1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Mùa xuân lên Điện Biên

Chủ đề trong 'Điện Biên' bởi chicken_mos, 17/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. chicken_mos

    chicken_mos Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/09/2003
    Bài viết:
    943
    Đã được thích:
    1
    Mùa xuân lên Điện Biên

    Mùa xuân lên Điện Biên


    Nếu đi bằng đường trời, từ sân bay Nội Bài, chỉ gần một giờ sau, tôi đã có mặt ở Điện Biên. Nhưng tôi đã đến Điện Biên bằng con đường rừng của lớp cha anh đánh Pháp năm xưa. Cánh chim và bàn chân. Bầu trời và mặt đất. Bay ở trên trời giúp tôi nhìn cao, nhìn xa, đi trên mặt đất giúp tôi nhìn sâu, nhìn rộng. Mùa xuân này, xin đến với Điện Biên bằng lối đi gập ghềnh, gấp khúc của núi non hiểm trở, điệp trùng.

    Đến Điện Biên bằng đường rừng để tìm gặp những tên đất đã một thời dội vào lịch sử. Lối cũ năm xưa đã thành con đường lớn bây giờ. Nhìn từng đoàn xe khách, xe tải nối nhau đi, có cảm giác cái khoảng cách xa xôi của núi đồi làng bản được xích lại. Nhìn hàng cây xanh lá hai bên đường, tôi biết mùa xuân đang tràn lên suốt dải rừng Tây Bắc. Nhìn con đường chênh vênh như sợi chỉ nâu vắt ngang sườn núi, nhìn đáy vực sâu đến chóng mặt, nghĩ tới câu hò vận tải năm xưa, tôi bỗng thấy lạ lùng. Làm sao bàn chân trần của người cha, người mẹ, người em hậu phương bấm mềm được đá núi? Làm sao cái bánh xe thồ của dân công có thể lăn ngược trên sườn non, lăn ngược vầng trăng, lăn ngược mặt trời. Lên đèo Pha Đin, nhìn mây trắng bồng bềnh sà ngang mặt đất, giơ bàn tay vuốt lên mái đầu thấm đẫm hơi sương, tôi mường tượng ra lối mòn của quân chủ lực đã đi qua năm ấy. Dưới lớp cỏ tranh, dưới tầng lá xạc xào kia như còn đọng dấu chân người. Hỡi sông Đà xiết căng như sợi dây kéo pháo, tưởng như cánh tay trần của các anh tôi cuộn thành bão để kéo cả đồng bằng vào chiến dịch. ?oTôi đi nắng trắng trời mưa. Tôi đi vi vút ngút bờ hoa lau?. Từ màu hoa ban, hoa sở nở sớm trên đèo, từ loài hoa chuối đỏ bập bùng như ngọn lửa dưới vực sâu đến màu hoa không tên bên lối mòn, đều nhắc tôi nhớ về thời gian của những tháng năm xưa. Chín năm kháng chiến đánh Pháp, các anh tôi đi theo con đường này, viên đạn, hạt gạo, giọt máu, giọt mồ hôi đi theo con đường này. Cả dân tộc ta hành quân theo con đường này để có được Điện Biên lịch sử.

    Thấm thoát đã mấy mươi năm, mấy mươi mùa hoa nở, vậy mà với Điện Biên tôi mới đến lần đầu. Điện Biên, mảnh đất từng thấm máu các anh tôi, mảnh đất đầy dây thép gai, hố pháo, hố bom mảnh đạn, giờ đây đã đổi thịt, thay da. Lòng chảo Điện Biên đã thành một cái đấu khổng lồ đong đầy ngô lúa. Chiến tranh như cơn gió độc đi qua, thế núi, hình sông nơi đây vẫn vững vàng muôn thuở. Trước mắt tôi, cánh đồng Mường Thanh rộng ngút tầm nhìn, mang no ấm bình yên chia đều trăm ngả. Dòng sông Nậm Rốm có một thời chảy qua lửa cháy, chảy qua cơn khát, nỗi đau, hôm nay cỏ cây xanh mướt đôi bờ. Sẽ có nhiều người khi dừng chân bên dòng sông trận mạc nào đó, lại nhớ về sông Lô, sông Đà sông Nậm Rốm. Những dòng sông chảy qua chiến tranh giống như những dây đàn của bản hùng ca, mãi rung vang nhiều giai điệu khỏe. Giờ đây sông Nậm Rốm hiện ra trước mắt tôi như một nét vẽ màu xanh trong bức tranh lớn của trời đất. Là gạch nối giữa hai bờ, cầu Mường Thanh yên lành như mọi nhịp cầu tôi đã gặp, như không hề mang vết đạn chiến tranh. Lúc này, tôi có thể thỏa thuê tắm nắng hoặc thong thả nhìn ngắm cảnh vật xung quanh. Cầu Mường Thanh như dành cho tôi, cho tất cả mọi người sự yên ả, thơ mộng. Chao ơi, có ai ngờ, nhịp cầu bắc qua mặt trận, nối vào cửa mở chiến tranh, có ai ngờ dòng sông chảy qua một thời lửa đạn khốc liệt mà bình lặng đến nhường này. Dừng chân bên cầu Mường Thanh - nơi các anh tôi đã lấy thân mình làm thang, làm ván lót đường cho triệu bàn chân băng tới đích thắng lợi. Có bao cuộc đời tôi chưa hình dung hết đã không tiếc máu xương mình để đổi lấy ngày vui trọn vẹn của dân tộc. Qua cầu, như thể qua một nơi cửa tử ác liệt nhất, để rồi tỏa vào các hỏa điểm giặc. Giọt máu rơi trên cầu, ngọn cờ chiến thắng bay trên cầu, tiếng hô xung phong nối nhau băng qua cầu. Hàng trăm bàn chân xung kích qua cầu, đạp bằng lô cót giặc. Khẩu súng qua cầu để đường ngắm được gần hơn, khối bộc phá qua cầu để bùng lên tiếng nổ. Cầu Mường Thanh không chỉ bắc bằng những tấm sắt, thanh gỗ thông thường mà còn được bắc bởi bao cuộc đời chiến sĩ. Khoảng cách nhịp cầu không chỉ được đo bằng chiều rộng của dòng sông Nậm Rốm, nó còn được đo bằng chiến công oanh liệt của một thế hệ. Chính vì lẽ đó, người đi qua cầu hôm nay và ngày mai đều tưởng nhớ và biết ơn thế hệ cha anh đi trước.

    Bước sang cầu Mường Thanh, đi tiếp một đoạn nữa tôi lại gặp lối mòn rẽ vào hầm Đờ Cát. Cỏ mềm xanh mát và êm dịu dưới chân, cỏ như tấm vải bền, dạn dày, khâu liền với đất.

    Lối vào hầm của tên tướng Pháp thành lối ra ruộng của bà con dân bản, thành lối dong trâu của bầy trẻ mục đồng, căn hầm chợt như thấp xuống lút sâu giữa màu cây xanh lút đầu người. Cái vỏ cứng bằng bê tông cốt thép hóa chiếc quan tài tối đen, hun hút, tưởng như ngày mai, ngày kia, nó sẽ chìm sâu vào ruột đất. Chiến tranh đi qua, mùa xuân lại về, và sự sống tràn lên như không thể cưỡng nổi. Xung quanh tôi, ngô mọc xanh rờn. Lá ngô cọ vào vai áo, vào tóc lôi, lá ngô mơn man trong gió nhẹ. Dưới chân tôi, những tấm sắt cuộn tròn, chỗ han gỉ, chỗ phủ đầy cỏ dại. Đất và cỏ miên man ôm trùm lên mặt hầm lở loét. Hầm có hai cửa, các anh tôi đã đi theo cửa nào để chĩa súng vào tên tướng Pháp. Hầm rộng bốn gian, nay mốc meo, lạnh vắng như ổ mối bỏ không. Sự thất bại của một tên tướng chỉ huy, của một đội quân viễn chinh đã bị phơi trần thảm hại. Từ căn hầm này, Đờ Cát cùng các sĩ quan tùy tùng, cao cấp khác giơ tay run rẩy xin hàng. Điện Biên chính là cái chảo lửa khổng lồ đã thiêu cháy tham vọng cuồng điên của hắn và hàng vạn quân viễn chinh Pháp xâm lược.

    Rời căn hầm Đờ Cát, tôi đi thăm sân bay Điện Biên, thăm đồi Him Lam, Độc Lập và những cứ điểm khác. Sân bay đã mở rộng thêm để đón khách xa gần. Đồi Độc Lập nổi lên như một chiếc mâm cỏ tròn đầy, dưới chân đồi là ngôi trường ríu ran tiếng trẻ. Vào thăm nghĩa trang Điện Biên, tôi đứng lặng trước những tấm bia trắng. Mỗi vuông cỏ nơi đây ẩn giấu mỗi cuộc đời. Tấm bia trắng không ghi quê quán, tên họ của người đã khuất. Vuông cỏ lặng im, tấm bia trắng lặng im nhưng tôi nghe những ngôi sao đang cất lên tiếng nói. Trong những năm đánh Pháp rất nhiều vùng quê góp máu xương mình cho chiến thắng Điện Biên. Những liệt sĩ vô danh, biết đâu chẳng cùng quê với tôi, hoặc với những ai đã từng tìm đến, đặt vòng hoa lên mộ. Vâng, những liệt sĩ vô danh, ngày các anh ra đời tôi không biết, nhưng ngày các anh hy sinh thì toàn thể dân tộc mình còn nhớ mãi. Ngày các anh hy sinh chính là ngày chiến thắng Điện Biên. Ngày các anh hy sinh là ngày cả dân tộc đổi đời: Để tưởng nhớ những người liệt sĩ vô danh, bao nhiêu màu hoa tìm đến mộ bia, bao nhiêu nén hương thắp trên vuông cỏ. Màu hoa không tàn, hương thơm không dứt. Nằm trên đất Điện Biên, các anh có nghe mùa xuân đang rạo rực quanh mình.

    Mùa xuân lên Điện Biên, tôi lại gặp màu hoa ban trắng, hoa chuối đỏ bập bùng và mùa hoa hồng rưng rưng nơi tượng đài, bia mộ. Mùa xuân lên Điện Biên, tôi vẫn nghe những dòng sông, đỉnh núi Tây Bắc nhắc nhở tôi về những chiến công năm đánh Pháp - sông hát hùng ca, núi phủ trắng màu mây huyền thoại. Mùa xuân lên Điện Biên, tôi bỗng hiểu thêm vì sao hôm qua, hôm nay và mai sau, Điện Biên trở thành điệp khúc thiêng liêng trong hàng triệu trái tim người.

    Theo SGGP

Chia sẻ trang này