1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Năm cô gái trường bay - Bernard Glemser

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Fleur-de-Lys, 31/03/2003.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Tôi chỉ kể riêng cho Donna nghe chuyện đó. Khoảng 10h 30, sau khi làm xong hồ sơ và ký tên dưới một loạt giấy tờ, chúng tôi lại được dẫn qua bao nhiêu là hành lang, như trong ma trận, rồi tới một quầy cà-phê nghỉ khoảng 10 phút. Rất may Alma ngồi ở bàn khác. Cô Webley thân ái kéo cô ta sang tít phía bên kia để ngồi với 2 cô gái người Pháp cùng lớp, vì cô tưởng rằng Alma và hai cô gái Pháp ấy sẽ ngả ngay vào vòng tay của nhau. Vì thế, tôi và Donna được ngồi riêng với nhau mấy phút, ăn bánh rán, uống cà-phê và tôi kể tóm tắt cho Donna về việc bị điệu ra trước toà án giáo hội. Tôi nhấn mạnh màn 1, cảnh 1, khi ông G. đưa tôi vé máy bay trở lại New York. Tôi bảo: "Donna này, không lôi thôi với họ được đâu. Xem ra họ nói là làm đấy. Không chấp hành nội quy là sẽ bị đuổi khỏi trường'".
    "Carol, cậu bao nhiêu tuổi?" Donna hỏi.
    "22".
    "Tớ 23", nó vừa nói, vừa gạt mấy sợi tóc ra sau. "Mình không học tiếp đại học vì phải phụ ông già trông nom khách sạn. Mình đã kể với cậu phải không nhỉ? Mẹ mình mất cách đây 7 năm, mình đóng vai bà chủ cho đến khi cái con chó cái Marion ấy xuất hiện. Kỳ cuối tuần nào may mắn, chúng mình có từ 80 đến 100 khách. Mình phải lo việc phục vụ họ đến nơi đến chốn. Mình phải lo toan đủ mọi chuyện, và bố mình cũng giao phó tất cả mọi công việc cho mình".
    "Nghe có vẻ thú vị đấy chứ? "tôi nói.
    "Thú vị cái cóc khô gì! Chúng mình là con gái lớn cả, đúng không? Tại sao họ lại đối xử như bọn trẻ con vậy? Mình không thể chịu đựng nổi kiểu này. Nói thật, Carol ạ, họ mà giở trò như với cậu sáng nay thì mình sẽ làm toáng lên ngay. Mình thích công việc này, với mình nó có ý nghĩa rất lớn, nhưng quỷ tha ma bắt mình đi, nếu mình để cho họ đối xử với mình như với cô bé Annie mồ côi. Mình thích rượu chè, thích có bạn trai và không có điều luật nào nói mình không được làm thế. Cậu thử nghĩ xem Carol, lão Garrison nghĩ lão đang quản lý cái gì. Một trường nữ tu kín chắc?"
    "Donna, mình đồng ý với cậu", tôi lựa lời nói. "Nhưng thử đặt mình vào địa vị của họ xem. Họ có tất cả 40 đứa mình ở khách sạn Charleroi, nên họ phải có luật lệ kỷ cương nào đó chứ. Cậu hãy hình dung, 40 cô gái cứ làm theo ý của mình thì sẽ ra sao? Nó sẽ trở thành địa ngục, còn hơn cả địa ngục của Dante nữa! Cậu cũng thấy thế chứ? tất cả sẽ loạn cả lên".
    Donna ngẫm nghĩ một lát, rồi miễn cưỡng trả lời: "Mình cũng cho là như vậy".
    Tôi nói thêm: "Mà cũng chỉ có một tháng thôi".
    Nó cười chua chát: "Chẳng hiểu mình có chịu nổi một tháng không nữa!"
    Cô Webley xé lẻ chúng tôi để đưa đến những chỗ khác nhau. Thế là cả buổi sáng mất vào việc chờ đến lượt được gọi, đo quần áo, hoặc các việc khác. Buổi sáng hôm ấy trôi qua một cách buồn tẻ, nhưng sau bữa trưa, tôi lên lầu kiểm tra sức khoẻ và thấy thích thú với từng giây phút, vì nữ bác sĩ là người rất dễ thương. Tên chị là Elisabeth Schwartz. Chị còn trẻ, khuôn mặt thanh tú, nhưng tóc bạc hơi sớm, và khi thấy tôi cũng hay chuyện, chị nói cười rất hồ hởi. Chị sờ chỗ này, nắn chỗ nọ, lấy mẫu nước tiểu và mẫu máu của tôi.Chị cân thể trọng, đo huyết áp, kiểm tra mắt, tai, mũi, họng cho tôi. Vừa làm, chị vừa nói chuyện một cách thân mật giữa người lớn với nhau, giải thích tại sao phải làm tất cả những việc đó. Như máu chẳng hạn. Tôi không thể làm việc thường xuyên trên máy bay nếu bị bệnh thiếu máu vì khi lên cao, máu không có đủ dưỡng khí. Trong thực tế, các chiêu đãi viên không được phép hiến máu trước khi bay 14 ngày, và nếu vì những lý do khẩn cấp buộc họ phải cho máu, thì phải báo phòng y tế để kiểm tra màu và lượng hồng huyết cầu trước khi được phép bay lại. Còn cả việc khám các bộ phận kín, nhưng cũng không đến nỗi đáng sợ lắm. Lúc đã khám xong và tôi mặc lại quần áo, bác sĩ nói: "Sức khoẻ rất tốt, Carol ạ. Mạch hơi nhanh một chút nhưng không đáng lo".
    Chị thật tốt bụng, nên tôi đánh bạo cười và nói: "Tôi không ngạc nhiên khi mạch hơi nhanh. Đây là ngày đầu tiên tôi ở đây, và vừa mới đến đã xảy ra chuyện rắc rối. Ông Garrison gọi tôi đến văn phòng và quạt cho một trận nên thân. Đến bây giờ tôi vẫn còn run".
    Tin đồn đã lan xa, vì chị bác sĩ hỏi tôi: "Thế ra cô là một trong ba cô mặc váy dạ hội xuống ăn tối ở khách sạn Charleroi à?"
    "Vâng"
    Chị bảo: "Tôi nghe nói ba cô trông lộng lẫy đến nỗi mọi người tròn xoe cả mắt".
    Đây là điều tôi mới nghe lần đầu. Tôi ngạc nhiên đến nỗi lắp bắp: "Thế hả chị? Ông Garrison bảo bọn tôi đã làm ô danh Hãng Hàng không quốc tế Magna".
    Chị bác sĩ rũ ra cười, rồi nói: "Tôi nói riêng với cô điều này nhé. Trưa nay tôi cùng ngồi ăn với ông Garrison. Ông ta khoe với mọi người ngồi gần đấy rằng các cô là ba cô gái xinh đẹp nhất từ trước đến giờ ở trường này. Ồ, ông ta rất tự hào về các cô, cứ kể toang toác như thể ông ta đã ấp cho các cô nở ra vậy".
    Chà, lão chó đẻ! Tôi nghĩ và suýt nữa bật ra thành lời.
  2. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Chúng tôi trở lại lớp lúc 3h 30 và cô Webley bảo: "Chiều nay chúng ta chỉ còn một tiếng đồng hồ, hãy xem các cô có học thuộc được tên các bộ phận của máy bay không nhé? Rồi đây các cô sẽ phải làm việc nhiều trên các chuyến bay, và các cô không thể nào lại cứ gọi "cái bộ phận quái quỷ kia" mà không biết được tên nó. Sau đó, nếu còn thời gian, chúng ta sẽ học tên các sân bay và ký hiệu của chúng. Các cô hãy giở trang 5 cuốn sách nhỏ bìa đen, ở đó có ghi: các thuật ngữ và định nghĩa."
    Trong ngày hôm đó, mỗi đứa chúng tôi được phát một tập sách dày, nặng phải đến 3 pao, với cái tên chính thức là: "Sổ tay chiêu đãi viên Hãng hàng không quốc tế Magna''. Nó nhỏ hơn cuốn danh bạ điện thoại New York một chút, được gọi ngắn gọn là: "Sổ tay", hoặc trìu mến hơn là "Cuốn sổ nhỏ màu đen", vì nó được đóng bằng bìa đen. Người ta trịnh trọng báo trước rằng chúng tôi phải giữ nó như giữ sinh mạng mình, rằng nếu chúng tôi qua được khoá huấn luyện, trở thành chiêu đãi viên, chúng tôi vẫn phải mang nó theo trên các chuyến bay làm tài liệu tham khảo và hướng dẫn.
    Cũng chính lúc này chúng tôi mới phát hiện ra tính cách thực sự của cô Webley. Trông cô ai cũng nghĩ rằng đến bơ cũng không tan chảy trong miệng cô; cô thuộc loại phụ nữ dịu dàng theo kiểu xưa, mảnh mai, mỏng mày hay hạt, ăn mặc giản dị, tóc vàng mềm mại, mắt xanh, má lúm đồng tiền và giọng nói nhỏ nhẹ. So với cô Pierce, là người lúc nào trông cũng như đủ sức một mình kéo cả một chiến hạm ra khơi, thì cô Webley của chúng tôi là một thiên thần đầy lòng trắc ẩn và tình thương yêu. Hay như cách Donna nói, cô trông "dễ dãi ra mặt".
    Thế thì bạn nhầm to rồi. Cô Webley trông giống như thiên thần, cười như thiên thần, nói như thiên thần, nhưng chẳng may cô lại có ý chí sắt đá. Chúng tôi ngồi nhại các thuật ngữ và định nghĩa, và tôi phải thú nhận rằng rất thích việc đó, bởi vì tôi thuộc loại người thích thu thập những chuyện vặt vãnh hay hay. Chẳng hạn, tôi thích thú khi biết rằng bộ phận tôi thường gọi là đuôi thực ra lại có tên là thăng bằng hậu, trong đó phần thẳng đứng được gọi là thăng bằng trục, còn phần nằm ngang là thăng bằng ngang. Nhờ Trời, cánh vẫn được gọi là cánh, nhưng có đủ các loại chi tiết phụ như cánh tà, cánh phụ, tấm lái chuyển hướng, máy chống đóng băng - mà trên máy bay phản lực thì có cánh phụ điều khiển ngang, rồi cánh tà trước, trên cả hai loại máy bay đều có động cơ, chứ không bao giờ gọi là mô-tơ cả.
    Thật thú vị. Tôi không biết Alma có hiểu không, chỉ thấy cô ta ngồi nhìn như xoáy vào miệng cô Webley; còn Donna có vẻ luống cuống. Cô ta thầm thì: "Carol này, tớ chịu không nhớ nổi ba cái thứ này. Với tớ thì cần gạt là cần gạt, chứ còn là cái quái gì nữa. Chả lẽ họ đòi chúng ta phải lái được cả máy bay chắc?"
    "Về nguyên tắc thì không", tôi trả lời. "Nhưng giả dụ phi công chính ra lệnh cho cậu trèo ra lau sạch tấm lái chuyển hướng, mà cậu không biết là cái gì thì thật khó coi quá phải không?"
    "Cậu bảo phi công có thể ra lệnh cho mình trèo ra ngoài cánh làm việc đó thật à?"
    "Thật chứ", tôi nói.
    Cô Webley nhắc: "Hai cô ngồi bàn cuối tập trung nghe".
    Cô dành 45 phút giảng giải các định nghĩa, rồi như đã hứa, cô chuyển sang phần tên các sân bay và ký hiệu của chúng trong 15 phút còn lại. Phần này cũng rất hứng thú. Hình như tất cả các sân bay đều có ký hiệu riêng. Chẳng hạn, sân bay Allen-town-Bethlehem-Easton ở Pensylvania đọc mỏi cả mồm thì được rút ngắn lại là ABE, chỉ cần nói ABE thì phi công nào cũng biết ngay, và người ta yêu cầu chiêu đãi viên cũng phải biết. Los Angeles ký hiệu là LAX; sân bay quốc tế Miami nơi chúng tôi đang có mặt là MIA; La Guardia ký hiệu là LGA... Nghe cũng có lý và rõ ràng là tiện dụng không chỉ cho phi công, mà cho cả việc chuyển hành lý nữa. Song cũng như nhiều cái khác, trông có vẻ dễ, nhưng cũng lắm rắc rối. Ví dụ, sân bay Willow Run ở Detroit, ta sẽ nghĩ ngay ký hiệu là WRD hoặc DWR, hoá ra không phải mà lại là YIP. Sân bay Stifel Field ở Wheeling bang Tây Virginia lại là HLG.
    Cô Webley cẩn thận chỉ rõ những cái rắc rối ấy và thừa nhận là rất dễ lầm lẫn. Tuy nhiên , cô nói chúng tôi sẽ quen rất nhanh và sẽ sử dụng những ký hiệu đó dễ dàng. Sau đó cô tuyên bố: "Nào các cô, hôm nay thế là đủ. Xe buýt đang đợi đưa các cô về khách sạn". Khi chúng tôi thở phào nhẹ nhõm đứng lên, cô nói thêm: "À quên, sáng mai sau giờ nghỉ uống cà-phê, chúng ta sẽ kiểm tra viết về các thuật ngữ máy bay, các định nghĩa và cả ký hiệu tên các sân bay".
    Tôi không tin vào tai mình nữa. Tất cả bọn con gái trong lớp đứng lặng người, mấy người kêu ca ầm cả lên:" Kiểm tra viết bao nhiêu là bài ngay sáng mai ư?"
    "Kìa các cô, có nhiều nhặn gì đâu. Và toàn những điều cơ bản mà các cô phải biết cả. Các cô còn cả một buổi tối để học cơ mà!". Cô cười, má lúm đồng tiền, răng đều trắng bóng mới dễ thương làm sao! "Mới có ngần này các cô đã kêu là nhiều, xin hãy chờ đến cuối khoá". Rồi cô không cười nữa: "Các cô hãy ngồi lại một chút, được không? Tôi chưa có dịp nào nói chuyện với các cô một cách nghiêm túc. Đừng lo, chiếc xe buýt bé nhỏ cũ kỹ ấy sẽ đợi các cô".
    Chúng tôi lặng lẽ ngồi xuống.
    Cô ngồi ghé lên mép bàn: "Nào", cô nói, "chắc một hai cô, chứ không phải là tất cả, cho rằng tôi giao quá nhiều bài cho các cô làm tối nay. Cô nào nghĩ như vậy nên lên thẳng văn phòng ông Garrison lấy vé về nhà. Tôi cam đoan ông ấy sẽ trao vé cho cô, không do dự hay gạn hỏi gì."
    Cô ngừng lời, ngồi lại cho chắc chắn rồi nói tiếp: "Chúng ta hãy nói thật với nhau. Chúng tôi nghĩ các cô là một nhóm đặc biệt, không phải là 20 cô chúng tôi nhặt ở ngoài phố về. Hàng ngày, văn phòng tuyển dụng của chúng tôi nhận được hàng đống đơn xin được làm chiêu đãi viên". Cô dừng lại để chúng tôi kịp tiêu hoá dữ liệu ấy, rồi tiếp tục: "Cứ 600 người đâm đơn, chúng tôi mới chọn được một cô để đào tạo".
    Không một ai dám nhúc nhích.
    Cô nói tiếp: "Có thể các cô đang tự hỏi tại sao chúng tôi lại kỹ tính quá như thế. Tôi xin trả lời: lý do rất đơn giản. Khi phục vụ trên các chuyến bay của hãng chúng tôi, các cô có trong tay nhiệm vụ nặng nề nhất mà bất cứ người phụ nữ nào hiện nay đang có. Đâu phải chỉ là kê thêm gối cho hành khách, phục vụ cà-phê, chè, sữa hay mỉm cười duyên dáng với mọi người. Trách nhiệm của các cô còn lớn hơn nhiều, rồi các cô sẽ thấy, nó liên quan đến sinh mạng của biết bao con người. Tôi không có ý doạ các cô đâu, thật sự nó là như vậy. Chúng tôi không thể để các cô làm việc trên máy bay, nếu chưa biết tuyệt đối chắc chắn là các cô có thể đảm đương được trọng trách ấy. Chúng tôi phải biết người đó thông minh và làm việc có đầu óc". Giọng cô bỗng lạnh như băng. "Tôi xin lỗi nếu những điều tôi nói nghe có vẻ nhàm tai, song nếu các cô không đáp ứng đúng những tiêu chuẩn ấy, chúng tôi không thể tuyển dụng các cô được. Các cô nên về tìm việc khác thì tốt hơn.
    Rõ ràng cô diễn đạt ý tứ của mình bằng những từ ngữ không phải là không dứt khoát. Tôi chờ đợi loạt đạn tiếp theo, nhưng cô không tiếp tục. Cô đứng xuống thẳng người duyên dáng và bảo: "Các cô, tất cả là như vậy. Tôi không giữ các cô thêm nữa. Chúc các cô ngủ ngon".
    "Chúc cô ngủ ngon", chúng tôi đáp mặc dù lúc ấy mới hơn 5h chiều. Đó chính là lúc Donna đưa ra nhận xét nổi tiếng: "Lạy Chúa, thế mà tớ lại nghĩ cô ấy là người dễ dãi.
    "Tớ cũng thế", tôi nói.
    Khiếp thật!
  3. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Trên xe, tôi ngồi với một cô cùng lớp tên là Julia nào đấy. Đó là một cô gái tóc đỏ hoe, da trắng mịn. Không trắng bóc như kiểu Donna, nhưng có vẻ đẹp riêng của nó.
    Cô ta bảo tôi với vẻ nuối tiếc: ''Tớ sẽ chẳng bao giờ thuộc các ký hiệu tên sân bay này mất".
    "Ồ, yên chí là cậu học được. Dễ thôi mà"
    "Cậu biết chúng mình phải thuộc tên bao nhiêu sân bay không? Tớ đã đếm, khoảng 60 cái tất cả''.
    ''Thì sao?'"
    "Chẳng sao cả", cô ta đáp. "Số tớ nó thế. Cậu nhớ tên sân bay Detroit mà ký hiệu lại là YIP chứ?"
    Tôi bảo cô ta: "Này cậu, tớ cũng tin là có điềm xấu điềm tốt, nhưng nghĩ như cậu thì hơi quá. Tớ muốn nói, tại sao cậu lại nghĩ đó là điềm xấu? Tại sao không nghĩ đó là điềm lành?"
    "Tớ chưa bao giờ gặp may cả".
    Năm giờ chiều mà bãi biển Miami vẫn còn chói chang ánh nắng. Mọi người đều vui vẻ huýt sáo, vẫy tay chào chúng tôi. Các khách sạn dọc đường sáng loáng trong ánh chiều tà, cọ hoàng gia, dừa, chà là rì rào trong gió, khí trời thơm như mùi rượu vang, đến nỗi tôi hơi ngạc nhiên tại sao ông Garrison không ghi trong nội quy cấm hít thở loại không khí ấy. Về đến khách sạn là cả ngàn gã đàn ông quay lại nhăn nhở cười với chúng tôi. Ông già, thanh niên, trung niên, râu tóc xồm xoàm, đầu hói bóng, tất thảy đều nhăn nhở, toe toét cười. Trời đất, không biết họ cười như vậy để làm gì chứ? Có thể bạn sẽ nghĩ đó là cách đàn ông phương Tây phô bày cái nam tính của họ - miệng cười càng to bao nhiêu, những cái khác cũng to bấy nhiêu.
    Đối với cái lũ đười ươi này, cách duy nhất là coi như không có họ, và tất cả chúng tôi không trừ một ai đều làm như vậy. Thật tuyệt vời, không ai dừng lại, vẫn vừa đi vừa thản nhiên nói chuyện cho đến tận thang máy, bỏ lại đằng sau cả đám đàn ông đang đứng nhăn nhở cười như một lũ ngớ ngẩn. Đàn ông nhìn tôi một cách lành mạnh thì không sao, nhưng tôi ghét cái lối nhìn tôi cười nhăn nhở, như thể vừa nghe một chuyện tiếu lâm tục tĩu vậy.
    Về đến phòng 1412 tôi vẫn còn tức. Tôi quẳng cuốn sách xuống giường, rồi hỏi Donna với giọng cộc lốc: "Bây giờ cậu định làm gì?"
    "Cô em ạ, tôi sẽ thay đồ tắm và đi thẳng xuống biển ngoài kia"
    "Đừng thay đồ vội, việc đầu tiên là phải kiếm cái ăn đã"
    "Ăn à? Mình không đói. Thịt viên ăn hồi trưa vẫn còn chưa tiêu hết".
    "Tớ muốn nói là đồ để chuẩn bị nấu bữa tối ở đây. Jurgy bảo cậu ấy sẽ nấu bữa sáng,còn tớ chuẩn bị bữa tối. Tuy nhiên, tớ cần biết các cậu thích món gì để còn tính thực đơn".
    "Gì cũng được, cô em ạ", Donna đáp. "Tôi rất vui lòng để cô tự quyết định"
    Tôi gõ cánh cửa ngăn hai buồng. Ai đó bảo: "Mời vào", nhưng chỉ có Annette nằm duỗi chân trên giường học bài. Cô ta bảo: "Ôi lạy Chúa, cậu biết không Carol? Chúng mình phải học đến cả triệu tên sân bay và tên của tất cả các bộ phận trên máy bay".
    "Bọn tớ cũng thế. Jurgy đâu?"
    "À, cậu ấy chạy ra ngoài".
    "Ra bể bơi à?"
    "Có thể thế. Carol này, cậu ấy trông không được vui lắm".
    "Cậu bảo không vui là nghĩa làm sao?"
    Annette lưỡng lự: "Tớ không biết nói thế nào. Cậu ấy có vẻ hơi ủ rũ, buồn bực. Carol, tớ thấy lo cho cậu ấy".
    Tôi ngồi xuống giường Jurgy rồi hỏi: "Tại sao?"
    "Cậu sẽ tự hiểu, Carol ạ. Tớ muốn nói là hãy xem cuộc sống trước khi cậu ấy đến đây. Carol, tớ không phải loại hợm mình. Tớ mến Jurgy, mặc dù cậu ấy không phải người hồ hởi lắm.Nhưng từ trước đến giờ cậu ấy chỉ làm chân chạy bàn, thậm chí còn chưa học hết phổ thông".
    "Thì đã sao?"
    "À, cậu xem phần bài tập bọn mình phải làm tối nay. Cô Pierce nói thẳng với bọn tớ: đây mới chỉ là bắt đầu đấy, trong vài ngày tới mới thực sự là bắt tay vào học. Chính vì thế tớ lo cho Jurgy. Có thể là cậu ấy chưa sẵn sàng cho một việc như thế này. Có lẽ vì vậy cậu ấy bỏ ra ngoài, mặt mày buồn thiu".
    Tôi xuống nhà tìm Jurgy. Đầu óc tôi cứ bận rộn với chuyện ăn uống, nên muốn tìm nó bàn cho xong. Khoảng hơn chục cô gái đang nằm dài cạnh bể bơi, có vẻ thích thú lắm. Họ có quyền như thế. Nước trong suốt như pha lê, bầu không khí thơm lành, mặt trời như quả cầu vàng, hàng cọ, lùm cây đang trổ hoa, dáng vời vợi của khách sạn bằng thép và kính - tất cả hoà trộn tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
    Tôi đi lòng vòng ra bãi biển, cảm thấy ngớ ngẩn khi mang giày cao gót và vận bộ áo cao cổ mà phía trước có đến ba chục chiếc khuy. Cuối cùng, tôi hỏi một cô tóc hung đang ngồi dựa lưng vào gốc cọ, đọc cuốn sổ tay.
    Cô ta trả lời: "Để xem nào, hình như tôi có thấy cô ta ở đây lúc nãy. Chắc cô ta đang đi dạo theo lối kia kìa".
    "Cám ơn", tôi nói. "Tôi sẽ đến gặp cô ấy. Tối nay có ai đi bơi không? Nước đẹp quá!"
    Cô ta buồn rầu nói: "Tôi biết, nhưng 5h nhân viên cứu trợ nghỉ, nên chúng mình không được phép xuống tắm".
    Tôi tụt giày, đi chân không trên bãi biển và nhẹ người khi đi được quãng 100m thì gặp Jurgy từ xa đang tư lự đi lại phía tôi. Nó mặc bộ đồ tắm màu côca, đầu đội mũ cói trông như cái bình rượu pha, lơ đễnh men theo mép nước, chốc chốc lại cúi xuống nhặt vỏ sò và ngắm chúng rất kỹ. Cô ta chăm chú đến nỗi không nhìn thấy tôi, cho mãi đến khi tôi hầu như đâm sầm vào cô ta.
    "Chào cậu"
    "Ồ Carol, cậu đấy à?"
    Jurgy thoáng nhìn tôi, và tôi ngạc nhiên khi nó lại tiếp tục rảo bước như không muốn tôi đi cùng.
    "Này", tôi gọi. "Chúng mình phải bàn xem chuyện nấu nướng thế nào chứ?"
    Nó dừng lại nói: "Ừ nhỉ, nhưng mình không muốn nói chuyện ấy lúc này Carol ạ, để mai đi". Nói xong nó lại tiếp tục rảo bước, làm nước bắn tung toé".
    Tôi đuổi kịp và hỏi: "Cậu làm sao thế, Jurgy?"
    Nó lùi xa mép nước mấy bước, rồi ngồi chéo chân, mắt nhìn chân trời phía xa.
    Tôi đến ngồi cạnh và bảo: "Jurgy, nói thật với cậu là tớ lo lắm. Không biết cô Pierce có thế không, chứ cô Webley nói làm bọn tớ sợ rúm cả người. Tối tối chúng mình sẽ phải cùng nhau học tên các sân bay và ký hiệu của chúng..."
    "Tớ chẳng lo chuyện sân bay với ký hiệu".
    "Không lo ư?"
    "Không". Nó vốc một nắm cát, ném lên trời.
    Tôi hỏi lại: "Thế thì cậu lo lắng chuyện gì vây?"
    "Ta về đi", nó nói với giọng khô khan, cố đứng dậy, rồi lại ngồi thụp xuống. "Để làm gì chứ, Carol? Nói ra cũng vô ích. Họ sẽ đuổi tớ về nhà".
    "Bậy nào! Tại sao lại thế?"
    Mặt nó tái đi: "Trưa mai, tớ phải đến gặp bà Montgomery. Bà ta sẽ tống cổ tớ về".
    "Lạy Chúa, Jurgy, tại sao mới được chứ?", tôi hỏi dồn.
    Jurgy bắt đầu lộ ra cái vỏ khép kín: "Carol, cậu là người may mắn. Cậu có gia đình, cậu được học hành đến nơi đến chốn. Cái con chó cái cao to Donna hay đi cùng với cậu cũng vậy. Cậu còn nhớ cái tối cô ta vứt cuộn tiền và hai chiếc nhẫn kim cương tối qua chứ?" Cô ta muốn tỏ vẻ ta đây là dòng dõi con nhà. Annette từng là nhân viên nhà băng, bố cậu ấy là trợ lý giám đốc. Cậu biết bố tớ làm gì không? Chân gác đêm, nếu bố tớ kiếm được việc làm. Cũng là nghề đấy chứ? Ông ấy là tay bợm rượu, lúc nào cũng say tuý luý. Và cậu biết tớ trước nay làm nghề gì rồi phải không? Gái chạy bàn, bưng bê chén bát".
    "Này cậu, hãy tin lời tớ. Chẳng ai để ý đến chuyện cậu làm nghề gì hay bố cậu làm gì.Cậu đã đến đây, giờ cậu bằng vai phải lứa với tất cả mọi người."
    Cô ta tiếp tục dốc bầu tâm sự: "Carol này, tớ không còn chịu nổi cuộc sống ở Buffalo nữa. Tớ ớn tận cổ. Tớ cũng là người, tớ có quyền được sống. Vì thế, tớ đánh liều nộp đơn vào hãng Magna. Ông Garrison đến Buffalo kiểm tra tớ, và cậu biết ông ta nói thế nào không? Ông ta bảo: "Cô Jurgens, cô là loại người mà chúng tôi cần". Ông ấy nói thế, là người đầu tiên nói về tớ như vậy. Cuộc đời là thế đấy. Ôi, cuộc đời". Jurgy bắt đầu sụt sịt.
    Tôi hỏi: "Này cậu, hôm nay có chuyện gì không hay phải không? Sao ngày mai cậu lại phải đến gặp bà Montgomery?"
    Nó lau vội nước mắt, rồi nói, giọng trở lại khô khan: "Sáng nay cậu cũng phải kiểm tra sức khoẻ chứ? Chị bác sĩ có khám từ đầu đến chân cậu không?"
    "Ôi lạy Chúa, Jurgy, bác sĩ Schwartz phát hiện ra cậu có bệnh gì à?"
    "Bệnh gì đâu. Có điều mình đã một lần mang thai".
    Bạn thường không biết nói thế nào khi nghe những lời thẳng thừng này. Tôi hỏi: "Cậu có thai lúc nào thế?"
    "À, lúc ấy mình cũng đã lớn. 16 tuổi".
    "Ôi, Jurgy".
    "Đứa bé bị chết", Jurgy nói tiếp. "Tớ không kịp thấy mặt nó nữa. Thằng bồ của tớ trốn biệt tăm. Tớ không còn mặt mũi nào mà trở lại trường, vì thế tớ kiếm việc làm tại một nhà ăn".
    "Ôi Jurgy, lạy Chúa".
    "Cậu ngạc nhiên ư?" Jurgy nói. "Ở tầng lớp như loại mình, chuyện đó thường xảy ra luôn".
    "Làm sao bác sĩ Schwartz biết được?"
    Jurgy cười chua chát: "Cậu ngây thơ quá". Nói rồi nó vạch đùi cho tôi xem. Tôi chẳng thấy có gì khác lạ, nhưng nó bảo: "Cậu thấy không? Còn cả đây nữa", cô ta để tay lên ngực. "Có con rồi, ngực cậu sẽ khác ngay". Nó dúi cả hai tay xuống cát, như thể tay bị ô uế khi sờ vào những chỗ đó. ''Chị bác sĩ rất tử tế, nhưng chị ấy bảo vẫn phải ghi vào y bạ. Mình không trách chị ấy, ai cũng phải làm tốt công việc của mình. Sau đó, lúc 4h chiều mình nhận được giấy báo lên gặp bà Montgomery".
  4. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    "Jurgy này, bà ta sẽ hiểu. Bà ta cũng thuộc loại biết điều..."
    "Carol, cậu có thể là tay chơi bời bạt tử, song không ai có bằng chứng về việc đó. 6 năm trước tớ cũng vậy, và bây giờ họ có đủ các bằng chứng mà họ cần. Chả lẽ cậu nghĩ là bà Montgomery hoặc ông Garrison lại muốn tuyển một cô như vậy làm chiêu đãi viên trên các tuyến bay ư?"
    "Quên chuyện đó đi, Jurgy. Ta kiếm cà-phê hay thứ gì đó uống đi".
    Hai thằng khỉ ranh đầu tóc bù xù hò nhau chạy về phía chúng tôi. ''Này, này, các cô gái trường bay, đi một mình thôi à?" Một thằng mang chiếc máy ảnh Leica mới cứng rất đẹp. Đến cách chỗ bọn tôi mấy bước nó quỳ xuống và bảo: ''Cứ thế, các em, cứ thế? Ảnh sẽ đẹp hết ý. Đó, cứ ngồi yên như thế".
    "Xéo đi", Jurgy quát.
    Thằng phía sau vừa nói vừa cười nhăn nhở: "Nhìn thẳng và cười lên, các em"
    "Xéo ngay", Jurgy lại quát. "Có nghe thấy không?"
    Thằng đang đứng hất hất ngón tay về phía cô ta và nói: "Ấy ấy đừng cáu. Con gái trường bay là lúc nào cũng phải tươi cười chứ!"
    "Tôi nói lần cuối cùng", Jurgy bảo. "Cút ngay"
    Nghe rõ tiếng bấm máy, Jurgy vụt đứng dậy, bước nhanh đến cạnh thằng nhãi và giang tay tát thật lực vào thái dương,làm nó ngã bổ chửng, chiếc Leica văng xa đến 10 thước và rơi ngập trong cát ướt gần mép nước. Tôi chưa từng thấy cú đánh nào hay đến vậy, bằng cánh tay tích tụ bao nỗi đắng cay, và với cú đánh ấy, đến nhà cũng phải sập. Thằng bị đánh nằm thẳng cẳng không cựa quậy. Thằng kia chỉ chiếc máy ảnh ngập trong nước biển Đại Tây Dương và nói: "Này, cô đã làm hư chiếc máy rồi".
    Jurgy dằn giọng: "Hai đứa khỉ chúng mày mà còn lảng vảng lại gần thì vỡ mặt, chứ không chỉ vỡ máy mà thôi đâu".
    Jurgy quay mặt đi với vẻ kinh tởm, sau đó bảo tôi: "Hừ, bây giờ mình cảm thấy dễ chịu hơn. Carol ạ, chúng mình đi uống cà-phê như cậu vừa nói đi".
    "Jurgy, cậu giáng cho hắn một cú khiếp quá. Từ giờ phút này, hãy để tớ làm ông bầu thể thao của cậu''.
    "Thế đã ăn nhằm gì. Cậu phải thấy lúc tớ thực sự điên lên cơ".
    Chúng tôi đi tiếp. Tôi nói: "Tớ nói với cậu điều này, Jurgy. Không hiểu sao tớ có cảm giác mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp"
    Chúng tôi ăn bánh mỳ kẹp thịt mua ở quầy cà-phê, rồi cả 5 đứa ngồi trên giường trong căn phòng rộng cho đến tận 1h sáng, cố học thuộc tên các sân bay chết tiệt và các ký hiệu của chúng, cũng như các bộ phận của máy bay. ALB là Albany; ABQ là Albuquerque, tất cả dài đặc 2 trang, mà cuối cùng là ICT mà đến thằng ngốc cũng biết đó là sân bay Wichita ở Kansas và AVP, tức là Wilkes_Barre_Scranton.
    Đúng ra tôi phải mơ về những cái tên ấy, hoặc về Jurgy, hoặc về cái gì đó gần gần hơn. Nhưng không. Hai đêm liền tôi lại mơ thấy tai nạn máy bay ở Tokyo, và tôi cảm thấy khốn khổ quá chừng.
    Tôi không hiểu làm cách nào Donna có thể dậy sớm được như vậy. Có lẽ nó đã quen trong những năm phải lo toan công việc ở cái nhà trọ trên núi ấy. Nhưng đúng là tôi vừa mới thiếp đi trong cơn ác mộng được một lát, đã có ai đó lay vai tôi và gọi: "Này Carol, dậy đi". Tôi hé mắt, thấy cô nàng người New Hampshire mình trần như nhộng, cúi lom khom, vú vê rung rẩy ngay trước mặt tôi. Tôi chẳng biết có chuyện gì, nên lại nhắm mắt, cố nhớ lại số phận mình ở Tokyo. Tôi không muốn, nhưng tôi cần phải trở lại giấc mơ ấy.
    Tôi hỏi: "gì thế?"
    "Cậu không nhớ à? Chúng mình đi bơi. Buổi sáng tuyệt trần, dậy mà xem".
    "Mấy giờ rồi?"
    "5h30"
    Tôi ngồi dậy và hét ầm lên: "Đồ chó cái vô lương tâm. Mãi 1h30 sáng chúng mình mới bò vào giường. Cậu định làm trò gì thế?"
    "Xuỵt", Donna thì thầm. "Cậu làm mọi người thức giấc bây giờ. Nào, mặc đồ tắm vào, đừng có làu nhàu nữa. Cậu có phải một người được chọn trong số 600 người không thì bảo".
    Tôi lần khỏi giường, bắt đầu rờ rẫm ngăn kéo tìm bộ đồ tắm 1 mảnh màu đen mua ở cửa hàng Lord và Taylor (đáng lẽ tôi phải đòi họ trả công quảng cáo, từ đầu đến chân tôi toàn mang đồ nhãn hiệu này). Trong trường hợp đặc biệt này, tôi tức Donna đến nỗi chẳng cần ý tứ gì mà tụt luôn quần áo ngủ và thay sang đồ tắm. Donna thốt lên: "Carol này, người cậu đẹp ghê".
    Tôi nhăn nhó: "Thì sao?"
    "Khiếp, buổi sáng cậu xấu tính thế".
    Giá tôi có cánh tay như của Jurgy, tôi đã táng cho nó một chưởng.
    Bộ đồ tắm của Donna khác kiểu của tôi. Nó gồm 2 mảnh bằng xa-tanh trắng, trông hở hang đến mức Lord và Taylor chắc thà chết còn hơn có nó trong quầy, dù là bán chui đi nữa.
    Tôi bảo: "Hừ, để xem ông Garrison sẽ nói thế nào khi thấy cậu mặc bộ đồ tắm này".
    Chúng tôi khoác áo choàng rồi đi ra. Tối qua đã có người phát hiện ra chiếc thang máy tự điều khiển dùng cho những người đi bơi như chúng tôi. Thang máy chính có người điều khiển đưa bạn xuống cửa chính, ở đó bạn phải diễu qua những đám đàn ông mắt tròn mắt dẹt, còn chiếc thang máy đặc biệt này đưa bạn xuống một phòng tắm rộng có cửa sổ mở ra bể bơi và bãi biển.
    Từ thang máy, chúng tôi ra thẳng bãi biển. Trời đẹp vô cùng, làm bao nỗi bực tức của tôi tan biến ngay. Xung quanh không một bóng người, mới tang tảng sáng, bầu trời xanh trong pha ánh hồng, mặt biển một màu xanh nhạt phẳng như gương, làm chúng tôi thấy mình như lạc vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ.
    "Đẹp hết chỗ nói", Donna thốt lên.
    "Đúng là thiên đường".
    Chúng tôi lao xuống nước, nhưng đột nhiên một ý nghĩ làm tôi sững lại, ý nghĩ thường có ở một Thompson biết tuân thủ luật pháp. Tôi vội bảo: "Lạy Chúa. Donna, chúng mình không được phép tắm khi không có nhân viên cứu trợ làm nhiệm vụ".
    "Carol, tớ thề là không thể nào hiểu nổi đầu óc cậu nữa. Kiếm đâu ra nhân viên cứu trợ làm nhiệm vụ vào giờ này chứ?"
    "Vấn đề ở chỗ là không có họ chứ còn gì nữa"
    "Tớ biết không có họ và cái hay là ở chỗ ấy. Bọn mình khỏi phải lo bị lũ khỉ đột lông lá nhìn trộm. Tớ chẳng cần mặc đồ tắm nữa, tớ thích tắm truồng trên biển".
    "Donna, một vừa hai phải thôi chứ..."
    Nó cởi mảnh trên đưa cho tôi. "Này cầm lấy", và định tụt nốt mảnh dưới, thì tôi ngăn lại. "Không được cởi nữa, Donna". Chắc giọng tôi nghe có vẻ đáng sợ nên nó lại kéo lên, mỉm cười và bảo: "Thôi được, cậu có tắm không?"
    "Mình chẳng còn cách nào khác khi cậu tồng ngồng như thế. Tốt nhất là mình ngồi trên bờ đề phòng có ai tới".
    "Đồ ngốc".
    Nói xong Donna ào xuống nước, lội mãi cho đến khi nước ngập thắt lưng rồi lặn rất khéo, nước không bắn một giọt, và trồi lên cách đó khoảng 10m. Đúng là một tay bơi thiện nghệ.
  5. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    "Chào các cô", cô Webley ngọt ngào nói trong khi chúng tôi cố vặn vẹo người cho vừa những cái gông bằng sắt nghẹt thở mà người ta gọi là bàn liền ghế.
    "Chào cô Webley", chúng tôi đồng thanh đáp.
    Sáng nay trông cô lại càng giống thiên thần. Cô mặc bộ đồ lụa màu xám, cổ và măng-set màu trắng rất đẹp. Mắt cô xanh, long lanh vẻ ngây thơ, hai má lúm đồng tiền trông rất rõ. Có điều lạ là, tôi cũng đã lăn lộn nhiều, nên đủ hiểu những phụ nữ mắt xanh thơ ngây, má lúm đồng tiền, cổ trắng và măng-set trắng. Bạn không tin cậy được họ đến 1 insơ, hoặc bằng khoảng cách bạn quẳng một con voi (không biết cái nào dài hơn). Nhưng ngước nhìn cô Webley, tôi mềm cả người. Cô thật đáng chiêm ngưỡng.
    "Nào", cô hỏi. "Trong số các cô có ai bị gù không?"
    Không ai giơ tay.
    Cô liền nói: "Tôi nghĩ chúng ta nên dành ít phút nói với nhau về chuyện đi đứng và ăn mặc. Từ đây trở đi, không ai được phép so vai thụt cổ nữa. Đi, lưng phải thẳng, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn. Ngồi, lưng thẳng, ngực ưỡn ra và đầu gối chụm lại". Cô Webley nói say sưa: "Các cô đừng đi với vẻ bị săn đuổi trong mắt. Tôi muốn các cô đi với vẻ chính xác mình đi đâu, hơn nữa, biết chính xác mình sẽ làm gì khi đến đó. Rõ chứ?"
    19 cô khác có thể hiểu rõ, nhưng với tôi, đây là điều hoàn toàn mới mẻ, và tôi cần một chút thời gian để suy nghĩ về nó. Suốt đời, cho tới lúc này, tôi vẫn đi như người bị quáng, vì vậy tôi không dám chắc một sớm một chiều có thể sửa được dáng đi như cô Webley đòi hỏi.
    Cô Webley nói tiếp: "Bây giờ tới chuyện ăn mặc. Bản thân vấn đề này đã là một chủ đề đặc biệt, sau này chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ. Việc cần làm ngay bây giờ là bộ tóc của các cô. Tự các cô cũng hiểu tại sao, tôi nghĩ không cần phải giải thích dài dòng. Các cô thử hình dung mình đang ở trên một máy bay chở khách phản lực mới của hãng. Các cô sẽ phải luôn chân luôn tay bận rộn, phục vụ đồ ăn thức uống, và đương nhiên là phải chuẩn bị trước trong khoang nhà bếp. Hành khách hết người này đến người kia gọi các cô, chưa kể cơ trưởng và phi hành đoàn, v...v.. mà các cô thì không có thời gian để cứ nửa giờ lại chạy vào nhà vệ sinh nữ sửa sang đầu tóc. Không có chuyện đó, các cô ạ. Các cô phải để kiểu tóc sao cho gọn gàng. Hơn nữa, theo quy định, các cô phải giữ nguyên mầu tóc của mình, tức là không được hồ, tẩy hoặc nhuộm tóc. Đồng thời tóc phải cắt ngắn trên cổ áo đồng phục''.
    Cô dừng lời, đợi cho tiếng rì rầm lặng hẳn mới nói tiếp: "Đấy là tôi mới nói sơ qua như vậy. Khi chúng ta nghiên cứu chi tiết vấn đề này, chúng ta sẽ chọn kiểu tóc hợp nhất với từng người. Còn bây giờ, tôi e rằng ngay tối nay, một số cô sẽ phải tới hiệu làm đầu".
    Cô mỉm cười ra vẻ thông cảm, rồi băt đầu nhìn các cô ngồi ở hàng đầu. Một trong hai cô gái người Pháp ngồi ở đó, tóc hung hình đuôi ngựa rất đẹp. "Tóc đuôi ngựa không được, Suzanne ạ".
    "Nhưng..."
    Cô Webley quay sang cô gái người Pháp kia mà chắc là một chuyên gia tỉa lông chó xù đã cắt tóc cho cô: "Tôi nghĩ cô cần tỉa mỏng bớt đi, Jacqueline ạ".
    "Nhưng..."
    Rồi cô tiếp tục xuống các dãy bàn sau, cho đến khi cô tới bàn chúng tôi. Trong số 15 cô đầu, chỉ có 3 cô là thoát.
    Cô nhìn mái tóc đỏ hoe, lượn sóng của Donna và nhẹ nhàng hỏi: "Màu tóc tự nhiên đấy à?"
    "Vâng, thưa cô Webley".
    "Đẹp quá, nhưng rất tiếc đằng sau quá dài, phía trước quá rậm. Tối nay cô cắt bớt, được chứ?"
    "Nhưng..."
    Cô quay sang tôi: "Carol, cắt".
    Tôi không kịp mở miệng. Cô chuyển sang Alma, nhìn mái tóc xoăn đen bóng loà xoà của nó, rồi thốt lên: "Ôi, lạy Chúa".
    Alma cười ỏn ẻn và nói: "Tóc thật đấy, thưa cô Webley. Nó dài xuống tận lưng".
    "Alma..."
    "Vâng. Ở Ý, đàn bà đoan trang phải để tóc như thế này".
    "Rất tiếc, Alma..."
    "Vâng. Ở Ý, đàn ông bảo phụ nữ phải để tóc như thế".
    "Alma, cô thấy đấy, quy định..."
    "A! Quy định ấy không dành cho con gái Ý. Cho con gái Mỹ thì được, cho con gái Pháp cũng được, vì tóc họ trông phát khiếp lên. Cho các loại con gái khác được,nhưng với con gái Ý thì không".
    Cô Webley bình tĩnh nói: "Có thể cô nói đúng, Alma. Tôi sẽ xin ý kiến ông giám đốc".
    "Vâng,"Alma đáp. "Ông ta nhạy cảm, ông ta sẽ hiểu".
    Cô Webley trở lại bàn.
    Donna bực tức nói thầm với tôi: "Lạy Chúa, ở đây còn tồi tệ hơn trong quân đội. Thế quái nào mà họ lại không ra lệnh cạo trọc đầu rồi phát mũ đội cho rồi".
    "Nào", cô Webley nói. "Hãy nói một chút về giữ gìn vệ sinh. Các cô, tôi không cần phải bảo các cô về tầm quan trọng của việc vệ sinh thân thể..."
    Cô lại phải ngừng lời vì Betty, cô gái đeo kính làm ở văn phòng ông Garrison bước vào. Betty trịnh trọng đến đưa cho cô Webley tờ giấy gấp tư. Tôi vớ vẩn tự hỏi lần này ai là kẻ xấu số bị điệu lên trước đấng tối cao, và vì lý do gi? Mỉm cười với người gác cửa khách sạn Charleroi chăng?
    Cô Webley gọi: "Carol Thompson".
    Tôi không tin tai mình nữa. Ồ, không! Không phải Mặt Bùn! Không thể có chuyện đó được. Mà tôi đã làm gì chứ? Trên đời này không còn công lý nữa sao? Tim tôi bắt đầu đập như trống làng vì hiểu rằng tôi không thể bị điệu lên gặp ông Garrison hai lần liền mà lại thoát không bị trừng phạt.
    Tôi đứng dậy, người run như tàu lá.
    Cô Webley bảo: "Cô lên gặp bác sĩ Duer. Betty sẽ đưa cô đi".
    Tôi nói: "Thưa cô Webley, hôm qua em đã kiểm tra sức khoẻ tại văn phòng bác sĩ Schwartz".
    "Ồ, không. Đây là việc hoàn toàn khác". Rồi cô giải thích với cả lớp: "Các cô, bác sĩ Duer là nhà tâm thần học biệt phái tại trường này. Ông ấy sẽ lần lượt nói chuyện với các cô. Carol, mời cô cùng đi với Betty. Đừng để bác sĩ Duer phải đợi".
    Tôi nghĩ thầm: "Lạy Chúa, thế là hết. Bác sĩ tâm thần! Không biết họ còn bày đặt gì nữa đây?".
  6. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Ông ta chính là người đeo kính gọng sừng mà tôi đã 3 lần thấy đi cùng với ông Garrison. Betty để tôi đứng ngoài cửa văn phòng rồi đi. Khi gõ cửa, tôi không hề biết mình sẽ gặp ai. Nhưng rồi cửa mở, ông ta đứng đó trong bộ com-lê màu xanh gọn gàng, trông vừa trang trọng mà lại vừa giận dữ, vẻ thân mật nhưng người vẫn như còn đang nhiễm điện. "Chào cô Thompson, rất vui lòng được gặp cô. Xin mời vào". Ông ta khép cửa, ra hiệu mời tôi ngồi xuống một chiếc ghế mềm bọc da rồi bảo: "Xin cô cứ tự nhiên. Cô hút thuốc chứ?"
    Tôi nghĩ thầm: lại thuốc. Hừm. Tôi nên hay không nên hút? Ông này không phải là người bình thường đâu. Ông ta là bác sĩ tâm thần đấy, phải cẩn thận.
    Nhưng rồi tôi nghĩ: "Kệ, muốn ra sao thì ra. Nếu tôi đủ khôn lớn để kiểm tra tâm thần, tôi cũng đủ khôn lớn để hút thuốc chứ. Tôi đáp: "Xin ông một điếu, cám ơn".
    "Mời cô", ông ta nói, đưa tôi một điếu thuốc Kent và châm lửa cho tôi. Xong xuôi đâu đấy, ông ngồi vào ghế sau bàn và nhìn tôi. Tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ông, không hề sợ hãi, giống như cách ta nhìn con rắn chuông nếu gặp trên đường.
    Có điều là trong mấy ngày qua, tôi đã bị chính những người tôi cho là đáng tin cậy chơi cho mấy vố liền. Ông Garrison tử tế, nhã nhặn là thế, mà cuối cùng đã làm đổ vỡ lòng tin của tôi vào bản chất của con người. Rồi bác sĩ Schwart tốt bụng và đáng yêu là vậy mà vẫn cứ báo cáo chuyện Jurgy có thai cách đây cả tỷ năm. Ngay cả cô Webley của chúng tôi, trông thì ai cũng nghĩ rằng đến bơ cũng không tan chảy trong miệng cô, thế mà cũng đã làm chúng tôi sợ hết vía. Và bây giờ ông ta, người cùng một giuộc. Ông ta tử tế ư? Lạy Chúa, còn hơn thế nữa. Tôi như muốn chết luôn khi ông ta bắt đầu nói, giọng thân tình, dễ dãi. Người ông vừa phải, không quá béo hay quá gầy, các nét khác cũng vừa phải, chỉ trừ cặp mắt xám với hàng mi đen (không chỉ đen, mà còn dày và cong như của Liz Taylor. Tôi nghĩ ông ta trạc 30 hay 32 gì đó, và nhìn chung thuộc loại trí thức dễ mến mà ta vẫn thường hay gặp trong thời buổi này. Rất có duyên, đúng thế. Mẹ tôi chắc sẽ ngưỡng mộ ông lắm. Vì vậy tôi ngồi rít thuốc nhìn thẳng mắt ông không hề sợ hãi.
    Ông cất giọng nhẹ nhàng: "Ta sẽ nói chuyện chơi với nhau, để tôi hiểu thêm về cô. nhẹ nhàng thôi. Cô thấy lớp học thế nào?"
    Tôi nói rõ là mới vào lớp được hơn một tiếng, nếu nhận xét về lớp thế nào thì hơi sớm.
    "Đúng thế", ông ta nói, mắt nhìn tờ giấy trên bàn. Tôi nhận ra lá đơn xin học, trong đó có ghi chi tiết về đời tôi. Ông ta nói tiếp: "Theo chỗ tôi hiểu, cha cô là ông Greg Thompson, người viết nhiều sách hướng dẫn du lịch?"
    Tôi không ghi điều đó trong đơn, chắc là ông Garrison đã thêm vào sau lần gặp trước. Tôi đáp: "Thưa ông, đúng vậy".
    "Cô hay đi cùng với cha cô?"
    "Vâng"
    "Mấy năm trước tôi có đọc cuốn sách cha cô viết về Brazil. Tôi nghĩ cuốn sách rất tuyệt. Cô cũng đến Brazil cùng với cha cô chứ?"
    "Thưa không. Brazil là nơi cha tôi mất".
    "Cô thích đi du lịch".
    Đó không phải là câu hỏi, mà là câu khẳng định. Tôi trả lời: "Vâng".
    "Và tất nhiên là khi cô làm cho Hãng hàng không quốc tế Magna, cô sẽ có dịp đi du lịch rất nhiều".
    Lại một câu ở thể khẳng định và cũng không phải là mới. "Tôi hy vọng là vậy".
    "Tôi hỏi cô việc này, cô Thompson. Vào ngày cô đến đây hôm thứ Hai, ở sân bay Tokyo đã xảy ra một tai nạn máy bay. Tôi nghĩ cô có nghe chuyện ấy".
    Ông ta chuyển hướng câu chuyện nhanh đến nỗi làm tôi ngỡ ngàng. "Thưa ông, tôi có nghe".
    "Nghe thế cô có sợ không?"
    Ông ta vẫn nhìn tôi thân thiện, còn tôi thấy sợ ông ta. Ông ta như có phép thần mà các nhà tâm thần học thường có, có lẽ ông đọc được suy nghĩ của tôi, nên đừng hòng mà giấu ông sự thật. Vì vậy, tôi đáp: "Thưa bác sĩ Duer, tôi nghĩ là mình cũng có hơi sợ".
    "Ồ"
    Ông không hỏi tôi sợ đến mức nào và tại sao sợ. Ông chờ tôi tự nói ra.
    Tôi nói: "Tôi không có ý nói nó làm tôi sợ. Tôi chỉ mơ về nó, thế thôi".
    "Cô nhớ những giấc mơ đó chứ?"
    "Thưa ông, tôi mơ linh tinh lắm. Tôi đang ở trong máy bay, và cùng lúc lại ở ngoài - chắc ông cũng hiểu những chuyện kiểu đó".
    "Cô làm gì bên ngoài máy bay?"
    "Tôi nhìn. Chẳng hay lắm".
    "Còn ở trong máy bay?"
    "Chuyện ngốc nghếch, thưa ông. Tôi phát dù và bảo mọi người đeo vào".
    Lần này đến lượt ông ta ngỡ ngàng: "Máy bay chở khách không có dù".
    "Tôi biết, vì thế tôi đã nói là chuyện ngốc nghếch"
    Ông nhìn tôi một lát, rồi nói: "Đừng lo lắng về những giấc mơ ấy. Trên đường tới đây, cô đã bị ức chế thần kinh, tất nhiên nó in đậm trong tiềm thức". Rồi như vẻ vô tình, ông nói thêm: "À, mà tôi cũng ở khách sạn Charleroi".
    "Thế ạ?". Đó là chuyện ngoài lề, nên tôi cũng hỏi lại theo tinh thần ấy.
    "Vâng, tôi ở tầng 12, phòng 1208".
    Nếu ông ta muốn nói chuyện phiếm, tôi sẵn sàng chiều. Tôi bảo: "À, thế là ngay dưới tầng của chúng tôi. Ông biết đấy, họ không có tầng 13, vì tầng 13 bị coi là con số không may mắn".
    "Tôi biết", ông ta nói. "Lúc gần 6h sáng, cô và bạn cô làm gì ngoài bãi biển?"
    Tôi rúm người. Ra thế đấy. Tôi vừa lơ đãng có 1 giây là ông ta đã cắm ngập nanh vuốt vào rồi. Tôi không trách được ai, mà phải tự trách mình.
    "Ngoài bãi biển?" tôi hỏi giọng yếu ớt.
    "Tôi thường dậy sớm, cô Thompson ạ. Tôi nhìn qua cửa sổ thì thấy các cô. Người đi cùng với cô là ai thế?"
    "Người đi cùng với tôi?", tôi hỏi lại. "Tôi với người nào đó? Ồ phải, cô ta là người tôi gặp trong khách sạn. Một cô gái".
    "Donna Steward?"
    "Steward?", tôi nhắc lại, giọng thảng thốt. "Steward?"
    "Ấy, bình tĩnh nào", ông ta bảo. "Tôi không tố cô đâu mà sợ".
    Tôi ngồi ngây người, suýt khóc. "Hãy bình tĩnh". Tôi làm thế nào mà bình tĩnh được. Người tôi run lên trong nỗi hối tiếc. Điều tồi tệ nhất là tôi bắt đầu cảm thấy mến ông ta, bởi vì trông ông ra dáng tu mi nam tử, tử tế và thông minh, và tôi không phải không muốn ông ta cũng thích mình. Thế nhưng ông ta ngồi đó, nhìn tôi dò xét, cứ như tôi là đứa trẻ, mà lại là trẻ vị thành niên có vấn đề. Thật không có gì tổn thương niềm kiêu hãnh của đàn bà hơn thế.
  7. MabuDENHI

    MabuDENHI Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/07/2002
    Bài viết:
    10
    Đã được thích:
    0
    mình tìm trang có đăng những bài văn lớp 12dành cho học sinh tham khảo nhưng bây giờ chẳng thấy đâu.làm ơn giúp minh với ,có ai biết nó nằm trong box nào thì chỉ giúp.cám ơn vô cùng
  8. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Ông ta tiếp tục: "Cô biết không, sáng nay các cô thật là dại dột. Các cô có thể gặp chuyện rất rắc rối. Có điều trong trường hợp này, cô hoàn toàn vô can. Cô không xuống tắm. Cái gì đã giữ cô lại?"
    "Thưa ông, tôi cũng chẳng biết nữa".
    "Cô có thể bảo cô ấy rằng cứ cởi trần mà bơi như vậy sẽ có ngày gặp nạn đấy".
    "Ôi, lạy Chúa", tôi thốt lên. "Ông cũng nhìn thấy?"
    "Tất nhiên. Chẳng lẽ cô và Donna nghĩ các cô là người vô hình sao?"
    Tôi nói cứng: "Bác sĩ Duer, cô ấy không trần truồng".
    "Thế cũng là trần truồng. Riêng tôi thấy chẳng sao, nhưng bà Montgomery chắc sẽ không hài lòng".
    Đến đây lại im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Tôi có cảm giác dần dật khó tả, như thể ông ta thấy Donna ở trần và cũng đã thấy tôi ở trần. Nghe vô lý, nhưng tôi hình dung đó là cảm giác ta luôn có khi đối diện với một ông bác sĩ tâm thần.
    Cuối cùng ông ta bảo: "Carol, tôi không muốn giữ cô thêm vì cô còn bận học. Tôi chỉ muốn nói với cô một phút nữa thôi. Cô hút thuốc nữa đi".
    Tôi từ chối, nhưng rồi vì tâm thần đang bất định nên lại nhận điếu thuốc. Ông đi vòng qua bàn châm thuốc cho tôi, và tôi cũng cảm nhận được hai bàn tay, người ông và đôi mắt xanh ranh ma với hàng mi đen cong dài đang kề sát bên tôi. Ông Trời ăn ở không cân, ai lại để người có cặp mắt quỷ sứ như vậy. Rồi như muốn làm cho tình hình xấu thêm, ông ta trở lại bàn và bỏ cặp kính ra. Trời đất, mắt ông mới đáng sợ làm sao.
    Ông ta nói: "Tôi không muốn lên mặt dạy đời, cô đã đủ khôn lớn không cần phải lên lớp nữa. Tôi chỉ muốn giải thích thái độ của chúng tôi ở trường này. Giải thích logic của vấn đề". Ông ta nuốt nước bọt. "Có lẽ cô cho là quá khắt khe, quá nhiều quy định, quá nhiều cấm đoán; song chẳng có gì khó hiểu về vấn đề đó. Hết sức đơn giản".
    Trong khi nói, ông không nhìn tôi, còn tôi cũng không nhìn ông. Tôi quan sát hai bàn tay ông, chúng rám nắng và gân guốc.
    Ông nói tiếp: "Trước hết, tôi phải nói với cô điều này. Bà Montgomery và ông Garrison cả đời đã gắn bó với hãng hàng không này. Khi kiểm tra một cô gái, họ biết chính xác họ cần gì ở cô ta. Song một, thậm chí hai hoặc ba cuộc kiểm tra cũng chưa đủ. Chúng tôi có thể vẫn bị nhầm. Và một khi chúng tôi biết mình nhầm, không còn cách nào khác hơn là gửi trả cô gái về nhà".
    Tim tôi lại bắt đầu đập thình thịch
    Ông ta lại nói tiếp, tránh nhìn tôi: "Rắc rối là ở chỗ chúng tôi đòi hỏi ở các cô gái nhiều hơn những điều chúng tôi nghĩ là có thể được. Chúng tôi hiểu điều đó, luôn bị giằng xé về chuyện đó. Thế nhưng chúng tôi không thể làm khác được, buộc lòng phải có những đòi hỏi khắt khe này; và trong thực tế, nó ngày càng mạnh mẽ hơn."
    Ông ta nhìn tôi, vẻ chân tình và tôi chợt nghĩ: "bây giờ mới bắt đầu đây".
    "Cô hãy đặt mình vào vị trí của chúng tôi xem", ông ta nói.
    Tôi biết tỏng cái lối đó. Ông Lefebvre cũng nói đúng như vậy khi ông chuẩn bị cho tôi nghỉ làm ở phòng tranh trên phố 57.
    Ông tiếp tục: "Khoan hãy nói đến tương lai, ta hãy nói về hiện tại đã. Máy bay của chúng ta bay với tốc độ hơn 600 dặm một giờ, ở độ cao khoảng 6 dặm. Cô biết một máy bay phản lực chở khách giá bao nhiêu không? Cô thử đoán xem".
    "Hai triệu đôla".
    "Vẫn thấp lắm. Gần sáu triệu đôla"
    "Khiếp thế" tôi thốt lên. Không hiểu ông ta định nói chuyện ấy làm gì.
    "Cô biết máy bay chở được bao nhiêu người không?"
    "Hơn một trăm"
    "Đúng. Vì vậy một máy bay đang bay là cả một sự đầu tư lớn về tiền bạc cũng như sinh mạng con người.
    "Vâng"
    "Thôi được", ông ta bảo. "Tôi đã nói cô đặt mình vào địa vị chúng tôi xem. Và chắc chắn cô sẽ phải làm việc này: cô có nhiệm vụ lựa chọn 4 cô, chỉ 4 thôi, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả mọi chuyện trong cabin của chiếc máy bay 6 triệu đôla, chở hơn 100 hành khách, bay với tốc độ hơn 600 dặm một giờ ở độ cao 6 dặm ấy. Bốn cô gái này phải chịu trách nhiệm chăm nom, săn sóc toàn bộ hành khách, từ việc ăn uống đến việc nghỉ ngơi và cả sự an toàn của họ trong trường hợp khẩn cấp. Cô hình dung ra rồi chứ?"
    "Vâng", tôi đáp, cảm thấy ông ta như vừa dùng gậy bóng chày nện vào đầu tôi".
    Ông hỏi tiếp:"Cô sẽ lựa chọn 4 cô này hết sức cẩn thận chứ?"
    "Vâng, thưa ông"
    "Bây giờ cô hiểu tại sao chúng tôi lại đòi hỏi quá cao như vậy rồi chứ?"
    Mặt ông ta lại trở nên tư lự: "Đó là hiện tại, còn tương lai lại là chuyện khác. Nhiều lúc tôi nghĩ chúng ta phải đợi trong khi chúng ta lai tạo một giống người hoàn toàn mới".
    Tôi thu hết can đảm nói với ông: "Bác sĩ Duer, tại sao ông lại kể với tôi chuyện này?"
    "Tôi nghĩ cô nên biết".
    "Thưa, có phải ông cảm thấy tôi không thể đáp ứng được những đòi hỏi của các ông không? Ông sẽ trả tôi về nhà chứ gì?"
    Ông ta nhìn tôi, vẻ nghiêm trang và tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ông, nhưng lần này như nhìn một con người. Và tôi bỗng ngạc nhiên nhận thấy giữa tôi và ông ta có một sự giao cảm nào đó, từ cơ thể ông truyền qua tôi, và từ tôi truyền qua ông, nghe ấm áp, rạo rực lạ lạ mà vẫn cảm nhận được. Tự tôi tôi biết, và biết ông cũng thấy thế, vì ông đứng dậy, đeo kính vào (cố giấu ánh mắt có sức công phá ghê gớm ấy) và nói vội vàng: "Chúng tôi không có ý định trả cô về nhà. Tôi chỉ muốn cô giải thích tình thế của chúng tôi, tại sao chúng tôi phải khe khắt đến vậy. Thế thôi."
    "Tôi hiểu. Cám ơn ông".
    Ông vẫn nói bằng giọng vội vã: "Xin lỗi đã giữ cô quá lâu. Nếu cô có vấn đề gì, xin cứ cho tôi biết, đừng ngại. Hàng ngày tôi đều có mặt ở văn phòng này, còn hầu hết các buổi tối là ở phòng 1208 trong khách sạn. Cô có thể gọi điện cho tôi ở đó".
    Ông đưa tôi ra tận cửa, có vẻ buồn bực như thế nào ấy. tôi không buồn bực, nhưng hết sức kinh ngạc là cho tới lúc này, tôi chưa từng trải qua kiểu điện trường ******** như thế này bao giờ. Ông cố mỉm cười nói: "Thôi, tạm biệt cô nhé". Tôi ngước mắt, nhìn cặp mắt, làn môi của ông và thầm nghĩ: "lạy Chúa, ông ta là một người tuyệt diệu". Rồi chúng tôi chia tay.
  9. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Lớp đang nghỉ giữa giờ, tôi tìm thấy các bạn ở tiệm cà-phê. Donna đang ngồi một mình nên tôi mua cốc cà-phê cùng mấy cái bánh rán đến ngồi cùng nó. Donna rướn mắt nhìn tôi và bảo: "Khiếp thật! cậu ở đó với ông bác sĩ tâm thần hàng tiếng đồng hồ. Làm gì vậy?"
    "Cậu thừa biết. Thì cũng việc bình thường ấy mà''.
    "Bình thường thế nào? Tớ chưa bao giờ phải đến bác sĩ tâm thần cả. Tớ không hề biết những việc diễn ra ở đó".
    Tôi thấy đầu nhẹ bỗng, tim văng đâu mất và người rạo rực một chút. Tôi bảo: "Donna, đừng vờ vịt nữa. Tất nhiên cậu hiểu chuyện gì xảy ra khi cậu đến bác sĩ tâm thần".
    "Tớ chỉ biết ông ta bảo cậu nằm xuống giường. Giường bọc da".
    "Đó đó, cậu biết quá còn gì"
    "Rồi sao nữa?"
    "Ông ta hỏi bao nhiêu là câu hỏi, ngốc ạ"
    "Hỏi những gì?"
    "Cậu không đoán được à?"
    "Về cuộc đời tình ái của cậu?"
    "Đương nhiên. Hỏi tất cả các tình tiết bẩn thỉu trong cuộc đời tình ái của mình'".
    "Thật à?", Donna thích thú ra mặt.
    Tôi hỏi: "Từ lúc tớ đi, lớp có chuyện gì không?"
    Donna nhăn mũi: "Cô Webley toàn nói chuyện vệ sinh cá nhân. Này thôi, Carol, kể thêm về tay bác sĩ tâm thần ấy đi".
    "Có gì đâu mà kể"
    "Tớ biết một điều là khi tớ nằm xuống cái giường da ấy, váy tớ cứ tốc ngược hết cả lên. Cậu nên nhớ tớ cũng đã qua cái giai đoạn ấy. Cậu có bị vướng víu về chuyện váy xống ấy không?"
    "Có váy xống gì đâu", tôi trả lời. Chỉ có Chúa mới biết tại sao tôi lại nói thế, tự nhiên buột miệng ra.
    Nó kêu ré lên.
    Tôi tiếp: "Không một mảnh vải trên người".
    "Ồ, khiếp thế à?"
    "Ừ, cởi hết quần áo rồi khoác bộ đồ bệnh viện vào".
    "Cậu làm thế thật ư?"
    "Bác sĩ tâm thần cũng giống như các bác sĩ khác".
    "Và cậu nằm trên giường, trong bộ quần áo ngủ, kể cho ông ta về đời tình của cậu. Ông ta có hiểu ý không?"
    "Ông ta là bác sĩ. Đồ ngốc."
    "Mà cứ cho là thế đi nữa...." Donna lặng dần, rồi lại nói: "Cậu biết không Carol, nghe cũng có vẻ ly kỳ rùng rợn đấy chứ".
    "Ừ, mà lại không mất tiền nữa chứ. Những người khác phải trả 25 đôla một giờ".
    "Đến quá đi chứ". Donna có vẻ tin chuyện tôi kể lắm.
    Cô Webley đứng dậy chuẩn bị đi, và cả lớp cũng đứng dậy theo. Tôi nhận thấy mọi người đều đã tiến một bước dài trên con đường tiến hoá: người thẳng, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn ra trước. Tôi uống vội chỗ cà-phê còn lại, rồi cùng Donna theo mọi người về lớp.
    Thời gian còn lại, cô Webley nói về lịch sử và tổ chức của hãng hàng không quốc tế Magna, rồi tống thêm cho chúng tôi khoảng 5000 thuật ngữ và định nghĩa không chỉ về các bộ phận của máy bay mà của cả ngành hàng không. Tất nhiên rồi. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới, với nhiều từ ngữ riêng cần phải học, chẳng hạn: "đổi hướng gấp, "bay vượt tầm", ''lượn chờ hạ cánh", và "tiếp tục lượn chờ". Đấy là chưa kể một lô một lốc những chữ viết tắt mà chúng tôi phải thuộc, cần đến một cái là phải nói rõ được ngay, chẳng hạn OVWX, có nghĩa là không hạ cánh xuống nơi quy định vì thời tiết xấu, hoặc RTN là lối viết tắt khá tinh vi của từ: "việc thường nhật, rồi ETA và ETD nghĩa là thời điểm dự tính hạ cánh và cất cánh.
    "Tôi hy vọng các cô thuộc lòng tất cả các từ này, bởi vì sẽ có kiểm tra", cô Webley bảo. Chúng tôi lại ồ lên, và cô nhìn chúng tôi cười thật dễ thương.
    Chúng tôi nghỉ trưa lúc 12h30, và tôi vội xuống quầy cà-phê tìm Jurgy. Nó đang ngồi một mình với tách cà-phê trước mặt, làm tôi sợ hết hồn. Trông nó thật cô đơn và rầu rĩ.
    Tôi vội chạy đến bên bàn và hỏi nhỏ: "Chào cậu, chuyện thế nào rồi?"
    Jurgy nhìn tôi với vẻ rất lạ, tựa như không hiểu tại sao tôi lại quan tâm đến thế. "Không sao cả".
    "Thật không?"
    "Thật"
    "Ôi, tạ ơn Chúa", tôi thốt lên, rồi buông người xuống chiếc ghế bên cạnh.
    Moi được thêm điều gì ở cô nàng này cũng khó như nhổ răng vậy. Con gái hầu hết vừa gợi chuyện một cái đã dốc hết tâm can, song Jurgy thì ngược lại. Mãi sau nó mới nói, vẫn bằng cái giọng khô khan của mình: "Mình lên đó có một lát thôi. Bà Montgomery bảo mình: Bác sĩ Schwartz phải báo cáo với bà những chuyện không bình thường, song chỉ để ghi vào hồ sơ của mình thôi. Không sao cả".
    "Ôi, thật nhẹ cả người. Tớ chẳng bảo cậu là bà Montgomery là người tử tế là gì".
    Jurgy lại nhìn tôi, ánh mắt rất lạ và nói ngay sang chuyện khác: "Sáng nay cô Pierce làm om cả lớp lên. Tất cả bọn tớ tối nay phải cắt tóc, không lôi thôi gì hết".
    "Cô Webley cũng thế".
    Jury quay nhìn vào khoảng không trước mặt, và bảo:" Tớ biết cắt tóc, tớ sẽ cắt cho cậu, nếu cậu muốn".
    "Vậy thì tuyệt, Jurgy ạ".
    Sau bữa trưa, chúng tôi thực sự bắt tay vào việc. Cô Webley nêu khái quát những gì phải học, và khi cô nói xong, chúng tôi ngồi đờ người vì sửng sốt. Bao nhiêu là vấn đề. Chúng tôi phải làm quen với các chi tiết của từng loại máy bay hiện nay hãng đang sử dụng; phải tìm hiểu các thiết bị phục vụ hành khách cũng như thiết bị cấp cứu khẩn cấp trên từng máy bay. Chúng tôi phải học cách quản lý ca-bin, những việc phải làm trước chuyến bay, cách thức phục vụ bữa ăn và đồ uống cho hành khách; phải biết về các tờ khai cần phải điền tới ba, bốn và ty tỷ bản mà mỗi máy bay không thể không làm; phải biết cấp cứu sơ bộ, biết các bước phải làm trong trường hợp khẩn cấp. Rồi còn phải biết các thoả hiệp và quy định về chiêu đãi viên, những quy định về nghiệp đoàn hàng không, cách thức nhận việc trước mỗi chuyến bay như thế nào, v...v...
    "Nào các cô", cô Webley nói tiếp: "Chúng tôi còn loại máy bay nho nhỏ thỉnh thoảng vẫn dùng trên các tuyến nội địa mà nếu dùng máy bay lớn hơn sẽ không kinh tế. Ví dụ, loại Martin 404. Có thể các cô sẽ bắt đầu sự nghiệp trên các máy bay loại này. Bay trên những máy bay ấy cũng vui lắm. Hay nhất là cả máy bay chỉ có một chiêu đãi viên, vì vậy các cô có thể thấy, nếu các cô là người đó, thì sẽ là con ong chúa, một mình phụ trách toàn bộ công việc trong suốt chuyến bay. Tôi đảm bảo với các cô là rất thích. Không có ai tranh việc cả, các cô cứ việc làm theo cách riêng của mình'".
    Thế là chúng tôi bắt đầu nghiên cứu loại máy bay Martin 404 chỉ có hai động cơ, chở được 40 hành khách. "Lạy Chúa", Donna thì thầm, "cậu nghe rồi chứ? Một con ong chúa trông nom 40 hành khách, cậu hình dung xem".
    "Ừ", tôi trả lời.
    "Mà lại ngay trong lần bay đầu tiên của cậu nữa chứ".
    Trong cuốn sổ tay chiêu đãi viên có hình thân máy bay trông như điếu xì gà, và cô Webley dành 2 tiếng để giảng giải. Một máy bay nho nhỏ thế này mà cũng có bao nhiêu chi tiết cần phải học thuộc. Cái ghế cao của chiêu đãi viên trông là biết ngay; rồi các dãy ghế dành cho hành khách. Rồi khoang nhà bếp ở phía đầu máy bay là nơi con ong chúa chuẩn bị đồ ăn thức uống cho cái gia đình bé nhỏ bốn chục người của mình. Tất cả những thứ đó cũng còn được, nhưng lại có hệ thống sưởi nóng mà ong chúa phải điều khiển; rồi hệ thống thông gió; hệ thống phía trên ghế ngồi gần đèn đọc sách, nút gọi chiêu đãi viên, van gió và mặt nạ thở ô-xy; rồi hệ thống loa, đèn cho khoang nhà bếp và lối đi, cầu ********* khách, thang chuyển hành lý, đèn hiệu, đèn nhà vệ sinh, nghĩa là cả trăm thứ đèn khác nhau. Rồi lại còn thang dùng trong trường hợp khẩn cấp, lối thoát bằng dây dùng khi có sự cố; túi cứu thương, và chỉ có Chúa mới biết là còn những gì nữa. Tôi thề là máy bay loại này có quá nhiều thứ, đến nỗi không thể nhét được gì vào thêm.
    "Rất đơn giản, thật đấy", cô Webley bảo. "Các cô chẳng khó khăn gì mà không thuộc. Sáng mai sau giờ nghỉ giữa chừng, chúng ta sẽ kiểm tra về những thứ này".
    Có ai đó, xem ra can đảm hơn cả bọn, mếu máo nói: "Nhưng thưa cô Webley, cô bảo tất cả mọi người tối nay phải đi cắt tóc".
    Cô Webley vui vẻ nói: "À, việc đó không mất nhiều thời gian lắm đâu''.
    Một cô khác nói: "Thưa cô Webley, tối nay chúng em còn phải đi siêu thị mua đồ ăn và các thứ khác nữa".
    "Nhưng các cô cũng chỉ mất vài phút vào việc đó. Thôi nào, các cô không sợ bài kiểm tra về các bộ phận máy bay Martin 404 đấy chứ? Có gì đâu, tôi dám chắc nếu kiểm tra ngay bây giờ, tất cả các cô đều đạt 100/100.''
    Không ai dám xì xào, thậm chí cả chớp mắt.
    Cô nhìn đồng hồ: "Vẫn còn nửa giờ nữa, vì thế chúng ta sẽ nói về an toàn cho hành khách, việc sử dụng dây an toàn, v...v..
    Thế là chúng tôi nghiên cứu cách sử dụng dây an toàn.
    Đến cuối buổi chiều, tất cả chúng tôi đều kiệt sức, tất nhiên, trừ cô Webley trông vẫn cứ ngời ngời, duyên dáng và mượt mà như bông cúc đại đoá. Trên đường trở lại khách sạn trong chiếc xe buýt sơn hồng sơn xanh, khong ai nói câu nào, nhưng thật trái khoáy, điều đó lại làm tôi phấn chấn, bởi vì ít ra không chỉ có một mình tôi cảm thấy đầu óc toàn bã đậu. 4 tuần còn lại lừng lững như những vách cao dựng đứng vùng Trung Á, gây một cảm giác khác lạ trong khi ta đang lao xe qua những đại lộ chói chang ánh nắng của vùng biển Miami.
    Vừa về đến phòng, Donna đã bảo: "Rồi, tớ biết sẽ làm gì rồi".
    Tôi hỏi:"Làm gì?". Nó là đứa thông minh, có thể sẽ nghĩ ra cách thông minh nào đó để giải quyết các vấn đề của chúng tôi. Thôi miên tập thể chẳng hạn.
    Donna cởi quần áo và gọi: "Này, ong chúa. Tớ đánh bộ đồ tắm vào, chuồn xuống bể bơi, nhảy xuống nước, rồi sẽ ngồi sưởi nắng cho giãn gân cốt. Chứ đầu óc, người ngợm như bây giờ đến chó cũng chẳng thèm chứ đừng nói là đàn ông nữa".
    "Donna, cậu nói đúng đấy. Tớ sẽ đi cùng cậu"
    "Được thôi, nhưng phải nhanh lên đấy. Đừng để lãng phí những giây phút quý báu này".
    Hôm nay Donna mặc bộ đồ tắm màu xanh khá kín đáo, còn tôi vẫn mặc bộ màu đen, và đúng lúc chúng tôi khoác áo choàng, mang dép chuẩn bị đi, thì chuông điện thoại reo. Tôi gần như nhảy bổ đến bên máy vì đã lâu không được nghe cái thứ âm thanh ấy. Trong phòng tôi, ở gần giường có một chiếc, và một chiếc nữa ở phòng Jurgy và Annette, song tôi không hề nghĩ là nó vẫn còn hoạt động được.
    "Không biết ai gọi thế nhỉ", tôi nói.
    "Cứ nhấc máy lên khắc biết", Donna bảo.
    Tôi cầm máy và nói: "Alô" thì một giọng nữ nhẹ nhàng hỏi: "Có cô Thompson ở đó không?"
    "Vâng, tôi đây".
    "Ồ, cô Thompson, tôi ở văn phòng ông Courtenay. Khi nào tiện mời cô xuống gặp ông Courtenay được không?"
    Tôi lặng người đi vì sợ, rồi hỏi: "Có việc gì vậy?"
    "Ông Courtenay sẽ giải thích khi gặp cô. Cám ơn cô Thompson".
    Tôi dập máy, ngồi thừ ra giường. Rắc rối. Chắc lại chuyện rắc rối.
    "Chuyện không hay à?" Donna hỏi.
    "Tớ phải đến văn phòng ông Courtenay"
    "Ông ta muốn gì?"
    "Làm sao tớ biết được"
    "Tớ sẽ đi với cậu, Carol ạ. Cả hai chúng mình vào gặp ông ta. Nếu ông ta định tống cậu đi, ông ta cũng sẽ phải đuổi luôn cả tớ".
    Tôi nhìn Donna với vẻ biết ơn. Cô ta là một chỗ dựa chắc chắn.
  10. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Tôi thở dài, cởi bỏ áo khoác ngoài và tháo quai áo tắm. Donna quát to, như thể nó cho là tôi làm điều gì ngu xuẩn: "Cậu làm gì thế?"
    "Thay quần áo"
    "Để làm quái gì?"
    "Donna, chúng mình không được đi trong khách sạn nếu không ăn mặc tề chỉnh"
    Cô ta trợn mắt: "Cậu bảo là lại mặc quần áo ư? Cậu sẽ lại mặc áo xống, đeo tất, đi nịt vào à?"
    "Đành phải thế"
    "Rồi sau đó trở về phòng, thay ra và mặc đồ tắm vào?"
    "Đúng vậy"
    "Đừng có điên"
    "Các quy định ấy mới điên, chứ tớ không điên"
    "Tất cả đều điên", Donna hét lên với tôi. "Xem chừng tớ đã vào lầm thế giới của bọn điên". Nó bỏ dép, cầm từng chiếc ném vào tường, sau đó bình thản thay quần áo.
    Chúng tôi đều mặc đồ trắng, có lẽ trong thâm tâm nghĩ có lẽ sẽ làm vừa lòng ông Courtenay khi diễu đến trước mặt ông trông như hai cô trinh nữ đi lạc. Nhưng thực ra không cần phải thế. Chúng tôi thấy ông ngồi nghiêm trang sau chiếc bàn rộng màu hung đỏ trong văn phòng rộng thênh thang, trang trí lộng lẫy với các loại đồ dùng màu hung đỏ, chiếc thảm cũng màu hung đỏ. Ông đón chúng tôi rất nhiệt tình, đến nỗi tôi bỗng tự hỏi không biết có chuyện quái gì.
    "Cô Thompson! Cô Steward! Thật hân hạnh. Cả hai cô cùng xuống thăm tôi; tôi rất vui mừng". Ông nhìn tôi cười rất tươi, nhưng thực ra nụ cười ấy dành cho cả Donna.
    Donna nói: "Ồ, thưa ông Courtenay, tối hôm vừa rồi chúng tôi xử sự rất không phải với ông. Ông thật lịch sự, bữa tối ấy thật tuyệt trần. Thế mà khi ra về, chúng tôi không tìm được ông để ngỏ lời cám ơn về lòng mến khách của ông. Ôi, thưa ông Courtenay, chắc ông nghĩ chúng tôi là những kẻ thô kệch nhất mất thôi".
    Cuối cùng ông ta và Donna ngừng tâng bốc nhau và ông vào chuyện chính: "Nào cô Thompson", ông cười rung cả người. "Tôi có thứ này làm cô bất ngờ".
    Tôi cũng run bắn người, nhưng không phải vì cười.
    "Thứ gì vậy, thưa ông Courtenay?"
    "Xin cô vui lòng theo tôi"
    Tôi và Donna nhìn nhau ngạc nhiên, rồi cùng đi với ông ra hành lang chính, vào thang máy rồi bước ra một ga-ra rộng mà tôi nghĩ ở dưới hầm khách sạn. Ông Courtenay búng tay đánh tách một cái, chỉ vào tôi, và một trong những nhân viên phục vụ đang đứng ở đó vội nói: "Thưa ngài, vâng ạ", rồi lao vút đi như được phóng từ súng cao su vậy. Rõ ràng đây là giây phút trọng đại. Ông Courtenay quay sang tôi, rút chiếc phong bì từ túi trong chiếc áo vét đen, mỉm cười đưa cho tôi và nói: "Thưa cô, cái này sẽ giải thích tất cả".
    Tôi mở phong bì, lấy ra tờ giấy bên trong. Thư được viết bằng bút bi đỏ trên giấy có tiêu đề của khách sạn Charleroi:
    "Cô Thompson thân mến, tôi thuê chiếc xe này trong một tháng, để cô có thể đi lại, thăm cảnh Florida trong thời gian cô ở đây. Nhớ chứ? Các làng người da đỏ, người lặn hái bọt biển, và nếu có dịp thì xuống thăm Dải san hô".
    Thân ái
    N.B
    Và khi tôi đọc xong lá thư, người phục vụ lái chiếc xe Chevrolet mui trần màu kem mới tinh đỗ cạnh chỗ chúng tôi.
    "Ôi, tuyệt quá", Donna thốt lên.
    Ông Courtenay nói: "N.B, cô biết đó, chính là ông Brangwyn. Thấy cô cần có phương tiện đi lại trong thời gian cô ở đây với chúng tôi, ông ấy đã thuê chiếc xe nhỏ này để cô sử dụng. N.B là một người rất chu đáo, tôi nghĩ đó là một cử chỉ dễ thương".
    "Cho Carol! Của ông Brangwyn?" Donna gần như không tin vào mắt mình nữa. "Ôi, ông Courtenay, tôi chưa bao giờ thấy việc gì đáng yêu hơn thế này".
    "Tôi biết ông N.B từ nhiều năm nay", ông Courtenay nói tiếp. "Tôi luôn thấy ông ta là người hào phóng. Cực kỳ hào phóng".
    Donna nói như hét lên: "Đó là chiếc Impala đấy Carol ạ. Cậu đã bao giờ thấy thứ gì đẹp hơn không?"
    Chiếc xe đẹp đến mức làm tôi muốn khóc. Đệm xe màu kem viền đỏ, bảng đồng hồ bọc da đỏ, lốp viền trắng, còn trái tim ông Brangwyn buộc trong chiếc lẵng hoa ông gửi tặng. Giá nó có là kiểu T Ford, tôi vẫn cứ muốn khóc như thường.
    "Cậu thật là số đỏ", Donna bảo.
    "Thế nào, cô Thompson", ông Courtenay hỏi.
    "Tôi không dám nhận"
    "Cậu bảo sao?", Donna cao giọng hỏi lại
    "Tôi không thể nhận được. Xin lỗi ông Courtenay, tôi không thể nhận chiếc xe này được".
    Donna bảo: "Carol,thật tình..."
    Một nhân viên phục vụ gọi to: "Thưa ông Courtenay, ông có điện thoại ạ". Ông Courtenay lịch sự cáo lỗi rồi đi.
    "Đồ ngốc", Donna bảo tôi.
    Tôi nói: "Này Donna, cậu chưa phải qua những chuyện mà mình đã qua. Donna, trong đời tớ chưa bao giờ phải làm một việc như thế này. Tớ chưa bao giờ nhận quà của người chưa quen, bởi vì tớ cảm thấy mình sẽ là đứa đào mỏ tồi tệ nhất".
    "Này, đầu óc cậu chỉ toàn là bã đậu"
    Ông Courtenay trở lại và nói: "Thưa các cô, tôi e rằng tôi phải trở lại khách sạn giải quyết vài việc. Tôi hy vọng gặp lại các cô sau". Ông ta mỉm cười với tôi, vẻ hết sức lạnh nhạt và nói thêm: "Cô Thompson, xin cô đừng sợ. Không có điều kiện ràng buộc gì đâu. Cô có thể nhận không cần áy náy; tôi bảo đảm với cô điều đó. N.B không phải loại người như vậy.''
    Ông ta nhìn Donna, cười rất tươi và Donna cũng tươi cười đáp lại. Và khi ông ta đi rồi, nó quay lại tấn công tiếp: "Thật đấy Carol ạ, cậu làm tớ ngạc nhiên. Lẽ ra cậu phải thông thạo việc đời, thì cậu lại hành động cứ như một tay nhà quê chính cống".
    "Donna, đừng nói với mình như thế"
    "Tớ cứ nói. Hình như cậu không thấy việc thuê một chiếc xe trong một tháng cho cậu chẳng là cái quái gì đối với một người như Brangwyn. Ôi lạy Chúa, có lẽ ông ta cũng thường làm những việc như thế này, vì ông ta nghĩ cũng chỉ giống như gửi xì -gà cho bạn bè thôi. Cậu không thấy ư?"
    "Không"
    Donna thở dài: "Đây nhé, nếu ông ta gửi tặng cậu một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng, hay một chiếc lắc bằng vàng chẳng hạn, tớ sẽ là người đầu tiên bảo cậu: "Carol, gửi trả lại đi. Nhưng cái này khác hẳn. Ông ta chỉ giúp cậu thôi. Này cậu, nếu cậu đi xe tắc-xi cùng ông ta, cậu có gân cổ không chịu khi ông ta trả tiền xe không?"
    "Donna..."
    "Nghe đã, đừng có bắt bẻ tớ từng chữ. Đây chỉ là cách của Brangwyn trả trước tiền xe tắc-xi cho cậu, thế thôi. Cậu nghe ông Courtenay nói chứ: không có điều kiện gì ràng buộc gì. Chỉ giống như đi tắc-xi. Chậc chậc! Chúng mình lại cần có xe đi lại. Đây là của trời cho ấy mà".
    Tôi bảo: "Ồ, tất nhiên. Cậu nói nghe thì dễ lắm. Cậu chưa bị điệu ra trước ông Garrison và bà Montgomery..."
    "Có ai biết đâu, Carol. Cậu thử trả lời tớ xem. Ai biết xe này là của ông Brangwyn thuê tặng cậu?"
    "Không ăn thua đâu, Donna. Cậu không thuyết phục được tớ nhận xe này đâu".
    Donna tức giận giẫm chân, càu nhàu và chửi thề.
    "Tôi bảo: "Rất tiếc, đó là điều tớ nghĩ".
    "Thôi được", nó bảo. ''Thôi được rồi, cậu thắng".
    Chúng tôi đứng ngắm chiếc xe xinh đẹp. Tôi cũng phải thở dài. Tôi thích lái xe, mà lái xe mui trần thì đúng như là ăn sô-cô-la có kem ấy.
    Donna bảo: "Carol này".
    "Gì?"
    "Ôi, cậu làm mình rầu thối ruột. Mình không thể bỏ nó được, chiếc xe đẹp là thế. Hay mình dùng nó đi mua đồ tối nay đi. Cậu nghĩ thế nào? Chỉ dùng một lần thôi, ra siêu thị rồi trở về"
    Nó đúng là quỷ cái. Tôi không chống cự được với nó nữa. Sức kháng cự của tôi sụp đổ. Tôi nói giọng yếu ớt: "Cậu lái chứ?"
    "Xong ngay".
    "Chúng mình kéo cả Jurgy đi nữa'', tôi bảo. "Tớ phải đi tìm cậu ấy".
    "Tớ biết cái đầu bã đậu của cậu cũng còn biết đôi điều. Tớ bảo nhé: tớ sẽ lái xe ra cửa chính và đợi cậu cùng Jurgy ở đó". Cô ta gọi một nhân viên phục vụ. "Này anh, cái xe cà khổ này có xăng không đấy?"
    Đang lúi húi mở nắp chiếc Mercedes, anh ta ngơ ngác nhìn và trả lời: "Có, xe vừa đổ đầy xăng đấy cô ạ".
    "Cám ơn anh". Rồi Donna bảo tôi: "Đi đi, cô em, đừng phí thời gian nữa". Nó mở cửa chiếc xe Impala, miệng mỉm cười như thể đang trên đường lên thiên đường vậy".
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này