1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Người Hà Nội có tính xấu gì?

Chủ đề trong 'Public Hà Nội' bởi advance, 05/08/2002.

  1. 2 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 2)
  1. Goodbye2romance

    Goodbye2romance Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    857
    Đã được thích:
    0
    Hẹ hẹ .. bác nào nói cũng hay, giải trình cái gì cũng hợp lý .... tớ thấy vấn đề đang nhẩy sang chiều hướng khách rồi đấy ...
    Chốt lại sau cùng người HN (gốc hay sinh ra lớn lên ở HN nhưng có quê ở nơi khác) cũng giống như bao người khác sống ở mọi miền đất nước cũng như nhau cả thôi có tính xấu cũng có đức tính tốt ... hê hê ... nói chung là tuỳ vào cách giáo dục của gia đình nữa ...hẹ hẹ ...(các bác cứ ngẫm mà xem)
  2. phantao

    phantao Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/08/2010
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    Người Hà Nội - Thói hư tật xấu

    Nhìn vào gáy mình – Người Hà nội: Thói hư tật xấu
    (Nhân dịp dự thảo Luật Thủ đô)
    Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã qua. Một số điều còn đọng lại, còn một số điều đã vụt qua như gió thoảng mây bay. Ngồi rảnh lại tự dưng lại thấy thời gian qua những cái hay, cái tốt, cái đẹp, cái thanh lịch… của Hà Nội nói chung và người Hà Nội nói riêng đã được người ta nói quá nhiều, quá kỹ. Rất nhiều mỹ từ. Rất nhiều đại ngôn. Người Hà nội thanh lịch, người Hà Nội hào hoa – đều đúng. Nhưng đâu phải Hà Nội toàn thứ hay cả, đẹp cả, tốt cả. Con người Hà Nội đâu phải thanh lịch, hào hoa hết. Còn vô số những tật xấu, thói hư, những hủ tục, những lề lối, cung cách mà nhiều người Hà Nội tự nhìn vào mà cảm thấy xấu hổ cho mình, thấy nhiều khi không chịu nổi và cũng khó thấy chấp nhận được chính người Hà Nội. Thôi thì tốt đẹp người ta nói cả rồi thì mình nhìn một góc khác vậy. Điểm thử lại những thói hư tật xấu tệ nhất của Hà Nội và dân Hà nội xem sao:
    1. Cung cách phục vụ/dịch vụ: Không biết những người làm du lịch và văn hóa Hà Nội nghĩ gì, nhưng đây có lẽ là thứ tạo cảm giác khó chịu nhất, ác cảm nhất cho khách đến Hà Nội, đặc biệt đối với khách ở miền Nam ra. Cung cách phục vụ/đón tiếp của những người làm dịch vụ tại Hà nội có lẽ là tàn dư của văn hóa bao cấp, thứ văn hóa kinh doanh mà ở đó người bán hàng có vai trò như 1 loại “phụ huynh”, “lãnh đạo” đối với người mua. Khách hàng – người bỏ tiền ra không nhận được một sự tôn trọng xứng đáng. Người ta có thể bào chữa cho phở, bia xếp hàng, cháo chửi, miến quát như một “nét-văn-hóa-không-ai-hiểu-nổi” rất riêng của Hà Nội, tuy nhiên còn trăm nghìn thứ khác mà phong cách phục vụ của “dân Hà nội” đáng làm nản lòng và thất vọng cho bất kỳ người yêu Hà Nội nào. Khách đến nhiều cửa hàng quán ăn thì tự lo tìm chỗ để xe, dựng xe; để không khéo còn bị chủ hàng mắc cho. Nhân viên phục vụ cũng như bà chủ sẵn sàng lờ tịt đi hoặc nhìn khinh khỉnh một ông khách vì sốt ruột gọi hơi nhiều một tí, ra điều “Gọi gì mà lắm thế, đừng tưởng có tiền mà to còi. Đây không cần tiền!”. Khách không mua hàng mà không “trả một câu” thì hồn vía ba bảy đời khéo bị đốt sạch, còn bị chửi cho đến khi sang đến phố khác. Đỗ xe trước vỉa hè mà không mua hàng thì 1 phút cũng không được (cho dù là đón con đi học)… Những chuyện như thế này thì nói cả ngày không hết.
    2. Kèn cựa: Nhà xây thì thềm phải cao hơn nhà hàng xóm một ít, cửa phải rộng hơn một tí, không cần đến mỹ quan chung làm gì. Hả hê khi đuổi được xe rác sang đỗ trước nhà hàng xóm chứ không phải cửa nhà mình. Đi đường tạt đầu ô-tô hoặc len được bánh xe lên hàng trước chờ đèn đỏ cũng lấy thế làm đắc thắng. Hai nhà mà cùng bán một loại hàng cạnh nhau thì đoàn kết là một thứ xa xỉ. Hai nhà ghét nhau, một nhà mua được cái xe ôtô mới mà sơ sểnh thì thể nào cũng bị cào sơn bằng chìa khóa hay đổ keo con voi vào gương. Con nhà ấy học khá thật nhưng chơi bời lắm, khéo nghiện. Cái cây nhà mày trồng chìa sang nhà tao, có chặt không thì bảo… Dường như dân Hà nội thiếu cái hào sảng, phóng khoáng, rộng lượng. Có lẽ là do tính cách bị hình thành từ cuộc sống chen chúc, động chạm, tranh giành nhau từng tí ngõ, mẩu tường… trong những con phố, ngõ chật chội, tối tăm mà vẫn khoác áo “phố cổ”.
    3. Sĩ diện hão/rởm: Nhiều người sẵn sàng dốc hết vốn liếng, thậm chí vay mượn chỉ để mua một cái điện thoại đời mới chỉ để ve vuốt và đeo ở thắt lưng chứ không để gọi. Xe máy ngoài đường tìm đỏ mắt không thấy xe cũ, kể cả xe ôm. Nhà cửa ở vô cùng chật chội, chen chúc nhưng phải có xe máy đời mới và ô-tô để ra đường cho bằng thiên hạ. Chính vì vậy xe máy và ô-tô ở Hà Nội được coi là tài sản và trang sức nhiều hơn bản chất của nó là phương tiện. Sính bằng cấp, lao vào học phổ cập thạc sĩ tiến sĩ mặc dù biết tốn tiền, tốn thời gian, tốn công sức mà chẳng thu được tí kiến thức nào sau khi học và cũng chẳng có ích gì cho đời. Chấp nhận làm việc (nhưng không có việc làm) ở cơ quan vụ này viện kia với đồng lương bèo bọt để mỗi sáng cắp cặp đến cơ quan hút thuốc tán vặt chứ không chịu “hạ mình” chạy xe đưa hàng. Có lẽ đây là lý do nhiều công ty hay nhà hàng tuyển người bán hàng hay phục vụ từ phía Nam ra. Có lẽ người Hà Nội luôn coi nghề phục vụ là thấp kém (cỡ mình phải viện sĩ, vụ sĩ, cục sĩ… cơ mà), trong khi đầu óc lúc nào cũng phải đau đáu chuyện tiền nong. “Cốt cách” kiểu này lạ thật!
    4. Con ông cháu cha, coi thường pháp luật: Tôi đã đi khá nhiều tỉnh thành cả nước. Tuy nhiên điều đáng buồn là nhận thấy sự bất tuân pháp luật – đặc biệt là luật giao thông ở Hà Nội bị vi phạm một cách rất thản nhiên. Thanh niên chở 3 vượt đèn đỏ và quay lại vẫy chào cảnh sát giao thông. Người không đội mũ bảo hiểm trên đường phố Hà Nội nhiều không đếm xuể và có thể gặp trên bất kỳ con đường nào. Phụ huynh đỗ xe giữa đường chờ con đi học (văn hóa) về và sẵn sàng chở con đi ngược chiều để về cho nhanh. Tỷ lệ cảnh sát giao thông “được” leo lên nóc capo ôtô nhiều nhất nước trong khi người vi phạm sẵn sàng phanh ngực chỉ tay: “mày có biết ****** là ai không?”. Cứ kiểu này chắc Bộ Công an phải tìm cách luân chuyển cảnh sát giao thông: Cho cảnh sát tỉnh khác đến làm nghĩa vụ ở Hà Nội một thời gian rồi lại chuyển!
    5. Hành xử kém văn minh: Sẽ là một vấn đề không nhỏ nếu xảy ra va quẹt giao thông trên đường phố Hà Nội. Ngay cả khi chưa xảy ra va quẹt, tâm lý phản kháng đã trỗi dậy và người ta đã sẵn sàng “xù lông, giương vây”, mắng phủ đầu, mắt gườm gườm để chuẩn bị cho cuộc phân định mày sai nhiều tao sai ít. Rất hiếm khi nhìn thấy hình ảnh xe ô-tô dừng lại nhường đường cho người đi bộ hay va chạm xe máy mà hai người cùng xin lỗi, hỏi nhau có sao không rồi cười xòa đi tiếp. Ném rác ra đường rồi mắng người nhắc nhở là thằng rỗi hơi. Đi xe máy sẵn sàng quay đầu nhổ toẹt một cái mà không cần biết người đi sau thế nào. Ôtô chở con đi học đậu kềnh càng ngay dưới biển cấm mà không thèm đếm xỉa dòng người đang ùn lại. Ra đường nghe chửi bậy nói to nhiều vô kể…
    6. Khệnh khạng, khệnh khạng kinh khủng. Cái này chắc xuất phát từ vị trí trung tâm, nhiều cơ quan bộ ngành trung ương mà các tỉnh vẫn phải về cậy nhờ, báo cáo, xin xỏ… Dường như ai cũng tỏ ra quen biết hay họ hàng với một ông ở bộ này bộ kia hay tận trung ương, lúc nào cũng bấm máy nói chuyện hoặc gọi ra bàn uống rượu được. Thích nói chuyện sắp xếp nhân sự hay bầu bán cho mỗi kỳ đại hội, hạ ông này xuống đưa ông kia lên. Chuyên viên ở Bộ oai hơn lãnh đạo đơn vị. Ai ai cũng có thể đưa ra lời dặn dụ: “Các chú phải thế này, thế kia” hay “Để tao nói cho thằng ấy 1 tiếng”… và nhiều nhiều nữa.
    Sau khi đọc những dòng này, chắc chắn nhiều người sẽ nói: Những thói tật nói trên không phải là đại diện cho tính cách Hà Nội mà chỉ tồn tại trong một số nhỏ, không phải người Hà Nội. Hoặc là ở đâu cũng có, chẳng cứ gì Hà Nội. Nhưng xin thưa: Người Hà Nội cả đấy. Người trong khu phố cổ cũng có, khu tập thể mới cũng có. Công chức cũng có, dân kinh doanh cũng có. Học sinh sinh viên và lao động phổ thông cũng có… Và nhìn tính xấu nào cũng cảm thấy mình cũng có một ít trong đó. Đành rằng ở đâu cũng có người này người kia nhưng người ta không vỗ ngực là người Hà Nội để chê kẻ khác là “đồ nhà quê”. Hà Nội là đàng hoàng là Thủ đô, là trung tâm của đất nước, là biểu tượng của văn minh, là nơi tập trung mọi tinh túy chính trị-văn hóa-xã hội. Những nét đẹp của người Hà Nội đã và đang được xem là chuẩn mực, làm gương cho người nơi khác. Chính vì thế những tính cách xấu của người Hà Nội đương nhiên dễ làm người ta sốc hoặc ngỡ ngàng, gây những ấn tượng cực xấu hoặc rất phản cảm, đặc biệt đối với những người từ xa đến.
    Hơn nữa, chính thế nên Hà Nội dẫu có đóng thuế cao, thủ tục hành chính nhiều thêm, nhập hộ khẩu khó khăn hơn hay chịu phạt vi phạm giao thông gấp đôi, thuế trước bạ gấp ba… âu cũng là lẽ công bằng!
  3. Dat_Vu

    Dat_Vu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/09/2010
    Bài viết:
    26
    Đã được thích:
    0
    Đây là thói xấu chung của dân VN chứ đâu riêng gì HN :)
  4. sealoves

    sealoves Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/08/2010
    Bài viết:
    1.378
    Đã được thích:
    0
    Mình nghĩ người Hà Nội gốc sẽ không có những thói xấu nhiều như bạn kể ở trên, mà chủ yếu là những người ở các tỉnh thành phố khác về Hà Nội lập nghiệp, sau một thời gian có hộ khẩu Hà Nội và nhứng thói hư tật xấu ở trên chủ yếu thuộc nhóm này.
  5. QuynhAnhkju

    QuynhAnhkju Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    Nói nhiều thì bị cho là ganh tỵ,là đố kỵ nhưng cũng nên cho “những con sâu làm giàu nồi canh” biết được “điểm tốt đẹp” của mình. Sống ở HN chưa lâu, tuy nhiên bị những thứ gọi là “văn hoá của người Hà Nội” “đập” vào mình tôi rất đồng cảm với phantao .
    Đôi lần đi ăn khiến tôi bất mãn với cung cách phục vụ của chủ quán cũng như nhân viên. Mình mua đồ chứ có ngửa tay xin họ đâu, mang cho mình đc cốc chè nó đặt đến kich cái cốc xuống bàn, bản mặt sưng xỉa. Kiểu này chỉ làm nhân viên chứ mãi ko thể làm chủ được…
    Phố cổ HN hiện giờ là nơi “cực hot” về số lượng khách (chủ yếu là khách du lịch) cũng như quán xá. Đủ mọi tầng lớp, mọi thành phần_một môi trường tiềm năng để “hốt của” ,và…Khi có những thứ mà người khác cần thì họ sẽ làm “bá chủ”. “Đoàn kết” hay “nhường nhịn” là một điều quá xa xỉ. Không vừa ý là họ mắng cả khách, thậm chí chửi. Â’y vậy ko hiểu sao có những bác bị chủ quán đuổi xơi xơi mà vẫn vô quán ăn ngon lành, hay chăng vì quán đó là nơi mà không phải ai cũng vào được, ta vào ăn để thể hiện?
    "Dường như dân Hà nội thiếu cái hào sảng, phóng khoáng, rộng lượng. Có lẽ là do tính cách bị hình thành từ cuộc sống chen chúc, động chạm, tranh giành nhau từng tí ngõ, mẩu tường… trong những con phố, ngõ chật chội, tối tăm mà vẫn khoác áo “phố cổ”. Câu nài có vẻ ko đúng rui, nên thay “dân Hà Nội” bằng “những người sống ở Hà Nội” thôi. Phố cổ đâu có gì ghê gớm chỉ là bất chợt một buổi sáng nào đó bạn ngang qua và thấy ở một ngõ chật hẹp người ta xếp hàng đi đánh răng rửa mặt. Rồi những cái hẻm mà chỉ có thể đi một chiều, và những ngôi nhà được rao bán với cái giá cắt cổ…(về tìm hiểu thêm). Phố cổ bây giờ tạp nham lắm chứ đâu chỉ có “người Hà Nội”.
    Về phần sĩ diện lởm thì…Tuỳ tính cách mỗi người, chỉ tại Hà Nội đông đúc nên tần suất xuất hiện loại này cao, dần dần vì sự “đố kỵ” mà ngày một nảy nở thêm. Nhưng đúng là xe ôm ở HN còn diện hơn cả mấy bác viên chức nhà nước, tuy nhiên cũng nên xem xét lại cái người đi xe. Xe đẹp,người đẹp khách mới đi nhiều,biết làm sao…
    Tắc đường dường như là một nét đặc trưng của Hà Nội trong khi TP HCM cũng chẳng kém gì. Đáng nói là dù đèn xanh đèn đỏ hoạt động rất tốt mà vẫn xảy ra tắc đường, lại còn tắc một cách trầm trọng. Chỉ 3s nữa đèn xanh sẽ bật mà đã rú ga phóng tít, trong khi phía đang đc hưởng lợi từ đèn xanh thì “vẫn còn 3s nữa đèn mới đỏ, phóng cái”. Thế là bên này tránh bên kia, cuối cùng ùn rồi tắc. Oái oăm thay khi đang dừng trước đèn đỏ mà phía sau vọng lên một cái giọng nghe chỉ muốn quay lại cho một đá vào miệng ” mịa chúng mày, e’o đi thì dẹp một bên để ****** còn đi chứ “. Trời nắng chang chang đứng lại chờ đèn xanh thì người ta cười vào mặt và bị cho là dở hơi… Đụng xe nhau cũng phải chửi phát mới thoả mãn, đường đi rộng thênh thang mà la bài hãi “con ranh muốn chết không mà leo ra giữa đường”. Đang ngắm trời hít “khí bụi” thì “véo” cái, hoá ra nước bọt của ai đó vừa phi qua mặt mình,l ại còn là tác phẩm của một anh “tay xách cặp”, không phải biển 29,30,31…
    Nhớ hồi bà cô đi du lịch TP HCM về kể: Trong đó hay thật, thường thì khi có khách vẫy, lái xe phải vui mừng và phi ngay xe tới, đằng này anh lái xe đó cười rồi nhẹ nhàng “chị và các em lên xe phía trước đi a, người ta tới trước em”. Bố tôi thì có vể rất tự hào khi được chứng kiến cảnh hai anh chàng thanh niên nhặt túi rác do hai cô bé ăn xong “lỡ bỏ quên” trên ghế đá công viên Biên Hoà cho vào sọt rác cách đó không xa.
    Kể ra những điều bất mãn không vừa ý chắc hết mấy ngày, ở đâu cũng có nhưng vì Hà Nội đông đúc nên thấy nhiều.
    Một người bạn cùng học thì bảo với tôi rằng em có thấy người Hà Nội thảo mai không? :) Con người ta ai mà chẳng muốn điều tốt đẹp đến với mình. Âu thì cũng vì bản thân họ và những người xung quanh, mình dân ngoại tỉnh, cũng là con người, không có ý kiến...
    Dốt cuộc thì ở Hà Nội sẽ phải chịu thiệt rất nhiều nếu không đủ dư giả về tài chính. Cái khó nó bó cái khôn, ai cũng muốn khôn khéo nhưng hoàn cảnh không cho phép để rồi bị miệt thị, bị chê là dốt nát, ngu đần. Nghèo thường đi đôi với hèn, không có tiền bị người ta (những người tự cho bản thân mình cái quyền đi khinh người khác ) coi thường…
    Muốn nói nhiều nữa nhưng chắc thế này thôi,cảm ơn người lập ra topic na’i nhiều nhiều.
  6. QuynhAnhkju

    QuynhAnhkju Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    Nơi này bị bỏ hoang quá lâu rồi, thôi thì mình qua "dọn dẹp" để "trú chân" tạm thời cho đến khi có ai đó tới "tháo dỡ" vậy.
    Hà Nội rất đẹp, rất linh thiêng và hào hao như mấy nghệ sỹ gia vẫn tung hô. Kể ra thì đẹp thật. Tắc đường có khi cũng là nét đẹp của Hà Nội ấy chứ. Không phải vậy sao? Về nhà, đi đường thị xã hẳn hoi mà sao vẫn thấy trống vắng và thiếu thiếu thứ gì? Nhớ lắm kái cảnh "được" ngồi trên xe bất di bất dịch suốt gần một giờ đồng hồ giữa trời mùa hè 37,38 độ. Những buổi trưa tan học, bụng réo rắt từng hồi mà vẫn phải "đứng xem" mọi người "nhường đường" cho nhau. Ô hay cái nhà chị này, không đi thì tránh một bên để người khác còn "trèo" vỉa hè chứ :D.
    Hà Nội lãng mạn, tĩnh mịch, xô bồ và ồn ào. Văn minh nhưng "hỗn tạp". "Người Hà Nội" với Người Hà Nội chẳng thể phân minh. Duy có một điều, cùng là con người thì đều giống nhau. Một lòng tham không thấy đáy, một sự ích kỷ đến "chừng mực". Một bộ mặt nạ thật hoàn hảo với một tính cách khó lường...
    "Màu sơn" chưa ăn ý với "ngôi nhà" nhưng chưa đủ "tài chính" nên đành để tạm vậy ^.^ !
  7. Ga_men

    Ga_men Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/10/2010
    Bài viết:
    9
    Đã được thích:
    0
    @QuynhAnhkju Mình cũng đồng nhiều ý kiến của bạn.
    Thật ra đâu cần quan trọng chuyện "Người Hà Nội" với ngoại tỉnh làm gì? Giờ là thời gì rồi mà còn nghĩ vậy. Giờ có tiền mua villa, xe đẹp, sống ngoại thành còn tốt hơn là Hà Nội. Có người nói với tôi là Người Hà Nội kiêu lắm khiến tôi thấy xấu hổ vì thật sự tôi ko có kiêu một chút nào, sống đã bằng ai đâu mà dám kiêu. Nhà đâu có to, xe có 2 bánh cũng đâu có đẹp, nhà đâu có tang trạng gì mà dám kiêu. Rồi có người bạn hỏi tôi thế này: "Bạn biết chơi nhạc ko?" Tôi hỏi :"Chơi nhạc là sao? Mình ko hiểu". Người bạn của tôi nói rằng:" Tớ tưởng người Hà Nội như cậu phải biết chơi một loại nhạc cụ nào đó chứ". Tôi ko biết nói gì chỉ biết nói rằng" nhà mình nghèo chắc ko kham học được mấy thứ đó". Bạn tôi lại nói:" Tôi thấy mấy người Hà Nội toàn biết chơi 1 loại nhạc cụ nào đó, ko đàn ghi-ta thì piano... Thấy họ nói là người Hà Nội thì phải biết chơi mấy thứ đó". ??? Thật vậy ư? (Tôi thật hoảng khi nghe câu đó của người bạn mình, ko biết điều đó có thật ko?).
    Tôi thấy xã hội phát triển nên sinh ra lắm thủ tục lắm chuyện. Nếu vào thời loạn mà cái tư tưởng phân biệt Người Hà Nội gốc với Người Hà Nội ngoại tỉnh thì ko hiểu sẽ có chuyện gì xảy ra? Còn chuyện cái văn minh thì tôi chẳng biết ai là người có lỗi? Như một người thầy của tôi nói:"Chỉ có thể đổ lỗi cho kinh tế thị trường" Cũng đúng. Giờ tiền làm con người ta mù mắt, bon chen, cạnh tranh, đấu đá nhau. Ở một thành phố phát triển quá nhanh như Hà Nội thì sao có thể tránh khỏi nạn tắc đường do mật độ dân tăng đến chóng mặt. Nếu bây giờ có tỉnh Thái Bình hoặc một tỉnh X nào đó gần Hà Nội chuyên giải trí như Las Vegas xem, tối những ngày đặc biệt còn tắc đường ko? Hoặc nhưng tỉnh X nào đó là trung tâm kinh tế nữa thì Hà Nội có còn đông cảnh tắc đường giờ cao điểm nữa ko? Đơn giản chỉ vì Hà Nội như một miếng bánh và người vào HN như là kiến ko đoàn kết, ai ai cũng muốn có một phần ăn như ý nên chẳng ai nghĩ cho ai nữa. Cái kết quả cuối cùng là đấu đá nhau thôi. Nói đi nói lại vẫn chỉ là than vãn mà chẳng thể đưa ra được một giải pháp hiệu quả nào. Mình chỉ mong mỗi một người trong chúng ta nên tôn trọng người xung quanh thế là đủ. Như vậy sẽ ko gặp phải cảnh chửi bới trên đường mà QA đen đủi gặp phải hoặc như chuyện phục vụ thức ăn đồ uống. Mỗi khi chúng ta gặp cảnh bực mình khi tham gia giao thông hoặc đâu đó các quán xá hoặc trên đường, thay vì nhăn nhó, cau có và nói gì đó thì hãy cố tỉnh táo và nở một nụ cười, nếu bản thân là người có lỗi thì nên mở lời xin lỗi. Hihi tôi thường làm thế khi ra đường (lúc tôi còn tỉnh táo) hihi
  8. QuynhAnhkju

    QuynhAnhkju Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    @Ga_men "Có người nói với tôi là Người Hà Nội kiêu lắm khiến tôi thấy xấu hổ". Chắc hẳnbạn là người Hà Nội :) .
    Tôi là một người không fải ở Hà Nội, ra đây học được hơn 5 năm và tôi thực sự rất yêu HN... Cuối năm thứ nhất tôi bắt đầu có một người bạn Hà Nội...Sống gần người Hà Nội nên cũng hiểu ít nhiều về họ, thú thực "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" quả không sai chút nào. Và bạn nên tự hào vì bạn đã là một người Hà Nội...
    Tôi không hề bênh vực người Hà Nội bởi trong tôi không có sự so sánh và đố kỵ. Người Hà Nội chẳng có tính xấu gì mà chính mỗi người chúng ta mới có tính xấu. Sự đố kỵ, sự tự ti khiến người ta phân những ai đang sống ở HN thành "người Hà Nội" và "Dân ngoại tỉnh". Từ khi nào người ta đã biết phân biệt như vậy? Chắc là khi người ta có của, người ta có quyền.
    Hà Nội là thủ đô của một nước, là nơi mà mọi người cố sống cố chết để tồn tại. Mỗi người mỗi tính cách, khi tiếp xúc va chạm nhiều sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Điêù tốt đẹp thì khó học chứ cái xấu có lẽ không fải dạy. Thế rồi sự "hỗn tạp" ấy tạo nên một HN như ngày nay và người HN bị quy tội chung_ chảnh, kiêu, khinh khỉnh... Dám thề dám đảm bảo, hiện nay trên phố cổ chưa chắc đã còn mấy người Tràng An. Toàn những người ở đâu tới đó làm ăn. Được nhiều năm rồi khấm khá và ra điều ta đây "người Hà Nội"...
    Người Hà Nội coi thường người tỉnh lẻ?_cũng chẳng phải oan ức khi mà "nhập gia ko bjết tuỳ tục". Mỗi nhà mỗi cảnh, không nhà nào giống nhà nào, vì thế không thể tuỳ tiện phán xét họ. Đúng là cái mác "người Hà Nội" có giá lắm, được người ta nể trọng. Khi một thứ gì đó "nổi" thì thể nào cũng bị người ta tìm cách "dìm".
    Một điều nữa là cái sĩ diện vẫn đeo bám người dân ****** và rõ nhất là những người sống ở Hà Nội...Hay thay khi anh thợ cắt kính người Sài Gòn hồ hởi :"Cô hàng nước mà ăn mặc chẳng khác nào ca sĩ (loe' loẹt như bà đồng) " :D. Chính bản thân đã từng được đi xe Attila ôm... Rồi một lần cô bán hoa quả gần chỗ trọ nhầm anh xe ôm là bạn trai của mình :D)... Thì đúng rồi, ăn mặc đẹp, chỉn chu một chút, xe cũng mới một chút thì khả năng đông khách là rất cao bởi khách cũng bị mắc bệnh sĩ... Mọi thứ được coi là không hay dường như đều diễn ra ở Hà Nội???
    Thế nhưng cũng phải nói rằng "sự khéo léo" thường ít khi thật lòng... Còn nữa, người ta có quyền gì mà phán xét, áp đặt cuộc sống, áp đặt ý nghĩ của mình lên người khác...Ngoại tỉnh thì cũng là người, họ có lối sống riêng của họ, không vì họ "ngoại tỉnh" mà có thể đưa lên bàn cân để tuỳ tiện đong đếm... Nói riêng cho những người "thiếu hoặc không có điều kiện". Ai mà chả muốn mình khôn khéo, ai muốn mình ngu, "không bjết gì". Ngặt một nỗi cái khó nó bó cái khôn và thế là họ bị "thương hại". Họ chẳng cần đâu ạ, họ có sức lao động, họ tự kiếm sống, Giàu nghèo là vấn đề của họ chưa đến lượt ai đó phải "tính toán" thay...
    Tu'm lại là : Ở đâu cũng có người này người nọ, chẳng qua Hà Nội đông dân nên tần suất xuất hiện loại người "xấu tính" mới nhiều...
    Sống đúng bản chất, không tự ti, không đố kỵ, có thể sẽ hiểu rõ hơn về Hà Nội cũng như người Hà Nội...
    P/S: "
    Thấy họ nói là người Hà Nội thì phải biết chơi mấy thứ đó.." Người ta nói cho sướng cái miệng bạn để ý làm chi khi mà bản thân mình không fải là như vậy. Đại bộ phận người ta cứ thích vơ đũa cả nắm, để bụng như thế khổ lắm đấy. Như tôi đã nói. Nếu bạn là người Hà Nội thì hãy nên tự hào vì điều đó. :)

  9. QuynhAnhkju

    QuynhAnhkju Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    Mình không fải là "người bản địa" nhưng Hà Nội có gì đó rất thân thiết. Chắc những thứ "đập" vào mình toàn là "ha?o ha?o" và cách nhìn nhận vấn đề cũng khác nhau cho nên không mấy khi thấy "fản cảm" hay "ức chế" nhiều nhiều... Nói thế chứ "đau" và "chạnh lòng" lắm. "Khéo" thật!!! Dù mình chấp nhận "điều kiện hoàn cảnh", dù chấp nhận nhưng...Nghĩ lại thì bản thân mình có khi cũng thế. Khi có quyền, có địa vị người ta cũng thay đổi cách nhìn nhận lẫn cách giải quyết vấn đề... Biết làm sao được khi người ta có " thứ mà người khác cần ". Cái sự áp đặt nó thật khó chịu ? Quen với sự dịu dàng lại cộng thêm tính hay cả nghĩ nên chắc "không thoải mái" dài dài...
    P/S: Chui rúc vô chốn này "thở than" một thời gian vậy!!!
  10. timonlp2003

    timonlp2003 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/05/2005
    Bài viết:
    169
    Đã được thích:
    0
    Bạn bè người thân mình đã sống và làm việc ở HN nhiều và họ khuyên mình như thế này và bây giờ mình khuyên các bạn muốn đến Hà Nội nhé.
    HN đẹp và cổ kính, những ai trong miền Nam ra chơi thì nên đi một vòng ngắm cảnh từ xe hơi thôi, bước xuống đi sâu vào lòng người dân ở đây thì 90% là hối hận vì cách phục vụ, văn hóa, con người...
    Có thể người HN xưa rất hiếu khách, nhẹ nhàng, hiếu khách phương xa, nhưng bây giờ thì ... rất buồn
    Nếu bạn muốn đi dạo khu phố bán đồ lưu niệm, ít ra bạn cũng phải ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, chỉnh chu đầu tóc, chứ ko thể thoải mái quần lửng áo thun như ở SG đc, nếu không bạn sẽ nhận đc ánh mắt khinh bỉ từ người bán hàng, thậm chí họ còn xua đuổi bạn như đuổi tà. Muốn sống như người HN bạn phải có một cái mặt nạ thật đẹp.
    phantao nói rất chính xác, đó là những đánh giá của khách phương xa đẫ nếm mùi HN và đó cũng là nhận xét của người HN di cư vào Nam sống một thời gian dài

    Gửi các bạn một bài viết của bạn Đoan Trang, người gốc HN
    Người Hà Nội xấu xí


    Tôi vừa trở về Hà Nội sau một đợt công tác tại TP.HCM. Như mọi cuộc đi và về khác, chuyến công tác này cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc cả vui và buồn.

    Phần lớn là niềm vui, vì những tấm lòng bạn bè miền Nam cởi mở, chân thành, tự nhiên – lẽ ra phải nói là “tự nhiên như người Sài Gòn” mới đúng.

    Chẳng mấy khi ở Hà Nội mà tôi có thể nắm tay các bạn nhảy múa, có thể hô một tiếng “nhậu đi” rồi kéo nhau ra bờ kè, tức kênh Nhiêu Lộc, ăn uống và đàn hát trắng đêm.

    Chẳng mấy khi ở Hà Nội tôi có thể điềm nhiên bước vào một nhà hàng hay quán nước, ngồi vắt chân và chờ cô hay cậu bồi bàn tiến lại, lễ độ: “Dạ, chị dùng gì?”.

    Tôi sẽ trả lời ngắn gọn và chờ được phục vụ rất nhanh chóng sau đó, gọn gàng, khẽ khàng, không xủng xoẻng như thể sắp làm vỡ ráo cả mớ chén bát, ly cốc.

    Tôi cũng sẽ không phải nhìn những bộ mặt lạnh băng, và nhất là không bị người phục vụ “khuyến mãi” cho một ngón tay cái ngập vào bát nếu như tôi có lỡ gọi món phở.

    Sài Gòn rộng thênh thang, nhiều hàng quán, nhiều đồ nhậu ngon rẻ và nhiều chỗ vui chơi mở cửa tới khuya. Nói chung ở đó, một “người Hà Nội khắc khổ” là tôi có cảm giác được hưởng thụ hơn một chút.

    Nhưng sau những niềm vui, cũng đọng lại cả nỗi buồn. Một nỗi buồn, như dân teen bây giờ hay nói, “rất chi là bao đồng”.

    Người Hà Nội xấu xí

    Nỗi buồn ấy thực chất là cảm giác tủi thân và xót xa khi thấy nhiều người Sài Gòn không ưa Hà Nội đến thế. Điều này được thể hiện một cách không giấu giếm, qua những lời bình phẩm, qua thái độ - vốn chân thật – của người Sài Gòn.

    Dân Sài Gòn, cụ thể là nhiều người tôi đã gặp, nghĩ về Hà Nội như một cái gì rất thủ cựu, lạc hậu, chậm tiến, đã thế lại còn kênh kiệu, tự cho mình là thủ đô thanh lịch, tóm lại là tệ hại.

    Câu cửa miệng là “dịch vụ ngoài đó chán lắm phải không?”, “ngoài đó lừa đảo nhiều lắm phải không?”. Có lần, ở một quán nước trong TP.HCM, khi chúng tôi muốn rời từ bàn này sang bàn khác, bạn tôi ngoắc người phục vụ, ra hiệu “chuyển bàn giùm”.

    Sau khi chúng tôi đã yên vị ở chỗ ngồi mới, bạn hỏi tôi: “Ở ngoải chắc phục vụ không kê bàn ghế cho khách đâu hả, mình phải tự làm hả?”. Ấn tượng về “phở quát, cháo chửi” in vào tâm trí các bạn quá sâu nặng rồi.

    Ăn một món gì đó, tôi cũng có thể được nghe giới thiệu: “Ở ngoài Hà Nội không có cái này đâu nha”.

    Thời gian gần đây, gây mất thiện cảm nhất cho người Sài Gòn có lẽ chính là… chiến dịch mừng Đại lễ 1000 năm của Hà Nội.

    Một chiến dịch gắn với đủ loại bê bối: sơn vàng phố cổ, lát ngói xanh vỉa hè, bươi nát vỉa hè. Hà Nội nghìn năm thành đại công trường khói và bụi.

    Rồi mùa hè đổ lửa với 45 độ ngoài trời tháng sáu, cúp điện World Cup, ngập lụt mưa tháng bảy. Thủ đô gì mà mưa xuống một tí, ba người chết vì điện giật, một người bị rắn cắn.

    Rồi hàng tỷ đồng xây cổng chào, làm phim Lý Công Uẩn “lai Tàu”. Vân vân, vân vân. Động vào đâu cũng nghe và thấy bê bối, lãng phí, thẩm mỹ kệch cỡm, văn hóa lùn. Một không khí “nhốn nháo kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.

    Hình ảnh Hà Nội trong mắt người dân TP.HCM giờ đây có lẽ hỏng mất rồi.

    Đáng thương hơn đáng giận

    Tôi buồn, vì ngay trước mặt tôi, các bạn miền Nam của tôi thể hiện suy nghĩ và nói về Hà Nội tiêu cực như thế. Một Hà Nội thủ đô thủ cựu, lạc hậu, xấu xí.

    Khi nghĩ vậy về Hà Nội, Sài Gòn - TP.HCM cũng mặc nhiên nhận về mình những gì là tiến bộ, văn minh, đẹp đẽ.

    Nỗi buồn sở dĩ mang màu sắc “bao đồng” bởi tôi không muốn thấy trong cùng một đất nước, người dân hai miền – mà là hai thành phố thuộc hàng hiện đại nhất nước - mãi giữ những ấn tượng không tốt đẹp về nhau.

    Đến bao giờ người Việt Nam mới biết đoàn kết, thương yêu nhau?

    Hà Nội có thực tệ hại? Đặt sang một bên tình cảm gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi phải trả lời thành thực rằng: Có, Hà Nội khá tệ hại, càng tệ hại hơn khi đó là một thủ đô, được kỳ vọng là nơi thanh lịch nhất, nơi hội tụ và kết tinh nền văn hóa của cả một đất nước có chiều dài 4000 năm lịch sử.

    Có thể không tới con số 4000, nhưng thủ đô của một quốc gia thì rõ ràng phải là bộ mặt đại diện cho văn hóa của xứ sở. Nhưng Hà Nội, ngoại trừ một vài tuyến phố “linh thiêng”, bẩn quá, bụi quá, lắm rác quá.

    Những người chúng ta gặp trên phố phần đông là thô lỗ, ích kỷ, hiếu chiến. Họ có thể vượt đèn đỏ vì không chờ nổi vài chục giây ở ngã tư, phóng long tóc gáy, như thể đang bận rộn lắm, hối hả lắm, thế rồi nhác thấy một tai nạn giao thông thì dừng lại xem, mất toi 45 phút.

    Họ sẵn sàng tranh cướp nhau từng mét đường mỗi lúc kẹt xe, và rất nhiệt tình ném vào mặt nhau những lời tục tĩu nhất. Có thể không ít trong số họ là người có học, nhưng không hiểu sao cứ hễ ra ngoài đường là cái tinh túy của Chí Phèo lại phát tác.

    Có lẽ do hoàn cảnh. Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng con đường làm nên tính cách người đi đường. Bụi thế, chật chội thế, ồn ào thế, một năm mấy tháng trời nóng thế, lại thêm cuộc sống vội vàng gấp rút, người ta hòa nhã với nhau làm sao được.

    Đã từng có thời

    Chắc là do hoàn cảnh. Bởi, điều làm tôi băn khoăn về tính cách Hà Nội, là hình như đã từng có thời người Hà Nội không thô lỗ, hung bạo. Không lẽ câu “chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là một câu ca dao không có chút cơ sở thực tế nào?

    Ông tôi, cụ giáo trường Hàng Kèn năm xưa, sinh thời từng thủ thỉ với tôi rằng: “Trước năm 1954, trẻ con Hà Nội không biết chửi bậy”.

    Chẳng biết trí nhớ của ông có ghi nhận đúng đặc điểm đó của trẻ con thủ đô không, nhưng bản thân ông thì đúng là không biết nói tục, không văng bậy được dù chỉ một từ.

    Đi trên phố, mỗi lần thấy đám tang qua, ông lại dừng bước, cung kính ngả mũ chào người vừa qua đời. Không bao giờ ông nói nặng với ai một câu.

    Ngay với đám cháu lít nhít nội ngoại, có sai các cháu làm gì, ông cũng dùng lời lẽ hết sức lịch thiệp: “Nếu có thể, cháu giúp ông…”.

    Những người giúp việc trong nhà rất quý ông, “cụ giáo Hàng Kèn”. Chắc chắn họ chưa bao giờ nghĩ ông “bóc lột”, kênh kiệu, cậy mình trí thức thủ đô khinh rẻ dân lao động ngoại tỉnh.

    Từ lúc nào ở thủ đô, người lớn biết chửi bậy, rồi trẻ con theo đó mà bắt chước? Có lẽ điều này đòi hỏi chúng ta phải “truy tầm” về nguồn gốc của những từ tục của bây giờ, mà đó là việc nằm ngoài khả năng cũng như bài viết này của tôi.

    Ngoài ra, tôi cũng không tin là người Hà Nội thời trước 1954 hoàn toàn không chửi bậy. Đọc hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, thấy ông có nhắc tới những tiếng lóng, những câu hát xuyên tạc rất tục những năm 20-30 của thế kỷ trước.

    Nói cho đúng, ngày xưa Hà Nội phân biệt rõ ràng hơn giữa tầng lớp trí thức “có học, có chữ nghĩa” (tức “có văn hóa”) và tầng lớp bình dân, trong đó có thể bao gồm cả thành phần du thủ du thực ít văn hóa.

    Còn ngày nay, tầng lớp “văn hóa thấp” đã “xâm thực” khắp xã hội. Số đông cư dân ở Hà Nội hiện nay, nếu tự đánh giá mình là thanh lịch, sâu sắc, thâm trầm, thì quả là lố bịch.

    Song, tôi tin không phải người Hà Nội luôn thô lỗ và kênh kiệu, cũng như không phải mọi công dân thủ đô đều có tính xấu ấy.

    Không phải người Hà Nội nào cũng thích ăn “phở quát cháo chửi”, cũng chẳng phải hàng quán nào ở Hà Nội cũng có những thiên-thần-mậu-dịch-viên đáng sợ.

    Nhiều tính cách tệ hại của dân chúng Hà thành có lẽ đã xuất phát từ hoàn cảnh, mà nếu thực vậy thì Hà Nội đáng thương hơn là đáng giận.

    … Và đáng yêu

    Với riêng tôi, Hà Nội còn có sự đáng yêu, cái đáng yêu của một thành phố trẻ đang phải gồng lên làm nhiệm vụ của một thủ đô nghìn năm.

    Sẽ còn rất nhiều, vô số bất cập và lộn xộn, nhưng thảng hoặc cũng có những nét cho thấy một nỗ lực của Hà Nội vươn lên làm thủ đô văn hiến.

    Con đường gốm sứ ven sông Hồng, tuy một số đoạn vừa hoàn thành đã nứt, nhưng nhiều đoạn màu sắc long lanh rực rỡ. Con mắt thô thiển của tôi dám chắc như thế là đẹp, và chắc chắn là đẹp hơn khi không có đường gốm sứ ấy.

    Những gì là xấu xí, tiêu cực, ước mong thủ đô sẽ xóa chúng đi dần dần. Nếu tính xấu đã do hoàn cảnh mà mọc ra thì cũng có thể hy vọng chúng sẽ mất đi khi hoàn cảnh thay đổi, để một nền văn hóa mới sẽ hình thành ở Hà Nội, thanh lịch hơn, sâu sắc hơn mà cũng cởi mở hơn.

    Hà Nội, trong tôi, cũng đáng nhớ nữa. Vào năm 2000, tôi từng viết trong một bức thư gửi những người bạn ở phương xa, rằng thế hệ chúng tôi may mắn được trải qua thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ đáng nhớ, 1000 năm mới có một lần. Mấy ai được đón chào và cảm nhận thời khắc ấy?

    Lịch sử vốn dài đằng đẵng. Nói như Nguyễn Huy Thiệp, 1000 năm trước, biết hoa ban có trắng như bây giờ?

    Nếu quan niệm như thế, tôi sẽ thấy năm 2010 này lại cũng là một thời gian đáng nhớ trong đời mình. Hàng chục triệu gương mặt người Việt Nam đã mờ nhòa trong lịch sử, nào phải ai cũng được đón sự kiện nghìn năm Thăng Long như chúng tôi đây?

    Để rồi mai kia một cụ ông nào đó còn có chuyện mà kể cho con cháu nghe: “Hồi ấy, ông hay đi dọc con đường gốm sứ với bà. Hơi nhiều bụi một tí, nhưng đường mát và đẹp lắm, bà cũng đẹp. Cái chỗ ấy bây giờ là gì nhỉ bà nhỉ?...”.


    Đoan Trang/ BBC

Chia sẻ trang này