1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

nhạc jazz và cảm hứng!!!

Chủ đề trong 'Nhạc Jazz' bởi haiauxanh187, 26/09/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. haiauxanh187

    haiauxanh187 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    89
    Đã được thích:
    0
    nhạc jazz và cảm hứng!!!

    Sau vài năm tiếp cận với Jazz, tôi nhận thấy mình không có lòng đam mê nhạc Jazz thực sự. Tôi đã lớn lên ở một đời sống xã hội khác, đã quen với một cách đòi hỏi khác, được dạy bảo để luôn làm những điều ít ngẫu hứng hơn, khuôn mẫu hơn, mọi việc phải được xét đoán kỹ càng. Nằm ở đâu đó trong những xét đoán kỹ ấy của tôi đã có một vài điểm yếu, mà ở nhạc Jazz đó lại là thế mạnh: Ngẫu hứng đến mức tùy hứng.

    Bản nhạc chưa hoàn chỉnh

    Jazz là sự ngẫu hứng, giản dị hơn có thể hiểu là tùy hứng. Nhưng luôn thống nhất theo chủ đề tác phẩm, thể hiện chủ đề ấy ở nhiều sự phá cách có thể. Khi người nghệ sĩ sáng tạo hoàng chỉnh một tác phẩm nhạc Jazz, ta cần hiểu như vậy - anh ta chỉ mới hoàn thành một phần cơ bản của tác phẩm đó. Trong quá trình biểu diễn, những nhạc công sẽ cùng phối hợp sáng tạo, bằng tài năng và khả năng tung hứng những âm thanh, họ cùng phát triển tác phẩm đó. Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ thấy hai bản nhạc Jazz nào lại giống nhau hoàn toàn. Một tác phẩm Jazz khi hoàn thành trên giấy thông thường chỉ có nét giai điệu chủ đề và những quy ước hoà âm, quy ước trình tự những đoạn nhạc sẽ chơi, cùng với nó là lời ca nếu tác phẩm có sự tham gia của ca sĩ.

    Không khí tự do

    Trong khi nhạc cổ điển thường được biểu diễn ở những phòng hòa nhạc trang nghiêm với những chiếc ghế ngồi bọc nhung sang trọng, những khán giả luôn giữ trật tự và chỉ dành sự tung hô nồng nhiệt nhất khi bản nhạc đã kết thúc thì nơi biểu diễn đặc trưng nhất của Jazz lại là những bar rượu. Khách khứa đủ kiểu người, mặc những bộ quần áo tuềnh toàng, nói chuyện vòng vòng mọi thứ thượng vàng hạ cám. Nhưng họ vẫn nghe âm điệu Jazz đang vang lên từ bục sân khấu, họ tự do vỗ tay hay kêu lên tán thưởng dù chỉ với một nét nhạc hay hoặc bất cứ điều gì khiến họ thích chí. Tất cả tạo ra một bầu không khí dân dã hơn.

    Tuyệt tình với công nghệ

    Nhạc Underground, Electric, HipHop, Rap và cả những thể loại nhạc Dance gần đây đã được máy tính, những công cụ điện tử và những phần mềm làm nhạc thông minh hỗ trợ đắc lực. Thậm chí ngay cả những người không chuyên cũng có thể tự làm những bản nhạc loop (xếp đặt những mẫu âm nhạc, những mẫu tiết tấu đã được mã hóa và lặp đi lặp lại có biến đổi). Do đó, nhạc Jazz lại càng nổi trội lên đẳng cấp của nó. Jazz đối chọi lại và ngày càng tôn vinh yếu tố con người. Khán giả "tây", những người đã chán ngấy cuộc cách mạng digital nay càng có động cơ để tìm đến Jazz ngày một đông đảo hơn. Với nhạc Jazz, họ được chứng kiến một thể loại âm nhạc mà những nghệ sĩ biểu diễn đã phải khổ luyện để thành tài, và họ trực tiếp dâng hiến tài năng trên nhạc cụ của mình, âm thanh mộc mạc và tự nhiên hơn.

    Nhạc cụ thô sơ

    Hãy xem những nhạc cụ của Jazz: kèn saxophone, kèn trompet, đàn piano, đàn contrabass, và trống..., và cả giọng hát nữa, tất cả hầu như đều là những nhạc cụ acoustic (nhạc cụ không dùng điện, không được mã hóa, âm thanh tự thân). Những nhạc cụ này hầu hết đều là những nhạc cụ thuộc biên chế của dàn nhạc cổ điển. Chúng đòi hỏi trình độ kỹ thuật của người chơi. Người nghe có thể đánh giá được trình độ kỹ thuật của người nghệ sĩ qua âm thanh phát ra tròn đầy, đẹp hay méo mó và thô ráp. Ngày nay, khuynh hướng quay trở lại với những nhạc cụ "thô sơ" như vậy đang phổ biến trên toàn thế giới, giống như việc trở lại với xe đạp hoặc việc đi bộ vậy. Tất cả để tôn vinh nội lực và khả năng, những giá trị thực chất của con người.

    Ngẫu hứng, yếu tố siêu việt nhất của nhạc Jazz

    Với Jazz, có lúc ta nghe không thấy lọt tai mình, có lúc ta thấy thích. Hãy tưởng tượng một ban nhạc Jazz như một cuộc hội ngộ của một số người có khả năng nói chuyện bằng âm nhạc. Một nghệ sĩ kèn trompet say sưa với những cung quãng nhạy cảm, anh ta dựa vào chủ đề của tác phẩm như một điều cốt lõi trong lúc diễn thuyết, cho bạn thấy mọi khía cạnh của ý niệm cơ bản ấy. Bạn thấy anh ta tự do và bạo dạn bày tỏ mọi tình cảm và thông tin lưu loát trong lúc xung quanh anh ta những bè nhạc khác tung hứng và hỗ trợ cho câu chuyện của anh ta, câu chuyện không có nhiều những khoảnh khắc lưỡng lự suy nghĩ. Vì thế, những điều bất chợt liên tục tiếp nối nhau xuất hiện.

    Nếu là người nghệ sĩ tài tình, anh ta sẽ dẫn dắt những khán giả của mình đi qua những thăng hoa bất chợt để rồi đẩy tất cả lên một cao trào mãnh liệt sâu sắc nhất của cảm xúc bằng khát khao, trầm lặng, giận dữ, những nốt nhạc, những hòa âm và tiết tấu, những tiếng huýt khích lệ, những phấn khích của người nghe.

    Đến lượt nghệ sĩ piano, lần này khán giả có thể không vỗ tay và nói chuyện riêng nếu người chơi piano dường như phải nói và nói những điều quá dở, bằng nét nhạc đứt quãng, hụt hơi, thiếu thuyết phục. Đến đây, tôi chợt tự hỏi không biết có một không khí nào thú vị như thế? Nhạc Jazz đã sản sinh ra một không khí cộng hưởng qua lại như thế. Ngẫu hứng trong Jazz giống như dòng sông chảy, không bao giờ có sự lặp lại chính mình. Những sự bất ngờ ấy có niềm vui tự hào và cũng có cả nhiều nỗi buồn thất vọng... bởi vì những nghệ sĩ cũng luôn phải cạnh tranh mạnh mẽ để không bị tụt lại phía sau.

    Thời gian tôi tập chơi Jazz, những nơi tôi biểu diễn có đông người xem nhất là câu lạc bộ, tôi quan sát thấy cũng có khi một số người Việt Nam đến xem ban nhạc biểu diễn, cũng có khi tôi gặp họ quay lại. Tôi thấy họ là những người trẻ như tôi, họ cũng tò mò và cầu tiến. Những thanh niên ấy luôn chăm chú nghe và cố gắng tìm hiểu mọi điều mà họ cảm thấy. Tôi không nghi ngờ là có những đoạn nhạc, có những bản nhạc làm họ thấy thực sự bị cuốn hút, và tôi cũng thấy họ có lý khi ra về mà không biểu hiện phản ứng của mình. Ở Việt Nam, người nghe nhạc cổ điển ngày càng nhiều lên nhưng hầu như tập trung ở thành thị. Nhạc Jazz vốn xuất hiện muộn hơn (những năm 1890), cũng là thể loại nhạc có đẳng cấp rất cao, không dễ nghe và khó tiếp cận. Nhạc Jazz chắc chắn cần có nhiều thời gian để phát triển và được tiếp nhận rộng rãi hơn.

    Thời đại mới, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, đôi khi khó khăn, gấp gáp, bế tắc. Có những vấn đề ta có thể giải quyết ngay bằng sự hiểu biết, tự tin vào năng lực ở bản thân mình, tại sao không? Bạn yêu thích cảm giác phiêu lưu đầy lãng mạn từ việc chọn cách phát triển và giải quyết một vấn đề mới xuất hiện bằng tài năng của mình. Bạn có nên chọn cách thể hiện mình và đạt mục đích mà bạn đang đặt ra như thế không? Liệu có gặp rủi ro gì không? Dù thế nào, một lúc nào đó, bạn hãy tự nói "nào, ta hãy ngẫu hứng..." và bạn hãy hòa mình một lần vào nhịp sống Jazz, một thể loại âm nhạc vĩ đại và đầy kiêu hãnh, biết đâu bạn lại thấy đó là thứ âm nhạc phù hợp với những suy tư của mình hơn cả.




    TINHYEUMAUXANH
  2. 1inbox

    1inbox Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/03/2003
    Bài viết:
    568
    Đã được thích:
    0
    hi bạn haiau ! bạn viết cảm nhận của bạn về jazz rất hay và rõ ràng. mình đồng í với bạn về tất cả dù mình hiểu jazz ko hệ thống được như bạn.
    phải trải qua một chặng đường với nhiều thể loại nhạc khác, mình mới đến được với jazz. và may vì mình biết sáng tác và chơi guitar chút chút nên khi cảm được jazz thì chắc sẽ ở trong đó rất lâu.
    ngược lại, con em của mình mới 11 tuổi mà nó chỉ nghe toàn jazz. nó chả bít gì về âm nhạc. chị nó lại nghe tàn là hard rock. nó chỉ nói nhạc jazz nghe rất hay và vui. nó đang mê cô laura fygi và diana krall.
    mình nghĩ chơi hay nghe nhạc gì cũng vậy, cảm giác có lẽ là điều quan trọng nhất.
    am ur inbox

Chia sẻ trang này