1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày này - Năm xưa

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 01/01/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    01/01
    (Bổ sung bài viết đã có về việc tìm ra hành tinh lùn Ceres)
    Ngày 01/01/1801, nhà thiên văn học người Italia Giuseppe Piazzi đã phát hiện ra hành tinh lùn Ceres.
    [​IMG]
    Ảnh: Hành tinh lùn Ceres (kính Hubble chụp)​
    Ceres có đường kính khoảng 950 km, nặng khoảng 9.5x10^20 kg. Đây là thiên thể có đường kính và khối lượng lớn nhất nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Ceres chuyển động xung quanh Mặt Trời theo chu kỳ 4.6 năm Trái Đất, tự quay quanh trục 1 vòng hết 9.08 giờ Trái Đất. Điểm viễn nhật cách Mặt Trời 2.987 AU, điểm cận nhật cách Mặt Trời 2.544 AU.
    « Vào đêm ngày 1 tháng một năm 1801, đêm đầu tiên của năm đó, cũng là đêm đầu tiên của thế kỷ 19, Piazi đang kiểm tra vị trí của một ngôi sao quen thuộc vốn quá mờ nên mắt thường không nhìn thấy được, nhưng cũng đủ độ sáng để lọt vào kính viễn vọng của ông. Ngôi sao đó đã được ghi lại rồi, Piazi chỉ xem xem vị trí ghi lại đó có hoàn toàn chính xác không. Khi kiểm tra nó, ông chú ý đến một ngôi sao khác cũng sáng như vậy ở gần đó. Ông bèn ghi lại vị trí ngôi sao này. Nhưng vì nó không phải là một ngôi sao đã được xác minh nên đêm hôm sau ông trở lại để kiểm tra vị trí và để đảm bảo là mình không lầm lẫn. Ông ngạc nhiên thấy nó xuất hiện, nhưng vị trí lại không như vị trí ông đã ghi được. Mỗi lần ông quan sát lại, vị trí của nó đều thay đổi.
    Rõ ràng ngôi sao đó đang chuyển động. Giống như Hecsen, Piazi thoạt tiên cho rằng mình khám phá ra một sao chổi mới. Lại cũng như trong trường hợp của Hecsen, khi Piazi quan sát thiên thể đó khá lâu, ông bắt đầu nghĩ rằng đó là một hành tinh. Căn cứ theo tốc độ chuyển động biểu kiến của nó, nó thậm chí có thể là hành tinh vốn được giả thiét nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc đấy.
    Tuy vậy, để đảm bảo chắc chắn, Piazi cần phải tính toán quỹ đạo của hành tinh mới này. Không may, ngày 11 tháng hai, ông bị ốm, không thể quan sát thêm được nữa. Khi ông khỏi bệnh, hành tinh mới ở gần Mặt Trời quá nên không nhìn thấy được.
    Tất nhiên, Piazi vẫn có những quan trắc của ông từ ngày 1 tháng một tới ngày 11 tháng hai, nhưng những quan trắc đó hầu như không đủ để tính toán một quỹ đạo. Không biết quỹ đạo, thì sẽ phải tìm kiếm lại từ vạch xuất phát và sẽ không biết được đến khi nào lại tìm thấy nó. Xét đến cùng, nó không phải là một thiên thể sáng mà.
    May thay, nhà toán học Đức trẻ tuổi Cac Friđêric Gaoxơ (Carl Friedrich Gauss) đã tới cứu nguy. Gaoxơ trình bày một phương pháp tính toán quỹ đạo chỉ căn cứ ở ba sự quan trắc đầy đủ. Khi khám phá của Piazi được công bố, Gaoxơ tiếp nhận các quan trắc của Piazi, và vào tháng mười một, tiên đoán về vị trí của hành tinh mới khi nó ở xa Mặt Trời đủ để có thể nhìn thấy được.
    Ngày 1 tháng một, năm 1802, một năm sau ngày phát hiện của Piazi, Hainơric W.M Onbơ (Heinrich W. M. Olbers) (một trong nhóm các nhà thiên văn Đức săn tìm hành tinh) tìm thấy lại vị trí hành tinh ở chỗ mà Gaoxơ đã tiên đoán.
    Piazi đề nghị đặt tên hành tinh mới đó là Xêret (Ceres), theo tên nữ thần nghề nông của La Mã (theo người Hy Lạp, tên nữ thần đó là Đêmête (Demeter)), yêu cầu của ông được thực hiện, Xêret cũng là nữ thần liên quan chủ yếu đến đảo Xixin.»
    Ban đầu, Ceres được xếp vào nhóm « tiểu hành tinh » (asteroid, minor planet), đây cũng là tiểu hành tinh đầu tiên được tìm ra. Sau cuộc họp của IAU tháng 8/2006, Ceres được xếp vào nhóm hành tinh lùn (dwarf planet).

    [​IMG]
    Ảnh: Quỹ đạo Ceres ​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Tammy Plotner, 2007. What is up 2007, 365 days of skywatching, http://www.astrowhatsup.com/download-the-book/
    [2]Issac Asimov, Hệ Mặt Trời, Người dịch Đắc Lê. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1980
    [3]Wikipedia, 01/2008. Ceres (Dwarf Planet), http://en.wikipedia.org/wiki/Ceres_%28dwarf_planet%29
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 15:23 ngày 02/01/2008
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 20:17 ngày 15/02/2008
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    02/01
    (Bổ sung bài viết đã có về việc Liên Xô phóng tàu Luna-1)
    Ngày 02/01/1959, Liên Xô phóng thành công Luna-1, tàu thăm dò Mặt Trăng.
    [​IMG]
    Ảnh: Luna 1​
    Luna-1 là tàu vũ trụ không người lái thứ 4 thuộc chương trình Luna khám phá Mặt Trăng của Liên Xô. Trước Luna-1, Liên Xô đã phóng 3 tàu vũ trụ khác trong năm 1958 (Luna-1958A, Luna-1958B và Luna-1958C) nhưng đều gặp sự cố, các tên lửa đẩy đã phát nổ chỉ trong vòng vài phút sau khi rời mặt đất, chưa kịp thoát ra khỏi bầu khí quyển.
    Luna-1 có dạng hình cầu, khối lượng vào khoảng 361 kg, được phóng lên bằng tên lửa Vostok. Vào ngày 4/1/1959, Luna 1 bay qua (fly by) Mặt Trăng với khoảng cách 5995 km. Tuy nhiên, do lỗi điều khiển từ Mặt Đất, Luna-1 đã không « đâm xuống » (impact) Mặt Trăng theo như kế hoạch mà tiếp tục chuyển động trên một quỹ đạo hành tinh giữa Trái Đất và Sao Hỏa.
    Luna 1 đã thu thập thêm số liệu về vành đai Van Allen, phát hiện Mặt Trăng không hề có từ trường, là thiết bị đầu tiên đo được gió Mặt Trời.
    Luna-1 là vật thể nhân tạo đầu tiên đạt được vận tốc vũ trụ cấp 2, là tàu thăm dò không người lái đầu tiên tiếp cận Mặt Trăng và là hành tinh nhân tạo đầu tiên của hệ Mặt Trời.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Tammy Plotner, 2007. What is up 2007, 365 days of skywatching, http://www.astrowhatsup.com/download-the-book/
    [2]Wikipedia, 01/2008. Luna 1, http://en.wikipedia.org/wiki/Luna_1
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 15:22 ngày 02/01/2008
  3. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    03/01
    Ngày mất nhà thiên văn học người Anh Jeremiah Horrocks (1618 ?" 03/01/1641)
    [​IMG]
    Ảnh: Jeremiah Horrocks nghiên cứu hiện tượng Sao Kim đi qua Mặt Trời​
    Jeremiah Horrocks sinh ra tại thành phố Toxteth Park vùng Merseyside, miền tây nước Anh trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1632, ông được tuyển vào học tại trường Cambridge theo diện học sinh được miễn giảm học phí (sizar). Mặc dù vậy, ông cũng không thể tiếp tục quá trình học tập và chuyển sang làm gia sư từ năm 1635.
    Trong thời gian học tại Cambridge, Horrocks đã bắt đầu học hỏi và tìm hiểu những công trình và tác phẩm của các nhà thiên văn nổi tiếng đương thời. Ông đã bắt đầu những nghiên cứu thiên văn từ khi mới chỉ 17 tuổi. Năm 1638, Horrocks đã áp dụng các định luật của Kepler để giải thích chuyển động của Mặt Trăng. Ông được công nhận là người đầu tiên chỉ ra quỹ đạo hình elip của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất (1).
    Năm 1631, Johannes Kepler đã dự đoán sai thời điểm đi qua Mặt Trời của Sao Kim nên các nhà thiên văn châu Âu đã quan sát không thành công. Horrocks cho rằng Kepler đã tính toán dựa trên các số liệu chưa được chính xác. Ông đã tinh chỉnh lại và dự đoán Sao Kim sẽ đi ngang qua Mặt Trời vào khoảng 3 giờ chiều ngày 24/11/1639. Horrocks hứng ảnh Mặt Trời qua kính viễn vọng lên một tấm màn để quan sát. Ông đã dự đoán đúng và quan sát được hiện tượng thiên văn này. Tuy nhiên, thời gian quan sát rất ngắn do ảnh hưởng của mây. Cùng lúc đó, một người bạn của ông là William Crabtree cũng đã tiến hành quan sát tại một thành phố khác. Horrocks và Crabtree được xem là 2 người đầu tiên quan sát thành công hiện tượng Sao Kim đi ngang qua Mặt Trời bằng kính viễn vọng. Kết quả quan sát cho phép ước lượng kích thước Sao Kim cũng như khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Mặc dù theo tính toán của Horrocks, khoảng cách này chỉ vào khoảng 0.639 AU, kém hơn rất nhiều so với các số đo hiện đại, nhưng đó cũng là một bước tiến lớn nếu so sánh với những kết quả đã có từ trước.
    Horrocks cũng đã bắt đầu quá trình sử dụng toán học để tính toán lực chi phối chuyển động của các thiên thể cũng như giải thích hiện tượng thủy triều dựa trên ảnh hưởng của Mặt Trăng. Tiếc rằng, ông đã qua đời từ rất sớm, khi mới chỉ 22 tuổi. Trong tác phẩm «Philosophiae Naturalis Principia Mathematica», Newton đã ca ngợi Horrocks là «cây cầu» nối ông với Copernicus, Galileo, Tycho Brahe và Kepler
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 3078 Horrocks)
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2008. January 3 - Births, Deaths, Events, http://todayinsci.com/1/1_03.htm
    [2]Wikipedia, 12/2007. Jeremiah Horrocks, http://en.wikipedia.org/wiki/Jeremiah_Horrocks
    [3]Wikipedia, 11/2007. Transit of Venus, http://en.wikipedia.org/wiki/Transit_of_Venus
    ====
    Ghi chú
    (1) Kepler mới chỉ sử dụng các định luật của mình để giải thích chuyển động của các hành tinh xung quanh Mặt Trời.
  4. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    04/01
    Ngày sinh của nhà thiên văn nghiệp dư người Đức Wilhelm Wollf Beer (04/01/1797 - 27/03/1850)
    [​IMG]
    Ảnh: Wilhelm Wollf Beer (04/01/1797 - 27/03/1850)​
    Wilhelm Wollf Beer sinh ra tại Berlin, Vương quốc Phổ, nay thuộc Đức. Là một chủ nhà băng yêu thích thiên văn, Beer đã xây dựng một đài thiên văn riêng và làm việc cùng với nhà thiên văn Johann Heinrich von Mädler. Sau 7 năm miệt mài làm việc, năm 1836, Beer và Mädler đã hoàn thành « Mappa Selenographica », tấm bản đồ Mặt Trăng có đường kính 1 mét. Mappa Selenographica được đánh giá là bản đồ Mặt Trăng chi tiết nhất mà con người vẽ được trước khi kỹ thuật chụp ảnh ra đời. Năm 1840, Beer và Mädler đã hoàn thành bản đồ bề mặt Sao Hỏa và tính được chu kỳ tự quay của hành tinh này là 24 giờ 37 phút 22.7 giây, chỉ lệch 0.1 giây so với kết quả hiện đại.
    Tên ông được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một crater trên Sao Hỏa, một tiểu hành tinh (asteroid 1896 Beer).
    [​IMG]
    Ảnh: Một phần bản đồ Mappa Selenographica​
    Tài liệu tham khảo
    [1]. Tammy Plotner, 2007. What is up 2007, 365 days of skywatching, http://www.astrowhatsup.com/download-the-book/
    [2]Wikipedia, 11/2007. Wilhelm Beer, http://en.wikipedia.org/wiki/Wilhelm_Beer
    [3]Sidereal Messenger, Official Newsletter of the University of Illinois Astronomical Society, 04/1996. A Short History of Lunar Cartography, http://www.astro.uiuc.edu/~uias/s-m/sm-apr-96.html
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    05/01
    (Bổ sung bài viết đã có về việc Venera-5 phóng thiết bị thăm dò khí quyển Sao Kim ngày 16/05)
    Ngày 05/01/1969, Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ Venera-5
    [​IMG]
    Ảnh: Venera-5​
    Venera-5 là tàu vũ trụ thuộc chương trình Venera thám hiểm Sao Kim của Liên Xô với nhiệm vụ chính là trực tiếp khảo sát bầu khí quyển của hành tinh Nữ thần Sắc Đẹp. Venera-5 có khối lượng tổng cộng 1130 kg, bao gồm tàu mẹ và thiết bị thăm dò khí quyển.
    Venera-5 được phóng lên không gian vào ngày 05/01/1969 bằng tên lửa đẩy Molniya 8K78M. Ngày 16/05/1969, tàu vũ trụ tiếp cận Sao Kim và phóng thiết bị thăm dò khí quyển. Thiết bị này bung dù, tiến hành đo đạc và truyền dữ liệu về Trái Đất trong vòng 53 phút. Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ tàu vũ trụ Venera-4, dù của thiết bị thăm dò khí quyển Venera-5 được thiết kế nhỏ hơn sao cho nó có thể rơi xuống nhiều hơn trước khi dùng hết năng lượng (khí quyển của Sao Kim rất dày đặc).
    Venera-5 cũng đã thả xuống bề mặt Sao Kim tấm huy hiệu lớn in hình V.I.Lenin và quốc huy Liên Xô.
    [​IMG]
    Ảnh: Thám hiểm khí quyển Sao Kim​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2008. January 5 - Births, Deaths, Events, http://todayinsci.com/1/1_05.htm
    [2]Wikipedia, 4/2007. Venera 5, http://en.wikipedia.org/wiki/Venera_5
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 17:02 ngày 05/01/2008
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    06/01
    Ngày sinh nhà du hành vũ trụ Liên Xô Oleg Grigoryevich Makarov (06/01/1933 - 28/05/2003)
    [​IMG]
    Ảnh: Oleg Grigoryevich Makarov (06/01/1933 28/05/2003)​
    Oleg Grigoryevich Makarov sinh ra tại thành phố Udomlya, bang Tver Oblast, miền tây Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Kỹ thuật Bauman Mat-xcơ-va năm 1957, ông tham gia làm việc trong dự án chế tạo các tàu vũ trụ Vostok. Năm 1966, ông là 1 trong 8 người chọn vào nhóm «kỹ sư ?" phi hành gia» thứ 2 của Liên Xô.
    Ban đầu, Makarov được chọn để huấn luyện cùng Aleksei Leonov với kỳ vọng là sẽ bay vòng qua Mặt Trăng trên tàu Soyuz. Tuy nhiên, sau thành công của tàu Apollo-8 (1) cũng như thất bại của thử nghiệm đối với tàu không người lái, chuyến bay dự định đã bị hoãn lại. Tháng 9 năm 1973, Makarov lần đầu tiên bay vào không gian trên tàu Soyuz-12. Đây là chuyến bay thử nghiệm những thiết kế mới của tàu Soyuz sau thảm họa Soyuz-11 (2). Tháng 4 năm 1974, Makarov có chuyến bay thứ hai trên tàu Soyuz-18a. Tai nạn đã xảy ra trong quá trình phóng, nhưng rất may là 2 nhà du hành đã thoát hiểm an toàn và hạ cánh xuống vùng núi Altay. Tháng 1 năm 1978, ông có chuyến bay thứ 3 trên tàu Soyuz-27 lên làm việc tại trạm Salyut-6. Chuyến bay lên không gian cuối cùng của Makarov vào tháng 11/1980 trên tàu Soyuz-T3.
    Tổng cộng Makarov đã ở ngoài không gian trong vòng 20 ngày 7 giờ. Ông 2 lần được phong tặng danh hiệu « anh hùng Liên Xô », 4 lần được trao tặng « huân chương Lenin »
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade,, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, January 6, http://astronautix.com/thisday/janary06.htm
    [2]Wikipedia, 12/2007. Oleg Grigoryevich Makarov, http://en.wikipedia.org/wiki/Oleg_Grigoryevich_Makarov
    ====
    Ghi chú
    (1) Apollo-8 là tàu vũ trụ có người lái đầu tiên bay vòng qua Mặt Trăng
    (2) Ngày 07/06/1971, tàu Soyuz 11 của Liên Xô đã kết nối thành công với trạm không gian Salyut 1. Đây cũng là lần đầu tiên tàu vũ trụ có người lái kết nối thành công với một trạm không gian. Ba nhà du hành Vladislav Volkov, Georgi Dobrovolski và Viktor Patsayev đã làm việc trên Salyut 1 trong tổng cộng 22 ngày. Ngày 30/06/1971, 3 nhà du hành đã rời khỏi Salyut 1 trở về Trái Đất. Tuy nhiên, một chiếc van điều áp đã bị hỏng khiến cho không khí trong tàu Soyuz 11 thoát hết ra ngoài không gian. Tàu Soyuz 11 đã trở về Trái Đất đúng như kế hoạch, nhưng cả 3 nhà du hành đều đã hi sinh.
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 22:04 ngày 06/01/2008
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    07/01
    (Bổ sung bài viết đã có về việc Galileo phát hiện ra các vệ tinh Sao Mộc ngày 07/01)
    Ngày 07/01/1610, Galileo đã phát hiện ra các vệ tinh Io, Europa và Callisto của Sao Mộc. Ngày hôm sau, ông phát hiện ra vệ tinh Ganymede.
    [​IMG]
    Ảnh: minh họa Sao Mộc và 4 vệ tinh Galileo. Từ trên xuống dưới là: Io, Europa, Ganymede và Callisto​
    « Khi năm mới bắt đầu, Galilê khám phá ra một điều làm cả thế giới kinh ngạc. Vào ngày 7 tháng một năm 1610, ông hướng kính viễn vọng lên Sao Mộc. Nó lớn thành một quả cầu nhỏ. (Những ngôi sao không lớn được như thế. Ngay cả với kính viễn vọng hiện đại nhất, chúng vẫn chỉ là các điểm sáng mà thôi). Hình ảnh gây ấn tượng tức khắc cho Galilê là ba ngôi sao nhỏ ông nhìn thấy bên cạnh Sao Mộc (đêm sau, ông nhìn thấy bốn ngôi sao). Ông quan sát chúng hết đêm này đến đêm khác, và chẳng bao lâu rõ ràng thấy chúng chuyển động xung quanh Sao Mộc.
    Có bốn mặt trăng nhỏ bé chuyển động xung quanh Sao Mộc giống như Mặt Trăng của chúng ta chuyển động xung quanh Trái Đất.
    Đây là dẫn chứng cho biết Arixtôt và Ptôlêmê đều sai rõ ràng. Họ đã nói rằng mọi vật trên trời chuyển động xung quanh Trái Đất cơ mà. Không kể đến ai có thể nói gì về Mặt Trăng, Mặt Trời và các hành tinh, chỉ riêng bốn thiên thể nhỏ bé này cũng chuyển động xung quanh Sao Mộc đấy !
    Galilê gọi chúng là Sidera Medicea (« Những ngôi sao Mêđixi theo tên của Côximô Mêđixi II, đại công tước của Tôxcan, là người Galilê đợi sẽ giao cho ông một việc làm (sau đó, Galilê nhận được việc làm). Tuy vậy, các thế hệ sau đã quyết định rằng niềm vinh dự đó đặt vào nhầm người. Khi Kêplơ nghe về những vật thể mới ấy, ông gọi chúng là các vệ tinh, cho nên bốn Mặt Trăng của Sao Mộc khi được gộp thành một nhóm thì được gọi là nhóm vệ tinh Galilê.
    Từ vệ tinh hiện giờ được dùng để chỉ bất kỳ thiên thể nào ?" hoặc thậm chí cả vật thể do con người làm ra ?" chuyển động xung quanh một hành tinh. Các vệ tinh chuyển động theo một hành tinh, nói một cách khác là « hộ tống » nó, trong khi hành tinh chuyển động xung quanh Mặt Trời. Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất. Các vệ tinh cũng được gọi là « các mặt trăng », nhưng thường gọi là « các vệ tinh » để cho rõ ràng hơn, còn chữ « Mặt Trăng » là để dành cho vệ tinh riêng của Trái Đất.
    Các vệ tinh Galilê đều là những thiên thể rất lớn. Hai vệ tinh ở gần Sao Mộc hơn thì hầu như lớn bằng Mặt Trăng của chúng ta (vốn có đường kính 3450 km). Hai vệ tinh ở ngoài thật sự lớn hơn Mặt Trăng của chúng ta, thậm chí còn lớn hơn cả hành tinh Sao Thủy nữa.
    Các vệ tinh Galilê đã được đặt tên theo những nhân vật trong thần thoại Hy Lạp vốn có liên hệ chặt chẽ với Jupite (tức Zơt, đều là tên của Sao Mộc theo tiếng La tinh hoặc Hy Lạp). Người làm việc này là nhà thiên văn Đức Ximon Mariut, người khám phá ra các vệ tinh đó chỉ một ngày (!) sau Galilê (1). Vệ tinh gần Sao Mộc nhất được gọi là Iô, rồi tới Ơrôpa, Ganimet (vệ tinh lớn nhất) và Calixtô. Đôi khi, chúng được gọi tên theo số: Jupite I, Jupite II, Jupite III và Jupite IV. »
    Io (Jupiter I) là vệ tinh lớn thứ 4 trong hệ Mặt Trời, có bán kính trung bình 1821.3 km, khối lượng 8.9319x10^22 kg. Io chuyển động cách Sao Mộc trung bình 421700 km. Chu kỳ quay quanh Sao Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Io và bằng 1.769 ngày Trái Đất.
    Europa (Jupiter II) là vệ tinh lớn thứ 6 trong hệ Mặt Trời, có bán kính trung bình 1569.7 km, khối lượng 4.8x10^22 kg. Europa chuyển động cách Sao Mộc trung bình 670900 km. Chu kỳ quay quanh Sao Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Europa và bằng 3.55 ngày Trái Đất.
    Ganymede (Jupiter III) là vệ tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời, có bán kính trung bình 2631.2 km (lớn hơn cả bán kính Sao Thủy), khối lượng 1.4819x10^23 kg. Ganymede chuyển động cách Sao Mộc trung bình 1070400 km. Chu kỳ quay quanh Sao Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Ganymede và bằng 7.154 ngày Trái Đất.
    Callisto (Jupiter IV) là vệ tinh lớn thứ 3 trong hệ Mặt Trời, có bán kính trung bình 1882.7 km, khối lượng 1.075x10^23 kg. Callisto chuyển động cách Sao Mộc trung bình 1882700 km. Chu kỳ quay quanh Sao Mộc bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Callisto và bằng 16.69 ngày Trái Đất.
    Các bạn có thể xem bài viết của Galileo trên báo Sidereus Nuncius (Tín sứ của các ngôi sao) tháng 3 năm 1610 thông báo về việc phát hiện ra các thiên thể chuyển động xung quanh Sao Mộc trong 2 file ảnh sau :
    http://www.solarviews.com/raw/jup/manuscr1.jpg
    http://www.solarviews.com/raw/jup/manuscr2.jpg
    (Bản dịch tiếng Anh của bài viết trên có tại tài liệu tham khảo 3)

    Tài liệu tham khảo:
    [1]. Tammy Plotner, 2007. What is up 2007, 365 days of skywatching, http://www.astrowhatsup.com/download-the-book/
    [2]Issac Asimov, Hệ Mặt Trời, Người dịch Đắc Lê. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1980
    [3] Calvin J. Hamilton, 1995-2005 . Views of the Solar System,
    http://www.solarviews.com/cap/jup/manuscr1.htm

    http://www.solarviews.com/cap/jup/manuscr2.htm

    [4]Các bài viết về 4 vệ tinh trên wikipedia
    ====
    Ghi chú
    (1) Xem thêm bài viết về nhà thiên văn Simon Maurius ngày 26/12
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 22:52 ngày 07/01/2008
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    08/01
    Ngày mất nhà bác học người Italy Galileo Galilei (15/02/1564 ?" 08/01/1642)
    [​IMG]
    Ảnh: Mộ của Galileo tại nhà thờ Basilica di Santa Croce, Florence​
    Sau khi bị đưa ra tòa án giáo hội tại Rome tháng 10/1632, Galileo đã bị quản thúc tại Siena. Tháng 12 năm 1633, ông được tha về sống tại nhà ở Arcetri, Florence. Galileo đã qua đời tại Arcetri. Hiện nay, ông được an táng tại nhà thờ Basilica di Santa Croce, Florence.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]IMSS Piazza dei Giudici 1 50122 Florence ITALY, 1995-2006 . Galileo Galilei, http://brunelleschi.imss.fi.it/museum/esim.asp?c=300251
  9. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    08/01
    Ngày sinh nhà vật lý người Anh Stephen William Hawking (08/01/1942)
    [​IMG]
    Ảnh: Stephen William Hawking​
    Stephen William Hawking sinh ra tại Oxford, miền nam nước Anh. Khi ông 8 tuổi, gia đình đã chuyển đến sống tại St Alban, một thành phố ở phía bắc London. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hawking đăng ký học tại trường College University, Oxford theo ý định của cha. Ban đầu, ông định học toán nhưng do thời điểm đó trường College University không có chuyên ngành này nên Hawking chuyển sang học vật lý và đã tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc vào năm 1962. Sau 1 thời gian làm việc trong lĩnh vực thiên văn ở trường, Hawking nhận thấy ông thích hợp hơn với các nghiên cứu lý thuyết và chuyển đến làm nghiên cứu sinh tại đại học Cambridge, chuyên ngành Vũ trụ học. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông làm việc tại trường cao đẳng Gonville and Caius, đại học Cambridge. Từ năm 1979, Hawking đảm nhận chức vụ giáo sư Lucasian toán học tại khoa Toán ứng dụng và Vật lý lý thuyết đại học Cambridge.
    Là một nhà khoa học đầy tài năng, nhưng Hawking cũng đã phải chịu một bất hạnh lớn lao. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, các bác sĩ phát hiện ra ông bị bệnh « Amyotrophic lateral sclerosis » (một chứng bệnh thần kinh, gây thoái hóa các neuron điều khiển hoạt động của cơ bắp). Hawking đã mất dần khả năng vận động cơ, ông phải gắn mình vào một chiếc ghế và làm việc, giao tiếp với sự hỗ trợ của máy tính.
    Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của Hawking là « vũ trụ học lý thuyết » và « hấp dẫn lượng tử », tìm hiểu về những định luật cơ bản chi phối toàn vũ trụ. Cùng với Roger Penrose, Hawking đã chỉ ra rằng thuyết Tương đối tổng quát của Einstein cho phép kết luận không gian và thời gian được bắt đầu bằng vụ nổ Bigbang và kết thúc trong các hố đen. Các kết quả thu được cho thấy sự cần thiết của một học thuyết thống nhất giữa thuyết Tương đối tổng quát và thuyết Lượng tử. Hawking đã chỉ ra rằng các hố đen không « đen hoàn toàn », chúng cũng phát xạ (Hawking radiation), bốc hơi và biến mất. Ông cũng đã đưa ra những phỏng đoán về việc vũ trụ không có biên trong thời gian ảo.
    Hawking là tác giả của rất nhiều tác phẩm thuộc lĩnh vực vật lý thiên văn, trong đó có những sách chuyên khảo như : « The Large Scale Structure of Spacetime » (Cấu trúc vĩ mô của Không ?" Thời gian, đồng tác giả với G.F.R Ellis), « General Relativity : an Einstein Centenary Survey » (Thuyết Tương đối tổng quát, Công trình thế kỷ của Einstein, đồng tác giả với W. Israel), ... Ông cũng đã viết nhiều tác phẩm nhằm phổ biến vật lý thiên văn với cộng đồng như: Lược sử thời gian, Vũ trụ trong một vỏ hạt, ...
    Hawking là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất của thế giới đương đại, ông đã được phong tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng và huy chương cao quý. Ông là thành viên của hội đồng hoàng gia Anh, thành viên Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ.
    ====
    Bài viết dịch chủ yếu nội dung phần «A Brief History of Mine» tại website của giáo sư Stephen Hawking, có tham khảo thêm 1 số tài liệu khác trên mạng Internet
    http://www.hawking.org.uk/home/hindex.html
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 23:24 ngày 11/01/2008
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    09/01
    Ngày 09/01/1986, Stephen P. Synnott phát hiện ra vệ tinh Cressida của Sao Thiên Vương
    [​IMG]
    Ảnh: Một số vệ tinh của Sao Thiên Vương​
    Cressida (IX) là một vệ tinh rất nhỏ, có bán kính xích đạo khoảng 33 km, khối lượng khoảng 8x10^17 kg.
    Cressida chuyển động cách Sao Thiên Vương trung bình 61767 km. Chu kỳ quay quanh Sao Thiên Vương bằng với chu kỳ tự quay quanh trục của Cressida và bằng 0.463 ngày Trái Đất. Vệ tinh này được phát hiện dựa trên các bức ảnh do tàu Voyager-2 chụp trong quá trình bay qua Sao Thiên Vương. Cressida là 1 trong 10 vệ tinh của Sao Thiên Vương được phát hiện thông qua việc phân tích các kết quả quan sát của Voyager-2.
    Khác với cách đặt tên dựa vào thần thoại Hy Lạp được áp dụng đối với đa số hành tinh trong hệ Mặt Trời, các vệ tinh của Sao Thiên Vương được đặt tên dựa vào tên nhân vật trong các tác phẩm văn học. Cressida là một nữ anh hùng trong tác phẩm thơ «Troillus và Cressida» của tác giả người Anh Geoffrey Chaucer. William Shakespeare cũng đã biên soạn một vở bi kịch 5 hồi dựa trên tác phẩm này.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade,, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, January 9, http://astronautix.com/thisday/janary09.htm
    [2]NASA, Solar System Exploration, Cressida : Facts & Figures, http://solarsystem.nasa.gov/planets/profile.cfm?Object=Ura_Cressida&Display=Facts&System=Metric

Chia sẻ trang này