1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Người nghệ sĩ già trên căn gác nhỏ

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Tequila, 25/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tequila

    Tequila Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/09/2001
    Bài viết:
    1.536
    Đã được thích:
    0
    Người nghệ sĩ già trên căn gác nhỏ

    Người nghệ sĩ già trên căn gác nhỏ​

    Tôi kể cho bạn nghe về thầy tôi, người nghệ sĩ già sống trên căn gác nhỏ.

    Ngày 20-11 năm ngoái, tức là sau bảy năm, tôi đến thăm thầy. Trước khi đến, tôi muốn mua một chút quà, nhưng cũng chỉ đủ để có bao thuốc và một chai Nếp mới.

    Phố Nam Ngư là một phố cũ của Hà Nội. Trong một khu phố như thế, nếu bảy năm trước cái cầu thang đã rêu phong thì bảy năm sau cũng vẫn rêu phong, nếu bảy năm trước căn gác đã cũ nát thì bảy năm sau cũng vẫn cũ nát, không khác tí gì. Tôi đi lên cầu thang, gõ cửa căn gác nhỏ. Người mở cửa chính là thầy tôi. Không kịp nhìn xem khách là ai, ông vội vàng, quá mức vội vàng, gần như là hốt hoảng, thu dọn đám quần áo lăn lóc, đám sách báo bừa bãi và những vỏ bao thuốc không biết nằm đó từ đời nào. Đoán rằng đã lâu lắm không hề có vị khách nào đến thăm. Rồi ông mới nhìn kỹ tôi, ông ngạc nhiên, và rồi ông nhận ra tôi. Thật tội nghiệp, ông bắt tay tôi mà bàn tay run run, mềm nhẽo và hơi ướt, miệng lắp bắp chẳng rõ lời. Ông không tiếp tôi trong căn gác của mình, mà kéo xuống nhà dưới, nhà của người anh.

    Ông gọi cháu gái, ông gọi chị dâu, giới thiệu tôi với họ. Cứ như thể tôi là một người khiến ông có thể tự hào đem trưng ra để lấy le. Và tôi có thể hiểu được cái nhìn đượm vẻ tò mò mà những người thân của ông dành cho tôi. Còn lại hai thầy trò, tôi rót rượu ra ly. Ông mỉm cười vui sướng. Bảy năm trước thầy tôi đã là một ông già, dĩ nhiên bảy năm sau vẫn là một ông già, không khác bao nhiêu. Chỉ có tôi là lớn lên. Chả hiểu sao, ánh mắt ông đầy ắp vẻ kính nể. Phải chăng ông kính nể tuổi trẻ của tôi? Hay là ông kính nể thời gian, vì trong ký ức của ông tôi luôn là một chú nhóc. Ông uống cạn ly rượu, và lại mỉm cười. Nụ cười ấy thật hiền lành, quá đỗi hiền lành. Sao tôi cứ nghĩ rằng, một nụ cười như thế luôn khiến cho những đứa trẻ thấy ấm áp vững tin, nhưng lại làm người lớn bỏ ngoài tai những gì ông nói.

    Hình ảnh về người thầy dạy nhạc ấy, hình ảnh đọng lại trong tôi những năm qua, là nụ cười hiền lành và những ngón tay xấu xí. Một người chơi đàn nhưng những ngón tay lại xấu xí. Chúng ngắn ngủn, méo mó, thô kệch và bị khói thuốc nhuộm vàng khè. Chính hôm đầu tiên mẹ dẫn tôi đến gặp ông, tôi đã chú ý đến chúng. Thế mà chẳng ngờ, những ngón tay xấu xí ấy lại khiến tôi chia tay luôn với những cây cọ vẽ, để cầm lấy cây guitar. Tôi rất mê nghe ông chơi đàn. Về sau này, tôi đã gặp bao nhiêu người chơi giỏi hơn ông, thậm chí chính tôi cũng đã vượt ông. Nhưng mà, tôi vẫn chẳng thể quên được những điều tuyệt vời ông đã đem đến cho tôi bằng cây đàn và những ngón tay xấu xí. Thầy tôi không chỉ chơi guitar, ông có thể chơi cả piano, violin, và một vài nhạc cụ nữa. Có điều, cái gì cũng chỉ ở mức tầm tầm thôi.

    Tôi lại rót một ly rượu mời ông. Đã bao nhiêu lần tôi đến thăm những người cô người thầy trong ngày này mỗi năm. Nhiều khi, không, hầu hết, là đi với chúng bạn cho vui, không vì một tình cảm thực sự nào. Vậy tại sao bao lâu rồi tôi mới đến thăm ông? Trong khi lúc nào tôi cũng tin rằng, tôi là đứa học trò ông quý nhất. Mà không chỉ có thế, biết đâu hôm nay là lần đầu tiên ông có một đứa học trò đến thăm trong ngày 20-11.

    Tôi nhớ, trong những năm học đàn với ông, đã có rất nhiều những đứa trẻ khác cũng đến, rồi vài tháng sau thì bỏ. Đứa vì không có khiếu, học mãi không được thì thôi. Đứa lại giỏi, học rất tốt, nhưng cũng được ba bốn tháng rồi không đến nữa. Chắc hẳn cha mẹ chúng muốn tìm cho chúng một ông thầy tốt hơn. Chỉ có tôi gắn bó với ông, cho đến khi tôi không còn tuổi để có thể đến nhà văn hoá thiếu niên. Vậy thì đương nhiên tôi là đứa học trò ông quý nhất. Điều đó lý giải tại sao ông vui đến thế khi gặp lại tôi hôm nay.

    Ngày trước, ông thường dắt tay tôi đi dạo qua những con phố. Ông chỉ cho tôi xem từng cây đàn, từng cuốn sách nhạc. Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện về các bài hát mà ông yêu, kể cho tôi nghe về từng ngôi nhà góc phố. Ông cũng nói vài điều về tình yêu, nhưng rồi lại thôi và xoa đầu tôi bảo khi nào lớn lên tôi sẽ hiểu.

    Hôm nay, đến lượt tôi kể chuyện cho ông nghe. Tôi kể chuyện về thời cấp ba của tôi, về những năm sinh viên của tôi. Đôi mắt ông lung linh rực sáng khi nghe về những trò quậy phá với cây đàn mà tôi và các bạn tôi đã trải qua. Ông sung sướng nuốt lấy từng lời nói của tôi, khi tôi miêu tả về những sân khấu trường đại học, những đêm trại không ngủ, miêu tả những ngọn đèn, những chồng loa, những tràng vỗ tay và những niềm vui vô bờ bến. Ông hạnh phúc, niềm hạnh phúc bừng sáng chân thực hết mình đến nỗi tôi hiểu nó hiếm hoi đến thế nào đối với ông.

    Tôi lại rót thêm một ly mời ông. Rượu Nếp mới kể ra cũng thơm và khá ngon. Cần gì phải là Remi Martin, cần gì phải là Napleon. Hai thầy trò chẳng thể uống hết được chai này. Thế nào ông cũng giữ nó lại, cất vào trong tủ. Rồi nếu như có một người bạn già nào đến, ông sẽ lại lấy ra mời. Thế nào ông cũng sẽ kể về tôi, thế nào cũng sẽ kể về tôi cho các bạn già của ông.

    Hồi xưa có lần hỏi ông rằng: ?oTại sao Beethoven cuối đời đã bị điếc tai mà vẫn sáng tác được nhạc?? Ông trả lời tôi: ?oCháu nghĩ âm nhạc là gì? Âm nhạc cuối cùng vẫn là nụ cười và giọt nước mắt của con người. Nó xuất phát từ trái tim và được cảm nhận bằng trái tim?. Bây giờ nhớ lại, tôi hiểu vì sao những bản nhạc được chơi bằng những ngón tay xấu xí của ông lại có sức mê hoặc tôi đến thế.

    Thầy tôi là một nghệ sĩ phong trào, nghệ sĩ của đường phố Hà Nội. Ông đã hát những bản anh hùng ca đằng sau những chiến luỹ dựng bằng giường tủ hoành phi, trong những lối đi xuyên qua tường nhà của Hà Nội mùa đông năm bốn sáu. Ông đã chơi những bản romance nhẹ nhàng trong đêm trên chiến khu mà nhớ về một người con gái, để khi trở về thủ đô ngày chiến thắng, người ta đã lấy chồng. Tôi đoán rằng, những ngón tay xấu xí của ông đã nhiều lần run rẩy trong những bài ca đắm say của tình yêu. Và cũng từng ấy lần, chúng thổn thức vì nỗi thất vọng chua cay. Không bao giờ ông có nổi một mái ấm cho mình.

    Thầy tôi, người nghệ sĩ già sống trên căn gác nhỏ. Ông đã nhận được những gì từ cuộc đời này? Không danh vọng, không tiền bạc, không gia đình, không vợ không con, một mình đơn độc trong mùa thu gần tàn úa. Vậy mà, chữ ?ohạnh? lại là cái tên của ông. Hôm nay, ông trở nên long lanh bừng sáng khi gặp lại tôi. Và đôi khi, người ta lại thấy buồn rầu xót xa cho niềm hạnh phúc quá ư bình dị. Tôi ngồi với ông cho đến cuối buổi chiều.

    ***

    Năm nay, trước khi lên đường, tôi đã kịp chia tay tất cả. Tôi kịp chia tay với tất cả bạn bè anh em bằng hữu. Tôi kịp chia tay với từng con đường thân quen, từng quán cóc, từng góc phố vỉa hè. Vậy mà không hiểu sao, tôi không kịp đến chào ông. Tôi không kịp đến chào thầy tôi, người nghệ sĩ già sống trên căn gác nhỏ.




    Tequila Sunrise
  2. Wildcat

    Wildcat Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    09/01/2002
    Bài viết:
    859
    Đã được thích:
    1
    Lại thêm một điều làm ta phải suy nghĩ..Cám ơn câu chuyện của bạn Tequila ạ..!
    Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân..IN 1980 FAMILY
  3. toanli

    toanli Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/11/2002
    Bài viết:
    96
    Đã được thích:
    0
    Bạn trẻ Tequila,
    Tôi đọc cái đoạ vânnfy mà thêm quý cậu. Thì ra cậu rất yêu nghệ thuật. Bài viết này hay ở đoạn cuối. Nó làm người ta cảm động vì cậu trung thực. Không thăm được bạn già ấy....nói đúng và tạo thành cảm giác bâng khuâng.
    Tôi phải đi kiếm cơm. Hết ngồi rôi rồi nên ko vao đây nữa- Tôi chúc bạn trẻ khỏe, học hàng tiến bộ và viết nhiều nữa.
    Tôi hy vọng, thời gian tới vào mạng vẫn thấy cậu , viết những bài ấm áp tình người và hết sức hồn nhiên như chính tâm hồn của cậu.
    Nếu cậu rảnh, hãy liên lạc với tôi. Qua hòm thư:
    toanli22@yahoo.de
    với hộp thư này, ở đâu, dù là Ý hay Mỹ, hay Đức tôi vẫn có thể trả lời cậu.
    Thân mến, Toanli
  4. codet

    codet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/03/2002
    Bài viết:
    1.130
    Đã được thích:
    0
    Đấy nhé
    tequila
    Vậy là rất nhiều người nhìn thấy cái gì đó ở u- cái mà Codet hay nói ấy!
    Tất cả đều là ý tốt thôi mà!
    Tiếp tục mọi thứ đi nhé!
    phantincodet
  5. Alterego

    Alterego Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    16/06/2002
    Bài viết:
    129
    Đã được thích:
    0
    he he! ra là một gã chơi được!
    Phụ nữ và Cơn bão
    ...Khi đến thường ướt át và cuồng loạn khi đi thì khoắng sạch tiền bạc. nhà cửa, xe cộ...

Chia sẻ trang này