1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nguyễn Thị Ngọc Tư - nhà văn của xóm ao bèo

Chủ đề trong 'Văn học' bởi hoangvan09, 08/05/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Thị Ngọc Tư - nhà văn của xóm ao bèo

    Trong tuyển tập Love after War do Hồ Anh Thái và Wayne Karlin tuyển chọn và biên dịch mới xuất bản tại Mỹ , Nguyễn Thị Ngọc Tư là tác giả trẻ nhất được tuyển chọn. Tớ tò mò muốn biết về NNT và bắt đầu tìm đọc, thấy truyện ngắn NNT cực kỳ hấp dẫn và cảm động, vì vậy giới thiệu cho các bạn cùng đọc NNT.

    Với giải nhất "Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 năm 2000", Nguyễn Thị Ngọc Tư nổi lên như một hiện tượng đặc sắc của văn chương VN đương đại. Không ồn ào hoặc uể oải hay rất sắc sảo như một số nhà văn nữ trăn trở trong "không gian đô thị", Nguyễn Thị Ngọc Tư có miền đất riêng của mình. Ở chốn ấy, chị lắng nghe những thanh âm thiên nhiên, tiếng lòng người khẽ khàng... và thổ lộ chính xác cái thế giới riêng ấy. Truyện của tác giả Nguyễn Ngọc Tư không có gì ồn ào, không có gì sôi động nhưng nó dễ gây cho người ta một nỗi rưng rưng bởi cái tình cảm chơn chất mộc mạc nhưng sâu sắc dễ thương của người dân quê.

    Ở xóm Bà Điều (Cà Mau), có một phụ nữ mới 27 tuổi, ngày ngày gánh rau ra chợ bán nuôi sống gia đình, được bình chọn là một trong số 10 gương mặt văn chương trẻ tiêu biểu của VN. Ngọc Tư tâm sự những câu chuyện của chị đều có bóng dáng của xóm nghèo nơi mình đang sinh sống.

    Tuổi thơ của Ngọc Tư là những chuỗi ngày vất vả, đi học về, chân trái chưa bước vào nhà thì chân phải đã phải bước ra với luống cần, mồng tơi... Đang tuổi ăn tuổi học mà sớm tối lặn hụp với đám rau nên người chị gầy đét, hầu như lúc nào trên tay cũng có dấu xước vì cắt rau khứa, có hôm gánh nước bị vỏ ốc múc luôn một lõm thịt gót chân cà nhắc cả tháng trời chị vẫn cắn răng bám luống rau.

    Đúng lúc nhà chật vật thì ông ngoại bị tai biến liệt giường, thế là mẹ chị bảo: ?oTư ơi! Thôi con nghỉ học ở nhà lo hái rau, chăm sóc ông ngoại nghe!?. Tư chỉ năn nỉ một lần: ?oMá cho con học thêm một tuần nữa thôi?. Những buổi học cuối cùng cứ ngắn dần và rồi cuộc đời học sinh của Tư kết thúc. Chín năm đến lớp thế cũng đã đủ, chị tự an ủi và bù đắp cho mình bằng những trang nhật ký... Thấy con có khiếu văn chương, cha chị động viên: ?oNghĩ gì viết nấy, viết điều gì con đã trải qua?.

    Ba truyện ngắn đầu tay của Tư viết về tình bạn ở đồng quê đã được cha đem gửi thử ở tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Cả ba đều được đăng báo. ?oCon nhỏ học hành dở dang này viết được đó?. Ông tổng biên tập vừa nói vừa xoa đầu Tư dặn dò: ?oViết nữa đi con!?. Thế là ngày xuống ao, ra liếp rẫy, tối về chị lại viết say sưa.

    Mọi người khuyên chị nộp hồ sơ vào tạp chí Văn Nghệ Cà Mau thử việc. Năm ấy tách tỉnh, thiếu nhân sự, Tư được chọn vào làm văn thư và học việc phóng viên. Viết tin, viết bài, lại viết truyện ngắn. Hôm cơn bão số 5 ập vào đất Mũi, chị tất tả đi thực tế đến cửa biển Khánh Hội, sông Đốc, đất Mũi... Cảnh làng quê hoang tàn, cảnh cụ bà khóc con đời ngư phủ hẩm hiu? đã thành ký sự Nỗi niềm sau cơn bão dữ. Tư bảo đọc lại ký sự này thấy mình viết hơi? sên sến, nhưng tác phẩm này đã giúp chị đoạt giải ba báo chí của tỉnh năm 1997.

    ?oĐược giải thưởng quy ra lúa chẳng là bao nhưng đã cho mình chút hy vọng là nếu mình cố gắng có thể viết tốt hơn?, chị giải thích. Cái ?ocông nghệ? cho ra đời hết tác phẩm này đến tác phẩm khác của chị được khẳng định là rất... đơn giản: viết là viết, bất kỳ lúc nào, không sắp đặt, không bố cục, cứ thế đoạn sau cuốn theo đoạn trước. Viết gần gũi như chính đời thường ăn nói, đi đứng thô thô kệch kệch của mình.

    Ngọc Tư viết như đang trong tâm trạng của nhân vật, của chính đất đai hào sảng Cà Mau. Sau một chùm năm truyện ngắn Nỗi buồn rất lạ, Lý con sáo sang sông, Chuyện của Điệp, Ngọn đèn không tắt, Ngổn ngang... chị như cảm thấy mình đã nói hộ được ước mơ của người dân nghèo khó vùng quê, nói ra những yêu lầm yêu lỡ yêu không thành cũng từ cái nghèo mà ra. Những nhân vật, cốt truyện tủn mủn ấy không hề có một nguyên mẫu nào trước đó, cứ đi cứ tìm như bắt sâu đuổi gà trong luống rau nhà mình mà thành chùm truyện ngắn về làng quê.

    Năm 2001, chị đoạt giải B của Hội Nhà văn VN, rồi giải cho tác giả trẻ nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN. Bao nhiêu bằng khen, tiền thưởng có được Tư đều đem về cho mẹ, bà chẳng khen chẳng chê chỉ nói mỗi câu: ?oMày tả bà già trong truyện sao giống tao quá. Phải chi được học lên đại học chắc bà già trong truyện sẽ khá hơn phải không con??.

    Cuộc sống đời thường của Tư diễn tả chỉ là ?osáng đạp xe đưa con đi nhà trẻ, trưa nội trợ cá rau, không văn vẻ gì cả?, nhiều người vặn vẹo: ?oSao viết văn mà lấy chồng sớm thế??, chị giải thích: ?oCó gia đình cách đây 4 năm, chồng là anh thợ bạc - cuộc hợp hôn không hẹn mà có... hạnh phúc. Mình nghĩ chuyện viết văn là chuyện của cả đời, còn đường chồng con cũng song trùng cả đời đấy thôi! Quan trọng là không để có chồng mà xuống dốc ?.
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Ngọc Tư và những bộ mặt của tâm trạng
    "Nước chảy mây trôi" - tập truyện ký mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư gần như chỉ viết về những khúc khuỷu của đời người. Song đó là một khúc rẽ mới, ra khỏi mạch "Giao thừa" trước đây. Tư như con cá quẫy mình để từ suối ra sông, rồi ra biển lớn. Cái cựa mình đó có thể tải cả một sức nặng của cây bút truyện ngắn xứ Cà Mau này.
    Ở đâu đó, những câu chuyện lặt vặt xâu chuỗi lại thành một cuộc sống có bộ mặt buồn tẻ, nhưng nếu bị dứt ra khỏi cái mạch sống đó, người ta sẽ lại càng nuối tiếc vì hoá ra, ở trong sự tẻ nhạt vẫn có một bộ mặt khác của đời sống. Đó là bộ mặt của tâm trạng, của sự hồn nhiên. Hàng chục tâm trạng chồng chéo nhiều ký ức tạt ngang trang viết của Tư, chợt trở nên sinh động, có hồn, dù tác giả không mô tả gì nhiều. Khép trang sách mỏng gồm 23 truyện ngắn và ký, vẫn có cảm giác tiêng tiếc như phải rời xa một người bạn mới gặp mà đã chừng thân.
    Nếu như trước đây, Ngọc Tư hay khai thác thế mạnh của mình khi "nhập" vào những mối tình già, bằng lối viết tưng tửng nhưng lôi cuốn, thì nay, cùng với vốn sống dày dặn, cùng với sự trưởng thành về sự đọc và chăm chú luyện bút, cô tự nhiên như không đi vào nỗi đau của người khác, sự u uất của những mối tình, những con người không có bộ mặt mà chỉ có chân dung của tâm trạng, để gọi tên cái tâm trạng đó, chỗ ngóc ngách đó, cái phần bên trong của con người đó. Chính vì thế mà giọng văn cũng đằm địa mà xóc cạnh hơn, mà "chắc như cua gạch". Giọng văn ấy biết mềm mại hoá nỗi đau khổ bởi đó như một sự biến chuyển của từng cá thể để nhận thức mình, những người xung quanh. Và đau khổ cũng chỉ là một mặt của hạnh phúc.
    "Nước chảy mây trôi" nghe như bế tắc bởi mối tình câm của cô học trò với thầy giáo, sau này trở thành bố dượng mình. Không mổ xẻ, không kể lể, tự nhân vật cảm nhận cái nhu cầu thôi thúc buộc cô phải ra đi như một tình cảm hết sức tự nhiên. Nhưng cái giỏi của ngòi bút là lách đi những phần khúc mắc nhất khiến người đọc dịu lòng lại vì sức thuyết phục của tình yêu, một tình yêu dạy cho người khác cách ứng xử chân thật mà không làm tổn thương mình và những người xung quanh, song cũng không hề cất lên một tiếng nói giảng dạy về luân lý, đạo đức nào.
    "Chiều vắng", "Nhà cổ", "Qua cầu nhớ người" cũng những môtíp tương tự. Nhưng ở đằng sau là một nỗi trắc ẩn về thân phận con người, thân phận những mối tình quê. Quy luật duy nhất của tình cảm là tự mỗi người đi tìm, và dù họ có hoán đổi, cải trang bản thân mình bao nhiêu đi nữa, thì họ vẫn không sao thoát ra được sự chọn lựa ấy. Tính hài hước cũng được Ngọc Tư gia giảm điêu luyện trong từng câu chuyện, để phần kết bao giờ cũng chạnh buồn, mà cũng thoắt vui, cũng phải tủm tỉm cười vì một duyên cớ hết sức nhỏ mà đắt. Cuối cùng, những bài ký tuy nhỏ thôi nhưng giàu tình cảm, có vẻ như một cách bổ sung vào tập truyện như những tiếng thở dài. Tư viết về chợ như một "bếp lửa đời", về cái cửa sau tâm hồn nay đã thành cửa sau vật chất, về cái tiệm tạp hoá và vị ngọt dai dẳng tuổi thơ của những đứa trẻ nghèo, về mẹ, về người nông dân vất vả với những trang viết nặng trĩu tình thương.
    Gấp sách lại, cũng có thể người ta chưa hình dung nổi truyện của Tư vì sao chao chát thế, sao làm mình chòng chành như thế. Có thể, đó là sự sống lại của cảm xúc, những thứ tưởng đã chai lỳ hoặc đã ngủ quên trong mình. Nhưng cũng có thể, đó là cách giải toả cho chính tâm trạng của người đọc. Họ tìm ra một cách yêu cuộc sống thầm lặng mà bền chặt hơn.
  3. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nhà văn Dạ Ngân: Nguyễn Ngọc Tư - Điềm đạm mà thấu đáo
    "Nguyễn Ngọc Tư giỏi ở chỗ cái tưởng không có gì mà Tư cũng viết được, lại viết rất có duyên, rất nhân hậu. Đọc cái nào xong cũng phải nhoẻn cười sung sướng, sung sướng mà lại ứa nước mắt, thấy nước mắt của mình cũng trong trẻo và đẹp đẽ, ấy là cái đáng giá mà Tư cho người đọc hôm nay". Nhà văn Dạ Ngân nhận xét về văn Ngọc Tư.
    * Thưa chị, nhiều bạn đọc, bạn viết có nhận xét như thế này: Nguyễn Ngọc Tư viết rất đều, từ những truyện ngắn đầu tay cho đến những truyện ngắn mới in gần đây, trong khi nhiều cây bút trẻ thường có biểu hiện chững lại sau những thành công ban đầu...?
    - Nhà văn Dạ Ngân: Tôi đọc văn Ngọc Tư từ những ngày đầu. Tôi thích lắm. Truyện của Tư viết rất là đều, mà viết như không ấy. Có cảm giác rằng Ngọc Tư viết không có phải dụng công gì hết. Mình đọc mà mình ngạc nhiên về sức khám phá của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư - khám phá một cách điềm đạm mà thấu đáo. Không có chuyện gì là chuyện xa xôi hết cả. Không có sự trồi sụt. Truyện Ngọc Tư viết rất đều.
    * "Truyện viết đều"? Phải chăng đã có một chút băn khoăn ẩn trong câu nói này, thưa chị?
    - Tôi đọc vài chục truyện của Tư. Cái mình thích thì Ngọc Tư giờ vẫn còn giữ được. Nhưng mà bây giờ mình bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn. Một khi nhà văn đặt ra vấn đề mà xã hội đang quan tâm và anh ta giải quyết được bằng tiểu thuyết thì người đọc thấy thỏa mãn hơn. Còn nếu anh viết truyện ngắn thì có vẻ như anh đã giải quyết mà giải quyết không xong vậy thôi. Nếu anh viết truyện ngắn, thì thường người ta còn đòi hỏi anh mãi!
    Đọc vài chục cái truyện của Ngọc Tư thì tôi thấy vừa mừng, và cũng bắt đầu lo. Các truyện ngon lành, xinh xẻo, vừa vặn, đèm đẹp, hồn hậu...Nhưng mà văn chương đòi hỏi nhà văn phải có phẩm chất ...dữ hơn, dữ dội hơn.
    Hay nói một cách khác: văn chương phải bắt đúng kinh mạch, bắt đúng cái huyệt đạo của đời sống xã hội đương đại. Có thế mới có khả năng thỏa mãn được bạn đọc. Nếu không thế, thì mình chỉ là đại diện cho văn chương của một vùng đất. Mà tôi thì rất muốn các nhà văn Nam bộ thoát ra khỏi cái cảnh này. Tại sao các tác giả Hà Nội, nói rộng ra là các tác giả miền Bắc, khi xuất hiện, người ta không cho là tác giả của một vùng đất, mà là tác giả của quốc gia ngay? Mà với các tác giả ở khu vực Nam bộ thì hầu như bao giờ cũng phải chịu cái cảnh đó?
    * Thưa chị, phải chăng cái cảm giác, nói đúng hơn là cái "ấn tượng Nam bộ" của độc giả - theo như chị nhận xét- về những cây bút trưởng thành từ miền đất Nam bộ được bắt nguồn chính từ câu chuyện ngôn ngữ, phương ngữ vốn rất mạnh, rất dễ nhận thấy ở các cây bút này lúc mới khởi nghiệp?
    - Thế tại sao với bác Trang Thế Hy thì người ta lại không cho là tác giả của một cùng đất, của miền Tây, của Nam bộ mà ngay từ đầu ông đã là một cây truyện ngắn rất là quý của quốc gia, mặc dù ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ Nam bộ đặc sệt?! Có lẽ câu chuyện ở đây là "vấn đề mà nhà văn quan tâm". Vấn đề mà nhà văn quan tâm là những vấn đề gì? Nó có là vấn đề điển hình hay không? Những con người, số phận những nhân vật có mang tính điển hình chung của cả dân tộc hay không?
    Rất nhiều người trẻ trước hoặc trang lứa tuổi Ngọc Tư thì họ quá loay hoay với hình thức, nói trắng ra thì cái tâm không lớn thì làm cái gì cũng trầy trật.
    Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Ngọc Thuần đã làm cho văn đàn trẻ của chúng ta đỡ loay quay, trống vắng.
    * Thưa chị, có thể nói thế này được chăng: tính hồn hậu, nhân hậu trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần quan trọng giúp cho văn của Ngọc Tư đến được và ở lại được với một số lượng độc giả không hề nhỏ? Nhất là trong tình hình mươi mười lăm năm nay, khi văn chương ta (nhất là trong văn xuôi) có vẻ như nhiều tác giả đang quan tâm hơn đến cái phần bạo liệt của đời sống?
    - Đúng rồi, hồn hậu, nhân hậu - đó là cái mạnh nhất của Ngọc Tư đấy. Tôi nghĩ rằng đó là cái sẽ còn lại, dù sau này có thể Ngọc Tư sẽ viết về những vấn đề gay gắt hơn. Sự hồn hậu, nhân hậu có thể nói là "quặng" của Ngọc Tư. Ngọc Tư làm được, cái phần đóng góp của mình thì đóng góp đủ. Đóng góp một cách đầy ấn tượng...Còn những người khác, người ta cũng có thế mạnh của người ta chứ?! Bạo liệt cũng quý chứ?! Cũng cần chứ?! Ai cũng hồn hậu cả thì...ngọt ngào quá, chỉ ngọt ngào không thôi thì chắc cũng không chịu nổi. Như là ăn chè vậy, phải cần rượu nữa chứ?!
    Văn của Ngọc Tư mang đậm chất Nam bộ: hồn hậu, hào sảng. Văn hóa tiểu vùng khác nhau, thì sản sinh ra những chất văn khác nhau, sản sinh ra những tác giả khác nhau. Ở Bắc Hà không sinh ra văn của Ngọc Tư được, mà ở Nam bộ không thể sinh ra được văn của Y Ban và Tạ Duy Anh được, tôi nghĩ thế.
    * Chị vừa gặp Ngọc Tư ở Hà Nội, chị thấy Ngọc Tư như thế nào?
    - Trông có vẻ dễ nhìn hơn các bức ảnh mà báo chí in. Và mặt mũi thì u u minh minh, kiểu "hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội không bay đi chút nào", sự chân chất của một bản lĩnh quyết giữ cho được cái độc đáo của mình, đó là bản lĩnh của tài năng.
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Ngọc Tư: ''Văn học trẻ chưa có xu hướng riêng''

    "Một truyện ngắn viết ra bắt buộc phải có nội dung, tôi không tán thành kiểu viết mà đọc lên các ý tưởng mông mênh, không rõ ràng, đó là bút ký, hoặc tản văn chứ không phải là truyện ngắn. Dường như văn học trẻ hiện nay chưa có định hướng, từng cá nhân vẫn đi theo cách nhìn, cách nghĩ của họ", chị tâm sự.
    - Gần đây chị viết truyện không còn theo bản năng như trước nữa, điều gì đã khiến chị thay đổi như vậy?
    - Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó người ta cũng phải thay đổi, có lẽ đó cũng là quy luật tự nhiên thôi. Ai tự tô vẽ cho văn chương một sự màu mè quá đáng, giả tạo thì người đọc nhận ra ngay. Ngày trước tôi là một cô bé vừa chân ướt chân ráo từ vườn rau muống chạm chân vào tác phẩm đầu tay, còn giờ đây, đã là mẹ của một cậu con trai hơn 20 tháng tuổi rồi thì phải khác.
    - Chị thấy mình có điểm chung nào so với các nhà văn trẻ hiện nay?
    - Không có, họ viết khác tôi. Lúc viết tôi thường để ý đến nội dung câu chuyện định viết và có một ý nghĩ rằng phải để truyện đó gắn bó từ đầu đến cuối chứ không như một số nhà văn viết ra nhiều ý tưởng rất cao xa và trừu tượng.
    - Theo chị, điều gì là khó nhất khi viết truyện ngắn?
    - Tôi sợ viết phần đầu, vì lối viết truyện của tôi phần vào đầu rất quan trọng, diễn biến toàn câu chuyện hoàn toàn ảnh hưởng và bị chi phối ở phần mào đầu ấy. Đặc biệt, tôi thích viết phần kết và muốn sáng tạo, thêm hay dừng ở đầu cũng được.
    - Chị muốn một kết thúc như thế nào?
    - Lúc mới viết, tôi thường thích một cái kết có hậu, sau này tôi thấy những cái kết không có hậu hoặc bỏ lửng để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả và buộc họ phải suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau, điều đó sẽ làm họ nhớ những chuyện của mình lâu hơn.
    - Tại sao chị không viết tiểu thuyết như nhiều văn trẻ khác?
    - Tôi nghĩ viết tiểu thuyết phải có sự tích lũy, vốn kiến thức lớn, không đơn thuần là chuyện yêu đương, chia lìa, đau khổ... Để thành tiểu thuyết, nó phải mang được một thông điệp gì đó lớn hơn thế. Tôi chưa có dự định viết tiểu thuyết trong vài chục năm tới.
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Ngọc Tư: ''Tôi không muốn ngủ quên vì giải thưởng''
    Sáng tác mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
    Hưởng ''lộc'' văn chương sớm hơn bạn viết cùng trang lứa, 25 tuổi, Ngọc Tư liên tiếp gặt hái giải thưởng: giải B Hội Nhà văn VN 2001, giải tác giả trẻ Hội Văn học nghệ thuật VN, giải Nhất cuộc vận động sáng tác tuổi 20...
    - Những ?oNgười xưa?, Ngọn đèn không tắt?, ?oGiao thừa?? của chị đều không ồn ào, nhưng lại dễ gây cho người đọc một nỗi rưng rưng bởi tình cảm chân chất mộc mạc của dân quê. Chị đang kế thừa bút pháp của Sơn Nam và Hồ Biểu Chánh?
    - Nhiều nhà văn Nam Bộ khác cũng viết như thế. Vậy nên tôi không cho rằng có sự kế thừa, chắc tại "thiên thời" (đất), nên xuyên suốt nhiều thế hệ cầm bút, tất cả chúng tôi đều viết theo giọng văn rất riêng của quê xứ mình.
    - Trong khá nhiều truyện ("Dòng nhớ", "Nước chảy mây trôi"...), chị mải mê với những vấn đề của người già, với những mối tình già đến tận hơi thở cuối?Chị lấy đâu ra kinh nghiệm và vốn sống để viết những chuyện chưa từng trải qua?
    - Chà, tôi giật mình vì câu hỏi này đây. Bởi vì chính bản thân tôi cũng không biết tại sao trong mình lại ăm ắp những câu chuyện về người già đến thế. Nhiều đến mức tôi không viết được về tuổi trẻ, về tuổi còn hơi? xanh của mình. Và nhiều đến mức tôi cũng chưa biết sợ vì trong lòng vẫn nuôi niềm hy vọng là khi đã già, biết đâu tôi lại viết được, viết hay về những vấn đề của giới trẻ.
    - Khó khăn lớn nhất của chị trong sáng tác là gì?
    - Điều kiện trao đổi nghề nghiệp. Tôi thèm một cuộc sống có nhiều bạn bè. Có khi chẳng phải gặp để bàn luận văn nhau mà chỉ cần bạn bảo hôm qua đọc được cuốn XYZ gì gì đó, hay lắm. Lúc ấy, tôi sẽ hỏi với một niềm háo hức, hay à, hay thế nào?
    - Có ý kiến cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ giống như một ?otháp ngà? vì nhiều người bạc cả tóc mà không có chỗ trú chân. Trong khi đó, với một cây viết mới toanh như chị, việc trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN, lại khá dễ dàng. Chị nghĩ thế nào?
    - Tôi chỉ nghĩ mình hơi? may mắn.
    - Cuộc sống hiện tại của chị ra sao?
    - May quá, tôi sống được bằng nghề (mà không biết sẽ kéo dài bao lâu!) và cố gắng sống một cách bình thường như cô văn thư, như cô bán xôi, như người phục vụ quán ăn? Tôi phải thế, vì những người thương yêu tôi lúc nào cũng nơm nớp, lúc nào cũng sợ tôi ngủ quên trong những giải thưởng này nọ mà không biết giá trị thật của chúng?
  6. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi thèm ai đó ''quất'' cho mình vài roi"
    Với 17 truyện ngắn xinh xắn trong tập Giao Thừa, nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư trở lại với giọng văn mộc mạc và trong trẻo, nhưng nỗi buồn nặng hơn. Tất cả như thể hiện cô thèm được nói, được viết về cuộc sống quanh mình. Và thèm cả ai đó "quất cho vài roi" để thấy rằng mình đang viết "chán chán thế nào".
    - Nhận giải Nhất Văn học tuổi 20 năm 2000 với tập truyện "Ngọn đèn không tắt", 3 năm sau ra tập "Giao Thừa", Tư đã ngấp nghé tuổi 30. Điều ấy có thay đổi gì trong quan niệm sống và viết không?
    - Chỉ một chút thôi. Tôi có cảm giác mình bây giờ viết buồn hơn lúc trước.
    - Đọc truyện của Tư cứ xuôi đi mải miết bởi cách viết hồn nhiên, giản dị và dễ thương. Tư có cho rằng đó là thế mạnh của mình?
    - Không, tôi muốn viết tinh tế, sâu sắc, góc cạnh hơn (dường như các nhà phê bình cũng thích thế). Nhưng khổ nỗi, tạng tôi nó vậy, phong cách viết tự nó vậy, chữ nghĩa cũng tự "chảy" ra như vậy.
    - Tư từng nói "tôi nghĩ đến ứ đầy rồi viết", từ "Ngọn đèn không tắt"sang "Giao Thừa", bắt gặp những cái tên lặp đi lặp lại: Chị Diệu, Diệu; con San, anh San; ông già Chín...; và những cảnh đời: toàn người chất phác, hồn hậu, tốt bụng vô ngần, vậy mà chẳng ai được sung sướng. Gấp truyện lại chỉ còn một nỗi buồn rất lạ! Vậy có thể hình dung cuộc sống quanh Tư như thế nào?
    - Hình dáng buồn cười, thô mộc, quê mùa, không trau chuốt (nên tôi lười cả việc đặt tên cho nhân vật của mình). Hai mươi bảy tuổi vẫn yêu, vẫn tin rằng cuộc đời này màu hồng (mà tới một cái tuổi nào đó sẽ thấy nó đen thui) nên vẫn thích viết về những người tốt. Có điều họ không sung sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời rủ nhau đi sống tốt hết rồi.
    - Các cuộc phê bình cây bút trẻ yên lặng quá. Thiếu người trẻ viết phê bình đã đành, người già thường có cái nhìn không thiện cảm với cây bút trẻ là một nhẽ, nhưng vẻ như truyện ngắn thời gian qua chưa tạo được chú ý. Có lúc nào Tư thèm được một nhà phê bình nào đó "quất" cho mình vài roi để lớn lên?
    - Thèm. Tự soi gương không bao giờ nhìn thấy hết những khiếm khuyết của mình. Đôi lúc nghe bạn bè cằn nhằn lúc này Ngọc Tư viết "chán chán làm sao", tôi muốn biết "chán chán làm sao" là thế nào? Có ai giúp tôi không?
    - Có thể hy vọng ở những tập truyện mới dày hơn, khác hơn, thậm chí là tiểu thuyết ở Tư không?
    - Sẽ đến một tuổi nào đó, một cú sốc nào đó, hay đến lúc bạn nói bạn chán cách viết của tôi rồi, biết đâu tôi sẽ đổi thay. Nhưng bây giờ thì chưa.
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0

    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: "Tuổi trẻ đang khẳng định mình là chủ nhân của tương lai"
    TRẦN HOÀNG THIÊN KIM thực hiện-Theo Thể thao và Văn hóa
    * Là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của năm, lại được trao giải vào tháng thanh niên, chị nhìn nhận thế nào về thế hệ trẻ Việt Nam nói chung?
    - Tôi ở "vùng sâu, vùng xa" ít được tiếp xúc với những vấn đề thời sự của cuộc sống trẻ, và cũng là người duy nhất thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, lĩnh vực trầm hơn tất cả. Trong lễ trao giải, tôi thực sự thấy các bạn cùng được giải trong đợt này rất năng động và đáng khâm phục vì những gì họ đã làm được, nhất là với các lĩnh vực thể thao, công nghệ thông tin... Họ đang được thử thách và khẳng định mình là chủ nhân của tương lai.
    * Sau chuyến đi này thông điệp chị mang về cho các bạn trẻ ở bán đảo Cà Mau của chị là gì?
    - Tôi hy vọng sau chuyến đi này trở về khi đặt bút viết, tôi sẽ nghĩ nhiều hơn đến những vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống. Thực sự thì miền đất của chúng tôi cách xa các trung tâm quá nên thông tin rất thiếu. Ngay cả nguồn sách báo, không phải lúc nào cũng đầy đủ và dồi dào như ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Nói riêng như nguồn sách văn học, đôi khi đọc báo, thấy người ta tranh luận một vấn đề về sách nhưng chúng tôi đâu biết mặt mũi cuốn sách đó ra làm sao đâu. Tôi nghĩ là một sự thiệt thòi lớn đối với những người trẻ tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, ở sự lựa chọn nghề nghiệp, hay theo đuổi một niềm đam mê.
    10 gương mặt trẻ tiêu biểu của năm 2003 được bình chọn là những điển hình thanh niên tiên tiến trên mọi lĩnh vực của xã hội. Trên lĩnh vực học tập và công nghệ thông tin có ba gương mặt trẻ là Lê Hùng Việt Bảo (học sinh lớp 11 khối phổ thông chuyên Toán - Tin, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), Nguyễn Khánh Ánh Hoàng (học sinh lớp 6 A1 Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Công Kha (Công ty truyền thông Vinacom). Hai gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực an ninh quốc phòng là Lý A Lò (dân tộc Sán Chỉ, trạm Kiểm soát biên phòng Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) và Nguyễn Mạnh Hùng (cảnh sát phòng chống tội phạm Công an tỉnh Nghệ An). Lĩnh vực sản xuất kinh doanh có chị Nguyễn Thị Vinh (Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Thịnh Hưng, Thái Nguyên), Bùi Văn Long (Bí thư chi đoàn thôn Thành Phú, xã Định Tường, Yên Định, Thanh Hóa).
    Lĩnh vực thể thao có hai gương mặt tiêu biểu là Phạm Văn Quyến (cầu thủ bóng đá Đội tuyển U23 Việt Nam, CLB Sông Lam Nghệ An) và Nguyễn Thị Tĩnh (VĐV điền kinh). Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có duy nhất một gương mặt, đó là nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976), hiện là phóng viên tạp chí Bán đảo Cà Mau.
    * Gần đây người ta thấy Nguyễn Ngọc Tư viết truyện không còn theo "bản năng" như ngày xưa nữa, điều đó có ngoại cảnh nào tác động không vậy?
    - Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó người ta cũng phải thay đổi, có lẽ đó cũng là quy luật tự nhiên thôi. Ai tự tô vẽ cho văn chương một sự mầu mè quá đáng, giả tạo thì người đọc nhận ra ngay. Ngày trước tôi là một cô bé vừa chân ướt chân ráo từ vườn rau muống của ngoại chạm chân vào tác phẩm đầu tay, còn giờ đây, đã là mẹ của một cậu con trai hơn 20 tháng tuổi rồi cơ mà. Phải có sự khác nhau chứ!
    * Hình như lần ra này chị có mang theo một món quà cho Hà Nội?
    - Đó là cuốn sách mới in Nước chảy mây trôi của Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Thực ra đây là tập sách tôi thích vì có một nửa là phần bút ký tôi viết về những gì thân thuộc nhất chung quanh mình.
    * Chị có đọc nhiều những tác phẩm của bạn bè mình không, chị thấy nền văn học trẻ của Việt Nam hiện nay như thế nào?
    - Tôi đọc họ không nhiều, như lúc đầu tôi nói đấy, tôi chỉ được đọc qua báo chí hoặc khi họ gửi tặng. Họ viết khác tôi. Lúc viết tôi thường để ý đến nội dung câu chuyện định viết và có một ý nghĩ rằng phải để truyện đó gắn bó từ đầu đến cuối. Truyện bắt buộc phải có nội dung. Tôi không tán thành kiểu viết mà đọc lên các ý tưởng mông mênh, không rõ ràng, tôi nghĩ đó là bút ký, hoặc tản văn chứ không phải là truyện ngắn. Tôi nghĩ hiện nay văn học trẻ vẫn chưa đi theo một xu hướng nào cả. Từng cá nhân vẫn đi theo cách nhìn, cách nghĩ của họ.
    * Chị sẽ "cầm cự" để thành danh với truyện ngắn, hay cũng như những nhà văn trẻ khác, khẳng định mình ở một thể loại dài hơi, như tiểu thuyết chẳng hạn?
    - Tôi nghĩ viết tiểu thuyết phải có sự tích lũy, vốn kiến thức lớn, không đơn thuần là chuyện yêu đương, chia lìa, đau khổ... Để thành tiểu thuyết, nó phải mang được một thông điệp gì đó lớn hơn thế. Tôi chưa có dự định viết tiểu thuyết trong vài chục năm tới.
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Đọc "Nước chảy mây trôi" của Nguyễn Ngọc Tư: Thắm đượm tình đất, tình người
    Gồm 6 truyện ngắn và 17 bút ký, ?oNước chảy mây trôi? là ấn phẩm mới nhất của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư , do Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
    ?oRằng sống trên đời, thấy phải thì làm, mà làm cũng đừng nghĩ rằng sẽ được đáp đền xứng đáng, vì có những thứ quý giá lắm, chẳng gì bù đắp được đâu? (tr.16) - lời của người mẹ dạy con trong truyện ngắn mở đầu ?oQua cầu nhớ người?, (tr.7) như khái quát phần nào tính cách và lối sống của những nhân vật trong các truyện ngắn in trong tập truyện này của Nguyễn Ngọc Tư: dám nghĩ dám làm và sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi... Đó là dì Út Thu Lý (?oChiều vắng?, tr.27), người đã dùng cả tuổi thanh xuân của mình để thay người chị ruột trả ?omón nợ tình? cho người anh rể; là ông Mười (?oMối tình năm cũ?, tr.17), người đàn ông cục mịch nhưng tốt bụng và rất mực thương vợ, sẵn sàng chịu mọi điều tiếng thị phi để vợ ông quên đi những tháng ngày đau buồn, được sống hạnh phúc; là anh Hai Nhớ, anh Hiệp ?oQua cầu nhớ người?, là Út Nhỏ (?oNhà cổ?, tr.57)...
    Giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư dung dị hồn hậu, những con người Nam bộ hiện lên trong tác phẩm của chị dịu dàng nhưng quyết liệt, chơn chất nhưng ý nhị, và tình yêu của họ mới đẹp làm sao! Vì yêu, họ sẵn sàng quên đi bản thân mình, quên đi những đắng cay chua xót mà mình đang gánh chịu. Trong ?oChiều vắng?, người đọc không khỏi xúc động trước tình yêu trái ngang nhưng nồng nàn và bền bỉ của của dì Út Thu Lý dành cho cậu Tư Nhớ. Yêu đơn độc gần hai mươi năm, đến lúc ?otóc đã trắng những sợi già?, dì Út Thu Lý vẫn còn nguyên vẹn cảm giác thẹn thùng ?ohổng biết làm sao giáp mặt anh Tư Nhớ, răng cỏ trống hơ trống hốc như vầy...?. Vì yêu, người phụ nữ ấy đã làm mọi cách để dì Ba Thu Lê về gặp mặt cậu Tư Nhớ, cho thỏa ước nguyện của cậu, bởi ?ogặp chơi vậy thôi chứ không thay đổi được gì hết?. Cách dẫn dắt khéo léo của tác giả cũng khiến những vấn đề táo bạo, nhưng không phải là không xảy ra ở cuộc đời này, mà tác giả đặt ra trở nên gần gũi, dễ chấp nhận như tình yêu của Diệp dành cho thầy Nhiên, người cha kế (Nước chảy mây trôi)...
    Trong phần ký, Nguyễn Ngọc Tư nói nhiều về quan niệm sống, những hoài niệm của tác giả và những tác động của quá trình chuyển đổi kinh tế đối với con người. Những tác phẩm đó còn tái hiện một cách sinh động hình ảnh quen thuộc của một vùng nông thôn Nam bộ: buổi chợ họp ven đường, một cái tiệm tạp hóa, những tập quán canh tác, sinh hoạt, tín ngưỡng của người nông dân ?oChợ nhóm bên đường?, tr.77; ?oChợ của má? tr.80. ?oQuán nhớ?, ?oMơ thấy mùa đang tới?... Đọc những tác phẩm này, người ta dễ dàng nhận ra một tình cảm sâu nặng với mảnh đất mà Nguyễn Ngọc Tư đã sinh ra và lớn lên: Mũi Cà Mau. Qua ?oTháng Chạp ở rạch Bộ Tời?, tr.140, ?oXa đầm Thị Tường? tr.151", ?oĐất Mũi mù xa? tr.132... Đất Mũi Cà Mau hiện ra với tất cả những tình cảm trìu mến, trân trọng, thương yêu, và giúp người đọc khám phá ra những nét độc đáo của mảnh đất, con người nơi vùng đất cuối trời Tổ quốc này. Trong ?oĐất Mũi mù xa?, chị viết: ?oNắng thì lầm lì thôi là lầm lì, gió cởi mở thôi là cởi mở. Biển đã đục là ngầu ngầu phù sa. Nước đã mặn là mặn quéo đầu lưỡi. Người đất Mũi rặt đã thương thì thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng - (tr.136). Nhưng càng yêu quý mảnh đất này, tác giả cùng trăn trở với những gì đang diễn ra ở Đất Mũi, những niềm vui, hy vọng cũng như sự cơ cực của người dân nơi đây cùng những nuối tiếc khi con tôm đang thay thế dần những cánh đồng lúa, những vuông tôm đang thay thế những cánh rừng...
    Vẫn cách viết mộc mạc đã làm nên một phong cách của Nguyễn Ngọc Tư, đọc ?oNước chảy mây trôi?, người ta không chỉ trăn trở cùng các nhân vật của chị, mà còn có thể phác họa nên một bức tranh toàn cảnh về mảnh đất, con người nơi đây, cùng tác giả chia sẻ những cảm xúc vui mừng, háo hức, hy vọng và cả những giằng xé đớn đau. Nói như Nguyễn Ngọc Tư đã viết: ?oCoi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi. Phải chọn lựa và trả giá chớ? (tr56)...
    HOÀNG THANH
  9. honghoavi

    honghoavi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2004
    Bài viết:
    1.412
    Đã được thích:
    0
    Còn chần chừ gì nữa!
    Sao bạn không post lên vài truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư cho bà con thưởng lãm!
    honghoavi
  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    To Honghoa:
    Bạn đọc bên Tác phẩm văn học, mục Truyện ngắn NNT nhé.

Chia sẻ trang này