1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 18/11/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng

    [​IMG]
     
    * Một thế giới nội tâm đau đớn, ngôn từ mang nặng tính riêng tư. Không thiếu dằn vặt cá nhân. Những người đàn bà có thể sống chung với những cuộc cãi vã trong lòng, nhưng khi quyết định họ lại chọn giải pháp tử tế nhất là im lặng... * Đầy rẫy những cô đơn, nhiều ý nghĩ cay đắng, và mặc cảm tội lỗi. Những lời trách cứ, nhiệt hứng học cách đương đầu, đủ dịu ngọt và cay đắng để thấm thía...
    Một cô gái trẻ từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cha, người đã bỏ rơi mẹ cô lúc bà mang thai. Khi đến nơi, cô không gặp cha mà gặp hồn ma của đứa em gái sinh đôi mất tích 22 năm trước. Người em gái dẫn dắt, lôi cuốn chị vào một thế giới ma mị, sống bên hồn ma, bên bờ kia của sự thật, trinh tiết chỉ là một món quà ác độc của thượng đế... Ở đó ý chí và sự phân biệt phải trái của cô bị thách thức đến mức tận cùng...
    ?oTôi cố gắng vượt qua nỗi kinh sợ. Tôi kinh sợ chuyện đang xảy ra, đạo đức không cho phép. Nhưng đạo đức là gì? Tất cả chỉ là những giá trị do con người đặt ra để kiểm soát lẫn nhau. Quên nó đi thì nó không làm gì được mình? Tôi sẽ quên, đang quên mọi điều thiêng liêng, mọi cấm kỵ, mọi tội lỗi. ... Chỉ một khoảnh khắc nữa thôi. Sau khi những giọt máu chảy ra, tôi sẽ nói câu đó. Con tên là Phan Kỳ Mai? Con là con gái của cha.... Chỉ một khoảnh khắc nữa thôi??
     
  2. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước.
    Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em...
    George Harrison
     
    1. Con thuyền bên cửa sổ
     
    Những năm thơ ấu tôi ngủ chung với mẹ trên chiếc giường nhỏ trong căn hộ một gian của chúng tôi ở Hà Nội. Năm tôi mười lăm tuổi, mẹ tôi xin được một tấm ván ngang sáu tấc, dài một mét tám từ một bộ phản xưa người ta bỏ đi vì để chật nhà. Trên đường đi học về, tôi đi quanh những con đường có người sửa nhà để lấy cắp một hai hay viên gạch thẻ bỏ vào cặp mang về. Tôi mài những viên gạch trên nền nhà xi măng để khi xếp cạnh nhau chúng vừa vặn hơn và ít chông chênh. Gần hai tháng tôi có đủ gạch để dựng hai chân bàn thấp cạnh cửa sổ để tôi gác miếng ván lên. Ban ngày tấm ván làm nơi ăn cơm, là quần áo, học bài, ban đêm tôi ngủ trên đó. Dù tôi đã mài những viên gạch, đã gấp giấy chêm vào những khe hở, tấm ván gác lên những viên gạch vẫn chông chênh khi tôi trở mình.
    Tôi tưởng tượng mình nằm trên ván một con thuyền nhỏ, chung quanh tôi là dòng nước, chung quanh tôi vắng lặng, tôi có cả một dòng sông cho riêng mình. Trên mảnh thuyền ấy tôi nằm ngủ, mắt nhắm, nhìn thấy đủ thứ ác mộng lẫn vào những giấc mơ êm đềm. Trên mảnh thuyền ấy tôi nằm thức, mở mắt nhìn khung cửa sổ. Tôi nhớ ngày còn bé khi nhìn thấy cửa sổ tôi ngó thấy một mảnh trời. Tôi thấy sao, đôi khi có mặt trăng lơ lửng trong mảnh trời trong suốt hay mù sương của tôi. Ngày tôi lớn, chỉ còn thấy những bức tường của những căn nhà phía bên kia khoảng sân nhỏ. Những bức tường không biết mọc lên vào hôm nào, bầu trời mỗi năm một hẹp lại và cao hơn, phải thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn lên thì mới thấy được nó. Một hôm, mẹ tôi đặt làm một cái khung sắt có hoa văn, người ta mang tới khoan lỗ bắt vít khung hoa sắt ấy vào cái cửa sổ nhỏ để phòng bọn ăn trộm, tôi không còn thò đầu ra nhìn trời được nữa. Chỉ còn thấy những bức tường ở chung quanh, phía sau những thanh sắt uốn hình cánh hoa.
    Giường mẹ tôi ở góc tường đối diện. Dọc theo tường nơi đầu giường là cái bàn kê làm bếp. Mẹ tôi may một tấm màn giăng từ trên trần để che nơi nấu nướng, tấm màn vải in lá cây rừng xanh, hoa và chim chóc vàng, đỏ và da cam, nhưng mảnh rừng nhiệt đới đó bây giờ ám khói bếp, trông vừa sặc sỡ vừa u tối, buồn thảm khó tả. Nhưng từ lâu chúng tôi không còn nhìn thấy tấm vải ấy nữa, nó vẫn treo ở đó, nhưng nhìn hoài dường như nó đã trở nên vô hình. Đối diện chân giường của mẹ tôi là tủ quần áo bằng gỗ hương, gỗ này chỉ để đóng hòm chôn người chết, tôi không biết tại sao cái tủ của chúng tôi lại là tủ hương. Trong tủ, phía trên treo quần áo gấp lại, mấy tấm chăn, mấy cái khăn lông. Dưới nữa là bốn hộc tủ. Ngăn duy nhất có khoá là ngăn của mẹ tôi. Trong đó mẹ cất cuốn sổ tiết kiệm và những thứ khác tôi không biết. Có thể có một đôi hoa tai vàng, những bức ảnh chụp thời con gái, những phong thư thời ấy. Mẹ tôi không bao giờ dỡ ra cho tôi xem. Có thể thỉnh thoảng mẹ tôi dỡ ra xem một mình, lúc tôi không ở nhà, tôi mong như vậy, vì tôi muốn mẹ tôi có kỷ niệm, dù mẹ tôi suốt đời im lìm về chúng.
    Một đôi lần, mẹ tôi có kể về căn nhà của ông ngoại tôi ở Huế. Căn nhà cổ có mười tám cột gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Trước sân, ông tôi xây một cái bể cạn hình chữ nhật dài mười hai mét để trồng sen. Những hôm trời mưa, mẹ tôi đứng trong gian trướcnhìn xuyên qua những hàng nước rơi song song từ mái ngói, ngó mưa rơi nhạt nhoà trên lá sen và bông sen. Năm hai mươi hai tuổi mẹ tôi chửa hoang, ông bà ngoại tôi cấm mẹ tôi ra vào nhà bằng cổng chính, cấm bước lên nhà trên. Mẹ không còn thời con gái, không còn mơ màng vịn cột gỗ lim, ngó mưa rơi trên lá sen và bông sen sân trước. Sen là kỷ niệm duy nhất mẹ tôi mang theo khi ra đi. Không, đó là kỷ niệm duy nhất  được nói ra. Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ. Tôi không biết gì về bên ngoại. Ông bà tôi làm gì, tôi có bao nhiêu cậu, dì. Tôi không biết gì về cha tôi. Tôi không biết gì về khoảng thời gian giữa ngày mẹ tôi là cô học trò Đồng Khánh đứng trong một gian nhà xưa ở Huế nhìn ra mưa, và ngày mẹ tôi là thiếu phụ một con không hộ khẩu, bán rau trong một cái chợ ở quận Ba Đình, Hà Nội.
    Mỗi năm một lần, tôi hỏi:
    "Cha và mẹ gặp nhau như thế nào? Sao cha không cưới mẹ?".
    "Bao giờ con đủ lớn, mẹ sẽ kể".
    Nhưng tôi không bao giờ đủ lớn. Hoặc là sự yên lặng đã trở thành cuộc đời của mẹ mà nếu nó mất đi, mẹ không biết sống tiếp tục cuộc đời mìnhnhư thế nào. Tôi hai mươi hai tuổi, không có một nét phác nào dù rất nhạt về cha tôi. Nếu mẹ cho tôi một vài nét thôi, tôi sẽ vẽ những nét còn lại bằng trí tưởng tượng, tôi sẽ nối những nét của mẹ và những nét của tôi lại vớinhau, để tôi có được bức hoạ về cha mình. Nhưng mẹ tôi mãi im lặng và tôi không có nơi nào để bắt đầu. Vậy mà tôi vẫn luôn luôn biết mình có một người cha, máu của ông chảy trong người tôi, dù sự thật ấy rất tê tái, tôi cũng không thay đổi nó được. Những lần đi học về gặp trời mưa, tôi đứng trú dưới một hiên nhà bên đường. Tôi trông sang bên kia đường, dưới mái hiên những căn nhà đối diện, có những người khác cũng đang trú mưa. Tôi thường nghĩ cha tôi đang đứng ở bên đó, lẫn trong đám đông, khuất trong một góc thiếu sáng, cách tôi một con đường, cách tôi một màn mưa. Và tôi không bao giờ hiểu tại sao cha tôi không băng qua con đường, băng qua màn mưa để qua bên này với tôi. Tôi ao ước cha tôi làm như vậy trước khi tôi trưởng thành. Tôi muốn cha tôi nhìn thấy tôi, chưa lớn, đáng yêu và chưa biết cuộc đời, thực sự là một đứa con gái nhỏ, chứ không phải là một người lớn độc lập và ưu phiền.
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
     
    Gần sang xuân bà ngoại tôi ở Huế mất. Một trong những ngày mưa mù trời trắng đất cuối mùa đông, mẹ tôi nhận được thư của ông ngoại tôi. Ông kêu mẹ tôi về cho đủ mặt các con ngày đám tang bà. Đó là lá thư đầu tiên ông viết từ hai mươi hai năm. Trong thư ông không hỏi han gì đến tôi. Buổi chiều mẹ tôi đọc thư xong, cứ ngồi thẫn thờ, thỉnh thoảng
    quệt nước mắt bằng lưng bàn tay đến khi trời tối lúc nào không hay. Tôi nghĩ mẹ tôi khóc vì mẹ của mẹ mất, khóc vì sắp được về quê, khóc vì hai mẹ con tôi nghèo khó, mẹ tủi thân không muốn dắt con gái về nhà. Mẹ tôi khóc vì không biết vay đâu cho ra tiền đi tàu, khóc vì không biết ông ngoại có nhìn nhận tôi, một đứa con gái không cha là cháu của ông không. Bức thư làm cho mẹ tôi ốm, bỏ chợ đã hai hôm. Mẹ nằm trên giường, đến hôm nay thì nước mắt không còn, chỉ còn sự yên lặng. Tôi nghĩ nếu mẹ nói chuyện với tôi được thì sẽ bớt buồn. Tôi đến ngồi ở chân giường, hỏi mẹ về bà ngoại, về hoa sen và lá sen, về những mùa mưa ở Huế, nhưng mẹ tôi không nói gì.
    Tôi nói:
    "Ông ngoại gọi mẹ về làm đám tang bà, vậy ông vẫn nhìn nhận mẹ là con gái. Mẹ không vui sao?".
    "Không."
    "Bà ngoại mất, ông đang buồn. Cả nhà đang buồn. Đây là lúc gia đình cần có nhau. Mẹ nên về nhà.".
    "Không."
    "Nếu không vì ông, cũng phải về vì bà ngoại."
    "Không."
    "Mẹ không biết đến tình cảm mẹ con nữa sao? Mẹ làm con sợ."
    Mẹ tôi khóc oà, tôi không còn thấy nước mắt, nhưng tôi nghe những tiếng nấc dài từ một ***g ngực như có ai đè làm nghẹn mất hơi thở. Tôi không ngờ tôi nhắc đến tình mẹ con lại làm mẹ tôi đau đớn đến như vậy.
    Sau đó lâu lắm tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi khóc uất trong một ngày mẹ không còn nước mắt.
    Hai hôm sau, mẹ tôi ngồi dậy, đi chợ, và không còn nhắc một lời nào về bức thư của ông ngoại nữa. Tôi lén mẹ viết thư cho ông, thưa rằng mẹ bị ốm, yếu lắm, không đi tầu hoả được. Làm tuần 49 ngày của bà, mẹ sẽ về. Tôi xin ông nhớ tới cháu trong ngày lễ phát tang bà ngoại. Cháu đang học đại học năm thứ hai, ngành y, hệ chính quy, cháu học chăm, cháu kính gửi lời thăm ông vạn an. Tôi viết thư chọn từng chữ, từng dòng, trau chuốt từng nét bút, mong cho người đọc thư hiểu rằng tôi là một đứa con gái có giáo dục và ngoan hiền, đáng yêu. Tôi định bỏ vào phong thư một bức ảnh của mẹ tôi và tôi chụp ở hiệu ảnh năm tôi mới đỗ vào đại học, nhưng rồi lại thôi.
    Tôi mong chờ ông viết thư cho tôi, xưng ông và gọi tôi bằng cháu. Chỉ đôi dòng trên một trang giấy trắng, chỉ vài giọt mực thôi thì tôi sẽ có dòng họ, có quê nhà, xoá đi hết hai mươi hai năm tôi là con hoang của một người mẹ lầm quê lạc chợ.Những ngày chờ thư, tôi thường nghĩ tới căn nhà cổ của ông ở Huế, tưởng tượng ông tôi biết chữ Nho và chữ Pháp, ông tôi hay đọc sách, quê nhà tôi xanh như ngọc và hồng như sen, mơ màng trong những mùa mưa nhiều thương nhớ. Tôi mơ ước được về thăm quê mẹ.
    Ông ngoại tôi không bao giờ trả lời thư tôi viết cho ông. Có lẽ ông không muốn hoang phí những giọt mực và một ngăn dù rất nhỏ trong trái tim cho chút tình máu mủ. Đêm đêm tôi sẽ lặng lẽ đem thả trôi sông từng mảnh tình yêu dành cho Huế, nơi tôi chưa bao giờ đến, sẽ không bao giờ đến. Đêm đêm tôi sẽ nằm trên con thuyền nhỏ của riêng mình, sẽ xé nhỏ tình yêu quê hương dòng họ, rồi vứt đi từng mảnh xuống nước và nhìn chúng chìm nhanh trong một dòng mênh mông thăm thẳm.
     
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    2. Tám nghìn đêm
     
    Mẹ tôi lục trong ngăn tủ có khoá tìm được một bức ảnh của người chết. Bức ảnh chụp từ rất lâu, đã ngả màu vàng. Người đàn bà trong ảnh trẻ hơn mẹ tôi bây giờ. Bà tôi mặc áo dài cổ cao, đeo một chuỗi ngọc trai, bới tóc và kẻ chân mày rất kỹ. Người thợ chụp ảnh đã bảo bà hơi quay đầu sang một bên và nhìn nghiêng trở lại ống kính, miệng dường như cười nhưng không cười, trông bà vừa mơ màng vừa nghiêm nghị. Mẹ bảo tôi mang bức ảnh ra hiệu ảnh phóng to bằng nửa trang giấy, và mua một cái khung kính để đặt ảnh vào.
    Hôm làm tuần 49 ngày bà, không ai trong chúng tôi nhắc đến Huế. Mẹ tôi mang về nhà một bát hương. Chúng tôi đặt cái khung hình trên nóc tủ, đặt bát hương ở trước khung hình. Mẹ tôi để dải khăn tang mẹ đã xé cho tôi lên tấm ván nơi tôi học bài và ngủ, không nói lời nào. Mẹ tôi tự quấn khăn ngang đầu, cầm nhang quỳ trước tủ hương. Tôi không quấn khăn, không quỳ. Mẹ tôi khấn xong, đưa nhang cho tôi leo lên ghế cắm vào bát. Tôi thấy mẹ khóc. Tôi cũng khóc. Lúc nước mắt bắt đầu ứa ra, tôi tự nói với mình tôi khóc không phải vì người đàn bà mang chuỗi ngọc trên nóc tủ đã chết, mà vì tôi thương mẹ tôi. Nhưng trái tim con người không giữ được những lằn ranh mà nó tự vạch ra. Tôi yêu mẹ, cũng yêu mẹ của mẹ. Mẹ tôi khóc vì bà chết, tôi cũng vậy.
    Mẹ tôi luộc một miếng thịt lợn, xào một đĩa đậu phụ. Chúng tôi không cúng cơm, chỉ để thêm một cái bát và một đôi đũa nơi mâm cơm chúng tôi ăn. Ăn cơm xong mẹ tôi cởi dải khăn sô, xếp nó lại và cất nó vào tủ, cùng với dải khăn dành cho tôi mà mẹ tôi đã đặt trên mảnh thuyền mà tôi chưa động tay tới.
    Tôi mang bát xuống rửa nơi cái vòi nước chung trong sân nhà tập thể. Tôi vừa rửa bát vừa khóc. Hôm đó là một ngày buồn, nhưng tôi thấy trong nỗi buồn có một chút gì giống như hạnh phúc. Dù nó rất khẽ khàng, nhưng tôi sẽ không quên ngọn lửa nhỏ hiếm hoi đó. Đó là một ngày mẹ tôi khóc vì tình yêu, mẹ làm tôi khóc theo. Trong đôi khoảnh khắc của một ngày tang lặng lẽ và êm đềm,  chúng tôi đã là một người: bà tôi, mẹ tôi và tôi. Chúng tôi tan vào nhau vì nỗi buồn làm nhoà hết những đường biên giới giữa người này và người kia, nơi này và nơi kia, thời này và thời kia.
     
     
     
    Mùa xuân trời ấm lại, nhưng mẹ tôi rất yếu và hay ốm. Người mẹ gầy và tóc thưa, đôi bàn tay cằn cỗi, già đi trước tuổi. Nhiều năm không ngủ được vào ban đêm - vì mẹ tôi cất rau sau nửa đêm ở chợ đầu mối - đã làm cho mẹ kiệt sức. Cũng có thể nỗi nhớ nhà làm mẹ tàn dần sinh lực. Chúng tôi biết nếu mẹ bỏ chợ, tôi sẽ phải bỏ học. Chúng tôi không muốn nói tới ngày ấy, nhưng nó đã rất gần. Tôi muốn đi học. Tôi muốn làm một nghề khác. Tôi rất sợ đi bán rau như mẹ tôi cho đến một ngày cuộc đời chưa đi hết nhưng sức đã không còn. Nhưng tôi không có lựa chọn, và phân vân khi không có lựa chọn nào là một việc rất tệ hại.
    Tôi dậy cùng với mẹ lúc hai giờ rưỡi khuya để ra chợ đêm. Mẹ tôi nói:
    "Con đi ngủ, để sáng còn đi học".
    "Sáng con không đi học."
    "Thế không có tiết gì à?".
    "Con không bao giờ đi học nữa"
    "Con nói gì thế?"
    "Con đã bỏ học rồi. Bỏ luôn. Con muốn đi chợ, con muốn bán rau".
    "Con không được nói như vậy. Mẹ vẫn còn khoẻ để lo việc mua bán một mình, không cần có con đi theo. Con sẽ tiếp tục đi học đến ngày ra trường. Không có bất cứ thứ gì trên đời có thể làm con bỏ học được. Hiểu chưa?".
    "Con không muốn đi học nữa. Con muốn đi bán. Mẹ chỉ bảo cho con việc buôn bán xong thì mẹ ở nhà. Bây giờ mẹ còn khoẻ để cùng đi chợ với con, chỉ bảo công việc cho con được. Để năm sau hay năm sau nữa mẹ không đi được, mà con thì không biết đường biết nước thì sao?"
    "Con nói gì vậy? Mẹ chưa năm mươi tuổi. Mới được nửa đời người. Ai nói chuyện nghỉ làm vào tuổi này?"
    "Mẹ yếu. Mẹ ốm hoài. Mẹ cần nghỉ ngơi"
    "Yếu thì ăn. Ốm thì uống thuốc. Cần thì nghỉ một hai hôm. Rồi lại đâu vào đấy thôi".
    "Mẹ và con đều biết là chuyện không phải vậy. Mẹ không đủ sức khoẻ để làm cái nghề mẹ đang làm. Con sẽ thay mẹ. Con nói nghiêm túc. Mẹ đừng nhắc đến chuyện đi học nữa".
    Hình như mẹ tôi hơi chao dao như mất thăng bằng. Tôi lấy ghế cho mẹ ngồi, rót cho mẹ ly nước lọc rồi im lặng thay quần áo. Chúng tôi không nói gì trong vài phút sau đó. Rồi mẹ bảo tôi ngồi xuống giường nghe mẹ nói. Mẹ tôi nói nhanh, vì trong đời chỉ có một lần này. Nói thật nhanh, rồi vội vàng trở về với sự im lặng.
    "Tất cả mọi chuyện trong đời mẹ đều sai. Mẹ sinh lầm nhà, mang lầm họ. Những người mẹ gặp, những việc mẹ làm, nơi mẹ ở, đường mẹ đi, ngay cả những điều mẹ nghĩ vào ban ngày và những thứ mẹ chiêm bao vào ban đêm, tất cả đều sai. Chỉ có con là đúng. Con đúng thì tất cả cuối cùng cũng đúng. Nếu bây giờ con bỏ học, thì chính con cũng là một thứ sai của đời mẹ, và không còn gì đúng. Con phải hứa với mẹ là dù bất cứ chuyện gì con cũng không bỏ học. Nếu con không hứa thì để mẹ chết ngày mai, sau đó con muốn làm gì thì làm".
    Tôi không hứa. Tôi ngồi bệt xuống đất để thở. Tôi chưa hiểu hết những câu đó có nghĩa gì. Tôi cố hiểu, nhưng ý nghĩ của tôi chùng xuống dưới một sức nặng lạ lùng làm rã rời mọi câu chữ. Tôi ngồi nhìn xuống đất, không biết phải nói gì. Một lúc sau tôi ngước lên, nói những điều chính tôi cũng không hiểu hết:
    "Nếu cuộc đời sai thì tự nó phải đúng trở lại chứ tại sao chờ con làm cho nó đúng? Không phải ý nghĩa của cuộc đời lúc nào cũng không tự điều chỉnh nó để hợp với thực tế hay sao? Mẹ không còn đủ sức khoẻ để đi chợ nữa, con sẽ bỏ học để thay mẹ kiếm ăn. Chỉ có điều đó là đúng, mọi thứ khác đều vô nghĩa. Cuộc đời xảy ra trước, rồi đúng sai mới đến sau".
    "Nếu như vậy thì con người lấy gì để định hướng mà đi?"
    Tôi tiếp tục nhìn mãi xuống đất. Lúc tôi ngước nhìn, mẹ đã tắt cây đèn nhỏ tự lúc nào, đã đứng dậy và trong bóng tối đang lặng lẽ thay đồ sửa soạn đi chợ. Mẹ muốn tôi đi ngủ, hoặc là mẹ không muốn nhìn thấy tôi, nghe tôi nói nữa.
    Tôi leo lên tấm ván, nằm nghiêng co đầu gối lên bụng, kéo chăm trùm đầu cố ngủ lại. Một lúc sau tôi nghe tiếng mẹ tôi mở cửa đi ra, rồi tiếng cửa đóng lại, tiếng động âm thầm, thân yêu và tội nghiệp hằng đêm trong tám nghìn đêm tôi lớn lên trong căn nhà của mẹ. Bảy giờ tôi dậy mặc áo. Tôi mở tủ hương lấy tiền quà sáng từ xấp tiền của mẹ tôi để dưới quần áo và ôm tập vở đến trường học.
     
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    3. Ngọc Lan
     
    Ngày hôm đó mẹ tôi có thư từ Huế. Không phải thư của ông ngoại. Mẹ nói thư của em của mẹ, dì Lan. Dì sắp ra Hà Nội thăm hai mẹ con. Ngày mẹ tôi ra đi, dì Lan mười lăm tuổi.
    Tôi hỏi mình phải làm gì để đón dì. Mẹ tôi nói không làm gì cả, và  cũng không cần phải xôn xao.  Mẹ tôi nói vậy nhưng buổi tối tôi thấy mẹ tôi soi gương và băn khoăn lo mình tàn tạ trước tuổi. Tôi chải tóc cho mẹ, tìm cách buộc tóc phía sau hơi lỏng, để lơi những sợi tóc phía trước buông xuống để làm mềm mại bớt khuôn mặt khô khan vì quá gầy. Ngày mai, tôi sẽ đi mua cho mẹ một chiếc áo.
    Hôm đó năm giờ ba mươi tàu đến, mẹ tôi phải đi bán, nhờ tôi ra đón dì. Tôi không biết mặt, viết tên Ngọc Lan lên tờ giấy, tôi cầm tờ giấy đứng chờ dì ở sân ga. Khi dì bước đến, tôi thấy dì là một người đàn bà đẹp. Giống như bức ảnh bà ngoại, dì cũng có đôi mắt dài và hàng lông mày kẻ rất kỹ. Dì nói tiếng Huế, nghe lạ. Dì Lan gọi taxi. Trong xe, tôi mải nhìn ra ngoài cửa sổ để dì đừng hỏi chuyện. Tôi không hiểu hết những câu dì nói bằng giọng Huế và cũng ngại không dám hỏi lại mãi.
    Trước khi đi đón dì tôi đã xuống sân xách nước cho dì rửa mặt trên gác, không phải xuống chờ ở cái vòi nước tập thể. Tôi đặt cái thau ở góc phòng, đổ nước vào đấy. Tôi đặt một cái ghế con dưới đất cho dì ngồi. Tôi mang cho dì xà phòng và một chiếc khăn nhỏ.
    Dì Lan rửa mặt xong, cởi áo để dùng chiếc khăn nhỏ lau hai cánh tay và phần trên cơ tểh. Lau xong dì xổ tóc ra và gọi tôi mượn cây lược. Tôi đến đứng sát bên dì nhìn xuống đôi vai trần và những lọn tóc mềm buông xuống làn da còn ẩm ướt. Lúc dì Lan ngước lên để cầm cây lược, tôi thấy hai bầu ngực dì tròn và trắng, thật hoàn hảo. Không hiểu sao sự ngọt ngào bất chợt đó làm tôi nôn nao buồn. Cũng có một thời mẹ tôi đã trẻ như vậy, ngực mẹ đã tròn đầy, mịn màng êm ái, như hai bông hoa quỳnh nở trắng ngần trong đêm - và héo đi trong bóng tối không ai nhìn thấy. Bây giờ mẹ gầy, người mẹ khô dần, không ai biết rằng mẹ đã đẹp và còn giữ điều ấy trong ký ức. Không ai nhớ tình yêu với mẹ, với cô gái có chiếc áo tím và hai bông hoa quỳnh trắng muốt.
     
     
     
    Mẹ tôi nghỉ chợ sớm. Khi bước mẹ bước vào cửa, dì Lan gọi:
    "Chị Liên".
    Tôi thấy họ bắt đầu ứa nước mắt. Tôi bước đến cửa sổ, nhìn qua những thanh sắt uốn cong xuống mảnh sân nhỏ. Từ phía sau lưng, tôi nghe mẹ và dì Lan nói chuyện với nhau bằng giọng Huế. Tiếng nói lạ, tôi thấy mẹ tôi cũng lạ, như mẹ là một người khác. Mẹ đổi giọng Bắc, nói với tôi rằng hai dì cháu trông rất giống nhau. Dì Lan nói chị cứ nói tiếng Huế với con gái cho nó quen, nó cũng là người Huế mà. Thứ tình nối tôi với cái quê hương đó đã mất rồi, cuốn theo sông trôi ra biển còn đâu. Tôi chưa bao giờ thực sự là người Hà Nội, nhưng tôi cũng không phải là người Huế. Tôi không có quê hương, và tôi chẳng cần. Tôi nói con có việc, rồi bỏ ra ngoài đường đi lang thang.
    Khi tôi trở lại, mẹ và dì Lan đang nấu ăn. Họ thái thịt mỡ xào với mắm ruốc Huế. Và họ đang nói chuyện về mùa nắng, mùa mưa và mùa gió ở miền Trung. Họ đang lang thang qua những nơi chốn tôi không biết. Hai chị em đi ngang qua hàng sầu đâu dọc con đường ra bến đò. Hai chị em ngồi dưới mái thuyền nhìn ra trời mưa trắng sông. Hai chị em bước nhấp nhô trên những đồi cát ngoài phá Tam Giang. Hai chị em ngồi trong ngôi trường xưa. Hai chị em mặc áo dài trắng đi qua cầu.
    Mẹ tôi bỏ quê nhà đã lâu. Đi mãi, đi mãi không bao giờ quay đầu lại. Mẹ đi hai mươi hai năm tưởng đã ngút xa, ai ngờ chỉ chớp mắt một cái mẹ đã về chỗ cũ. Quê hương là một thứ gì rất lạ lùng.
     
     
     
    Dì Lan ngủ cùng với mẹ. Tôi nằm trên tấm ván kê cạnh cửa sổ, trên mảnh thuyền nhỏ. Nửa đêm tôi nghe có lưng bàn tay ai chạm vào má. Tôi cựa mình, tấm ván hơi chông chênh và tôi cũng chông chênh ở giữa ý thức và mộng mị. Tôi thức dậy, thấy gần sát mặt tôi là một đôi mắt rất dài, rất đen, rất lạ. Một khoảnh khắc sau tôi nhận ra dì Lan đang ngồi trên chiếc thuyền đêm của tôi và đang nhìn tôi.
    "Dì ngủ không được, dì qua ngồi nhìn mi cho kỹ xem mi nhìn lâu có đẹp hay không".
    Tôi không biết trả lời thế nào với câu nói lạ lùng đó. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng thở dài rất dài của dì Lan.
    "Dì có chuyện gì buồn?"
    "Nếu dì không mang con em của mi đi thì giờ đây nó còn sống, cũng đẹp như mi".
    "Con em nào? Dì mang nó đi đâu?"
    Dì Lan không trả lời tôi. Tôi níu tay dì kéo về phía mình.
    "Con là con một. Mẹ con chỉ sinh có một lần, rồi ở vậy nuôi con. Dì nói con em nào? Con không hiểu nửa đêm dì nói cái gì lạ lùng vậy?"
    Dì Lan vẫn không trả lời. Tôi chỉ thoáng thấy đôi mắt dài của dì nhắm lại, hình như có một chút ánh sáng long lanh như nước mắt ứa ra, nhưng tôi không kịp nhìn thấy giọt nước mắt. Dì Lan đã rút tay về và bước xuống khỏi con thuyền của tôi. Dì đi về nằm lại bên cạnh mẹ tôi. Sau đó chỉ còn một sự yên tĩnh lạ thường, tôi thấy sợ, chỉ còn mình tôi trên tấm ván thuyền ngưng trôi, ngưng thở. Tôi nằm như vậy trong bóng tối, trong nỗi im lặng lạ thường. Lâu lắm giấc ngủ mới trở lại.
    Trong đêm tôi thấy tôi đứng cạnh cửa sổ lúc cửa chưa có cái khung sắt có hoa văn, tôi nhìn xuống sân, thấy một đứa con gái đi qua bên dưới, rồi biến mất giữa những bức tường tối. Tôi tự hỏi tại sao có đứa con gái nào đi qua sân vào lúc nửa khuya. Nhưng trong lúc tự hỏi như vậy, tôi thấy mình là đứa con gái đó, tôi thấy tôi đi trong sân và tôi thấy sợ vì sân không có lối ra, mà tôi không thể quay đầu trở lại con đường mình đã đi vào được. Tôi nhìn thấy những bức tường ở trước mặt, tôi biết những bức tường không thể ngăn cản được tôi, tôi có thể ngang qua những bức tường, vì chúng nằm trong bóng tối, và tôi thì luôn luôn có thể đi ngang qua bóng tối. Tôi thấy sợ, vì tôi có cảm giác có ai đang nhìn tôi, một đứa con gái đang nhìn tôi. Tôi tự hỏi tại sao có đứa con gái nào không ngủ vào giờ này, mà đứng ở cửa sổ trên cao rình rập tôi. Rồi tôi đi vào những bức tường tối. Rồi không còn tôi nữa.
    Trong một khoảnh khắc,  hình như tôi biết hết tất cả. Sự thật ở bên trong tôi. Nhưng nó không có lời. Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết. Dù cho mất bao nhiêu năm hay cả một đời, tôi cũng sẽ đi tìm.
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
     
    Chủ nhật mẹ nhờ tôi đưa dì Lan đi chơi hồ Tây. Chỉ còn con đường ngắn đi ngang chùa Trấn Quốc là còn những khoảng trống để nhìn ra hồ. Nhà cửa ở chung quanh làm cho hồ không còn mơ màng như ngày tôi còn bé.
    Tôi đưa dì Lan đến ngồi ở một quán cà phê ở lưng chừng con dốc nhìn xuống mặt nước.
    "Đêm qua dì có nhắc tới em của con. Con có em sao?"
    "Dì có nhắc tới em nào của mi đâu"
    "Có. Dì nói: Nếu dì không mang em của con đi thì bây giờ nó còn sống..."
    "Dì có nói vậy sao? Mi nằm mơ."
    "Không. Con không mơ. Dì đến ngồi cạnh con lúc con ngủ, dì nhìn con".
    "Ai làm chi kỳ rứa?"
    "Thật mà, dì mặc áo trắng"
    "Hôm qua đi ngủ dì mặc áo cánh màu vàng".
    "Trong đêm thì áo vàng trông như trắng thôi."
    Có thể tôi mơ. Hay có thể nửa đêm dì Lan đến ngồi cạnh tôi trong lúc mộng du. Nhưng dù tôi hay dì là người nằm mơ tối qua thì tôi cũng không quên giấc mơ đó được. Có một sự thật nào đó chưa có lời đang ở trong tôi.
     
     
     
    Tôi thường nghĩ cha tôi sẽ đến với tôi vào một ngày mưa. Lúc dì Lan và tôi đang qua phố Hàng Mành, trời chợt đổ cơn mưa lớn. Chúng tôi đứng trú mưa dưới mái hiên bên đường. Chỉ một luc sau, dưới mái hiên của những căn nhà khác cũng đã đầy người. Tôi nghe tiếng dì Lan nói trong tiếng mưa:
    "Mẹ của mi không còn nuôi mi đi học hoài được đâu. Đồng tiền kiếm không ra. Việc thì nặng, mà chị Liên thì yếu."
    Tôi lặng yên. Tôi muốn tiếp tục đi, nhưng trời vẫn mưa lớn, tôi đành đứng yên.
    "Nếu dì có tiền, dì sẽ gửi ra phụ lo cho mi đi học. Nhưng dì cũng nghèo. Cha của dì có của, có tiền ở Mỹ gửi về, nhưng cha đang lo sửa nhà và cất nhà thờ họ. Dì xin tiền cho mi, nhưng cha không cho."
    "Dì nói với con làm gì?"
    "Dì nghĩ hay là mi hỏi cha mi?"
    Tôi thảng thốt quay lại nhìn dì Lan.
    "Biết cha ở đâu mà tìm?"
    "Mi phải hứa với dì không bao giờ, không bao giờ nói với mẹ là dì cho mi biết tên của cha mi..."
    "Tại sao?"
    "Mẹ mi nghĩ mi chưa đủ lớn để biết."
    "Con hai mươi hai tuổi rồi"
    "Nếu mi có lớn bằng hai bây chừ mi vẫn chưa đủ lớn. Mẹ nghĩ mi không bao giờ có thể biết được hết sự thật, và hoàn toàn không biết thì tốt hơn là biết sai, hoặc biết một phần..."
    "Vâng, con hứa sẽ không bao giờ nói gì với mẹ về cha."
     
     
     
    Hai hôm sau dì Lan dẫn tôi tới một căn nhà ở Tuệ Tĩnh. Đó là căn nhà ngày xưa cha tôi đã ở. Dì bảo tôi về nhà trước, dì sẽ đi tìm các giấy tờ xem cha tôi đã chuyển đi đâu.
    Bảy ngày sau dì Lan trao cho tôi mẩu giấy ghi một cái tên và một cái địa chỉ ở Sài Gòn. Tôi không có gì hơn.
    "Dì biết cha của con?"
    "Không. Dì không biết anh ấy."
    "Sao dì lại có địa chỉ ở Tuệ Tĩnh?"
    "Dì có đến căn nhà ấy gặp cha mi một lần."
    "Vậy thì dì biết cha của con chứ. Dì kể cho con nghe về cha đi."
    "Ừ thì biết, nhưng cũng như không biết."
    "Ít ra dì cũng phải biết qua gương mặt, tiếng nói. Và cha làm gì, tính tình ra sao?"
    "Cha mi là người học nhiều, có chức vị cao. Dì chỉ biết có vậy. Vì học cao dì chắc cha mi tôn trọng sự học, không để cho mi phải bỏ học, dù là con gái..."
    Câu dì nói không hết. Hoặc là nó đã dài hơn cần thiết.
    "Cha con có phải là người tốt không?"
    "Dì không biết chắc. Có một việc đáng tiếc đã xảy ra làm cho dì nghĩ cha mi là người không tốt. Nhưng dì không biết đâu. Chắc là dì sai".
    "Việc đáng tiếc đó là việc gì?"
    "Thật ra cũng là lỗi của dì.  Mà năm đó dì mới có mười lăm tuổi, nào có biết tính toán gì".
    "Dì đừng nói lỗi của ai mà hãy nói cho con biết chuyện gì đáng tiếc đã xảy ra."
    Dì Lan không trả lời tôi, lấy khăn ra chùi nước mắt. Tôi không hỏi được gì thêm.
     
     
     
    Ngày đưa dì Lan về Huế, tôi hỏi:
    "Hôm trước con hỏi cha con là người tốt hay xấu, dì nói có một việc đáng tiếc đã xảy ra khiến dì nghĩ cha con là người không tốt. Việc gì đã xảy ra?"
    Dì Lan suy nghĩ rồi nói:
    "Anh ấy làm cho mẹ con mang bầu rồi gặp trở ngại không cưới. Đó là một việc đáng tiếc. Nhưng không có việc đáng tiếc đó thì không có mi. Nếu mi tha thứ được, thì hẵng đi tìm cha."
    "Có cha có mẹ thì mới có con. COn không phải là người buộc tội hay tha thứ. Con đang cần có cha."
    Lúc tàu mang dì Lan đi rồi, vẫn còn một câu tôi chưa hỏi. Tại sao dì nói đó cũng là lỗi của dì? Tại sao dì nói dì mới mười lăm tuổi nào biết tính toán gì?
     
     
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    4. Lá thư của đứa con gái chưa bao giờ gặp
     
    Dì Lan đưa cho tôi một mẩu giấy, trên đó có tên một người đàn ông, một số nhà, một tên đường, tên quận và tên thành phố.
    Tôi bồn chồn, mong đợi trong nhiều ngày để biết tên và địa chỉ cha tôi. Khi có tờ giấy ghi những thứ đó, tôi mới biết tôi không biết làm gì với nó. Tôi đặt tờ giấy vào đâu đó giữa những trang của quyển sổ, tôi nghĩ, tối nay tôi sẽ viết thư cho cha. Nhưng buổi tối tôi không đủ tập trung để viết. Tôi gấp sổ lại và chờ đêm khuya hơn. Khi tất cả mọi người đã ngủ và thành phố im ắng, tôi mới giở cuốn sổ có kẻ hàng, chọn một trang giấy trắng mà tôi sẽ xé khỏi quyển sổ, và bắt đầu bức thư. Lạ lùng thay, tôi không biết viết gì cả. Người cha trong tâm tưởng và mảnh giấy này, cái tên này có liên quan gì với nhau không? Tôi sẽ bắt đầu lá thư như thế nào?
    Con viết lá thư đầu tiên gửi đến cha vào một giờ rất khuya, con ngồi nơi bàn học kê bên cạnh cửa sổ vẫn còn mở. Con nhìn ra ngoài, chỉ thấy mảng tưởng cũ của căn nhà bên cạnh. Con phải đến đứng sát cửa sổ ngước nhìn lên trên thì mới thấy bầu trời, không phải là bầu trời, mà chỉ là một mảnh trời hẹp đóng khung giữa những bức tường của những căn nhà xây chung quanh. Bên dưới mảnh trời đó là một khoảng sân tập thể lát gạch cũ, chông chênh và lúc nào cũng ẩm ướt.
    Tôi không thể viết như vậy được. Mở đầu bức thư, tôi phải nói tôi là ai. Cha tôi phải biết ngay trong hàng chữ đầu tiên ai đang viết bức thư ông vừa mở ra.
    Có thể cha nhớ, có thể cha quên là con đã được sinh ra, nhưng con thì lúc nào cũng nghĩ đến cha và mơ ước ngày được gặp cha. Con đã hai mươi hai tuổi. Con sống với mẹ.
    Tôi biết là tôi không thể nào viết thêm một câu nào nữa về mình. Dì Lan đã bắt tôi hứa không bao giờ được nói với mẹ về cha hoặc nói với cha về mẹ, không bao giờ được nhắc tên người này với người kia. Dù tôi không hiểu tại sao tôi phải hứa điều đó, tôi vẫn phải hiểu rằng lời hứa đó thiêng liêng, và nếu nó không được giữ, thì một điều gì đó sẽ đổ vỡ. Tôi không biết là điều gì, khi biết thì không còn làm nó đừng vỡ nữa.
    Tôi còn lại gì để viết về mình? Tôi có một gương mặt, một thân thể. Tôi có thuở ấu thơ và thời trung học. Tôi có kỷ niệm và những giấc mơ Tôi có tình yêu và nỗi buồn. Tôi có những chuyện không nói cùng ai được và có trăm nghìn điều chưa biết. Có những thứ gì trong số đó tôi có thể viết lên giấy, biến thành chữ được để cha tôi đọc và qua đó nhìn thấy tôi?
    Cha lúc nào cũng có mặt trong thế giới của con. Khi con đứng trú mưa, con nghĩ cha cũng đang nép dưới hiên một căn nhà nào đó bên kia đường...
    Tôi muốn lá thư của tôi gợi trong cha tình yêu dành cho đứa con gái ông chưa bao giờ gặp mặt. Tôi nhớ tựa một cuốn truyện đọc vào năm cuối trung học. Lá thư của người đàn bà không quen biết. Còn thư của tôi là của một đứa con gái chưa gặp mặt. Lá thư của người đàn bà không quen biết hay vì nó đến trễ. Nó được viết sau khi đứa con giữa người đàn bà đó và nhà văn đã chết, nó được nhà văn đọc sau khi người đàn bà đã chết. Cái đẹp nằm ở sự muộn màng. Nếu đến sớm hơn, nó chỉ là một bức thư tỏ tình như nghìn vạn bức thư tỏ tình khác, không có một cuộc đời đã dâng hiến cho tình yêu, hay sương khói, một cuộc đời đã bỏ đi và không còn lấy lại được. Cái đẹp nằm ở sự bâng khuâng yên lành của
    người đọc thư khi không còn gì ông ta có thể làm được nữa cho người đã yêu mình. Cái đẹp nằm ở sự câm lặng. Lá thư của tôi không thể có cái đẹp đó, vì tôi còn sống, đầy những đợi chờ và run sợ, lời nói của tôi là tiếng kêu chứ không phải sự câm lặng. Tự nhiên, tôi thấy tất cả đều dễ vỡ. Tôi không thể nào mở đầu lá thư cho cha vì không có lời lẽ nào mênh mang như nỗi thương nhớ rất mơ hồ và rất dài của tôi. Tôi không thể nào
    viết xong lá thư cho cha, vì nó không bao giờ đủ hoàn hảo, đủ đằm thắm và đẹp đẽ, và bất cứ một lỗi lầm nào trong lá thư đầu tiên cũng có thể gây ra một vết rạn trên chiếc bình vô hình.
     
  8. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
     
    Tôi đứng trong gian kính hẹp, gọi điện thoại cho dì Lan.
    "Mi đã gửi thư cho cha chưa?"
    "Con viết chưa xong. Có lẽ không bao giờ xong."
    "Viết những gì mà không xong? Chỉ cần nửa trang thôi."
    "Con thấy viết ngắn còn khó hơn."
    "Vậy thì cứ viết dài."
    "Nhưng con không biết viết gì."
    "Mi thật lạ, vậy mà kêu viết ngắn lại không chịu."
    "Con không viết bức thư ấy được."
    "Mi phải vào gặp cha. Anh ấy phải tiếp tục lo cho mi ăn học. Mẹ mi lo đến đây đã đuối sức rồi."
    Tôi nghe tiếng thở dài của dì. Tôi còn buồn hơn.
    "Hôm nay mi gửi bức thư ấy đi nhé."
    "Con không viết được."
    "Mi phải vào gặp cha."
    "Vâng."
    "Nhưng không được nói với mẹ."
    "Mi nói mi tìm được việc làm bán thời gian ở Sài Gòn, vào đó vừa đi làm vừa đi học."
    Mẹ con không tin đâu."
    "Chị ấy phải chấp nhận thôi."
     
     
     
    Mẹ đã đi chợ từ khi trời còn khuya. Sáng sớm khi tôi đổ nước ra thau để rửa mặt từ góc nhà phía bên kia, nhìn lại tấm ván nơi tôi ngủ cạnh cửa sổ, nhìn một cạnh của tấm chăn rơi xuống đất, tự nhiên tôi linh cảm thấy có một thứ gì rất lạ, rất buồn đang nằm ở đó, bên dưới tấm ván, khuất đàng sau tấm chăn. Tôi rửa mặt vội vã rồi chạy lại giở tấm chăn lên nhìn, và tôi thấy nơi đó có một túi hành lý có dây đeo may bằng vải nhựa màu xanh đựng quần áo và một chiếc giỏ đan bằng sợi nhựa có ít sách vở bên dưới, mấy chai xà phòng tắm gội bên trên, cùng với một đôi giày tôi mới mua chưa mang. Đó là hành lý của chính tôi, sắp đặt sẵn sàng trước một chuyến đi xa. Tôi thảng thốt. Ai đã sắp hành lý cho tôi vào đêm hôm trước, và vào lúc nào? Hẳn là lúc đó đã khuya lắm, vì khi tôi giăng mùng cho mẹ tôi ngủ và mang chăn gối của tôi ra tấm ván thì bên dưới chưa có cái túi hành lý và cái giỏ ở đó. Sau khi giăng mùng cho mẹ thì tôi làm gì, tôi đi ngủ lúc nào? Tôi không nhớ gì về đêm qua. Ai đã sắp hành lý cho tôi? Hay chính tôi đã thật sự còn thức, làm trong một cơn mộng du? Tôi cảm thấy sợ, và buồn kinh khủng.
    Tôi rót một ly nước lọc và ngồi xuống ghế uống thật chậm từng ngụm bình tĩnh nhớ lại. Dường như vài hôm trước dì Lan gửi cho tôi tấm vé tàu một chiều vào Sài Gòn. Hành lý này dành cho chuyến đi đó. Tôi đến mở dây kéo ngăn phía ngoài của chiếc túi, và tôi thấy vé tàu nằm ở đó. Tôi không nhớ mình đã sắp quần áo vào túi, vậy mà tôi lại biết, một cách lạ lùng, từng thứ một những món mà tôi đã sắp xếp cho chuyến đi xa. Tôi biết xấp tiền mẹ tôi cất trong tủ hương chỉ còn một nửa, vì nửa kia nằm trong chiếc ví của tôi, trong ngăn ngoài của túi hành lý, cùng với vé tàu hoả xuyên Việt.
     
     
     
    Buổi chiều, tôi nói với mẹ:
    "Con đặt anh Cam con bác Hoài đón cái bàn bán nước, với một cái tủ kính nhỏ để mẹ bày bánh kẹo và thuốc lào, con đã trả tiền rồi. Anh ấy nói đầu tuần sau xong anh ấy mang sang".
    "Bàn gì? Ai bán nước? Mày nói gì mẹ không hiểu?"
    "Con cũng nhờ anh mua hộ mấy cái ghế nhựa thấp cho khách ngồi, anh ấy cũng sẽ đem đến cùng với cái bàn của mẹ."
    "Mai. Mẹ không hiểu gì cả."
    "Mẹ hiểu mà. Mẹ biết rằng con đã nói chuyện với tất cả các hộ ở trong ngõ. Từng nhà một đã đồng ý cho mẹ bày một cái bàn nhỏ bán nước chè ở ngoài đầu ngõ. Con cũng đã báo với tổ trưởng tổ dân phố. Con đã mua quà tặng người ta."
    "Mày tặng người ta những gì, mà sao lại tặng? Hết bao nhiêu tiền?"
    "Không nhiều đâu mẹ, chỉ có mấy xấp vải và mấy cân chè, vài cái nồi... Người ta biết mẹ từ lâu, ai cũng muốn giúp mình."
    "Bán nước chè làm sao kiếm đủ tiền mà sống. Mày điên rồi, mẹ còn đủ sức khoẻ để đi chợ mà."
    "Mẹ vất vả quá, mà kiếm được chẳng bao nhiêu. Con biết thế, xấp tiền của mẹ trong tủ hương cứ vơi dần đi, một hôm nào mình chẳng còn vốn. Đằng nào cũng không kiếm đủ tiền, thôi mẹ bán nước chè cho đỡ cực nhọc. Bày hàng cũng nhanh, chỉ có mấy gọi kẹo, mấy túi chè và ấm nước. Bao giờ mẹ thích thì mẹ ra ngồi bán, không thích thì nghỉ ngơi, xem vô tuyến, đi chơi ở Bờ Hồ. Mỗi ngày mẹ kiếm hai mươi, ba mươi nghìn là đủ rồi. Mẹ đâu có cần gì nhiều".
    "Con này, mày không ăn cơm, không đi học à?".
    "Con không ở nhà nữa. Con sắp đi rồi."
    "Đi đâu?"
    Giọng mẹ tôi thảng thốt, như giọng của một người đứng nhìn căn nhà của mình vừa đổ xuống. Nỗi buồn rầu và thương tiếc chưa kịp đến, chỉ mới có sự bàng hoàng và ngơ ngác.
    "Con vào Sài Gòn. Con vừa tìm được việc làm trong ấy. Làm buổi chiều, buổi sáng con có thể đi học. Con chuyển vào Nam học tiếp đại học."
    "Mai, con nói một chuyện thật kinh khủng. Bao lâu nay mày toan tính những gì cho đời mày mà không cho mẹ biết. Mày không có đi đâu hết, ở nhà với mẹ, mẹ lo cho ăn học. Mày biết gì mà dám bỏ nhà đi."
    "Con hai mươi hai tuổi, con trưởng thành đã bốn năm rồi mẹ."
    "Mẹ cấm con. Không được. Chuyện gì cũng phải bàn với mẹ trước."
  9. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    "Con không thể bàn với mẹ, vì mẹ không đồng ý với bất cứ thay đổi nào. Vì mẹ chỉ muốn hy sinh đến bao giờ mẹ chết, không chịu nhận lấy sự thật là bản chất mẹ yếu đuối, mẹ không thể tiếp tục làm cái nghề vất vả và hiện giờ nữa để nuôi một đứa con gái học đại học trong thời buổi tốn kém này..."
    "Thôi im đi."
    Và tôi im. Chúng tôi im lặng suốt buổi chiều. Khi đêm buông xuống, tôi dọn cơm. Mẹ phải ăn rồi đi ngủ sớm để khuya dậy đi chợ. Chúng tôi không nói gì trong lúc ăn cơm. Mẹ tôi giá lạnh, không gì có thể chạm đến mẹ được. Vậy mà lúc ăn gần xong, tôi đứng dậy châm trà thì mẹ vỡ ra khóc. Tôi thấy buốt trong ngực, như có một thứ gì nặng chận lên một nửa trái tim tôi. Cơn đau buốt tràn xuống tận những đầu ngón tay. Và chúng tôi vẫn im lặng.
    Cuối cùng, nước mắt đã khóc hết, mẹ tôi hỏi:
    "Nếu không có tao cản đường thì bao giờ mày đi?"
    Vé tàu hoả ghi ngày đi là ngày mai, nhưng không hiểu vì sao tôi lại nói:
    "Lát nữa con đi. Con đi chuyến tàu khuya."
    Nói xong, tôi mới biết mình nói gì. Tôi vừa chạy trốn những giờ cuối cùng buồn thảm. Trốn cơn nghẹn trong ***g ngực đang lan xuống làm đau đốt xương những ngón tay.
    Dường như mẹ tôi ngất đi. Không, mẹ tôi chỉ rũ xuống vì kiệt sức. Tôi dìu mẹ lên giường.
    "Con sẽ về thăm mẹ. Con sẽ làm việc giỏi giang, học hành chăm ngoan. Con sẽ sống thật đơn giản, để dành tiền mua vé tàu về thăm mẹ. Con sẽ gửi tiền cho mẹ. Con muốn mẹ sống thư thả, yên vui."
    "Mày im đi. Đừng nói thêm một tiếng một lời nào nữa hết. Mẹ không muốn nghe. Thôi để tao một mình".
    "Con lạy mẹ. Nếu con không đi hôm nay, thì một hôm nào khác con cũng phải đi thôi. Con phải vào đời, dù đời thế nào, con cũng phải bước vào. Ai cũng phải thế."
    "Nhưng con mới từng này. Con là con gái. Con chưa đủ lớn. Con còn ở tuổi ngây thơ. Con phải ở với mẹ, trong căn nhà này, yên tâm lo ăn lo học đến nơi đến chốn đã rồi mới tính. Nếu mẹ không đủ sức nuôi con ăn học, làm sao con lớn được tới từng này?"
    "Mẹ."
    "Đồ bội bạc."
    Mẹ tôi không nói gì nữa, quay mặt vào tường. Tôi mang túi hành lý lên vai, nắm quai chiếc giỏ và bước ra ngoài cầu thang. Mẹ tôi không tiễn tôi.Tôi bội bạc và cô đơn vô tận.
    Xuống đến khoảng sân tập thể ướt nước tôi dừng lại và ngước nhìn lên khung cửa sổ căn hộ chúng tôi. Tôi biết mẹ sẽ đứng ở khung cửa đó nhìn xuống, mẹ sẽ tiễn tôi từ một khoảng cách, đủ xa để tiếng nói hay tiếng khóc không được nghe thấy, để nỗi buồn của mỗi người được sự im lặng bao bọc cho được yên lành. Tôi bước chậm lại, ngước nhìn. Tôi dừng lại. Nhưng mẹ tôi không đứng ở khung cửa sổ đó. Tôi chờ, tôi gọi mẹ ơi, tiếng gọi không thoát ra được khỏi ***g ngực, nó tắt ở đâu đó. Tôi bước ra khỏi tầm nhìn từ khung cửa sổ đó, và ngồi xuống một góc khuất của con hẻm. Tôi ngồi xuống để khóc nhưng sao nước mắt không rơi. Chúng tôi chỉ mới cách nhau một cái cầu thang, đôi ba bức vách, nhưng cả một đại dương yên lặng đã tràn về che khuất người thân yêu.
    Khuya lắm tôi mới đến nhà đứa bạn gái để trả một cuốn sách và giã từ. Tôi ngủ lại với nó, và ra ga Hà Nội lúc năm giờ sáng. Trời lạnh như trong một giấc mơ về một nơi trăm năm rồi không có mặt trời.
  10. adatino

    adatino Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/08/2005
    Bài viết:
    11
    Đã được thích:
    0
    CuZin ơi bạn post tiếp đi, thanks.

Chia sẻ trang này