1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 18/11/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. neuyeuthiphainoi

    neuyeuthiphainoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/07/2006
    Bài viết:
    2.682
    Đã được thích:
    0
    thôi, ra ĐInh Lễ mua, cũng là ủng hộ tác giả vậy
  2. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    16. Gương nhật nguỵêt, dao quỷ thần
    Chi làm chủ thân thể tôi, một tầng nào đó của tâm tưởng và ý thức mà tôi không đến được, vào những giờ mà nó muốn. Chi có thể đến Muôn Hoa, và làm việc đó trong lúc tôi không có ở đó; trong lúc tôi nghĩ là tôi đang ngủ, không mơ gì, khi tôi thức dậy, mọi việc đã xong rồi. Nhưng tôi biết rằng Chi muốn tôi làm chuyện đó trong khi tỉnh táo, chứ không phải trong cơn mê. Vết cắt có gây mê không còn là vết cắt. Nó muốn những giọt máu hồng sẽ chảy ra và thấm vào làn vải trắng là những giọt chảy từ ý chí của tôi.
    Tôi biết là tôi không thể làm điều Chi muốn. Và tôi không thể từ chối Chi. Chi đã xé nát tôi rồi. Một hồn Mai tả tơi sẽ chiều lòng Chi, làm tất cả những điều Chi muốn một cách chu toàn, để Chi có thể thoát kiếp, hai mươi hai năm sau cái chết trẻ thơ buồn tủi.
    Chi đã toan liệu mọi việc thật hoàn hảo, theo ý nó. Ý chí của tôi yếu đuối, chỉ vừa đủ để làm kẻ tuân hành. Nhưng nó không biết rằng ý chí tôi mạnh mẽ hơn nó nghĩ, và tôi sẽ đi thêm một bước xa hơn, bước cuối cùng, để cơn bão được tuyệt đối, và không ai còn có đường về. Tôi mua một con dao Thuỵ Sĩ gấp lại được, lưỡi dao bằng thép thật mỏng, thật sắc. Tôi giáấ con dao dưới nệm, ở chân giường.
    Khi mọi việc đã xong, cha tôi đã hiểu. Ông sẽ không còn nhiều thì giờ để ngẫm nghĩ về tội lỗi. Tôi sẽ đâm ông, ở cổ, nơi cái ngấn phía trên chính tâm xương bả vai. Tôi sẽ phải thật dứt khoát và chính xác, vì nếu ông kịp phản ứng, tôi yếu hơn sẽ thất bại. Tôi phải giết cha tôi, để trên thế gian không ai đã nhìn thấy những gì xảy ra trong căn phòng này mấy mươi phút trước đó. Và ông phải chết sau khi phạm tội lỗi cuối cùng. Và ông phải chết sau khi phạm tội lỗi cuối cùng, sau khi chạm được sự thật, chứ không phải trước đó. Ông không thể chết như một người vô tội.
    Sau đó, tôi sẽ rút con dao ra và tự cắt mạch máu ở cổ tay bên trái. Tôi sẽ rọc một đường theo chiều dọc, đủ sâu rồi mới xoay ngang mũi dao cắt đứt lìa đường nối từ trái tim đến bàn tay.
    Phòng treo màn nhung, có ghế bọc nhung màu rượu đỏ. Giữa phòng kê một chiếc giường lớn bằng sắt với bốn cột cao gần đến trần ở bốn góc. Một tấm gương lớn treo che gần khuất hết bức tường đối diện chiếc giường.
    Tôi không mặc quần áo, ngồi trên hai đầu gối của mình nơi chân giường bên trái. Tôi ngồi như vậy và chờ, rất lâu.
    Cha tôi ăn uống trong một gian phòng nào đó với những người bạn của ông, có những cô gái hầu hạ. Rồi họ kéo nhau qua một gian phòng khác, để uống một chai rượu khác, hút thuốc và tiếp tục câu chuyện họ đang nói, trong lúc một hay nhiều cô người mẫu giải trí cho họ, như tôi đã làm trong hơn bốn tuần qua ở Muôn Hoa. Căn phòng có thể có hoa, hoặc nến, hoặc những dải lụa dùng để trói những cổ tay và những cổ chân con gái mềm mại và phủ phục. Tôi chờ cha tôi trong lúc ông làm tất cả những việc đó không nôn nóng, vì để tôi đợi chờ lâu làm cho ông thấy thoả mãn hơn, tôi biết như vậy. Quá nửa đêm ông mới bước vào phòng. Tôi thấy buốt khắp toàn thân.
    Ông đã uống rượu, nhưng không nhiều. Tôi cúi xuống, không dám nhìn lên. Ông ngồi trên cạnh giường, tôi dưới đất. Thứ định mệnh nào đã bắt tôi ngồi đây, trên hai đầu gối của mình, dưới chân ông, đợi chờ tội lỗi xảy ra, tội lỗi cuối cùng đốt cháy tất cả tội lỗi trước đó. Để ông, và tôi chạm được sự thật, trong giây phút đời ông và đời tôi đang vỡ tan. Ông vuốt tóc tôi. Tôi chợt nhớ đây là bàn tay, đây là sự vuốt ve mà tôi đã chờ suốt hai mươi hai năm, bàn tay của người cha, của hơi ấm từ mặt trời, của thương yêu, bảo bọc.
    Rồi trong giờ khắc đó, sự lầm lẫn nghiệt ngã nhất xảy ra: tôi cảm thấy một chút ngọt ngào êm ái lan toả ra từ bàn tay đang vuốt tóc tôi. Cũng ngay cùng lúc đó, tôi nhận ra mình bị giác quan của mình lừa dối. Tôi nhận ra khả năng lừa dối kinh khiếp trong cử chỉ con người; và khả năng sẵn sàng hiểu lầm của một thứ giác quan mê muội đã quá lâu ngày thiếu vắng sự thân ái. Sự êm ái mê muội làm lạc đủ ngọt ngào làm cho tôi muốn khóc oà, như khi sự buồn tủi được vỗ về. Trong khi cha tôi chỉ màng tới nhục dục và sự hưởng thụ tàn tệ, thì tôi đói khát ảo tưởng ngỡ mình nhận ra một thứ tình thân trong sự vuốt ve đó.
    Không, tôi không thể tiếp tục cảm nhận bàn tay, ảo tưởng rằng có một sự dịu dàng đang làm toả ra từ những ngón thận trọng đó. Tôi phải nghĩ đến một thứ, một thứ thôi, tê cóng tâm tưởng lại trên một hình ảnh duy nhất: hình ảnh của con dao gấp bằng thép mỏng tanh đang nằm ở cuối giường, bên dưới tấm nệm. Thế giới không còn gì khác ngoài con dao đó. Trái đất không còn xoay, mọi thứ đang mất hết đường viền và tan vào thinh không. Chỉ còn lại con dao. Con dao là tự do, là danh dự, là sự trung trinh, là thành trì không bao giờ đổ được của đời con gái. Con dao biến tôi thành một thánh nữ không có gì xâm phạm được.
    Tôi cố gắng vượt qua nỗi kinh sợ. Tôi kinh sợ vì chuyện đang xảy ra, đạo đức không cho phép. Nhưng đạo đức là gì? Tất cả chỉ là những giá trị do con người đặt ra để kiểm soát lẫn nhau. Quên nó đi thì nó không làm gì được mình. Tôi sẽ quên, đang quên mọi thiêng liêng, mọi cấm kỵ, mọi tội lỗi.
    Nhưng khi những thành trì đó đang bị xô ngã, tôi chợt nhận ra rằng đạo đức là những cái một con người đã dựng nên giữa trời chơi vơi để chống giữ điều duy nhất mà họ biết, đó là nòi giống. Nếu nó đổ, họ sẽ tan tác dưới vòm trời quá rộng, vực thẳm không có đáy.
    Chỉ một khoảnh khắc nữa thôi.
    Sau khi những giọt máu chảy ra, tôi sẽ nói câu đó. Con tên là Phan Kỳ Mai... Con là con gái của cha.
    Chỉ một khoảnh khắc nữa thôi.
    Nhưng tôi không vượt qua được khoảnh khắc đó.
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Trong lúc vẫn đang cúi mặt làm những điều được dặn dò, chỉ dẫn, tôi hạ thấp cổ tay phải để nó khuất khỏi tầm nhìn của cha tôi. Thật khẽ khàng, cẩn trọng, bàn tay phải tôi đi dọc theo đường viền của thân thể tôi, dọc xuống sống lưng, đến phần trên của đôi chân đang quỳ, đầu gối, rồi dần băng qua một khoảng không, đến thành giường. Những ngón tay tôi bám lấy khung giường bên dưới tấm đệm. Đầu những ngón tay lần đi dần vào bên dưới. Tôi chạm được một đầu của con dao đã xếp lại.
    Tôi chợt linh cảm có người đang nhìn những ngón tay của tôi. Tôi nhớ lại là tôi đang quỳ xoay lưng lại một tấm gương lớn treo trên mảng tường đối diện. Cha tôi có thể nhìn thấy tôi từ một phía.
    Tôi buông bàn tay xuống. Tôi cúi người thấp hơn, cố nén hai vai không rung lên vì tiếng nấc. Tôi nói nhỏ:
    "Em xin phép cho em vào nhà tắm một chút."
    Cha tôi buông một tiếng ứ thất vọng.
    "Nhanh nghe em."
    Tôi lùi ra trên hai đầu gối, rồi đứng dậy. Tôi không muốn đi vào phòng tắm trong phòng, tôi không muốn cha tôi là người đầu tiên tìm thấy xác tôi. Tôi đi đến cửa. Cha tôi thoáng ngạc nhiên nhưng không nói gì, hoặc chưa kịp nói gì. Tôi mở cửa ra ngoài, và đi vào một phòng tắm ở cúôi dãy hành lang. Tôi khoá chốt trong.
    Người tôi quặn đau. Tôi gục mặt xuống bồn rửa mặt nôn ra một chút nước đắng lờ lờ. Tôi khóc, nhưng không có nước mắt. Tôi không lấy được con dao, và tôi cũng không thể trở lại căn phòng đó.
    Tôi tìm một thứ gì nặng để đập vào tấm gương treo trước mặt, nhưng tôi không tìm thấy gì, đành phải đập bằng hai tay trần. Đến lần thứ ba, tôi thấy gương mặt tôi rạn rồi vỡ ra. Những mảnh gương rơi loảng xoảng. Hai tay tôi có máu.
    Tôi cúi tìm một mảnh gương nhọn. Tôi ngồi xuống đất, dựa vào tường. Tôi bắt đầu rạch cổ tay trái. Mảnh gương không sắc, tôi phải ấn rất mạnh nhiều nhát. Máu bắt đầu ứa ra. Tôi cắn môi đâm nữa. Máu đã đủ nhiều để chảy thành dòng xuống khuỷu tay, rồi nhỏ xuống chân, xuống thềm. Tôi không có dao để cắt một đường ngọt ngào. Tôi cứ phải đâm nữa, vì tôi sợ máu ngừng lại. Tôi căm thù Chi, tôi muốn đâm em tôi, đâm nữa, cho tới bao giờ máu nó chảy hết khỏi thân thể tôi.
    Có tiếng người xoay tay nắm để mở cửa, nhưng cửa đã khoá. Tôi hoảng loạn cầm mảnh gương đâm vào người tôi, bất kể đâu, miễn sao cho máu chảy ra ngoài, chảy hết, cho tim tôi cạn kiệt trước khi người ta phá cửa vào.
    Có tiếng gọi tên tôi, rồi tiếng chìa khoá mở cửa. Chị Hoa bước vào. Tôi xoay mặt vào tương, cố ngồi im nhưng vẫn run rẩy từng chập. Chị Hoa nắm lấy cổ tay tôi, những ngón tay chị ấn xuống để chận những mạch máu lại. Tôi nghe tiếng chuông điện thoại của chị reo. Chị mở điện thoại bằng tay trái.
    "Dạ. Em tìm được nó rồi, nhưng không ổn chị ạ, nó không quay vào được, nó cắt cổ tay... Thưa em hiểu, người ta bỏ ngần ấy tiền để mua lấy cái hên mà lại thế này... Vâng... Đón cái Thanh Hồng nhanh không ạ? Ông khách không biết gì đâu, nó xin ra ngoài đi toilet... Để em tìm cách nói, quan trọng là phải có cái Hồng ngay..."
    Chị Hoa gọi bà giúp việc đến băng tạm các vết thương và lau rửa cho tôi bằng khăn ướt. Bà ấy mặc cho tôi một bộ quần áo cũ và quá rộng rồi dắt tôi ra đường bằng cổng sau. Bà mang lên vai tôi túi xách của tôi do chị Hoa trả lại, gọi xe ôm, dặn họ chở tôi đến bệnh viện. Trên đường đi, máu vẫn tiếp tục thấm ra ngoài mấy lớp vải quấn quanh cổ tay tôi. Áo tôi cũng có máu. Tóc tôi ướt rũ rượi.
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    17. Lá ngọn sầu đâu
    Ở phòng cấp cứu của bệnh viện người ta khâu các vết thương. Tôi được tiếp máu, rồi nằm lại để tiếp nước biển. Tôi nằm nhìn các giọt nhỏ chậm từ cái chai treo ngược và vì hình như bác sĩ có tiêm thuốc ngủ cho tôi, tôi ngủ thiếp đi trên chiếc giường sắt nhỏ kê ở giữa lối đi đông người qua lại. Họ để yên cho tôi ngủ đến gần tối mới gọi tôi dậy để đi về. Lúc ký phiếu nộp tiền, nhìn ngày tháng cô thu ngân ghi trên đó, tôi chợt nhớ rằng sáu ngày nữa là sinh nhật tôi. Tôi sẽ được hai mươi hai tuổi và bước qua năm thứ hai mươi ba. Số các vết thương được khâu trên cổ tay trái và bàn tay phải, cánh tay, ngực, cổ, bụng, đùi bên trái, cũng xấp xỉ tuổi tôi. Vào ngày sinh nhật tôi, những năm trước, mẹ tôi mang về nhà giò, bánh gối, ô mai, và một bó hoa nhỏ. Chúng tôi cắm hoa vào một cái ly, và ngồi ăn bánh cạnh tấm ván, nơi tôi viết, đọc, là quần áo, nơi tôi ngủ, nơi tôi nằm mơ. Sinh nhật trên chiếc thuyền bên cửa sổ, bốn bề là nước, dòng sông đen ngăn ngắt lúc đêm khuya và trắng xoá những ngày mưa bụi. Năm nay, mẹ tôi sẽ mang bánh gối và hoa về một căn nhà không có tôi. Con thuyền chỏng chơ, sông đã cạn khô rồi. Tuổi thơ của tôi đâu? Tuổi thơ của mẹ tôi đâu? Tôi đứng đón xe ở cổng bệnh viện, nghĩ đến chuyện đó và nó làm tôi khóc.
    Tôi không muốn về phòng tôi bây giờ trên cao ốc, vì tôi sợ Chi đến đó. Cũng có thể cô Tâm cho người đến để lấy lại tiền, tiền cha tôi đã đưa trước để mua tôi. Tôi đã gửi gần hết số tiền tôi nhận được đi Hà Nội.
    Tôi lang thang ngoài đường, không có nơi nào để đến. Gần khuya, đuối sức, tôi mới nhớ ra tôi còn có người quen ở dãy nhà trọ tôi đã ở lúc còn đi làm cho các quán bia.
    Hai ba người tôi quen không còn ở đó nữa. Một cô gái làm công nhân chừng mười bảy tuổi, mười tám còn nhớ mặt tôi, tuy chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện. Nó tên Hạnh. Mặt nó xinh nhưng người nó nhỏ xíu, như một bé gái mười hai mười ba. Nó nhường cho tôi chiếc giường, tôi từ chối, nó nói người tôi đầy vết thương, tôi phải nằm trên giường. Nó trải một tấm vải mỏng nằm dưới đất, giữa chiếc giường tôi đang nằm và giường của cô bạn thuê chung phòng.
    "Vì sao mà người chị đến nỗi như vậy?"
    "Chị bị tai nạn."
    "Chị nói vậy không có ai tin chị đâu, người chị dao đâm tùm lum như vầy. Chị bị đánh ghen chứ gì. Ghê quá, may mà họ đâm chị không chết."
    Tôi không biết nói sao. Nó nói tiếp:
    "Chị may thiệt đó. Mặt không có vết nào hết. Đánh ghen là người ta đâm vào mặt trước để tàn phá sắc đẹp."
    Tôi nghe nó thở dài:
    "Đẹp càng khổ. Kiếm miếng ăn ở thành phố thiệt nguy hiểm."
    Tôi không muốn nói chuyện về tôi nữa. Tôi hỏi:
    "Em may ở xí nghiệp nào, xa không?"
    "Em không phải thợ may. Em làm thuỷ tinh ở Gò Vấp."
    Nó nói xong tắt đèn. Chúng tôi im lặng, một lúc sau con bé đã ngủ. Tôi nằm mãi. Những tiếng guốc dép, tiếng nói chuyện, tiếng ăn uống bên ngoài hành lang đã tắt. Đêm im lặng. Tôi sợ Chi về. Tôi sợ Chi.
    Tôi ôm chăn xuống đất nằm cạnh Hạnh. Tất cả các lần Chi về, nó đều vì khi tôi có một mình. Tôi nắm cánh tay Hạnh để biết chắc có một người khác đang ở sát cạnh tôi. Hạnh mở mắt. Nó nói khẽ:
    "Chị nằm một mình chị sợ hả?"
    "Ừ!"
    "Mấy người đánh ghen có thấy chị vô đây không mà sợ?"
    "Không. Không phải chị sợ họ. Chị không sợ gì cả."
    Hạnh quá buồn ngủ, nó không hỏi thêm gì nữa. Tôi nằm hoài. Gần bốn giờ sáng cô bạn cùng phòng đi làm ca đêm về, tôi giả vờ ngủ, để cô gái khỏi hỏi chuyện tôi.
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Lúc tôi thức dậy cô bạn đang ngủ còn Hạnh đã đi làm từ lúc nào. Nó để lại mẩu giấy trên bàn: Em nấu cháo cho chị ở ngoài bếp tập thể. Em không múc đem vô, sợ cháo nguội. Có bịch thịt chà bông ở trong ngăn dưới tủ đầu giường. Rồi nó viết thêm, cách một khoảng trống, ở bên dưới: Chị đừng đi ra ngoài nguy hiểm. Chiều tan tầm em đi mua bông băng và đi chợ về nấu cơm.
    Tôi nhìn quanh phòng, Hạnh không có gì, chỉ có vài bộ quần áo, một đôi dép, một cái thau đựng nước, chai nước gội đầu, vài cái khăn lông thưa. Trong cái tủ thấp ở đầu giường Hạnh có mấy viên thuốc cảm, trong một bao nilon có mấy túi nhựa đựng ruốc, muối vừng, mì gói. Cuộc đời Hạnh ở đây chỉ có thế. Hạnh nhỏ xíu,sẵn sàng bao bọc tôi.
    Phiếu tái khám của bệnh viện hẹn tôi trở lại cắt chỉ các vết khâu, nhưng tôi không thể ở lại thành phố này được nữa. Mười một giờ, đứa con gái ở chung phòng Hạnh thức dậy. Tôi rút cái thẻ sim từ điện thoại di động vứt đi. Tôi đưa điện thoại cho cô bạn cùng phòng, nói tôi thiếu tiền Hạnh, nhờ nó đưa Hạnh trừ nợ. Biết đâu tôi chết nay mai, tôi không muốn thiếu nợ ai, dù chỉ một bát cháo. Tôi cũng không còn cần điện thoại để nói chuyện với ai nữa. Hạnh được trả công, chắc sẽ giận tôi. Tôi ra phố mua mấy bộ quần áo, áo có tay dài để che cổ tay tôi, và găng tay, rồi tôi đi ra ga. Tôi mua vé, chờ tàu đi Huế. Tôi sẽ kể tất cả mọi chuyện với dì Lan, rồi tôi đi tu hay chết hay đi đến bất cứ nơi nào mà Chi không thể theo tôi.
    Tối, tàu đi trong mưa. Tôi nằm mộng thấy Chi. Tôi không biết có phải nó về trong giấc mộng hay không, vì tôi không còn nhớ là tôi thức hay ngủ. Nó không nói gì, mặt buồn vô hạn, nó giận tôi vô hạn. Không, tôi không thật sự thấy mặt Chi, nó luôn luôn quay lưng lại với tôi. Người nó mỏng như sương, lãng đãng chập chờn, nhạt đi mỗi khi tôi ngước nhìn, nhưng tôi luôn luôn biết rằng nó đang ở đó, nơi khung cửa sổ của toa tàu. Bên ngoài mưa cứ rơi mãi, âm thầm, dai dẳng và buồn rưng rức. Những hành khách trong toa đều ngủ, chỉ có hai chị em tôi thức. Thức trong giấc chiêm bao. Không nói với nhau một lời nào.
    Ở Huế, tôi đi tìm nhà của dì Lan theo địa chỉ trên những lá thư dì gửi cho tôi. Tôi đến một căn nhà ở một thôn nằm bên sông Hương, cách thành phố một chuyến xe và hai chuyến đò. Nhà phía trước có bán quán, phía trong có hai cái máy khâu. Nhưng đó không phải là nhà của dì Lan, mà của một dì bạn của dì Lan. Dì chỉ mượn địa chỉ đó để thư từ với tôi. Bạn dì đưa tôi đến nhà dì cách nhiều con đường.
    Trước nhà dì Lan có một khoảng sân, bên hông có một cái giếng. Sân rộng nhưng căn nhà rất nhỏ. Dì ở với chồng. Tôi ngạc nhiên vì dì chưa bao giờ nói với tôi là dì có chồng. Có lẽ vì ông lớn tuổi hơn dì quá nhiều. Dì nói với ông tôi là con của một người bạn. Tôi hơi ngạc nhiên sao dì không nói tôi là cháu, nhưng lúc đó tôi không hỏi, và sau này, lúc chỉ có hai dì cháu, tôi cũng không hỏi. Tôi chỉ hỏi dương làm gì, dì nói trước thì làm ruộng nhưng lâu rồi không làm gì cả. Tôi không biết gì thêm về dượng tôi. Họ không có con.
    Dượng tôi đi ra phía sau. Dì Lan hỏi tôi:
    "Mi ra bất ngờ quá. Mi đang đi học mà sao lại đi xa. Bao giờ mi quay lại trường? Cha có khoẻ không?"
    "Dì cho cháu ở đây vài hôm. Cháu ra đây là để nói chuyện với dì, chuyện dài, cháu không nói bằng thư được."
    Dì Lan đưa tôi trở lại nhà dì thợ may, căn nhà mà dì đã mượn địa chỉ để thư từ với tôi.
    "Mai con gái chị Liên đây. Kỳ Mai. Cho em gửi hắn ở nhà chị vài hôm."
    "Mai, hắn lớn chừng ni rồi sao?"
    Dì Thư đưa tôi ra sân sau rửa mặt. Bây giờ là mùa mưa, vườn nhà dì xanh mướt. Dì múc nước từ những vại nước mưa đặt dưới hiên đổ vào chậu sành. Dì đưa cho tôi chiếc khăn lông nhỏ và xà phòng. Dì nói tôi cởi áo ra mà lau mình, nhà chỉ đàn bà con gái, tôi không phải e thẹn. Tay tôi vẫn còn mang găng. Tôi không dám tháo chúng ra. Tôi không dám mở cúc, người tôi đầy vết thương. Tôi ngồi co ro trên chiếc ghế đẩu thấp, giả vở rửa mặt thật lâu. Dì Thư đi vào nhà rồi tôi vẫn không dám mở một chiếc cúc áo nào.
    Dì Lan phải về làm cơm cho chồng, tôi ăn cơm với dì Thư, cơm có cá kho, thân chuối xắt mỏng và nhiều loại rau tôi không biết. Ăn xong dì Thư bảo tôi vào nằm ở phòng trong, trên một bộ phản rộng kê cạnh một khung cửa sổ lớn. Trời bắt đầu mưa lâm râm. Dì Thư đội nón, bảo tôi cứ ngủ đi, dì đi một chút về ngay. Tôi nằm sát cửa sổ, nhìn ra bầu trời bên ngoài. Có một cây xoan, và mưa đang rơi trên những lá xoan và những trái xoan xanh mướt. Tôi ngủ trong tiếng mưa êm đềm.
    Lúc tôi thức dậy, dì Thư mang bông băng và thuốc đỏ vào để thay băng cho tôi. Dì biết người tôi nhiều vết thương, dù tôi vẫn còn mang găng, dù tôi chưa mở cái cúc áo nào trước khi ngủ. Tôi nói:
    "Con không sao hết, chỉ có vài vết xước. Con lo được."
    "Dì đoán các vết thương cũng sâu. Con cởi áo ra để dì thay băng cho."
    "Con tự làm được."
    "Hồi nhỏ đi thanh niên xung phong dì có học y tá. Con để dì."
    Dì Thư ngồi xuống phản, bảo tôi ngồi dậy rồi tháo găng cho tôi và mở từng chiếc cúc áo. Tôi không biết làm sao từ chối.
    "Ui cha, con làm chi mà để tấm thân ra nông nỗi này."
    Dì Thư bắt đầu mở từng vết thương ra.
    Tôi không trả lời, cắn răng để không khóc dù vì tủi thân hay vì đau.
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Một lúc lâu sau, dì mới thay băng xong từng vết thương ở vai trái, ngực, bụng và đùi. Lúc dì chạm vào miếng băng ở cổ tay trái, tôi rút tay lại. Dì Thư lặng yên ngồi chờ một lúc, rồi dì lấy cây lược trong túi áo cẩn thận chải tóc cho tôi. Tóc tôi bẩn, và có máu khô lẫn trong đó. Dì nói:
    "Con chưa tắm được, để lát dì nấu nước gội đầu cho. Bây giờ thì đưa tay cho dì thay băng cho xong đi con. Con giấu thì dì cũng biết rồi. Con cầm lưỡi dao hay mảnh kính bằng tay phải, tự đâm cho nên các vết thương nằm bên phía trái."
    Tôi đành để cho dì tiếp tục mở băng. Cổ tay trái tôi nát hết, và bàn tay mặt cũng chồng chéo những vết cắt của mảnh gương.
    Các vết thương đã băng lại xong, dì Thư đưa cho tôi một chiếc áo rộng và chiếc quần lụa trắng để thay.
    "Con buồn chuyện chi kể cho dì nghe được không?"
    "Con về đây, là để kể hết mọi chuyện từ ngày con vào Sài Gòn cho dì Lan con nghe. Mà sao không thấy dì ấy qua?"
    "Chồng hắn khó khăn, không muốn cho vợ đi đâu. Nhưng mà tối hay mai Lan cũng sẽ qua thôi.
    Sao con lại đâm mình như thế?"
    "Con muốn đâm người khác, nhưng không được. Lúc đó không có ai, nên con đâm con."
    "Người khác đó là ai mà làm con thù giận đến như vậy?"
    Tôi nhớ lại. Buổi tối đó tôi mang dao vào phòng để giết cha tôi rồi tự tử sau khi tội lỗi xảy ra. Nhưng tội lỗi đã không xảy ra. Khi nhìn thấy máu, tôi nghĩ đó là máu của Chi chảy ra từ những mạch máu của tôi. Tôi muốn máu nó chảy hết khỏi tim mình trước khi người ta mở được cửa. Tôi đâm vào ngực mình cho Chi không còn nơi cư trú, cho nó tan đi, biến đi.
    Tôi không nói được bất cứ điều gì của câu chuyện này cho bất cứ ai. Tôi hỏi dì Thư:
    "Con có một đứa em sinh đôi, dì có biết nó không?"
    Dì Thư ngạc nhiên:
    "Không. Dì Lan con không có kể cho dì. Mạ con thì từ lúc ra đi đến nay ai thăm hỏi cũng không có một lời một chữ đáp lại.
    Em con tên gì, ở đâu?
    "Em con tên Chi. Nó chết rồi, chết vì mẹ không đủ sữa để nuôi cả hai chị em. Con ước gì con chết, còn nó sống. Nó dũng cảm, còn con yếu đuối quá, không biết cách sống."
    "Sao con biết?"
    Tại sao tôi biết? Chi là đứa đã nhìn thấy tia chớp từ cái đuôi sao chổi đã rơi vào vũ trụ của chúng tôi. Nó là đứa giữ ngọn lửa đó. Tôi không biết tia chớp có màu của ánh sáng trên thiên đường, hay của lửa địa ngục. Tôi chưa nhìn thấy tia chớp ấy một lần.
    Sáng sớm, dì Lan ghé qua, nói dì phải về quê chồng làm đám giỗ ba hôm. Dì không bước vào nhà, vì sợ trễ đò.
    Tôi sống ba ngày êm đềm trong căn nhà của dì Thư. Ba ngày không có Chi, không có Muôn Hoa, và Hà Nội đã xa mờ. Mỗi sáng sớm dì dẫn tôi đi chợ quê họp ở gần bến sông. Về nhà dì Thư ngâm nếp, rọc lá chuối, gói bánh. Buổi chiều dì gom củi thổi lửa luộc bánh ở sân sau, để ngày mai bán trong cái quán nhỏ xíu lợp lá của dì ở khoảng sân trước. Tay tôi đau, không phụ giúp gì được cho dì. Tôi nằm ở võng trong quán đọc sách, cùng trông quán với cô thợ may. Rồi tôi ngủ quên trong tiếng đạp máy khâu, tiếng chó sủa, tiếng gà trưa, tiếng máy đò vẳng lại từ dưới bến sông, tiếng bọn trẻ tan trường hay đuổi bò ngang xóm. Và tiếng mưa, hoặc tiếng gió ở trên những ngọn cây xoan (ở đây gọi là cây sầu đâu).
    Dì Thư là bạn thân của mẹ tôi, đã hơn hai mươi năm rồi không gặp. Căn nhà này là nơi dì Lan đã đến may tã cho tôi và Chi, từ những mảnh vải vụn mà dì đã mua và xin ở chợ, ở nhà người quen. Dì đã may bằng chính chiếc máy khâu này, bây giờ đã quá cũ. Vậy là tôi cũng có một nơi chốn, một thứ gì như quê hương, nơi người ta đã tìm cách giúp mẹ, đã lo lắng cho sự ra đời của chúng tôi.
    Buổi chiều rảnh, dì Thư kêu tôi ngồi cho dì chải tóc. Dì luồn những ngón tay mềm mại vào chân tóc tôi, giữ từng lọn tóc để gỡ những sợi rối, sự thân ái làm cho tôi nao nao. Tôi ước gì căn nhà này, hàng sầu đâu này, những cơn mưa này là quê tôi, cái quán nhỏ, những tàu lá chuối rọc ra để gói bánh, lũ gà vịt trong sân là cuộc đời tôi, người đàn bà này là mẹ tôi. Cùng lúc đó tôi cảm thấy tôi có tội với mẹ của tôi ghê gớm, người mẹ lưu lạc vì con, mẹ còn bao nhiêu sức lực và đời còn bao nhiêu điều phản trắc mẹ phải đi qua?
    Tôi nói với dì Thư:
    "Dì đừng chải đầu cho con nữa."
    "Hai bàn tay con thế kia có cầm nổi cây lược không?"
    "Thì cứ để tóc rối."
    "Tóc rối trông như ma."
    "Thì như ma. Hay là thôi để con cắt phứt mái tóc cho xong. Con cũng sắp đi tu rồi."
    Tôi không biết sao tôi lại nói những lời đó. Tôi không biết mình nói gì, chỉ biết chút thời khắc ngắn ngủi ở thiên đường đã qua rồi. Tôi không thuộc về nơi đây. Tôi không có quê hương. Tôi lưu lạc từ ngày mới sinh, lưu lạc với chính mẹ mình, với chính đời mình. Tôi cũng không thể nằm đây, nghe mưa và quên nỗi lưu lạc đó.
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Ngày thứ ba dì Lan về. Dì đưa tôi đi chơi đền Chén. Dì mặc chiếc áo lụa mỡ gà dì đã mặc ở Hà Nội, áo vẫn còn mới, có lẽ không thường mặc. Tôi nhớ lại ngực và vai dì cũng trắng như áo lúc dì cởi áo lau mình ở nhà mẹ tôi, trắng như hoa ngọc lan. Chúng tôi lên đền thờ thắp hương rồi đi bộ ra ngoài, ngồi trên khoảnh đồi thấp ở mé sông, nhìn dải sông Hương mênh mang mờ nhạt trong một ngày không nắng và không gió.
    Dì Lan nói giọng buồn rầu:
    "Mi ngồi xuống đây nói cho dì biết tại sao mà mi lấy dao đâm vào người như vậy?"
    "Chuyện dài lắm. Con cũng không biết bắt đầu từ đâu. Chuyện bắt đầu từ ngày dì ra thăm mẹ. Dì cho con địa chỉ của cha, để con vào gặp cha, để cha lo cho con đi học."
    Tôi kể cho dì Lan mọi chuyện từ ngày tôi đi tàu vào Nam. Tôi đến nhà cha tôi. Khi đứng ở cổng, biết cha tôi có vợ và con gái bằng tuổi tôi, tôi bỏ đi. Tôi không biết tôi không bước vào căn nhà ấy được vì nó quá to hay vi cha có con gái. Tôi thuê phòng trọ, đi bưng nước ở quán bia. Tôi nhận được thư của dì gửi vào hộp thư ở bưu điện, dì nhờ tôi hỏi Chi chết như thế nào. Tôi đến nhà cha tôi. Vợ ông ấy nói họ không biết gì, chối hết mọi chuyện, hăm doạ và xua đuổi tôi.
    "Sau hôm đó con nghĩ đến Chi hoài. Không phải con nghĩ đến Chi, con gặp Chi. Chi đến với con trong mơ. Rồi Chi đến với con không phải trong mơ. Chi luôn luôn ở đâu đây, trong thân thể và hồn trí con. Dì hiểu không?"
    Dì Ngọc Lan úp mặt vào hai đầu gối khóc. Tôi thấy thương dì vô hạn. Tôi muốn ôm lấy dì, dì là đứa con gái nhỏ chứ không phải tôi. Tôi muốn nói, muốn chạm được nỗi ấm ức và cơn run rẩy của dì, nhưng miệng tôi không nói được, tay tôi không ôm lấy người dì được.
    Một lúc lâu sau dì Lan mới hỏi:
    "Chi có nói với con sao mà nó chết không?"
    Tôi không thể nói với dì một lời nào về Muôn Hoa, về những bức thư Chi viết cho tôi, về những chuyện nó muốn tôi làm.
    "Chi không nói nó chết thế nào. Chi chỉ nói cha giết nó."
    Dì Lan oà khóc, khóc thẫn thờ, u uất. Và dì cố gắng nói từng chữ một, giữa những tiếng nấc.
    "Chính dì ẵm nó đến trao cho cha mà. Tội lỗi của dì... Nói cho dì biết, có phải dì đã giết Chi không hả Mai? Mà dì có biết gì đâu... mới mười lăm tuổi, có biết đâu lòng người."
  8. meoxxx

    meoxxx Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/10/2006
    Bài viết:
    2.115
    Đã được thích:
    0
    Kịch tính quá
    Thật trông chờ kết thúc của truyện như thế nào.Đau thương quá !
  9. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    18. Chia lìa
    Ngày những vết thương đã bắt đầu kéo da non, dì Lan đưa tôi tới trạm y tế để họ cắt chỉ. Tôi vẫn chưa nói cho dì Lan nghe vì sao người tôi có những vết cắt này. Tôi không bao giờ có thể nó cho ai biết được tôi đã đâm tôi - hay đã đâm Chi, vào một đêm như thế, trong một căn phòng ở nơi nào.Tôi trả lời dì Lan:
    "Con không nhớ."
    "Mi nói thế ai tin mi."
    "Chuyện này chết con cũng không nói được."
    Dì Lan thở dài. Dì không hỏi nữa. Nỗi buồn của dòng giống tôi là đây: mỗi người có một câu chuyện chết không nói được. Chúng tôi đắm chìm trong những lòng sông buồn lặng, không bao giờ thực sự tìm thấy nhau.
    Nhưng Chi không chịu nằm dưới lòng sông. Nó trồi lên, bơi về, đêm đêm. Ngày tôi vẫn phụ đong nếp, rọc lá chuối, trông quán, tối tôi vẫn ngủ trên bộ phản kê cạnh cửa sổ. Bên ngoài cửa sổ, cành lá của cây sầu đâu lớn luôn luôn nghiêng ngả êm đềm trong gió trên cao, hay trong mưa rớt từ trời, nhưng sự thanh bình không còn nữa. Chi về nói chuyện, bằng tiếng của lá, bằng tiếng của mưa và những cơn gió đêm không bao giờ ngủ. Tôi không hiểu lời Chi nói, nhưng tôi vẫn nghe, đêm đêm, tiếng của những đốt xương không mồ chôn và của tình yêu không mồ chôn đang trăn trở, đang chờ đợi tôi nơi nơi, ngoài sân, trong nhà, giữa trời đêm và trong ***g ngực.
    Đêm đêm tôi nói chuyện với em tôi. Có khi Chi nó nói còn bé lắm, nó kêu tôi hát ru cho nó ngủ, vì ngày xưa mẹ hát chưa xong câu đã mang nó đi bỏ. Tôi hát trong giấc mơ, nhưng lời hát tắt ở giữa lưng chừng ngực, cô hỉ có những tiếng gọi u mê thoát ra ngoài giữa đêm lặng lờ đồng vọng. Có khi Chi múa cho tôi xem, khăn áo nửa đục nửa trong, mơ màng buông trôi, êm ái quấn quýt lấy thân mình tôi, rồi kéo chặt làm tôi không thở được. Chợt chỉ còn mình tôi đang nằm loã lồ, những dải lụa dài siết lấy tấm thân, giữa một nơi đầy hơi thở hàng trăm đàn ông lạ, mắt tôi bị bịt không thấy gì, chỉ có bóng đêm.
    Tôi thức giấc, đầy sợ hãi. Tôi sợ những giấc mơ, không dám ngủ lại. Tôi không dám thức, sợ Chi sẽ đến ngồi nơi đầu bên kia của tấm phản, buông mái tóc ma lỵ xuống hai vai, u uất nhìn tôi bằng cặp mắt của chính tôi. Bên ngoài, gió vẫn không ngủ trên đầu ngọn sầu đâu cành mềm. Tôi nhớ có người nói nếu đêm nằm thấy ác mộng, hãy đem một con dao theo người lúc đi ngủ. Tôi ra bếp lấy con dao đem vào để dưới gối. Tôi mơ màng giữa tỉnh và mê. Một lúc, tôi sợ lỡ mình chưa đi lấy dao thì sao, biết đâu con dao chỉ mới nằm trong ý nghĩ, hay biết đâu nó không còn đó, vì một lý do nào mà tôi chẳng biết. Tôi thò tay xuống gối. Con dao vẫn còn đó. Tôi nắm con dao trong tay, để ngủ được yên lành.
    Buổi sáng, tay tôi có máu, vài giọt thấm ra áo gối. Tôi đã nắm lưỡi dao quá chặt, nó cắt vào mấy ngón tay tôi, trên những vết thương chưa lành, mà tôi không hay. Tôi sợ dì Thư biết, lén chùi máu trên phản, rửa dao, tôi giặt áo gối bằng tay trái, phơi trên hàng rào sân sau, ở một góc khuất.
    Nhưng dì Thư vẫn biết. Dì không cho tôi rọc lá chuối nữa. Dì cũng không rọc, dì mua lá đã rọc sẵn ở chợ. Dì mang rau và thịt cá sang nhà hàng xóm thái. Ở nhà không còn một con dao, một tấm gương, một cái ly thuỷ tinh nào, dì đã mang đi gửi hết. Tôi nói tôi chỉ giấu dao dưới gối để đuổi ác mộng, chứ không định tự tử. Dì Thư nói dì tin tôi, nhưng dì vẫn không dám để những thứ sắc bén trong nhà.
    Dì Thư gọi dì Lan sang. Hai người nói chuyện về tôi hết một buổi chiều. Dì Lan nhờ cô thợ may đến nhà nói với dượng là dì ở lại nhà dì Thư đến tối. Chúng tôi ăn cơm muộn. Dì bưng bát cơm, nhìn tôi lại khóc. Tôi không biết vì sao. Vì tôi nắm con dao ngủ, hay vì dì nhìn tôi và nghĩ là Chi đang ngồi đó, đang ăn cơm như người còn sống?
    Dì Thư khuyên đưa tôi đi bác sĩ, nhưng dì Lan lắc đầu. Tôi nói:
    "Con có bệnh gì đâu mà sao lại đi bác sĩ? Con hoàn toàn khoẻ mạnh mà."
    "Dì không nói là con bệnh. Con ngủ thường mê sảng, la hét trong đêm. Tay con vết thương chưa lành, đã có vết cắt mới, dì nghĩ con cần đến bác sĩ khám."
    Tôi xin phép đứng dậy. Tôi mang bát đũa của tôi ra nhà sau, rồi thay áo đi ngủ sớm.
    Tôi nằm trên phản, ngước nhìn lên ngọn sầu đâu bên ngoài cửa còn in bóng trên bầu trời chưa tối hẳn. Tôi vừa sợ Chi, vừa thương nhớ em tôi. Tôi chỉ còn có Chi.
    Tôi yêu mẹ. Nhưng mẹ chỉ là một chiếc bóng. Mẹ không chịu đựng nổi những mất mát quá lớn, nên thôi thà không có một cuộc đời, còn hơn có một cuộc đời quá nhiều hao hụt. Mẹ không dám đứng soi gương, nhìn thấy gương mặt mình, cùng những nỗi buồn và ước mơ bên trong. Mẹ đi qua cuộc đời lặng lờ, thấp thoáng, không dám bước mạnh chân, nói to tiếng. Mẹ không dám mua một thỏi son hồng, một chiếc khăn tay thêu hoa để chặn nước mắt, một quyển sổ để viết những câu chuyện của riêng mình. Mẹ không dám thực sự có mặt trong cuộc đời của mẹ. Mẹ chờ tôi lớn, chờ tôi sống thay cho mẹ, thành công thay cho mẹ, hạnh phúc thay cho mẹ. Mẹ hy sinh hết cho tôi, và sự hy sinh đó, sự chờ đợi đó làm cho tôi oằn xuống rồi gãy đôi. Mẹ vẫn không hiểu cuộc đời như mẹ chưa từng hiểu nó một lần nào.
    Chỉ có Chi hiểu tôi tận cùng. Tôi chỉ còn có Chi. Nhưng Chi tàn ác, Chi không nương tay, không cho phép tôi vùi mặt vào nỗi buồn, vào số phân, vào một mai sau nào vị tha quên hết ưu phiền. Chi bắt tôi mở to mắt nhìn cuộc đời dù tôi có đủ hồn phách để hiểu cuộc đời hay không. Chi bắt tôi vùi dập thân mình, để tàn phá cuộc đời đó, đập vỡ mặt trăng, để sự thật được hiểu đúng vào lúc nó trở thành những mảnh vụn. Để Chi cũng sẽ trở thành cát bụi cùng với những mảnh vỡ của mặt trăng. Chi sẽ đi, khi câu chuyện của nó, nỗi buồn của nó, sự thật của nó đã được hiểu. Dù trong một giờ tan tác nhất. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
    Chi còn ở đây làm gì, đâu có ai yêu em đâu. Trong suốt hai mươi hai năm, mẹ đã không nhắc đến Chi một lần nào. Trong căn nhà của mẹ không có một dấu vết gì của Chi. Người thỉnh thoảng vào những đêm mồng một trăng non thắp ngọn đèn dầu cho Chi là dì Lan, người nhờ Mai hỏi thăm cha về cái chết của Chi là dì Lan. Tại sao là dì Lan chứ không phải mẹ? Vì dì Lan đã đem Chi đi vất. Vì mặc cảm tội lỗi lâu bền hơn tình yêu, vì nỗi hoang mang, lo sợ dai dẳng hơn tình yêu. Ngọn đèn dầu đốt cho Chi còn sáng là vì chưa có ai giải tội cho dì Lan, cô hứ không phải vì tình yêu dành cho Chi chưa tắt. Tại sao nuôi dưỡng hồn ma bằng sự lo sợ, bằng tội lỗi, bằng hối hận và oan khiên của người khác. Chi phải đi, Mai sẽ tìm mọi cách để đuổi Chi cho dù Mai phải một trăm ngày không ăn cơm hay trầm mình giữa sông Hương, làm sao cho Chi không còn nơi trú ngụ.
    Dì Lan đưa tôi lên chùa. Sư cho tôi mặc áo tràng, quỳ dưới đất, nơi chân ghế của ông. Ông đặt chiếc mõ bằng gỗ lên đầu tôi, rồi gõ vào đó tụng niệm. Tiếng mõ vang dội trong đầu, làm rùng mình từng chân tơ kẽ tóc, từng mạch máu, từng đường đi của dây thần kinh. Nhưng Chi vẫn không nghe thấy, ba ngày nó vẫn không nghe. Dì Lan đưa tôi đến một ngôi chùa khác, rồi một ngôi chùa khác.
  10. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Sư ông nói cửa Phật không mở ra để trừ ma đuổi quỷ. Chỉ mong những oan hồn nghe tiếng chuông thì sầu hận lắng xuống, rũ bỏ dục vọng, xa lìa trần thế. Dì Lan lập đàn cầu siêu cho Chi. Dì gửi tôi ở lại chùa nghe kinh công phu ban chiều. Chùa có một cái chuông lớn, tiếng ngân lan khắp một khúc sông, một thôn làng, một cánh đồng bát ngát. Nhưng nó vẫn không làm rung được niềm từ tâm trong ***g ngực của Chi. Tôi đứng tựa cửa chùa chắp tay nghe kinh, lòng ước mơ về một cõi bình yên an tĩnh, nhưng tôi chỉ là một người đứng tựa cửa, Chi chỉ là một người đứng tựa cửa. Không có chỗ cho chúng tôi trong thiên đường này.
    Những đêm sau đó, tôi bị sốt. Tôi không nhớ tôi đã ăn cháo, uống thuốc, chiêm bao ra sao. Tôi chỉ nhớ mỗi lần tôi mở mắt ra tôi đều thấy trời mưa. Mưa suốt ba ngày, hay một tuần, và tôi mênh mang chìm nổi trong một thứ ý thức mong manh, thời gian trôi đi rất chậm, hoặc là không trôi nữa.
    Rồi tôi khỏi ốm. Dì Thư gội đầu cho tôi. Buổi sáng trời thôi mưa, dì Lan đến đưa tôi lên một thôn trên đường đi Tam Giang, dì Thư cũng đi cùng. Không ai nói đi đâu, tôi cũng không hỏi. Tôi biết lần này không phải là một ngôi chùa nào nữa. Tiếng chuông ban chiều ngân vọng khắp cánh đồng bát ngát đã không làm nỗi buồn đã kết tinh thành Chi nhắm mắt buông lơi thân mình vào thinh không, tan vào trong gió như tiếng chuông tĩnh mịch hơn cả sự yên lặng này.
    Không còn lời của trầm hương. Chỉ còn nỗi phũ phàng.
    Chúng tôi xuống xe ở giữa đường, đi vào những lối nhỏ. Dì Lan hỏi thăm đường đến nhà một thầy pháp. Mấy người ở đầu ngõ chỉ đường xong, cứ nhìn chúng tôi mãi. Đi được một đoạn đường cát trắng và lá dương khô, dì Lan chùng bước. Dì đứng lại nói với tôi:
    "Hay là mình quay lại đường cái đón xe quay về?"
    Mắt dì đỏ, từ nãy giờ dì khóc mà tôi không biết. Tôi nói:
    "Chưa đuổi được Chi thì con không về."
    Tôi đứng trước bàn thờ trập trùng những bức tượng lạ. Thầy pháp đặt một cái đĩa nhỏ lên đầu tôi, trên có một lá bùa. Ông châm lửa đốt. Tro từ đầu lá bùa bay xuống tóc. Trong tro còn một chút than hồng, làm cho tóc cháy, dù lửa không thành ngọn. Thầy pháp vẩy nước cho nó tắt. Tôi nghe mùi khói, mùi tóc cháy, mùi rong lẫn trong nước. Thầy pháp nắm tay tôi dắt ra ngoài. Trong khoảng sân nhỏ ông bôi máu lên tóc tôi mới gội, lên hai cánh tay trần, lên áo dì Thư mới may cho tôi. Sáng nay hình như họ đã giết một con chó.
    Thầy pháp chắp những cành dâu tằm còn lá tươi vừa niệm chú vừa đánh tôi. Tôi nhận lấy cái quất đầu tiên. Cái đau lạ lùng làm tôi muốn gục xuống. Cái đau không sắc nét, không phải từ da thịt, như thể cái roi dâu đã không quất xuống lưng, hay vai. Nó quất xuống một nơi nào khác tôi không biết, tôi không biết có một nơi nào như thế trên thân thể hay trong tâm trí mình. Tôi không muốn gục. Tôi lấy hết sức vùng bỏ chạy trong khi thân thể tôi vẫn còn đứng lại, tiếp tục nhận những cái quất tiếp theo đó. Tôi ở bên ngoài, nhìn người ta đánh Chi, vì tôi biết em tôi còn ở trong tôi. Nó ương ngạnh, không gục, không lui, nhưng người nó co lai mỗi khi các cành dâu quất xuống. Tôi nghe tiếng nó kêu la, và nước mắt chảy không ngừng. Tiếng kêu của Chi làm cho tâm linh tôi rát buốt. Và lần này thì nỗi đau sắc nét, như những vết cắt bằng dao có ánh thép xanh ngăn ngắt. Tôi không còn hơi thở, không còn cảm giác, không thấy buồn, chỉ thấy buốt. Nó còn khóc bằng đôi mắt của tôi, nên người ta còn đánh nó. Và nước mắt của nó - của tôi, cứ còn chảy mãi.
    Rồi tôi gục, dù tôi ở bên ngoài và những cành dâu kia không quất xuống tôi. Tôi gục vì tiếng kêu oan hờn buồn thảm của em tôi. Tôi không biết Chi có hiểu vậy không. Khi tôi gục xuống, cùng lúc tiếng kêu của nó tắt đi, dòng nước mắt tắt đi, tấm thân ở ngoài kia ngã xuống. Mọi thứ đều chợt im lìm tắt ngấm. Dì tôi chạy lại. Mọi người dìu tấm thân vừa ngã xuống vào chiếc giường tre. Giữa tôi và họ có một làn kính, tôi trông thấy, nhưng không nghe âm thanh từ phía bên kia. Tôi thấy dì tôi ngỡ ngàng không tiếng động, khóc than không tiếng động, và tôi nằm đó không tiếng động.
    Hai dì đưa tôi về, như thế nào, tôi không nhớ. Tôi bị ốm. Dì Lan nấu cháo cho tôi ăn. Tôi nghĩ đó là thứ cháo người ta ăn ở gian phòng cuối của địa ngục trước khi đầu thai, để quên đi kiếp trước, quên đi đày đoạ. Tôi ăn thấy cháo đăng đắng. Trong suốt một tuần thứ gì tôi động tới cũng mằn mặn, đăng đắng như có pha nước mắt của Chi. Tôi ăn nước mắt của Chi, uống nước mắt của Chi, để mà quên nó. Nước mắt là một bài thuốc, tôi không biết sao? Dùng ưu phiền để trị ưu phiền, dùng thương nhớ để xô tô rơi vào quên lãng, mất mát, mù khơi. Tôi ăn xong phần cháo dành cho mình, thì mới đầu thai trở lại kiếp người được. Để làm gì. Tôi hỏi dì Lan, có phải dì hứng nước mắt của Chi rồi nấu cháo, pha trà cho tôi không. Dì Lan nói tôi sốt cao, nói chuyện nghe lạ. Rồi dì Lan khóc, dì khóc làm mắt tôi cũng mờ đi, thế giới nhạt nhoà, không còn nét.
    Tôi đã ăn cháo quên hết một tuần. Và Chi đã đi thật rồi.

Chia sẻ trang này