1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Người đàn bà 30 năm không ngon giấc...(người Tiền Hải, Thái Bình)

Chủ đề trong 'Thái Bình' bởi Quach_Gia, 22/03/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Quach_Gia

    Quach_Gia Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    08/03/2005
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    Người đàn bà 30 năm không ngon giấc...(người Tiền Hải, Thái Bình)

    (VietNamNet) - Người có những giấc ngủ bị "đày ải" ấy là chị Phạm Thị Ngắn, 53 tuổi, (xã Tây An, Tiền Hải, Thái Bình), chủ cơ sở sản xuất mũ, túi bằng đay, cói, bẹ ngô... với tổng doanh thu 3-4 tỷ đồng/năm. Với nhiều doanh nhân, con số này chưa "thấm tháp" gì nhưng với một phụ nữ nông dân thuần như chị, đó là một sự nỗ lực phi thường. Những đêm mất ngủ của chị Ngắn được phân chia rạch ròi: 22 năm thức chăm chồng là thương binh, 8 năm ngủ nửa giấc lo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động, lo "chinh phục" thị trường mũ trong nước và nước ngoài như Thái Lan, Hà Lan, Australia...

    Bỏ tiền mở lớp đan mũ bằng... bẹ ngô

    Chị Phạm Thị Ngắn giới thiệu sản phẩm của mình. Ảnh D.A
    "Khởi nghiệp" bằng những chuyến buôn mũ đi khắp các chợ quê Tiền Hải, từ Nam Trung, Đông Cơ đến Tây Tiến, Nam Hải... 14-15 năm ròng, chị Phạm Thị Ngắn đạp xe tìm mối giao mũ. Lượng mũ trung chuyển qua "mối" của chị lên tới 4.000-5.000 chiếc/tháng. Cho tới năm 1997, khi nghề đan mũ cói "chết" dần vì ít người sử dụng, chị Ngắn mới bắt đầu chuyển hướng làm ăn.
    [​IMG]

    Đồng đất Tây An vào vụ đông bà con trồng khá nhiều ngô phục vụ chăn nuôi. Bẹ ngô bóc ra chỉ dùng để làm chất đốt. Sẵn có kinh nghiệm chế biến, bảo quản cói, chị nghĩ, sao không xử lý bẹ ngô để làm nguyên liệu? Nghĩ là làm, chị mày mò tách, tước bẹ ngô, phơi khô tự nhiên. Chị nhận thấy bẹ ngô có thể bảo quản khá lâu, dùng làm nguyên liệu đan lát khá tốt. Chị kể: "Lúc ấy tôi quyết tâm chuyển hướng kinh doanh dù rất nhiều người can. Họ không tin bẹ ngô có thể đan được mũ".

    Còn bao nhiêu tiền, chị Ngắn dốc vào mua... bẹ ngô rồi kỳ cạch cùng 2 "kỹ thuật viên" là chị Nga, chị Sâm nghĩ cách đan mũ bằng chất liệu này. Cuộc thử nghiệm thành công: hơn 1 vạn mũ bán hết bay. Không những thế, chị còn "móc nối" được những mối hàng ở Nam Định, Ninh Bình... tiêu thụ cho chị hàng vạn mũ bẹ ngô, mũ cói, mũ đay/tháng. Hàng chạy nhưng không có người làm, chị Ngắn liền liên hệ với Hội phụ nữ huyện Tiền Hải tổ chức mở lớp dạy nghề đan mũ cho hàng ngàn chị em ở 22 xã trong huyện và hàng chục xã khác ở các huyện bạn. Mỗi lớp, chị đầu tư 600.000-700.000 đồng thuê giáo viên, mua nguyên liệu. Đào tạo xong, chị giao nguyên liệu để bà con có thể làm tại nhà những lúc nông nhàn. Sau đó, mỗi một đợt mẫu mới, chị lại tổ chức dạy mẫu cho bà con để có những đợt hàng ưng ý nhất. Đến giờ chị vẫn tự hào: "Nếu không có... quả liều ấy thì không có tôi bây giờ".

    Qua sách báo, chị Ngắn biết tới những công ty mũ của Thái Lan, Australia... Vậy là chị "đánh liều" gửi mẫu tới chào hàng. Các mẫu được gửi theo catalog, đánh mã số đàng hoàng. Vài tháng sau đã có tin mừng: Các công ty này chọn mẫu của chị, đặt hàng lên tới con số vài vạn mũ/mẫu. Cơ sở nhỏ, ít vốn nhưng chị Ngắn dám "nuôi" cả đội kỹ thuật viên hơn 10 người vừa dạy nghề, vừa học mẫu, vừa tạo mẫu và kiểm tra các đợt hàng...

    Cái đầu "cứng" và trái tim "mềm"

    Năm 2000, thị trường mũ Việt Nam tràn ngập mũ lỗ bằng giấy ép của Trung Quốc, giá rất đắt: 35.000 đồng/chiếc. Chị Ngắn mua về, xem xét rồi nói gọn: "Cơ sở mình làm được". Thế là chị mày mò tìm mối mua nguyên liệu, mua máy ép, mua mẫu ép... Tổng vốn đầu tư của chị gần 100 triệu đồng vậy mà sản phẩm mũ lỗ làm ra giá chỉ có 15.000 đồng, đánh bật hàng Trung Quốc, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường mũ lỗ ở Hà Nội.

    [​IMG]
    Đan mũ tại nhà. Ảnh: D.A
    Anh Đỗ Văn Diễn, con rể út của chị Ngắn kể một "giai thoại": khi mới khởi nghiệp, chị Ngắn cùng các con rể phải trực tiếp chở mũ giao đi các tỉnh. Cứ 7-8 giờ tối, 3 mẹ con, 3 cái xe máy chở mũ sang Nam Định, lên Hà Nội, đi Ninh Bình... Đợt ấy phải giao hàng gấp nhưng trời mưa, rét như cắt, anh Diễn ngại: "Hay là để mai chở đi, mẹ nhé?". Chị Ngắn trả lời: "Các con mệt thì cứ để mẹ chở đi. Đã hẹn giao hàng với người ta, lỡ một cái là hỏng". Vậy là 2 anh con rể lại lầm lũi cùng mẹ lên đường.

    Đến giờ, chị Ngắn vẫn thường phải phóng xe đi tới 300-400 km/ngày, từ Thái Bình sang Ninh Bình, lên Hà Nội rồi lại vòng về Thái Bình. Nhiều lần đi trên đường nhìn thấy tai nạn giao thông, người chết nằm rải ra đường, máu me bê bết... Về, chị nằm vật ra giường, mặt xanh mét than với chị em làm cùng: "Thôi, tớ chả làm nghề này nữa...". Các chị em động viên: "Chị bỏ thì chúng em đói, bà con mất nghề. Chị cố lên..."

    Và chị lại cố! Công một chiếc mũ từ 1.000-3.000 đồng. Mỗi lao động một ngày cũng đan được 5-10 chiếc, kiếm 10.000-15.000 đồng. Trung bình, tiền công mà chị Ngắn trả cho chị em lên tới 150 triệu đồng/tháng, một năm gần 2 tỷ! Đất Tây An nước mặn đồng chua, nhiều nhà thóc khô cũng là lúc sạch bồ, đồng tiền khó kiếm. Có thêm nghề phụ, chị em có đồng ra đồng vào sắm sửa cho gia đình, con cái. Bà Tô Thị Thắm, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tây An kể: "Có tiền, chị em góp nhau vào phường hội để tiết kiệm. Những món tiền to như cho con đi học đại học, sắm xe máy... đều trông một phần vào đấy".

    "Thương chồng nên phải lầm than..."

    Chúng tôi ngồi trò chuyện với chị tới nửa đêm, câu nói trìu mến nhất là những câu chị nhắc đến chồng, anh thương binh bậc 2/4 Nguyễn Quang Vinh.

    Những năm 1970, chị là nữ dân quân của đơn vị gái anh hùng bảo vệ cống Lân (Tiền Hải), anh là bộ đội Nam tiến. Cuối năm 1974, anh Vinh xuất ngũ với thân thể đầy vết đạn găm và mù một bên mắt.

    Một bên chồng bệnh, một bên là 4 đứa con thơ, chị Ngắn lăn ra kiếm sống mà vẫn không đủ ăn. Nhìn chồng ngồi trong căn nhà tranh dột nát, chị bươn bả vay tiền về xây lại thì cơn bão quái ác năm 1995 kéo đổ hết mọi sự cố gắng của chị.

    Rồi vết thương của anh Vinh lại tái phát, hai mắt mù hẳn, tai điếc, cơ thể cử động rất khó khăn. Một ngày anh phải truyền tới 5-6 chai nước, 1 chai đạm. Nhiều đêm thức trắng bên chồng, chị động viên: "Anh cố sống, ngồi đấy cho mẹ con em trông cậy cũng được". Vậy mà anh Vinh vẫn bỏ mẹ con chị ra đi năm 1996 để lại trên vai chị gánh nặng 40-50 triệu đồng tiền nợ. Khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó.

    Giờ thì mọi sự ổn cả. Chị đã trả xong nợ, xây được nhà cửa đàng hoàng, dựng vợ gả chồng cho 3 cô con gái. Lo cho anh con trai út đi học để về cùng mẹ mở rộng sản xuất. Dự định của chị là thành lập doanh nghiệp chuyên tạo mẫu, sản xuất mũ, túi bằng các chất liệu, giới thiệu hàng trên mạng Internet... Nhìn chị thanh thản trong tà áo tím Huế, ít ai có thể ngờ cuộc đời chị nhiều sóng gió đến vậy. Mọi sóng gió ấy chị đều bình thản vượt qua bằng nghị lực sống của một phụ nữ nông thôn thuần phác.

    Hồng Thúy


    (nguồn: http://www.vnn.vn/psks/nhanvat/2005/03/397320/)
  2. kexautinh

    kexautinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2004
    Bài viết:
    486
    Đã được thích:
    0
    Cái này bác nên dưa vào tin tức từ quê hương, mở một topic mới , rác box
  3. Quach_Gia

    Quach_Gia Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    08/03/2005
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    To kexautinh: Tôi sẽ chú ý hơn khi post bài tránh làm loãng box. Những thông tin mà mọi người post trong này, trừ những cái xấu xa ra thì chẳng có cái gì là rác[/ cả, bác ạ.

Chia sẻ trang này