1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Người đàn bà 30 năm không có Tết

Chủ đề trong 'Hà Tây' bởi raulgonzalet, 20/02/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. raulgonzalet

    raulgonzalet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/08/2003
    Bài viết:
    1.414
    Đã được thích:
    0
    Người đàn bà 30 năm không có Tết

    Tôi nghèo khổ nhất thế gian
    Mẹ chết không chiếc khăn tang đội đầu?

    (VietNamNet) - Đó là hai câu thơ mở đầu trong tập nhật kí bằng thơ của chị - người đàn bà trong chùa Bồ Đề ven sông Hồng. Tập nhật kí ấy không phải để ôn nghèo kể khổ mà chỉ ghi lại những điều đã xảy ra của một số phận bất hạnh khó tìm thấy dưới gầm trời này?


    Dựng ngôi nhà mới
    Sống du mục ngay trên quê hương

    Chị tên là Bạch Thị Luận, nông dân ở xã An Mĩ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Năm 1969 chị lấy chồng - một thương binh bị bệnh thần kinh do mảnh đạn văng vào gáy. Sinh lần lượt 6 đứa con, chị Luận phải đối mặt với không chỉ những lo toan thiếu thốn vật chất. Nỗi khổ nhất vẫn là người chồng thần kinh nên không còn ý thức được hành vi của mình nữa. Ông chồng đã hành hạ đánh đập vợ con theo cái cách mà chỉ có người thần kinh mới có thể làm được. Chịu không thấu, mẹ con chị bồng bế gánh gồng đi ở nhờ hết nơi này đến nơi khác, nhưng việc nhà, việc chăm sóc cho chồng thì vẫn phải lo toan. Đó thực sự là một cuộc sống du mục, du mục ngay trên quê hương của mình, du mục kéo dài gần 30 năm và trong cuốn nhật kí bằng thơ của chị Luận có đầy chuyện thẫm đẫm nước mắt.

    Cái sự tìm nơi ở nơi ngủ của mẹ con người đàn bà có nhà mà vô gia cư mới thật là ''''hành lộ nan''''. Đêm đông nọ mẹ con chị đến xin ngủ nhờ nhà bà S, chị bồng con ôm tải che, bà S ho mới dám gọi. Bà S cho ngồi trên nền đất, mấy mẹ con rét run. Sáng ra Bà S bảo: biết đêm qua rét nhưng tao không cho mẹ con mày lên giường vì sợ con mày đái dầm làm hỏng mầm khoai tây giống. Đêm kia ở xin ở nhờ nhà bà T, nửa đêm thằng con ba tuổi khóc đòi uống nước, chị bò đến gậm bàn mò quờ quạng được siêu nước rồi lại quờ quạng tìm mồm con. Nhưng nước trong siêu còn rất ít thằng bé càng khóc to. Bà chủ hỏi: tại sao con khóc? Chị mệt quá đoản hết hơi không nói được. Lại có đêm ngủ ở lều cá, đêm trời nổi cơn giông, trời tối đen như mực, chị bồng bế con chờ ánh chớp loé lên để dò dẫm đường đi, dõ dẫm mãi, chớp thôi loé lên mà cơn giông vẫn chưa tạnh.

    Đối với chị Luận, nghìn lẻ một đêm dường như đều là nghìn lẻ một đêm ''''không chốn nương thân''''. Ngay cả trong tối giao thừa người ta sum họp đầm ấm với gia đình thì nằm dưới bếp vì người chồng thần kinh cấm làm Tết. Tôi đã đọc được rất nhiều câu thơ viết trong những đêm trắng của chị. ''''Ngủ trộm nhà kho làng; xưa là bãi tha ma; có hôm sét đánh sụt một mảng ngói trong nhà''''. Rồi ''''Ngủ nhờ hè cô L; đêm giun bò vào màn; sáng tóc, áo các con; có mấy xác giun chết''''. ''''Không nhà nằm ngoài ngõ; nơi ấy có bóng râm; mệt quá không chịu nổi; mặc xe cộ trâu bò''''?

    Cái sự ở nhếch nhác, còn cái sự ăn thì cảm giác thường trực theo đuổi 6 mẹ con người đàn bà này là đói. Thơ chị Luận ''''Nhiều năm đói kinh khủng; Đói lay lắt nắng sương; Không nhà, màn, chăn chiếu; Nhìn năm con quá thương''''. Và đây là đoạn đối thoại của hai đứa con chị: ''''Cái Lại bảo chị Nhớ; Em thèm bữa cơm cà; Giá nhà ta có được; Chị Nhớ vội trả lời; Em ơi đến kiếp sau?''''.


    Chị Luận
    Ăn rau đắng, bánh sắn, cám lợn trừ bữa là chuyện thường ngày của mẹ con chị Luận. Có hôm đói quá chị Luận liều ăn cả muối, uống cả một tô nước đầy, con gái chị gói sắn luộc đi bán, cứ liếm mãi bụi phấn sắn bám trên đầu ngón tay. Ngay cả ngày Tết cái đói vẫn không buông tha mấy mẹ con khốn khổ này. Tết năm 1994, mấy mẹ con dựng một cái lều ngoài đồng, trong túi chị Luận còn 800 đồng, túi đứa con gái thứ 2 còn một 100 đồng, chị cầm từng ấy tiền mua được ba lạng rưỡi gạo, vào làng nấu nhờ cơm vì lều xa bếp dột. Nấu cơm xong đưa về thì mấy đứa con đã lả đi? Chị Luận nói rằng nếu không có sự giúp đỡ của bà con làng xóm, họ hàng, chính quyền, thì mẹ con chị không sống được đến ngày hôm nay.

    Bây giờ nếu làm lụng cần cù thì có mấy ai nghèo đến mức như mẹ con chị Luận, nhưng tại sao mẹ con họ lao động đến rạc người mà vẫn bần hàn như thế. Chị Luận đã từng đi bộ lên sông Đà trồng sắn, đã từng nghiến răng lội bàn chân đau xuống ruộng để đi cấy thuê cả đêm, thế mà đói vẫn hoàn đói? Không cần bắc thang lên hỏi ông trời, chính chị Luận cũng tìm được câu trả lời. Người chồng thương binh mù chữ, bị bệnh thần kinh của chị vẫn thường có những hành động trái với lẽ thường. Đó là những việc mà chỉ có người mắc bệnh thần kinh mới làm được. Những câu thơ chị viết về chồng thương mà chua xót: ''''Nhét giẻ vào mồm con. Vì nó đói sữa khóc; Con trai chết chẳng nhìn; Vợ sắp chết chẳng hỏi''''. ''''Lột truồng con kéo lê; Bắt con uống nước điếu''''. Không giúp gì được cho vợ con, người chồng người cha thần kinh đó còn ăn chơi đốt phá một cách rất ''''điên'''', tiền chế độ thương tật chỉ là gió vào nhà trống? Nhưng những việc trái với luân thường đạo lí cũng được coi là bình thường khi tác giả của nó là một người tâm thần.

    Trong những ngày tháng long đong của cuộc đời, chị Luận đã có lúc phải đến nương nhờ cửa Phật. Các sư ông ở chùa Quán Sứ đã cho con trai chị ăn học tại đó một thời gian dài. Khi tìm đến chùa Bồ Đề, chị lại được sư thầy Đàm Lan dang tay cứu độ. Sư thầy Đàm Lan đã nhận trả toàn bộ chi phí học hành cho hai đứa con trai của chị từ nay cho đến khi chúng tốt nghiệp PTTH. Tết năm ngoái, sư thầy biếu chị quà bánh, sách vở. Người đàn bà gần 30 năm không có Tết này cảm động lắm, chị đã chụp ảnh số quà của sư thầy để thỉnh thoảng đưa ra ngắm nghía.

    Trong chùa Bồ Đề, chị Luận đã cho tôi biết một sự thật khó tin: đã 30 năm rồi chị không có Tết - một cái Tết đúng nghĩa với thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ, gia đình đầm ấm yên vui. Mấy ngày Tết chỉ làm nhói đau thêm cuộc sống bán du mục của 6 mẹ con người đàn bà này.

    Con trai làm thuê, con gái bị bán sang Trung Quốc

    Đàn con cũng là một nỗi đau khác của chị Luận. Con trai đầu thất học, làm thuê ở Hà Đông. Con gái thứ 2 là Bùi Thị Nhớ một hôm đang đi quăng hến bị một gã thanh niên lừa bán sang Trung Quốc. Qua biên giới Việt - Trung, gã ra điều kiện với Nhớ ''''Hoặc là vào nhà thổ, hoặc là đi lấy chồng''''. Nhớ chọn con đường lấy chồng và giờ đây cô đã là vợ của một người đàn ông lụ khụ tận tít tắp mù khơi đảo Hải Nam, cuộc sống nơi đó cũng cơ cực chẳng kém ở nhà. Ba đứa con còn lại của chị Luận, từ khi quay trở về ở với bố lại đang có chiều hướng nhiễm vào những thói hư tật xấu.

    Chị Luận chỉ cho tôi cái điếm canh, cái kho hợp tác... nơi mấy mẹ con chị đã từng phải lấy làm chỗ che mưa che nắng suốt một thời gian dài. ''''A mẹ về'''', hai đứa trẻ reo lên, chị Luận chỉ tay ''''Nhà tôi đây''''. Nhà - từ đó nghe như một sự mỉa mai vì nó nhỏ bé và tồi tàn đến mức chỉ thể gọi là lều. Dù là lều thì mẹ con chị Luận vẫn chẳng phải chủ, chỉ đang ở nhờ, dẫu thế còn hơn lang thang đầu đường xó chợ. Hai thằng con trai chị Luận tóc vàng hoe vì nắng ngơ ngác nhìn tôi. Một đứa tên là Bùi Văn Thành, đứa khác tên Bùi Văn Nhân, cả hai đều đang học lớp sáu. Cái sự học của hai đứa trẻ này cũng gian nan, lận đận như cuộc sống du mục của mẹ chúng. Đã có lúc phải vào học trong chùa, phải trốn chạy những cơn thần kinh của ông bố mù chữ ghét học. Thơ chị Luận ''''Bố bắt chúng đốt sách; Để dành đi vệ sinh; Tôi tìm vào nhà chùa; Xin cho con được học''''. Cho đến khi sư thầy Đàm Lan (chùa Bồ Đề - Gia Lâm) nhận chu cấp toàn bộ tiền học phí của Thành, Nhân thì hai đứa trẻ này mới được đến trường đều đặn. Như thế vẫn còn may mắn hơn nhiều so với anh chị của chúng. Anh cả Bùi Văn Nên - không biết mặt chữ , kí ức về tuổi thơ là không biết bao nhiêu lần chạy trên cánh đồng trốn cơn thần kinh của bố. Nên đã lập gia đình, phải ở nhờ nhà vợ ở Hà Đông, vì không học hành gì, làm ăn cũng khó khăn, chưa bao giờ cho nổi em 10 nghìn bạc.

    Bùi Thị Nhớ cũng mù chữ, sau khi bị bọn xấu lừa bán sang đảo Hải Nam làm vợ xứ người, nhớ nhà nhưng không biết chữ để viết thư về. Bùi Thị Lại - em gái kế sát Nhớ chỉ học đến lớp 5 thì phải bỏ, bây giờ chữ đang có nguy cơ bị rơi rụng trong những công việc đồng áng nặng nhọc. Lại năm nay 22 tuổi, chưa chồng nhưng trông già như đã có mấy mặt con. Lại kể cho tôi nghe chuyến đi sang đảo Hải Nam thăm chị gái ''''Bên ấy là vùng dân tộc, còn khổ hơn ở nhà nhiều, quanh năm chỉ quần quật mà ngày Tết cơm không đủ no''''. Lại không nói về chuyện mình suýt nữa phải ở lại đảo Hải Nam vĩnh viễn, nhưng chị Luận có ghi ''''Con gái viết thư về; Bảo mẹ, có chị muốn; bán con 5 triệu đồng; chị lấy công một triệu; Nhờ tôi ở hiền lành; Con về được với tôi''''.

    Khi nhìn kỹ túp lều chị Luận, nó chẳng có gì đảm bảo rằng tối nay Lại có thể nổi lửa nấu cơm. Đồ đạc nghèo nàn, gồm một cái hòm đựng đủ thứ tạp nham, một cái hộp gỗ đựng sách kinh Phật của chị Luận, thế thôi.

    Chuyện cổ tích nào cho chị Luận?

    Trong túp lều của chị Luận, thằng Thành thằng Nhân đang mân mê những cuốn vở của thầy trò trường Việt Đức tặng, cái Lại mải ngắm nghía tấm thiếp chúc mừng năm mới. Những đồ vật bình thường ấy đối với chúng vẫn có gì đó xa xỉ bởi chúng đã quen đón cái Tết với rất nhiều cái không: Không bánh chưng, không thịt cá, không quần áo mới... Tôi hỏi Lại ''''Đêm giao thừa em ước điều gì''''? - ''''Chẳng ước gì cả''''. ''''Tại sao?'''' - ''''Vì ước cũng chẳng được''''. Những câu nói ấy của một cô gái mới 22 tuổi đầu.

    Những số liệu về tình hình kinh tế An Mĩ cho thấy đây có thể gọi là một xã khá no đủ. Năm 2002 bình quân thóc đạt 699kg/người, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người, kinh tế tăng trưởng 8,4%... Gia đình chị Luận ở xã như một ốc đảo đói nghèo còn sót lại.

    Mấy nghìn câu thơ của của người đàn bà mới học hết lớp 3 này, viết trong hai cuốn vở học trò, đọc lên nghe như một tân ''''đoạn trường tân thanh''''. Vậy mà khi kết thúc tập thơ, người đàn bà 30 năm lăn lóc giữa đời lại nói về một câu chuyện cổ tích có hoàng tử và cô gái Lọ Lem. Vẫn lãng mạn mơ về một cái kết có hậu, trong khi phía trước chị lại là một cái Tết hứa hẹn không có gì. Chẳng biết có chuyện cổ tích nào cho mẹ con chị không?

    Vào tối giao thừa năm nay, xã An Mĩ sẽ tổ chức một đêm thơ. Khi biết điều này tôi bỗng tưởng tượng ra cảnh chị Luận lên đọc thơ mình giữa bà con làng xóm, nhưng không phải là những câu thơ buồn tủi trong cuốn nhật kí kia...

    " Lấy Từ Báo vietnamnet "

Chia sẻ trang này