1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nghe Khánh Ly hát -Tiếng hát Nữ hoàng chân đất ... Rơi lệ ru người... Còn tuổi nào cho nhau...

Chủ đề trong 'Nhạc TRỊNH' bởi tigerlily, 30/06/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Người ta nghe nhạc, lão cũng nghe nhạc . Người ta nghe những mấy người hát, lão chỉ nghe được một . Tại vì lão nghe hát mà không cần phải có mặt . Cảm ơn thời đại tân kỳ, khoa học kỹ thuật tân tiến, cảm ơn cả những người đã ráng nghe lời lão khẩn nài ...
    Hầu như đã trở thành thói quen, thiên hạ biết lão thích nhạc của ai, nghe ai hát, và ... xem ai hát . Cho nên, lâu lâu lại được người nhắn tin, lần này chị đi hát ở đâu, hát với ai, và dự định sẽ hát ... nhiều hơn là mấy bài . Vậy đó, thành ra nếu biết lần đó chị hát nhiều hơn ... mười bài mà mình lại không thể nghe được, lão lại thấy bứt rứt khó chịu . Mà bứt rứt như vậy thì ... cứ bị hoài bị huỷ, cho đến một lần nào, có người ngỏ ý sẽ giúp lão ... nghe lén nếu không thể nghe công khai . May mà loại hình hưởng thụ nghệ thuật này vẫn chưa bị xếp vào hạng mục ... đánh cắp tác quyền văn hoá phẩm !
    Ở .. quê lão, người ta gọi kiểu này giông giống như ... kỵ vọng ! Không có mặt được thì thôi, gỡ gạc bằng cách gởi lòng về nơi xa, hướng tâm về viễn phương mà ... vọng . Âu cũng là một cách gỡ gạc ! Thiệt thòi là chẳng được dịp dỏng tai nghe thiên hạ chung quanh bàn tán . Thuận lợi là bớt ... xốn xang vì những cảnh chướng tai gai mắt mà ở đâu đâu cũng có . Lại nữa, bin điện, kho chứa và bộ nhớ của máy móc, dù tân thời đến đâu cũng không phải là ... giấy lộn, xài cũng phải ... ky cóp, thành thử thông thường chỉ được thấy cái gì đáng thấy, cũng là một thuận lợi ... Mà thôi, nói dông dài chi lắm rứa, bà Hư Vô đang sốt ruột lắm rồi thì phải !
    Bài hát đầu tiên, "dạy cho con tiếng nói thật thà, Mẹ mong con chớ quên mầu da, con chớ quên mầu da, nước Việt xưa ..." Bài này, lão đã nghe chị hát đi hát lại mấy lần trên sân khấu vũ trường, trên sân khấu ... sân vận động, trên sân khấu ... Tivi . Vẫn thế, một chút nhiệt tâm, một chút ... chiến lược hòng ... lôi kéo nhân tâm . Khéo thế chị ơi, nhưng mà khổ thay, dân Kăng Gu Rù chưa đủ bia ... Phót Xì Tờ thì vẫn cứ còn ... rù (hì hì, không kỳ thị đâu nha, đừng rủa). Cho nên, bầu không khí chưa hâm đủ nóng cho bài hát vốn phổ biến rộng rãi, coi bộ lần này trúng chiêu "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân", lần sau chị phải xếp đặt lại sách lược rồi đó, hì hì hì ...
    Mỏi mắt quá, thôi thì khép chúng lại . Ừ, cũng đã đến bảy năm rồi thì phải ! Bảy năm trước, chị năm mươi tuổi, đe doạ sẽ từ bỏ sân khấu, làm đám long nhong lão đây chạy trối chết về nghe chị hát lần cuối . Bố khỉ, coi bộ chỉ là lá bài quảng cáo ! Nhưng mà thích mê tơi, sướng rêm mé đìu hiu . Bao nhiêu lần rồi, lần ấy chị hát "Gia Tài Của Mẹ" phải gọi là hay nhất . Một phần vì cái đoạn mào đầu nhắc về cái thời áo dài chân đất đi hát ca khúc Da Vàng quá hay, một phần vì ... chính chị cũng không biết mình sẽ còn ... hát nữa hay không, và một phần vì ... thành phần khán giả, trong đó có lão (hì hì, sướng phổng mũi, eo ơi !). Chị hát được một khổ, rồi cầm máy vi âm đi xuống cùng hát với mọi người . Lúc đó, lão nghèo xơ xác í, cho nên chỉ kiếm được cái vé ngồi trong góc xa ơi là xa, vậy mà chị cũng ... đi tới . Thế là lão gào lên, "Mẹ mong con mau bước về nhà ..." Mà không chỉ một lão gào lên thôi đâu, nhìn quanh lão ai cũng gào lên, mắt ai cũng long lanh ươn ướt, giọng ai cũng run run, để dáng ai rồi cũng mờ mờ trong ai, hay chỉ là khói thuốc bay thì lão không biết . Chị đứng đó, ngừng hát, nhè nhẹ vỗ tay theo cái nhịp vỗ âm vang trong lòng căn vũ trường bừng bừng xúc cảm ...Cũng như mọi lần, cái phần dồi dào nhất trong mỗi đêm nhạc ... loe hoe vài người hát, chị vẫn dành để hát ca khúc của anh . Có lần đã có người nặng nhẹ, vì có một cái tên đã vô hình trở thành một vĩ tuyến, dù không là mười bảy cũng vẫn là một sự cách chia . Nhưng chị vẫn hát, và mỗi lần hát, lại không quên kể một vài chi tiết về sự khởi thuỷ của ca khúc, những kỷ niệm từ những buổi nghiêu ngao trên sân khấu, trong quán, hay trên ghế ngồi bên lò sưởi . Lão yêu những bài hát, cũng yêu những câu chuyện rất người xung quanh những bài hát . Người ta nói, lão có những thiên lệch kỳ lạ trong sự đánh giá, làm ảnh hưởng đến cái "phẩm vị" vốn đã kém cỏi của lão . Cũng chẳng sao, bài hát hay không chỉ bởi ở những nốt nhạc, ừ mà hình như đã có một cuốn phim nào đó mang cái tựa đề này, uổng là phim lại chẳng mấy hay !
    Sẽ là một sự thừa thãi nếu cứ đi sâu vào kể lể về giọng hát của chị, một giọng hát mà cho dù có ghét chị vì những luận điểm ... không giống ai, người ta vẫn cứ phải công nhận là ... để đời . Nên lão chỉ muốn đi quanh những bài hát . Mà lạ quá, những bài hát quá quen thuộc, quen đến độ nhắm mắt ngủ mơ cũng hát nổi, say ngất ngưỡng cũng chẳng sai lời, vậy mà mỗi khi nghe vẫn cứ rờn rợn cuối sống lưng chân tóc gáy . Lão người dân Việt Nam chân chất mắm ruốc vạn tuế đây nè, dù đi xa muôn trùng xa chắt chiu miếng ăn cái mặc vẫn chỉ thành thạo một thứ tiếng đây nè, tiếng ... Huế ! Vậy mà nghe chị góp nhặt về con đường phượng vĩ "mù không lối vào", về cái hình bóng "em đi về cầu ... mưa ướt áo", về hai hàng cây "lá xanh gần với nhau", vẫn thấy mơ màng hình bóng ... quê dzà . Chao ơi thương biết mấy . Ơ mà chị ơi, đừng mù mờ khó hiểu thế, dân Việt ta vốn giàu óc tưởng tượng, lại đi xa lắc xa lơ cho mà coi . Em không ... cầu cho cơn mưa ướt áo để ... thấp thoáng đâu chứ hở, coi bộ lần sau nếu được, phải ngắt chữ một cách ... dứt khoát, "em đi về cầu ... mưa ướt áo" đúng theo phong cách ... Biển Nhớ Đặc Trưng thì mới nghe . Và nữa, gắn cả con đường phượng bay với những hàng cây ... xanh gần với nhau vào một bức tổng thể, coi bộ cái thuyết cầu Phú Cam tạm đứng vững . Chị không tin lão ư, sao không đi hỏi lại ... anh ? (hì hà) À, mà còn nữa, hai cái chữ "xanh gần" này, nghe đâu cũng có một ... "truyền thuyết" chứ chẳng chơi, nghe đâu tổ tiên của nó vốn là ... "xanh dờn", hì hì, đúng theo tinh thần ... thần kinh gốc ! Mà gượm đã, nói lộn phèo nãy giờ, quên nhấn mạnh vào cái trọng điểm của bài hát, "cuộc đời đó có bao lâu ... mà hững hờ ..." Cái thông điệp cuối bài, lão giữ lại, cám ơn cái ý của chị, và cái tứ của anh !
    "... Còn lời ru mãi, vang vọng một thời, mùa xanh lá vội, ru em miệt mài ...
    Còn lời ru mãi, còn lời ru này, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai ..."
    Chết lặng ! Bài hát mà chị nói mà chị thích lắm, hát đi hát lại cũng hàng trăm lần, sao hôm nay bỗng dưng có chút nghèn nghẹn . Cái giọng hát vẫn dễ dàng đi suốt bốn quãng âm, sao hôm nay bỗng dưng có chút khàn đục . Thiên hạ vẫn nói, giong hát bắt đầu từ ... phổi, đi qua cuống họng . Nếu phải nghẹn, đâu cần đợi tới hôm nay ! Hay những cốc men chị nuốt xuống cho vơi nỗi nhớ niềm đau đã bắt đầu hoành hành . Mới đây, nghe nói là tay run tay đau, rồi da vàng da tái, giờ đến giọng hát cũng rưng rưng, sao thế chị ơi ! Hay là từ nay, cứ hát ra từ mỗi buồng phổi như biết bao nhiêu người vẫn làm, đừng bắt nói phải luân chuyển một vòng qua hết tâm can tì phế thận rồi mới phát nó ra, đừng làm cơn đau làm mệt nhoài thêm từng câu từng chữ tự nó đã nằng nặng nỗi đau, khổ thế !
    Lão không nghe được cả, không xem được cả . Nhưng từ những gì lão "thấy" ra, cái đinh của đêm nằm ở "Rơi Lệ Ru Người" ... Ca khúc được ít người hát, vì cái cảm nhận dường như chỉ để ... dành cho nhau . Rồi chị cũng chẳng hát ! Cả cái câu chuyện kể đằng sau những cảm nhận cũng ít người biết, câu chuyện về một bài hát có những ý tưởng ... gần hai mươi năm ngủ yên ...
    Nếu thật,
    hôm nào em bỏ đi ...
    Em bỏ đi ...
    Sau lưng em còn con phố dài
    Những hàng cây loan tin nhau
    rồi im tiếng nói
    Quanh đây
    hoang vu tiếng cười ...
    Có ngày xưa em theo tôi
    cùng ra quán ngồi,
    Bên đời ... xe ngựa ngược xuôi
    Có cái gì đó nghẹn ngào quá ! Hai mươi năm sau gặp lại, trao nhau một tình huống chỉ là ... "thí dụ" thôi, mà sao nhói quá thế này ! Có biết bao điều không nói, bao điều chưa nói . Để rồi anh đi thực, vẫn còn biết bao điều chưa nói ...
    ... Tự cho mình nghỉ giảo lao, lão đứng lên nhìn ra cửa kiếng . Cái phòng làm việc nằm ở góc, hai mặt hướng về hai con đường, ngày ngày vẫn cho lão một góc độ thật ly tưởng để nhìn ... rõ những "hàng cây loan tin nhau" và bóng "xe ngựa ngược xuôi" từ phía trên cao, hôm nay như mờ mờ trước mắt . Đoạn phim cũ chạy lại chầm chậm, có bóng chiếc áo dài đứng trên sân khấu, cạnh mấy cây đàn thùng nhẫn nhục chờ đợi ... "Ông là hình, và tôi là bóng ..." Đoạn phim cũ chạy lại rõ nét như vừa mới hôm qua, một bông hoa cài ... trắng, một giòng tóc ... đen . "Tôi ngỡ là mình không còn sống nổi, không còn có thể cất tiếng hát được nữa ... Tôi đã nghĩ đến cái chết, khi thấy mình không còn hy vọng để sống ..."
    Có một bài hát nữa, anh cũng cho ra đời trong giai đoạn đó, cùng một mạch đập, cùng một cơn đau . Anh nói gì với chị không, lão đâu biết, lão chỉ cảm thấy là có, bằng cách của anh, xa xôi rất anh ... Còn Ai Với Ai ...
    Em đi biền biệt muôn trùng quá,
    Từng cơn gió và từng cơn gió
    Em đi gió lạnh bến xa bờ
    Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ ...
    Hình như có lần anh thổ lộ, "viết/hát một bài tình ca là đang nói về chính cuộc tình mình ... vì nó đã là một phần máu thịt của chính mình ..."
    Đoạn phim coi ké dừng lại đúng lúc chị đứng lặng người, đầu cúi xuống ... "tóc trăm đường thê thiết" ... Cúi xuống
    cho tắt nụ cười, cho chút da thịt ngời ... trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang ...
    ... Tới đây thì lão không muốn viết nữa . Có một cái gì đó như cứ chực trào lên . Không biết, và cũng chẳng tìm hiểu nữa ... Ừ, hãy để cho mọi người tự hiểu lấy ...
    Bao Bat Dong
    Nguon: www.dactrung.com
  2. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Trích Đoạn Bài tường thuật bên lề buổi diễn "Tứ Quý 2" ở Houston
    ...Và chị ra ! Áo dài đen, tóc đen, đen từ đầu đến đuôi, cũng may là có cái bàn tay lòi ra làm dấu thánh giá là trắng chút để biết thực sự không hoàn toàn là ... bóng ! Anh Phụng hỏi, "tại sao phải làm dấu ?" thì chị bảo "ở tuổi này, sống thêm được ngày nào là đã là một sự tưởng thưởng của Thượng Đế. Cho nên phải biết tạ ơn ! Và xin thêm ơn, vì không biết có qua nổi hôm nay không !" Hì hì, không sao đâu chị ơi, chỉ đau cái tay thôi thì làm gì đến nỗi !
    Ai cũng biết Khánh Ly thích nói ... bậy . Thế mà có đến hơn 80 phần trăm khán giả thích nghe ... nói bậy (lão đoán thế, dựa theo cái sample của nhóm người chung quanh lão) . Mà nói thực, dù sao chị cũng trôi chảy hơn nhiều người khác cũng thích nói, ví dụ như là ... Vũ Khanh, hì hì hì ... Vậy mà hôm nay chị lại nói ... vừa phải, chắc là chưa ... chuẩn bị, hì hì ! Cũng như bao giờ, chị cám ơn khán giả hâm mộ, cám ơn ban tổ chức . Càng cám ơn thêm mọi người ban cho chị cái vinh dự hát nhạc Trịnh Công Sơn . "Anh là người đã cho tôi tất cả ngày hôm nay . Anh là hình, và tôi chỉ là bóng . Cho nên mọi vinh quang, xin dành cho người nhạc sĩ . Còn nghệ sĩ trình diễn chúng tôi chỉ là những người "ăn ké" vào cái hào quang của mấy ca khúc . Nên tôi xin được cám ơn thêm các nhạc sĩ, đã rút lòng mình viết những ca khúc đẹp đẽ, ... tử tế ..." Lại là "tử tế", chị quả là cái bóng thiệt đó ! Rồi chị nói tiếp, "mà mấy ông tướng đó khôn lắm . Họ không yêu một người nào, để được yêu tất cả mọi người . Và trong các bản tình ca của họ, luôn luôn tôi tìm thấy tôi trong đó . Rồi khi tôi hát, tôi cứ hát như thể là ca khúc đó được viết riêng tặng chính tôi vậy ..." Hay quá, một triết lý đáng được chiêm nghiệm ! Vì hát mà không có chút cảm giác nào đối với ca khúc, thì cũng tựa như cưỡi ngựa xem hoa, dễ làm đau những cánh mong manh .
    Tiếp, chị tâm sự "tất cả nhạc sĩ ca sĩ chúng tôi, ai cũng có một khoảng trống cô đơn trong tâm hồn mình . Ai cũng có những chôn giấu, ai cũng mê mải đi tìm cho mình một câu trả lời tưởng như là rất đơn giản . Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có người còn trăn trở ... tại sao có người vui đùa có người im lặng ? Nghe tới đó, trống ngực lão đập gấp gáp . Không lẽ sẽ là "Muôn Trùng Biển Ơi", bài hát chị mới tập gần đây ? Mà quả đúng vậy, chị bắt đầu bài hát mới, bằng cả một sự khắc khoải không nguôi "Biển ơi, có người im lặng, có người vui đùa ... là tại sao ?" Giọng chị vút lên à ơi nỗi nhớ, rồi lại hạ xuống thật thấp để mà tự tình, để mà bật lên tiếng than nhỏ ... gió mòn, cát mòn ... cát mòn thân rồi ... gió mòn thân rồi ... Cái chữ mòn nhắc đi nhắc lại, đau ơi là đau, xót ơi là xót ! Để đến cái hồi cuối cùng, chị hắt lên "... có người xa ... vắng !" Rồi quay lại, nhìn lên cái màn hình, tư lự . Chị nói gì thế, lão không nghe được . Nhưng lão biết là anh nghe, và anh hiểu, vì qua cái nhìn của lão, lão thấy anh cười nhẹ, rung rung, nhạt nhoà ...
    Khánh Ly giới thiệu về sự có mặt của Trịnh Cung hôm nay rồi kể ... cái nhà ông hoạ sĩ Trịnh Cung thời đó không biết yêu ai để mà thất tình dữ dội đến thế . Rồi một hôm khi Trịnh Công Sơn ngủ dậy thấy Trịnh Cung đang lần lượt châm lửa đốt hết một đống thơ của chính mình . Chỉ còn kịp giựt lại tờ cuối cùng trước khi chứng tích của một cuộc tình tan theo khói, nhạc sĩ họ Trịnh đã phổ nhạc bài thơ đó . Và thế là chúng ta có một ca khúc để đời, "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu". Để hát ca khúc này tặng cho khán giả, cho anh Sơn, cho anh Cung ngồi dưới kia, Khánh Ly muốn mời một người ra đệm đàn cho Khánh Ly hát . Người đó, chính là ái nữ của Trịnh Cung, không ai khác hơn là ... Vương Hương ! ... Thế là Khánh Ly cất giọng, "Ừ thôi em về ..." Ngay từ cái câu đầu tiên, lão đã muốn vỗ tay rồi . Nhưng mà ngu sao làm chuyện dại dột, nên lão vẫn ngồi yên lắng nghe từng câu từng chữ . Trên màn hình, anh Sơn (hồi còn trẻ) cũng im lặng lắng nghe . Lão như thấy mắt anh nheo lại, "vẫn cô ấy hát những ca khúc của anh hay nhất !" Có lẽ, bao giờ còn Khánh Ly trên sân khấu, người ta vẫn còn nhớ đến anh, rõ mồn một trong từng câu từng chữ !
    Bài thứ ba, trước khi giải lao, là ca khúc mà Khánh Ly hát lần đầu khi mới 23 tuổi . Ba mười lăm năm về trước, giọng chị vẫn thế, nếu không phải là mạnh thêm hơn . Nhưng mà cảm xúc thì chắc là khác nhiều, nhiều lắm, vì không còn ai ở đó để sửa cho chị những chỗ hát chưa hoàn chỉnh, chỉ cho chị cách giữ giọng cho tròn ở mỗi chỗ lên cao . Một mình, đắm trong cái khung cảnh của cái ngày xưa hai mươi ba tuổi, hôm nay chị hát bằng một nỗi trống vắng "đời sao im vắng -- như đồng lúa gặt xong, như đồi núi bỏ hoang . Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm" Ánh đèn chiếu cơ hồ tụ lại thành một vòng nhỏ quanh chị, và quanh đó vạn vật khuất trong bóng tối . Một mình, sân khấu tối sẫm, trang phục một màu đen, tóc xoã xuống . Trong cái khoảng thu nhỏ của ánh đèn sân khấu, sự kết hợp của hai màu đen trắng và sự phối trí của mảng không gian tương phản, lão nghe đâu như là ray rứt một nỗi u hoài ...
    Xin ngủ trong vòng nôi
    Ta ru ta ngậm ngùi
    Xin ngủ dưới vòm cây ...
    ... Xin ngủ dưới vòm cây
    ... Xin ngủ dưới vòm cây
    Ừ thôi, ngủ đi Bao Bất Đồng, ngủ đi để mà mơ về những ngày xưa giờ xa quá ...
    ********************
    Lần này Khánh Ly ra sân khấu trở lại, chị mặc áo dài trắng . Nghĩa là toàn màu trắng . Chị kể, ca khúc chị chọn hát đầu tiên của phần hai là một ca khúc bị bỏ quên . Anh Sơn viết nó ra năm mười sáu tuổi, rồi bị thất lạc . Đến năm 74, anh tìm được nó trở lại trong mớ bản thảo . Để chúng ta giờ có thêm "Phôi Pha", bài hát mà chị rất yêu ...
    Ôm lòng đêm
    nhìn vầng trăng mới về
    nhớ chân giang hồ
    Ôi phù du
    từng tuổi xuân đã già
    một ngày kia đến bờ
    Đời người như gió qua !
    Lão nghe, thoáng chút rờn rợn . Nhiều lúc cũng phải tự thắc mắc, ở cái tuổi mười sáu, có thiệt là người ta viết ra những giòng như thế ? Ai thì chẳng biết, nhưng lão ở cái tuổi 16 thì hãy còn độc có chiếc khố chạy đi tắm mưa vừa la vừa hét . Mười sáu tuổi, nếu anh đã có những dấu hiệu như vậy, thì chuyện sau này anh viết ca khúc dễ dàng thế ấy, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên ! Nhưng mà đừng nói chuyện này nữa, quay trở lại với Phôi Pha cái đã . Giọng Khánh Ly khẩn khoản, "thôi về đi -- đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa ..." Chị ơi, tóc đâu còn xanh nữa, mà đường về, âu cũng đâu xa !
    Đứng lặng một hồi lâu, Khánh Ly nói, "nhiều người phản đối chuyện Khánh Ly hát nhạc của anh Sơn . Nhưng Khánh Ly thì nghĩ, mỗi người có quyền lựa chọn của chính mình . Mà đôi khi, chính cái quyền lựa chọn đó, mình cũng chẳng được làm chủ . Có khi, mình đã được lựa chọn ... Nếu không có anh Sơn, Khánh Ly không có ngày hôm nay . Khánh Ly hát, là một cách bày tỏ sự biết ơn, là cách sống với kỷ niệm . Kỷ niệm, có buồn có vui, có hạnh phúc, có khổ đau, tất cả đều đáng giữ lại . Khánh Ly lại là người trân trọng những kỷ niệm, nên Khánh Ly không có lựa chọn nào khác . Người sống mà không có kỷ niệm, thì đời sống đó liệu có trống rỗng lắm không ! Mà thôi, người cũng đi rồi, nhắc lại có ích gì ? Điều nên làm, hay là ... hãy ráng sống tử tế với nhau ."
    Như vẫn còn trong cái mạch nghĩ suy về chuyện đi - về, chị hát một cặp Một Cõi Đi Về và Cho Một Người Nằm Xuống . Nghe nhiều rồi, lão cũng chẳng muốn bình luận về giọng hát và bài hát lúc này nữa . Nhưng mà, cái khổ kết của bài hát mới thực là chí lý ... Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang ...
    Khánh Ly hát xong, bất giác lắp bắp xin lỗi khán thính giả . "Khánh Ly xin lỗi, Khánh Ly cầu mong mọi người tha thứ !" Nước mắt chị trào ra, rồi chị đứng lặng, đầu cúi xuống . Chị nói cho chị hay chị nói cho anh mà đau lòng đến vậy ? Trên màn ảnh, anh Sơn hiện ra, và giọng anh vang lên "đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, nắng vàng phai như một nỗi đời riêng . Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng, tôi là em và em cũng là tôi ..." Rồi Khánh Ly tiếp lời ... "tôi là em và em cũng là tôi ..." Cái khoảnh khắc đó, có thể họ cũng là nhau đó, trong mỗi lời ca tiếng nhạc . Cho nên chị thay anh xin lỗi cuộc đời ! Lão bỗng dưng nhớ lại, lúc nãy trong giờ giải lao, thấy Trịnh Cung có vẻ hơi buồn bực, "họ ghét thằng Sơn, ghét cả nhạc của hắn ..." Nghe đâu có nhóm người đe doạ gì đó, đòi tẩy chay gì đó . Lại nữa, bao giờ mới nguôi quên đây ? Nói thiệt với quý vị, nếu phải oán thù, những người chậm chân thiệt thòi như lão đây nên mới là dữ dằn nhất . Còn quý vị chạy đi mất đất tự cái thuở nào, giờ mới đấu tranh không thấy quá muộn hay sao ? Lão biết lão nói ra, có nhiều người sẽ phản đối . Nhưng lão vẫn muốn lỡ lời, một lần nữa rồi thôi, xin mọi người quên đi vết đau trong quá khứ . Anh cũng đã trả nợ với cuộc đời rồi đấy thôi !
    Giờ mới thấy thấm lời chị nói, "có năm điều căn bản ở mỗi con người, nhân nghĩa lễ trí tín . Trí thì tôi chắc chắn là không có, vì tôi ngu lắm . Nhân thì tôi muốn hy vọng là mình có, dù biết là không, vì mình vẫn còn những tham lam, những ham muốn, chưa hoàn toàn biết thứ tha . Tín thì hình như không, vì tôi hứa lèo dài dài à . Lễ thì càng tệ, khỏi phải bàn, ai quen biết tôi thì rõ . Thôi thì năm chữ, tôi xin giữ lại lấy một chữ cho mình, chữ nghĩa . Tôi biết ơn anh cho tôi hôm nay, tôi biết ơn anh về những ca khúc anh viết ..." Lão cũng vậy, tệ hơn nữa, chỉ xin một nửa chữ nghĩa . Lão có thể không đồng ý với anh về quan điểm, nhưng lão vẫn biết ơn anh vô cùng về những gì anh để lại trong giòng âm nhạc nước mình, đã làm giàu thêm đời sống lão ...
    Lão ra về, thoáng chút nghĩ suy . Biết bao điều diễn ra trong trí, nhưng để đó tính sau . Lão chỉ biết, lòng lão muốn thốt lên lời cám ơn đến anh Từ Công Phụng, anh Ngô Thuỵ Miên, anh Lê Uyên Phương, và anh Trịnh Công Sơn, cũng như các nghệ sĩ trình diễn Khánh Ly, Lê Uyên, Vũ Khanh, vân vân, cả Umi nữa . Thêm một phát hiện nữa (của lão thôi) mà lão cảm thấy lý thú vô cùng, đó là tiếng đàn Vương Hương . Rồi cô sẽ tiến xa vô cùng, lão tin chắc vậy !
    **************
    Vậy là hết rồi đó ! Cái bài này, lão tặng cho tất cả mọi người ở đây (nói rồi, nhưng nói nữa, tốn mất một ngày ngồi mơ, không nói uổng). Nhưng mà muốn thòng thêm một chút, để tặng cho một vài nhân vật đặc biệt . Thứ nhứt, là bạn "dáng đứng bến ... xe" (NNA thì phải, hì hì), coi như là gán nợ, "trả nợ lần này ... coi như hết nợ ai" (chuyện sau sau tính) . Thứ hai, là những người bạn viết đã ngưng bút, bắt họ phải ... nợ lại ! Thứ ba, là cô nhỏ, vẫn ở đâu đây thôi, như đã hứa ! Cuối cùng, là chị, lão biết chị đã ghé vào . Nếu có gì không hoàn toàn giống với "bản quyền", xin chị đừng bắt tội !
    Bao Bat Dong
    Source: www.dactrung.com
    Được TCSKL sửa chữa / chuyển vào 06:42 ngày 28/10/2002
  3. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Tản Mạn về Khánh Ly
    "Mười ngón tay vàng" Trung Nghĩa nói, "Khánh Ly là người có cái cổ họng bằng vàng". Ngoa hay không, mỗi người tự biết . Nhưng để đi đến một lời nhận định cỡ đó, ắt hẳn Khánh Ly phải có một giọng hát không ... tệ . Đối với lão, giọng hát của chị thuộc dạng "không tiền khoáng hậu", lão mê giọng ca của chị còn hơn ... giọng của lão bà ở nhà, mê từ thuở còn đầu tóc để trái đào, đến nay vầng trán thênh thang vời vợi vẫn còn mê như say thuốc lào . Cách đây không lâu, có cô Thùy Dương hát cũng nghe nhừa nhựa như vậy, thiên hạ tha hồ đặt kỳ vọng vào cô . Rồi bỗng dưng, những kỳ vọng đó theo nhau đi mất . Lão cũng vậy, cũng nuôi hy vọng, và cũng biết thất vọng, để rồi quay về lại với giọng hát Khánh Ly . Nhiều người nói, "Khánh Ly hát LIVE hay hơn hát thâu băng". Nếu vậy thì lão thuộc loại người ... may mắn, vì lão được nghe chị trình diễn trên sân khấu không ít . Lại có người nói, "Khánh Ly là mộ trong số rất ít những ca sĩ VN hết mình vì khán giả ..." Lão sợ hòa thượng thúi la, nên lão không dám so sánh, nhưng thực sự trong lòng lão, KL quả thực là ca sĩ rất tôn trọng khán giả . Chị không bao giờ đi trễ về sớm, hay chỉ hát cho có lệ ...
    Âm nhạc Việt Nam có được những giọng hát nữ như Thái Thanh, Lệ Thu, và Khánh Ly, âu cũng là một sự ưu đãi . Nếu nói giọng Thái Thanh cao vút "vượt thời gian", giọng Lệ Thu "khàn đục" (lời chị Phú Ông đỏ), thì tiếng hát của Khánh Ly quả không được điểm nào trong những tố chất đó . Nhưng Khánh Ly phát âm tròn chữ (nhất là sau này, mặc dù lão thích ... ngày xưa hơn), hát thoải mái, bằng cái chất giọng cứ nhừa nhựa như âm hưởng á phiện . Lão không nói chị là đệ tử của nàng tiên nâu đâu nhé, vì lão biết rằng không . Nếu có cái gì đó, thì lão phải khẳng định là thuốc ngủ ...
    Không được như Lệ Thu là người có có sự huấn luyện vững vàng về thanh nhạc, trường lớp hản hoi, cũng không được như Thái Thanh được sự dìu dắt của các anh chị và mọi người xung quanh trong ngành âm nhạc, Khánh Ly bắt đầu khốn khó, đi hát bằng niềm say mê và không có cơ hội rèn luyện . Thế nhưng, chị đã đứng lên trên đôi chân trần của chính mình (và đôi vai của ... anh Sơn), để tự chọn cho chính mình một chỗ đứng vững vàng trong thanh nhạc . Một bông hoa hồng của riêng lão xin được tặng cho chị, chỉ với một điểm này ...
    ... Đường về miền Bắc xa xôi, rừng núi, nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi
    Đường về miền Bắc xa xôi ... núi ... đồi ...
    Những năm giặc giã ấy, người bố cõng đứa con gái lúc đó chỉ đâu bốn năm tuổi, ngược lên mạn bắc . Mỗi lúc dừng chân nghỉ mệt, ông lấy đàn mandolin ra đàn, và hát cho con nghe . Xen lẫn trong tiếng suối hát, tiếng lá reo, tiếng đàn lung linh vui tai, là tiếng người đàn ông khàn đục, cất lời ca những bài ca tiền chiến của Đoàn Chuẩn, của Dương Thiệu Tước, của Văn Cao . Và đứa con gái mở tròn mắt, nghe như muốn nuốt chửng từng giai điệu lạ lẫm . Những nốt nhạc đó, không ngờ đã đi sâu vào trong trí óc của đứa bé, không ngờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời nó, như một mệnh hệ!
    Cô bé Mai năm ấy mười sáu tuổi . Thay vì phải chú tâm vào bài vở, nó lại chỉ thích được hát, hát bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào . Và nó mang trong đầu một ước mơ kể cũng lạ ở thời đó, nó muốn được đi hát, dù không phải là ... ca sĩ . Giọng ông Bố (Dượng) nặng trình trịch, "nhà này không nuôi báo cô bọn ... xướng ca vô loài . Nếu muốn hát thì đi chỗ khác, tao không chứa loại ấy!" Và cô bé quyết định ... ra đi, đi để biến giấc mơ của nó thành hiện thực . Ngơ ngác nhưng không tuyệt vọng, nó biết từ nay cả bầu trời xanh mênh mông kia, cả những vầng mây trắng lênh đênh trôi mãi kia đều là của nó . Con chim nhỏ đã cất cánh bay lên trên bầu trời cao rộng ...
    Hình như là khoảng năm 67, 68 gì đó, Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn . Lúc đó anh Sơn đã khá nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ . Còn Khánh Ly, chị vẫn là một cái bóng mờ . Nghe Khánh Ly hát lần đầu, anh Sơn đã như ngơ ngẩn . Anh biết, đây là người sẽ đưa những ca khúc của anh đi vào lòng người . Nên anh không ngần ngại ngỏ lời muốn Khánh Ly hát những bài anh viết . Và Khánh Ly nhận lời ... hú vía!
    "Người ta đến để nghe em hát chứ không phải xem em làm dáng! Cho nên nếu muốn há mồm ra thật lớn thì cứ làm, nếu muốn nhắm mắt lại cũng vẫn được như thường, không có gì phải sợ " Anh Sơn tập cho chị hát, dậy cho chị thêm về nhạc lý, và sửa cho chị những yếu điểm trong cách phát âm, lối ngân giọng . Quan trọng hơn hết, anh chỉ cho chị lòng say mê để mỗi khi hát, chị có thể đặt hết cảm xúc vào trong từng chữ từng lời . Từ chị, anh không còn là thiên sứ cô đơn đi truyền đạt tư tưởng của anh nữa . Bên anh đã có Khánh Ly ...
    Sân trường Văn khoa đông nghẹt người, một phần vì sinh viên học sinh Sài thành muốn được nghe những ca khúc "viết về thân phận" của người nhạc sĩ họ mến mộ - Trịnh Công Sơn, một phần là họ hiếu kỳ muốn tân mắt tận tai nghe giọng hát của cô ca sĩ đang được bàn tán xôn xao, phần nữa là vì họ muốn bảo vệ anh Sơn và Khánh Ly, nếu như có chuyện gì trục trặc . Khánh Ly run lắm, chưa bao giờ chị phải đối diện với một số đông khán giả có lòng nhiệt thành như thế . Từ trong hơi thở, trong mỗi ánh mắt nhìn của mọi người họ, chị thấy cả một sự động viên, và cả cái khí thế ngất trời đang tỏa ra muôn hướng .... Vẫn run ... Anh Sơn cười nhẹ và nhắc nhở "... em đừng sợ, ráng giữ cho mình được thoải mái, hát như em vẫn hằng muốn hát ..." Và Khánh Ly cất giọng ...
    " ... Cho tôi đi nâng dậy hòa bình
    Cho tôi đi khơi lại chuyện tình
    Cho tôi đi qua tận gập ghềnh
    Nhìn giòng máu trong tim anh
    Cho tôi xin tay Mẹ nồng nàn
    Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng
    Cho quê hương giấc ngủ thật hiền
    Để từ đó ... tôi yêu em ... "
    Đám đông vỡ ra ... Những đôi mắt sáng long lanh, những cái mồm há ra kinh ngạc, và cả những giọt nước mắt ... Nữ Hoàng Chân Đất của chúng ta đã bắt đầu như thế đó . Tên tuổi của chị mỗi ngày mỗi nổi bật, cùng với tên tuổi của anh Sơn . Từ cái giải thưởng "Giọng Ca Vàng" đến cái vinh dự là người Việt đầu tiên bán ra hơn triệu đĩa nhạc ở Nhật Bản, con đường dài thật dài . Mà giọng hát cúa chị, vẫn liêu trai, vẫn dung dị, và vẫn đi vào lòng người dễ dàng như đi trên lối trải thảm ...
    Năm 1975, Khánh Ly bồng con lên đường tìm tự do . Một thời gian sau đó, lão cũng khăn gói ... sang Mỹ . Bao nhiêu năm đã qua, Khánh Ly vẫn là ... thần tượng của lão, anh Sơn vẫn là người anh lớn của lão . Lão tìm mua tất cả những cuốn nhạc Khánh Ly phát hành . Nhiều lắm, vì Khánh Ly ... hải ngoại không chỉ hát nhạc anh Sơn mà thôi . Và những đêm tha hương nằm nhớ nhà, lão lại nghe chị hát những ca khúc ... về thân phận quê hương mình, để rồi khóc tấm tức như một đứa trẻ ... Và lão cũng ráng tìm xem chị hát trên sân khấu . Nhìn người ca sĩ mình mến chuộng say sưa hát những nhạc phẩm mình yêu thích, lòng lão thấy hạnh phúc lạ thường . Mỗi lúc đó, lão lại thấy mình xích lại gần hơn với quê nhà bên kia bờ biển lớn, lạ lắm phải không ?
    Năm 1995, mùa xuân . Nghe người ta nói, Khánh Ly có ý định giã từ sân khấu . Người ta tổ chức đêm sinh nhật chị ở Majestic (hình như vậy), lần này quy mô hơn vì có thể, từ đó khán thính giả sẽ không còn được nghe chị hát . Điếng người, lão từ miền bắc phóng xe về nhà, rồi lại chạy ngược lên vũ trường để tham dự buổi diễn . Giữa đông đảo những Sĩ Phú, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Thái Thảo, Như Mai, Phi Khanh, v.v... Khánh Ly vẫn là ngôi sao của đêm diễn . Chị bắt đầu bằng một vài bài hát của ... Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, rồi đề nghị được hát chuyên nhạc Trịnh Công Sơn ở phần hai, chủ đề "Ca Khúc Da Vàng". Lão sung sướng đến ... tắt tiếng, lặng người nghe những âm thanh quen thuộc theo nhau tràn về đong đưa kỷ niệm .
    "Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn
    Giọt nước mắt thương cây, cây ngủ trên non
    ... Giọt nước mắt thương anh trên vận nước điêu linh
    ... Giọt nước mắt không tên, xin gởi lại quê hương ..."
    Và lão khóc, không một chút ngượng ngùng, không một thoáng dấu giếm, quên để ý cả người bạn gái ngẩn ngơ nhìn lão . Không biết cô ấy có chê bai gì mình không nữa, con giai gì mà mau nước mắt thế ! Rồi Khánh Ly hát tiếp "Gia Tài Của Mẹ", cô cầm ống vi âm đi xuống hát với khán giả . Trong vũ trường, giọng già trẻ lớn bé khàn khàn vịt đực ríu rít chim ri hòa nhau thú vị, không biết có hay lắm không, nhưng cái khí thế thì cứ như nước triều dâng, cơ hồ muốn phá tan những bức tường xung quanh, cuốn phăng những chướng ngại . Lão cũng bắt gặp mình bị cuốn theo dòng lũ, nước mắt chảy, tay nắm chặt, và ... người rợn lên (nổi da ... gà) một cơn lạnh đến bất ngờ . Hai giờ sáng, lão rời vũ trường, chia tay mọi người, rồi lại phóng lên lại miền bắc, lòng cứ băn khoăn mãi, không biết chuyện Khánh Ly rửa tay gác kiếm là nói giỡn hay ... nói chơi !
    May mà chỉ là nói chơi, cho nên đến bây giờ mà chúng ta vẫn còn được nghe Khánh Ly hát . Tạ ơn trời đất!
    Bao bất Đồng xin tặng cho tất cả mọi người yêu thích Khánh Ly và Trịnh Công Sơn
  4. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Trích "Từ "Diễm Xưa đến "Một Cõi Đi Về"
    ...Nhạc TCS quyến rũ người nghe đến như vậy, nhưng có một điều lạ là không phải ca sĩ nào cũng hát được nhạc TCS. Con số những ca sĩ hát nhạc họ Trịnh này nghe được không có nhiều, chỉ một vài. Ngay đến những ca sĩ tên tuổi thời ấy, hát thử TCS vài bài, cũng không thành công, cũng không nghe ra TCS. Từ đó, biết là không ăn, thôi không hát thêm nữa. Những ca sĩ khác, tự lượng sức mình, không chơi nhạc TCS, vì không muốn ?onhư cánh chim chìm xuống?. Làm sao biết được giọng hát nào là thích hợp, là thể hiện được nhạc TCS? Cứ thử hát đi, thính giả sẽ nói cho biết, người nghe sẽ trả lời. Nghe nhạc TCS từ một giọng ca không phải để hát nhạc TCS giống như là uống rượu giả vậy. Từ khi những giọng ca chuyên hát nhạc TCS bỏ nước ra đi, ở trong nước người ta vẫn loay hoay tìm kiếm, cố gắng tìm cho bằng được những giọng ca khác để thay thế, cố gắng lăng-xê một vài tên tuổi, nhưng kết quả vẫn là ?ogần như niềm tuyệt vọng?, và người nghe vẫn nhắc nhở đến tên những ca sĩ cũ gắn liền với nhạc TCS. Có vẻ nhạc TCS thích hợp với giọng nữ nhiều hơn, chỉ một vài nam ca sĩ thể hiện được một đôi bài... Phải nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa mới biết thế nào là ?otrong cơn đau vùi?, mới thấy đau xót ?olàm sao có nhau?, mới thấy ?ohằn lên nỗi đau?, mới hiểu được tại sao ?osỏi đá cũng cần có nhau?. Còn phải nghe ?osầu thôi xuống đầy? bằng những nốt nhạc luyến láy mềm mại ở chữ ?oxuống?, và bằng chính giọng hát ấy, mới thấy được cánh lá khô lả tả xoay vòng trước khi chạm đất, là dấu chấm ?ocuối cùng cho một tình yêu?. Phải nghe Lệ Thu hát Hạ Trắng mới nghe ra được tận cùng cái thê thiết của ?ogọi tên em mãi suốt cơn mê này? trong tiếng kèn saxo réo gọi. Và còn phải nghe cả ?oRu Ta Ngậm Ngùi?, bằng chính giọng hát ấy, mới nghe ra nỗi cô đơn sâu thẳm của ?ongười về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm?....
    Con chim đau, và giấc mộng ưu phiền
    Nói đến TCS, không thể nào không nhắc đến tiếng hát đã gắn liền với tên ông, gắn liền suốt chiều dài của những năm tháng mà những ca khúc ông viết ra còn được nhiều người biết đến. Tiếng hát ấy đã không ở lại cùng ông sau ngày ông chọn ở lại, nhưng đã không có lúc nào ngưng hát nhạc của ông. Tiếng hát ấy đã từng là chiếc cầu bền chắc nối liền những ca khúc của ông với trái tim người nghe. Không có tiếng hát ấy, không ai biết chắc số phận những ca khúc của ông sẽ ra sao. Và ngược lại, không có những ca khúc ấy, không ai biết chắc số phận của tiếng hát ấy sẽ như thế nào. Dù sao, nghe lại một lần nữa tiếng hát ấy sau ngày ông mất, trong băng hình của một chương trình ca nhạc, cũng thấy được rằng trước sau giọng hát ấy vẫn gắn liền với ông. Chị đã thật có lý khi chọn hát Diễm Xưa. Qua bao nhiêu là năm tháng, bao nhiêu là tang thương dâu bể, bao nhiêu là vật đổi sao dời, và như cánh chim sau một vòng bay quá dài, chị vẫn muốn tìm về Diễm Xưa. Giọng hát chị không còn trẻ nữa, làn hơi chị không còn khỏe nữa, nhưng những cảm xúc ngày ấy, tôi nghe vẫn còn nguyên vẹn. Diễm Xưa bây giờ lại còn xưa hơn cả ngày xưa. Và tôi nghe lại những ?ocơn đau vùi?, những ?olàm sao có nhau..., bước chân em xin về mau?. Còn bước chân ai nữa? Biết làm sao cho có nhau? Giọng hát ấy, tôi nghe như tiếng chim kêu bi thương, thảm thiết. Tiếng chim kêu ấy ngày xưa nghe đã bi thiết, nay lại càng bi thiết hơn. Chị đứng đó mộỳt mình trông trơ trụi quá. Sân khấu chỉ còn lại những cây guitar và những nốt nhạc đệm rời rạc, những cây guitar của hơn ba mươi năm về trước. Tôi tưởng trông thấy được những giọt nước mắt chị, (như vẫn thấy ở những ca sĩ khác trong những màn trình diễn tương tự), nhưng chị không khóc, cho dù chị vẫn có thể khóc mà không ai cấm được. Vì nhạc TCS không phải để sụt sùi, hay vì trái tim ?ohằn lên nỗi đau? đã khiến chị tê dại. Chị không nói lời tình yêu, chị nói đến ?ođịnh mệnh?, đến ?obóng với hình?, đến ?omột nửa cuộc đời? chị, những lời ấy tôi nghe gấp nhiều lần tình yêu. Chị đã hát sai lời, đã quên cả lời trong những bài sau đó. Nhưng không hề gì, khán giả vẫn xúc động, vẫn có những giọt nước mắt... Gọi là liên khúc nhưng những câu hát ấy đôi lúc chẳng có liền lạc gì với nhau, nghe sao đứt đoạn, gãy vụn... như là những giấc mơ rạn vỡ. Tôi đã nhận ra chị, tôi đã nhận ra Khánh Ly. Chị là con chim đau trong lời nhạc TCS. Đã từ lâu lắm, ở một góc nào đó thật sâu kín trong trái tim chị ?ocon chim đau nằm yên, ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu?. Tôi cầu mong ?omột sớm mai chim bay đi triền miên, và tiếng hót tan trong trời gió lên?. ...
    Lê Hữu
  5. aaroncarter

    aaroncarter Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/08/2002
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    trong các ca sĩ hát nhạc trịnh không ai hát hay bằng khánh ly cả
    (*_*)
    AARON,The Little Prince of pop
  6. aaroncarter

    aaroncarter Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/08/2002
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    hic
    dài quá ,đọc xong đeo kiếng luôn
    (*_*)
    AARON,The Little Prince of pop
  7. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Mình mới đến thăm Hội Quán Hội Ngộ ở khu du lịch Bình Quới, Saigon (khu tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Ở đó mình tìm thấy được rất nhiều tư liệu liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và đặc biệt hơn nữa, ở đó trưng bày hầu như toàn bộ các CD nhạc của ca sĩ Khánh Ly hát trước 1975 (Ca Khúc Da Vàng, Hát Cho Quê Hương Việt Nam, Sơn Ca 7... thu lại nguyên bản chính) và thêm một số CD bây giờ đã không phát hành nữa của giọng hát Khánh Ly tại hải ngoại. Mình xin giới thiệu cho các bạn yêu thích giọng hát Khánh Ly có thể đến đó để tìm mua.
  8. lyylyus

    lyylyus Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    02/07/2002
    Bài viết:
    734
    Đã được thích:
    0
    Thật là tiếc lắm,vì chăng thể đến nơi đấy được :(
    Có khi mưa ngoài trời, là giọt nước mắt em đã nương theo vào đời, làm từng nỗi ưu phiền. Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng...
  9. tigerlily

    tigerlily Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    22/03/2002
    Bài viết:
    3.048
    Đã được thích:
    2
    Xin mây xe thêm màu áo lụa...
    Sydney đêm ngày 5, 0h ngày 6 tháng 3 năm 2004. Một người cất tiếng hát. Một ngày vừa sang, một tuổi vừa qua, một tuổi vừa thêm... những khoảnh khắc thiêng liêng ấy chảy miên man trong những câu hát - những lời nhắn nhủ từ tiền kiếp: "... Em đứng lên gọi mưa vào hạ... Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau..."
    All the rivers run into the sea; yet the sea is not full: unto the place from whence the rivers come, thither they return again. (ECCLESIASTES)

    lys

  10. Papareri

    Papareri Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/05/2002
    Bài viết:
    22
    Đã được thích:
    0
    Bạn có biết khi nào Khánh Ly sẽ hát ở Melbourne không? Cho mình biết với. thanks a lot!

    You don't think you are, you know you are

Chia sẻ trang này