1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa - Nguyễn Tuân

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi despi, 06/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa - Nguyễn Tuân

    Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa

    nguyễn tuân

    Đến hôm ấy thì bệnh tình quả đã nguy kịch lắm. Biết sức sống của mình bấy giờ chỉ còn là một việc trong giới hạn của khoảnh khắc, người Khách bán thuốc ơ bèn cho thỉnh vợ chồng chủ nhà vào buồng bệnh. Lúc ấy, đêm đang đi tới giữa canh tư. Bóng tối không một tiếng động, trang nghiêm nín lặng như muốn đón chờ một lời nói gì quan hệ của loài người. Một con châu chấu ma vỡ bụng đánh bép một cái, hóa kiếp trong khoảng nóng sáng xoàng xĩnh của quang đèn dầu sở buông thõng trên đầu giường người ốm chờ chết. Ngang giời gần sáng, lọt rơi xuống một tiếng khàn gọn của chim lợn đi tìm ăn. Lòng trắng tròng mắt người Khách bán thuốc ơ đã đưa ngược lên nhiều lần và nhanh thêm mãi. Hơi thở dồn của con bệnh chỉ còn có nhả ra chứ không hít vào. Cái lúc này, những người biết mình sắp lên đường để đi hẳn ra khỏi cuộc đời này, thường giối giăng lại một câu gì.

    Người Khách bán thuốc ơ liền rút khỏi dưới chiếc gối một cuốn sách mỏng cũ bìa cứng trao cho vợ chồng chủ nhà, cầm lấy bàn tay người chồng và nhìn thẳng vào mặt người vợ mà nói thều thào:

    - Ôông phà tối với tôi tử tế quá. Tôi khôông pết láy gì mà tìn ôn ôông phà. Ôông phà giữ láy sếch lầy. Tôi chét ti rồi, ôông phà cứ làm theo cho túng với những tiều lói trông sách gia phả lầy, ôông phà sẽ có một cái gia tài lớn lám à.

    Vợ chồng chủ nhà tỏ vẻ ngậm ngùi, an ủi lại:

    - Chú chỉ nói dại thôi. Cố mà uống thuốc thang đi cho chóng khỏi. Rồi chịu khó cơm cháo cho đều. Vợ chồng tôi không dám nề hà điều gì. Giời còn cho chú sống làm người. Đừng có nói gở.

    - Cảm ơn ôông phà,

    Con bệnh vừa nói một cách khó nhọc vừa lắc đầu rồi nấc lên một tiếng mạnh, cánh tay đang giơ lên cứng hẳn ra. ánh đèn dầu bông trên quang lóe bốc cùng theo với tiếng nấc rồi lại mờ lu đi ngay. Vợ chồng chủ nhà vốn là người có tôn giáo, đều lẩm bẩm "Nam vô A Di Dà Phật" không ngớt. Bỗng chú Khách thuốc ơ hồi sinh lại, mắt có thần lại, mệt mỏi nhìn ngược lên như muốn ghi lấy một cái gì trên thượng lương. Kẻ hấp hối thở dài một tiếng. Nghe cái tiếng thở dài ấy, thực không ai còn muốn sống nữa. Hình như muốn dùng chút tàn lực vào việc gì đó, chú Khách cố nghển dậy, uốn cong mình lên, chống một tay xuống dưới hông, còn một tay thì cố dứt đứt hàng khuy ngực tấm áo trấn thủ. Nhưng đuối sức quá, người Khách lại ngã ngửa xuống giường, mồm ấm ớ gọi và ngón tay chỉ trỏ mãi vào ngực một cách rất mau gấp. Cho là người Khách ngột thở, ông Bá - chủ nhà- bèn mở hết khuy và vạch hẳn áo trấn thủ, để ngực người đau lộ trần hẳn ra. Cổ người Khách lòng thòng xuống ngực một sợi dây cước buộc vào một cái túi xinh gọn làm bằng da cá bể thuộc và khâu lại, trông gần như cái bùa tua bùa túi tết Đoan Ngũ của con trẻ nhưng không được tươi thắm rực rỡ như thế. ở đấy, đã cáu xỉn lại rất nhiều mồ hôi, thẫm tối cứng bẩn không khác gì cái giẻ lau xái.

    Những đầu ngón tay người hấp hối đã lạnh đều. Tưởng chú Khách cứ thế mà vững bước đi nhanh trên đường chết. Nhưng chú lại vụt đảo lộn lại về đời sống: mắt mở trừng rừng, miệng ú ớ mấy tiếng dồn gấp, tay chỏ mãi vào ngực trần. Có những người muốn mất hết cả vàng trên thế giới để hiểu lấy ý nghĩa những tiếng nói không ra lời này của phút lâm chung ở một người còn muốn dặn dò lại một điều gì.

    Vợ chồng ông Bá càng lấy làm ái ngại cho chú Khách thuốc ơ chết không được nhẹ nhõm và ngờ chú ta còn tấm tức, có những điều gì cần muốn nói mà không kịp. Lúc thay áo nhập quan cho chú, ông Bá máy tay, bèn mở cái túi bùa đeo ở cổ xác chết, gỡ hết mấy lần lụa phết nhựa, thì chỉ thấy có một vật bé cứng, sắc vàng tối và hình cong cong gợi na ná đến dáng một cái giò gà khô xem bói. Ngắm kỹ thì là một ngón tay út, đủ ba đốt. Chừng như tẩm rượu và ướp đã từ lâu nên nó mới teo tóp lại như thế.

    *****

    Đúng ngày đúng mùa đã dặn trong cuốn gia phả truyền lại kia, ông Bá tìm vào núi để lấy của, - cái chỗ vàng bạc châu báu chú Khách thuốc ơ chết bệnh kia phải bỏ lại. Cứ lời trong gia phả thì phải tìm vào dãy núi Nghiễn Sơn mà hô thần. Tính đường đất vào núi, người quen đi rừng đều bước thì cũng phải mất nửa ngày và giờ gõ vào vách đá gọi tên thần giữ hầm vàng phải là vào giữa lúc đầu giờ dần. Vào tiết mùa thu, hết giờ dần thì giời vẫn còn tối đất lắm.

    Chập tối hôm ấy, chưa sang giờ tuất mà bà Bá đã đồ xong mấy chõ xôi lớn gói lương cho bọn người đi lấy của tính cả ông Bá nữa là mười lăm người. Phải đến mười mấy người thì mới đủ sức khuân hết chỗ của để lại đó.

    Cuối giờ tuất, cả bọn nai nịt gọn ghẽ, sẵn sàng đuốc đón, đòn ống, cuộn thừng, và quang gánh. Ông Bá cẩn thận cho vào túi áo trong cuốn gia phả bìa cứng. Giữ kín việc này với đám gia nhân, không muốn cho họ biết ngay vội, ông Bá chỉ bảo họ là đi cất một mẻ hàng của đám người buôn lậu.

    Đêm đi lấy của ấy, sương móc bủa đầy giời, thêm được mỗi bước là cái bọn mười lăm người đó lại mỗi đi thêm vào cái vắng lạnh. Dưới lá trong cỏ, tiếng nhái tiếng giun. Trên cỏ, giọt thu reo đồm độp chìm chìm. Trên dưới bốn bề chỉ có ướt sũng. Cái ấm đáng tin cẩn của đời sống mọi ngày hình như đến đấy là hết và bọn người đang ngậm tăm rảo bước kia sau ông Bá đang tương tư đến một nỗi gì của thường nhật. Đến gò Thiết Luyện, đêm đã được đúng nửa phần. Rừng, thưa gió khuya. Trong cây, lá ngủ ngon trong tối sâu. Từ đây là rừng già. Trên lối mòn của rừng gió quẩn lại quất cành tre lá hóp vào mặt người. Kể ông Bá cũng đã là người thuộc đường lắm, - hình như trước cái lần đi này, ông đã nhiều lần qua lại thăm dò con đường vào dãy Nghiễn Sơn đây. Đến mỗi chỗ thoáng bóng tối, dừng nghỉ lại cùng kéo một hơi thuốc điếu cày, ông Bá lại khuyến khích họ lại rằng chuyến này mà trở về thì rồi ai nấy cũng đều có một cái vốn to, sẽ chẳng phải đầu tắt mặt tối mà tha hồ hưởng đến cái giàu sang ở đời. Người ta cứ đi, lấy cái sức mòn dần trong người mà đo đêm thu nơi rừng, suốt mỗi canh chẳng một tiếng gà.

    Xuống hết lối uốn bên kia đèo Đoạn Dã, ông Bá truyền nghỉ lại, lấy cơm nếp ra cùng ăn. Bên kia khe róc rách nước suối đen là ngọn núi đựng của gởi. Vách đá sừng sững im ả. Tính đến thẻ hương cháy gần lụi ấy là đã gần tới giờ vào hô thần Nghiễn Sơn Lĩnh, ông Bá dặn gia nhân cứ ngồi đợi, có nghe thấy động tĩnh gì thì đừng sợ, cứ ngồi im đấy mà đợi ông. Rồi một mình ông lội qua khe, tay cầm bó đuốc. Trên suối lạnh ánh sáng đuốc ốm yếu, bị hơi độc của thâm sơn bó cứng lại và dọa làm tắt luôn luôn. Đi khỏi bờ khe độ một thôi đường nữa, đến cái miếu thờ sơn thần ấy là đã tới nơi rồi. Ông Bá bèn mở gia phả ra, nhẩm kỹ lấy câu hô thần. Theo đúng lời dặn trong gia phả, lấy cái miếu sơn thần làm căn cứ, ông Bá lùi cách miếu trăm năm mươi bước về bên tay phải rồi kễnh chân lên, hướng vào tường núi dựng đứng ngay sau lưng miếu mà hô rất to, chữ nào chữ ấy rất rành rọt. Hai câu chữ Hán dài chia làm sáu đoạn không đều nhau, hô đọc lên, giữa rừng khuya sâu, nghe thấy rờn rợn như các bài chú về hư linh. Tiếng vang của vách đá trả lời lại không thiếu một chữ, - những chữ của giọng đá nhại lại tiếng người đều tòe vỡ và đè méo âm u. Dứt tiếng đồng vọng, bỗng có tiếng nổ như tiếng ống lệnh rồi ầm ầm cây và đá tảng đổ nhào và cứ bắn thẳng vào cái miếu sơn thần, chôn đứng cái miếu, tích đùn lên như một ông đống lớn bằng đá. Tỉnh cái sợ dĩ nhiên, người đi hô thần lấy của gật gù tự nhủ rằng giá cứ đứng nguyên ở miếu ấy mà hô thì có là voi sắt đấy cũng cứ bị tử thương như thường và ra "phải đứng cách miếu một trăm năm mươi bước mà hô thần" - theo đúng gia phả - là có cái nghĩa như thế đấy.

    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  2. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1

    Bây giờ thắp thêm đuốc, ông Bá mỗi tay cầm một bó, chập chững bước trên những mảnh đá của tường núi vụn vỡ xuống thành từng ụ đống gồ ghề. Đến lúc mà chân ông bước được thì là lúc ông đang tiến vào lòng hang đá. Nền hang nhờn. Trần hang lóng lánh khí ẩm đọng. Và vách hang, mới đụng tay vịn phải là lùng nhùng một thứ lạnh nhầy nhụa nó cho người lạc bước vào đấy một cảm tưởng điên đảo về cái xảo quyết của chất đá vốn là tính cứng mà đã trở nên nhũn vữa. Thật thế, đêm tối mà ôm phải hình ma cũng không buốt sợ bằng. Người ông Bá muốn sởn gai ốc. Ông ngần ngại. Nhưng ông còn tin được vào bó đuốc nhựa thông và mạt cưa ở tay ông đang cháy bùng bùng và mùi khói quen ấy đã cho ông hết nghĩ đến cái tanh lạnh của lòng núi thăm thẳm những ngờ vực này. Ông Bá đi mãi. Lòng hang ngoằn ngoèo, nhiều đoạn thắt chẽn lại, phải nghiêng mình mới lách nổi vào. Có chỗ lại phải ngồi xổm mà men vào. Đến cái đoạn hang phải nằm rạp xuống để trườn vào thì ông Bá sợ quá. Ngọn đuốc suýt rời tay ông để rơi xuống nước thạch nhũ. Chỉ chậm một tý nữa là đi đời ngọn đuốc, là xong cuộc đời một người đi tìm vàng châu; chỉ chậm tay một chút nữa, đuốc tắt ông Bá sẽ là một người bị bóng tối dày đặc cầm tù. Lần mò mãi, mới đến một tấm cửa đá chạm một chữ "Thần" rêu mốc đã trùm hết nhiều nét. Đây rồi. Chính đây là mặt cửa hầm đựng của. Lại phải hô thần nữa.
    Ông Bá bình thân lại, vận hơi phổi, chuyển mạnh hơi, thổi những chữ hô vào mặt cửa đá sừng sững. Ông thổi chữ mạnh quá. Ngọn đuốc cắm trước mặt ông cách bốn thước tạt vẹo hẳn đi, dọa tắt.
    "Dzế pẳn dì! Dzế pẳn dì!
    "Tả sín tì.
    "Coỏng voòng vảy. Sồi sắn hối mùn.
    "Hối mùn!"
    Dứt đoạn những tiếng lơ lớ đã tắt xoẹt mọi vang hưởng trong ruột đá, cửa đá im lìm bỗng tách đôi ra. Đá nứt nhanh quá. Một luồng khí đặc ẩm từ phía trong vụt ùa lùa qua cửa xô ập vào ngực vào mặt ông Bá và nếu ông đứng không vững thì nó đã bốc cẳng ông và đánh ngã sấp xuống rồi. Bây giờ thì ngọn đuốc nhựa thông tắt phụt. Nhưng, hầm để của sáng tỏ như ban ngày. Ông Bá đã tưởng hầm này thông thiên, nhưng ngước nhìn thì trần hầm vẫn đặc. ánh sáng không bao giờ làm cho người ta sợ bất cứ cái gì ở trong và cả đến ở ngoài cuộc đời này nữa. Ông Bá vững tâm nhìn khu hầm. Chồng chất ở các ngăn hổng thúc vào vách hầm đá là toàn một giống vịt bằng vàng. Và ngổn ngang mặt hầm là đều một giống vịt bằng bạc.
    Ông Bá đếm. Hai trăm con vịt bằng vàng. Đếm xong trên, đến dưới. Năm trăm con vịt bằng bạc. Ông rút gia phả ra kiểm lại. Thấy thiếu một vật quý. Là một con vịt chúa, canh giữ đàn vịt vàng và vịt bạc này. Lòng con vịt đầu đàn này có yểm ngọc dạ quang. Riêng một nó với ngọc dạ quang yểm trong bụng nó trị giá bằng tất cả bảy trăm con vịt vừa vàng vừa bạc.
    Ông Bá đọc lại trang gia phả. Bỗng trang sách cũ tối dần lại, chữ sách nhòe mãi cho đến hết. Và ánh sáng ở quanh ông nhạt dần. Lũ vịt kim khí ngổn ngang kia không óng ánh nữa. Rồi cáu xỉn lại như mình đất mình gỗ thô. Hầm tối dần dần, thong thả như cái bóng một chiều mùa thu lúc đã vắng mặt giời. Và ở phía bên kia một kẽ đá nẻ, ánh sáng lại rực rỡ vô cùng. Ông Bá mới nhớ lại bản đồ vẽ phác hầm để của và nhớ rằng hầm chia làm hai ngăn. Căn ngoài chứa của và căn trong là nơi thờ thần giữ của. Vị trí căn phòng cũng na ná như cái chính tẩm hình chuôi vồ các đền đình. Lách mình lọt qua kẽ đá, ông Bá trông thấy ngay một cái ngai đặt trên một cái bệ. Trong lòng ngai sừng sững một bộ xương người. Buồng này không nhạt như ngoài. Mùi nó đậm hơn. Không có mùi thối, chỉ thoang thoảng tanh như mùi mặt thớt gặp nồm. Lòng ông Bá rờn rợn. Một con vịt rất bé, bé bằng con giẽ giun, thấy động bèn rúc vào chân bệ thờ. Nó đi đến gần đâu, chỗ ấy sáng rực đến đấy. Bộ xương người ở bệ phong thần nổi bật hẳn lên. Ông Bá đang tự nhủ hẳn con vịt con kia là vịt chúa có ngọc dạ quang thì tự nhiên có một giọng nói ốm yếu hỏi rằng: "Đã đủ chưa?".
    Ông Bá giật mình, lành lạnh trong tủy xương sống. Nén được ngay cơn sợ, ông cố tìm xem tiếng nói ốm yếu ấy phát từ đâu ra.
    - Đã đủ chưa?
    Thì ra cái giọng thều thào ấy phát ra từ bộ xương người phong thần ngất nghểu trên bệ. Bộ xương trông giờ lại sợ hơn lúc ban nãy. ở phần đầu phần cổ bộ xương hình như giờ lại có thêm một cái mặt mà đường viền thì ẩn hiện khôn cùng. Không rõ đấy là mặt người hay mặt ma, nhưng đôi mắt sâu hoắm thiếu tròng trông tàn nhẫn đến điều, tưởng chưa cặp mắt nào của người thế gian lại có thể gây nổi được sự tránh xa và ghê tởm đến như thế. ở cái khuôn mặt mỏng như hơi sương hơi khói ấy, có một cái gì luôn luôn nhắc đến sự tàn hại đến đời sống của nhau. Cặp môi mỏng dính không mấp máy ấy lại nói thêm:
    - Ngươi đến chậm đấy. Nhưng cũng còn là may cho nhà ngươi. Tổ tiên ngươi giam hãm ta ở hầm này đã hơn hai trăm năm nay rồi. Thôi, mau đưa tang chứng ra đây cho đủ, ta cho lấy xong của cải châu báu rồi ta cũng siêu thoát cho chóng. Vậy tang chứng đã đủ chưa?
    Tiếng nói thần giữ của rền rỉ như hơi gió lướt trên cỏ mả hoang, phào phào như tiếng của cõi chết gửi trộm về và thỉnh thoảng lại ấm ế như giọng con đồng bị sức u hiển ốp vào.
    Cứ nhìn vào cỗ xương rũa ấy, ở hạ bộ có thêm một miếng cốt mỏng nhỏ thì thần phải là một người đàn bà bị phong cấm ở đấy; nhưng tiếng khàn khàn kia lại là tiếng đàn ông.
    Ông Bá đưa trình cả cuốn gia phả cho thần giữ của, - trong cuốn sách quý ấy, giữa những trang viết có chèn vào nhiều lá bùa lạ đủ đảm bảo cho người mang nó theo là đúng người có đủ quyền đến đòi lại thần những tiền của đã giao cho từ hơn hai thế kỷ.
    Thần quát lên:
    - Chưa đủ!
    Cái đầu cỗ xương rũa không cựa quậy không lắc và cặp môi vẫn mím chặt trong lúc quát. Thần lại quát hỏi một câu nữa. Ông Bá lúng túng. Tức thì một cánh tay trái cỗ xương cử động mạnh, giơ lên và xòe ra. Ông Bá nhìn theo cái bàn tay xòe rộng, ở đấy chỉ có bốn ngón. Thần dõng dạc:
    - Còn thiếu!
    Thần giữ của chẳng cần phải nhắc. Ngay lúc mới trông thấy thần xòe một bàn tay chỉ có bốn ngón, ông Bá cũng đã nghĩ ngay đến cái ngón tay út bỏ quên ở nhà, - cái ngón tay khô vàng bỏ trong cái túi da cá lủng lẳng ở cổ người Khách bán thuốc ơ. Ông lại nhớ rõ cả cái lúc người Khách hấp hối tắt nghỉ còn chỏ mãi vào cái túi đeo ngón tay út đó ở ngực. Bây giờ ông Bá mới hiểu.
    - Vậy chớ người kia có cái ngón tay út của ta đó không?
    Ông Bá lúng búng, không xếp được một câu trả lời cho gọn.
    Tức thì thần giữ của liền truyền xuống, giọng đầy nghiêm khắc và giận dữ:
    - Mày dám lừa ta thì thực táo bạo quá. Mày ra ngay cho mau. Kẻo mất đường về. Ta hãy tha chết cho mày.
    Và cái tay có bốn ngón chỉ thẳng ra phía cửa hầm. Ông Bá sợ không để đâu cho hết, không kịp lạy thần giữ của tha chết, vội lách mình qua kẽ đá, chạy vụt ra ngoài cửa hầm. Cửa hầm khép kín lại, nhanh tợ chớp và vang như sấm dẫn mưa ngàn. Không lẹ chân thì chỉ thêm một nháy mắt nữa là ông Bá nghẽn mất đường về.
    Cái kho vịt kim ngân ở Nghiễn Sơn Lĩnh ấy trở nên vô chủ rất lâu về sau này đã tan vào lòng đá, hóa thành loài khoáng. Và cái thần giữ của vô thừa tự ấy, - vì không có ai đến tìm để mà giả được của - không siêu thoát nổi, đã biến thành một thứ hồn oan của núi muôn thủa, liễm vào lòng sơn lâm, và vào những kỳ dữ rừng, thường góp thêm phẫn rú vào với gió đèo vi vu.
    Trung Bắc Chủ Nhật, số tết Giáp Thân 1944
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​

Chia sẻ trang này