1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhật ký MỘT CÔ GÁI THIẾU NGOAN

Chủ đề trong 'Tâm sự' bởi Coltpard, 11/06/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
     ​

    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 14:48 ngày 08/07/2006
  2. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ bảy, 08/07/06, The Da Vinci Code,
    Tôi mượn được cuốn Mật mã Da Vinci của một người bạn, và ngay lập tức tôi hơi nuối tiếc vì mình đã không mua nó hôm đó.
    Tôi đã đợi để mượn đọc cuốn The Da Vinci Code - Ấn phẩm mới (đã được chỉnh sửa hiệu đính) sau khi nghe nói về nỗi thất vọng ghê ghớm của độc giả với thảm họa dịch thuật của ấn phẩm cũ năm ngoái. Tuy vậy, tôi cũng phải thú nhận (đáng trách) là mặc dù có hiệu đính, ấn phẩm mới này vẫn khiến người đọc cảm thấy khó chịu đến mức rất rất nhiều khi muốn vứt cuốn sách đi (nếu đọc bản cũ, không hiểu tôi sẽ còn thất vọng đến dường nào!). Dù cố gắng, tôi vẫn không thể thoát khỏi cảm giác rằng lối dịch có thể nói là cẩu thả và thô thiển này là một sự báng bổ đối với tác phẩm.
    Tôi ít khi dùng những từ ngoa ngoắt để chê bai người khác, bởi vì tôi biết việc dịch một cuốn sách là một công việc khó khăn hơn cả viết văn. Nhưng dẫu rằng kiến thức về văn hóa và tôn giáo, cũng như lối chơi chữ trong ruyện rất khó diễn dịch, nhưng những câu nói tiếng Pháp, ngoại trừ một số câu có ý nghĩa nhất định, thì các câu giao tiếp chào hỏi thông thường cũng chẳng cần thiết để nguyên văn (vì một người không biết tiếng Pháp đọc sẽ chẳng hiểu tí ti gì - nếu vậy thì cần gì vai trò dịch giả nữa!), còn cứ phải đọc tìm chú thích của người hiệu đính ở bên dưới cho những câu giao tiếp rất đơn giản tạo nên cảm giác ức chế đến phát khùng. Vệc giữ nguyên một vài từ tiếng Pháp hoặc tiếng Anh(hoàn toàn không cần thiết) trong nhiều câu văn khiến tôi có cảm giác như đang nghe một anh bồi huyênh hoang với thứ tiếng Anh, Pháp bồi kể cho tôi câu truyện (tầm cỡ thế giới) này. Không kể đến những đoạn dịch rất thương mại nghèo nàn (tức là dịch theo kiểu "word by word"), và những đoạn văn tiếng Việt cực kì tối nghĩa bởi không có dấu chấm phẩy thể hiện một trình độ Việt văn hết sức rối rắm như kiểu nghĩ sao thì viết vậy mà không thèm đọc lại (vì có lẽ dịch quá vội, biên tập quá vội, in quá vội chăng?). Lại còn cả những lối nói tối nghĩa, những từ ngữ bị cắt (theo văn nói tắt hiện đại) của tiếng Việt lại được đưa vào cho ngữ văn của những nhân vật người nước ngoài có trình độ giáo sư, bác học, vô cùng phản cảm! Và đừng nói chi tới lỗi câu từ, lỗi chính tả, lỗi in ấn .v.v.
    Tôi muốn nói đến sự khó chịu (cực kỳ và rất cực kỳ) này để nói rằng, nếu một cuốn sách khác thì tôi đã đóng lại ngay từ những trang đầu tiên và không bao giờ thèm giở ra lần nữa để chấm dứt cảm giác hành hạ mình lẫn hạ thấp tác phẩm. Nhưng tôi vẫn tiếp tục (dằn cơn bực bội) lần trang từng trang, bởi vì cho dù kiểu dịch thuật có thê thảm đến thế này, thì phải nói rằng đây là một tác phẩm mà bản thân nó, vượt trên cả ngôn ngữ, tự tỏa sáng. Tôi cứ phải tự nhủ, nếu cuốn truyện được dịch tử tế theo đúng bản gốc (và nhất định tôi sẽ cố tìm bản gốc để đọc), thì người ta sẽ thấy nó lộng lẫy và tuyệt đẹp (theo kiểu bức tranh Mona Lisa đen đủi mơ màng, xấu ỉn ở Bảo tàng Louvre) với đúng vai trò của một tiểu thuyết gây chấn động thế giới. Tôi không muốn nói đến văn phong cũng như tình tiết (kỳ thực chẳng xuất chúng gì) của câu truyện, tôi muốn nói tới lượng kiến thức về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và đặc biệt là tôn giáo sâu sắc được đề cập trong đó.
    Lúc này, tôi thực sự cảm thấy nhu cầu cần thiết là học thật giỏi tiếng Anh và Pháp. Bởi vì nếu thiếu chúng quả là một thiệt thòi lớn lao. Niềm thôi thúc đó đặc biệt rõ ràng và cấp thiết, khi đọc (bản dịch) ấn phẩm mới Mật mã Da Vinci của NXB Văn hóa thông tin (kinh dị) này.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 22:17 ngày 08/07/2006
  3. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    - Các bạn có thể thấy - Langdon nói với họ, tiến về phía bức tranh Mona Lisa chiếu trên tường thư viện - nền tranh đằng sau gương mặt nàng không bằng phẳng. - Langdon chỉ sự so le rành rành - Da Vinci đã vẽ đường chân trời ở bên trái rõ ràng là thấp hơn bên phải.
    - Ông ta lỡ tay làm hỏng chăng? - Một tù nhân hỏi.
    Langdon cười:
    - Không, Da Vinci không ấy khi lỡ tay như thế. Thật ra, đây là một ngón nhỏ mà Da Vinci đã cố ý chơi. Bằng cách hạ thấp đường chân trời về bên trái, Da Vinci làm cho Mona Lisa nhìn từ bên trái sẽ lớn hơn nhìn từ bên phải. Một thủ thuật nhỏ của Da Vinci. Theo lịch sử, khái niệm nam nữ vốn đã định rõ: bên trái là nữ, bên phải là nam. Vì Da Vinci theo khuynh hướng trọng nữ, nên ông đã làm cho Mona Lisa trông uy nghi hơn từ góc nhìn bên trái so với nhìn từ bên phải.
    - Nghe nói ông ta đồng cô? - Một người bé nhỏ có chòm râu dê hỏi.
    Langdon nhăn mặt:
    - Các nhà sử học thường không diễn ngôn bằng cách ấy, nhưng đúng như vậy, Da Vinci là một người đồng tính luyến ái.
    - Đó là lí do khiến ông ta lao vào cái thứ toàn nữ ấy ư?
    - Thực ra, Da Vinci đồng điệu với sự cân bằng nam nữ. Ông tin rằng linh hồn con người không thể sáng láng nếu không có cả yếu tố nữ lẫn nam.
    - Ông muốn nói đến cả "hĩm" lẫn "cu" hả? - Ai đó nói.
    Câu nói ấy gây một ràng cười như sấm.
    ...
    - Này ông Langfort - Một người đàn ông cơ bắp nói - Có đúng bức Mona Lisa là hình một Da Vinci mặc váy không? Tôi nghe nói đây là sự thực.
    - Cũng có thể - Langdon nói - Da Vinci là một người thích chơi khăm, và những phân tích trên máy tính giữa Mona Lisa và các bức chân dung tự họa của Da Vinci khẳng định những điểm tương đồng đáng kinh ngạc trên khuôn mặt này. Bất kể Da Vinci định thế nào, thì Mona Lisa của ông cũng không phải là đàn ông hay phụ nữ. Nó mang một thông điệp về sự lưỡng tính nữ-nam. Nó là một sự hòa trộn của cả hai.
    - Ông chắc đó không phải là một cách cà chớn của Harvard để nói rằng Mona Lisa là một ả xấu xí đấy chứ?
    Bây giờ thì Langdon bật cười:
    - Có thể anh đúng. Nhưng thực tế Da Vinci để lại một bằng chứng rõ ràng rằng bức tranh này vẽ một người lưỡng tính. Có ai ở đây đã từng nghe nói về một vị thần Ai Cập có tên là Amon không?
    - Đ. mẹ nó, có! - Người đàn ông to con nói - Thần phồn thực nam!
    Landon sửng sốt.
    - Trên hộp bao cao su Amon nào mà chẳng in thế - Người đàn ông cơ bắp đó cười toét - Có vẽ một gã đầu cừu đực và ghi rõ rằng gã là thần phồn thực của Ai Cập.
    Langdon không biết nhãn hiệu đó, nhưng ông vui khi thấy các nhà sản xuất dụng cụ ngừa thai đã sử dụng đúng ký hiệu:
    - Rất tốt! Amon quả thực được tượng trưng bởi hình một người đàn ông có đầu cừu đực, và thói giăng hoa bừa bãi cùng với cặp sừng cong của vị thần này liên quan đến một từ lóng chỉ quan hệ ******** trong thời hiện đại của chúng ta: "cứng sừng".
    - Ôi, không đùa đấy chứ!
    - Không, không đùa - Langdon nói - Và các anh có biết ai là vợ của Amon không? Nữ thần phồn thực Ai Cập?
    Đáp lại câu hỏi là mấy giây im lặng.
    - Dó là Isis, - Langdon cho họ biết, cầm lấy một cây bút dầu - Vậy chúng ta có nam thần AMON - ông viết cái tên ấy - và nữ thần Isis, tên thượng hình cổ của thần là L''ISA.
    Langdon kết thúc dòng chữ và lùi lại khỏi máy chiếu:
    AMON L''ISA.
    - Có gợi ra cái gì không? - Ông hỏi
    - MONA LISA... Ôi chao quỷ thần ơi! - Ai đó há hốc miệng.
    Langdon gật đầu:
    - Thưa quý vị, không chỉ khuôn mặt của Mona Lisa trông có vẻ lưỡng tính, mà tên của nàng cũng là một lối chơi chữ của sự hợp nhất thánh thần giữ đàn ông và đàn bà. Và thưa các bạn, đó là bí mật nho nhỏ của Da Vinci, và lý do cho nụ cười ra cái điều ta đây biết thừa của Mona Lisa.
    ...
    (Trích "Mật Mã Da Vinci" - Dan Brown)
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 22:27 ngày 08/07/2006
  4. duyk6

    duyk6 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/12/2003
    Bài viết:
    1.164
    Đã được thích:
    0
    Thú vị ... và suy nghĩ
  5. buoi_toi

    buoi_toi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/06/2006
    Bài viết:
    103
    Đã được thích:
    0
    Tinh vi, ích kỷ !
  6. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, chủ nhật, ngày 09 tháng 07 năm 2006,
    Sau chuyện xảy ra tối hôm đó, AK xoa dịu tôi bằng những lời an ủi dịu dàng và tỏ ra bất bình một cách muộn màng. Một vết nứt, dù có trám khéo tới đâu cũng là vết nứt, tôi chỉ giận dỗi chút đỉnh chừng một hai ngày rồi bỏ qua, nhưng anh không bao giờ còn là một chàng trai khoáng đạt, dũng cảm, mạnh mẽ trong lòng tôi nữa, và kể từ đó tôi cũng nhất định không chịu tới nhà anh. Có thể tôi là một đứa cứng đầu kiêu ngạo, nhưng tôi cho rằng ai cũng có nguyên tắc riêng mà khó lòng thay đổi được, tôi không thích tới những nơi người ta chẳng hoan nghênh mình.
    Gần như một sự giải thoát khỏi tình trạng khó xử cho AK là ngay sau đó, anh rời VN để tiếp tục chương trình học. Tôi cũng đã thở phào nhẹ nhõm khi anh đi. Dẫu rằng tình yêu chỉ có hai người là không thể tồn tại, nhưng kéo dài những khoảnh khắc riêng tư ấy dài chừng nào hay chừng đó, cho dù chỉ qua những lá thư điện tử, những thông điệp YM hay những cú điện thoại năm phút vội vàng. Tôi thật sự không biết mọi chuyện sẽ ra đi tới đâu, nhưng một người yếu đuối như anh cần có tôi ở bên cạnh, còn tôi không thể quay lưng với một người đang cần mình.
    AK thích viết thư tay. Mỗi ngày, anh dành thời gian viết cho tôi một bức thư, giống như nhật ký, và sau một thời gian gộp chúng lại để gửi cho tôi một lần, trong những phong bì mầu hồng kèm theo bưu thiếp và những mảnh giấy trắng có vệt vàng loang lổ chiến tích. Đáp lại tấm thịnh tình, tôi cũng viết thư cho anh, nhưng chỉ những khi có tâm sự và bởi thế chúng thường dài dằng dặc những lời lẽ ướt át, tôi ít khi mua thiệp mà tự mình sáng tác và thích dùng phong bì màu kem, có lúc tôi gửi cho anh dấu môi tô son thật đậm của mình trên giấy.
    Vì tôi không tới nhà AK nữa nên AT cũng thưa dần những lần tới thăm bố mẹ AK. Thỉnh thoảng, khi anh tới nhà báo tình hình hai bác, tôi nấu cơm và chúng tôi cùng ăn. Tôi rất ít khi nấu cho ai và cũng hiếm có ai thích những gì tôi chế biến - với tôi, nấu ăn là một cuộc sáng tác mang tính cách cá nhân. AT rất kém ăn, mỗi bữa ăn còn ít hơn con gái. Điều đó trở nên rất đặc biệt vì anh ăn rất ngon miệng mỗi khi tới nhà tôi, vì quý mến anh nên tôi đặc cách xuống bếp trong lúc AT và AK ngồi chát.
    Nhiều người, giống như tôi, thường nghi ngờ liệu có chăng tình bạn khác phái? Nhưng AT khiến tôi hiểu rằng hai người nam và nữ hoàn toàn có thể xây dựng một mối quan hệ trong sáng, thân thiết và lành mạnh, một tình bạn thật sự.
    Sau đó chừng vài tháng, bố mẹ anh đánh tiếng bảo tôi sang. AK thì dỗ ngọt còn AT thì khuyên can, bản thân tôi thấy cả hai bên cùng lùi, dĩ hòa vi quý cũng là hợp lẽ. Tôi chẳng làm gì có lỗi và cũng chẳng ghét bỏ gì hai bác. Tôi tự nhủ, dù thế nào thì mình cũng là hậu bối, phải biết điểm dừng và không được bất kính. Không nhớ tôi vào thăm bố mẹ anh lại là khi nào, thưa thớt chừng ba tuần, một tháng thăm một lần, tất nhiên đi cùng AT. Đáng tiếc là lần nào cũng mang không khí nhạt nhẽo và gượng gạo. Dù sao thì đó cũng là một dấu hiệu hòa bình đáng để AK hứng khởi.
    Thời gian êm đềm trôi qua nhanh chóng, cho tới gần sáu tháng sau, đầu mùa đông năm 2001, một lần nữa, bố anh vào viện cấp cứu. Lần này mọi người báo tin cho AK tức tốc trở về. Tận tình chăm sóc bố cho tới cuối mùa đông, giữa tháng Chạp, thì AK có tang. Trọn vẹn tang lễ với bố, AK quyết định bảo lưu kì học ở nhà một năm để chăm sóc mẹ.
    Tôi là một trong hai ba người mơ thấy bố AK, hay dân gian gọi là được báo mộng. Thú vị là trong giấc mơ, bố anh lại đặc biệt vui vẻ, niềm nở với tôi, thậm chí còn có ý nhờ tôi chăm sóc, giúp đỡ AK. Nhận lời phó thác của một linh hồn, tôi biết rằng điều đó khởi sự một mối giao lưu tâm linh bền chặt. Nhưng khi đó, như hầu hết mọi người trần mắt thịt khác, tôi đã không hiểu hết lời nhắn nhủ này, tôi không hề biết rằng một khúc nhô gian khó của tương lai đang từ từ trườn tới.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 15:34 ngày 10/07/2006
  7. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ hai, ngày 10 tháng 7 năm 2006,
    Một đêm thú vị! Gilles có một đám cưới và đến muộn vào đầu của hiệp hai. Tôi để Skype cùng chia xẻ với G và AY, còn YM để buôn với AH. Kết quả không phải là điều quan trọng, nhưng một nỗi tiếc trồi lên là sự cố đáng buồn với Zidane. Kết cuộc chung theo tôi là hoàn toàn hợp tình hợp lý. "Chính thời gian bạn ở bên đóa hồng đã khiến nàng trở nên quan trọng như thế" - đó mới là điều cốt yếu.
    Đúng vậy, "chính thời gian ta ở bên đóa hồng khiến nàng trở nên quan trọng như vậy..., ta phải có trách nhiệm với những gì mình đã cảm hóa"
    (Le petit prince - Antoine de Saint Exupery)
    Năm 2002 là năm thực sự dành để yêu đương và tìm hiểu. Tôi có một kỳ thi cực kì quan trọng và với tất cả nỗ lực gian khó của mình, tôi vượt qua nó. Cùng lúc, tôi thực tập ở một cơ quan truyền thông lớn và môi trường làm việc ấy khiến tôi khủng hoảng trầm trọng. AK không giúp được gì nhiều cho tôi ngoài việc lặng thầm an ủi. Chúng tôi hầu như không bao giờ cãi nhau, anh là người chịu nhịn còn tôi cũng là kẻ biết điều.
    Thật buồn cười là tôi lại chẳng nhớ gì nhiều về những ngày tháng yên bình đó cả. Có lẽ chúng tôi đã vui vẻ bên nhau, êm đềm đến mức nhòa nhạt? Chẳng nhẽ những ngày tháng dịu dàng lại có thể trở thành một lỗ hổng trong trí nhớ được? Hay thực tình thì tôi chưa bao giờ thực sự thăng hoa trong niềm vui?
    Từ sau ngày bố mất, mẹ AK dịu dàng và mềm mỏng hơn, không còn thô bạo phản đối chúng tôi nữa. Nhưng nhà của AK đặc biệt có nhiều lễ giỗ và lắm họ hàng. Thỉnh thoảng họ hàng "trong quê" lại ghé qua dùng bữa hoặc nghỉ ngơi qua ngày hôm sau (tôi nói "trong quê" vì họ ở ngay giáp sát Hà Nội, mất chừng nửa tiếng chạy xe máy là cùng), chuyện đó khiến mẹ AK mỏi mệt và tôi càng chán ngán hơn. Việc làm tiêu điểm bàn tán cho người ta chẳng thú vị gì.
    Một ngày nọ, mẹ AK gọi tôi lại và thủ thỉ tâm sự. Bác nói, khi còn sống bố AK đã không bằng lòng chuyện tình cảm này, thậm chí đã từng nói với AK là không đồng ý cho chúng tôi qua lại vì hoàn cảnh gia đình tôi (đó chính là lí do khiến tôi giận - cho dù tôi biết rõ rành đó là một cái cớ), nhưng giờ bố AK đã mất và bác hiểu phần nào hoàn cảnh của mẹ tôi, vì thế bác cũng chẳng cấm cản gì. Có điều (tất nhiên bao giờ cũng có vế đằng sau), họ hàng "trong quê" có người đi xem bói, nói là tuổi AK và tôi không hợp, thế nên bác thật lòng cũng không ưng. Tôi thấy chết đứng trong lòng.
    Mặc dù mẹ AK là người rất tốt bụng và tế nhị, đã không nói thẳng, nhưng cách bác nói khiến tôi hiểu là, người ta cho rằng chuyện không may của bố AK là do khí vận của tôi không tốt. Điều đó khiến tôi rơi vào trạng thái đau buồn, nặng nề kinh khủng. Tôi kể chuyện này cho AK, anh lặng im rồi nói người nào lại rỗi hơi ăn nói lung tung. Có lẽ anh thực tình không hiểu.
    Sau đó vài hôm, còn nhớ lúc đó là bữa cơm, mẹ AK bảo: "Mẹ nói thẳng với hai đứa, người ta đi xem tuổi bảo hai đứa không hợp, sau này đến cái bát cũng chẳng có mà ăn. Nếu hai đứa đã nhất tâm thì mẹ cũng đành chịu, nhưng sau này có chuyện gì thì cũng đừng trách là tại sao không được báo trước". Trong mâm cơm nhà anh hôm đó, duy nhất tôi chỉ nhớ là món cà. Mắt tôi dán dính vào bát cà pháo muối ấy. Tôi biết cà muối vừa chua, lại vừa mặt chát, tôi cảm thấy vị đó ở trong miệng dù chưa từng cầm bát lên. Tôi biết rằng hình tượng cái bát và quả cà sẽ ám ảnh tôi cho tới khi tôi vượt qua được nó. Trên bàn thờ, tấm ảnh bố anh mỉm cười. Tôi nhìn và hỏi, tai sao tôi còn phải tiếp tục, và giấc mơ nọ đúng thị chỉ là một lời cợt đùa thôi phải không. Nhưng một tiếng nói vô hình bên trong, câu trả lời sẽ đến đúng thời điểm. Bài học này tôi buộc phải kinh qua.
    Tất nhiên là không thể vì chuyện bói toán mà chúng tôi lại dễ dàng chia tay. Đứng trước khó khăn chung mà kẻ thù thì có vẻ như vô hình, người ta có xu hướng là đoàn kết để chống lại. Là những người trẻ tuổi bền chí, kể có là số phận đã định thế, thì cũng không thể tỏ ra bị khuất phục, như những chiến bin dũng cảm, chúng tôi vẫn im lặng bước đi bên cạnh nhau.
    Trong suốt những ngày tháng ấy, thỉnh thoảng tôi có nhớ tới AL, cũng như mơ thấy bố AK. Việc tôi gặp bố AK khiến anh có vẻ hơi ghen tị đồng thời khiến anh an lòng. Còn nhớ tới AL thì tôi giấu biệt. Ai mà chẳng có những khoảng không gian của riêng mình. Khi hay tin AL có bạn và đã chung sống cùng, tôi đã thấy lòng đau nhói và bầu trời gần như xoay đảo, nhưng rồi bình yên vô cùng tỏa vây, thầm lặng, tôi mừng vì biết anh ta đang hạnh phúc. AL giống như một điểm sáng trên bầu trời chỉ để mơ mộng, một khát khao tự tạo ra để mà vươn tới, ngặt không phải để biến thành sự thực để mà sống cùng.
    Sau giỗ đầu của bố, bất đắc dĩ AK lại ra đi. Đó là đầu năm 2003. Anh nói sẽ cố gắng đi nhiều nhất là sáu tháng. Trước khi đi, cuối cùng thì anh cũng có nói một câu thật tình, anh quyết định ở lại một năm vì mẹ chỉ là một phần, phần nhiều lại là vì anh sợ cô đơn, mà ở nhà thì có tôi.

    Ôi, AK đáng thương!
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 17:21 ngày 10/07/2006
  8. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ hai, ngày 09 tháng 07 năm 2006,
    Trời oi bức đến lộng óc. Tối sầm sì. Rồi thì mưa. Những hạt mưa nặng nề lác đác, giống như một người đã chai sạn cố rặn ra vài giọt nước mắt. Một trong những điều khủng khiếp của tâm trạng loài người, là không thể khóc khi khổ đau.
    Việc ra đi của AK lần này không còn nhuốm màu lãng mạn nữa, những bức thư tay cũng thưa thớt, email với lời lẽ gọn gàng, chát nhiều hơn và chủ yếu thiên về những chuyện thường ngày cùng dục cảm. Tôi hãn hĩu vẫn vào ăn cơm với mẹ anh, vì chúng tôi chẳng có mấy điểm chung, mà tôi không phải là một cô gái khéo léo chu đáo gì. Dân gian có câu "xa thơm, gần thối", đôi khi ít gặp một chút lại khiến tình cảm tốt đẹp hơn - quan điểm lạnh lẽo này của tôi thường chẳng được lòng các vị phụ huynh, và vì thế tôi ngậm ngùi tự nhận là mình thiếu ngoan vậy.
    Thời gian nửa năm nghe thì lâu, nhưng trôi qua lại quá nhanh và cũng chẳng có nhiều điều đáng kể, nhất là khi có nhiều việc để làm, ví dụ như AK thì cố hoàn thành luận văn Master, còn tôi thì là thời điểm cuối của hai bằng đại học.
    Một ngày hè oi ả, anh trở về, lòng phơi phới rạng ngời. Còn gì có thể thanh thản hơn. Chẳng có gì níu kéo, mọi chuyện giờ trở nên cực kỳ giản đơn... Đó chính là khoảng lặng trước một cơn bão giông.
    Ngày hôm ấy cũng nóng nực như ngày hôm nay, tôi nghe tiếng quạt quay kẽo kẹt và tiếng mẹ anh rì rầm phía xa xa, không khí mới nặng nề làm sao! Mẹ anh đang nói về kết quả xét nghiệm rồi họ hoàn toàn im lặng. Tôi thấy không khí bốc mùi tử thần.
    Sau chuyến đi biển với gia đình tôi, tự dưng chân AY sưng tấy. Chúng tôi nghĩ là anh dị ứng tôm cua, nên đợi vài ngày.Thấy không khỏi, mẹ anh đưa anh đi xét nghiệm. Kết quả nằm trong tay và mẹ anh không tin vào mắt mình, gọi điện đi hỏi những bác sĩ quen, trong lúc anh báo tin cho tôi. Mặt anh trắng nhợt như một tờ giấy, nhưng sự bình tâm cho thấy anh cũng không hiểu rõ sự nguy hiểm của căn bệnh, giống hệt như tôi.
    Còn nhớ hôm đó là trưa thứ năm. Buổi chiều chúng tôi nằm bên nhau, anh gối đầu lên bụng nghe tôi vuốt ve an ủi, chúng tôi mường tượng ra một cảnh đau ốm lãng mạn và tôi nói dù thế nào cũng sẽ bên anh. Điều đó có vẻ ít nhiều khiến anh bình tĩnh lại. Tối, mẹ và anh đến gặp BS.T ở 103, người này xem hồ sơ và quyết định sẽ nhập viện cho anh vào chiều hôm sau, thứ sáu. Cũng tối hôm đó, mẹ tôi tìm hỏi người quen để tìm một chuyên gia giỏi nhất ở Việt Nhật, hẹn cho anh.
    Sáng thứ sáu, chúng tôi đưa anh đến gặp bác sĩ ở Việt Nhật, BS.HA một người phụ nữ mảnh dẻ, nhẹ nhàng, hiền hậu. Chị xem qua kết quả xét nghiệm và chân AK, rồi chị nói có thể giúp vì nhìn chung bệnh tình chưa đến nỗi nghiêm trọng. Chị nói cứ về nghỉ ngơi rồi sáng thứ hai chị sẽ làm thủ tục cho nhập viện và làm xét nghiệm từ đầu để lên phác đồ điều trị. Thấy bác sĩ còn trẻ, mẹ AK không an tâm, nên ngay ở cửa Việt Nhật, mẹ AK quyết định chọn đưa anh vào 103 với BS.T, người đề nghị cho anh nhập viện ngay chiều hôm đó.
    Những ngày tháng AK trong 103 là những ngày tháng kinh hoàng đối với tôi. Ngày nhập viện, anh là một người khoẻ mạnh, béo tốt, hồng hào, chỉ có chân là bị sưng phù nhưng trông không có vẻ gì là bệnh tật. Anh được sắp xếp ở phòng loại cao cấp, chỉ dành cho những sĩ quan, một mình một giường, và mau chóng kết thân với ba người bệnh, trẻ hơn anh, ở các giường bên cạnh. Việc đó cũng mau chóng như sức khỏe của anh ngày càng suy giảm, anh không thể ăn ngon và gầy rộc đi khiến chúng tôi lo lắng vô cùng.
    Hàng ngày, tôi dậy từ sáng sớm đi chợ và nấu những món ăn cầu kì cho anh, giống như luộc chín hạt sen, nghiền nát rồi nấu với thịt và giá đỗ, cơm đồ hạt sen, nước cốt thịt hấp..., những món ăn có nhiều dinh dưỡng, an thần, đảm bảo sạch sẽ và không muối. Chín giờ rưỡi, tôi rời nhà và đi mất cả tiếng để đến viện lúc gần 11 giờ, là lúc người ta cho người nhà vào thăm. Mẹ anh ăn trưa cùng chúng tôi, rồi để tôi trông anh, mẹ anh rời bệnh viện lúc trời đã nắng để tắm rửa và nghỉ ngơi ở nhà, rồi vào thay cho tôi vào chiều tối. Chị anh vì có hai con nhỏ nên không chăm lo cho anh và mẹ anh được. Cuối cùng thì tôi đã hiểu việc nhờ cậy của bố anh.
    Lúc này đây, chúng tôi đã nhanh chóng loại bỏ ra khỏi đầu cái mơ tưởng ngớ ngẩn về một cảnh bệnh viện như trong tiểu thuyết hay phim Hàn Quốc. Tức là chỉ có chàng nằm thiêm thiếp bình an trên giường, còn nàng thì đọc truyện hay bóc quýt cho chàng ăn. Nếu bạn chứng kiến một người thân cứ đến đêm không ngủ được vì đau đớn, bẻ cong cả cái thìa sắt khi cố thọc vào miệng cho nôn oẹ không khí trong phổi ra, nếu bạn nhìn một người thân mà trong cơn vật vã, đau đớn thương tâm đến nỗi bác sĩ cũng phải quay đi vì không tài nào giúp đỡ được, nếu bạn chứng kiến một người thân ngày lại ngày người ấy gầy mòn đi, suy yếu đi và thần chết đứng ở đầu giường... bạn sẽ thấy rằng tất cả những hình ảnh lãng mạn kia chỉ là sự tưởng tượng huyễn hoặc của những người may mắn chưa từng trải qua nỗi thống khổ của bệnh tật.
    Nếu sáu tháng vừa trôi qua nhanh thế, thì một tháng ở 103 của AK mới dài làm sao! Đã có lúc tôi thấy anh tuyệt vọng. Một ngày hãn hĩu nọ, chị anh thay công việc cho tôi để tôi được nghỉ ngơi. Vào chiều muộn thăm anh, từ xa, dưới một gốc cây to, tôi thấy anh ngồi đợi, vai xà xuống như gãy xương đòn, lưng gù lại, trông anh sọm đi như một ông già. Thấy tôi, anh lao tới như một người lạc lối trong đêm đên chợt nhìn thấy một đốm lửa xa xăm. Tôi có cảm giác của một người mẹ đang giang tay đón một đứa con bị lưu đày đáng thương. Tất cả những gì còn lại trong tôi, trôi lơ lửng giữa thinh không trống rỗng, là làm sao giúp cho anh khỏi bệnh.
    Mẹ AK lạc quan bao nhiêu thì tôi lo lắng bấy nhiêu. BS.T luôn động viên về tiên lượng tốt lên trông thấy của các xét nghiệm, thậm chí bà còn kê thực đơn cho AK ăn mặn với một lượng nhất định nào. Nhưng tôi không tin bà ta, vì trước mặt mẹ AK bà nói vậy, nhưng lại kể với bạn của mẹ tôi, rằng bệnh tình AK hiểm nghèo và bắn tiếng cho mẹ tôi là mau chóng tách tôi ra khỏi AK, vì anh sẽ chẳng còn có mấy tương lai.
    Tôi không biết nói sao với AK và mẹ anh. Tôi e rằng họ cho là vì gia đình anh không chọn người bác sĩ mà mẹ tôi giới thiệu nên có thể tôi đem lòng nghi kị. Vả lại, tin tưởng vào bác sĩ quyết định 50% khả năng khỏi bệnh của bện nhân, tôi không muốn khiến AK hoang mang.
    Đúng lúc ấy thì có một sự kiện xảy ra, quyết định tất cả.
    Sau 4 tuần bác sĩ điều trị bảo với mẹ AK là tình hình tiến triển tốt và kí giấy cho "trốn" viện về nhà nghỉ hai ngày cuối tuần. Tới nhà, như chim xổng chuồng, việc đầu tiên là AK đi tắm rửa cho sạch sẽ còn mẹ anh thì sung sướng nấu cho anh một con gà to, AK ăn ngon lành. Mọi người thấy lạc quan vô cùng. Đêm hôm đó, anh nôn thốc nôn tháo và lên cơn sốt. Khi mẹ anh và tôi dìu anh từ taxi về phòng bệnh, tôi thấy sức nặng của anh đè trĩu đôi vai, anh không thể tự mình bước đi. Đúng lúc đó, tôi thấy mình cần phải quyết định.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 18:44 ngày 10/07/2006
  9. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội, thứ hai, ngày 10 tháng 7 năm 2006,
    Đêm đó tôi hoảng hốt gọi cho BS.HA để xin lời khuyên, chị nói anh cần được cấp cứu gấp vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó BS.T. nói là không có gì nghiêm trọng. Nhưng cho đến ba ngày sau anh vẫn không thuyên giảm. Bằng một nỗ lực cuối cùng, tôi nói với anh rằng anh phải chuyển bệnh viện.
    Tôi không biết mình lấy được sự mạnh mẽ đó ở đâu khi nói điều đó dứt khoát như ra lệnh với anh, còn anh là nguời gật đầu quyết định. Mẹ tôi gọi điện một lần nữa cho BS.HA và chị giúp cho chiều thứ ba, anh nhập viện dưới dạng cấp cứu.
    Việt Nhật không giống như 103, một giường bệnh ở đây chung cho ba người nằm. Đủ thể loại người từ khắp mọi nơi trên đất nước. Cũng có những phòng bệnh cao cấp chỉ có sáu giường, hai giường, hoặc một giường, nhưng lại do các BS khác điều trị. Nhất định BS.HA nên chúng tôi chấp nhận kể cả ba người bệnh chung một giường.
    Đại ca của phòng bệnh 12 giường này là một người đàn ông teo quắt, mở miệng là văng tục, nhưng rồi cười hề hề như Chí Phèo, người sau này là bạn tâm giao của AK, là người anh tinh thần và là người đã trao cho AK hai vũ khí lợi hại: một là "phải là người may phúc lắm mới gặp được BS.HA" và hai là "Nhất định phải kiêng kị giữ gìn trong năm năm".
    Ở đây khác hẳn với 103, bởi vì bạn sẽ thực sự thấy cuộc đời ở đó. Bạn sẽ chứng kiến người nằm bên cạnh mình hôm trước còn tươi cười hôm sau đã bất tỉnh. Cũng có lúc bạn sẽ bị đánh thức dậy lúc nửa đêm vì một bệnh nhân cùng phòng bị cấp cứu rên la (hoặc không còn có thể rên la) và các bác sĩ xúm xít xung quanh. Bạn học được không biết bao nhiêu kinh nghiệm về căn bệnh của mình, bạn có thể thấy quá khứ với những bạn bệnh mới vào và tương lai của mình qua những người bệnh đã "lên thớt". Đó là chưa kể một vốn lớn rất nhiều các câu chuyện đời khác nhau trên mọi miền của tổ quốc.
    Nếu ngày đầu tiên, gương mặt của mẹ AK thất vọng thế nào thì hai tuần sau, cũng gương mặt đó, nhưng ngời sáng chừng đó. AK phải thốt lên rằng "BS.HA là một cô tiên lướt đi trên những giường bệnh và khi nhìn thấy chị, mọi bệnh nhân dù nguy kịch, đau đớn, lo lắng tới đâu cũng cảm thấy một niềm an ủi, bình thản lớn lao". Việt Nhật cũng gần nhà của anh và tôi, nên mẹ anh đi lại đỡ vất vả hơn, chị anh có thể giúp đưa cơm chăm sóc, và tôi bớt đi phần nào khó khăn.
    Sau này AK thường tiếc vì nếu ngày hôm đó đợi thêm vài ngày, thì có lẽ bệnh tình của anh đã chẳng nghiêm trọng hơn và đã dễ đàng điều trị hơn. Sự nguy kịch đêm hôm đó cho chúng tôi một bài học lớn lao về sự vô thường và rằng trong phúc có hoạ, mà trong họa cũng là phúc. Được điều trị theo một phác đồ hoàn toàn khác hẳn, thực đơn ăn giản dị và khoa học. Cuối cùng, đến tháng thứ ba, BS.HA nói anh có thể điều trị ngoại trú.
    Cách thức đó là, hàng ngày vào buổi tối, AK sẽ rời bệnh viện về nhà của tôi tắm rửa, nghỉ ngơi và ngủ, rồi sáu giờ sáng, anh trở về viện để làm xét nghiệm sáng. Mẹ tôi chính là người đề nghị điều đó vì mùa đông đến rất nhanh, mà nhà tôi thì lại ngay gần bệnh viện. Kể từ đó, AK đến ở với tôi và mẹ.
    Có rất nhiều điều đáng nhớ trong thời gian AK điều trị ở bệnh viện, nhưng có lẽ điều đó nhiều ý nghĩa hơn đối với AK. Cuối cùng thì anh cũng được xuất viện, giảm dần thuốc và một tuần một lần vào bệnh viện để xét nghiệm và gặp BS.HA. Có điều gì hạnh phúc hơn thế!
    Sáu tháng, tám tháng, rồi mười tháng. Anh hầu như không phải dùng thuốc nữa, anh đã đi dạy bình thường, và một tháng vào viện xét nghiệm một lần. Mọi chuyện đã trở lại quỹ đạo cũ, cho dù cái bình thường này không bao giờ còn là cái bình thường của ngày trước.
    Tháng 4 năm 2004, chúng tôi quyết định thuê một nhà riêng. Tôi đã chán tận cổ cái cảnh thị phi, nhìn chòng chọc của hàng xóm, rõ ràng họ biết AK và tôi yêu nhau, giờ lại thấy cả năm trời anh sống ở nhà tôi, chẳng cưới cũng không xin, bạn bè nhìn vào cũng không hiểu vì sao tôi lại làm cái việc "thiệt thòi" xuẩn ngốc như thế (vì AK không muốn nói chuyện anh bị bệnh cho nhiều người). Mẹ tôi không phải không suy nghĩ, nhưng bà là người mạnh mẽ và khoáng đạt, sống trên miệng người đời nên cũng thường hay động viên. Nhưng AK cũng không thích cảnh "ở rể hờ". Việc ở riêng còn nhằm giải quyết một vấn đề nghiêm trọng xảy ra giữa anh và tôi: tảng băng cách xa.
    Trải qua từng ấy gian khó, đến khi mọi cơn sóng chìm xuống và biển cả trở lại lặng như tờ, thì chúng tôi, cũng có thể chỉ mình tôi, nhận ra rằng lòng mình cũng đã lặng im như cõi chết. Tôi vẫn bên anh chăm sóc anh như một thói quen, một trách nhiệm, cũng như anh bên tôi giống như người mang ơn đeo nghĩa. Cả hai chúng tôi đều nhận thấy một tảng băng đang ngày một lớn dần, lớn mãi, và đẩy chúng tôi ra xa nhau. Chúng tôi không cãi vã, lớn tiếng bao giờ, mọi việc có vẻ hòa hợp đến mức hoàn hảo, nhưng những đợt sóng ngầm băng giá thì cứ nhói lên, trồi lên, mà chúng tôi (hay chỉ mình tôi) thì không thể dối mình và còn muốn cả nhìn thẳng vào.
    Tuy nhiên, chúng tôi, trong một cơn tuyệt vọng vô hình, vẫn tiếp tục những nỗ lực cuối cùng để cứu lấy con thuyền, trước khi nó va vào tảng băng lớn và gãy làm đôi mảnh.
    CC
    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 02:08 ngày 11/07/2006
  10. thaolittle

    thaolittle Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/05/2006
    Bài viết:
    221
    Đã được thích:
    0
    định nghĩa thế nào là gái ngoan ? chẳng có căn cứ nào cả ! chỉ là tương đối mà thôi !tất cả là do quan niệm của con người ! ma quan niệm thì luôn thay đổi................hãy sông theo những gì bạn thật sự mong muốn và cảm thây hạnh phúc ma chẳng làm hại đén ai, chỉ có bạn mới hiểu rõ mình muốn gì?! mình cần gi`?! và diều gì mới thật sự quan trọng..........bởi không ai có thể sống thay bạn hay chịu trách nhiệm về cuộc sống của bạn.............

Chia sẻ trang này