1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhật ký MỘT CÔ GÁI THIẾU NGOAN

Chủ đề trong 'Tâm sự' bởi Coltpard, 11/06/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Beaune, Chủ nhật, ngày 23 tháng 4 năm 2006, Bố mẹ Gilles...
    Bố mẹ Gilles, những người dung dị nhiệt tình, với những suy nghĩ có phần hơi nặng nề, thật sự bối rối khi gặp AY và tôi. Sự gượng gạo nào cũng trở nên mềm mại bởi rượu vang. Cho dù ngó trên bàn tiệc thì nhẽ ra tôi nên là bạn gái của Gilles mới phải.
    Đôi khi, tôi tự hỏi, nếu mà tôi gặp Gilles trước AY, liệu có khi nào chúng tôi sẽ yêu nhau? Cậu ấy có đủ tính cách của một người làm trong ngành tâm lý, hóm hỉnh, tế nhị, dịu dàng, có mỗi một tội là cậu ấy còn quá rẻ. Tình cảm của chúng tôi chẳng khác gì một gốc nho chưa nhú mầm, tức là còn quá trẻ và quá xa để có thể thành rượu. Chúng tôi chẳng hề rung động gì ngoài một tình bạn nhẹ nhàng.
    Thế đấy, người ta không thể yêu một người khác chỉ vì người ấy có đầy đủ những gì được coi là một người tốt, hoặc thậm chí lý tưởng. Tình yêu là một cái gì đó đến từ bên trong, chẳng lý giải, hay cắt nghĩa được.
    Trong vũ trụ này, cái gì là có thể cắt nghĩa, lý giải được? Khi tất cả đều chỉ là tương đối?
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 16:36 ngày 25/04/2006
  2. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
     Có niềm vui nào không mọc mầm từ những nỗi buồn?
    Có ngày nào không bắt đầu sau một hoàng hôn
    [​IMG] 
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 16:30 ngày 25/04/2006
  3. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Paris, thứ hai, ngày 24 tháng 4 năm 2006, bầu trời dường như chưa bao giờ sáng...
    "Cái nhìn của chúng tôi cứ phiêu diêu ra phía nền trời xanh bên kia đám cây với những ánh đèn mờ dần đi... Chẳng có tương lai nào để trò chuyện, chẳng phấn kích, cũng chẳng mục tiêu để cùng chia sẻ... Cô đơn, trống rỗng".
    (XT)
    Tôi đói, nhưng chẳng muốn ăn gì, vậy có đúng là tôi đói không?
    Tôi buồn, nhưng chẳng vì lí do gì, vậy có đúng là tôi buồn không?
    Cũng như nhiều người, tôi tự hỏi, liệu cái gì có thể khiến cuộc sống của tôi u ám được? Nhưng nó vẫn ở đấy, hiển hiện ra, bên trong tôi, không gì gạt đi được, không phải tưởng tượng, chẳng phải nói quá, nỗi buồn chán ấy. Nó ở đấy.
    Có ai bất hạnh hơn là kẻ không thể sung sướng, cho dù bất cứ vì lí do gì?
    Trên đời này liệu có kẻ nào thật sự sung sướng không? Hay chỉ là một biến thể của nỗi buồn mà tô vẽ nó trên những sắc màu rực rỡ, đẹp đẽ, tắt ngấm đi như ánh sáng tuyệt đẹp của hoàng hôn?
    CC
  4. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Paris, thứ ba, ngày 25 tháng 4 năm 2006, Ông ngoại
    Đêm đầu tiên ở Beaune, tôi có một giấc mơ dài kỳ lạ, nơi tôi gặp mặt hầu hết mọi thành viên trong gia đình. Trong giấc mơ ấy, tôi nằm ngủ, và mơ thấy một thầy nho yêu nước, có tiếng nói trong dân chúng, bị đàn áp, bị tra tấn đến nỗi mang tật đến tận khi chết. Tôi tỉnh dậy và kể cho ông ngoại tôi (người đã mất cách đây năm sáu năm), ông ngoại tôi bảo người trong mơ là em của cha ông, tức là chú của ông ngoại tôi đấy, mất lâu rồi. Sau đó ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện khác, toàn chuyện gia đình, nói cho tôi biết về tương lai trong vài tháng sắp tới.
    Tỉnh dậy, tôi chẳng còn nhớ gì nhiều, chỉ nhớ về ngày 10 tháng Mười sắp tới. Tuần trước tôi mơ thấy ông ngoại của tôi, tuần này lại mơ nữa. Thường thì tôi ít khi mơ thấy người đã mất liên tục như vậy. Nhẩm đi nhẩm lại, tôi sực nhớ sắp tới ngày giỗ ông, có lẽ tôi về nhà không kịp.
    Khác với người phương Đông, chấp nhận rồi, tin rồi mới tìm hiểu, người phương Tây phải hiểu rồi mới tin. Tôi có kể những giấc mơ của tôi về những người đã khuất và những điều họ nói, thì AY cũng nhún vai và nói: "Tại sao lại không?!". Thế là phản ứng tích cực lắm rồi, có người còn phản bác ngay, rồi giải thích bằng Freud hay đại loại những logic, những luận lý tâm lý nào đó đã được chứng minh và công nhận để có thể giải thích được.
    Tất nhiên rồi, kể cả trong những giấc mơ, hay trong những biểu hiện diệu kỳ nhất của những thể dạng sống khác với ta, cho dù hiển hiện đấy, thì ta cũng chỉ nhìn, chỉ nghe, chỉ thấy, chỉ hiểu những gì ta muốn mà thôi. Đó là sự hạn định của cái tôi đối với vũ trụ.
    Tôi nghĩ không hiếm gì người phương Đông cho rằng tôi hoang tưởng. Nhưng với tôi, điều còn rõ hơn và thực hơn ánh sáng ban ngày, đó là chết không phải là hết, chỉ là một bước chuyển tiếp.
    Tôi giả định thế này. Tất nhiên ví dụ như thế thì thô thiển không khác gì so sánh tàu vũ trụ với con ngựa gỗ, nhưng biết làm sao được, ngôn ngữ và hình ảnh vốn là thứ hạn chế kiến thức mà.
    Đại để là, thể xác và linh hồn, đó là hai thể không thể thiếu đối với dạng sống này, với trường thông tin này, với chiều không gian này. Nôm na, thể xác giống như phần cứng của máy tính, thứ ta có thể nhìn thấy được, còn linh hồn đại loại như phần mềm, dùng để chạy máy.
    Những kiến thức, thông tin từ khi cái gọi là ta bắt đầu ra đời và bắt đầu sản sinh ra nhân quả đầu tiên, tất cả được mã hóa và lưu giữ trong một cái nôm na gọi là "trường thông tin chung" (thư viện lớn của vũ trụ) và trong bản thể (linh hồn). Khi linh hồn vào một thể xác, nó sao chép một phần thông tin nó có vào thể xác ấy, đồng thời tiếp thu và tích lũy các thông tin mới. Tùy vào phần cứng (thể xác) và phần mềm (linh hồn), cũng như sự tương thích giữa chúng, mà mỗi cá thể có thể giải mã nguồn thông tin ấy đến đâu.
    Phần cứng, nơi chạy những phần mềm tương thích, còn bắt và giải mã các thông tin từ trường thông tin chung, giống như kết nối internet vậy. Có máy có thể kết nối wifi (tất nhiên là phải có mã khóa), có máy thì phần cứng chỉ chấp nhận kết nối adsl thôi (lại còn cần cả modem nữa chứ), có máy thì không có card mạng nên ngậm ngùi dial up, còn loại vét đĩa thì chẳng kết nối với cái gì.
    Vì vậy mà có người có khả năng ngoại cảm, nội cảm, cảm xạ nhiều hơn người khác. Có người có thể thấy ma, người khác lại thấy được tương lai hay qua khứ. Có người thì cho linh hồn nhập vào mà nói, có kẻ thì chỉ nghe được hay cảm được thôi. Có người khi ngồi thiền hàng tháng, có kẻ thì nửa phút đã bị kiến đốt mông rồi. Có người thì vận cái là có khí ngay, kẻ thì cứ trơ trờ như đá. Có người thì xem bói bài, bói lá trầu, bói quả cau, bói chân gà, bói chân người, bói bói tăm, bói đũa, thậm chí bói linh tinh đủ thứ... Những điều trên, chính xác đến đâu là tùy vào hạn định, tùy vào nghiệp duyên, tùy vào khả năng, tùy vào hàng tỷ tỷ vectơ nhân quả.
    Nói vậy có nghĩa rằng, trên đời chẳng có ai hơn ai kém, chẳng có người giỏi người dốt, chẳng có kẻ tài kẻ dở, chỉ có Nhân và Quả mà thôi.
    Nhân Quả - thật vĩ đại! Đó là cái quy luật xuyên suốt cả vũ trụ này, bao gồm cả thuyết tương đối. Tất cả đều vận động theo quy luật ấy, trừ cái vô định, tức là KHÔNG.
    Nhưng đạo nói ra thì không còn là đạo. Những cái đã viết ra để nói về kiến thức, thì giống như dùng một sợi lông đuôi để miêu tả một con voi. Nhưng nước phải chảy thì mới ra đại dương được, đại dương sẽ chẳng khác gì một cái hồ tù lầy nếu không có những con sông và những mạch nước ngầm.
    CC

    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 16:08 ngày 25/04/2006
  5. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Paris, thứ tư, ngày 25 tháng 4 năm 2006,
    Đôi khi người ta cứ tự dối lòng và dối người, để sống cho dễ hơn. Nói thực ra thì, tôi rất buồn.
    Cố gạt nỗi buồn đi để vui cũng là một cách sống. Nhưng tôi chẳng quên được nỗi buồn nào. Chúng cứ đè lên nhau, nỗi buồn này chồng lên nỗi buồn khác, đến một lúc nào đó thì đổ ập xuống, rồi tôi bị đè bẹp trong cái đống hỗn độn ngổn ngang ấy.
    Đêm qua, Dodom chuẩn bị một bữa tiệc để tiễn tôi. Bữa tiệc đầm ấm, ngọt ngào và đẫm nước mắt. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn còn nghẹn ngào. Tôi có cảm giác mình sẽ chẳng bao giờ quay lại đây nữa, hoặc ra phải rất lâu, lâu lắm. Tôi phải trở về sống cuộc sống của tôi thôi, mà cuộc sống thực thì chẳng dễ chịu gì.
    AY bảo sống là đấu tranh, bởi vì cuộc đời là một cuộc chiến lớn. Ông nói tôi phải mạnh mẽ hơn, phải chứng minh rằng tôi có thể làm được, phải khẳng định tôi là ai, phải độc lập để có tự do, phải thế này, rồi phải thế khác. Tôi bật khóc. Tôi chẳng muốn đấu tranh với ai, cũng chẳng thích trở thành một người nào đó mạnh mẽ. Tôi chỉ muốn là tôi thôi, một đứa bé nhỏ nhoi và yếu ớt, núp mình trong cái vỏ xanh, rúc dưới bụi cây rậm rạm, nhìn ra ngoài ánh sáng, đợi chờ một cái chết dung dị, hay như một con lười đu mình trên cây cả đời chẳng bao giờ đặt chân xuống đất, thiền định cho tới khi tắt hơi thở cuối cùng. Và bắt đầu một cái gì đó mới mẻ, hoặc đơn giản chỉ là kết thúc tất cả.
    Mụ phù thủy bảo, thích gì thì cứ làm đi. Nói thì dễ như chơi. Làm thế nào để có được cái mình thích? Và làm sao để biết được mình thích gì?
    Tôi sắp xếp hành trang, đặt đồ đạc vào vali để khỏi quên thứ gì, cân nhắc xem mang gì về và bỏ gì lại. Lòng nặng trĩu, u buồn. Mặc dù tôi biết chỗ của mình ở đâu, nhưng mọi sự ra đi, tất cả những sự chấm dứt, đều nhuốm màu đau khổ cả, kể cả điểm kết cục của một nỗi buồn hay một niềm vui.
    Chẳng nên cố làm gì. Buồn thì cứ buồn thôi. Sao lại phải giả vờ phớt lờ nó đi để mà vui. Niềm vui ấy, cũng như hầu hết những niềm vui khác, ngọt ngào một cách giả tạo.
    Thế rồi tôi ngồi thần ra. Cơ thể mỏi nhừ, chẳng chút sinh lực. Đầu óc trống rỗng, vô định. Chẳng có gì để mà chia xẻ cả. Tất cả bỗng trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Tôi không biết mình muốn gì, ngoài việc thấy mình cần khóc một chút, những mong sự nặng nề vô hình nào đó theo nước mắt mà thoát đi. Tôi chẳng muốn ai nhìn thấy mình trong tâm trạng này cả. Mang lại nặng nề cho người khác phỏng có làm mình nhẹ nhàng hơn được đâu. Tốt hơn cả là tôi nên đi tắm và khóc dưới vòi hoa sen.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 17:52 ngày 26/04/2006
  6. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Paris, thứ tư, 25 tháng 4 năm 2006, tắm.
    Cho tới ngày hôm nay, tôi mới nhận ra rằng mình chưa bao giờ thực sự tắm. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu rằng tắm không chỉ đơn thuần là để cho nước chảy trên cơ thể, kì cọ, xức xà phòng cho thơm tho sạch sẽ. Tắm, cũng giống như mọi việc trên đời này, nếu cố tâm để ý, thấy nó còn hơn cái định nghĩa về nó mà bấy lâu ta cứ công nhận thế nhiều lắm.
    Tôi không khóc được. Cục u sầu vẫn cứ ở đấy, nặng trịch nơi dạ dày, kéo cơ thể tôi chìm xuống. Ước gì tôi đang chìm sâu vào trong nước. Để nước nóng xối xuống từ đỉnh đầu, tôi nhìn nước chảy xuống, thành những dòng rẽ ngoằn nghèo trên cơ thể. Dưới làn nước mỏng, da tôi đang thở, với những bọt bóng li ti nhỏ hơn cả đầu tăm, phải để ý lắm mới thấy được.
    Tôi chẳng nghe thấy gì, ngoài tiếng nước rì rào, tiếng ù ù giống như mình đang chìm dần. Rõ là tôi đang đứng dưới một thác nước tuyệt đẹp. Chẳng có gì phải lo lắng cả, hãy cứ để u buồn phơi bày ra, lỏng lẻo. Làn nước bao bọc khắp cơ thể, ngoài ra chẳng là gì. 70% nước của cơ thể hội nhập với nước ở bên ngoài, 30% còn lại nửa tỉnh nửa thức ở đâu.
    Hẳn là tâm trí tôi đã phiêu diêu ở đâu đó, vì một chốc, chẳng hiểu là bao lâu, tôi sực tỉnh và thấy mình đang thở đều đặn dưới dòng nước bao kín mặt, hơi nước nóng theo mũi vào phổi, thanh sạch. Sự bất chợt nhận tỉnh lại ấy khiến tôi sặc nước. Tôi khám phá ra rằng, có lẽ, vô thức thì ta có thể thở được dưới nước, bằng cách nào thì tôi không biết được.
    Chúng ta, loài người, sinh ra, lớn lên, sống 9 tháng 10 ngày (có thể hơn, có thể kém, dĩ nhiên) trong một bọc nước. Chúng ta bơi trong đó, uống máu mẹ mình. Thật là một ký ức êm đềm, diễm lệ, nhưng buồn. Bởi vì sự dịu dàng nào cũng tới ngày kết thúc. Cho tới khi đủ lớn, đuôi rụng, thế giới của tri thức dần khép cánh cửa diệu kì, nước xung quanh đang cạn dần, ta ngạt thở, còn người mẹ đẩy ta ra, đuổi ta vào đời. Thế là, hỡi ôi, có cách nào khác hơn, sự nghẹt thở khiến ta làn hít làn hơi đầu tiên, thành vách tim đóng lại, bị dứt khỏi sự êm ấm thanh bình, sự đau đớn khiến ta gào lên một tiếng khóc não nề, thế là không khí ùa vào phổi, tràn vào từng tế bào, không còn sự hòa nhập nữa, tất cả đã đóng sập cửa lại rồi, ta phải tự sống thôi. Con người đã tách khỏi nước như thế, để hoàn toàn cô đơn.
    Không có sự cô đơn nào hơn sự sống. Hỡi ôi! Làm thế nào để thoát ra khỏi sự đơn độc vĩnh viễn này?
    CC
  7. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Paris, thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2006, Thôi được - cả hai chúng ta đều có vấn đề,
    Dodom bảo đó là chuyện riêng của tôi và AY, nhưng rõ ràng, cô thấy cả hai chúng tôi đều có vấn đề. Không phải chuyện giấy tờ, không phải chuyện tiền bạc, vậy thì vấn đề trở nên phức tạp và rối rắm hơn.
    Nhận được thư của L.N. Vừa thấy yên tâm hơn chút đỉnh, vừa thấy chùn dạ, lại thấy mỏi mệt như kẻ nhiễm cảm phong hàn. Phải làm những việc biết chắc sẽ bực mình, hỡi ôi, lại chẳng có ai làm thay cho được. Nghĩ tới thôi là chỉ muốn ở lại đây cho xong. Cái thủ tục giấy tờ hành chính ở Việt Nam, chỉ có thể thốt lên được hai chữ: mẹ kiếp!
    Sáng sớm, AY đi công chứng một tập giấy phô tô. Chưa đầy 5 phút là xong, lại còn khiến người ta buồn cười nữa chứ (nghĩ mà thấy ngượng cho nước mình!). Vì sao? Bởi vì đã từ lâu rồi, không còn cái lệ công chứng bản photo copy ở Pháp nữa nữa, đã photo rồi, lại còn công chứng làm gì.
    Thế mà vẫn phải làm cái việc trái khoáy ấy đấy, vì chúng được nộp cho cơ quan Việt Nam mà. L.N. bảo về nhanh còn đi công chứng giấy chứng minh nhân dân vì họ không nhận bản photo. Bố khỉ! . Đã phải công chứng photo giấy khai sinh, rồi sổ hộ khẩu, giờ đến giấy chứng minh nhân dân mà cũng phải photo. Thế là chẳng có cái gì thuộc về con người được công nhận ở Việt Nam cả, người sờ sờ không bằng mấy chữ kí và cái dấu triện. Mẹ kiếp!
    Chuyện lại còn nực cười hơn, là STP không nhận giấy ủy quyền không có công chứng của Phường, của Cơ quan công chứng, hoặc của DSQ Việt Nam tại nước sở tại (nếu đương sự ở nước ngoài). Thế nên AY đang cáu đùng đùng kia, cũng phải từ cơ quan phi về nhà đưa tôi đến DSQ VN tại Pháp. Thế nếu tôi không có ở Pháp thì sao nhỉ?!
    Ở nước mình, làm mấy chuyện giấy tờ sách nhiễu ấy là chuyện thường. Ai mà chẳng phải vậy! Nhưng mà ở nước người, nói chuyện đó với người ta, rồi cố giải thích cho người ta hiểu cơ chế hành chính của nước tôi là thế, để thấy thái độ của người ấy với mình, mới thấm thế nào là ngượng. Thế đấy, tự người mình làm cho người mình hèn đi, khó đi!
    Thôi, bực cũng chẳng ích gì. Ai bảo Trời sinh ra thế!
    CC
  8. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Paris, thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2006, hợp thức hóa lãnh sự một chữ ký nhỏ nhoi,
    Kể ra thì cũng buồn cười, vì sang Pháp đã ba lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tới Đại sứ quán Việt Nam, dẻo đất nhỏ nhoi của nước mình tại Pháp trên một con phố nhỏ không thể nói là rất sạch sẽ, nơi phải nói là khá tối tăm và nghèo nàn (so với những văn phòng - chẳng quan trọng gì - nhưng sáng choang lấp lánh của Pháp). Cho dù tôi đã mong là bộ mặt của nước mình sẽ sáng sủa hơn ở nước bạn, nhưng như thế còn tốt hơn nhiều cơ quan hành chính ở Việt Nam, ngậm ngùi mà công nhận vậy.
    Chúng tôi mất chừng 45 phút để tới con phố nhỏ, vì tắc đường trong trung tâm Paris, mà Paris thì lúc nào chẳng tắc đường, xe cảnh sát cứ hú còi liên tục, khách du lịch thì lững lờ đi trên vỉa hè, người lái xe thì cáu kỉnh, chuyện thường tình. Mất thêm 15 phút nữa để tìm chỗ đậu xe, một vấn nạn nếu quả là chúng tôi không may mắn. Đó là vấn đề của nước Pháp, tất nhiên!
    Và thế là chúng tôi vào ĐSQ Việt Nam. Có hai phòng, một vài ngọn đèn nhỏ nhoi sáng, một vài người Việt Nam ngồi đợi trong góc tối, tường xanh thẫm và ngà ngà cũ kĩ, một vài người Pháp có vẻ cáu kỉnh, một cái bàn be bé để người ta đứng viết tờ khai gần cửa sổ nhỏ, tổng cộng có 5 buồng làm việc bé tí, một buồng có người ngồi, hai buồng có người lấp ló tiếp khách, còn lại thì đều không làm việc. Chắc là mọi đại sứ quán chỉ làm việc vào buổi sáng thôi, ĐSQ Pháp ở Hà Nội thì cũng vậy còn gì. Các ĐSQ luôn bận rộn với các vấn đề quốc sự mà.
    Buồng tiếp nhận công chứng không có ai làm việc vì họ chỉ tiếp nhận hồ sơ vào buổi sáng. AY bực quá. Suốt buổi sáng ông gọi điện đến ĐSQ Việt Nam nhưng không ai nhấc máy. Ông mất hơn 1 tiếng làm việc (mà ở Pháp thì một phút cũng kiếm ra tiền) để đứng đấy mà chẳng được việc gì. Ông sang cửa bên cạnh, nơi người ta thu tiền nếu tôi không nhầm, để phàn nàn (nếu không muốn nói là nổi cáu) với một phụ nữ Việt Nam, người có mái tóc làm bồng bềnh (kiểu Việt kiều Pháp).
    Công nhận là ở Pháp và với người Pháp cũng có khác, với thái độ bực tức của AY, nếu mà ở Việt Nam và là người Việt Nam hả, thì trăm phần trăm là đã bị mắng cho vào mặt ngay từ câu đầu tiên rồi, chứ đâu được nhã nhặn cười và xin lỗi như người đàn bà ấy với AY. Sự dịu dàng của người đàn bà ta cũng không giúp gì được cho công việc, vì bà ta nói mời đến vào một ngày khác.
    Điên tiết, AY gọi điện cho một người bạn VN có quen với người làm trong ĐSQ (đúng theo kiểu Việt Nam nhé - tôi quả là bất ngờ về AY). Người đó cho AY số điện thoại của một người đàn ông. Người đàn ông đó lại cho AY số điện thoại một đàn bà khác, làm trong vấn đề về công chứng này. AY gọi cho cô ta, nói khá to tiếng một chập.
    Nói xa xả chừng năm phút, (theo đúng tâm lý làm việc kiểu Việt Nam, tôi lo làm sao, vì sợ làm hỏng việc), AY đưa điện thoại cho tôi, nói là cô ta không thể nói tiếng Pháp, có thể vì AY nói quá nhanh khiến cô ta không hiểu kịp. Câu đầu tiên, cô ta trách tôi sao không nói trực tiếp với cô ta mà lại phải thông qua một người ngoại quốc nói gì mà cô ta không hiểu, rồi mắng phủ đầu luôn là ĐSQ chỉ làm việc vào buổi sáng (nên không tiếp điện thoại được), và nghỉ vào buổi chiều (để tiếp điện thoại). May mà cũng được huấn luyện qua suốt từng ấy năm với cách làm việc của Việt Nam rồi, nên có tức mấy thì tôi cũng cố nén nhịn được. Tôi nói đó không phải là việc của tôi mà là việc của AY, tôi chỉ giúp. Nói qua nói lại một lúc, hoặc do cơn giận của AY khiến cô ấy ngại, hoặc do AY có nhắc đến tên người đã cho ông số điện thoại của cô ta (hình như là sếp, hoặc bạn, của cô ấy), hoặc do cô ấy cũng không phải quá tệ, mà cô ấy nói sẽ ra tiếp và hướng dẫn chúng tôi.
    Khoảng 5 phút sau, một người đàn bà có vẻ giản dị (vì không trang điểm gì) ra cửa làm việc, xem xét giấy tờ mà AY cần công chứng, mà chẳng nở lấy một nụ cười (có lẽ tính của cô ấy thế). Nhưng dù thế nào, cô ấy cũng rất tử tế vì đã hướng dẫn AY tận tình (hoặc vì AY là người Pháp và đang nóng giận chăng).
    Để công chứng giấy tờ đó của AY phải làm các bước sau:
    1. Ôg phải sửa và in lại, bằng tiếng Pháp văn bản đó.
    2. Ông ký tên, rồi đến Mari nơi ông ở (giống như UBND Phường ở VN) để xác nhận chữ ký của mình.
    3. Sau đó, ông phải cầm giấy đã được xác nhận ấy, lên Bộ Ngoại giao Pháp để lấy xác nhận của họ về con dấu và chữ ký của Mari là hợp lệ.
    4. Được thế rồi, cầm giấy ấy quay lại ĐSQ Việt Nam ở Paris để công chứng hợp thức hóa, nôm na là ĐSQ Việt Nam sẽ chứng nhận dấu và chữ ký của Bộ Ngoại giao Pháp là hợp lệ với luật pháp VIệt Nam để có hiệu lực ở Việt Nam.
    5. Hoặc là (nếu kịp), tôi cầm giấy ấy về VN, hoặc AY gửi giấy ấy về sau, để tôi đem dịch công chứng, thì mới có thể sử dụng được với các cơ quan hành chính ở Việt Nam.
    Chúng tôi cảm ơn người phụ nữ ấy, rồi rời ĐSQ Pháp, vội vã về văn phòng làm việc của AY. Tất cả thời gian cũng hơn 4 tiếng đồng hồ, dù không được việc thì cũng được kinh nghiệm. AY lo lắng ít nhiều về L.N., sợ là chị ấy không đủ kinh nghiệm để làm việc này. Còn tôi, tôi lại tự hỏi liệu AY có thể sống và làm việc ở VN?
    Không phải một lần tôi nói với AY là đừng mơ mộng gì về VN. Ông đang có một công việc tốt với mức lương không thấp không cao, môi trường làm việc rất tốt, tiếp xúc với những người hay ho, bạn bè đồng nghiệp thân ái, tử tế, tôn trọng và ngọt ngào, một cuộc sống đơn giản không phải lo lắng nhiều, ngoại trừ ông không thích cách làm việc của cấp trên và đường lối của họ (nhưng điều đó thật ra chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới ông nếu cứ sống vô tư). Tôi sợ AY sẽ đi một bước sai lầm, mà không thể quay lại được. Nhưng tôi không thể quyết định cuộc sống của ông.
    Nếu ông đã quyết, tôi biết làm gì hơn là ủng hộ!
    Đôi khi, cuộc sống buông xuống thật đen tối và chẳng có lối thoát nào. Khi người ta có một cái gì đó, người ta muốn có nhiều hơn, muốn chắc chắn hơn, và người ta luôn lo sợ sẽ mất nó. Tốt hơn cả là ta chẳng nên có gì.
    CC
    Được coltpard sửa chữa / chuyển vào 23:09 ngày 27/04/2006
  9. 35cuadong

    35cuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/09/2004
    Bài viết:
    1.167
    Đã được thích:
    0
    cho em hỏi ? em có đc tham gia ko ? em thấy cai TOPPIC có cái tên rất ấn tượng
  10. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Paris, thứ năm, ngày 27 tháng 4 năm 2006, Gilles
    Tối kết thúc chẳng như dự định - là ăn tối với Gilles xong, nửa đêm sẽ tới trước cổng Notre Dame de Paris để thiền. Với sự dễ chịu của Gilles, thì mọi kế hoạch dù hay ho đến đâu khác cũng khó có thể thực hiện được.
    Hẹn hò ở cửa hiệu Ý ngay gần nhà. Ấm áp làm sao mỗi lần nhận ra chúng tôi là hàng xóm quá gần của nhau. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện từ Pháp tới Việt Nam, từ tâm lý tới sinh lý. Gilles nhận lời hàng tuần tới giúp Dodom và AY tập Thái Cực quyền tại nhà Dodom. Tôi vừa thấy vui, vì được kết nối những người tôi yêu quý, lại vừa thấy buồn, vì biết sẽ phải xa họ. Cuộc sống dễ chịu chẳng bao giờ dài lâu.
    Gilles bảo mẹ cậu vừa gọi điện và nhắn là gửi lời chào tới tôi và AY, cùng lời nhắn rằng chúng tôi luôn được chào đón tới gia đình họ. Ở Việt Nam, tôi ít được người ta trao gửi những tình cảm nhiệt thành như vậy. Điều đó khiến tôi ít nhiều tiếc nuối.
    AY luôn vui mỗi khi gặp Gilles, đến nỗi, chúng tôi có thể nói đùa chuyện bậy bạ với nhau, như những người bạn thật sự rất thân thiết. Sự trầm lắng dịu dàng của Gilles, sự hóm hỉnh hài hước của AY, sự ngớ ngẩn ngơ ngác của tôi, biến chúng tôi giống như những đứa trẻ con to xác. Gilles có thể kể cho tôi rằng cậu khá ngạc nhiên khi cô bạn gái người Việt Nam của cậu (vốn trong mắt Gilles là vô cùng trong trắng) chỉ cho cậu đống condom đã dùng xung quanh họ khi họ ngồi ở công viên (trong khi cậu mải ngắm hoa cỏ); cũng như cậu đã bối rối vì những kiến thức phổ thông như một đứa trẻ làm cách nào để thở trong bụng mẹ mà tôi cũng hỏi cậu hồi chúng tôi ở Việt Nam. Tôi có thể nói với Gilles rằng như nhiều người con gái ở Việt Nam khác, tôi mù tịt về sự hoạt động nội tiết của mình, quá sức mơ hồ về sự sinh ra và rụng đi của trứng, cực kỳ mù mờ về việc cơ chế thụ thai và lớn lên của một đứa trẻ. Còn AY, ông lấy bút và vẽ lên giấy ăn trên bàn, sự hoạt động của chu kỳ kinh nguyệt và say sưa giải thích về màng tử cung, những hoocmol khác biệt do trứng sản sinh ra khi không được và được thụ tinh. Chúng tôi dành dật cái bút bi duy nhất để thay nhau vẽ những con tinh trùng, trứng, bào thai, tế bào, thậm chí giun đất, phóng to và thu nhỏ, nghiêm túc và bậy bạ, rồi cười sặc sụa như lũ trẻ con.
    Tôi sẽ rất nhớ những cái cây nhỏ mà Gilles gửi tôi vài tuần khi cậu đi chơi mà cậu vừa lấy lại. Giờ thì nàng hồng của tôi thật cô đơn. Mấy hôm nữa tôi sẽ đem nàng lại nhờ mẹ AY chăm sóc dùm. Tôi sẽ lại ra đi, mà lần này thì chẳng biết bao giờ có thể quay lại. Nghĩ theo kiểu như vậy thì mọi niềm vui bỗng trở thành một nỗi buồn, dịu dàng, đằm thắm.
    CC
    [​IMG]
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 14:22 ngày 28/04/2006

Chia sẻ trang này