1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày này - Năm xưa

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi Hero_Zeratul, 01/01/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    08/07
    Ngày 08/07/2003, NASA phóng thành công xe tự hành thám hiểm Sao Hỏa Opportunity
    [​IMG]
    Ảnh: Mars Exploration Rover hoạt động trên Sao Hoả (ảnh minh hoạ)​
    Giữa năm 2003, NASA phóng đồng thời 2 xe tự hành hướng tới hành tinh đỏ : Spirit (Mars Exploration Rover A, MER-A) và Opportunity (Mer-B). Hai xe tự hành có cấu tạo, trang bị giống hệt nhau (1). Phần thân của Spirit và Opportunity có dạng hình hộp, với một cánh tay máy và 6 bánh xe. Chúng hoạt động chủ yếu bằng năng lượng mặt trời, dựa trên các tín hiệu điều khiển từ Trái Đất cũng như các tính toán của máy tính trên xe. Nhiệm vụ chính của Spirit và Opportunity là thực hiện các khảo sát, phân tích đối với đất đá tại khu vực đổ bộ để tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của nước trong quá khứ trên bề mặt Sao Hoả.
    Được phóng lên không gian bằng tên lửa Delta-II (2), Opportunity mất khoảng 5 tháng để bay đến Sao Hoả. Sau 1 tháng rưỡi thực hiện quá trình tiếp cận và hiệu chỉnh quỹ đạo, ngày 25/01/2004, xe tự hành đã đổ bộ thành công xuống khu vực gần xích đạo Sao Hoả. Hoàn toàn tình cờ, Opportunity lăn đúng vào một crater nhỏ (Eagle crater).
    Theo kế hoạch ban đầu, Opportunity sẽ hoạt động trong vòng 90 ngày (ngày Sao Hoả). Tuy nhiên, các xe tự hành của NASA thường hoạt động được lâu hơn dự kiến rất nhiều lần. Cho đến nay, Opportunity đã làm việc được hơn 1550 ngày trên Sao Hoả với đầy đủ các chức năng theo thiết kế : lấy mẫu, phân tích và quan sát. Với những thành công thu được, tên của xe tự hành đã được dùng để đặt cho một tiểu hành tinh (asteroid 39382 Opportunity) (3)
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, July 08, http://astronautix.com/thisday/july08.htm
    [2]NASA, National Space Science Data Center, 04/2008. Opportunity, http://nssdc.gsfc.nasa.gov/nmc/masterCatalog.do?sc=2003-032A
    ====
    Ghi chú:
    (1) Các bạn có thể xem thêm chi tiết về cấu tạo của 2 xe tự hành Spirit và Opportunity tại topic :
    Tìm hiểu về 2 robot khám phá sao Hoả - Spirit và Opportunity
    http://www10.ttvnol.com/forum/thienvanhoc/922826.ttvn
    (2) Thời gian phóng Opportunity là 03:18:15 UT ngày 08/07/2003 hay 23:18:15 EDT ngày 07/07/2003, do đó có tài liệu ghi ngày phóng của Opportunity là 07/07/2003.
    (3) Spirit được phóng lên không gian ngày 10/06/2003, đổ bộ xuống Sao Hoả ngày 04/01/2004. Cũng như Opportunity, Spirit vẫn tiếp tục hoạt động trên Sao Hoả. Tên của xe tự hành này cũng được dùng để đặt cho một tiểu hành tinh (asteroid 37452 Spirit).
  2. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    26/07
    Ngày 26/07/2005, NASA phóng thành công tàu con thoi Discovery (nhiệm vụ STS-114)
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu STS-114​
    STS-114 là chuyến bay đánh dấu sự hoạt động trở lại của đội tàu con thoi của NASA sau thảm hoạ Columbia ngày 01/02/2003. Mục đích chính của chuyến bay là tiếp vận cho trạm ISS, đồng thời tiến hành thử nghiệm và đánh giá các giải pháp an toàn mới được triển khai cho các chuyến bay lên không gian bằng tàu con thoi sau khi tàu Columbia gặp nạn. Phi hành đoàn STS-114 bao gồm 7 thành viên :
    + Eileen M. Collins, chỉ huy.
    + Jim Kelly, phi công.
    + Soichi Noguchi, chuyên viên.
    + Stephen Robinson, chuyên viên
    + Andy Thomas, chuyên viên.
    + Wendy Lawrence, chuyên viên.
    + Charlie Camarda, chuyên viên.
    Mặc dù trong quá trình phóng, hiện tượng tên lửa đẩy và phi thuyền bị va chạm bởi các mảnh vỡ lại tiếp tục diễn ra, tuy nhiên, theo các kiểm tra và đánh giá được tiến hành sau đó cho thấy tình trạng an toàn của tàu Discovery vẫn được bảo đảm. Tàu con thoi ghép nối thành công với ISS vào ngày 28/07. Các nhà du hành đã bắt đầu tiến hành quá trình thử nghiệm các giải pháp an toàn mới, bao gồm việc kiểm tra trạng thái của tàu con thoi và tiến hành sửa chữa nếu cần thiết. Tổng cộng phi hành đoàn đã 3 lần thực hiện các hoạt động ngoài không gian (EVA).
    Ngày 06/08, Discovery tách khỏi ISS. Do điều kiện thời tiết nên thay vì hạ cánh xuống sân bay vũ trụ Kennedy, tàu con thoi phải sử dụng sân bay dự bị ở căn cứ không quân Edwards, California. Ngày 09/08/2008, phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn kết thúc thành công nhiệm vụ kéo dài gần 14 ngày.
    Do hiện tượng các mảnh vỡ gây nguy hại cho phi thuyền và tên lửa trong quá trình phóng vẫn chưa giải quyết triệt để được nên đội tàu con thoi của NASA phải tiếp tục tạm ngưng trong gần 8 tháng sau đó. Chuyến bay tiếp theo được lập kế hoạch vào tháng 3 năm 2006. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão Katrina và các trận lụt đối với một số trung tâm, nhà máy của NASA và hãng Lockheed Martin nên phải đến ngày 04/07/2006, tàu con thoi mới lại tiếp tục được phóng vào không gian (nhiệm vụ STS-121).
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, July 26, http://astronautix.com/thisday/july26.htm
    [2]Wikipedia, 07/2008. STS-114, http://en.wikipedia.org/wiki/STS_114
  3. NITARID

    NITARID Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/11/2006
    Bài viết:
    767
    Đã được thích:
    1
    Vote tặng Hero_Zeratul 5***** về lòng kiên trì, chụi khó học hỏi, sưu tầm...
  4. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    02/08
    Ngày sinh phi công vũ trụ người Nga Valeri Fyodorovich Bykovsky (02/08/1934)
    [​IMG]
    Ảnh: Valeri Fyodorovich Bykovsky​
    Valeri Fyodorovich Bykovsky sinh ra tại thị trấn Pavlovsky Posad, Mat-xcơ-va. Sau khi tốt nghiệp trường hàng không, ông phục vụ trong không quân Liên Xô. Năm 1960, Bykovsky là một trong 20 người đầu tiên được trọn vào nhóm phi công vũ trụ thứ nhất của Liên Xô.
    Tháng 8 năm 1963, Bykovsky có chuyến bay đầu tiên trên phi thuyền Vostok-5. Sau đó, Bykovsky tham gia vào chương trình chinh phục Mặt Trăng của Liên Xô. Ông được phân công làm chỉ huy phi thuyền Soyuz-2, dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm kết nối ngoài không gian với Soyuz-1. Tuy nhiên, ngay sau khi Soyuz-1 được phóng lên, các sự cố đã liên tiếp xảy ra khiến cho quá trình phóng Soyuz-2 bị huỷ bỏ. Với các sự cố trên không gian, Soyuz-1 đã phải tiến hành hạ cánh sớm hơn dự kiến, nhưng dù giảm tốc đã không thể mở được, gây ra cái chết của phi công vũ trụ Vladimir Komarov. Các điều tra sau đó cho thấy, phi thuyền Soyuz-2 cũng có các lỗi tương tự và nếu như phi hành đoàn được phóng vào không gian, chắc chắn họ cũng sẽ phải hi sinh khi trở về.
    Bykovsky bay vào vũ trụ lần thứ hai vào tháng 9 năm 1976 trên tàu Soyuz-22. Tháng 8 năm 1978, ông tiếp tục có chuyến bay thứ 3 lên làm việc tại trạm không gian Salyut-6 bằng tàu Soyuz-31. Tổng cộng, Bykovsky đã ở ngoài không gian gần 21 ngày. Ông nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng không quân. Bykovsky đã 2 lần được phong tặng danh hiệu « anh hùng Liên Xô », 3 lần được trao tặng huân chương Lê Nin, cùng rất nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác trong và ngoài nước.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, August 02, http://astronautix.com/thisday/august02.htm
    [2]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, Bykovsky, http://astronautix.com/astros/bykovsky.htm
  5. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    03/08
    Ngày 03/08/2004, NASA phóng thành công tàu thám hiểm Sao Thuỷ MESSENGER
    [​IMG]
    Ảnh: MESSENGER trên quỹ đạo xung quanh Sao Thuỷ (ảnh minh hoạ)​
    MESSENGER (viết tắt của the Mercury Surface, Space Environment, GEochemistry and Ranging) là tàu vũ trụ kiểu vệ tinh có nhiệm vụ chính là bay quanh và tiến hành các quan sát từ trên quỹ đạo đối với Sao Thuỷ. Đây là tàu thăm dò thứ hai có mục tiêu là hành tinh thứ nhất của hệ Mặt Trời. Trong lịch sử hàng không vũ trụ, trước MESSENGER, mới chỉ có duy nhất tàu Mariner-10 thực hiện quá trình khảo sát Sao Thuỷ vào các năm 1974, 1975 (tuy nhiên, Mariner chỉ « bay lướt » qua hành tinh này tất cả 3 lần, không chuyển động xung quanh giống như 1 vệ tinh nhân tạo).
    Các kết quả đo đạc, quan sát của MESSENGER sẽ giúp các nhà khoa học trả lời 6 câu hỏi sau :
    + Tại sao hành tinh này lại có khối lượng riêng rất lớn (chỉ đứng sau Trái Đất) trong khi kích thước của nó lại rất nhỏ.
    + Lịch sử kiến tạo địa chất của Sao Thủy
    + Cấu tạo của lõi Sao Thuỷ
    + Bản chất của từ trường Sao Thuỷ
    + Bản chất của các « vật chất lạ » đã được phát hiện trước đó tại các cực Sao Thuỷ
    + Các vật chất dễ bay hơi quan trọng tồn tại trên Sao Thuỷ.
    Được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Delta-II, MESSENGER phải thực hiện một quỹ đạo bay rất phức tạp gồm nhiều lần bay lướt qua các hành tinh trước khi có thể chuyển động ổn định xung quanh Sao Thuỷ. Cho tới thời điểm này, MESSENGER đã 1 lần bay lướt qua Trái Đất, 2 lần bay lướt qua Sao Kim, 1 lần bay lướt qua Sao Thuỷ.
    Trong lần bay qua thứ nhất tháng 01/2008, MESSENGER đã tiến hành chụp ảnh hành tinh này, đồng thời tiến hành một số đo đạc. Dựa trên việc phân tích các số liệu thu thập được, các nhà khoa học đã phát hiện một lượng lớn hơi nước ở tầng ngoài (exosphere) của khí quyển Sao Thuỷ. Đây thực sự là một khám phá quan trọng vì từ trước đến giờ chưa ai dự đoán về điều này. Ngoài ra, các số liệu thu được từ lần bay qua thứ nhất cũng đã cung cấp bằng chứng về các hoạt động núi lửa trên bề mặt và sự tồn tại một tầng vật chất lỏng trong nhân của Sao Thuỷ.
    Dự kiến, trong tháng 10/2008 và tháng 09/2009, MESSENGER sẽ tiếp tục bay lướt qua Sao Thuỷ thêm 2 lần nữa và đến tháng 3 năm 2011 sẽ bắt đầu trở thành vệ tinh nhân tạo của Sao Thuỷ.
    [​IMG]
    Ảnh: Quỹ đạo bay của MESSENGER và các mốc thời gian quan trọng​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, August 03, http://astronautix.com/thisday/august03.htm
    [2]Wikipedia, 07/2008. MESSENGER, http://en.wikipedia.org/wiki/MESSENGER
    [2]Wikipedia, 06/2008. Exploration of Mercury, http://en.wikipedia.org/wiki/Exploration_of_Mercury
  6. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    07/08
    Ngày 07/08/1961, tàu vũ trụ Vostok-2 hạ cánh thành công
    [​IMG]
    Ảnh: Phù hiệu Vostok-2​
    Vostok-2 là tàu vũ trụ thứ 4 đưa con người lên không gian. Với chuyến bay này, phi công vũ trụ Gherman Titov trở thành người thứ 2 bay trọn vẹn quỹ đạo xung quanh Trái Đất (trước đó, 2 tàu Freedom-7 và Liberty Bell 7 của Hoa Kỳ đều chỉ thực hiện các chuyến bay suborbital, chưa thể so sánh với các tàu Vostok của Liên Xô trong cùng thời điểm). Đây cũng là chuyến bay đầu tiên có tổng thời gian dài hơn một ngày với mục đích chính là nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình không trọng lượng với cơ thể con người cũng như khả năng làm việc lâu dài trên không gian của phi công.
    Được phóng lên không gian vào lúc 06h00 UT ngày 06/08/1961, Vostok-2 chuyển động trên quỹ đạo với điểm gần Trái Đất nhất là 172 km, xa nhất là 221 km. Mọi việc gần như đều tiến hành theo đúng kế hoạch, ngoại trừ một số trục trặc không nghiêm trọng ở hệ thống điều hoà nhiệt độ và hệ thống đổ bộ. Trong quá trình bay, Titov cũng đã có biểu hiện của trạng thái « say không gian » (space sickness). Cũng giống như Gagarin, trong giai đoạn cuối của quá trình hạ cánh, Titov đã thoát ra khỏi khoang điều khiển và tiếp đất thành công bằng dù. Tổng cộng Titov đã ở ngoài không gian 25 giờ 18 phút, bay 17.5 vòng quanh Trái Đất.
    Vào thời điểm trên, Titov còn gần 1 tháng nữa mới tròn 26 tuổi. Cho đến nay, ông vẫn giữ kỷ lục là người trẻ nhất thực hiện chuyến bay vào không gian.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, August 07, http://astronautix.com/thisday/august07.htm
    [2]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, Vostok 2, http://astronautix.com/flights/vostok2.htm
  7. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    22/09
    Ngày 22/09/2001, tàu vũ trụ Deep Space 1 bay lướt qua sao chổi Borrelly
    [​IMG]
    Deep Space 1 (hình minh hoạ)​
    Deep Space 1 là tàu vũ trụ đầu tiên trong chương trình New Millenium của NASA với mục đích chính là thử nghiệm các công nghệ mới sẽ được triển khai trong các nhiệm vụ tương lai. Được phóng lên không gian ngày 24/10/1998, Deep Space 1 chuyển động trên một quỹ đạo xung quanh Mặt Trời với chu kỳ 453 ngày Trái Đất. Sau khi đã hoàn thành các thử nghiệm kỹ thuật chính, Deep Space 1 chyuển sang thực hiện nhiệm vụ mở rộng : bay lướt qua tiểu hành tinh 9969 Braille và sao chổi Borrelly.
    Quá trình bay lướt qua tiểu hành tinh Braille không thu được nhiều thành công. Do các khó khăn về mặt kỹ thuật cũng như phần mềm điều khiển gặp trục trặc ngay trước khi tiếp cận, ngày 29/07/1999, Deep Space 1 đã bay lướt qua tiểu hành tinh Braille với khoảng cách gần nhất là 26 km thay vì 240 mét như dự tính. Các kết quả quan sát thu được không có gía trị gì đáng kể.
    Tuy nhiên, sau đó hơn 2 năm, Deep Space 1 đã bay lướt qua sao chổi Borrelly với khoảng cách gần nhất 2200 km và chụp được những bức ảnh chất lượng rất cao, rất chi tiết. Những bức ảnh của Deep Space 1 tốt hơn nhiều so với các kết quả quan sát trước đó của tàu vũ trụ Giotto đối với sao chổi Halley. Mặc dù không được trang bị lá chắn chống bụi vũ trụ, Deep Space 1 vẫn an toàn sau khi tiếp cận sao chổi. Sau thành công trên, NASA quyết định không thực hiện thêm các nhiệm vụ mở rộng đối với Deep Space 1 nữa. Ngày 18/12/2001, NASA chấm dứt quá trình liên lạc với tàu vũ trụ.
    [​IMG]
    Ảnh: Nhân sao chổi Borrelly​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, September 22, http://astronautix.com/thisday/sepber22.htm
    [2]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, Deep Space 1, http://www.astronautix.com/craft/deepace1.htm
    [3]Wikipedia, 09/2008. Deep Space 1, http://en.wikipedia.org/wiki/Deep_Space_1
  8. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    30/09
    Ngày 30/09/1975, 2 nhà thiên văn Kowal và Roemer phát hiện vệ tinh Themisto của Sao Mộc
    [​IMG]
    Vệ tinh Themisto (ảnh minh họa dựa trên các kết quả quan sát)​
    Themisto (Jupiter XVIII) là một vệ tinh rất bé với bán kính trung bình chỉ vào khoảng 4 km, nặng khoảng 6.89x10^14 kg. Vệ tinh này chuyển động một vòng quanh Sao Mộc hết 129 ngày Trái Đất với khoảng cách trung bình đến hành tinh mẹ khoảng 0.05 AU.
    Mặc dù được phát hiện từ năm 1975 nhưng các quan sát vào thời điểm đó chưa cho phép tính toán chính xác quỹ đạo của Themisto và sau đó 1 thời gian, các nhà thiên văn gần như đã mất «liên lạc» với nó. Năm 2000, nhóm 4 nhà thiên văn Sheppard, Jewitt, Fernández và Magnier đã tìm lại được vệ tinh này.
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, September 30, http://astronautix.com/thisday/sepber30.htm
    [2]Wikipedia, 09/2008. Themisto (moon), http://en.wikipedia.org/wiki/Themisto_(moon)
  9. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    04/10
    Ngày 04/10/1959, Liên Xô phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-3
    [​IMG]
    Luna-3​
    Hai năm sau thành công của Spunik-1, Liên Xô phóng về phía Mặt Trăng tàu Luna-3. Đây là tàu thứ 7 trong số các tàu vũ trụ của Liên Xô có nhiệm vụ thăm dò Mặt Trăng. Trong 6 lần phóng trước, Liên Xô chỉ thành công 2 lần, 4 lần khác đều gặp trục trặc, tàu vũ trụ bị phá huỷ hoặc không rời khỏi được bầu khí quyển Trái Đất.
    Được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy R-7 8K72, tàu thăm dò mất khoảng khoảng 2 ngày để tiếp cận Mặt Trăng. 14:16 UT ngày 06/10, Luna-3 bay lướt qua Mặt Trăng với khoảng cách gần nhất là 6200 km rồi sau đó tiếp tục vượt qua phía sau của thiên thể này. Ngày 07/10, thiết bị cảm ứng trên tàu vũ trụ phát hiện ánh sáng Mặt Trời phản chiếu tại nửa xa Trái Đất của Mặt Trăng, Luna-3 bắt đầu quá trình chụp ảnh. Theo kế hoạch, tàu vũ trụ chụp 29 bức ảnh trong vòng 40 phút với khoảng cách gần nhất là 63500 km xa nhất là 66700 km, bao phủ khoảng 70% diện tích nửa bên kia của Mặt Trăng.
    Sau quá trình chụp ảnh, Luna-3 tiếp tục bay vòng qua Mặt Trăng và hướng về Trái Đất. Qúa trình truyền các bức ảnh về Trái Đất đã không hoàn toàn thành công. Trạm điều khiển dưới mặt đất chỉ nhận được 17 bức với chất lượng ảnh không cao. Tuy nhiên, đây thực sự là một cột mốc quan trọng trong lịch sử khoa học. Lần đầu tiên con người nhìn được bề mặt bị che khuất của Mặt Trăng.
    Ngày 22/10, trạm điều khiển mất liên lạc với tàu vũ trụ. Luna-3 được cho rằng đã rơi vào và bị phá huỷ trong bầu khí quyển Trái Đất vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4 năm 1960.
    [​IMG]
    Tem Liên Xô phát hành năm 1959 với tàu Luna-3 và bức ảnh chụp nửa bị che khuất của Mặt Trăng​
    Tài liệu tham khảo:
    [1]Mark Wade, 1997-2007. Encyclopedia Astronautica, This Day in Space History, October 22, http://astronautix.com/thisday/octber04.htm
    [2]Wikipedia, 09/2008. Luna 3, http://en.wikipedia.org/wiki/Luna_3
  10. Hero_Zeratul

    Hero_Zeratul Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2003
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    0
    05/10
    Ngày sinh nhà khoa học không gian Hoa Kỳ Robert Hutchings Goddard (05/10/1882 - 10/08/1945)
    [​IMG]
    Robert Hutchings Goddard (05/10/1882 - 10/08/1945)​
    Robert Hutchings Goddard sinh ra tại Worcester bang Massachusetts, đông bắc Hoa Kỳ. Khi còn thiếu niên, ông rất thích mày mò, tìm hiểu về khoa học thường thức. Năm 16 tuổi, Goddard bắt đầu yêu thích khám phá không gian sau khi đọc tác phẩm « Cuộc chiến giữa các thế giới » (The War of the Worlds) của H.G Wells. Năm 17 tuổi, trong một lần thả trí tưởng tượng về việc chế tạo một tàu vũ trụ chinh phục Sao Hoả, Goddard quyết định sẽ theo đuổi công việc chế tạo các thiết bị thám hiểm không gian.
    Vì lý do sức khoẻ, Goddard bi chậm hơn các bạn đồng lứa 2 năm học. Ông đã giành nhiều thời gian tự học bằng cách mượn sách ở các thư viện cũng như của một số nhà vật lý. Mãi đến năm 18 tuổi, Goddard mới bắt đầu học trung học phổ thông. Năm 1904, Goddard thay mặt lớp phát biểu trong lễ tốt nghiệp. Ông đã nói một câu rất nổi tiếng « It is difficult to say what is impossible, for the dream of yesterday is the hope of today and the reality of tomorrow » (Thật là khó để có thể kết luận cái gì là không thể, vì mơ ước của ngày hôm qua chính là hy vọng của ngày hôm nay và trở thành hiện thực của ngày mai).
    Sau khi tốt nghiệp, Goddard tiếp tục qúa trình học tập tại học viện Bách Khoa Worcester. Khả năng cũng như động lực học tập của ông đã được trưởng khoa Vật lý của trường để ý. Ông được nhận vào làm trợ lý tại phòng thí nghiệm cũng như trợ giảng. Sau khi tốt nghiệp học viện Worcester năm 1908, Goddard tiếp tục học thạc sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1911 tại đại học Clark. Từ năm 1912, ông làm nghiên cứu viên tại đại học Princeton.
    Ngay từ khi còn là sinh viên đại học, Goddard đã có công trình tìm hiểu về kỹ thuật ổn định các máy bay. Năm 1909, ông bắt đầu có những nghiên cứu về tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng. Goddard tập trung vào phương pháp nâng cao hiệu suất của động cơ tên lửa, cố gắng tìm ra cách tiếp cận mới thay cho cách truyền thống sử dụng nhiên liệu rắn. Ông đề xuất ý tưởng sử dụng hỗn hợp hydro và oxy ở dạng lỏng với dự đoán hiệu suất của động cơ sẽ đạt được vào khoảng 50%.
    Năm 1913, Goddard bị bệnh lao rất nặng và ông phải dừng công việc ở Princeton, trở về Worcester chữa bệnh. Trong giai đoạn an dưỡng ở quê nhà, Goddard đã bắt đầu triển khai và thực hiện những ý tưởng về tên lửa đẩy. Năm 1914, ông đã có 2 bằng phát minh về thiết kế tên lửa nhiều tầng và nhiên liệu lỏng sử dụng trong tên lửa. Hai bằng phát minh của Goddard đánh dấu những cột mốc quan trọng trong giai đoạn đầu của hàng không vũ trụ.
    Mùa thu năm 1914, sức khoẻ của Goddard đã phục hồi dần và ông tiếp tục đi dạy bán thời gian tại đại học Clark. Cho đến năm 1916, chi phí cho các thí nghiệm về tên lửa đã vượt quá khả năng của Goddard và ông phải tìm các nguồn tài trợ. Học viện Smithsonian đã tài trợ cho ông tổng cộng 5000$ trong 5 năm và học viện Bách Khoa Worcester cho phép ông sử dụng phòng thí nghiệm về từ trường. Trong những năm 1916 - 1917, Goddard bắt đầu thực hiện các thí nghiệm với động cơ đẩy sử dụng luồng ion (ion thruster) với suy nghĩ động cơ dạng này có thể hoạt động trong môi trường gần như là chân không tại những động cao lớn. Bên cạnh đó, Goddard cũng đã có những kết quả đầu tiên trong việc ứng dụng công nghệ tên lửa vào lĩnh vực quân sự. Ông đã chế tạo bản thử nghiệm của tên lửa vác vai đầu tiên. Tuy nhiên, do phát minh này ra đời vào những ngày cuối của Thế chiến thứ nhất nên nó chưa được ứng dụng rộng rãi và Goddard cũng không tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực này nữa. Sau này, phát minh của Goddard tiếp tục được những người khác phát triển trở thành súng chống tăng cá nhân (bazooka) sử dụng trong Thế chiến thứ hai.
    Năm 1919, viện Smithsonian công bố cuốn sách tuyển tập các công trình của Goddard dưới tiêu đề : « Method of Reaching Extreme Altitudes » (Phương pháp tiến hành việc bay lên các độ cao cực lớn). Cuốn sách đã trình bày lý thuyết toán của Goddard về các động cơ tên lửa, các thực nghiệm do ông đã tiến hành với tên lửa nhiên liệu rắn, các khả năng ứng dụng của tên lửa trong việc nghiên cứu Trái Đất cũng như khoảng không gian vũ trụ. Tác phẩm này đã khẳng định Goddard là một trong 3 người khai sinh ra hàng không vũ trụ (Tsiolkovsky, Oberth, Goddard)
    Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận, tuy nhiên, tiếc rằng trong giai đoạn đầu, đó lại là những lời bình phẩm theo hướng tiêu cực. Mặc dù việc chinh phục Mặt Trăng chỉ là một phần rất nhỏ và được Goddard trình bày dưới dạng ý tưởng và các đề xuất, nhưng một số tờ báo đã tập trung chỉ trích, chế diễu nó. Điều này đã dẫn đến việc dư luận xã hội coi toàn bộ công trình của Goddard là sai lầm hoặc mơ hồ, thiếu sức thuyết phục. Hậu quả là sau đó Goddard đã trở nên rất khép kín, ông thường tiến hành các thí nghiệm một mình hoặc chỉ trình bày các quan điểm, ý tưởng trong 1 nhóm nhỏ các đồng nghiệp.
    Trong một bài viết gửi viện Smithsonian tháng 3 năm 1920, Goddard đã thảo luận về các vấn đề:
    + Chụp ảnh Mặt Trăng và các hành tinh bằng tàu thám hiểm tự động kiểu bay qua (fly-by)
    + Gửi thông điệp đến các nên văn minh khác bằng các bản kim loại (gắn trên tàu không gian),
    + Sử dụng năng lượng mặt trời trong không gian
    + Chế tạo động cơ phản lực dựa trên luồng ion.
    + Thiết kế khiên chắn nhiệt (heat shield)
    Có thể thấy rằng, ngày nay, những ý tưởng trên của Goddard đều đã trở thành hiện thực. Tiếc rằng vào thời điểm đó, chúng đã không được công bố rộng rãi ra cộng đồng.
    Từ tháng 9 năm 1921, Goddard bắt đầu các thí nghiệm với động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Ngày 16/03/1926, ông đã phóng thành công tên lửa đầu tiên tại Auburn, Massachusetts. Mặc dù tên lửa chỉ bay cao khoảng 7 mét trong vòng 2.5 giây nhưng Goddard đã chứng minh được tính khả thi của động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu lỏng. Goddard tiếp tục tiến hành các nghiên cứu, cải tiến và thực nghiệm với những mẫu tên lửa tiếp theo. Năm 1929, báo chí và dư luận bắt đầu lại quan tâm đến công việc của Goddard. Đặc biệt Goddard đã được hỗ trợ rất lớn từ Charles Lingberh, một người tiên phong trong việc chế tạo máy bay và quảng bá ngành hàng không. Với sự vận động của Lingberh, Goddard đã nhận được 1 khoản tài trợ khá lớn cho các nghiên cứu của mình.
    [​IMG]
    Goddard bên bệ phóng quả tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng đầu tiên​
    Năm 1930, Goddard đến Roswell, bang New Mexico để tiếp tục công việc của mình, tránh xa sự tò mò cũng như dư luận xã hội. Thành công xen lẫn với thất bại, các tên lửa của Goddard ngày càng hoàn thiện hơn. Năm 1935, ông đã phóng thành công tên lửa kiểu A-5 lên tới độ cao 1.46 km, vượt qua được tốc độ âm thanh. Năm 1937, tên lửa L-13 của Goddard đã bay lên độ cao 2.7 km. Tuy nhiên, đây cũng là độ cao lớn nhất mà các tên lửa của Goddard đạt được, các nỗ lực về sau của ông về mặt kích thước hoặc cải tiến thiết kế đều không thu được thành công.
    Goddard đã trình bày các kết quả của mình với quân đội Hoa Kỳ, tuy nhiên ông không thu được sự quan tâm đúng mực vì giới quân sự trong nước vẫn chưa để ý đến các ứng dụng của tên lửa. Tuy nhiên, người Đức lại để ý đến các công trình của ông thông qua nhiều kênh thông tin, cả chính thức (báo chí, ...) lẫn gián điệp. Đây có thể là những nguồn thông tin tham khảo, hoặc cung cấp ý tưởng cho việc phát triển các thế hệ tên lửa V-1, V-2 của Đức quốc xã sau này. Năm 1963, Wernher von Braun đã viết : « Các tên lửa của Goddard, mặc dù còn rất thô sơ nếu so với những tiêu chuẩn hiện đại, nhưng đó thật sự là những bước tiến rực rỡ, trong đó ta có thể thấy rất nhiều đặc điểm của các tên lửa, tàu vũ trụ ngày nay ».
    Năm 1945, Goddard qua đời vì bệnh ung thư cuống họng. Cùng với Konstantin Tsiolkovsky của Liên Xô và Hermann J. Oberth của Đức, R. H. Goddard được người đời sau vinh danh là những người khai sinh ra ngành hàng không vũ trụ. Tên ông được đặt cho nhiều trường học, công trình trên khắp nước Mỹ. Năm 1959, NASA thành lập trung tâm không gian đầu tiên với tên gọi Goddard Space Flight Center. Tên ông cũng đã được đặt cho một crater trên Mặt Trăng.
    Tài liệu tham khảo
    [1]Today in Science History, 1999 - 2008. October 5 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/10/10_05.htm
    [2]Wikipedia, 10/2008. Robert H. Goddard, http://en.wikipedia.org/wiki/Robert_H._Goddard

Chia sẻ trang này