1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Người xa xứ và các chuyến đi

Chủ đề trong 'Hồi ức về các chuyến đi' bởi vuanh71, 25/12/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vuanh71

    vuanh71 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    124
    Đã được thích:
    147
    Người xa xứ và các chuyến đi

    Vậy là tôi lại quay trở lại cái Box Du lịch này sau một năm bỏ bê. Lỗi là của cái lão đầu trọc cùng tuổi, cùng tên nhưng xấu trai hơn ;-)) đã chiếm lĩnh cái Box với những bài viết quá hay. Phải cay đắng thú nhận rằng trình độ viết văn của tôi so với hắn như con kiến đứng cạnh thằng khổng lồ. Hicc...Cái gì đã khiến cho tôi chiến thắng sự tự ti của chính mình: NỖI BUỒN của người xa xứ.
    Đã hai tháng nay kể từ ngày tôi bước chân lên máy bay quay trở lại cái xứ Ukraine lạnh giá, quay trở lại cái thành phố Odessa thân thương mà tôi đã kể cho các bạn nghe. Tôi bỏ lại vợ, con, bố mẹ, bạn bè và công việc để làm cái việc mà nhiều người cho là dũng cảm nhưng mà ngu: làm nghiên cứu sinh tại cái xứ ma chê quỷ hờn này. May mắn thay tôi không phải là thằng ngu duy nhất. Một cậu làm tại Tổng cục đo lường cũng lò dò mò sang. Hắn còn đau khổ hơn tôi nhiều bởi tiếng chưa nói được một câu, vô tuyến nghe không được, nói chuyện với gái Tây cũng không xong, đi chợ mua đồ cũng phải rủ tôi đi cùng. Hic... khổ như đi tù. Hôm nay là ngày NOEN rồi. Ngoài trời tuyết rơi, gió quất vào mặt lạnh buốt khi đi lên trường. Sau giờ học, hai thằng chúng tôi về phòng, ngồi, nhìn ra cửa sổ kể cho nhau nghe ngày này năm ngoái làm gì. Hàng năm vào ngày NOEN tôi lại chạy đi mua quà cho cô con gái. Sau đó khi con đã ngủ, tôi lại dấm dúi nhét món quà xuống dưới gầm giường. Sáng thức dậy việc đầu tiên nó làm là nhìn ngay xuống gầm giường và reo lên sung sướng. Ông già NOEN đã leo cửa sổ vào tặng quà cho nó. Nó vẫn thường ngạc nhiên hỏi tôi rằng cửa đóng hết mà sao ông già tuyết lại chui vào được. Ba năm nay nó đã đủ lớn để hiểu là chẳng có ông già NOEN nào cả mà là quà do bố nó mua. Tuy vậy nó vẫn làm cái việc quen thuộc là nhìn xuống gầm giường và sung sướng chạy lại hôn bố nó vì món quà được tặng. Năm nay vợ tôi sẽ phải mua quà, phải làm cái việc mà tôi thường làm và sẽ nhận được một cái hôn của cô con gái. Hic...nhớ vợ và con quá đi thôi.
    Cuộc sống hàng ngày thật buồn tẻ. 1 Tuần chỉ phải lên trường 1 ngày học Triết còn lại là ăn, tập thể thao và ngủ. Hầu như cái gì cũng phải làm một mình. Nấu ăn một mình. Lủi thủi đi tập thể thao một mình và tất nhiên ngủ cũng một mình. Một lần trong một Forum tôi than thở hay phải đi xa nhà tối ngủ tay không biết để đâu. Một người bạn đã hài hước khuyên rằng nên đem theo cái BÀN CHẢI. Để giết đi cái thời gian vô tích sự ấy tôi sẽ kể cho các bạn về các chuyến đi của tôi, về các thành phố tôi đã ghé qua. Có lẽ để mở đầu tôi kể về chuyến đi gần nhất, chuyến đi sang Ukraine của tôi.

    Vừa từ Thuỵ Sĩ về tôi đã nghe mọi người nói Nga cho học bổng làm nghiên cứu sinh. Vất vả lắm tôi mới hoàn thành đủ bộ hồ sơ xin đi học. Tất cả chỉ vì tôi làm mất sạch cả bản gốc lẫn bản sao giấy khai sinh. Vậy là phải về lại cái xã thời xa xưa mẹ tôi sơ tán và làm khai sinh cho tôi trên đó. Toàn bộ bản gốc khai sinh nhưng năm 70-71 lưu trữ tại xã đã bị trận lụt năm 1972 làm hỏng hết. May người quen còn lại và cuối cùng tôi cũng có Bản gốc khai sinh cấp lại. Sau đó phải xin công văn của Viện con, Viện lớn rồi Bộ. Cuối cùng là nộp Bộ Giáo dục. Lúc lên nộp tôi mới phát hiện là Ukraine cũng cho học bổng. Tôi quyết định quay trở lại trường cũ của mình. Vậy là tôi phải xin lại công văn từ đầu, Viện con, viện lớn rồi Bộ. Mãi đến tháng 9 tôi mới được trả lời rằng bạn đồng ý. Bình thường Bộ Giáo dục mua vé cho lưu học sinh bay qua Maskova. Do nghe quá nhiều chuyện lộn xộn tại sân bay Nga, tôi đề nghị Bộ mua vé cho tôi bay quá cảnh qua Pháp. Hôm ra Vietnam Airline lấy vé tôi tí ngã ngửa khi Hãng thông báo khuyến mại tăng hạng cho tôi từ Phổ thông lên phổ thông ưu tiên. Visa tại ĐSQ Ukraine tôi nhận được không gặp bất kỳ trở ngại gì. Tên lãnh sự ĐSQ còn lạ gì cái mặt của tôi nữa.
    Tối ngày 28/10 tên lên Taxi ra sân bay. Đi tiễn chỉ có vợ, con gái và bố tôi. Sân bay đông nghẹt người. Chủ yếu là người đi tiễn. Dân Việt có một thói quen là 1 người đi thì cả chục người theo tiễn. Họ tạo nên một không khí lộn xộn tại sân bay. Chuyến bay sang Pháp khá đông. Cửa làm thủ tục gửi hàng dành cho hạng ưu tiên rất vắng trong khi hạng phổ thông thì đông nghẹt. Tôi mang hơi quá cân và lo ngay ngáy sẽ phải trả tiền cước. Hic... 13$ cho 1 kg quá cân thì ai chịu được. Đang lo thì bỗng nhiên đứa bạn gái làm hải quan tại sân bay xuất hiện. Mừng như bắt được vàng. Nói chuyện với nó 1 lúc thì đến lượt. Em bé cân chỉ ngó qua bàn cân rồi cho qua. Xong thủ tục gửi đồ và nhận Boarding Card , tôi hôn vợ và con rồi chui vào làm thủ tục biên phòng. Hic... tôi không chịu nổi những cuộc chia tay ướt át. May quá cả vợ và con gái đã quá quen với những chuyến đi của tôi nên không rỏ một giọt nước mắt nào. Chuyến bay đáng nhẽ khởi hành lúc 0h20 nhưng bị chậm lại một tiếng nên hãng hàng không cho mọi người một bữa ăn nhẹ trong khi chờ máy bay. Quả là cứu cánh vì tôi đã đói mềm cả người. Cả hai vợ chồng có một thói quen xấu là 11-12 giờ đêm lò dò mò xuống bếp ăn. Cuối cùng thì giờ lên máy bay cũng đã đến. Tạm biệt đất mẹ. Hẹn 3 năm sau quay trở lại. Chuyến bay kéo dài chừng 11 tiếng đồng hồ từ Hà Nội đến Paris bằng máy bay Boing 777 vừa mới nhận của Mỹ. Khoang ưu tiên rộng thênh thang và chỉ có chừng 10 người trong khi khoang phổ thông chật cứng. Xem phim chán tôi lăn ra ngủ. Chưa bao giờ tôi ngủ thoải mái như vậy trên máy bay. Cả 3 hàng ghế đều trống nên chỉ việc kéo tay ghế lên là có một cái giường tuyệt vời. Tôi đã đi nhiều hãng hàng không khác nhau và có một nhận xét là trình độ của tiếp viên Việt Nam chán thật. Nhiều em khi khách yêu cầu mặt lỳ xì không nở ra được một nụ cười duyên nhìn chỉ muốn đạp cho cái. Được mỗi cái bù lại là các em tiếp viên được tuyển chọn khá kỹ về bề ngoài nên cũng khá xinh và ăn trên máy bay khá ngon. Hạng ưu tiên của tôi có quyền yêu cầu mỳ tôm hoắc cái gì ăn nhẹ mặc dù chưa đến bữa ăn. Sân bay De Gaulle đón tôi bằng cái lạnh 2-3 độ và mưa lất phất. Lang thang phát chán gần 3 tiếng tại sân bay. Chỗ ngồi đã bị chiếm hết. Ngồi trên sàn hoặc trên băng sắt thì lạnh cóng cả mông. Đành đứng vậy. Cuối cùng thì giờ lên máy bay cũng đến. Đồ xách tay của tôi bị lục tung cả lên chỉ vì tôi mang theo cái ổ CD Writer ngoài. Bom đấy nhé. Loay hoay mãi mới xếp lại được như cũ. Từ Pháp sang Kiev tôi bay trên máy bay A300. Máy bay chật cứng toàn người Ukraine sang Pháp du lịch hoặc làm việc trở về. Ngồi cạnh tôi là hai cậu nhạc sĩ vừa đi biểu diễn tại Hàn Quốc về. So với chuyến đi của hai cu cậu thì chuyến đi của tôi là thiên đường. Chẳng hiểu tại sao sếp lại mua cho các cu cậu bay quái chiêu như vậy. Tiếp viên Pháp trông già kinh khủng nhưng rất vui vẻ. Trong suốt chuyến bay họ làm chúng tôi quên di thời gian bằng những lời đùa cợt vui vẻ. Quả thật 3 tiếng bay trôi qua quá nhanh. Sân bay Borispol trông nghèo nàn và tàn tạ hơn sân bay Nội Bài. Đến Ukraine tôi mới cảm nhận được nỗi nhục là người dân một nước nghèo. Mặc dù giấy tờ đầy đủ về việc tôi đi học và có cả anh Tùng, bí thư thứ hai ĐSQ VN tại Ukr ra đón nhưng tôi vần không được nhập cảnh. Lý do cụ thể chẳng có. Chỉ có câu trả lời mày cứ đợi đấy. Hơn hai tiếng đồng hồ ngồi. Cuối cùng thì tôi cũng được vào sau khi chợt nghĩ ra rằng mình chưa cho xem bằng tốt nghiệp ĐH tại Ukr và giấy dăng ký kết hôn với công dân Ukr. Quả là hiệu nghiệm. 10 phút sau tôi đã được phép nhập cảnh. Tội nghiệp anh lái xe đợi bên ngoài. Anh Tùng và anh lái xe chở tôi đến nhà một cô bé bạn vợ. He he có lẽ hai anh bị sốc khi thấy tôi ôm lấy cô bé mà hôn vào môi. Phong tục thế mà. 6 năm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau, vợ tôi lại đích thân nhắn cô bạn là phải chăm sóc chồng mình.
    Ukraine là một đất nước rộng lớn với diện tích gấp 3 Việt Nam và dân số chừng gần 50 triệu. Ukraine giàu tài nguyên với những mỏ than lớn phía đông mà đặc trưng là thành phố Donetsk. Phần lớn lãnh thổ Ukr là đồng bằng với lớp đất đen tuyệt vời rất màu mỡ thích hợp cho trồng lúa mỳ và củ cải đường. Thời còn Liên Xô Ukr cung cấp phần lớn lúa mỳ và đường cho toàn bộ liên bang. Công nghiệp nặng của Ukr khá phát triển với các tổ hợp công nghiệp nặng chế tạo máy móc (nhà máy xe tải Kraz), thiết bị quân sự (xe tăng) và động cơ tên lửa. Bây giờ mọi tài nguyên của Ukr đều đã được bán cho các công ty nước ngoài. Ukr phải nhập lúa mỳ và đường. Ukr phải mua xăng và điện từ Nga. Thật buồn khi một đất nước có đầy đủ tiềm năng, có cơ sở hạ tầng công nghiệp tốt lại thảm hại đến như vậy. Kiev thủ đô của nước cộng hoà Ukraine. Kiev không thay đổi nhiều sau 6 năm. Tất nhiên các khu dân cư mới đắt tiền được xây dựng khá nhiều. Hàng loạt các cửa hàng bán đồ dắt tiền được mở ra trong thành phố. Tuy vậy về cơ bản Kiev vẫn là Kiev thời xưa. Mùa đông làm cho Kiev trở nên xám xịt. Cây đã rụng lá hoàn toàn. Các toà nhà sơn màu xám. Cả không gian đượm màu ảm đạm. Tôi chỉ yêu Kiev vào mùa hè, khi cả thành phố khoác lên mình một màu xanh của cây cối. Kiev là thành phố xanh với các hàng cây ven đường, với các công viên lớn. Kiev nằm ven sông Dnep. Người dân Kiev tận dụng các bãi cát ven sông làm các bãi tắm. Tôi chưa bao giờ ra các bãi tắm tại Kiev nhưng nghe các bạn kể lại chuyện những cô bé 15-16 tuổi tắm truồng trèo lên thuyền của bạn chơi mà nuốt nướng miếng. Tượng dài nổi tiếng Bà mẹ tổ quốc cũng được dựng ngay sát bên sông Dnep trên một ngọn đồi cao. Tôi còn nhớ như in những thảm cỏ xanh mướt chem lẫn các thảm hoa vàng của cúc, màu đỏ của Tuy Lip trải dài xung quanh tượng đài. Chưa nơi nào tôi đã đi qua mang lại cho tôi ấn tượng sâu đậm như vậy. Kiev là một thành phố cổ. Phố nổi tiếng nhất Kiev là Khresachik. Dọc hai bên phố là các toà nhà với kiến trúc cổ kính. Trên tường là tượng các chàng khổng lồ đỡ các Ban công, các cô gái khoả thân tròn chịa, vươn bộ ngực trần như trêu chọc mọi người. Trước đây cuối đường là một quảng trường lớn với một đài phun nước lớn. Trong nhưng ngày lễ người dân Kiev có thể xem vòi phun nước với những màu sắc rực rỡ khác nhau. Bây giờ vòi phun đã bị phá đi và thay vào đó là một siêu thị ngầm lớn. Khresachik ngày nay đã không còn dáng vẻ cổ kính thời xưa nữa. Kiev nổi tiếng với nhà thờ mà dưới tầng ngầm có chưa các xác ướp mà tôi không nhớ từ thời nào. Đó là các xác ướp của các tu sĩ của nhà thờ được cất giữ trong đó. Cách không xa là Bảo tàng vật nhỏ. Các vật bé tí phải nhìn qua kính hiển vi hiện lên với đủ mọi hình dáng màu sắc. Từ con chuồn chuồn cho đến các con tàu với đầy đủ cột buồm. Tôi chưa có dịp đi nhiều tại Kiev nên chỉ biết ít địa danh như vậy. Bạn nào học tại Kiev bổ xung nhé. Con người Kiev trước kia thật hiền hoà và thân thiện. 10 năm trước khi tôi đi trên phố, nhiều ông bà già đã ôm hôn tôi khi biết tôi là người Việt. Con đâu cái thời bạn có thể thản nhiên đi trên đường phố mà không sợ bị cảnh sát chặn lại vòi vĩnh hay bị bọn thanh niên càn quấy cho ăn đòn.
    Ngủ lại một tối tại nhà bạn vợ. Sáng hôm sau cô bé nghỉ làm đưa tôi ra ga mua vé tàu về Odessa. Thật may là tôi con kịp mua chiếc vé cuối cùng trong toa có các khoang riêng biệt (Kupe) , mỗi Kupe 4 giường. Tàu xuống Odessa chạy qua đêm. Ngủ dậy 8 giờ sáng là bạn có mặt tại Odessa. Tôi cười ngoắc miệng khi trong một cô bé khá xinh cùng Kupe. Cô bé khá thân thiện và cởi mở. Vậy là tối đỡ buồn rồi. Chỉ mười phút sau tôi lại thất vọng tràn chề khi 3 chú Ukr to vật khó khăn tha một chú say khướt vào Kupe. Họ nhờ chúng tôi chăm sóc hộ thằng bạn. Hắn say đến mức chui được lên tầng trên nằm là như chết đến sáng luôn. Thâm chí bà soát vé lay gọi, thậm chí còn lăn hắn bên này bên kia để tìm vé mà hắn không biết gì. Người cuối cùng là một người đàn ông đã đứng tuổi. Ông là người có học và hiểu biết nhiều nên cả tối 3 chúng tôi nói chuyện khá thoải mái.
    Odessa đón tôi bằng cơn mưa khá nặng hạt. Khó khăn lắm tôi mới tha được đống đồ to vật mang theo xuống sân ga. Chẳng ai đón tôi cả. Đứng dưới trời mưa một lúc tôi quyết định ra đường bắt Taxi vào Ký túc xá trường. Vừa lê được vài bước thì thấy một chú VN gày, đầu trọc chạy hùng hục. Hoá ra thằng bạn. Hai thằng ôm nhau sau 5 năm không gặp giữa dòng người. Bạn tôi gày đi nhiều. Cuộc sống bên này quá vất vả. T. đưa tôi về nhà mình. Vợ T, thằng em vợ và con trai cả của T ở nhà. Tôi luôn ngại ngùng khi hôn vợ của bạn trong khi chúng nó không từ chối khi hôn vợ tôi bao giờ. Phải trơ lên thôi. Thiệt quá.
    Sau 1 tuần sống tại nhà T tôi xin được phòng trong ký túc xá. Hàng xóm tôi là một cậu người Việt sang bên này làm thuê còn khá trẻ. Qua bếp là hai phòng toàn sinh viên Ukr. Bọn nó sống tương đối trật tự mỗi cái bẩn không thể chấp nhận được. Sinh viên VN cũ của trường chỉ còn lại chừng 5 người sống trong KTX. Còn lại chừng 40-50 người là các cặp vợ chồng từ các nơi khác đến thuê phòng để sống. Họ sống tập trung trong 1 tầng hoặc trong 1 Block gồm 4 phòng. Tôi biết phần lớn trong số họ vì họ đã ở đây khi tôi chưa về nước. Tuy vậy tôi ít tiếp xúc với họ bởi sự khác biệt về sở thích, trình độ và họ đã có gia đình cả rồi. Hiện tại tôi chuyển sang một phòng khác tạm thới sống cùng cậu người Việt kia. Phòng bên cạnh là cậu nghiên cứu sinh mới sang và một cậu người Việt khác sang học tiếng để ra chợ làm việc. Khoảng cuối tháng hai chỉ còn tôi với cậu NCS sống mỗi người một phòng. Phòng của tôi có một giàn tạ khá chuẩn và nó là nơi để chúng tôi cải thiện sức khoẻ và giết thời gian rỗi. Bình thường 1 tuần 3 lần tôi lại ra 1 phòng tập cách không xa KTX tập chừng 1h30 phút. Sau đó về phòng và buổi chiều hướng dẫn 3 cậu còn lại tập trên giàn tạ tại nhà. Tập thể thao bên này rẻ nhất chỉ có chạy và tập tạ thôi. Các nhà giàu trong KTX đều đi tập Tenic cả.
    Odessa cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Đường phố vẫn nhỏ và lỗi lõm ổ trâu, ổ gà. Một loạt cửa hàng mới được dựng lên. Chợ trung tâm thay đổi rất nhiều. Chợ trời nổi tiếng của Odessa mở rộng ra rất nhiều. Tôi chưa có thời gian để mò ra chợ. Nhà hát Opera nổi tiếng hiện tại đang được sửa chữa. Mùa đông đã làm hỏng mọi vẻ đẹp của thành phố. Vào mùa này bạn sẽ chẳng được nghe các đàn quạ cãi nhau trong công viên, chẳng được thấy vẻ đẹp tuyệt vời của các cô gái trong bộ Bikini. Sao tôi lại ghét mùa đông đến thế.
    Odessa có chừng 600 người VN sống. Trong số đó có khoảng gần 100 sinh viên mà hầu hết là tự đóng tiền học. Tôi mới có dịp làm quen với các cô cậu trường Y mới sang học tiếng. Theo thông lệ bên này họ gọi tôi là anh. He he nếu ở VN có lẽ các cô cậu vừa tốt nghiệp PT này sẽ đồng thanh gọi tôi là chú. 500 người còn lại chủ yếu sống bám vào chợ trời. Người bán hàng, người bán dollar, người làm dịch vụ. Tuy vậy người Việt bên nay đối với cảnh sát vẫn chỉ là công dân hạng hai. Đi đâu bạn cũng phải đem theo Passport. Bất cứ CS nào cũng có thể kiểm tra giấy tờ của bạn. Mới sang chừng gần hai tháng nhưng KTX của tôi đã bị CS vào kiểm tra 3 lần. Xã hội bên này đã xuống cấp một cách thảm hại. Mọi thứ đều là tiền. SV muốn trả thi được. Tiền. Muốn đăng được bài báo. Tiền.
    Thôi chẳng biết viết gì nữa. Sắp 12 giờ tối rồi. Bọn tôi đã đón NOEN bằng món giò lợn luộc và rau xào. Món rau xào là bản quyền của tôi. Do bên này không có rau muống tôi đã xào thử rau Spinat và kết quả là có một món xào không kém gì rau muốn xào. Vậy là mỗi lần ra nước ngoài tôi đều mua rau này để xào. Bạn nào ở nước ngoài thì thử xào đi nhé. Các bạn sẽ thích ngay mà.
    Mời các bạn đón đọc chuyến đi Malaysia của tôi trong những ngày sắp tới

    Được vuanh71 sửa chữa / chuyển vào 05:14 ngày 26/12/2003
  2. chits

    chits Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    19/07/2002
    Bài viết:
    1.038
    Đã được thích:
    0
    Bác có ảnh Odessa ko ạ
    up lên cho cháu xem với
    CuỘc ĐờI đÓ cÓ bAo LâU mÀ hỮnG hỜ...
  3. Cao_Son_new

    Cao_Son_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/02/2002
    Bài viết:
    566
    Đã được thích:
    0
    Chúc mừng người bạn cùng tên cùng tuổi nhưng đẹp giai hơn đã quay trở lại U làm Candidat. Cậu nguỵ biện, cậu lười nên không đóng góp bài viết cho mọi người chứ đâu phải tại tớ.
    Tớ và mọi người ở nhà rất háo hức chờ đợi những bài viết sắp tới của cậu. Tết này có về, gặp nhau nhé, nói tí tiếng Nga cho đỡ cững lưỡi.
    Năm nay bên ấy có lạnh không cậu?
    Chúc vui.
    Đời lộc cộc!
  4. vuanh71

    vuanh71 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    124
    Đã được thích:
    147
    To Chít: Tôi không có máy ảnh số nên không chụp được cho bạn. Odessa mùa đông chán lắm. Khi nào lang thang tôi kiếm cái Postcard nào đẹp scan cho bạn xem vậy
    To Cao Son: chắc phải 3 năm nữa tớ mới về VN. Rất muốn tham gia các buổi hội họp của Box.
    Mời mọi người điểm tâm một chút về chuyến đi Malaysia của tôi
    Bản thân tôi cung chẳng ngờ là mình sẽ được đi Malaysia. Đơn giản là cuối năm 1998 Sếp đột ngột hỏi có ai đăng ký đi Malaysia không? Có một lớp dạy làm Web cho các cán bộ phòng máy tính do IAEA (International Atomic Energy Agency) tổ chức. Tôi đăng ký đại. Không hy vọng mình được đi vì hai lý do: tôi mới vào làm chưa lâu; tôi chưa trải qua kỳ thi tiếng Anh của Viện dành cho các cán bộ muốn tham gia các khoá học ở nước ngoài. Sau đó hơn 1 tháng sếp đột ngột thông báo ngày mai thi tiếng Anh, cậu tham gia thi ngay vì cậu trong diện được xét đi học. Hic...tôi mới chỉ kịp qua một khoá học cơ bản 1,5 tháng bằng A. Vào thi hai ông đọc cho một bài khoá về biến đổi khí hậu. Trình độ thằng bé thấp như gián chỉ đủ để nghe đuôi của từ. Hai năm chỉ đọc sách máy tính. Môi trường thì điếc đặc. Kết quả là trượt. Tôi xin một tháng sau thi lại. Suốt 1 tháng thằng em họ học về ngành năng lượng đến dạy tiếng Anh cho tôi. Nó nói tiếng Anh như gió. Bạn bè toàn dân Anh, Mỹ với Singapor. Tôi chỉ tập trung về mảng môi trường: hiệu ứng nhà kính, năng lượng sạch...Kết quả là qua được vụ Test tiếng Anh. Vừa kịp hạn nộp hồ sơ gửi đi IAEA. Tháng 4 1999 sếp thông báo tôi được nhận đi và ngoài tôi ra còn ba người nữa thuộc các Viện con trực thuộc. Lo thấy các cụ. Cả đời toàn nói tiếng Nga. Tiếng Anh chưa nói với bọn ngoại quốc bao giờ chẳng hiểu cái lưỡi có nhẫc nổi không nữa.
    Đầu tháng 6 chúng tôi ra sân bay Nội Bài. Cả đoàn tôi là trẻ nhất còn lại hai cô đều già (một 45 và một 59) và một chú cũng già nốt (50). Có hộ chiếu công vụ thật sướng. Chúng tôi chẳng phải lo xin Visa. Thời điểm đấy chỉ cần có công văn cử đi nước ngoài của cơ quan là OK. Từ Nội Bài chúng tôi bay vào Tp HCM bằng máy bay A320. Lần đầu tiên bay máy bay tư bản sướng thật. Bên Ukr tôi đã bay hàng chục chuyến từ Odessa lên Moskow trên TU 134 và hai lần bay về VN trên IL 86, toàn bay máy bay Nga. Máy bay Nga rất ồn và chật chội, phục vụ rất kém. Đến sân bay Tân Sơn Nhất chúng tôi phải chuyển sang đường bay quốc tế. Thái độ của hải quan và biên phòng sân bay thật khó chịu. Họ luôn hỏi trống không và thái độ hết sức trịch thượng. Bộ mặt của quốc gia nằm tại đây. Khi khách ngoại quốc vào VN, những người Việt họ gặp đầu tiên chính là những con người này. Chỉ tại sân bay VN bạn mới gặp cảnh tượng một sĩ quan biên phòng gọi một người ngoại quốc "E you, come here". Vô học hết sức.
    Chúng tôi bay sang Malaysia bằng máy bay của hãng hàng không Malaysia. Các cô gái tiếp viên mặc bộ đồ truyền thống rất ấn tượng. Giọng nói ân cần và những nụ cười làm cho chuyến bay như ngắn lại. Sau khoảng 1h30'''' máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế (quên mất tên rồi). Khi máy bay nghiêng cánh bạn có thể nhìn thấy những rừng cọ bạt ngàn xanh mướt. Malaysia hình như là nước xuất khẩu dầu cọ đứng đầu thế giới. Sân bay rất lớn. Để ra được máy bay bạn sẽ phải đi bằng tàu điện. Các chuyến tàu cứ mấy phút lại có một chuyến nên bạn không phải lo lắng nhỡ tàu. Hình như Malaysia định xây dựng sân bay như một trạm trung chuyển cạnh tranh với Singapor và Bangkok. Theo tôi cái Project này thất bại vì sân bay vắng ngắt. Tôi chưa qua Singapor nên không có ý kiến chứ sân bay Bangkok thì luôn đông nghịt người. Chẳng có ai đón chúng tôi cả. Có kinh nghiệm ra nước ngoài nhất là cô 59 tuổi. Cô lò dò ra thuê Taxi sân bay. 30$ cho chuyến đi về Kuala Lumpua. Đắt lè lưỡi. Sân bay cách thành phố chừng 70 km. Đường tuyệt đẹp. Hai bên đường suốt đến thành phố là rừng cọ. Đây là một nhánh của con đường nối từ Singapor xuyên suốt Malaysia đến biên giới Thailand. Cả VN chẳng có con đường cao tốc nào phẳng và đẹp như vậy. Xe taxi phóng với tốc độ hơn 110 km/h. Sướng.
    Malaysia là nước theo hệ thống tư bản đầu tiên mà tôi đặt chân đến. Thủ đô Kuala Lumpua hiện ra trước mắt chúng tôi thật hiện đại và tráng lệ với những toà nhà cao trọc trời, những khu nhà cao tầng cho cư dân được quy hoạch hết sức hợp lý, những tuyến tàu điện được xây trên cao (sky train), hệ thống giao thông hiện đại với các đường chồng lên nhau. Xe máy tại Kuala khá nhiều. Chủ yếu là xe như xe đua. Khi đèn đỏ xe máy luôn chen lên phía trước và khi đèn xanh thì những tiếng rít chói tai của xe máy vọt lên. Khí hậu tại Kuala khá nóng nhưng hầu hết dân đi xe máy đều mặc áo khoác ngược cho đỡ gió và mũ bảo hiểm bắt buộc phải đội. Điều mà chúng tôi chưa quen ngay được là hệ thống giao thông theo kiểu Anh. Đi lang thang qua đường mà nhìn ngược là ăn tông ngay. Chính vì vậy bọn tôi tuân thủ rất nghiêm chỉnh đèn xanh đèn đỏ.Xe ô tô tại Kuala khá nhiều. Điều đặc biết là hầu hết họ sử dụng xe được sản xuất tại Malaysia. Dáng xe Proton khá đẹp và giá cả khá rẻ. Theo đánh giá của cách lái xe thì xe có độ bề khá cao và vừa túi tiền. Kuala cũng như phần lớn các thành phố lớn châu Á bị nạn kẹt xe khá nghiêm trọng. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng bị kẹt xe. Được cái cảnh sát giao thông xuất hiện khá nhanh và giải quyết mọi vụ việc tương đối nhanh. Điều tôi thích thú là hầu hết cảnh sát đều đeo kè kè bên hổng khẩu Coll. Tôi mới chỉ thấy trên phim ảnh cảnh sát Mỹ hay đeo loại súng này.

    Mệt quá. Thư thư cho tôi viết tiếp nhé. Mai có Seminar về triết học. Lên giáo hỏi không biết gì xấu hổ lắm.
    Được vuanh71 sửa chữa / chuyển vào 05:57 ngày 28/12/2003
  5. spartan

    spartan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/10/2003
    Bài viết:
    57
    Đã được thích:
    0
    >Tôi chưa bao giờ ra các bãi tắm tại Kiev nhưng nghe các bạn >kể lại chuyện những cô bé 15-16 tuổi tắm truồng trèo lên >thuyền của bạn chơi mà nuốt nướng miếng
    Hello Vũ Anh,
    Tết này về tao sẽ kể cho Oxana mày gặp bọn gái U 15-16 mà thèm chảy nước miếng nhé :)
  6. Cao_Son_new

    Cao_Son_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/02/2002
    Bài viết:
    566
    Đã được thích:
    0
    Lão Vũ Anh này sướng nhể. Có vợ Tây không biết tiếng Việt nên thoải mái trút bầu tâm sự trên diễn đàn mà không sợ bị đuổi ra bếp ngủ.
    Đời lộc cộc!
  7. vuanh71

    vuanh71 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    124
    Đã được thích:
    147
    Ông bạn là ai thế? Có phải Dũng trường tàu không? Ai lại đâm vào lưng nhau thế bao giờ. Gửi PM cho tớ nhé
  8. vuanh71

    vuanh71 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    124
    Đã được thích:
    147
    Cái lão cùng tên ơi. Tớ bị vợ đánh giá là dân theo tiếng Nga là Bavnik nghĩa là không bỏ qua một cái váy nào cả.

    Xin lỗi các bạn về sự gián đoạn khá lâu. Hic...năm mới đến nơi rồi mà chẳng có hứng thú gì cả. Cậu người Việt cùng phòng mua đèn nháy về chăng khắp phòng. Cậu ta đang tuổi yêu có khác. Hai bên tường mỗi bên cậu ta kết một trái tim. Tắt hết điện đi nháy cũng vui mắt.
    Người Malaysia gốc Trung Quốc khá nhiều. Bạn có thể dễ dàng phân biệt người Malaysia gốc vì họ khá đen trong khi người gốc Tàu trắng trẻo và khs cao lớn. Con gái Malaysia theo đạo Hồi thường trùm khăn kín tóc chỉ hở ra khuôn mặt nhỏ nhắn. Nếu ngoài đường bạn thấy một cô gái mặc váy ngắn và không trùm đầu thì chắc chắn là gái gốc Tàu hoặc theo đạo Thiên chúa. Theo tôi cảm nhận hình như đàn ông Malaysia không bao giờ vào các cửa hàng bán đồ cho nữ giới và trẻ em. Các cô gái bán hàng cứ rúc ríc cười khi tôi tìm mua cho vợ và con gái quần áo làm quà. Hầu hết người Malaysia đều nói tiếng Anh khá tốt. Theo tôi được biết khi sinh viên tốt nghiệp họ sẽ phải viết luận án bằng tiếng Anh. Không biết đối với học sinh phổ thông như thế nào nhưng 100% những người tôi có dịp tiếp xúc từ người bán hàng trong cửa hàng, cậu chạy bàn cho một cửa hàng ăn vỉ hè hay người lái xe taxi đều nói được tiếng Anh ít nhất là hơn tôi ;-(.
    Thôi sơ sơ về Malaysia vậy thôi. Bây giờ tôi kể tiếp những ngày ở tại Malaysia của tôi.
    IAEA đã đặt sẵn cho chúng tôi phòng trong một khách sạn 4 sao cách không xa lắm toà tháp đôi nổi tiếng. Cô bé Reception hỏi chúng tôi muốn lấy phòng dành cho người hút thuốc hay không? Tội nghiệp hai cô tiếng Anh lôm côm nhận ngay hai phòng ở tầng dành cho người hút thuốc. Sáng hôm sau các cô kêu ca là tối ngủ toàn mùi thuốc là theo hệ thống thông gió bay vào phòng. Vậy là lại phải đổi phòng. Ổn định chỗ ở chúng tôi lang thang một chút quanh khách sạn. Trời đã về chiều nên ai náy cũng đói meo. Báo hại là xung quanh khách sạn toàn các quán ăn của người Hồi giáo. Món ăn phổ biến của họ là cơm trộn với thịt bò và tưới nước sốt làm từ Cari vàng vàng. Ba người còn lại nhìn chán ngán không muốn ăn. Tôi thì đã từng lang thang khắp các sân ga tại Liên Xô cũ. Nhiều món ăn ngoài ga còn khủng khiếp hơn nhiều. Cái bụng tôi nó sôi ùng ục nên chỉ chăm chăm vào đại một cái quán ăn nào đó. Cuối cùng thì ba người kia đồng ý vào một quán ăn và gọi mỗi người một đĩa to tướng cơm trộn. Ngon. Bạn nào đã từng sống bên Nga chắc biết món Plop gồm có cơm, thịt, rau và dầu ăn trộn nháo nhào. Tôi đánh một phát hết sạch đĩa mà vần còn thèm nhưng chịu không thể ních thêm được vì quá no. Cô gần 60 tuổi thì cố lắm mới ăn được 1/4 đĩa. Ít ra thì cô cũng đã từng sống khá lâu tại Đức và Nga. Hai người còn lại thì chỉ xúc được vài thìa. Thôi họ chịu đói vậy. Chúng tôi quay trở về khách sạn. Ai về phòng người nấy. Về đã thấy một cái phong bì được nhét dưới khe cửa. Hic...mai phải dậy sớm tập trung trước cửa khách sạn để có xe đón đến nơi học. Tôi no căng bụng nên gì thì gì cũng phải tắm một phát rồi lăn ra ngủ. Sau này nghiệm thấy ngày đầu tiên tôi bao giờ cũng ngủ như chết vì mệt nhưng đêm hôm sau thì trằn trọc vì chẳng có ai mà ôm. Tay chẳng biết để đâu.
    Sáng hôm sau chúng tôi gọi nhau dậy lúc 6 giờ để có thời gian ăn sáng. Lấn đầu tiên ăn cái trò tự chọn thấy hay ra phết. Tôi lấy mỗi thứ một chút rồi vứt đi cả đống vì ngấy. Các lần sau chỉ chọn mấy thứ dễ ăn nhất là ít cơm, ít trứng rán, ít thịt, ít rau đôi khi lấy thêm một chút xúc xích rán cho đổi vị. Tất nhiên là một các chè đen là không thiếu được sau bữa ăn. Cái nước Ukr đã làm cho tôi nghiện cái món chè đen đến mức ban ngaỳ tại cơ quan thì chịu chứ buổi tối mà không có một cốc người nó thế nào ấy. Có cái khác là bọn Tây uống thêm một lát chanh còn tôi ghét cay ghét đắng cái vị chua chua. Đến giờ hẹn ra cửa khách sạn đã thấy một đống các chú, các cô đen, vàng lẫn lộn. Làm quen nhau cái. Cái Project này người đi học từ hầu hết các nước Đông Nam Á và Nam Á. Mỗi nước chỉ cử hai người nhưng chẳng hiểu sao IAEA thương Việt Nam cho những 4 người đi. Chỗ học khá xa nên bọn tôi được đi bằng xe Bus đặt riêng. Không hôm nào đến đúng giờ cả vì tắc đường. Tôi sẽ không đi chi tiết vào khoá học vì nó chẳng có gì đặc biệt cả. Một tuần học thực chất là để thực tập tiếng Anh thì đúng hơn. Phải cay đắng thú nhận trong các thành viên lớp học dân Vn mình nói tiếng Anh đuội nhất. Tôi ít ra còn cố ba hoa bằng cái vốn tiếng Anh ít ỏi của mình chứ ba người còn lại hầu như không mở miệng nói. Chuyến đi lần này đã cho tôi một kinh nghiệm không nhỏ trong việc giao tiếp với dân các nước. Các chuyến đi sau này tôi cũng vẫn phát huy cái lưỡi của mình một cách tối đa và quả nhiên là không uổng vì sau vài khoá học tại Tp HCM, Thailand và Philippine tôi nhận được phần thưởng của IAEA là chuyến đi thực tập Thuỵ Sĩ trong vòng hai tháng.
    Buổi trưa chúng tôi ăn trưa cách không xa nơi học. Khu vực này toàn office và các nhà bank nên dân đi ăn đủ mọi loại người. Bọn tôi chọn nhà ăn nào có nhiều dân gốc Tàu nhất mà chui vào. Nói chung một bữa ăn bình dân tại Malaysia cũng không đắt lắm, chừng 2, 3 $ cho một bữa khá no. Buổi chiều chừng 4h30 xe chở chúng tôi về khách sạn và sau đó chúng tôi tự do không chịu sự quản lý của khoá học. Vậy là chúng tôi đi chơi. Hôm thì lang thang ra xa hơn xung quanh khác sạn. Đi bộ đến lúc nào mỏi chân thì quay lại. Hôm thì chúng tôi đi xe Taxi ra khu vực China Town. Người Tàu tại đây đông thật. Hàng hoá Trung Quốcđầy rẫy khắp nơi. Tôi thì chỉ chăm chăm mua mấy cái đĩa được Bộ văn hoá xếp vào loại đồ truỵ. Khá đắt chừng gần 5$ cho một đĩa. Từ đó tôi thành một thói quen là đi đâu tôi cũng tha đĩa về. Xem thì hầu như chẳng xem nhưng cho bọn bạn mượn thì hơi đắt hàng. Hôm khác chúng tôi đi đến nơi tập trung các cửa hàng máy tính tại Kuala để lượn. Choáng. Một toà nhà chừng 5 tầng dành toàn cho các cửa háng bán máy tính. Giá cả dán công khai trước cửa. Ít ra tôi cững từng làm thằng kỹ thuật viên máy tính cho một công ty tư nhân nên rất khoái cái khoản ngắm nghía và mua đĩa máy tính về. Mà vào thời điểm năm 1999 máy tính tại Vn còn khá đắt. Các cửa hàng bán đĩa phần mềm lậu chưa phổ biến như bây giờ. Hôm cuối cùng trước khi về chúng tôi mò ra toà tháp đôi. Đến Kuala mà chưa lên tháp đôi thì coi như chưa đến. Báo hại cho chúng tôi hôm đó toà tháp không cho khách lên chơi. Bọn tôi đành phải mò ra tháp truyền hình cách đấy không xa. Tháp truyền hình tại Kuala cùng thuộc dạng cao trên thế giới. Rất tiếc tôi không nhớ nó cao bao nhiêu m nhưng tốc độ thang máy lên trên đỉnh tháp làm tôi phải choáng. Hic..quen với loại thang máy chậm rì bên Nga rồi mà. Từ trên đỉnh tháp nhìn thành phố đẹp tuyệt vời. Con trai cô 59 tuổi là dân kiến trúc nên cô ấy nhờ tôi chụp kiến trúc một loạt các toà nhà cao tầng mà từ tháp có thể nhìn thấy.
    Buổi tối đi lang thang chỉ có tôi và chú còn lại. Chúng tôi chịu khó mò rất xa. Lang thang vào tận nhưng xó xỉnh và ăn tối tại các quán của người không theo đạo Hồi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy rau muốn tại Malaysia. Nó to khủng khiếp nhưng ăn nhạt thếch. Từ đấy tại Thailand, Phillipine và cả ở Thuỵ Sĩ tôi cạch cái thứ rau muống này. Không biết các bạn thế nào chứ tôi cảm thấy khá yên bình khi đi lang thang trong đêm trên đường phố Kuala. Cái cảm giác đó tôi không có được tại Thailand, Phillipine thậm chí cả tại Hàn Quốc. Ở Nhật thì tôi bị tống lên núi nên chẳng đi đâu được còn ở Thuỵ Sĩ thì mùa đông vừa rồi quá lạnh, nhiệt độ thường xuyên -10 nên tôi chỉ ngồi nhà.
    Về Việt Nam chúng tôi bay thẳng về Hà Nội lần này thì bằng Vietnam Airline. Tưởng máy bay vắng ai ngờ gần kín cả máy bay. Hầu hết khành khách đều là người ngoại quốc và cả Việt kiều. Người Việt như chúng tôi rất ít. Thời này dân đi lao động tại Malaysia chưa có. Dân đi học chỉ chừng vài người. Dân du lịch sang Malaysia lại càng ít. Đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Lại phải chịu đựng cung cách trịch thượng của dân hải quan. Chán quá.
    Cả nhà đã chuẩn bị đón tôi. Đứa con gái chạy ra đu lên cổ tôi mà hôn. Vợ tôi kể rằng nó thường xuyên khóc tại lớp vì nhớ bố. Cô giáo và các bạn lại phải dỗ. Hai năm gần đây nó đã quen việc bố nó đi xa và cũng đã lớn nên không còn khóc tại lớp nữa. Cái màn sau này thành quen thuộc là ôm hôn cô vợ yêu sau nhiều ngày không gặp lại và những ánh mắt hứa hẹn một buổi tối trả bài mệt nhọc ;-)).
    Hôm sau đến cơ quan và mời mọi người đi chén một bữa đã trở thành thông lệ của cơ quan chúng tôi. Ai đi về cũng mời và nó chỉ chấm dứt một năm gần đây khi dân đi nước ngoài là đám trẻ chúng tôi cố tình lờ tịt đi cái truyền thống này.
    Vậy là kết thúc chuyến đi Malaysia. Lần sau tôi sẽ kể về chuyến đi Thailand và sẽ có ảnh đi kèm. Cho tôi hẹn sau năm mới nhé. Chắc mấy hôm nữa sẽ thường xuyên say bí tỉ không viết được cái gì đâu.
    Cảm ơn các bạn đã có thời gian đọc bài của tôi. Chúc các bạn một năm mới thành đạt và hạnh phúc
  9. chits

    chits Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    19/07/2002
    Bài viết:
    1.038
    Đã được thích:
    0
    Bác này nhớ zai thế nhở,
    vừa xem mấy cái ảnh bác post bên box làm đẹp, ko biết bác còn còm như hồi xưa ko?
    CuỘc ĐờI đÓ cÓ bAo LâU mÀ hỮnG hỜ...
  10. vuanh71

    vuanh71 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/04/2002
    Bài viết:
    124
    Đã được thích:
    147
    Tôi bây giờ nhìn mặt không khác gì lắm so với hồi xưa. Vẫn còm nhưng có thể tự tin vào bể bơi mà không sợ ai cười. Ít ra là có thể tự hào một chút với số cân khiêm tốn của mình tôi có thể nằm đẩy 60 kg tạ 10 phát ngon lành.
    Chán quá. Đi đâu cũng gặp người quen. Tôi đã tưởng mình có thể tự tin xả đi cái nỗi buồn và chán chường trong cái forum này mà không sợ bạn bè, người thân đọc được. Chẳng hiểu vợ tôi có biết đến sự tồn tại của những bài viết này không nữa. Cô ấy sẽ không thể hiểu được tôi viết lên đây để làm gì và chui vào đây làm gì nữa. Em yêu ơi hãy hiểu rằng anh viết những bài viết này trong những đêm không ngủ được vì nhớ em, nhớ con gái và nhớ bố, mẹ, bạn bè. Bây giờ cũng vậy, đã 2 giờ đêm rồi. Anh vào Internet cho đến khi mệt nhoài. Nó sẽ giúp cho anh có thể ngủ được mà không nằm thao thức đến sáng. Tha thứ cho anh nhé.
    Hic... có lẽ tôi sẽ lại biến mất tăm một thời gian nữa vậy. Đến khi tôi chán ngấy cái cuộc sống ở cái xứ này tôi sẽ lại tìm đến các bạn. Mong các bạn tha thứ

Chia sẻ trang này