1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

NGỌN ĐÈN SOI SÁNG NĂM GIAI ĐOẠN - Những chỉ dẫn về Mật điển Bí Mật Tập Hội (Guhyashamaja Tantra)

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi Prahevajra, 28/05/2016.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    NGỌN ĐÈN SOI SÁNG NĂM GIAI ĐOẠN

    Những chỉ dẫn về Mật điển Bí Mật Tập Hội

    Tác giả: TsongKhapa

    Việt dịch: Tuyết Sơn

    (Việt dịch theo bản dịch tiếng Anh của Gavin Kilty: A Lamp To Illuminate the Five Stages - Teachings on Guhyashamaja Tantra)

    (Tham khảo thêm bản dịch tiếng Anh của Robert A.F Thurman)

    [​IMG]

    Mục lục

    Giới thiệu

    NGỌN ĐÈN SOI SÁNG NĂM GIAI ĐOẠN

    Những chỉ dẫn cốt lõi về Mật điển Bí Mật Tập Hội, Vua của các mật pháp


    1. Kính ngưỡng và giới thiệu

    PHẦN 1: Phân loại Mật điển Vô thượng Yoga

    2. Hai loại Mật điển

    3. Giải thích chi tiết Mật điển Bí Mật Tập Hội

    4. Tán thán bản tôn Bí Mật Tập Hội

    5. Các truyền thống luận giải

    PHẦN 2: Con đường của Bí Mật Tập Hội

    6. Rèn luyện trong Bí Mật Tập Hội

    7. Hai giai đoạn

    8. Giải thích Evam, Đại Lạc và Tính Không

    9. Sự cần thiết của việc Thấu suốt các Điểm Sinh Lực trong Thân Thể

    PHẦN 3: Những cách phân chia Giai đoạn Thành Tựu

    10. Giáo lý cốt lõi

    11. Năm giai đoạn

    PHẦN 4: Cô lập Thân

    12. Nhận biết Cô lập Thân

    13. Các dạng Cô lập Thân

    14. Làm thế nào để kết hợp Cô lập Thân vào Sáu Yoga

    15. Thực hành Cô lập Thân

    PHẦN 5: Cô lập Khẩu

    16. Nhận biết Cô lập Khẩu

    17. Phân loại, Chức năng và Hoạt động của các loại Khí vi tế

    18. Ý nghĩa của các Mật chú

    19. Thiền định kiểm soát Khí vi tế

    20. Phép niệm Kim cương

    21. Những kinh nghiệm trong Thiền định kiểm soát Khí vi tế

    PHẦN 6: Cô lập Ý

    22. Bản chất của Cô lập Ý

    23. Ba Diện mạo và Bản thể Tự nhiên

    PHẦN 7: Thân Huyễn của Chân Lý Thông Thường

    24. Các chỉ dẫn về Thân Huyễn

    25. Các phương pháp để Đạt được Thân Huyễn

    26. Các giai đoạn Hòa tan

    PHẦN 8: Tịnh Quang của Chân Lý Tối Thượng

    27. Các giai đoạn Hoàn Thành

    28. Sự kiểm soát Bên Trong và Bên Ngoài

    29. Hai quá trình Thiền định Thu Rút

    30. Làm thế nào để Con đường Mật điển phải xuất hiện trong con đường Kinh điển

    31. Làm thế nào để kết hợp Tịnh Quang vào Sáu Yoga

    PHẦN 9: Giai đoạn Hợp Nhất

    32. Hai Chân Lý hợp nhất bất khả phân

    33. Làm thế nào để giai đoạn Hợp Nhất phù hợp với Sáu Yoga

    PHẦN 10: Các hoạt động Mật điển

    34. Giới thiệu chung về Các Hoạt Động

    35. Các Hoạt động của Mật điển Vô thượng Yoga

    36. Các nghi thức của Ba Hoạt Động

    37. Thành tựu Giác ngộ Vô thượng

    Lời kết và Hồi hướng
  2. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Giới thiệu chung của người Biên tập

    Ngọn Đèn Soi Sáng Năm Giai Đoạn là tác phẩm khảo sát tỉ mỉ, sâu sắc về bản thể tự nhiên của con người, cũng như tiềm năng để đạt tới tỉnh thức trọn vẹn theo quan điểm của Mật tông Phật giáo. Được bố cục thành năm giai đoạn như được trình bày trong tác phẩm mật giáo có ảnh hưởng sâu sắc của ẩn sĩ Long Thọ người Ấn Độ, Ngọn Đèn là trước tác quan trọng cuối cùng của đại sư Tsongkhapa, một trong những bậc thầy vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng. Nghiên cứu tác phẩm quan trọng này, chúng ta như được nghe lời răn dạy từ chính ông, đối diện với kinh nghiệm cá nhân thâm sâu qua nhiều năm tu học và thực hành thiền định của ông. Khi Tsongkhapa mô tả các trạng thái phức hợp tâm sinh lý nảy sinh từ các thực hành thiền định cụ thể, chúng ta cảm thấy những điều này có thể trở nên khả thi ngay cả cho những người bình thường như chúng ta, nếu như chúng ta dành trọn thời gian để đi trên con đường.

    Thực hành Kim Cương Thừa như được trình bày trong Ngọn Đèn thuộc về mật pháp Bí mật tập hội (Guhyashamaja), và Tsongkhapa là người giải mật bí điển này. Trên thực tế, ông tự coi mình là “hành giả yoga của Bí Mật Tập Hội huy hoàng” và coi việc thuyết minh rõ ràng cũng như truyền bá pháp môn này ở Tây Tạng là một nhiệm vụ cá nhân quan trọng. Sự kiện xuất bản cuốn sách này là cột mốc quan trọng trong việc chuyển dịch các tác phẩm kinh điển của Tây Tạng ra ngôn ngữ hiện đại. Đặc biệt, nó cung cấp một nguồn tri thức giá trị cho những ai muốn đi sâu vào các giáo lý Kim Cương Thừa của Tây Tạng, cho cả thực hành tâm linh cá nhân của họ cũng như để khám phá tiềm năng sâu kín của con người. Do vậy, thật là hạnh phúc và vinh dự khi có thể cống hiến cho thế giới kho tàng vô giá này của truyền thống Tây Tạng, trong một bản dịch tiếng Anh chính xác và dễ hiểu.

    Có hai mục tiêu hàng đầu dẫn đến việc sáng lập và triển khai Thư viện Kinh điển Tây Tạng. Thứ nhất là để biểu dương và nghiên cứu di sản cổ điển Tây Tạng trong phạm vi cộng đồng người nói tiếng Tây Tạng trên khắp thế giới. Thế hệ trẻ ngày nay đang phải cố gắng đấu tranh giữa văn hóa truyền thống Tây Tạng và cuộc sống thực dụng hiện đại. Để chấm dứt tình trạng này, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm triển khai một tuyển tập toàn diện các tác phẩm mang đặc trưng những cuốn sách của những tác giả nổi tiếng nhất Tây Tạng và bao hàm toàn bộ tri thức Tây Tạng cổ điển. Mục tiêu thứ hai của Thư viện Kinh điển Tây Tạng là để giúp những văn bản này trở thành một phần của văn hóa thế giới và di sản tri thức nhân loại. Trong vấn đề này, chúng tôi cố gắng khiến bản dịch tiếng Anh thật dễ hiểu, và trong cách hành văn cố gắng tránh lối trình bày có tính chất học thuật chuyên môn, là thứ có thể khiến độc giả bình thường khó lĩnh hội. Đối với các chuyên gia, những người muốn so sánh bản dịch với nguyên tác tiếng Tây Tạng, các trang tham khảo của sách tiếng Tây Tạng được dẫn ra trong ngoặc, và các cuốn sách tiếng Tây Tạng này có trên mạng.
  3. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Các cuốn sách trong tuyển tập 32 tác phẩm này kéo dài hơn một thiên niên kỷ, từ khi bắt đầu có hệ thống chữ viết Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7 đến giai đoạn đầu thế kỷ 20, khi văn hóa và xã hội Tây Tạng đối diện với nền công nghiệp hiện đại. Các cuốn sách được tổ hợp theo các chủ đề riêng biệt và bao hàm nhiều loại kiến thức cổ điển Tây Tạng – từ các giáo lý cụ thể của từng trường phái Tây Tạng, tới các tác phẩm kinh điển về triết lý, tâm lý và hiện tượng học. Nhóm đầu tiên bao gồm giáo lý của các trường phái Kadam, Nyingma, Sakya, Kagyu, Geluk và Jonang, của các dòng phái Phật giáo hỗn hợp, và của Bon giáo. Các văn bản trong tuyển tập này được lựa chọn trên quy mô lớn bởi những người nắm giữ các dòng truyền lâu năm từ các trường phái riêng biệt. Các cuốn sách của những nhóm khác được lựa chọn chủ yếu dựa trên sự công nhận của hiện thực lịch sử từ những môn học đặc biệt. Ví dụ, trong lĩnh vực nhận thức luận, các tác phẩm từ trường phái Sakya và Geluk được lựa chọn, trong khi các cuốn sách về Phật Tính được tuyển từ các tác phẩm của Buton Rinchen Drup và nhiều bậc thầy Kagyu. Trong các lĩnh vực được quan tâm rộng hơn, như nét riêng biệt của ba Thừa, hoặc lý tưởng Bồ tát, đã có nhiều nỗ lực để trình bày các quan điểm tiêu biểu của bốn trường phái lớn của Phật giáo Tây Tạng. Thư viện kinh điển Tây Tạng có thể mang chức năng như một kho tư liệu toàn diện của di sản văn hóa Tây Tạng dành cho các thư viện, các cơ sở giáo dục văn hóa và những cá nhân quan tâm yêu thích.

    Thật vinh dự cho tôi khi được là một phần của dự án dịch thuật này. Trước hết tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đức Dalai Lama vì đã luôn là nguồn cảm hứng sâu sa và là một tấm gương mẫu mực cao đẹp nhất của truyền thống Tây Tạng. Tôi xin cảm ơn Gavin Kilty vì chuyển dịch hoàn hảo tác phẩm quan trọng này của Tây Tạng sang tiếng Anh một cách cẩn thận, kính trọng và rõ ràng dễ hiểu. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới những cá nhân và tổ chức sau: David Kittelstron ở nhà xuất bản Wisdom vì công biên tập chuẩn xác, các biên tập viên Tây Tạng ở Sarnath, đặc biệt là Geshe Lobsang Choedar vì hỗ trợ tôi hiệu chỉnh, dẫn nguồn chú thích, Central University vì Tây Tạng Học, Sarnath vì cung cấp quyền truy cập thư viện cho các biên tập viên Tây Tạng, và vợ tôi Sophie Boyer Langri vì phụ giúp quản lý rất nhiều công việc vốn là một phần của dự án cộng tác như thế này.

    Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới Nita Ing và Ing Family Foundation vì hào phóng cung cấp hầu hết ngân quỹ cho dự án dịch thuật này. Tôi rất cảm ơn nguồn tài trợ ban đầu cho dự án này từ Ganden Shartse Drophen Ling, Singapore, khiến dự án này đi vào hoạt động. Nếu không có sự hỗ trợ này, chẳng có sự cống hiến nào trong vai trò của Viện nghiên cứu, hoặc trình độ kỹ năng của các dịch giả có thể mang lại kết quả thành công viên mãn cho dự án như vậy. Tôi cũng xin cảm ơn Hershey Family Foundation vì sự trợ giúp lâu dài cho Viện Nghiên Cứu Kinh Điển Tây Tạng, nếu không thì nhiệm vụ sáng lập Thư viện Kinh điển Tây Tạng đã có thể trở thành vô căn cứ; cùng với Pierre và Pamela Omidyar đã giúp tôi thông qua một khoản trợ cấp đặc biệt để duy trì công tác với vai trò tổng biên tập trong dự án dịch thuật kinh điển.

    Tôi thành tâm hy vọng rằng các bản dịch được cống hiến trong tập sách này sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người. Nhờ các nỗ lực của tất cả những người trong công việc cao cả này, mong sao tất cả chúng sinh được bình an và hạnh phúc.

    Thupten Jinpa
    Montreal, 2013
  4. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Lời Giới Thiệu Của Người Dịch (Gavin Kilty)

    Mật thừa

    Mật tông Phật giáo ở Tây Tạng và các khu vực khác trên Himalaya hầu hết được truyền thừa từ tiểu lục địa Ấn Độ khoảng giữa thế kỷ thứ 8 đến 11 qua hai phòng trào lớn là cổ và tân dịch thuật. Các mật pháp được thu thập bởi những người dũng cảm đã thực hiện những cuộc du hành đầy mạo hiểm từ Tây Tạng tới Ấn Độ. Thỉnh thoảng chúng được dịch ở Ấn Độ với sự giúp đỡ của những học giả Ấn Độ giàu kinh nghiệm. Đôi khi các học giả Ấn Độ đi tới Tây Tạng để hỗ trợ dịch thuật. Một số ít vị thầy Phật giáo Ấn Độ du hành tới Tây Tạng, mang theo các mật điển và sau đó chúng được dịch sang tiếng Tây Tạng.

    Mật thừa là gì và nó khác các trường phái khác của Phật giáo như thường được gọi là Kinh thừa thế nào? Tất cả các giáo lý nhà Phật đều có mục đích dẫn dắt hành giả thoát khỏi trạng thái không thỏa mãn với hiện thực sinh tồn, gọi là luân hồi, mà ở đó chúng ta thường có xu hướng trải nghiệm hàng loạt các kinh nghiệm không mong muốn, được tổng kết lại dưới thuật ngữ “Khổ”. Phần cốt yếu của luân hồi, “vòng quay sự sống”, là chúng ta không làm chủ được số phận của mình mà phải chịu đựng sự thống trị của rất nhiều loại phiền não mang lại đau khổ. Các giáo lý của đức Phật được hoạch định để đưa chúng ta đi trên con đường dẫn đến đoạt diệt đau khổ (Niết Bàn) hoặc tới trạng thái chứng ngộ cao hơn của Phật quả. Đối với các hành giả trên con đường Bồ Tát của Đại Thừa, chẳng có gì khác biệt giữa kinh thừa và mật thừa trên phương diện động lực thực hành, trong cả hai trường hợp, hành giả bị thúc đẩy bởi tâm nguyện đặc biệt gọi là Bồ đề tâm, mong ước giác ngộ để giải thoát mọi chúng sinh khỏi vòng luân hồi.

    Các thực hành dẫn đến đoạt diệt đau khổ và đặc biệt là để giác ngộ có thể được quy lại thành hai nhóm là phương tiện và trí tuệ. Phương tiện đề cập tới định hướng mục tiêu, các thực hành chuyển hóa tâm như phát triển lòng từ bi, nhẫn nhục, kiên trì, và tương tự, trong khi trí tuệ tập trung để đi sâu vào thực tại tuyệt đối. Phương tiện và trí tuệ được ví như đối cánh chim để bay tới cõi giác ngộ. Cả hai cánh đều cần thiết bởi vì Phật quả gồm có hai phần: cái đích trạng thái giác ngộ gọi là Pháp thân, hoặc “thân trí tuệ”, ám chỉ tri thức vô hạn của một vị Phật, tâm trí giác ngộ, và hiện thân tuyệt đích của tâm trí giác ngộ đó gọi là Báo thân, hoặc “sắc thân”. Chiếc cánh của phương tiện giúp đạt tới Báo thân, còn chiếc cánh trí tuệ để đạt tới Pháp thân.

    Thực Tại, hoặc Chân Lý rốt ráo của mọi hiện tượng, bị che đậy bởi trạng thái vô minh, trạng thái không có sự thấu suốt toàn tri toàn giác của tâm trí, sẽ được vượt qua nhờ các thực hành được quy về nhóm trí tuệ. Thực Tại chẳng phải là cái gì được phát minh ra bởi đức Phật hoặc được thêm thắt vào bởi các vị luận sư Phật giáo sau này. Do đó, nó chẳng phải là chân lý của riêng Phật giáo, nó là cách mà vũ trụ hiện tượng tồn tại, đã từng tồn tại, từ vô thủy. Bởi vậy, bất cứ thực hành trí tuệ nào của Phật giáo – kinh thừa hay mật thừa – có mục đích khám phá Chân lý này thì đều đang tìm kiếm Thực Tại giống nhau. Chẳng có gì khác biệt giữa kinh thừa và mật thừa trên phương diện Chân lý rốt ráo.

    Tuy nhiên, các thực hành của nhóm Phương tiện trong mật thừa nói chung được nhìn nhận là vượt trội so với kinh thừa. Điều này đặc biệt đúng trong phân lớp Tối thượng Mật tông, được biết đến là Mật pháp Vô thượng Yoga. Ở đây, phương tiện ám chỉ đến hai thực hành duy nhất không có trong các thực hành Phật giáo ngoài mật thừa. Thứ nhất, phương tiện có thể ám chỉ đến loại tâm trí dùng để tập trung vào chân lý rốt ráo, hay tính không. Thông thường, một tâm trí dùng để thấu suốt tính không thuộc về khía cạnh trí tuệ của thực hành như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên trong mật thừa, tâm trí này được kết hợp với Đại Lạc, là thứ được sinh ra nhờ gom tụ các loại Khí vi tế, hoặc năng lượng (vayu) vào trong kinh mạch trung tâm, hay còn gọi là trung mạch (dhuti) của thân thể. Sự vận hành này của các loại Khí trong thân thể được thực hiện bởi nhiều phương pháp khác nhau, được trình bày trong tác phẩm này. Đại lạc và tâm trí tập trung vào tính không được hợp nhất thành một. Đại Lạc - Trí này có uy lực rất lớn và là phương tiện nhanh chóng để phát triển trí tuệ thấu hiểu tính không. Đại lạc trí, thông qua thực hành yoga, còn được chuyển hóa thành sắc thân của hóa thần trong mật thừa. Phương tiện này, và tâm trí giác ngộ tính không là trí tuệ. Bởi vì tuy hai mà một, phương tiệntrí tuệ trong mật thừa được coi như thuộc về một tâm trí. Điều này không tìm thấy bên ngoài mật thừa. Trong thực hành kinh thừa, trí tuệ được hỗ trợ và củng cố nhờ các phương pháp thực hành như từ bi, và phương tiện được phụ trợ bởi các thực hành trí tuệ như thấu hiểu vô thường và thể tính của mọi hiện tượng, nhưng chúng không bao giờ là một thực thể.

    Một loại khác của phương tiện được tìm thấy trong mật thừa là sự phát sinh của một hình thái được gọi là Thân Huyễn. Sắc thân này được tạo ra từ các loại Khí vi tế và nó thuộc về phương diện thân Phật quả, vốn là mục đích của việc thực hành. Thân huyễn này là căn nguyên duy nhất để có được sắc thân của một vị Phật, hoặc Báo Thân. Xuyên suốt thực hành này là việc phát triển trí tuệ của trạng thái tinh thần gọi là Tịnh Quang. Đây là bản thể tự nhiên trong trạng thái siêu vi tế của tâm trí và là căn nguyên duy nhất để đạt được tâm trí giác ngộ, hoặc Pháp Thân. Hai thực hành này được giảng giải sâu xa trong tác phẩm này và không được tìm thấy trong con đường kinh thừa. Mật thừa, do vậy, là phương cách nhanh chóng để đạt được hai loại giác ngộ và mang đặc trưng của những phương pháp thực hành độc nhất vô nhị.
  5. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    GIAI ĐOẠN PHÁT SINH

    Thực hành mật tông tuân theo thứ tự hai giai đoạn: giai đoạn phát sinh và giai đoạn thành tựu. Tác phẩm này được dành riêng để bàn về năm giai đoạn bên trong giai đoạn thành tựu. Giai đoạn phát sinh, phải được thực hành trước giai đoạn thành tựu, được đặc trưng hóa bởi việc quán tưởng lặp đi lặp lại chính bản thân bạn cùng với môi trường của bạn trong hình tướng giác ngộ. Mục đích của phần thực hành này, được gọi là nghi quỹ (sadhana) hoặc thực hành tự phát sinh, là để thay đổi quan niệm bình thường về bản thân bạn và môi trường của bạn, và thay thế nó bằng một cái nhìn thần thánh. Đây chỉ là quá trình hình dung tưởng tượng và không phải là biến đổi thực sự. Giai đoạn phát sinh là bước chuẩn bị cho thật chín muồi trước khi bước vào giai đoạn thành tựu. Giai đoạn thành tựu là quá trình mà các hình tướng giác ngộ được quán tưởng trước đó sẽ biến thành hiện thực.

    Các thực hành trong giai đoạn phát sinh, do đó, bao gồm chuỗi quán tưởng, thường bắt đầu với sự tan biến của tự thân hành giả cùng với môi trường. Từ trạng thái trống rỗng đó xuất hiện một chủng tự chữ Phạn, từ đó bằng cách biến hình sẽ xuất hiện một thân tướng giác ngộ như bản tôn hóa thần hoặc một mandala. Quá trình biến hình này được lặp lại nhiều lần trong khi tụng niệm và thực hành nghi quỹ. Trong thân tướng hóa thần, rất nhiều hoạt động giác ngộ như điểm đạo và ban phúc được thực hiện, tất cả được thực hiện để tăng cường sự chuyển hóa tưởng tượng của bản thân bạn từ một chúng sinh bình thường thành một đấng linh thiêng. Thực hành lặp đi lặp lại sẽ khiến bạn trở nên chín muồi để bước vào thực hành giai đoạn thành tựu, ở đó quy trình tưởng tượng này được biến thành hiện thực thông qua sự vận dụng các loại nội khí và thâm nhập tinh thần vào các điểm sinh lực trong thân thể gọi là các luân xa, hoặc các bánh xe kinh mạch.

    GIAI ĐOẠN THÀNH TỰU

    Xuất phát điểm của cuốn sách này là yogi, hoặc hành giả, đã chín muồi nhờ rèn luyện lâu dài giai đoạn phát sinh, mà trước đó đã được ban quán đỉnh hoặc điểm đạo (abhisekha) từ một vị thầy đủ trình độ vào thực hành một vị hóa thần mật tông cụ thể. Giai đoạn thành tựu sẽ hoàn thiện những gì đã được khởi sự trong giai đoạn phát sinh.

    Giai đoạn thành tựu được chia thành nhiều giai đoạn nhỏ hơn. Thường được chia thành năm, mang lại cho chúng ta “năm giai đoạn” (pancakrama) như tiêu đề cuốn sách này, nhưng bản thân giai đoạn đầu được chia thành hai, nên chúng ta có tất cả là sáu: cô lập thân, cô lập khẩu, cô lập ý, thân huyễn, tịnh quang và hợp nhất. Cách phân chia khác của giai đoạn thành tựu là “sáu yoga”. Điều này được mô tả trong chương 18 và chương cuối của Mật điển Bí Mật Tập Hội. Cách này còn được phân loại thành một tác phẩm riêng biệt gọi là Mật điển Bí Mật Tập Hội hậu kỳ. Sáu Yoga cũng là phương thức mà giai đoạn thành tựu của Mật điển Thời Luân giảng dạy. Tsongkhapa đã bỏ ra rất nhiều thời gian để xét mối tương quan giữa sáu yoga và năm giai đoạn.
  6. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Năm Giai Đoạn

    BA SỰ CÔ LẬP

    Được gọi là ba sự cô lập thân, khẩu, ý là bởi vì thông qua các thực hành đó, hành giả sẽ cô lập thân, khẩu, ý khỏi nhận thức bình thường. Trạng thái này khác với quán tưởng chuyển hóa từ phàm tục thành thần thánh như trong giai đoạn phát sinh bởi vì giai đoạn thành tựu được đặc trưng bởi thực hành yoga gom tụ các loại khí vào trung mạch, hay dhuti. Các loại nội khí này có ý nghĩa rất quan trọng trong mật tông. Các loại khí tồn tại bên trong thân thể con người ban đầu được sinh ra từ sự thụ thai cùng với sự hình thành các bộ phận khác của thân vật lý. Chúng được phân chia thành năm loại khí chủ yếu, hay còn gọi là khí gốc, và năm loại khí thứ yếu. Sự phân loại được tiến hành dựa trên chức năng. Các chức năng này liên quan mật thiết tới sự vận hành bên trong thân người, bao gồm những hoạt động như hít thở, tiêu hóa thức ăn và bài tiết. Chúng cũng có các khu vực trong thân thể mà chúng chủ yếu hoạt động ở đó. Loại khí chính được gọi là khí duy trì sự sống (prana), hay sinh lực khí, đúng như tên gọi là loại khí cần thiết nhất cho thân thể. Sự mất cân bằng của loại khí này sẽ dẫn đến những chứng bệnh nghiêm trọng và thậm chí là chết.

    Như đã đề cập ở trên, các loại khí được hình thành dần dần thông qua quá trình thụ thai và sinh đẻ. Do đó, vào lúc chết, chúng vận hành theo quá trình ngược lại, hòa tan dần dần vào trung tâm của luân xa tim. Trong quá trình này của sự hình thành và tan rã, hoặc thu rút, các loại khí mang theo nhiều trạng thái nhận thức khác nhau của tâm trí. Các trạng thái này của tâm trí, được gọi là bản thể tự nhiên (prakrti), trở nên ngày càng thô thiển khi được hình thành trong tử cung và trở nên càng lúc càng vi tế hơn khi chúng thu rút vào lúc chết. Các loại khí và tâm trí, hoặc ý thức, đồng hành cùng nhau như ngựa và người cưỡi ngựa. Con ngựa ví như các loại khí và người cưỡi ví như tâm trí, bởi vì giống như con ngựa, các loại khí dẫn tâm trí tới nơi mà nó được định hướng. Tâm trí không có khả năng hoạt động nếu không có sự đồng hành của các loại khí. Sự phát sinh và thu rút tự nhiên của các loại khí được sử dụng trong mật tông để đạt tới nhiều mục đích. Trên thực tế, nhiều chức năng tự nhiên của thân thể được khai thác vào các thực hành mật tông khác nhau.

    Vì các loại khí và các trạng thái nhận thức của tâm trí bị thu rút trong quá trình chết, nên các loại khí và tâm thức trở nên vi tế hơn. Tâm trí vi tế và khí vi tế là phương tiện lý tưởng để tu luyện thành Pháp thân và Báo thân của một vị Phật. Vì vậy sẽ rất hữu dụng khi sử dụng chúng vào mục đích này bằng cách trải nghiệm những trạng thái tinh tế đó ngay trong khi đang sống và tận dụng chúng trên con đường của giai đoạn thành tựu. Vì đúng vào lúc chết, các loại khí sẽ thu rút vào kinh mạch trung tâm, nên các thực hành của giai đoạn thành tựu, như ba quá trình cô lập, sẽ mang các loại khí từ các kinh mạch ở hai bên vào trong trung mạch nhờ sự thâm nhập tinh thần vào các luân xa, việc này sẽ nới lỏng các nút thắt kinh mạch ở đó. Thực hành như vậy sẽ kéo theo tâm trí vi tế đồng hành cùng khí vi tế, và tâm trí này sau đó được dùng để tập trung vào bản thể của thực tại, hoặc tính không, như đã trình bày ở trên.

    Mặc dù cô lập thân bao gồm một số thực hành giống với giai đoạn phát sinh, trong cách quán tưởng nhiều phần thân thể là các vị hóa thần khác nhau, nó vẫn có đặc trưng riêng là khả năng đưa các loại khí vào trong trung mạch. Tuy nhiên, như Tsongkhapa đã chỉ ra, có những tranh luận bổ ích về sự bao gồm một phần cô lập thân ở trong giai đoạn phát sinh.

    Cô lập khẩu không phải là cấm khẩu với ý nghĩa dừng hoạt động phát âm của dây thanh quản. Nó ám chỉ các thực hành được gọi là niệm kim cươngkiểm soát khí vi tế (pranayama). Các thực hành này sử dụng nội khí và hơi thở, vốn được coi như có liên hệ tới gốc rễ của hoạt động nói. Niệm kim cương là cách niệm chú độc đáo trong giai đoạn thành tựu, trong đó không niệm thành tiếng mà được nhận dạng bởi âm thanh của hơi thở bên trong gắn liền với ba âm tiết Om Ah Hum. Kiểm soát khí vi tế, Pranayama, đã từng là thực hành yoga phổ biến ở Ấn Độ thời cổ. Nó sử dụng quá trình điều khiển hơi thở như một phương thức để kéo dài thuổi thọ và tăng cường sức khỏe. Trong mật tông Phật giáo, việc kiểm soát hơi thở là một phần không thể thiếu của thực hành kiểm soát khí vi tế, nhưng theo tác phẩm này, mục đích của nó lại vô cùng khác biệt. Cô lập khẩu theo sau cô lập thân bởi vì phép niệm chú dành riêng cho giai đoạn thành tựu chỉ được thực hiện bởi một hành giả đã đạt được thân kim cương qua quá trình cô lập thân.
  7. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Sự cô lập cuối cùng, cô lập ý, được thực hành bởi vì để đạt đến giác ngộ, người thực hành phải hiểu được bản chất của tâm trí trong giáo nghĩa mật tông và sử dụng tâm trí đó để tập trung vào thực tại tối hậu bằng các phương thức độc đáo của mật thừa như đã trình bày ở trên. Phần thực hành này yêu cầu phải hiểu được bản thể tự nhiên và sử dụng quá trình thu rút các loại khí, hoàn thành phép niệm kim cương, để phát triển các tầng trí tuệ tương ứng với mỗi giai đoạn của quá trình thu rút.

    Quá trình thu rút này tương ứng với quá trình thu rút thường xảy ra vào lúc chết, mà trong đó các dấu hiệu đa dạng cùng với các hình tướng xuất hiện khi tâm thức trải qua quá trình của cái chết. Quá trình giống hệt như vậy sẽ xảy ra ngay trong lúc sống bởi hành giả lão luyện trong giai đoạn thành tựu, người chủ động thu rút các loại nội khí vào trung tâm luân xa tim. Nếu hành giả không đủ khả năng thực hiện việc này lúc còn đang sống, anh ta sẽ tận dụng quá trình xảy ra tự nhiên vào lúc chết.

    Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện là bốn yếu tố (tứ đại) thu rút vào nhau. Các yếu tố thu rút theo thứ tự: đất, nước, lửa và gió. Các dấu hiệu đồng hành cùng những bước thu rút này là sự xuất hiện của những hình tướng như: ảo ảnh, khói, ánh sáng như bầu trời và ngọn lửa, theo thứ tự lần lượt. Dấu hiệu cuối cùng, ngọn lửa, là dấu hiệu yếu tố gió thu rút vào tâm thức. Sau quá trình này, bản thân tâm thức sẽ trải qua một quá trình thu rút mà ở đó nó trở nên ngày càng vi tế hơn. Có bốn giai đoạn của quá trình thu rút tâm thức, kéo theo các biểu hiện cụ thể khác nhau. Bốn biểu hiện này tương tự màu trắng của ánh trăng gọi là xuất hiện, màu hơi đỏ của mặt trời lặn gọi là gia tăng, đen tối như màn đêm gọi là sắp thành tựu, và sáng trong như bầu trời không mây lúc bình minh gọi là tịnh quang. Quá trình này còn được biết đến là bốn trạng thái của tính không – gồm: trạng thái không ban đầu, trạng thái không thực sự, trạng thái đại không và trạng thái không toàn thể. Trạng thái cuối cùng được gọi là tịnh quang của cái chết trong quá trình chết thông thường và gọi là tịnh quang minh họa khi tu chứng trong thiền định. Tâm trí tịnh quang này là lớp vi tế nhất của tâm thức và là trạng thái lý tưởng được sử dụng để tập trung vào tính không, hoặc chân lý tối hậu.
    Lần cập nhật cuối: 02/06/2016
  8. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    SỰ HỢP NHẤT CỦA HAI CHÂN LÝ

    Ba giai đoạn cuối gồm các thực hành hợp nhất thân huyễn với tịnh quang để luyện thành giai đoạn cuối cùng của sự hợp nhất. Sự hợp nhất bất khả phân là dạng thứ hai của sự hợp nhất giữa phương tiện và trí tuệ như đã trình bày ở trên. “Phương tiện và trí tuệ hợp nhất” có nghĩa là sự hợp nhất giữa đại lạc và tính không, hoặc là sự hợp nhất mà trong dó thân huyễn là phương tiện, còn trạng thái tịnh quang là trí tuệ. Phương tiện thân huyễn được xem là chân lý thông thường, còn tịnh quang trí tuệ được coi như chân lý tối hậu. Trong giáo lý kinh thừa, hai chân lý là các cấp độ của thế giới tồn tại, nhưng trong mật thừa chúng còn là hai căn nguyên dẫn đến hai hình thái giác ngộ. Thân huyễn của chân lý thường là căn nguyên duy nhất của Báo Thân, còn tịnh quang của chân lý tối hậu là căn nguyên duy nhất của Pháp Thân.

    Sự tạo thành thân huyễn là cần thiết vì nếu không có nó, hành giả sẽ không có tiền đề duy nhất để đạt được Báo Thân hay Sắc Thân. Nó là tiền đề duy nhất bởi vì nó được tạo thành từ khí vi tế trong thân thể, và Báo Thân cũng vậy, là sản phẩm của khí vi tế. Vì vậy chúng là chuỗi nhân quả trực tiếp. Thân huyễn còn là một nguyên nhân liên đới dẫn đến sự chứng ngộ Pháp Thân, vốn thuộc về phạm trù trí tuệ. Căn nguyên duy nhất của Pháp Thân theo sau giai đoạn tịnh quang. Do đó giai đoạn thân huyễn xảy ra trước giai đoạn tịnh quang. Khí vi tế này từ thân huyễn được kích hoạt thông qua quá trình thu rút các loại khí thô thiển trong các giai đoạn thiền định cô lập. Mặc dù thân huyễn này không dính liền với thể xác thô trọc, và thậm chí có thể du hành ra ngoài thân thể, nhưng chúng (thân huyễn và thể xác) không phải là những thực thể tách biệt.

    Trong một quy trình chết thông thường, tâm thức thu rút thông qua một loạt các giai đoạn, trong đó nhiều hình tướng xuất hiện như đã mô tả ở trên, cho tới khi nó tiến tới giai đoạn tịnh quang của cái chết. Đây là một giai đoạn rất ngắn, thường không được chú ý bởi người chết. Sau khi nó xảy ra, người đó mới chính thức chết, đi vào giai đoạn trung ấm, hoặc bardo, trong hình dạng mà anh/chị ta sẽ mang theo trong kiếp sau, vốn được quyết định bởi nghiệp báo đã chín muồi ở thời điểm đó. Thân trung ấm này không phải là thân máu thịt hoặc vật chất mà được cấu thành từ chính thứ khí vi tế tạo nên thân huyễn. Thân trung ấm thậm chí còn được cho là một dạng của thân huyễn. Vì các quá trình sinh tử thông thường này xảy ra giống hệt trong giai đoạn thành tựu, nên trong quá trình chết, hành giả sẽ thay thế trạng thái trung ấm bằng một thân huyễn được chủ động tạo ra trong hình tướng của vị bản tôn hóa thần của mật pháp mà họ đang thực hành. Hơn nữa, như đã đề cập, hành giả thượng thừa trong giai đoạn thành tựu không cần phải đợi đến lúc chết mà vẫn có thể luyện thành thân huyễn bằng phép thiền định ngay trong khi còn đang sống. Tuyên ngôn mà bạn thường được nghe rằng trong mật tông, người ta có thể đạt đến giác ngộ chỉ trong một kiếp là dựa trên thực tế, nếu bạn đắc được thân huyễn lúc sống, bạn sẽ đạt đến giác ngộ ngay trong khi còn đang sống của kiếp đó hoặc vào lúc chết.

    Thân huyễn được tạo nên để tăng cường uy lực cho trí tuệ của tịnh quang, là thứ sẽ tận diệt những chướng ngại cuối cùng trước khi đạt đến giác ngộ. Những chướng ngại sau cùng đó được gọi là những che chướng ngăn trở sự chứng đắc trí tuệ toàn tri toàn giác (jneyavarana – sở tri chướng). Việc này được thực hiện nhờ thu rút thân huyễn vào tịnh quang. Như chúng ta đã biết, tịnh quang sẽ thực sự xuất hiện một cách tự nhiên vào lúc chết. Rất nhiều ví dụ về tịnh quang được chứng minh bởi các thực hành yoga ở những giai đoạn trước đó, khi họ quán chiếu thực tướng của các pháp, hoặc tính không. Tuy nhiên ở đây, tịnh quang ám chỉ tới khả năng thấu hiểu trực tiếp (trực giác) nhờ vào lạc thọ có sẵn của thực tại siêu vi tế. Khi thân huyễn thu rút vào tịnh quang, chính thân huyễn sẽ biến mất, tịnh quang còn lại được gọi là tịnh quang thực sự, trái với tịnh quang minh họa trong giai đoạn trước đó. Chi sau khi thân huyễn được thanh lọc bởi tịnh quang, thì thân huyễn mới duy trì tồn tại mà không bị mất đi. Điều này đạt được nhờ vận dụng quá trình thu rút và tái tạo, tương ứng với quá trình chết và trung ấm. Tịnh quang lúc đầu đạt được nhờ sự thu rút, hoặc hòa tan của thân huyễn, còn quá trình sau đó của sự tái tạo thân huyễn tương ứng với sự xuất hiện của giai đoạn trung ấm, thân huyễn được sản sinh ra một lần nữa, nhưng lần này là trong một hình thái thanh tịnh. Thân huyễn thanh tịnh này sẽ không biến mất khi đạt được tịnh quang thực sự. Đây là khởi điểm của sự hợp nhất, giai đoạn cuối cùng.

    Giai đoạn hợp nhất đại diện cho sự hợp nhất của phương tiện và trí tuệ, của chân lý thông thường và tối hậu, của thân huyễn thanh tịnh và tịnh quang thực sự, và khi đạt tới tuyệt đích là sự hợp nhất bất khả phân của Báo Thân và Pháp Thân của trạng thái giác ngộ. Hai đôi cánh này cùng nhau hoạt động xuyên suốt quá trình thực hành của mật thừa - và cả kinh thừa. Cùng bổ sung và hỗ trợ cho nhau, cùng vươn tới tột đỉnh khi đạt được sự hợp nhất không thể chia tách giữa đại lạc và tính không, giữa thân huyễn và tịnh quang. Sự phát triển của cả hai chính là bản chất của thực hành Phật giáo, nhưng trong mật thừa, chúng có ý nghĩa tối quan trọng, trở thành những phương pháp nhanh chóng và đầy uy lực để đạt tới trạng thái của một vị Phật.
    Lần cập nhật cuối: 03/06/2016
  9. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    Mật điển Bí Mật Tập Hội

    Chủ đề của tác phẩm vĩ đại này của Tsongkhapa là giai đoạn thành tựu của Mật điển Bí Mật Tập Hội. Mật pháp này thuộc về tầng vô thượng yoga với ý nghĩa là nó bao gồm các phương pháp đặc biệt để đạt đến hai hình thái giác ngộ vốn không được tìm thấy trong các lớp thấp hơn của mật tông. Ba lớp thấp hơn là hạnh (kriya), sự (carya), và du già (yoga) mật tông không chứa đựng các phương pháp thu rút các loại khí vào trong trung mạch. Từ tiếng Phạn guhyashamaja nghĩa là “cuộc tập hợp bí mật.” Theo một truyền thống, điều này ám chỉ sự tập hợp bí mật của thân, khẩu, ý trong trạng thái giác ngộ. Theo một truyền thống khác, nó có nghĩa là nơi mà tinh hoa của tất cả các mật điển khác được tập hợp lại. “Bí mật” không có nghĩa là cái gì đó cố ý bị giấu kín, mà là thứ rất khó để được lĩnh hội vì ý nghĩa của nó không biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài.

    Mật điển Bí Mật Tập Hội giữ một cương vị đặc biệt trong truyền thống mật tông. Nó được coi là gốc rễ của tất cả các phân lớp khác của mật tông. Tsongkhapa nói rằng: “Trong Mật điển gốc, ngay ở tiêu đề đã cho thấy mọi bí mật thân, khẩu, ý của Như Lai được bao hàm trong mật pháp này.” Ông đã dành hẳn một mục để tán dương nó. Ông giảng giải chi tiết làm thế nào để đọc, nghiên cứu, hoặc thậm chí để gặp được mật pháp có vô vàn lợi ích này, và rằng ngày nào Mật điển Bí Mật Tập Hội còn được lưu truyền, ngày đó giáo lý của đức Phật vẫn còn trên thế gian, bởi vì “nó là tấm bùa hộ mạng cho Phật Pháp.”

    Mật điển này vẫn còn tồn tại trong nguyên bản tiếng Phạn và đã được dịch sang tiếng Tây Tạng trong làn sóng dịch thuật thứ hai vào thế kỷ thứ mười, mặc dù nó có thể đã được chuyển ngữ trong thời kỳ dịch thuật sớm hơn. Gồm có 17 chương với một chương thứ 18, Mật điển hậu kỳ, được phân loại như một tác phẩm riêng biệt. Các chương mô tả nhiều thực hành và các nghi thức khác nhau của giai đoạn phát sinh và giai đoạn thành tựu. Mỗi mật pháp nói chung đều có riêng một vị hóa thần chính yếu và “pháp giới” riêng, hoặc mandala, thường bao gồm một số vị hóa thần khác. Tùy thuộc vào từng truyền thống, hóa thần chính của Bí Mật Tập Hội trong giai đoạn phát sinh có thể là Aksobhyavajra (Kim Cương A Súc) hoặc Manjuvajra (Kim Cương Văn Thù), và số lượng các hóa thần là 32 hoặc 19. Theo truyền thống, hầu hết các mật điển được dạy bởi đức Phật khi còn tại thế hoặc bằng các hóa thân sau khi nhập diệt. Bí Mật Tập Hội là một trong những pháp được dạy bởi đức Phật khi còn tại thế. Đức Phật xuất hiện xuyên suốt toàn bộ mật điển, giáo huấn và tiết lộ các bí mật cho hội chúng lớn.
  10. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    86
    Đã được thích:
    0
    CÁC MẬT ĐIỂN CHÚ GIẢI, CÁC BỘ LUẬN VÀ CÁC TRUYỀN THỐNG

    Như đã đề cập, mật pháp được biết đến là “thực hành bí mật” không phải vì thái độ hẹp hòi không muốn chia sẻ mà bởi vì nội dung của pháp môn quá thâm sâu và khó tiếp cận. Do cách thức mà pháp môn này sử dụng các hoạt động thân thể, chẳng hạn như việc thực hành quan hệ sinh lý, và sử dụng các vật phẩm thường được coi là “bất tịnh”, nó cũng dễ bị hiểu lầm và phỉ báng bởi những người có rất ít hiểu biết về nó. Ngoài ra, cũng bởi nguyên nhân là phần nhiều cách viết trong các mật điển đều bí ẩn khó hiểu và đều cần phải giải thích. Một số đoạn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. Chính vì sự tối nghĩa này mà các mật điển chú giải thường cùng tồn tại với các mật điển gốc. Chúng cũng thường được chấp nhận như các mật điển gốc được dạy bởi đức Phật. Ví dụ chương thứ 18 của Mật điển Bí Mật Tập Hội được coi là một mật điển chú giải của 17 chương trước. Một mật điển có thể có nhiều mật điển chú giải – Bí Mật Tập Hội có đến năm.

    Chẳng những vậy, ngay cả sự giải thích trong các mật điển chú giải này cũng cần được làm sáng tỏ, do đó xuất hiện một số lượng các bộ luận bởi những vị thầy Ấn Độ. Vì là một mật pháp siêu phàm, rất nhiều bộ luận về Bí Mật Tập Hội xuất hiện ở Ấn Độ. Điều này dẫn đến sự hình thành của các truyền thống luận giải, được thống nhất bởi sự giống nhau trong cách trình bày về con đường của Bí Mật Tập Hội. Hai truyền thống chính được biết đến là Arya và Janapada được đặt tên sau thời kỳ của người khởi xướng truyền thống. Arya ám chỉ Nagarjuna và Janapada là Buddhasrijana. Các tác phẩm tinh hoa của cả hai vị thầy khiến sản sinh ra nhiều truyền thống của các bộ luận nhỏ.

    Nagarjuna (Long Thọ), tất nhiên là nổi tiếng trong giới Phật giáo vì là tác giả có tầm ảnh hưởng của nhiều tác phẩm triết học về bản chất rốt ráo của mọi hiện tượng. Theo truyền thống, ông cũng biên soạn các tác phẩm về Bí Mật Tập Hội và những thực hành mật tông khác. Vài người không chấp nhận Long Thọ kinh điển và Long Thọ mật điển là cùng một người bởi vì thời đại của họ không trùng nhau, trừ khi công nhận tuổi thọ của ông cao một cách bất thường. Tuy nhiên Long Thọ kinh điển là một nhân vật xuất chúng, và những người tiếp nối triết lý của ông như Aryadeva (Thánh Thiên) và Candrakirti (Nguyệt Xứng) cũng được gán vào các tác phẩm về Bí Mật Tập Hội trong việc tuân theo các luận giải của thầy họ. Long Thọ được cho là đã đạt tới quả vị của một bậc Thánh (Arya) trong thực hành tâm linh, nghĩa là ông đã đạt được trình độ nhận thức trực tiếp, không dựa trên khái niệm suy luận, về chân lý tối hậu. Bởi lý do này, truyền thống của Long Thọ được gọi là truyền thống Arya. Long Thọ nghe giảng Bí Mật Tập Hội từ yogi Sahara nhưng dường như sau đó không viết bất cứ tác phẩm cụ thể nào về mật pháp này, và do vậy không được công nhận là người khởi xướng truyền thống. Thay vào đó, Long Thọ của Năm Giai Đoạn trở thành người có thẩm quyền trong truyền thống Arya về việc luận giải.

    Buddhasrijana (Phật Quang Tuệ) nhận giáo lý về Mật điển Bí Mật Tập Hội trong một linh kiến trực tiếp từ Văn Thù Bồ Tát, hiện thân cho trí tuệ của chư Phật. Sau đó ông biên soạn vài tác phẩm có tầm ảnh hưởng về mật tông. Tsongkhapa nói rằng Buddhasrijana trong tác phẩm chính của ông, Giáo lý khẩu truyền của Văn Thù, tập trung vào Mật điển hậu kỳ, giải thích mật pháp sử dụng yoga sáu nhánh hơn là năm giai đoạn. Trong hai truyền thống, Tsongkhapa rõ ràng ủng hộ truyền thống Arya, và tác phẩm này tập trung vào truyền thống đó.

Chia sẻ trang này