1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Năm cô gái trường bay - Bernard Glemser

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Fleur-de-Lys, 31/03/2003.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Sáng chủ nhật tôi ngủ li bì, không biết Alma về lúc nào, không hay Jurgy đi lúc nào, rồi Alma và Annette ra đi cũng chẳng làm tôi tỉnh giấc. Và khi tôi thức dậy vào lúc 10h thì chỉ còn một mình trong phòng.
    Tuy nhiên tôi thấy người sảng khoái lạ thường. Bao nỗi buồn khổ theo giấc ngủ bay đi, nhựa sống tràn trề và tôi lại thấy mình tươi trẻ. Tôi tắm nước thật lạnh, đánh qua chút phấn, mặc chiếc áo màu ghi mà tôi rất thích, rồi cảm thấy trên đời nhất mình. Bụng đói meo, tôi thong thả đi kiếm một bữa sáng thịnh soạn. Thompson, tôi tự bảo, cô đã lớn, cần bồi bổ, nên chẳng việc quái gì tính toán chuyện chi tiêu. Đó là tâm trạng tôi lúc ấy, sẵn sàng bỏ hẳn một đôla rưỡi cho bữa sáng mà không ân hận. Thế là tôi vào Salon de Fragonard và kìa, ngồi một mình bên quầy vắng vẻ là ngài bác sĩ Ray Duer, nhà tâm thần học của Hãng hàng không quốc tế Magna, con người đàng hoàng, khả kính, cao đạo đã làm lòng tôi rớm máu hai đêm về trước.
    Ông nhìn thấy tôi cùng lúc tôi thấy ông. Ông mở to mắt, cau mày, rồi gượng cười.
    "Xin chào"
    "Chào ông"
    "Xuống ăn sáng ư?"
    "Thưa ông, vâng"
    "Cùng ngôi với tôi được chứ?"
    "Cám ơn ông"
    Tôi leo lên chiếc ghế cao cạnh ông và ông bảo: "Sáng nay trông cô vui ghê"
    "Thưa ông bác sĩ, cũng là ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi"
    "Cô bảo sao?", ông ta thẳng người.
    Tôi mỉm cười như cô gái nhà quê đần độn và trả lời: "À thưa ông, đó là câu ở vùng New England chúng tôi hay dùng. Này cô, cho tôi suất thịt hun khói, hai quả trứng tráng, khoai tây rán và bánh mỳ nướng. À, cả cà-phê nữa"
    Cô phục vụ nhăn mặt nhìn tôi. Tôi đoán chắc trông tôi vui như tết nên mọi người đều thấy khó chịu. Cô ta hỏi tôi: "Cô không dùng bữa sáng thường ngày của chiêu đãi viên ư?"
    "Ồ không. Đừng bảo tôi ăn món ấy"
    Cô ta nhún vai, quay đi.
    Còn về ngài bác sĩ, tôi phải nói thế này. Ông thử bắt chuyện. Ông cố hết sức nhưng tôi không để ông có cơ hội làm chuyện đó. Tôi hết gặm bánh, lách cách cắt trứng, xiên khoai rán, lại nhai thịt lợn muối rau ráu, và chốc chốc lại gọi cô phục vụ rót thêm cà-phê - ít ra tôi cũng đã uống 5 cốc nước ngon lành ấy, trong khi tôi không làm gì tỏ thái độ khích lệ Ray Duer. Việc gì tôi phải làm thế? Tại sao chứ? Tối hôm ấy tôi đã khích lệ ông hết mức, nhưng ông chùn bước. Ông đã ngoảnh mặt làm ngơ, làm tên đầy tớ trung thành của hãng Magna, nên tôi không thể cho ông một cơ hội khác. Đâu phải là chuyện cô học sinh chiêu đãi viên nổi cơn tam bành vì bị khinh rẻ, mà chỉ vì lòng tôi mềm yếu quá, mềm yếu hơn cái vẻ bên ngoài nhiều, và tôi không muốn người ta xé nát nó ra, rồi bỏ đi như cái đêm thứ Sáu ấy.
    Ông ta nhẹ nhàng nói trong khi tôi đang ăn: "Nửa tiếng nữa tôi phải đến nhà Arnie Garrison họp"
    "Ôi, thế thì hay quá còn gì"
    Ông ta lờ đi như không nghe thấy giọng điệu của tôi.
    "Tôi muốn trước đó đi dạo ngoài bãi biển một lát. Cô đi cùng tôi được chứ?"
    Tim tôi như lộn ngược lên, song tôi làm ra vẻ chẳng quan tâm, cứ để nó lộn ngược như vậy.
    "Không, rất tiếc thưa ông"
    "Cô có kế hoạch khác à?"
    "Thưa không"
    "Carol, tôi đã bảo đừng thưa ông với tôi cơ mà"
    "Thưa ông, tôi khó làm được điều đó"
    "Tôi muốn nói chuyện với cô"
    "Thưa ông, tôi không nên nói thì hơn. Vả lại hôm nay là chủ nhật"
    "Cái đó có liên quan gì đến việc này?"
    "Bác sĩ Duer, ông biết rất rõ là tôi cần phải nghỉ ngơi ngày chủ nhật, để có sức mà học bài tuần sau"
    Nghe vậy ông ta nhụt chí, thốt lên: "Ồ". Sau đó ông gọi cô phục vụ: "Cho tôi thanh toán, cả của cô đây nữa".
    "Ồ không", tôi vội bảo. "Không cần"
    Chúng tôi xoay ghế, nhìn nhau chằm chằm. Và có lẽ vì ngồi trên ghế cao, chân không tiếp đất, nên dòng điện mạnh đến nỗi gần như làm chúng tôi ngã nhào. Tôi nghẹt thở, còn ông ta môi trắng nhợt.
    Chúng tôi không ai lên tiếng. Ông ta lập cập nhảy xuống, cầm cả hai hoá đơn chưa thanh toán và nói: "Tạm biệt"
    "Tạm biệt"
    Ông ta lại đi, đồ quỷ tha ma bắt, để tôi ngồi lại một mình. Khi bóng ông khuất sau cửa, bụng tôi quặn đau, cùng nỗi đau xé trong tim. Tôi cảm thấy quá mệt, bụng sôi ầm ầm, nên tôi nói với cô phục vụ: "Có lẽ tôi uống nhiều cà-phê quá. Chị làm ơn cho xin mấy viên Bromo Seltzer"
    Cô ta không nói gì. Tôi đoán tình yêu đối với cô ta chẳng có nghĩa lý gì. Viên Bromo đã cứu sống tôi.
    Lys
  2. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Còn cả một buổi sáng, nên tôi nghĩ bụng: Được rồi, mình nên xử lý cái vụ rám nắng không đều của mình thì hơn. Tôi hỏi nhân viên trực khách sạn lối lên nhà tắm nắng. Ông ta bảo: "Cô bấm thang máy lên tầng trên cùng là tới". Tôi về phòng 1412, cởi chiếc áo màu ghi treo vào tủ - nó đã giúp tôi rất nhiều - rồi tự hỏi không biết đến nhà tắm nắng nên ăn mặc như thế nào. Muốn biết, chỉ còn mỗi một cách. Tôi nhấc máy điện thoại, quay số nhà tắm nắng nữ và nêu vấn đề tôi cần biết với người ở đầu dây kia. Có lẽ cô ta là người phục vụ ở đó.
    Cô ta có vẻ hơi lúng túng: "À, thưa bà, chỉ cần mặc áo choàng thôi ạ".
    "Không có gì bên trong ư?"
    "Thưa, bà lên tắm nắng phải không ạ?"
    "Vâng"
    "Vậy thì tại sao bà lại muốn mặc thứ gì bên trong tấm áo choàng ấy?"
    Cô ta nói có lý. Tôi rất ghét tình huống khi bạn hỏi một câu hết sức đơn giản, mà người ta liền đảo ngược tình thế, quay sang hỏi thẳng bạn một câu tương tự, làm bạn cảm thấy mình như kẻ ngu đần thực sự. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhân lý lẽ của cô ta không bắt bẻ vào đâu được. Thế nhưng trên đường lên nhà tắm nắng, khép chiếc áo khoác bông xù sát tấm thân trần, tôi hầu như chẳng thấy ngượng ngập gì. Thực ra áo choàng có thể che đậy kín hơn là áo tắm chẳng hạn, nhưng nó đâu phải là thứ xiêm y thích hợp khi đi trong thang máy công cộng, dù chỉ có một mình.
    Bước vào nhà tắm nắng, tôi bỗng lại cảm thấy ngượng ngùng. Khoảng hơn chục phụ nữ đủ các kích cỡ đang nằm dài trên đệm, người nhắm mắt lim dim, kẻ đang được mấy người phục vụ mặc quần áo đồng phục trắng xoa bóp, vài người mồm nhai bỏm bẻm, và tôi len lén đi vào, như thể mình đang xâm phạm đến điều riêng tư của họ. Người họ trần như nhộng, bôi dầu tắm nắng bóng loáng lại càng làm tăng vẻ trần truồng.
    Nhưng tôi nghiệm thấy chỉ sau vài phút, bạn sẽ quên ngay chuyện mình trần truồng và chẳng còn ngượng nữa. Ở phòng 1412, việc thay quần áo trước mắt nhau là chuyện bình thường. Cơ thể đàn bà nhìn chung cũng giống nhau, một khi bạn nhìn thấy một người kể như bạn nhìn thấy số còn lại. Một khi tôi cảm thấy quen (nói văn hoa một chút) với những ánh mắt trong nhà tắm nắng, tôi thấy người hoàn toàn thoải mái.
    Bên phải tôi là một cô gái tóc hung nhạt phốp pháp, da rám nắng lên màu sôcôla. Cô ta nhìn tôi hằn học khi tôi nằm xuống bên cạnh, và mỗi khi tôi đảo thế nằm cho da rám đều. Có thể là nhìn mặt cô ta khoảng 35, người có ngấn có nếp chỗ này và chảy sệ ở chỗ kia - tôi không biết giải thích thế nào. Tạo hoá thật độc ác, để đến nỗi các cô gái trẻ có những nét tàn tạ quá sớm; và tôi ở tuổi 22 đang vừa độ chín cũng đã qua cái cảnh lòng đau nhói khi nhìn cô gái 18 xuân xanh, trẻ trung, tươi mát và đẹp mê hồn với vẻ ghen ghét và nhận ra rằng so với cô ta, mình đã là một mụ già lọm khọm.
    Vì không muốn làm hỏng buổi sáng của cô gái tóc hung này, tôi nhìn sang mỉm cười rất thân thiện, hy vọng cô ta sẽ dễ chịu hơn. Ai dè, cô ta vẫn cứ nhe răng như sắp cắn tôi, và thế là từ lúc ấy tôi thận trọng tránh ánh mắt của cô ta.
    Nhưng đâu đã yên. Có thể cô ta cho là tôi nghĩ mình có tội, nên đột nhiên cô ta hỏi cộc lốc: "Cô là người thuộc đám gái hàng không à?"
    "Vâng"
    "Hừ", cô ta thốt lên giận dữ
    Tôi cố gây cảm tình bằng một nụ cười thân thiện
    "Gái hàng không. Rặt một lũ phá hoại gia đình người ta", cô ta bảo
    "Cô nói gì cơ?"
    Tôi thật không hiểu. Tôi nghĩ cô ta nói là quân đục tường khoét vách, trèo qua cửa sổ lấy trộm đồng hồ báo thức và chân để nến.
    "Phá hoại gia đình người ta", cô ta nhắc lại
    "Xin lỗi. Tôi e rằng mình không hiểu"
    "Cả lũ các cô đều cùng một giuộc, đều là phường phá hoại hạnh phúc gia đình người ta"
    Cuối cùng tôi cũng hiểu cô ta nói gì. Tôi bảo: "Ồ, không phải thế đâu, chúng tôi không phải loại người ấy"
    "Chính tôi đã mắt thấy tai nghe"
    "Ồ, thế à?"
    "Một chú em chồng tôi đã bỏ vợ con theo một cô gái làng bay. Ô nhục, thật là ô nhục. Tôi bảo Joanie kiện công ty. Kiện chúng, đòi bồi thường thiệt hại. Như thế mới dạy cho chúng một bài học"
    "Đâu thế được. Cô không thể đổ lỗi cho con gái hàng không, cũng không đổ lỗi cho hãng hang không được. Tại sao không buộc tội em chồng của cô?"
    "Tôi nói cho cô biết, Bill là người hiền lành, ít nói, chí thú gia đình, cho đến khi chú ấy gặp cô gái nọ. Chú ấy yêu vợ và quý mấy đứa con xinh xắn của mình lắm"
    "À, nếu vậy thì nhất định anh ta phải là người tính cách yếu đuối"
    "Tôi còn biết nhiều trường hợp khác"
    "Thật sao?"
    "Thật. Gái hàng không, rõ tởm. Giống nhau cả lũ"
    "À, nếu nói về chuyện này", tôi bảo, '''' thì một ông bác tôi đã bỏ vợ và bảy đứa con yêu quý của ông để theo một cô gái tóc hung nhạt. Giá cô được nghe họ nói thế nào ở gia đình tôi về các cô gái tóc hung nhạt"
    Cô ta trừng mắt nhìn tôi, rồi xoay lưng lại. Ông Garrison mà nghe thấy chắc sẽ rất bực, vì có thể cô ta thường xuyên đi lại bằng máy bay và ta không nên làm phật lòng những hành khách như thế. Lẽ ra tôi phải chìa má kia ra bảo: "Tát nữa đi" mới phải đạo, song hôm nay thì không, khi tôi đang ở tâm trạng như bây giờ. Tôi nhớ bác sĩ Duer kinh khủng, nghĩ rằng đáng lẽ tôi đã cùng sánh bước với anh trên bãi biển - nếu tôi không quá kiêu căng, đi mãi, nói biết bao nhiêu chuyện, chứ đâu đến nỗi phải phơi trần ra ở đây với những bà, những cô cũng trần truồng như mình.
    Có ba cô gái xuất hiện, tay xách máy ghi âm và những chiếc túi đi biển kẻ sọc. Cả ba cô đều cao to và tôi chăm chú nhìn họ một lúc. Sau đó tôi quay đi. Họ cũng là đàn bà con gái như chúng tôi, thì tôi cần gì phải nhìn cơ bắp của họ? Song hoá ra họ không phải loại như chúng tôi, vì một trong ba cô hỏi bằng một giọng như tiếng ếch kêu: "Này các bà, chúng tôi tập vài phút không sao chứ?"
    Ai đó hỏi: "Tập làm gì?"
    "Tối nay chúng tôi sẽ biểu diễn trong một cuộc chiêu đãi ở Câu lạc bộ ăn tối."
    Vài người kia bảo: "Vậy thì các cô cứ việc tập đi, không sao đâu".
    Lys
  3. hoacomay

    hoacomay Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    513
    Đã được thích:
    0
    Fleur-de-Lys ơi , tớ chờ mãi mà ko thấy cậu post tiếp, hihi vào đây chỉ muốn đọc truyện này thôi hay quá
  4. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Sorry các bác, em đang đi nghỉ hè và không mang cuốn truyện ấy theo. Chắc vài ngày nữa về đến nhà, em se post hầu các bác ngay lập tức. Chịu khó nha
    Lys
  5. hoacomay

    hoacomay Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    513
    Đã được thích:
    0
    Chờ lâu quá bạn ơi, hôm nay đã gần 1 tuần rồi , post it please
  6. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Dza, ngay mai la em dzia den nha roi. Bac cho em mot ngay nua duoc nhen
    Lys
  7. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Thú thực tôi chưa bao giờ thấy gì ngoạn mục hơn, đến nỗi tất cả đàn bà con gái trong nhà tắm nắng, kể cả nhân viên phục vụ lẫn mát-xa tụ tập trước mặt ba cô cứ như đám khán giả tụ tập trong nhà hát. Hai cô là vũ nữ - tôi cho rằng họ tự gọi như vậy - mông ngoáy tít. Chắc là hay, vì đám người xem cười rộ lên, vỗ tay nhiệt liệt, song hết sức thành thật mà nói, sau mấy phút đầu tôi không còn thấy thích thú gì nữa, vì cái đó chẳng có gì hơn là vặn gãy xương hông theo nhịp Bolero của Ravel, một cách quảng cáo ******** khá đơn điệu.
    Tuy nhiên cô thứ ba làm tôi say mê. Trời, phải thế mới đáng gọi là biểu diễn chứ. Tôi trố mắt nhìn. Cô ta biểu diễn trò lắc tua rua. Có lẽ cô ta cũng được gọi là vũ nữ, song chân cô ta hầu như không di chuyển tí nào. Đó là một trong những trò quái dị nhất mà tôi đã gặp. Cô ta dùng người lắc các tua rua. Tua được làm nhiều kiểu khác nhau, dài độ 4 insơ rồi dán vào các bộ phận trên người (những nơi mà tôi chẳng hạn không điều khiển được). Tôi mê nhất khi cô ta dán mỗi vú một tua rua, vắt qua núm vú rồi bắt đầu lắc cho chúng xoay tròn như máy đánh trứng, và giá tôi không tận mắt trông thấy, tôi sẽ chẳng bao giờ tin. Như mọi người đều biết, hoặc cần biết, vú phụ nữ là vật thể hình tròn được tạo ra trước hết để trẻ sơ sinh bú mớm, chứ đâu phải để biểu diễn cơ bắp. Mấy năm qua, các nhà thơ và những gã làm nghề quảng cáo ra sức tạo cho vú phụ nữ thứ danh tiếng mà nó hoàn toàn không đáng có, đánh lừa dân chúng về vấn đề này, đề cao nó tới mức phi lý, trong khi thực ra bộ ngựcn vốn được coi là loại phụ tùng có sức lôi cuốn, cũng có thể đóng gói, giấu ở giá trên cùng cho đến khi bạn thực sự cần dùng đến nó. Hồi bạn còn nhỏ, nó làm bạn ngượng đến chết, bởi vì nó quá nhỏ, chẳng nhìn thấy đâu, hoặc lại to như hai cái ấm giỏ; Rồi khi bạn nhiều tuổi hơn, nó chảy sệ xuống như ở cô gái tóc hung hung, người khinh tôi ra mặt kia. Tựu trung lại như hầu hết các cô gái đều thừa nhận, nó làm bạn luôn khó chịu vì cách duy nhất bạn cần phải làm là quẳng nó đi cho khuất mắt, hoặc bạn buộc phải luôn đánh vật với những gã đàn ông say sưa với ý nghĩ phải túm được nó trong bàn tay nhơ nhớp của họ, mà chỉ có Chúa mới biết là để làm gì.
    Đây là một chủ đề mà tôi dám nhảy vào tranh luận, song tôi phải thú nhận rằng cô gái lắc tua rua đã làm tôi phải xem lại cách suy nghĩ của mình. Cô ta có thể lắc nhanh, lắc chậm, có thể xoay chúng theo nhiều hướng khác nhau: cùng chiều, cho đứng trên không, ngược chiều không dừng cũng được. Tôi chẳng thấy việc này có điểm nào áp dụng được vào chuyện bú mớm - với những vòng lắc xoay tròn ấy chắc chắn đứa bé sẽ bị đầy hơi, đau bụng - nhưng vì là một nghệ thuật, nó đã gây ấn tượng đậm nét trong tôi.
    Tôi không kìm mình được khi cô ta dừng lại. Tôi đang cố tìm hiểu xem bằng cách nào cô ta có thể xoay tròn đôi vú, vì nếu người cô cũng giống như tôi thì không thể làm thế được. Thế nhưng, cô ta đang đứng kia, ngay trước mũi tôi, quay đôi vú một cách nhịp nhàng đều đặn. Vì vậy khi cô ta dừng lại, tôi vội vã nhìn quanh xem có vị chức sắc nào của Hãng hàng không quốc tế Magna không (tôi sẽ chẳng hề ngạc nhiên nếu thấy ông Garrison cuốn khăn tắm Thổ đứng ở góc phòng nhìn tôi nghiêm khắc), rồi đến hỏi chuyện cô gái. Cô ta hết sức dịu dàng, khiêm tốn và đáng yêu, sau khi nói chuyện một lúc, thấy tôi quan tâm, cô ta bảo: "Cô có muốn thử không". Điều này tất nhiên vượt quá những mơ ước của tôi, song cô ta đến bên chiếc túi đi biển kẻ sọc, lấy ra một hộp nhựa màu đỏ, tìm đôi tua rua rồi dán lên người tôi, chúng dinh dính như kiểu băng dán Scotch. Tôi nhìn xuống đôi tua rua, mồm rên rỉ, lầm bầm và cố lắc cho chúng quay, nhưng tất nhiên không được. Hai tua rua treo ở đó như hai khối chì vào ngày lặng gió. Ngay cả lắc chúng từ bên nọ sang bên kia như quả lắc đồng hồ, tôi cũng không làm nổi.
    Tôi hỏi cô ta: "Cô học bao lâu thì lắc được?"
    "Khoảng 12 năm"
    "Mỗi tối tập 15 phút chắc không đủ?"
    "Đủ thế nào được"
    Cô ta lột hai tua rua trên đôi vú tôi ra và cất chúng đi. 12 năm là cả một thời gian dài kinh khủng. Đến lúc đó, tôi nghĩ, Ray Duer chắc không còn quan tâm nữa.
    Dẫu sao nó cũng giúp tôi khỏi buồn chán và hết được buổi sáng.
    Quãng giữa chiều, tôi ngồi cạnh bể bơi với cuốn sổ nhỏ màu đen, cố học về cấu tạo của chiếc Martion 404 và nhiệm vụ của một cô ong chúa.
    Đang say sưa đọc đoạn về lối thoát trong trường hợp khẩn cấp, tôi cảm thấy có người nhìn mình. Ngẩng đầu lên, thì ra Nat Brangwyn đang đứng cùng ba người đàn ông to béo cách chỗ tôi khoảng10m. Họ đều hút xì gà và đều có vẻ giàu sang phú quý không trộn đi đâu được. Tôi không hiểu bằng cách nào ta có thể nhận ra ngay được những điều này, song họ đúng là loại người chỉ cần búng tay một cái là sẽ có sáu anh hầu bàn lăn đùng ra chết trong khi cố phá kỷ lục chạy nhanh tới bàn của họ. Tôi vẫn thường thấy chuyện như vậy.
    N.B vẫy tay chào và tôi không thể giả vờ không thấy ông ta ở đó. Tôi đành phải mỉm cười đáp lại. Ông ta nói với mấy người kia, rồi lại chỗ tôi, cười rất thân mật và hỏi:
    "Cô Thompson, mấy ngày rồi không gặp cô. Cô vẫn khoẻ chứ?"
    "Khoẻ". Mà tôi còn biết trả lời thế nào kia chứ?" "Ông vẫn khoẻ, ông Brangwyn?"
    "Khoẻ, rất khoẻ. Cô vẫn vui chứ?"
    "Vâng, cám ơn"
    Rồi ông ta bảo: "Tôi ngồi đây một lát được không?"
    Đây đâu phải khách sạn của tôi, và tôi cũng không thể nói toac ra rằng: Thưa ông, tôi không được phép giao thiệp với ông. Tôi nói: "Xin mời ông"
    Ông ta kéo ghế ngồi. Bỗng nhiên ông ta có vẻ run, tựa như không biết nên nói gì tiếp. Ông ta chắp tay, rồi nhìn vào chúng, sau đó nhìn tôi cười và bảo: "Rất tiếc về chuyện chiếc xe"
    "Tôi cũng vậy". Tôi không thể nghĩ được câu trả lời nào mập mờ hơn. Nó không phải là chủ đè có thể đem ra thảo luận.
    Và, như mọi lần, ông ta tỏ ra thật dễ thương. Ông cười, nói: "Giá tôi chịu nghĩ một chút, chắc tôi đã biết cô không phải loại con gái ấy". Rồi ông thôi cười, giữ vẻ nghiêm trang, nhìn hai tay chắp vào nhau và nói: "Cô Thompson, đó không phải là điều tôi đến để nói với cô đâu"
    Tôi chờ đợi.
    Ông bảo: "Tối qua tôi thấy cô bạn người Ý của cô. Cái cô tóc đen xinh đẹp cô giới thiệu với tôi ở phòng Vua Mặt Trời ấy"
    "Alma"
    "Đúng rồi. Tối qua tôi thấy cô ấy ở Câu lạc bộ với một nhân vật tên là Sonny Kee. Cô biết anh ta chứ?"
    Tôi lắc đầu.
    "Cô Thompson này, đây không phải là việc của tôi, nhưng mong cô làm ơn giúp cho. Nói với bạn cô là anh chàng Sonny Kee này không phải là người tử tế lắm đâu, được không? Cô ấy không nên cặp kè với anh ta".
    "Tại sao?"
    "Tôi không muốn đi vào chi tiết. Xin hãy tin tôi, đó không phải là người có tư cách tốt, anh ta không xứng với một cô gái như vậy"
    "Alma bảo anh ta là võ sĩ quyền Anh"
    "À, anh ta trước đây thường lên võ đài, bây giờ thôi rồi. Thế là cô hiểu chứ? Thú thực, một người như bạn của cô có thể tìm được người khá hơn Sonny Kee nhiều".
    "Ông Brangwyn, cám ơn ông rất nhiều. Tôi sẽ nói lại với bạn tôi"
    "Ừ, cứ nói với cô ấy, thế thôi. Tôi tin là cô ấy sẽ nghe cô".
    Ông ta mỉm cười: "Cô vẫn gọi tôi là ông Brangwyn. Tôi nghĩ mình là chỗ bạn cũ, cô không thể gọi tôi là Nat, hoặc N.B như những người khác được ư?"
    Tôi cười để giấu sự lúng túng.
    Ông ta nhìn đồng hồ: "Này, đến giờ uống rượu được rồi đây. Mời cô vào quầy rượu Souvenir uống với tôi một ly"
    "Bữa trước tôi đã nói với ông rồi, ông Brangwyn, à N.B, chúng tôi không được phép uống rượu. Trong thời gian học ở trường, chúng tôi không được phép"
    "Thế thì", ông ta bảo, "lát nữa mời cô ăn tối với tôi được chứ? Cô thấy thế nào? Chúng ta có thể tới một câu lạc bộ nhỏ mà tôi biết"
    Tôi giơ cuốn sổ nhỏ màu đen: "Ông Brangwyn, à quên N.B, không thể được đâu. Tôi phải học thuộc cuốn này. Sáng nào chúng tôi cũng có bài kiểm tra. Tôi đành cáo lỗi".
    Ông ta hình như phật lòng, có vẻ cam chịu. "Vậy thì tạm biệt cô", ông ta nói. Tôi đáp: "Tạm biệt", và ông ta nhanh nhẹn bước đi.
    Ray Duer đang ngồi ở bàn phía bên kia bể bơi.
    Đáng ra tôi phải biết. Đáng ra tôi phải biết mình không bao giò có thể qua mặt đám thuộc hạ luôn rình mò của Hãng hàng không, họ luôn theo dõi tôi 24 giờ một ngày. Tôi châm thuốc hút trong 5 phút, rồi tôi dụi thuốc, nhặt cuốn sổ tay và đi vòng bể bơi qua bàn Ray Duer.
    "Chào Carol", ông ta vui vẻ nói.
    "Bác sĩ Duer, ông biết người vùa nói chuyện với tôi là ai chứ?"
    Ông không trả lời.
    "Đó là Nat Brangwyn, con bạc khét tiếng, kẻ còn nợ chính phủ liên bang 150 000 đôla tiền thuế"
    "Có, tôi nhận ra ông ta".
    "Bác sĩ Duer, ông Brangwyn mời tôi uống rượu với ông ta ở quán Souvenir. Ông ta mời tôi ăn tối với ông ây, mời tôi tới câu lạc bộ. Cuối tuần tôi không hẹn hò ai, nhưng tôi nhớ không được làm ô danh Trường huấn luyện chiêu đãi viên, nên tôi đã từ chối. Thưa bác sĩ Duer, ông thấy tôi là một học sinh tốt chứ?"
    "Carol..."
    "Xin ông cho phép tôi nói nốt. Tôi không đến chỗ ông Brangwyn, mà ông ta đến với tôi. Tôi đang ngồi kia, làm cái việc của tôi là học bài thì ông ta đến và mời tôi đi chè chén. Bây giờ tôi muốn biết là tôi sẽ phải làm gì vào cuối tuần để tránh không bị bắt gặp đi với ông Brangwyn? Tự giam mình trong phòng như các nữ tu sĩ ư? Hay đeo mặt nạ? Hay làm gì nữa thưa ông?"
    "Carol, chúng tôi nhận thức được..."
    "Bác sĩ Duer, chừng nào các ông nhận thức được là tốt rồi. Tôi chỉ muốn biết có vậy. Cám ơn ông. Tạm biệt"
    Ông ta bật khỏi ghế: "Carol, hãy nghe tôi nói"
    Tôi không muốn nghe. Tôi muốn anh ôm chặt tôi trong vòng tay, hôn tôi và ân ái cùng tôi, song anh ta lại chỉ ở đây mà nói, nói và nói. Tôi bước đi với vẻ kiêu kỳ, trở lại phòng 1412. Phòng vẫn vắng tanh, nên tôi lê về giường, nằm khóc nức nở mà chẳng sợ làm phiền ai. Tôi bắt đầu nghĩ lại những ngày sung sướng vô lo nghĩ ở Greenwich bang Connecticut, đi chơi với Tom Ritchie vui làm sao, ngồi xe Thunderbird của anh, nhảy nhót với anh ở câu lạc bộ Đồng quê và đêm ấy anh đã dịu dàng và đầy vẻ thèm khát thế nào khi dẫn tôi ra vườn lúc tôi đang bị nấc. Bây giờ tôi ao ước sao tôi không chết cho rồi.
    Lys
  8. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Người về đầu tiên là Annette, nó kể say sưa về chuyến tham quan ấy. Tôi có đi chắc cũng thế.
    Sau đó là Jurgy. Nó trông nhợt nhạt.
    Tôi hỏi: "Có chuyện gì? Sao cậu trông tái nhợt vậy?"
    "Mình vẫn bình thường"
    Rồi im lặng kéo dài. Hẳn là nó đã phải vất vả chống trả lão dê già ấy. Tội nghiệp Jurgy, đời thật khắc nghiệt với nó, cũng như với tôi vậy.
    Rồi lúc 10g Alma về, tóc vẫn gọn gàng và nụ cười đáng giá năm xu trên môi. Tôi muốn nói lại ngay với nó lời khuyên nhủ của N.B, nhưng không được vì còn các cô khác ở xung quanh. Tôi bảo: "Thế nào Alma, anh bạn của cậu?"
    "Anh ấy rất hiền, rất đàng hoàng"
    "Cậu thích chứ?"
    "Từng phút một. Thích lắm"
    "Cậu sẽ gặp lại anh ta chứ?"
    Cái kiểu cười của nó làm tôi chết luôn: "Có thể, có lẽ thế"
    Và cuối cùng, sau 1h sáng, Donna khật khưỡng đi vào phòng. Lúc ấy chúng tôi đều đã lên giường.
    Nó rón rén đến giường tôi, khe khẽ hỏi: "Carol, cậu còn thức chứ?"
    "Cậu đấy à, Donna?"
    "Chào cô bạn vàng"
    "Cậu đến chỗ anh họ vui chứ?"
    "Tuyệt trần"
    "Muộn rồi đấy, cậu nên đi ngủ đi"
    "Ừ. Sáng cậu muốn xuống bơi không?"
    "Tất nhiên"
    "Ôi Carol thân yêu", nó bảo. "Ôi cô bạn trung thành của tôi", rôi chân nam đá chân chiêu về giường.
    Sáng hôm sau, cô Webley mắng chúng tôi tới tấp. Chúng tôi vừa đưa được chân vào những cái cùm ở trong lớp, thì cô đứng lừ lừ nhìn chúng tôi, chúm môi và bảo: "Ái chà! Cuối tuần vừa rồi mấy cô chơi bời cũng khá đấy chứ. Elizabeth, sáng nay cô có là áo trước khi mặc không?"
    Elizabeth, cô gái tóc nâu duyên dáng của bang Nevada, trả lời: "Ồ, thưa cô Webley, em nghĩ áo này không cần phải là"
    "Không bao giờ được mặc áo chưa là đến lớp, cô hiểu chứ?"
    "Vâng, thưa cô Webley"
    "Joan, tóc cô làm sao thế?"
    "À, thưa cô Webley, hôm qua em bơi ngoài biển..."
    "Không đội mũ bơi?"
    "Dạ, em quên đội"
    "Lisa, cuối tuần rồi cô có ngủ không?"
    "Thưa cô Webley, có chứ ạ"
    "Ngủ mấy tiếng?"
    "Em không thể nói chính xác..."
    "Trông cô như không mở mắt nổi nữa"
    Và v...v..., và v...v... Cuối cùng, sau khi đã xạc khoảng hơn chục người, cô quay ra chỉnh cả lớp. Cô đứng thẳng người, tay chắp sau lưng và nói: "Các cô! Trước khi học tiếp, chúng tôi cần hiểu rõ thế này. Miami là nơi nghỉ tuyệt vời. Người ta có thể nghỉ ngơi xả láng: ngày tắm nắng, tối vui chơi nhảy múa. Song rất tiếc, các cô đến đây không phải để nghỉ. Các cô đến đây để học. Tất nhiên không ai phải đối các cô xả hơi đôi chút vào cuối tuần. Các cô cần nghỉ ngơi, giải trí, nhưng chúng tôi không cho phép lạm dụng điều đó. Đấy! Cứ nhìn các cô xem. Đến gần nửa lớp không mở nổi mắt. Các cô sẽ không qua được hết khoá nếu thứ hai nào cũng như thế này, phải hết cả ngày các cô mới lại sức sau những trò du hý cuối tuần. Các cô! Tôi hy vọng trong tương lai, các cô đến lớp ngày thứ hai không phải trong tình trạng kiệt sức, mà là khoẻ khoắn hơn. Các cô rõ cả chứ?"
    "Thưa cô, rõ"
    "Nào, các cô ngồi thẳng lên, cố mà tỉnh táo"
    Chúng tôi cố gắng, rồi lao ngay vào bài học. Tuần trước chúng tôi học về nhiệm vụ của cô ong chúa trên máy bay Martin 404 chỉ có một chiêu đãi viên.
    Tôi đoán ý của họ là cho chúng tôi bức tranh tổng thể về nhiệm vụ của chiêu đãi viên nói chung. Bây giờ chúng tôi nghiên cứu loại máy bay có hai, hoặc ba chiêu đãi viên, như loại Constellation chẳng hạn. Học xong phần này, chúng tôi sẽ chuyển sang loại phản lực cánh quạt có bốn chiêu đãi viên. Rất đơn giản. Chúng tôi chỉ cần tiêu hoá và thuộc độ một ngàn trang trong cuốn sổ nhỏ màu đen. Nhưng đấy mới là loại máy bay cánh quạt. Rồi nếu còn sống sót, chúng tôi sẽ nghiên cứu loại máy bay phản lực trong cuốn sổ tay hoàn toàn mới, có trọng lượng và kích thước tương đương cuốn đang học. Chương trình học phải nói là nặng.
    Ngày trôi qua nhanh đến mức không ngờ. Toàn những điều phức tạp, mới mẻ đến nỗi không còn thời gian mà buồn chán nữa. Bộ óc của tôi, một vũng lầy tù đọng chất xám bị buộc phải làm việc, và đến cuối buổi, đầu tôi đau buốt. Tôi đoán chắc cũng giống như chứng đau vai mà bạn có thể bị vì vận động quá sức trong quần vợt, hoặc chứng khô khớp trong bơi lội. Khô não, đấy, tôi bị cái bệnh như thế.
    Ba chúng tôi trở về phòng 1412, người mệt rã rời. Donna và tôi cho rằng xuống tắm một lát có thể đỡ mệt, nhưng tôi chưa kịp thay quần áo đã nghe tiếng Jurgy gọi từ buồng bên cạnh: "Này, Carol"
    Nó ngồi trên giường, mặt nhợt nhạt. Tôi hỏi '''' Chuyện gì thế?"
    "Annette đi rồi. Tớ đoán là về nhà. Đồ đạc của nó không còn ở đây. Quần áo, túi gói không thấy đâu"
    "Nhưng tại sao? Có chuyện gì vậy?"
    Jurgy đáp: "Sáng nay nó bị gọi ra ngoài, sau không thấy quay lại. Tớ đoán là lên gặp ông Garrison hoặc bà Montgomery"
    "Thôi chết! Có nghĩa là nó bị đuổi học ư?"
    Jurgy buồn bã gật đầu.
    Mới nghe có vẻ không ổn, nhưng xem chừng lại có lý. Annette là đứa hiền lành, dễ thương, song có đôi lần tôi tự hỏi liệu nó có đủ sức chịu đựng một cuộc sống gò bó sắp tới không? Annette quá dịu dàng, quá mềm yếu.
    Jurgy bảo: "Còn có ba đứa nữa cũng bị gọi ra ngoài"
    Tôi sực nhớ ra: "Lạy Chúa, lớp tớ cũng có ba. Không thấy họ quay lại, chẳng biết thế nào".
    "Đi hỏi thử xem", Jurgy giục.
    Chúng tôi đi hết các phòng thì được biết có bảy cô tất cả. Bảy cô bỏ về, hoặc bị đuổi về. Không ai để lại chữ nào. Tôi có thể hiểu được tại sao - giá tôi ở trường hợp ấy cũng sẽ làm như thế. Rồi tôi chợt nhớ thêm: sáng qua trong Salon de Fragonard, Ray Duer bảo tôi ông ta tới gặp ông Garrison. Chắc khi đó họ quyết định gạch tên những cô này. Đúng hay không chưa biết, nhưng rõ ràng đây là bằng chứng sống cho thấy ông G, bác sĩ D, bà Montgomery, cô Webley, cô Pierce - đại diện cho Hãng hàng không quốc tế Magna - đã nói là làm, và các cô gà mái trong chuồng tầng 14 bắt đầu hoảng.
    Chúng tôi ngồi thầm thì bàn tán, được một lúc Jurgy đứng dậy. Mặt nó tái xanh, trông rất sợ, nên tôi theo về buồng và hỏi: "Jurgy, cậu không làm sao chứ?"
    "Tất nhiên. Carol, đóng cửa lại"
    Tôi đóng cửa. Và khoá vào nữa. Jurgy muốn vậy.
    "Chiều nay lúc về, tớ thấy cái này gửi cho tớ", nó nói và lôi dưới gối ra một chiếc hộp trang trí rất vui mắt. "Cậu xem khắc biết"
    Tôi cầm chiếc hộp và mở ra. Bên trong là một chiếc hộp nhỏ bọc nhung xanh, tôi mở tiếp và thốt lên: "Ôi, lạy Chúa". Trong hộp là một chiếc lắc bằng vàng, trang trí theo kiểu hiện đại mà tôi luôn ngưỡng mộ và thèm khát.
    "Thế nào?" Jurgy lạnh lùng hỏi.
    "Ở đâu ra thế? Ai gửi cho cậu?"
    "Luke. Bằng vàng, đúng không?"
    "Lạy Chúa, tớ không biết". Tôi nhấc chiếc lắc khỏi hộp. "Nó nặng đến một tấn. Lạy Chúa, Jurgy, chắc phải là vàng"
    "Chúng mình sẽ biết ngay thôi", nó bảo. "Cậu thấy chữ in trong hộp chứ?"
    Trên nền lụa trắng có hàng chữ: "Hiệu kim hoàn khách sạn Charleroi, Miami, Florida". Tôi bảo: "Đó là hiệu kim hoàn sang trọng ở gian chính dưới nhà. Lạy Chúa, ở đó còn đắt hơn ở hiệu Tiffany".
    Jurgy ngồi ngay đơ, mặt càng xanh xám hơn.
    Tôi bảo: "Jurgy, cậu định giải quyết sao đây? Cứ giữ hay là thế nào? Lạy Chúa, cái lắc phải đến một ngàn đôla"
    "Hôm nay ông ấy đáp máy bay về Kansas, vì thế tớ không trả lại được. Tối thứ Sáu ông ấy trở lại". Nó quay lại nhìn tôi và hỏi: "Cậu nghĩ tớ có nên trả lại không?"
    Nó định bắt tôi phải nói rõ ý kiến của mình. Tôi bảo: "Tự cậu quyết định. Cậu sẽ gặp ông ta cuối tuần này chứ?"
    "Ừ"
    "Lại đi xem giống Brahman à?"
    "Không. Ông ấy muốn mình đi chơi thuyền suốt cả cuối tuần. Rồi nó nhăn nhó bảo: "Cậu đừng lo. Trên thuyền có nhiều người khác nữa". Cô ta bắt đầu lắc lư: "Tớ chẳng biết làm thế quái nào nữa, đã bao giờ gặp chuyện thế này đâu. Phải làm gì bây giờ, Carol?"
    "Về cái lắc này à?"
    "Về cái lắc, về chuyến đi cuối tuần. Tất cả"
    "Tuỳ cậu quyết định"
    Nó nhìn tôi, vẻ cáu kỉnh: "Ông ấy đã già, 56 tuổi. Con gái không nên nhận đồ tặng của ông già chứ gì?"
    Tôi không trả lời.
    Nó lại bảo: "Chỉ có điều là...", rồi dừng, mắt nhìn tận đâu đâu. Lát sau nó thở dài với vẻ đau khổ: "Có lẽ tớ phải suy nghĩ thêm về chuyện này, Carol ạ. Thôi, cám ơn cậu. Đừng nói gì với mấy đứa kia nhé".
    "Tất nhiên", tôi trả lời và đi ra.
    Lys
  9. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Tối hôm đó Donna quên cả cái lệ đi uống rượu vào lúc 9h. Trong mấy đứa, nó là người run nhất trước sự tàn nhẫn thầm lặng của Hãng Magna. Tôi đã nhầm khi đánh giá nó. Tôi nghĩ nó là người thích vui, bất cần đời, không quan tâm đến bất cứ việc gì, v...v... Song không phải như vậy. Một tối, chúng tôi dứt ra khỏi những trang sách về thiết bị dùng cho trường hợp khẩn cấp trên máy bay loại Constellation, xuống bể bơi tắm vội trước khi cửa chuồng đóng lại vào lúc 10h30, và chúng tôi đã nói với nhau về chuyện ấy. Tôi nói xa xôi về việc nó bắt đầu hết lòng vì hãng Magna và nó nói một thôi một hồi với giọng rất nghiêm trang: "Này, đối với cậu thì không sao. Cậu đã đi đó đi đây, đã qua nhiều việc khác nhau. Nếu Garrison mà nện cậu, cậu có thể tìm được một công việc khác mà cậu thích. Với tớ thì lại khác. Tất cả những gì tớ đã làm là ở cái nhà trọ ấy. Tớ không biết đánh máy, chẳng biết cóc gì về những việc đơn giản ở văn phòng; tớ sẽ chết nếu phải đứng đằng sau quầy bán hàng. Đơn giản là tớ không biết nên làm cái quái gì nữa. Tớ nghĩ có khi phải bán mình nữa chưa biết chừng"
    "Donna, cậu vẫn có thể quay về cái nhà trọ ấy cơ mà"
    Nó gạt phăng ngay: "Về khi ông già tớ đã lấy con chó cái Marion ấy ư? Ồ, không có chuyện đó. Những năm trước, cha con tớ sống rất vui vẻ, còn bây giờ mụ ta là chủ mới của gia đình, tớ sẽ sống như người thừa trong nhà. Không đâu, cô bạn ạ". Nó ngồi với vẻ tư lự: "Và cũng không thể xin mãi tiền ông già được. Tớ muốn nói tất nhiên ông cũng sẽ cho thôi, ông là người hào phóng nhất trên đời. Nhưng tớ cũng hiểu ông còn phải chi những khoản rất lớn cho việc lắp đặt hệ thống cáp lên núi cho khách trượt tuyết hoặc đại để như vậy. Vậy thì miễn, từ nay tớ sẽ phải tự kiếm lấy mà sống".
    "Đừng lo, cậu sẽ qua khoá này nhẹ nhàng như không"
    "Tớ lo chứ, cậu có bảo tớ đừng lo cũng chẳng ích gì. Còn điều này nữa, Carol. Cậu đã đi khắp thế giới, còn tớ chưa hề được đi đâu. Lạy Chúa, đây là cơ hội lớn của tớ. Tớ muốn nói tớ sẵn sàng xoay trần ra mà học nếu đó là cách duy nhất giúp tớ được thấy London, Paris và Rôma. Hãy tưởng tượng xem! Cuối tuần ở Paris! Với tớ, đó là thiên đường"
    Tôi bảo: "Lại nói chuyện cuối tuần, cậu có định đến thăm những người mà cậu gọi là bà con ở Palm Beach nữa không?"
    Nó cười ngặt nghẽo và hổn hển trả lời: "Không, tớ nghĩ nên nghiền cuốn sổ tay chết tiệt này thì hơn".
    Donna đã thay đổi, thay đổi rất nhiều. Tôi còn nhớ nó đã công phẫn như thế nào sau cái vụ tôi gặp ông Garrison ngay sáng đầu tiên. Lúc đó nó bảo: "Họ không thể đối xử với tớ như cô bé Annie mồ côi ấy được". Bây giờ nó đành phải chịu.
    Còn Alma thì lại xây tổ trong cuốn sổ nhỏ màu đen và đố ai lôi nó ra được. Đó lại là điều đáng ngạc nhiên nữa. Trông nó hừng hực dục tình, đến độ ta chỉ có thể nghĩ rằng lúc nào nó cũng muốn trưng ra những chỗ lồi lõm của mình trước đám người trầm trồ thán phục. Không đâu. Nó vùi đầu vào học hoạ hoằn lắm mới ra khỏi phòng. Về nó, tôi cũng lập luận như sau: xuất thân trong một gia đình Ý nghèo khổ, và mặc dù có biết bao chuyện tình lãng mạn với rặt những kẻ đẹp trai và đàng hoàng nó vẫn muốn tự mình tạo dựng cuộc sống của mình. Làm chiêu đãi viên trên các tuyến bay quốc tế là bước rất quan trọng. Nó sẽ có dịp gặp các nhà ngoại giao, luật sư, thợ săn các trò chơi lớn, bọn trộm cắp vàng bạc, nghĩa là đủ các hạng người lý thú, trong khi nếu ở nhà, cùng lắm nó cũng chỉ có thể là cô tình nhân bị bỏ rơi của tay chủ hiệu bán xe hơi. Trong tình hình này, chẳng cần phải nói lại những gì N.B đã báo trước về Sonny Kee.
    Chiều thứ Năm, chúng tôi được hướng dẫn kỹ về cách ăn mặc, điều mà cô Webley đã hứa từ đầu khoá học.
    Sau bữa trưa, chúng tôi thay đồ, mặc quần và áo sơ-mi rồi trở về lớp nghe bài giảng ngắn về cách đi đứng. Cách ngồi ghế thế nào, chúng tôi đã học. Song tôi ngạc nhiên khi thấy phải học cả cách đứng dậy khỏi ghế. Đâu phải cứ khom người đứng vụt dậy mà được. Ồ, không đâu. Bạn phải từ từ đứng dậy một cách duyên dáng, nhẹ nhàng. Và chỉ được cử động từ bụng trở xuống thôi đấy. Rồi chuyện bắt tay thế nào, đừng có túm tay người ta mà lắc lấy lắc để. Bạn phải "đưa" tay ra và "nhận" bàn tay của người kia, v...v...và v...v...
    Sau đó cô Webley phát cho mỗi người một chiếc gương để trên bàn, và chúng tôi dùng kem lạnh tẩy sạch lớp son phấn cũ trên mặt. Chỉ riêng việc này cũng đã là điều đáng sợ - các cô gái mấy phút trước còn đẹp như tiên nữ giáng trần, bỗng trông như những người bị bệnh thương hàn. Vài người không có mắt, mấy người khác không có mồm, và dăm ba người nữa hình như không có cả mặt. Lạy Chúa, chúng tôi không có phấn son đáng giá mười xu thì trông chẳng khác gì một lũ con gái nặc nô.
    "Nào, các cô", cô Webley nói. "Vấn đề là thế này. Bay trên cao, da mặt sẽ bị khô. Vả lại các cô làm việc cả ngày trên máy bay, không phải phơi mặt ra nắng, do đó da dễ bị nhợt nhạt và đây chính là cách để lấp nó đi".
    Cô hình như không hề khó chịu trước vẻ gớm ghiếc của chúng tôi. Cô cứ tiếp tục nói bằng giọng ngọt ngào vốn có, giải thích rằng chúng tôi luôn luôn phải bôi kem lạnh thật kỹ để khỏi có nếp nhăn, và muốn tẩy sạch lớp kem đó phải dùng giấy mềm lau thật kỹ. Rồi ngay sau khi lau sạch, chúng tôi phải dùng chất làm se da mặt; sau đó, cô bảo, phải thoa loại chất làm mềm và loại này dứt khoát phải ở dạng lỏng.
    Chỗ này cười ngặt nghẽo, chỗ kia kêu ca, chỗ nọ rên rỉ. Tôi cũng hoảng, vì xưa nay chưa dùng loại bôi nền này bao giờ - thực tế tôi cũng không hay dùng phấn nền, mà chỉ bôi qua một chút rồi đánh son. Nhưng cô Webley đã phát bông và các lọ nước bôi nền, chẳng hề bận tâm tới đám học sinh đang kêu ca phàn nàn, và giảng giải cách bôi cái thứ nhờn nhờn này thế nào. "Chỉ cần chấm nhẹ một cái lên trán, đầu mũi, hai má và cằm", cô bảo vậy. Và Thompson, bao giờ cũng ngoan ngoãn vâng lời, liền bôi đúng như được hướng dẫn, xoa rất kỹ theo vòng tròn, để dần dần chẳng thấy gì nữa vì thuốc dây vào mắt.
    Lys
  10. Fleur-de-Lys

    Fleur-de-Lys Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/04/2002
    Bài viết:
    1.307
    Đã được thích:
    2
    Có lẽ tôi dùng quá liều cần thiết đến cả ngàn lần, vì khi mở được mắt, thấy hình mình trong gương, tôi bủn rủn chân tay. Thompson! Thompson đâu rồi? Đây đâu phải là Thompson, mà là thủ lĩnh Wa-wa-wa-wa, niềm tự hào của bộ lạc Zulu, nỗi kinh hoàng của vùng thảo nguyên xứ Nam Phi, và tôi không thích ông ta. Tôi liền hét lên gọi Donna.
    "Ôi, lạy Chúa", nó thốt lên. "Ngoảnh mặt lại đây", rồi lấy tay lau cái chất tôi bôi trên mặt (tôi cảm thấy như chiếc máy đánh bóng nền nhà lướt qua da mặt), rồi bắt tôi làm lại từ đầu. Cả lớp kêu chí choé, vì có đến nửa lớp chưa dùng loại này bao giờ và họ sợ chết khiếp khi bỗng thấy mình trở thành đám người Phi khát máu đang trên đường xung trận.
    Rồi sau khi lau khô mặt, chúng tôi phải thoa phấn hồng. Cô Webley bảo: "Đừng bao giờ dùng son thay phấn hồng thoa mặt. Phấn hồng! Và hãy thoa sát lên tận mắt".
    Chúng tôi làm theo.
    "Donna", tôi hét toáng lên.
    "Nào, nào. Đừng dùng đến cả một ký lô phấn như vậy. Ôi lạy Chúa, nào ngoảnh mặt lại đây đi".
    Lần này tôi hầu như rớt nước mắt, thế mà cô Webley không mảy may mủi lòng. Chúng tôi thoa tiếp phấn. Chúng tôi dùng chì tô lông mày, kẻ lông mi, đánh màu mi mắt trên. Cô Webley lại dặn dò: "Không bao giờ đánh màu mi dưới". Sau đó tập bôi son. "Các cô", cô Webley bảo. "Bí quyết là ở chỗ làm sao môi trên trông đầy đặn hơn môi dưới, lý do là môi dưới bao giờ cũng dầy hơn môi trên, nên phải làm thế cho cân đối. Và hãy dùng chổi son là tốt nhất".
    Khi làm xong, tôi cứ ngồi ngắm mãi mình trong gương. Tôi không còn giống người lính chiến Zulu nữa, mà giống như vừa từ một nhà chứa Thượng Hải ra.Dù sao cũng là sự thay đổi.
    Một sinh vật nào đó lại gần tôi và hét lên: "Carol, trông cậu đẹp thật!"
    "Hả", tôi hỏi lại.
    "Mắt cậu trông linh lợi hẳn lên"
    "Người là ai?"
    "Mình là Shirley, ở sát ngay phòng cậu trong khách sạn. Cậu không nhận ra mình à?"
    Tôi trả lời: "Ôi, đến bà cụ cậu cũng chẳng nhận ra cậu nữa là"
    Cô ta cười rũ ra.
    Tôi quay sang cô bạn ngồi cạnh vốn là Donna.
    "Có phải cậu không? Donna ấy?"
    "Tớ đây", nó trả lời. Trông nó đẹp hết sảy.
    Ngồi cạnh tôi ở phía bên này, Alma cặm cụi không nói một lời. Tôi có thể hiểu được tại sao. Nó chỉ tẩy sạch lớp son phấn cũ rồi dùng lại đúng loại ấy. Trông nó chẳng khác đi một chút nào.
    Cô Webley đi các bàn, khuyên người này, bình phẩm với người kia. Cô bảo Donna: "Ôi, đẹp thật đấy. Hành khách sẽ hết sức hài lòng khi thấy cô''".
    "Cám ơn cô Webley", Donna nói, mặt đỏ dừ, nhưng là đỏ dừ dưới cái lớp nhầy nhầy dầy như mặt nạ.
    Cô Webley nói với tôi: "Này Carol, cô có cặp môi đáng hôn nhất trên đời".
    "Em ấy ạ?", tôi hỏi lại, suýt nữa ngất xỉu.
    Cô nhìn Alma một lúc, bối rối vì không thấy nó khác trước tý nào. Cô không bình luận gì, mà chỉ nói: "À Alma này, tôi đã nói với ông giám đốc về chuyện tóc của cô. Rất tiếc, ông ấy bảo cô phải theo đúng quy định, tóc cắt cao trên cổ áo như các cô khác. Tôi rất lấy làm tiếc"
    "Em hiểu, thưa cô Webley"
    "Tối nay cô cắt tóc được chứ?"
    "Cô Webley, khi học xong, em sẽ bay các tuyến quốc tế, đúng không?"
    "À đúng vậy, tôi cho là thế".
    "A, thế thì em sẽ đến hiệu làm đầu của Giuseppe ở Rôma và ông ấy sẽ cắt cho em. Thế được chứ?"
    "Alma..."
    "Vâng. Giuseppe hiểu được tóc em mọc thế nào. Thợ làm đầu người Mỹ không hiểu điều đó. Tóc của người Ý khác lắm. Được chứ, thưa cô?"
    "Tôi không biết, Alma ạ. Tôi sẽ lại phải xin ý kiến của ông Garrison".
    "Cô cứ hỏi ông ấy. Ông ấy rất nhạy cảm, chắc là được."
    Cô Webley trở lại bàn. "Nào xin các cô chú ý nghe tôi nói".
    Chúng tôi ngồi thẳng người, ngực ưỡn, gối khép lại, v...v...
    "Nào, các cô trông đều thật đáng yêu. Tôi không thể nghĩ tôi được phụ trách một lớp toàn những cô đẹp mê hồn như thế này. Từ nay trở đi, hàng ngày các cô chỉ dùng một loại son phấn này thôi".
    "Ôi, ngày nào đến lớp cũng phải thế này ư? Nhưng phải mất hàng tiếng, chúng em sẽ phải dậy từ bốn giờ sáng mới xong được. Ôi, thưa cô Webley, hàng ngày sao được!"
    Chúng tôi kêu chỉ hoài hơi. "Nào, các cô", cô Webley bảo. "Bây giờ chúng ta nói về chế độ ăn uống".
    Vậy là chúng tôi chuyển sang nghiên cứu về chế độ ăn uống.
    Trên xe trở về khách sạn, mặt tôi cứ kêu cót két. Đó là loại âm thanh kỳ lạ nhất trên đời - mặt bạn cót két như đôi giày mới. Tôi bảo Donna: "Mình không bao giờ ra khỏi khách sạn nếu không đeo chàng mạng"
    "Lạy Chúa, sao thế?"
    "Chả lẽ cậu nghĩ mình muốn mọi người thấy mặt mình thế này sao? Mình sẽ phải kiếm tấm chàng mạng đen, khoét hai lỗ để nhìn và sẽ đeo suốt ngày đêm".
    "Nói thực là trông cậu rất kháu, Carol ạ"
    "Vậy ư? Thế mà tớ lại nghĩ bất cứ lúc nào họ cũng có thể đánh một chữ A màu đỏ (dùng đánh dấu lên người phụ nữ phạm tội ngoại tình thời xưa) lên người tớ cơ đấy."
    Jurgy đang ở trong phòng, mặt mày vô cùng rạng rỡ. Tôi thốt lên: "Ôi, tuyệt chưa. Hôm nay cậu có chuyện gì thế?"
    "Bọn tớ cũng học về cách ăn mặc mà"
    "Chà, rất hợp với cậu đấy Jurgy ạ. Tuyệt, tuyệt vời"
    "Cậu cũng thế"
    "Đâu có", tôi đáp. Mặt tôi vẫn đang kêu cót két. "Tớ sẽ không bao giờ quen được kiểu này mất"
    Nó bảo: "Carol, lúc nào cậu rảnh, mình nói chuyện với cậu được không?"
    "Được chứ, có chuyện gì nào, tớ đang được tự do như làn gió đây"
    Chúng tôi vào buồng trong, rồi Jurgy lại ôm gối trên giường như vẫn thường ngồi. Và cũng lại như mọi khi, hàng tiếng đồng hồ mới rặn ra được một từ. Mắt nó nhìn mãi ra xa trong khi tôi ngồi chờ đợi. Cuối cùng nó quay lại, nhìn tôi rất lâu với vẻ dò xét và nói: "Carol, cậu biết gì về chuyện câu cá không?"
    "Câu cá! Cậu lôi tớ vào đây chỉ để nói chuyện ấy sao? Tớ ghê tởm chuyện ấy. Tớ cho đó là việc dã man nhất mà người ta có thể làm...".
    Nó bảo: "Tớ đang nói về chuyến đi chơi thuyền với Luke cuối tuần. Ông ấy muốn đi câu cá ngoài biển"
    "Câu cá biển thì lại là chuyện khác. Ôi chao! Cái đó mới thật tuyệt vời".
    "Tớ cũng chẳng biết nữa", Jurgy cười thiểu não. "Ở Buffalo chúng tớ chưa bao giờ làm chuyện đó. Tớ còn không biết phải mặc thứ gì nữa"
    "Cái đó thì tớ chịu, Jurgy ạ. Gượm nào, để tớ hỏi Donna..."
    "Đừng", Jurgy nói sẵng. "Tớ không muốn cậu ta dúng vào chuyện này"
    "Đừng lo, tớ sẽ hỏi khéo thôi. Mà ở đây cậu ấy là chuyên gia về câu cá đấy".
    Tôi ra ngoài. Donna đang mặc đồ tắm. Tôi bảo: "Này Donna, bảo tớ cái này nhé. Khi đi câu cùng ông già, cậu mặc quần áo gì?"
    Nó nhìn tôi chằm chằm: "Thế quái nào cậu lại hỏi chuyện đó chứ?"
    "Thì cứ nói đi nào"
    "Đi ủng. Bằng cao su, cao đến tận bẹn để khỏi ướt khi cậu lội nước"
    "Chà, nghe có vẻ hay đấy chứ. Cậu có mang theo đây không?"
    "Cậu điên à, chúng nặng cả tấn. Mà cậu cần ủng làm cái đếch gì thế?"
    "À, bọn mình đang trao đổi với nhau thôi. Thế khi đi câu ngoài biển cũng đeo ủng à?"
    "Ôi Carol, lạy Chúa, cậu phải tự hình dung ra chứ! Khi câu ngoài biển, cậu đâu có lội, biển sâu lội sao được. Hiểu chưa?"
    "Việc gì phải gào lên thế! Thế cậu mặc gì khi cậu câu ngoài biển? Đeo chân vịt à?"
    "Này, cậu đâu có lội dưới nước. Cậu ngồi trên thuyền mà câu. Cậu mặc thứ gì gọn là được - quần và áo chui cổ chẳng hạn. Tại sao cậu hỏi kỹ thế?"
    "Tớ đã bảo là chúng tớ đang tranh luận nhau mà lại"
    Tôi trở lại nói cho Jurgy biết.
    Nó bảo: "Ngày mai sau khi lĩnh học bổng, tớ phải đến cửa hàng Burdine. Cậu đi cùng tớ nhé".
    Ngày mai thứ sáu, là ngày phát tiền. Tôi bảo: "Tiền học bổng cậu lĩnh không đủ mua đâu. Cậu không có quần áo nào mặc được sao?"
    "Chẳng có cái nào ra hồn. Trên thuyền Luke còn có nhiều bạn bè"
    "Khỏi lo đi. Tớ có khối thứ mặc được"
    "Tớ không thể cứ mượn cậu mãi"
    "Thôi, im đi Jurgy, cậu làm tớ phát ốm lên. Suốt ngày lúc nào cũng hằm hè, như sắp đánh ai, cự nự, cãi vã. Cậu phải hiểu chúng mình còn sống với nhau chứ".
    Thế là nó im, và khi Donna vừa ra khỏi phòng, chúng tôi liền lục lọi đống quần áo của tôi trong tủ. Và đã có được đôi giày thật duyên dáng, có kẻ sọc hình răng cưa trông vui mắt, chiếc quần túi chéo màu xanh biếc rất hợp khi đi biển, hai áo sơ-mi khá đẹp và một chiếc khăn lụa màu tươi gần như làm riêng để đón những ngọn gió ngoài khơi xa. Khá lắm, Lord và Taylor! Mi đã nghĩ đến mọi việc để đẩy nhanh con người ta vào những chuyện tình lãng mạn.
    Jurgy bảo: "Carol..."
    "Hãy mang những thứ này vào phòng cậu, kẻo Alma ra khỏi nhà tắm lại tò mò rách việc"
    Chúng tôi mang các thứ vào đặt cả lên giường nó. Rồi chợt nhớ ra còn cần túi xách nữa, tôi về mở tủ mang sang cái túi nhỏ nhất bằng da lợn màu trắng trông rất sang và bảo: "Còn cái này. Nếu cậu cần gì thêm thì cứ bảo tớ, hiểu chưa?"
    "Carol..."
    "Thôi thôi, dẹp chuyện ấy đi. Rồi khắc có ngày cậu được đền ơn đáp nghĩa tớ".
    Tôi không hiểu nó có chuyện gì, cứ như người mất hồn. Nó mở ngăn kéo, quờ quạng lung tung, lôi ra thứ gì đó, quay lại và cố ấn nó vào tay tôi. Đó là chiếc hộp bọc nhung xanh, trong đó có cái lắc vàng rất nặng.
    Hai đứa gần như cãi nhau. Tôi hét: "Cậu làm cái trò gì thế?"
    "Tớ muốn cậu nhận cái này. Cầm lấy, Carol, cầm lấy đi"
    "Cậu điên à?"
    "Cầm lấy, nào"
    "Đồ ngốc. Cất đi"
    "Cầm lấy"
    Tôi bảo: "Mary Ruth Jurgens, hãy tỏ ra người lớn một tý chứ"
    Nó cắn môi, không nói một lời đặt trả cái hộp bọc nhung xanh vào ngăn kéo. Nó không nhìn tôi, quay mặt nhìn ra cửa sổ. Lát sau tôi ra phòng ngoài đọc cuốn sổ tay.
    Lys
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này