1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ngũ uẩn theo quan điểm sinh lý học và duy thức học (Luận văn tốt nghiệp -Ni sinh Thích Nữ Huệ Liên)

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi mrking_hoang, 02/10/2008.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. mrking_hoang

    mrking_hoang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2006
    Bài viết:
    2.266
    Đã được thích:
    2
    Về tưởng uẩn, đa số thường hiểu là tưởng tượng (imaginer). Tưởng tượng là gì? Ở đây có hai nghĩa: thụ động và tác ý.
    1/ Nghĩa thụ động: Tưởng là sự cảm nhận, thâu nhận, ghi nhận của 6 căn còn gọi là tri giác. Tượng là những hình tượng, hình ảnh thuộc tâm linh.
    Thí dụ: bất chợt có những hình ảnh (tượng) thuộc quá khứ như núi, sông, v.v... hiện hành trong tâm. Khi những hình ảnh này khởi lên và Ý (căn) thâu nhận (per篩t) nó, thì đó gọi là tưởng tượng. Nói cho rõ hơn là Ý (căn) tưởng (cảm nhận) những hình tượng. Ở đây không có sự tác ý. Ngược lại, nếu cố nhớ, moi đầu, moi óc, hình dung lại hình ảnh, thì đó là một sự tác ý, cố ý thuộc về hành nghiệp (karman). Và khi hình ảnh này hiện ra trên mặt ý thức thì có sự thâu nhận(tưởng). Trong trường hợp này phải nói là Ý-nghĩ-niệm-tưởng-ý trần, tức là có sự suy nghĩ, cố nhớ làm hiện hành ra những hình tượng và từ đó có sự nhận biết (tưởng).
    2/ Nghĩa tác ý: Tưởng tượng là tạo ra trong tâm trí hình ảnh của những sự vật đã tác động vào giác quan, hoặc hình ảnh của những sự vật mới lạ chưa xảy ra.
    Theo ngôn ngữ thông dụng thì tưởng tượng mang nghĩa thứ hai, tức tác ý. Như vậy tưởng tượng (imaginer) là một tác động từ ý nên có thể tạo nghiệp. Còn tưởng (percevoir) của tưởng uẩn là một động từ cảm nhận nên không tạo nghiệp.
    Chữ tưởng (samjna) của tưởng uẩn, thấy có vẻ giản dị nhưng cho tới bây giờ, nó vẫn chưa được giảng giải và dịch nhất định là gì. Những điều vừa nói ở trên chỉ là ý kiến cá nhân, nên không chắc là đúng. Ai cũng có quyền cho những điều mình hiểu là đúng nhưng không có quyền bắt người khác phải tin và nghe theo mình. Vì thấy đúng hay sai chỉ là chủ quan tương đối. Sau đây tôi xin liệt kê vài dịch từ về chữ tưởng (samjna) trong các tác phẩm Việt ngữ để bạn đọc tùy ý lựa chọn.
    - Trong sách "Vấn đề nhận thức trong Duy Thức Học" của thầy Nhất Hạnh, tr.79, nói về 5 uẩn, dịch chữ tưởng là các khái niệm (concepts).
    Trong Kinh "Pháp Ấn" do thầy Nhất Hạnh dịch và chú giải, tr.28, dịch tưởng là tri giác (perception).
    Trong "Câu Xá Luận Cương Yếu " của thầy Ðức Niệm, tr.40, dịch tưởng (uẩn) là nhận thức tổng hợp của các cảm giác đưa đến tưởng nhớ, nghĩ ngợi.
    Trong Phật Học Từ Ðiển của Ðoàn Trung Còn, tập 3, trang 1093, dịch tưởng (uẩn) là tư tưởng, sự tưởng tượng nơi tâm trí.
    Ngoài ra đa số đều dịch tưởng (uẩn) là tưởng tượng, tưởng nhớ.
    Ðến đây bạn đọc có thể ngạc nhiên hỏi lại tôi rằng: "Tưởng tượng không thuộc tưởng uẩn, thế nó thuộc cái gì?"
    Trong pháp số Phật học, có nhiều danh từ giống nhau, nhưng ý nghĩa lại khác, tùy trường hợp, vị trí và bối cảnh. Theo tôi, chữ tưởng trong ngũ uẩn, không có nghĩa là tưởng tượng, nó chỉ có nghĩa là tri giác. Trong tâm lý học Phật giáo có nói đến tưởng (P.Sanna, Skt.Samjna) như là một tâm sở trong 51 tâm sở (caittas) của Duy Thức, hoặc 52 tâm sở (cetasika) của A Tỳ Ðàm Tiểu Thừa (Abhidham-matthasangaha), hoặc 46 tâm sở của Câu Xá Hữu Bộ. Trong phạm vi này, nó có thể được xem là tưởng tượng (imaginer), vì có sự tác ý và như vậy nó thuộc về hành uẩn.
    - Trong "Vấn đề nhận thức trong Duy Thức học", tr.66, nói về tưởng (tâm sở) như sau: Tưởng là động tác của trí năng trên ảnh tượng thu nhận được, nói một cách khác hơn, là sự cấu tạo thành khái niệm.
    - Trong Phật Học phổ thông, khóa thứ IX, tr.38, nói giản dị hơn: Tưởng là nhớ tưởng. Nghiệp dụng của nó là bịa đặt những danh từ để kêu gọi.
    Tóm lại khi nói về tưởng, bạn đọc nên cân nhắc xem mình muốn nói về tưởng uẩn hay hành uẩn. Vì nếu thuộc tưởng uẩn thì chưa tạo nghiệp, còn nếu thuộc hành uẩn thì tạo nghiệp.
  2. mrking_hoang

    mrking_hoang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2006
    Bài viết:
    2.266
    Đã được thích:
    2
    Sự khác biệt giữa Tưởng và Thức.
    Tưởng là tri giác, tức sự biết của các giác quan. Thức cũng là sự biết của 6 căn, vậy hai cái biết này giống hay khác?
    Cái biết của Tưởng có tính chất cảm nhận đơn thuần, vô tư, trong khi cái biết của Thức lại có tính chất phân biệt, khái niệm. Ðể dễ hiểu, xin lấy thí dụ về một em bé gái (ngây thơ), một anh thợ săn và một đồng tiền vàng. Khi đi đường, nếu em bé nhặt được một đồng tiền vàng, em sẽ chỉ thấy đó là một vật tròn, mỏng, màu vàng, có hình vẽ xinh xắn, có thể trở thành một món đồ chơi của em. Em không hề hay biết gì về giá trị của đồng tiền cả. Sự "thấy" đồng tiền vàng của em bé được dụ cho Tưởng. Ngược lại, đối với anh thợ săn thì khác. Khi thấy đồng tiền vàng, anh ta liền biết đó là một đồng tiền vàng cùng với giá trị của nó. Vói tiền này anh sẽ mua được tất cả thứ gì anh thích. Sự "thấy" đồng tiền vàng của anh thợ săn này dụ cho Thức.
    Ðúng ra theo giáo lý Nguyên Thủy thì chúng ta có thể ngưng ở đây, sau khi đã định nghĩa năm uẩn. Nhưng đa số thường không rõ sự khác biệt giữa Tâm, Ý và Thức nên tôi sẽ tạm mượn một ít giáo lý của Duy Thức, trong đó phân biệt chi tiết về Tâm, Ý và Thức.
    Vẫn biết mục đích của tập sách này là nói về Vô Ngã chứ không phải Duy Thức, nhưng cái Ngã là một tổng hợp phức tạp, cấu tạo bởi năm uẩn, trong đó thủ phạm chấp ngã nằm trong Thức uẩn. Nói về thức uẩn, không gì đầy đủ chi tiết hơn Duy Thức. Ðây là lý do thứ hai cần phải nói một chút về Duy Thức.
    Theo Duy Thức thì Thức uẩn (vijnãna skandha) bao gồm Tâm (citta), Ý (manas) và Thức (Vijnãna). Tâm được xem là thức thứ 8, Ý được xem là thức thứ 7, Thức tức là 6 thức đầu được kể ở trên. Sau đây chỉ xin lược nêu về 3 thức: thứ 8, thứ 7 và thứ 6.
    Thức thứ 8, có tên là Tàng thức hay A lại Da thức (Alaya-vijnãna). Thức này có 3 nghĩa:
    a/ Năng tàng: Thức này chứa đựng, gìn giữ chủng tử (bija) của các pháp.
    b/ Sở tàng: Sở tàng ở đây không có nghĩa là bị chứa, mà có nghĩa là Thức này bị ươm ướp (parfumé) bởi chính những chủng tử được chứa trong nó.
    c/ Ngã ái chấp tàng: Thức này bị thức thứ 7 (manas) bám víu và chấp làm Ta.
    Thể và dụng của thức này sâu rộng vô cùng, chúng ta không thể thấu hiểu bằng ý thức thông thường được. Nó chính là nền tảng cho 7 thức kia phát sinh. Tánh chất của nó là vô phú vô ký, có nghĩa là không bị che lấp bởi vô minh, nhưng cũng không thiện, không ác. Như vậy nó không phải là thủ phạm chấp ngã.
    Thức thứ 7 tên Mạt Na (manas-vijnãna). Nó là Ý căn (organe mental) tức là căn cứ, nơi phát sinh ra ý thức (conscience mentale). Cũng như mắt là nhãn căn, nơi phát sinh ra nhãn thức. Thức này còn có tên là "Truyền tống thức" vì nó công năng truyền các pháp hiện hành vào Tàng thức và tống đưa các pháp chủng tử khởi ra hiện hành. Thức này được xem là thủ phạm chính của sự chấp ngã. Sự chấp ngã của nó thuộc loại "câu sinh ngã chấp" tức sự chấp ngã sinh ra cùng lúc với thân mạng. Sự chấp ngã này rất khó diệt trừ. Mạt Na thường tương ưng với bốn căn bản phiền não: ngã si (avidya), ngã ái (atmasneha), ngã kiến (atmadrsti), ngã mạn (asmimana). Ngã si chíng là vô minh, ngã ái là sự thương yêu, ái luyến cái Ta, ngã kiến là cái thấy sai lầm về ngã, ngã mạn là sự kiêu ngạo cho cái Ta cao cả hơn hết.
    Hai thức A lại Da và Mạt Na hằng chuyển không bao giờ gián đoạn, ngay cả khi cá nhân đã chết.
    Thức thứ 6, gọi là Ý thức (mano-vijnãna). Khi Ý căn tiếp xúc với pháp trần làm phát sinh ra sự nhận thức, sự nhận thức này được gọi là Ý thức. Ý thức có ba hình thái nhận thức: hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng.
    - Hiện lượng: sự nhận thức trực tiếp, vô tư, chưa trải qua suy luận, phân biệt.
    - Tỷ lượng: sự nhận thức qua suy luận, phân biệt.
    -Phi lượng: Khi hai sự nhận thức trên (hiện lượng hoặc tỷ lượng) phản ảnh sai lầm về thực tại thì gọi là phi lượng. Thí dụ trong đêm tối , thấy sợi dây tưởng là con rắn.
    Trong tám thức, duy có thức này là lanh lẹ và khôn ngoan hơn hết. Trong Bát Thức Quy Củ tụng khi nói về Ý Thức có câu: "Ðộc hữu nhứt cá tối linh ly" nghĩa là riêng có một cái thức rất lanh lẹ. Suy nghĩ làm việc phải, thức này đứng đầu, tính toán tạo nghiệp ác thì nó cũng hơn cả (công vi thủ, tội vi khôi). Về tội thì thức này cũng chấp ngã và chấp pháp. Nhưng sự chấp ngã của nó là "phân biệt ngã chấp", tức chấp ngã do nhận thức phân biệt sai lầm mà ra. Sự chấp ngã này tương đối dễ loại trừ. Sau này tu tập về Vô Ngã, chúng ta sẽ rất cần đến thức thứ 6 này.
    Ðến đây sự định nghĩa về 5 uẩn có thể được xem như tạm đủ. Năm uẩn, còn gọi tắt là thân tâm, tuy được liệt kê thành từng phần, nhưng thật ra chúng hoạt động rất chặt chẽ, không thể tách rời được. Thí dụ khi bị đau răng. Răng thuộc về thân (sắc uẩn), đau thuộc khổ thọ (thọ uẩn), cảm biết có sự đau thuộc tưởng uẩn, biết rõ đó là đau răng thuộc thức uẩn, và mỗi khi thức làm việc đều có sự tương ưng, trợ giúp của các tâm sở, do đó hành uẩn cũng có trong cuộc.

Chia sẻ trang này