1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nghệ An tây tiến chống đói nghèo

Chủ đề trong 'Nghệ Tĩnh' bởi di_mo_cung_nho_ve_nghe_an, 20/03/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. di_mo_cung_nho_ve_nghe_an

    di_mo_cung_nho_ve_nghe_an Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/03/2005
    Bài viết:
    32
    Đã được thích:
    0
    Nghệ An tây tiến chống đói nghèo

    Từ Thành phố Vinh ngược miền tây Nghệ An còn xa hơn quãng đường về thủ đô Hà Nội, hơn 300 km. Là vùng núi cao hiểm trở bậc nhất sườn đông dãy Trường Sơn, lạc hậu và đói nghèo luôn đeo đẳng miền đất này. Trong công cuộc chống đói nghèo, nhiều thế hệ tham gia khai phá, mở mang, đưa miền tây Nghệ An từng bước vượt lên.



    Thuộc địa phận huyện Kỳ Sơn có con dốc mang tên O Hường. Ngay cả những người thạo đi rừng cũng phải mất bốn giờ để vượt qua con dốc này. Ðược nghe kể lại rằng, hồi chiến tranh, O Hường trong đoàn dân công vận tải. Khi đẩy xe thồ leo đến đỉnh con dốc nọ, thấy người đi sau đuối sức, cô quay xuống đẩy giúp. Cứ như thế, đến lượt thứ ba, đứt hơi, cô gục xuống, không tỉnh lại nữa. Con dốc ấy đã mang tên cô dân công bình dị của một thời hào hùng. Ðó chỉ là một con dốc trong điệp trùng miền tây Nghệ An.

    Vùng núi Nghệ An chiếm hơn 80% diện tích toàn tỉnh. Như thế, thực chất Nghệ An là một tỉnh miền núi có đồng bằng. Lên miền tây Nghệ An chỉ có hai con đường: Quốc lộ 7 và quốc lộ 48, dọc qua các huyện vùng tây nam và tây bắc của tỉnh. Mới chỉ mươi năm trước, từ trung tâm các huyện vùng cao về nhiều xã chỉ có cách đi bộ. Ðôi khi cả một, hai ngày đường.

    Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp khẳng định: Ðể xây dựng Nghệ An thành một tỉnh khá, vươn lên giàu mạnh, phải tìm bằng được lời giải cho miền tây! Từ nhiều năm qua, năm nào các huyện vùng cao Nghệ An cũng đều có ít nhất một đợt ra quân mươi ngày làm đường giao thông. Tỉnh hỗ trợ nguyên vật liệu, nhân dân cả huyện đóng góp công sức. Sau mỗi đợt ra quân, mỗi huyện lại có thêm vài xã có đường ô-tô về đến trung tâm. Giáo dục luôn là giải pháp hàng đầu nâng cao dân trí cho miền tây Nghệ An. Cho đến nay, đã có hàng chục nghìn lượt giáo viên từ các huyện đồng bằng được tăng cường cho các xã vùng sâu, cắm bản. Giao thông dần được cải thiện. Dân trí từng bước được nâng lên. Ðể thúc đẩy người dân vùng sâu chuyển nhanh từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, cần có những giải pháp đặc biệt, nỗ lực đặc biệt.

    Hai mươi năm trước, Tổng đội Thanh niên xung phong 1 - xây dựng kinh tế Nghệ An được thành lập tại huyện Anh Sơn. Ðội viên tình nguyện phần lớn là người địa phương và một số từ các huyện đồng bằng đất chật. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đội viên thanh niên xung phong đã khai phá hơn ba trăm ha đồi hoang, trồng chè và các loại cây ăn quả, phát triển chăn nuôi. Sau năm năm, đã có nhiều hộ gia đình đội viên đạt thu nhập hàng chục triệu đồng một năm. Thành công của Tổng đội TNXP đã tạo sức thuyết phục lớn. Cho đến nay, Anh Sơn đã có hơn 2.000 ha chè, gấp sáu lần diện tích chè của Tổng đội. Theo mô hình sản xuất của Tổng đội, hàng nghìn hộ dân Anh Sơn đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá, làm giàu.

    Từ kinh nghiệm ban đầu, thêm chín tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) liên tiếp được thành lập với 2.000 đội viên, là một mũi chủ công khai phá vùng sâu miền tây Nghệ An. Bí quyết hoạt động của các Tổng đội TNXP nghe khá đơn giản: Lao động dư thừa cộng với đất hoang sẽ tạo ra của cải. Không chỉ có vậy, thực tiễn cho thấy ảnh hưởng, sức lan tỏa mạnh mẽ về kinh tế và văn hóa của Tổng đội với nhân dân trong vùng.

    Tổng đội TNXP 7 đóng trên địa bàn huyện Quế Phong, là huyện tây bắc xa nhất. Mới thành lập từ tháng 6-2002, Tổng đội còn đang trong thời kỳ khảo nghiệm tìm mô hình phát triển cho mình và cho cả vùng. Tổng đội TNXP 8 đóng tại địa bàn xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, là huyện tây nam xa nhất.

    Bên cạnh các Tổng đội TNXP, các huyện chủ động tìm kiếm, xây dựng nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Kỳ Sơn có phong trào mỗi cán bộ Thường vụ, Chấp hành Huyện ủy giúp ít nhất một hộ thoát nghèo. Ðể làm được, các cán bộ phải xuống các hộ nghèo, cùng bàn bạc, thuyết phục, xây dựng phương án phát triển kinh tế. Vừa giúp hộ nghèo làm thủ tục vay tiền, vừa phải theo dõi, đôn đốc thực hiện.

    Phong trào đã lan rộng ra cả 19 chức danh các đơn vị, cơ quan, trường học trên địa bàn, chỉ trong hai năm 2003-2004 đã giúp 850 hộ xóa nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát cho 250 hộ. Tỷ lệ đói nghèo từ 66% năm 2001 giảm xuống còn 41% năm 2004. Mới đây Kỳ Sơn tập trung xây dựng bảy mô hình kinh tế cho ba hệ dân tộc phổ biến trong huyện là Mông, Khơ Mú, Thái.

    Đến thăm bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, là mô hình sản xuất cho dân tộc Khơ Mú. Mô hình ở Huồi Thợ tổ chức 82 hộ trong bản thành mười nhóm đổi công. Mỗi nhóm có một người có uy tín, nắm vững kỹ thuật canh tác đứng đầu. Trong nhóm, người thành thạo hướng dẫn người chưa biết làm đúng thời vụ, đúng kỹ thuật. Bây giờ Huồi Thợ đã có nhà văn hóa, bể nước sạch. Các gia đình đều có vườn đồi và vườn nhà, cuộc sống khá sung túc. Ở huyện Tương Dương, chúng tôi đến thăm bản người Mông Lưu Thông, xã Lưu Kiền. Trước đây bản mang tên Pù Quạc, tít trên núi cao. Cả bản có 35 hộ đều ở nhà thưng cỏ lợp tranh tạm bợ, đói nghèo. Năm 1992 được vận động, hỗ trợ, cả bản xuống núi định cư, làm rẫy luân canh theo quy hoạch của kiểm lâm. Từ năm 1996, cả bản chỉ còn vài nhà thiếu ăn, mỗi năm độ hai, ba tháng.

    Ðịnh cư chưa lâu mà bản người Mông Lưu Thông đã sung túc, khang trang như một bản khá vùng đồng bằng. Cả bản 44 nóc nhà, có 117 con bò đang vỗ béo, có 20 máy thủy điện nhỏ. Trưởng bản Vừ Vả Rùa cho biết: bản người Mông cũng biết trồng năm ha cây ăn quả, biết trồng bí xen lúa nương mỗi năm thu hơn 300 tấn, biết trồng cỏ sữa, cỏ voi nuôi bò nhốt. Và đặc biệt, biết đào tới 42 ao nuôi cá. Cả bản chỉ còn hai ngôi nhà tranh tre, sẽ xóa nốt trong năm 2005 này. Rồi đây, những mô hình kinh tế thôn bản này sẽ là nơi tham quan, học hỏi, là nguồn cổ vũ, động viên cho những vùng sâu đang tìm hướng thoát nghèo.

    Tháng 9-2004, công trình thủy điện Bản Vẽ có công suất 320MW trên sông Nậm Nơn, huyện Tương Dương đã được khởi công. Ngay trong năm 2005 này, cũng trên địa bàn huyện Tương Dương, công trình thủy điện Khe Bố công suất 96MW sẽ được khởi công. Chưa hết, huyện Quế Phong cũng sẽ xây dựng ba nhà máy thủy điện Hủa Na, Bản Cốc, Sao Va với tổng công suất hơn 200MW. Ðây sẽ là những điểm tựa vững chãi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa miền tây. Cũng trong năm 2005, con đường nối đường 7 và 48 từ Tương Dương qua Quỳ Hợp đang khẩn trương hoàn thành. Con đường ven biên giới nối Kỳ Sơn sang Quế Phong cũng rậm rịch khởi công. Như thế, miền tây Nghệ An đã được cơ bản phủ kín về giao thông. Hai thị trấn Con Cuông và Thái Hòa (Nghĩa Ðàn) cũng đang hoàn tất thủ tục để trở thành hai thị xã, đòn bẩy phát triển cho khu vực.

    Kiên trì tìm kiếm, tạo dựng, nắm chắc vận hội, miền tây đã tìm ra lời giải bứt khỏi đói nghèo, cùng Nghệ An vươn lên giàu mạnh.

Chia sẻ trang này