1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhật ký MỘT CÔ GÁI THIẾU NGOAN

Chủ đề trong 'Tâm sự' bởi Coltpard, 11/06/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ hai, ngày 8 tháng 5 năm 2006, Tây Du Ký
    "Thẹn nỗi khom lưng, rũ áo ra về", đó là cái bệnh của kẻ sĩ. Cái mùi nồng nặc khê khẩm của chốn quan trường đã khiến lắm người hiền nhân lui về chốn điền viên, để mà ra những áng văn thơ bất hủ. Tây Du Ký áng chừng cũng được viết khi Ngô Thừa Ân lui về ở ẩn, trong những năm cuối đời.
    Tôi đọc Tây Du Ký hồi còn nhỏ lắm. Ông ngoại thuê ở thư viện thành phố, sách giấy đen, bìa đơn giản. Tôi đọc mê đọc say câu truyện phiêu lưu thần thoại ấy. Sau này xem lại phim Tây Du Ký đến mấy lần, tôi cũng lấy làm tự hào, vì đã đọc truyện từ hồi còn nhỏ xíu mà. Cái sự tự mãn là một thói khiến người ta tự bịt tai, nhắm mắt. Cho đến những năm mười bốn, mười lăm tuổi, khi bắt đầu tìm hiểu về tôn giáo, Phật học, một lần, tự dưng hai từ Ngộ Không, Bát Giới bỗng xuất hiện trong đầu tôi, lóe sáng như một tia chớp, hệt như có một ai đó đánh lên một tia lửa, rồi nhanh chóng tắt ngấm trong cái đầu đen tối của tôi, nhưng cũng đủ để lại cho tôi một thắc mắc. Phải chăng Tây Du Ký không chỉ là truyện thần thoại phiêu lưu tầm thường mà là một ngụ ngôn triết học, hàm chứa những kiến giải đạo Phật? Tôi nói nhất định là mình phải đọc lại câu truyện, biết đâu lớn lên rồi sẽ nhận thức khác đi.
    Lại tới một lần kia, tôi gặp một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, tôi thấy mình cũng trải qua bao nhiêu gian nan hoạn nạn đến được một ngôi chùa nơi Tây Phương. Tôi bước qua cổng chùa, vào bên trong tòa tiền đường, nơi ấy có rất nhiều tiểu yêu các cõi nhảy nhót chơi bời. Lại nói trong sáu cõi, có cõi atula, là những vật và con hấp thụ tinh khí, do duyên nghiệp mà thành tinh. Có yêu tốt, yêu xấu, yêu thiện, yêu dữ. Những con yêu thiện thường hay nương náu cửa chùa nghe kinh mà tu luyện, nhưng lắm khi cũng gây chuyện xô bồ phiền toái. Vả lại giống yêu tinh thì không bước được vào gian Tam Bảo, nên khi tôi bước vào lễ Tam Bảo, bọn yêu tinh đứng ở cửa chí chóe ngó vào, đàm tiếu. Bất chợt, có một cơn gió lạ thổi tới. Bọn tiểu yêu dạt đi cả. Ngõ hầu trở nên phong quang, yên ắng. Rồi thì một cảm giác an lành, vui vẻ, hoan lạc xuất hiện cùng với năng lượng quen thuộc của một người bạn xa xưa. Tôn Ngộ Không lao vào nhanh như chớp, cười giả lả.
    Tôi không biết miêu tả Tôn Ngộ Không Đại Thánh này ra sao. Ngẫm rõ là người khôi ngô tuấn tú, tu mi sáng sủa phi phàm, mà nhìn thì lại đúng mang tinh Khỉ, chòm lông quai nón màu vàng tươi, mắt sáng như sao, áo bào lóng lánh, tươi cười nhí nhảnh mà cũng kiên nghị oai nghiêm. Rõ ràng là tôi và Ngộ Không Đại Thánh vốn chốn thân tình, lâu ngày (ý nói vài kiếp rồi) không gặp lại. Người hơn tôi vài bậc, dáng như đại huynh, kẻ cả hỏi tôi một câu: "Tu là gì?". Tôi ngẫm tìm từ gì hay ho, cao siêu để mà diễn giải, nhưng Ngộ Không Đại Thánh tay cầm thiết bảng vàng, dài như cây đũa cả, tròn sáng, chẳng đợi, gõ vào đầu tôi mà rằng: "Dạy rồi mà lại cứ quên, giờ thì nhớ ra chưa?". Rồi Người đưa tôi một bát cơm rang bằng mỡ, rồi bảo tu chú đến tâm, tu tâm như ăn bát cơm rang bằng mỡ vậy.
    Tỉnh dậy, tôi chẳng hiểu giấc mơ huyễn hoặc ấy mang ý gì. Ban đầu, thú thật tôi cũng cho là tiền duyên của mình có gì hơn nguời lắm, nên ít nhiều cũng có phần kiêu ngạo bên trong. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, đầu óc vẫn như hũ nút, chẳng hiểu ý nghĩa của bát cơm rang bằng mỡ, và cũng chưa có câu trả lời cho câu hỏi "Tu là gì?".
    Thời gian cứ thế trôi qua. Kiến thức tôi khi đầy khi khuyết, giống như thủy triều đầy vơi theo mặt trăng. Tất cả đều bất biến, vô thường. Những chuyện mơ mộng kia cũng trôi đi như cơn gió, tôi không vướng bận mấy nữa, nhớ lại để lấy làm vui. Nhưng mong muốn đọc lại Tây Du Ký không biết bao nhiêu lần thôi thúc, mà duyên vẫn chưa tới, chẳng bao giờ có thời gian. Cho tới hôm nọ, tôi đọc được một cuốn sách hay của Dũ Lan Lê Anh Dũng, tên là Giải mã truyện Tây Du, thì bức tường đen tối ngày nào vỡ ra một mảng, để cho chút anh sáng xuyên qua, rõ là thứ mà tôi cảm thấy bấy lâu, mà chưa thể diễn giải được. Tôi nhất định phải đọc lại bộ truyện để đào sâu thêm cái tầng lớp này.
    Hôm nay, chát với HU. Tôi hỏi cậu ấy có thích Tây Du Ký không. Cậu ấy nói hồi nhỏ thì thích, nhưng lớn rồi đọc lại thấy không ổn. Với cậu ấy, câu truyện nói lên sự đàn áp của giai cấp phong kiến, qua mối quan hệ thầy trò của Tôn Ngộ Không đầy tài phép, với Đường Tăng nhu nhược bất tài. Tôi không phản đối, nhưng tôi nghĩ chưa đủ. Để thêm một vài ý, thêm thôi chứ không dám nói là sẽ đủ, buổi chiều, tôi liền tức tốc đi mua Tây Du Ký về. Ước muốn cả chục năm, nay mới đủ duyên làm được.
    Khi tôi mua sách về, trời mưa to. Tôi vội rẽ vào một quán cà phê trú mưa, đọc ngốn đọc ngấu mấy chương đầu. Chưa bao giờ tôi thấy cảm giác gì lạ lùng đến thế! ...
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 00:24 ngày 09/05/2006
  2. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
     
  3. truaha1905

    truaha1905 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/07/2004
    Bài viết:
    173
    Đã được thích:
    0
    Kết thúc một đêm không ngủ và bắt đầu một ngày mới bằng một bản nhạc vừa quen vừa lạ
  4. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ ba, ngày 9 tháng 5 năm 2006, Đối mặt

    Đêm qua, dù mệt, tôi cũng cố thức đợi AY, chỉ để lấy một chút sức mạnh, một chút dũng khí, cho ngày hôm nay.

    Cái ngày hôm nay đã đè nặng lên tôi không biết bao nhiêu lâu, bịt kín tương lai của tôi, khiến tôi chẳng muốn nhìn về hướng đó. Tôi cố quên nó đi, chỉ sống trong hiện tại. Và nó tới, trườn bò êm nhẹ, gây hoảng hốt nhưng không lo sợ. Tôi đối diện với nó bình thản, làm gì còn cách nào khác nữa. Chuyện với người ta thì nhỏ như con kiến, đương nhiên như mùa hè trời nắng chang chang, với tôi thì kinh khủng như thế đấy!

    Sáng dậy, thấy lòng hơi bồn chồn. Liền giở Tây Du Ký ra, họa vài chữ cho tâm hồn thanh thản. Chuyện là HU nói, hồi nhỏ, cậu đọc Tây Du Ký, cứ thấy ấm ức thế nào ấy, lúc nào cũng thấy bí bách, khó chịu khi Tôn Ngộ Không toàn gặp những chuyện đâu đâu. Mỗi một tác phẩm, một người đọc sẽ có một cảm giác, nhưng có lẽ tôi cũng nên chia sẻ những kiến giải của mình, cũng như của ngưòi khác mà tôi đã đọc, theo cái nhìn của một thiền nhân, để thấy là cùng một câu từ ấy, nhưng dưới một góc độ khác sẽ có những kiến giải khác hẳn, biết đâu lại chẳng cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

    Nếu Dũ Lan.LA Dũng cho rằng Tề Thiên trong truyện là "lý trí" của con người, thì tôi nhìn nhận Tôn Ngộ Không là "tâm thức". Mặc dù, phải thú thật là tôi không biết cái định nghĩa "tâm thức" của tôi có giống định nghĩa của mọi người không.

    Hồi thứ nhất của Tây Du Ký có tựa đề:
    " Gốc thiêng nảy nở nguồn rộng mở
    Tâm tính tu trì, đạo lớn sinh"

    Cái thủa trời đất mới khai thiên lập địa, trên đỉnh ngọn Hoa Quả Sơn thuộcc nước Ngạo Lai "có một tấm đá tiên cao ba trượng sáu thước, năm tấc, chu vi hai trượng, bốn thước. Cao ba trượng sáu thước năm tấc hợp với vòng giời 365 độ, vây tròn hai trượng bốn thước hợp với lịch chính 24 khí. Trên có 9 khiếu 8 lỗ, hợp với 9 cung 8 quẻ. Bốn mặt không có cây cối che bóng, hai bên tả hữu chi lan quấn lấy nhau. Có lẽ từ khi sinh ra, tấm đá cảm thụ tinh hoa của trời đất, của nhật nguyệt, nên mới linh thông được. Trong tấm đá lại có một tiên thai, một hôm tấm đá nứt ra sinh một trứng đá to bằng quả cầu lớn, gặp gió hóa thành con khỉ đá"

    Với tôi, chuyện này nói tới sự ra đời của tâm thức, lấy quẻ Kinh Dịch để diễn giải nhân sinh. Ban đầu, trước khi tâm thức sinh ra, thì thế giới là một, như hòn đá tiên hấp thu tinh khí có âm có dương, hội đủ điều kiện, giống như Thái cực nằm trong 8 quẻ 9 cung Kinh Dịch, vốn là một khối. Cho tới khi tấm đá nứt đôi sinh ra một quả trứng, đó là lúc nhị nguyên ra đời, Thái Cực phân chia âm và dương, thì "cái đầu" của con người hình thành.Tâm thức sinh ra từ đầu óc con người. Trứng đá gặp gió (tức là cung Tốn, vốn là cung sinh) nên hóa thành con khỉ đá.

    Phật ví: "Tâm viên Ý mã". Tâm con người giống như loài khỉ, nhảy nhót lung tung. Qua Ngô Thừa Ân, tôi thấy tâm người của ông vốn sinh ra tự do, thiên nhiên, trong trắng vui vẻ, tươi đẹp, giống như "con hầu đi lại trong núi, nhảy nhót, nhìn ngắm trời mây, làm bạn với muông thú", vốn vô tư lự, ham học hỏi, hệt như đứa trẻ.
    Cho tới khi sống cùng bầy đàn, tâm thức bắt đầu muốn thể hiện sự vượt trội khác biệt, muốn khẳng định mình, trước nhất là dũng cảm nhảy vào thác nước ở Hoa Quả Sơn để tìm động hoa quả, rồi được suy tôn làm vua.

    Khi được phong làm vua, tâm thức bắt đầu ý thức đuợc về cái đẹp, cái hay của mình và của người, khám phá ra được sự hồn nhiên của ham muốn quyền lực. Tâm thức đổi tên từ "hầu đá" thành "Mỹ hầu vương".

    Tâm thức vốn hồn nhiên, nên duyên ngộ đem lại cho cuộc sống sung túc, đầy đủ, sung sướng, ấm êm thấm thoắt đã ba bốn trăm năm. Một ngày nọ, tâm thức con người bỗng nhận ra sự vô thường của cuộc sống. " Hầu vương bỗng nhiên sầu não nước mắt giàn giụa", nói: "Ta dẫu đang vui thích, nhưng có một điều phải lo xa phiền não. Ngày nay dẫu không phải theo luật lệ của ma chúa, không sợ oai quyền của chim muông, nhưng sau này tuổi già sức yếu, trong đó có lão Diêm Vương cai trị. Một ngày kia chết đi, chẳng uổng hóa công sinh ở trong thế gian, không mãi được hưởng phúc trời ư?"

    Lúc này, tâm thức đã ngộ ra được sự vô thường của sự sống, sinh lão bệnh tử là cái gốc khốn khổ của loài người, cũng từ ấy phát sinh mong cầu học đạo để thành Tiên, Thánh, Phật, hòng thoát ra khỏi luân hồi, bất sinh bất diệt.

    Sự giác ngộ về cõi sinh là cõi tử, như một ngọn lửa sáng, thôi thúc Mỹ Hầu Vương từ bỏ cuộc sống an nhàn tươi đẹp nhưng bó hẹp chỉ trong núi hoa quả Sơn, để một mình chèo bè trên biển tầm sư học đạo. Câu thơ ấy thế này:
    "Tiên khí trời sinh đạo lớn sao!
    Rời non thuận gió cưỡi bè vào,
    Lênh đênh vượt biển đi tầm đạo,
    Canh cánh bên lòng lập chí cao".
    Khi phát khởi ý muốn tu tập, tâm thức buộc phải bước vào con đường cô độc, giống như người một mình trèo đò giữa biển khơi, phải có quyết tâm, can đảm, kiên cường. Cũng phải "gặp thời vận", giống như Hầu Vương gặp gió Đông Nam đưa bè vào giới Nam Thiêm Bội châu.
    Ban đầu, trong việc tầm đạo, tâm tức đi lang thang, ngó nghiêng, giống như con thú, ưa thích nghịch ngợm, bỡn cợt, giả quỷ nhát người. Sau, tâm thức được rèn luyện, học hỏi, thì biết lễ phép, lề lối, ăn ở, nói năng. Nhưng càng sống trong cõi đời người, tâm thức càng "chỉ thấy người đời là phường trục danh, không có một ai lo toan về thán mạng cả"
    "Tranh giành trục lợi có thôi đâu!
    Dậy sớm nằm khuya bó buộc nhau,
    Cưỡi chú lừa gầy, thèm ngựa tốt
    Làm quan tể tướng muốn vương hầu
    Chỉ vì cơm áo mà lao khổ
    Chẳng sợ Diêm Vương bắt chóng mau
    Chúi mắt làm giàu cho cháu chắt
    Chẳng ai tỉnh giấc ngoái lại đầu"
    Ra khỏi thế giới nhân sinh quan ban đầu, vốn hồn hậu, tự nhiên như cuộc sống ở Hoa Quả Sơn, tâm thức con người ta bắt đầu với cuộc sống bon chen của xã hội, học lề thói, lễ nghĩa. Đi hết thành nọ, châu kia, cuối cùng, thấy đời vẫn chỉ ô trọc, Mỹ Hầu lại tự mình đóng bè vượt biển Tây Hải đến châu khác. Cuộc tầm đạo quả thực gian nan vô cùng, cũng như tâm thức người ta, tìm được đường tu tập chẳng phải chuyện dễ dàng gì.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 13:12 ngày 09/05/2006
  5. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ ba, ngày 9 tháng 4 năm 2006,
    Tôi thấy chán kinh khủng. Tất cả bốc mùi rệu rạo. Tôi rất bận, có rất nhiều việc để làm. Nhưng thay vì hành động, tôi lại ngồi thừ người ra cả tiếng đồng hồ. Tất cả như ngừng chảy cả. Tại sao lại vô nghĩa, trống rỗng đến thế được nhỉ!
    CC
  6. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ tư, ngày 10 tháng 5 năm 2006, thẹn nỗi khom lưng rũ áo ra về,
    Kể ra bỏ việc thì cũng phí, chỗ này có điều hòa, có adsl, chim hót quanh năm, không đến nỗi ồn ào náo nhiệt lắm, ngoại trừ cái sóng gió bên trong thì như biển trong cơn giông. Nhưng mà khom lưng uốn lưỡi thì chịu không nổi. Có phải một lúc đâu, cái nợ cả đời, làm sao chịu cho đặng!
    Người ta bảo tuổi trẻ phải bươn chải, qua hết tai này họa nọ thì mới vững vàng lên được. Nhưng hỏi ở đời có ai thích đâm đầu vào những chỗ khó khăn không? Ai mà chẳng muốn con đường hanh thông, suôn sẻ. Cực chẳng đã thì mới phải chọn lấy xương cá, chứ có ai chê cá cả con bao giờ.
    Vẫn từng ấy cái khó khăn thôi. Cái khó nhất là vượt qua được chính mình. Ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy chẳng hiểu mình muốn gì. Ngồi một lúc thấy sóng chẳng yên, biển chẳng lặng bên trong. ''Tâm viên ý mã''! Cái tâm cứ chạy nhảy nghịch ngợm lung tung, cái ý tưởng thì ***g lên như ngựa.
    Tự dưng hôm nay thấy bực bội vô cớ trong lòng.
    CC
  7. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ tư, ngày 10 tháng 5 năm 2006, thói đời!
    Tôi thấy mình giống như một con gà, bị chăn, bị dắt, bị lùa, rồi bị cắt tiết. Nhưng ở cái nơi mà có tiền thì mọi sự vụ nó dễ dàng hơn thì không hiểu có thật sự là xấu xí?
    Ví dụ như giấy tờ của tôi, họ bảo khó lắm, làm sai mẫu rồi, phải làm thế này, phải gặp người thế nọ cơ. Chị tôi rút ví đưa họ 200k, họ trả lại, nói thẳng là bình thường, để đợi 1 tháng đã là 500k rồi. Tôi đưa 700k. Họ nói đúng 1tr thì chỉ 2 ngày là xong. Tôi bảo cứ làm đi, xong chuyện thì tôi đưa nốt. Thế là chưa đầy một ngày sau thôi, họ đã gọi điện bảo ra lấy giấy tờ đi, để họ lấy số tiền còn lại.
    Thế đấy. Thành lập cả một công ty, chi phí tất tần tật cho công ty luật cũng chỉ 2 - 2 triệu rưỡi là cùng, thế mà làm mấy cái thứ giấy tờ lằng nhằng ( mà luật đen không giá) này, nhẽ ra chẳng mất đồng nào, thì lại chi bằng cả nửa cái công ty. Khốn kiếp thế đấy! Nhưng thôi, ít ra thì mình cũng được cái thế để khinh thường họ, còn họ thì có cái quền cái dấu để xin tiết mình. Chẳng biết làm gì để an ủi thì tặc lưỡi nói vậy thôi. Nhìn đi nhìn lại thấy mình hóa ra bon chen không phải chỗ, nhu hiền chẳng phải nơi.
    Cái gì đến thì phải trải qua, tiền bạc là vật ngoài thân, cũng chỉ chuyển từ túi người này sang người khác. Hôm nay mình trả họ vì kiếp nảo nào mình nợ nần, nếu không phải thì cũng như kiếp này mình cho họ nợ, kiếp sau hay kiếp nào nào nữa thể nào họ chẳng phải trả mình. Cái nợ đồng lần là cứ như vậy thôi. Nợ mình, nợ người, cho nên có bao giờ dứt được sáu nẻo luân hồi chứ!
    Nghĩ rồi lại muốn rũ áo "đi tu". Ngẫm mà xem, có khi lại "đi tu" thật không chừng. Bởi vì trên tổ tiên phụ mẫu không đến lượt mình phải phụng thờ, dưới chưa có con cái, hai bên anh chị em chẳng có ai, chồng không vợ không, công việc cũng không mà nhà cửa cũng không. Nhìn đi nhìn lại thấy tứ đại vai không thật. Hay đúng là chỉ đợi ngộ duyên thì ghép bè ra khơi tầm sư học đạo.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 18:00 ngày 10/05/2006
  8. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 06, Mỹ Hầu vương tầm sư học đạo,
    Vì nói đến chuyện khởi phát ý đi tu, nên lại nhớ HU bảo là người chẳng vướng bận gì như Tôn Ngộ Không, sinh ra từ quả trứng đá thì mới đi tu được, chứ người đời thì vướng bận bao nhiêu chuyện đời, bảo tu là tu làm sao.
    Ngày xưa hoàng tử Siddhata (Phật tổ Thích Ca) bỏ ngôi báu, bỏ vua cha, bỏ người vợ và thê thiếp, bỏ cả con trai mới sinh, lên đường đi tìm đường giải thoát, đó chẳng phải là sự từ bỏ? Người ta chưa tầm được đường giải thoát là vì người ta chưa rũ bỏ được đấy thôi. Nhiều lúc tôi nghĩ, như thái tử Siddhata rõ ràng là gây nghiệp lỗi, trên thì mang tội bất hiếu, trước mang tội phụ tình, sau mang tội bỏ con bỏ cái. Cái nghiệp ấy cũng coi như là một sự hi sinh. Bởi cái nghiệp ấy mà sau này chính người cũng phải trả. Nhưng bởi công đức sau khi viên mãn còn lớn hơn quá nhiều. Bên công bên tội chiếu mà xét thôi, tạo hóa này công bằng lắm bởi nó xoay theo thói tự nhiên, tuân theo luật nhân quả. Ngẫm ra ngẫm lại, con người không vượt qua khỏi ải thất tình lục dục, nên vẫn còn thấy cái sự vướng bận, mà níu vào cái cớ vướng bận đó mà lý giải mình.
    Lại ngẫm chuyện Mỹ Hầu Vương, giống như tâm tính của một người đến ngày ngộ ra cõi đời là vô thường, chúng sinh cứ ngập lụt trong biển u mê, chịu khổ hết kiếp này đến kiếp khác, nên nảy phát một ý tưởng lành, là tầm sư học đạo. Đi qua bao nhiêu châu thành, thấy người đời quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là "phường trục lợi", nên liền tự mình lần nữa đóng bè vượt biển ra đi.
    Lên bờ, Hầu Vương đến một rừng kia, bỗng nghe có tiếng người trong rừng vọng ra, bài hát ấy thế này:
    "Xem cờ mục cán búa,
    Chặt củi rình rình,
    Cửa hang lững thững mây xanh
    Bán củi mua rượu
    Cười say thỏa tình.
    Đêm thu xanh thẫm
    Gối cây nằm ngắm trăng thanh
    Một giấc đèn sáng.
    Theo rừng cũ
    Vượt núi qua đồi
    Giơ búa chặt cành nô
    Thu lại thành bó rồi
    Nghêu ngao trên chợ
    Đổi gạo ba thăng
    Không có chút gì cạnh tranh
    Thời giá vẫn ngang bình.
    Chẳng biết lường thưng giao đấu
    Đời sống thanh đạm
    Kệ nhục vinh.
    Gặp gỡ không tiên thì phật,
    Ngôi yên giảng sách Hoàng đình".
    Mỹ Hầu nghe thế lòng vui mừng quá, rõ là bài hát toàn những châm ngôn, đạo đức, thoát tục, phiêu diêu, chắc hẳn phải của thần tiên. Mỹ Hầu liền tìm tới thì gặp một lão tiều phu.
    "Hầu Vương đến gần nói:
    - Đệ tử xin kính chào lão thần tiên.
    Người kiếm củi vội vàng bỏ búa quay mình đáp lễ:
    - Không dám, không dám! Tôi là người vụng về, ăn mặc không đủ, đâu dám nhận hai tiếng thần tiên.
    Hầu vương nói:
    - Ngài không phải thần tiên sao lại nói những câu thần tiên như thế?
    Tiều phu nói:
    - Tôi có nói chuyện thần tiên đâu?"
    Khi Hầu vương hỏi chuyện bài hát, tiều phu liền cười nói:
    "- Chả giấu gì bác, bài hát đó tên là "Mãn Đình Phương" của một vị thần tiên đã dạy tôi. Vị thần tiên đó là hàng xóm với tôi. Ngài thấy tôi làm việc lao khổ, thường phiền não, nên bảo tôi: "Lúc nào phiền não thì hát bài ấy. Một là giải trí, hai là giải khổ". Hôm nay tôi có điều tư lự nên mới hát bài ấy, không ngờ bác lại nghe thấy.
    Hầu Vương nói:
    - Nhà ông đã là hàng xóm với thần tiên sao ông không theo người đi tu, học lấy phương thuốc bất lão, chẳng tốt lắm ư?
    Tiều phu nói:
    - Tôi nhất sinh đã khổ sở. Từ khi còn nhỏ, được bố mẹ nuôi, đến năm tám chín tuổi, vừa mới hơi biết việc đời chẳng may bố chết. Mẫu thân ở góa, lại không có anh chị em, một mình tôi sớm hôm chăm sóc nên tôi không dám đi đâu. Ruộng vườn bỏ rậm, áo không đủ, mỗi ngày chỉ kiếm vài gánh củi đem đến chợ bán lấy tiền đong vài đấu gạo, một mình thổi cơm nấu nước phụng dưỡng mẹ già. Vì thế không tu hành được."
    Hầu Vương hỏi chỗ ở của vị thần tiên nọ, tiều phu nói:
    " - Không xa, không xa. Núi này gọi là Linh Đài Phương Thốn. Trong núi có cái động gọi là Tà nguyệt tam tinh. Trong động có một vị thần tiên xưng danh là Tu Bồ Đề *****..."

    Hầu Vương cầm tay giữ tiều phu lại nói:
    - Thưa lão huynh, lão huynh làm ơn đưa tôi đến. Nếu gặp được tốt tôi không bao giờ dám quên ơn chỉ dẫn.
    Tiều phu nói:
    - Bác là ngừơi hảo hán mà không biết thông biến. Tôi vừa nói chuyện với bác, bác còn không hiểu ư? Nếu tôi đi cùng bác, thì chẳng hỏng việc bán củi của tôi sao? Mẹ già tôi lấy ai phụng dưỡng? Tôi còn bận việc kiếm củi. Bác cứ đi đi."
    Với tôi, đây là một trong những đoạn truyện hay ho, hấp dẫn nhất trong Tây Du. Nghe thì vô lý, bởi vì có vẻ chẳng có nghĩa lý gì cả, chỉ là một chuyện chỉ đường thôi. Nhưng rõ ràng là cái chuyện chỉ đường ấy mới quan trọng làm sao với người tu thiền! Tôi nghĩ kẻ được bí kíp võ học trong truyện Kim Dung thì cũng chỉ vui mừng đến như tôi vậy thôi. Nhưng kẻ luyện võ công được điều hay thì giữ trong mình làm của riêng, nhưng chia sẻ mới thực là bước của kẻ tu tập.
    Điển tích của nhà Phật có câu "buông đao thành Phật, ngoái đầu quay lại là bờ", ý nói con người dù có là giặc cướp thì biết buông bỏ đao, quay lại với thiện tâm thì đều có thể thành Phật. Có phải vậy không?
    Ở đây, lão tiều phu buông búa quay lại, nhưng cũng phải tự nhận mình không phải thần tiên, không nói chuyện thần tiên. Vì sao?
    Việc buông đao búa ngoảnh đầu lại đã là cái khởi căn tốt. Nhưng muốn được giải thoát thì còn phải cần ngộ thêm đủ duyên, đủ điều kiện, đủ phương tiện, đủ khả năng nữa. Lão tiều nọ, dù có ở cạnh thần tiên, dù có được dạy cho kinh thi thì cũng chỉ ngêu ngao hát lúc có chuyện tư lự" để "một là giải trí, hai là giải khổ", thậm chí dù có được chỉ điểm đến tận nơi tận chốn, thì cũng vẫn chỉ dừng lại ở việc được cứu độ trong những lúc khổ sở, chứ không thể giải thoát được.
    Người ta vốn sinh ra có thân thì có nợ nần. Đó là cái duyên nghiệp buộc phải trả. Có người nặng nợ, có người nhẹ tênh. Tôi không cho rằng điều ấy là xấu xa tội lỗi. Tôi cũng không thấy vị đạo sĩ, thiền sư thì hơn gì một lão tiều phu, một kẻ thương nhân, một nông dân hay một kẻ ăn bám. Tu thì có trên vạn vạn nẻo tu, chẳng ai tu giống ai. Phật tính nằm trong tâm, chúng sinh vốn dĩ bình đẳng, chẳng ai tài hơn ai, chẳng ai giỏi hơn ai, cũng chẳng ai biết nhiều hơn ai cả. Cho nên đừng nói là tu là phải bỏ lên núi, vào chùa, mở miệng nói những câu vĩ đại khó hiểu thì mới là tu. Tu thì như lão tiều phu kia cũng là tu. Nhưng để tu đạo giải thoát thì không thể dừng lại ở đường tu của lão tiều được.
    Bởi vậy nên, khi Hầu Vương nắm tay kéo người tiều phu lại rủ đi cùng, thì liền bị lão tiều mắng cho, rằng người muốn tu tập thì phải tự mình tìm đường, tự mình dò dẫm mà đi, không thể cậy nhờ vào người khác, nhất là những người còn vướng nợ trần duyên, thì hãy để cho họ trả nợ trần duyên cho xong đi hẵng, mỗi người mỗi vận, ai cũng phải tự đi con đường của mình ("Nếu tôi đi cùng bác, thì chẳng hỏng việc bán củi của tôi sao? Mẹ già tôi lấy ai phụng dưỡng? Tôi còn bận kiếm củi. Bác cứ đi đi!).
    Vậy là trên con đường tu tập, cái cơ duyên phải hội đủ thì mới tu được. Có lúc vì nợ nần chưa dứt, nên chỉ có thể dừng lại ở người chỉ đường mà thôi.
    Lại nói đến chuyện được chỉ điểm tường tận ở trên. Chỉ điểm ở đây là đoạn chỉ đường của lão tiều nọ : "Không xa, không xa. Núi này gọi là Linh Đài Phương Thốn. Trong núi có cái động gọi là Tà nguyệt tam tinh. Trong động có một vị thần tiên xưng danh là Tu Bồ Đề *****..."
    Với tôi, đây là một đoạn "bí kíp" của người tu tâm luyện khí. Nơi chốn để tu tập, con đường để tu tập, lão sư dạy tu tập, đúng thật là "không xa, không xa!", chính là ở Linh Đài Phương Thốn, đó là hai đại huyệt trên cơ thể con người (một chứa khí, một thanh tâm), là cơ sở vô cùng quan trọng (nặng nhu núi) đối với người luyện nội công, luyện khí công, cũng như tu tâm, thiền định.
    Trong cái cơ sở của khí huyết tương thông ấy, cần phải chú ý đến TÂM. Người học thư pháp, khi viết chữ, chắc bao giờ cũng phải học thuộc lòng khẩu pháp viết chữ tâm, mà trong cuốn "giải mã truyện Tây du" cũng có nhắc tới. Chữ Tâm viết thế này:
    "Tam điểm như tinh tượng,
    Hoành câu tựa nguyệt tà,
    Phi mao tùng thử đắc,
    Tổ phật giả do tha".
    ("Ba điểm tựa sao sáng,
    Móc câu tựa khuyết trăng,
    Thú cầm theo đây đắc
    Phật do đó mà ra.)
    Vậy là cái động Tam tinh nguyệt tà (ba ngôi sao một vầng trăng khuyết) ấy chính là TÂM.
    Thế còn vị sư phụ kia, có tên là Tu Bồ Đề *****. Sự giải thích của LA. Dũng thì không cần thêm thắt gì nữa, ông viết thế này: "Bồ đề (bodhi tiếng Phạn) là trí giác ngộ. Con người có giác ngộ (sáng suốt) thì mới đáng mặt làm thầy kẻ u tối." Tu Bồ Đề là tu để trở nên giác ngộ, có giác ngộ ắt có giải thoát. Bởi vậy vị sư phụ kia chính là sửa để có sự giác ngộ.
    Thế là, trong đoạn chỉ đường ấy, hàm chứa cả một con đường đạo. Nói ngắn gọn lại, muốn tìm đường giải thoát, thì không thể dừng lại ở giải trí, giải sầu, giải khổ, Hành giả phải một mình quay lại với chính bên trong mình, lấy khí huyết (cơ thể vật chất hữu hình và vô hình) làm cơ sở, lấy tâm làm nơi tu tập, lấy sáng suốt, giác ngộ làm thầy để hướng dẫn, noi theo.
    Thú thật thì tôi cũng không rõ là Ngô Thừa Ân có ý như vậy không. Tôi chẳng phải ông ta nên không thể biết được. Việc tôi làm cũng chỉ là chiết tự, dựa vào câu chữ mà đoán ý thôi, dõi theo ngón tay để thấy mặt trăng. Nhưng có thể mặt trăng tôi thấy chẳng giống mặt trăng người khác thấy, cũng có thể chẳng phải mặt trăng mà người ta muốn chỉ cho. Nhưng chuyện ấy cũng chẳng quan trọng gì. Điều quan trọng là cái mà tôi nhìn thấy ấy, chính là cái mà tôi muốn thấy. Và cái tôi muốn thấy đã thấy rồi, thì có đem lại cái gì bổ ích cho tôi không?!
    CC

    [​IMG]
    "Tam điểm như tinh tượng,
    Hoành câu tựa nguyệt tà,
    Phi mao tùng thử đắc,
    Tổ phật giả do tha".

    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 20:14 ngày 10/05/2006
  9. huyentrang

    huyentrang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/12/2001
    Bài viết:
    6.877
    Đã được thích:
    1
    Bế tắc quá chị ơi....
    Em đọc topic từ những ngày đầu nhưng bi giờ càng ngày càng thấy nó đi vào ngõ cụt..Đọc xong thấy mệt mỏi quá..
    Hôm nay lần đầu tiên em vào viết bài cũng là lần cuối em vào topic..
    Chúc chị sớm tìm cho mình được đường đi đúng nhất
    Tận hưởng cuộc sống đi vì nó quá ngắn ngủi

    Được huyentrang sửa chữa / chuyển vào 18:52 ngày 10/05/2006
  10. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ năm, ngày 11 tháng 5 năm 2006,
    Để làm sổ bảo hiểm là nhất định phải có giấy khám sức khỏe, mà nhắc tới giấy khám sức khoẻ là tôi rùng mình, cứ nghĩ đến cảnh ngồi đợi chờ, chen chúc nhau trong khi trời nắng nóng thế này, tôi cứ trì hoãn mãi. Nhưng mình không làm thì người khác phải đợi chờ, liên luỵ tới người ta, vả lại việc trước sau gì cũng phải làm, nên tặc lưỡi tôi đi cho xong.
    Tôi đến phòng khám bệnh của Viện GTVT ở đường THĐ. Nhớ cách đây vài năm mất bằng lái xe xin cấp lại, giấy khám sức khỏe nhất định là phải ở chỗ này, sau làm hồ sơ đi xin việc, tôi cũng khám ở đây, nên tôi cũng chỉ biết có chỗ ấy. Tôi cũng vẫn còn nhớ như in, nơi gửi xe lúc nào cũng đông đúc, đi qua một cái chợ, vào cái ngõ hẻm, có một cái sân với một dẫy nhà cấp bốn tối tăm ẩm thấp, đó là chỗ khám bệnh, lúc nào cũng đông nghẹt người, phải chờ đợi chen lấn, khổ sở lắm.
    Tôi cứ theo lối đó mà đi, đi một vòng, chỉ thấy chợ, chẳng thấy phòng khám đâu, cũng không thấy ai có vẻ hối hả tất tưởi như lúc vào khám, hay bực tức như phải chờ đợi, hoặc thỏa mãn như vừa vượt qua tai ách gì nặng nề. Thế nên tôi lượn thêm vòng nữa, rõ ràng biển đề đây mà.
    Hóa ra giờ người ta dựng một cái nhà cũng khá khang trang sạch sẽ, dù giữa chợ, để làm phòng khám, nên tôi chẳng nhận ra. Phòng tiếp dân có hai cái quạt chạy vù vù, nhưng không có ai ngồi tiếp, cũng chẳng thấy có dân tình nào đợi khám cả. Tôi ngồi đợi, cứ chột dạ không biết có phải mình đi nhầm không. Ngó lên biển mấy lần, thấy đúng là chỗ ấy mà. Đằng nào thì cũng tới rồi, nên tôi lôi sách ra đọc.
    Mười lăm phút sau, một cô bác sĩ quay lại. Cô ấy hỏi tôi khám gì. Tôi trình bày là tôi đi khám làm sổ bảo hiểm. Cô ấy rút ra tờ giấy, có đóng dấu sẵn rồi, đưa tôi điền thông tin, rồi hỏi tôi cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, cô ấy ghi và ký vào, rồi bảo tôi sang phòng bên cạnh.
    Các phòng khám khác, tôi cũng phải ngồi chờ. Không phải vì đông người, mà vì quá vắng, các bác sĩ đi chơi cả. Người đi chợ, người đi ăn sáng, người thì đi buôn chuyện ở đâu đâu. Họ đều nhẹ nhàng cả, chẳng gắt gỏng cau có gì, cũng chẳng động vào người tôi, chỉ ghi là bình thường rồi ký. Nhưng có điều nhàn việc quá nên có vẻ hơi buồn. Ít người khám thì thu nhập cũng thấp đi, phải thôi. Hỏi ra, mới biết là giờ để làm bằng lái xe thì phải vào bệnh viện khám cơ, còn phòng khám thì cứ là mọc ra nhan nhản như nấm. Làm ăn bây giờ khó lắm. Thời hoàng kim ở khu nhà cấp bốn ngày nào đã xa xưa lắm rồi.
    Thế mới hay làm ăn đúng là phải nhờ đất. Tôi biết có nhiều cửa hàng, còn ngồi quán cóc vỉa hè thì sao mà lắm khách, hễ dư tiền thuê cửa hàng khang trang thì khách lại như có ma làm, đi đâu mất tiêu. Nhưng mà khám bệnh thì cũng vậy đấy, nhiều khi chuyển từ nhà cấp 4 lên nhà mái bằng khang trang sạch sẽ cho đáng một cái sở y tế, thì người bệnh hình như cũng vì thế mà thưa thớt đi. Không biết nên mừng là vì dân mình sức khỏe ngày càng tăng, hay là buồn cho bác sĩ vì không tận dụng được chất xám và thời gian mà thu nhập lại giảm.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 12:28 ngày 11/05/2006

Chia sẻ trang này