1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 18/11/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. consult_hn

    consult_hn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/11/2004
    Bài viết:
    69
    Đã được thích:
    0
    Dạo này CuZin bận hay sao ấy? Cũng không thấy bạn post Hẹn em ngày đó cũng Fangdi nữa. Lúc nào free thì bạn post tiếp cả 2 truyện nhé! Thanks so much. Truyện của bạn rất hay.
  2. gaigiahanoi

    gaigiahanoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/11/2007
    Bài viết:
    44
    Đã được thích:
    0
    dạo này bạn bận hay sao mà chẳng thấy đăng tiếp nhỉ. À bạn nào có tập chuyện này giúp đăng vài kỳ đi nhỉ
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    5. Nơi đến
     
    Tàu đến ga Nha Trang lúc đêm vừa xuống và dừng lại ở đó trong một tiếng hai mươi phút. Tôi xuống sân ga, tìm chỗ thuê phòng tắm. Chỉ có một gian còn trống, và nó trống vì những người đến trước tôi không muốn thuê nó: cái đèn duy nhất trong đó đã cháy bóng. Người ta đã tìm nhưng không còn bóng để thay vào quá nửa đêm. Họ đưa cho tôi một cây nến đang cháy, cắm trên cái nắp nhựa của một lọ chao, để tôi cầm mang vào chỗ tắm. Tôi cởi quần áo, giội nước. Gian tắm nhỏ quá, tôi không đặt cây nến đủ xa, nên nước văng vào làm cho nó tắt ngấm ngay. Tôi không có bật lửa, vả lại cây nến đã ướt làm sao châm lửa lại được. Tôi tắm trong bóng tối. Tôi gội đầu trong bóng tối. Tôi muốn sáng sớm hôm sau khi cha tôi gặp con gái lần đầu, tóc tôi mượt mà chứ không bẩn bụi dọc đường.
    Tôi trở về ngồi trên băng ghế tàu với mái tóc ướt. Tôi nghĩ đến cha và cuộc gặp gỡ mà tôi chờ đợi suốt đời, nhưng lúc tàu chạy, nỗi mong đợi lo sợ và hy vọng của tôi bị tiếng rầm rập của tàu hoả và cơn mệt mỏi cắt đoạn, rơi rớt trong giấc ngủ chập chờn mờ đục. Lạ lùng thay, tàu càng đến gần thành phố cha tôi ở thì những ý niệm của tôi về cha càng mất nét. Tình yêu của tôi với cha, dù trừu tượng, đã theo tôi trong tất cả năm tháng tôi còn nhớ được, đã trở thành một thứ hơi thở. Bây giờ trong những giờ cuối của đêm trước ngày gặp gỡ, hơi thở đó chợt giống như một thứ khói, một đám mây đang tan đi trên một tầng trời xa lắp.
    Tàu vào thành phố lúc trời còn mờ tối. Năm giờ bốn mươi, tôi rời nhà ga Sài Gon với túi hành lý và chiếc gió mà tôi đã phủ chiếc áo len tôi mặc lúc ra ga Hà Nội lên trên.
    Tôi tìm được một quán bán thức ăn sáng mở cửa sớm. Tôi sẽ ăn thật chậm và ngồi ở đó chờ ba tiếng, tôi không muốn đến nhà cha tôi quá sớm, cha tôi sẽ dậy muộn vào buổi sáng chủ nhật. Tôi muốn ngồi ở một góc khuất, nhưng quán nhỏ, cái bàn nằm khuất cũng chỉ cách mặt đường sáu mét. Tôi gọi một đĩa bánh cuốn, đặt túi và gió ở chân bàn, hỏi chỗ rửa mặt nhờ ở nhà sau quán ăn. Khi tôi trở ra, đĩa bánh đã được đặt trên bàn, không có khói bay lên: họ dọn bánh cuốn nguội. Khi tôi gắp đưa lên miệng miếng đầu tiên, thì cơn buồn chợt ập tới không báo trước. Nước mắt tôi tự dưng rớt xuống, tôi khóc trước khi biết là mình buồn. Tôi cúi đầu thấp để người ta không thấy tôi vừa ăn vừa khóc. Mắt tôi sẽ sưng, mặt tôi sẽ xấu xí, trong khi tôi muốn cha yêu thích gương mặt của tôi. Tôi không muốn khóc, vậy mà tôi không ngưng được. Cơn bão mãnh liệt không có tiếng động đã âm thầm di chuyển trong tôi từ hai ngày nay vừa vỡ ra ngay vào lúc tôi cúi xuống để gắp những miếng bánh của bữa ăn sáng đầu tiên trên một thành phố lạ. Trên chuyến tàu đi dọc quê hương chưa quen tôi đã không khóc, ngay cả nỗi buồn cũng không đến. Chỉ có nỗi mệt mỏi, một chút hoang mang và những hy vọng cùng lo sợ chập chờn rời rạc trong những giờ nửa thức. Cơn bão không có gió, biến thành mưa trút thẳng xuống từ trời, mãnh liệt và im lặng. Tôi khóc mãi, có lẽ gần hết nửa giờ. Cơn mưa qua, tôi mới bắt đầu hiểu tại sao nó đến. Tôi bắt đầu hiểu nỗi buồn. Tôi nhớ mẹ. Một nỗi mất mát kinh hoàng vừa xảy đến với mẹ, với tôi. Tôi chưa hiểu hết nỗi mất mát đó, tôi chỉ vừa mơ hồ cảm nhận được chiều sâu của cái vực thẳm nỗi mất mát ấy vừa gây ra, nó mịt mùng giữa những vách núi. Tôi đang rơi.
     
     
     
    Tôi chải đầu, buộc tóc lại. Tôi kiếm xe ôm đi tìm nhà cha tôi. Tôi xuống xe ở phía bên kia đường căn nhà số 17 đường PTK. Tôi đứng ở lề đường một lúc lâu, tôi muốn nhìn căn nhà từ bên ngoài trước khi vào trong. Tôi chỉ thấy những khung cửa kính có buông làm của căn phòng trên lầu, chứ không nhìn thấy tầng dưới. Nhà và sân nằm bên trong một bức tường cao quá đầu người chạy dọc lề đường dài độ mười lăm mét, tường có hai cánh cổng sắt kín. Dì Lan nói cha tôi có học, có chức cao, nhưng tôi chưa bao giờ biết một người có thể ở một căn nhà to như vậy.
    Trong hai mươi hai năm, cha là một ý niệm buồn bã và thân yêu. Cha luôn luôn ở phía bên kia con đường nơi tôi đứng trú mưa, ở một góc phố lúc trời vừa chợt tối. Ông cũng mơ ước có một đứa con gái như tôi mơ ước có một người cha. Ông cũng thương nhớ nỗi thương nhớ mênh mang dài như cuộc đời, nỗi thương nhớ không có bắt đầu và chấm dứt. Ông chỉ băng qua chiều ngang của con đường thôi thì sẽ ở cùng phía với tôi, sẽ tìm thấy tôi. Nhưng ông không băng qua con đường đó, vì một lý do nào chưa bao giờ có ai nói cho tôi biết. Ông là một ý niệm, một ước mơ thấp thoáng, mong manh nhưng không bao giờ đổ vỡ. Ý niệm đó đã trở thành một phần của cuộc đời, một số khoảnh khắc nào đó của một ngày, vào cuối những cơn mưa chiều mùa đông hay mùa hạ. Tôi ao ước được là đứa con gái nhỏ của cha, tôi mong cha tôi sẽ băng qua đường, tìm thấy tôi, ôm chặt tôi trước khi tuổi thơ tôi qua hẳn rồi. Tôi muốn vào ngày ấy cha tôi thấy tôi đã mang nét duyên con gái vừa lớn, nhưng vẫn còn là một đứa con gái nhỏ bé, tôi muốn được ở bên trong vòng tay êm ái mạnh mẽ của cha khi tôi còn thơ dại và cần được ôm ấp. Tôi không muốn có người yêu trước khi biết vòng tay ấy. Tôi muốn là con gái của cha trước khi là người yêu của một người đàn ông.
     
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tôi hai mươi hai tuổi và tôi không thể chờ nữa. Cha tôi không băng qua con đường để tìm tôi, nên tôi sẽ băng qua con đường để tìm cha. Con đường đó đang ở trước mặt tôi, vào một ngày nắng chứ không phải ngày mưa. Con đường không ướt nước như hàng ngàn ngày tôi đã đứng mơ màng thương nhớ cha.
    Ở phía bên kia đường là một cánh cửa sắt lớn cao quá đầu người. Tôi sẽ băng qua con đường trước mặt, và sau đó, đời tôi sẽ khác.
    Tôi bấm chuông và chờ. Có một người đàn ông đến mở một cái ô nhỏ trên cánh cửa để nhìn tôi. Người đó không phải là cha tôi. Anh ta độ ba mươi tuổi.
    "Cô tìm ai?"
    "Em tìm ông Lân. Thưa đây có phải nhà của ông Nguyễn Bá Lân không ạ?"
    "Cô là bạn của Quỳnh à?"
    "Quỳnh là ai?"
    "Con bác Lân. Học ở đại học Kiến trúc nhưng đi Thuỵ Sĩ du học rồi. Đi rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn còn bạn đến tìm vì không biết. Tôi thấy cô bằng tuổi Quỳnh nên tôi tưởng cô học chung với Quỳnh chứ."
    "Em tìm ông Lân."
    "Bạn bác lân đón bác đi đánh golf từ sớm rồi, nhưng có vợ bác ở nhà. Cô tên gì để tôi vào thưa?"
    "Em là... tên em là..." - tôi thấy người ấy áp mặt vào cái lỗ nhỏ trên cửa sắt để nhìn tôi rõ hơn, ánh mắt của anh ta lướt từ mặt xuống chân tôi, nơi tôi đã đặt chiếc túi và cái giỏ xuống đất.
    "Em tên là Mai."
    "Gì Mai? Mai tìm bác Lân có việc gì thế?"
    Tôi tìm cha tôi có việc gì? Tôi không biết. Tôi biết trả lời người đàn ông lạ này thế nào. Tôi cũng không muốn nói cả họ tên tôi ra, vì họ tôi không giống họ của cha tôi. Tôi quay đi, im lặng.
    "Thế Mai chỉ có tên không có họ à? Không có thì thôi vậy. Nhưng mà bác gái chắc chắn muốn biết Mai từ đâu tới, tìm ông nhà có việc gì thì mới cho tôi mở cửa đấy."
    "Việc của em... chỉ là việc riêng giữa ông Lân với em thôi."
    "Việc riêng... Việc riêng sao không gặp chỗ riêng mà lại đến nhà thế này."
    "Cũng không có việc gì..."
    "Mai nhất định không chịu nói à? Nếu bác gái không cho mở cửa thì không phải lỗi ở anh đấy Mai nhé. Mai chờ một chút."
    Người đàn ông đóng cánh cửa của cái khung nhỏ xíu trên cổng sắt. Và tôi đứng chờ. Nhưng tôi đang chờ ai, chờ chuyện gì đây? Chưa bao giờ, chưa một lần duy nhất tôi nghĩ rằng cha tôi có vợ, một người đàn bà nào đó, không phải là mẹ tôi. Và có con, một đứa con gái nào đó, không phải tôi. Trong mấy phút nữa thôi, tôi sẽ gặp người vợ đó, nếu bà chịu mở cửa cho tôi vào bên trong khuôn viên căn nhà có tường cao đó. Tại sao tôi lại vào đó?
    Tôi nhấc túi và giỏ của mình lên và quay người bước đi, trước khi tôi kịp có cảm giác hay ý nghĩ gì. Hình như có tiếng cánh cổng sắt mở ra, tôi không chắc, đường nhiều xe, tôi không biết có tiếng mở cửa thật không hay âm thanh đó chỉ do tôi tưởng tượng. Dù sao thì tôi cũng không quay đầu lại. Tôi đi thật nhanh đến góc đường, anh xe ôm lúc nãy đưa tôi đến đây vẫn còn dựng xe ngay góc đường này để chờ khách. Tôi leo lên yên xe, chưa biết mình sẽ nói anh ta đưa tôi đi đâu.
    Cuộc gặp gỡ cha tôi, sau một đời mong đợi chỉ có vậy thôi. Nó không bao giờ xảy ra. Ai đã quyết định như vậy? Tôi không biết. Chân tôi bước đi không có một cân nhắc nào, vậy mà điều đó đã trở nên cái định mệnh cuối cùng, tuyệt đối: cha tôi và tôi suốt đời không gặp nhau.
    Cha tôi và tôi suốt đời không gặp nhau, điều đó chỉ đúng một nửa. Tôi có gặp ông, nhưng ngược lại thì không. Tôi nhìn thấy ông từ một khoảng cách, từ phía bên kia đường. Tôi không biết tại sao và như thế nào, tôi quay lại con đường đó, uống cà phê hay đi lên đi xuống lề đường phía bên kia căn nhà cha tôi ở, để chờ thấy cha tôi một lần. Chiếc xe màu đen của ông ngừng lại, người lái xe bấm chuông, và trong một phút họ chờ hai cánh cổng được mở ra trước khi lái xe vào sân,tôi  nhìn cha tôi từ bên kia đường, xuyên qua làn kính của cửa sổ xe ông. Ánh sáng phản chiếu từ tấm kính ấy làm cho tôi thấy ông không rõ, nhưng có hề gì. Tôi thấy một người đàn ông và biết người đó là cha tôi, vậy thôi. Tôi cần thấy ông một lần, để có thể về viết trong nhật ký: Tôi đã nhìn thấy ông và không có chuyện gì xảy ra. Không có tình máu mủ màu nhiệm. Tôi không là đứa con gái nhỏ của ai cả. Sau những khoảnh khắc ngắn ngủi đứng trước cánh cổng của căn nhà đó, tôi đã chợt lớn hơn. Đủ lớn để biết rằng tôi mồ côi.
     
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    6. Đầu mùa mưa
     
    Tôi không thể trở về Hà Nội. Tôi ở lại Sài Gòn làm điều mà mẹ tôi lo sợ nhất: tôi bỏ họ, đi làm. Thật ra không phải vậy, việc học của tôi chỉ gián đoạn, nửa năm hay một năm. Chuyển trường được rồi, tôi sẽ đi làm buổi chiều và đi học buổi sáng. Vậy là cuối cùng, tôi đã không nói dối mẹ tôi. Tôi không có lỗi với mẹ, tôi chỉ đã làm một điều cần thiết: tôi đã lớn, và phải vào đời, dù đường đi của tôi có chông chênh lầm lạc thế nào, tôi cũng vẫn phải đi.
    Đám con gái ở chung dãy phòng trọ của tôi đến từ khắp nơi, nói đủ loại giọng tỉnh lẻ, làm đủ mọi nghề, và cũng có đứa học đại học hay một loại trường nào đó. Bọn con gái giúp nhau tìm việc làm. Tôi chỉ có thể đi làm công nhân hoặc bưng nước ở nhà hàng, và tôi chọn việc thứ nhì, vì đó là việc có thể làm buổi chiều và tối, buổi sáng tôi có thể đến trường. Tôi viết thư cho dì Lan, nói dối là tôi ở nhà cha. Không biết tại sao tôi lại viết như vậy. Tôi viết: Cha mừng vì gặp được con gái. Phòng cháu ở trên gác, có những cửa sổ bằng kính phủ hai lớp màn, một bằng voan trắng mỏng, một bằng vải dày và mềm, tựa như nhung. Tôi tả căn phòng trên lầu căn nhà cha tôi ở mà tôi đã đứng từ phía bên kia đường nhìn lên, ngoài các khung cửa sổ bằng kính và những bức màn êm đềm, tôi không biết gì thêm để viết về nơi đó. Tôi chưa dám viết thưc ho mẹ. Tôi nghĩ khi nào nhận được lương, tôi sẽ gửi mẹ tiền, lúc đó tôi sẽ viết thư. Nhưng tháng đầu nhận tiền rồi tôi không còn đủ trả các khôặnn tôi đã vay để trả tiền thế chân thuê phòng và mua quần áo. Tháng thứ hai cũng vậy. Tháng thứ ba tôi có chút tiền để gửi, nhưng tôi gửi tiền đi không kèm thư, và tôi linh cảm có lẽ đến chết tôi không biết viết lá thư đó như thế nào. Tôi không thể viết bất cứ cái gì về cuộc đời tôi bây giờ mà không làm cho mẹ buồn. Ở giữa mẹ và tôi là tình yêu và niềm thương nhớ rũ rượi, là ơn sâu và sự bội bạc cần thiết, là trăm nghìn đổ vỡ cả mẹ và tôi chưa kịp hiểu hết đã vội vùi những mảnh vỡ đó vào niềm im lặng.
    Đầu mùa mưa tôi bị ốm. Sau những cơn mưa đầu mùa trời nóng và ẩm lạ thường, tôi sốt nằm trong phòng, bỏ việc đã hai ngày. Buổi chiều đi làm về, cô bạn làm chung đem về cho tôi mấy viên thuốc kháng sinh và dăm ba loại thuốc khác, cùng một lá thư của dì Lan. Thư dày quá. Tôi đặt nó vào ngăn của chiếc bàn nhỏ ở đầu giừơng, tôi sẽ đọc nó khi đầu bớt nóng. Tôi uống hết các loại thuốc, không biết là những thứ gì. Tôi mệt rã rượi nhưng giấc ngủ không đến hoặc chỉ đến chập chờn. Chợt nhiên tiếng ồn thường ngày của dãy nhà trọ làm đầu tôi muốn vỡ... Tiếng guốc dép, tiếng nói cười gọi nhau, tiếng máy hát... mọi tiếng động đều ***g lộng vang lên trong cái sọ trống và buốt của tôi. Cơn sốt dâng lên, và tôi chìm vào một chuỗi những cơn ác mộgn lạ lùng, tôi nằm mơ những điều ma quái trong lúc tôi không ngủ. Ánh sáng, màu sắc, tiếng động của thế giới thật và của những cơn mộng mị lẫn vào nhau, dồn dập trùng vây, núi cao hay dưới vực thẳm, người ta lũ lượt bao lấy tôi như một đàn kiến dữ, nhưng ngước mặt nhìn tôi thì tôi không thấy một người nào.
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Sau đó là một đêm tối đen và một sự im lặng giống như sự im lặng trong lòng vực thẳm. Tôi đang ở một nơi không có ánh sáng hay tiếng động, và cũng không có thời gian. Ý thức mơ hồ chực tan vỡ, không khí cũng mỏng manh.
    Tôi nghe tiếng gọi nhỏ:
    "Mai ơi."
    Tôi biết là trong lòng vực không có ai, chỉ có tôi vừa gọi chính tôi mà thôi.
    "Mai ơi."
    Dù chỉ là tôi gọi chính mình, dù không có thực, tiếng gọi đó êm ái. Từ ngày xa mẹ, tôi không biết một điều gì êm ái.
    "Mai ơi, tối quá. Em thắp đèn nhé."
    Không phải tiếng của tôi. Một người khác đang nói chuyện với tôi. Nhưng nơi này không có ai, và tôi đang ở đâu đây?
    Tôi ngồi dậy, cố nhìn trong bóng tối. Dù ánh sáng rất mỏng, tưởng như không có ánh sáng, tôi cũng biết là chung quanh đây không có người. Tôi đang còn ở trong một giấc mơ.
    Một ngọn đèn dầu nhỏ vừa được thắp lên. Ánh sáng lung lay một giây rồi yên lại. Cây đèn dầu nhỏ quen thuộc, nhưng nó không thể ở đây. Phòng tôi không có cây đèn dầu nào. Cây đèn giống như cây đèn ở nhà tôi. Nó cũ lắm rồi, ngày xưa mẹ tôi hay thắp, nhưng khi thành phố hết bị mất điện, thì mẹ tôi cất nó vào một góc nào đó. Khi bà tôi mất, mẹ lấy cây đèn ấy ra đặt lên trên nóc tủ hương, phía trước là bức ảnh của bà.
    Cảm giác của tôi thật lạ lùng. Tôi sợ tất cả những thứ lạ thường ở chung quanh, những thứ không thật, những hình ảnh, tiếng nói của ảo giác, vang lên từ trong tâm tưởng hoảng loạn cô đơn của tôi. Nhưng tôi cũng thấy có một thứ tình thân thuộc loang ra từ ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ. Tôi muốn chiếc đèn dầu ấy có thật, tiếng ai vừa nói đó có thật. Tôi chênh vênh ở giữa nỗi sợ và sự cuốn hút êm đềm của đốm sáng nhỏ lung linh trong phòng toả ra từ một chiếc đèn dầu đã có từ những năm ấu thơ. Tôi vừa muốn la hét để tỉnh khỏi cơn mộng mị, vừa muốn buông xuôi, nằm đó trong vùng sáng của ngọn lửa đó, nghe tiếng nói của ai đó mặc dù những ấm êm ấy không có thật.
    Một đứa con gái đang ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong căn phòng. Tóc nó hơi dài hơn tóc tôi, và đôi mắt cũng vậy. Đôi mắt dài, đậm và có ánh sáng. Đôi mắt ấy rất quen thuộc, nhưng cũng hư ảo lạ kỳ. Đứa con gái mặc một cái áo đen rất dài làm cho da nó trắng biếc. Chiếc áo có tay dài. Khi nó đưa tay vuốt tóc, tôi thấy ở cổ tay áo có thêu một cành mai nhưng chỉ rất mỏng, như ẩn như hiện.
    "Cậu là ai?" - Tôi hỏi.
    "Em của Mai."
    "Tôi không có em."
    "Em ở bên Mai từ nhỏ. Hai mươi hai năm rồi. Em giống Mai quá, nên em lẫn vào Mai, Mai không nhận ra."
    "Còn hôm nay?"
    "Hôm nay chúng ta đã lớn. Chợt dưng chúng ta không nhìn cuộc đời bằng cùng một cặp mắt. Chúng ta trở thành hai con người riêng biệt."
    "Tại sao cậu lại đến với tôi, tại sao hôm nay?"
    "Vì Mai đã biết buồn. Như thế Mai hiểu em hơn. Với lại..."
    "Với lại sao?"
    "Mai có nhớ câu Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh trong cuốn sổ bìa màu vàng không?"
    "Có." - Tôi không biết tại sao cô gái lại gọi cuốn truyện là cuốn sổ, và tại sao lại có bìa màu vàng.
    "Nếu mà trong sổ có tên Mai, nếu Mai có lúc thấy buồn, em muốn Mai biết là em luôn ở bên Mai. Dù chị em mình khác nhau, nhưng vẫn nên ở bên nhau".
    Tôi thấy đôi môi cô gái màu tím, trông như vẽ.
     
     
     
    Hôm khỏi bệnh, khi mở ngăn tủ nhỏ ở đầu giường để lấy tiền đi ra chợ, tôi nhìn thấy bức thư của dì Ngọc Lan gửi từ Huế.
     
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    7. Mưa gió ngập trời
     
    Dì Lan cần nhờ con làm một việc. Dì biết là con đã đến nhà cha, cha đã nhận và lo lắng cho con chu đáo, dì mới dám nhờ đến việc này. Dì phải víêt cho con một bức thư dài. Câu chuyện bắt đầu từ trước khi con sinh ra.
     
     
     
    Nhiều đêm dì thức giấc trong gian phòng ở phía trái sát với gian chính, không thấy chị Liên nằm bên cạnh. Một lúc sau chị sẽ về, len lén trèo lên giường nằm không tiếng động, dì chỉ nghe tiếng chị thở nhanh. Tiếng thở của chị dần trở nên đều và nhẹ. Chị Liên cựa mình êm ái và buồn ngủ như một con mèo vừa đi chơi đêm về, vừa nhảy xuống từ những tán cây ẩm ướt và tối đen như mực bên ngoài. Lúc đó sẽ quá nửa đêm một chút, có thể đã hai giờ sáng. Nằm cạnh chị dì nghe lẫn trong mùi cỏ, mùi lá sen, mùi sương, có những mùi ngai ngái lạ dì không biết. Nếu dì hỏi chị đi đâu về, chị sẽ vội một tay bụm miệng dì một tay che mắt dì bảo ngủ lại đi đừng hỏi.
    Một hôm nào đó chị thôi không lẻn đi ra ngoài ban đêm nữa. Nếu dì thức giấc nửa đêm, sẽ thấy chị nằm im mở mắt. Dường như chị không bao giờ buồn ngủ nữa, lúc nào cũng thức. Dì biết chị sẽ không bụm miệng dì nếu dì có hỏi , nhưng dì không biết hỏi gì bây giờ. Dì thấy chị Liên đang ở một nơi nào rất xa.
     
     
    Đã bao giờ con nghe tiếng vỡ của một chiếc bình sứ quý chưa?
    Nhà cha mẹ dì ngày xưa có một chiếc độc bình Khang Hy, để lại từ thời các cụ tổ làm quan trong triều Nguyễn. Chiếc bình được đặt trên một cái đôn cao bằng gỗ cẩm lai chạm hoa sen, phía trước bàn thờ. Đêm đó gì thức giấc, quay sang bên cạnh không thấy chị Liên. Đêm không có trăng, tối lắm. Chỉ có ngọn đèn dầu nhỏ thường lúc nào cũng cháy trên bàn thở hắt chút ánh ssng mỏng manh qua những khe hở của bức tường gỗ giữa gian chính và gian phụ.
    Chợt dì nghe tiếng người từ gian bên phải, tiếng la của cha, tiếng khóc, tiếng thét của mẹ, của chị. Dì nghe tiếng chân người chạy băng qua gian chính qua phía này, tiếng bàn ghế bị xô đụng và cuối cùng tiếng bình sứ lớn rơi xuống vỡ tan trên nền gạch. Sau đó là một sự yên lặng ghê gớm. Dù có tiếng người thở, tiếng khóc, tiếng nấc, vẫn là sự yên lặng, vì không có âm thanh nào còn ý nghĩa sau tiếng vỡ của chiếc bình ấy.
    Trước tiếng vỡ đó, trong căn nhà này có một gia đình, một lịch sử. Sau tiếng vỡ đó, không còn gì, không còn ai. Không còn ông, bà, cha hay mẹ, không còn tổ tiên, chị em, không còn tuổi thơ, trời mưa, bánh Tết, chuyện đời xưa, trăng rằm, lá sen... Tất cả đã vỡ cùng với chiếc bình, những mảnh vỡ hai mươi hai năm rồi chưa có ai cúi nhặt lên và sắp lại cạnh nhau. Chị Liên thất thân với một người từ miền Bắc. Chị Liên đã làm ô nhục gia phong. Đó không phải là vụ chửa hoang đầu tiên trong họ, hay trong làng. Nhưng nó là nhát dao làm chảy cạn bụm máu cuối cùng của một dòng họ quan xưa ở Huế. Đó là những người suốt nhiều năm vẫn chờ vua trở lại. Nếu không sống bằng giấc mộng đó, họ sống bằng niềm hãnh diện lặng lẽ và khắc nghiệt của những kẻ nghĩ mình cao quý nhưng thất thế. Danh dự của họ càng mơ hồ thì nó càng mạnh mẽ và cay đắng. Trong chừng một tháng sau ngày ấy, nửa đêm ông nội của chị Liên và của dì bị đau thắt ở tim. Cha gọi xe đưa ông đi cấp cứu nhưng không kịp nữa. Dì không biết ông chết thế nào, nhưng cả xóm thì biết. Họ nói ông hộc ra một bụm máu đen, đen như thứ mực ngày xưa ông mài ra để viết chữ Nho. Bà nội sống thêm được ba năm, ba năm không nói năng. Bà không nói vì buồn, vì giận. Sau đó, không biết từ lúc nào, bà không nói vì bà đã quên mất tiếng người. Không còn buồn giận, trí nhớ cũng không còn.
    Hai người con trai của cha, hai a của chị Liên và của dì, dì làm ăn phương xa đã hơn mười một năm. Đứa em gái lớn ở lại nhà giữ hương lửa bàn thờ tổ tiên đã để cho ông một người đànô làm nhục rồi ruồng bỏ, khiến ông nội uất mà chết. Vết thương đó chạy suốt chiều dài của xương sống, chạm đến tất cả các đầu dây thâầ kinh ngăn ngắt của một họ tộc đang đắm tàu giữa biển.
    Một ngày nào đó dù tôi sẽ tha thứ cho ông ngoại con hay không, khi nghĩ tới ông như một người tàn ác, cùng lúc đó cũng hãy nghĩ rằng ông là một người thất bại quá lâu. Dì không biết con tha thứ cho ông thì dễ sống hơn hay là không tha thứ thì dễ sống hơn. Mọi thứ đã quá muộn màng và buồn bã.
  8. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tháng tư cha mẹ sắp xếp để đưa chị Liên về nhà một người bà con xa của bà ngoại ở vùng trước đây là vùng kinh tế mới, nơi ai cũng là người tha hương, ít ai biết ai, càng không biết tới những thứ như dòng họ và danh giá. Dì xin tiền bà ngoại mua được mấy tấm vải thô gửi ở nhà một người chị bạn của chị Liên; chiều tan học dì tới đó, bạn chị Liên chỉ cho dì may tã và áo cánh cho em bé để chị Liên mang theo lên vùng xa. May tã cũng phải giấu cha.
    Hôm dì may xong, cuộn những cái tã và những chiếc áo nhỏ xíu vào giữa ba chiếc khăn lông, bó lại xong, dì về nhà thì chị Liên đã bỏ đi. Dì vừa chạy vừa hỏi kiếm khắp các bến xe, bảy giờ hai mươi tối ra đến được sân ga của chuyến xe Bắc Nam đi Hà Nội, dì chỉ còn kịp thấy chị Liên thấp thoáng giữa đám người chen nhau lên xuống xe. Chỉ đủ để sau này dì nhớ lại chị bới tọc gọn gàng nhưng gương mặt tái ngắt và đôi mắt ướt nước, không biết nước mắt tràn vì buồn tủi hay vì bụi và khói. Chị lên xe rồi hai mươi phút sau xe mới đi, nhưng trong hai mươi phút đó, dì chỉ biết khóc. Dì đi dọc theo các cửa sổ, kêu mãi không thấy chị Liên đâu nữa. Dì không dám bước lên xe, sợ nó có thể chạy bất cứ lúcnào không kịp chen xuống.
    Tháng sáu dì trốn cha ra Hà Nội nuôi chị Liên sinh nở. May mà chị sinh vào dịp nghỉ hè, nên dì mới đi được. Mẹ dì vừa muốn đi, vừa không dám trái ý cha. Vừa không muốn cho con gái mười lăm tuổi đi xa một mình, vừa không đành để bỏ chị Liên bơ vơ vượt cạn lần đầu nơi thành phố lạ. Những tờ tiền giấy bà dấm dúi cho dì, tờnào cũng âm ẩm vì mẹ gói trong chiếc khăn thấm nước mắt. Tiền đó để riêng mua vé tàu đi về rồi, cũng chẳng còn bao nhiêu.
    Chị Liên ra Hà Nội để tìm cha con. Chị tìm được, nhưng cha con không muốn gặpc hi nữa. Anh đưa tiền cho mấy căn hộ trong một căn biệt thự đã trở thành nhà tập thể ở phố Đội Cấn, để người ta cho phép chị kê một chiếc giường cuối hành lang trên lầu hai. Anh đưa chị ít tiền làm vốn bán rau. Đổi lại, chị Liên đã ký một tờ giấy nợ hay cam kết gì đó do cha con soạn dì không rõ. Sau ngày ký tờ giấy đó chị không bao giờ gặp anh ấy nữa, cũng không cho dì đi gặp. Nơi ở của cha con dì tìm được nhờ hỏi nhưng người trong căn hộ mà cha con đã đă tiền mua một góc hành lang. Sau này chị Liên xây thêm hai bức vách che cái góc ấy lại, nso mới trở thành căn hộ mẹ con con ở bây giờ.
    Giữa tháng sáu chị Liên sinh con.
     
     
     
    Phía dưới còn một phần ba trang giấy trắng, nhưng dì Lan không viết gì vào đó nữa. Tôi đọc qua tờ kế. Dì Lan viết tiếp, bằng một cây bút khác, với màu mực nhạt hơn.
     
     
    Một tuần rồi mà dì viết không xong một bức thư viết đã gần xong. Không dễ gì mà người ta kể một câu chuyện không kể đã hai mươi hai năm.
    Chị Liên sinh đôi. Con ra trước, mẹ đặt tên Mai. Em con cũng con gái, tên Chi. Hai đứa chỉ trên hai ký một chút, nhưng đều khoẻ mạnh.
    Chị Liên không đủ sữa, mấy đứa khóc mãi vì bú không no. Dì phụ mẹ đi chợ, nhưng hai chị em vẫn không cso tiền để mua thêm sữa bột. Đến hết tháng tám, dì phải về Huế tựu trường. Dì không biết làm sao đi cho đành. Để lại ba mẹ con không có ai phụ giúp, chắc sẽ chết hết cả ba. Ai cũng gầy guộc thiếu ăn, tay chân khẳng khiu, hai con mắt mở to nhưng thiếu ánh sáng. Dì nghĩ đã khổ còn sinh đôi làm chi làm sao nuôi nổi con.
    Một ngày chị Liên đi chợ chưa về, hai đứa đang ngủ. Dì hỏi nhà cha con. Dì quấn bé Chi trong mấy lần tã. Dì ôm bé đến trao cho anh ấy nuôi một đứa, không thì chết cả. Dì gọi cổng căn biệt thự ở phố Tuệ Tĩnh. May mà anh ấy ra mở cổng. Dì bước vào sân, trao cái bọc có bé Chi cho anh ấy, nói chị Liên sinh hai đứa, anh là cha, em mang cho anh nuôi một đứa. Rồi dì quay ra. Dì nhớ trời hôm ấy mưa gió ngập trời, tiếng gió át cả tiếng khóc của con bé con. Đó là điều duy nhất mà dì nhớ. Ngoài ra dì không nhớ gì cả, không nhớ gì đã nói gì, anh ấy đã nói gì, chắc tại mưa gió phũ phàng.
    Về đến nhà chị Liên hỏi bé Chi đâu. Dì nói dì mang bé đi giao cho cha nó nuôi bớt một đứa rồi. Chị Liên hỏi sao con tao mi ẵm đi mà không hỏi. Dì nói hôm qua hai chị em có bàn chuyện đó, chị đã đồng ý rồi. Chị nói mi nói láo. Chị chạy tới đánh dì. Dì ngồi thụp xuống đất ôm đầu. Rồi chị ấy bò ở sàn nhà khóc.
    Mấy ngày sau chị dịu lại, bắt dì kể thật rõ từ việc nhỏ nhất. Mi mặc cho bé cái áo nào, quấn tã có cài kim hay không, tóc bé chải rẽ ngôi bên trái hay bên phải. Cứ như vậy chị muốn biết từng bước dì đã bước đi đến căn nhà ở Tuệ Tĩnh. Đến đoạn dì bước vào sân nhà, cái sân có cây gì, dì nói gì, cha con nói gì thì dì không nhớ. Chị Liên hỏi sao không nhớ. Dì nói trời bỗng dưng vừa mưa vừa gió mịt mùng, át hết tiếng người. Chị gắt lên, từ đầu tháng đến giờ có ngày nào mưa đâu. Vậy là hai chị em cãi nhau, một người nói hôm ấy mưa to một người nói không có mưa. Chỉ có vậy mà hai người vừa cãi vừa khóc đến khuya.
    Nhưng sau hôm đó thì chị Liên không khóc, cũng không nói một câu nào nữa. Chị Liên cứ im như thế cho đến lúc dì đi và im suốt hai mươi hai năm sau đó. Ngày dì đi, chị ấy chỉ nói có một câu, rằng chị không còn muốn gặp dì. Tao với mi không nên chị em chi nữa. Dì lủi thủi về huế, cha cũng giận không nói năng. Chị Liên gửi cho dì một phong thư, cũng qua địa chỉ nhà chị bạn mà dì đã sang may tã nhờ cho các cháu. Dì mở phong thư ra, chỉ có mấy chữ: "Tao đi hỏi ở phố Tuệ Tĩnh người ta nói hôm đó có một người mẹ trẻ, quá trẻ, chỉ là một đứa con gái khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, đem cái bọc gói con mình đi bỏ bên vệ đường. Người ta mở bọc ra, thấy xác của một bé gái sơ sinh chừng hai tháng tuổi".
     
     
  9. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    8. Ngọn đèn dầu nhỏ
     
    Dì nghĩ là dì đủ sức gánh câu chuyện buồn này một mình, đủ sức yên lặng - như mẹ con - chờ cho năm tháng xoá nó đi. Nếu không có ai tha thứ cho tội tình của dì, thì thời gian sẽ làm chuyện đó.
    Nhưng Chi nó không quên dì. Thỉnh thoảng nó vẫn về, không bao giờ nói năng gì, chỉ một gương mặt, một chiếc bóng loáng thoáng, nương nhờ một chút gió, một chút hương để hiện về cho dì biết là nó vẫn quanh đây.
    Sau ngày nhận được mẩu tin mẹ gửi, dì thắp trong phòng một ngọn đèn dầu. Dì thắp đèn cho Chi. Dì giấu ông bà ngoại, nên dì chỉ thắp một ngọn đèn rất nhỏ, đặt nó ở một góc khuất. Khi đi lấy chồng, dì mang theo chiếc đèn dầu ấy. Nhưng ở nhà chồng, dì không còn một góc khuất nào để thắp nó. Cây đèn không có dầu, cuộn trong tờ giấy báo, nằm trong một cái túi xách cũ ở góc nhà chứa đồ cũ, vậy mà nó vẫn cháy. Ngọn lửa nhỏ cháy trong lòng dì.
    Sau dì có một cái bàn của riêng mình. Dì đặt ngọn đèn ở đó. Mồng một không trăng, dì đốt đèn cho Chi. Ngọn đèn sẽ còn cháy cho đến khi Chi đầu thai vào kiếp khác.
    Đóm lửa đìu hiu, vậy mà qua bao nhiêu năm nó không chịu tắt. Chỉ nó còn u ẩn, nó vương vất, không siêu thoát đi. Mỗi năm hai ba lần, nếu nó không hiện được bên ngoài cửa sổ, thì dì sẽ nằm mộng trông thấy nó. Thân Chi vẫn còn quấn trong một tấm vải trắng, như trong tấm tã mà ngày xưa dì đã quấn nó. Ma thì mãi mãi mang hình thù lúc chết, nhưng trong những giấc mộng của dì, Chi cứ dần dần lớn lên. Mới dầu dì thấy chuyện ấy lạ, nhưng bây giờ dì đã hiểu. Dì sẽ nói cho con nghe sau.
    Ngày mẹ của dì mất, dì khấn xin mẹ hãy đưa Chi đi. Ngày còn sống, cha không cho mẹ nhận cháu ngoại, nhưng mẹ chết rồi, ông không còn cấm đoán được nữa. Có những người chỉ khi chết mới trở về được với mình. Chỉ khi trái tim không còn đập, nó mới thuộc về cái ***g ngực của người mang nó. Khi họ còn sống, trái tim họ lặng lẽ, không được phép có tình yêu.
    Dì tin là Chi đã gặp bà ngoại nó. Nó đã có chút tình thân. Dì tin là mẹ dì nhận cháu, yêu cháu, đưa cháu rời cõi u minh oan khuất của những hồn ma. Dì vào chùa cầu siêu cho hai bà cháu, rồi dì nấu nhờ một mâm cơm chay, đốt vàng hương tiễn mẹ mình và cháu mình đi thoát kiếp. Dì xem quẻ, thầy nói hồn đã về đến nhà ở đầu dòng sông. Dì tin rằng họ đi được rồi, mới mua vé tàu đi Hà Nội thăm chị Liên và con. Dì không có can đảm bước vào căn hộ của chị Liên khi Chi chưa đi khỏi trần gian.
    Bước vào căn nhà của chị Liên,dì mới biết Chi vẫn còn quanh đây.... Hay có khi dì biết trước đó nữa, lúc vừa mới bước xuống xe lửa, nhìn thấy con. Dì có một linh tính rất kỳ lạ. Trong những giấc mộng của dì, Chi không mãmi mãi là một đứa bé sơ sinh. Nó đã lớn dần lên, mỗi năm dì chỉ thấy nó hai hay ba lần, nhưng cũng đủ để dì biết nó. Không phải dì biết hình hài, gương mặt và dáng đi, mà cái vía của dì nhận ra nó mỗi lần nó về. Lúc bước xuống tàu, dì thấy con và tự nhiên dì biết nó cũng đứng ở sân ga cùng với con. Nó không có một thân thể riêng, nó lẫn vào trong con. Nó lơ thơ giữa những sợi tóc buông xuống, thấp thoáng bên đôi bàn chân bước đi, nó để vương một làn hơi lành lạnh ở phía đuôi hàng chân mày trên gương mặt con...
    Ở nhà, nó nằm trên tấm ván con kê ở cửa sổ, nửa khuya nó ngồi dậy đi xuống sân. Nó đi như thế nào dì không biết. Dì mới thấy nó nằm gần cửa, dì đến đứng ở cửa, thì thấy nó đi ở sân. Dì ngồi xuống nhìn con ngủ, để biết rằng cái đứa đi dưới sân không phải là con.
    Hai mươi hai năm đủ dài để mọi u uất tan đi chứ phải không Mai? Nếu không tha thứ, thì cũng phải quên. Dù mang thứ máu kỳ lạ dòng họ chúng ta, cũng phải quên, quên cái tên của mình và câu chuyện của mình. Quên để mà đi bình thường và lặng lờ như bao nhiêu người ở ngoài kia, những người cũng có những giọt nước mắt không ứa ra được, những câu chuyện buồn của riêng mình.
    Vậy mà sao Chi vẫn còn chập chờn ở mọi ngóc ngách, vẫn còn ngồi trên tấm ván, đi ở dưới sân? Ở Hà Nội, thân nó không quấn trong tấm vải liệm như trong những giấc mộng của dì. Nó mặc quần áo như con, tóc hơi dài hơn tóc của con một chút, dì có cảm tưởng như vậy. Nó không đi cùng bà ngoại nó, nó quanh quẩn nơi đây, chờ đợi thứ gì?
    Dì tin rằng Chi không đi được vì dì không biết vì sao nó chết, chết như thế nào, giờ nào, ở đâu, để kể cho mẹ nó biết. Nó không đi được vì nó chết không có mồ và không nhang khói. Bao năm nay dì chờ ngày nó quên cái tên của nó và tự đi về nơi chốn quê hương xa nhất của tất cả những linh hồn. Nhưng cái ngày đó đã không tới, không bao giờ tới. Dì không muốn con biết một câu chuyện buồn, nhưng vẫn phải viết cái thư này, kể cho con câu chuyện của chi, để nhờ con đi tìm đoạn cuối câu chuyện đó như thế nào. Tìm lại mấy tiếng đồng hồ sau cái ngày mưa gió tơi bời dì trao Chi trong cái bọc cho cha con rồi bước vội khỏi căn nhà ở Tụê Tĩnh . Vì sao Chi chết, lúc mấy giờ, và nhất là người ta chôn tấm thân nhỏ xíu của nó ở đâu. Con hãy lựa nơi, lựa lúc mà hỏi cha con. Dì biết việc này khó, vì cha con chắc không muốn nhớ lại. Nhưng con vẫn phải hỏi. Nếu không biết giờ nó chết, sao mà nó chết, thì thầy không viết sớ cúng giải oan, cầu siêu cho nó được.
  10. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Ngày tôi thơ ấu, Chi không ở với tôi.  Hoặc là có, nhưng nhịp của tim nó và tim tôi đồng nhau nên tôi không nhận ra chúng tôi là hai người. Chúng tôi chưa biết mình, chưa biết cô đơn, chưa nghe tiếng rạn nứt chạy suốt sống lưng của một thứ gì đó sắp bị tách làm đôi. Tôi chưa biết tôi, và Chi cũng vậy. Trong ký ức tuổi thơ của tôi có mẹ và những người khác, có gian phòng, có những hạt mưa hắt qua cửa sổ, có những con đường, những đám cỏ, nhưng không có tôi hay Chi. Ngày đó không có con bé nào đứng bên trong mình nhìn ra bên ngoài, và hiểu rằng thế giới chỉ là hình ảnh, cảm giác và ý niệm của nó về thế giới. Khi tôi khóc, thì tôi là câu chuyện buồn; khi tôi ốm, thì tôi là cơn sốt; khi tôi mát, thì tôi là làn gió. Và Chi cũng vậy.
    Rồi một hôm tôi có kinh. Lần đầu tiên nhìn vệt máu loang xuống đùi, tôi quyết định không nói điều đó cho ai và trong cùng khoảnh khắc đó tôi biết có một bên ngoài và một bên trong. Bên ngoài là gian phòng, là đám cỏ, là tất cả loài người, là những câu chuyện, những cơn sốt, những làn gió. Bên trong chỉ có một mình tôi.
    Nỗi cô đơn làm cho tôi nhận ra mình rõ hơn. Nhưng loáng thoáng đâu đó trong mộng mị và trong ý thức, tôi cũng đã nhìn thấy bóng dáng, và hơi hám, của một đứa con gái khác sống cùng tôi. Nó khác tôi. Nó có tâm tưởng riêng, tuy rằng nó được bao bọc trong cùng làn da của tôi, của Mai. Tôi chưa biết câu chuyện của Chi, nên tôi không biết tôi chia sẻ thân thể mình với hồn ma của đứa em gái. Nhưng nó đã có trong tôi, tôi biết, và không biết tự thuở nào.

Chia sẻ trang này