1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày này - Năm xưa

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 01/01/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    027/05
    Ngày 27/05/1999, NASA phóng thành công tàu con thoi Discovery (nhiệm vụ STS-96)
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu STS-96​
    STS-96 là một trong những nhiệm vụ xây dựng ISS đầu tiên của đội tàu con thoi. Vào thời điểm đó, ISS mới chỉ có 2 module chính : Zarya và Unity. Phi hành đoàn bao gồm các phi công vũ trụ của 3 nước : Mỹ, Canada và Nga :
    + Kent V. Rominger : chỉ huy
    + Rick D. Husband : phi công
    + Ellen Ochoa : chuyên viên
    + Tamara E. Jernigan : chuyên viên
    + Daniel T. Barry : chuyên viên
    + Julie Payette : chuyên viên
    + Valery I. Tokarev : chuyên viên
    Đây là chuyến bay lên không gian đầu tiên của R. D. Husband. Trong lần tiếp theo, Husband đảm nhận vị trí chỉ huy phi hành đoàn STS-107 và đã hi sinh ngày 01/02/2003 khi tàu Columbia phát nổ.
    Sau khi kết nối thành công, các nhà du hành đã chuyển và triển khai các thiết bị bên trong ISS cũng như thực hiện EVA (1 lần) để gắn các thiết bị phía bên ngoài trạm không gian. Nhiệm vụ STS-96 kéo dài 9 ngày 19 giờ, trong đó có 5 ngày 18 giờ kết nối với ISS. Tổng cộng, các nhà du hành đã bay trên quãng đường gần 6 triệu km.
    [​IMG]
    Ảnh: Tàu Discovery kết nối với ISS (ảnh minh họa)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, May 27, http://astronautix.com/thisday/may27.htm
    [2]Wikipedia, 5/2008. STS 96,
    http://en.wikipedia.org/wiki/STS-96
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    30/05
    Ngày sinh phi công vũ trụ Liên Xô Aleksey Arkhipovich Leonov (30/05/1934)
    [​IMG]
    Ảnh: Aleksey Arkhipovich Leonov​
    Aleksey Arkhipovich Leonov sinh ra tại vùng Kemerovo, nam Siberi. Năm 1960, Leonov là một trong 20 người được chọn vào nhóm phi công vũ trụ đầu tiên của Liên Xô. Theo kế hoạch ban đầu, ông sẽ thực hiện các hoạt động ngoài phi thuyền (EVA) trong nhiệm vụ Vostok-11 vào tháng 6 năm 1965. Tuy nhiên, chương trình Vostok đã chấm dứt sau chuyến bay của Tereshkova, nhường chỗ cho các phi thuyền thế hệ sau. Leonov và Pavel Belyayev được phân công thực hiện nhiệm vụ Voskhod-2.
    Ngày 18/03/1965, sau thời điểm phóng 1 tiếng 34 phút, Leonov rời khỏi phi thuyền, thực hiện chuyến « đi bộ ngoài không gian » đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ. Leonov ở ngoài phi thuyền trong thời gian từ 08:34:51 đến 08:47:00. Khi quay về, bộ quần áo phi hành đã bị phồng lên, Leonov phải mở 1 số van điều áp và chui vào được phi thuyền.
    [​IMG]
    Ảnh: Leonov thực hiện EVA​
    Sau thành công của Voskhod-2, Leonov là một trong những phi công được lựa chọn để tiến hành các chuyến bay đến Mặt Trăng. Theo dự kiến, Leonov sẽ thực hiện chuyến bay « qua » Mặt Trăng (circumlunar, chỉ lướt qua Mặt Trăng rồi trở về, không đổ bộ) trên phi thuyền Soyuz. Nhưng các thử nghiệm với phi thuyền không người lái sau đó đều gặp thất bại, hơn nữa, Hoa Kỳ đã làm được điều trên với nhiệm vụ Apollo-8. Chuyến bay của Leonov bị huỷ bỏ, ông được chuyển sang nhiệm vụ mới : đổ bộ xuống Mặt Trăng. Nhưng rốt cuộc, Hoa Kỳ đã nhanh hơn Liên Xô trong cuộc đua này và một lần nữa, Leonov không được thực hiện các nhiệm vụ đã được giao theo kế hoạch.
    Năm 1971, Leonov đảm nhận vị trí chỉ huy trong nhiệm vụ Soyuz-11, tuy nhiên, do một thành viên bị bệnh nên nhóm phi hành đoàn dự bị đã được chuyển lên vị trí chính thức. Đây là một trang buồn trong quá trình chinh phục không gian của nhân loại, tàu Soyuz-11 đã kết nối thành công với trạm không gian Salyut-1, nhưng toàn bộ phi hành đoàn đã hy sinh khi quay trở về Trái Đất (1)

    Ngày 15/07/1975, một lần nữa Leonov ghi tên mình vào lịch sử trong « cái bắt tay vũ trụ » đầu tiên giữa hai siêu cường. Ông là chỉ huy của tàu Soyuz 19, thực hiện thành công quá trình kết nối với một phi thuyền Apollo của Hoa Kỳ (Apollo-Soyuz Test Project, ASTP).
    [​IMG]
    Ảnh: Nhóm phi công vũ trụ của Liên Xô và Hoa Kỳ thực hiện ASTP​
    Từ năm 1976 đến năm 1982, Leonov là chỉ huy trưởng của toàn bộ các phi công vũ trụ Liên Xô. Ông cũng đảm nhiệm vai trò giám đốc của Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ Yuri Gagarin. Ông về hưu năm 1991 với quân hàm thiếu tướng không quân. Ông đã hai lần được phong « anh hùng Liên Xô », cùng với rất nhiều danh hiệu, huy chương cao quý khác trong và ngoài nước. Năm 2004, ông cùng phi công vũ trụ Hoa Kỳ David Scott viết tự truyện lịch sử kể về cuộc chạy đua trong không gian giữa Liên Xô và Hoa Kỳ : « Hai phía của Mặt Trăng, Câu chuyện của chúng tôi về cuộc chạy đua lên không gian trong chiến tranh lạnh ». Cuốn sách sách đã được xuất bản vào năm 2006.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. May 30 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/5/5_30.htm
    [2]Wikipedia, 05/2008. Aleksey Leonov, http://en.wikipedia.org/wiki/Aleksey_Arkhipovich_Leonov
    ====
    Ghi chú:
    (1) Được phóng lên không gian vào ngày 06/06/1971, phi hành đoàn Soyuz-11 đã lần đầu tiên thực hiện kết nối thành công giữa một tàu vũ trụ có người lái và một trạm không gian. Ngày 30/06/1971, Vladislav Volkov, Georgi Dobrovolski và Viktor Patsayev đã rời khỏi Salyut-1 trở về Trái Đất. Tuy nhiên, một chiếc van điều áp đã bị hỏng khiến cho không khí bị thoát hết ra ngoài không gian. Tàu Soyuz 11 đã trở về Trái Đất đúng như kế hoạch, nhưng cả 3 nhà du hành đều đã hi sinh. Tên của họ được dùng để đặt cho 3 crater trên Mặt Trăng
  3. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    Ngày 03/06/1965, NASA phóng thành công tàu vũ trụ Gemini-4
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu Gemini-4​
    Gemini-4 là chuyến bay có người lái thứ 2 trong dự án Gemini. Nhiệm vụ chính của Gemini-4 là thực hiện một chuyến bay nhiều ngày, kiểm tra tính khả thi của hành trình chinh phục Mặt Trăng. Nhiệm vụ thứ hai là thử nghiệm kết nối trên quỹ đạo. Sau khi đã sử dụng hết nhiên liệu, tầng hai của tên lửa đẩy sẽ được tách ra, và Gemini-4 sẽ cố gắng « đuổi theo », mô phỏng quá trình kết nối. Sau thành công của chuyến « đi bộ ngoài không gian » đầu tiên của Aleksei Leonov (18/03/1965), Gemini-4 được giao thêm nhiệm vụ nữa, đó là thực hiện hoạt động ngoài phi thuyền (EVA). Phi hành đoàn Gemini-4 bao gồm hai thành viên : James Alton McDivitt và Edward Higgins White. Đây đều là lần đầu tiên hai người bay lên không gian.
    Sau khi được phóng lên không gian, trong vòng bay đầu tiên xung quanh Trái Đất, phi hành đoàn Gemini-4 bắt đầu quá trình kết nối với tầng hai của tên lửa đẩy. Tuy nhiên, họ đã tiến hành không thành công. Sau một số nỗ lực tiếp cận nhưng đều thất bại và sử dụng hết một nửa số nhiên liệu mang theo, trung tâm điều khiển quyết định ngừng nhiệm vụ hai để tập trung vào thực hiện EVA. Theo kế hoạch, White sẽ tiến hành EVA trong vòng bay thứ hai, tuy nhiên, thời điểm này đã được dời sang vòng thứ 3 do phi hành đoàn cần có thời gian nghỉ ngơi.
    Tại độ cao 120 dặm, White đã thực hiện thành công chuyến đi bộ ngoài không gian thứ hai trong lịch sử hàng không vũ trụ. Trong tổng cộng 22 phút. Withe đã tiến hành các động tác di chuyển ngoài không gian với sự trợ giúp của một khẩu súng khí nén và sợi dây dài 25 foot.
    Sau khi thực hiện xong EVA, White và McDivitt đã tiến hành thêm 12 thí nghiệm khoa học và y học. Tổng cộng nhiệm vụ Gemini-4 kéo dài 4 ngày, bay 62 vòng quanh Trái Đất. Đây là chuyến bay lên không gian đầu tiên và cũng là cuối cùng của Edward H. White. Ngày 27/01/1967, White, Virgil I. Gus Grissom và Roger Chaffee đã hi sinh khi hoả hoạn xảy ra trongnhiệm vụ Apollo-1.
    [​IMG]
    Ảnh: E.H.White ngoài không gian​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Today in Science History, 1999 - 2007. June 3 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/6/6_3.htm
    [2]Wikipedia, 05/2008. Gemini 4, http://en.wikipedia.org/wiki/Gemini_4
  4. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    06/06
    Ngày 06/06/1966, tàu vũ trụ Gemini-9A hạ cánh thành công
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu Gemini-9A​
    Gemini-9A là chuyến bay có người lái thứ 7 trong chương trình Gemini của NASA. Nhiệm vụ chính của Gemini-9A là thực hiện kết nối trên quỹ đạo, tiến hành các hoạt động ngoài phi thuyền và một số thí nghiệm. Phi hành đoàn ban đầu là Elliott See và Charles Bassett. Tuy nhiên, họ đã hi sinh trong một chuyến bay tập ngày 28/02/1966. Hai phi công vũ trụ Thomas P. Stafford và Eugene A. Cernan được chỉ định thay thế cho See và Bassett.
    Theo kế hoạch đặt ra, Gemini-9 sẽ tiến hành kết nối với một phi thuyền nhỏ không người lái kiểu Agena Target Vehicle (ATV). Các ATV có khối lượng khoảng 3 tấn, được phóng trước lên quỹ đạo bằng tên lửa Atlas. ATV giành cho Gemini-9A đã được phóng lên không gian ngày 17/05 nhưng không lên được đến quỹ đạo cần thiết do tên lửa đẩy gặp trục trặc. Một thiết bị thay thế (Augmented Target Docking Adapter, ATDA) đã được gấp rút chế tạo và được phóng lên không gian ngày 01/06.
    [​IMG]
    Ảnh: Phi hành đoàn Gemini-9A, từ trái qua phải Stafford, Cernan​
    Tàu vũ trụ Gemini-9A được phóng lên không gian ngày 03/06. Khi tiếp cận ATDA, các nhà du hành nhận thấy rằng ngàm kết nối của thiết bị này mở ra không hết. Quá trình kết nối đã không thể thực hiện được theo như kế hoạch, phi hành đoàn chỉ có thể thử nghiệm quá trình di chuyển tiếp cận hoặc rời xa mục tiêu.
    Trong ngày thứ 3, Cernan bắt đầu thực hiện các hoạt động ngoài phi thuyền. Theo kế hoạch, Cernan sẽ « bay » đến phía sau của tàu vũ trụ, nơi đã để sẵn thiết bị hỗ trợ hoạt động ngoài không gian (Astronaut Maneuvering Unit, AMU). AMU có thể coi là một động cơ phản lực nhỏ mà các nhà du hành sẽ « đeo » vào lưng khi sử dụng. Tuy nhiên, lần thử nghiệm này đã không thành công. Cernan đã rất khó khăn để khoác AMU vào người cũng như không thể sử dụng nó. Cuối cùng, các hoạt động ngoài phi thuyền của Gemini-9A đã kết thúc sớm hơn dự kiến. Cernan đã thực hiện EVA trong vòng 2 giờ 7 phút (1).
    Phi hành đoàn Gemini-9A còn tiến hành thêm 7 thí nghiệm trước khi quay trở về Trái Đất. Nhiệm vụ kéo dài tổng cộng 3 ngày 20 phút, phi thuyền bay được 47 vòng xung quanh Trái Đất.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, June 06, http://astronautix.com/thisday/june06.htm
    [2]Wikipedia, 04/2008. Gemini 9, http://en.wikipedia.org/wiki/Gemini_9
    ====
    Ghi chú:
    (1) Thiết bị kiểu AMU tiếp tục được nghiên cứu phát triển và đã được sử dụng trong 1 số nhiệm vụ của đội tàu con thoi. Sau này, chúng được gọi là Manned Maneuvering Unit (MMU). Ngày 07/02/1987, phi công vũ trụ Bruce McCandless đã lần đầu tiên sử dụng thành công MMU bay « tự do » ngoài không gian.
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 19:15 ngày 06/06/2008
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    13/06
    Ngày mất phi công vũ trụ Hoa Kỳ Donal Kent « Deke » Slayton (01/03/1924 ?" 13/06/1993)
    [​IMG]
    Ảnh: Donal Kent « Deke » Slayton (01/03/1924 ?" 13/06/1993)​
    Donal Kent « Deke » Slayton sinh ra tại bang Wisconsin, bắc Hoa Kỳ. Năm 1942, Slayton gia nhập không quân, tham gia thế chiến thứ II. Chiến tranh kết thúc, ông học tiếp và tốt nghiệp kỹ sư hàng không đại học Minnesota. Sau đó, Slayton là phi công thử nghiệm các loại máy bay siêu âm.
    Năm 1959, Slayton là 1 trong 7 người được chọn vào nhóm phi công vũ trụ thứ nhất của NASA. Theo kế hoạch, ông sẽ là phi công thứ 4 trong dự án Mercury bay lên không gian. Tuy nhiên, Slayton đã gặp vấn đề về sức khoẻ và không thể tiếp tục thực hiện chuyến bay. Từ năm 1963, ông làm việc cho NASA với chức vụ trưởng nhóm tuyển chọn phi công vũ trụ. Slayton đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định phi công cho các nhiệm vụ trong hai dự án Gemini và Apollo.
    Sau 1 thời gian dài chữa trị, năm 1972, Slayton lại có thể tiếp tục thực hiện các chuyến bay. Năm 1975, Slayton đã thực hiện được ước mơ bay lên không gian. Ngày 17/07/1975, ông là một trong 3 phi công vũ trụ của Hoa Kỳ thực hiện chuyến kết nối đầu tiên trên quỹ đạo giữa một tàu Apollo và một tàu Soyuz (Apollo-Soyuz Test Project, ASTP).
    Sau ASTP, Slayton tham gia vào chương trình Tàu con thoi của NASA cho đến khi nghỉ hưu năm 1982. Ông sáng lập và là chủ tịch của Space Services Inc, một công ty chuyên chế tạo các tên lửa cỡ nhỏ, sử dụng cho các mục đích thương mại. Slayton qua đời tại Texas vì bệnh ung thư.
    [​IMG]
    Ảnh: Slayton và Leonov trên quỹ đạo(01/03/1924 ?" 13/06/1993)​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, June 13, http://astronautix.com/thisday/june13.htm
    [2]Wikipedia, 06/2008. Deke Slayton, http://en.wikipedia.org/wiki/Deke_Slayton
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    15/06
    15/06/1978, Liên Xô phóng thành công tàu Soyuz-29
    [​IMG]
    Ảnh: Phi hành đoàn Soyuz-29, từ trái sang phải : Ivanchenkov, Kovalyonok​
    Soyuz-29 là chuyến bay có người lái thứ 5 đưa các nhà du hành vũ trụ lên làm việc tại trạm không gian Salyut-6. Phi hành đoàn Soyuz-29 là Vladimir Kovalyonok và Aleksandr Ivanchenkov. Kể từ khi các nhà du hành thuộc nhiệm vụ Soyuz-27 rời khỏi Salyut-6 ngày 16/03, trong vòng 3 tháng trên trạm không gian không có người làm việc. Sau khi kết nối thành công với Salyut-6, Kovalyonok và Ivanchenkov đã khởi động lại các thiết bị, đồng thời triển khai các thiết bị mang theo từ mặt đất. Soyuz-29 là một nhiệm vụ dài ngày, diễn ra trong hơn 2 tháng rưỡi.
    Song song với Soyuz-29, Liên Xô đã tiến hành hai nhiệm vụ ngắn hơn là Soyuz-30 (18/06 ?" 25/07) và Soyuz-31(09/07 ?" 02/08). Đã có thêm 4 phi công vũ trụ lên làm việc trên Salyut-6 cùng với Kovalyonok và Ivanchenkov. Các thành viên Soyuz-29 và Soyuz-31 đã đổi tàu vũ trụ cho nhau với mục đích đảm bảo hạn sử dụng của 2 phi thuyền không gian. Ngày 02/11/1978, Kovalyonok và Ivanchenkov đã trở về Trái Đất an toàn. Tổng cộng nhiệm vụ Soyuz-29 kéo dài 78.43 ngày.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, June 15, http://astronautix.com/thisday/june15.htm
    [2]Wikipedia, 05/2008. Soyuz 29, http://en.wikipedia.org/wiki/Soyuz_29
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    23/06
    Ngày sinh phi công vũ trụ Hoa Kỳ Donn Fulton Eisele (23/06/1930 ?" 02/12/1987)
    [​IMG]
    Ảnh: Donn Fulton Eisele (23/06/1930 ?" 02/12/1987)​
    Donn Fulton Eisele sinh ra tại bang Ohio, đông bắc Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp cử nhân học viện Hải Quân năm 1952, ông gia nhập không lực Hoa Kỳ với nhiệm vụ phi công thử nghiệm. Năm 1960, ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kỹ sư không gian (astronautic).
    Tháng 10 năm 1963, Eisele được tuyển vào nhóm phi công vũ trụ thứ 3 của NASA. Ngày 11 tháng 10 năm 1968, ông đã có chuyến bay đầu tiên trên không gian với nhiệm vụ phi công điều khiển Command Module tàu Apollo-7. Đây là chuyến bay có người lái đầu tiên của các phi thuyền Apollo và cũng là lần đầu tiên NASA tiến hành một chuyến bay với phi hành đoàn 3 người. Nhiệm vụ chủ yếu của Apollo-7 là kiểm tra sự vận hành của toàn bộ phi thuyền và thử nghiệm các động tác kết nối ngoài không gian. Trong nhiệm vụ Apollo-7, lần đầu tiên trạm điều khiển mặt đất có thể theo dõi trực tiếp hoạt động của phi hành đoàn bằng sóng vô tuyến. Tổng cộng Eisele đã ở trên không gian 10 ngày 20 giờ.
    Sau Apollo-7, Eisele được chỉ định vào nhóm phi hành đoàn dự bị trong nhiệm vụ Apollo-10. Tuy nhiên, ông đã không bay lên không gian thêm lần nào nữa. Năm 1970, Eisele chuyển sang làm chuyên viên kỹ thuật cho trung tâm nghiên cứu Langley của NASA. Tháng 7 năm 1972, Eisele rời khỏi NASA cũng như không lực, đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng gìn giữ hoà bình của Hoa Kỳ tại Thái Lan. Sau đó, ông rời quân đội và trở thành một doanh nhân. Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Eisele đã qua đời sau 1 cơn đau tim.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, June 23, http://astronautix.com/thisday/june23.htm
    [2]Wikipedia, 05/2008. , http://en.wikipedia.org/wiki/Donn_F._Eisele
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    30/06
    Ngày 30/06/1971, tai nạn đã xảy ra khi tàu Soyuz-11 quay về Trái Đất, phi hành đoàn hi sinh.
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu Soyuz-11​
    Ngày 19/04/1971, Liên Xô phóng thành công trạm Salyut-1. Đây là trạm không gian đầu tiên được đưa lên quỹ đạo. Sau đó, Liên Xô tiếp tục phóng tiếp các tàu Soyuz chở người lên làm việc. Ngày 25/04/1971, tàu Soyuz-10 đã ghép nối được với Salyut-1, tuy nhiên khớp kết nối không đủ an toàn để phi hành đoàn có thể chuyển vào trong.
    Ngày 06/06/1971, tàu Soyuz-11 mang theo 3 nhà du hành Georgi Dobrovolski, Vladislav Volkov và Viktor Patsayev bay về phía Salyut-1. Ngày 07/06, quá trình kết nối được thực hiện thành công, phi hành đoàn trở thành những người đầu tiên làm việc trên một trạm không gian. Dobrovolski, Volkov và Patsayev đã vận hành các thiết bị có sẵn trên trạm và tiến hành các thí nghiệm hoá, sinh. Do một hoả hoạn nhỏ xảy ra vào ngày thứ 11 cũng như các điều kiện làm việc khó khăn hơn dự kiến, thời gian làm việc trên Salyut-1 đã được rút ngắn lại còn 22 ngày thay cho 30 ngày theo kế hoạch.
    Ngày 30/06/1971, 3 nhà du hành đã rời khỏi Salyut-1 trở về Trái Đất. Quá trình tách khỏi trạm không gian diễn ra bình thường, tuy nhiên chỉ ít phút sau đó, trạm điều khiển dưới mặt đất không thể liên lạc được với Soyuz-11. Mọi người đã mong rằng nguyên nhân chỉ đơn giản là do hệ thống liên lạc gặp trục trặc. Tuy nhiên, thực tế thì một chiếc van điều áp đã bị hỏng khiến cho không khí trong tàu Soyuz-11 thoát hết ra ngoài, cả 3 nhà du hành đã hi sinh. Module đổ bộ của Soyuz-11 vẫn tự động đáp xuống phía đông Dzhezkazgan, tuy nhiên đội cứu hộ chỉ còn có thể tìm thấy thi thể của 3 nhà du hành vũ trụ trong khoang.
    Sau tai nạn trên, biên chế của mỗi đội bay các tàu Soyuz đã giảm xuống chỉ còn 2 người, dành khoảng trống để các nhà du hành có thể mặc quần áo bay khi cất cánh và hạ cánh. Đến năm 1980, các tàu Soyuz thế hệ mới được thiết kế (Soyuz-T), khoang điều khiển rộng hơn và có thể chở 3 nhà du hành với đầy đủ các thiết bị bay kèm theo.
    Dobrovolski, Volkov và Patsayev được truy tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô và được tổ chức tang lễ theo nghi thức quốc gia, tro của họ được đặt trong bức tường của điện Kremlin. Tên của họ được dùng để đặt cho 3 crater trên Mặt Trăng.
    [​IMG]
    Ảnh: Phi hành đoàn Soyuz-11, từ trái qua phải : Dobrovolski, Patsayev và Volkov​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, June 30, http://astronautix.com/thisday/june30.htm
    [2]Wikipedia, 06/2008. Soyuz-11, http://en.wikipedia.org/wiki/Soyuz_11
  9. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    01/07
    Ngày 01/07/1993, tàu con thoi Endeavour hạ cánh thành công, kết thúc nhiệm vụ STS-57
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu STS-57​
    Được phóng lên không gian ngày 21/06/1993, phi hành đoàn STS-57 bao gồm 6 thành viên:
    + Ronald J. Grabe : chỉ huy
    + Brian Duffy : phi công
    + G. David Low : chuyên viên
    + Nancy J. Sherlock : chuyên viên
    + Peter J. Wisoff : chuyên viên
    + Janice E. Voss : chuyên viên
    Trong 10 ngày trên không gian, nhiệm vụ chính của các nhà du hành là thu hồi vệ tinh EURECA, kiểm tra quá trình vận hành của cánh tay máy trên phi thuyền và tiến hành các thí nghiệm sinh hoá, vật liệu. EURECA (European Retrievable Carrier) là một vệ tinh có khối lượng 4.5 tấn, trong đó gắn các thiết bị quan sát cùng với những mẫu vật thí nghiệm. Vệ tinh này đã được phi hành đoàn STS-46 đưa lên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 508 km vào tháng 7 năm 1992 bằng tàu con thoi Atlantis. Sau khi dùng cánh tay máy « tóm » lấy EUREKA, David Low và Peter Wisoff đã rời khỏi phi thuyền để đưa vệ tinh này vào khoang vận tải.
    Sau khi thu hồi EUREKA, hai nhà du hành còn ở ngoài không gian, thử nghiệm các hoạt động với cánh tay máy nhằm chuẩn bị cho quá trình phóng kính Hubble cũng như xây dựng trạm ISS. Trong thời gian còn lại của nhiệm vụ, phi hành đoàn đã tiến hành các thí nghiệm trong module SPACEHAB. Trong nhiệm vụ này, Endeavour đã bay 155 vòng quanh Trái Đất với chiều dài quãng đường tổng cộng sáu triệu sáu trăm linh tám nghìn km.
    [​IMG]
    Ảnh: Cánh tay máy thu hồi EUREKA​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, July 01, http://astronautix.com/thisday/july01.htm
    [2]Wikipedia, 05/2008. STS-57, http://en.wikipedia.org/wiki/STS-57
    Được Hero_Zeratul sửa chữa / chuyển vào 20:42 ngày 01/07/2008
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    06/07
    Ngày 06/07/1976, Liên Xô phóng thành công tàu Soyuz-21.
    [​IMG]
    Ảnh: Phi hành đoàn Soyuz-21, từ trái sang phải : Volynov, Zhoilobov​
    Đây là chuyến bay đầu tiên của Liên Xô chở người lên làm việc tại trạm không gian Salyut-5. Phi hành đoàn Soyuz-21 gồm 2 phi công : Boris Volynov và Vital Zhoilobov. Mục đích chính của nhiệm vụ là thử nghiệm khả năng giám sát các hoạt động quân sự từ trạm không gian. Trong lúc phi hành đoàn làm việc trên Salyut-5, quân đội Liên Xô cũng tiến hành tập trận tại Siberi. Volynov và Zhoilobov tiến hành quan sát quá trình tập trận từ ngoài không gian. Bên cạnh nhiệm vụ chính, hai nhà du hành cũng đã thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học khác như quan sát Mặt Trời, theo dõi sự hoạt động của cá trong môi trường không trọng lượng, nói chuyện qua cầu truyền hình với học sinh, ...
    Do các thiết bị của trạm Salyut-5 gặp trục trặc nên điều kiện sống của các nhà du hành trở nên khó khăn và họ gặp các vấn đề về sức khoẻ, tâm lý. Ngày 24/08/1976, phi hành đoàn đã trở về Trái Đất sớm hơn dự kiến. Tổng cộng họ đã làm việc trên trạm không gian 49 ngày, bay 790 vòng quanh Trái Đất.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, July 06, http://astronautix.com/thisday/july06.htm
    [2]Wikipedia, 06/2008. Soyuz 21, http://en.wikipedia.org/wiki/Soyuz_21

Chia sẻ trang này