về cách tự chữa bệnh, và tôi được biết rằng tôi phải tìm cách tôi luyện cơ thể của tôi.

    Trong khi đọc một trong số những cuốn sách đó, tôi bỗng nhận thức ra rằng ý chí của tôi yếu đuối, và tôi phải bắt nó vào khuôn khổ và làm cho nó mạnh lên. Tôi bèn tự nhủ: « Được rồi. Ta phải chú tâm đến ý chí của ta ». Ít nhất đây cũng là một việc tôi có thể làm được. Bác sĩ bảo tôi chưa tập được nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, tôi quyết định ngày nào cũng tắm nước lạnh.

    Dạo ấy vào mùa hè, cho nên tắm nước lạnh rất là khó chịu. Sáng nào tôi cũng rời khỏi giường ngay lúc tôi vừa tỉnh giấc, chạy tới buồng tắm, và dội hai hay ba gàu nước lạnh lên đầu và lên cơ thể tôi. Sau đó tôi lau mình thật kỹ và lấy khăn tắm chà khắp cơ thể. Sau một thời gian, cứ sáng ra là tôi nghĩ ngay đến nước lạnh. Và đầu tôi tự nhiên sáng lên tức thì, và tôi tự nhủ : « Cứ nằm lăn lộn trong giường ấm thế này thì chẳng đi đến đâu hết! » Và như thế mọi thói xấu về buổi sáng của tôi bỗng thay đổi hẳn, và đêm tôi ngủ say như một khúc gỗ. Và rồi, cố nhiên, mùa thu tới. Nhiệt độ giảm dần, và nước càng lạnh hơn, nhưng tôi không hề nghĩ đến sự bỏ việc tập luyện của tôi. Không thấy khổ sở gì cả, tôi cứ tiếp tục tắm nước lạnh vào buổi sáng, và rồi cơ thể tôi trở thành khỏe khoắn hơn nhiều đến nỗi tôi cảm thấy chẳng phải làm gì hơn nữa.

    Về sau tôi được nghe nói về những kỷ luật nghiêm khắc của đạo Thiền, về phương pháp hô hấp misogi, về cách ngồi tham thiền nhập định dưới một ngọn suối nước, và lần nào tôi cũng chạy đi tập rất chăm chỉ, cho đến khi tôi thấm nhuần được điều tôi đã bắt đầu học. Rồi đến Hiệp Khí Đạo. Tắm nước lạnh là cơ hội đầu tiên của tôi. Khí của tôi trở nên dương, và dương lại kéo theo dương. Tôi có may mắn được học với một ông Thầy Hiệp Khí Đạo rất giỏi, và ngày nay tôi đã đạt tới trình độ để có thể giảng dạy về cái khí dương cho nhiều người khác trên thế giới.

    Đối với những người trẻ tuổi muốn sửa soạn phát triển cho tương lai, thì điều quan trọng là thức dậy buổi sáng, gạt bỏ mọi huyễn tưởng hồi đêm, nhỏm ngay dậy, và nhìn ngay trước mặt với một thái độ tích cực này: « Ta sẽ làm được nhiều việc tốt hôm nay » Bước đầu tiên khởi hành thường dẫn tới ngàn dặm tiến bộ. Hãy thực hiện cái kỷ luật buổi sáng đó, hãy bắt đầu ngay tự bây giờ.
  7. blueriverhn

    blueriverhn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/07/2005
    Bài viết:
    113
    Đã được thích:
    0
    KimQui khiem ton qua.
    Di nhien nhung tai lieu hay nhu vay thi moi nguoi rat hoan nghenh roi.
  8. Tristian_the_fall

    Tristian_the_fall Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/04/2004
    Bài viết:
    903
    Đã được thích:
    0
    Surely I will, thank you very much!
  9. KIMQUIUFC

    KIMQUIUFC Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/08/2005
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    CHƯƠNG MƯỜI
    -------------------------------------------------------------------------------
    NGỦ
    Buổi sáng, muốn tỉnh ngủ hẳn, thì ban đêm bạn phải ngủ say, bởi vì trong khi bạn ngủ thì sức mạnh cơ thể bạn được phục hồi sau một ngày làm việc. Những người không ngủ được, hoặc ngủ ít, nhưng buổi sáng vẫn thức dậy như thường, thì mí mắt nặng như chì, và đầu thì lơ mơ. Đây là những người nằm lì ra trên giường đến phút cuối cùng, chẳng buồn ngủ cũng chẳng tỉnh ngủ hẳn.
    Ban đêm, khi ta giao phó thân thể ta hoàn toàn cho vũ trụ, trong lúc ta ngủ, thì cả bộ óc của ta an nghỉ. Lúc đó cái khí của vũ trụ đi qua óc ta và thấm nhuần thể xác ta, bình phục sức mạnh của ta và làm cho ta sẵn sàng thức tỉnh hẳn vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu óc ta xao động mà không an nghỉ, thì những trở ngại đó làm ngăn lại dòng chảy của khí, và buổi sáng khi ta thức dậy, bởi lẽ ta không đủ khí, ta không thể tỉnh ngủ hẳn được. Cũng vì thế mà một giấc ngủ ngắn nhưng thật say còn tốt hơn là một giấc ngủ dài mà chập chờn.
    Ta thường nói rằng có năm thứ tối cần cho loài người là: đồ để mặc, thực phẩm để ăn, một chỗ ngủ, không khí và nước. Câu nói đó chỉ đúng trong những xã hội văn minh, nhưng trong những xứ chưa phát triển ở miền Nam, thì những thứ đó không phải bao giờ cũng cần thiết. Tại một vài nơi người ta có thể sống khỏa thân, và ngủ trong bóng cây. Thực phẩm, khí trời và nước, trái lại, rất là cần thiết cho bất cứ mọi người và bất cứ ở đâu.
    Nhưng ba thứ đó có thật là đủ chưa ? Chưa. Khí cũng cần thiết, và ta nhận lãnh khí trong khi ta ngủ. Cho dù ta có đủ năm yếu tố cần thiết nói trên, nhưng nếu không ngủ thì ta không thể nào sống nổi. Nói cách khác, người ta không thể sống được nếu không có khí.
    Ban ngày, nếu ta duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí ta luôn luôn thông hợp với khí của vũ trụ, thì ta ở trong một điều kiện tốt. Nhưng nếu ta cứ làm như vậy mãi mà không nghỉ ngơi thì ta sẽ tiêu dùng hết khí đi, và rồi cái số lượng tuyệt đối của khí sẽ giảm mất dần. Muốn làm đầu lại số đó, ta phải ngủ.
    Những người ban ngày giữ cho khí được chảy điều hòa, thì ban đêm khi ngủ họ sẽ lấy khí vào thực nhiều. Cũng vậy, những người mà ban ngày không giữ cho khí được thông chảy, thì ban đêm cũng lấy khí vào khó khăn, và vì thế mà rất khó ngủ. Kết quả là người nào ngủ được say, ngủ được khỏe, thì bao giờ cũng có một dòng khí chảy được thông và mỗi ngày một khỏe thêm lên, còn người nào ốm yếu thì có một dòng khí chảy chậm chạp, và mỗi ngày một yếu đuối hơn.
    Rất nhiều người khinh thường sự ngủ và không biết đây là một nguồn cung ứng khí hạo nhiên. Họ không coi giờ ngủ của họ làm trọng, lấy không đủ khí, trở nên đau yếu, và làm cho khí không chảy đựơc thông nữa. Họ phải dùng đến thuốc ngủ, nếu không thì đêm không ngủ được. Và như vậy họ đã vô tình làm đời họ ngắn đi mà không hay.
    Bởi lẽ một người học Hiệp Khí Đạo đúng cách bao giờ cũng giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và suốt ngày làm cho dòng khí hoạt động không ngừng, đêm đến hắn phải làm sao vừa đặt đầu lên gối chừng độ ba mươi giây hay một phút là ngủ được say rồi. Hơn nữa, nếu ban ngày bạn có được mươi hay mười lăm phút rảnh rang, và nếu bạn muốn, bạn luôn luôn có thể ngủ say được. Chỉ cần thức dậy thật tỉnh táo, suốt ngày giữ được cho dòng khí luôn luôn hoạt động, và ban đêm bổ khuyết thêm khí, và bạn có thể đi trên đường đời trong sáng và khỏe mạnh.
    Có lần tôi ở nhà một vị bác sĩ trong vài hôm, và tôi thường thấy vị bác sĩ đó hay uống một thứ thuốc gì ban đêm. Khi tôi hỏi vị đó thuốc gì, thì vị đó nói : « Thuốc ngủ ». Rồi tôi hỏi xem thuốc ngủ có hại đến cơ thể không, thì ông ta bảo ông ta thừa biết là thuốc ngủ có hại, nhưng không có nó ông ta không thể nào ngủ cho được. Ông ta cũng nói rằng ông ta không thể bỏ thói quen uống thuốc ngủ được, vì ông ta phải ngủ để có sức làm việc sáng hôm sau. Mới đầu, ông ta chỉ uống một viên là ngủ được, nhưng bây giờ ông phải uống đến hai viên. Khi tôi hỏi vị bác sĩ đó xem có muốn thử một phương pháp ngủ mà không cần phải uống thuốc không, thì ông ta bảo ông muốn lắm chứ. Ngay ngày hôm sau tôi dạy ông ta Hiệp Khí Đạo, tất nhiên không phải là dạy ông ta cách đánh té đối thủ xuống sàn, nhưng dạy những bài tập giống như tôi đã trình bày trong chương nói về cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Tôi cũng chỉ cho ông ta biết tinh thần điều động thể xác ra sao, sự hợp nhất giữa thể xác và tinh thần có thể mang đến một sức mạnh như thế nào, và điều quan trọng căn bản phải duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới để hợp nhất thể xác với tinh thần ra sao. Rồi tôi khuyên ông ta rằng đêm hôm đó, khi sắp sửa ngủ, thì ông ta nên vào thẳng giường mà đừng dùng thuốc ngủ. Nếu mất ngủ một đêm thì cũng chẳng chết được mà sợ. Tôi nói với ông ta rằng nếu buồn ngủ thì ông ta sẽ ngủ, nhưng nếu không ngủ được thì ngày hôm sau cứ nghỉ làm việc đi một ngày cũng không sao hết. Tôi nói: « Cứ cố thức suốt đêm. Nếu nằm yên đó không làm gì cả mà bác sĩ chán, thì cố tập cái điểm duy nhất nơi bụng dưới mà tôi đã chỉ cho bác sĩ hồi sáng ngày. Mười phút tập là mười phút thêm sức mạnh. Nếu tập cả đêm, thì bác sĩ có thể có được nhiều sức mạnh hơn. Dù sao đi nữa, nếu bác sĩ không ngủ được, thì bác sĩ nên xử dụng cái thời gian đó một cách hữu ích. Cứ nằm duỗi thẳng trên giường, chân tay duỗi thẳng xuống thoải mái, và tập cách tập trung tinh thần bác sĩ vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới ».
    Rồi tôi khuyên ông ta nên chú ý đến điểm sau đây. Những người mất ngủ thường thường bị ở vào một tình trạng mà máu thường lưu chuyển lên đầu rất nhiều. Đầu nóng lên, và chân tay thì lạnh ngắt. Bất cứ khi nào bác sĩ cảm thấy gối nóng quá, thì chính là lúc mà máu đang dồn cả lên đầu. Ta có thể thay đổi tình trạng đó bằng tư tưởng ta. Bác sĩ chỉ cần dồn hết tinh thần bác sĩ vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và tập trung hết tư tưởng nghĩ rằng máu đang chảy đi từ điểm đó tới ngón chân bác sĩ. Chỉ dùng tư tưởng, bác sĩ có thể làm cho máu chảy xuống chân và làm cho chân nóng thiệt nóng. Rồi ngày mai thử thí nghiệm xem bác sĩ có thể phát triển được bao nhiêu sức mạnh bằng cách xử dụng cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó. Nói thế xong rồi tôi cáo từ ông bác sĩ.
    Ngày hôm nay tôi gặp lại ông ta, thì ông ta bảo tôi rằng đêm hôm trước ông ta nghe lời tôi tập rất nhiều, rồi ông ta ngủ đi lúc nào không biết, cho đến tận bảy giờ sáng mới thức dậy. Ông ta nói : « Thường thường, khi tôi uống thuốc ngủ, thì tôi ngủ đến chừng bốn giờ sáng, và mặc dù tôi cố ngủ lại thế nào đi nữa, tôi vẫn không thể ngủ lại được ; nhưng sáng nay tôi đã ngủ được đến bảy giờ sáng, ngủ say sưa như chết ! » Ông ta cũng nói thêm là đã lâu lắm rồi ông ta chưa bao giờ cảm thấy khỏe khoắn như sáng hôm đó. Và từ khi học được cách đi ngủ mà khỏi cần uống thuốc, vị bác sĩ đó đã trở nên một đồ đệ hăng say của Hiệp Khí Đạo.
    Đổ nước vào chậu và khuấy nó lên. Bây giờ bạn thử cho nước lắng xuống bằng cách lấy tay ngừng nó lại; muốn làm thế nào thì làm, bạn chỉ càng làm cho nó đục vẩn lên mà thôi. Nào, bây giờ bạn thử để nó yên, đừng động gì đến nó; và rồi tự nó, nó sẽ lắng xuống. Bộ óc con người cũng như thế. Lúc bạn nghĩ ngợi, bạn làm cho những làn sóng óc chuyển động. Muốn làm cho chúng êm ả lại bằng cách nghĩ ngợi nữa, thì đó là một cố gắng vô ích. Những người mất ngủ nằm trằn trọc và nghĩ : « Ngủ đi, ngủ đi ! », lại càng làm cho óc mình xao động thêm lên mà thôi. Khó ngủ, bởi vì lúc muốn ngủ, họ cứ nghĩ nghĩ, ngợi ngợi, khiến cho óc họ càng khuấy động. Mới đầu họ có những tư tưởng đại khái: « Nếu mình không chợp mắt được, thì mai mình sẽ không làm việc được », và rồi đâm ra có những ý nghĩ vô ích hơn đại khái như: « Thằng cha ấy hôm nay nói xấu mình điều gì không biết », và rồi thì hoàn toàn không thể nhắm mắt được một chút nào cả. Khi trí bạn bị xao động, thì bạn nên nằm hết sức thẳng, và rồi tự nó, nó sẽ yên tĩnh trở lại. Khi trí đã yên tĩnh rồi, thì giấc ngủ sẽ đến ngay với bạn. Thói quen đếm đến mười, cho đến khi bạn ngủ, cũng là do cái nguyên tắc đó mà ra. Bạn không cần phải nghĩ rằng bạn đếm tới mười, và khi bạn lặp đi lặp lại từ một đến mười như một cái máy, thì trí bạn sẽ yên tĩnh, và bạn ngủ ngay. Trái lại, rất nhiều người thấy phương pháp này không ăn thua gì cả.
    Trước hết, ta phải giữ vững một lòng tin rằng nếu ta không ngủ được, thì thà ta cứ thức còn hơn. Người ta không thể sống được nếu không ngủ, và rồi sớm muộn thế nào giấc ngủ cũng phải tới. Bởi vì nếu bạn thực sự buồn ngủ thì bạn không thể nào thức được, cho nên cứ cố gắng để ngủ thì thật vô ích. Khi bạn thức, bạn hãy hoạt động cho đầy đủ; và khi bạn vào giường, bạn sẽ có thể ngủ được. Nếu bạn không ngủ được, thì đừng nên có cảm tưởng rằng thế nào bạn cũng phải ngủ.
    Điều quan trọng thứ hai cần phải để ý đến là tập trung tư tưởng bạn lại. Nếu tư tưởng bạn phân tán như những lớp sóng biển, thì lúc bạn vừa nghĩ đến một điều, thì những điều khác lại nổi lên, tiếp nối nhau. Nếu bạn tập trung tư tưởng bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì khi những tư tưởng nhấp nhô trong trí bạn, bạn sẽ có thể không chú ý đến chúng. Chúng sẽ héo tàn đi như những ngọn cỏ không rễ, và bạn sẽ bình tâm trở lại và có thể ngủ được.
    Điều thứ ba là luôn luôn giữ cho đầu bạn được mát và hai chân bạn nóng, bởi vì thường thường máu trong cơ thể dồn lên đầu và làm cho nó nóng và nhức nhối bầng bầng, trong khi chân lại bị lạnh, cho nên bạn sẽ khó ngủ. Ngày xưa, các cụ thường có quan niệm rất đúng là phương pháp để sống lành mạnh nhất là luôn luôn giữ cho đầu mát mẻ và chân tay ấm áp. Nếu bạn theo lời khuyên này, bạn sẽ thấy là bạn có thể ngủ được ngon lành.
    Trong những trường hợp như thế, hãy tập cách chuyển sự chú ý của bạn bằng cách dồn khí bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới (xem Chương năm, đoạn 2, thí dụ 1). Nếu bạn dùng tất cả trí óc bạn nghĩ rằng máu đang dần dần chảy xuống các đầu ngón chân, thì nó sẽ chảy xuống, và chân bạn sẽ ấm hơn và đầu bạn sẽ mát đi. Ngay cả trong những trường hợp hai chân bạn buốt giá đến nỗi hơ lửa chúng cũng không ấm lại được, phương pháp vừa nói cũng vẫn hữu hiệu. Nên nhớ rằng cho dù bạn đã chuyển sự chú ý của bạn, nhưng nếu bạn không giữ cái điểm duy nhất nơi bụng dưới thì tác dụng của nó cũng sẽ không nhiều mấy. Khi nào cố chợp mắt để ngủ mà không ngủ được, thì bạn nên thử áp dụng phương pháp đã nói.
    Phương pháp đó thế nào cũng hiệu nghiệm, nhưng chớ nên hấp tấp. Nếu lúc đầu bạn không ngủ được, bạn hãy tập cái điểm duy nhất nơi bụng dưới để tiết kiệm thời giờ của bạn.
    Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng buổi chiều trước hôm có việc gì quan trọng sắp xảy ra thì ta không tài nào ngủ cho được, vì ta lo lắng, nhưng mặc dù ta biết rằng thế nào ta cũng phải chợp mắt để cho có sức. Nếu theo phương pháp trên mà bạn vẫn không ngủ được, thì đó là bởi vì máu đã dồn lên óc bạn nhiều đến nỗi bạn không thể nào tập trung tư tưởng bạn ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Trong trường hợp đó, bạn hãy bỏ ra ba mươi phút tập phương pháp hô hấp misogi. Nếu bạn không có từng ấy thời giờ, thì bạn hãy nằm xuống và tập như sau (áp dụng phương pháp hô hấp misogi đã nói):
    1. Nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng. Thở ra bằng mũi, và nhắm hơi thở vào chỗ hõm ở bụng. Dồn hơi thở đó cùng với toàn lực của bạn của bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Giữ như thế đến năm giây đồng hồ và dùng hết tâm trí nghĩ rằng máu bạn đang chảy xuống các đầu ngón chân.
    2. Giữ khí của bạn tại cái điểm duy nhất đó, nhưng để cho toàn thân được thoải mái, và thở ra đằng mũi. Trong khi làm như thế, bạn vẫn cứ nghĩ rằng máu bạn đang chảy xuống các đầu ngón chân. Nói khác đi, khi bạn hít vô cũng như khi bạn thở ra, hãy luôn luôn giữ khí của bạn ở tại điểm duy nhất, và tiếp tục cho máu chảy xuôi xuống.
    Làm như thế nhiều lần, giữ lấy cái điểm duy nhất và để cho toàn thân được thoải mái, và như thế bạn có thể duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới một cách đúng đường. Một khi đã nắm vững cái điểm duy nhất đó rồi, thì bạn có thể bắt đầu tập phương pháp đã nói trước đây.
    Nếu đêm nào bạn cũng theo phương pháp này, thì không những đêm nào bạn cũng ngủ được, mà ban ngày, cho dù ở nơi ồn ào đến mấy, hoặc bạn sắp sửa phải đối diện một biến cố gì, bạn cũng sẽ có thể ngủ được nếu bạn muốn. Và rồi bạn sẽ có thể tỉnh táo, khả năng suy nghĩ được dồi dào hơn, nếu bạn ngủ được chừng năm mười phút, thay vì dùng một bộ óc đã mệt.
    Ai không ngủ được sẽ ghen với người có thể ngả lưng trong chốc lát và thật say. Muốn có thể ngủ được bất cứ khi nào bạn muốn là một thuật đặc biệt, và còn là một yếu tố quan trọng cho sức khỏe.
    Dồn khí của bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và hợp nhất tinh thần bạn trong lúc bạn ngủ còn có một ý nghĩ quan trọng hơn nữa. Trong lúc ngủ trong tiềm thức bạn, bạn hợp nhất tinh thần bạn lại, để khi thức dậy bạn có thể tỉnh ngủ hẳn. Những người kém ngủ thường khi thức dậy uể oải, tinh thần phân tán và nằm vật vã trên giường. Người ta thường kể một câu truyện rằng có một người trong binh nghiệp nửa đêm, đang ngủ, mà nhỏm ngay dậy và quật ngã một tên trộm lúc nó đang sắp sửa sờ đến người ông ta. Sở dĩ ông ta làm được như thế là vì tinh thần ông ta được hợp nhất ngay cả trong lúc ông ta ngủ. Không phải, như có người nói, là khi thể xác ngủ thì tinh thần không ngủ đâu. Nhưng đúng ra mặc dù tinh thần có ngủ đấy, nhưng vì nó được hợp nhất nên lúc nào nó cũng có thể tỉnh táo ngay tức thì.
  10. KIMQUIUFC

    KIMQUIUFC Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/08/2005
    Bài viết:
    258
    Đã được thích:
    0
    CHƯƠNG MƯỜI MỘT --------------------------------------------------------------------------------
    TIỀM THỨC
    Sự tập luyện càng hữu hiệu hơn nếu ta biết hưởng dụng đúng cách giấc ngủ của ta, nghĩa làlúc mà ta nhận lãnh khí của vũ trụ. Một phần ba đời ta được tiêu dùng trong giấc ngủ, cho nên nếu ta biết sử dụng cái thời giờ đó đúngđường, ta sẽ thấy đời ta hoàn toàn đổi khác. Tập luyện ở phòng tập không phải là tất cả Hiệp Khí Ðạo. Ta phải có thể tập được 24 giờ mỗi ngày, trong lúc ta ngủ cũng như trong lúc ta thức.
    Người nào cũng có những tập quán riêng của mình. Ta chẳng cần gạt bỏ đi những thói quen nào, tuy rằng có thể khôi hài, nhưng không có hại : tuy nhiên, ta nhất định phải trừ tuyệt những thói quen khiến ta nhầm lẫn, làm kẻ khác phiền hà hoặc khó chịu. Bởi lẽ những thói quen như dễ cáu giận, dễ chán nản, buồn sầu và bảo thủ cực đoan, là những cản trở lớn, cho nên ta phải sửa chúng. Chẳng có ích lợi gì nếu ta cứ tự bào chữa cho ta bằng cách ngụy biện rằng bạn đã trót quen rồi, rằng chẳng hạn, bạn không thể không nhịn nổi cáu khi nhìn thấy hay gặp phải một việc nào đó. Cũng chẳng có ích lợi gì nếu bạn luôn luôn bi quan và có cảm tưởng rằng : « Mình có giỏi giang gì đâu ! Cái đó có ăn thua gì ! » Nhưng nếu bạn muốn sửa đổi thói xấu của bạn, thì bạn có thể sửa đổi được. Ý thức của ta, hoặc là những diễn trình tư tưởng của ta, bảo cho ta biết chẳng hạn : « Ðây là một gói thuốc lá ».
    Khi ta nhìn thấy gói thuốc lá, tuy nhiên, thì trong sự nhận thức của ta gồm có tất cả những kinh nghiệm của ta về thuốc lá. Thí dụ, ý niệm về loại thuốc lá, giá tiền, số điếu thuốc trong mỗi bao, và cái vị của nó. Toàn thể những kinh nghiệm đã qua đó tạo nên tiềm thức. Nói khác đi, khi nhìn thấy một vật gì, tất cả những thứ gì có liên quan đến vật đó do tiềm thức mang tới cho ta thì tụ tập lại để tạo nên ý thức. Một người chưa hề thấy hoặc nghe thấy nói về thuốc lá thì không có được cái chất liệu của tiềm thức về nó, cho nên khi người đó nhìn thấy thuốc lá, hắn không thể tức thì có ngay được cái ý niệm là : « Ðây là một gói thuốc lá ». Hắn chỉ có thể nói : « Ðây là một vật có hình vuông », và rồi quan sát và sờ mó nó để đi tới một quan niệm chung chung về nó.
    Một hiện tượng tương tự xảy ra khi ta dùng lời nói. Mỗi người khi nghe thấy một lời nói thì chỉ hiểu được nó có nghĩa gì khi nhớ lại trong tiềm thức tất cả những gì có liên quan đến lời nói đó, và cái chất tiềm thức đó sẽ làm cho mỗi người có một cách giải thích khác nhau về lời nói.
    Tiềm-thức ðÐối Tượng ðÝ Thức
    Nếu vì ý thức như một căn nhà, thì tiềm thức có thể ví như một nhà kho trong đó có chứa những dụng cụ xây cất. Nghĩa là, đó là một nhà kho tinh thần trong đó có chứa tất cả những sự khác nhau lớn hay nhỏ, sâu xa hay nông cạn về toàn thể kiến thức và kinh nghiệm của ta.
    Rui, kèo, cột mà cháy thì không thể làm thành được một căn nhà tốt được. Muốn được một căn nhà tốt, bạn phải có những chất liệu tốt. Cũng thế, nếu bạn muốn tạo được một phần ý thức tốt, bạn phải có những vật liệu tốt chất chứa trong phần tiềm thức của bạn. Nếu những chất liệu đó chỉ dùng để cáu giận, thì bất cứ bạn nhìn thấy gì, nghe thấy gì, bạn cũng nổi dóa. Bạn cũng không thể dùng phần ý thức của bạn mà làm cho bạn nguôi dịu được bởi vì nhưng chất liệu đó sẽ luôn luôn nhóm lên ở phứa trước, và bạn không còn làm cách nào kiềm chế được bạn cả. Rồi bạn đâm ra có khuynh hướng đổ lỗi cho nơi khác. Thí dụ bạn sẽ nói : « Tính trời sinh ra tôi như thế », hoặc « Tôi đâu có ra cái gì đâu ! ».
    Khi một đứa trẻ phạm phải một lỗi gì mà bạn mắng nó : « Tao đã bảo mày rồi kia mà ! », thì đó không phải là một lối dạy dỗ trẻ con đúng đường. Mặc dù đứa trẻ biết lỗi của nó, nhưng phần tiềm thức của nó sẽ không thay đổi, và hắn có thể hiểu sai lời mắng đi. Cuối cùng hắn có thể bó tay chịu, cho rằng nó hư đốn thực thụ rồi, và rồi hắn sẽ làm nhiều điều bậy khác. Chỉ khi nào ta hoàn toànthay đổi tính tình ta cho đến tận phần tiềm thức, thì ta mới có thể bỏ đi những thói xấu của ta được.
    Nhiều người có cảm tưởng rằng, tự ta, họ không thế nào thay đổi phần tiềm thức của họ được hoặc vì lẽ họ không biết thay đổi ra làm sao, hoặc là vì họ biết cách nhưng thử mãi mà không thấy kết quả nên đành bó tay chịu luôn. Bởi họ cho rằng họ không thế nào tự mình thay đổi được hết, hoặc họ không thế nào bỏ được thói xấu của họ đi cả.
    Một giọt nước lã giỏ vào một táchnước trà sẽ không thay đổi màu nước trà cũng như vị của nó. Hai giọt nước lã cũng không thay đổi được mấy, nhưng nếu ta cứ tiếp tục giỏ mãi, giỏ mãi, thì cả màu trà lẫn vị trà sẽ đổi thay. Nhiều người vội vã kết luận rằng vì một hai giọt nỗ lực không thể thay đổi được tiềm thức cho nên ta chẳng bao giờ có thể thay đổi được nó cả. Nhưng sự thực là, cũng như tách nước trà, nếu ta cứ tiếp tục nỗ lực,thì nó sẽ phải đổi thay.
    Ta thường bị ngoại giới ảnh hưởng vào tính tình của ta. Khi trời đẹp, ta cũng cảm thấy tâm hồn thơ thới, nhưng khi trời nhiều mây, ta cũng lại cảm thấy tâm hồn nặng nề. Ai khen ta, ta cảm thấy sung sướng; ai chê ta, ta cảm thấy buồn bã. Người nước này khác với người nước khác. Lịch sử, phong tục, tập quán, khí hậu và địa dư đều có ảnh hưởng tới các dân tộc trên thế giới và làm cho các dân tộc khác nhau.
    Tất cả những dị biệt đó đều do hoàn cảnh ngoại giới mà ra. Thường thường thì màu xanh lá cây làm dịu mắt, và màu đỏ làm ta kích thích. Không phải chỉ riêng những con bò rừng Tây Ban Nha mới là những loài vật hễ thấy màu đỏ là nổi xung lên đâu. Ngày xưa, muốn nhận ra được một kẻ có tội, thì người ta thường nhốt tất cả những người bị tình nghi vào một căn phòng kín sơn màu đỏ. Kẻ có tội thực tình sẽ chỉ thấy toàn là màu đỏ, đâu đâu cũng đỏ cả. Hắn sẽ không vững tâm được ; cho dù khi hắn nhắm mắt lại hắn cũng vẫn thấy đỏ ! Và rồi cuối cùng hắn sẽ hóa điên.
    Trái lại, các thành phố trên thế giới thường hay trồng cây bên lề đường bởi vì màu xanh lá cây làm ta thoải mái, và lý do ta hay về đồng quê cũng là vì cảnh vật đồng quê làm tâm hồn ta êm ả. Phần tiềm thức hiện nay của ta là kết quả một thời kỳ dài của những kinh nghiệm về ý thức do ngoại giới mang lại cho ta. Lẽ dĩ nhiên phải cần hơn một hai giọt cố gắng mới thay đổi cái nội dung trong tiềm thức ta được.
    Thay đổi tiềm thức có nghĩa là phải quyết liệt chỉ lấy những chất liệu tốt cho nó mà thôi. Mặc dù cho đến phút này bạn chưa được sửa soạn và thường thu lượm bất cứ chất liệu nào bạn gặp phải, nhưng từ nay trở đi bạn chỉ nên lựa chọn cái gì tốt mà gạt bỏ mọi cái khác. Cái quan năng lựa chọn và hủy bỏ đó của con người là cái ý chí của ta vậy.
    Ảnh hưởng mạnh cũng có, mà ảnh hưởng yếu cũng có. Một ảnh hưởng yếu có thể không ăn sâu vào tiềm thức ta, nhưng cứ lặp đi lặp lại một thời gian, nó có thể trở nên ảnh hưởng mạnh. Một thanh niên tưởng rằng, vì mình là một người bền vững, cho nên giao du với bạn bè hư hỏng cũng chẳng ăn nhằm gì, nhưng rồi nếu hắn cứ tiếp tục giao du mãi, ắt sẽ cũng có ngày hắn trở nên hư hỏng. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, là vậy.
    Một ảnh hưởng mạnh thì thường ăn sâu vào tiềm thức ta. Một đám cháy dữ dội nhìn thấy hồi ấu thơ sẽ có thể trở thành nguyên nhân cho rất nhiều giấc mơ về cháy trong mười, mười hai năm sau. Sự sợ hãi lửa do đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức ta trong rất nhiều năm. Trái lại, một kẻ độc ác nếu gặp được một vĩ nhân có thể sẽ trở nên hoàn toàn sửa đổi và trở thành người tốt. Bởi lẽ chắc chắn là bạn đã thấy được cái tác dụng mạnh mẽ do một ảnh hưởng nào đó gây ra cho tiềm thức ta, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng bất cứ trong hoàn cảnh thuận tiện nào ta cũng nên lánh xa những người xấu và tìm cách giao du với những người tốt và những vĩ nhân.
    Một điều bất hạnh là trên thế giới này không phải chỉ gồm toàn những người có hoàn cảnh tốt, may mắn. Trái lại, đa số chúng ta lại ở vào những hoàn cảnh xấu xa mà chẳng biết tin cậy vào ai.
    Chúng ta đâm ra qui lỗi cho xã hội xấu, cho hoàn cảnh xấu, và nếu chúng ta có trở nên xấu thì cho đó là điều tự nhiên.
    Nhưng bất cứ trong hoàn cảnh nào, ta phải dựng tạo nên cá tính của ta. Cái gì cũng đổ lỗi cho xã hội xấu thì cũng chẳng khác gì một chính trị gia bề ngoài thì rất tận tụy cho hòa bình nhưng trong lòng thì lại tin rằng mặc kệ cho xã hội muốn ra sao thì ra. Mỗi người chịu trách nhiệm về mình, và vũ trụ đã cho mỗi người chúng ta cái phương tiện để đối phó với trách nhiệm đó.
    Phương tiện đó là nguyên tắc Hiệp Khí Ðạo. Luôn luôn duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và giữ cho khí luôn luôn thông hợp, và rồi trái tim bạn sẽ trở nên cứng rắn, không bị những ảnh hưởng xấu lôi cuốn. Mặc dù khí âm làm cho mọi vật trở thành âm và nhiễm cái chất liệu âm vào trong tiềm thức ta, nhưng khí dương lại có thể biến mọi thứ thành dương và nhiễm những ảnh hưởng tích cực vào trong tiềm thức. Kể từ hôm nay, bạn hãy quyết tâm xa lánh mọi ảnh hưởng tiêu cực và nhất định chỉ mang những ảnh hưởng tích cực vào tiềm thức mà thôi, thì dần dần , từng giọt lại từng giọt bạn sẽ có thể thay đổi cái nội dung của tiềm thức bạn.
    Cuối cùng bạn sẽ có thể phát lộ được cái tinh thần thánh thiện, làm cho lý trí bạn, động vật tính, thảo mộc tính và vật tính của bạn phụ thuộc vào tinh thần thánh thiện, đạt tới một cõi mà bạn có thể đi theo đường của tinh thần bạn đã vạch ra, không bao giờ phạm qui luật, sau khi đã sửa chữa tất cả nhưng thói xấu của bạn.
    Tuy nhiên, đôi khi ta cũng chểnh mảng, lơ đãng, nhưng dù sao đó cũng là lẽ thường, và đó chính là lúc mà những ảnh hưởng xấu đã lọt vào tiềm thức của bạn, cho dù chỉ một chút mà thôi. Nhưng nếu ta không có thái độ hay hành động gì ở cái xấu đó thì nó sẽ lan rộng như một cơn giông bão mùa hè cho đến khi toàn thể tinh thần ta tối đen. Ðôi khi chỉ có một việc rất nhỏ nhoi nó cũng có thể làm ta khó chịu, rồi ta đâm ra cáu giận thực sự. Những chuyện như vậy rất có ảnh hưởng đến tiềm thức ta, và nếu cứ để nguyên nó sẽ lớn như những đám mây giông mùa hạ, cho nên vì thế ta phải bóp chúng chết ngay từ trong trứng. Những cảm giác đó chỉ có thể phá bỏ đi khi hãy còn mới mẻ, nhưng một khi chúng đã lan rộng ra rồi, thì phải cố gắng lắm ta mới trừ bỏ được. Khi một tư tưởng xấu nào hiện lên trong óc bạn, thì bạn hãy thở hắt ra mạnh một cái, ném cái tư tưởng nó đi, và nghĩ ngay đến những tư tưởng tốt, tích cực.
    Thí dụ, nếu bạn đang sửa soạn đi ra cửa, bỗng nhiên bạn có cảm tưởng rằng sắp sửa có chuyện gì xấu sẽ xảy đến cho bạn, và rồi bạn cứ để cho cảm tưởng đó bám lấy bạn, thì khí của bạn sẽ mỗi lúc một trở nên tiêu cực, và rồi bạn lại càng tin tưởng rằng một chuyện gì xấu sẽ sắp sửa xảy đến cho bạn thật. Mà rồi thể nào nó cũng sẽ xảy đến. Bạn có thể ngụy biện là hôm nay khi bạn sắp sửa đi ra cửa, bạn cảm thấy khó chịu thế nào ấy, nhưng có thể không biết chừng đó lại là linh tính báo trước cho bạn biết đấy ! Lẽ dĩ nhiên có điềm xấu, nhưng rất nhiều, khi chính ta đã muốn có chuyện xấu xảy đến cho ta !
    Trong những trường hợp như thế, thì bạn hãy thở ra thực mạnh như là bạn nhổ cái tư tưởng xấu đó ra, và rồi ngăn chặn nó ngay, không cho nó lan tràn trong óc bạn nữa. Rồi bạn hãy tự nhủ : « Ta phải đi bây giờ. Ta phải có lòng tin tưởng, bởi vì nhiều khí dương sẽ chỉ lôi cuốn theo tư tưởng tích cực và giúp ta tránh được tư tưởng tiêu cực ». Rồi bạn biến khí của bạn thành dương, và không cho khí âm có thể len lỏi vào óc bạn nữa. Hãy cẩn thận giữ gìn tư tưởng tích cực đó mãi bởi vì điềm hung có thể xảy ra thực sự. Chúng tôi được biết trường hợp một người cảnh sát sắp sửa tóm được một phạm nhân, bỗng dưng có linh tính là một việc gì nguy hiểm sắp sửa xảy đến, bèn biến khí của mình thành dương, và may mắn thay né tránh thoát được ba phát súng của tên phạm nhân đó.
    Ở Nhật Bản, phương pháp hô hấp rất là thịnh hành và nổi tiếng là một bí quyết để tránh khỏi điềm dữ. Người nào không thể thay đổi tính hay cáu giận của mình được, thì bất cứ lúc nào cảm thấy sắp sửa cáu người đó nên thở ra thật mạnh, đứng ngay dậy, đi ra khỏi cửa, biến tư tưởng mình từ tiêu cực sang tích cực, rồi quay trở lại nhà. Bằng cách đó hắn có thể vượt qua được thói xấu của mình. Ðức tin sinh ra sức mạnh. Phương pháp hô hấp này đòi hỏi một đức tin. (Trong trường hợp ở chỗ đông người, thở mạnh ra như vậy không tiện, thì bạn hãy co cứng bụng dưới bạn trong chốc lát rồi đổi hơi thở, như vậy cũng hữu hiệu lắm).
    Ta mới vừa nói đến cách tiêm nhiễm những ảnh hưởng tốt vào tiềm thức khi ta thức mà thôi, nhưng những phương pháp trong khi ta ngủ cũng không kém phần quan trọng, bởi lẽ ta không để cho những ảnh hưởng xấu thâm nhập tiềm thức ta trong suốt một phần ba đời ta lúc ta ngủ.

Chia sẻ trang này