1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nên kiện hay không (Nhờ các bác giúp đỡ)

Chủ đề trong 'Khoa học Pháp lý' bởi tieulaophu, 23/11/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tieulaophu

    tieulaophu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/12/2002
    Bài viết:
    177
    Đã được thích:
    0
    Nên kiện hay không (Nhờ các bác giúp đỡ)

    Kính chào các bác.
    Trước hết xin thưa với các bác rằng tôi là dân lang bạt kỳ hồ không có đăng ký hộ khẩu ở box nào hết. Vô tình đi ngang qua Khoa Học Pháp Lý trang của các bác thấy hay quá mà mãi đến giờ mới biết thì lấy làm tiếc vô cùng là đã không biết sớm hơn.

    Như tôi đã trình bày ở trên, tôi không phải là cư dân của box nhưng gặp lúc vận nạn nên cũng đánh liều trần tình với các bác một việc thế này, mong các bác mở lượng hải hà mà giúp cho thì tiều lão tử tôi rất lấy làm biết ơn lắm lắm.

    Số là thế này, tôi xin dài dòng về bản thân sự cố và một số vấn đề kỹ thuật để các bác rộng đường giúp đỡ.
    Công ty tôi (tạm gọi là A) có ký hợp đồng với một công ty nước ngoài (tạm gọi là B) cung cấp cho một công ty Việt nam trong nước (tạm gọi là C) một phần của một thiết bị nâng chuyển. B ký hợp đồng cung cấp thiết bị này (đương nhiên là bao gồm cả phần của A chế tạo) cho C. Nói ngắn gon, A là thầu phụ của B, và B là nhà thầu chính trong hợp đồng với C. Hợp đồng giữa A và B cũng như hợp đồng giữa B với C là hai hợp đồng riêng biệt. Trong quá trình thực hiên giữa A và C không có liên quan và không giao dịch trực tiếp.

    Sau một năm sáu tháng đi vào hoạt động kể từ khi chạy thử thành công, thì có một sự cố xảy ra - một trong số hai vòng bi ở hai đầu trục chính bị vỡ (chưa xác định rõ nguyên nhân, trong khi có ý kiến cho rằng nguyên nhân là thiếu dầu bôi trơn, nhưng khi mở thiết bị ra thì dầu bôi trơn vẫn còn).

    Sau khi sự cố xảy ra, C đã liên hệ với A nhờ giúp đỡ (Không phải là yêu cầu bồi thường). Hết sức thông cảm với hoàn cảnh của C lúc đó, nếu thiết bị không được sửa chữa kịp thời có thể dẫn đến việc vi phạm hợp đồng với các bên khác, toàn bộ hoạt động của C sẽ bị ngưng trệ trong một thời gian dài. Điều này sẽ gây tổn thất rất lớn về tài chính cũng như uy tín kinh doanh của C. Xuất phát từ những suy nghĩ đó A đồng ý sửa chữa thiết bị cho C trong thời gian ngắn nhất. C chịu trách nhiệm tháo dỡ phần thiết bị đó, đưa đến nhà máy của A. C chịu trách nhiệm vận chuyển về nhà máy của C để lắp đặt lại sau khi sửa xong.

    Bản thân sự cố và nội dung sửa chữa. Do vòng bi bị vỡ, trong khi đang vận hành nên mảnh vỡ của vòng bi đã làm hư hỏng nặng gối đỡ vòng bi và trục. Cũng cần chú ý, gối đỡ vòng bi do A chế tạo, còn vòng bi và trục do B cung cấp. A đã tiền hành cắt bỏ gối bi cũ, gia công gối bi mới bằng vật liệu đúng loại (thép đặc biệt). Đối với trục bị hỏng A hàn đắp bằng vật liệu hàn đặc biệt, xử lý nhiệt, và gia công lại. Ngoài ra A còn gia công thêm các mặt bích chặn mỡ và bảo vệ vòng bi, sơn lại toàn bộ. Nói chung trả lại cho thiết bị tình trạng hoàn toàn như mới trong vòng 4 ngày kể cả thời gian vận chuyển. Như đã nói đây là thiết bị đặc biệt, siêu trọng nên tất cả công việc trên cũng phải tuân theo một qui trình xử lý rất khắt khe, với những máy móc thiết bị đặc biệt. Vấn đề vận chuyển, nâng hạ, kiểm tra chất lượng cũng là một thách thức với những công ty có máy móc thiết bị thông thường. Công nhân của A đã làm việc 24/24 để có thể hoàn thành trong thời gian ngắn nhất cho C.

    Như đã trình bày ở trên, tại thời điểm đó lãnh đạo của C hứa hẹn, cam kết miệng đủ điều, ngay cả vấn đề tài chính cũng không phải là điều quan trọng, chỉ cần thời gian để không bị vi phạm hợp đồng, cũng như uy tín với khách hàng của C. Nên tại thời điểm đó A chủ quan không tính giá sửa chữa ngay (Thực ra cũng hơi khó để tính ngay lập tức, và cũng không lập hợp đồng sửa chữa (Vì nếu giải quyết những việc này trước thì phải mất từ 2 đến 3 ngày, trong lúc đó tiến độ của C được tính bằng giờ), mà chỉ có biên bản cuộc họp đề ra các biện pháp và tiến độ sửa chữa có ký kết giữa các bên. Cũng cần phải nói thêm rằng B cũng cử đại diện tham gia họp và phối hợp và thống nhất với A & C trong phương án sửa chữa.

    Sau khi thiết bị hoàn thành C, đúng như cổ nhân thường nói ?oQua sông .... vào sóng?, không thèm phúc đáp bất cứ công văn yêu cầu thanh toán nào của A. Khi A liên lạc bằng điện thoại, C luôn luôn lẩn tránh - với một số lần gặp được thì đại diện của C chỉ trả lời là thiết bị còn trong thời gian bảo hành B phải có trách nhiệm. C luôn tìm cách đẩy A chuyển hướng sang yêu cầu B bồi thường. A cũng đã tham khảo với B và được biết thời gian bảo hành chỉ là 1 năm và tại thời điểm xảy ra sự cố, thời hạn bảo hành đã hết hiệu lực.

    Từ lúc thiết bị được sửa chữa đến nay, đã là một năm một tháng, và C vẫn luôn thoái thác trách nhiệm thanh toán. Vậy nên tiều lão tử tôi rất mong các đại hiệp ra tay giúp đỡ chứ không thì xếp tôi chắc sẽ cho tôi đi tàu suốt vụ này quá. Trân trọng cảm ơn tấm lòng rộng lượng của các đại hiệp trước.
  2. CoDep

    CoDep Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/09/2004
    Bài viết:
    9.559
    Đã được thích:
    11
    Ngày xưa có nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan viết đoạn
    truyện ngắn "Vào Cửa Quan" tả hai bên kiện nhau, cuối cùng
    chỉ béo quan toà.
    Việc này của bạn kiện thì cứ kiện, mà phải trả tiền cho toà án
    trước, mặc dù bạn sẽ thắng kiện hay thua kiện .
    Về khả năng thắng kiện của bạn thì mong manh lắm.
    Ở các nước chậm tiến, thì bỏ một ít tiền thuê cánh dao búa đòi
    tiền hộ cho còn rẻ hơn đi kiện .
    Ở các nước tiến bộ, biết điều thì lần sau chừa . Lần này chót
    dại thì cũng là lần cuối cùng .
    Bạn post nhiều lần cùng một ý, nên viết ngay lời xin lỗi, đừng để
    bà con và Admin, Moderator cảnh cáo tội spam nhé.
  3. khongtheyeuemhon

    khongtheyeuemhon Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/08/2004
    Bài viết:
    410
    Đã được thích:
    0
    Chào người quen (tieulaophu)! Em xin có một số ý kiến như thế này, hy vọng sẽ hữu ích cho pác. Các bác khác nếu thấy có gì không đúng nhờ chỉnh sửa giùm, âu cũng là giúp người và tăng kiến thức cho mình:
    1. Khởi kiện thì chắc chắn là nên khởi kiện, vì như bác đã nêu: bên kia cố tình lẩn tránh trách nhiệm trả nợ cho mình, đùn đẩy trách nhiệm qua bên B...nếu không khởi kiện thì chẳng bao giờ đòi lại được tiền! Thêm nữa là thời hiệu khởi kiện, vụ của bác đã qua đi...1 năm có lẻ rồi, bác phải khởi kiện ngay lập tức vì nếu không sẽ hết thời hiệu khởi kiện. Công ty bác sẽ mất quyền khởi kiện. BLTTDS hiện hành quy định: "đối với những tranh chấp xảy ra trước ngày 01/01/2005 (ngày BLDS mới có hiệu lực) thì thời hiệu để khởi kiện tại TA đối với những tranh chấp này là 02 năm kể từ ngày 01/01/2005". Quy định này nhằm giải quyết những tồn dư...của cái cũ. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 và nghị định 17 hướng dẫn đã hết hiệu lực mà được thay bằng BLDS 2005.
    2. Về tranh chấp, trước hết phải xác định là tranh chấp về kinh tế, vì mục đích ký kết hợp đồng của các bên là mục đích kinh doanh. Do đó khi khởi kiện, bác phải nộp đơn khởi kiện tại tòa án kinh tế cấp tỉnh hoặc tòa án cấp thành phố trực thuộc trung ương. Tòa án để nộp đơn bác có thể lựa chọn ở: nơi Công ty C có trụ sở chính, nơi có nhà xưởng hoặc nơi có vụ việc hư hỏng xảy ra, nơi Công ty bác có trụ sở chính...chỗ nào thấy đi lại thuận tiện. Ở đây em khuyên bác nộp đơn nơi Công ty C có tài sản: nhà máy, văn phòng....để sau này nếu đến giai đoạn thi hành án...thì cơ quan thi hành án còn có cái mà "siết", đỡ phải ủy thác thi hành án, hoặc đi xác minh tài sản của đối tượng.
    3. Về đơn khởi kiện: cái này không có mẫu thống nhất, nhưng bác có thể đến tòa nơi dự định kiện để hỏi...ký dưới đơn khởi kiện phải là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp (tốt nhất là giám đốc, hoặc chủ tịch HDQT) hoặc là bác với điều kiện phải có giấy ủy quyền hoặc là ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng...Nhưng theo quy định mới của NQ 02, trong đơn khởi kiện bắt buộc phải là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký, đóng dấu vào. Kèm theo đơn khởi kiện là bộ hồ sơ pháp nhân của công ty mình: giấy CN ĐKKD, điều lệ công ty, các giấy phép kinh doanh khác (nếu có)... kèm theo các bằng chứng chứng minh cho yêu cầu của mình: hợp đồng, bảng kê các chi phí, hóa đơn, chứng từ...nói chung là tất cả những gì có thể chứng minh cho quyền đòi nợ của Công ty bác...
    4. Về nguyên tắc, muốn tòa thụ lý thì bắt buộc phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng án phí bằng 1/2 án phí và được tính trên số tiền cụ thể mà nguyên đơn yêu cầu trong đơn khởi kiện. Số tiền yêu cầu càng cao thì phải đóng án phí càng nhiều, mà chưa chắc có thắng hay không. Vì vậy bác và sếp phải xác định mình cần đòi bao nhiêu tiền, và bằng chứng chứng minh cho số tiền mình cần đòi...có thể tính thêm tiền lãi trong vòng hơn một năm trên số tiền đó từ khi xảy ra vụ việc đến nay...theo lãi suất quy định của NHNN. Bác không nói số tiền cụ thể là bao nhiêu nên em cũng không biết.
    5. Và điều cuối cùng, vụ này có khả năng thắng hay không? Tố tụng tại tòa án, sẽ phải trải qua rất nhiều giai đoạn: khởi kiện, hòa giải, xét xử sơ thẩm...và có thể kết thúc ở bất kỳ giai đoạn nào chứ không nhất thiết phải đi bằng hết. Em chưa biết số tiền đòi có lớn hay không, và chưa biết cụ thể về vụ việc, cũng như chưa đọc được Hợp đồng mà công ty bác ký với bên Công ty B, và về kỹ thuật thì mù tịt nên em chưa thể kết luận được. Tuy nhiên, em khuyên bác một điều, nên đem vụ việc cùng giấy tờ đến 1 văn phòng luật sư uy tín để nhờ tư vấn xem khả năng thắng là bao nhiêu, nếu số tiền lớn, tốt nhất là nhờ luật sư đại diện cho mình tại tòa vì thà mất ít tiền cho luật sư còn hơn là mất hết tiền. Vì lúc sửa chữa bác đã không có hợp đồng với bên C nên bi giờ bác phải tìm mọi các tạo chứng cứ cho mình: bác cần làm biên bản hiện trường, nêu rõ ngày tháng năm đó thằng C đã có dụ này, sự việc hỏng hóc như thế này xảy ra...và kêu nó ký dzô. Đồng thời làm cái biên bản về việc đã sửa chữa xong như mới, mình đã giao "hàng" và nó cũng đã nhận...bắt nó ký, đóng dấu dzô...Việc này hơi khó nhưng phải ráng thuyết phục nó để sau này có bằng chứng sự việc đưa ra tòa...
    Chào thân ái! Hôm nào rảnh rỗi ghé box NGTĐ nhá. Cười lên cho đời tươi trẻ!
  4. thongtue

    thongtue Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    23/11/2004
    Bài viết:
    298
    Đã được thích:
    0
    Bạn khongthêyuemhon nói đúng đấy. Không khởi kiện nhanh thì có thể hết thời hiệu.
    Nếu định khởi kiện, bạn cần xem thêm các thông tin để có thể trình bày yêu cầu một cách rõ ràng.
    A có liên quan gì trong hợp đồng giữa B và C không, ví dụ như chỉ định A là nhà bảo hành những bộ phận do A chế tạo trong số thiết bị B giao cho C. Trường hợp này sẽ thu tiền sửa chữa từ B, chứ không phải từ C.
    Nếu không có liên quan gì của A trong hợp đồng giữa B và C thì việc sửa chữa cho C có thể xác định là quan hệ hợp đồng kinh tế hay không phụ thuộc vào thời gian thực hiện việc sửa chữa. Nếu ở thời gian đó hợp đồng kinh tế đang có hiệu lực (trước 1/1/2006) thì việc sửa chữa chắc sẽ không được công nhận là quan hệ HĐKT (do quy định HĐKT phải lập thành văn bản). Như vậy sẽ phải khởi kiện theo một hướng khác.
    Nếu sau thời điểm có hiệu lực thì có thể được công nhận đây là quan hệ hợp đồng do BLDS không quy định bắt buộc về hình thức hợp đồng. Như vậy thì cần chứng minh A đã hoàn thành công việc và yêu cầu C thanh toán.
  5. namoadiaphat

    namoadiaphat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/01/2003
    Bài viết:
    1.093
    Đã được thích:
    0
    Có lẽ trong vụ việc này chúng ta nên xác định rõ cho bạn ?olaotieuphu? rõ 1 chút xíu :
    Nguyên đơn : công ty A
    Bị đơn : Công ty C
    Người có quyền và nghĩa vụ liên quan : Công ty B
    Nội dung khởi kiện : Tiền công sửa chữa thiết bị vận hành cẩu
    Theo như nội dung ban trình bày tôi xin tóm tắt các khúc mắt sau :
    - Công ty A là nhà sản xuất thiết bị
    - Công ty B là nhà phân phối trung gian của A
    - Công ty C là khách hàng của B
    Trước tiên phân tích cái hợp đồng giữa B và C, hợp đồng này B ký kết với C nội dung sẽ bảo hành bao lâu ? khi máy móc hư hỏng thì báo ai ? Xử lý thế nào ? Bảo hành các phần nào của thiết bị ?
    Sau đó xem thử cái hợp đồng của B và A, A có chịu trách nhiệm bảo hành các thiết bị của mình sản xuất không ? hình thức bảo hành như thế nào ? trường hợp nào thay mới ? thời gian bảo hành ? trách nhiệm bảo hành đến mức nào?
    Biện pháp xử lý :
    - Mời B ra 3 bên gặp nhau và thương lượng xem thực hư thế nào ? lý do nào khi máy móc hư hỏng C lại không báo cho B mà lại liên hệ trực tiếp với A. Khi A tiếp nhận sửa chữa A có biết thiết bị này của mình không ? có biết thiệt bị này còn bảo hành không ? Khi tiếp nhận sửa chữa mà chẵng lẽ không có 1 sự giao kèo nào ? trong khi thiết bị có những phần thay mới ?
    - Tham khảo nhiêu đó nội dung nếu thấy có lợi thì kiện, nếu xét thấy giá trị tiền sữa chữa cao hơn số tiền mình sẽ bảo hành ( mà lẽ ra mình phải bào hành khi B báo hỏng) thì có thể khởi kiện. Vì thực tế công ty A vẫn có trách nhiệm bảo hành. Như vậy
    - Ví dụ : Nếu tiền sữa chữa thay mới mà công ty C phải trả cho A là 100 đồng
    o Trên thực tế tiền bảo hành là 60 đồng
    o Còn lại tiền thay thiết bị là 40 đồng
    Thì không nên kiện làm gì , vì giá nào mình cũng phải chịu 60 đồng kia, xét về Uy tính và thương hiệu thì không nên kiện làm gì .
    Nếu xét thấy số tiền thay thiết bị quá cao, cần phải thu hồi thì công ty A có thể làm đơn Kiện, trước khi Kiện cần báo cho công ty B biết ( tôi tin là công ty B sẽ có cách giải quyết)
    Còn thời hiệu khở kiện và các thứ khác bạn gì trên kia đã nói rất rõ rồi.
    Chúc thành công
    Thân ái
  6. tieulaophu

    tieulaophu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/12/2002
    Bài viết:
    177
    Đã được thích:
    0
    Kính chào các bác.
    Nhận được các ý kiến tư vấn quí giá của các mấy hôm rồi mà bận quá chưa tạ ơn các bác được áy náy vô cùng. Mong các bác lượng thứ.
    Có được những lời vàng của các bác tiều lão tử tôi như được có người vén mây cho để nhìn thấy bầu trời, tiều lão tử tôi vô cùng biết ơn các bác. Xin chân thành cảm ơn các bác nhiều.
    Bây giờ tôi xin "lọc" từng bác một ra mà cảm tạ thì mới kín nhẽ được.
    Trước hết là bác Codep:
    Đã có nhiều lúc tôi cũng nghĩ như bác, nên tôi không buồn và cũng không ngạc nhiên khi nhận được ý kiến từ bỏ vụ kiện. Tôi cũng hiểu nếu kiện có lẽ rất khó thắng vì chúng tôi không có hợp đồng kinh tế để làm cơ sở cho vụ này.
    Thứ hai là bác cannot love you more. Cảm ơn bác rất nhiều cũng như nhiệt tình của bác phân tích rất rõ nhiều vấn đề cũng như những thông tin quí báu của bác. Đồng thời tôi cũng rất vui và cảm ơn bác đã nhận ra người quen.
    Các ý từ 1 đến 4 của bác tôi đã hiểu. Riêng ý thứ 5 thì tôi xin bổ sung một chút thông tin từ phía tôi với vấn đề bác nêu ra. Đó là, tuy không có hợp đồng kinh tế như tôi đã nói trên, nhưng chúng tôi có biên bản họp thống nhất phương án sửa chữa có đại diện của cả ba bên ký (Cái này không phải là biên bản hiện trường - sau khi xác minh hiện trường, chúng tôi chỉ chụp một số bức hình thể hiện tình trạng hỏng hóc thôi). Ngoài ra sau khi sửa chữa xong chúng tôi cũng có biên bản bàn giao có đại diện của ba bên ký - biên bản này xác nhận thiết bị đã được sửa chữa xong như mới, thiết bị đã vận hành trở lại bình thường và được bàn giao cho C trong tình trạng hoạt động tốt.
    Câu hỏi của tôi là; hai loại biên bản này có phần nào thay thế được hợp đồng không? Tôi chỉ dám nói phần nào, vì cho rằng đó cũng là một dạng cơ sở cam kết. Thêm nữa, bác có thể gợi ý cho tôi những tài liệu nào có thể là cơ sở cam kết không? Một lần nữa xin cảm ơn bác rất nhiều.
    Thứ ba là với bác thongtue:
    Rất cảm ơn bác về những phân tích và thông tin chi tiết mở rộng thêm. Cũng là để rộng đường hơn nữa cho việc đánh giá, phân tích, và chỉ giáo của bác, tôi xin cung cấp thêm;
    - A không có liên quan gì trong hợp đồng giữa B và C. A không được chỉ định là người bảo hành trong hợp đồng giữa B và C. Tuy nhiên trong hợp đồng giữa A và B thì không ai khác ngoài A sẽ là người bảo hành cho phần thiết bị mà A cung cấp. Vậy theo trách nhiệm bảo hành bắc cầu giữa hai hợp đồng thì A đúng là người bảo hành và chịu trách nhiệm khắc phục không những chỉ bản thân sai hỏng này mà còn cả những trách nhiệm liên đới khác nếu có. Mặc nhiên, vấn đề nằm ở chỗ. Thứ nhất, tại thời điểm xảy ra sự cố, thời hạn bảo hành trong hợp đồng giữa B và C cũng như thời hạn bảo hành trong hợp đồng giữa A và B đã kết thúc. Thứ hai, nguyên nhân sự cố không phải do thiết bị của A cung cấp (ổ bi này do B mua của một nhà cung cấp khác để lắp cho C). Cũng cần lưu ý thêm, việc lắp ráp lại cũng do B thực hiện thông qua một hợp đồng với một nhà thầu chuyên lắp ráp riêng. Có nhiều ý kiến tham khảo cho rằng, có thể do lỗi trong quá trình lắp ráp, cũng có thể do lỗi của việc chế tạo ổ đỡ vòng bi (phần này do A chế tạo) và đây cũng chỉ là những ý kiến không chính thống và chưa có cơ sở xác thực những nguyên nhân này.
    Bác có nói đến thời gian hiệu lực của hợp đồng kinh tế trước ngày 1/1/2006, thì quả thực việc này xảy ra ở tháng 10 năm 2005. Nhưng như tôi đã nói là chúng tôi không lập hợp đồng kinh tế hồi tháng 10 năm 2005, vậy thì tôi có thể không vận dụng được gì với thời điểm hiệu lực hợp đồng này?
    Thứ tư là với bác kevenmitknick:
    Cảm tạ những ý kiến rất chuyên môn của bác .
    Trước những câu hỏi của bác, tôi xin trả lời bổ sung như sau;
    - Trong hợp đồng giữa A và B, A phải bảo hành cho phần thiết bị mà mình chế tạo (cái gối đỡ vòng bi mà phải sửa chữa, chính là phần mà A chế tạo - tuy nhiên chi tiết này cũng đã hết thời hạn bảo hành 12 tháng, như tôi đã nói trên).
    - Trong quá trình sửa chữa, B đã cung cấp vòng bi mới (vì vòng bi cũ đã bị vỡ). Tôi chưa tìm hiểu xem B có tính tiền vòng bi mới với C không (hình như là không, vì tại thời điểm đó tôi biết sơ sơ là vòng bi đó nằm trong danh mục phụ tùng thay thế dự phòng).
    - Số tiền mà A yêu cầu C thanh toán chỉ đơn thuần là tiên công sửa chữa.
    - Ngoài ra cũng xin tiết lộ với các bác là số tiền công sửa chữa yêu cầu thanh toán này chỉ tầm mấy chục triệu thôi, chứ cũng không phải là quá lớn, nhưng mà ức nỗi là họ không chịu hợp tác nhiệt tình để giải quyết một cách đàng hoàng.
    Tổng hợp những ý kiến của các bác, tôi đang muốn chắp mối một cuộc đàm phán ba bên để giải quyết bằng thương lượng, nhưng mà qua trao đổi sơ bộ thì dường như họ đang làm cao với mình, bằng cung cách có vẻ rất trịch thượng thế mới cay mũi chứ.
    Dẫu sao cũng xin, một lần nữa, cảm ơn các bác rất nhiều. Có thể tới đây lại phải phiền các bác ra tay giúp cho một vụ khác - vụ này tình tiết phức tạp gấp trăm lần mà tiền thì tính bằng trăm ngàn đô, với đối tượng hoàn toàn là "tây".
    Nếu ngôn từ của tôi là ngô nghê trước cái nhìn của dân luật thì cũng mong các bác bỏ quá cho nhé - tôi là người ngoại đạo mà.
    Được tieulaophu sửa chữa / chuyển vào 10:50 ngày 02/12/2006

Chia sẻ trang này