1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Người nhập cư vào thành phố: Yêu cầu cấp thiết về quy chế quản lý

Chủ đề trong 'Đất Sài Gòn' bởi roma, 04/07/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. roma

    roma Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    761
    Đã được thích:
    3
    Người nhập cư vào thành phố: Yêu cầu cấp thiết về quy chế quản lý

    Theo số liệu của Công an TPHCM, đến tháng 6.2002, số người dân từ các tỉnh, thành khác di chuyển đến TPHCM đang cư trú chưa có hộ khẩu - gọi là người nhập cư - có 1.257.468 người. Trong tổng số trên có trên 1 triệu người đăng ký tạm trú có thời hạn trên 6 tháng và dài hạn. Số người nhập cư đăng ký tạm trú ngắn hạn có trên 255 ngàn người. Tổng số người nhập cư TP chiếm tỷ lệ 35,91% tổng dân số TP, trong đó số người nhập cư trong tuổi lao động chiếm tỷ lệ 68,35% tổng số người nhập cư. Trong cả chục năm qua, số người dân nhập cư TP bình quân khoảng 70 ngàn người/năm, đa số từ các vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn. Và đương nhiên, một đô thị lớn như TP càng phải chịu sức ép lớn về vấn đề này. Mặt khác, người nhập cư cũng đã đáp ứng không nhỏ cho nhu cầu lao động, việc làm. Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cho biết, trong tổng số trên 850 ngàn người nhập cư trong độ tuổi lao động, có 9,15% có trình độ cao đẳng, đại học; có trình độ trung cấp 6,21% và trình độ sơ cấp 5,9%. Số người nhập cư tuy đa số có trình độ chuyên môn thấp, số người chưa qua đào tạo chiếm tới 46,61%, nhưng hầu hết khi tới TP đều có thể tìm được việc làm nhanh chóng. Điều này chứng tỏ thị trường lao động TP luôn có nhu cầu, trong khi đó một bộ phận lao động có hộ khẩu TP chưa đáp ứng hoặc không chấp nhận những công việc này. Thực tế là tỷ lệ thất nghiệp của người nhập cư chỉ 5,59%, thấp hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động TP là 6,5%, thể hiện khả năng thích ứng cao với thị trường lao động của người nhập cư so với người dân tại chỗ về điều kiện lao động, về thu nhập, về tính chất, loại hình công việc?Số người nhập cư đang làm việc chiếm tỷ lệ cao tại các doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp TP, 61,23% và các doanh nghiệp dân doanh, 55,48%. Số người nhập cư đang làm việc nhiều là ở các ngành công nghiệp - xây dựng: 37,8%; thương mại dịch vụ - nhà hàng - khách sạn: 33,4%; số 12,1% là lao động các công việc đơn giản như thợ hồ, khuân vác, buôn gánh bán bưng, giúp việc nhà, đạp xích lô? Theo tính toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong các năm tới (2002 - 2005), số người dân thường trú tại TP bước vào độ tuổi lao động hàng năm trung bình chỉ khoảng 86 ngàn người, trong khi nhu cầu lao động cho phát triển KT-XH cần khoảng 200 ngàn lao động/năm. Như vậy, lao động nhập cư TP càng đóng vai trò không nhỏ và không thể thiếu trong việc bổ sung nhu cầu nhân lực cho yêu cầu phát triển KT-XH. Vấn đề hai chiều là, bản thân người nhập cư phải chuẩn bị cho mình những điều kiện nhất định để hòa nhập và chính quyền cùng các ban ngành cũng phải quản lý và chăm lo thế nào đối với họ để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những ?o hệ lụy? do sự bùng nổ người nhập cư gây ra.
    Thực tế, trong nhiều năm qua, dù đã rất cố gắng bằng nhiều biện pháp, song vấn đề người nhập cư đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương. Chính áp lực tăng dân số cơ học đã góp phần làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, làm gia tăng các loại tệ nạn xã hội. Các nhu cầu thiết yếu về lao động, ăn, ở, khám chữa bệnh của thêm hơn 1,2 triệu người đã làm quá tải các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như sự chăm sóc xã hội tại TP. Ở nhiều khu vực, việc phát sinh các khu dân cư tự phát cũng đã phá vỡ quy hoạch chung - làm khó khăn thêm nhiều vấn đề cho cấp chính quyền cơ sở. Bản thân người nhập cư thường chịu những khó khăn, thiệt thòi nhất định bởi đa phần không đáp ứng kịp các yêu cầu quản lý hành chính về nhà ở, việc làm ổn định. Yêu cầu về quản lý di dân, hạn chế sự bùng phát về số người nhập cư, điều chỉnh dân cư theo quy hoạch - có định hướng, tăng cường quản lý nhà nước về lao động, điều tiết nguồn nhân lực, giúp người lao động nhập cư được thụ hưởng những quyền lợi chính đáng - có điều kiện sống và làm việc tốt hơn đã và đang ngày càng trở nên bức thiết. Những vấn đề trên phải được hiểu và điều chỉnh thế nào, tất nhiên đầu tiên phải dựa vào văn bản pháp quy phù hợp.
    Tập hợp các đóng góp ý kiến từ nhiều sở, ngành, quận huyện như CATP, Sở LĐ-TB và XH, Sở Tư pháp?, UBND TP đang xây dựng Quy chế quản lý cư trú và lao động của người nhập cư tại TP Hồ Chí Minh. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của quy chế nhằm quản lý việc cư trú và lao động của những người từ các tỉnh, thành phố khác đến cư trú và làm việc tại TP nhưng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP. Mục đích của việc quản lý cư trú và lao động trong quy chế nhằm bảo đảm việc cư trú và lao động của người nhập cư đúng quy định của pháp luật và phù hợp mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và dân số của TP, đảm bảo giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn; nhằm cập nhật số liệu về tình hình người dân đến tạm trú tại TP và số lượng người có việc làm ổn định, người có việc làm không ổn định và người chưa có việc làm để có định hướng quy hoạch, xây dựng khu dân cư, kế hoạch đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, góp phần ổn định đời sống của người nhập cư. Để quy chế đảm bảo giải quyết được các mục đích yêu cầu lớn lao trên và mang tính khả thi khi có hiệu lực thi hành, thiết nghĩ UBND TPHCM cần nêu trước các nội dung dự thảo để rộng đường dư luận và nhận thêm các ý kiến xác đáng từ đông đảo nhân dân, trong đó có bản thân những người nhập cư - là người trong cuộc. Theo chúng tôi, nếu cách làm này được thực hiện sẽ vừa khoa học, chặt chẽ vừa đáp ứng kịp nguyện vọng của hàng triệu con người đang lựa chọn TP là nơi an cư và đóng góp sức mình vì sự phát triển chung. Mặt khác, từ những thông tin nhận biết được trong quá trình xây dựng quy chế quản lý cư trú và lao động của người nhập cư tại TP cũng sẽ gợi ra cho người dân và chính quyền ở các địa phương khác về những điều lợi, hại trong các quyết định đi, ở và phương thức quản lý, chăm lo việc làm tại chỗ - nhằm hạn chế di dân tự phát.
    Vẫn biết, quy chế là một biện pháp hành chính chỉ có thể giải quyết tương đối, hạn chế phần nào các phát sinh mang tính tiêu cực trong vấn đề nhập cư, nhưng sự cần thiết của giải pháp này và tác dụng tốt của nó nếu được xây dựng và thực hiện chu đáo là điều khẳng định. Ở tầm mức hoàn toàn hơn, chúng ta mong rằng, với thời gian, hai mảng lớn mấu chốt là phát triển KT-XH nông thôn và quản lý đô thị sẽ điều tiết hợp lý vấn đề người nhập cư vào các đô thị lớn.
    THƯ NAM



    Roma@

Chia sẻ trang này