1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày này - Năm xưa

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 01/01/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    25/11
    Ngày sinh luật sư, nhà thiên văn học Hoa Kỳ Lewis Morrius Rutherfurd (25/11/1816 ?" 30/05/1892)
    [​IMG]
    Ảnh: Lewis Morrius Rutherfurd (25/11/1816 ?" 30/05/1892)​
    Lewis Rutherfurd sinh ra tại bang New York, đông bắc Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp trường cao đẳng Williams bang Massachusetts năm 1834 và trở thành một luật gia. Tuy nhiên đến năm 1849, ông đã từ bỏ ngành luật chuyển sang nghiên cứu khoa học, đặc biệt là thiên văn. Rutherfurd là một trong những người đầu tiên nghiên cứu thiên văn bằng cách phân tích quang phổ. Ông là người thiết kế ra chiếc kính thiên văn chuyên dụng đầu tiên dùng cho việc chụp ảnh thiên thể, đồng thời phát minh ra 1 số thiết bị sử dụng trong lĩnh vực này của thiên văn học.
    Rutherfurd đã tự xây dựng một đài thiên văn nhỏ ở sau nhà. Với những thiết bị của mình, ông đã chụp rất nhiều bức ảnh Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh, các ngôi sao mờ và các cụm sao với chất lượng cao. Ông cũng đã tiến hành việc phân loại các ngôi sao dựa trên quang phổ của chúng. Những kết quả của ông sau này được nhà thiên văn người Italia Angelo Secchi hoàn thiện và đưa ra bảng phân loại sao dựa trên kiểu phổ đầu tiên vào năm 1867. Từ năm 1858 đến năm 1884, Rutherfurd làm việc trong ban quản trị của trường đại học Columbia. Ông đã hiến tặng tất cả những bức ảnh của mình cho trường đại học. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, đồng thời là thành viên của hội Thiên văn Hoàng gia Anh.
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một chức danh giáo sư tại khoa Thiên văn học trường đại học Columbia (Rutherfurd Professor)
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. November 24 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/11/11_24.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Lewis Morris Rutherfurd, http://en.wikipedia.org/wiki/Lewis_Morris_Rutherfurd
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    26/11
    Ngày sinh nhà thiên văn học Thụy Điển Bertil Lindblad (26/11/1895 ?" 26/06/1965)
    [​IMG]
    Ảnh: Bertil Lindblad (26/11/1895 ?" 26/06/1965)​
    Bertil Lindblad sinh ra ở -rebro, miền trung Thụy Điển. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đại học Uppsala, ông tiếp tục ở lại trường tham gia công tác giảng dạy. Năm 1927, ông được bổ nhiệm là giám đốc đài thiên văn Stockholm. Lindblad đã đảm nhiệm chức vụ này cho đến khi qua đời.
    Lindblad tập trung vào nghiên cứu lý thuyết về chuyển động quay của các ngôi sao trong thiên hà. Bằng việc phân kích kỹ lưỡng chuyển động biểu kiến của các ngôi sao gần Mặt Trời, Lindblad đã đưa ra kết luận: chuyển động quay của những ngôi sao gần tâm Ngân Hà hơn sẽ nhỏ hơn. Kết luận này sau đó đã được Jan Oort khái quát thành học thuyết về chuyển động vi phân của các thiên hà. Lindblad là người ủng hộ và xác thực những kết luận của Harlow Shapley về vị trí của Mặt Trời trong Ngân Hà (1)
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 1448 Lindbladia)
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. November 26 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/11/11_26.htm
    [2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Bertil Lindblad, http://www.phys-astro.sonoma.edu/brucemedalists/lindblad/
    [3]Wikipedia, 10/2007. Bertil Lindblad, http://en.wikipedia.org/wiki/Bertil_Lindblad
    =====
    Ghi chú
    (1) Shapley đã đưa ra cấu trúc tổng quát khá chính xác của Ngân Hà (có dạng đĩa dẹt, phần tâm nằm ở hướng chòm sao Sagittarius, Mặt Trời không nằm ở tâm Ngân Hà..), tuy nhiên các số liệu về kích thước lại không đúng. Ông đã không tính đến chuyện ánh sáng từ các ngôi sao, cụm sao đã bị các đám khí và bụi hấp thụ một phần cho nên những số liệu về kích thước tính ra được đều lớn hơn thực tế.
  3. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    27/11
    Ngày sinh nhà thiên văn học Thụy Điển Anders Celsius (27/11/1701 ?" 25/04/1744)
    [​IMG]
    Ảnh: Anders Celsius (27/11/1701 ?" 25/04/1744)​
    Anders Celsius sinh ra tại thành phố Uppsala, đông Thụy Điển. Ông nội, ông ngoại và cha của ông đều là giáo sư toán hoặc thiên văn. Celsius đã bộc lộ những khả năng trong lĩnh vực khoa học từ khi còn nhỏ, năm 29 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm giáo sư thiên văn đại học Uppsala. Từ năm 1732, ông tiến hành một chuyến đi kéo dài 3 năm, thăm quan hầu hết những đài thiên văn nổi tiếng và làm việc với những nhà thiên văn hàng đầu châu Âu thế kỷ XVIII. Năm 1736, ông tham gia vào đoàn thám hiểm do nhà thiên văn Pháp Maupertuis dẫn đầu. Đoàn thám hiểm đã đi đến miền cực bắc của Thụy Điển, tiến hành đo đạc độ dài của cung 1 độ thuộc đường kinh tuyến tại khu vực gần địa cực. Cùng lúc này, một đoàn thám hiểm khác cũng tiến hành những đo đạc tương tự tại một vùng đất gần xích đạo (nay thuộc Ecuador). Kết quả tổng hợp từ hai đoàn thám hiểm đã góp phần khẳng định quan điểm của Newton về hình dạng của Trái Đất (có dạng hình ellipsoid, bẹt ở hai địa cực). Trở nên nổi tiếng sau chuyến thám hiểm, Celsius đã vận động cho việc xây dựng một đài thiên văn ở Uppsala. Năm 1741, đài thiên văn Celsius đã khánh thành và đi vào hoạt động với các thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ. Cùng với trợ lý là Olof Hjorter, Celcius đã khẳng định sự liên quan giữa hiện tượng cực quang và từ trường. Ông đã đưa ra bảng danh mục độ trưng của khoảng 300 ngôi sao với sai số trung bình so với các giá trị đo hiện đại vào khoảng 0.4 cấp sao. Ông cũng đã rất nỗ lực trong việc đưa lịch Gregorian vào Thụy Điển. Tuy nhiên, cho đến khi qua đời, ông vẫn chưa hoàn thành được việc này. Lịch Gregorian chỉ bắt đầu được sử dụng chính thưc ở Thụy Điển từ năm 1753.
    Celsius còn có những đóng góp rất lớn trong lĩnh vực địa lý và khí tượng. Ông giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập bản đồ tổng quan của Thụy Điển. Năm 1742, ông đã trình bày trước viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển ?othang nhiệt độ Celsius? với 0 độ tương ứng với nhiệt độ nước sôi và 100 độ tương ứng với nhiệt độ nước bắt đầu đóng băng. Sau khi ông qua đời, năm 1745, thang nhiệt độ đã được đảo ngược lại và được sử dụng rộng rãi đến ngày nay.

    Anders Celsius qua đời khi mới chỉ 42 tuổi vì bệnh lao phổi. Trong lĩnh vực thiên văn, tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. November 27 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/11/11_27.htm
    [2]Uppsala University - Astronomical Observatory. Anders Celsius, http://www.astro.uu.se/history/Celsius_eng.html
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 04:32 ngày 30/11/2007
  4. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    28/11
    Ngày 28/11/1964, NASA phóng thành công Mariner-4, tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận Sao Hỏa.
    [​IMG]
    Ảnh: Mariner-4​
    Mariner-4 là tàu thám hiểm liên hành tinh kiểu «bay qua» (fly-by). Tàu có dạng hình trụ bát giác với khối lượng tổng cộng 260.68 kg, hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời. Nhiệm vụ chủ yếu của Mariner-4 là bay qua và chụp ảnh bề mặt Sao Hỏa. Ngoài ra, tàu vũ trụ còn có nhiệm vụ khảo sát khoảng không gian lân cận hành tinh đỏ. Quá trình hoạt động của tàu cũng sẽ giúp cho các nhà khoa học tích lũy kinh nghiệm trong việc chế tạo các thiết bị hoạt động lâu dài ngoài không gian.
    Được phóng bằng hệ tên lửa đẩy Atlas/Agena-D, Mariner4 mất khoảng 7 tháng rưỡi để bay đến thiên thể mục tiêu. Ngày 14/7/1965, Mariner-4 bay qua Sao Hỏa, và lần đầu tiên nhân loại được nhìn những bức hình cận cảnh chụp bề mặt một hành tinh khác. Tổng cộng tàu vũ trụ đã chụp được khoảng 1% bề mặt Sao Hỏa. Tất cả những bức ảnh được lưu lại trong băng từ và sau đó đã được truyền thành công về Trái Đất. Sau khi bay qua Sao Hỏa, Mariner4 còn tiếp tục hoạt động được thêm gần 2 năm rưỡi nữa trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trời. Ngày 7/12/1967, nhiên liệu của hệ thống điều khiển độ cao đã cạn kiệt. Trong 2 ngày 10 và 11 tháng 12, Mariner-4 đã liên tiếp va chạm với nhiều thiên thạch nhỏ (tổng cộng có 83 va chạm đã được ghi nhận). Sau sự kiện này, quỹ đạo cũng như khả năng truyền tín hiệu của tàu vũ trụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 21/12/1967, trạm điều khiển mặt đất đã chấm dứt liên lạc với Mariner-4.
    [​IMG]
    Ảnh: Bức ảnh cận cảnh Sao Hỏa đầu tiên​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. November 28 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/11/11_28.htm
    [2]National Space Science Data Center (NSSDC), 27/11/2007. Mariner 4, http://nssdc.gsfc.nasa.gov/nmc/masterCatalog.do?sc=1964-077A
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 04:31 ngày 30/11/2007
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    29/11
    Ngày sinh nhà thiên văn học Anh Ernest William Brown (29/11/1866 ?" 22/07/1938)
    [​IMG]
    Ảnh: Ernest William Brown (29/11/1866 ?" 22/07/1938)​
    Enerst Brown sinh ra tại thành phố Hull, miền đông nước Anh. Năm 1887, ông tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành toán học tại trường cao đẳng Christ, đại học Cambridge. Brown tiếp tục học sau đại học tại Cambridge dưới sự hướng dẫn của nhà thiên văn George Howard Darwin. Trong giai đoạn này, ông được Darwin giao cho việc nghiên cứu các lý thuyết về Mặt Trăng của George William Hill. Năm 1891, ông tốt nghiệp thạc sĩ và chuyển đến làm việc tại trường cao đẳng Haverford, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm giáo sư toán học của trường.
    Tại Haverford, Brown tiếp tục việc nghiên cứu các lý thuyết về Mặt Trăng. Ông đã duyệt lại và khảo sát tỉ mỉ công trình của những nhà thiên văn tiền bối như: Hill, Delaunay, Hansen. Năm 1896, ông công bố tác phẩm : « An Introductory Treatise on the Lunar Theory » (Giới thiệu các luận thuyết về Mặt Trăng). Brown đã phát triển một lý thuyết mới, hoàn thiện hơn về Mặt Trăng. Trong lý thuyết của mình, ông đã tìm ra khoảng 1500 yếu tố gây ảnh hưởng đến chuyển động của Mặt Trăng. Năm 1907, ông chuyển đến đại học Yale. Trong 12 năm liên tục, ông đã tập trung vào công việc tính toán chi tiết các bảng vị trí của Mặt Trăng dựa trên lý thuyết mới của mình, có sự trợ giúp của máy tính bìa đục lỗ. Các kết quả tính toán của Brown có độ chính xác đến 0.01 arcsec.
    Brown còn có nhiều công trình nghiên cứu đối với nhóm các «tiểu hành tinh thành Troy», các vệ tinh của Sao Mộc và các hệ sao 3 thành viên (trinary star system).
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 1643 Brown)
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. November 29 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/11/11_29.htm
    [2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Ernest William Brown, http://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Brown/index.html
    [3]Wikipedia, 06/2007. Ernest William Brown, http://en.wikipedia.org/wiki/Ernest_William_Brown
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    30/11
    Ngày 30/11/1954, lần đầu tiên một trường hợp thiên thạch va chạm với người được ghi nhận.
    [​IMG]
    Ảnh: Bà Hodges và mảnh thiên thạch​
    Bà Ann Elizabeth Hodges ở bang Alabama, đông nam Hoa Kỳ, là người đầu tiên (và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại) được ghi nhận là bị một thiên thạch va phải. 14 giờ ngày 30/11/1954, một thiên thạch bay xuyên qua bầu khí quyển. Nó chói sáng đến mức có nhìn thấy từ vài bang nước Mỹ trong ánh sáng ban ngày. Phần còn lại của thiên thạch đã xuyên thủng mái nhà, phá hỏng 1 chiếc đài vỏ gỗ, đập vào tay và hông bà Hodges. Mặc dù bị thâm tím nhưng bà không bị 1 chấn thương nào nguy hiểm đến tính mạng.
    Phần còn lại của thiên thạch có khối lượng khoảng 4 kg, kích thước vào khoảng 15 cm. Người ta dự đoán tảng thiên thạch gốc phải nặng hơn 70 kg. Năm 1956, bà Hodges tặng mảnh thiên thạch cho bảo tàng tự nhiên Alabama. Nó vẫn được lưu giữ ở đây và được gọi là «thiên thạch Hodges» (Hodges Meteorite)
    [​IMG]
    Ảnh: thiên thạch Hodges​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. November 30 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/11/11_30.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. Ann Hodges, http://en.wikipedia.org/wiki/Ann_Hodges
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 22:59 ngày 03/12/2007
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    01/12
    Ngày mất Bernhard Woldemar Schmidt (30/03/1879 - 01/12/1935), thợ chế tạo thiết bị quang học người Estonia.
    [​IMG]
    Ảnh: Bernhard Woldemar Schmidt (30/03/1879 - 01/12/1935)​
    Bernhard Schmidt sinh ra tại đảo Naissaar, phía bắc thủ đô Tallinn của Estonia. Từ nhỏ, ông đã rất say mê tìm hiểu, thí nghiệm, mày mò chế tạo các thiết bị khoa học và quan sát thiên văn. Năm 15 tuổi, trong 1 lần nhồi thuốc súng, tai nạn đã xảy ra và Schmidt bị mất cánh tay phải. Năm 1895, ông chuyển đến sống tại Tallinn. Sau 1 thời gian làm thợ nhiếp ảnh và nhân viên thiết kế kỹ thuật, năm 1901, ông đến học tại trường đại học Kỹ thuật Chalmers, Thụy Điển. Chỉ 1 thời gian ngắn sau, Schmidt chuyển đến học tại Mittweida, Đức. Ngoài giờ học, Schmidt còn giành thời gian chế tạo các thiết bị quang học để bán cho những nhà thiên văn nghiệp dư. Các sản phẩm của ông có chất lượng rất tốt và được những giáo sư hàng đầu tại những đài thiên văn khắp nước Đức đánh giá rất cao. Sau khi tốt nghiệp, Schmidt thành lập công ty chế tạo thiết bị quang học phục vụ cho các quan sát thiên văn. Trong thời gian từ 1904 ?" 1914, công việc kinh doanh của ông rất thuận lợi. Schmidt không chỉ chế tạo ra các gương cầu chính xác nhất thời bấy giờ mà còn có khả năng hiệu chỉnh, cải tiến những thiết bị đã được chế tạo bởi những hãng khác. Bằng những thiết bị tự chế tạo, Schmidt đã tiến hành chụp những bức ảnh rất «ấn tượng» về Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh.
    Thế chiến thứ nhất nổ ra, công việc của Schmidt bị gián đoạn. Ông đã bị bắt và bị quản thúc 1 thời gian. Sau khi được thả, Schmidt cố gắng thiết lập lại công việc nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nước Đức vừa bại trận cần tiền để bồi thường chiến tranh, không thể chi trả cho các mục đích khoa học. Năm 1927, ông đến làm việc dài hạn tại đài thiên văn Hamburg. Trong những năm 1927, 1929, ông đã tham gia vào hai chuyến quan sát nhật thực do đài thiên văn tổ chức.
    Năm 1930, Schmidt chế tạo thành công «camera phản xạ trường nhìn rộng» (wide-angle reflective camera). Đây được đánh giá là phát minh quan trọng nhất của Schmidt, một phát minh gây ra «cuộc cách mạng» trong lĩnh vực thiên văn học và lĩnh vực chế tạo các thiết bị quang học nửa đầu thế kỷ XX. Schmidt đã giải quyết triệt để các vấn đề về quang sai cầu, quầng và loạn ảnh. Dựa trên mô hình và giải pháp của Schmidt, các nhà khoa học đã có thể chế tạo ra những chiếc kính thiên văn trường nhìn rộng có khả năng chụp ảnh với thời gian phơi sáng rất ngắn.
    Schmidt qua đời ở tuổi 56 vì bệnh viêm phổi. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hỏa.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. December 01 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/12/12_01.htm
    [2]Wikipedia, 11/2007. Bernhard Schmidt, http://en.wikipedia.org/wiki/Bernhard_Schmidt
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    02/12
    Ngày 02/12/1995, NASA và ESA đã phóng thành công tàu vũ trụ quan sát Mặt Trời và Nhật quyển SOHO (Solar and Heliopheric Observatory)
    [​IMG]
    Ảnh: SOHO quan sát Mặt Trời (ảnh minh họa)​
    SOHO là dự án quốc tế, được thực hiện và điều hành bởi NASA và ESA. ESA đảm trách việc chế tạo tàu vũ trụ. Việc phóng và điều hành hoạt động của tàu vũ trụ là trách nhiệm của NASA. Tổng cộng có hơn 200 nhà khoa học thuộc cả châu Âu và Hoa Kỳ tham gia chế tạo 12 thiết bị khoa học triển khai trên SOHO.
    Được phóng lên không gian bởi tên lửa Atlas IIAS, SOHO hoạt động trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trời với chu kỳ bằng đúng 1 năm Trái Đất. Vị trí của SOHO giao động xung quanh điểm cân bằng Lagrange L1 tạo bởi Mặt Trời và Trái Đất (1). Khoảng cách trung bình từ SOHO đến Trái Đất là 0.01 AU, từ SOHO đến Mặt Trời là 0.99 AU. Sau 12 năm, SOHO vẫn tiếp tục hoạt động với 3 nhiệm vụ chính sau:
    + Tìm hiểu cấu trúc và hoạt động của các lớp bên trong Mặt Trời
    + Tìm hiểu nguồn gốc của vành nhật hoa
    + Tìm hiểu nguồn gốc và sự gia tốc của gió mặt trời
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Kraig McNutt, Today in Space History, 2007. Archive for December, http://todayinspacehistory.wordpress.com/2007/12/
    [2]ESA and NASA, 05 Dec 2007, SOHO, Solar and Heliospheric Observatory, http://soho.esac.esa.int/home.html
    [3]Wikipedia, 11/2007. Solar and Heliospheric Observatory, http://en.wikipedia.org/wiki/SOHO_spacecraft
    =====
    Ghi chú
    (1) Giả sử ta có 2 vật khối lượng lớn, và một vật khối lượng nhỏ hơn hẳn hai vật đó, trong không gian sẽ tồn tại 5 điểm mà ở đó vật khối lượng nhỏ sẽ luôn duy trì vị trí tương đối so với 2 vật khối lượng lớn (L1 - L5). Một trong những ví dụ minh họa nổi tiếng nhất về điểm Lagrange đó là vị trí tương đối của Sao Mộc, Mặt Trời và tiểu hành tinh Asin. Quỹ đạo của Asin gần giống với quỹ đạo của Sao Mộc, tuy vậy, nó chẳng bao giờ đụng độ với Sao Mộc, bởi vì nó cách xa vị trí của Sao Mộc trên quỹ đạo hơn 650 triệu km, và nó luôn chuyển động với vận tốc bằng tốc độ của Sao Mộc cho nên nó cứ nằm cách Sao Mộc 650 triệu km. Nếu ta vẽ một đường xuất phát từ Mặt Trời tới Sao Mộc rồi kéo tới tiểu hành tinh Asin và quay trở lại Mặt Trời, thì sẽ được một tam giác đều. Lagrange đã chứng minh rằng một vị trí như vậy sẽ bền vững, cho nên những thiên thể cứ ở mãi các đỉnh của một tam giác đều tuy chúng vẫn chuyển động.
  9. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    03/12
    Ngày mất nhà thiên văn người Anh James Challis (12/12/1803 ?" 03/12/1882)
    [​IMG]
    Ảnh: James Challis (12/12/1803 ?" 03/12/1882)​
    James Challis sinh ra tại Braintree, đông nam nước Anh. Ông tốt nghiệp trường cao đẳng Trinity, đại học Cambridge năm 1825 và bắt đầu làm việc tại trường từ năm 1826. Năm 1836, ông được bổ nhiệm chức vụ giáo sư Plumian (1) về thiên văn. Cũng trong năm này, ông kế nhiệm George Biddell Airy làm giám đốc đài thiên văn Cambridge. Challis đã có nhiều công lao trong việc cải thiện các trang thiết bị của đài thiên văn và tiến hành các quan sát chính xác. Ông là một trong những người đầu tiên phát hiện sao chổi 3D/Biela bị vỡ ra làm hai vào năm 1846. Ông đã công bố hơn 60 bài báo khoa học về các kết quả quan sát sao chổi và tiểu hành tinh.
    Năm 1845, John Couch Adams đã thực hiện việc tính toán vị trí của «hành tinh thứ 8» dựa trên những sai khác trong quỹ đạo biểu kiến của Sao Thiên Vương. Adams đã trình bày những kết quả của mình với Challis nhưng có vẻ công trình của Adams chưa đủ sức thuyết phục. Đến cuối tháng 9 cùng năm, George Airy cũng đã trực tiếp trao đổi và yêu cầu Adams giải thích một số vấn đề. Adams đã viết nháp những câu trả lời, tuy nhiên lại không gửi đi. Trong khi đó, độc lập với Adams, Le Verrier cũng tiến hành tính toán quỹ đạo của ?ohành tinh thứ 8? và công bố các kết quả trong kỷ yếu của viện Hàn lâm Khoa học Paris tháng 11 năm 1845. Nhận thấy sự giống nhau giữa các số liệu tính toán của Adams và Le Verrier, Airy đã tổ chức một cuộc họp tại đài thiên văn Greenwich và yêu cầu Challis thực hiện việc kiểm tra các kết quả tính toán. Mặc dù được yêu cầu tiến hành ngay nhưng có vẻ Challis không quan tâm và đã không giành thời gian cho việc này. Ông chỉ thực sự tập trung quan sát từ cuối tháng 7/1846. Sau này, khi Sao Hải Vương được Johann Gottfried Galle của đài thiên văn Berlin xác định dựa trên các tính toán của Le Verrier (23/09/1846), Challis mới nhận thấy rằng ông đã hai lần đánh dấu vị trí của thiên thể này trong các ngày 8 và 12 tháng 8, nhưng không nhận ra đó là một hành tinh.
    Challis đã đánh mất cơ hội ghi danh vào lịch sử khi ông không tập trung hết sức cho việc tìm kiếm Sao Hải Vương. Thất bại này cũng làm ảnh hưởng khá nhiều đến danh tiếng của ông. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những đóng góp của ông cho thiên văn học. Đồng thời, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý và toán học. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. December 03 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/12/12_03.htm
    [2]Wikipedia, 11/2007. James Challis, http://en.wikipedia.org/wiki/James_Challis
    =====
    Ghi chú
    (1) Plumian Professor và Lowndean Professor là hai chức danh giáo sư cao nhất về Thiên văn học tại trường Cambridge. Plumian Professor tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong cả 2 lĩnh vực : Thiên văn và Triết học. Lowndean Professor tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong cả hai lĩnh vực: Thiên văn và Địa Lý.
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 00:16 ngày 10/12/2007
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    04/12
    Ngày 04/12/1996, NASA phóng thành công tàu thám hiểm Sao Hỏa Mars Pathfinder.
    [​IMG]
    Ảnh: Mars Pathfinder thám hiểm Sao Hỏa (ảnh minh họa)​
    Mars Pathfinder là tàu thám hiểm không người lái với nhiệm vụ nghiên cứu khí quyển, khí hậu, địa hình và phân tích thành phần đất đá của hành tinh đỏ. Đây là một trong số hàng loạt tàu vũ trụ không người lái được NASA phóng đến Sao Hỏa trong giai đoạn nửa cuối những năm 1990. Mars Pathfinder bao gồm một module đổ bộ và 1 xe tự hành (Sojourner). Với Mars Pathfinder, lần đầu tiên một xe tự hành được đưa lên bề mặt một hành tinh khác, đồng thời cũng là lần đầu tiên thử nghiệm thành công quá trình đổ bộ có sử dụng túi khí. Tổng kinh phí dành cho Mars Pathfinder ít hơn hẳn so với những dự án thám hiểm vũ trụ bằng tàu không người lái trước đó. Mars Pathfinder đã chứng minh tính khả thi của việc thám hiểm các thiên thể trong vũ trụ với nguồn kinh phí không quá cao. Điều này còn có ý nghĩa hơn nữa nếu để ý rằng, trước Mars Pathfinder, 2/3 số dự án thám hiểm Sao Hỏa đã gặp thất bại.
    Được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Delta II-7925, Mars Pathfinder mất 7 tháng để bay đến Sao Hỏa. Ngày 04/07/1997, module đổ bộ đã hạ cánh thành công xuống Thung lũng Thần chiến tranh (Ares Vallis), bắc bán cầu hành tinh đỏ. Ngày hôm sau, xe tự hành Sojourner rời khỏi module đổ bộ và bắt đầu quá trình di chuyển, phân tích các mẫu đất đá. Sojouner là một xe tự hành nhỏ, có 6 bánh, nặng 11kg trên Trái Đất. Tốc độ tối đa có thể đạt được của Sojouner là 0.6m/phút. Sojouner cũng là bước thử nghiệm cho việc thiết kế các xe tự hành cỡ nhỏ hoạt động trên Sao Hỏa. Các thành công của Sojouner là tiền đề quan trọng cho việc triển khai hai xe tự hành tiếp theo Spirit và Opportunity.
    Tổng cộng Mars Pathfinder đã truyền về Trái Đất 2.3 tỉ bit dữ liệu, trong đó có hơn 16500 bức ảnh do module đổ bộ chụp, 550 bức ảnh do Sojourner chụp, kết quả của 15 phân tích đối với các mẫu đất đá và rất nhiều thông tin liên quan đến các yếu tố khí hậu. Tín hiệu cuối cùng được truyền về Trái Đất vào ngày 27/09/1997. Sau 1 số lần tái thiết lập liên lạc không thành công, dự án Mars Pathfinder đã kết thúc vào ngày 10/03/1998. Đây được đánh giá là một trong những chương trình không gian thành công nhất của NASA. Module đổ bộ đã hoạt động trong thời gian dài gấp 3 lần, xe tự hành đã hoạt động trong thời gian dài gấp 12 lần so với kế hoạch.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Kraig McNutt, Today in Space History, 2007. Archive for December, http://todayinspacehistory.wordpress.com/2007/12/
    [2]NASA/JPL, NASA Facts, Mars Pathfinder, http://www.jpl.nasa.gov/news/fact_sheets/mpf.pdf
    [3]Wikipedia, 12/2007. Mars Pathfinder, http://en.wikipedia.org/wiki/Mars_Pathfinder

Chia sẻ trang này