1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày này - Năm xưa

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 01/01/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    03/10
    Ngày 03/10/1947, chiếc gương cầu đường kính 200 inch (khoảng 5 m) của kính thiên văn Hale đã hoàn thành sau gần 13 năm chế tạo.
    [​IMG]
    Ảnh: Chiếc gương 200 inch trong quá trình vận chuyển​
    Quá trình chế tạo chiếc gương bắt đầu từ ngày 02/12/1934, Ban đầu, 20 tấn thủy tinh Pyrex nóng chảy có nhiệt độ 2700 Fahrenheit (~ 1482 độ C) đã được đổ vào một khuôn bằng gốm. Trong 11 tháng tiếp theo, nhiệt độ của phôi gương được giảm rất chậm, từ 1 đến 2 độ mỗi ngày. Quá trình mài và mạ gương được bắt đầu từ tháng 4 năm 1936.
    Ý tưởng chế tạo 1 chiếc kính thiên văn phản xạ đường kính 200 inch đã được George Ellery Hale đưa ra vào tháng 4 năm 1928. Dự án này đã được quỹ Rockefeller tài trợ với tổng trị giá là 6 triệu USD (tính theo thời giá lúc bấy giờ) bao gồm việc chế tạo kính, đài thiên văn và các thiết bị phụ trợ kèm theo. Đài thiên văn được xây dựng ở đỉnh núi Palomar, thuộc quyền sử dụng của học viện Công nghệ California. Do ảnh hưởng của Thế chiến II, cho đến năm 1948, dự án mới hoàn thành.
    Chiếc kính thiên văn được đặt theo tên người sáng lập ra dự án ?" George Ellery Hale. Edwin Powell Hubble là người sử dụng chiếc kính này (ngày 01/02/1949). Kính thiên văn Hale giữ kỷ lục về đường kính gương cầu trong vòng 28 năm, từ năm 1948 cho đến khi chiếc kính BTA-6 (đường kính 6 m) của Liên Xô được chế tạo xong.
    [​IMG]
    Ảnh: Kính thiên văn Hale​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 03 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_03.htm
    [1]National Park Service, 11/2001. Palomar Observatory 200-inch Reflector, http://www.nps.gov/history/history/online_books/butowsky5/astro4e.htm
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    07/10
    (Những bài viết liên quan đến ngày 04/10, 05/10 và 06/10 tôi sẽ bổ sung sau khi hoàn thành)
    Ngày 07/10/1959, tàu vũ trụ Luna-3 của Liên Xô đã lần đầu tiên chụp được những bức ảnh nửa bị che khuất của Mặt Trăng.
    [​IMG]
    Ảnh: Luna-3​
    Luna-3 là tàu vũ trụ không người lái thứ 7 thuộc chương trình Luna và là tàu thứ 3 được phóng thành công. Luna-3 được phóng về phía Mặt Trăng ngày 04/10/1959 bằng tên lửa R-7. Ngày 06/10/1959, tàu vũ trụ đã tiếp cận Mặt Trăng ở khoảng cách gần nhất khoảng 6200 km. Theo như kế hoạch đặt ra, Luna-3 tiếp tục bay qua (fly by) Mặt Trăng. Ngày 07/10/1959, Luna-3 đã bay sang phía bị che khuất của Mặt Trăng và bắt đầu quá trình chụp ảnh. 29 bức ảnh đã được chụp trong vòng 40 phút với khoảng cách gần nhất là 63500 km, xa nhất là 66700 km. Dựa trên các bức ảnh này, các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ khoảng 70% bề mặt bị che khuất của Mặt Trăng.
    Sau khi bay qua Mặt Trăng, Luna-3 hướng về Trái Đất. Sau 1 số lần thất bại, quá trình truyền dữ liệu đã thực hiện xong vào ngày 18/10. Trạm điều khiển mặt đất mất tín hiệu với Luna-3 vào ngày 22/10. Có 2 giả thiết về sự kết thúc của Luna-3: hoặc là bị đốt cháy trong bầu khí quyển Trái Đất trong thời gian khoảng tháng 3, tháng 4 năm 1960; hoặc là còn tiếp tục chuyển động trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất và bị đốt cháy trong khoảng sau năm 1962.
    [​IMG]
    Ảnh: Bức ảnh đầu tiên chụp bề mặt bị che khuất của Mặt Trăng​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 07 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_07.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Luna 3, http://en.wikipedia.org/wiki/Luna_3
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 10:31 ngày 07/10/2007
  3. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    08/10
    Ngày sinh nhà hóa học, thiên văn học người Đan Mạch Ejnar Hertzsprung (08/10/1873 ?" 21/10/1967)
    [​IMG]
    Ảnh: Ejnar Hertzsprung (08/10/1873 ?" 21/10/1967)​
    Hertzsprung sinh ra ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa học, ông đến làm việc tại St. Peterburg. Năm 1901, ông quay trở lại Đan Mạch và bắt đầu chuyển sang thiên văn học. Năm 1909, ông được nhà thiên văn Karl Schwarzchild mời đến làm việc tại Göttingen. Cuối năm đó, cả 2 người đều chuyển đến đài vật lý thiên văn Postdam. Từ năm 1919, ông làm giám đốc đài thiên văn Leiden, Hà Lan và đảm nhiệm chức vụ giám đốc từ năm 1937 cho đến khi nghỉ hưu năm 1946. Quay trở lại Đan Mạch, ông vẫn tiếp tục làm việc cho tận đến những năm cuối đời.
    Trong giai đoạn từ năm 1911 đến 1913, cùng với nhà thiên văn học Hoa Kỳ Henry Norris Russell, Hertzsprung đã xây dựng và hoàn thiện biểu đồ biểu diễn sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố: cấp sao tuyệt đối, độ trưng, loại và nhiệt độ bề mặt của các ngôi sao. Biểu đồ này đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu sự tiến hóa của các ngôi sao và đã được đặt theo tên 2 tác giả.
    Năm 1913, Hertzsprung đã dùng phương pháp thị sai đo được khoảng cách đến 1 số biến tinh Cepheid trong Ngân Hà. Các kết quả của Hertzsprung đã cho phép so sánh và hiệu chỉnh phương pháp xác định khoảng cách dựa vào biến tinh Cepheid do Herietta Swan Leavitt tìm ra (1). Ông đã dùng phương pháp này với các thông số của mình để xác định khoảng cách đến đám mây Magienlan nhỏ (2). Hertzsrpung đã xác định được chuyển động riêng, màu sắc và cấp của hàng nghìn ngôi sao trọng cụm sao Pleiades. Ông cũng đã khảo sát khoảng một ngàn hệ sao đôi quang học và phát hiện ra 2 tiểu hành tinh.
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 1693 Hertzsprung) và biểu đồ do ông cùng Russell xây dựng lên.
    [​IMG]
    Ảnh: Biểu đồ Hertzsprung - Russell​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 08 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_08.htm
    [2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Ejnar Hertzsprung, http://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Hertzsprung/index.html
    ====
    Ghi chú:
    (1) Nhà thiên văn học Hoa Kỳ Henrietta Swan Leavitt đã phát hiện ra một số ngôi sao biến quang có độ trưng tỷ lệ thuận với độ dài chu kỳ. Sau hàng loạt những nghiên cứu, năm 1912, bà đã tìm ra mối liên hệ về độ trưng tuyệt đối và chu kỳ của một số ngôi sao biến quang. Các ngôi sao kiểu này được gọi là các sao biến quang Cepheid. Phát hiện của Leavitt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thiên văn học. Dựa vào việc quan sát chu kỳ của sao biến quang Cepheid, người ta có thể xác định độ trưng tuyệt đối của nó. Dựa trên mối tương quan giữa độ trưng biểu kiến (do quan sát) và độ trưng tuyệt đối (tính ra được), có thể xác định được rất chính xác khoảng cách từ Trái Đất đến ngôi sao
    (2) Tham khảo thêm 1 số tài liệu khác, có vẻ như là Hertzsprung đã có những sai sót và khoảng cách ông thu được nhỏ hơn nhiều so với thực tế. Do đó, kết quả của Hertzsprung đã không sớm chấm dứt được cuộc tranh luận về quy mô Ngân Hà trong những năm đầu thế kỷ XX
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 23:39 ngày 08/10/2007
  4. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    09/10
    Ngày 09/10/1604, supernova SN-1604 (Kepler ''s Supernova) đã bắt đầu tỏa sáng đến mức được chú ý và xác định là một «ngôi sao mới».
    [​IMG]
    Ảnh: Tàn tích SN-1064 (tổng hợp từ kết quả quan sát của các kính Hubble, Chandra và Spitzer​
    SN-1064 là một sao siêu mới (supernova, sinh ra do sự kết thúc cuộc đời của ngôi sao dưới dạng một vụ nổ) trong dải Ngân Hà, cách Trái Đất khoảng 20 nghìn năm ánh sáng. Trên bầu trời, SN-1064 nằm trong chòm sao Ophiuchus. Cấp sao biểu kiến cực đại SN-1604 đạt được là vào khoảng từ -2.25 đến -2.5. Supernova này đã tỏa sáng trên bầu trời Trái Đất cho đến tháng 3 năm 1606.
    Theo các tài liệu ghi chép lại, SN-1064 được ghi nhận đầu tiên bởi các nhà quan sát tại miền bắc Italia, sau đó là đến các nhà quan sát tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Tại Prague, Johannes Kepler cũng đã nhận được thông tin về sự xuất hiện của ngôi sao siêu mới, tuy nhiên, do lý do thời tiết, ông chỉ có thể bắt đầu các quan sát của mình từ ngày 17/10 cùng năm. Ông đã quan sát rất chi tiết supernova này và tổng hợp các kết quả trong cuốn sách «De Stella nova in pede Serpentarii» (Tạm dịch «Ngôi sao mới xuất hiện ở chân của người xà phu»(1)). Vì lý do trên, tuy không phải là người đầu tiên phát hiện ra SN-1064 nhưng tên của Kepler đã được dùng để đặt cho supernova này. Ngày nay, tàn tích của SN-1064 là một trong những những đối tượng được quan sát nhiều nhất bởi các dụng cụ thiên văn hiện đại. Đó được coi là một «vật mẫu» tiêu biểu cho những nghiên cứu về supernova
    [​IMG]
    Ảnh: Vị trí của SN-1064 do Johannes Kepler ghi lại (vị trí có chữ N tại dòng thứ 4 từ dưới lên, cột thứ 4 từ trái sang)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 09 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_09.htm
    [2]Wikipedia, 07/2007. SN 1064, http://en.wikipedia.org/wiki/SN_1604
    Ghi chú
    (1) «Xà Phu» hay «Người Cầm Rắn» là biểu tượng của chòm sao Ophiuchus
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    10/10
    Ngày 10/10/1846, nhà thiên văn người Anh William Lassell đã khám phá ra Triton, vệ tinh lớn nhất của Sao Hải Vương.
    [​IMG]
    Ảnh: Một trong những bức ảnh tàu Voyager-2 chụp Triton​
    Sau khi nhận được tin Johann Gottfried Galle xác định thành công vị trí của Sao Hải Vương dựa trên những tính toán của Urbain Le Verrier, John Herschel đã đề nghị William Lassell thực hiện quá trình tìm kiếm vệ tinh của hành tinh này. Chỉ 17 ngày sau khi Sao Hải Vương được tìm ra, vệ tinh lớn nhất của nó đã được phát hiện. Trong thần thoại Hy Lạp, Triton là con trai của thần Poseidons (tương ứng với thần Neptune trong thần thoại La Mã).
    Triton có bán kính khoảng 1353 km, nhỏ hơn Mặt Trăng một chút. Chu kỳ quay quanh trục và chu kỳ chuyển động xung quanh Sao Hải Vương của Triton bằng nhau và bằng 5 ngày 21 giờ Trái Đất. Tuy nhiên, Triton chuyển động trên quỹ đạo ngược với chiều quay tự của hành tinh mẹ (retrograde orbit). Thành phần chủ yếu của Triton là đá và nước dưới dạng băng. Bầu khí quyển của Triton rất loãng (áp suất bề mặt khoảng 0.01 milibar) với thành phần chủ yếu là nitơ và mêtan. Tàu thăm dò Voyager 2 đã phát hiện ra các hoạt động phun trào trên vệ tinh này. Các luồng khí nitơ lỏng, bụi và mêtan phun ra từ trong lòng Titan có thể đạt đến độ cao 8 km.
    [​IMG]
    Ảnh: Hoạt động phun trào trên bề mặt Triton (ảnh minh họa)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 10 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_10.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Triton (moon), http://en.wikipedia.org/wiki/Triton_%28moon%29
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    11/10
    Ngày sinh nhà thiên văn học người Đức Heinrich Wilhelm Matthäus Olbers (11/10/1758 ?" 02/03/1840)
    [​IMG]
    Ảnh: Heinrich Wilhelm Matthäus Olbers (11/10/1758 ?" 02/03/1840)​
    Heinrich Olber sinh ra ở Arbergen, tây bắc nước Đức. Ông học đại học chuyên ngành dược ở Bremen và sau đó trở thành một thầy thuốc. Đam mê thiên văn, Olbers đã cải tiến tầng thượng của ngôi nhà của mình thành một đài quan sát. Ông đã phát hiện ra được hai trong 4 tiểu hành tinh đầu tiên: Vesta (năm 1802) và Pallas (năm 1807). Ông đã đưa ra giả thiết về sự tồn tại của một hành tinh trong vùng không gian giữa Sao Hỏa và Sao Thổ. Hành tinh này đã bị vỡ tan, tạo ra vành đai tiểu hành tinh. Tuy nhiên, giả thiết này đã không còn được chấp nhận trong thiên văn học hiện đại.
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 1002 Olbersia), một vùng tối trên bề mặt tiểu hành tinh Vesta và một sao chổi (13P/Olbers).
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 11 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_11.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Heinrich Wilhelm Matthäus Olbers, http://en.wikipedia.org/wiki/Heinrich_Wilhelm_Matth%C3%A4us_Olbers
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 16:46 ngày 11/10/2007
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    12/10
    Ngày 12/10/1964, Liên Xô đã phóng thành công tàu vũ trụ Voskhod-1 (Rạng Đông 1)
    [​IMG]
    Ảnh: Voskhod-1​
    Voskhod-1 là tàu vũ trụ đầu tiên trên Thế giới cho phép chở theo nhiều nhà du hành. Phi hành đoàn bao gồm 3 người:
    + Vladimir Komarov: phi công
    + Konstantin Feoktistov: nhà khoa học không gian, sau này đảm nhiệm vai trò tổng công trình sư trong việc thiết kế các tàu và trạm vũ trụ thuộc dự án Salyut và Mir
    + Boris Yegorov: bác sĩ
    Các tàu Voskhod được cải tiến dựa trên cơ sở các tàu Vostok. Khoang lái cho phép chở theo nhiều nhà du hành và có khả năng hạ cánh mềm bằng tên lửa hãm (1). Do Voskhod-1 trở theo đến 3 người nên phi hành đoàn đã không thể mặc bộ quần áo du hành. Đây là một bước mạo hiểm của Liên Xô nhưng đã thu được thành công, một lần nữa, Liên Xô lại «ghi điểm» trước Hoa Kỳ trong cuộc đua lên không gian (2)
    Theo kế hoạch, Feoktistov và Yegorov sẽ tiến hành các thí nghiệm vật lý và sinh học. Tuy nhiên, sau khi Voskhod-1 được phóng lên không lâu thì ở Liên Xô đã có biến động chính trị. Tổng Bí Thư kiêm Thủ Tướng Nikita Khruschev đã bị buộc phải từ chức. Ngày 13/10, sau 24 giờ 17 phút, 3 nhà du hành đã hạ cánh an toàn. Tổng cộng Voskhod-1 đã bay 16 vòng quanh Trái Đất.
    [​IMG]
    Ảnh: Phi hành đoàn Voskhod-1, từ trái qua phải: Feoktistov, Komarov và Yegorov​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 12 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_12.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Voskhod 1, http://en.wikipedia.org/wiki/Voskhod_1
    =====
    Ghi chú
    (1) Sau khi đã hạ cánh xuống một độ cao nhất định, phi công trên tàu vũ trụ Vostok sẽ thoát ra ngoài khoang lái và tiếp đất bằng dù
    (2) Sau 2 lần thử nghiệm với các tàu không người lái, ngày 23/03/1965, NASA đã phóng thành công Gemini-3. Gemini-3 chở theo hai nhà du hành Virgil I. Grissom và John W. Young. Đây là tàu vũ trụ có nhiều người lái đầu tiên của NASA được phóng lên không gian.
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 00:00 ngày 13/10/2007
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 23:25 ngày 15/10/2007
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    13/10
    Ngày 13/10/1884, kinh tuyến Greenwich đã được chính thức công nhận là kinh tuyến gốc
    [​IMG]
    Ảnh: Đường thẳng đánh dấu kinh tuyến Greenwich​
    Tháng 10 năm 1884, tổng thống Hoa Kỳ Chester A. Arthur đã chỉ đạo việc tổ chức Hội thảo quốc tế về Kinh tuyến (International Meridian Conference) tại Washinton, DC. Tham dự hội thảo có 41 nhà khoa học đến từ 25 quốc gia. Quyết định lựa chọn kinh tuyến Greenwich làm kinh tuyến gốc đã được thông qua với 22 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Hội thảo cũng thống nhất xác định thêm 180 kinh tuyến nữa trên mỗi bán cầu Đông và Tây. Tuy nhiên, Pháp đã không công nhận kết quả này và tiếp tục sử dụng kinh tuyến Paris như là kinh tuyến gốc cho đến tận năm 1914.
    Ngày nay, trong lĩnh vực định vị, vai trò của kinh tuyến Greenwich đã bị thay thế bởi «kinh độ 0» dùng trong Hệ thống Đo đạc toàn cầu (World Geodetic System). «Kinh độ 0» của Hệ thống Đo đạc toàn cầu cách kinh tuyến Greenwich 102.5 mét về phía Đông.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 13 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_13.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Prime Meridian, http://en.wikipedia.org/wiki/Prime_Meridian
  9. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    14/10
    Ngày mất nhà thiên văn vật lý người Anh Martin Ryle (27/09/1918 ?" 14/10/1984)
    [​IMG]
    Ảnh: Martin Ryle (27/09/1918 ?" 14/10/1984)​
    Martin Ryle sinh ra tại thành phố Brighton, phía nam nước Anh. Năm 1939, sau khi tốt nghiệp trường đại học Oxford chuyên ngành vật lý, ông đã tham gia nhóm nghiên cứu chế tạo radar trong suốt thế chiến thứ II. Chiến tranh kết thúc, ông làm việc tại phòng thí nghiệm ****ndish, đại học Cambridge. Ryle là giảng viên vật lý trường Cambridge từ năm 1948 đến năm 1959. Năm 1952, ông được bầu là thành viên hội Hoàng gia Anh. Năm 1957, ông được bổ nhiệm làm giám đốc đài thiên văn vô tuyến Mullard. Ông giữ chức vụ «nhà thiên văn hoàng gia» từ năm 1972 đến năm 1982. Ryle là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực thiên văn vô tuyến. Ông đã tham gia nghiên cứu, phát triển và xây dựng nhiều thiết bị, đồng thời chỉ đạo nhóm nghiên cứu tại đại học Cambridge biên soạn những cuốn danh mục đầu tiên về các nguồn bức xạ vô tuyến.
    Với những đóng góp của mình, Ryle đã được trao tặng nhiều huy chương, giải thưởng, trong đó đáng chú ý nhất là giải Nobel vật lý năm 1974 (1). Tên ông được đặt cho một dãy 8 ăngten của đài thiên văn vô tuyến Mullard.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 14 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_14.htm
    [2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Martin Ryle, http://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Ryle/index.html
    [3]Wikipedia, 08/2007. Martin Ryle, http://en.wikipedia.org/wiki/Martin_Ryle
    =====
    Ghi chú
    (1) Năm 1974, giải Nobel vật lý được trao tặng cho Martin Ryle và Antony Hewish (mỗi người ½ giải thưởng) vì những nghiên cứu đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực vật lý thiên văn vô tuyến (radio astrophysics)
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 23:24 ngày 15/10/2007
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    15/10
    Ngày sinh nhà thiên văn học Hoa Kỳ Asaph Hall (15/10/1829 ?" 22/11/1907)
    [​IMG]
    Ảnh: Asaph Hall (15/10/1829 ?" 22/11/1907)​
    Asaph Hall sinh ra ở bang Connecticut, đông bắc Hoa Kỳ. Mồ côi cha từ năm 13 tuổi, Hall đã phải bỏ học để giúp đỡ gia đình. Sau đó, ông tự học rất nhiều, thu được học vấn ở bất kỳ chỗ nào, nơi này một chút, nơi kia một chút. Sau 1 thời gian đi làm, Hall đã tiếp tục quá trình học tập tại trường cao đẳng McGrawville, New York. Năm 1856, ông bắt đầu làm việc tại đài thiên văn Harvard và nhanh chóng trở thành một chuyên gia trong việc tính toán quỹ đạo thiên thể. Năm 1862, ông đến làm phụ tá tại đài thiên văn Hải quân. Một năm sau, ông chính thức được bổ nhiệm chức vụ giáo sư thiên văn.
    Năm 1875, Hall được giao quyền sử dụng chiếc kính thiên văn khúc xạ 66 cm của đài thiên văn Hải quân (kính thiên văn khúc xạ lớn nhất Thế giới tại thời điểm đó). Năm 1876, ông đã phát hiện ra một đốm trắng trên bề mặt Sao Thổ và đã sử dụng nó để tính ra được chu kỳ tự quay của hành tinh này. Tháng 8 năm 1877, ông đã phát hiện ra hai vệ tinh Phobos và Deimos của Sao Hỏa:
    ?oHolơ bắt đầu công việc tìm kiếm vào đầu tháng tám khi Sao Hỏa cách Trái đất một khoảng thuận lợi và ông làm việc rất có phương pháp. Vào khoảng 11 tháng tám, Sao Hỏa tiến gần tới mức ánh sáng của nó bắt đầu gây trở ngại cho sự quan sát của Holơ. Sao Hỏa hiển nhiên không có vệ tinh. Chán quá, là một người khám phá ra một vệ tinh thì dễ chịu thật; nhưng đành phải chịu thôi, Holơ quyết định như vậy. Ông về nhà kể lại với vợ.
    Rồi câu chuyện tiếp diễn như sau. Bà Holơ bảo : ?oMình hãy cố gắng chỉ thêm một đêm nữa thôi?
    Holơ tán thành thử thêm một đêm nữa để chiều vợ. Ông trở lại quan sát, nhìn qua kính viễn vọng, và có một vật gì kìa !
    Không may, mây kéo đến. Ông phải đợi năm ngày để có dịp quan sát trở lại. Ngày 16 tháng 8, ông nhìn qua kính viễn vọng và thấy nó ở đấy thật; rồi ngày 17, ông thấy một vật thể khác. Sao Hỏa không những có một mặt trăng, mà hai cơ. Holơ đặt tên chúng là Phôbôt và Đêmôt, theo tên hai người con của thần chiến tranh Mac, theo thần thoại Hy Lạp cổ. Theo tiếng Hy Lạp, Phôbôt có nghĩa là ?osợ hãi?, còn Đêmôt là ?okhủng khiếp?, hai dứa con xứng đáng của thần chiến tranh?
    [3]
    Hall cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu trong việc khảo sát quỹ đạo của các vệ tinh khác trong hệ Mặt Trời, của các hệ sao đôi, đo đạc khối lượng Sao Hỏa.
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên vệ tinh Phobos. Tên vợ ông (bà Chloe Angeline Stickney Hall) cũng được đặt cho crater có kích thước lớn nhất trên bề mặt Phobos : crater Stickney
    [​IMG]
    Ảnh: Chloe Angeline Stickney Hall (01/11/1830 ?" 03/07/1892)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. October 15 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_15.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Asaph Hall, http://en.wikipedia.org/wiki/Asaph_Hall
    [3]Issac Asimov, Hệ Mặt Trời, Người dịch Đắc Lê. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1980
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 23:13 ngày 16/10/2007

Chia sẻ trang này