1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngày thơ Việt Nam trên đồi Thi Nhân

Chủ đề trong 'Bình Định' bởi tranhanam, 24/02/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    Ngày thơ Việt Nam trên đồi Thi Nhân

    Từ ngày những hoạt động thi ca được tổ chức trên đồi ở khu vực Đài Xuân, Gành Ráng thì nơi đây đã được đặt tên là đồi Thi nhân.
    Ngày Nguyên Tiêu, hội VHNT Bình Định đã tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại đồi Thi nhân. Ngay từ chiều là sinh hoạt giao lưu thơ học sinh sinh viên, tập hợp hàng trăm bạn trẻ của bút nhóm khuyết tật Hoa Xương rồng, các trường THCS Nguyễn Huệ, THPT Chuyên Lê Quý Đôn, CĐSP, ĐH Qui Nhơn. Cô giáo Mỹ Nương dẫn chương trình. Với hàng chục bài thơ bài hát do các em học sinh sinh viên trình bày, chúng ta có cơ sở tin rằng Qui Nhơn đã và sẽ mãi mãi là mảnh đất thi ca, sẽ xuất hiện những tài năng thơ. Người ta đã nhắc đến những tên Yến Hoa, Anh Đào (BN Hoa Xương Rồng), Lê Anh Nguyệt, Bùi Đình Vinh (BN Lê Quý Đôn) Khổng Vĩnh An Vi (ĐH Qui Nhơn). Buổi chiều còn thu hút được các cây bút nghiệp dư đăng ký đọc thơ, có những bạn trẻ rụt rè đến người tổ chức bày tỏ nguyện vọng được sinh hoạt thi ca thường xuyên. Đây, bạn ạ: CLB Văn học Xuân Diệu luôn đón nhận những cây bút mới, sinh hoạt vào ngày 14 dương lịch hàng tháng tại Trung tâm VHTT tỉnh cạnh hội trường Quang Trung. Còn nếu bạn lập được bút nhóm, chúngtôi sẽ đón tiếp bạn ở CLB Sáng tác trẻ của Hội VHNT Bình Định, số 103 Phan Bội Châu.
    Buổi tối: các quan khách cùng người yêu thơ kéo đến chật đồi Thi nhân. Màn mở đầu là tiếng trống khai hội của BS Nguyễn Thị Thanh Bình, PCT Tỉnh. tiếp đến là giọng ngâm Nam Quốc Sơn Hà của Thanh Quế sang sảng. Mục ngâm thơ không thể thiếu được là bài Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn do Bích Hạnh trình bày. Công bằng mà nói, cô ca sĩ kiêm ngâm sĩ này có giọng rất truyền cảm, nhưng đây là lần thứ ba cô ngâm bài thơ này trên đồi Thi Nhân mà vẫn không chịu đọc trước, tiếp tục ngâm sai, lần này tệ nhất, nhớ câu 3 thành câu 2, chết sững trên sân khấu. Các lần trước thì vấp váp nhầm lẫn thơ chữ Hán (trong buổi này có 2 người sai - đó còn là trường hợp TQ đọc sai bài Đất Nước của NKĐ, "ao ước ông cha" thành "ao nước ông cha"...). Người nghe đặc biệt tâm đắc với ý kiến của Vũ tiên sinh Ngọc Liễn (tức bố già Yamaha) - với đề nghị tổ chức nhiều hình thức sinhhoạt thơ như truyền thống của Bình Định: dựng chòi thơ, thi đố thơ, thi ứng tác, ... Quả thật, ngồi dưới sương mà cứ nghe đọc thơ hoài cũng... mệt. Phía ngoài, từng nhóm văn nghệ sĩ tỉnh nhà quây quần, mời nhau chén rượu Nguyên Tiêu. Đặc biệt ở bãi cỏ, ché rượu cần ngon nhất đã được Dzũ Kha đặc biệt ưu ái cho các thi hữu và khá đông bà con đi ngang qua đều tấp vô bãi cỏ vít một cần cho đã! Chờ mãi, rồi anh em cũng được tưởng niệm cố thi sĩ Huy Cận - người bạn tâm giao của Xuân Diệu. Chương trình có tản mạn ít nhiều vì bà con bắt đầu mệt. Bài viết của nhà giáo ưu tú Trương Tham điểm thơ Nguyên Tiêu đã chọn lọc được nhiều câu hay của Nguyễn Thanh Mừng, Huyền Trang, Văn Trọng Hùng. Nhưng tâm đắc nhất và hay nhất tập Nguyên Tiêu theo thầy lại là một bài thơ mà ông chưa biết mặt: một chút lặng lẽ trong thơ Vũ Đình Thung thật tài hoa. A! Tưởng ai, hoá ra bác Thung nhà ta, bữa nay V.Đ.T không có mặt, nghe nói vừa chơi một cái đầu đinh cực mốt. Vậy mà thơ hay mới chết chứ! Đừng trông mặt mà bắt hình dong!
    10 giờ đêm, hội tan! Nhưng lúc này mới là lúc các anh hào thi bá mới trổ mòi trướcquần hùng, cácchiếu thơ, chiếu rượu được lập ra khắp nơi: bãi tắm Hoàng Hậu, Khu Du lịch... Rượu vào lời ra, thơ hay bay như nước Hoàng Hà tuột khỏi mây.
    Nghe nói, có mấy hội chơi tới hơn 1 giờ sáng. Còn ta, mới hơn 12 giờ định chơi nữa nhưng bà con năm nay sức khoẻ kém, ngọc thể bất an nên kiếu. Vũ tiên sinh 82 tuổi ngất ngưởng trèo lên xe máy của giáo chủ đạo cỏ Mai Thìn (chả là tại bàn bia, MT đã hứng chí ngắt cỏ bỏ chai, sau đó quệt má từng anh em mà hỏi: có sướng không, có sướng không! Thế là được phong luôn chức). Dư âm hoành tráng hậu Nguyên Tiêu năm nào cũng được nhớ mãi!
  2. chapi

    chapi Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    05/01/2002
    Bài viết:
    247
    Đã được thích:
    0
    Hình như đây là ngày thơ Việt Nam lần 3 thì phải? theo thông tin từ báo chí thì chỉ thấy Hà Nội(ở Văn Miếu) và Bình Định (trên đồi Thi Nhân) tổ chức ngày thơ này, còn các nơi khác chưa thấy đưa tin.
    Nếu bác tranhanam có tư liệu thì xin cung cấp thêm cho các bạn gần xa được biết thêm về lịch sử của ngày thơ Việt Nam? sơ lượt về các lần tổ chức trước? cũng như mục đích, ý nghĩa của ngày thơ này.
    Xin cảm ơn bác nhiều.
  3. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    Thơ học sinh Lê Quý Đôn tham gia
    Ngày Thơ Việt Nam Nguyên Tiêu Ất Dậu

    NGUYỄN VĂN HUYNH
    (12 HOÁ-SiNH)
    Nhớ Mẹ
    Còn gì bằng con nhớ mẹ đêm nay
    Khi ngoài kia?
    Gió rì rào kẽ lá
    Bước chân ai ngoài hành lang vội vã
    Như dáng mẹ về ấm lại cảnh khuya
    Con ra đi ngày ấy buổi trưa
    Mẹ lặt vội nắm rau xanh
    Buổi cơm vui, nhìn con ăn lần cuối
    Hôm con đi bờ tre gió thổi
    Mẹ hút nhìn? xa mãi
    Con trở về thầm lặng tháng năm?
    Giờ ngồi đây, nơi phương ấy xa xăm
    Con nhớ quá một vùng quê bé nhỏ
    Dáng mẹ gầy đâu đó
    In hằn lên trang vở nơi con
    N.V.H

    NGUYỄN XUÂN ÁI NHẬT
    (12 ANH)
    NẮNG HỌC TRÒ
    Mình thấy nắng dâng lên trong mắt ấy
    Nắng dịu dàng như lắng đọng mùa thu
    Ánh tinh nghịch lén nhìn qua trang vở
    Tóc mây bay trong cái nắng đầu mùa
    Mình hỏi ấy vì sao lại có nắng
    Ấy thẹn thùng lắc đầu: ?ohổng biết đâu?
    Hổng biết? Sao làm người ta khổ thế?
    Đến bao giờ ai mới hiểu lòng ai
    Rồi một mai khi ve kêu hè tới
    Biết có còn gặp lại nắng năm xưa
    Sẽ nhớ lắm cái lắc đầu ngày ấy
    Nhớ nắng thân thương trong ngần tuổi học trò ?
    A.N

    Bùi Đình Vinh
    (Lớp 11 VĂN)
    BIỂN
    Biển mênh mông sao hiền hoà như một dòng sông
    Để người dại khờ như trẻ nhỏ
    Mỏi mắt tìm những con còng gió
    Vết chân trần lang thang
    Đưa ta về ngủ ngoan trong vòng tay mẹ
    Ru và hát ngọt ngào
    Đêm yên lành sao khuya giăng mắc
    Đáy biển gọi mình nên ấm áp xôn xao
    Sao chẳng về sà vào lòng mẹ
    Biết tình yêu trên cõi đất này
    Biển thì thầm bồi hồi nhịp thở
    Men đất trời cho sóng chếnh choáng say
    Nghe trái tim mình xanh những mầm cây
    Sóng cuộn tròn quanh mạn thuyền để nhớ
    Một cơn giông phía chân trời bỡ ngỡ
    Âm thầm bão tố kéo lên!

    Lê Anh Nguyệt
    (Lớp 11 VĂN)
    SỎI THUỶ TINH
    Em chạy về cuối trời
    Nơi con chim vút cánh bay lên tầng không
    Giữa buổi chiều tím ngắt
    Cánh chim bay lên? tuổi thơ chảy ngược
    Trở về!
    ? Về ngày xưa
    Khi cổ tích vẫn còn là sự thật
    Nàng Bạch Tuyết còn say sưa ngon giấc
    Và bùn nâu còn lấm tấm môi cười
    ? Về ngày xưa
    Em muốn làm mưa rơi
    Tắm ướt lá bên bờ ao ếch gọi
    Hàng dâm bụt đom đóm giăng le lói
    Của buổi chiều
    Ơ ! Lật mặt hoàng hôn
    ?
    Em chạy về
    Miền trẻ dại ngày ấy
    Về nơi xa chim vút cánh lên trời
    Về nơi đó ướt đẫm hạt mưa rơi
    Những giọt mưa
    Tan vỡ
    Lấp lánh nghìn hạt sỏi thuỷ tinh
  4. tranhanam

    tranhanam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    Đây là bài viết của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, trích từ nguồn www.baobinhdinh.com.vn
    Từ tiết Trùng cửu đến ngày thơ Nguyên tiêu
    10:33'''', 28/2/ 2005 (GMT+7)
    Từ thuở xa xưa các bậc thi hào thi bá của nước mình vốn đã từng sáng tạo nên ngày thơ dành riêng cho văn đàn. Đó là tiết Trùng cửu, cũng gọi là tiết Trùng dương, tức ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch hằng năm. Đến ngày ấy, từng nhóm, từng nơi họ rủ nhau lên núi cao uống rượu, ngâm thơ, hoặc sản xuất thơ tại chỗ (không biết Hồng Hồng, Tuyết Tuyết có cùng đi không?). Tục này bắt nguồn từ các thi bá thời nhà Đường (Trung Quốc) rồi lan tỏa tới các nước chung quanh như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên v.v?
    Trên văn đàn xưa nay người ta thường nhắc đi nhắc lại bài thơ Cửu nguyệt, cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ của Vương Duy làm cứ liệu lịch sử để hoài niệm giai tiết này. Thơ rằng:
    Độc tại dị hương, vi dị khách
    Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
    Dao tri huynh đệ đăng cao xứ
    Biến tháp thù du thiểu nhất nhân
    .

    Nghĩa là:

    Mỗi mình ta làm khách lạ ở xứ người
    Mỗi lần đến ngày tiết đẹp, nhớ người thân da diết
    Ở xa, biết anh em đều lên núi cao
    Nhưng khi cắm cành thù du thì thiếu vắng một người
    .
    Nhân đây xin cho phép tôi chi tiết một chút: Vương Duy vừa là họa sĩ tài hoa, vừa là nhà thơ xuất chúng, cùng lớp với Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ? Ông đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 9, làm quan đến chức Hữu Thừa, Thượng Thư. Trong vụ phản loạn An Lộc Sơn ông bị bắt, về sau được tha. Bài thơ giới thiệu Vương Duy viết lúc bị bắt đưa đi đày. Còn cây thù du chưa rõ tiếng Việt gọi là cây gì, chỉ biết loại cây này có tác dụng trừ tà, chống ác.
    Riêng Bình Định, cụ Đào Tấn còn để lại đến ba bài nói về ngày thơ tiết Trùng Cửu.
    Bài thứ nhất:
    Cửu nhật ngẫu đắc
    Đông hiên tiểu tọa đối nhi tào
    Tiếu chỉ quần sơn phiếm lục giao
    Mạc tích trùng dương vô hảo vũ
    Vãn niên thi khách yểm đăng cao.

    Đỗ Văn Hỷ dịch:
    Ngày mồng 9 tháng 9 hứng viết
    Chái đông trò chuyện với đàn con
    Uống rượu núi kia - chỉ dãy non
    Đâu ngại Trùng dương trời nắng hạn
    Tuổi già trèo núi, hứng không còn.

    Bài thứ 2:
    Cửu nhật muộn tọa đắc Hà Đình công dạ phỏng
    Hoàng hôn phong võ khấu môn thanh
    Tri thị thương thu khách, dạ hành
    Tương đối chỉ ngôn trùng cửu nhật
    Bất đăng cao xứ phụ hoa tình.

    Yến Lan dịch:
    Đêm mồng 9 tháng 9 ngồi buồn được ông Hà Đình đến thăm
    Gió mưa, ai gõ cửa ban đêm
    Biết khách buồn thu lại đến tìm
    Đối mặt chỉ bàn ngày Trùng cửu
    Phụ hoa vì bỏ núi không lên.

    Bài thứ 3:
    Cửu nhật
    Cửu nhật thu tương lão
    Kim niên tặc diệc nhàn
    Khinh xa tuần tiểu quách
    Đoạn ngạn kiến dao sơn
    Trạch địa quan nhưng viễn
    Ưu thiên mấn dĩ ban
    Linh phong hồi thủ xứ
    Thư ốc hữu tam gian.

    Vũ Ngọc Liễn dịch:
    Ngày mồng 9 tháng 9
    Trùng cửu thu sắp hết
    Giặc giã cũng an nhàn
    Xe dạo quanh thành nhỏ
    Cuối bờ thấy núi xa
    Chưa về đất đã chọn
    Lo đời lắm chóng già
    Chùa Linh Phong nơi ấy
    Chứa sách ba gian nhà.


    Hay như bài Mạn hứng của Nguyễn Du:

    Long Vĩ châu biên đa bạch âu
    Lam giang đường thượng hữu hàn nho
    Nhất sinh từ, phú tri vô ích
    Mãn giá cầm thư đồ tự ngu,
    Bách tuế vi nhân bi thuấn tức
    Mộ niên hành lạc tích tu du
    Ninh tri dị nhật tây lăng hạ
    Năng ẩm Trùng dương nhất trịch vô?

    Nguyễn Huệ Chi và Vũ Ngọc Liễn dịch:
    Chim âu đậu trắng bãi Đuôi Rồng
    Một bác nho nghèo nhà mé sông
    Thơ, phú suốt đời, chi thế nhỉ?
    Sách đàn đầy giá có ngu không!
    Trăm năm, cuộc sống trôi thoăn thoắt
    Luống tuổi nguồn vui tiếc lạ lùng
    Thử hỏi gò tây khi nhắm mắt
    Trùng dương tiết ấy rượu ai dùng?

    Rất rõ ràng, tuy Nguyễn Du không miêu tả trực tiếp về tiết Trùng dương, nhưng chén rượu của tiết Trùng dương như đeo đuổi suốt đời thơ của thi hào. Và qua 4 bài thơ của Đào Tấn, của Nguyễn Du vừa giới thiệu, tôi thấy đến tiết Trùng cửu các thi hào thi bá nước ta cùng nhau leo núi uống rượu ngâm thơ, làm thơ và ngắm hoa hoặc hái hoa (ắt là hoa rừng) chứ không thấy có chuyện cắm cành thù du như các nhà thơ đời Đường? có lẽ ở Việt Nam không có giống cây này chăng (?).
    Như trên đã nói, trong quá trình sáng tạo văn chương các cụ ta ngày xưa đồng thời cũng sáng tạo nên một thế giới thanh cao, cái chất thanh cao đầy ắp cả không gian lẫn thời gian để làm điểm tựa cho tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình. Thế rồi do biến thiên lịch sử, thế giới thanh cao ấy bị biến mất, mất dần, mất ngay từ nơi sản sinh ra nó chứ không chỉ ở Việt Nam, Nhật Bản hay Triều Tiên?
    Ba năm trước đây, giới văn chương Việt Nam nảy ra sáng kiến chọn tết Nguyên tiêu làm ngày thơ, nếu tôi không lầm thì đề xuất này vừa có ý muốn noi dấu cũ, vừa nhằm gây ý thức kích thích sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có điều là trong hoàn cảnh hiện nay nên làm gì để duy trì sinh hoạt văn hóa này một cách thông minh, ấn tượng, thu hút được nhiều người tham gia.
    Theo tôi, trước hết chúng ta nên quan niệm đây là một sân chơi của những người cùng nghề nghiệp, là "hội" chứ không phải "lễ". Từ đó tôi xin đề xuất 4 điểm:
    1. Nên tổ chức các cuộc thi có thưởng:
    - Cuộc thi giọng ngâm thơ hay.
    - Cuộc thi đọc thơ hay.
    - Cuộc thi tài bình thơ hay.
    2. Nên tổ chức sinh hoạt thơ xướng, họa dành cho các tài thơ đồng điệu.
    3. Nên tổ chức cuộc thi sáng tác nhanh, đủ các thể loại và quy định về thời lượng.
    4. Tổ chức trò chơi đố thơ có thưởng. Ban đầu giới hạn trong phạm vi tác phẩm thơ Bình Định xưa nay, dần dần mở rộng đến thơ cả nước và thơ thế giới nữa.

    Điều quan trọng trong 4 điểm trên là phải có những trọng tài nắm vững luật chơi. Làm được những điều vừa nêu chúng ta sẽ góp phần gầy dựng một lực lượng độc giả, khán thính giả yêu thơ lý tưởng, đương nhiên sẽ loại dần được thứ rác thơ và may ra có thể cứu vãn được tình hình thơ thẩn, dịch thơ song hành với... dịch cúm gia cầm, tai họa uy hiếp cơ đồ văn thơ của đất nước.
    . Vũ Ngọc Liễn

    Được tranhanam sửa chữa / chuyển vào 11:55 ngày 28/02/2005

Chia sẻ trang này