1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày này - Năm xưa

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 01/01/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    25/12
    Ngày sinh nhà bác học người Anh Isaac Newton (25/12/1642 ?" 31/03/1727) (1)
    [​IMG]
    Ảnh: Isaac Newton (năm 42 tuổi)​
    Isaac Newton sinh ra tại Woolsthorpe-by-Colsterworth, một làng nhỏ thuộc tỉnh Linconlshire, phía đông nước Anh. Cha ông đã mất 3 tháng trước khi ông ra đời. Mẹ ông đi bước nữa và để ông sống với bà ngoại. Thời thiếu niên, ông học tại trường trên thị trấn. Năm 17 tuổi, mẹ ông gọi ông về làm việc tại trang trại. Tuy nhiên, do ông không phù hợp với công việc của nông trại, kèm theo lời khuyên của một thầy giáo, Newton lại tiếp tục được đi học. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1661, Newton trở thành sinh viên trường cao đẳng Trinity, đại học Cambridge. Vào thời điểm đó, giáo trình của trường đại học chủ yếu dựa vào hệ tư tưởng của Aristotle, tuy nhiên, Newton đã chú ý đến những học thuyết hiện đại hơn như: thiên văn học của Copernicus, Galileo, Kepler, triết học của Descartes, ... Trong thời gian này, ông đã tìm ra định lý nhị thức cũng như những nền tảng đầu tiên của giải tích. Tháng 4 năm 1665, Newton tốt nghiệp đại học Cambridge. Sau đó ít lâu, trường đại học tạm đóng cửa 2 năm do bệnh dịch hoành hành, ông trở về sống với gia đình tại Woolsthrope, tiếp tục những nghiên cứu và khám phá đối với quang học, giải tích và đặc biệt là định luật Vạn Vật Hấp Dẫn :
    «Newton sử dụng những con số tốt nhất mà ông có về khoảng cách từ bề mặt Trái Đất cho đến tâm Trái Đất, và khoảng cách từ tâm Mặt Trăng đến tâm Trái Đất. Giờ đây ông có thể tính được lực hút của Trái Đất đối với Mặt Trăng là bao nhiêu.
    Rồi ông tính toán Mặt Trăng phải chuyển động nhanh như thế nào trên quỹ đạo của nó để tạo nên một lực ly tâm cân bằng vừa vặn với lực hút của Trái Đất. Tuy vậy, con số tìm ra của Newton chứng tỏ Mặt Trăng phải chuyển động nhanh hơn chuyển động thực đang diễn ra của nó.
    Sai ở đâu đây ? Newton tự hỏi không hiểu mình có đúng không khi giả thiết Trái Đất chỉ hút các vật vào tâm của nó. Xét cho cùng, các phần khác nhau của Trái Đất có thể hút Mặt Trăng theo các hướng khác nhau. Newton không biết ông có thể lưu ý đến khả năng đó như thế nào, cho nên ông từ bỏ ý kiến ấy».
    Vấn này được Newton quay trở lại vào năm 1684, một phần nhờ vào sự động viên của Edmond Halley:
    «Hiện giờ, Newton đã có hai điều kiện thuận lợi mà vào năm 1666 ông chưa có. Hiện giờ, ông đã có phép giải tích. Sử dụng nó, ông chứng minh rằng trong những điều kiện nhất định (mà các thiên thể thực hiện), lực hút từ các thành phần khác nhau của một thiên thể được kết hợp theo một cách sao cho lực đó tác động tựa như nso được tập trung vào tâm của thiên thể. Điều này đã gạt bỏ được một trong những vấn đề không chắc chắn nhất của Newton.
    Hai là, từ năm 1666, con người đã có được những số liệu mới và tốt hơn về kích thước Trái Đất. Newton cần phải biết khoảng cách từ bề mặt Trái Đất tới tâm của nó để sử dụng trong các tính toán của mình; còn năm 1666, ông đã sử dụng một trị số sai. Giờ đây, ông có trong tay một trị số chính xác hơn rất nhiều.
    Lần này, thuyết của Newton đã kiểm lại đúng các sự kiện. (Lúc cuối cùng, khi mà ông thấy có vẻ giải quyết được mọi vấn đề, ông phải dừng lại và giữ cho mình bình tĩnh lại trước khi dám đương đầu tiếp tục công việc).
    Mặt Trăng được Trái Đất giữ trong vòng kiềm tỏa của nó bởi đúng thứ lực làm cho một quả táo rơi xuống mặt đất. Hơn nữa, một khi đã giải quyết được điều đó, thì dễ dàng chứng tỏ rằng có một lực xuất phát từ Mặt Trời giữ các hành tinh ở quỹ đạo của chúng.»
    Năm 1687, Newton trình bày chi tiết thuyết của ông trong một cuốn sách có tên là «Philosophiae Naturalis Principia Mathematica» (Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên). Do những tranh cãi giữa Newton và Robert Hooke, Hội Hoàng gia đã trì hoãn việc xuất bản tác phẩm này. Halley đã giúp Newton xuất bản cuốn sách bằng tiền riêng của ông.
    «Định luật hấp dẫn vũ trụ giải thích hệ Mặt Trời rành mạch đến mức làm cho tất cả các học thuyết và các triết học của người Hy Lạp cổ đại liên quan tới bầu trời khi đem so sánh với nó trở thành những đồ vật phức tạp một cách vô nghĩa».
    Ngoài định luật Vạn Vật Hấp Dẫn, Newton còn có rất nhiều phát kiến vĩ đại trong lĩnh vực quang học (phát hiện ra quang phổ ánh sáng, chế tạo thành công chiếc kính thiên văn phản xạ đầu tiên, ...) và toán học. Ông cũng có nhiều nghiên cứu về hóa học, thuật giả kim, lịch sử và tôn giáo.
    [​IMG]
    Ảnh: Bản sao chiếc kính thiên văn phản xạ do Newton chế tạo​
    Newton đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cao quý trong lĩnh vực khoa học như : giáo sư Lucasian về toán học của trường Cambridge, chủ tịch hội Hoàng gia Anh, ... Năm 1705, ông được phong tước hiệu «hiệp sĩ». Sau khi qua đời, Newton được an táng trong tu viện Westminster cùng với các anh hùng của nước Anh.
    Tôi xin kết thúc bài viết về Isaac Newton, một trong những thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại, bằng 2 câu thơ của nhà thơ người anh Alexander Pope:
    Nature and nature''''s laws lay hid in night;
    God said "Let Newton be" and all was light.

    (Thiên nhiên và các định luật của thiên nhiên nằm giấu kín trong đêm tối;
    Thượng Đế phán: «Hãy để mặc Newton !» và thế là tất cả đều bừng sáng
    )
    [​IMG]
    Ảnh: Mộ Newton tại tu viện Westminster​
    ====
    Bài viết được tổng hợp từ một số tài liệu trên Internet, có trích dẫn một số đoạn trong cuốn sách: Hệ Mặt Trời của tác giả Isaac Asimov, dịch giả Đắc Lê, do NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội xuất bản năm 1980.
    ====
    (1) Nếu tính theo lịch Gregory (lịch mới), ngày sinh và ngày mất của Newton sẽ là: 04/011643 ?" 31/03/1727. Tuy nhiên, đa số tài liệu đều ghi các số liệu này theo lịch ****** (lịch cũ).
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 00:13 ngày 27/12/2007
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    26/12
    Ngày mất nhà thiên văn học người Đức Simon Marius (10/01/1573 ?" 26/12/1624)
    [​IMG]
    Ảnh: Simon Marius (10/01/1573 ?" 26/12/1624)​
    Simon Marius sinh ra tại thành phố Gunzenhausen, miền nam nước Đức. Ông đam mê thiên văn từ khi còn học phổ thông và bắt đầu tiến hành các quan sát từ năm 1594. Năm 1599, Marius bắt đầu xuất bản định kỳ các bảng vị trí thiên thể. Năm 1601, ông đến Prague để theo học Tycho Brahe. Tuy nhiên, Tycho đã qua đời vào tháng 10 năm đó nên Marius chỉ lưu lại Prague 4 tháng rồi đến học tại Padua, Italy. Năm 1605, ông quay trở về Đức và làm việc tại thành phố Ansbach.
    Mùa thu năm 1608, Marius được biết đến thông tin về «chiếc kính nhìn xa» qua một sĩ quan pháo binh. Hai người đã cố gắng chế tạo lại «chiếc kính» đó dựa trên những thấu kính lấy ra từ kính đeo mắt. Khoảng 1 năm sau, Marius đã chế tạo được những chiếc kính có khả năng phục vụ quan sát thiên văn. Trong một thông báo công bố vào năm 1612, Marius đã tuyên bố ông bắt đầu quan sát được 4 vệ tinh của Sao Mộc từ cuối năm 1609 (tính theo lịch ******). Năm 1614, Marius xuất bản tác phẩm Mundus Iovialis anno M.DC.IX Detectus Ope Perspicilli Belgici (Thế giới của Sao Mộc, phát hiện năm 1609 bằng chiếc kính thiên văn Hà Lan). Trong tác phẩm này, Marius đã khẳng định lại những điều ông công bố năm 1612. Nếu theo đúng như những gì Marius công bố thì ông đã quan sát được 4 vệ tinh của Sao Mộc trước Galileo một chút. Đã có những tranh cãi giữa Galileo và Marius. Do Marius không trình bày chi tiết những quan sát của mình còn Galileo thì đã công bố vị trí của các vệ tinh này trong tác phẩm Sidereus Nuncius (Tín sứ của các ngôi sao) vào tháng 3/1610 nên không thể kết luận được Marius có đúng là đã phát hiện ra 4 vệ tinh này trước Galileo hay không, và phần thắng nghiêng về phía Galileo.
    Tuy nhiên, tên gọi ngày nay của 4 vệ tinh (Io, Europa, Callisto và Galimede) là do Marius đặt (1). Ông cũng là người đầu tiên tiến hành tính toán bảng vị trí của các vệ tinh này. Marius còn là người đầu tiên tiến hành quan sát thiên hà Andromeda bằng kính viễn vọng.
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. December 26 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/12/12_26.htm
    [2]Al Van Helden, ©1995. The Galileo Project, Simon Marius, http://galileo.rice.edu/sci/marius.html
    =====
    Ghi chú
    (1) Galileo gọi 4 vệ tinh này là Medicean stars (Những ngôi sao Medici) theo tên của Cosimo de Medici II, đại công tước vùng Tuscany.
  3. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    27/12
    Ngày sinh nhà toán học, nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler (27/12/1571 ?" 15/11/1630)
    [​IMG]
    Ảnh: Johannes Kepler (tranh vẽ năm 1610)​
    Johannes Kepler sinh ra tại thị trấn Weil de Stadt, Stuttgart. Trong thời thơ ấu, ông bị bệnh đậu mùa, bệnh này làm hai tay ông tê liệt và mờ mắt. Đối với Kepler, hầu như không có có thể làm gì khác ngoài việc trở thành mục sư (gia đình Kepler vốn theo đạo Tin Lành).
    Ở trường, Kepler học hành hết sức xuất sắc, học được các nguyên lý của Copernicus và cuối cùng từ bỏ việc học tập tôn giáo, mà muốn trở thành một giáo sư khoa học. Tuy vậy, Kepler bao giờ cũng giữ nguyên một loại chủ nghĩa thần bí tôn giáo, và trộn lẫn nó với những bước tiến khoa học vĩ đại của ông. Chẳng hạn, ông dành nhiều thời giờ ra để cố trình bày tỉ mỉ những thuyết về âm nhạc của các mặt cầu.
    Ông cũng là một nhà chiêm tinh «tài năng», từng lấy lá số tử vi cho nhiều nhân vật quan trọng. Ông khá xấu hổ về chuyện đó, nhưng giải thích rằng cần thiết phải làm như vậy để cho những người có thế lực chú ý tới ông, có thể giúp đỡ và che chở cho ông trong những lúc gian khó, gặp chuyện rắc rồi. Về phương diện này, ông quả đã nghĩ đúng, bởi vì có nhiều lần ông gặp khó khăn rắc rồi thực sự. (Ông cũng viết một truyện khoa học viễn tưởng xuất sắc về một chuyến du hành lên Mặt Trăng, tuy nhiên sau khi ông qua đời mới được xuất bản. Có lẽ ông cũng xấu hổ về điều đó nữa).
    Những chuyện náo động về tôn giáo làm ông rời bỏ thành phố mà ông vốn là giáo sư giảng dạy ở đó. Ông tới Prague, làm việc ở đấy với Tycho Brahe. Chẳng bao lâu Tycho qua đời, chàng thanh niên Kepler kế tục vị trí của Tycho. Tất cả những quan sát xuất sắc của Tycho về những thiên thể giờ đây nằm trong tay Kepler. Kepler hăng say bắt tay vào công việc. Các quan sát đó không chỉ tốt đến mức thuyết không chính xác của Ptolemy không phù hợp với chúng, mà còn tốt đến mức cả thuyết Copernicus cũng không phù hợp. Thậm chí hệ Copernicus cũng trở nên không đủ tốt đẹp (1).
    Kepler từng nỗ lực thế nào để sắp xếp chính đạo và các ngoại luân thì không có gì quan trọng, ông chẳng thể nào làm cho đường cong được ông tính toán rút cục phù hợp với các vị trí của Sao Hỏa mà Tycho đã từng quan sát.
    Vậy Kepler bắt buộc mình phải tiến một bước táo bạo và cơ bản, về một số mặt bước đó còn táo bạo hơn cả bước tiến của Copernicus. Kepler đã đập tan tành «người Hy Lạp» !
    Ông từ bỏ đường tròn. Đường cong dù hoàn hảo hay không mà không thích hợp, cũng phải bỏ đi thôi. (Bản thân Tycho cũng thực sự ngạc nhiên vì sao chổi do ông quan sát sao lại chuyển động theo một quỹ đạo không phải là tròn). Tuy vậy, vào thời đó, các sao chổi không được thực sự coi là những thiên thể đáng kể. Sự dũng cảm của Kepler là từ bỏ đường tròn đối với các hành tinh.
    Kepler bắt đầu tìm kiếm một đường cong nào đó, khác đường tòn, giải thích được các chuyển động hành tinh một cách tốt đẹp hơn. Thoạt tiên, ông thử dùng một quỹ đạo hình trứng, nhưng không thấy thích hợp. Tiếp theo, ông thử dùng hình elip, làm một loại đường tròn bị dẹt đi.»
    Kepler đã đưa hình elip ra thử cho quỹ đạo của các hành tinh và thấy rằng các elip khít với mọi quỹ đạo.
    «Một khi Kepler đã chuyển từ các đường tròn sang các elip, ông thấy không cần đến các ngoại luân 1 chút nào nữa. Không cần một ngoại luân nào ! Mỗi hành tinh đều chuyển động xung quanh Mặt Trời, còn Mặt Trăng thì chuyển động xung quanh Trái Đất».
    Năm 1609, Kepler đã xuất bản tác phẩm «Astronomia Nova» (Thiên văn mới), trong đó trình bày định luật Kepler I và II. 10 năm sau, Kepler xuất bản tác phẩm «Harmonices Mundi» (Sự hài hòa giữa các thế giới), trong đó trình bày định luật Kepler III.
    «Các quỹ đạo elip của Kepler rút cục đã loại bỏ các thiên cầu và chứng tỏ ý kiến của Bruno về các thiên cầu là đúng. Về chuyện đó, Kepler không bị thiêu trên giàn hỏa thiêu, song ông cũng gặp những chuyện rắc rối. Người che chở cho ông, hoàng đế Rudolf II đã bị phế truất và một cuộc chiến tranh tôn giáo khủng khiếp, lớn lao (cuộc chiến tranh 30 năm) đã bùng nổ ở Đức. Là một người Tin Lành, Kepler thuộc về phía thua trận, ít nhất là cũng trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh, và không ít thì nhiều lâm vào tình cảnh nguy hiểm. mẹ ông bị bắt vì bị buộc tội phù thủy. Tuy cuối cùng bà được tha, nhưng vì thử thách ấy bà qua đời hầu như tức khắc sau đó.
    Trải qua tất cả những cảnh đó, Kepler nỗ lực làm việc, trước tiên là làm một luận văn lớn về thiên văn, mà rồi ông phải từ bỏ, rồi đến một loạt các bảng mới vè vị trí và chuyển động của những thiên thể. Những bảng này được tính toán căn cứ ở các quan sát của của Tycho và căn cứ ở các thuyết của Kepler về những quỹ đạo elip. Ông gọi chúng là các bảng Rudolphine, đặt theo tên người che chở cũ cho ông, hoàng đế Rudolf. Dù sao, chúng cũng là tốt nhất và cuối cùng được xuất bản vào năm 1627. Ba năm sau, năm 1630, Kepler qua đời.
    Kepler còn là người đầu tiên nghiên cứu một cách khoa học trạng thái của các thấu kính và được coi là người thành lập ra ngành quang học hiện đại : Sau khi biết được những phát hiện của Galileo với chiếc kính viễn vọng. Kepler đã mượn và tìm hiểu chiếc kính viễn vọng của hoàng thân Ernest vùng Cologne. Ông đã cải tiến mô hình kính viễn vọng của Galileo bằng cách sử dụng thấu kính hội tụ làm thị kính (Galileo sử dụng thấu kính phân kỳ làm thị kính).
    Kepler là một trong những nhà thiên văn nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hỏa, một tiểu hành tinh (asteroid 1134 Kepler), một supernova (supernova 1604), nhiều trường học, công trình trên khắp thế giới. Năm 2009, NASA sẽ phóng lên không gian đài thiên văn Kepler với mục đích chính là tìm các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.
    [​IMG]
    Ảnh: Tượng Tycho Brahe và Johannes Kepler tại Prague, Cộng Hòa Czech​
    ====
    Bài viết chủ yếu trích dẫn lại một số đoạn trong cuốn sách: Hệ Mặt Trời của tác giả Isaac Asimov, dịch giả Đắc Lê, do NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội xuất bản năm 1980. Ngoài ra còn tham khảo thêm các tài liệu trên mạng Internet
    =====
    Ghi chú
    (1) Trước khi Kepler tìm ra quỹ đạo hình elip của các hành tinh, các nhà thiên văn (thuộc cả 2 trường phái Nhật tâm và Địa tâm) đều cho rằng quỹ đạo của các thiên thể là tổ hợp của các chuyển động tròn. Các thiên thể được gắn lên các «thiên cầu». Có 2 loại thiên cầu : chính đạo (deferent) và ngoại luân (epicycle). Các hành tinh được gắn lên những ngoại luân, chuyển động tròn quanh tâm ngoại luân. Ngoại luân được gắn lên chính đạo, chuyển động tròn xung quanh tâm chính đạo. Sau này, khi các quan sát càng ngày càng chính xác hơn, các nhà thiên văn cổ đại đã phải thêm vào một số khái niệm như : ngoại luân trên các ngoại luân, ... để tính toán quỹ đạo của các thiên thể.
    [​IMG]
    Ảnh: Chính đạo và ngoại luân​
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 17:35 ngày 28/12/2007
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 15:21 ngày 02/01/2008
  4. Fairydream

    Fairydream Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/07/2002
    Bài viết:
    2.678
    Đã được thích:
    1
    Tháng 12 này quả là đặc biệt, 2 ông trùm của thiên văn đều sinh vào tháng này.
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Sinh tháng 12 còn cả ông này nữa (14/12/1546 - 24/10/1601) :
    [​IMG]
    Trong khoảng từ 10/12-19/12, mình chưa kịp viết 1 số bài. Để đầu năm sau viết bù vậy
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    28/12
    Ngày sinh nhà thiên văn Hoa Kỳ gốc Hà Lan Maarten Schmidt (28/12/1929)
    [​IMG]
    Ảnh: Maarten Schmidt​
    Maarten Schmidt sinh ra tại Groningen, bắc Hà Lan. Năm 1956, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Jan H. Oort, đại học Leiden. Trong 2 năm 1957, 1958, Schmidt làm việc tại tổ hợp đài thiên văn Mount Wilson ?" Palomar và đến năm 1959, Shmidt di cư sang Hoa Kỳ. Ông làm việc tại học viện Kỹ thuật California cho đến khi về hưu.
    Ban đầu, Schmidt nghiên cứu về sự phân bố khối lượng và động lực học thiên hà, bao gồm cả sự chuyển đổi vật chất giữa các ngôi sao và các đám mây khí. Sau đó, ông tiếp tục công việc của Rudolph Minkowski, nghiên cứu quang phổ của các thiên thể phát xạ sóng vô tuyến. Năm 1963, sử dụng kính thiên văn Hale, Schmidt là người đầu tiên xác định được một quasar ở bước sóng khả kiến (1). Schmidt tiếp tục nghiên cứu quá trình phát triển và phân bố của các quasar. Ông nhận thấy các quasar có rất nhiều trong giai đoạn mới hình thành vũ trụ, sau đó số lượng giảm dần đi. Phát hiện của Schmidt đã cung cấp 1 bằng chứng chống lại học thuyết về sự phát triển đều của vũ trụ (steady state) do Hoyle, Gold và Bondi đề xuất năm 1948.
    Schmidt còn tham gia vào nhóm nghiên cứu các nguồn phát xạ tia X và tia gamma sử dụng những đài quan sát không gian như ROSAT, Compton. Ông cũng đã xác định được phổ quang học của các nguồn phát xạ trên bằng các thiết bị của đài thiên văn Keck.
    Tên ông được đặt cho một tiểu hành tinh (asteroid 10430 Martschmidt)
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. December 28 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/12/12_28.htm
    [2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Maarten Schmidt , http://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Schmidt/index.html
    =====
    Ghi chú
    (1) Trong những năm 1950, các nhà thiên văn đã tìm ra nhiều nguồn phát sóng radio trong vũ trụ nhưng không tương ứng với bất kỳ thiên thể nào đã biết. Schmidt là người đầu tiên phát hiện ra 1 «nguồn phát sóng radio» tại bước sóng khả kiến và nghiên cứu phổ của nó (3C 273). Schmidt đã nhận thấy các vạch phổ hydro của 3C 273 có độ lệch về phía đỏ rất lớn. Kết quả của Schmidt cho phép các nhà thiên văn tính được độ lệch về phía đỏ của các nguồn phát sóng radio khác và cho phép định nghĩa ra một loại thiên thể mới: các quasar (quasi-stellar).
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    29/12
    Ngày mất nhà khoa học không gian người Đức gốc Áo-Hung Hermann ****** Oberth (25/06/1894 ?" 29/12/1989) (1)
    [​IMG]
    Ảnh: Hermann ****** Oberth (25/06/1894 ?" 29/12/1989)​
    Hermann ****** Oberth sinh ra tại thành phố Transylvanian, nay thuộc Rumani. Ham mê tìm hiểu từ thưở nhỏ, Oberth đã chế tạo mô hình tên lửa đầu tiên khi mới chỉ 14 tuổi. Năm 1912, ông đến Munich học dược. Thế chiến thứ nhất nổ ra, Oberth được biên chế vào một đơn vị bộ binh tham chiến ở mặt trận phía đông. Sau khi bị thương, Oberth được điều về một bệnh viện tại SighiYoara, Rumani. Tại đây, ông đã thực hiện những nghiên cứu, tìm hiểu đầu tiên về trạng thái không trọng lượng, đồng thời hoàn thiện bản thiết kế tên lửa. Năm 1917, ông đã trình lên Hermann von Stein, bộ trưởng bộ Chiến tranh Phổ, bản thiết kế tên lửa nhiên liệu lỏng. Năm 1919, ông quay trở lại Đức để học vật lý. Mặc dù luận văn tiến sĩ do Orberth hoàn thành vào năm 1922 đã không được chấp nhận vì lý do «viển vông», ông đã xuất bản công trình của mình với tiêu đề : « Die Rakete zu den Planetenräumen» (Tên lửa phóng đến không gian liên hành tinh). Oberth tiếp tục làm việc kiên trì và đến năm 1929, ông hoàn thành tác phẩm Wege zur Raumschiffahrt (Những con đường đến với chuyến bay không gian).
    Trong thời gian từ năm 1928 đến 1929, Oberth làm việc tại Berlin với vai trò cố vấn kỹ thuật cho bộ phim viễn tưởng «Người đàn bà trên Mặt Trăng» của đạo diễn Fritz Lang. Bộ phim đã có tác dụng to lớn trong việc quảng bá giấc mơ chinh phục không gian bằng tên lửa ra cộng đồng. Một trong những nhiệm vụ của Oberth là chế tạo và phóng một quả tên lửa vào ngày ra mắt bộ phim. Trong quá trình chế tạo tên lửa, Oberth đã được sự giúp đỡ của trường đại học Kỹ thuật Berlin, trong đó có Wernher von Braun. Mùa thu năm 1929, Oberth đã có những thử nghiệm đầu tiên về tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, tiến độ chế tạo tên lửa đã không theo kịp thời gian ra mắt bộ phim nên Oberth đã phải bỏ dở công trình của mình.
    Năm 1938, Oberth và gia đình rời Rumani đến sống tại Đức. Từ năm 1941 đến năm 1943, ông tham gia vào nhóm chế tạo tên lửa V-2. Sau đó, Oberth tiếp tục làm việc trong một dự án nghiên cứu chế tạo tên lửa đối không. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, ông và gia đình đến sống tại Feucht, gần Nuremberg và chuyển đến sống tại Thụy Điển vào năm 1948.
    Sau 1 thời gian làm việc cho hải quân Italy, năm 1953, Oberth quay lại Feucht và xuất bản tác phẩm ?oMenschen im Weltraum? (Con người trong không gian). Trong tác phẩm này, Oberth đã trình bày ý tưởng của mình về những chiếc kính thiên văn không gian, những trạm vũ trụ, những phi thuyền và trang phục du hành. Oberth cũng đã 2 lần sang Mỹ, làm cố vấn kỹ thuật cho nhóm nghiên cứu của von Braun.
    Cùng với Konstantin Tsiolkovsky của Liên Xô và Robert Goddard của Hoa Kỳ, Hermann Oberth được vinh danh là ?ocha đẻ của ngành hàng không vũ trụ?. Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một bảo tàng về hàng không vũ trụ tại Feucht.
    [​IMG]
    Ảnh: Tượng Oberth tại Sibiu, Rumani​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. December 29 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/12/12_29.htm
    [2]Wikipedia, 11/2007. Hermann Oberth, http://en.wikipedia.org/wiki/Hermann_Oberth
    =====
    Ghi chú
    (1) Một số tài liệu (trong đó có Wikipedia) ghi ngày mất của Oberth là 28/12/1989. Ngày mất của Oberth trong bài viết là ngày 29/12 dựa trên nội dung Bách khoa toàn thư Britanica.
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    30/12
    Ngày sinh nhà vật lý thiên văn Hoa Kỳ John Norris Bahcall (30/12/1934 ?" 17/08/2005)
    [​IMG]
    Ảnh: John Norris Bahcall (30/12/1934 ?" 17/08/2005)​
    John Norris Bahcall sinh ra tại thành phố Shreveport, bang Louisiana, nam Hoa Kỳ. Với dự định sẽ trở thành một giáo sĩ, ban đầu, Bahcall theo học chuyên ngành triết. Tuy nhiên, sau đó, ông đã chuyển sang vật lý và tốt nghiệp cử nhân vào năm 1956 (đại học Berkeley), thạc sĩ năm 1957 (đại học Chicago) và tiến sĩ năm 1961 (đại học Harvard). Sau đó, Bahcall đã nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều trường của Hoa Kỳ.
    Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của Bahcall là các hạt neutrino phát ra từ Mặt Trời. Ông và Raymond Davis đã lần đầu tiên đếm được số lượng các hạt neutrino từ Mặt Trời phóng qua Trái Đất bằng một thiết bị đặt tại một mỏ vàng cũ ở bang South Dakota. Kết quả thu được cho thấy số lượng neutrino được phát hiện chỉ vào khoảng 1/3 số lượng tính được theo lý thuyết. Điều này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong quá trình xây dựng một ?omô hình chuẩn? của Mặt Trời.
    Cùng với Lyman Spitzer, Bahcall đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế tạo và đưa kính thiên văn Hubble lên không gian. Ong còn có nhiều công trình nghiên cứu trong việc xây dựng một mô hình chuẩn cho các thiên hà. Theo mô hình này, thiên hà sẽ có một hố đen có khối lượng rất lớn ở tâm, xung quanh đó là các ngôi sao (mô hình Bahcall-Wolf).
    Bahcall là tác giả và đồng tác giả của 5 cuốn sách, khoảng 600 bài báo trong lĩnh vực vật lý thiên văn . Ông là thành viên của viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 1976. Trong thời gian từ năm 1990 đến năm 1992, ông là chủ tịch hội Thiên văn Hoa Kỳ. Ông qua đời đúng vào ngày được bầu làm chủ tịch hội Vật lý Hoa Kỳ.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. December 30 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/12/12_30.htm
    [2]Wikipedia, 10/2007. John N. Bahcall, http://en.wikipedia.org/wiki/John_N._Bahcall
  9. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    31/12
    Ngày mất nhà thiên văn nghiệp dư Hoa Kỳ Seth Carlo Chandler, Jr (16/09/1846 ?" 31/12/1913)
    [​IMG]
    Ảnh: Seth Carlo Chandler, Jr (16/09/1846 ?" 31/12/1913)​
    Seth Carlo Chandler, Jr sinh ra tại thành phố Boston bang Massachusetts, đông bắc Hoa Kỳ. Ngay từ khi còn học năm cuối của phổ thông trung học, Chandler đã làm trợ lý của đài thiên văn Harvard, thực hiện các công việc tính toán. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông không học tiếp mà đến làm trợ lý cho nhà thiên văn B. A. Gould tại nha «Kinh tuyến học» (longitude department) thuộc Cơ quan Nghiên cứu Bờ biển Hoa Kỳ(1). Cùng với Gould, Chandler đã tham gia đoàn khảo sát nhằm thực hiện việc tinh chỉnh vị trí của các kinh tuyến, triển khai đường cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương với mục đích chính là truyền tín hiệu điện báo, đồng thời còn làm cơ sở cho việc xác định các múi giờ địa phương dựa trên múi giờ chuẩn Greenwich. Chandler đã có dịp học hỏi và thực hành các kỹ thuật tính toán hiện đại nhất thời bấy giờ.
    Sau khi Gould đến làm việc tại Argentina, Chandler cũng thôi không làm việc tại Cơ quan nghiên cứu bờ biển. Ông chuyển đến làm tại một công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, Chandler vẫn trao đổi với Gould và tiến hành các nghiên cứu thiên văn, tham gia công việc biên tập tạp trí Astronomical Journal.
    Dựa trên những kết quả quan sát của bản thân cũng như so sánh với những kết quả tương ứng của các đài thiên văn : Berlin, Prague, Posdam và Pulkova, Chandler đã tìm ra sự nhiễu động của các đường kinh tuyến với biên độ khoảng 0.7 giây (tương ứng với 15 m) và chu kỳ khoảng 427 ngày. Khám phá của Chandler đã góp phần khẳng định dự đoán của Leonhardt Euler từ giữa thế kỷ XVIII về sự dao động của các địa cực Trái Đất (lưu ý, sự nhiễu động do Chandler tìm ra khác với hiện tượng tuế sai). Hiện tượng này được đặt tên là ?oChandler wobble?, chu kỳ 427 ngày được gọi là ?ochu kỳ Chandler?. Ngoài ra, ông cũng có 1 số công trình nghiên cứu đối với các ngôi sao biến quang, quang sai của các thiết bị quang học và quỹ đạo của các sao chổi, các tiểu hành tinh.
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.
    =====
    Ghi chú
    (1) Tham khảo thêm tiểu sử nhà thiên văn Benjamin Apthorp Gould (27/09/1824 ?" 26/11/1896) tại bài viết ngày 27/09
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. December 31 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/12/12_31.htm
    [1]W. E. Carter, M. S. Carter, Seth Carlo Chandler, Jr, http://www.nap.edu/readingroom/books/biomems/schandler.html
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 20:43 ngày 31/12/2007
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Vậy là đã sắp được 1 năm kể từ bài viết mở đầu topic này
    Trong năm tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục cập nhật nội dung topic:
    + Có thể là bổ sung bài viết cho những ngày còn thiếu;
    + Có thể là bổ sung sự kiện vào những ngày đã có bài viết;
    + hoặc bổ sung/chỉnh sửa thông tin của những bài viết đã có.

Chia sẻ trang này