1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Nhật ký MỘT CÔ GÁI THIẾU NGOAN

Chủ đề trong 'Tâm sự' bởi Coltpard, 11/06/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. giocuon_thuyentroi

    giocuon_thuyentroi Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    08/06/2006
    Bài viết:
    579
    Đã được thích:
    0
    Mấy hôm nay bà chị đi đâu mất tiêu rồi? Không để lại dấu tích...
    Híc, đời khổ thế đấy! Được cái này thì hình như cái khác sẽ mất thì phải?
  2. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, thu bay, ngay 29 thang 7 nam 2006,
    Tôi luôn tỉnh dậy trước, chộp lấy khoảng thời gian một mình để viết. Không hiểu một ngày có từng ấy giờ, tại sao ở cạnh AY, tôi lại thấy chẳng có thời gian nào cho văn vẻ? Tôi nhận ra rằng viết đòi hỏi tâm huyết và sự tập trung rất nhiều, mà sự san sẻ đôi khi là không thể có được. Một người ở bên cạnh để tâm tình là một may mắn lớn, nhưng không đủ để cảm thấy được an ủi. Nhiều lúc tôi nhớ những câu chữ từ từ hiện ra trên nền giấy trắng. Rồi tôi ao ước có một không gian xinh đẹp và yên tĩnh, chỉ để cô đơn ngồi viết truyện. Những sự nhốn nháo của cuộc đời bên ngoài kia hằn lên não tôi bằng những từ ngữ câm lặng quay cuồng, làm như đầu tôi một bộ chuyển đổi biến cuộc đời thành câu văn của một cuốn tiểu thuyết không thể nào kết thúc.
    Buổi sáng thứ ba, ngày 25 tháng 7, chúng tôi vào ĐSQ để nộp mọi giấy tờ. Mùng 1 tháng 7 âm lịch, trời lất phất mưa, vợ chồng Ngâu đang trên đường gặp nhau, đứng bên cầu Ô Thước mừng mừng tủi tủi. Không khí mát mẻ và sáng trong. Tôi nói với AY đây là thời tiết mà tôi thích thú nhất, có thể tôi là người ưa nỗi buồn, nên tôi đặc biệt say sưa bầu trời màu xám, hơi lành lạnh, mưa phảng phất, lá sấu vàng rụng đầy đường Trần Hưng Đạo, mọi thứ cứ như ngưng đọng trong tư thế rơi xuống, duy chỉ mùi lành lạnh là bốc lên, Hà Nội của tôi là thế. AY hỏi nếu trời đẹp, gió lộng, tại sao không đi bộ mà lại đi taxi. Tôi nói vì con đường từ Tháp Hà Nội tới ĐSQ khá xa. AY nhìn tôi nghi hoặc. Ông chẳng bao giờ tin điều gì, dù là đơn giản nhất, trước khi có những minh chứng.
    Lưu Đức Hòa (LDH) bước vào khi chúng tôi đang làm việc với MrT. Trông anh gầy sọm trong chiếc áo phông cũ rích bạc mầu. Anh không để ý đến chúng tôi nên tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi gọi chào. MrT mỉm cười ra cái vẻ ?oÀ thì ra là vậy!? lúc tôi đứng dậy ra ngoài phòng nói chuyện với anh. LDH của tôi, trông anh mới tiều tụy làm sao! Anh nói đêm qua vừa uống say khướt, tới giờ trong máu vẫn còn rượu. Anh lại bảo vừa ốm dậy vì quyết định bỏ thuốc là ốm luôn. Thế thì bỏ thuốc làm gì, đời người có từng ấy năm để sống, sống sao cho sướng là được! Tôi nói vậy đấy. Nhưng thấy bác sĩ nói cholesterol của AY cao, tôi bắt ông ăn kiêng; thấy bản thân hơi mập, tôi kiềm chế nhiều sở thích ăn uống. Nói với người khác thì phóng tác thế nào cũng được, cố tỏ ra mình mạnh mẽ, hiểu đời, thông minh, phóng khoáng lắm, nhưng kì thực thì chỉ ngạo miệng mà thôi.
    LDH hỏi tôi, thế là xong xuôi rồi đấy à? Tôi cười, bảo là chưa xong, còn phải tới gặp anh nữa. Anh thốt lên làm tôi thấy nhói lòng: ?oNhưng sao lấy thằng cha già thế??. Thấy cái vẻ u sầu trong nụ cười của tôi, anh vội khéo an ủi ngay: ?oGià hơn cả anh!?. Tôi bảo tại tay anh còn đeo nhẫn, tay người ta không, nếu mà anh tháo nhẫn ra thì cũng có lẽ... Nói vui là vậy, chứ kì thực tôi không đặt chế độ ?ogiá mà? trong cái đầu cố chấp của mình. LDH có vợ, và tôi không bao giờ thích hợp đối với anh, tôi biết, cũng giống như với nhiều người đàn ông Việt Nam khác, tôi là một cá thể hấp dẫn bởi sự khác người đặc biệt, nhưng cũng chính vì thế mà tôi phần lớn được cư xử như người với một quái thú.
    Rời ĐSQ, chúng tôi đi bộ trong tiếng còi xe inh ỏi, tiếng rồ ga, tiếng thanh âm của đường phố đan xoáy vào không khí màu trong đục mát mẻ. Tôi hứng khởi rút điện thoại gọi Thầy hẹn ăn trưa ở LV đường LTK. Thầy - ông mai của AY và tôi. Nếu không có cuộc đi chơi ở CS hôm ấy, hẳn sự gặp mặt sẽ chậm trễ và muộn màng hơn nhiều. Thầy là người đưa cho tôi danh thiếp của AY và nói liên lạc với ông. Ngày cuối cùng trước khi tôi đi, Thầy vuốt má tôi làm như đấy là lần cuối thầy chạm được vào làn da tôi vậy. Linh cảm của thiền nhân thường linh ứng lắm. Kể từ buổi cuối cùng ấy, sau vài lần từ chối thẳng thừng của tôi, chúng tôi hầu như không gặp nhau nữa. Điều đó khiến Thầy không vui. Phải mất một thời gian Thầy mới không khó chịu, và rồi thì cuối cùng Thầy cũng chấp nhận cái ý tưởng là chúng tôi bên nhau.
    Mẹ gọi điện lúc chúng tôi đang ăn. Giọng mẹ vui hẳn lên khi mẹ nói nhân thể đang ngồi với Thầy thì mời Thầy làm họ nhà trai, giúp AY trong ngày ăn hỏi. Thầy nhận lời, tôi thấy AY vui quá. Chiều mẹ lại báo cho tôi cô T, bạn thân của mẹ, người giới thiệu AY với mẹ, đồng ý tới chung vui. Cô T là người phản đối mối quan hệ của chúng tôi quyết liệt nhất. Cô đã trách AY là vô lương tâm và ich kỉ. Khi nghĩ về chuyện của chúng tôi, cô cảm thấy nó bấp bênh như hai kẻ đi cà kheo trên dây cao trong rạp xiếc, chênh vênh và có thể lộn ngã gãy cổ bất cứ lúc nào, điều đó khiến cô sợ. Việc cô tới dự ăn hỏi trong một chiếc áo dài đã thay đổi toàn bộ cục diện. AY vui mừng vì người bạn thân đầu tiên của ông ở Việt Nam cuối cùng đã chấp nhận. Không khí trở nên trang trọng hơn vì để đáp lại với áo dài của cô T, AY và tôi phải mặc comple, mẹ mặc áo dài còn Thầy thắt cravat. Tự nhưng câu chuyện trở nên nghiêm túc.
    Thực sự thì tôi không nhận thức được tính nghiêm túc của vấn đề. Chuyện Ăn hỏi hóa ra lại phức tạp, cầu kì, lắm thủ tục và ảnh hưởng nghiêm trọng tới vậy. Khi mẹ gọi điện cho Dì, Dì nhất định đòi tới. Tôi biết thế là lớn chuyện rồi. Lúc ngồi uống nước với AH, tôi nhận được điện thoại của mẹ. Giọng mẹ khản đục như vừa mới khóc. Mẹ kể vừa gọi điện cho bà ngoại. Từ Sài Gòn, hơn nửa tiếng, bà ngoại trách mẹ đủ điều, nói là mẹ không chịu khuyên bảo, can ngăn. Bà ngoại giận và nói nhất định không đồng ý và từ chối lời mời ra Hà Nội với chúng tôi. Đó là điều buồn nhất mà tôi đã từng nghe thấy, nhưng tôi biết mình phải chấp nhận.
    AH nói sẽ điều cho một xe đẹp đẽ trang trọng nhưng tôi chối từ. Tôi chẳng thích làm lớn chuyện và chộn rộn người khác. Mẹ bảo những người ít coi trọng hình thức, quá chú trọng đến ý nghĩa và nội tâm như tôi, sẽ bị coi là lập dị, và so với người đời, sẽ gánh nhiều thiệt thòi - giống như mẹ.
    Trái táo chẳng bao giờ rụng xa hơn cái cây... Mẹ giống ông ngoại, còn tôi, giống mẹ chăng?
    Buổi trưa hôm sau, thứ tư ngày 26 tháng 7 , tôi về nhà trong cái nắng như rót lửa của mùng 2 tháng 7. Lạ thật, mới hôm qua trời se lạnh và lất phất mưa như đầu đông, hôm nay lại nắng chang chang, nóng như giữa mùa hạ. Người ta bảo đó là vợ chồng Ngâu gặp nhau và cười rạng rỡ. Ngày đẹp là phải có nắng, hình như là vậy. Người ta kiêng kị ăn hỏi và đám cưới mà trời mưa. Trừ phi mọi chuyện xong xuôi, thì trời mưa lại là có lộc. Tôi thì nghĩ thôi thì duyên ai phận nấy, tính đi tính lại chẳng lại được với Trời. Có khối người hỏi tháng hỏi ngày, xem tuổi xem giờ, mà rồi vẫn cuộc sống cũng có ra làm sao. Điều quan trọng là ăn ở với nhau hòa hợp, thanh thản. Chính kiểu suy nghĩ đó là điều dẫn tới trăm vạn điều mà thiên hạ nói là thiệt thòi.
    3 giờ chiều, Dì tôi tới lúc mẹ đang thay áo dài. Lúc sau cô T bước vào. Lần đầu tiên tôi thấy cô đẹp như vậy, với áo dài và son môi đỏ. Tôi ôm Dì, tôi ôm cô T. Mọi người cứ lạnh như băng. Có lẽ người Việt Nam uống cảm xúc vào bên trong cả. Thế tôi là người gì mà cảm thấy tình cảm của mình rơi lửng lơ trong một ngõ tôi tăm vô vọng. Một lúc nữa thì chú C đến.
    Chú C, một câu chuyện dài để kể về chú. Chú là người tình cũ của mẹ, bên tôi từ khi tôi mới đẻ. Chú coi tôi như con. Hồi tôi còn nhỏ, mẹ dạy tôi gọi chú là bố, bà ngoại biết được, cấm tôi, kể từ đó gọi chú là bố thấy ngượng miệng. Nhưng tình cảm thì đậm đà hơn cả với ba đẻ. Rồi thì chú lấy vợ, mới mấy năm gần đây thôi, có hai con trai. Điều đó khiến mẹ tôi khủng hoảng lắm. Nghĩ lại tôi thấy kin hoàng và lòng nhói đau. Tôi thương mẹ nhiều nhưng không biết làm sao để giúp. Kể từ ấy tôi không mấy gặp chú nữa. Người duy nhất mà tôi mời tới ăn hỏi của mình là chú. Duy chỉ có chú là ôm siết chặt lấy tôi đến cả phút, đu đưa như hồi còn nhỏ, lẩm bẩm mỗi một câu rằng, thế là nó đã lớn rồi! Tôi thấy mình đã cao hơn mang tai của chú, phổng phao và già dặn. Thời khắc ấy, giống như toàn bộ ký ức tuổi thơ hiện về và lập tức bị đẩy lùi, từng lớp từng lớp một, để lại một nỗi hoang mang vô hình và giá lạnh. Những ngày thanh thản đã trôi qua, giờ thì bắt đầu một cuộc sống mới, thực sự (và khắc nghiệt ?), những người lớn tuổi từng trải đều nói như vậy, tôi chẳng cảm thấy gì, chỉ thấy hốt hoảng vì kiểu nói lấp lứng ra chiều rồi thì sẽ biết của họ...
    Các cô dâu trẻ khá sẽ ra sao tôi không biết. Nhưng tôi thì không biết diễn tả ra sao cái thời khắc ấy, khi mà AY gọi điện cho tôi và nói ông đang tới. Rồi tôi nghe tiếng đóng cửa xe ô tô ở bên ngoài. Mọi người lục tục ra cửa. Cô T trở thành người nhà trai. Mọi chuyện diễn ra chóng vánh và nóng hổi, tôi quay cuồng nhìn giấc mơ ấy qua những dòng mồ hôi dọc sống lưng. Hôm đó trời nóng lạ lùng. AY thì thầm với tôi rằng ông đã cảm thấy hồi hộp trên đường tới. Dì tôi làm mọi thủ tục làm như một người thành thạo. Không khí trang nghiêm đến tức cười. Chúng tôi đều cố giấu vẻ lúng túng. Cả AY và tôi đều đã hình dung mọi chuyện sẽ khác.
    Cái gì rồi cũng sẽ qua. Mọi chuyện có tốt đẹp hay không là do mình suy nghĩ cả. Ví như dì tôi luôn miệng kể là đám ăn hỏi con gái dì có đến bảy tráp, nhà tra nhà gái đông như đám cưới, cô dâu dậy sớm đi trang điểm từ 4 giờ, mặc áo dài đỏ, nhà trai bảy cậu chưa vợ mặc sơ mi thắt cà vạt đỏ, nhà gái bảy cô chưa chồng mặc áo dài đỏ bưng đỡ tráp. Với dì điều đó thật tốt đẹp và đáng tự hào. Với tôi, đó là một sự chộn rộn. AY và tôi chắp tay trước ban thờ và khấn. Rồi đến mẹ khấn, dì khấn. Hình như điều đó mới là quan trọng. Tôi chỉ muốn làm sao cho trọn vẹn với gia tộc, tiên tổ, cho dù tôi không biết mình đi theo gia tộc nào, ngoại hay nội. Những người còn sống, mỗi người một ý, chẳng thể làm vừa lòng tất cả mọi người được.
    Buổi tối, tôi đèo mẹ đi đến nhà người quan trọng trong gia đình để thông báo là đã ăn hỏi. Tôi thấy cục ngấy ứa đến tận cổ. Càng lúc tôi càng thấy thương mẹ, lại càng thấy may mắn mà mình chưa làm đám cưới. Nếu một đám hỏi hoành tráng và một đám cưới rực rỡ, chắc là tôi sẽ chết trước khi thành cô dâu mất. Sự tĩnh lặng và an bình, đó là điều tôi tìm kiếm. Tôi bỗng thèm tha thiết một vùng không gian đầy cây xanh, trong trẻo tiếng chuông chùa và lóc cóc tiếng mõ niệm kinh Phật. Có lúc nhất thời tôi thấy băn khoăn, biết đâu một đám cưới linh đình của cô con gái duy nhất là điều làm tự hào mẹ ? Nhưng mẹ nhất định nói rằng mẹ vui vì chúng tôi đều chung một quan điểm là làm đơn giản hóa đến mức tối thiểu nhất những gì có thể. Tôi bỗng thấy thương mẹ da diết, mà tôi lại chỉ có thể thể hiện bằng khuôn mặt cau có, sưng xỉa lên vì mệt, của một đứa con gái hư hỏng vì được nuông chiều. Tình yêu thương với mẹ không bao giờ dễ dàng thể hiện được.
    Cuối một ngày, mệt, nhưng thanh thản. Tôi chìm vào giấc ngủ và mong rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
    CC
  3. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, Chu nhat 30 thang 7 nam 2006,
    AY nhắc mẹ đặt bàn nhiều lần ở HNGnhưng chủ quan đến phút cuối mẹ mới gọi nên điện không được chỗ như ý. AY có vẻ hơi giận. Ngoài việc HNG gần với nơi AY và tôi ở, thì nhà hàng đó vừa dở, vừa phục vụ kém, lại đắt. Một sự thất vọng to lớn cho gia đình. Mẹ hoàn toàn không hài lòng lắm vì Dì và Mợ tôi chê. Còn tôi,tính tình vốn xuề xòa, mọi người đến gặp mặt là quý rồi, cần gì phải câu nệ. Thích nhất là mọi việc cũng đã xong xuôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật sự là xong mọi « nghĩa vụ », tôi nào biết dùng từ khác hơn nếu đó chính xác là điều tôi cảm thấy.
    Thứ năm, AH gọi điện từ hẹn chín mới đi. Còn đủ thời gian để AY thực hiện ước mơ của mình. Từ mười năm nay, mỗi lần sang Việt Nam, ít nhất một lần AY phải ăn xôi xéo ở chợ hàng Bè. Gần đầu chợ, trên vỉa hè bên tay phải, bà cụ lưng còng lặng lẽ bới xôi. Xôi xéo của cụ dẻo quánh, vàng ươm, xôi ngô tơi xốp, trong như hạt ngọc. Hành phi thơm phức còn để nguyên cả những miếng tóp mỡ vàng không cháy, đổ chung với mỡ, ngầy ngậy.
    Cả một trời đông Hà Nội lặng lẽ ập về trong hương vị thơm tho của bát xôi xéo. Thủa ấy có mẹ con một bà cụ lưng còng ở ngã tư Bà Triệu bán xôi xéo vào buổi sáng, lúc nào cũng đông nghịt. Tôi nhỏ tí xíu, mẹ đèo trên xe đạp mifa, đeo cặp sách Liên Xô to đùng, mẹ đưa mấy chục đồng, tôi bớt lại một nửa để mua xôi, còn lại giữ mua quà vặt, ít quá họ không chịu bán cho tôi trước, đông khách mà tôi vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Đợi lâu, muộn giờ đi học của tôi và đi làm của mẹ, mẹ gắt, dựng xe chạy vào mới biết tôi ?~quịt?T tiền quà sáng. Mười hai năm học phổ thông, năm năm đại học, hai năm cao học, tổng cộng là mười chín năm, mỗi buổi sáng của ngày đi thi, tôi đều nhất định chỉ ăn xôi xéo, nếu không thì sẽ mất hên. Xôi xéo đem lại cho tôi một sự may mắn kì lạ, thơm tho, ngọt ngào, làm bài luôn luôn xuôn xẻ.
    Tôi cảm thấy ngài ngại vì AH vài lần hỏi có cần thiết rẽ qua Mai Dịch không, nhưng thực lòng tôi cảm thấy không đi thì thật rất áy náy. Hai bên cổng hôm nay người ta bán rõ là nhiều hoa và vàng hương lễ bạc, bên trong Mai Dịch đông như trẩy hội, mà lại chẳng có vẻ gì là đám tang một ai. AH nhẩm một lúc mới nghĩ ra đúng là ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7. Người đi tảo mộ, người thì thăm quan, không phải họ hàng thì đồng chí, không thì cũng chỉ là những người khách phương xa, trầm trồ gọi tên những vị nguyên thủ đã mất và nhắc lại công trạng của họ. Tôi cảm thấy lòng ấm áp vì những tình cảm nồng hậu, bình dị ấy. Người ta sống một đời, chết đi, giản dị, nhưng con cháu của họ cũng chỉ mong rằng người đời còn nhắc đến tên của ông cha mình. Phải chăng vì vậy mà người ta dùng tên danh nhân đặt cho các con đường ? Người ta dựng từ đường, lập miếu thờ, tôn vinh dòng dõi ? Có lẽ sự chấp chước này của tôi vẫn chưa vượt qua được, nhưng tôi tự hào về hai ông nội ngoại của mình, cũng như AH tự hào về quê hương anh, và mỗi một người Việt Nam tự hào về dòng tộc của họ.
    Trời nắng chang chang. AY và tôi thắp hương cho ông nội. Có phải vì mồ hôi chảy ròng ròng mang theo nó những nặng nề còn sót lại. Hai người quan trọng nhất với tôi là ông ngoại và ông nội, thì xem ra tôi đã trọn vẹn rồi. Tôi thấy lòng thơ thới, nhẹ nhõm.
    Khác với mộ của ông nội tôi, trải dầu sương gió, nghiêm trang, điềm tĩnh. Mộ của bác AH nằm phía trong, dưới những tán lá cây xanh mát, chim hót ríu rít, thanh thản nhẹ nhàng. Lưng áo AH ướt sũng như tắm. Tại sao hôm nay nắng gay gắt là vậy ?
    Quê anh nằm ven sông, sau một con đê, nhiều chùa chiền, không thấy đồng cỏ. Ở làng quê mà biệt thự đẹp hơn thành phố, cuộc sống thanh thản an nhàn. Cũng phải may lắm mới có một làng quê như vậy.
    AY có vẻ bồn chồn. Ông chuyển tất cả các kênh TV mà không kênh nào vừa ý. Tôi dừng viết để xem phim với ông. Người ta thật có lắm chuyện để làm khi có một người đàn ông bên cạnh, bận như bận con mọn...
    CC
  4. diamondheart

    diamondheart Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/09/2005
    Bài viết:
    134
    Đã được thích:
    0

  5. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, thu ba, ngay 01 thang 08 nam 2006,
    Ca kịch Roméo và Juliette, đó là nội dung giấc mơ của tôi đêm qua. Vở kịch diễn ra hoành tráng, không gian ba chiều với đầy đủ màu sắc, âm thanh, nhiều tầng lớp và rối rắm bằng thứ ngôn ngữ cổ rất kì. Không rõ tiếng Anh hay tiếng Pháp. Trong giấc mơ của tôi, ngôn ngữ không là trở ngại vì sự thấu hiểu đến không phải từ ngôn ngữ. Mọi giấc mơ đều vượt cả không gian và thời gian. Như giấc mơ đêm qua thuộc về quá khứ của một Châu Âu xa vời vợi. Điều đó nhắc tôi nhớ tới Vanga. Người mù chỉ nhìn thấy cái mà định mệnh cho họ thấy.
    Tôi tỉnh dậy trong cơn khóc nấc không thành tiếng. Tôi bị sốc trong giấc mơ khi mẹ tôi lấy đồ kỉ niệm người ta tặng tôi trong ngày cưới để dùng rồi làm hỏng tất cả. Tôi không tiếc. Tôi chỉ cảm thấy như một nô lệ bị bóc lột đến tận xương tủy. Tôi không biết tôi là ai, vì sao bị đối xử như một đồ vật, một con búp bê, một con rối? Tôi thổn thức mà mắt khô khan, ráo hoảnh. Không khóc được, nước mắt đã cạn. Thế rồi tôi bị đánh thức bởi những tiếng nấc của mình. AY vẫn ngủ say bên cạnh. Một nỗi cô độc bỗng dâng trào. Tôi cảm thấy cuộc đời là một hành trình đơn độc dài dằng dặc.
    Tối hôm qua, tôi tìm mẹ ở siêu thị và chúng tôi đưa mẹ đi ăn phở cuốn. CM bảo đến phở cuốn ở một ngõ nhỏ ngóc ngách ở gần Hồ Trúc Bạch mà AY cũng biết, phục lắm. AY luôn tự hào vì bản thân đôi khi còn Việt Nam hơn cả người Việt Nam. Quán xá bình dân, ồn ã. AY thích những nơi giản dị như vậy. Cùng với tôi, ông khám phá ra một mặt nữa của Việt Nam hoàn toàn khác với những gì ông đã từng biết. Việt Nam thay đổi quá nhiều ?" AY thốt lên đầy thất vọng khi chúng tôi đứng giữa ga Hà Nội cố tìm cách tự mua một vé tàu vào Nha Trang mà không được. Đôi khi ông bảo thấy ghét Việt Nam. Tôi thì cứ muốn qua các công ty du lịch cho dễ dàng, dễ chịu. Nhưng AY nhất định muốn tìm hiểu. Ông chỉ tin những gì tự ông thấy được. Ông ghét phải sống như những khách du lịch lắm tiền, tới Việt Nam ăn đồ Pháp và ở những khách sạn sang trọng, điều hòa không khí ở mọi nơi. Ông nói họ chẳng biết gì về Việt Nam cả, giống như một số người Việt Nam vương giả khác nữa. Còn tôi, tôi tự hỏi liệu có thích hợp cho AY sống trên mảnh đất cứ buộc người ta phải gồng lên chiến đấu và tự bảo vệ này?
    AY nói rằng thời mười năm về trước Việt Nam còn nghèo nhưng người dân rất chấc phác và chân tình, không khí trong lành và cuộc sống dễ chịu, đem lại cho người ta cảm giác yên bình và tĩnh lặng. Tôi không phải là người sống hoài cổ, có thể tôi còn quá trẻ với việc hoài niệm lại một Hà Nội của tuổi thơ, nhưng rõ ràng là tôi hay làm việc ấy. Bởi vì quá khứ trong tôi luôn bừng nở đẹp như một đóa hoa hải đường mong manh, trong trắng. Còn hiện tại thì dường như bao giờ cũng không sáng sủa, và tương lai thì lúc nào cũng kém phần tươi sáng.
    Giờ thì AY nhận ra rằng mình đã may mắn vì trong mười năm qua, ông được tiếp xúc và được bảo vệ bởi một bộ phận tốt đẹp và trong sáng của Việt Nam - phần mà giờ ông, và tôi, nhận ra rằng chỉ là một mảnh quá nhỏ đối với một Việt Nam thực tại. Ông nói hóa ra ông đã mơ, và giờ thì có cảm giác mình đang tỉnh lại. Ông nói tự dưng thấy buồn cười khi nghĩ rằng mình đã từng phản đối gay gắt lời nhận xét chân tình của những người bạn sang Việt Nam cách đây chừng ba năm: ?oViệt Nam là một đất nước nhỏ bé xinh đẹp, nhưng ngồn ngộn người và kín mít những dối lừa mánh khóe chỉ để trục lợi, kiếm tiền?. AY đã cho là họ chưa hiểu tường tận Việt Nam vì chỉ là khách du lịch - những người mà ông quên rằng đã kinh qua qua rất nhiều miền đất và tiếp xúc với nhiều dân tộc trên thế giới.

    Không phải lần đầu tôi nghe cảm nghĩ chân thực của người nước ngoài như vậy. Việt Nam với họ là một khối thiên nhiên xinh xắn tuyệt đẹp, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn nhưng chân thành, chấc phác, dung dị, giàu tình cảm của những người dân bản xứ xa xôi, đang bị co mình hẹp dần bởi những huyền áo, ô nhiễm, đầy rác, nóng, hỗn loạn, vô trật tự, thiếu giáo dục, ngạo nghễ, ngông cuồng, bỏ quên gốc rễ, háo tiền đến mức ti tiện, tệ nạn khắp mọi ngóc ngách của những thành phố, đô thị.. Tôi đã từng cảm thấy xấu hổ và bức xúc như khi bị chạm vào vết thương đang muốn che dấu. Tôi cũng đã từng hơi có ác cảm với người nước ngoài khi nghe nhiều lời đồn thổi rằng phần lớn người Tây khinh thường dân ta. Nhưng có ai đó lại bảo thì mình phải làm gì để đến nỗi họ khinh chứ? Người đó reo vào lòng tôi một hạt mầm để cho tôi phải tìm hiểu và suy ngẫm.
    Cho đến lúc này, tôi hiểu rằng không thể thay đổi cảm xúc của người khác bằng cách phàn nàn và phản ứng được. Ta cảm thấy đau đớn lắm, nhưng lại cáu kỉnh khi người ngoài bảo rằng ta có cái nhọt đang mưng mủ ở lưng mà ta không sao nhìn thấy như họ được, thế là ta nói tất cả bọn họ đều nói láo vì ganh ghét ta. Phần lớn những người nước ngoài đến Việt Nam đều nhận xét khá công bằng và thẳng thắn. Họ nói cái gì họ nhìn thấy và cảm thấy. Chỉ có chúng ta là đang tự ru ngủ mình với lối nghĩ tự tôn nhưng lại đầy mặc cảm. Cho rằng cái ta không thấy thì không tồn tại là một lối nghĩ xuẩn ngốc. ?oNhững gì ta biết chỉ là một giọt nước. Những gì ta chưa biết là cả một đại dương?.
    Thật buồn vì tôi còn gặp cả kiểu nghĩ (thú thực là bẩn thỉu đơn hèn) là đằng nào thì ?ochúng nó? cũng khinh mình rồi, mình phải bóc tiền chúng nó càng nhiều càng tốt, ?ochúng nó? phải trả tiền cho sự mất tự trọng của dân tộc mình chứ. Đấy, cái gì ở Việt Nam cũng có thể được quy ra tiền, cái gì cũng có ?ophí? kể cả dịch vụ ?okhinh thường?. Nghe vậy tôi chỉ muốn nhổ vào mặt, nhưng lại sợ phí nước bọt.
    Khi AY sang, phần lớn thời gian chúng tôi lang thang trên đường phố như những khách du lịch thực thụ. Có lúc chúng tôi ăn mặc trang trọng và lịch sự, để thấy rõ sự đối xử khác biệt với phần lớn thời gian khác, khi tôi ăn mặc xộc xệch, trông hơi giống người nhà quê, còn AY thì đồ như Tây ba lô, phóng xe máy khá nhanh trên đường phố. AY bảo lúc đầu ông rất cẩn trọng khi đi đường nhưng giờ thì ông mặc kệ. Vài năm trở lại đây, người trên đường Hà Nội ý thức tệ gấp ba bốn lần người đi đường Sài Gòn. Ở Hà Nội, chẳng ai tôn trọng ai, đừng nói chi đến việc tôn trọng pháp luật. Trong bất kể việc gì, mệnh ai nấy chạy, làm như chộp giật được tí nào thì có lợi tí đó, nhưng lại cứ ra vẻ thanh cao và nhất nhất muốn người khác phải kính trọng. Ông làm tôi rầu kinh người. Vì tôi cảm thấy nỗi buồn sâu sắc mình và của cả AY nữa - một người nước ngoài đem lòng yêu Việt Nam như yêu chính quê hương mình.
    Chúng tôi thấy tương lai qua phần lớn thanh niên trẻ nhan nhản ngoài đường. Thật may mắn vì tôi được lớn lên và tiếp xúc với môi trường khá dung dị và hầu như cô lập. Nhưng mở mắt nhìn ra đường, để thấy tương lai nằm trong những nam thanh nữ tú ăn to nói lớn, ngông nghênh tục tữu. Họ không xấu. Họ không kém. Họ chỉ thiếu giáo dục. Sự thiếu vắng của họ giống như tôi thiếu ngoan. Đó nào phải lỗi của họ, chẳng phải lỗi của ai. Công việc của AY là tiếp xúc với sinh viên, nên ông hiểu khá rõ về tâm sinh lý của giới trẻ. AY bảo, giới trẻ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, sự khác biệt về ý thức và trình độ của họ với giới trẻ trên thế giới sẽ là sự khác biệt trong nước và ngoài nước trong tương lai. Tôi tự bào chữa, rằng những người trẻ tuổi tài năng họ chẳng ra đường đi rong làm gì, họ còn bận làm những việc trọng đại hơn như học hành, nghiên cứu. AY lắc đầu. Những người ấy chỉ là con số nhỏ.

    Tư chất của một dân tộc không nằm trong một bộ phận nhỏ những người thuộc dân tộc ấy. Tất nhiên nếu ta tìm thấy một đòn bẩy và một điểm tựa thích hợp, thì phần ít những người tiên tiến có thể vực được cả một dân tộc. Nhưng điều đó dựa chủ yếu vào cơ may chứ không phải thực lực. Tư chất càng không thuộc về số tiền mà anh trưng bày ra. Tư chất thuộc về cái gì đó bên trong, toát ra bên ngoài, tự nhiên không thể gượng ép, không thể dối trá mãi được.
    Có một lần, tôi chát với một ai đó. Anh này nói với tôi rằng văn học Việt Nam hiện đại thiếu đi hẳn một mảng văn học hiện thực. Dường như các nhà văn đương đại cứ tránh né cái dòng văn hiện thực giống như đi đường người ta tìm mọi cách tránh ổ gà. Anh ấy mong là tôi có thể viết một cái gì đó mang tên Đống rác mới. Tôi cảm thấy hổ thẹn, khi nghe thấy mình nói với anh ta rằng mình chỉ thích hợp với những chuyện tình cảm mơ mộng. Tự bào chữa rằng mình không có thực lực là một cách tự kỉ ám thị.
    Tôi đang viết thì có điện thoại của AH nói tới lấy vé máy bay. Hôm qua tôi có đến vài cú điện thoại của phòng vé nhắc đến lấy vé. Tôi cảm thấy ngại vì làm phiền nhiều người chỉ vì chuyện cỏn con của mình, nhất là AH vì tôi biết việc nhờ anh liên đới tới những người khác. Phòng vé của tôi nhanh chân hơn, xuất vé trước, nên tôi cảm thấy rất áy náy với anh. Mẹ bảo đó là một cá tính bất lợi, lúc nào cũng sợ làm phiền người khác, không muốn nợ nần ai dù chỉ chút đỉnh. Sòng phẳng không phải là một cá tính hay ho, nó gây ra nhiều phiền toái và khiến tôi mất đi khá nhiều mối quan hệ. Ở Việt Nam, người ta vừa thích sòng phẳng, lại vừa thích phải uốn éo, rất khó để cư xử cho đúng mực,còn tôi thì luôn đi quá những chuẩn mực của xã hội. Có lẽ vì thế mà cơn áy náy cứ trào lên khi tôi gọi điện cho AH, tôi cảm thấy bứt rứt lắm khi đang nói chuyện thì bị ngắt không thể gọi lại cho anh được.
    Mẹ và vé máy bay môt chiều. Tự dưng tôi thấy rưng rưng. Rõ ràng là chúng tôi yêu thương nhau, nhưng lại không bao giờ có thể ở cạnh. Ngay cả việc thể hiện tình cảm gia đình thân thiết cũng trở thành một cái gì đó quá mức gượng gạo. Ra đi thì không có cảm xúc, nhưng nghĩ không biết khi nào về thì lại là một xúc cảm mãnh liệt vô cùng, đủ khiến người ta nghẹn ngào. Mẹ không nói gì cả, cũng chẳng phản ứng gì. Mẹ đã quen với việc không có tôi ở bên cạnh. Cuộc đời mẹ, sao mà đơn độc! Là tôi cảm thấy thế, nhưng có thể mẹ thì không. Cho dù áy náy, nhưng tôi biết mình chẳng giúp gì được cho mẹ trong số phận cô đơn của mẹ. Niềm thương cảm trào lên trên mắt. Tôi thấy mình nợ một món nợ xương máu. Tôi sợ rồi thì một ngày sẽ cảm thấy chẳng còn đủ thời gian bên mẹ để trả ân tình. Số phận cứ đẩy chúng tôi ra xa nhau, ngay cả khi sống chung một mái nhà, mà tôi không làm sao để cải thiện được. Tôi không biết làm thế nào để yên lòng cả. Mẹ, dì, và cậu, ba người con của bà ngoại không biết có khi nào cảm thấy áy náy với bà như tôi với mẹ không?
    Tôi mời mẹ đi Nha Trang, không biết đến dịp nào mới đi cùng với mẹ nữa. Mẹ nhất định không chịu nhận lời vì nói quá bận công việc. Tôi thấy bất lực. Tôi chẳng giúp được mẹ bất kể việc gì. Hình như tôi đang quay lưng đi, và vai tôi trĩu nặng, sụp xuống đôi cánh tay buông thõng. Có vẻ như tôi chẳng làm được ích lợi gì cho những người tôi yêu quý, ngay cả với bản thân mình. Cơn tự kỉ lại trồi lên nhấn chìm tôi xuống. Lần đâu tiên kể từ ngày AY sang, tôi mới thấy ý nghĩ muốn chết đi, biến mất vĩnh viễn.
    Dường như bên trong tôi, cho dù khi tôi cười phá lên như một đứa trẻ, vẫn chỉ là một vùng sâu thẳm tuyệt vọng, ở đó không có một tiếng cười nào có thể vọng lại, không có ánh sáng, chẳng có niềm vui, chỉ có cô độc. Ý nghĩa của từ cô độc là gì? Là một nỗi thẳm sâu vắng lặng, vương giả, không chia cắt, chỉ có một, tuyệt đối, không có gì chạm vào, không có gì biến chuyển được...
    Có nghĩa là cho dù mọi chuyện có thay đổi, thì tôi vẫn chỉ là một cá thể ngày lại ngày già cỗi, với một nội tâm dằng xé, nở bừng, tỏa hương như một đóa hoa hoàng lan sau cơn mưa, rồi bị day dứt làm cho úa tàn, rơi rụng. Và rồi cứ như vậy, niềm vui và nỗi buồn tự sinh tự diệt, xuyên qua thời gian và không gian, những vòng xoáy bất tận trong một tâm hồn đang mải miết đi tìm ý nghĩa tồn tại của mình.
    CC
  6. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, thu tu 02/08/07,
    Tôi tỉnh dậy và thở phào. Tôi mơ thấy ba và AK trong hai đoạn giấc mơ khác nhau, và đều khiến tôi buồn cả. Cuối cùng, tôi mơ thấy mình để quên gói thuốc ở trên bàn, chứ không phải mất ở trên xe máy như đêm qua, có ai đó nói rằng tình huống đó xảy tới chỉ để thử thách phản ứng của tôi, và vì cách xử sự của tôi tối qua, gói thuốc không bị mất nữa.
    Rời khỏi giấc mộng, cổ tôi cứng lại như xơ, hễ cử động là đau. Dưới vòi hoa sen thật nóng mat xa cái cổ vẹo, tôi xóa bỏ giấc mơ về ba và AK, nhớ về chúng khiến tim tôi trĩu nặng. Giấc mơ thứ ba khiến tôi quan tâm hơn. Tôi tự nhủ rõ ràng hôm qua AY để quên gói thuốc ở trên xe và khi quay lại thì đã mất, tôi buồn buồn bảo với AK rằng chẳng hiểu họ lấy thuốc để làm gì, nhưng dù sao tôi cũng mong có một ai đó có thể dùng được thuốc ấy. AY nói người lấy nó đi sẽ đem bán lại, Việt Nam là vậy. Tôi chẳng cho là họ có thể bán mấy thứ thuốc lặt vặt đó, nhưng cho dù hơi buồn vì mặt trái của xã hội, nhưng tôi vẫn mong rằng gói thuốc của tôi có thể hữu dụng với ai. Tôi đã ước rằng thế giới này mọi người đều đầy đủ và quên đi cái chuyện lấy đồ chẳng phải của mình. Nhưng tôi biết ước mong ấy chỉ là mộng mơ. Thế giới thực đẹp khắc nghiệt mà tôi phải chấp nhận nó là như vậy. Chẳng nhẽ việc ấy lại quan trọng đến mức đêm về tôi nằm mơ?
    Tôi gọi AY dậy vào 11 rưỡi trưa. Khi AY sang Việt Nam, lúc nào ông cũng ngủ, trông như một gấu. Nhiều lúc tỉnh dậy, thấy tôi viết, ông nói hẳn ông không bao giờ trở thành một người chồng tốt, không thể ở bên tôi mà chỉ ngủ thôi. Tôi cười. Thời gian buổi sáng khi ông ngủ, tôi luôn tranh thủ viết. Đó là khoảng trống riêng tư dịu dàng. Tôi thấy bình yên khi AY thở đều đặn bên cạnh.
    Nếu không hẹn LSN, tôi sẽ để AY ngủ thỏa thích. Có thể đến hai, ba giờ chiều ông mới dậy. Đêm AY lại thức khuya để xem phim hoặc chơi điện tử. Mỗi đêm chúng tôi xem ít nhất hai bộ phim, và hễ đến một phần ba bộ phim thứ hai là tôi lại ngủ gật như em bé trong lòng AY. Ông vẫn chưa quen với múi giờ Việt Nam, mặc dù ông không chịu thừa nhận.
    Bữa trưa là khoảng thời gian tuyệt vời đối với AY, khi được ở trong một khách sạn giản dị, ăn đồ ăn ngon, nói chuyện với những người bạn tốt bằng tiếng Pháp, tha hồ kể chuyện và chia sẻ mà không phải nghĩ ngợi. Ông rất vui. Trời lại nắng chang chang, nóng điên, nhưng với AY là một ngày đẹp trời rực rỡ. Tôi thấy nhớ không khí lạnh lẽo, xám xịt, ủ ê của ngày hôm qua...
    Buổi chiều tôi về giải quyết một số việc ở công ty. Từ ngày AY sang, lu bu với chuyện riêng, tôi bỏ bẵng hẳn việc làm mà giờ lại thấy ngại khi bắt đầu lại. Khách đặt hàng ứ lại, người hứa trả tiền rồi chẳng thấy tăm hơi đâu. Dù sao thì thiếu tôi mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn, tôi biết vậy. Trên đời này, không ai hay cái gì thiếu nhau mà chết được, rồi thì người ta cũng sẽ quen đi cái thiếu vắng của một người hay một cái gì đó khác. ?oNgười ta không thể quên nhau. Chỉ có tan biến mà thôi?. Cuộc sống vì thế mới có thể tiếp tục.
    Có thể với tôi đó là một chuyện kì lạ, là tôi thấy gói thuốc để ở trên bàn, hệt như giấc mơ. Tôi nói rõ ràng AY để nó trên xe máy và chúng tôi không cầm nó lên phòng nên bị mất, tại sao nó lại còn ở nhà mẹ. AY nhún vai, ông cũng không nhớ rõ nữa. AY chẳng bao giờ tin vào phép lạ, cũng như tôi nghi hoặc vào sự diệu kì của các giấc mơ. Tôi cho rằng có lẽ mình để quên thật và giấc mơ đêm qua nhắc lại một kí ức thực tế, rằng tôi không hề mang gói thuốc để vào xe để rồi làm mất. Nói chung thì điều đó liệu chăng có quan trọng? Chỉ có những người tin vào phép thần thông thì mới thấy được sự diệu kì. Chỉ có trẻ em mới nhìn thấy những người lùn nhảy múa và những cô tiên bé xíu có đôi cánh. Không ai tin Doremon có thật nhưng lại thích đọc Doremon.
    Đôi lúc, AY và tôi ngồi cạnh nhau trầm mặc. Chúng tôi nói về cái chết. AY bảo cái chết đến gần với ông hơn, người đã bước sang đoạn cuối của cuộc đời, ông bắt đầu cảm thấy áp lực của nó. Tôi nói cái chết hiện hữu ở tất cả mọi sự vật và hiện tượng, là một sự thực không thể chối bỏ được. Nhưng người ta quên cái chết đi, giống như quên đi nửa còn lại của Trái Đất đang chìm trong bóng tối. Sự lãng quên này có vẻ như giúp ta có thể sống. Kì thực thì sống và chết chỉ là hai mặt của một vấn đề, chẳng mang ý nghĩa gì nếu thiếu vắng nhau.
    Cố gắng để lắp đặt mạng nhưng không thể kết nối được, tôi cảm thấy hơi khó chịu với bản thân mình. Dù sao tôi cũng học năm năm về chuyên ngành ấy, thế là lại phải bó tay. Giấc mơ đêm qua khiến tôi nghĩ nhiều tới AK. Máy tính anh giúp tôi mua bị hỏng, mẹ bảo gọi điện hỏi anh, tôi nguây nguẩy chối từ. Đã có lúc tôi nghĩ phải báo tin cho anh, nhưng rồi lại thôi, tôi sợ làm phiền đến cuộc sống anh yên ả. Tôi đã chấp nhận rằng anh là một phần của mình, trong tiềm thức. Nhưng việc đối diện với anh thực tại là cả một nỗ lực phi thường, mà tôi không phải kẻ mạnh mẽ. Tôi để anh buông trôi qua đời mình như vậy.
    Bực mình, tôi rủ AY đi mua sách. Hễ vào cửa hàng sách là tôi tiêu sạch tiền. Bao giờ mà chẳng có sách mới. Dù không có thời gian để đọc nhưng tôi vẫn cứ mua. AY bảo tôi phát điên. Điều duy nhất tôi nuối tiếc là sách. Dẫu biết ở Pháp, tôi có thể tìm thấy mọi loại sách tôi muốn, nhưng để đọc hiểu chúng tôi phải học tiếng Pháp dài dài. Mà thiếu sách, nguồn cảm hứng của tôi tuyệt nhiên khô cạn. AY bảo đó có vẻ là một khuynh hướng của nhà văn. Người ta đọc sách để giải trí, tôi đọc sách để sáng tác. Dù sao thì con đường đi tới một nhà văn thực thụ còn xa vời quá đỗi.
    Ăn tối cùng CD và AT, AY vui mừng lắm. Mấy hôm trước, tự dưng AY than thở là muốn gặp CD và AT, AY nhớ họ. Trên đời có những mối quan hệ rất kì. Đôi lúc chỉ cần gặp nhau, cười khì, thế là cảm thấy tâm hồn được ai ủi. Nhưng phần lớn những mối quan hệ trong đời là sự đan xen giữa kinh tế với tình cảm. Chúng trở nên rối rắm và phức tạp hơn bản chất của chúng rất nhiều. Tại sao chúng ta cần có những người bạn? Họ chính là người để cho ta nhận thấy sự cô đơn.
    AY hạnh phúc. Còn tôi, sao thấy trống trải, rất lạ. Mối nghi ngờ tràn đầy trên khắp cơ thể, dồn lên não, tứa ra ở hai mắt, tai, mũi, lưỡi, tay chân, mọi giác quan đều ngập tràn nghi kị. Tôi nghi ngờ sự tồn tại của thế giới này. Tôi nghi ngờ sự tồn tại của những người xung quanh. Tôi nghi ngờ sự tồn tại của ngày và đêm, của trời và đất, của những ngôi sao và các đám mây. Tôi không tồn tại, tại sao mọi thứ lại tồn tại?
    CC
  7. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, thu nam ngay 03 thang 8 nam 2007,
    Đêm qua tôi lại tiếp tục mơ thấy AK. Trong giấc mơ anh cư xử rất lạnh nhạt. Tất cả những gì liên quan đến tôi anh đều thay đổi cả, giống như người ta tẩy uế để trừ khử một bệnh dịch, từ xe máy, quần áo, đầu tóc, cho tới email, số điện thoại. Chẳng nhẽ lại phải phũ phàng với nhau đến vậy?! Tôi cố tìm cách diễn đạt mong muốn của mình, tôi muốn chấm dứt tất cả những cảm giác khó chịu căng thẳng này và coi nhau như là bạn, nhưng từ ngữ bị thái độ ơ thờ cục cằn của AK làm lời nói tắc nghẽn ở cổ họng. AK đèo tôi trên đường trên một chiếc xe lạ hoắc. Tôi ngồi cách anh một khoảng xa. Anh nói là ngay cả việc để tôi ngôi đằng sau cũng khiến anh chẳng thoải mái gì vì anh ngại người yêu nhìn thấy. Tôi cảm thấy nỗi chua cay trào lên, nghẹn cứng cổ. Anh vẫn vậy, chẳng thể tự quyết định, không chủ kiến gì cho chính mình. Tôi bảo là tôi biết cuối tuần cô người yêu nhỏ của anh về quê, hơn thế, cho dù có thấy cũng chẳng sao, vì tôi đã có gia đình, và giữa chúng tôi chỉ có thể là tình bạn.
    Những giấc mơ về AK luôn khiến tôi mỏi mệt khi tỉnh dậy. Có lẽ tôi đã từng cư xử lạnh nhạt tàn nhẫn với anh, nên giờ thì phải chịu lực tác động trở lại, trong chính tâm can mình. Thực tế thì AK thời điểm này, hoàn toàn không mảy may ảnh hường gì tới tôi. Chỉ có chính bản thân tôi tác động tới một AK trong tiềm thức, và cũng chính tôi chịu hậu quả của sự tác động ấy. Hiểu vấn đề chỉ là một bước nhỏ trong tiến trình dài dằng dặc của cuộc sống nội tâm. Làm sao để giải quyết nó mới là việc quan trọng. Nhưng rồi tôi lại tự hỏi, giải quyết để làm gì, và có thực là có chuyện gì để giải quyết?
    Chú C mời chúng tôi ăn ở NO. Mẹ ngồi cạnh chú, hướng về phía khác. Tôi tự hỏi có điểm gì chung giữa họ, hai tư thế ngồi tạo thành hình chữ V. Hai mươi hai tuổi, chú đem lòng yêu mẹ, người đàn bà ba mươi. Hai mươi ba năm, tình yêu của họ, trải qua sóng gió, rào cản, can trường, sự sống, rồi cái chết, cuối cùng là vụn vỡ. Những khoảng đời người tan tành thành những mảnh thủy tinh sắc nhọn, găm vào kí ức nhức nhối. Đã có lúc tôi chứng kiến cả hai người họ phát điên. Tôi đã khóc. Một câu chuyện chẳng có hậu chút nào. Mất mát biến mẹ thành cay nghiệt. Thời gian khiến chú cằn cỗi và dở hơi. Họ đều đã bước vào tuổi già, nhưng không thể vượt qua sự cố chấp về quá khứ. Số phận nghiệt ngã không dễ gì để họ yên lòng. Không ai sống mà không có kí ức, nhất là khi quá khứ ấy là một nỗi đau thương về tình cảm coi như bị cướp giật. Thái độ khinh miệt không thể làm khỏa lấp được khoảng trống trong tâm hồn bầm dập thương tổn. Chẳng có cách nào lấp đầy một khoảng trống trong quá khứ. Phải sống với nó, bởi vì nó đã là một phần của hiện tại.
    Tháng Bảy Âm lịch, tháng Thân, tháng tuổi, tháng xấu nhất trong năm của tôi. Mẹ bảo tay tôi ?othối?, động vào cái gì là hỏng cái đó. Máy tính đang làm việc ngon lành, tôi động vào là hỏng. Mạng adsl đang bình thường, tôi động vào là không kết nối được. Cửa tủ đang yên lành, tôi động vào thì gãy rời ra. Ngay cả đến cái cánh tay khóa cửa bằng sắt, tôi mở cửa cũng gãy rời làm đôi. AY bảo có lẽ năng lượng của tôi quá mạnh vào tháng Bảy. Tôi than thở một mình khiến ông bật cười, chỉ có đứa con gái xấu xa mới động vào đâu là hỏng thứ đó. Tháng Bảy, Âm thịnh Dương suy, có lẽ tôi chỉ nên ngồi một chỗ đọc sách và chẳng làm gì. Hay có thể tôi là quỷ dữ. Tôi mong sau cho chóng qua Rằm, ngày mở cửa ngục, ngày xá tội vong nhân, ngày Vu Lan, ngày lễ báo hiếu, mà năm nay có những hai tháng Bảy. Nghe tôi giải thích, AY cười, bảo là người mừng nhất hẳn là AH.
    Hình như tôi có vẻ là một kẻ mê tín. Mà tôi nghĩ phần lớn người Việt Nam là mê tín. Nó ăn vào dòng máu nông nghiệp của ta rồi, thế mà chẳng hiểu vì sao người ta lại kì thị cái từ mê tín đến vậy. Tin vào một cái gì, mà nếu như cái đó tốt cho mình, thì có gì là xấu. Nếu ta tin trong tỉnh thức, nhìn được cái bản chất thực của vấn đề, luôn tự chủ thì chẳng có lí gì để mà bài xích, lo sợ. Chưa kể đến tín ngưỡng và tôn giáo của dân tộc ta là một bản sắc văn hóa đậm đà, không những được dân ta lưu giữ mà còn ngưỡng mộ. Cấm gì thì cấm, làm sao cấm được niềm tin của con người. Người ta hay lo sợ điều mà người ta không kiểm soát, không hiểu biết, không nắm bắt được. Có quá nhiều chuyện ở đời mà chúng ta không sao hiểu được. Nắm bắt chúng lại càng khó. Nhiều lúc tôi cảm thấy cuống cuồng. Cuộc đời mình quá ngắn ngủi, chẳng còn đủ thời gian để mà học hỏi, tu tập.
    Mỗi một ngày, khi trở về khách sạn, tôi lại lôi hộ chiếu ra ngắm nghía. Tôi nhìn ảnh của mình, rồi tôi nhìn những tấm visa có in ảnh. Tôi tìm sự khác biệt theo giời gian của bản thân. Tôi đọc đi đọc lại những dòng chữ. Tôi thích đọc. Cái gì cũng được, miễn là đọc. Tôi mân mê tấm vé. Vé một chiều. Tôi cố tìm một gợn nghẹn ngào bên trong mình. Tuyệt nhiên tôi chỉ thấy một cõi lạnh lùng, vắng lặng. Cảm xúc của tôi dường như chỉ đến khi mà hiện tại đã trở thành quá khứ. Một ngày kia, hiện tại nào rồi cũng trở thành quá khứ. Nỗi thương đau, hóa ra, lại không hề tồn tại. Chỉ có trống trơn. Giá lạnh.
    Nghe nói có cơn bão số 3. Trời lất phất mưa. Gió lạnh căm căm quất vào mặt như đầu đông. Lòng tôi cồn lên một cảm xúc của quá khứ, mùi của quá khứ, không gian của quá khứ, xúc cảm đến từ quá khứ không kèm theo kí ức nào. Tôi đi xe chậm rãi, như đi trên con đường trở về quá khứ. Mùi hoàng lan ngọt ngào, thanh khiết trong hơi nước lành lạnh. Con đường khuya, đèn đỏ, vắng tanh. Tôi như lạc vào trời đêm Hà Nội mười năm về trước, khi tôi còn là một cô gái trẻ trắng trong.
    Hai mươi sáu tuổi. Cơ thể bắt đầu nhẽo ra. Mỡ tích vào ở phần bụng. Người ta hỏi đã có em bé chưa. Quyết định cuộc đời chóng vánh. Thảng thốt nhận ra một người phụ nữ trong gương. Cô gái trẻ đã biến mất. Chẳng làm gì an ủi được cho mẹ. Không thể ổn định được cuộc sống. Chưa có tác phẩm nào để đời. Chẳng hiểu mình muốn gì. Cuộc sống dường như đang kết thúc mà chưa hề có sự bắt đầu. Cô đơn và tuyệt vọng, ngay cả trong niềm hạnh phúc.
    Có gì có thể san sẻ được, ngoại trừ quá khứ đã mất tăm?
    Cô độc...
    Tôi lấy làm ngạc nhiên vì tôi chẳng thấy sự khác biệt nào trong mối quan hệ với AY. Chúng tôi, vẫn chỉ là những người tình đi trên một chuyện tình cảm mong manh, dễ tan vỡ, vô định và chẳng có múc đích. Có thể tất cả những chuyện hợp đồng, giấy tờ, kí kết, ăn hỏi kia chỉ là những điều tôi mơ mộng ra để làm chộn rộn những ngày tháng tẻ nhạt của bản thân mình. Thậm chí, có lẽ AY cũng chẳng hề tồn tại.
    Chỉ có mình tôi, với căn phòng lạnh lẽo. Đối diện với khoảng không khí trong suốt trước mặt, nhào nặn nó thành những hình hài mang hơi ấm nằm cạnh, để tôi rúc đầu vào. Có thể là tôi điên khi biến những gì hiện hữu thực tại trở thành vô hình, thảng thốt khắc khoải vì sự biến mất ấy, nên tôi lại nhào nặn cái vô hình trở thành hiện hữu. Trò chơi của tâm thức là thú vui của kẻ đơn độc. Nếu chẳng có ai để chuyện trò, tâm thức sẽ đem đến cho một người bạn để mà nói chuyện. Ta sẽ chẳng bao giờ cô đơn, nếu như ta không nhận thấy có người khác ở bên cạnh.
    CC
  8. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    [​IMG] CC đang vi vu [​IMG]
    Buồn quá, chẳng thể post nhạc được
    http://www.freewebs.com/coltpard/Maksim%20-%20The%20Piano%20Player%20-%2011%20-%20Croatian%20Rhapsody.mp3

    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 19:07 ngày 05/08/2006
  9. Coltpard

    Coltpard Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/03/2005
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    0
    Hanoi, thu sau 04/08/06,
    Hà Nội có mùa mưa bão vào tháng Bảy. Tình yêu là một bản trường hận ca của nắng gay gắt, mưa rền rĩ, những cơn bão đổ vào biển Đông. Có ngày, ngay cả ban đêm, thời tiết vẫn oi bức. Có ngày, trời lạnh căm căm như mùa đông. Nhớ da diết những cơn gió mùa Đông Bắc đầu tiên tràn về. Quá khứ tĩnh lặng bị những tiếng rồ ga xe máy hung hăng trên đường xé toạc. Có những đôi bạn trai gái dong xe hàng hai hàng ba thản nhiên nói chuyện. Cô gái một tay lái xe, một tay rút di động ra buôn chuyện, rồi nhắn tin tí toách. Đèn đỏ người dừng người cứ thế phóng vù từ sau lao lên. Dòng người điên cuồng, cáu kỉnh cuộn xoáy ngang dọc trong tiếng xe, tiếng động cơ, tiếng người, tiếng loa phóng thanh, tiếng nhạc, tiếng ti vi... Một thế giới âm thanh và hình ảnh quyện vào nhau không ngơi nghỉ rồ lên cán nát be nát bét những mảnh quá khứ êm đềm còn sót lại. Một tình yêu, một niềm hi vọng, giờ chỉ còn là một sự chấp nhận.
    Người ta nhớ lâu hơn những gì gây cảm giác mạnh, tình yêu đớn đau, và những điều khiến ta khó chịu. Cái thế giới cuồng loạn này, xa sẽ nhớ, sẽ nghiện, cảm giác đi đến điểm tận cùng của thế giới.
    Góc phố bán bia lạnh 2000 đồng. Còi xe xé rách màng nhĩ. Đầy Tây ba lô má đỏ hây hây ngồi la liệt vỉa hè. Làm sao họ lại thích những thanh âm chộn rộn không thể nào dập tắt được ấy được? Những nhà hàng bán đĩa CD đã được chúng tôi cày nát. Có bốn hàng lớn, có hàng bán DVD mười bảy ngàn đồng, có hàng chỉ bán mười sáu ngàn, đôi khi tìm được những phim độc không thể tìm thấy ở chợ Trời. Thỉnh thoảng họ bật những bản nhạc trẻ ai oán, rầu rĩ hát về những mối tình tan vỡ, kể về một thế giới không có gì khác ngoài những chuyện tình yêu không vẹn toàn. Đôi khi có thể nghe những bản tình ca nước ngoài cũ rích, những bài hát tiếng Pháp của thập niên 50 và lâu hơn. Bạn đang lạc vào vùng hỗn độn của quá khứ và hiện tại. Những con phố cổ đầy đèn điện sa hoa. Những người đàn ông choi người đạp xe xích lô gõ chuông gọi lanh canh và những chiếc taxi bấm còi bin bin, lái xe mở cửa kính vẫy khách.
    Rác đầy đường, từng đụn đống vào buổi tối. Người ta đã bắt đầu đốt vàng mã ở vỉa hè, tro bay tứ tung sang nhà người khác. Những cửa hiệu bán đồ trang sức treo đầy vòng vàng bạc. Phố bán đồ mĩ nghệ đủ những thứ xinh đẹp màu sắc sặc sỡ, bày biện trang nhã, nghển cổ ngoái nhìn vào khiến AY kéo tay đi. Xe máy cứ lao tới như muốn cán chết người ta, còi chói lói, AY luôn đi phía ngoài để che, tôi khép nép đi vào vỉa hè chật hẹp.
    Nhà hàng đủ loại bình dân và cao cấp, khách sạn nho nhỏ tôi tối hun hút lên cao. Các ban công bân bẩn, treo những đồ tạp nham, khó lắm mới ngó lên được vì mải nhìn đường. Những ngõ nhỏ thăm thẳm sâu hoắm vào bên trong như dẫn sang thế giới khác.
    Đi dạo loanh quanh. Phố bán đồ thờ cúng. Phố chuyên khắc dấu. Phố làm đồ thiếc. Phố bán đồ chơi. Phố làm hàng mã. Phố bán thuốc. Phố rặt đồ ăn. Phố tuyệt đen tối thinh lặng. Tôi lạc hẳn vào một thế giới mà tôi đã lướt qua. Hỡi ôi, hai sáu tuổi, người Hà Nội, tôi chỉ phóng xe vèo vèo đi qua cuộc sống để bảo là mình hiểu biết. Những con phố, phải sống cùng nó, đi trên nó mỗi ngày, hòa vào nó, mới cảm thấy sức sống của nó. Muốn hiểu hơn về mình, hãy trở thành một người khác. Sẽ chưa bao giờ là một người Hà Nội nếu chưa bao giờ là một khách du lịch kiểu ba lô tới thăm Hà Nội.
    Đoàn người Nhật ngồi trên những chiếc xích lô lọng vàng, mặt mũi nghiêm túc, gần như câm lặng, ngắm nhìn đường phố với ánh mắt lạnh lùng, phụ nữ lấy khăn tay nhỏ che mũi, tuyệt nhiên chẳng nở nụ cười. Người Trung Quốc đi thành đoàn, đứng đầy trước cổng đền Ngọc Sơn, ăn to nói lớn, xả rác vô tư như người Việt. Đám Tây da trắng đủ màu tóc, xé lẻ một hai người, đeo ba lô khổng lồ sau lưng và trước bụng như địu trẻ con, áo quần xốc xếch, mải mướt mồ hôi, mặt mũi tươi tỉnh, rảo những bước dài. Những cô gái Châu Âu cao lớn, áo hai dây không áo lót, váy dài, dép thấp, khỏe khoắn và tươi trẻ, má hây hây. Người đàn bà đứng tuổi tóc vàng, ngồi khuất trong góc quán, uống cà phê, hút thuốc lá, đọc sách hướng dẫn du lịch...
    Có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ba Nha, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc... lẫn trong những thanh âm cuồng loạn của phố phường. Rác ở khắp mọi nơi. Những đường phố sau cơn mưa bân bẩn. Chợ hàng Bè lắm thứ thực phẩm tươi ngon nhất Hà Thành, dậy mùi ô uế về đêm. Những gánh hàng rong bị xua đuổi. Những em bé bán đồ dạo tóc đỏ nói vài ba câu tiếng Tây. Những đứa con gái bán bản đồ, mời chào rồi câng câng nói hỗn khi người nước ngoài xua tay từ chối. Đôi khi tôi ước mình không biết tiếng Việt, để cứ nhìn Hà Nội như đám khách du lịch nước ngoài, chỉ là những thanh âm hỗn tạp của thứ ngôn ngữ chói lói như mèo kêu, một điểm giao hòa giữa quá khứ và hiện tại, Đất Trời bỏ lơ, đầy ắp những nụ cười đon đả.
    Có ngày tôi dả vờ làm người nước khác, đôi lúc ta phải giả vờ, giả vờ là một thói quen, một sở thích, một đặc tính, một cái gì đó đã ngấm vào trong máu. Tôi mặc áo hai dây, đi dép thấp, nói tiếng Anh, họ hỏi tiếng Việt thì tôi lắc đầu. Hỏi giá cái gì họ cũng đon đả tươi cười tăng lên gấp ba gấp bốn, tôi xua tay không mua, quay đi thì nghe tiếng họ nhấm nhẳng đá theo, nhẹ thì vài câu xách mé, nặng thì nói bậy như rủa, họ bảo người nước ngoài có hiểu gì, nói cho sướng miệng. Là họ chỉ nói đằng sau lưng thôi, chứ tôi quay lại thì họ lại cười toét miệng. Thảm nào khách du lịch có người bảo Việt Nam lịch sự hiếu khách, có người (hiêu hiểu tiếng Việt) lại bảo nước mình mang một văn hóa dối lừa lớn lao, nhưng kì lạ là đi xa rồi thì lại nhớ.
    Nước mía đầy đá. Hoa quả ê hề, quả thối vứt đầy đường. Nước chanh tươi không đường chan chát trong leo lẻo của AY. Bớt chỗ nọ xén chỗ kia, véo miếng này đập miếng khác. Hàng mẹt thuốc lá dạo, chạy như vịt. Người bán bật lửa đeo mẹt trước bụng chào mời. Hàng thịt ngồi ở vỉa hè, thịt đỏ roi rói, giương mắt nhìn người cảnh vệ đeo băng đỏ dơ tay chỉ chỏ vào mặt hàng rau đang cun cút kéo mẹt rau về phía mình. Loa phóng thanh. Những nụ cười giả dối. Máy chụp ảnh. Máy quay phim. Người đi xuôi ngược như mắc cửi. Còi xe cào nát không khí. Hàng sách tiếng nước ngoài để từng đống, một kho đĩa CD và VCD. Quán Bar nhỏ tôi tối, nhạc rập rình. Người đàn bà đứng tuổi đánh phấn trắng, bôi son đỏ, bắt chuyện tiếng Anh với người nước ngoài trong quán Dragon bar, đôi vợ chồng chủ quán trẻ thì thầm đó là "ve già". Đêm về, các cô gái thân hình thon thả, nước hoa thơm thơm, áo hở vai hở ngực, váy phấp phới, giầy cao gót, phóng xe đẹp trên đường.
    Người ta bảo muốn viết thì phải đi nhiều, phải xả thân, phải thâm nhập, phải sống mà chiêm nghiệm nhiều cảnh đời, nhiều cấp độ nhận thức, nhiều cách sống, nhiều lối suy nghĩ, nhiều kiểu tư duy. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy càng biết nhiều thì càng nặng nề. Ngồi ở hàng ốc đầu đường, nghe tiếng còi xe inh ỏi, nhìn người ta ngông nghênh dựng giữa đường nhỏ lườm lườm người bóp còi đằng sau. Tai nạn, xe sau húc xe trước, chửi bới, gây gổ. Đám Tây cứ tròn mắt nhìn. Bia lạnh chát chúa cả cổ. Nhớ cái ngây ngô của chính mình, để thấy hóa ra mình thích làm con gà công nghiệp hơn.
    Ừ, thôi thì cứ ngô nghê như ngớ ngẩn. Đi đường nhìn xuống rồi lại nghểnh cổ nhìn lên, nghe người ta mắng cũng như là tiếng đường phố. AY cười nói thứ tiếng Việt kì kì như trẻ con: "Anh có đũa trái tay" (tức là " Anh có thể cầm đũa tay trái"). Ước gì cứ là trẻ con mãi, lúc nào cũng trắng trong...
    CC

    Được Coltpard sửa chữa / chuyển vào 09:20 ngày 06/08/2006
  10. buck

    buck Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/02/2004
    Bài viết:
    1.020
    Đã được thích:
    0
    Mỗi lần tạt qua topic của bà chị lại nghe được một bản nhạc thú vị, không ngờ cái cảm giác nghe nhạc không có chủ định từ trước lại sảng khoái thế, cảm ơn bà chị nhé
    Buck

Chia sẻ trang này