1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nguyễn Khải tuyển tập..

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi gio_mua_dong, 14/02/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    - Họp lâu hay chóng?
    - Cũng phải một ngày.
    Sĩ thấy Tuy Kiền đã đến, rất mừng.
    - Đang lo...
    - Đang lo tôi bất mãn chứ gì.
    Sĩ cười xòa:
    - Không, chỉ sợ ông la cà quên mất thì nhỡ cả.
    - ối chào, phải ngồi với các anh một buổi sáng nay là cũng nể lắm.
    Biền nói theo:
    - Đáng lẽ không bước chân ra khỏi cửa kia.
    Tuy Kiền lúc này cũng cười:
    - Cũng cứ phải đi thôi, sáng nay còn phải đi nhiều hơn cả mọi sáng, bao nhiêu là việc.
    Mão nói hơi châm biếm:
    - Trông thấy người là thấy việc, làm như chỉ một mình anh nhiều việc.
    Tuy Kiền nhìn chòng chọc vào mặt Mão rồi ông ta "xì" một tiếng rất to:
    - Tôi phải tâng công với các anh à, tôi kể cho anh nghe nhé: giao thúng sơn cho cửa hàng là một này, hướng dẫn caách đánh cây ngô là hai, bàn kế hoạch với đội xe thồ là ba, còn gì nữa nhỉ, những năm việc kia..., ấy, nhớ rồi, sau đó ra huyện xin ít củi bàng, củi me lấy thức đun cho lò gạch, cuối cùng là một việc nhỏ thôi, nhưng cũng phải chạy, mua một ít đinh để đóng khuôn đỡ ngói. Đã đúng là năm việc chưa, hả?
    Rồi ông ta hút một điếu thuốc, ngửa mặt lên thở khói, nói hể hả:
    - Còn chiều nay thì nhàn nhã quá, chỉ có mỗi một việc, nhưng không có tôi cũng không xong: mời các đồng chí trong thường vụ đảng ủy ra khánh thành lò ngói để anh em được đốt lửa.
    Mão nhìn ra ngoài, bỗng anh nói to:
    - Đưa xe vào trong hè anh ạ, chờ anh mãi.
    Quang, bí thư huyện ủy, dựa xe vào trong hè, bước vào chào bốn người:
    - Sáng nay chắc là gặp may, xuống họp xã mà không phải chờ.
    Quang để chiếc cặp da vào trong góc giường, cởi áo ngoài vắt lên tay ghế, bảo Sĩ:
    - Cố thu vén họp trong buổi sáng thì hay, chiều mình lại phải xuống dưới Xuân Huy.
    Tuy Kiền cười vui vẻ:
    - Hợp với ý tôi quá, dân chạy mà phải buộc vào ghế một ngày thật khổ.
    Mão hỏi:
    - Cái đài con của anh đâu?
    - Hỏng rồi, đang đưa đi chữa. Này, có cái đài mang theo làm công tác dân vận tốt đáo để. Ông Mão biết vợ lão chủ nhiệm Xuân Huy chứ gì, đâu như người dưới này thì phải. Mình đến nhà luôn nhé, vậy mà cũng chưa lần nào được nhìn vợ hắn cho rõ mặt, thoáng thấy bóng cán bộ là đã lẩn đi rồi. Hôm nọ tớ đem đài đến vặn lên lại đúng vào giờ ca nhạc, toàn dân ca thôi, được một lát thì bà ta rón rén bước vào, trước còn ngồi góc ở thật xa, sau cứ nhích dần lại. Ôi chao, vừa nghe vừa khen: "Nhịn ăn mà được nghe hát thế này cũng sướng". Tớ bảo: "Chẳng đến nỗi phải nhịn ăn đâu bà chị ạ, tôi chỉ xin đổi lấy một gian nhà ngói này thôi!" Cười nhé, hồn nhiên ra phết, lúc ấy tớ mới bắt chuyện, hỏi xa hỏi gần, thì ra cái thằng chồng lại hóa hỏng, nó không thích vợ nó tiếp khách, sợ khách chê vợ nó xấu, vợ nó già... Cái thằng, rồi tớ sẽ có cách trị cho nó một mẻ...
    Mão nói rất thơ ngây:
    - Bây giờ tôi có tuổi nên người ngợm mới thế này, chứ xưa kia đẹp trai ra dáng, má lúm đồng tiền hẳn hoi, làng mở hội tôi đi hát ví có cô còn chạy theo cho cả tiền. Nhưng mê thì mê nhưng đến lúc hỏi nó làm vợ thì nó chối, vì mình chỉ là cái anh đi ở, chân trắng, rút lại cũng đến phải lấy một bà vợ già. Nhưng già thì già, đã là vợ chồng rồi ai lại sợ người khác cười.
    Quang cười rất to:
    - Được như ông thì còn nói gì!
    Tuy Kiền le lé mắt nhìn Mão:
    - Nói rạng, cưới cheo thì một vợ, nhưng thực ra cũng còn hai ba ả khác nữa.
    Mão đỏ bừng mặt, cười gượng gạo:
    - Ôi chào, cuộc sống trứơc cách mạng thì có kể gì.
    Sĩ nói nhỏ với Quang:
    - Anh cho họp.
    Quang còn đang bị lôi cuốn bởi cái không khí vui vẻ:
    - ừ, nhưng ngồi tán chuyện gẫu một lúc đã nào... Cái số dầu ở trạm bơm là vay hoặc là xin đấy, ý giả nếu họ đòi thì trả, bằng lờ đi thì coi như xin của nhà nước chứ gì.
    Sĩ đưa mắt nhìn Biền, Biền ngồi im lặng, đầu hơi cúi xuống, Tuy Kiền vội vàng nói:
    - Báo cáo với anh là vay đấy ạ
    - Vay gì, hôm nọ ông chủ nhiệm ra huyện duyệt phương án tôi có nghe thấy cái khoản vay dầu của nhà máy đâu. Làm ăn mập mờ thế có ngày chết cả lũ đấy.
    Biền thở dài khe khẽ: "Thế là anh ấy đã biết cả, cũng may, mình khỏi phải nói cái sự thật ấy".
    Tuy Kiền vẫn nói dối lem lém:
    - Thực tình là vay, có giấy má hẳn hoi anh ạ, vay hai lần. Anh tính nếu họ không cho vay thì chẳng biết đào đâu ra, dầu ma-dút mà mua ngoài kế hoạch dự trù những bảy hào tư một cân kia. Tiền đâu. Đằng này anh em với nhau cũng là chỗ quen biết...
    Quang nhìn bộ mặt nhăn nhó của Tuy Kiền, và thái độ im lặng, dò xét của mấy người khác, rồi nói với Sĩ:
    - Ngay từ đầu năm tôi đã có lần bàn với anh Sĩ là các anh phải chấm dứt ngay cái lối mua bán với bên công trường đi. Nó sẽ sinh ra lắm chuyện lôi thôi đấy. Quan hệ với nhau bằng những mối lợi chẳng bền bao giờ mà còn rất nguy hiểm. Bên này mời bên kia ăn cơm, uống rượu, biếu xén vài cân thuốc lá, mươi bao chè. Bên kia lại mách mối giúp bên này những món bở, món hời, giấm giúi cho nhau vài trăm cân dầu, để rẻ một bộ bàn ghế. Rồi không những bán cho tập thể, mà còn bán cho cả cá nhân, chẳng hạn trong bữa cơm thân mật mà người chủ lại phàn nàn đang thiếu gỗ dựng nhà, thì làm gì ông khách chẳng hứa sẽ xin giúp đỡ. Cũng là cách trả nợ miệng đấy thôi. Theo tôi cái mối quan hệ của các anh rất vô nguyên tắc, vì vậy việc làm cũng không rành mạch được- Quang nhắc lại- Có rất nhiều việc không được rành mạch. Cái mua và cái xin lẫn lộn, của chung và của riêng lẫn lộn. Tớ nói thật: mọi chuyện tham ô đều có thể sinh ra từ những đống lẫn lộn ấy cả. Phải coi chừng!
    Biền muốn nói to lên: "Đúng quá, thế là anh đã tìm ra được cái đầu mối rồi, vậy mà tôi cứ loanh quanh mãi".
    Tuy Kiều xoay xoay người trên ghế, mặt cứ nghiêng đi không hẳn nhìn vào một ai.
    Quang vẫn nói tiếp:
    - Thời buổi này là thời buổi xã hội chủ nghĩa, cho nên chỉ cần những người tháo vát, khôn ngoan theo lối xã hội chủ nghĩa, nghĩa là phải tôn trọng nhà nước, tôn trọng tập thể, tôn trọng kế hoạch chung, và chí công vô tư. Đấy, anh cứ giữ được mấy cái yêu cầu đó, rồi tha hồ anh xoay xở, anh tính toán, anh phát huy sáng kiến, càng nhiều càng hay. Rất hoan nghênh. Còn nếu như anh khôn ngoan theo cái kiểu: có lợi cho tập thể, nhưng lại có hại cho nhà nước, được kế hoạch của anh nhưng hỏng kế hoạch chung, hoặc lợi cho tập thể một ít, lợi cho cá nhân một ít là không xong rồi. Trước hết nhà nước không để cho các anh làm mãi cái trò ấy, ngay đến cái tập thể mà anh làm lợi cho họ, họ cũng sẽ không thể tán thành. Rút lại anh hùng mà không có đất dụng võ, vì miếng đất tư bản chủ nghĩa không còn nữa thành thử anh hùng đâm lỗi thời.
    Sĩ nói một câu, chắc cũng có ý tâng bốc đồng chí bí thư huyện ủy một chút, do đó mà giảm nhẹ được trách nhiệm của mình một chút:
    - Nếu được anh chỉ cho từ trước thì chúng tôi cũng đỡ mắc nhiều sai lầm. Trình độ cái anh cán bộ xã có hạn, thành thử có việc làm tưởng là đúng mà hóa lại sai...
    Quang nói đỡ:
    - Và cũng có những việc biết sai mười mươi, nhưng vì có lợi nên cứ làm. Có phải không?
    Cả bốn người đều ngồi im, mặt đỏ rừ vì xấu hổ.
    Mão nói khẽ với Sĩ:
    - Đã sai thì cứ ngồi mà nghe, còn chống chế làm gì.
    Quang muốn gây lại cái không khí vui vẻ đã mất đi, những câu chuyện mỗi lúc một trở nên nghiêm trang do những vấn đề cốt tử của nó mà trong lúc hăng say anh đã đặt ra hết sức thẳng thắn:
    - Tóm lại một điều có thể rút kinh nghiệm được với nhau: đã là người cán bộ của Đảng thì phải thức thời hơn mọi người, phải biết nhìn xa hơn mọi người, mỗi ngày cái xã hội của ta sẽ một trong trẻo hơn, thì một cái vết dù rất nhỏ lập tức cũng bị mọi người nhìn thấy. Hôm đã lâu đồng chí Tuy Kiền có bảo tôi: "Cái thời anh Tiến còn làm bí thư chi bộ lấy cả gỗ đình, gỗ chùa về làm nhà, lấy công khai, có thấy ai nói gì đâu, bây giờ chỉ mua có mấy xe gỗ, tiền trả hẳn hoi mà bao nhiêu là thắc mắc". Là vì trước kia khác, hiện nay khác, sau này còn khác nữa. Người lãnh đạo tự cải tạo mình không chỉ theo cái yêu cầu hôm nay, mà còn phải theo cái yêu cầu của ngày mai, cho nên người nhìn hẹp họ tự phê bình theo cách khác, người nhìn rộng, nhìn xa họ tự phê bình theo cách khác. Một người thì xét mình để đối phó với tình hình hiện tại, còn một người thì xét mình để thích ứng được với xã hội tương lai. Chỉ riêng trong sự tự phê bình cũng biểu lộ những nhân cách khác nhau rồi.
    *
    * *
    Lò ngói được xây dựng ở khu vực riêng, gần lối xuống bến phà. Từ xa đã thấy cái lò xây bằng gạch, lợp lá, lúp xúp như một đống rạ lớn. Lối đi vào ngổn ngang mấy cây gỗ thông bị cháy nham nhở ở một đầu, những chiếc quá giang bằng gỗ xoan đã bào trắng, những phiến ngói đúc xi măng và những đống thân ngô đã phơi héo. Tuy Kiền dựng xe vào một bụi chuối quay lại bảo Biền với cái vẻ tiếc rẻ:
    - Đã kiểm điểm với nhau rồi thì chẳng nên nói cái chuyện đã qua nữa, nhưng mà, anh xem, hai mươi đồng sáu cây gỗ thông, nếu không mua của công trường thì còn mua đâu được.
    Khu đất của lò ngói rất hẹp, lò đun và giàn phơi ngói chiếm một nửa, phần còn lại là những quả đất lớn nhỏ đang nhào, cắt cho lớp ngói sau. Một cái phản vừa mỏng, vừa mọt kê ở khoảng giữa lò đun và chỗ làm việc của mấy ông thợ đang đóng khuôn đỡ ngói. Trên phản có một cái điếu bát, một bộ ấm chén cao chè đã đóng đen lại, và một cây đèn vặn nhỏ để ăn thuốc.
    Tuy Kiền ngồi lên một mé phản, co hai chân lên vuốt ống quần (khi đi xe đạp ông ta có thói quen xắn lên vài gấu, mặc dù vốn nó đã rất ngắn rồi), gọi to:
    - Mời ông chủ ra tiếp khách nhé! Ông Sơn đâu?
    Một tiếng đáp lại từ trong giàn phơi: "Xin mời ba bốn ông ngồi chơi, tôi ra ngay đây ạ!".
    Một lát sau, một người mặc áo cộc xanh, quần nâu, chạy ra vẻ ngượng nghịu, hơi khúm núm. Anh ta đứng xoa tay nhắc lại:
    - Các ông ra chơi. Mời các anh xơi nước.
    Đó là người thợ cả, quê ở Hưng Yên, lên đây xây dựng lò ngói từ cuối năm ngoái. Sĩ chỉ mới gặp anh có vài lần, hỏi thăm:
    - Bác gái ở nhà vẫn được khoẻ chứ?
    Tuy Kiền cười:
    - ấy, đối với ông này thì lại phải hỏi cho rõ ràng là bác gái nào, vì những ba bác gái kia.
    Rồi ông ta vỗ đùi cười rất sảng khoái. Biền nhìn Tuy Kiền cũng mủm mỉm cười: "Lão này vô tư thật, lúc nãy thì rầu rĩ thế, bây giờ đã lại vui vẻ như thường rồi". Còn anh thợ cả thì hơi cúi đầu xuống, nói bẽn lẽn:
    - Rõ ông...
    Tuy Kiền châm đóm giới thiệu thêm:
    - Ông anh tôi đây cũng là người tài hoa, cải lương, đàn bầu đều khá, thành thử làm ở Sơn Tây một năm thì cưới bà hai, làm ở Vĩnh Yên hai năm thì cưới bà ba, còn ở Đồng Tiến mới được nửa năm nên còn đang "tìm hiểu".
    Sĩ nói vui:
    - Đất chúng tôi cũng không đến nỗi hiếm "người coi được" đâu ông ạ.
    - Chúng tôi đâu dám.
    Rồi ông ta ngoảnh lại sai đứa con lớn đang ngồi xén đất ở trong nhà:
    - Đứng dậy đun ấm nước con nhé!
    Tuy Kiền hỏi người thợ cả:
    - Còn chè ngon không?
    - Vâng, hãy còn gói nguyên.
    Anh ta ngượng ngập một tí rồi nói thêm, rất nhỏ:
    - Nhờ ông mua giúp cho được một cân thì tốt, nay mai trông lò cả đêm không có chè cũng dễ buồn ngủ.
    Tuy Kiền quay sang nhìn Biền và Sĩ:
    - Hôm qua thì tôi gật đầu ngay, nhưng sáng nay kiểm điểm thấy lỗi lầm mình nhiều quá, bạ cái gì cũng gật thành mang vạ.
    Sĩ nói khẽ: "Cái thằng..." Nhưng Tuy Kiền đã nói thêm:
    - Được, cứ đưa tiền đây, nếu chưa có tôi ứng trước cũng được. Lấy vài cân nhé?
    Trong ban quản trị chỉ có Tuy Kiền là biết cách nói chuyện với dân thợ làm nghề tự do. Ông ta vừa có vẻ chân thật lại vừa thớ lợ một chút, hết sức tin cẩn, rộng rãi, nhưng vẫn chặt chẽ, đòi hỏi; ngay những câu nói mà Tuy Kiền dùng với họ cũng đặc sắc: có cả sự lễ phép lẫn cái lõi đời, ngọt ngào lẫn sừng sỏ, bóng gió xa xôi lẫn trắng trợn, thô kệch. Đủ vẻ!
    Anh thợ Hưng Yên ngồi một lát rồi xin phép ra nhóm lò. Biền nói với Tuy Kiền:
    - Từ rày đến cuối năm tôi cũng cố lên cái mái ngói. Vợ chồng đi biền biệt suốt ngày, ở nhà còn một lũ trẻ con, nhà mái cọ, lắm lúc cũng giật mình. Kể ra nếu lên ngói được sớm thì cái số lá cọ dỡ ra còn bán được tiền, chứ để một, hai năm nữa mưa gió ăn cùn vào chỉ có vứt đi - Rồi Biền cười: - Chỉ còn e trong tình hình này làm thế đã được chưa thôi.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  2. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Mão bảo Biền bằng cái giọng kẻ cả và dạy đời. Nhưng người ta vẫn yêu và tin được vì cả cuộc đời gian truân của anh có thể chứng thực cho những lời nói ấy là chân thật và đúng đắn:
    - Nhân dân họ rộng bụng chứ không nhỏ nhen như mình nghĩ đâu. Đấy, cái dạo tôi mới ở bộ đội về làm nhà, trong tay có chưa đầy hai trăm bạc. Bà con họ biết chuyện, nhà thì gọi đến giúp cho dăm cây xoan, nhà thì giúp một búi tre, có người còn đưa tiền đến tận tay mình mà bảo: "Ai cần trước tiêu trước, bao giờ ông có ông trả tôi sau". Nhưng nếu mình lại ăn ở quắt quéo, gian lận thì họ chỉ thiệt một nửa xu thôi cũng có thể kêu ca hàng tháng trời, cũng có thể gây thù gây oán. Cái dân mình là thế, mà ngay đến mình cũng nghĩ như vậy thôi.
    Tuy Kiền ngồi nghiêng, chống một tay xuống phản, người hơi ngả ra sau, kéo một ống quần lên, khẽ xoa xoa lên lớp da khô mốc:
    - Tôi thì chưa dám hứa với các anh là từ nay về sau sẽ không mắc phải sai lầm nào nữa. Cái tính tôi nó khổ lắm. Hôm nay thì thấm thía như vậy, nhưng đến mai thì không chừng... Đấy, chẳng là ngựa quen dấu cũ mà lại, cho nên các anh phải chịu khó kiểm soát tôi, góp ý kiến với tôi, bất kì việc lớn việc nhỏ.
    Biền nói đùa:
    - Nhưng cái việc mua mấy bao chè thì tự ông cũng có thể giải quyết được rồi.
    Tuy Kiền ngồi ngay lai, bắt đầu nói hăng lên:
    - Thì tôi cũng phải có cái quyền của tôi chừng nào chứ. Nói có các anh, mà các anh ở trong thường vụ đảng ủy, dù thằng Tuy Kiền có phạm sai lầm nghiêm trọng đến đâu, nó cũng không bao giờ rời bỏ cái hợp tác xã này...
    Sĩ liếc nhìn Tuy Kiền tủm tỉm cười:
    - Cũng chỉ mới xin từ chức có vài ba lần thôi.
    - ừ, tức thì nói thế chơi cho bõ tức, chứ dễ gì tôi bỏ được những công việc của tôi. Đấy, xây dựng cái lò ngói này cũng trải qua bao nhiêu gian truân, lận đận, chạy ngược chạy xuôi suốt mấy tháng trời, rồi lò gạch, rồi trạm bơm... Dù rằng những cơ sở ấy là của tập thể, nhưng tôi cũng coi như của cải của tôi, vì công lao của tôi, mồ hôi nước mắt của tôi, cái sướng cái khổ của tôi đều gói ghém vào đấy cả... Nào, xin mời các anh ra đốt lửa!
    ở miệng cái bầu lò đã chất đầy những gốc tre tua tủa những sợi rễ khô cứng, phía dưới làm nòm là những thân ngô đã héo quắt, những bó đóm xếp chồng lên nhau rất đẹp. Tuy Kiền cầm một bó đóm dài lửa cháy rừng rực đưa cho Sĩ, vẻ mặt của ông ta bỗng chốc sáng rực lên vì vui sướng và kiêu hãnh:
    - Xin mời đồng chí bí thư châm lò cho anh em gặp được may mắn!
    Sĩ cầm bó đuốc liếc nhìn mọi người, tươi cười:
    - Xin chúc mẻ ngói đầu của hợp tác xã ta thành công.
    Rồi anh dúi bó lửa vào đống nòm. Những sợi khói nhạt phơ phất bay ra ở miệng lò.
    Mão nhận xét:
    - Cửa bầu hơi hẹp thì phải?
    Người thợ cả đứng đằng sau Mão nói lên:
    - Rộng hẹp không cần ông ạ, bầu lò làm giỏi thì hút lửa vào, làm dở thì hắt lửa ra.
    Biền hỏi nhỏ Tuy Kiền:
    - Ngói vào vạn rưởi phải không?
    Tuy Kiền nói rất to, dõng dạc:
    - Mẻ đầu tiên vào một vạn rưỡi năm trăm ngói lợp và ba trăm ngói úp nóc. Xin nói chắc rằng ngói của Đồng Tiến nhất định phải đẹp hơn ngói của Diên Hồng. Giá thị trường là một trăm hai chục một nghìn, nhưng nếu ngói ta đẹp hơn, bền hơn thì cũng có thể nâng lên chút ít.
    Sĩ quay lại, mặt anh đỏ bừng vì hơi lửa:
    - Lại giở cái giọng buôn bán!
    Tuy Kiền cười xòa:
    - ừ, thì vẫn trăm hai chục một nghìn vậy.
    Mão hỏi:
    -Tối nay có chén bác chén chú gì không đấy?
    Tuy Kiền ra vẻ nghiêm trang, đứng đắn:
    - Phải như mọi khi thì cũng làm một bữa chén ra trò, nhưng bây giờ thì nên tùng tiệm.
    Biền cười ầm lên:
    - Ông lại khắt khe hơn cả tôi rồi!
    Tuy Kiền cũng cười:
    - Thế vẫn làm cho nhé, nhưng để đến lúc ra ngói thì tốt hơn. Một nồi cháo gà ăn tối thôi. Hừ, không phải địa phương chủ nghĩa đâu chứ lượt ngói này nhất định đỏ roi rói, có trải lên sân mà chạy qua cũng không thể vỡ hòn nào. Tôi nói sai cứ đem đầu tôi mà chặt... Thật đấy, tôi cho chặt!
    31-7-1963
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  3. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Người Mơ Mộng
    I​
    Cứ nghĩ đến anh Q. thương thì rất thương nhưng vẫn giận. Thật ra thì thương nhiều hơn giận. Chúng tôi quen biết nhau từ năm 1947. Anh là trung đội trưởng, tôi là chiến sĩ trung đội tự vệ chiến đấu thị xã Hưng Yên. Năm ấy anh vừa tròn hai mươi tuổi, hăng hái, thông minh, học lực cũng hơn người. Lại là những năm đầu của cách mạng, nhân tài còn hiếm, công việc rất nhiều. Với một người có chí cao xa thì không thiếu gì cơ hội để bay nhẩy, để đạt tới cái sở nguyện của mình. Mà anh Q. lại là người rất có chí. Anh vẫn thường nói với bọn tôi rằng, anh muốn trở thành một người chỉ huy quân sự xuất sắc như Nã Phá Luân, hoặc ít ra cũng là một nhà văn có tên tuổi như những người trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Đại khái là muốn trở thành một người có tiếng tăm, một nhân vật được xã hội tôn trọng hơn cả mọi người. Tôi chưa bao giờ tin anh Q. có thể trở thành một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc nhưng tôi tin anh có thể trở thành một người viết văn. Vì anh có tấm lòng, có học vấn và cũng từng trải hơn bọn chúng tôi. Năm ấy sách báo đã rất ít lại khó kiếm nhưng anh vẫn đọc nhiều, anh đọc sách tiếng Pháp mượn được hoặc xin được của những gia đình trong thị xã. Và anh viết. Đêm nào anh cũng ngồi bên cây đèn hí hoáy viết rất khuya. Anh ghi nhật ký, anh viết các mẩu chuyện, đôi lúc anh cũng có đọc cho chúng tôi nghe. Tất nhiên là rất hay rồi. Đó là chuyện của chúng tôi được thuật lại bằng những câu văn hết sức bóng bẩy. Rồi trung đội tôi cũng có một tờ báo tường. Tôi là người nhận bài của anh em và trình bày lại trên một tờ giấy khổ rộng. Anh Q. là người hướng dẫn đề tài, dạy cách viết các thể văn và duyệt chữa các bài báo đó. Nhưng anh không viết. Anh khuyến khích chúng tôi viết nhưng chưa bao giờ anh viết cho tờ báo của trung đội. Ngay đến tòa soạn của tờ báo trên tỉnh đội yêu cầu anh viết bài, anh cũng từ chối. Anh còn đang viết dở một cuốn tiểu thuyết miêu tả những hoạt động bí mật của nhóm thanh niên cứu quốc trước ngày khởi nghĩa. Một cuốn tiểu thuyết dày khoảng hai trăm trang, anh nói thế. Giấy trắng chúng tôi thu được trong các hòm tủ của nhà đoan (*) tỉnh phải xếp nửa gian nhà, nhiệm vụ của trung đội là bảo vệ một thị xã đã tiêu thổ kháng chiến, không thể nói là khó nhọc, lại có vốn sống, lại biết cách viết, viết mãi cũng được chứ nói gì chỉ viết có hai trăm trang.
    Dẫu rằng những quan niệm của anh ngày ấy về một cuốn tiểu thuyết hay vừa non nớt vừa buồn cười. Nhưng tước bỏ những cái non nớt và buồn cười đó thì vẫn còn lại một ý định rất tốt đẹp: muốn làm một việc quan trọng mình chưa từng làm, muốn vươn tới một cái đích cao hơn, xa hơn tầm tay khi ấy. Không có một ý định táo bạo, lãng mạn, con người ta khó mà bắt đầu một công việc nào có ý nghĩa quyết định đối với đời mình.
    II​
    Cuối năm 1947, tôi đi học lớp y tá rồi về công tác tại phòng thuốc của tỉnh đội. Anh Q. cũng được điều động về một đại đội khác hoạt động trong mấy huyện bám theo quốc lộ 5. Mỗi lần anh về tỉnh họp đều có sang chơi với tôi bên phòng thuốc. Anh phải bỏ dở cuốn tiểu thuyết đang viết vì không có thời giờ, nhưng vẫn ghi chép rất đều đặn. Còn tôi đã là chủ bút của một tờ nội san, mỗi tháng ra một kỳ, chuyền tay cho các bệnh nhân đọc. Anh em chữa bệnh tuy có tham gia viết bài nhưng rất ít. Muốn đảm bảo số báo ra được đều kỳ tôi phải viết gần như hầu hết với các tên ký khác nhau. Từ bài giải đáp và hướng dẫn cách điều trị các loại bệnh thông thường, cách sơ cứu các vết thương đến truyện ngắn chiến đấu (do anh em bệnh nhân kể lại), mẩu chuyện sinh hoạt và cả mục vui cười. Đại loại trên báo Vui Sống có những mục gì, cách viết ra sao, tôi đều sao chép lại, tất nhiên là có thay đổi ít nhiều cho phù hợp với nội dung và khuôn khổ tờ báo chúng tôi. Rồi tôi viết bài cho tờ báo của tỉnh đội, cho báo của Ty Thông tin, thoạt đầu là tin tức, sau là các mẩu chuyện hoặc ngắn hoặc dài. Cũng có bài được đăng nhưng nhiều bài gửi đi đến thư của tòa soạn trả lời cũng không có. Nhưng tôi không nản, không xấu hổ mà cũng chẳng thất vọng. Vì tôi chưa từng đặt ra cho mình một dự định to tát nào. Có lần anh Q. vừa gặp tôi đã hỏi bài ấy bài nọ có phải do tôi viết không. Khi biết là do tôi viết thật, anh rất ngạc nhiên : "Cậu viết như thế mà người ta cũng in cho nhỉ ?" Theo sự nhận xét của anh, bài viết của tôi chưa thể gọi là văn chương được, đọc thì vui nhưng còn đơn giản quá. Rồi anh kết luận : "Kể ra đăng báo thì cũng được, chứ viết thành sách còn phải tốn công phu lắm".
    Năm 1949 tôi rời nghề y chuyển về Ban Chính trị của tỉnh đội làm báo. Tôi đã được cấp trên và anh em trong tòa soạn công nhận là người có khả năng viết, dẫu còn non nớt nhưng rồi ra vẫn có thể viết được. Giữa năm đồng chí thư ký toà soạn và cũng là người viết chủ chốt xin ra ngoài để được tiếp tục học văn hóa. Thế là tôi trở thành một cây bút quan trọng, tung hoành ngang dọc quá nửa số trang. Cuối năm tôi lại viết được ba truyện ngắn, in thành một tập, dẫu là in đá nhưng vẫn được in một tập riêng, có tên tôi ở ngoài bìa. Khi anh Q. gặp tôi, anh nói đùa ngay : "Thế là mày đã trở thành nhà văn rồi !" Tôi trả lời ngượng nghịu: "Nhà văn phải là anh chứ, tôi bì sao được". Anh cười rất hồn nhiên : "Còn thời gian, hả ? Đời còn dài, hả ? Rồi thì..."
    Năm ấy anh Q. mới hai mươi hai tuổi.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .

    Được gio_mua_dong sửa chữa / chuyển vào 18:11 ngày 25/04/2003
  4. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    III​
    Năm 1952, tình cờ thế nào anh Q. và tôi lại là học viên một khóa học chính trị do trường của Liên khu mở. Chúng tôi đều là cán bộ cấp đại đội, anh cũ tôi mới nhưng vẫn là cùng một cấp. Cán bộ quân sự ở dưới đơn vị chiến đấu mà ba năm chưa lên được một cấp là chậm, là không được xuất sắc, là bình thường, tôi nghĩ thế. Anh Q. vẫn rất trẻ, vẫn hăng hái, khi trò chuyện cùng nhau anh càng không khác trước là mấy. Chúng tôi lại nói chuyện văn chương. Năm này có khác với những năm trước, sách vở, báo chí của Trung ương, của Liên khu in ra rất nhiều. Anh Q. đọc cũng nhiều nhưng anh vẫn chê. Anh chê văn chương kém cỏi, không lôi cuốn người đọc như văn chương hồi trước cách mạng. Tất nhiên tôi không thể đồng ý với anh dễ dàng như xưa nữa. Tôi đã trưởng thành còn anh thì vẫn thơ ngây, vẫn nông nổi như ngày nào tôi mới gặp. Nói chuyện quân sự thì tôi chịu, biết là anh nói không đúng nhưng tôi không thể cãi. Còn bàn chuyện văn chương thì khác, tôi có thể tranh luận với anh đến cùng. Đến ngày chia tay, tôi có mời anh viết bài cho tờ báo của Liên khu. Anh ậm ừ chẳng ra nhận chẳng ra không, rồi anh bảo thẳng : "Các cậu viết lách bây giờ theo một kiểu cách khác, mình lại theo một kiểu cách khác, sợ rằng các cậu..." Tôi vội vàng nói để anh yên tâm : "Tôi vẫn biết thưởng thức văn của anh, tôi sẽ biết đánh giá đúng".
    Cách vài tháng, một cán bộ ở trung đoàn anh Q. lên họp, đưa tận tay tôi một phong bì lớn, nói là của anh Q. gửi. Tôi mừng rỡ bóc vội ra xem. Anh Q. đã giữ lời hứa, anh gửi cho chúng tôi một truyện vừa. Bản thảo viết trên giấy vở học trò, viết một mặt trang, chữ rất đều và rõ, đánh số đến trang bốn mươi sáu. Tôi đem truyện của anh đến ngồi nhờ một gian chùa rất tĩnh mịch, đốt một điếu thuốc, muốn tận hưởng một áng văn của một người bạn tôi vốn tin, tôi vẫn tin có một tài văn chắc cũng hơn người. Tôi đọc trang đầu, trang thứ hai, rồi trang thứ mười, rồi trang ba mươi, đọc liền một mạch đến tận dòng cuối của trang bốn mươi sáu. Sau đó tôi ngồi im lặng, ngồi rất lâu, đọc lại một lần nữa, đọc thật chậm, nhiều đoạn đọc đến hai ba lượt. Tôi muốn kêu một tiếng thật to, nhưng cuống họng đã nghẹn thắt vì bực dọc, vì đau đớn, vì xấu hổ, vì những gì gì nữa mà tôi chưa thể hiểu hết. Một hy vọng đã tan vỡ, một hình ảnh đã tan vỡ, một tình bạn đã tan vỡ. Rút lại anh Q. chỉ là một anh chàng rất cũ kỹ và tầm thường. Đọc văn anh tôi biết anh đã viết bằng tất cả những gì anh có thể có, chỉ vì những cái anh có vốn rất tầm thường nên hóa ra một áng văn chương quá tầm thường. Anh thuật lại một trận đánh của một đại đội với bao nhiêu tình tiết hồi hộp, rắc rối. Một trận đánh, dầu đọc cho kỹ cũng không thấy bóng dáng người cầm súng dưới tiểu đội, bởi người viết đã dồn hết tâm sức và chữ nghĩa vào sự miêu tả mối tình của một cặp trai gái. Trai là chàng đại đội trưởng. Gái là cô du kích nhưng cũng là em gái tên quận trưởng. Bên tình nhà, bên nợ nước. Rồi lại bên hiếu bên tình. Cuối trận đánh cô du kích chết. Chàng đại đội trưởng bế xác "nàng" chạy thẳng lên một ngọn đồi trồng đầy thông (xin nói thêm, cả tỉnh tôi không có một ngọn đồi nào, lại càng không thể có một quả đồi trồng đầy thông!) Hoàng hôn ! Vẳng xa có tiếng chuông chiều ! Chàng quỳ xuống bên xác "nàng", đặt đầu "nàng" vào lòng mình, ngước mắt nhìn một bầu trời còn đầy khói lửa và lâm râm cầu nguyện. Đành rằng là một câu chuyện được viết vào thời này, có bộ đội và du kích, có người yêu nước và kẻ bán nước, có súng bắn, có người chết nhưng sao mà giống hệt một cuốn tiểu thuyết nào đó của một thời xa xưa nào đó. Giống ở giọng văn, giống ở dáng dấp nhân vật, giống cả đến cách nghĩ, cách khóc, cách cười. Anh xa cách chúng tôi nhiều quá, anh Q. ơi ! Anh là người cùng thời với bọn tôi mà sao đã xa xôi làm vậy ! Chỉ trong phạm vi văn chương mà nói, chỉ riêng trong cái phạm vi nhỏ hẹp đó thôi, cái thuở ban đầu của anh đã kéo quá dài, sự thơ ngây, sự lầm lẫn trong anh đã kéo quá dài. Bởi vì anh không hành động! Anh chỉ mơ mộng mà không chuẩn bị. Lại không chịu chuẩn bị từ những cái vặt vãnh, nhỏ nhoi và rất dễ buồn cười. Anh ôm ấp một giấc mộng quá lớn, lớn hơn anh nhiều nhưng lại không chịu lớn lên theo trong quá trình tập dượt. Nói cho đúng, anh vẫn chưa ý thức được rằng: dầu một việc dễ như là viết văn cũng vẫn cần có sự tập dượt.
    IV​
    Sau cuộc kháng chiến chống Pháp tôi không được gặp anh Q. nữa. Anh đi đâu, làm gì tôi cũng không được biết. Có điều chắc chắn là anh đã từ giã cái mộng văn chương. Bởi nếu anh viết thì tôi đã được đọc. Năm 1973 tôi về công tác tại tỉnh N., đang đạp xe giữa phố bất chợt nghe có tiếng gọi: "K. !" Tôi xuống xe quay mặt lại, một người nào đó đứng sững ở hè đường chăm chú nhìn tôi. Có phải người này vừa gọi tôi không ? Ông ta là ai ? Tôi dắt xe bước lại thong thả, trong bụng càng hồ nghi, rồi bất chợt tôi hét lên: "Anh Q. !" Lúc ấy người kia mới nhếch mép cười. Đúng là nét mặt của anh Q. Anh Q. nắm lấy bàn tay tôi, nói nhỏ: "Tao nghĩ mày phải quên tao rồi". Tóc anh đã bạc cả, nhưng dáng dấp anh còn già hơn cả mớ tóc bạc. Phải hơn năm mươi rồi, tôi thoáng nghĩ. Làm gì đến ! Anh hơn tôi có ba tuổi, năm nay mới có bốn mươi sáu. Chao ôi ! mới bốn mươi sáu tuổi mà sao đã hom hem, mệt mỏi làm vậy ? Tối hôm ấy anh kéo tôi về nhà ăn cơm với vợ chồng anh. Anh chị lấy nhau từ năm 55, đều công tác trong nhà máy, có ba cháu, cô con gái lớn đã mười bảy. Tôi rất mê gian buồng nhỏ mà vợ con dành riêng cho anh đọc sách và làm việc. Trang nhã quá, thoáng mát quá, đến là dễ khêu gợi sự viết lách. Có khi anh vẫn đang viết một cái gì đó cũng nên ? Trong bữa cơm, nhân anh Q. giới thiệu tôi với các cháu, cô gái lớn liền bảo tôi :
    - Thế thì chú phải giúp bố cháu với. Bố cháu viết rất nhiều nhưng chưa bao giờ được in cả.
    Tôi nhìn anh Q. cười :
    - Nhưng bố cháu có chịu đưa cho ai đọc đâu.
    Anh Q. cũng cười :
    - Văn của tao khác, văn của chú mày khác. Chú mày không thích văn tao.
    Tôi chỉ cười rồi hỏi lảng sang chuyện khác :
    - Trong ba cháu có cháu nào thích theo đuổi sự nghiệp văn chương không ?
    Anh Q. phàn nàn ngay :
    - Chúng nó thì có biết nghĩ ngợi chuyện gì cho đúng đắn! Ham thích tất cả mà hóa ra chẳng ham thích một cái gì.
    Bà mẹ bênh con :
    - Chuyện ! Mới có tí tuổi đầu !
    Anh Q. nói rất to :
    - Tôi thì sao ? Mới lên chín lên mười tôi đã có cái chí của tôi rồi.
    Cô con gái quay sang chất vấn bố :
    - Thì bố đã làm được gì nào ?
    Bà mẹ quát con gái :
    - Mày không được nói hỗn !
    Sau bữa cơm, anh Q. ngồi bần thần như bực tức chuyện gì đó. Chị Q. liền phân trần với tôi :
    - Anh ấy cứ bảo chúng nó là quân vô dụng, lớn lên rồi chẳng làm được trò nghề gì. Lớn lên thì chưa biết thế nào thật, nhưng trong cái nhà này không việc gì khỏi tay mấy đứa cả. Chú tính, giá sách, bàn học, chạn bát, ghế ngồi ăn cơm, một tay thằng thứ hai đóng lấy hết. Nó chỉ nhìn người ta làm có vài lượt là nó làm theo được ngay. Chẳng đẹp được bằng thợ đóng nhưng được cái không mất tiền mua. Thế cũng là sáng dạ khéo tay lắm, phải không chú ? Còn con chị, cơm nước, giặt giũ, khâu vá, việc này việc kia một mình nó quán xuyến cả. Tôi thì theo ca theo kíp trong nhà máy. Anh ấy tuy làm việc theo giờ hành chính nhưng về nhà có mó tay vào một việc gì! Đến bảo con cũng không biết đằng bảo. Nói chuyện trong nhà chú đừng cười, chứ đâu lại có người vụng đến thế. Làm gì hỏng nấy, mó đâu đổ vỡ đấy, chỉ được cái chịu khó đọc sách, chịu khó viết. Viết những gì chẳng biết, viết từ cái thuở mới lấy nhau cho đến tận hôm nay vẫn chửa xong.
    Anh Q. nhìn tôi cười ngượng nghịu :
    - Bây giờ đến vợ con cũng chê mình là đần là vụng. Thế là hết cách rồi đấy !
    Đời anh thế mà sướng, anh Q. ạ ! Người khác làm còn anh thì đứng ngoài chê trách. Họ không vì sự chê trách của anh mà không làm. Còn anh không vì biết chê người mà làm được hay hơn. Bây giờ anh đã ngót năm chục tuổi đầu rồi, nói một cách bi quan thì đã một chân trong mồ rồi, mà vẫn chưa làm được một việc nào để người khác khen. Vì anh vẫn vụng dại, vẫn thơ ngây như ngày còn non trẻ. Anh có định làm lại cuộc đời anh không ? Tôi tin rằng anh không thể làm lại. Bởi muốn làm lại thời phải biết bắt đầu từ những việc làm tầm thường nhất. Phải dám để mọi người cười mình một chút. Thì sự khởi đầu nào mà không gian truân, không khổ ải ? Không ! Anh không thể làm lại ! Anh không có gan phơi bày những chỗ yếu kém, non nớt của mình. Anh không chịu được sự chỉ trích. Thế thì anh cứ tiếp tục mơ mộng đi, anh Q. ạ. Bởi một người mơ mộng vẫn có quyền báo thù thiên hạ bằng sự tự hứa : "Ta mà ra tay thì phải biết ! Phải biết !".
    1974
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .

    Được gio_mua_dong sửa chữa / chuyển vào 14:21 ngày 07/05/2003
  5. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Một Trường Hợp Ly Dị ​
    Khi nghe anh P. báo tin cho tôi biết vợ chồng anh đã ly dị tôi không dám tin ở tai mình nữa. Cho nên tôi mới ngơ ngác hỏi lại : "Ai ? Vợ chồng nhà ai ?". Anh nhìn tôi, mỉm cười rất buồn : "Vợ chồng tôi. Chúng tôi đã sống xa nhau hai năm rồi". Tất nhiên là anh không nói đùa. Xưa nay anh vốn đã không biết nói đùa. Anh còn hay phóng đại những sự việc nhỏ nhặt nhất thành ra quan trọng. Vả lại nom anh cũng rất tiều tụy, với một người hay nghĩ ngợi nông sâu như anh nay lại rơi vào một hoàn cảnh đến người vô tâm nhất cũng không thể ngủ trọn mỗi đêm, nghĩ mà tội nghiệp cho anh quá. Tôi hỏi anh rất nhỏ :
    - Còn hai cháu ?
    - Con Thu ở với mẹ, còn thằng Dũng thì ở với tôi.
    Tôi suýt kêu lên : "Anh mà xa được cái Thu à ? Anh mà...", tôi không kêu nhưng nước mắt đã ứa ra. Tôi biết anh yêu con bé lắm. Có lần anh bảo tôi : "Con bé vẫn ăn vẫn chơi mà tôi đã biết nó sắp ươn người rồi. Tôi không sờ trán nó mà tôi vẫn biết, tôi biết bằng da thịt của chính tôi". Anh chăm con bé còn hơn cả mẹ nó. Hơn tất cả những người bố trên đời này. Một tối tôi đến chơi nhà anh, lại đúng vào tối con bé đang ho. Thì cái trò trẻ con ngày vẫn ăn chơi, tối đến hu hi ấm đầu cũng là lẽ thường. Nó ho, nó sốt rồi nó quấy, có gì là quan trọng. Nhưng với anh P. thì con bé chốc chốc lại ho một tiếng là chuyện hoàn toàn không bình thường. Ngồi tiếp chuyện với tôi nhưng mắt anh vẫn đảo sang phía con bé, mà nó vẫn hò hét, vẫn cười đùa chứ đã sốt sắng gì đâu, chốc chốc lại bảo vợ : "Em sờ trán con xem !", "Em phải luồn tay vào lưng nó mới biết được là sốt hay không sốt". Cứ thế, cứ thế. Rồi anh đứng lên, anh ngồi xuống, rồi lấy thuốc ho, rồi hòa thuốc kháng sinh với mật ong để lau họng, rồi... rồi... như một người gàn dở. Vì tôi đã biết tính anh, biết là anh yêu con quá, yêu đến mụ mẫm, chứ người mới quen biết có thể nghĩ lầm là anh chàng muốn đuổi khéo khách.
    Mỗi lần lên Hà Nội họp, anh thường nghỉ đêm tại nhà tôi. Chỉ ngủ chứ không ăn. Mời được anh ăn một bữa cơm gia đình thật khó. Anh ngại vợ chồng bạn bận. Nhà ai chả thế, người lớn đi làm, trẻ con ở nhà nấu nướng nhăng nhít được sao ăn vậy nhưng không thể mời khách. Có khách thì phải chợ búa, phải nấu nướng cho ra một bữa cơm. Cho nên anh ngại ăn cơm nhà bạn bè. Đêm nằm với nhau anh không nói chuyện gì khác ngoài chuyện các con anh. Theo sự nhận xét đã rất vô tư của anh, thì thằng Dũng nhà anh thông minh hơn tất cả đám trẻ con cùng lứa tuổi. Nó đọc rất nhiều, kể cả sách báo của người lớn và văn của nó bao giờ cũng được cô giáo cho điểm cao. Anh bảo tôi : "Tôi đọc các bài văn của nó tôi biết, nó có những nhận xét đến là bất ngờ. Thằng ấy có năng khiếu văn chương đấy !". Rồi anh phàn nàn một cách hãnh diện : "Tôi thì thích nó giỏi về khoa học tự nhiên, nghề nghiệp, cuộc sống sau này dễ ổn định. Chứ làm anh nhà văn thì vất vả, công phu lắm". Nhưng chỉ khi anh nói về em gái nó, về cái Thu, thì mới thật là một ông bố khác thường. Tôi cũng có con, trai có gái có, nhưng tôi chưa yêu một đứa nào đến say đắm, đến lo sợ như anh yêu đứa con gái của anh. Mỗi lần đi đâu xa anh lo cho con bé đủ thứ. Anh hình dung ra đủ mọi chuyện không may có thể đến với nó trong mấy ngày anh vắng mặt, toàn những trường hợp có thể chết người trong nháy mắt. Thế mà bây giờ anh phải xa nó, xa cái con bé mà anh yêu thương nhất mực ấy, không phải trong vài ngày, trong vài tháng mà là xa mãi mãi. Tôi hỏi anh, hỏi rất rụt rè, vì không thể không hỏi tin tức cái Thu mà chính tôi cũng rất yêu nó :
    - Con bé vẫn khỏe chứ ?
    - Cháu vẫn khỏe - anh ngừng một lát rồi nói tiếp - đến hơn tháng nay tôi không nhận được tin của cháu, không gặp ai ở dưới ấy nên không hỏi được tin tức.
    Từ sau ngày ly dị, anh vẫn công tác ở ủy ban hành chính tỉnh, còn vợ anh đem con về quê, công tác tại phòng giáo dục huyện. Mỗi lần có người dưới huyện lên họp, anh đều chạy đến hỏi tin con. Người ta ngồi họp ở bên trong, anh cứ đi lại bồn chồn ở ngoài như một kẻ mất hồn. Người kia vừa bước ra khỏi phòng họp là anh chạy nhào tới, vừa thở vửa hỏi : "Cái Thu nó khỏe chứ, anh ?" Anh khoe con bé đã biết đọc báo, đọc được cả thư của bố, tức là nó đọc thạo cả chữ in lẫn chữ viết. "Con ấy rồi cũng thông minh lắm, mà đến là ngoan". Anh nói bằng cái giọng vừa khoe khoang vừa than tiếc. Nó vốn là của anh, là con của anh, là đứa con anh cưng nhất, nhưng nay đã thuộc về người khác, mai kia còn là của những người khác, một người mà anh đã biết là mẹ của nó, và một người nào nữa mà anh chưa được biết. Chắc chắn cái người đó rồi cũng sẽ tới, nhưng hiện nay thì mới là sự dò đoán phấp phỏng. Anh có dám thú nhận rằng trong lúc này hình như anh có ý tiếc cả hai không ?
    - Thỉnh thoảng cũng phải cho anh em nó gặp nhau chứ? Tôi hỏi anh.
    Mỗi năm vào dịp nghỉ hè và giáp Tết, bà mẹ lại dắt thằng lớn xuống chỗ mẹ nó cho mẹ con anh em gặp nhau. Xưa nay nhà ấy mẹ chồng nàng dâu ăn ở với nhau hết sức hòa thuận. Bà cụ không có con gái nên coi con dâu như con đẻ. Con dâu đi làm, mẹ chồng ở nhà nấu nước gội đầu, trưa con về mẹ ngồi quạt cho con khô mồ hôi rồi mới cho ra gội. Dâu đẻ, thôi thì tã lót của con, quần áo của mẹ mỗi ngày giặt một chậu đầy, giặt cho con khỏi nhúng tay vào nước lạnh suốt hai tháng kiêng cữ. Mười năm ăn ở với nhau, con dâu chỉ phàn nàn về mẹ chồng có mấy chuyện : không chịu mặc áo mới, không chịu uống rượu thuốc mỗi tối trước khi đi nằm, không chịu xem hát, xem chiếu bóng để mở mang kiến thức. Viết ra cứ như người cố ý tô vẽ để cảnh li biệt về sau càng thêm vẻ lâm ly, nhưng quả thật là đúng như vậy. Lần nào đi thăm con dâu và cháu gái về mắt bà cụ cũng sưng đỏ vì khóc. Không dám khóc trước mặt con trai sợ con buồn mà cũng không dám khuyên chúng nó nên nghĩ lại mà về ở với nhau vì cách cư xử của bà cụ với các con hết sức mới mẻ.
    Theo như lời anh P. thì từ ngày vợ chồng anh xa nhau, anh chưa lần nào được gặp lại con gái. Chuyện khó tin quá! Với anh P. lại càng khó tin ! Thế mới biết trong mỗi quyết định của con người ta cũng đến lắm điều bí ẩn. Theo luận lý thì không thể xảy ra, vậy mà vẫn cứ xảy ra. Nghĩ lại những buổi tối tôi đến chơi nhà anh, ai mà tin được rồi có ngày họ phải chia lìa, mà là tự họ cả, tự ở vợ chồng họ cả. tại sao tự họ lại nỡ gây ra chuyện thương tâm đó ? Anh P. không nói, anh không nói một câu nào hoặc xa hoặc gần để tôi có thể hiểu được, dẫu là mơ hồ, do đâu mà hai vợ chồng anh, cả hai người đều có đủ sự tàn nhẫn chôn sống lẫn nhau và chôn sống mỗi bên một đứa con của mình.
    Vì anh P. không nói nên tôi không dám hỏi. Dầu không hỏi nhưng tôi cũng đoán biết chắc phải có những nguyên cớ quan trọng. Chắc chắn trong cái gia đình ấy đã có người phản bội, có người không trung thành. Nếu vậy thì trong cảnh chia biệt này chỉ có một bên đau khổ, một người đau khổ. Một người sẽ phải gánh lấy toàn bộ sự bất hạnh của một gia đình phân ly. Cái con người khốn khổ ấy tất phải là anh P. Anh vốn là người khiêm tốn, khiêm tốn trong cách cư xử với bạn bè và khiêm tốn trong cả an hưởng hạnh phúc. ấy chỉ là sự phỏng đoán của tôi về cái trường hợp không may của anh, dựa theo tính cách của anh, chứ nào đã có bằng chứng gì.
    Sang đêm thứ hai thì anh đã không thể không nói về người đàn bà, về các bà vợ. Anh than thở về sự khó tính khó nết của họ, về sự tức giận bất thường, và nhất là cái tham vọng của họ muốn là người chủ duy nhất, người ra lệnh duy nhất. Tuyệt nhiên anh không đả động gì đến sự phản bội, sự không trung thành của người này hay kẻ kia. Mà anh thâu góp được ở đâu đến là lắm chuyện kỳ quái về những người đàn ông "nô lệ". Toàn những chuyện có thật cả, anh thề với tôi như thế, chuyện của hàng xóm láng giềng, của bè bạn, của người trong họ, những chuyện mắt thấy tai nghe hẳn hoi. Anh dẫn giải : "Chẳng qua là do người đàn ông sợ sự phiền hà, sợ trong gia đình có người to tiếng, sợ hàng xóm đặt điều, sợ cả con cái sẽ hiểu nhầm cha mẹ, nên cứ nhịn đi. Nhịn một tí cho nhà cửa được yên ấm, nhịn một tí cho khỏi có những chuyện rầy rà. Nhịn mãi thành quen. Còn "cái người kia" khi đã thắng cuộc một lần rồi thời không thể chịu thua lần khác, cứ lấn mãi. Vẫn là chuyện của nhà khác, của người khác. Thì ra ở trên đời này cũng có lắm người bất hạnh, riêng một ai đâu, một trường hợp nào đâu, anh nghĩ như thế chăng ? Anh tự an ủi bằng những chuyện tương tự của những cặp vợ chồng khác chăng?
    Rồi một đêm anh P. nói với tôi đầu đuôi câu chuyện đã khiến vợ chồng anh không thể chung sống với nhau được nữa. Thoạt nghe tôi không thể tin. Vì nó đơn giản quá. Chả nhẽ chỉ có thế mà họ nỡ xa nhau, làm khổ nhau và làm khổ cả con cái. Nhưng quả là thế. Chỉ có thế ! Vì là chỉ có thế nên tấn bi kịch của gia đình anh đã làm tôi sợ hãi. Tôi sợ hãi cho chính tôi, cho tất cả các bạn tôi, vì chúng tôi, thú thật, đã nhiều lúc đứng chênh vênh ở cái điểm nguy hiểm đó. Nếu cả hai người đều tỉnh táo thì chẳng có chuyện gì xảy ra hết, sẽ là một chuyện va chạm vặt như trăm ngàn lần khác. Sẽ là một ngày bình thường như những ngày qua, những tháng qua, những năm qua. Nhưng chỉ cần khác đi một chút thì sẽ là điểm mở đầu của mọi thứ tai họa. Anh nói về vợ chồng anh, những chuyện thường tình giữa vợ chồng anh mà tôi nghĩ ngay đến vợ chồng tôi, cuộc sống gia đình chúng tôi. Tôi rất tin ở câu chuyện anh đã kể, anh P. ạ. Tôi tin cả những chi tiết lặt vặt, những lời lẽ đối đáp vô nghĩa lý của những lần cãi cọ rất tủn mủn của một cặp vợ chồng mà ai cũng nghĩ là họ đang sống với nhau hết sức hạnh phúc. Thật ra là chẳng có gì cả. thật ra tất cả các cặp vợ chồng trên thế gian này đều đã có lúc nói với nhau đúng như thế. Anh đang có chuyện rất bực mình. Một chuyện bực mình với một người nào đó trong cơ quan anh chẳng hạn. Anh đã đem cái bộ mặt cau có của anh về nhà, phơi bày nó ra giữa những bộ mặt hồn nhiên vô tư khác. Tất nhiên những người khác cảm thấy có trách nhiệm hoặc xa hoặc gần với cái bộ mặt u ám của anh. Bà mẹ ra vào lặng lẽ. Các con ngồi đứng khép nép đưa mắt nhìn nhau. Còn anh, anh vẫn ngồi nghiêm nghị, chìm đắm trong một cuộc tranh cãi tưởng tượng nào đó. Anh thì không chú ý đến họ, nhưng họ lại phải chú ý đến anh. Vì cái vui cái buồn của nhóm người bé nhỏ này lại phụ thuộc vào chỉ có anh. Nếu anh không vui tức là họ có lỗi, một người nào đó trong bọn họ đã có lỗi. Rồi vợ anh đi làm về. Chị lại đang vui. Chị đang có một chuyện rất vui, hoặc chỉ là niềm vui tự nhiên của một người mẹ, người vợ sau giờ làm việc lại được trở về sum họp với gia đình. Chị bước vào nhà với bộ mặt rất tươi cười, với ý định sẽ hỏi chồng một câu này, hỏi các con một câu kia. Nhưng... kìa... bà mẹ lặng lẽ ngước mắt nhìn con dâu. Các con lặng lẽ đưa mắt nhìn mẹ rồi lại liếc trộm sang nhìn bố. Còn chồng chị ngồi tư lự, cau có như hiện thân của tai họa. Thế là chị thấy cần phải làm cho ra nhẽ ngay lập tức. Vì chị cũng là người chủ, có khi lại là người chủ duy nhất có quyền hành :
    - Trong nhà có chuyện gì thế ?
    Chị hỏi bâng quơ nhưng không ai trả lời cả. Chị liền quay sang hỏi mẹ :
    - Có chuyện gì thế, mẹ ?
    Bà mẹ nói nhỏ :
    - Cũng chả biết nữa.
    Chị quát các con :
    - Chúng mày làm sao lại ngồi như bụt mọc thế, hử ?
    Chúng nó nhìn nhau mếu máo. Thì chúng làm gì nên tội. Chỉ cần như thế thôi đã đủ cho chị tức điên lên rồi. à, ra thế ! Tôi róc xương sẻ thịt vì chồng con mà nào có dám đòi hỏi chồng con phải bù trả lại. Tôi chỉ xin các người một bộ mặt tươi tỉnh, một lời nói ngọt ngào mỗi khi tôi đi làm về, để tôi được hởi lòng hởi dạ tí chút, rồi tôi lại tiếp tục hầu hạ các người. Tôi chỉ cần có thế thôi mà cũng không được. Cái thân tôi nó khốn nạn thế, nó vất vả thế ! Nào ! Các người còn muốn hành hạ tôi đến thế nào nữa ? Hả ? Hả? Hả ? Máu dồn lên mặt chị nóng bừng, chị ném nón, vứt làn, gầm gào như con thú bị thương. Chính lúc đó là cả gia đình nằm chênh vênh trên cái điểm nguy hiểm. Hoặc là thế này hoặc là thế kia. Nếu trong cái lần đó, anh quay mặt lại, nói một cách thản nhiên nhất : "Em tính, anh với cậu X.. chơi với nhau thân là thế mà bỗng dưng..." hoặc "Đầu óc mình dạo này nó thế nào ấy, tính toán cẩn thận thế mà vẫn..." Đại khái anh phải nói rõ cái nguyên do đã khiến anh có cái bộ mặt không vui cho vợ con cùng biết, là do anh với một người nào khác chứ không có liên quan gì tới những người mà anh vốn hết sức yêu chiều. Nói xong mà vợ anh nín lặng, tức là cơn giận đã dịu một nửa. Lúc ấy anh sẽ nói thêm : "Có thế mà mẹ chúng mày làm tao hết hồn". Rồi anh cười, một cái cười khô khan, gượng gạo cũng vẫn được. Thế là các con anh sẽ lập tức cười theo, mẹ anh cũng cười theo, có thể bà cụ sẽ nói thêm : "Có vậy mà anh không nói cho rõ ra để trẻ nó khỏi lo". Vợ anh tất nhiên đã hết giận rồi nhưng chị vẫn nói già : "Đi làm về đã mệt chết người, nhìn bộ mặt đưa đám sao mà nó khổ thế..." Lập tức anh phải đứng dậy xăng xở quát hét các con : "Chúng mày dọn cơm để bà với mẹ xơi rồi mẹ còn nghỉ !" Vợ anh sẽ lườm anh : "Nghỉ, từ ngày tôi về làm tôi tớ cho cái nhà này nào đã được ngả lưng nghỉ trưa một lần nào ?" Một đứa con nào đó khôn ngoan hơn những đứa khác, nịnh mẹ một câu : "Thì mẹ cứ nghỉ, mọi việc chúng con đã làm cả rồi..." Bà mẹ vẫn quát nhưng đã chứa chan bao nhiêu tự hào, bao nhiêu hy sinh : "Làm ! Làm thì ít bày biện thì nhiều. Tôi cứ làm rốn lại gọn". Sau đó là một bữa cơm ngon lành, một bữa cơm của một gia đình hạnh phúc. Bà mẹ kể chuyện hàng xóm, các con kể chuyện nhà trường, người vợ nói chuyện mua bán. Còn anh ? Anh lại ung dung nhai thong thả từng miếng cơm, trả lời với con, mỉm cười với vợ và đã quên phắt đi cái sự cãi cọ lặt vặt vừa rồi. Tôi cam đoan rằng có tới chín chục phần trăm gia đình chúng ta đã phải trải qua những cảnh tương tự như vậy. Thoạt tiên là những lý do rất vớ vẩn, rất vô lý, dẫn đến một tình huống căng thẳng đột ngột, những cặp mắt, những bộ mặt đầy giận dữ, căm hờn, những lời nói đau đớn, cay đắng, phụ bạc, rồi một người nào đó trong hai người buông ra một câu lơ lửng thú nhận sự lỗi lầm thuộc về mình, một nụ cười ngượng ngập dàn hòa, những cái lườm, những câu nói mát mẻ nhưng đã ngả sang giai đoạn kết thúc. Cuối cùng vẫn là sự đoàn tụ, là mọi sự vẫn như trước nhưng từng bên đều cảm thấy thấm thía hơn cái hạnh phúc vừa đắng vừa ngọt của cuộc sống gia đình.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  6. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Mối quan hệ vợ chồng anh P. nói cho đúng cũng có khác với nhiều gia đình tôi quen biết. Anh là người quí vợ thương con hơn ai hết, vợ con là niềm vui, nỗi lo từng giờ của anh. Còn vợ anh, ngoài công việc của cơ quan thì chỉ còn biết có hai con và chồng. Cái cung cách cư xử với chồng con của chị còn phần nào hơi cũ, tức là chị quên hẳn cuộc sống riêng của chị, quên hoàn toàn, chỉ quan tâm có những người mình thương yêu nhất. Nhưng với một người vợ, người mẹ tình nguyện hy sinh tất cả cho chồng cho con thì chồng con phải coi chừng ! Bởi họ rất dễ tủi, rất dễ phẫn vì những chuyện chẳng đâu. Và anh P. lại rất hay sơ suất những chuyện chẳng đâu. Anh yêu con tới mức si dại, nhưng lại không hiểu được cái thường tình : vợ của anh, mẹ của hai đứa con, vẫn có thể ghen tị vì sự yêu thương quá đỗi ấy. Có một lần nào đó anh bảo tôi: trong gia đình thì con cái là tất cả, là kỷ niệm, là tình yêu, là tương lai, là hy vọng. Chúng nó là cái ruột còn cha mẹ chỉ là cái vỏ. Con anh ho một tiếng anh lo lắng băn khoăn ra mặt, nhưng vợ anh có kêu nhức đầu, kêu khó ngủ thì anh cũng chỉ hỏi lại rất thờ ơ : "Thế hả ? Em đã đi khám chưa ?" Tất cả cho con cái ! Con cái chúng bé bỏng mới cần sự chăm sóc. Còn người lớn, hơn nữa lại là vợ chồng cần gì phải chú ý tới nhau quá nhiều. Anh nghĩ thế, nghĩ một cách đơn giản và thật thà như thế, nhưng, như anh đã thú nhận với tôi, đó là điều lầm lẫn thứ nhất của anh, là nguồn gốc của những cơn giận dữ bất thường, của "cái tính nết khó chiều của các bà". Nhưng cái điều lầm lẫn quan trọng hơn, cũng vẫn anh nói, là anh tin rằng nếu không có những nguyên nhân quan trọng thì không thể có sự đổ vỡ, không thể có bi kịch trong gia đình. Anh thương vợ quí con, anh ăn tiêu dè sẻn, anh làm việc tốt và có tín nhiệm, anh có những đức tính tốt của mọi người đàn ông tốt. Vợ anh cũng thế, cũng như anh. Vậy thì có gì đáng phải lo ngại. Cũng có lúc nói nhau thế này thế nọ như vốn ghét bỏ nhau, cuối cùng vẫn là sự dàn hòa, sự làm lành, sự thông cảm. Vì, xét cho cùng họ vẫn thương nhau, họ vẫn vì cái hạnh phúc nhỏ bé của gia đình mà vun đắp. Vài ngày một lần va vấp, một tuần một lần va vấp, những sự va vấp hết sức thông thường của mọi cặp vợ chồng. Họ vẫn sống với nhau, vẫn âu yếm nhau, vẫn nuôi dạy con và bàn bạc một cách hãnh diện cái tương lai rất tốt đẹp của chúng nó. Chưa bao giờ anh nghĩ rằng sẽ có ngày anh phải đối mặt với tai họa, dẫu rằng anh là người rất dễ tưởng tượng ra mọi thứ tai họa. Còn vợ anh, như anh vẫn nói với tôi, cô ấy sống rất hồn nhiên, rất chân thật thì lại càng không thể nghĩ được rằng sẽ có lúc mình là một bên gây ra tai họa. Cho đến một hôm...
    Cái hôm đó anh vừa đi công tác dưới huyện về. Mẹ anh đã đến ở với chú em thứ hai từ tháng trước, vợ nó vừa sinh đứa con đầu lòng. Thằng Dũng đi học, cái Thu ra lớp mẫu giáo. Một cái khóa to tướng móc ở cửa phòng. Thế là anh đã bực. Ô hay, nhà ai chẳng thế ! Người lớn đi làm, trẻ con đi học, tất nhiên cửa phải khóa. Nhưng anh lại chưa thể quen với cái cảnh vắng vẻ mỗi lần anh đi công tác hay đi làm về. Vì nhà anh còn có mẹ. Có mẹ ở nhà thì con bé cũng ở nhà với bà nó. Bà đi trước cháu chạy theo sau, dắt xe vào đầu dãy đã thấy bóng bà bóng cháu rồi. Khác đi là bực là khó chịu. Vì sao mà khó chịu ? Vì nó không giống như mọi lần. Có vậy thôi ! Bởi không có chìa mở khóa nên anh cũng không muốn ra lớp đón con bé về, đành cứ tha thẩn ở hè, ở sân chào người này một tiếng, trả lời người kia một câu, mỗi lúc một bực bõ hơn lên. Chợt một người nào đó bảo anh: "Anh đi vắng mấy hôm ở nhà con bé rặt ốm thôi". Anh hỏi lại hoảng hốt : "Thế mẹ cháu đưa cháu đi khám bệnh, hả bác ?", "Mẹ nó đi làm, con bé vẫn đi mẫu giáo". Anh chạy té ra lớp đón con về, cầm tay con, lòng bàn tay cứ nóng rẫy, áp má lên trán con cũng rất nóng. Thế đấy ! Thế đấy ! Con vẫn sốt mà mẹ đã đi làm. Thì ra họ cố tình làm khổ anh, cố tình hành hạ anh. Con bé rất ngoan, nuôi dạy nó nào có gì là vất vả. Chỉ cần để mắt tới nó một chút, lo lắng cho nó một chút. Trời lạnh thì nhớ mặc áo ấm, đêm ngủ con có đạp chăn ra thì nhớ đắp đậy lại. Chỉ có thế mà cũng để cho con bé bị lạnh, con bé ho, con bé sốt. Con sốt mà mẹ vẫn đi làm ! Trời đất ! Đàn bà đâu mà vô tâm quá thế ! Càng nghĩ càng tức. Càng nghĩ càng thấy mình là phải. Lát nữa, được, lát nữa vác mặt về đây tôi sẽ bảo. Tôi sẽ bảo cho cô biết tôi không phải là cái thằng ở của cái nhà này. Đừng có ỷ lại ! Đừng có dựa dẫm ! Nếu không có tôi thì sao ? Không có tôi thì cô để mặc các con hả ? Tôi đã từng nói : con cái là tất cả, con cái...
    Rồi vợ anh về. Chị cũng đang ốm. Người chị vốn gày yếu. Lại thức liền mấy đêm trông con nên mặt chị võ vàng hẳn. Chị tươi cười hỏi chồng :
    - Anh đã về !
    Anh cau mặt nói như gắt :
    - Con bé vẫn sốt đấy !
    Chị vẫn đon đả :
    - Đỡ nhiều rồi anh ạ, giờ chỉ ấm ấm thôi.
    Anh hỏi lạnh nhạt :
    - Cô vẫn gửi con đi làm ?
    - Thì mới có sáng nay, mãi tám, chín giờ em mới đi.
    - Không xin nghỉ phép được hả ?
    - Em đã nghỉ bốn hôm rồi, mà công việc cuối tháng ùn lên nhiều quá.
    - Không có cô, không ai giải quyết được, hả ?
    - Thì việc của mình, ai làm thay được.
    - Quan trọng quá ! Quan trọng hơn cả tính mạng của con cái !
    Chị vốn biết tính chồng nên vẫn nói nhẹ nhàng :
    - Con nó có đỡ em mới dám đi. Cũng phải đảo mắt qua xem có việc gì gấp gáp còn nhờ chị em giúp cho chứ.
    Chị nói thế là rất phải. Nhưng anh vẫn tức. Anh tức là bởi chị đã không theo đúng cái ý muốn tối cao của anh : Tất cả cho con cái! Con cái trên hết ! Chị không đến cơ quan thì việc của chị vẫn có người làm thay. Con bé nhỡ có thế nào thì ai đẻ đền cho họ. Lý của anh là thế nhưng anh không thể nói, vì nói ra chính anh cũng thấy ngượng. Dẫu chồng không nói nhưng vợ vẫn phải hiểu. Có nhiều điều không thể nói cho rõ ràng nhưng đã là vợ chồng thời phải hiểu ý nhau. Suốt bữa cơm anh không hé răng hỏi vợ một câu nào. Con bé ăn cơm vì mẹ về muộn không kịp nấu cháo. Nó ăn được một bát đầy ngon lành. Anh sờ trán con, trán mát. Nó không sốt. Đúng là nó hết sốt thật. Nếu lúc ấy (anh nói với cái vẻ hối tiếc thật sự), nếu lúc ấy anh cười với con bé và nói với nó một câu như anh vẫn thường nói : "Thế là con đã hết sốt rồi, bố đang lo", thì tình hình sẽ khác hẳn. Sẽ như mọi lần, như những lần khác. Vợ anh sẽ nói theo : "Anh đến là hay quan trọng. Trẻ con nó ho, nó sốt thì đã có chuyện gì". Nhưng anh không cười, không nói với con bé cái câu anh thường nói mỗi lần nó khỏi sốt. Anh đã xử sự khác với cái trật tự quen thuộc. Thế là tai họa đã xảy ra đúng vào lúc anh có khả năng thoát khỏi một cách dễ dàng nhất. Sau bữa cơm, anh ôm con bé vào lòng, làu bàu với vợ :
    - Tôi mong rằng từ nay cô đừng có làm khổ tôi...
    Vợ anh hỏi lại, nét mặt đã cứng, đã lạnh :
    - Tôi làm khổ anh những gì ?
    Anh rít giọng :
    - Khổ nhiều ! Khổ nhiều ! Tôi ở nhà có đứa nào ốm đau gì đâu !
    Vợ anh nói rất bình thản, có nghĩa là chị đã rất giận :
    - Thì tôi làm thế nào được. Chẳng lẽ tôi làm cho nó ốm à?
    Anh gầm lên :
    - Ba chục tuổi đầu vẫn chưa biết nuôi con !
    Chị cười nhạt, da mặt đã tím tái :
    - Tôi nuôi con như mọi người, chứ còn biết nuôi như thế nào.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  7. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Chị càng nói dịu dàng và có lý thì anh càng tức giận và càng trở nên vô lý :
    - Thế mà cũng đòi nuôi con ! Đã bảo phải chú ý cho nó mặc áo ấm, đừng để con nó phơi người chỗ có gió lạnh...
    Chị nói đã to giọng :
    - Tôi chăm con cái như mọi người. Tôi có phải là người đoảng đâu mà anh gằn hắt tôi !
    Nhẽ ra anh nên nín lặng. Sự nín lặng đúng lúc vẫn có thể xóa bỏ một tai họa khi chỉ vừa mới xuất hiện. Nhưng anh đã không biết nín lặng. Anh còn dấn mình vào tai họa một cách vui thích :
    - Cô mà không đoảng thì còn ai đoảng ?
    Vợ anh nhìn anh ngỡ ngàng rồi chị hỏi lại. Chị đã nghe rõ mười mươi cái câu sỉ nhục của anh nhưng chị vẫn muốn cứu vãn sự đổ vỡ bằng cách hỏi lại :
    - Có phải anh vừa nói tôi là người rất đoảng, phải không?
    Anh hét lên :
    - Tôi nói ! Tôi nói chứ còn ai nói !
    Trong hai người thì chị P. là người nhìn thấy trước tai họa bằng linh tính, có lẽ thế. Chị đã xử sự bình tĩnh, đắn đo, vì rằng chị không muốn mình và con cái trở thành nạn nhân của một tai họa, nếu khôn khéo thời vẫn có thể tránh được. Bởi vậy chị mới giữ được giọng nói bình thản khi trả lời chồng :
    - Anh nhận xét không đúng. Anh quá giận nên đã nhận xét rất không công bằng về vợ anh.
    Anh P. vẫn hò hét. Hò hét những gì anh không còn nhớ nữa. Anh hoàn toàn bị mê muội, bị ám ảnh bởi một ý định rất kỳ quặc : Mình phải thắng ! Cô ta phải thua ! Mình phải là người có lý, duy nhất có lý ! Nhưng anh vẫn nhớ rất rõ những câu trả lời của vợ anh. Chưa bao giờ vợ anh nói năng tự chủ và có lý lẽ như trong cái lần ấy, anh nói với tôi thế.
    - Anh phải xin lỗi tôi, anh P. ạ. Anh xin lỗi vợ anh vì vợ anh không làm gì nên tội. Tôi cũng chẳng sung sướng gì khi được nhận lời xin lỗi của anh đâu, nhưng vợ chồng đã không tôn trọng nhau, đã coi thường nhau thì rất là khó sống chung với nhau.
    Rồi chị khóc, khóc rất nhỏ :
    - Tôi chỉ có một sai lầm là tôi đã quá yêu anh. Đã có lúc tôi muốn xin thôi việc để chỉ có làm vợ và làm mẹ. Để anh yên tâm. Để anh khỏi phải lo lắng. Tôi biết anh có nhiều tật xấu, song tôi lại nghĩ nó nhỏ bé quá, nó chẳng có ý nghĩa gì. Với lại, tôi rất yêu anh nên tôi sẵn sàng tha thứ. Nhưng tôi càng nhân nhượng lại càng bị khinh rẻ. Tôi tha thứ thì tôi trở thành yếu mềm. Làm sao gìn giữ được hạnh phúc khi chỉ một mình anh nắm hết nó trong tay. Anh ban phát tùy theo ý thích, còn tôi chỉ là người thu nhận hết sức bị động... Chúng ta nên xa nhau một thời gian anh ạ. Xa nhau để mỗi người có đủ nghị lực thay đổi lại kiểu sống của mình.
    Hình như anh đã đứng vụt dậy, đã khoa chân múa tay, đã lảm nhảm nói rằng, anh đang muốn thế, anh rất muốn thế, anh chịu đựng đến thế là hết mức rồi, anh muốn được làm người tự do...
    Chiều hôm đó chị P. gói ghém quần áo, chăn màn đưa con bé lên ở trên cơ quan. Đêm đầu tiên họ sống xa nhau. Đã gần bảy trăm ngày đêm cái gia đình nhỏ bé ấy đã sống chia đôi với bao nhiêu là sầu não. Họ sẽ sống xa nhau mãi mãi ư ? Chẳng lẽ cặp vợ chồng ấy lại tình nguyện sống xa nhau mãi mãi ?
    Suốt hai năm, không có lúc nào anh không phải nghĩ tới một nửa gia đình hiện đã không còn là của anh nữa. Nghĩ lúc ăn cơm, nghĩ lúc nằm ngủ, nghĩ lúc vui, nghĩ lúc buồn. Gần đây anh còn bắt thằng con anh mỗi bữa ăn phải mời cơm cả mẹ nó. Bà cụ mắng : "Mẹ nó còn sống sao lại mời vọng thế ?" Anh cãi : "Thì mẹ nó còn sống nên mới phải mời". Anh sợ con anh quên mẹ nó, quên cái nửa đã sẻ ra và hiện ở xa. Sẽ chẳng bao giờ anh dứt bỏ được những kỷ niệm, những năm tháng, một quãng đời, theo anh thật là tràn trề hạnh phúc. Chính anh đã thốt lên điều đó với tôi dầu rằng anh chưa dám nhận hẳn anh đã rất sai, một cách sống sai, những quan niệm sai. Anh chỉ hối tiếc. Nếu hôm ấy anh tỉnh táo hơn một chút thì tình hình sẽ khác hẳn. Nhưng, với những quan niệm của anh về gia đình, về hạnh phúc, về người vợ và cả cách nuôi dạy con cái thì trước sau cũng sẽ phải xảy ra một tình huống tương tự. Hôm ấy anh có thể nín nhịn nhưng e rằng hôm khác, lúc khác lại không thể nín nhịn. Vì rằng anh quan niệm sự nín nhịn gần như là sự đầu hàng. Khi người đàn ông đã đầu hàng một lần có nghĩa là anh ta đã sẵn sàng đầu hàng thêm nhiều lần! Anh than thở với tôi:
    - Tôi chỉ hối hận là hôm ấy tôi đã nói hơi quá.
    - Nếu anh chỉ nói vừa vừa thì chị ấy có thể nín nhịn, chứ gì ?
    - Thì vẫn thế, có phải lần đầu đâu.
    - Sẽ có lúc chị ấy không thể nín nhịn dầu anh chỉ nói vừa vừa.
    Anh nín lặng rồi thở dài :
    - Cái sảy nảy cái ung. Có gì quan trọng đâu, toàn những chuyện vụn vặt. Gia đình nào mà chẳng có những chuyện vụn vặt.
    - Vẫn là do anh thôi. Tình hình còn cứu vãn được nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào anh. Tôi là người đứng ngoài, có thể lời khuyên của tôi không được xác thực, nhưng nếu anh muốn nghe...
    Anh nói vội vàng :
    - Tôi nghe ! Tôi nghe đây !
    Trong buổi tối hôm ấy, tôi chỉ khuyên anh P. có một điều: hãy đến xin lỗi chị ấy. Anh từ chối. Lý do từ chối rất đơn giản : anh không thể hạ mình trước vợ anh, dầu anh vẫn rất yêu, rất thương. Tôi lý lẽ : vợ anh tức là anh, là phần nửa của người chồng, là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của con cái. Một lời xin lỗi mà được cả từng ấy thứ, có gì là thiệt?
    - Không ! Tôi không xin lỗi ! Tôi không có lỗi ! Dầu có lỗi tôi vẫn là người chồng. Người chồng đã hạ mình xin lỗi vợ thì không còn là chồng nữa. Anh nói thế.
    - Vậy thì anh không nên nghĩ tới sự đoàn tụ nữa. Anh không nên hối tiếc một điều gì nữa. Về phần anh, anh đã quyết định rồi.
    Anh hỏi rất ngớ ngẩn ;
    - Tôi đã quyết định gì ?
    - Anh đã quyết định : không xin lỗi, không hạ mình, vẫn sống như trước kia, với những quan niệm như trước kia.
    Anh nín lặng. Tôi nói tiếp :
    - Và vợ anh sẽ phải dắt con đến xin anh tha thứ, xin anh quên đi những chuyện đã qua, xin anh cho được tiếp tục hầu hạ chồng và các con đến hết đời.
    Anh kêu lên :
    - Anh bịa đặt ra những chuyện ấy để làm gì ? Chưa bao giờ tôi nghĩ như vậy cả !
    Tôi nói thản nhiên :
    - Vậy thì anh phải đến xin lỗi ! Nếu anh không mong đợi vợ anh đến xin lỗi thì anh hãy đến xin lỗi chị ấy.
    Anh than vãn :
    - Nhưng tôi không có lỗi !
    Tôi hỏi :
    - Tức là chị ấy có lỗi :
    - Không ! Không ! Cô ấy cũng không có lỗi !
    Tôi thở dài chán nản :
    - Vì không ai có lỗi nên sẽ không có ai chịu bước lại phía bên kia cái bước đầu tiên. Tôi khuyên anh hãy quên đi và nên nghĩ tới một người mẹ ghẻ cho thằng Dũng. Thế là anh không phải hạ mình, không phải xin lỗi mà vẫn có một gia đình. Chứ còn có cách nào nữa ?
    - Tôi sẽ ở vậy thôi, tôi sợ vợ con lắm rồi. Không sống được với mẹ thằng Dũng thì cũng sẽ khó sống với bất cứ người đàn bà nào khác.
    Tôi nín lặng rất lâu, nghĩ mà ngao ngán cho ông bạn cố tri. Hạnh phúc vẫn còn ở trong tầm tay nhưng anh ta đã nhất quyết không chịu đưa tay ra. Thà chịu than khóc, vật vã suốt những năm còn lại nhưng hạ mình xin lỗi vợ thì không, nhất quyết không, vì tôi là chồng mà, là người chủ được kính trọng của gia đình mà. Thì ra ở đời vẫn còn có kẻ ngu ngốc thích tự mình làm khổ mình đến thế!
    1974
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  8. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Hai ông già ở Đồng Tháp Mười​
    Từ huyện Tân Thạnh chúng tôi xuống cái xuồng nhỏ có gắn máy đi vào Đồng Tháp Mười dọc theo con kinh lớn Dương Văn Dương. Anh Tư, một cán bộ của Ty Văn hóa và Thông tin cùng đi với chúng tôi, rất yêu giới nghệ sĩ, có làm thơ và viết văn, cho mình và cho bạn bè chứ chưa nghĩ tới cần phải ấn hành rộng rãi. Đã là cái gì đâu mà đòi được in ra, anh bảo thế, chuyện mình mình nói với mình, chỉ như thế thôi, các anh ạ.
    Thời tiết đã sang mùa mưa, đêm mưa một chút, sáng chiều lát lát lại mưa ào ào một chút. Nước kinh rất xanh, màu xanh rất trong, vứt cái kim dòm xuống còn thấy, mà lại làm khổ người. Nước này thì cá chết, lúa chết, phải đợi nước ngọt của mùa mưa đè phèn xuống thì mới cày cấy được. Xuồng đã chạy được cả giờ mà mùi dầu tràm của các lò nấu tư nhân dọc theo tỉnh lộ vẫn còn thơm cay trong mũi. Cất tinh dầu tràm là một nghề phụ rất lắm tiền của bà con vùng Đồng Tháp. Những rừng tràm màu lá xanh đen, màu hoa trinh trắng ôm lấy hai bờ kinh, những bãi gỗ tràm vừa kéo từ dưới nước lên thịt gỗ đen bóng như sừng trâu, màu gỗ ấy phải được ngâm cả chục năm dưới nước rồi, làm cột, làm kèo, làm cừ còn bền hơn cả sắt thép. Ngồi trên xuồng tôi cứ đắm đuối ngắm nhìn những giống cây lạ, à, thì ra đất Nam bộ cũng có cả cây đa, mà sao bộ rễ trồi lên mặt nước lại trắng thế, nhỏ thế, dày sít đến thế, như cây cảnh. Cây gừa đó, anh Tư bảo, lá nó nhỏ hơn lá đa. Còn đám cây có bông trắng nhỏ như bông mai là cây cà na, quả chua chua ăn rất tuyệt. Có dạo nghe ai nói quả cà na ăn vào chống được bệnh nhiễm phóng xạ, dân buôn hoa quả Sài Gòn chạy về mua như điên, bán lại cho người thành phố với giá cắt cổ. Ai mà nghĩ được sẽ có ngày làm giàu trong phút chốc bằng quả cà na?
    Hành trình đi xuồng không thể tính bằng cột số mà phải tính bằng giờ. Một giờ, hai giờ, nhìn lại bờ kinh vẫn là cây, là nhà, phía trước con kinh như leo qua dốc, mặt nước như vồng lên, dòng kinh như nhỏ lại hun hút thăm thẳm, với riêng tôi lần đầu ngồi trên xuồng, cái nhìn ấy quả rất lạ. Gặp một cái xuồng nhỏ như lá lúa, anh chồng đội mũ dạ rộng vành ngồi phía sau chèo, cô vợ ngồi đằng mũi bồng đứa nhỏ, tay cầm ô che màu rực rỡ, còn thằng con lớn nằm ngang vắt chân ra ngoài nước, cũng lạ. Rồi thuyền bán hàng tạp hóa, bán chum vại ly chén, bán vải vóc. Thuyền neo các ngã ba kinh bán đồ giải khát và cà phê. Những nhà hàng lưu động trên kinh, đường phố đi lại trên kinh, lại càng lạ. Vẫn là đất nước mình mà một bước đi là một bước lạ. Vẫn là con người Việt Nam mình mà gặp thêm một người lại như buộc mình phải hiểu lại chút ít về con người.
    Lúc còn ngồi ở huyện, anh Tư đã nói người đầu tiên chúng tôi nên gặp, phải gặp khi vào Đồng Tháp Mười là ông Ba Quốc Hội. Sao lại gọi là ông Ba Quốc Hội? Tên gì mà lạ thế! Nào ai rõ được xuất xứ, chỉ nghe mọi người đều kêu là ông Ba Quốc Hội, năm nay đã ngoài sáu chục, là trạm trưởng trạm máy kéo của các tập đoàn sản xuất xã Chiến Thắng. Tôi có tật hay ngờ những cảnh những người được giới thiệu trước một cách quá sốt sắng, quá hấp dẫn. Những trang viết gọi là được của tôi thường là những cảnh bất ngờ mà đến, những người bất ngờ mà gặp, những chuyện bất ngờ được nghe, những việc bất ngờ mà được tham dự. Vì mình sẽ không tính trước sẽ viết cái gì, hồn nhiên mà đến, mà nghe, mà trò chuyện, không ngờ cảnh ấy, người ấy, việc ấy cứ lưu luyến mãi, dứt ra không nổi, tìm mọi cách len lỏi vào được trang viết mới chịu thôi. Cho nên tôi không nghĩ sẽ viết được cái gì về ông Ba Quốc Hội. Cái tên người có thể nhớ mãi, vì nó lạ, nó khác thường, nhưng tên là của người này mà chuyện lại của người khác. Vẫn thường thế. Khoảng trưa thì xuồng ghé vào một chòm nhà kề sát bờ kinh. Mặt trước là ba gian nhà thoáng rộng, nhưng phía sau lại còn nhiều buồng nhỏ. Cách một khoảng sân, dựa vào gốc cây gáo là một dãy nhà ngang để năm cái đầu máy kéo, bánh cao ngang đầu, răng bánh thưa, có móc để cày ruộng lầy. Dưới bụi tre còn hai đầu máy nhỏ nữa, rồi khung bừa, bánh xe, thùng dầu, rõ ràng là một trạm máy kéo, cũng không nhỏ đâu, vào loại cỡ huyện ở miền Bắc. Chúng tôi đã đến nhà ông Ba Quốc Hội và ông già đã bước nhon nhón ra gặp chúng tôi, mặc quần lửng, cởi trần, tóc chưa bạc hết, các bắp thịt vẫn rất săn, một vóc người trời cho để sống cả trăm tuổi.
    - Chú Tư lại dẫn mấy ông nhà báo tới thăm tập đoàn hả?
    - Tới thăm bác thôi, chỉ lo bác đi vắng.
    - Ngày mai thì không có nhà thật, phải đi dự đám cưới thằng con nuôi trên huyện.
    - Thằng Hảo à? Nó lấy đứa nào?
    - Người ấp ba, con gái Hai Tùng. Con bé ấy là đứa mới lớn, chú không biết đâu.
    Một ông già Nam Bộ chính gốc nhưng lại có phong cách của người ở thành phố, có giao thiệp nhiều, nên cách đối xử với từng người hết sức nhã nhặn, tinh tế. Chẳng hạn khi nghe giới thiệu tôi thì ông Ba nói ngay : "Tôi chưa được đọc văn của chú. Nhưng nếu chú viết được cái gì về Đồng Tháp Mười thì nhất định tôi sẽ tìm mua để đọc". Nói thế cũng là người bặt thiệp lắm. Còn khi nghe tên Thu Bồn thì ông già mừng rỡ ra mặt : "Tôi thích thơ của chú lắm, nghe đọc trong rađiô chứ không có sách. Tóc chú cũng đã bạc nhiều nhỉ ? Hai cuộc kháng chiến làm gì mà tóc chẳng bạc". Trò chuyện được một lúc, tôi hỏi ngay :
    - Thưa bác, tại sao anh em lại gọi bác là bác Ba Quốc Hội?
    - Hồi chín năm đánh Pháp tôi còn làm ở công binh xưởng, đồng chí giám đốc là Lê Quốc Hùng, tôi là Lê Hội, hai người lại nhận nhau là anh em nên tôi đệm thêm một chữ Quốc cho càng thân.
    Chúng tôi đã ăn cơm sáng ở huyện nhưng ông Ba vẫn đem ra một chai rượu và một dĩa khô cá.
    - Tôi chỉ uống rượu khi có bạn, ông Ba nói - uống cả lít, còn ngồi uống một mình chỉ nửa ly cũng không cạn - Rồi ông chỉ bọn tôi, hỏi :
    - Trong mấy chú, chú nào là con mẻ, chú nào là con dấm.
    Anh Tư phải giải thích con mẻ là chỉ ăn mà không uống, còn con dấm chỉ uống mà không cần ăn. Tôi cười nói nhỏ :
    - Thưa, tôi là con mẻ, bác Ba ạ.
    - à, à, trong này bọn tôi gọi cái đám chuyên phá mồi là cá lòng tong, rỉa mồi, ăn trên mặt. Nói thiệt, chú nào không biết uống là khó nói chuyện với bọn tôi lắm, miệng đã ráo khô thì lời chỉ đến đầu lưỡi thôi.
    Chuyện thời sự của huyện lúc này là điều chỉnh ruộng đất, nơi thừa san sẻ cho nơi thiếu, nhà có thì đưa sang chút ít cho nhà không. Cái lý là như vậy, là nên làm, nhưng ruộng đất là núm ruột, bom đạn mấy chục năm là thế đã mấy ai có gan bỏ ruộng mà đi. Vì người mà còn đất, sống với đất, chết theo đất. Đất quí như con, còn hơn cả con. Nay bảo nên chia đều cho ai nấy cùng có, cùng làm, cùng no đủ, cái lý thật là đúng, thật nên làm mà vẫn xót xa quá.
    - Bây giờ nhà mình còn mấy mẫu? - Anh Tư hỏi.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  9. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    - Còn năm. Bớt năm còn năm, nhiều nhà chỉ hai ba mẫu vì ít nhân khẩu. Xưa kia, hồi chúng tôi mới đến đất này, cứ theo bờ kinh mà phát khoảng trăm mét, rồi phát lùi vào khoảng ngàn mét, trăm ngang ngàn dọc tính vừa đủ mười mẫu.
    - Nghe ông nói chuyện mần ăn mà dễ quá là dễ, một chớp mắt là được mươi mẫu ruộng phải không các chú ?
    Bà vợ từ buồng trong bước ra, người mập nhưng nhanh nhẹn, cái miệng thật tươi, dễ gần, dễ mến.
    - Mấy chú về chơi vào dịp này cá cua đều hiếm, nước phèn xì lên có con nào mà sống nổi. Các chú làm báo hỏi chuyện về ruộng đất để viết sao? Nhiều chuyện hay ho lắm mấy chú ơi, tha hồ mà viết.
    Rồi bà kéo ghế ngồi cạnh ông chồng, đưa mắt nhìn lần lượt mấy chúng tôi. Cái nhìn đến là quen thuộc, vẫn còn đọng lại nguyên vẹn một thời nuôi người, giấu người, dám hy sinh cho những người chỉ mới một lần quen biết. Tôi chưa thể quên được cái nhìn ấy, có điều đã lâu lâu không gặp, bữa nay mới lại được gặp.
    - Cái năm vợ chồng bỏ miệt dưới lên đây mần ăn, chồng hai mươi, vợ mười tám, lăn cây cán cỏ, khổ sở trần ai. Rồi đẻ một bầy con, đứa lớn ẵm đứa nhỏ, té sông, té ao, ăn *** gà *** lợn, mờ sáng vợ chồng đã đội nón ra ruộng, tối mờ tối mịt mới mò về, muốn dòm mặt con phải soi đèn mới thấy. Một đời làm ruộng có bao giờ đi thong thả theo bờ, cứ dưới ruộng mà đi, bưng đám đất chỗ này lấp chỗ trũng nọ, nên ruộng mới vuông, đất mới bằng, chứ bỗng dưng mà được chục mẫu như ông già nói.
    Ông chồng cười :
    - Các chú đây cũng là con nhà làm ruộng, đã vật lộn với hòn đất để lấy ra vài chục giạ lúa có ai bảo là rảnh rang.
    Bà vợ nói tiếp :
    - Mấy ông ấy có gan còn dằn lòng được, chứ đàn bà chúng tôi không dám ngó lại cái miếng đất đã giao, nó xót mắt đau ruột lắm. Năm sáu đứa con đi rồi lại về, không thiếu đứa nào. Còn đã cắt đất cho người khác là coi như mất hẳn. Đêm nằm không dám nghĩ tới nữa, các chú ạ.
    Ông chồng lại nói gạt đi :
    - Cách mạng cần con thì giao con, cách mạng cần đất thì giao đất, bảo phải bỏ đất mà ra tỉnh hoạt động thì vợ chồng lại ra tỉnh. Mười lăm năm sống trong thành phố có đêm nào tôi với bà lại không nhớ đến hòn đất cây lúa, mà sao vẫn dằn lòng được.
    Bà vợ cười :
    - Là nói vậy thôi, chứ đã hy sinh gần trọn đời người đâu còn tiếc rẻ có mấy năm cuối.
    Một cặp vợ chồng thật hạnh phúc, tôi nghĩ thầm thế, là người của thời này, đứng hàng đầu của thời này, một thời sóng to gió lớn mà vẫn toàn vẹn cả mọi bề, cũng là hiếm hoi, may mắn lắm. Tôi có hỏi những tình huống nguy hiểm của mười năm hoạt động bí mật trong thành phố thì bác Ba chỉ còn nhớ lại những chuyện để cười, cười nhiều hơn là lo. Cái lo thì quên rồi, còn cái để cười thì vẫn nhớ. Chẳng hạn, đi tìm nhà đồng chí để tá túc trong mấy buổi đầu vào Sài Gòn, tìm được đúng phố, đúng nhà, màu sơn đúng, khuôn cửa đúng, chậu kiểng để ngoài cửa cũng đúng nhưng số nhà thì lại không đúng. Anh em dặn là số nhà 69, nhưng nhà này lại mang biển 96. Lượn đi lượn lại cả buổi không tìm đâu ra cái số nhà 69 chỉ có một căn lầu, mà lại không dám hỏi, đành phải trở ra. Người bảo là có, người cãi là không có, cuối cùng một anh hỏi : "Bác đọc số nhà từ phía nào trước ?" - "Từ tay mặt qua tay trái, phải không ?". Thế là họ cười ầm lên, ai đời đọc chữ số lại theo cách đọc chữ Hán chữ Nôm bao giờ ! Từ bữa đó tôi mới rắp tâm học quốc ngữ.
    Lại là một chuyện để cười khác. Xưa kia bà con quen biết trong Sài Gòn đều kêu tôi là ông Ba Mủ chứ không kêu ông Ba Quốc Hội, vì tôi chuyên môn buôn mủ cao su khô. Nhét thuốc nổ, vũ khí trong bành mủ chuyển qua các trạm gác vào thành phố là an toàn nhất, hợp lý nhất. Nhưng khi đem cao su ra cán thì thợ nó kêu có mùi khét như mùi thuốc nổ. Có bữa hàng chuyển từ xe xuống, mũi súng thò ra qua các lá mủ chưa ghép kỹ, tôi không nhìn thấy nhưng bà nhà tôi lại nhìn thấy liền chạy ào tới vắt lá chiếu qua, rồi ngồi đè lên trên mà la hét tôi đã phản lại vợ con, nuôi vợ nhỏ, tải của cho nó, để mặc mẹ con bà chết đói. Mới bữa nọ thằng út còn hỏi tôi : "Hồi xưa ba có vợ nhỏ thiệt hả?". Tôi hét lên: "Tao có vợ nhỏ hồi nào ? Má mày mà mần thinh để tao có vợ nhỏ ?". Nó cười : "Thì đã có lần má la hét rầm rầm chuyện đó, ba quên sao ?".
    Lại một chuyện vui khác, cách đây đã lâu lắm, cũng gần hai chục năm rồi, đang ngồi uống cà phê trước nhà thờ Tân Định thì chạm mặt một thằng mật vụ của Sở Nghiên cứu Chính trị có biết tôi từ trước. Năm đó còn là trào Ngô. Nó hỏi ngay : "Bác Ba vô Sài Gòn mần ăn hồi nào ? Không làm cách mạng nữa, hả ?". Tôi cười : "Vẫn làm chứ !". Nó tròn mắt : "Ông này lớn gan thiệt" - "Chú đứng ngoài sao ? Lãnh tụ của tao là ông Trần Chánh Thành mà" - "à, tôi hiểu, bác là thành viên của phong trào cách mạng quốc gia" - "Nói gọn hơn tao vẫn làm cách mạng" - "Cái xe kia là bác lái ?"- "Chú có biết xe của ông lớn nào không ?" - "Tôi biết, xe của ông bộ trưởng phủ Tổng thống" - "Tao là tài xế của ông Nguyễn Đình Thuần" - "Bữa nay bác đi rước ông Thuần ?"- "Không, bữa nay tao đi rước ông Dương Văn Hiếu, phó giám đốc công an Trung phần đó" - "Dạ, thưa tôi hiểu, bác cũng có làm việc cho các ông công an Trung phần ?" Tôi càng nói hách : "Tao đâu thèm làm ăn với mấy thằng công an mật vụ, mỗi lần ông cậu từ Huế vô biểu tao đi rước ai thì tao đi thôi" - "Dạ, dạ, ông cố vấn miền Trung cũng có biết bác ?"- "Tao là người trong nhà, ông cậu phải biết tao chớ". Chuyện tôi nói là thật cả chứ không bịa. Tôi làm ở phủ Tổng thống cho tới năm Khánh ra đi mới chuyển sang nghề buôn mủ cao su. Nhưng cái lai lịch của mình khi xin việc thì là bịa hoàn toàn nên không thể để sổng cái thằng biết mình quá rõ, bữa nay nó chưa dám ngờ , nhưng bữa mai nó sẽ ngờ thì việc của mình hỏng hết. Chỉ vài ngày sau bọn tôi đã tìm cách bắt được hắn, rồi đưa ra ngoài cứ luôn, cho yên tâm.Nhưng vui nhất phải là câu chuyện tôi sắp kể cho các chú nghe đây...
    Ông Ba cầm chai rượu chỉ còn lại một chút nhướng mắt nhìn đối thủ là Thu Bồn, nhưng Thu Bồn đã vội đưa tay bịt miệng ly lại. Ông già rót hết vào ly của mình, da mặt đỏ gắt, cách nói chuyện càng duyên dáng, mặn mà:
    - Miền Nam giải phóng được vài tháng, khoảng tháng chín thì tổ chức cho vợ chồng tôi trở về quê hương, theo nguyện vọng. Ngày ấy hãy còn ông già tôi, mấy lần đã tưởng chết nhưng ông không chịu chết, chết mà phải chôn nơi đất lạ chết không nổi. Về nhà chưa được hai tháng, đau có một ngày là ổng chết luôn, chôn ngay sau nhà, bà già tôi một bên, anh Hai tôi một bên, cũng là thỏa nguyện vọng. Hôm về tôi có lên trình xã, chẳng giấy má gì hết, mà tôi cũng không khai báo gì hết, chủ tịch xã mới hăm lăm hăm sáu tuổi cứ để mặc tôi đứng rồi hất hàm hỏi : "Mấy năm ở Sài Gòn bác làm nghề gì ?" - "Đủ mọi nghề, thưa chú" - "Có làm cho Mỹ không, cho ngụy không ?" - "Tôi buôn mủ cao su cũng có tiền lắm, đâu cần phải làm cho Mỹ ngụy" - "Tại sao không ở lại quê hương kháng chiến, lại chạy vô Sài Gòn sống với giặc ? Hồi xưa bác cũng là cán bộ nông hội phải không ?" - "Dạ, mỗi người mỗi cảnh, tôi có cái khó của tôi". Vài bữa sau ủy ban cho người lại mượn cái máy đuôi tôm, bảo là mượn vài ngày, rồi cả tuần, rồi cả tháng không nghe nói sao, lên hỏi chỉ bảo là đang phục vụ cho xã. Hỏi nữa mấy ông ủy ban hăm mình đã từng làm giàu với giặc nay về quê còn tính toán với cách mạng một cái máy đuôi tôm. Bà vợ tôi uất lắm, cứ bảo tôi trình giấy ra, nói thật công việc của tôi, cũng là người cách mạng cả mà hiếp nhau là không được. Nhưng tôi lại nghĩ khác, làm việc cho cách mạng là cái nghĩa vụ ở đời, nó buộc mình phải làm, làm theo cái lương tâm, chứ không cốt làm để mai này kể công hưởng lợi. Bây giờ tôi là anh dân thường, là người dân một nước đã độc lập, đã tự do không đủ để vinh hạnh sao ? Cần gì phải khai báo những việc đã làm, nó kỳ lắm, vả lại những công việc của tôi không thể khai báo với ai, tổ chức biết, rồi mình biết, vợ con cũng được biết là đủ, gặp các chú không phải ngượng nghịu, xấu hổ là đủ. Gần đây, thấy các chú trên tỉnh, trên huyện về thăm nhiều, xã cũng có hỏi nhưng tôi chỉ trả lời : "Mấy năm ở thành phố cũng có giúp các chú hoạt động nơi ăn chốn ở, nay các chú nhớ mà đến thăm". Cũng chỉ nói có vậy thôi.
    Cái tiềm lực tinh thần của ông già lớn thật. Người mạnh như thế cứ rẽ sóng rẽ gió mà đi, có tai họa rủi ro nào dám bén mảng. Thoạt nghe tưởng là có số may, nghe rồi ngẫm cho kỹ chỉ những người thật mạnh mới tạo được cho mình những may mắn đến hiếm có.
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .
  10. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Trong lúc ông Ba ngồi tiếp rượu và trò chuyện với bọn tôi, tôi vẫn để ý một ông già khác, người gầy nhỏ, lưng hơi còng, mặc cái áo thun nâu rất chật, một cái quần âu mầu xám lại dài quá, rộng quá, như quần mượn, đi lại lom khom, rồi trở về ngồi nép sau cái bàn giấy của ông là một góc phản bừa bộn giấy tờ sổ sách. Chắc là ông thư ký của trạm máy kéo, tôi đoán thế. Một ông già là trạm trưởng, một ông già là thư ký, hai ông bạn già bàn tính với nhau về chuyện làm ăn của một thời đang đổi mới về cách làm ăn, cũng là một chuyện rất hay và rất lạ, khác hẳn với những nơi tôi đã từng đến, từng viết. Chúng tôi trò chuyện được một lúc lâu rồi ai nấy nằm ngả lưng một lát, vừa mệt vừa hơi say, tỉnh dậy đã thấy ông già nhỏ bé cặm cụi ở một góc phản rồi. Tôi bước lại hỏi :
    - Một trạm máy kéo mà cũng lắm sổ sách bác nhỉ ?
    Ông già bỏ kính, nhìn tôi, trả lời hồ hởi :
    - Cũng nhiều sổ sách lắm, thưa ông. Vì có nhiều khoản tiền phải tính, tiền trả chủ máy, tiền công thợ, rồi tiền khấu hao, tiền mua dầu, mỗi máy mỗi khác, mỗi ruộng mỗi khác. Việc nhiều, chúng tôi lại có tuổi nên phải làm tẩn mẩn cả ngày.
    - Bác không phải là người ở đây à ?
    - Thưa, tôi là người Ninh Bình, nhưng đã vào đây sinh sống từ những năm ba mươi.
    Cách nói, giọng nói không phải là người sống bằng nghề làm ruộng, còn xa lạ với ruộng đất, là người có học, người có trí thức, là viên chức thì đúng nhất, hoặc giả đã có làm nghề dạy học. Thấy ông già vấn thuốc rê tôi bóc bao thuốc còn nguyên ra mời, ông nhón điếu thuốc rất trịnh trọng, châm hút cũng rất trịnh trọng, như đã lâu chưa được hút thuốc điếu có đầu lọc.
    - Chắc là bác với bác Ba quen biết nhau đã lâu? - Tôi dò dẫm hỏi chuyện, vì ở ông già này có cái gì không bình thường, nó tội nghiệp, nó gợi lòng thương cảm, cũng là đoán thế thôi.
    - Thưa, tôi cũng mới được biết ông bà Ba có vài tháng nay. Tôi vốn ở thị xã Cần Thơ, dạy trường đại học Cần Thơ, môn văn học Pháp. Nhưng tôi đã nghỉ hưu trên chục năm rồi, năm nay vừa tròn bẩy mươi, hơn ông Ba đâu có vài tuổi. Nhưng ông ấy còn mạnh lắm, tôi thì yếu quá. Chưa biết trời cho được nghỉ ngơi lúc nào, chắc cũng đến nơi rồi phải không, thưa ông?
    Bữa cơm chiều, bà Ba dùng cơm với đứa con gái út ở buồng trong, chúng tôi với ông Ba và ông thư ký ngồi ăn ở gian ngoài. Chúng tôi đã ngồi vào bàn nhưng ông già vẫn quanh quẩn ra ra vào vào. Mãi tới lúc ông chủ nhà nói : "Ông Hai ngồi ăn thôi, còn thiếu gì sẽ kêu con út". Lúc ấy ông mới rón rén ngồi xuống. Ông ngồi cạnh tôi, đợi mọi người cầm bát mới cầm theo, đợi người ta gắp món ăn trước mới gắp theo, là người lịch sự thì phải rồi, nhưng cứ e ngượng thế nào, là người ở nhờ và ăn nhờ, bữa nay sống yên lành dưới mái nhà này nhưng còn bữa mai bữa mốt rất có thể lại phải tới nhà khác, mà còn nhà khác để tới chứ. Chẳng là thuở nhỏ tôi đã từng đi ở nhờ, đi ăn nhờ, cũng là bà con họ hàng cả, có máu mủ với nhau cả, nhưng mẹ con không nuôi nổi nhau nên phải đem thân nhờ vả nhà khác, làm cật lực vẫn sợ là làm chưa đủ, tươi cười suốt ngày vẫn e bị chê là mặt súi, mặt hãm, họ chứa chấp mình rồi cũng có ngày bị lây cái khổ cái nghèo. Mà đã khổ đã nghèo lại mau đói quá, bát cơm chỉ rưới tí nước mắm cũng đủ ngon. Xới bát cơm đã cố lèn cho chặt mà sao vẫn mau hết. Xới đến bát thứ hai đã ngượng nghịu lắm, khổ sở lắm. Nhưng buông đũa thì không đành, cơm còn cả lưng nồi, thức ăn mới chỉ vơi một góc đĩa. Có lẽ chẳng ai chú ý cái miếng ăn đâu, người đã no đủ ai lại chú ý đến miếng ăn, đến bữa chẳng lẽ không ngồi vào ăn, ngồi ăn cho vui chứ đâu còn biết cái ngon, cái đói. Thôi, đành nhắm mắt xới thêm bát thứ ba, đánh một miếng cháy thật to ăn thêm coi như bát cuối cùng. Đứng dậy cũng được, mà ngồi ăn nữa cũng vẫn được. Nhục nhã là miếng ăn, nhưng niềm vui mỗi ngày cũng là lúc được ngồi vào bàn ăn, được bưng bát cơm lên mà ăn. Và mỗi lần người ta có điều gì không bằng lòng, lại xầm xì cho mình nghe thấy : "Cái thằng gầy guộc thế mà ăn đến khỏe, ăn bằng hai, ba người. Sao nó ăn ngon lành thế, nhanh gọn thế". Tôi rất đói, bữa ăn lại nấu rất ngon, nhưng không tài nào nuốt nổi, như có tuổi thơ mình trong đó, có nước mắt mình trong đó, thương mình một chút, thương đời còn nhiều hơn. A, sang cái tuổi năm mươi cũng có lẩn thẩn ra nhiều. Ăn cơm xong ông Ba lại chèo cái xuồng nhỏ xuống xã vì có việc cần, anh em kéo nhau đi thăm hỏi bà con chòm xóm xung quanh, riêng tôi pha một bình trà ngon mang theo, ngồi đối ẩm với ông thư ký trạm máy kéo.
    - Đêm bác ngủ có được ngon không ? - Tôi hỏi.
    - Ngủ rất say ông ạ, ăn rất khỏe ngủ rất say, còn lâu tôi mới chết được.
    - Muốn sống mới khó chứ muốn chết có gì là khó.
    - Ông nói rất đúng, nhưng với tôi thì sống cũng khó mà chết cũng khó. Đã mấy lần rập rình định chết nhưng tới lúc quyết định lại có bao nhiêu lý lẽ để cần sống. Vả lại, một số phận dầu khốn khổ đến thế nào cũng chẳng thể kéo dài tới mãi mãi, cũng phải có lúc được kết thúc, phải không thưa ông?
    - Bác nghĩ được thế thì sống sẽ thanh thản lắm, trong hoàn cảnh nào cũng giữ được sự thanh thản...
    - Thưa ông, bây giờ tôi sống cũng thanh thản, vợ chết rồi, con chết rồi, nhà cửa không còn, tiền nong cũng không còn, chẳng còn gì phải lo sợ, phải mất thêm, nên trong lòng lúc nào cũng nhẹ nhõm, thanh thản.
    Ông già nhấp thong thả từng ngụm trà, rít thong thả từng hơi thuốc, nét mặt trầm lặng, cao quí, hoàn toàn khác với con người hồi chiều.
    - Tôi không phải là người đầu tiên cũng không phải là người sau cùng chịu mọi điều bất hạnh, tôi biết thế, một kẻ thất bại hoàn toàn, không được đền bù bất kể một phương diện nào. Cái còn lại của bẩy chục năm đã sống chỉ là cái thân xác đang có đây thôi, một mai nằm xuống, tan đi là coi như mất hết, như chưa từng có, chưa từng được sinh ra, chưa từng góp mặt với đời.
    Tôi nín lặng, đốt điếu thuốc mới nhìn chăm chú hai cái vành tai rất rộng của ông già. Mặt sáng, tai to mà tướng khổ ư ? Phải sống cô độc những năm về cuối ư ? Không có gì khổ hơn là phải sống cô độc, không được lo cho ai, mà cũng không còn ai để lo lắng cho mình.
    - Thưa ông, gia đình tôi xưa kia cũng vào loại khá giả, nên chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Học hết cao đẳng tiểu học ở Nam Định là vô tuốt Sài Gòn, lên tàu sang Pháp học tiếp lấy mảnh bằng tú tài, rồi vào đại học Sorbonne. Khoảng năm 1939 tôi mới về nước, dạy học ở Sài Gòn, rồi xuống Cần Thơ vẫn làm nghề dạy học. Tôi lấy vợ muộn, chỉ sinh được một mụn con gái, vợ hiền, con thảo, một mái nhà để sum họp, một nghề nghiệp để độ thân. Rồi tôi nghỉ hưu, con gái lấy chồng, chồng nó không còn cha mẹ anh em nên chúng tôi coi như con trai. Thưa ông, tôi mãn nguyện với những cái đã có, không nhiều, nhưng đủ để an vui trong tuổi già. Nào ngờ đến tuổi già lại phải chịu đựng mọi nhọc nhằn, cay đắng. Tai họa đầu tiên đến với tôi thật bất ngờ, thật đơn giản, không ai có thể lường trước. Đứa con rể bị đụng xe vào nằm nhà thương được một đêm thì chết. Con gái tôi mang thai ba tháng đau buồn quá nên bị sẩy thai. Rồi nó mang bệnh, bệnh lại trọng, vợ chồng tôi đưa cháu lên Sài Gòn chạy chữa cả mấy năm, nhà phải bán, đồ đạc cũng bán, cuối cùng vẫn không cứu được con, năm cháu mất mới có ba mươi tuổi. Chúng tôi đem số tiền còn lại, theo người quen lên Bù Đóp mua đất trồng mì, mọi việc đều phải thuê cả, thuê vỡ đất, thuê đặt hom, thuê làm cỏ, đến ngày dỡ không được vài yến củ, vì bị chuột đào ăn gần hết. Con chết, tiền hết, làm ăn thất bại, lại vào lúc sức đã yếu, tuổi đã cao, cái nông nỗi ấy ai có qua cầu mới thấy hết cái hoang mang, cái đau đớn. Rồi bà vợ tôi ốm, nằm có mười ngày là đi luôn. Chôn vợ ngày trước, ngày sau tôi cho hết đồ đạc còn lại, cả bát đĩa, cả soong nồi. Có hai người mới cần đi chợ, cần nấu ăn cho đúng bữa, cần một nơi riêng biệt để tính toán, để than thở. Còn lại một người ăn ở đâu chẳng được, nằm giữa đám đông, ăn giữa đám đông, là người của đường chợ, của công cộng, đâu còn của một gia đình. Cái rủi ro vẫn chưa hết đâu ông nhá, dầu rằng tôi cũng chẳng còn gì. Buổi sáng hôm đó tôi đang vò quần áo thì có người tới rủ đi uống cà phê. Tôi đẩy chậu quần áo vào gậm giường, vơ vội cái áo ngoài rồi theo chân luôn. Lúc trở về nhìn lại chỉ còn cái giường trống, tất cả đã sạch nhẵn, kể cả manh chiếu trải. Lần này thì hết thật, hết nhẵn nhụi, chỉ còn một bộ quần áo đang mặc với bộ quần áo đang ngâm. Tôi bán bộ quần áo đang ngâm được trăm bạc, rồi cứ để cửa ngỏ xông thẳng ra đường. Đi đâu bây giờ ? Tôi định bụng sẽ về Sài Gòn, với trăm bạc vừa có, ăn uống tằn tiện cũng được vài ngày rồi sẽ tìm cách tự sát. Chết ở Sài Gòn là cái chết vô danh, còn chết ở nơi đã ở thì thiên hạ dễ đàm tiếu. Sống đã vô danh thì cũng nên chọn cái chết vô danh. Nó phải hơn. Tôi đi nhờ xe chở gỗ của bộ đội về đến Sài Gòn mới sẩm tối. Các anh bộ đội hỏi : "Bác ở phố nào, nếu tiện đường sẽ cho xe chạy qua". Tôi xuống đâu mà chẳng được, nhưng vẫn xin là xuống chợ Bến Thành. Ngày đầu tiên tiêu hết năm chục, rồi đứng thơ thẩn ở cầu Khánh Hội, đợi lúc vắng người sẽ nhào xuống. Cầu thì cao, sông thì sâu, nhìn xuống cũng đủ chóng mặt, mà sợ quá, lại sợ cả cái ý định gớm ghiếc muốn nhảy từ cầu xuống. Vụ ấy không xong, lại trở về chợ Bến Thành, nằm ngả người trên cái sạp trống, ngủ một mạch tới sáng. Ngày sau lại tiêu hết năm chục nữa, phải hết tiền mới chết được, còn tiền thì còn tiếc đời, còn chưa dám chết. Lần này không nhảy cầu nữa, mà sẽ lao vào đầu xe. Xe chạy rầm rầm trước mặt, nhưng đầu gối cứ nhũn ra, không nhấc lên nổi. Vẫn là sợ, lỡ không chết, chỉ bị vỡ đầu, gẫy chân, phải đưa vào bệnh viện mổ xẻ thì còn khổ hơn cả kiếp sống bây giờ. Lại trở về chỗ nằm đêm trước, ngủ thêm một đêm nữa rồi sẽ tính sau. Ngày thứ ba hoàn toàn nhịn đói, mồ hôi vã ra đầm đìa, đành phải ngửa tay xin tiền một người qua đường. Người đó cho tôi dăm đồng, lại còn đứng hỏi về gia cảnh. Tôi chỉ nói qua trước đây là ông giáo dạy tiếng Pháp tại các trường trung học, nay tuổi già không ai gọi đi dạy nên sống túng thiếu quá. Ông kia cũng là người nhân đức, rất thương cảm cho cái hoàn cảnh của tôi, mới bảo : "Tôi không phải là người ở đây mà tận ở trong Đồng Tháp Mười, có đứa con muốn học tiếng Pháp, nếu bác chịu về sống chỗ tôi thì sống tôi nuôi, chết tôi chôn, nhờ bác dạy giùm cho đám trẻ dưới đó". Tôi nhận lời ngay, ông ta lại cho thêm hai chục, đủ ăn một ngày mai, chiều sẽ tới đón. Nhưng về tới nơi lại phải lao vào dỡ nhà, chuyển nơi ở vì các xáng cạp bắt đầu múc đất trong kinh. Vẫn là cái số không may, có phải không ông ? Còn chưa biết đi đâu, làm nghề gì để sống thì ông Ba tới, cũng là tình cờ, rồi trò chuyện, khi biết tôi là người biết đôi chút chữ nghĩa liền mời về nhà giúp ông tính toán sổ sách tiền nong. Những lúc anh em ngồi uống rượu, ông Ba thường nói : "Thật may phước cho tôi về già còn có bạn. Từ ngày có ông Hai về giúp, công việc của tôi bớt đi quá nửa". Với tôi cũng là trời phật run rủi làm sao lúc cùng đường lại đến mảnh đất này, được gặp những con người này. Đất đai thì phì nhiêu, lòng người thì rộng rãi...
    Hai chúng tôi ngồi yên lặng hút thuốc, uống nước một lúc đã lâu, rồi ông già lại nói tiếp :
    - Nói ông đừng cười, tiếng là sống tròn bảy chục năm, nhưng ngẫm lại như người đi bên cạnh. Tới lúc bị đẩy xuống vực mới biết thế nào là cái mặn chát của một kiếp người. Khắc nghiệt đến cùng nhưng không phải không có cái bao dung. Mỗi lần bưng bát cơm ăn nước mắt lại muốn ứa ra vì cái khắc nghiệt của đời cũng có, vì cái bao dung của đời cũng có.
    Sáng hôm sau, chúng tôi xin phép bà Ba ra đi sớm. Ông Ba còn đi sớm hơn chúng tôi. Gần sáng tôi tỉnh giấc đã thấy ông đứng giữa nhà đang ướm mặc quần áo, có mấy anh con trai chắc là cháu đang súm sít xung quanh ngắm vuốt, bình phẩm. Ông Ba cười ầm ầm :
    - Tao già rồi mặc sao cũng được, không ai cười đâu mà bọn bay phải làm khổ tao - Rồi lại nghe ông thì thào dặn vợ : - Nấu cơm cho mấy chú ấy ăn rồi hãy đi, tôi sợ bữa nay không có ai ở ủy ban đâu, rồi lại đói.
    Ông thư ký kế toán tiễn chúng tôi ra tận bờ kinh, nói với tôi :
    - Bữa nào ông đi qua đây xin mời ông ghé lại, được nói chuyện với các ông trong lòng tôi cũng vui thêm nhiều.
    Xuồng đã đẩy ra giữa kinh rồi nổ máy, ông già vẫn đứng nguyên trên tấm ván gỗ gần mép nước, hai tay buông xuôi, mặt hướng về chúng tôi, nhưng cái nhìn như xa hơn, thăm thẳm. Xuồng đã chạy được một quãng xa, tôi vẫn ngoái nhìn cái tàn cây gáo vượt cao hẳn lên đám rừng tràm, dưới cây gáo là trạm máy kéo của ông Ba Quốc Hội, đứng bên cạnh ông là ông già thư ký kế toán. Một gương mặt rạng rỡ, tự tin, một gương mặt nhẫn nhục, chịu đựng, hai gương mặt của một kiếp người, sao lại khéo gặp nhau để gợi lên một niềm vui, một niềm tin mà chỉ lúc đứng tuổi mới nhận ra cái ý nghĩa thâm trầm của nó.
    1981
    Cha Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng .
    Con nuôi Cha Mẹ sao tính tháng , tính ngày .

Chia sẻ trang này